BTT
ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM - BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------
|
Số:
33/BC-MTTƯ-TNMT
|
Hà
Nội, ngày 22 tháng 02 năm 2010
|
BÁO CÁO
KẾT QUẢ 5 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT LIÊN TỊCH SỐ 01 GIỮA BAN
THƯỜNG TRỰC ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM VỚI BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
Thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-TW
ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị, Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia và Luật
Bảo vệ môi trường, ngày 28/10/2004, tại cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam (UBTƯMTTQVN), Ban Thường trực UBTƯMTTQVN và Bộ Tài nguyên và Môi
trường đã tiến hành ký kết Nghị quyết liên tịch số 01/2004/NQLT-MTTQ-BTNMT Về
việc phối hợp thực hiện Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia, trong đó xác
định 5 nội dung phối hợp và phân công nhiệm vụ cụ thể giữa hai bên.
I. KẾT QUẢ TRIỂN
KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT LIÊN TỊCH SỐ 01 TỪ NĂM 2004 ĐẾN NAY
1. Ở Trung ương
1.1. Về phía Ban Thường trực Ủy ban
TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Thực hiện 7 nhiệm vụ của Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam được phân công trong Nghị quyết liên tịch số 01, Ban Thường trực
UBTƯMTTQVN triển khai công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện như sau:
- Thành lập Ban Chủ nhiệm Chương
trình Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, phân công 01 đồng chí Phó Chủ
tịch UBTƯMTTQVN làm Chủ nhiệm Chương trình, lãnh đạo các ban, đơn vị chuyên môn
làm thành viên của Ban Chủ nhiệm. Hằng năm Ban Chủ nhiệm Chương trình xây dựng
kế hoạch hoạt động, trình Ban Thường trực UBTƯMTTQVN phê duyệt và triển khai thực
hiện trong hệ thống Mặt trận.
- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền,
vận động trên các phương tiện thông tin, truyền thông của UBTƯMTTQVN như chuyên
mục: “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường” trên Tạp chí Mặt trận, Thông
tin công tác Mặt trận và Website Mặt trận; “Môi trường quanh ta” trên
báo Đại đoàn kết, “Môi trường và sức khỏe” trên báo Người Công giáo Việt
Nam; phối hợp với chuyên mục “Đại đoàn kết” của Đài Truyền hình Việt Nam thực
hiện các chuyên đề về Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường… để tuyên truyền
các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nội dung vận động của
Mặt trận về nhiệm vụ bảo vệ môi trường đến cán bộ và nhân dân ở các địa bàn dân
cư; phản ánh, giới thiệu nhiều mô hình, điển hình ở cơ sở, khu dân cư làm tốt
công tác bảo vệ môi trường và những vấn đề đặt ra về môi trường ở các địa bàn
dân cư; phản ánh các hoạt động giám sát của hệ thống Mặt trận các cấp từ Trung
ương đến Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư về thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi
trường…
Căn cứ vào chủ đề của Ngày Môi trường
thế giới hằng năm, Ban Thường trực UBTƯMTTQVN đã ban hành các thông tri hướng dẫn
UBMTTQVN các địa phương trong cả nước thực hiện chiến dịch truyền thông nâng
cao nhận thức về trách nhiệm bảo vệ môi trường đến từng cộng đồng dân cư. Ban
Chủ nhiệm Chương trình Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường của
UBTƯMTTQVN đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng các tranh cổ động,
áp phích, đề cương tuyên truyền, tổ chức in ấn và phát hành đến tận khu dân cư.
- Triển khai khảo sát thực tiễn về
đặc điểm của các loại hình khu dân cư (vùng đô thị, nông thôn, miền biển, miền
núi, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào theo các tôn giáo…) để triển
khai các mô hình điểm xây dựng khu dân cư thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường.
Phối hợp với Tổng cục Môi trường, Hội Bảo vệ môi trường Việt Nam biên soạn cuốn
Sổ tay Bảo vệ môi trường dùng cho cán bộ Mặt trận cơ sở phát hành đến các khu
dân cư xây dựng mô hình điểm. Sưu tầm tư liệu, phối hợp với trường Đại học Khoa
học tự nhiên biên soạn tài liệu tập huấn về nhiệm vụ bảo vệ môi trường cho cán
bộ Mặt trận cơ sở.
