ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 04/CT-UBND
|
Bình Định, ngày
14 tháng 3 năm 2019
|
CHỈ THỊ
VỀ
VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ RỪNG VÀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN
TỈNH
Thời gian qua, công tác quản
lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh đã được Chính
phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy quan tâm, chỉ đạo
quyết liệt; cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành các cấp từ tỉnh đến xã đã triển
khai quyết liệt các giải pháp, biện pháp để bảo vệ và phát triển rừng. Diện
tích rừng và độ che phủ rừng liên tục tăng năm sau cao hơn năm trước; vi phạm
pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng giảm đáng kể cả về số vụ và diện tích
rừng bị thiệt hại, giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng trưởng ổn định, góp phần
đảm bảo an ninh môi trường, phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững an ninh,
quốc phòng. Nhưng tình trạng phá rừng, cháy rừng, khai thác lâm sản trái pháp
luật còn xảy ra ở một số địa phương gây bức xúc trong dư luận và nhân dân.
Để tăng cường hơn nữa công tác
bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và ngăn chặn triệt để tình trạng phá
rừng, cháy rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Chủ
tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các ban, ngành, các địa phương khẩn trương
thực hiện một số việc trọng tâm, cấp bách sau đây:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân
dân các huyện, thị xã, thành phố
a. Chỉ đạo, tổ chức thực
hiện quyết liệt các biện pháp quản lý bảo vệ rừng; phòng cháy và chữa cháy
rừng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương; tăng cường lực lượng đủ
mạnh triển khai có hiệu quả các biện pháp, giải pháp bảo vệ diện tích rừng hiện
có; trong đó, tập trung chủ yếu bảo vệ diện tích rừng tự nhiên, giao trách
nhiệm quản lý, bảo vệ rừng cho chính quyền cấp xã và chủ rừng. Huy động các lực
lượng Công an, dân quân tự vệ phối hợp với Kiểm lâm kiên quyết đấu tranh, ngăn
chặn tình trạng phá rừng, cháy rừng; khai thác lâm sản trái pháp luật;
b. Triển khai thực hiện
Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đạt hiệu quả, tiếp tục
quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017
của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công
tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017
của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW;
chỉ đạo của Tỉnh ủy tại văn bản số 278-CV/TU ngày 21/3/2017 về việc triển khai
thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về
tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ, phát triển
rừng; Quyết định số 1701/QĐ-UBND ngày 17/5/2017 của UBND tỉnh Bình Định về việc
ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của
Ban Bí thư Trung ương Đảng;
c. Chỉ đạo các lực lượng
liên ngành (Kiểm lâm, Công an, Quân đội) thực hiện quy chế phối hợp trong công
tác bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng (PCCCR); có các phương án đảm bảo lực
lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần, thường trực, sẵn sàng phối hợp khi
xảy ra cháy rừng. Thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm
những trường hợp vi phạm về cháy rừng, phá rừng, khai thác lâm sản trái phép;
d. Chỉ đạo các ban,
ngành; cấp ủy, chính quyền cấp xã duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền
phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trong
cộng đồng dân cư. Địa phương nào để xảy ra cháy rừng, phá rừng, khai thác lâm
sản trái phép phải chủ động xử lý kịp thời hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền
xử lý nghiêm minh người có hành vi vi phạm và trách nhiệm quản lý theo quy định
của pháp luật, đặc biệt là đối với các chủ rừng không thực hiện các quy định về
phòng cháy, chữa cháy rừng; buông lỏng quản lý để rừng bị phá, bị cháy;
đ. Địa phương nào để xảy
ra phá rừng, cháy rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật thì Chủ tịch Ủy ban
nhân dân cấp xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh.
2. Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các
huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác bảo vệ rừng và
phòng cháy, chữa cháy rừng tại các địa phương; đồng thời chỉ đạo Chi cục Kiểm
lâm thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu sau:
a. Tăng cường công tác
tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia công tác bảo vệ rừng và phòng
cháy, chữa cháy rừng. Phối hợp với Đài Phát thanh, truyền hình tại địa phương
tăng thời lượng đưa tin dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; tuyên truyền, phổ
biến các quy định của pháp luật về công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa
cháy rừng đến các cộng đồng dân cư, đặc biệt là cộng đồng dân cư sống gần rừng
thuộc khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng;
b. Phối hợp với Cảnh sát
phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ các cấp thường xuyên kiểm tra Phương án
PCCCR, kế hoạch bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng đối với các chủ rừng
là tổ chức, UBND cấp xã. Rà soát thực hiện phương án PCCCR đảm bảo chủ động lực
lượng, phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ, có phương án chữa cháy rừng cụ
thể phù hợp với từng khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng, kịp thời khống chế
nhanh nhất các trường hợp cháy rừng, không để xảy ra cháy lớn;
c. Bố trí lực lượng
thường trực 24/24 giờ khi cấp dự báo cháy rừng ở cấp 4, cấp 5; thường xuyên
theo dõi phát hiện sớm các điểm cháy trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy rừng
của Cục Kiểm lâm tại địa chỉ Website: kiemlam.org.vn. Chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm
phối hợp với địa phương và chủ rừng bố trí các điểm chốt, trạm canh gác, tuần
tra tại các khu vực trọng điểm để theo dõi phát hiện sớm lửa rừng và ngăn chặn
tình trạng phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép;
d. Chỉ đạo cho Kiểm lâm
địa bàn tham mưu cho UBND cấp xã xây dựng và tổ chức, triển khai thực hiện có
hiệu quả Phương án phòng cháy và chữa cháy rừng trên địa bàn xã; đồng thời
hướng dẫn chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư xây dựng và tổ
chức thực hiện tốt Phương án phòng cháy, chữa cháy rừng trên diện tích rừng của
mình; hằng năm kiểm tra, rà soát, bổ sung cho phù hợp với thực tế công tác
phòng cháy, chữa cháy rừng tại địa phương;
đ. Chỉ đạo các Hạt Kiểm
lâm, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng thường xuyên kiểm tra,
kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm về cháy rừng,
phá rừng, khai thác lâm sản trái phép;
e. Chủ trì, báo cáo định
kỳ, đột xuất về tình hình BVR-PCCCR; xây dựng kế hoạch phối hợp với các ngành
liên quan, UBND cấp huyện để triển khai, tổ chức thực hiện đồng bộ các biện
pháp, giải pháp BVR-PCCCR cụ thể, phù hợp theo tình hình thực tế để thực hiện
tốt công tác bảo vệ rừng và PCCCR trên địa bàn tỉnh.
