ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 17/CT-UBND
|
Hải Phòng, ngày 13 tháng 7 năm 2020
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC
TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH VỀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG
Trong những năm qua, công tác bảo vệ
rừng và phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn thành phố luôn nhận được sự quan
tâm chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền; ý thức trách nhiệm của
các chủ rừng và người dân sống gần rừng đã được nâng lên; số vụ cháy rừng và diện
tích rừng bị thiệt hại ngày càng giảm. Tuy nhiên tình trạng cháy rừng vẫn còn xảy
ra tại một số địa phương. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc
gia, thời gian tới tình hình thời tiết tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp và
bất thường ảnh hưởng đến công tác bảo vệ rừng và nguy cơ cháy rừng cao. Để chủ
động trong công tác bảo vệ rừng, ngăn chặn, hạn chế tới mức thấp nhất các vụ
cháy rừng, bảo vệ tài nguyên rừng và giữ vững môi trường sinh thái tại địa
phương, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Công văn
số 5256/VPCP-NN ngày 30/6/2020 của Văn phòng Chính phủ về tăng cường công tác
phòng cháy, chữa cháy rừng. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng
các Sở, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện một số nội dung sau:
1. Tiếp tục
tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13-CT/TW ngày
12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối
với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Luật Lâm nghiệp và các văn bản
hướng dẫn thi hành Luật; Công điện số 584/CĐ-TTg ngày 19/5/2019 của Thủ tướng
Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy đến các cơ quan, đơn
vị, xã, phường có rừng, các chủ rừng; Chỉ thị số 1299/CT-BNN-TCLN ngày
21/02/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường các biện
pháp cấp bách về phòng cháy, chữa cháy rừng; Chỉ thị số 557/CT-BNN-TCLN ngày
25/01/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường ngăn
chặn các điểm nóng về phá rừng, cháy rừng; Thông tư số 25/2019/TT-BNNPTNT ngày
27/12/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng cháy,
chữa cháy rừng; Công điện 662/CĐ-TCLN-KL ngày 26/5/2020 của Tổng cục Lâm nghiệp
về việc phòng cháy, chữa cháy rừng; Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 15/5/2019 của Ủy
ban nhân dân thành phố về việc tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng và
phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn thành phố; Kế hoạch số 190/KH-UBND ngày
22/7/2019 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc thực hiện trách nhiệm quản lý
trong lĩnh vực Lâm nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
2. Ủy ban nhân dân các quận, huyện
- Tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà
nước của chính quyền cơ sở về quản lý bảo vệ rừng theo quy định tại Quyết định
số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị định số
156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số
điều của Luật Lâm nghiệp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp
luật về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; gắn trách nhiệm của các chủ
rừng và nhân dân trong công tác bảo vệ rừng với việc thực hiện chính sách chi
trả dịch vụ môi trường rừng.
- Xác định công tác quản lý bảo vệ rừng
và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn là nhiệm vụ thường xuyên để tập
trung lãnh đạo, chỉ đạo. Địa phương nào để xảy ra cháy rừng, khai thác rừng
trái phép do buông lỏng quản lý, chủ quan, thiếu trách nhiệm thì Chủ tịch Ủy
ban nhân dân huyện, quận nơi đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban
nhân dân thành phố.
- Kiện toàn và tăng cường hoạt động
Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tại
địa phương; chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách bảo vệ rừng và
phòng cháy, chữa cháy rừng. Chỉ đạo các lực lượng chức năng của quận, huyện phối
hợp với chính quyền cơ sở và hỗ trợ các chủ rừng kiểm tra, truy quét để phát hiện,
ngăn chặn kịp thời hành vi lấn chiếm đất rừng, chặt phá, khai thác rừng trái
pháp luật; mua bán lâm sản, động vật hoang dã không có nguồn gốc; kiên quyết
xóa các "điểm nóng" về phá rừng, đốt rừng, khai thác lâm sản trái
pháp luật.
- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối
hợp với cơ quan thông tấn báo chí, Đài phát thanh tăng cường hoạt động tuyên
truyền, tăng cường thời lượng phát sóng nhằm nâng nâng cao ý thức, trách nhiệm
trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; thực hiện phương châm 4 tại chỗ
trong công tác chữa cháy rừng (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện
tại chỗ và hậu cần tại chỗ).
- Tổ chức kiểm tra các chủ rừng về việc
xây dựng, thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng. Xác định cụ thể các
khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao để bố trí các nguồn lực, đảm
bảo ngăn chặn và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh, không để xảy ra cháy
rừng và cháy lớn. Tổ chức các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, tăng cường
lực lượng tại khu vực có nguy cơ xảy ra cháy và cháy lớn.
