BỘ TÀI
NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG - BỘ TÀI CHÍNH - BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
30/2015/TTLT-BTNMT- BTC-BKHĐT
|
Hà Nội, ngày
09 tháng 6 năm 2015
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ, SỬ DỤNG KINH PHÍ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CHI
THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN THUỘC “ĐỀ ÁN TỔNG THỂ VỀ ĐIỀU TRA CƠ BẢN VÀ QUẢN LÝ TÀI
NGUYÊN - MÔI TRƯỜNG BIỂN ĐẾN NĂM 2010, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020”
Căn cứ Luật Đầu
tư công số 49/2014/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính
phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật
Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 116/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2008 của
Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế
hoạch và Đầu tư;
Căn cứ Nghị định số 21/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2013 của Chính
phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên
và Môi trường;
Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của
Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài
chính;
Thực hiện Quyết định số 47/2006/QĐ-TTg ngày 01 tháng 3 năm 2006 của Thủ
tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản
lý tài nguyên - môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020";
Thực hiện Quyết định số 796/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng
Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình nghiên cứu, điều tra cơ bản về tiềm
năng khí hydrate ở các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam”;
Thực hiện Quyết định số 2013/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng
Chính phủ về việc phê duyệt bổ sung một số dự án vào "Đề án tổng thể về điều
tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến
năm 2020";
Thực hiện Quyết định số 1876/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng
Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục các nhiệm vụ, dự án giai đoạn 2013 - 2020
thực hiện Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường
biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020;
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng
Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn việc quản lý, sử dụng
kinh phí ngân sách nhà nước chi thực hiện các dự án, nhiệm vụ thuộc "Đề án
tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển đến năm
2010, tầm nhìn đến năm 2020".
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn việc quản lý, sử dụng
kinh phí ngân sách nhà nước chi thực hiện các nhiệm vụ, dự án (sau đây gọi là dự
án) thuộc "Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi
trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020" (sau đây gọi là Đề án tổng
thể).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ,
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển (sau đây gọi
là các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương ven biển), các cơ quan, đơn vị, tổ chức
liên quan đến thực hiện các dự án thuộc Đề án tổng thể.
Điều 3. Nguyên tắc quản lý,
sử dụng kinh phí
1. Kinh phí thực hiện các dự án thuộc Đề án tổng
thể do các Bộ, cơ quan Trung ương chủ trì thực hiện do ngân sách trung ương bảo
đảm; kinh phí thực hiện các dự án thuộc Đề án tổng thể do các địa phương ven biển
chủ trì thực hiện do ngân sách địa phương bảo đảm. Các dự án phải được cấp có
thẩm quyền phê duyệt mới được phân bổ dự toán và triển khai thực hiện.
2. Các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương ven biển
được giao chủ trì dự án có trách nhiệm phân định rõ nhiệm vụ của từng Bộ, cơ
quan Trung ương và địa phương trong việc phối hợp thực hiện dự án; phân kỳ theo
năm và theo từng nguồn vốn làm cơ sở cho Ban Chỉ đạo Nhà nước về điều tra cơ bản
tài nguyên - môi trường biển, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định,
trước khi phê duyệt hoặc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án.
3. Các dự án được xây dựng theo nguyên tắc kế thừa
có hiệu quả các tài liệu, số liệu đã có; có quy chế phối hợp rõ ràng giữa cơ
quan chủ trì với cơ quan phối hợp thực hiện dự án trong cung cấp thông tin và
điều tra, khảo sát tại thực địa để đảm bảo tính hiệu quả trong đầu tư, tránh
trùng lắp, gây lãng phí ngân sách nhà nước.
4. Các cơ quan, đơn vị, cá nhân sử dụng kinh phí
của dự án phải theo đúng nội dung dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt,
đúng chế độ, chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng có thẩm quyền;
thực hiện thanh quyết toán kinh phí hàng năm và kết thúc dự án theo quy định hiện
hành.