3. Công an tỉnh
a. Chỉ đạo các phòng
nghiệp vụ Công an tỉnh và Công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với lực
lượng Kiểm lâm và chính quyền địa phương xử lý kịp thời các vụ án hủy hoại
rừng; nắm bắt, theo dõi các đường dây khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản
trái pháp luật trên địa bàn tỉnh để kịp thời xử lý; phối hợp, hỗ trợ lực lượng
Kiểm lâm điều tra và xử lý các đối tượng vi phạm về BVR-PCCCR; tham gia việc
thực hiện chốt chặn, kiểm soát lâm sản tại các chốt, trạm bảo vệ rừng trên địa
bàn khi có yêu cầu phối hợp;
b. Chỉ đạo lực lượng
Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm thực
hiện tốt công tác phòng cháy và chữa cháy rừng. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng,
phương tiện phối hợp chặt chẽ với Chi cục Kiểm lâm và các địa phương trong công
tác PCCCR khi có yêu cầu; kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng 06
tháng hoặc 01 năm đối với rừng có nguy cơ xảy ra cháy và kiểm tra đột xuất khi
có dấu hiệu nguy hiểm cháy hoặc vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa
cháy rừng và khi có yêu cầu bảo vệ đặc biệt.
4. Bộ Chỉ huy Quân sự
tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các đơn vị quân đội, dân quân tự
vệ phối hợp chặt chẽ với cơ quan Kiểm lâm, Công an ở địa phương tổ chức thực
hiện tốt công tác BVR-PCCCR tại nơi đơn vị đóng quân, địa bàn hoạt động của đơn
vị mình; tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện tốt phương án BVR-PCCCR của địa
phương. Có kế hoạch sử dụng lực lượng, phương tiện để sẵn sàng ứng cứu kịp thời
khi có tình huống diễn biến phức tạp trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy,
chữa cháy rừng.
5. Chủ rừng
a. Chủ rừng là tổ chức,
hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thực hiện ngay việc lập và tổ chức,
triển khai thực hiện có hiệu quả Phương án phòng cháy và chữa cháy rừng theo
đúng các quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính
phủ. Hằng năm kiểm tra rà soát, bổ sung cho phù hợp với thực tế công tác phòng
cháy và chữa cháy rừng trên diện tích khu rừng của mình;
b. Tổ chức thực hiện các
quy định, nội quy, điều kiện an toàn, biện pháp về bảo vệ rừng; phòng cháy và
chữa cháy rừng theo quy định của pháp luật; thành lập, quản lý và duy trì hoạt
động của tổ, đội phòng cháy và chữa cháy rừng;
c. Tuyên truyền, phổ
biến pháp luật, kiến thức về bảo vệ, phát triển rừng; phòng cháy và chữa cháy
rừng. Thường xuyên tuần tra, canh gác, theo dõi phát hiện sớm cháy rừng, bố trí
người trực 24/24 giờ, khi cấp dự báo cháy rừng từ cấp IV đến cấp V để kịp thời
khống chế nhanh nhất các trường hợp cháy rừng, không để xảy ra cháy lớn;
d. Bảo đảm kinh phí đầu
tư cho hoạt động bảo vệ, phát triển rừng; phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy
định hiện hành của Nhà nước. Đầu tư xây dựng công trình, trang bị phương tiện,
dụng cụ phòng cháy và chữa cháy rừng;
đ. Báo cáo định kỳ và đột
xuất về công tác bảo vệ, phát triển rừng; phòng cháy và chữa cháy rừng, thông
báo kịp thời cho cơ quan Kiểm lâm sở tại, cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa
cháy và cứu nạn cứu hộ và cơ quan quản lý trực tiếp những thay đổi có liên quan
đến bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy rừng thuộc phạm vi quản lý. Phối
hợp và tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng điều tra, truy tìm thủ phạm gây
cháy rừng, phá rừng, khai thác lâm sản trái phép.
6. Các hội, đoàn thể
tăng cường công tác phối hợp với chính quyền các địa phương tuyên truyền, giáo
dục hội viên chấp hành nghiêm pháp luật về lâm nghiệp, tố giác các cá nhân, tổ
chức có hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp cho chính quyền các địa phương
để xử lý theo quy định của pháp luật.
7. Báo Bình Định, Đài
Phát thanh - Truyền hình Bình Định và các hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên
truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức cho nhân dân trong
bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; đấu tranh chống các hành vi vi phạm
pháp luật về lâm nghiệp.
Yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân
dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan liên quan có trách
nhiệm triển khai thực hiện Chỉ thị này. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn chịu trách nhiệm theo dõi việc thực hiện Chỉ thị, định kỳ báo cáo Ủy ban
nhân dân tỉnh để theo dõi chỉ đạo./.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phan Cao Thắng
|