UỶ
BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC
******
|
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
91-UB-TT-VT
|
Hà
Nội, ngày 04 tháng 09 năm 1964
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN VIỆC LẬP KẾ HOẠCH CUNG CẤP VẬT TƯ KỸ THUẬT CỦA NỀN
KINH TẾ QUỐC DÂN
Vật tư kỹ thuật chiếm khoảng
2/3 trong giá thành sản phẩm công nghiệp cũng như trong giá thành công trình
xây dựng. Việc lập kế hoạch cung cấp vật tư kỹ thuật chính xác sẽ tạo điều kiện
để nâng cao trình độ quản lý kinh tế nhất là về mặt quản lý tài vụ, giá thành,
sử dụng vốn của Nhà nước. Chẳng những thế, nó còn giúp ta đánh giá được tính chất
vững chắc và tính chất kinh tế của các chỉ tiêu sản xuất.
Trong các năm qua công tác lập kế
hoạch cung cấp vật tư kỹ thuật có tiến bộ, nhưng tiến bộ chậm và còn nhiều thiếu
sót, nhất là phương pháp lập kế hoạch chưa được quán triệt từ trên đến dưới, kế
hoạch cung cấp thường xuyên phải điều chỉnh.
Để khắc phục dần dần từng bước
tình trạng trên, đưa dần công tác cung cấp vật tư kỹ thuật đi vào nề nếp, Thủ
tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 90-TTg ngày 14-9-1963. Để thực hiện chỉ thị
nói trên, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước hướng dẫn thêm một số vấn đề cụ thể về mặt lập
kế hoạch cung cấp vật tư kỹ thuật.
I. NỘI DUNG KẾ HOẠCH CUNG CẤP VẬT TƯ KỸ
THUẬT CỦA NỀN KINH TẾ QUỐC DÂN
Kế hoạch cung cấp vật tư kỹ thuật
là một bộ phận không thể tách rời của toàn bộ kế hoạch kinh tế quốc dân. Hình
thức kế họach cung cấp vật tư kỹ thuật bao gồm một hệ thống biểu cân đối và biểu
phân phối vật tư.
Hệ thống biểu cân đối có các loại:
cân đối từng loại vật tư, cân đối vật tư giữa các vùng kinh tế trong nước và
cân đối vật tư tổng hợp (còn gọi là cân đối liên hệ ngành). Thông qua các hình
thức cân đối sẽ xác định rõ các nguồn tài nguyên của nền kinh tế quốc dân, xác
định rõ sự phân phối các nguồn tài nguyên cho các nhu cầu của nền kinh tế quốc
dân, xác định được quan hệ tỷ lệ giữa các ngành và giữa các vùng kinh tế trong
nước. Hiện nay do chưa đủ điều kiện nên chúng ta chưa lập được biểu cân đối vật
tư tổng hợp nhưng phải chuẩn bị để lập được trong vòng 3-5 năm tới.
Hệ thống biểu phân phối vật tư
được lập theo hai hình thức:
- Biểu phân phối từng loại vật
tư cho các cơ quan tiêu dùng (còn gọi là biểu phân phối tổng hợp). Biểu này có
tính chất là một bản chỉ tiêu về nhiệm vụ Nhà nước giao cho các cơ quan cung cấp
phải thi hành.
- Biểu phân phối các loại vật tư
kỹ thuật cho từng đơn vị tiêu dùng. Biểu này chỉ rõ số lượng các loại vật tư mà
đơn vị đó được quyền sử dụng trong kỳ kế hoạch là điều kiện để đảm bảo việc thực
hiện các chỉ tiêu về sản xuất, xây dựng… của đơn vị đó.
Để lập được hệ thống tài liệu
nói trên, hàng năm các cấp, các ngành xây dựng từ dưới lên và gửi đến Ủy ban Kế
hoạch Nhà nước các kế hoạch của mình. Hình thức các kế hoạch ấy là các bảng
tính toán nhu cầu từng loại vật tư kỹ thuật và các bảng tổng hợp nhu cầu của từng
loại vật tư kỹ thuật và các bảng tổng hợp nhu cầu về các loại vật tư kỹ thuật.
Tất cả các tài liệu kế hoạch nói
trên có sự liên quan mật thiết với nhau, một đơn vị làm không tốt, hoặc chậm trễ
đều có ảnh hưởng đến việc lập kế họach cung cấp vật tư của toàn bộ nền kinh tế
quốc dân.
II. CÁC CĂN CỨ CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH
CUNG CẤP VẬT TƯ KỸ THUẬT.
Trong tất cả các giai đoạn lập kế
hoạch và trong tất cả các khâu lập kế hoạch từ dưới lên và chung cho nền kinh tế
quốc dân, kế hoạch cung cấp vật tư kỹ thuật phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các
căn cứ nói trong Chỉ thị số 90-TTg ngày 14-9-1963 của Thủ tướng Chính phủ.
