ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 03/CT-UBND
|
Khánh Hòa, ngày 22
tháng 01 năm 2018
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ
CHẤT THẢI RẮN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA
Thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các
chương trình hành động, kế hoạch để chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công
tác bảo vệ môi trường như: Quyết định số 543/QĐ-UBND ngày 12 tháng 3 năm 2014
của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa về ban hành Chương trình hành động thực hiện
Kế hoạch số 65-KH/TU ngày 06 tháng 12 năm 2013 của Tỉnh ủy về việc thực hiện
Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về chủ động
ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi
trường; Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 31 tháng 5 năm 2016 về tăng cường công tác
bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa; Quyết định số 2732/QĐ-UBND ngày
15 tháng 9 năm 2016 về việc phê duyệt Kế hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Khánh Hòa
giai đoạn 2016-2020...
Thực hiện các chương trình, kế hoạch, chỉ đạo trên,
công tác bảo vệ môi trường và quản lý chất thải rắn đã đạt được một số kết quả
nhất định: Các dự án đầu tư mới đều lập, phê duyệt hồ sơ môi trường, đầu tư
công trình xử lý môi trường đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trước
khi xả thải ra môi trường; các loại chất thải rắn đã được tổ chức thu gom, vận
chuyển xử lý đúng quy định; một số địa phương, nhất là các xã đăng ký đạt chuẩn
nông thôn mới, công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã thu được một
số kết quả quan trọng, góp phần bảo vệ môi trường trong khu dân cư. Tuy nhiên,
bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như:
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý chất thải rắn, nhất là chất thải rắn sinh
hoạt, chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại ở một số địa phương, cơ sở
sản xuất, kinh doanh chưa được quan tâm đúng mức; phát sinh nhiều điểm thu mua
phế liệu ngay trong khu dân cư tập trung, khu đô thị gây ô nhiễm môi trường và
tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn do không đảm bảo an toàn kỹ thuật về kho chứa,
bãi tập kết cũng như việc phân định, phân loại, xử lý.
Nhằm đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường, tạo cảnh
quan môi trường sạch - đẹp trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần triển khai thực
hiện có hiệu quả Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng
Chính phủ về một số nhiệm vụ giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường; quy định
của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP
ngày 24 tháng 4 năm 2015, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban,
ngành, đoàn thể; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố khẩn
trương triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ như sau:
1. Các sở, ban, ngành
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nghiêm túc triển
khai Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 31 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về
tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án, nhiệm
vụ được giao trong Kế hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Khánh Hòa giai đoạn
2016-2020 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2732/QĐ-UBND
ngày 15 tháng 9 năm 2016.
Tuyên truyền, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân có
liên quan thuộc lĩnh vực, ngành được giao quản lý về các quy định của Nghị định
số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và
phế liệu.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý theo
thẩm quyền hoặc tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý các hành vi vi phạm pháp
luật trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã,
thành phố
- Chủ động xây dựng Kế hoạch tuyên truyền nâng cao
nhận thức về vệ sinh môi trường cho cộng đồng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh
với các nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng.
- Rà soát, đánh giá việc thu gom, vận chuyển, xử lý
rác thải sinh hoạt tại địa phương đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định,
không để xảy ra các sự cố chảy tràn, rò rỉ nước thải kể cả trường hợp có mưa
to, lũ lớn.
- Không để hình thành các tụ điểm, cơ sở thu mua phế liệu
(các loại chất thải rắn, vật liệu dễ cháy, nổ,...) không đảm bảo yêu cầu kỹ
thuật môi trường, không đúng quy hoạch, nhất là tại khu đô thị, khu dân cư tập
trung.
- Thường xuyên tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý
các hành vi vi phạm trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên
địa bàn theo thẩm quyền và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp
vượt thẩm quyền.
- Chủ động bố trí từ ngân sách cấp huyện và chỉ đạo bố trí
từ ngân sách cấp xã để kịp thời hỗ trợ chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý;
tăng cường tần suất thu gom không để tình trạng rác thải ứ đọng sau cơn bão số
12 cũng như các dịp lễ, tết.
- Chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn xây dựng
hương ước quy định về công tác bảo vệ môi trường; xây dựng các phong trào thi
đua bảo vệ môi trường; xây dựng và nhân rộng các mô hình tốt về bảo vệ môi
trường ở cộng đồng dân cư; kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng và nhân
rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong hoạt động bảo vệ môi trường.
- Kiên quyết xử lý trách nhiệm của người đứng đầu nếu để địa
phương mình xảy ra tình trạng vứt rác, đổ chất thải không đúng nơi quy định gây
ô nhiễm môi trường.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tập trung
thực hiện một số nhiệm vụ sau:
+ Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về
bảo vệ môi trường và các quy định của địa phương về thu gom, vận chuyển và xử
lý chất thải sinh hoạt.
+ Không để tình trạng vứt rác thải, đổ chất thải không đúng
nơi quy định.
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nếu để địa phương mình xảy
ra tình trạng vứt rác thải, đổ rác thải không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm
môi trường; tồn tại cơ sở thu mua phế liệu (các loại chất thải rắn, vật liệu dễ
cháy, nổ,...) không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật môi trường, an toàn, phòng cháy
chữa cháy. Định kỳ 06 tháng, hàng năm báo cáo về Ủy ban nhân dân cấp huyện kết quả thực hiện hoạt
động thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn.
3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tỉnh: Chỉ
đạo các cấp đoàn, hội tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội
viên và quần chúng nhân dân thực hiện tốt công tác quản lý chất thải rắn sinh
hoạt; đồng thời, tăng cường giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi
trường, đặc biệt là công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt
trên địa bàn.
Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các
tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này; định
kỳ 06 tháng (trước ngày 15 tháng 6) và hàng năm (trước ngày 15 tháng 12) báo
cáo kết quả triển khai thực hiện về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp,
báo cáo Ủy
ban nhân dân tỉnh.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc các cơ
quan, đơn vị kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) xem xét, giải
quyết./.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đào Công Thiên
|