ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 07/CT-UBND
|
Nghệ An, ngày 21
tháng 3 năm 2024
|
CHỈ THỊ
VỀ
VIỆC TĂNG CƯỜNG LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO, TẬP TRUNG THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP CẤP BÁCH,
TRỌNG TÂM CHỐNG KHAI THÁC HẢI SẢN BẤT HỢP PHÁP, KHÔNG BÁO CÁO VÀ KHÔNG THEO QUY
ĐỊNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
Thời gian qua, công tác chống khai thác hải sản bất
hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (khai thác IUU) đã được các cấp,
các ngành có liên quan trên địa bàn tỉnh nỗ lực triển khai thực hiện và đạt được
một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, qua đợt kiểm tra của Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn (ngày 11/01/2024) cho thấy vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế chậm
được khắc phục: (i) Số lượng tàu cá mất kết nối giám sát hành trình (VMS) tương
đối lớn, diễn ra thường xuyên nhưng kết quả xử lý rất hạn chế; (ii) Hoạt động
kiểm tra, kiểm soát tàu cá, giám sát sản lượng tại cảng cá, bến cá còn bộc lộ
nhiều hạn chế, sản lượng thủy sản khai thác được giám sát đạt rất thấp; (iii)
Chất lượng Nhật ký khai thác không đảm bảo theo quy định (ghi sai, thiếu thông
tin, ghi không đúng mẻ lưới...); (iv) Vẫn còn nhiều tàu cá được đánh dấu, kẻ số
đăng ký không theo quy định.
Nguyên nhân chủ yếu là do các sở, ngành liên quan,
đặc biệt là một số địa phương chưa quyết liệt, thiếu sâu sát trong công tác thực
thi các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU được giao. Người đứng đầu chính
quyền các cấp, các sở, ngành và lực lượng chức năng tại địa phương chưa nêu cao
trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai các chỉ đạo của Trung
ương, của tỉnh.
Để khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên, thực hiện
nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, quyết tâm cùng cả nước gỡ cảnh báo
“Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng
các sở, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã ven biển nêu cao
trách nhiệm người đứng đầu, tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ,
giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác IUU, cụ thể như sau:
1. UBND các huyện, thị xã ven
biển
a) Quán triệt, nâng cao tinh thần trách nhiệm cho
cán bộ, công chức, viên chức nhất là người đứng đầu các ngành chức năng, chính
quyền cơ sở trong thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU.
Gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính
quyền các cấp và lực lượng chức năng với kết quả thực hiện chống khai thác IUU;
địa phương nào để tình trạng tàu cá vi phạm khai thác IUU thì người đứng đầu địa
phương đó phải chịu trách nhiệm trước cấp trên.
b) Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, bố trí nhân lực chủ
trì, phối hợp với các Đồn, Trạm Biên phòng tuyến biển khẩn trương rà soát hồ
sơ, ban hành Quyết định xử phạt dứt điểm các trường hợp đã vi phạm còn thời hạn,
thời hiệu, đặc biệt tập trung xử lý các tàu cá vi phạm về VMS từ đầu năm 2023 đến
ngày 24/01/2024 (6 tiếng không báo cáo vị trí, không đưa tàu cá quay về bờ
quá 10 ngày) đảm bảo có số liệu, kết quả chứng minh cụ thể; yêu cầu hoàn
thành trước ngày 26/3/2024 và báo cáo kết quả về Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn.
c) Tiếp nhận hồ sơ xử lý vi phạm hành chính của Tổ
công tác liên ngành, Đoàn kiểm tra liên ngành chống khai thác IUU, Đồn Biên phòng
tuyến biển để thẩm định và ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính các
chủ tàu cá vi phạm theo quy định, báo cáo kết quả xử lý cho Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn (qua Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư).
d) Lập danh sách cụ thể và có phương án quản lý,
theo dõi chặt chẽ đối nhóm tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU, nhất là
nhóm tàu cá “03 không”, tàu cá chưa lắp VMS, tàu cá nằm bờ...; đảm bảo cung cấp
đầy đủ thông tin về số lượng, chủ tàu, kích thước tàu, vị trí tàu đang neo đậu,
nguyên nhân...; lưu trữ đầy đủ hồ sơ, hình ảnh để chứng minh khi có yêu cầu.
