ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 05/CT-UBND
|
Nam Định, ngày 29 tháng 03 năm 2016
|
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐÊ ĐIỀU VÀ CHUẨN BỊ SẴN SÀNG HỘ ĐÊ, PHÒNG
CHỐNG THIÊN TAI, TÌM KIẾM CỨU NẠN NĂM 2016
Những năm gần đây, thời tiết, thiên
tai diễn biến hết sức bất thường, phức tạp và ngày càng cực đoan. Năm 2015, tại
tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra mưa với cường suất đặc biệt lớn; lũ trên sông Thương
vượt báo động 3,..; đối với tỉnh Nam Định, một số tuyến đê kè đã xảy ra sự cố
nghiêm trọng có nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống đê điều nhưng do phát hiện
sớm và xử lý kịp thời đã giảm thiệt hại do lũ bão gây ra
Thực hiện Chỉ thị số 2039/CT-BNN-TCTL
ngày 15/3/2016 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn về việc tăng cường
công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lụt năm 2016. Để chủ động phòng, chống, ứng phó có hiệu quả,
giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, nhất là ứng phó với siêu
bão có thể xảy ra trong năm 2016; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở,
ban; ngành, đoàn thể; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các tổ chức
xã hội, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định, thực hiện tốt một số nhiệm
vụ sau:
1. Khẩn trương hoàn thành công tác tu bổ củng cố,
duy tu bảo dưỡng đê điều và các công trình đang thi công liên quan đến đê điều,
nhất là các công trình xử lý đột xuất, cấp bách.
- Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ
đầu tư, Ban quản lý dự án, nhà thầu thi công, phát hiện và giải quyết kịp thời
các khó khăn vướng mắc, tập trung mọi nguồn lực hoàn thành việc xây dựng, tu bổ, sửa chữa công trình đê điều, công trình liên
quan đến phòng, chống lụt, bão, nhất là các công trình xử lý đột xuất, cấp bách
đang triển khai thi công, đảm bảo khối lượng, chất lượng, kỹ mỹ thuật, tiến độ,
đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống lụt bão, kịp thời đưa công trình vào phòng
chống lũ năm 2016, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc xử lý các sự cố đã xảy
ra trong mùa lũ trước. Yêu cầu nhà thầu xây lắp phải chủ động xây dựng phương
án phòng chống lụt bão, đảm bảo an toàn người, phương tiện, thiết bị, công
trình,., trong suốt quá trình thi công.
- Kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn
công trình đê điều, các công trình thủy lợi trên địa bàn, phát hiện và khẩn
trương hoàn thành xử lý các sự cố, xong trước ngày 31/5/2016; phát hiện, xử lý ngay từ giờ đầu các hư hỏng, sự
cố đê điều phát sinh trong mùa lụt bão. Sử dụng ngân sách địa phương, nguồn
kinh phí hỗ trợ của Trung ương, của
tỉnh và huy động mọi nguồn vốn hợp pháp khác để tu bổ, sửa chữa những công
trình đột xuất, cấp bách bị hư hỏng, xuống cấp không đảm bảo phòng chống thiên
tai; Xây dựng phương án phòng, tránh, khắc phục hậu quả thiên tai; Chủ động triển
khai thực hiện các biện pháp phòng chống khi thiên tai xảy ra.
2. Đảm bảo an toàn các cống dưới đê trong mùa lũ
bão:
- Tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá
chất lượng các cống dưới đê, phát hiện các cống bị hư hỏng để sửa chữa.
Đối với các cống yếu phải xây dựng
phương án bảo vệ trọng điểm phòng chống lụt bão, trình cấp có thẩm quyền phê
duyệt; giao nhiệm vụ cụ thể cho tổ chức, cá nhân và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”.
- Hoành triệt những cống qua đê xung
yếu, chủ động phương án tưới (hoặc tiêu) hỗ trợ do việc hoành triệt cống.
- Giao các Công ty trách nhiệm hữu hạn
một thành viên khai thác công trình thủy lợi, các đơn vị quản lý cống dưới đê: Thực hiện nghiêm quy trình đóng mở
cống dưới đê trong mùa lũ bão; tổ chức xây dựng quy trình vận hành cống (đối với những cống chưa có quy trình), báo cáo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt để áp dụng ngay trong năm 2016. Đối với cống mới xây dựng, các cống
mới xảy ra sự cố, phải xây dựng
phương án bảo vệ cụ thể và thực hiện tốt phương án phòng chống lụt bão theo
phương châm “4 tại chỗ”, để chủ động xử lý khi có tình huống sự cố xảy ra. Có
quy chế, phân công trách nhiệm cụ thể, phối hợp chặt chẽ giữa
đơn vị và địa phương trong việc thực hiện phương án bảo vệ, xử lý các sự cố.