- Từ năm 2006 đến 2009, Ban Thường
trực UBTƯMTTQVN đã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức và bồi dưỡng kỹ năng
tuyên truyền, vận động, tổ chức cho nhân dân giám sát nhiệm vụ bảo vệ môi trường
cho cán bộ chủ chốt của Mặt trận ở cấp tỉnh, thành phố và các mô hình điểm, cụ
thể:
Mở lớp tập huấn cho 373 cán bộ chủ
chốt ở Trung ương và các tỉnh, thành phố về 3 nội dung: Nghị quyết số 41/NQ-TW
ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị, Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành từ
tháng 7/2006 và giai đoạn 2 Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia (tại Hà Nội,
Tiền Giang).
Mở 3 lớp tập huấn nhiệm vụ bảo vệ
môi trường cho cán bộ chủ chốt của Mặt trận cấp huyện và cấp xã, đại diện đồn
Biên phòng trên địa bàn các xã của 21 tỉnh có đường biên giới chung với Trung
Quốc, Lào, Campuchia.
Tổ chức Hội nghị tập huấn, trao đổi
kinh nghiệm về phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo trong công tác bảo vệ
môi trường gắn với cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa
ở khu dân cư cho 310 vị chức sắc, chức việc các tôn giáo và cán bộ Ban Công
tác Mặt trận ở khu dân cư của 64 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổ chức Hội nghị tập huấn, trao đổi
kinh nghiệm về tuyên truyền, vận động thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường gắn
với cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư cho
350 vị già làng, trưởng bản, người uy tín ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của
64 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Mở 3 lớp tập huấn, hướng dẫn xây dựng
mô hình điểm cho cán bộ Mặt trận các tỉnh, huyện, xã và Ban Công tác Mặt trận ở
khu dân cư thuộc 31 tỉnh, thành phố được chọn xây dựng mô hình điểm về bảo vệ
môi trường.
- Năm 2006, triển khai xây dựng mô
hình điểm: Lồng ghép nhiệm vụ bảo vệ môi trường vào cuộc vận động Toàn dân
đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư ở 10 tỉnh, thành phố (mỗi tỉnh,
thành phố xây dựng 2 mô hình điểm): Lai Châu, Quảng Ninh, Nghệ An, Thừa Thiên -
Huế, Bình Định, Bình Thuận, Kon Tum, Lâm Đồng, Tp. Hồ Chí Minh, Trà Vinh. Đến
nay 20 khu dân cư được chọn xây dựng mô hình đã triển khai các công việc cụ thể
theo hướng dẫn của Trung ương, đã tiến hành sơ kết, tổng kết, nghiệm thu để
nhân rộng mô hình. Ngày 29/12/2009, Ban Chủ nhiệm Chương trình Toàn dân tham
gia bảo vệ môi trường tổ chức Hội nghị tổng kết và nhân rộng mô hình điểm
trong toàn quốc.
- Trên cơ sở của kết quả nghiên cứu,
khảo sát thực tiễn các loại hình khu dân cư được giao cho các ban chuyên môn của
cơ quan UBTƯMTTQVN thực hiện, năm 2007, Ban Chủ nhiệm Chương trình Toàn dân
tham gia bảo vệ môi trường triển khai xây dựng mô hình điểm Khu dân cư tự
quản bảo vệ môi trường tại 11 tỉnh, thành phố: Yên Bái, Nam Định, Hòa Bình,
Thanh Hóa, Phú Yên, Đắk Lắk, Bình Dương, Cà Mau, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ;
xây mô hình điểm: Khu dân cư thực hiện hài hòa xóa đói giảm nghèo và bảo vệ
môi trường tại các tỉnh, thành phố: Điện Biên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Tĩnh,
Đắk Nông, Ninh Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Vĩnh Long, Sóc Trăng. Như vậy, đến
nay đã có 31 tỉnh, thành phố được chọn triển khai xây dựng 62 mô hình điểm khu
dân cư thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường với các loại hình ở đô thị, nông
thôn, miền núi, miền biển, đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng có đông đồng bào
tín đồ các tôn giáo…
Sơ kết giai đoạn I (2007 - 2008)
cho thấy việc xây dựng các mô hình điểm có nhiều tác dụng tích cực, góp phần
quan trọng vào việc nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể
và các tầng lớp nhân dân ở khu dân cư về nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Vai trò,
