ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------
|
Số:
21/2010/CT-UBND
|
TP.
Hồ Chí Minh, ngày 04 tháng 10 năm 2010
|
CHỈ THỊ
VỀ
TĂNG CƯỜNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NƯỚC LƯU VỰC HỆ THỐNG SÔNG ĐỒNG NAI TRÊN ĐỊA BÀN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TỪ NAY ĐẾN NĂM 2011 VÀ GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
Trong thời gian qua, thành phố
đã có nhiều nỗ lực trong việc ngăn ngừa, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường
bằng nhiều giải pháp khác nhau vừa mang tính trước mắt, vừa mang tính lâu dài.
Tuy nhiên, tình hình ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến
phức tạp, nhiều vấn đề bức xúc cần phải được tập trung giải quyết, đặc biệt là
việc ô nhiễm nguồn nước sông Sài Gòn - Đồng Nai, hệ thống sông, kênh, rạch của
thành phố.
Hiện tượng xả các chất thải
không qua xử lý, hoặc chưa xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật còn nhiều;
nhiều cơ sở sản xuất có ngành nghề gây ô nhiễm môi trường như dệt nhuộm, giấy,
bột giấy, cao su, thuộc da, hóa chất, lương thực, thực phẩm,… nhưng khả năng về
xử lý chất thải kém, thường xả thẳng vào nguồn nước các sông, kênh, rạch. Những
hoạt động này dù đã được cơ quan chức năng bảo vệ môi trường kiểm tra, thanh
tra và xử lý nhưng chưa triệt để, sự giám sát còn thiếu đồng bộ. Công tác quản
lý nhà nước trong thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường còn hạn chế; chưa kết
hợp chặt chẽ việc phát triển kinh tế, đầu tư với bảo vệ môi trường.
Từ những nguyên nhân trên, nhằm
từng bước cải thiện chất lượng môi trường sông, kênh, rạch, đặc biệt là hệ
thống sông Sài Gòn - Đồng Nai trên địa bàn thành phố đảm bảo mục tiêu phát
triển bền vững, đáp ứng nguồn cấp nước sạch cho hoạt động kinh tế - xã hội của
thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Giám đốc các Sở - ban - ngành
thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện; lãnh đạo các đơn vị, tổ
chức, doanh nghiệp có liên quan thực hiện ngay các giải pháp cấp bách từ nay
đến cuối năm 2011 và giai đoạn 2011 - 2015 như sau:
1. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi
trường có trách nhiệm:
a) Giao nhiệm vụ cho Chi cục Bảo
vệ môi trường trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường làm cơ quan đầu mối tham
mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố trong việc phối hợp với các cơ quan Trung
ương liên quan, 11 tỉnh thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, Ủy ban Bảo vệ môi
trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai thực hiện Đề án Bảo vệ môi trường lưu vực
hệ thống sông Đồng Nai (gọi tắt là Đề án sông Đồng Nai); đồng thời chủ động,
tham mưu tổ chức điều phối triển khai các nhiệm vụ, dự án bảo vệ môi trường
nhằm thực hiện Đề án sông Đồng Nai trên địa bàn thành phố có hiệu quả;
b) Chủ trì, phối hợp các Sở -
ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các quận - huyện chỉ đạo, đôn đốc thực hiện Đề
án sông Đồng Nai trên địa bàn thành phố, định kỳ 06 tháng tổng hợp báo cáo kết
quả cho Ủy ban nhân dân thành phố;
c) Tăng cường, hoàn thiện hệ
thống quan trắc chất lượng nước mặt trên địa bàn thành phố, hệ thống quan trắc
chất lượng nước thải tự động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công
nghệ cao; thường xuyên thực hiện chương trình quan trắc, giám sát chất lượng
môi trường nói chung và chất lượng nước sông, kênh, rạch thành phố; làm đầu mối
thông tin, chia sẻ dữ liệu với các Sở - ngành liên quan và các tỉnh, thành trên
lưu vực sông Đồng Nai, Ủy ban sông Đồng Nai;
d) Chủ trì và phối hợp với các
Sở - ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các quận - huyện đẩy mạnh công tác tuyên
truyền, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường; tăng
cường công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra để xử lý kịp thời, nghiêm minh các
hành vi vi phạm pháp luật về môi trường. Ngăn ngừa, ngăn chặn sự gia tăng ô
nhiễm nguồn nước một cách triệt để; tổ chức bộ máy nhân sự và trang thiết bị
nhằm ứng phó sự cố môi trường và giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường;
đ) Nghiên cứu đẩy mạnh công tác
xã hội hóa trong bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển cơ chế cộng đồng tự
quản và giám sát môi trường;
e) Chịu trách nhiệm là cơ quan
thường trực, tham mưu toàn diện cho Ủy ban nhân dân thành phố về tình hình
triển khai thực hiện Đề án sông Đồng Nai trên địa bàn thành phố; theo dõi, đánh
giá kết quả thực hiện.
2. Giám đốc Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn có trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài
nguyên và Môi trường và các Sở - ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các quận -
huyện kiểm soát các nguồn thải vào hệ thống kênh thủy lợi, xử lý nghiêm các
trường hợp vi phạm;
b) Chủ trì, phối hợp với các Sở
- ngành liên quan tuyên truyền, vận động người dân sử dụng đúng và hiệu quả
thuốc bảo vệ thực vật; kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông
nghiệp.
