BỘ
GIAO THÔNG VẬN TẢI-BỘ TÀI CHÍNH
******
|
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
39-TT/LB
|
Hà
Nội, ngày 12 tháng 02 năm 1962
|
THÔNG TƯ LIÊN BỘ
VỀ VIỆC QUẢN LÝ KINH PHÍ DUY TU ĐƯỜNG Ô TÔ THUỘC HỆ THỐNG
TRUNG ƯƠNG QUẢN LÝ
Kính gửi:
Ủy ban hành chính các tỉnh, khu, thành phố
A. VẤN ĐỀ QUẢN LÝ KINH PHÍ DUY TU ĐƯỜNG Ô-TÔ THUỘC HỆ THỐNG
TRUNG ƯƠNG QUẢN LÝ
Trước đây, tại Nghị định số 214–NĐ ngày
08-08-1957 của Bộ Giao thông và Bưu điện có quy định : “Hệ thống đường trung
ương do trung ương quản lý về mặt kiến thiết cơ bản; về mặt tiểu tu dưỡng lộ
trung ương sẽ giao nhiệm vụ cho địa phương phụ trách với kinh phí địa phương”,
và từ 1958 đến 1961, ngân hàng địa phương ngoài việc đầu tư vốn cho công tác kiến
thiết cơ bản, đại trung tu và duy tu hệ thống đường địa phương quản lý, còn đầu
tư cả vốn để làm công tác duy tu trên hệ thống đường ô-tô thuộc trung ương quản
lý nữa.
Kinh nghiệm mấy năm qua, nhận thấy việc để ngân
sách địa phương đài thọ kinh phí duy tu đường ô-tô thuộc hệ thống trung ương quản
lý, có những mâu thuẫn:
1. Công tác duy tu đường, cầu, phà bao gồm việc
sửa chữa nhỏ và bảo dưỡng nhằm gìn giữ các công trình cầu, đường, phà được luôn
luôn tốt, để phục vụ cho nhu cầu vận tải và tạo điều kiện hạ giá thành vận tải,
mặt khác nó kết hợp chặt chẽ với công tác đại trung tu, kiến thiết cơ bản để dần
dần cải thiện và hoàn thiện hệ thống đường ô-tô của chúng ta ngày càng hiện đại,
để đáp ứng được nhu cầu của vận tải và công cuộc củng cố quốc phòng. Nhưng,
trên 1 tuyến đường trung ương quản lý thì trung ương đầu tư vốn kiến thiết cơ bản
và đại trung tu, mà địa phương lại đầu tư vốn duy tu, do đó việc kết hợp các mặt
công tác trên gặp trở ngại.
2. Các tuyến đường thuộc hệ thống trung ương quản
lý là những tuyến có ý nghĩa quan trọng về các mặt: chính trị, kinh tế, quốc
phòng và lưu lượng vận tải nhiều, đòi hỏi công tác duy tu phải được tăng cường
như về mặt tổ chức nuôi dưỡng đường cũng như về mặt đầu tư vốn, nay do ngân
sách địa phương đài thọ thường không đáp ứng được yêu cầu đó.
3. Song song với đà phát triển kinh tế và văn
hóa, hệ thống đường địa phương quản lý ngày càng phát triển (năm 1955 có trên
3.000 km, nay lên tới 5.300 km) đòi hỏi việc đầu tư vốn để duy tu đường ngày một
tăng. Ngân sách địa phương lại có hạn, nếu cứ để địa phương phải đài thọ cả
kinh phí duy tu cho hệ thống đường trung ương thì sẽ hạn chế rất nhiều việc
nuôi dưỡng hệ thống đường địa phương và như thế là không hợp lý.
Để giải quyết những mâu thuẫn trên và để tạo điều
kiện đẩy mạnh được công tác duy tu hệ thống đường trung ương quản lý, cũng như
hệ thống đường địa phương quản lý, Liên Bộ Giao thông Vận tải và Tài Chính đã
thống nhất: “Đường ô-tô thuộc hệ thống trung ương quản lý sẽ do dự
toán trung ương đầu tư vốn bao gồm công tác kiến thiết cơ bản, đại trung tu và
duy tu”. Còn ngân sách địa phương sẽ đầu tư vốn cho các công tác thuộc hệ
thống đường địa phương quản lý.