Điều 4. Phân định nguồn vốn
thực hiện các dự án
1. Nguồn vốn đầu tư phát triển:
a) Đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật:
mua sắm tàu, thiết bị đồng bộ phục vụ khảo sát biển (bao gồm mua sắm mới hoặc sửa
chữa nâng cấp tàu biển và thiết bị hiện có); xây dựng hệ thống trạm quan trắc tổng
hợp tài nguyên thiên nhiên và môi trường biển Việt Nam; xây dựng các Trung tâm ứng
phó sự cố tràn dầu; xây dựng các khu bảo tồn biển; tăng cường năng lực cơ sở vật
chất kỹ thuật cho hệ thống quản lý tổng hợp và thống nhất tài nguyên - môi trường
biển và hải đảo;
b) Các dự án khác được Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt bổ sung vào Đề án tổng thể.
2. Nguồn kinh phí sự nghiệp đào tạo:
a) Xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, kế
hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác nghiên cứu, điều tra và quản lý
tài nguyên - môi trường biển Việt Nam;
b) Các dự án khác được Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt bổ sung vào Đề án tổng thể.
3. Nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ:
a) Nghiên cứu xây dựng cơ sở khoa học trong quan
trắc và công nghệ xử lý các yếu tố tự nhiên tác động lên các công trình ở vùng
biển và thềm lục địa Việt Nam;
b) Thu thập, phân tích, tổng hợp các tài liệu về
khí hydrate để xác lập các dấu hiệu, tiền đề về tiềm năng khí hydrate ở các
vùng biển và thềm lục địa Việt Nam;
c) Các dự án khác được Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt bổ sung vào Đề án tổng thể.
4. Nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế:
a) Điều tra cơ bản điều kiện tự nhiên, điều tra
tổng hợp tài nguyên - môi trường vùng biển Việt Nam;
b) Điều tra, đánh giá khoanh định một số vùng có
tiềm năng và triển vọng khí hydrate ở vùng biển Việt Nam;
c) Thành lập hệ thống bản đồ biển;
d) Giám sát tài nguyên - môi trường một số vùng
biển, hải đảo bằng công nghệ viễn thám;
đ) Xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu biển
quốc gia;
e) Xây dựng hệ thống tài liệu kỹ thuật tài
nguyên - môi trường, khí tượng thủy văn biển;
g) Các dự án khác được Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt bổ sung vào Đề án tổng thể.
5. Nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường:
a) Điều tra, đánh giá mức độ tổn thương tài
nguyên - môi trường, khí tượng thủy văn biển Việt Nam; dự báo thiên tai, ô nhiễm
môi trường tại các vùng biển;
b) Điều tra tổng thể đa dạng sinh học và nguồn lợi
thủy, hải sản vùng biển Việt Nam;
c) Các dự án khác được Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt bổ sung vào Đề án tổng thể.
Điều 5. Lập dự án
1. Căn cứ danh mục dự án thuộc Đề án tổng thể được
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương ven biển
chủ trì dự án giao nhiệm vụ cho đơn vị thực hiện dự án.
2. Đơn vị thực hiện dự án có trách nhiệm phối hợp
với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng dự án theo quy định, trong đó cần
nêu cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ, sản phẩm của dự án, kế hoạch triển khai, thời
gian thực hiện (chi tiết nội dung, kinh phí và tiến độ thực hiện đến từng cơ
quan, đơn vị phối hợp tham gia thực hiện) và đề xuất nguồn vốn thực hiện dự án
cho phù hợp, thuyết minh chi tiết cơ sở tính dự toán và phân kỳ nguồn vốn triển
khai theo từng năm. Tùy theo tính chất của từng dự án, việc lập dự án thực hiện
như sau:
a) Đối với dự án bố trí từ nguồn vốn đầu tư phát
triển: Việc lập dự án thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công; trường hợp dự án có cấu phần
xây dựng thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng
và pháp luật liên quan;
b) Đối với dự án bố trí từ nguồn kinh phí sự
nghiệp: Căn cứ mục tiêu, nội dung và tính chất nhiệm vụ của dự án, đơn vị lập dự
toán trên cơ sở thiết kế kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá phù hợp với
từng chuyên ngành được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với nội dung, nhiệm vụ
chưa có định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá dự toán, việc lập dự toán căn cứ
vào khối lượng công việc cụ thể và chế độ tài chính hiện hành.
Điều 6. Thẩm định, phê duyệt
dự án
1. Đối với dự án bố trí từ nguồn vốn đầu tư phát
triển: Thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư
công; trường hợp dự án có cấu phần xây dựng thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng và pháp luật liên quan.