nhiệm vụ, nội dung hoạt động của Mặt trận các cấp trong việc huy động toàn dân
tham gia bảo vệ môi trường ngày càng rõ nét, cụ thể:
Nâng cao nhận thức, thay đổi hành
vi của người dân ở các mô hình theo hướng tích cực: có ý thức giữ gìn vệ sinh
trong sinh hoạt, sử dụng nguồn nước sạch, xây các bể chứa nước, nhà tắm, công
trình vệ sinh của hộ gia đình hợp lý; nước thải, rác thải được thu gom và xử lý
đảm bảo đúng quy định; đóng phí bảo vệ môi trường; hạn chế đáng kể tình trạng
chăn nuôi gia súc thả rông; chuồng trại được xây dựng xa khu sinh hoạt của gia
đình…
Các hoạt động tự quản bảo vệ môi
trường tại khu dân cư từng bước đi vào nền nếp; 100% các điểm xây dựng mô hình
đã thành lập và duy trì được Tổ tự quản bảo vệ môi trường. Các hoạt động thông
tin, tuyên truyền về nội dung bảo vệ môi trường được duy trì thường xuyên, có
tác dụng tích cực, tạo thành phong trào trên địa bàn, giúp người dân xây dựng
thói quen bảo vệ môi trường. Tại nhiều điểm xây dựng mô hình điểm đã xây dựng
thêm nhiều bảng tin, khẩu hiệu tuyên truyền, cổ động cho nhiệm vụ bảo vệ môi
trường; đặc biệt, trong dịp kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới 100% khu dân cư đã
tổ chức mít tinh kỷ niệm.
- Thường xuyên hướng dẫn, chỉ đạo
và kiểm tra Ban Thường trực UBMTTQVN các tỉnh, thành phố thực hiện các nội
dung, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được quy định trong các Nghị quyết
của Đảng, Luật Bảo vệ môi trường, Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia và Nghị
quyết liên tịch số 01. Công việc này được tiến hành hằng năm theo chuyên đề hoặc
lồng ghép với việc kiểm tra thực hiện nhiệm vụ chung của công tác Mặt trận
(trong 2 năm 2008 và 2009 đã tổ chức 9 đoàn kiểm tra việc lồng ghép nhiệm vụ bảo
vệ môi trường trong cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn
hóa ở khu dân cư ở các tỉnh, thành phố của cả 3 miền).
1.2. Về phía Bộ Tài nguyên và
Môi trường
- Bộ đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và
Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nhiệm vụ phối hợp
với Mặt trận tại địa phương, cụ thể:
Xây dựng chương trình, kế hoạch phối
hợp hàng năm với Ban Thường trực UBMTTQVN cùng cấp triển khai các hoạt động
tuyên truyền, vận động cán bộ và nhân dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường;
cung cấp tài liệu, ấn phẩm thông tin và hỗ trợ kỹ thuật, chuyên gia để Mặt trận
thực hiện các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng.
Cung cấp thông tin kịp thời, tạo điều
kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham gia góp ý kiến và giám
sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Các cơ quan chuyên môn của Bộ đã
phối hợp chặt chẽ với Ban Chủ nhiệm Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường của
UBTƯMTTQVN trong việc xây dựng kế hoạch hoạt động hằng năm, tham mưu với Bộ
trình Quốc hội cấp kinh phí hoạt động cho Mặt trận từ kinh phí sự nghiệp môi
trường ở Trung ương.
- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn
thuộc Bộ phối hợp với Ban Chủ nhiệm Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường của
UBTƯMTTQVN biên soạn tài liệu tập huấn cho cán bộ, cung cấp thông tin và hỗ trợ
về kỹ thuật để phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp
nhân dân nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi theo hướng tích cực về bảo vệ
môi trường.
- Phối hợp về mặt kỹ thuật và
chuyên môn để Ban Chủ nhiệm Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường của
UBTƯMTTQVN tổ chức các lớp tập huấn cán bộ của Mặt trận, các vị chức sắc tôn
giáo, cá nhân tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số để tuyên truyền, vận
động nhân dân ở các cộng đồng dân cư thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường.
