ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 25/CT-UBND
|
Hà Tĩnh, ngày 20
tháng 12 năm 2013
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG
CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 132/2010/NQ-HĐND
ngày 13/10/2010 của HĐND tỉnh phê duyệt Đề án quản lý chất thải rắn trên địa
bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2015 và định hướng những năm tiếp theo (gọi tắt là NQ
132); Kế hoạch số 4600/KH-UBND ngày 30/12/2010 của UBND tỉnh về việc triển khai
thực hiện NQ 132; công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh đã được cấp
ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện và đạt được kết
quả bước đầu, như sau: Công tác quán triệt NQ 132, triển khai kế hoạch của UBND
tỉnh tới các cấp, các ngành, các địa phương và tới mọi người dân trên địa bàn
nhằm nâng cao nhận thức người dân về thu gom, xử lý chất thải rắn, ý thức về
bảo vệ môi trường, góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. UBND tỉnh
ban hành Quyết định số 418/QĐ-UBND ngày 04/02/2013 về việc điều chỉnh Quy hoạch
quản lý chất thải rắn đô thị trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến
2030; theo đó các Sở, ban, ngành tổ chức hướng dẫn và quy định quy hoạch các
khu quản lý chất thải rắn trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới, các xã quy
hoạch nông thôn mới đã phê duyệt quy hoạch địa điểm cho các trạm trung chuyển,
hoặc bãi xử lý của xã. Đầu tư của các doanh nghiệp hoạt động về môi trường và
xây dựng mô hình hợp tác xã, tổ đội môi trường ở các huyện từ năm 2011 đến năm
2013 đạt khá, xây dựng được Nhà máy đạt tiêu chuẩn về xử lý môi trường, thu gom
rác thải và xử lý tại khu vực đô thị đạt 90,1%; số hợp tác xã, tổ đội vệ sinh
từ 32 đơn vị đến nay có 140 HTX; các đơn vị hoạt động về môi trường đầu tư
trang bị máy móc, phương tiện từng bước đáp ứng yêu cầu thiết yếu cho sản xuất
và các dịch vụ môi trường.
Tuy vậy, quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn,
tồn tại như: Số lượng rác thải ngày càng tăng trong khi cơ sở hạ tầng kỹ thuật không
đáp ứng; công tác triển khai quy hoạch xây dựng các khu xử lý chất thải rắn
không đáp ứng theo yêu cầu kế hoạch; quản lý, thu gom và xử lý rác thải ở nhiều
địa bàn chưa đáp ứng yêu cầu; nhiều địa phương việc thu gom, xử lý rác thải còn
mang tính tự phát, xử lý không triệt để, hoặc còn tồn đọng rác, xả thải tự do,
còn nhiều tụ điểm ở đô thị, nông thôn, các trục giao thông chính tình trạng đổ
rác thải bừa bãi, tràn lan, làm mất mỹ quan khu vực, ảnh hưởng đến môi trường
và sức khỏe cộng đồng. Các khó khăn, tồn tại nêu trên, ngoài nguyên nhân khách quan
thì chủ yếu vẫn là nguyên nhân chủ quan, đó là nhận thức và trách nhiệm của cấp
ủy, chính quyền các cấp đặc biệt là cấp xã và một số huyện còn yếu kém, không
tập trung, chưa xây dựng kế hoạch thực hiện NQ 132, chưa huy động được các
nguồn lực để đầu tư các khu xử lý rác thải, công tác xúc tiến đầu tư đạt kết
quả thấp, việc hình thành HTX môi trường, tổ đội VSMT thiếu cơ chế chính sách
cho các tổ chức hoạt động; công tác quản lý nhà nước của các Sở, ban, ngành,
địa phương còn buông lỏng ...vv.
Để tiếp tục thực hiện tốt NQ 132 và Kế hoạch của
UBND tỉnh, tăng cường công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn, phát huy
hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ thu gom, vận chuyển và
xử lý chất thải rắn, cải thiện chất lượng môi trường; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu
cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các
huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng các đơn vị, cá nhân liên quan tập trung
chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt một số nội dung sau:
- Hoàn thành đầu tư các khu xử lý tập trung của huyện
theo quy hoạch đã được phê duyệt, trong đó ưu tiên xây dựng các công trình tái
chế chất thải rắn tại các huyện: Kỳ Anh, Lộc Hà, Can Lộc, Hương Khê, Nghi Xuân,
Vũ Quang, Hương Sơn.
- Xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách về công
tác quản lý chất thải rắn.
- Khuyến khích 100% đô thị thực hiện xã hội hóa
công tác quản lý, xử lý chất thải rắn thông qua cơ chế đặt hàng hoặc đấu thầu
dịch vụ, trên cơ sở bảo đảm an toàn và vệ sinh môi trường.
- Thực hiện phân loại chất thải rắn tại hộ gia đình
cho 80% các đô thị được đầu tư xây dựng công trình tái chế chất thải rắn.
- Thực hiện thu gom rác thải tại khu vực đô thị đạt
100%, tại khu vực nông thôn đạt 90%.
- Xử lý triệt để các bãi rác gây ô nhiễm môi trường
nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng
Chính phủ.
UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ngành,
như sau:
1. Sở Xây dựng: Hoàn thành việc rà soát các
nội dung, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 132, đề xuất các vấn đề cần
chỉnh sửa, bổ sung kế hoạch, trình UBND tỉnh ban hành để thực hiện; Tăng cường
công tác quản lý nhà nước đối với chất thải rắn trên địa bàn tỉnh; chủ trì,
phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan, UBND cấp huyện tăng cường công tác thanh
tra, kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án xây dựng thu gom, xử lý chất
thải; xây dựng, bổ sung phí vận chuyển và xử lý chất thải rắn, hoàn thành trong
Quý I năm 2014; tiếp tục thực hiện các chương trình theo Đề án về quản lý chất thải
rắn đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 theo Nghị quyết của HĐND tỉnh. Chủ trì
phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo
yêu cầu của Bộ Xây dựng, UBND tỉnh về tình hình quản lý chất thải rắn trên địa
bàn.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường: Tăng cường công
tác thanh tra, kiểm tra việc thu gom, vận chuyển, tập kết chất thải rắn trên
địa bàn tỉnh đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành về bảo vệ môi trường; chủ trì
tổ chức điều tra quan trắc, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường tại các cơ sở xử
lý, tiêu hủy và các bãi chôn lấp chất thải rắn trên địa bàn tỉnh để xử lý theo
quy định; chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng và các Sở, ngành liên quan, UBND các
huyện, thành phố, thị xã trong công tác xây dựng Đề án kiện toàn hệ thống thu
gom, vận chuyển chất thải rắn, lập các danh mục đầu tư mua sắm trang thiết bị
chuyên dụng, các phương tiện khác phục vụ cho công tác thu gom, vận chuyển chất
thải rắn; chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức điều
tra, khảo sát, thống kê, đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp quản lý chất
thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp trên địa bàn tỉnh, trước mắt, ưu tiên
tập trung địa bàn huyện Kỳ Anh và các khu kinh tế, cụm công nghiệp, việc điều
tra được tiến hành đồng bộ với công tác kiểm soát chất thải và yêu cầu doanh
nghiệp đăng ký để cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải; có kế hoạch xây dựng và đưa
khu xử lý chất, thải nguy hại vào sử dụng (ban hành quy trình chuyển giao, vận
chuyển, xử lý chất thải nguy hại giữa chủ nguồn thải và chủ thu gom xử lý để tổ
chức thực hiện); chủ trì, phối hợp với các sở liên quan xây dựng quy chế, quy
trình thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh hoàn thành trong Quý I năm
2014; Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ cho các hoạt động
liên quan đến công tác vận chuyển chất thải rắn, trong đó ưu tiên hỗ trợ HTX
trong việc đầu tư trang thiết bị ban đầu; quy chế về thành lập và tổ chức hoạt
động của các hợp tác xã, tổ đội vệ sinh môi trường; cơ chế, chế tài xử phạt
trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn, hoàn thành trong Quý II năm 2014; phối
hợp với Sở Xây dựng và sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện chương
trình xử lý triệt để các bãi rác gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết
định số 64/2003/QĐ-TTg; tiếp tục thực hiện các chương trình theo Đề án về quản
lý chất thải rắn đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 theo Nghị quyết của HĐND
tỉnh.
