BỘ TÀI CHÍNH
******
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phóc
******
|
Số:83/2006/TT-BTC
|
Hà Nội, ngày 15 tháng 9 năm 2006
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ TÀI CHÍNH DỰ ÁN “GIÚP ĐỠ NẠN
NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM CÁC TỈNH KHU VỰC TÂY NGUYÊN VÀ TÂY NINH GIAI ĐOẠN 2006 ĐẾN
2010”
Căn cứ Quyết định số 116/QĐ - TTg ngày 20/01/2006 của Thủ tướng Chính
phủ về việc phê duyệt Dự án “Giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam các tỉnh khu vực
Tây Nguyên và Tây Ninh giai đoạn 2006 đến 2010”;
Sau khi thống nhất với Hội Chữ thập đỏ
Việt Nam và Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý tài chính đối với Dự án như
sau:
I. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG:
Thông tư này được áp dụng cho các hoạt động giúp đỡ đối tượng là
nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam (sau đây gọi là nạn nhân) của Dự án giúp đỡ nạn
nhân chất độc da cam tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng
và Tây Ninh giai đoạn 2006 đến 2010 (sau đây gọi là Dự án).
Nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam là người bị bệnh tật hoặc dị dạng, dị
tật theo Danh mục bệnh tật, dị dạng, dị tật do chất độc hoá học ban hành kèm
theo Thông tư liên tịch số 14/2004/TTLT/BLĐTBXH-BYT-BTC ngày 08/11/2004 của
liên Bộ Lao động Thương binh và Xã hội - Bộ Y tế - Bộ Tài chính.
II. NỘI DUNG, MỨC CHI VÀ NGUỒN KINH PHÍ:
1. Phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng:
Phẫu thuật chỉnh hình, Phục hồi chức năng
cho nạn nhân bao gồm các hoạt động khám, phân loại, điều trị và quá trình luyện
tập để phục hồi chức năng vận động, hoạt động cho nạn nhân.
a. Khám sàng lọc:
Nạn nhân được Dự án
khám sàng lọc để xác định mức độ dị tật, bệnh tật trước khi thực hiện các biện
pháp điều trị. Chi cho hoạt động khám sàng lọc gồm:
- Tiền khám bệnh, chi phí thực hiện các dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm theo
chỉ định của bác sỹ và giá viện phí hiện hành.
- Chi hội chẩn để xác định mức độ dị tật, bệnh tật do nhiễm chất độc da
cam để chỉ định phẫu thuật và các phương pháp điều trị khác. Mức chi tối đa
không quá 70.000 đồng/người/buổi.
- Chi phí cho lập hồ sơ phẫu thuật (gồm chụp ảnh và lập tờ khai để làm
hồ sơ theo dõi): mức 10.000 đồng/nạn nhân đối với các nạn nhân có chỉ định phẫu
thuật của bác sỹ.
b. Chi cho phẫu thuật - chỉnh hình gồm:
- Chi phí thuốc, máu, dịch truyền, hoá chất, các dịch vụ kỹ thuật và
xét nghiệm, chi phí vật tư tiêu hao y tế theo chỉ định của bác sỹ và giá viện
phí theo quy định hiện hành của Nhà nước.
- Chi phụ cấp phẫu thuật: Thực hiện theo Thông tư liên tịch số 09/2003/TTLT-BYT-BTC-BNV ngày 29/9/2003 của
liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Quyết định số
155/2003/QĐ-TTg ngày 30/7/2003 của Thủ tướng Chính phủ quy định sửa đổi, bổ
sung một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức ngành y tế, cụ
thể như sau:
Đối tượng
|
Mức phụ cấp (đồng/ca phẫu thuật/người)
|
Loại đặc biệt
|
Loại I
|
Loại II
|
Loại III
|
Người mổ chính; gây mê; châm tê chính
|
70.000
|
35.000
|
25.000
|
20.000
|
Người mổ phụ và người phụ gây mê, châm tê
|
50.000
|
25.000
|
20.000
|
12.000
|
Người giúp việc ca mổ
|
30.000
|
20.000
|
12.000
|
6.000
|
(Việc phân loại các ca phẫu thuật được thực hiện theo các quy định hiện
hành của Bộ Y tế).
- Hỗ trợ người chăm sóc bệnh nhân trong trường hợp không có người nhà
đi cùng trong những ngày nằm viện để điều trị, mức hỗ trợ 15.000 đồng/ngày/nạn
nhân.
- Hỗ trợ dụng cụ chỉnh hình: Tuỳ theo mức độ khuyết tật của nạn
nhân để cấp áo chỉnh hình, nẹp chỉnh hình, nạng, ... cho phù hợp.
