THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ****** |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** |
Số: 381-TTg |
Hà Nội, ngày 10 tháng 12 năm 1979 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO CÔNG TÁC THUỶ LỢI, TÍCH CỰC PHÒNG, CHỐNG HẠN, BẢO ĐẢM ĐỦ NƯỚC CHO SẢN XUẤT ĐÔNG XUÂN 1979-1980 Ở CÁC TỈNH MIỀN BẮC.
Tại các tỉnh miền Bắc từ trung tuần tháng 9 đến nay mưa rất ít hoặc không mưa, khô hanh kéo dài, lượng bốc hơi lớn, dòng chảy các sông, suối giảm nhanh; mức nước của các sông hiện nay quá thấp, dưới mức nước bình quân của nhiều năm và chỉ cao hơn một ít so với thời kỳ năm 1962 là năm hạn nặng nhất trong vòng 30 năm gần đây.
Cho đến nay, Tổng cục khí tượng và thuỷ văn chưa dự báo được tình hình mưa trong các tháng tới, nhưng khả năng mưa mùa này rất ít, vì vậy, để sẵn sàng và chủ động đối phó với tình huống khó khăn nhất, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngành ở Trung ương và Ủy ban nhân dân các cấp phải khẩn trương thực hiện những điểm chủ yếu sau đây:
1. Ngành thuỷ lợi phải cùng các địa phương kiểm tra đánh giá tình hình hạn hiện nay ở từng khu vực (kể cả các diện tích ở trong và ngoài hệ thống công trình thuỷ lợi), xác định khả năng nguồn nước trong từng hệ thống thuỷ nông để có biện pháp trữ nước, sử dụng nước, điều hành quản lý các hệ thống thuỷ nông, bảo đảm hiệu quả cao nhất của các nguồn nước phục vụ cho vụ sản xuất đông xuân. Ở những nơi thiếu nguồn nước phải hướng dẫn hợp tác xã đào thêm ao, giếng nhằm tạo thêm nguồn nước; đồng thời phải phát triển và chủ động tát nước bằng gầu guồng, không trông chờ, ỷ lại vào trạm bơm và máy bơm dầu của Nhà nước.
Phải hợp đồng chặt chẽ với các ngành có liên quan như Bộ Nông nghiệp, Bộ Điện và than, Bộ cơ khí và luyện kim, Bộ vật tư,… để giải quyết những yêu cầu cấp thiết trong công tác phòng, chống hạn. Mặt khác, phải sẵn sàng đề phòng úng khi thu hoạch vụ đông.
2. Ngành nông nghiệp phải kết hợp với ngành thuỷ lợi để xác định khả năng nguồn nước hiện có để bố trí cơ cấu cây trồng cho phù hợp với từng vùng, từng địa phương, đồng thời chủ động đề xuất yêu cầu nước để ngành thuỷ lợi có kế hoạch phục vụ khớp với tiến độ sản xuất ở từng vùng.
Chỉ đạo các hợp tác xã nông nghiệp xác định cụ thể các diện tích làm đầm, làm ải, gieo thẳng và lịch gieo cấy phù hợp với kế hoạch vận hành của hệ thống thuỷ nông.
Phối hợp với ngành thuỷ lợi hướng dẫn, đôn đốc các địa phương củng cố và xây dựng thêm bờ thửa, bờ khoảnh để giữ nước, xây dựng và củng cố đội hoặc tổ thuỷ nông trong hợp tác xã nông nghiệp để quản lý nước trên đồng ruộng, mở rộng diện tích tưới tiêu nước theo phương pháp khoa học, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu diện tích, năng suất và sản lượng của vụ sản xuất chiêm xuân.
3.Ngành điện phải tăng cường kiểm tra việc sử dụng điện thưo quy định: hết sức tiết kiệm, chống lãng phí, đồng thời phải khẩn trương sửa chữa máy biến thế, đường dây, chú ý những đường dây, trạm biến thế thường hay bị sự cố, mất điện, thiếu công suất làm ảnh hưởng đến việc phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Huy động thêm lực lượng điện đi-ê-den bổ sung cho những nơi thiếu nguồn, đặc biệt là cho tỉnh Nghệ Tĩnh và các tỉnh cuối nguồn.