Trước nhất là phải căn cứ vào
phương hướng, nhiệm vụ, chính sách của Đảng và Chính phủ trong kỳ kế hoạch. Các
ngành, các địa phương đều phải quán triệt vấn đề nói trên, quán triệt nó ngay từ
lúc đề ra các chủ trương, phương hướng của ngành và địa phương mình và thể hiện
nó một cách đúng đắn trên các chỉ tiêu sản xuất và xây dựng cơ bản.
Thứ hai là kế hoạch cung cấp phải
bảo đảm cân đối, nhất trí với các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, vận tải, xây dựng,
tài vụ... ở mỗi cấp, mỗi ngành. Muốn vậy, việc lập kế hoạch cung cấp vật tư kỹ
thuật phải có sự phối hợp thật chặt chẽ với các bộ phận phụ trách các kế hoạch
khác; phải thường xuyên có sự liên hệ mật thiết với nhau; kế hoạch sản xuất hoặc
xây dựng … có thay đổi thì kế hoạch vật tư phải thay đổi. Nói một cách khác, là
ở mỗi ngành, mỗi cấp, cần phải chú ý một cách đầy đủ đến tính chất cân đối của
kế hoạch, phải làm cho kế hoạch cung cấp vật tư ăn khớp với toàn bộ kế hoạch của
ngành, địa phương hay đơn vị mình.
Thứ ba là kế hoạch cung cấp phải
bảo đảm được tính chất tiết kiệm vì tiết kiệm không những là một biện pháp mà
còn là một chính sách quan trọng trong việc xây dựng và phát triển nền kinh tế
quốc dân. Để bảo đảm thực hiện chính sách tiết kiệm, trước hết kế hoạch cung cấp
vật tư kỹ thuật phải căn cứ vào những định mức tiêu dùng vật tư tiến bộ. Các cơ
quan kế hoạch phải thường xuyên đúc kết các sáng kiến, kinh nghiệm của quần
chúng, kịp thời đề ra các định mức mới, tiến bộ hơn làm cơ sở tính toán ch các
kế hoạch khác, tài vụ, giá thành, nộp lãi, v.v… Ngoài ra, không nên ỷ lại vào
hàng nước ngoài, cái gì ta chế tạo được thì không nên yêu cầu nhập khẩu, cái gì
có thể dùng loại vật tư thông thường mà vẫn bảo đảm kỹ thuật thì không nên yêu
cầu loại quý, khó mua. Phải tận dụng nguồn tài nguyên trong nội bộ của các
ngành, các địa phương nhất là phải sử dụng mức nguồn vật tư tồn kho của mình,
những phế liệu, phề phẩm có trong đơn vị mình.
Thứ tư là kế hoạch cung cấp phải
bảo đảm tính chất chính xác, tiến bộ và hợp lý. Muốn vậy kế hoạch cung cấp vật
tư kỹ thuật phải căn cứ vào:
a) Các định mức khoa học, tiến bộ.
Định mức tiêu dùng vật tư kỹ thuật chẳng những là đòn xeo để thực hành tiết kiệm
một cách toàn diện mà còn là cơ sở khoa học để kế hoạch hóa cung cấp vật tư kỹ
thuật. Có cơ sở khoa học chính xác thì kế hoạch cung cấp lập ra sẽ được chính
xác.
b) Các định mức dự trữ vật tư hợp
lý. Dự trữ vật tư vừa mức chẳng những bảo đảm cho sản xuất được liên tục và an
toàn mà còn làm cho vật tư phát huy được tác dụng của nó, giảm bớt được phí tổn
và vốn dùng cho dự trữ.
c) Các khối lượng xây dựng và khối
lượng và khối lượng sản xuất ít thay đổi. Như vậy là các công trình xây dựng
quan trọng phải có thiết kế kỹ thuật, thiết kế thi công, những công trình ít
quan trọng cũng phải dựa vào những chủ trương dứt khoát đã được cấp lãnh đạo
duyệt hay góp ý kiến. Về các sản phẩm làm ra phải chắc chắn có người tiêu thụ.