2. Ở địa phương
- Đến nay đã có 38 tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương tổ chức ký kết Nghị quyết liên tịch hoặc chương trình phối
hợp giữa Ban Thường trực UBMTTQ các tỉnh, thành phố và Sở Tài nguyên và Môi trường
theo tinh thần của Nghị quyết liên tịch số 01, đồng thời triển khai thực hiện
theo các nội dung đã ký kết:
Ban Thường trực UBTƯMTTQVN các tỉnh,
thành phố đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường (Chi cục bảo vệ môi trường)
tổ chức tập huấn cho cán bộ Mặt trận về nội dung các văn bản quy phạm pháp luật
mới trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, quản lý chất thải nguy hại, phân loại cơ
sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng…; tổ chức ra quân hưởng ứng Tuần lễ nước
sạch vệ sinh môi trường, ngày Môi trường thế giới và nhiều hoạt động khác của địa
phương liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ môi trường.
Các Sở Tài nguyên và Môi trường đã
tích cực cung cấp thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận các cấp và các
tổ chức liên quan trong việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân tham gia góp ý vào chủ
trương, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, Báo cáo đánh giá tác động
môi trường đối với các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội
ở địa phương có liên quan đến cộng đồng dân cư. Các Sở Tài nguyên và Môi trường
đã phối hợp, tạo điều kiện để Mặt trận các cấp đẩy mạnh công tác giám sát, phát
hiện, kịp thời kiến nghị xử lý những hành vi gây ô nhiễm, suy thoái môi trường,
xâm hại đến tài nguyên thiên nhiên và giải quyết các mâu thuẫn, xung đột lợi
ích về bảo vệ môi trường có liên quan đến các cộng đồng dân cư.
Các Sở Tài nguyên và Môi trường phối
hợp với Ban Thường trực UBMTTQVN các tỉnh, thành phố biên soạn tài liệu, gửi ấn
phẩm, tài liệu xuống tận địa bàn khu dân cư, phát đến từng hộ gia đình, từng
người dân để tuyên truyền về nội dung bảo vệ môi trường.
- Dưới sự chỉ đạo của Ban Thường trực
UBMTTQVN, Ban Thường trực UBMTTQVN các tỉnh, thành phố phối hợp với Ủy ban nhân
dân, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố tổ chức các “Điểm chiến dịch”
truyền thông bảo vệ Môi trường nhân Ngày Môi trường thế giới (05/6): năm 2005 Sở
Tài nguyên và Môi trường và UBMTTQVN thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức mít tinh
tại huyện Từ Liêm. Năm 2006, tổ chức mít tinh kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới
và phát động phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường tại 3 tỉnh:
Bắc Giang, Thừa Thiên - Huế, Lâm Đồng. Năm 2007, Ban Thường trực UBMTTQVN 10 tỉnh,
thành phố: Lai Châu, Quảng Ninh, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Bình Thuận,
Kon Tum, Lâm Đồng, Tp Hồ Chí Minh, Trà Vinh tổ chức mít tinh kỷ niệm Ngày Môi
trường thế giới tại 20 xã, phường, thị trấn có khu dân cư xây dựng mô hình điểm
bảo vệ môi trường.
Năm 2008 và 2009, Ban Thường trực
UBMTTQVN của 31 tỉnh, thành phố đã tổ chức mít tinh kỷ niệm Ngày Môi trường thế
giới tại 62 khu dân cư trong cả nước. Đến nay, hàng năm vào dịp kỷ niệm Ngày
Môi trường thế giới hoặc những sự kiện chính trị, xã hội khác liên quan đến nhiệm
vụ bảo vệ môi trường, Ban Thường trực UBMTTQVN các tỉnh, thành phố và Sở Tài
nguyên và Môi trường đã có nhiều hoạt động phối hợp rất tích cực, tổ chức được nhiều
hoạt động thiết thực như: tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp
luật của Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam về xóa đói giảm nghèo gắn với bảo vệ môi trường tại các cộng đồng dân
cư, vai trò của Mặt trận trong hoạt động tự quản bảo vệ môi trường; tổ chức làm
vệ sinh đường làng, ngõ xóm và các khu vực công cộng, trồng và chăm sóc cây
xanh, bảo vệ đất đai, trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, xây dựng các
công trình vệ sinh…
- Phối hợp xây dựng mô hình điểm về
bảo vệ môi trường ở khu dân cư: việc xây dựng các mô hình điểm khu dân cư bảo vệ
môi trường đang thể hiện sự phối hợp đầy trách nhiệm giữa sự chỉ đạo của cấp ủy
đảng, sự phối hợp của chính quyền và ngành tài nguyên và môi trường với Mặt trận
ở các địa phương rất rõ nét. Nhiều cấp ủy đảng từ tỉnh, huyện, xã đến khu dân
cư đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về bảo vệ môi trường để phối hợp với Mặt trận
chỉ đạo xây dựng các mô hình điểm. Trên cơ sở thành công của các mô hình điểm,
nhiều địa phương đã triển khai nhân rộng trên địa bàn.
