ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 12/CT-UBND
|
Bắc Kạn, ngày 05
tháng 10 năm 2021
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CƠ SỞ SẢN
XUẤT, CHẾ BIẾN GỖ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN
Tỉnh Bắc Kạn có tổng diện tích đất tự nhiên là 485.996ha, trong đó: Diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 417.538,67ha (chiếm
86% tổng diện tích tự nhiên); diện tích đất lâm
nghiệp có rừng 372.715ha (rừng tự nhiên 273.376ha và rừng trồng 99.339ha), là
tỉnh có tiềm năng lớn về phát triển công nghiệp
chế biến gỗ. Trong giai đoạn 2016 - 2020 công nghiệp chế biến (trong đó có chế
biến gỗ) tăng trưởng bình quân 16,64%; cơ cấu nhóm ngành chế biến gỗ (tre, nứa)
tăng từ 21,65% năm 2015 lên 36,72% năm 2020 trong tổng giá trị gia tăng ngành
công nghiệp chế biến, chế tạo. Một số dự án lớn về chế biến gỗ đã được đầu tư
xây dựng, vận hành; các sản phẩm như ván dán, đũa gỗ,... là sản phẩm xuất khẩu
chủ yếu của tỉnh.
Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 12/8/2021
của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn
2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định công nghiệp chế biến lâm sản
mà trọng tâm là chế biến gỗ rừng trồng là lĩnh vực trọng điểm cần thúc đẩy
trong thời gian tới. Tuy nhiên thực tế hiện nay còn
nhiều bất cập trong công tác quản lý hoạt động khai thác, chế biến gỗ trên địa
bàn tỉnh; chưa hình thành chuỗi liên kết sản xuất giữa chủ rừng, cơ sở sơ chế
và nhà máy chế biến gỗ; còn tình trạng khai thác gỗ tròn chưa đến tuổi khai
thác; các cơ sở chế biến gỗ chủ yếu là các hộ kinh doanh cá thể chưa thực hiện
chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa
chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định,...
hoạt động không bền vững, chưa phát huy được tiềm năng lợi thế giúp phát
triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để ngành công nghiệp chế biến lâm
sản của tỉnh Bắc Kạn phát triển ổn định, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế
- xã hội của địa phương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với các sở,
ban, ngành, địa phương rà soát quy hoạch, quản lý các vùng nguyên liệu, tạo
nguồn nguyên liệu ổn định cho phát triển công nghiệp chế biến lâm sản phù hợp
với nhu cầu của thị trường; tham mưu, đề xuất giải pháp thực hiện liên doanh
liên kết giữa cơ sở chế biến gỗ với hộ trồng rừng để thực hiện việc cấp chứng
nhận tiêu chuẩn rừng (FSC).
Thời gian thực hiện: Xong trong
quý IV/2021.
- Thực hiện các biện pháp quản lý
chặt chẽ việc khai thác gỗ tròn chưa đến tuổi khai thác; nghiên cứu tham mưu xây dựng phương án huy động các nguồn lực để
đầu tư xây dựng đường lâm nghiệp phục vụ công tác khai thác, vận chuyển nguyên
liệu phục vụ cho các cơ sở chế biến lâm sản.
- Chỉ đạo lực lượng kiểm lâm trên
địa bàn tỉnh chủ động, phối hợp với ngành Thuế, các cơ quan liên quan và chính
quyền địa phương giám sát, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác, chế biến của
các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh; chịu trách nhiệm về khối lượng và sản
lượng gỗ đã xác nhận, cung cấp cho cơ quan thuế làm căn cứ tính thuế, xác nhận
hồ sơ vận chuyển lâm sản để tránh tình trạng quay vòng hồ sơ vận chuyển, mua
bán lâm sản.
- Chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành, địa phương thực hiện hỗ trợ trong lĩnh
vực lâm nghiệp (liên kết chuỗi đối với lĩnh vực trồng rừng gắn với chế biến gỗ
rừng trồng) theo Nghị quyết số 08/2019/NQ-HDND ngày 17/7/2019 của Hội đồng nhân
dân tỉnh về việc ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất
nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
2. Sở Công Thương
- Chủ
trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu xây dựng Đề án phát triển
công nghiệp chế biến tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có nhiệm vụ
và giải pháp phát triển công nghiệp chế biến gỗ phù hợp với quy hoạch chung của
tỉnh và nhu cầu thị trường (Thời gian thực hiện: Xong trong quý IV/2021);
hỗ trợ cơ sở sản xuất trong kết nối cung cầu, hỗ trợ máy móc, thiết bị chế biến
gỗ theo Chương trình khuyến công phù hợp với định hướng đổi mới công nghệ; đầu
mối tham mưu tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh
nghiệp trong sản xuất và lưu thông sản phẩm gỗ.