Riêng về sản phẩm cơ khí phải chú ý đến cả thiết kế chế tạo. Hiện nay thực hiện
điều này ở các cấp, các ngành có khó khăn là khi lập kế hoạch vật tư, các công
trình xây dựng hoặc sản phẩm định chế tạo thường chưa có chủ trương dứt khoát,
thiết kế không sẵn sàng, cơ quan tiêu thụ hay thay đổi yêu cầu, tùy tiện rút
đơn đặc hàng v.v… Ủy ban Kế họach Nhà nước có ý kiến như sau:
- Đối với các công trình xây dựng
cơ bản quan trọng mà chưa có thiết kế kỹ thuật thiết kế thi công thì ít nhất
cũng phải có thiết kế sơ bộ mở rộng và có tiến độ thi công thì mới được lập kế
hoạch vật tư cho công trình ấy. Căn cứ vào thiết kế sơ bộ mở rộng để xác định
nhu cầu vật liệu và thiết bị thì không chính xác, cho nên các Bộ, các ngành,
các địa phương cần phải điều chỉnh kịp thời sau khi có thiết kế kỹ thuật (đã được
xét duyệt) để tránh tình trạng thừa hoặc thiếu. Nếu không có các điều kiện nói
trên khi lập kế hoạch thì không ghi vào kế hoạch vật tư. Trường hợp sau khi phổ
biến kế hoạch mới có các điều kiện trên thì Nhà nước sẽ xét và cấp sau. Trên
đây là áp dụng đối với các công trình do ta tự thiết kế hay những công trình bạn
thiết kế giúp nhưng không cung cấp các vật liệu xây dụng kèm theo thiết bị toàn
bộ.
- Đối với các sản phẩm chế tạo
trong kỳ kế hoạch thì phân ra làm ba loại và cách giải quyết như sau:
+ Loại sản phảm chế tạo hàng loạt
và chế tạo thường xuyên thì nhất thiết phải có thiết kế, có các chỉ tiêu kỹ thuật
và có nơi bảo đảm tiêu thụ mới lập kế hoạch vật tư. Gặp trường hợp phải lập kế
hoạch sản xuất mà chưa xác định được nơi tiêu thụ thì cơ quan sản xuất phải
liên hệ với các ngành, các địa phương, tranh thủ ý kiến của những người có
trách nhiệm, tự bản thân mình cân nhắc lại mà đề ra các chỉ tiêu vững chắc và
chịu trách nhiệm với những chỉ tiêu đề ra.
+ Loại sản phẩm nào chế tạo đơn
chiếc, khi lập kế hoạch chưa có thiết kế thì được châm chước, dự tính ghi vào kế
hoạch nhưng khi cấp phát thì phải cấp phát theo thiết kế.
+ Loại sản phẩm nào chế tạo thí
nghiệm thì khi nào cần đến vật tư để chế tạo sẽ được cấp phát.
Thực hiện được đầy đủ các căn cứ
nói trên thì kế hoạch cung cấp vật tư kỹ thuật mới đảm bảo được tính chất chính
xác, hợp lý và phản ánh được một cách sát thực tế yêu cầu của nền kinh tế quốc
dân.
III. CÁC GIAI ĐOẠN LẬP KẾ HOẠCH VÀ
PHƯƠNG PHÁP LẬP KẾ HOẠCH CUNG CẤP VẬT TƯ KỸ THUẬT.
Lập kế hoạch cung cấp vật tư kỹ
thuật cũng như lập các kế hoạch khác của nền kinh tế quốc dân, kể cả kế hoạch
hàng năm và kế hoạch dài hạn là cả một quá trình làm liên tục từ lúc chuẩn bị
cho đến khi phổ biến xong kế hoạch đến đơn vị thực hiện. Lập kế hoạch cung cấp
vật tư kỹ thuật (kể cả kế hoạch hàng năm và dài hạn) của nền kinh tế quốc dân
thông thường phải qua các giai đoạn công tác như sau:
1. Xác định bảng danh mục vật
tư.
2. Xây dựng hoặc chỉnh lý các định
mức tiêu dùng vật tư, các định mức sử dụng công suất thiết bị, máy móc, các định
mức về dự trữ cấp vật tư kỹ thuật.
3. Lập kế hoạch.
4. Xét duyệt và phổ biến kế hoạch
cung cấp đến đơn vị thực hiện.
Bất kỳ ở cấp nào, ngành nào cũng
đều phải qua giai đoạn công tác nói trên, chỉ có khác nhau ở phạm vi và khối lượng
công tác. Dưới đây Ủy ban Kế hoạch Nhà nước xin nói rõ nội dung và thời gian tiến
hành trong mỗi giai đoạn công tác nói trên.