Để việc quản lý công tác duy tu thuộc hệ thống
đường trung ương quản lý được tốt, và để đảm bảo việc sử dụng kinh phí, có hiệu
quả kinh tế nhất, Liên bộ Giao thông Vận tải – Tài Chính ủy quyền cho Ủy ban
hành chính các địa phương chịu trách nhiệm quản lý công tác duy tu đường thuộc
hệ thống trung ương quản lý:
a) Về quản lý công tác:
Ủy ban hành chính các địa phương chịu trách nhiệm
quản lý công tác duy tu của các Sở, Ty Giao thông Vận tải theo đúng các chỉ
tiêu công tác, chỉ tiêu kỹ thuật và bộ máy tổ chức lực lượng duy tu của Bộ Giao
thông Vận tải đã quy định hàng năm cho từng loại công tác đường, cầu, phà.
b) Về quản lý kinh phí;
Ủy ban hành chính các địa phương chịu trách nhiệm
quản lý kinh phí duy tu theo các thể thức sau đây:
I. VIỆC LẬP VÀ XÉT DUYỆT DỰ
TOÁN HÀNG NĂM, HÀNG QUÝ.
1. Hàng năm: Hàng năm vào hạ tuần tháng 9,
các Sở, Ty Giao thông Vận tải dựa vào chỉ tiêu công tác, chỉ tiêu định mức và kỹ
thuật về duy tu đường trung ương của Bộ Giao thông Vận tải, để lập kế hoạch
công tác duy tu kèm theo dự toán kinh phí có chia ra từng quý. Mẫu dự toán kinh
phí sẽ do Bộ Giao thông Vận tải thảo luận với Bộ Tài chính để quy định.
- Các bản dự thảo kế hoạch và dự toán chi hàng
măm về công tác duy tu phải được Ủy ban hành chính địa phương xét duyệt và chuyển
lên Bộ Giao thông Vận tải chậm nhất ngày 15-10, có những nhận xét và đề nghị cần
thiết và gửi cho Bộ Tài chính để có ý kiến trình Chính phủ trước khi phê chuẩn.
Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm xét, duyệt
và ghi vào dự toán sự nghiệp phí trung ương, trình Chính phủ phê chuẩn.
Sau khi dự toán được phê chuẩn, Bộ Tài chính báo
cho Bộ Giao thông Vận tải các chỉ tiêu kinh phí, Bộ Giao thông Vận tải thông
tri cho các Ủy ban hành chính địa phương các chỉ tiêu kế hoạch, kinh phí đã được
duyệt đồng gửi cho Bộ Tài chính để theo dõi.
2. Hàng quý: Hàng quý các Sở, Ty Giao thông
Vận tải căn cứ vào dự toán kế hoạch công tác hàng năm đã được duyệt, lập kế hoạch
công tác và kế hoạch chi hàng quý (có chia từng tháng) trình Ủy ban hành chính
đồng cấp xét duyệt và gửi Bộ Giao thông Vận tải chậm nhất là 20 ngày trước mỗi
quý.
- Bộ Giao thông Vận tải sẽ xét duyệt kế hoạch
công tác và kế hoạch chi của các địa phương, lập bản kế hoạch tổng hợp, chia
cho từng tỉnh và kèm theo bản giải thích gửi cho Bộ Tài chính, Ngân hàng kiến
thiết trung ương xin cấp phát.
II. CẤP PHÁT:
Kinh phí duy tu hệ thống đường trung ương quản
lý do dự toán sự nghiệp phí trung ương đài thọ sẽ cấp phát theo hạn mức qua
Ngân hàng kiến thiết trung ương.
Hàng quý Bộ Giao thông Vận tải duyệt kế hoạch
quý về sự nghiệp duy tu hệ thống trung ương cho các tỉnh, tổng hợp thành kế hoạch
quý toàn ngành gửi Bộ Tài chính, Bộ Tài chính căn cứ vào kế hoạch quý của Bộ
Giao thông Vận tải, xét duyệt hạn mức cấp phát. Bộ Giao thông Vận tải chịu
trách nhiệm quản lý hạn mức đã được duyệt và trên cơ sở đó phân phối hạn mức
quý cho các tỉnh.
Hàng tháng Ngân hàng kiến thiết trung ương căn cứ
theo yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải mà chuyển vốn cho các Chi hàng kiến thiết
các tỉnh để tiến hành cấp phát.