- Chủ trì, phối hợp với các địa
phương rà soát phương án phát triển và xây dựng các cụm công nghiệp phục vụ
hoạt động sản xuất, chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh, trong hỗ trợ thực hiện
chuỗi liên kết.
3. Cục Thuế tỉnh
- Chỉ đạo Chi cục Thuế các huyện,
thành phố tăng cường kiểm tra việc thực hiện các chế độ kế toán trong việc sử
dụng hóa đơn, chứng từ mua bán gỗ, kê khai lâm sản, các sản phẩm có nguồn gốc
từ gỗ; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định;
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị
có liên quan tham mưu, xây dựng Đề án quản lý thuế đối với các hoạt động sản
xuất, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh.
Thời gian thực hiện: Xong trong
quý IV/2021.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường: Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra về việc sử dụng
đất, thuê đất để sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn, xử lý dứt điểm các tồn tại,
hạn chế về việc sử dụng đất, thuê đất và công tác bảo vệ môi trường của các cơ
sở sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh.
5. Cục Quản lý thị trường tỉnh:
- Phối
hợp với các cơ quan chuyên môn có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm
soát thị trường, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện và xử lý kịp
thời các hành vi vi phạm trong việc vận chuyển, kinh doanh gỗ và các sản phẩm
từ gỗ trên địa bàn tỉnh theo quy định.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị
có liên quan tham mưu thành lập đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện công tác
kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ về nguồn gốc, xuất xứ gỗ, hóa
đơn, chứng từ,... theo quy định.
6. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố
- Tăng cường công tác quản lý nhà
nước đối với hoạt động khai thác, chế biến và thu mua sản phẩm gỗ rừng trồng;
bảo vệ và phát triển rừng, có biện pháp ngăn chặn hiệu quả các hành vi phá rừng tự nhiên, rừng phòng hộ để mua bán,
vận chuyển lâm sản trái phép; nghiên cứu thực hiện đăng ký kinh doanh đối với
các cơ sở chế biến gỗ mới phải gắn với vùng nguyên liệu và sử dụng đất đúng quy
định pháp luật.
- Quản lý
chặt chẽ, kiểm tra thường xuyên, đột xuất các cơ sở chế biến gỗ; xử lý nghiêm,
kiên quyết đình chỉ hoạt động, đóng cửa cơ sở không có đăng ký kinh doanh, buộc
tháo dỡ máy móc, thiết bị, nhà xưởng đối với các cơ sở không đảm bảo điều kiện
hoạt động theo quy định, không chứng minh được nguồn gốc lâm sản hợp pháp; xử
lý nghiêm cơ sở sử dụng, lấn chiếm đất trái quy định, các cơ sở chế biến gỗ gây
ô nhiễm môi trường.
- Yêu cầu
các chủ cơ sở, các doanh nghiệp trên địa bàn ký cam kết không thu mua gỗ tròn đối với rừng trồng chưa đủ tuổi khai thác và
gỗ rừng tự nhiên.
7. Các doanh nghiệp, cơ sở sản
xuất, chế biến gỗ
- Thực hiện nghiêm các quy định về
sử dụng đất, bảo vệ môi trường và chế độ hóa đơn, chứng từ trong sản xuất kinh
doanh; chủ động liên kết với các bên liên quan để thực hiện sản xuất theo chu
trình khép kín từ khâu trồng rừng đến khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
- Có cam kết không thu mua gỗ tròn
đối với rừng trồng chưa đủ tuổi khai thác và gỗ rừng tự nhiên với Uỷ ban nhân
dân các huyện, thành phố.
Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban,
ngành của tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các công ty,
doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc
Chỉ thị này; chủ động báo cáo, tham mưu, đề xuất
theo thẩm quyền đối với từng nhiệm vụ cụ thể; định kỳ 06 tháng, 01 năm sơ kết,
tổng kết, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Công Thương) việc thực
hiện Chỉ thị này.
Giao Sở
Công Thương theo dõi, đôn đốc, tổng hợp và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân
tỉnh việc thực hiện Chỉ thị này./.
|
CHỦ TỊCH
Nguyễn Đăng Bình
|