3. Sở Tài chính: Tham mưu bố trí kinh phí, triển
khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thuế, tài chính... theo quy định của Nhà nước
đối với các dự án đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn, các đơn vị thu
gom, vận chuyển, xử lý hoàn thành trong Quý I năm 2014; chủ trì phối hợp với
các đơn vị có liên quan thẩm định đơn giá vận chuyển và xử lý chất thải rắn
trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét để trình HĐND tỉnh vào Quý II, năm 2014; phối
hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia xã hội
hóa trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn thực hiện các ưu đãi, hỗ trợ theo quy định
hiện hành; phối hợp với các sở liên quan xây dựng quy chế quy trình tổ chức
thu, quản lý, sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn trong Quý I
năm 2014.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp
với các ngành liên quan tham mưu, đề xuất thực hiện các chính sách ưu đãi trong
thu hút đầu tư đối với các dự án đầu tư xử lý chất thải rắn theo quy định hiện
hành; thẩm định và tham mưu bố trí kinh phí đầu tư xây dựng các bãi xử lý chất
thải rắn trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ưu tiên đối với các dự án đang xây dựng
dở dang cần đưa vào hoạt động, các dự án đã được phê duyệt.
5. Sở Y tế: Tăng cường đôn đốc, chỉ đạo việc
thu gom, phân loại, hướng dẫn xử lý chất thải rắn từ hoạt động y tế trên địa
bàn tỉnh; tiếp tục thực hiện các chương trình theo Đề án về quản lý chất thải rắn
đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 theo Nghị quyết của HĐND tỉnh.
6. Sở Khoa học và Công nghệ: Nâng cao chất
lượng thẩm định đối với các công nghệ, thiết bị xử lý, tái chế chất thải rắn
của các dự án trên địa bàn tỉnh; Cập nhật thông tin và lựa chọn, công nghệ thu
gom, xử lý chất thải rắn phù hợp với địa phương, đề xuất áp dụng; Chủ trì phối
hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu ban hành chính sách khuyến khích,
hỗ trợ các tổ chức, cá nhân áp dụng đổi mới công nghệ, thiết bị trong các lĩnh
vực xử lý chất thải rắn nhằm đảm bảo nâng cao công tác bảo vệ môi trường; tiếp
tục thực hiện các chương trình theo Đề án về quản lý chất thải rắn đến năm
2015, tầm nhìn đến năm 2020 theo Nghị quyết của HĐND tỉnh.
7. Sở Công Thương: Tăng cường công tác quản
lý, giám sát tình hình thu gom, phân loại, hướng dẫn việc xử lý chất thải rắn
phát sinh trong các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, xí nghiệp sản xuất riêng
lẻ trên địa bàn tỉnh; tham mưu, xem xét lựa chọn các công nghệ thân thiện với
môi trường các dự án đầu tư vào tỉnh, ưu tiên các loại hình công nghệ ít thải
chất thải, ít gây ô nhiễm môi trường; Tiếp tục thực hiện các chương trình, theo
Đề án về quản lý chất thải rắn đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 theo Nghị
quyết của HĐND tỉnh.
8. Sở Thông tin và Truyền thông: Phối hợp với
Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh và các cơ quan thông tin truyền
thông khác có hình thức tuyên truyền thích hợp, thường xuyên có các chuyên mục
tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng việc thực hiện Chỉ thị
này và các quyết định có liên quan khác, đồng thời phản ánh kịp thời tình hình
quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh; Tiếp tục thực hiện các chương trình
theo Đề án về quản lý chất thải rắn đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 theo
Nghị quyết của HĐND tỉnh.