- Ở một số tỉnh, thành phố, Sở Tài
nguyên và Môi trường đã tham mưu với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp một
khoản kinh phí từ ngân sách sự nghiệp môi trường của địa phương để Ban Thường
trực UBMTTQVN các tỉnh, thành phố triển khai các nhiệm vụ tuyên truyền, vận động
toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, cụ thể:
Ngoài nguồn kinh phí xây dựng các
mô hình điểm của Mặt trận Trung ương, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh Hòa
Bình, Thanh Hóa, Tp. Hồ Chí Minh… đã cấp hàng trăm triệu đồng cho Ban Thường trực
UBMTTQVN tỉnh, thành phố triển khai các hoạt động xây dựng thêm mô hình và vận
động thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường từ kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường
của địa phương.
- Tổ chức họp giao ban định kỳ giữa
Sở Tài nguyên và Môi trường với Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh, thành phố để
đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết liên tịch vào cuối tháng 10 hàng năm và gửi
báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết liên tịch về Bộ Tài nguyên và Môi trường
trước ngày 20/11 hàng năm.
II. ĐÁNH GIÁ
CHUNG
1. Kết quả đạt
được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch 01
- Việc triển khai thực hiện Nghị
quyết liên tịch số 01 về phối hợp giữa Ban Thường trực UBTƯMTTQVN và Bộ Tài
nguyên và Môi trường trong thời gian qua, về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đặt
ra.
Đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận
thức và hành động của người dân và cộng đồng xã hội, góp phần nâng cao nhận thức,
ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, các ngành, các cấp, các tổ chức trong xã hội
về nhiệm vụ tham gia bảo vệ môi trường; từ đó dẫn đến thay đổi hành vi của từng
cá nhân, cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường ở các địa bàn dân cư.
Thông qua việc xây dựng các mô hình
điểm về khu dân cư bảo vệ môi trường đã cụ thể hóa các hoạt động tuyên truyền,
vận động, giám sát của Mặt trận các cấp để phát huy quyền làm chủ, nâng cao
tính tích cực, chủ động của nhân dân trong việc tham gia xây dựng, thực hiện
các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như xây dựng
các quy chế, hương ước của cộng đồng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; xây dựng
ý thức trách nhiệm, tự giác trong bảo vệ môi trường và sống thân thiện, hài hòa
với môi trường, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên
phù hợp với đặc điểm về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo của từng cộng
đồng dân cư.
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết
liên tịch số 01 đã góp phần tăng cường sự phối hợp, thống nhất hành động giữa
các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc huy động toàn
dân tham gia bảo vệ môi trường, đồng thời là cơ sở cho việc triển khai chương
trình Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường của hệ thống Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam.
- Những kết quả của việc thực hiện
Nghị quyết liên tịch số 01 ngày càng tạo ra các mối quan hệ gắn bó, phối hợp,
chia sẻ trách nhiệm giữa ngành tài nguyên và môi trường với Ủy ban Mặt trận các
cấp trong nhiệm vụ huy động toàn dân tham gia có hiệu quả sự nghiệp bảo vệ môi
trường của đất nước.
2. Những tồn
tại, hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01
- Ban Thường trực UBTƯMTTQVN và Bộ
Tài nguyên và Môi trường chưa kịp thời trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra
thực hiện sự phối hợp giữa ngành tài nguyên và môi trường và Mặt trận các địa
phương; còn một số địa phương chưa tiến hành ký kế hoạch, chương trình phối hợp
cụ thể. Có địa phương đã tiến hành ký kết nhưng trong phối hợp thực hiện còn
hình thức, hoặc còn nhiều lúng túng trong định hướng nội dung, điều kiện thực
hiện nhiệm vụ theo chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật. Sự phối hợp
thiếu đồng bộ ở một số địa phương đã dẫn đến tình trạng triển khai công việc
còn mang tính độc lập của từng ngành, thiếu sự hỗ trợ lẫn nhau.