Hàng tháng các Sở, Ty Giao thông căn cứ vào chỉ
tiêu quỹ đã được duyệt, lập kế hoạch chi để xin cấp phát tháng.
Việc cấp phát sẽ theo định mức số chi phí cần
thiềt cho mỗi cây số đường để tiến tới thực hiện việc giao khoán đoạn đường,
nhưng hiện nay tạm thời chưa làm được như thế, vì hoàn cảnh mới tổ chức,
nên Liên bộ quyết định cấp phát theo các khoản trong dự toán và cần chuẩn bị để
tiến lên cấp phát theo định mức chi phí theo khối lượng và đơn giá trong một thời
gian ngắn nhất. Để có khoản chi bất thường nhằm đảm bảo giao thông, đảm
bảo an toàn trong dự toán sẽ để riêng một khoản dự bị phí do Bộ Giao thông Vận
tải ấn định. Dự bị phí chỉ được sử dụng vào công tác đột xuất bất thường, không
làm, sẽ bế tắc giao thông hoặc không bảo đảm an toàn cho xe cộ như cây đổ,
đất sụt, cống sập, đường đứt, cầu trôi, v.v… chứ không được dùng chi vào công
tác thường xuyên.
III. QUYẾT TOÁN VÀ BÁO CÁO:
Hàng tháng các Khu, Sở, Ty Giao thông báo cáo
tình hình sử dụng kinh phí duy tu như sau:
1. Báo cáo nhanh: hết ngày 20 hàng tháng,
các Khu, Sở, Ty lấy số thực chi đến ngày 20 và ước chi đến ngày cuối tháng để
báo cáo số kinh phí còn lại.
2. Báo cáo chỉnh lý: đầu tháng sau, các
Khu, Sở, Ty dựa vào số thực chi trong tháng trước để chỉnh lý lại báo cáo nhanh
nói trên, Bộ Giao thông Vận tải tổng hợp báo cáo này hàng tháng gửi cho Bộ Tài
chính để theo rõi việc cấp phát chi tiêu.
3. Quyết toán:
- Báo cáo quyết toán lập theo chế độ áp dụng đối
với cấp phát kiến thiết cơ bản.
- Báo cáo quyết toán tháng 3, tháng 6, tháng 9,
và tháng 12 phải kèm thêm bản thuyết minh nói rõ số biên chế nhân lực duy tu có
bao nhiêu và phải phản ảnh được một cách tổng hợp kết quả hoàn thành công tác về
mọi mặt.
- Về khối lượng và chất lượng công tác, phải nêu
lên được một cách cụ thể tình hình hoàn thành kế hoạch khối lượng và chất lượng
công tác: Xét xem có bảo đảm đúng khối lượng và chất lượng công tác theo yêu cầu
không. Những kết quả tiết kiệm, những tổn thất, lãng phí phải được đúc kết cụ
thể.
- Về tình hình quản lý tài vụ: nêu lên những ưu
khuyết điểm trong công tác xây dựng và quản lý kế hoạch thu chi tài vụ.
Báo cáo nhanh, báo cáo chỉnh lý, báo cáo quyết
toán gửi cho Chi hàng kiến thiết địa phương, đồng thời Khu, Sở, Ty Giao thông gửi
thẳng về Bộ Giao thông Vận tải 1 bản. Các báo cáo quyết toán quý và năm phải được
Ủy ban hành chính địa phương ký duyệt trước khi gửi lên Bộ.
Thời gian gửi báo cáo quyết toán:
- Báo cáo nhanh phải gửi sang Chi hàng và về Bộ
trước ngày 22 trong tháng.
- Báo cáo chỉnh lý trước mùng 10 tháng sau.
- Báo cáo quyết toán trước ngày 20 tháng sau.
Mẫu kiểu báo cáo và chế độ kế toán Bộ Giao thông
Vận tải sẽ quy định sau khi thỏa thuận với Bộ Tài chính. Chế độ kế toán sẽ theo
nguyên tắc của chế độ kế toán kiến thiết cơ bản có giản đơn để cho thích hợp với
công tác duy tu đường sá.