- Tổ chức, bố trí lực lượng canh
phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, tạm
dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng lửa trong mùa hanh khô; bố trí lực lượng
thường trực 24/24 giờ tại các chốt, trạm chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng
trong suốt mùa khô hanh và ở những nơi có nguy cơ cháy cao.
- Chỉ đạo các lực lượng liên ngành
(kiểm lâm, công an, quân đội) thực hiện quy chế phối hợp trong công tác phòng
cháy, chữa cháy rừng; bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần, thường
trực, sẵn sàng phối hợp các lực lượng ứng phó, xử lý khi có cháy rừng xảy ra.
- Chỉ đạo các lực lượng trên địa bàn
thực hiện quy chế phối hợp, diễn tập công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo đảm
lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần thường trực, sẵn sàng phối hợp các
lực lượng ứng phó, xử lý khi có cháy rừng xảy ra; phát huy sức mạnh tổng hợp của
toàn dân và các lực lượng trên địa bàn tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy
rừng.
- Chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp
với Kiểm lâm điều tra xác minh, làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây cháy rừng, xử
lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm và trách nhiệm quản lý của người đứng
đầu khi để xảy ra cháy rừng.
- Thông tin về cháy rừng phải được
thông báo rộng rãi, nhanh chóng, kịp thời cho chính quyền địa phương và cơ quan
chủ trì về phòng cháy, chữa cháy rừng.
- Trong quá trình chữa cháy rừng, ưu
tiên bảo đảm an toàn cho người, tài sản, các công trình, phương tiện hoạt động
trong phạm vi khu vực cháy rừng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về rừng.
- Rà soát, bố trí lực lượng, phương
tiện chủ động sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng theo đúng phương châm "4 tại
chỗ". Thiết lập và duy trì thông tin liên lạc các cấp để phục vụ hiệu quả
công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng đặc biệt với công tác chỉ huy
chữa cháy rừng. Lắp đặt hệ thống biển báo, biển cấm tại các khu vực trọng điểm
có nguy cơ cháy rừng cao.
- Thường xuyên theo dõi thông tin cảnh
báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm tại
trang điện tử kiemlam.org.vn; khi xảy ra cháy rừng triển khai ngay lực lượng chữa
cháy và thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo về Ban Chỉ đạo thành phố.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với Công an thành
phố, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố và Ủy
ban nhân dân các quận, huyện, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ:
+ Tăng cường công tác tuyên truyền,
phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; xây dựng
phong trào quần chúng bảo vệ rừng trong từng cộng đồng dân cư.
+ Xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra,
đôn đốc các địa phương, các chủ rừng triển khai, thực hiện tốt các phương án bảo
vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn.
- Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm:
+ Tổ chức quản lý, bảo vệ chặt chẽ diện
tích rừng hiện có trên địa bàn thành phố; xây dựng và tổ chức triển khai các phương
án quản lý rừng theo đúng các quy định của pháp luật; bố trí lực lượng tăng cường
tại các xã vùng trọng điểm cháy, các địa bàn giáp ranh; tổ chức tuần tra, kiểm
soát để phát hiện kịp thời, ngăn chặn các hành vi vi phạm ngay từ cơ sở; kiên
quyết xử lý nghiêm các vụ vi phạm theo quy định của pháp luật.
+ Nắm bắt, theo dõi, xử lý thông tin,
dự báo, cảnh báo tình hình cháy rừng, thường xuyên đăng tải trên các phương tiện
thông tin đại chúng để các lực lượng và người dân chủ động phòng cháy, chữa
cháy rừng.
+ Hướng dẫn, kiểm tra chủ rừng việc
xây dựng, thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng. Xác định cụ thể các
khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao để bố trí các nguồn lực, đảm
bảo ngăn chặn và xử lý kịp thời các tình huống mới phát sinh, không để xảy ra
cháy rừng và cháy lớn. Tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, tăng cường
lực lượng tại khu vực có nguy cơ xảy ra cháy và cháy lớn.
+ Đảm bảo lực lượng ứng trực 24/24 giờ;
bố trí lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có
nguy cơ cháy cao, tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng dùng lửa trong suốt
thời kỳ cao điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng.
+ Hướng dẫn chủ rừng xử lý thực bì, đốt
trước có kiểm soát, làm giảm vật liệu cháy ở các khu rừng có nguy cơ dễ cháy và
có điều kiện áp dụng, tuy nhiên phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và tài
nguyên rừng; làm mới và tu sửa đường băng cản lửa, các công trình phòng cháy,
chữa cháy rừng ở các diện tích rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao.