- Hoạt động phối hợp cung cấp thông
tin, văn bản mới về nội dung bảo vệ môi trường hoặc phối hợp giữa Ban Thường trực
UBTƯMTTQVN với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức cuộc họp, hội thảo khoa học,
tập huấn nghiệp vụ về xã hội hóa sự nghiệp môi trường còn hạn chế. Số lượng các
ấn phẩm sách, tài liệu tham khảo, báo, tạp chí về nội dung bảo vệ môi trường do
Bộ cung cấp để hỗ trợ phần kỹ thuật phục vụ công tác tuyên truyền, vận động các
tầng lớp nhân dân và nâng cao kiến thức môi trường cho cán bộ Mặt trận chưa được
thường xuyên.
- Trong hoạt động xây dựng mô hình
điểm, về phía Mặt trận ở các địa phương vẫn chưa khai thác hết những thế mạnh về
chuyên môn của các Sở Tài nguyên và Môi trường, vì vậy hoạt động phối hợp mới dừng
ở một số nội dung đơn giản, chưa đi sâu vào những nội dung có tính chuyên ngành
hỗ trợ tích cực cho hoạt động xây dựng mô hình và nhân rộng trong thời gian tới.
- Sự phối hợp trong việc tổ chức lấy
ý kiến nhân dân đóng góp vào các chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ
môi trường chưa được thường xuyên nên chưa huy động được tiếng nói của đại đa số
các tầng lớp nhân dân vào việc giám sát, phản biện xã hội đối với các chương
trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội có quan hệ đến nhiệm vụ bảo vệ
môi trường ở các cộng đồng dân cư.
- Các nội dung, nhiệm vụ phối hợp
trong Nghị quyết liên tịch số 01 mới dừng lại ở lĩnh vực bảo vệ môi trường nói
chung, trong khi tình hình, nhiệm vụ bảo vệ môi trường đang phát triển thêm
trên nhiều lĩnh vực nhưng chưa được bổ sung, cụ thể hóa.
III. TRIỂN KHAI
NHIỆM VỤ PHỐI HỢP THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT LIÊN TỊCH SỐ 01 TRONG NHỮNG NĂM TIẾP THEO
1. Ở Trung
ương
- Tổ chức ký kết Nghị quyết liên tịch
mới trên cơ sở kế thừa và phát huy những kết quả đạt được của Nghị quyết liên tịch
số 01 để phối hợp thực hiện có hiệu quả tất cả các lĩnh vực của sự nghiệp bảo vệ
môi trường hiện nay.
- Tập trung chỉ đạo Ban Thường trực
UBMTTQVN, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố chưa hoàn thành việc
ký kết chương trình, kế hoạch phối hợp liên tịch khẩn trương thực hiện trong
năm 2010, coi đây là một trong những tiêu chí đánh giá công tác thi đua, hoàn
thành nhiệm vụ chuyên môn của mỗi bên. Sau Hội nghị này, hai bên phối hợp ban
hành các văn bản chỉ đạo từ Trung ương đến cơ sở để tăng cường các hoạt động phối
hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Sở Tài nguyên và Môi trường
các tỉnh, thành phố.
- Phối hợp tổ chức các hoạt động kiểm
tra việc thực hiện chương trình, kế hoạch phối hợp giữa Ban Thường trực
UBMTTQVN và Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố từ nội dung, biện
pháp tổ chức, huy động lực lượng và đảm bảo các điều kiện hoạt động để khắc phục
những vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện ở cơ sở. Hằng năm tổ chức hội nghị
tổng kết công tác phối hợp của 2 ngành từ Trung ương đến cơ sở và xây dựng kế
hoạch phối hợp thực hiện trong năm sau.
- Ban Thường trực UBTƯMTTQVN khẩn
trương hoàn thiện và trình Chính phủ phê duyệt Chương trình Toàn dân tham
gia bảo vệ môi trường để tăng cường sự phối hợp giữa các tổ chức thành viên
của Mặt trận trong tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện nhiệm
vụ bảo vệ môi trường.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường phân
công cụ thể một đơn vị trực thuộc Bộ làm đầu mối phối hợp với Ban Chủ nhiệm
Chương trình Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường của UBTƯMTTQVN để tham
mưu, giúp việc cho lãnh đạo hai bên triển khai kế hoạch, nội dung phối hợp giữa
hai cơ quan.