1. Xác định bảng danh mục vật
tư:
Vật tư kỹ thuật dùng cho nền
kinh tế quốc dân có nhiều thứ, nhiều loại, nên có sự phân cấp quản lý. Nhà nước
chỉ thống nhất quản lý những loại vật tư kỹ thuật quan trọng, số còn lại thì do
các Bộ, các ngành và các địa phương quản lý. Nhưng do sự phát triển của nền
kinh tế quốc dân, nhu cầu về vật tư kỹ thuật ngày càng một tăng thêm, mặt khác
do trình độ quản lý ở các cấp, các ngành ngày một tiến bộ, nên danh mục vật tư
do Nhà nước thống nhất quản lý không cố định mà hàng năm có sự thay đổi hoặc
tăng thêm hoặc giảm bớt. Sự tăng thêm hay giảm bớt đó đều có ảnh hưởng đến phần
danh mục vật tư do các Bộ, các địa phương quản lý. Mặt khác trong những vật tư
còn lại có đến hàng vạn thứ, các Bộ cũng không thể quản lý hết được mà còn phải
phân cấp cho xí nghiệp quản lý. Vì những lẽ đó cho nên ngoài bảng danh mục vật
tư do Nhà nước thống nhất quản lý, các Bộ các ngành và các địa phương mỗi nơi
phải lập ra bảng danh mục vật tư do đơn vị mình quản lý. Các bảng danh mục này
không những chỉ kể tên các loại lớn mà phải được lập ra rất cụ thể có quy định
ký hiệu, cơ quan cung cấp, v.v…Có làm được như vậy thì việc lập kế hoạch của cấp
dưới mới được thuận tiện, việc tổng hợp kế hoạch của cấp trên mới dễ dàng, và
việc gửi kế hoạch đến các cơ quan phụ trách cung cấp mới khỏi lẫn lộn. Hiện nay
nói chung các cấp, các ngành đều chưa chú ý đến công tác này, nên cần xúc tiến
việc lập danh mục vật tư, và hàng năm căn cứ vào tình hình cụ thể mà điều chỉnh
bổ sung cho thích hợp.
Đối với kế hoạch dài hạn thì mặt
hàng được quy định trong bảng danh mục vật tư hẹp hơn kế hoạch hàng năm, chỉ lập
kế hoạch cho những loại vật tư chính, quan trọng. Việc xác định bảng danh mục đó
cũng được lập ra ở từng cấp tùy theo mức độ quan trọng của các loại vật tư sử dụng
ở mỗi ngành, mỗi địa phương.
Tất cả các bảng danh mục này các
Bộ, địa phương đều gửi cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và các cơ quan cung cấp có
liên quan.
2. Xây dựng và chỉnh lý các
loại định mức:
Việc xây dựng các định mức tiêu
dùng vật tư kỹ thuật, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 20-TTg ngày
20-3-1963. Việc xây dựng các định mức dự trữ vật tư cũng đã được quy định rõ
trong bảng điều lệ quy định về chế độ dự trữ vật tư (sẽ ban hành).
Ủy ban Kế hoạch Nhà nước nói rõ
thêm. Để lập kế hoạch cho năm sau thì phải có căn cứ tính toán thích hợp cho
năm đó. Vì vậy ở mỗi cấp, mỗi ngành cần phải xây dựng các định mức (kể cả định
mức tiêu dùng vật tư và định mức dự trữ vật tư) nếu chưa có định mức đó đồng thời
phải xem xét kết quả của việc thực hiện các định mức trong kỳ báo cáo, phân
tích các mặt bất hợp lý cấu tạo trong định mức của kỳ báo cáo, dự kiến các mặt
tiến bộ có thể cải tiến được trong kỳ kế hoạch mà chỉnh lý lại các định mức tiến
bộ hơn.
Nội dung công tác nói trên đều
phải tiến hành để lập kế hoạch dài hạn. Làm được công tác này đòi hỏi phải có sự
theo dõi tình hình một cách thường xuyên, liên tục, nếu nơi nào lơ là, xem nhẹ
công tác này thì chất lượng các kế hoạch cung cấp sẽ không tốt.
3. Lập kế hoạch:
Giai đoạn công tác này tùy theo
trách nhiệm của mỗi cấp có khối lượng công tác nhiều, ít khác nhau, nhưng từ xí
nghiệp, nông trường, công trường… lên đến cơ quan trung ương đều có nhiệm vụ giống
nhau, là phải:
- Tính toán xác định các nhu cầu
vật tư kỹ thuật cho kỳ kế hoạch;
- Tính toán khả năng cung cấp
cho các nhu cầu đó;
- Lập các biểu kế hoạch cung cấp.
Ủy ban Kế hoạch Nhà nước xin hướng
dẫn cụ thể một số vấn đề sau đây:
a) Khi xác định nhu cầu của năm
kế hoạch thì phải ước tính nhu cầu tiêu dùng trong năm báo cáo, phải thể hiện
các số liệu này trong các biểu kế hoạch (cả biểu tính cũng như biểu tổng hợp).
Nếu không tính toán các số liệu này thì không có cơ sở để so sánh sự tăng, giảm
và tốc độ phát triển giữa năm kế hoạch và năm báo cáo.
b) Khi tính khả năng cung cấp,
các đơn vị cơ sở phải chú ý đến nguồn tồn kho, nguồn vật tư động viên được của
đơn vị mình, và phải thể hiện trong các biểu kế hoạch.