e) Chỉ đạo UBND các xã, phường yêu cầu các cơ sở
thu mua giám sát, ghi chép sản lượng thủy sản thu mua từ các tàu cá tại các bến
cá, cảng cá tư nhân, định kỳ vào ngày 10 hàng tháng báo cáo cho UBND xã/phường;
tổng hợp, thống kê sản lượng khai thác từ các cơ sở thu mua của các xã/phường;
hướng dẫn các chủ tàu cá nộp Nhật ký khai thác cho Ban Quản lý cảng cá Nghệ An
để phục vụ công tác giám sát và truy xuất nguồn gốc.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
a) Thực hiện nghiêm công tác trao đổi thông tin giữa
các tỉnh, các lực lượng chức năng theo chỉ đạo tại Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày
24/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quy chế phối hợp đã ký kết với các đơn vị
để quản lý, kiểm soát chặt chẽ tình hình hoạt động của tàu cá và ngư dân trên địa
bàn.
b) Thường xuyên rà soát, thống kê toàn bộ tàu cá
trên địa bàn tỉnh, đảm bảo nắm chắc thực trạng (số lượng tàu cá, tàu cá đã
hoặc chưa đăng ký; tàu cá đã hoặc chưa hoặc hết hạn đăng kiểm, cấp giấy phép
khai thác thủy sản; tàu cá chưa lắp thiết bị GSHT; tàu cá hoạt động trên địa
bàn ngoại tỉnh; tàu cá đã chuyển nhượng, mua bán, xóa đăng ký...); thực hiện
nghiêm túc công tác quản lý tàu cá theo quy định, cập nhật đầy đủ vào cơ sở dữ
liệu nghề cá quốc gia.
c) Chỉ đạo Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư:
- Làm việc trực tiếp với các huyện, thị xã có tàu
cá “03 không”, rà soát, thống kê, tổng hợp đầy đủ phục vụ cho việc đăng ký, cấp
phép khai thác ngay khi Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn được sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành.
- Thành lập các Tổ công tác liên ngành tuần tra, kiểm
soát hoạt động khai thác thủy sản trên biển, đặc biệt từ nay đến tháng 4/2024
nhằm tăng cường sự hiện diện của lực lượng Kiểm ngư trên biển; kiên quyết xử lý
nghiêm các hành vi vi phạm khai thác IUU.
- Tổ chức giám sát 24/24 giờ hoạt động của tàu cá
qua Hệ thống giám sát VMS, cung cấp thông tin tàu cá mất kết nối VMS (6 tiếng
không báo cáo vị trí, không đưa tàu cá quay về bờ quá 10 ngày), vượt ranh
giới cho phép trên biển cho Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, UBND các huyện, thị xã xử lý
theo quy định.
d) Chỉ đạo Ban Quản lý cảng cá Nghệ An, Tổ công tác
Liên ngành thanh tra kiểm soát nghề cá tại các cảng cá:
- Ban Quản lý cảng cá bố trí đủ nhân lực có chuyên
môn, nghiệp vụ đảm bảo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chống khai thác lưu tại
đơn vị. Yêu cầu nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân viên trong công
tác kiểm tra chất lượng Nhật ký khai thác, giám sát sản lượng qua cảng.
- Thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, kiểm soát
tàu cá cập, rời cảng; giám sát chặt chẽ sản lượng hải sản qua cảng; thu nhận Nhật
ký khai thác đảm bảo chất lượng, có sự kiểm tra, đối khớp với dữ liệu VMS, khi
phát hiện hành vi vi phạm kịp thời lập biên bản xử lý theo quy định.
- Tổng hợp số liệu giám sát sản lượng từ UBND các
huyện, thị xã, phân tích, đánh giá đưa vào số liệu báo cáo sản lượng giám sát
chung của toàn tỉnh.
đ) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, chính
quyền địa phương có liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung Quy chế phối hợp quản
lý, khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu giám sát tàu cá tỉnh Nghệ An đảm bảo
thực thi có hiệu quả.
e) Thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc
thực hiện chống khai thác IUU tại các đơn vị, địa phương; kịp thời chấn chỉnh,
khắc phục các tồn tại, hạn chế và đề xuất xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá
nhân không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
3. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng
tỉnh
a) Chỉ đạo các Đồn, Trạm Kiểm soát Biên phòng tuyến
biển tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát người, tàu cá trước khi
xuất, nhập bến và khi hoạt động trên biển. Đảm bảo kiểm soát 100% tàu cá qua Trạm
KSBP theo quy định; quản lý, giám sát chặt chẽ nhóm tàu cá “03 không” và nhóm
tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài; kiểm soát 100% tàu cá các tỉnh
khác hoạt động trên địa bàn quản lý... Kiên quyết không cho tàu cá xuất lạch đi
khai thác hải sản trên biển khi không đủ điều kiện theo quy định.