- Năm 2010, Ban Thường trực
UBTƯMTTQVN và Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp tổ chức mittinh kỷ niệm Ngày
Môi trường thế giới (5/6) ở cấp toàn quốc để tăng cường công tác tuyên truyền,
vận động các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức, huy động các lực lượng xã hội
tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo
các đơn vị chức năng phối hợp với Ban Chủ nhiệm Chương trình Toàn dân tham
gia bảo vệ môi trường của UBTƯMTTQVN trong việc hỗ trợ phần tài liệu, kỹ
thuật, cử cán bộ tham gia giảng dạy các lớp tập huấn nghiệp vụ về huy động các
tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ môi trường hằng năm của MTTQVN; phối hợp biên
soạn tài liệu tập huấn cho cán bộ Mặt trận theo cấp độ nâng dần về phần chuyên
môn và cập nhật những vấn vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường.
- Ban Thường trực UBTƯMTTQVN và Bộ
Tài nguyên và Môi trường phối hợp chỉ đạo việc tổng kết các mô hình điểm khu
dân cư bảo vệ môi trường và triển khai áp dụng theo các loại hình khu dân cư
trong toàn quốc để góp phần thực hiện tốt các giải pháp xã hội hóa nhiệm vụ bảo
vệ môi trường, trong đó cần thống nhất kiến nghị với ngành tài chính và các cơ
quan chức năng khác ở Trung ương có cơ chế, chính sách tăng cường hỗ trợ phần
kinh phí đầu tư cho các địa bàn dân cư trong việc huy động nhân dân tham gia bảo
vệ môi trường.
2. Ở địa
phương
- Ban Thường trực UBTƯMTTQVN các tỉnh,
thành phố và Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp thống nhất các hoạt động tổ
chức tuyên truyền, vận động nhân dân, tập huấn cán bộ, xây dựng các mô hình điểm
lồng ghép nhiệm vụ bảo vệ môi trường và cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây
dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư để huy động các tầng lớp nhân dân tham
gia nhiệm vụ bảo vệ môi trường; tham mưu với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân
cùng cấp hằng năm cấp một phần kinh phí từ ngân sách của sự nghiệp môi trường ở
địa phương để triển khai thực hiện các hoạt động trên.
- Duy trì việc tổ chức họp giao ban
định kỳ giữa Sở Tài nguyên và Môi trường với Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh, thành
phố để kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết liên tịch và chương
trình, kế hoạch phối hợp giữa hai bên, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường và
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
- Trong việc tổ chức các hoạt động
hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh cung cấp
sớm các thông tin, tài liệu cho Ban Thường trực UBTƯMTTQVN tỉnh, thành phố để kịp
thời phục vụ công tác tuyên truyền, vận động ở các cộng đồng dân cư.
- Tăng cường công tác phối hợp chỉ
đạo, tổ chức xây dựng, sơ kết, tổng kết và nhân rộng các loại hình mô hình điểm
bảo vệ môi trường ở khu dân và các giải pháp đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhiệm
vụ bảo vệ môi trường ở địa phương do Ban Thường trực UBTƯMTTQVN các tỉnh, thành
phố triển khai.
- Tăng cường phối hợp trong việc tổ
chức cho nhân dân ở các địa bàn dân cư thực hiện các hình thức tự quản bảo vệ
môi trường, giám sát cộng đồng về bảo vệ môi trường, góp phần phát hiện, kiến nghị
xử lý kịp thời các hành vi gây ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường, xâm hại
tài nguyên thiên nhiên và giải quyết các mâu thuẫn, xung đột lợi ích về bảo vệ
môi trường và tài nguyên thiên nhiên có quan hệ đến cộng đồng dân cư./.
TM.
LÃNH ĐẠO
BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Văn Đức
|
TM.
BAN THƯỜNG TRỰC
ỦY BAN TƯ MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Bá Trình
|
Nơi nhận:
- Các đồng chí trong BTT UBTƯMTTQVN và
Lãnh đạo Bộ TNMT;
- Văn phòng, các ban, đơn vị trực thuộc của UBTƯMTTQVN và Bộ TNMT;
- Ban Thường trực UBTƯMTTQVN các tỉnh, thành phố; các tổ chức thành viên của
MTTQVN ở TƯ;
- Sở TNMT các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Lưu VP, BCN CT TDTGBVMT của UBTƯMTTQVN; VT Bộ TNMT.
|
|