3. Chủ động, chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, phòng, chống
thiên tai:
- Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận
thức của cả cộng đồng về các loại hình thiên tai, kinh nghiệm, kiến thức phòng
tránh, nhất là việc chủ động phương án ứng phó, khắc phục hậu quả với
bão mạnh, siêu bão. Đồng thời, xác định phòng chống, ứng phó, giảm thiểu thiệt
hại thiên tai là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và của cộng đồng
dân cư trên địa bàn tỉnh.
- Kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống
thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các
cấp, các ngành; chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện phương án phòng chống
thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2016, nhất là phương án phòng chống bão mạnh,
siêu bão hiệu quả, sát thực, phù hợp với điều kiện thực tiễn của ngành, địa
phương theo phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả cao.
- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
tổ chức giao án phận đê cho các xã, phường, thị trấn nơi có đê; chỉ đạo tổng kiểm
tra đánh giá chất lượng đê điều, phát hiện những hư hỏng, các yếu tố bất lợi có nguy cơ đe dọa an toàn đê điều, xây dựng phương án hộ đê
toàn tuyến đối với từng tuyến đê và từng khu vực trọng điểm theo phương châm “4 tại chỗ”; kiện toàn, chấn chỉnh, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ
cho lực lượng quản lý đê nhân dân
hoạt động có hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với lực lượng quân đội đóng
trên địa bàn để chuẩn bị hộ đê theo phương án và kế hoạch được duyệt.
- Tổ chức tập huấn, diễn tập phương
án hộ đê, kiểm tra việc chuẩn bị vật tư, lực lượng, phương tiện, kỹ thuật, chỉ huy và thông tin hai chiều để bổ khuyết kịp thời những thiếu sót, tồn tại; tập huấn nghiệp vụ cho các lực lượng tham gia hộ đê,
đặc biệt là lực lượng quân đội được bố trí trên địa bàn. Phổ biến kinh nghiệm,
bổ túc nâng cao kiến thức về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai cho lực lượng
làm công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, xong trước ngày 31/5/2016.
- Ủy ban nhân dân các cấp và các Sở, ban, ngành của tỉnh theo chức năng, chủ động triển khai các biện pháp thực hiện và phối hợp bảo đảm an toàn cho đê, đặc biệt là các
vị trí đê xung yếu; chuẩn bị sẵn sàng tổ chức phương án hộ
đê và phương án chống tràn trong điều kiện có bão, lũ lớn, lũ cực lớn.
- Căn cứ phương án hộ đê năm 2016,
các huyện, thành phố chuẩn bị đủ số
lượng, chủng loại vật tư, thiết bị, phương tiện dự trữ hộ đê cho từng tuyến.
Ngoài số vật tư dự trữ của Nhà nước hiện có trên địa bàn, cần có kế hoạch huy động
vật tư thiết bị, phương tiện trong nhân dân và các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn trong trường hợp có sự cố xảy ra.
- Tổ chức lực lượng thường xuyên kiểm
tra, đôn đốc, thực hiện nghiêm túc công tác tuần tra canh gác đê theo cấp báo động
thiên tai, để phát hiện và xử lý kịp
thời sự cố ngay từ giờ đầu đảm bảo an toàn cho đê, kè, cống; bảo đảm thông tin
liên lạc thông suốt và báo cáo kịp thời khi công trình xảy ra sự cố.
- Tổ chức thực hiện nghiêm túc phát
quang mái đê, chân đê trong phạm vi bảo vệ đê điều để phục vụ công tác tuần tra
canh gác, phát hiện và xử lý sự cố trong mùa mưa lũ.
4. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đê điều,
phòng chống thiên tai:
- Triển khai thực hiện nghiêm túc: Luật
Phòng, chống thiên tai số 33/2013/QH13 và các văn bản hướng dẫn thi hành; Chỉ
thị số 03/CT-TTg ngày 03/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công
tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn
2016-:-2020; Chỉ thị số 2039/CT-BNN-TCTL ngày 15/3/2016 của Bộ Nông nghiệp
& Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn
bị sẵn sàng hộ đê, chống lụt năm 2016.