b) Mở các đợt cao điểm thực thi pháp luật trong tuần
tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển, tàu cá ra, vào cảng, các bến
cá tự phát. Rà soát, kiểm tra, xử lý triệt để các tàu cá được đánh dấu, kẻ số
đăng ký không theo quy định.
c) Chủ trì, đẩy nhanh tiến độ kiểm tra, xác minh, xử
lý hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định các trường hợp vi phạm
khai thác IUU như hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước
ngoài, vi phạm mất kết nối thiết bị VMS (mất kết nối quá 6 tiếng không báo
cáo vị trí, không đưa tàu cá quay về bờ quá 10 ngày), vượt ranh giới cho
phép trên biển, đảm bảo tất cả các trường hợp vi phạm phải bị xử lý đến cùng.
Cung cấp dữ liệu xử phạt tàu cá vi phạm về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn (qua Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư) để tổng hợp, báo cáo.
4. Công an tỉnh
a) Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường
công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý các tổ chức cá nhân
đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài;
môi giới, mua chuộc tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ về nước trái phép;
hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép chất nổ,
xung điện, chất độc để khai thác thủy sản và các loài thủy sản cấm khai thác có
nguy cơ tuyệt chủng.
b) Phối hợp chính quyền địa phương làm tốt công tác
quản lý Nhà nước về an ninh trật tự đối với các tàu cá hoạt động xa bờ, tàu cá
vi phạm vùng biển nước ngoài; hỗ trợ thông tin dữ liệu dân cư phục vụ công tác
quản lý lao động trên tàu cá theo quy định.
c) Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phối hợp,
tham gia kiểm tra, xử lý đối với những hành vi vi phạm khai thác IUU trên địa
bàn.
5. Sở Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh
tăng thời lượng, chất lượng thông tin, tuyên truyền về chống khai thác IUU;
thông tin, tuyên truyền những tổ chức, cá nhân điển hình trong phòng chống khai
thác IUU trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
6. Sở Ngoại vụ
a) Chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành chức năng
và địa phương tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân, ngư dân nâng cao kiến thức
pháp luật về bảo vệ chủ quyền biển, đảo; về Luật Thủy sản năm 2017, các quy định
về chống khai thác IUU, đặc biệt về quy định xử phạt của các nước đối với tàu
cá nước ngoài vi phạm vùng biển để khai thác thủy sản bất hợp pháp.
b) Phối hợp Công an tỉnh, cơ quan đại diện ngoại
giao ở Việt Nam và nước ngoài, các ngành chức năng, địa phương liên quan trong
việc xác minh thông tin nhân thân của các ngư dân, tàu thuyền bị nước ngoài bắt
giữ. Đồng thời, tham mưu thực hiện công tác bảo hộ công dân, sớm giải quyết đưa
ngư dân, phương tiện về nước.
7. Sở Nội vụ
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
tham mưu UBND tỉnh có phương án bổ sung nhân lực cho lực lượng Kiểm ngư để đảm
bảo thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển chống khai thác
IUU.
8. Sở Tư pháp
a) Chủ trì hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành pháp
luật về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản, trọng tâm là các hành vi
khai thác IUU theo quy định của pháp luật và kế hoạch đề ra.
b) Phối hợp với các ngành, đơn vị, chính quyền địa
phương liên quan tổ chức tập huấn nghiệp vụ về công tác xử phạt vi phạm hành
chính trong lĩnh vực thủy sản theo quy định của pháp luật và kế hoạch đề ra.
9. Sở Tài chính
Trên cơ sở dự toán của các cơ quan, đơn vị được
giao thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU xây dựng, Sở Tài chính tham mưu cấp
có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện theo khả năng cân đối ngân sách tỉnh đối
với các nhiệm vụ cấp bách chưa bố trí kinh phí trong dự toán giao đầu năm.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các
Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân
các huyện, thị xã ven biển triển khai nghiêm túc Chỉ thị này./.
Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp & PTNT (b/c);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ngành: NN&PTNT, Tài chính, TT&TT,
Ngoại vụ, Tư pháp, BCH BĐBP tỉnh; Công an tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã ven biển;
- Đài PTTH tỉnh, Báo Nghệ An;
- Chánh VP, PCVP KT UBND tỉnh;
- Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư;
- Ban Quản lý cảng cá Nghệ An;
- Lưu: VT, NN (M).
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Đệ
|