2. Đối với dự án bố trí từ nguồn kinh phí sự
nghiệp:
a) Đơn vị thực hiện dự án báo cáo Bộ, cơ quan
Trung ương, địa phương ven biển chủ trì dự án; Bộ, cơ quan Trung ương, địa
phương ven biển chịu trách nhiệm xem xét, hoàn chỉnh dự án, gửi Ban Chỉ đạo Nhà
nước về điều tra cơ bản tài nguyên - môi trường biển (qua Văn phòng Ban Chỉ đạo
Nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên - môi trường biển) để thẩm định, chỉ đạo
về mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung, phương pháp điều tra, sản phẩm, kế hoạch triển
khai, thời gian thực hiện. Sau khi hoàn thiện dự án theo ý kiến thẩm định của
Ban Chỉ đạo Nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên - môi trường biển, Bộ, cơ
quan Trung ương, địa phương ven biển lấy ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài
chính. Trên cơ sở ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các Bộ, cơ
quan Trung ương, địa phương ven biển phê duyệt dự án, dự toán chi tiết làm căn
cứ để các đơn vị triển khai thực hiện.
Đối với dự án do các địa phương ven biển đồng thực
hiện: Địa phương được giao chủ trì lấy ý kiến các địa phương ven biển thuộc phạm
vi thực hiện dự án về các nội dung: Phạm vi, mục tiêu, nhiệm vụ, sản phẩm, thời
gian thực hiện, dự kiến kinh phí của từng địa phương (trong đó phân kỳ từng
năm), quy chế phối hợp tham gia thực hiện giữa các địa phương. Trên cơ sở đề xuất
của các địa phương tham gia, địa phương chủ trì rà soát, bảo đảm không trùng lắp
nội dung giữa các địa phương, tổng hợp xây dựng dự án trình Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt, làm cơ sở cho các địa phương thực hiện.
b) Trong quá trình triển khai dự án, vì lý do
khách quan làm thay đổi mục tiêu, nhiệm vụ, sản phẩm của dự án hoặc do yếu tố rủi
ro trên biển, các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương ven biển chủ trì dự án lấy
ý kiến của Ban Chỉ đạo Nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên - môi trường biển,
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước khi phê duyệt hoặc trình Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt điều chỉnh dự án.
Các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương ven biển
chủ động phê duyệt điều chỉnh dự toán dự án trong trường hợp chế độ chính sách
của Nhà nước thay đổi hoặc điều chỉnh khối lượng công việc do thực tế phát
sinh, nhưng không làm thay đổi mục tiêu, nhiệm vụ, sản phẩm, thời gian thực hiện
và tổng kinh phí của dự án được duyệt ban đầu.
Điều 7. Lập dự toán, chấp
hành và quyết toán ngân sách nhà nước
Việc lập dự toán, thanh toán và quyết toán kinh
phí ngân sách nhà nước chi cho các dự án thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn
hiện hành. Thông tư này hướng dẫn cụ thể một số nội dung như sau:
1. Đối với dự án bố trí bằng nguồn vốn đầu tư
phát triển:
Việc quản lý, cấp phát, thanh toán thực hiện
theo quy định tại Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thanh toán vốn đầu
tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước. Quyết
toán vốn đầu tư dự án hoàn thành thực hiện theo quy định tại Thông tư của Bộ
Tài chính hướng dẫn quyết toán vốn đầu tư.
2. Đối với dự án bố trí bằng nguồn vốn sự nghiệp:
a) Lập dự toán:
- Đối với dự án do các Bộ, cơ quan Trung ương chủ
trì thực hiện: Trên cơ sở dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hàng năm căn
cứ yêu cầu nhiệm vụ, nội dung và tiến độ thực hiện dự án, đơn vị thực hiện lập
dự toán kinh phí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của đơn vị mình
báo cáo Bộ, cơ quan Trung ương chủ trì dự án xem xét, tổng hợp vào dự toán ngân
sách nhà nước của Bộ, cơ quan Trung ương gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu
tư. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Chính phủ trình Quốc hội
phê duyệt theo quy định; đồng thời gửi Ban Chỉ đạo Nhà nước về điều tra cơ bản
tài nguyên – môi trường biển để tổng hợp theo dõi.