c) Giai đoạn lập kế hoạch thường
có hai bước:
- Bước thứ nhất đi từ các đơn vị
cơ sở lên đến Bộ, địa phương và từ Bộ, địa phương lên đến Ủy ban Kế hoạch Nhà
nước. Trong bước này các xí nghiệp, địa phương và các Bộ lập ra kế hoạch của
mình. Các đơn vị từ dưới lên chỉ lập ra các biểu tính nhu cầu và các biểu tổng
hợp nhu cầu về từng loại vật tư, chưa có quy hoạch cụ thể. Ví dụ: kế hoạch về
than đá thì xác định đến các loại than như than cục, than cám, than hơ-ri-két…;
gang thì xác định đến loại gang đúc, gang luyện thép; thép thì xác định đến loại
thép như thép thường, thép chế tạo… Đối với thiết bị, máy móc thì phải lập nhu
cầu đến những quy cách chủ yếu. Các biểu tổng hợp nhu cầu về từng loại vật tư,
sau khi làm việc thống nhất ý kiến với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước các Bộ, các
ngành và địa phương cần phải chỉnh lý lại và gửi cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.
- Bước thứ hai là lập ra kế hoạch
cụ thể tức là lập ra các đơn đặt hàng có quy cách cụ thể về từng loại vật tư.
Các xí nghiệp, công trường trực tiếp tiêu dùng cấp vật tư kỹ thuật, lập ra các
đơn hàng cụ thể sau khi nhận được kế hoạch cung cấp của Nhà nước đã được các Bộ,
địa phương phổ biến đến các đơn vị mình. Các đơn đặt hàng này được gửi trực tiếp
đến các cơ quan cung cấp đồng thời gửi cho các Bộ và Ủy ban Kế hoạch địa phương
(nếu là các đơn vị trực thuộc các địa phương quản lý).
Tuy nhiên nếu để tất cả các xí
nghiệp có nhu cầu bất kỳ nhiều, ít đều gửi thẳng đơn đặt hàng đến cơ quan cung
cấp thì sẽ gây khó khăn cho các cơ quan cung cấp, cho nên cần phải quy định:
Ở các địa phương: Do các sở, ty
chuyên môn tập hợp các đơn đặt hàng của các xí nghiệp, công trường trực thuộc sở
và ty và lấy sở, ty chuyên môn làm đơn vị đặt hàng. Trừ trường hợp các địa
phương có tổ chức công ty cung cấp vật tư thì công ty này sẽ là cơ quan đại diện
cho địa phương đó để đặt hàng.
Ở các Bộ: Các xí nghiệp có nhu cầu
lớn sẽ trực tiếp với các cơ quan cung cấp đồng gửi kế hoạch đến Bộ chủ quản.
Các xí nghiệp có nhu cầu ít sẽ do cơ quan cung cấp của Bộ tổng hợp và làm nhiệm
vụ đại diện để trực tiếp với các cơ quan cung cấp.
Đối với các nhu cầu đặc biệt ví
dụ như các nhu cầu về vật tư dự trữ thì cơ quan nào được giao trách nhiệm quản
lý thì cơ quan ấy là đơn vị đặt hàng sẽ lập đơn hàng cụ thể theo chỉ tiêu kế hoạch
Nhà nước.
Tất cả các trường hợp trên đều
không áp dụng cho các đơn vị có tiêu dùng điện lực. Nhu cầu về điện lực của các
đơn vị xí nghiệp, công trường từ dưới lên đều do Ủy ban Kế hoạch địa phương và
Bộ tổng hợp lập kế hoạch, nhưng việc đặt kế hoạch cung cấp cụ thể dẽ do các xí
nghiệp, công trường trực tiếp với các sở cung cấp điện.
4. Xét duyệt và phổ biến kế
hoạch cung cấp đến các đơn vị thực hiện:
Xét duyệt kế hoạch cung cấp cấp
vật tư kỹ thuật ở mỗi cấp đều phải có sự tham gia của các bộ môn kế hoạch sản
xuất, kế hoạch xây dựng, tài vụ, để đảm bảo kế hoạch cung cấp được cân đối toàn
diện. Phương pháp tốt nhất là khi xét duyệt kế hoạch sản xuất, kế hoạch xây dựng
thì xét duyệt luôn kế hoạch vật tư liên quan tới các kế hoạch đó.
Phổ biến kế hoạch cung cấp đến
đơn vị là một việc làm không thể thiếu được của các Bộ, các địa phương, vì khi
giao nhiệm vụ sản xuất, xây dựng cho các đơn vị cấp dưới thì phải phổ biến chỉ
tiêu cung cấp vật tư cho đơn vị đó. Chỉ tiêu vật tư phổ biến cho các đơn vị mới
là những chỉ tiêu vật tư tổng hợp từng loại chưa có quy cách cụ thể (trừ thiết
bị thì phải có những quy cách chủ yếu). Khi phổ biến cho các đơn vị thì các Bộ,
địa phương phải gửi bảng sao cho cơ quan phụ trách cung cấp loại vật tư ấy.