9. UBND các huyện thành phố, thị xã: Tiếp
tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình theo Đề án về quản lý
chất thải rắn đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 theo Nghị quyết của HĐND
tỉnh. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng, bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận
thức của người dân, của cộng đồng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; xây dựng,
thực hiện kế hoạch, đề án, dự án và có chính sách xã hội hóa để thu hút cá
nhân, tổ chức tham gia công tác thu gom và xử lý chất thải rắn trên địa bàn; kiểm
tra, thống kê các doanh nghiệp, các cơ sở dịch vụ thu gom chất thải rắn để có
biện pháp tổ chức, sắp xếp lại phù hợp (hỗ trợ đơn vị hoạt động theo phương án
bù đắp đủ chi phí, quản lý tự thu, tự chi có hiệu quả, hỗ trợ tổ chức hoạt động
đa ngành, bù đắp chi phí để có điều kiện hoạt động; xây dựng cơ chế quản lý phù
hợp), phân vùng thu gom hợp lý; chỉ đạo UBND cấp xã, các doanh nghiệp, các cơ
sở HTX, tổ đội dịch vụ thu gom chất thải rắn thực hiện các giải pháp thu phí vệ
sinh trên địa bàn, quản lý và hướng dẫn các đơn vị thu phí theo biểu phí và cơ chế
quản lý theo quy định. Đặc biệt là huy động các nguồn lực xây dựng các khu xử
lý chất thải rắn theo quy hoạch đã phê duyệt (phối hợp với các Sở, ngành liên quan
lập kế hoạch, dự án đầu tư các công trình xử lý chất thải rắn trên địa bàn); tổ
chức thực hiện tốt quy hoạch điều chỉnh quản lý chất thải sinh rắn cho các đô
thị tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo nội dung đã được
phê duyệt; chịu trách nhiệm quản lý việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn, quản
lý khu xử lý rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn quản lý; chỉ đạo,
hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra UBND cấp xã trong việc thực hiện các quy định về
quản lý chất thải rắn trên địa bàn và các quy định khác của pháp luật có liên
quan; hướng dẫn UBND cấp xã triển khai trên địa bàn (thôn, xóm, bản, tổ dân phố...)
xây dựng, ban hành và thực hiện Hương ước có các quy định về bảo vệ môi trường
nói chung và quản lý chất thải rắn nói riêng; gắn xây dựng kết cấu hạ tầng nông
thôn mới với xây dựng các khu xử lý tập trung, các trạm trung chuyển tại cấp xã
(có kế hoạch cụ thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình đầu tư xây dựng
các khu xử lý chất thải rắn tập trung ở huyện, đối với các huyện chưa có khu xử
lý chất thải rắn, yêu cầu khẩn trương lựa chọn địa điểm, lập dự án đầu tư xây
dựng, đối với các huyện đã được phê duyệt dự án đầu tư xây dựng khu xử lý cần khẩn
trương xây dựng và đưa vào sử dụng); cân đối ngân sách và có cơ chế, lộ trình phù
hợp trong việc đầu tư xây dựng khu xử lý và hỗ trợ cho các HTX, tổ, đội môi trường
trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn; nghiên cứu thí điểm
mô hình phân loại rác tại nguồn, xử lý triệt để, có hiệu quả cao; nâng cao nhận
thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng; tổ chức đánh giá tình hình quản lý chất
thải rắn tại địa phương, báo cáo kết quả theo yêu cầu của các Sở, ban, ngành có
liên quan về tình hình thực hiện hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn
trên địa bàn.
10. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn
thể: Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành và chính quyền các
cấp thực hiện công tác tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân nâng
cao nhận thức và hành động thiết thực bảo vệ môi trường nói chung và quản lý
chất thải rắn nói riêng.
Yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành
cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và các tổ chức, cá nhân
liên quan thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và
Môi trường theo dõi tình hình và kết quả triển khai thực hiện của các đơn vị,
định kỳ 3 tháng, 6 tháng tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.
Nơi nhận:
- TTr Tỉnh ủy, TTr HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- UBMT Tổ quốc tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Chánh VP, các PVP UBND tỉnh;
- Báo Hà Tĩnh, Đài PT – TH tỉnh;
- Trung tâm Công báo – Tin học tỉnh;
- Lưu: VT, NL1, XD.
- Gửi: Bản giấy và điện tử
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Đình Sơn
|