+ Tăng cường cán bộ Kiểm lâm xuống
các trọng điểm về cháy rừng để tham mưu cho cấp chính quyền cơ sở thực hiện
công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo
cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm tại địa chỉ
Website: kiemlam.org.vn.
+ Tăng cường tuyên truyền, giáo dục
nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, thực hiện
phương châm 4 tại chỗ trong công tác chữa cháy rừng.
- Theo dõi, tổng hợp định kỳ hàng quý
(hoặc đột xuất khi có yêu cầu) báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về
tình hình bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn thành phố.
4. Công an thành phố
Chỉ đạo lực lượng cảnh sát phòng cháy
chữa cháy, các Phòng nghiệp vụ, Công an các quận, huyện chủ động các phương án
hỗ trợ chữa cháy rừng trên địa bàn các đơn vị đóng quân, đồng thời huy động lực
lượng, phương tiện trong trường hợp cần thiết, tổ chức lực lượng tăng cường
công tác trinh sát địa bàn, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, chỉ huy chữa cháy
rừng khi có cháy rừng xảy ra; chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng và
chính quyền địa phương điều tra làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây cháy rừng để
xử lý kịp thời, đảm bảo tính răn đe theo đúng quy định của pháp luật.
5. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ
Chỉ huy Bộ đội biên phòng Hải Phòng
- Chủ động các phương án hỗ trợ chữa
cháy rừng trên địa bàn các đơn vị đóng quân, đồng thời huy động lực lượng,
phương tiện trong trường hợp cần thiết, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, lực lượng
dân quân tự vệ địa phương phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm, chính quyền
địa phương tổ chức lực lượng tuần tra canh gác lửa rừng vào thời điểm có nguy
cơ cháy cao; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, dụng cụ, hậu cần sẵn sàng hỗ trợ
địa phương, cơ sở chữa cháy rừng.
- Chỉ đạo các Đồn Biên phòng phối hợp
chặt chẽ với Hạt Kiểm lâm, chủ rừng tăng cường công tác tuần tra rừng, đấu
tranh, ngăn chặn các hành vi khai thác gỗ, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái
phép gắn với bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
- Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm
lâm sở tại và các cơ quan liên quan trong việc phòng cháy, chữa cháy rừng, sẵn
sàng lực lượng ứng phó, xử lý khi có cháy rừng xảy ra.
6. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu
tư
Chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố bố trí kinh phí đảm
bảo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định.
7. Sở Giáo dục và Đào tạo
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến về công tác bảo vệ rừng,
phòng cháy, chữa cháy rừng trong các trường học.
8. Đài Phát thanh và Truyền hình Hải
Phòng, Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Hải Phòng, Báo An ninh Hải Phòng
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện
nghiêm các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng;
nêu gương các cá nhân, tổ chức làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, phản
ánh những hạn chế để khắc phục ở địa phương, đơn vị; tăng thời lượng phát sóng,
đăng tin bài... và cảnh báo cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng.
9. Các chủ rừng
Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Bà và các
chủ rừng có trách nhiệm quản lý bảo vệ diện tích rừng được giao; phối hợp chặt
chẽ với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền các quy định của
pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng; rà soát lại phương án phòng cháy, chữa
cháy rừng, khoanh vùng những vị trí trọng điểm cháy trên diện tích rừng được
giao để có phương án hữu hiệu trong việc phòng cháy, chữa cháy rừng.
10. Đề
nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Hội đoàn thể thành phố chỉ đạo các
cấp hội, các tổ chức thành viên phối hợp với các cấp, các ngành tuyên truyền vận
động nhân dân thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng
trên địa bàn; phát động phong trào thi đua, ký cam kết làm tốt công tác bảo vệ
rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, thành lập các tổ đội tham gia chữa cháy rừng
tại địa phương sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng khi có yêu cầu.
Yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
quận, huyện, Thủ trưởng các Sở ngành, cơ quan, đơn vị liên quan triển khai và
báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp,
báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố./.
Nơi nhận:
- Bộ NN&PTNT;
- TTTU;
- CT, các PCT UBND TP;
- Các Sở, ngành: NNPTNT, ANTP, BCH QSTP, BCH BĐBPHP, TC, KHĐT, GDĐT, TTTT;
- UBND các quận, huyện;
- Đài PTTHHP, Báo HP, Báo ANHP;
- Cổng TTĐTTP;
- Chi cục Kiểm lâm;
- CPVP;
- Phòng NNTNMT;
- CV: NN;
- Lưu: VT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Đình Chuyến
|