Căn cứ vào nội dung và mức chi nêu trên, Hội Chữ thập đỏ các tỉnh thực
hiện ký hợp đồng với cơ sở khám chữa bệnh để phẫu thuật chỉnh hình cho nạn
nhân. Trường hợp cần mời bác sỹ ngoài hợp đồng với bệnh viện thì đơn vị mời chi
trả tiền ăn, ở, đi lại và phụ cấp công tác cho bác sỹ theo chế độ công tác phí
hiện hành của Nhà nước.
c. Phục hồi chức năng:
- Đối với nạn nhân được phục hồi chức năng tại nhà:
+ Được cấp dụng cụ tập phục hồi chức
năng (không bao gồm xe lăn, xe lắc, xe đẩy quy định tại mục 2 Phần II Thông tư
này) phù hợp với nhu cầu của từng người.
+ Người hướng dẫn tập phục hồi chức năng cho nạn nhân được hỗ trợ
25.000 đồng/người/ngày (tối đa không quá 20
ngày).
- Đối với nạn nhân được bác sỹ điều trị chỉ định tập phục hồi chức
năng tại các cơ sở khám chữa bệnh và phục hồi chức năng: Hội Chữ thập đỏ các tỉnh
có trách nhiệm hợp đồng với các cơ sở trên và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh
theo giá viện phí hiện hành do Nhà nước quy định.
d. Khám sau khi phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng:
Nạn nhân sau khi đã phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng được khám
sau điều trị để xác định tình trạng sức khoẻ và đưa ra giải pháp điều trị tiếp.
Chi cho khám sau điều trị gồm có: Tiền khám bệnh, các chi phí thực hiện
dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm theo chỉ định của bác sỹ và theo giá viện phí hiện
hành.
đ. Hỗ trợ nạn nhân và người nhà nạn nhân khi đi khám, điều trị:
- Tiền đi lại: Theo giá vé phương tiện công cộng đã sử dụng. Trường hợp
tự túc phương tiện được hỗ trợ theo quãng đường thực tế và giá phương tiện vận
tải thông dụng.
- Tiền ăn: Trong thời gian điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh hoặc phục
hồi chức năng, nạn nhân và người nhà đưa nạn nhân đi (chỉ tính một người) được
hỗ trợ tiền ăn theo số ngày thực tế điều trị. Mức chi cho nạn nhân là 20.000 đồng/người/ngày;
người nhà nạn nhân là 15.000 đồng/người/ngày.
2. Trang cấp xe lăn, xe lắc, xe đẩy:
Nạn nhân bị dị tật cơ quan vận động, nạn nhân bệnh lý bị hạn chế đi lại
được Dự án trang cấp một lần xe lăn (hoặc xe lắc, hoặc xe đẩy) để trợ giúp về
chức năng vận động.
3. Hỗ trợ đời sống:
- Hộ nạn nhân có hoàn cảnh gia đình khó khăn được Dự án hỗ trợ vốn dưới
hình thức cấp không thu hồi để học nghề, phát triển chăn nuôi, tăng gia sản xuất
nhằm góp phần cải thiện đời sống của nạn nhân và gia đình họ.
- Mức vốn hỗ trợ và hình thức hỗ trợ (bằng tiền hoặc bằng hiện vật) do Chủ
tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh quyết định trên cơ sở thống nhất với Chủ tịch Uỷ ban
nhân dân cấp xã, bảo đảm phù hợp với nhu cầu của gia đình nạn nhân.
- Gia đình nạn nhân phải cam kết sử dụng vốn hỗ trợ đúng mục đích. Trường
hợp sử dụng sai mục đích Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh có quyền thu hồi lại tiền
hoặc hiện vật đã cấp.
4. Tập huấn kỹ thuật luyện tập phục hồi chức năng, nâng cao nghiệp vụ
cho nhân viên Hội Chữ thập đỏ, hướng dẫn cách chăm sóc và luyện tập phục hồi chức
năng cho tình nguyện viên các cấp và gia đình người hưởng lợi:
Tuỳ theo yêu cầu cụ thể, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam quyết định tổ chức tập
huấn nâng cao nghiệp vụ cho nhân viên Hội Chữ thập đỏ; tập huấn kỹ thuật chăm
sóc và luyện tập phục hồi chức năng cho tình nguyện viên và gia đình của nạn
nhân. Nội dung chi tập huấn gồm: Tài liệu tập huấn, bồi dưỡng giảng viên, báo
cáo viên, công tác phí (nếu có) của cán bộ được cử đi tập huấn, các chi phí cần
thiết khác cho tổ chức tập huấn. Mức chi theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Đối với nạn nhân được mời đến lớp tập huấn
được chi tiền ăn, ở và đi lại. Mức chi theo quy định hiện hành của Nhà nước.
5. Chi công tác chỉ đạo, giám sát, kiểm tra,
đánh giá và tuyên truyền:
a. Hỗ trợ kinh phí để tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng,
pa-nô, áp-phích, tờ rơi,… nhằm vận động các cá nhân, tập thể trong và ngoài nước
ủng hộ, hỗ trợ cho nạn nhân chất độc da cam của Dự án. Mức hỗ trợ cho công tác
tuyên truyền ở Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tối đa không quá 10 triệu đồng/năm,
ở Hội Chữ thập đỏ các tỉnh tối đa không quá 2 triệu đồng/năm.
b. Hàng năm Dự án được sử dụng tối đa không quá 12% tổng mức kinh phí để
chi cho công tác chỉ đạo, giám sát, kiểm tra, đánh giá. Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ
Việt Nam căn cứ nội dung và mức chi theo quy định hiện hành của Nhà nước để quyết định mức phân bổ cho các đơn vị thực hiện Dự
án.