5. Thời gian tiến hành việc lập
kế hoạch cung cấp vật tư kỹ thuật:
Thời gian lập kế hoạch cung cấp
vật tư kỹ thuật hàng năm tùy thuộc vào tiến độ chung của việc lập kế hoạch kinh
tế quốc dân. Hàng năm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước sẽ có thông tư về lịch xây dựng
kế hoạch kinh tế quốc dân, trong đó có lịch làm kế hoạch vật tư.
6. Biểu mẫu lập kế hoạch cung
cấp vật tư kỹ thuật:
Để thích ứng với yêu cầu tổng hợp
lập kế hoạch cung cấp vật tư kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân, Ủy ban Kế hoạch
Nhà nước ban hành các loại biểu mẫu sau đây(1)để các ngành
và các địa phương áp dụng:
- Biểu 01- KHVT: Biểu tổng hợp
nhu cầu về thiết bị máy móc.
- Biểu 02- KHVT: Biểu tính nhu cầu
về thiết bị áp dụng cho việc tính toán xác định nhu cầu về các loại thiết bị:
máy kéo, máy xúc, xe vận tải, xà lan, toa xe lửa, tàu kéo, tàu thủy.
- Biểu 03- KHVT: Biểu tổng hợp
nhu cầu vật tư kỹ thuật áp dụng cho tất cả các loại nguyên, nhiên vật liệu
(không kể điện lực).
- Biểu 04-KHVT: Biểu tính nhu cầu
vật tư kỹ thuật dùng cho xây dựng cơ bản áp dụng cho các loại kim khí, gỗ, xi
măng.
- Biểu 05-KHVT: Biểu tính nhu cầu
vật tư kỹ thuật dùng cho sản xuất và vận tải áp dụng cho các loại kim khí, gỗ,
xi măng, than đá, xăng, diesel, hóa chất.
- Biểu 06- KHVT: Biểu tính nhu cầu
điện lực.
- Biểu 07- KHVT: Biểu tính nhu cầu
về săm lốp dùng cho ô- tô, máy kéo.
- Biểu 08- KHVT: Biểu cân đối
kim khí vụn, cũ.
Các biểu nói trên áp dụng vào việc
lập kế hoạch của khu vực quốc doanh và công tư hợp doanh. Riêng đối với nhu cầu
của khu vực hợp tác xã, tùy theo loại vật tư các hợp tác xã cần dùng mà sử dụng
các biểu trên lập thành một kế hoạch riêng. Ví dụ: nếu các hợp tác xã ở địa
phương có dùng gỗ cho sản xuất và xây dựng thì áp dụng các biểu 03, 04, 05-KHVT
nói trên, hoặc nếu dùng than thì áp dụng biểu 03-KHVT và 05-KHVT để lập.
IV. MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ QUẢN LÝ
KẾ HOẠCH CUNG CẤP VẬT TƯ KỸ THUẬT.
Hiện nay việc quản lý kế hoạch
cung cấp vật tư kỹ thuật còn vướng mắc một số vấn đề trong các ngành. Ủy ban Kế
hoạch Nhà nước căn cứ vào các thông tư, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc
quản lý phân phối vật tư, quy định cụ thể một số vấn đề sau đây:
1. Đối với nhu cầu dùng cho sản
xuất:
Nguyên tắc chung là các ngành,
các địa phương có cơ sở sản xuất hay trực tiếp quản lý cơ sở sản xuất thì phụ
trách lập kế hoạch vật tư cho các cơ sở sản xuất mà mình quản lý theo chỉ tiêu
sản lượng của Nhà nước. Dựa vào nguyên tắc trên, các trường hợp cụ thể được giải
quyết như sau:
a) Gỗ để sản xuất đồ dùng trong
nước và xuất khẩu, gỗ để xẻ ván sàn phân cho các xí nghiệp quốc doanh thì Bộ
hay Tổng cục nào có cơ sở sản xuất và được giao chỉ tiêu thì Bộ hay Tổng cục ấy
lập kế hoạch yêu cầu gỗ tròn. Kế hoạch này được ghi vào kế hoạch gỗ tròn cung cấp
cho Bộ theo chỉ tiêu sản xuất của Nhà nước đã giao. Các Bộ Nội thương và Ngoại
thương lý hợp đồng mua hàng với các cơ sở sản xuất.
Gỗ để sản xuất đồ mộc hay ván
sàn gia công cho các hợp tác xã hay bao tiêu sản phẩm của họ thì do Bộ Nội
thương và Bộ Ngoại thương lập kế hoạch. Chú ý: khi lập kế hoạch Bộ Nội thương
và Bộ Ngoại thương cần tách riêng gỗ gia công cho hợp tác xã với gỗ dùng vào
các việc khác.
b) Kim khí để sản xuất các loại
nông cụ thông thường thì các địa phương căn cứ vào nhu cầu về các loại nông cụ
đó dựa vào định mức tiêu dùng kim khí cho một công mẫu (ha) trồng trọt và số diện
tích trồng trọt của địa phương mình mà lập kế hoạch vật tư.