IV. QUYỀN HẠN VÀ NHIỆM VỤ CỦA
ỦY BAN HÀNH CHÍNH ĐỊA PHƯƠNG VÀ CỦA CƠ QUAN TÀI CHÍNH ĐỊA PHƯƠNG ĐƯỢC ỦY QUYỀN
QUẢN LÝ KINH PHÍ SỰ NGHIỆP TRUNG ƯƠNG VỀ DUY TU ĐƯỜNG Ô-TÔ THUỘC HỆ THỐNG ĐƯỜNG
TRUNG ƯƠNG QUẢN LÝ.
Các Ủy ban hành chính địa phương chịu trách nhiệm
trước Liên bộ về việc đảm bảo thực hiện đầy đủ các chỉ tiêu ghi trong kế hoạch
công tác duy tu đã được Nhà nước phê chuẩn hàng năm, tuyệt đối không được dùng
kinh phí duy tu chi cho các công tác khác. Ủy ban hành chính địa phương có quyền:
- Kiểm soát các tổ chức thực hiện kế hoạch công
tác.
- Kiểm soát tất cả các khoản chi tiêu của các Sở,
Ty giao thông đồng cấp.
- Đình chỉ các công tác làm ngoài kế hoạch.
- Điều hòa kinh phí giữa các tháng trong quý từ
đường này sang đường khác thuộc hệ thống đường trung ương quản lý trong phạm vi
số kinh phí đã được duyệt cho cả quý và phải báo cáo về Liên bộ.
Trường hợp muốn chi vượt dự toán quý thì Ủy ban
hành chính phải gửi dự toán bổ sung kịp thời cho Bộ Giao thông Vận tải xét và
chỉ được chi sau khi Bộ Tài chính duyệt cấp kinh phí. Nếu muốn chi vượt dự toán
hàng năm thì phải lập dự toán điều chỉnh gửi Bộ Giao thông Vận tải xét trình
Chính phủ phê chuẩn và chỉ được phép chi sau khi dự toán điều chỉnh đã được duyệt
y.
Các cơ quan Tài chính (kể cả các Chi hàng kiến
thiết) các cấp có nhiệm vụ giúp Ủy ban hành chính:
- Xét duyệt các dự toán quyết toán và kế hoạch
chi của các Sở, Ty Giao thông trước khi trình Ủy ban hành chính duyệt.
- Thông qua việc cấp phát hành tháng,
giám đốc thường xuyên việc sử dụng kinh phí.
- Theo dõi việc chấp hành các chế độ, thể lệ kế
toán tài chính và phát hiện những điểm thiếu sót hoặc vi phạm về các chỉ tiêu
kinh tế kỹ thuật và tiêu chuẩn năng suất hiện hành, đề suất ý kiến sửa chữa hoặc
tiến hành kiểm tra mỗi khi cần thiết, sau khi được sự đồng ý của Ủy ban hành
chính địa phương.
Mọi sự bất đồng ý kiến giữa cơ quan Tài chính và
cơ quan Giao thông sẽ do Ủy ban hành chính giải quyết. Trường hợp thấy cần được
giải quyết thỏa đáng thì cơ quan hữu quan sẽ báo cáo thẳng lên Liên bộ để giải
quyết. Một bản báo cáo này phải gửi qua Ủy ban hành chính địa phương để chuyển
lên Liên bộ với ý kiến của Ủy ban.
B. VẤN ĐỀ THU
Vấn đề thu dưỡng lộ phí, lệ phí bến ô-tô và cước
qua phà, khi chưa có nghị định mới sửa đổi của Thủ tướng Chính phủ, các địa
phương vẫn thu theo mức cũ nhưng thể thức thu thay đổi như sau:
a) Các Sở, Ty Giao thông vận tải chịu trách
nhiệm tổ chức thu dưỡng lộ phí, cước qua phà và lệ phí bến ô-tô,
b) Đầu năm Bộ Giao thông vận tải sẽ làm bản
phân bổ cho các địa phương một tỷ lệ thích ứng vào số tiền thu được để cho các
địa phương sử dụng vào việc duy tu đường thuộc hệ thống địa phương quản lý.
c) Thu về dưỡng lộ phí, cước qua phà, lệ
phí bến xe nộp vào ngân sách trung ương sau khi các địa phương đã trích phần tỷ
lệ được phân bổ để chi cho đường địa phương.
Thông tư này bắt đầu thi hành từ 01-01-1962.
K.T. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG
Trịnh Văn Bính
|
K.T. BỘ TRƯỞNG
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
THỨ TRƯỞNG
Dương Bạch Liên
|