- Tổ chức quán triệt, chỉ đạo thực hiện
nghiêm túc Chỉ thị số 447/CT-TTg ngày 25/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng
cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và quản lý khai thác, vận chuyển, kinh
doanh cát sỏi gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều; ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại
văn bản số 7248/VPCP-KTN ngày 20/9/2012 của Văn phòng Chính phủ; kết luận của
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị về phòng, chống vi phạm pháp luật
trong hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông và cửa biển tại văn bản số
357/TB-VPCP ngày 06/11/2015 của Văn
phòng Chính phủ; số 2146/BNN-TCTL ngày 18/3/2016 của Bộ Nông nghiệp & Phát
triển nông thôn về việc tăng cường
quản lý, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và khai thác cát sỏi lòng sông và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh về
công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, giảm nhẹ
thiên tai năm 2016.
- Tăng cường kiểm tra, rà soát tình
hình vi phạm pháp luật về đê điều và công trình thủy lợi trên địa bàn; lên kế
hoạch và tập trung giải quyết xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm pháp luật về
đê điều và công trình thủy lợi, nhất là các vi phạm mới phát sinh, theo quy định
của pháp luật. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 25/6/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Nam Định. Chỉ đạo kiểm
tra việc chấp hành quyết định cấp phép xây dựng các công trình liên quan đến đê điều theo quy định của Luật Đê điều.
- Kiểm tra và chỉ đạo xử lý việc mở bến bãi tập kết kinh doanh vật liệu xây dựng
trong hành lang bảo vệ đê điều và
hành lang thoát lũ trái phép hoặc
được cấp phép trái thẩm quyền, gây mất an toàn đê kè và khả năng thoát lũ, xong trước ngày 15/5/2016.
- Đẩy nhanh việc tổ chức thu, nộp Quỹ
Phòng, chống thiên tai, theo các Quyết định của Ủy ban nhân dân
tỉnh Nam Định: số 401/QĐ-UBND ngày 16/3/2015 về việc thành lập Quỹ Phòng, chống thiên tai tỉnh Nam Định;
số 516/QĐ-UBND ngày 27/3/2015 về việc
ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phòng, chống thiên tai tỉnh Nam Định.
5. Bộ Chỉ huy Quân sự tình chủ trì phối hợp với Bộ
Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp & Phát triển
nông thôn, các Sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
- Xây dựng và chỉ đạo tổ chức thực hiện
kế hoạch tìm kiếm cứu nạn trên địa
bàn tỉnh.
- Lực lượng Quân sự tỉnh và lực lượng
quân đội đóng quân trên địa bàn tỉnh là lực lượng nòng cốt trong công tác hộ đê và tìm kiếm cứu nạn.
6. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì phối hợp
với Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, các Sở, ngành liên quan, Ủy ban
nhân dân các huyện ven biển:
Thiết lập và vận hành cơ chế thông
tin liên lạc với các địa phương, các chủ tàu, gia đình ngư dân có trang bị máy
thông tin liên lạc ở bờ với các tàu cá, tàu vận tải hoạt động trên biển, đài
thông tin duyên hải, lực lượng Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển, các Trung
tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn khu vực, Cảng vụ Nam Định; cung cấp cho các tàu tần số liên lạc, số điện thoại cần thiết để các tàu liên lạc khi có sự cố xảy ra. Nhân rộng tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển để hỗ trợ nhau trong sản
xuất và khi gặp sự cố, rủi ro.
7. Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với Sở
Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký, đăng
kiểm tàu thuyền; phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh
và các địa phương quản lý chặt chẽ; đảm bảo mọi phương tiện tàu thuyền, phương
tiện phà, đò ngang đủ điều kiện an toàn về người, phương tiện mới được hoạt động.
8. Sở Tư pháp, Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh,
Báo Nam Định phối kết hợp với các ngành hữu quan thường xuyên phổ biến, tuyên
truyền pháp luật về đê điều, Luật Phòng chống thiên tai; tuyên truyền phim tài
liệu về Siêu bão Haiyan trên đài truyền hình tỉnh, một số phim ngắn về quản lý
rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng
trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
9. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm
cứu nạn tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được Ủy ban nhân dân tỉnh giao, chịu
trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, ngành,
các tổ chức kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh, triển khai thực hiện tốt công
tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp trên địa
bàn tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu
nạn năm 2016, đảm bảo tuyệt đối an
toàn về người, giảm thấp nhất thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nông nghiệp & PTNT;
- Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai;
- Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn;
- Tổng cục Thủy lợi;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND, UBND tỉnh;
- Các đ/c ủy viên UBND tỉnh;
- Các đ/c thành viên BCH PCTT & TKCN tỉnh;
- Các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể của tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố Nam Định;
- Trung tâm công báo tỉnh;
- Website tỉnh; Website VPUBND tỉnh;
- CPVP UBND tỉnh; (gửi thư điện tử)
- Lưu: VP1, VP2, VP3.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Phạm Đình Nghị
|