- Đối với dự án do địa phương ven biển chủ trì
thực hiện, đồng thực hiện: Trên cơ sở dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt,
hàng năm căn cứ yêu cầu nhiệm vụ, nội dung và tiến độ thực hiện dự án, đơn vị
thực hiện lập dự toán kinh phí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của
đơn vị mình gửi Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, tổng hợp, gửi Sở Tài chính
để tổng hợp chung vào dự toán ngân sách của địa phương, báo cáo Ủy ban nhân dân
trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.
b) Phân bổ và giao dự toán:
Căn cứ dự toán ngân sách nhà nước được cấp có thẩm
quyền giao, các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương ven biển phân bổ và giao dự
toán cho các đơn vị thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước.
Đối với dự án có sự phối hợp tham gia của các
đơn vị trong Bộ, cơ quan Trung ương: Sau khi dự toán được cấp thẩm quyền giao,
cơ quan quản lý cấp trên dự kiến kinh phí cho đơn vị thực hiện và các đơn vị phối
hợp tham gia, gửi Bộ, cơ quan Trung ương để tổng hợp, phân bổ kinh phí cho các
đơn vị thực hiện. Trường hợp đơn vị phối hợp tham gia không phải là cơ quan,
đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ, cơ quan Trung ương, cơ quan quản lý cấp trên ký hợp
đồng với đơn vị phối hợp.
c) Về chấp hành dự toán: Căn cứ vào dự toán được
cấp có thẩm quyền giao, các đơn vị thực hiện rút dự toán tại Kho bạc nhà nước
nơi giao dịch. Kho bạc nhà nước nơi giao dịch thực hiện kiểm soát chi theo quy
định hiện hành.
d) Quyết toán kinh phí dự án: Định kỳ cuối năm
và khi kết thúc dự án, các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương ven biển được
giao chủ trì dự án tổ chức nghiệm thu khối lượng công việc theo giai đoạn (đối
với dự án chưa hoàn thành) hoặc nghiệm thu kết thúc dự án (đối với dự án kết
thúc) theo quy định về kiểm tra nghiệm thu của Bộ, cơ quan Trung ương, địa
phương ven biển chủ trì dự án đã được ban hành, để làm cơ sở thanh toán, quyết
toán kinh phí của dự án. Trình tự lập, xét duyệt, thẩm định báo cáo quyết toán
năm của dự án thực hiện theo quy định hiện hành.
đ) Kinh phí chuyển sang năm sau: Căn cứ hướng dẫn
của Bộ Tài chính về công tác khóa sổ kế toán cuối năm và lập, báo cáo quyết
toán ngân sách nhà nước hàng năm, các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương ven biển
tổng hợp dự toán kinh phí dự án chưa thực hiện hoặc chưa thực hiện hết, các khoản
đã tạm ứng trong dự toán ngân sách, gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét chuyển số
dư kinh phí sang năm sau theo quy định.
Điều 8. Công tác báo cáo,
thanh tra và kiểm tra
1. Định kỳ 6 tháng và kết thúc năm ngân sách,
các đơn vị thực hiện dự án có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện dự án cho
Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương ven biển chủ trì dự án. Các Bộ, cơ quan
Trung ương, địa phương ven biển tổng hợp tình hình thực hiện các dự án được
giao chủ trì báo cáo Ban Chỉ đạo Nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên - môi
trường biển (qua Văn phòng Ban Chỉ đạo Nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên -
môi trường biển), để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng gửi Bộ Tài
chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
2. Các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương ven biển
được giao chủ trì dự án có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch
và Đầu tư, Văn phòng Ban Chỉ đạo Nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên - môi
trường biển kiểm tra định kỳ, đột xuất tình hình thực hiện và sử dụng kinh phí
các dự án, đảm bảo việc quản lý, sử dụng kinh phí dự án đúng mục đích, có hiệu
quả.
Điều 9. Tổ chức thực hiện
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
27 tháng 7 năm 2015 và thay thế Thông tư liên tịch số 01/2007/TTLT-BTNMT-BTC-BKHĐT ngày 26 tháng 01
năm 2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi thực hiện các dự án
thuộc “Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển
đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020”.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc,
các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương ven biển phản ánh về Bộ Tài nguyên và
Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để nghiên cứu, giải quyết./.
KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Thế Phương
|
KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG
Trương Chí Trung
|
KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
THỨ TRƯỞNG
Chu Phạm Ngọc Hiển
|