Riêng đối với các cơ sở chuyên sản
xuất cho các tỉnh khác, miền núi thì Ủy ban Kế hoạch nơi có cơ sở sản xuất ấy
căn cứ vào các hợp đồng mua nông cụ của tỉnh khác của Cục tư liệu nông nghiệp
hoặc của ngành mậu dịch kinh doanh mặt hàng này mà lập kế hoạch vật tư. Kim khí
cung cấp cho các cơ sở chuyên sản xuất vừa nói trên đây sẽ phân phối thẳng cho
các địa phương lập ra kế hoạch, chứ không giao qua Cục tư liệu nông nghiệp hay
mậu dịch như trước đây đã làm.
c) Những vật tư dùng cho sản xuất
những đồ dùng gia đình, những mặt hàng như cơ-lê-môn, bản lề, các loại tiểu ngũ
kim thì nguyên tắc lập nhu cầu vật tư quy định như sau:
- Những địa phương nào nhận chỉ
tiêu kế hoạch do Nhà nước trực tiếp giao thì địa phương đó lập kế hoạch vật tư
cho các loại nhu cầu này theo đúng chỉ tiêu kệ hoạch Nhà nước. Ngành thương
nghiệp và những ngành có nhu cầu sẽ trực tiếp ký hợp đồng mua sản phẩm với các
địa phương phụ trách sản xuất ra loại sản phẩm đó. Vật tư cung cấp cho các nhu
cầu sản xuất này, phần dành cho các cơ sở quốc doanh và công tư hợp doanh địa
phương sẽ phân phối thẳng cho địa phương, phần dành cho các hợp tác xã sẽ giao
cho Bộ Nội thương phân phối.
d) Những sản phẩm thuộc diện Nhà
nước thống nhất quản lý và phân phối như sà-lan, ca –nô thì địa phương nào có cơ
sở sản xuất các sản phẩm đó phải lập kế hoạch vật tư, trường hợp các Bộ nhận
nhiệm vụ sản xuất của Nhà nước rồi gia công lại cho hợp tác xã thì các Bộ lập kế
hoạch. Vật tư này được cung cấp trực tiếp theo chế độ cung cấp của Nhà nước,
không phải quan khâu nội thương.
2. Đối với các công trình xây
dựng cơ bản giao thầu:
Nguyên tắc chung là do các cơ
quan nhận thầu phụ trách lập kế hoạch vật tư cho các công trình này. Khi lập kế
hoạch xây dựng cơ bản, các Bộ, các ngành cần định rõ khối lượng và công trình giao
thầu báo cho Bộ Kiến trúc biết. Sau khi đã thống nhất ý kiến với Ủy ban Kế hoạch
Nhà nước, các Bộ, các ngành cần báo lại các chỉ tiêu sửa đổi cho Bộ Kiến trúc
biết để các chỉ tiêu về vật tư do Bộ Kiến trúc lập ra được thống nhất với khối
lượng và tiền vốn định trong kế hoạch xây dựng cơ bản. Trường hợp khi lập kế hoạch
mà chưa quyết định xong khối lượng công trình giao thầu thì nhu cầu về vật tư
cho các công trình ấy tạm ghi vào kế hoạch của Bộ chủ quản, khi giao thầu Bộ chủ
quản phải chuyển giao cả khối lượng vật tư ấy cho cơ quan nhận thầu và báo cho
cơ quan cung cấp và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước biết.
3. Nhu cầu vật tư kỹ thuật (kể cả
thiết bị) cho ngành in, trừ ngành in bản đồ và bản vẽ kỹ thuật, đều thống nhất
do Bộ Văn hóa lập kế hoạch và cung cấp cho toàn quốc. Các địa phương và các
ngành có yêu cầu đều gửi đến Bộ Văn hóa.
4. Nhu cầu vật tư kỹ thuật (do
Nhà nước thống nhất quản lý dùng cho ngành bưu điện truyền thanh trong toàn quốc
đều do Tổng cục Bưu điện, truyền thanh lập kế hoạch và cung cấp (trừ các nhu cầu
có tính chất chuyên dùng của Bộ Quốc phòng và công an vũ trang). Các địa phương
và các ngành có yêu cầu cần gửi đến Tổng cục Bưu điện, truyền thanh.