Khai thác hợp lý nguồn thuỷ điện Thác Bà và phải dành nước thích đáng cho thời gian ngả ải, dưỡng lúa giữa vụ và cuối vụ chiêm xuân (tháng 3, tháng 4 năm 1980).
Công bố trước cho các địa phương số lượng điện dành cho nông nghiệp. Trong khi phân phối điện cho các ngành của tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm bảo đảm đủ điện cho các trạm bơm nước trong dịp cấy.
Bảo đảm cung cấp điện ổn định cho các trạm bơm trong lưới điện.
4. Các ngành cơ khí và luyện kim, vật tư, hoá chất, điện than:
Bộ vật tư phải cung cấp đủ, kịp thời nhiên liệu cho các loại máy bơm, máy phát điện và máy cày, nơi nào đã hết chỉ tiêu nhiên liệu năm 1979 thì Bộ Vật tư có thể tạm ứng chỉ tiêu nhiên liệu năm 1980.
Bộ cơ khí và luyện kim, Tổng cục hoá chất, Bộ Điện và than phải động viên toàn ngành gia công chế tạo và cung ứng kịp thời các phụ tùng cho máy bơm điện, bơm dầu, ống cao su, thiết bị điện hạ thế … để sửa chữa và vận hành máy bơm phục vụ sản xuất đông xuân.
5. Ngành bưu điện phải bảo đảm và dành ưu tiên phục vụ việc chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, chống hạn, chống úng. Bảo đảm thông suốt thông tin liên lạc trong mọi tình huống.
Sửa chữa củng cố các tuyến đường dây điện thoại ở các địa phương, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt từ tỉnh xuống các trạm bơm điện lớn, các công trình thuỷ lợi quan trọng và các công ty quản lý thuỷ nông.
6. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố:
Tình hình hạn diễn ra trong lúc nguồn điện và xăng dầu rất hạn chế, vì vậy phải đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ và xã viên ý thức trách nhiệm, tinh thần tiết kiệm nước, điện và dầu; phải củng cố các công ty quản lý thủy nông và đội quản lý nước của hợp tác xã. Phải quy định chế độ quản lý nước, chế độ kiểm tra đồng ruộng. Từ cấp xã trở lên đều có chế độ làm việc tập thể gồm đồng chí phó chủ tịch phụ trách nông nghiệp, đồng chí phụ trách thuỷ lợi và điện (nếu có) để điều hành công việc và giải quyết kịp thời những vấn đề tồn tại theo lịch tiến độ sản xuất gieo trồng.
Phải thưởng, phạt nghiêm minh, kịp thời biểu dương người tốt việc tốt; nghiêm khắc phê phán và kịp thời xử lý đối với những đơn vị và cá nhân làm ăn tuỳ tiện, thiếu trách nhiệm gây lãng phí nước, điện và xăng dầu.
Phát động mạnh mẽ phong trào nhân dân làm thuỷ lợi, nạo vét kênh mương, xây dựng đồng ruộng, sửa chữa cống, đập, trạm bơm điện, bơm dầu, sắm gầu, guồng tát nước chống hạn, hỗ trợ cho máy bơm.
Thủ tướng Chính phủ nhắc các đồng chí thủ trưởng các ngành, các cấp căn cứ vào tình hình cụ thể, có kế hoạch tổ chức thực hiện thật tốt các chỉ thị này và động viên mọi khả năng của ngành mình, địa phương mình ra sức khắc phục những khó khăn, bảo đảm có đủ nguồn nước cho vụ sản xuất đông xuân 1979-1980 phát triển mạnh mẽ cả lúa, màu và cây công nghiệp, phấn đấu đạt và vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch của Nhà nước năm 1980.
|
KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÓ THỦ TƯỚNG
Lê Thanh Nghị |