3. Giám đốc Sở Công Thương có
trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài
nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân quận - huyện kiểm soát môi trường trong
lĩnh vực ngành công thương, các cụm công nghiệp tập trung;
b) Kiểm tra, xử lý dứt điểm tình
trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công
nghiệp đi đôi với hình thành các cụm công nghiệp bảo đảm các điều kiện về xử lý
môi trường.
4. Giám đốc Sở Y tế có trách
nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài
nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân quận - huyện tăng cường kiểm tra công tác
bảo vệ môi trường của các bệnh viện, phòng khám trên địa bàn thành phố;
b) Đẩy mạnh xã hội hóa trong
công tác đầu tư hệ thống xử lý nước thải bệnh viện, định kỳ báo cáo kết quả
thực hiện cho Ủy ban nhân dân thành phố.
5. Giám đốc Sở Giao thông vận
tải có trách nhiệm:
Chủ trì, phối hợp với Ủy ban
nhân dân các quận - huyện tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường
hợp lấn chiếm hành lang an toàn giao thông thủy; việc neo đậu buôn bán của các
ghe, tàu trên sông, kênh, rạch trái phép và việc xả thải chất thải xuống sông,
kênh, rạch.
6. Giám đốc Công an thành phố có
trách nhiệm:
Tăng cường công tác kiểm tra môi
trường định kỳ, đột xuất tại các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi
trường nước nghiêm trọng; có biện pháp xử lý thật kiên quyết, nghiêm minh đối
với các trường hợp vi phạm.
7. Giám đốc Trung tâm Điều hành
Chương trình chống ngập nước thành phố có trách nhiệm:
Đẩy nhanh công tác lập quy
hoạch, dự án đầu tư các hệ thống xử lý nước thải tập trung đô thị; Tăng cường
nạo vét, tạo thông thoáng dòng chảy phục vụ tiêu thoát nước của hệ thống kênh,
rạch có mức độ ô nhiễm cao; Vận hành hiệu quả các trạm xử lý nước thải tập trung
Bình Hưng, Bình Hưng Hòa.
8. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu
tư có trách nhiệm:
a) Thực hiện lồng ghép kế hoạch
kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản gắn liền với công tác bảo vệ
môi trường; chủ trì nghiên cứu cơ chế chính sách khuyến khích các cá nhân, tổ
chức đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường. Phối hợp, thống nhất với Sở Tài
chính trong việc cân đối, bố trí ngân sách vốn nhà nước và các nguồn vốn khác
nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án sông Đồng Nai trên địa bàn thành phố;
b) Chủ trì phối hợp với Sở Tài
nguyên và Môi trường, Sở Công Thương nghiên cứu, đề xuất việc hạn chế hoặc
không cấp phép hoạt động mới đối với những ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm
môi trường nguồn nước của các hệ thống sông, kênh, rạch.
9. Giám đốc Sở Tài chính:
Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu
tư cân đối, bố trí vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác nhau hàng năm
và 05 năm để thực hiện các nhiệm vụ, Đề án sông Đồng Nai trên địa bàn thành phố
đảm bảo đạt hiệu quả và đúng tiến độ.
10. Trưởng Ban Quản lý các Khu
Chế xuất và Công nghiệp và Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao có trách nhiệm:
a) Phối hợp với các Sở - ngành
liên quan tăng cường công tác thanh kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ
môi trường các cơ sở hoạt động trong Khu công nghiệp, Khu chế xuất và Khu công
nghệ cao; đặc biệt là việc đấu nối nước thải của các cơ sở sản xuất vào hệ
thống xử lý nước thải tập trung; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo thẩm
quyền quy định;
b) Kiểm tra việc vận hành thường
xuyên của Nhà máy xử lý nước thải tập trung đảm bảo chất lượng nước thải sau xử
lý thải ra môi trường; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo thẩm
quyền quy định.
11. Giám đốc các Sở Khoa học và
Công nghệ, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Sở Xây dựng, Tổng Giám đốc
Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn: theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý nhà
nước của mình xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan đến việc phát triển các
nhiệm vụ thuộc Đề án sông Đồng Nai trên địa bàn thành phố.
12. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
quận - huyện có trách nhiệm:
a) Phối hợp với các Sở - ngành
liên quan triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Đề án sông Đồng Nai;
b) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc
rà soát, kiện toàn tổ chức ngành tài nguyên môi trường cấp quận - huyện và
phường - xã; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra, xử lý kịp thời,
nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản
xuất trên địa bàn.
13. Ủy ban nhân dân thành phố
yêu cầu Thủ trưởng các Sở - ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện cần
quán triệt công tác bảo vệ môi trường nói chung và công tác bảo vệ môi trường
nước sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng
Nai nói riêng vào kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa
phương trong năm 2011 và giai đoạn 2011 - 2015; phát triển kinh tế - xã hội
phải gắn liền với bảo vệ môi trường để đảm bảo phát triển bền vững; giải quyết
kịp thời những điểm nóng ô nhiễm môi trường phát sinh theo chức năng, nhiệm vụ
của từng ngành, từng địa phương; kiên quyết không buông lỏng công tác bảo vệ
môi trường trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường
chịu trách nhiệm tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc các sở - ngành,
quận - huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm Chỉ thị này;
tổng hợp, báo cáo định kỳ và đề xuất kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho Ủy
ban nhân dân thành phố.
14. Chỉ thị này có hiệu lực thi
hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Lê Hoàng Quân
|