5. Đối với một số loại thiết bị
có tính chất chuyên dùng và liên quan đến các mặt kỹ thuật sử dụng và sản xuất
như máy bơm nước, máy y tế … việc lập kế hoạch và cung cấp quy định như sau:
a) Máy bơm nước tưới ruộng và chống
úng, các địa phương có yêu cầu đều phải gửi cho Bộ Thủy lợi và ghi vào kế hoạch
của địa phương gửi cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.
b) Máy móc y tế trang bị cho các
bệnh viện, các địa phương vừa gửi yêu cầu cho Bộ Y tế vừa ghi vào kế hoạch gửi
cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (chỉ kê những thiết bị do Nhà nước thống nhất quản
lý).
c) Máy diesel marin dùng cho
đóng tàu đánh cá, tàu thuyền (thuyền lắp máy) vận tải, ca nô, các Bộ, các ngành
và các địa phương có yêu cầu đều phải gửi đến Bộ Giao thông vận tải vừa ghi vào
kế hoạch của mình gửi cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.
d) Xà lan dùng vào việc vận tải,
các Bộ, các ngành và các địa phương có yêu cầu vừa gửi cho Bộ Giao Thông vận tải
vừa ghi vào kế hoạch gửi cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.
Các Bộ Thủy lợi, Y tế, Giao
thông vận tải có nhiệm vụ tổng hợp các nhu cầu này và đề xuất ý kiến với Ủy ban
Kế hoạch Nhà nước khi thẩm tra kế hoạch. Các nhu cầu này sau khi đã thẩm tra và
được xét duyệt sẽ phổ biến cho các đơn vị có nhu cầu, các cơ quan cung cấp sẽ
căn cứ vào đó mà cung cấp.
6. Lập kế hoạch về kim khí vụn:
Do yêu cầu của việc luyện kim, việc thu hồi gang, thép vụn, thép cũ, đồng vụn
và đồng cũ đã đặt ra rất cấp thiết, vì vậy bắt đầu từ kế hoạch năm 1965 các Bộ
và các địa phương phải lập kế hoạch này (theo biểu số 08-KHVT). Căn cứ vào kế
hoạch này các cơ quan cung cấp sẽ tổ chức thu hồi và cung cấp cho các nhu cầu của
nền kinh tế quốc dân.
7. Phân biệt ranh giới giữa các
loại nhu cầu của trung ương và địa phương.
Những nhu cầu vật tư kỹ thuật
nào thuộc nguồn vốn và thuộc quyền quản lý của các Bộ, các ngành ở trung ương
thì các Bộ, ngành trung ương phụ trách lập kế hoạch vật tư mặc dầu loại công
trình hay công việc đó ở địa phương. Những nhu cầu nào thuộc nguồn vốn và thuộc
quyền quản lý của địa phương, thì do địa phương phụ trách lập kế hoạch vật tư.
8. Lập kế hoạch vật tư cho khu vực
kinh tế hợp tác xã : Bao gồm các loại hợp tác xã thủ công nghiệp, nông nghiệp,
đánh cá, làm nuối, vận tải.
Việc lập kế hoạch vật tư (những
vật tư do Nhà nước thống nhất quản lý) cho khu vực kinh tế hợp tác xã ở các địa
phương sẽ do Ủy ban Kế hoạch các địa phương phụ trách tính toán và lập kế hoạch.
Các nhu cầu của hợp tác xã kể cả nhu cầu về điện lực, được lập thành một kế hoạch
riêng, chia theo từng loại hợp tác xã nông nghiêp, thủ công nghiệp, nghề cá,
nghề làm muối, vận tải và gửi cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Trong các nhu cầu của
hợp tác xã đã nói ở trên thì những nhu cầu về nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu
gửi cho Bộ Nội thương, nhu cầu về điện lực gửi cho Cục điện lực và các Sở cung
cấp điện.
Kế hoạch vật tư cung cấp cho các
loại hợp tác xã ở mỗi địa phương phải nhất trí với kế hoạch sản xuất và kế hoạch
vật tư giao cho ngành thương nghiệp đảm nhiệm phân phối trong địa phương. Kế hoạch
được chính thức phê chuẩn sẽ phổ biến đồng thời cho các địa phương, Bộ Nội
thương và Cục điện lực.
9. Đối với nhu cầu của nhân dân
(Phần vật tư bán lẻ)
Do Bộ Nội thương lập kế hoạch gửi
cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (trừ nhu cầu về điện lực). Kế hoạch này phải chia
cụ thể cho từng địa phương để theo dõi nhu cầu của từng địa phương và tương
quan về nhu cầu giữa địa phương này với địa phương khác.
Tất cả các vấn đề nói trên là những
vấn đề thuộc về phương pháp lập kế hoạch cung cấp vật tư kỹ thuật có liên quan
đến tất cả các đơn vị từ dưới lên. Đề nghị các Bộ, Tổng cục và Ủy ban Kế hoạch
các khu, tỉnh và thành phổ biến và hướng dẫn cho các đơn vị cấp dưới của mình
thực hiện và áp dụng ngay vào việc lập kế hoạch năm 1965. Sau này hàng năm, xét
cần thiết Ủy ban Kế hoạch Nhà nước sẽ có thông tư bổ sung và hướng dẫn thêm.
|
K.T.
CHỦ NHIỆM
ỦY BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC
PHÓ CHỦ NHIỆM
Lê Viết Lượng
|
(1)Các biểu mẫu
không đăng công báo.