6. Nguồn kinh phí
thực hiện Dự án:
- Nguồn hỗ trợ từ ngân sách trung ương được
bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước là 16,3 tỷ đồng cho Quỹ Bảo trợ nạn
nhân chất độc da cam của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam để triển khai thực hiện Dự án
theo Quyết định số 116/QĐ-TTg ngày 20/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ.
- Các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác của các tổ
chức, cá nhân trong và ngoài nước.
III. CÔNG TÁC LẬP, PHÂN BỔ DỰ TOÁN VÀ QUYẾT TOÁN
KINH PHÍ THỰC HIỆN DỰ ÁN
1. Đối với Hội Chữ thập đỏ các tỉnh tham gia Dự
án:
a. Lập dự toán: Căn cứ nhiệm vụ được
giao, tình hình thực hiện Dự án của năm trước, nội dung và mức chi hướng dẫn tại
Thông tư này, Hội Chữ thập đỏ các tỉnh lập dự toán nhu cầu kinh phí (chi tiết
theo mục lục ngân sách nhà nước, kèm theo bản thuyết minh cơ sở tính toán) gửi Hội
Chữ thập đỏ Việt Nam trước ngày 20 tháng 6
năm trước.
b. Cấp phát và quản lý kinh phí: Kinh phí thực hiện Dự án được Hội Chữ
thập đỏ Việt Nam cấp cho Hội Chữ thập đỏ các tỉnh theo hợp đồng trách nhiệm
công việc và tiến độ thực hiện. Việc mua sắm các phương tiện trợ giúp như xe lăn, xe lắc, xe đẩy, công cụ hỗ trợ phát triển
sản xuất thực hiện theo quy định hiện hành của nhà nước về mua sắm tài sản
trong đơn vị hành chính sự nghiệp.
c. Chế độ báo cáo và quyết toán: Hội Chữ thập đỏ các tỉnh thực hiện báo
cáo và quyết toán kinh phí thực hiện Dự án với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trước
ngày 31 tháng 3 năm sau để Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổng hợp gửi Bộ Tài chính
thẩm định theo quy định.
2. Đối với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam:
a. Lập dự toán: Căn cứ vào tổng mức ngân sách nhà nước hỗ trợ cho Dự án
tại quyết định số 116/QĐ-TTg ngày 20/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ và dự toán
kinh phí do Hội Chữ thập đỏ các tỉnh gửi, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lập dự toán
kinh phí của Dự án gửi Bộ Tài chính thẩm định theo quy định của Luật Ngân sách
nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật.
b. Phân bổ dự toán: Căn cứ dự toán được cấp có thẩm quyền giao hàng
năm, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thực hiện phân bổ dự toán cho các đơn vị thực hiện
Dự án theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật
hiện hành; ký hợp đồng trách nhiệm với Hội Chữ thập đỏ các tỉnh để thực hiện Dự
án.
c. Báo cáo và quyết toán: Hàng năm, trên cơ sở báo cáo quyết toán kinh
phí thực hiện Dự án của Hội Chữ thập đỏ các tỉnh, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổng
hợp và lập báo cáo gửi Bộ Tài chính thẩm định theo quy định của Luật Ngân sách
nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật hiện hành.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các tỉnh thực hiện công
khai tài chính đối với công tác lập, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí Dự
án theo quy định của pháp luật hiện hành.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công
báo.
2. Hội Chữ thập đỏ
Việt Nam phối hợp với Hội Chữ thập đỏ các tỉnh Tây Nguyên, Tây Ninh triển khai
Dự án đúng tiến độ thời gian, bảo đảm sử dụng kinh phí đúng mục đích, đúng đối
tượng. Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ các tỉnh,
Giám đốc Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt
Nam chịu trách nhiệm theo thẩm quyền khi xảy ra tình trạng sử dụng kinh phí sai
mục đích, sai đối tượng.
3. Uỷ ban nhân dân các tỉnh Tây Nguyên, Tây Ninh theo chức năng và thẩm
quyền phối hợp với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hướng dẫn Hội Chữ thập đỏ các tỉnh
triển khai thực hiện Dự án. Hàng năm, Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và Hội
Chữ thập đỏ Việt Nam tiến hành kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Dự án để
báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc đề nghị phản ánh kịp
thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng TW & các Ban của Đảng;
- Ban Dân vận Trung ương;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Hội Chữ thập đỏ VN; Bộ Ytế, KBNNTƯ
- UBND, Sở Tài chính, KBNN, Hội Chữ thập đỏ các tỉnh Tây Nguyên và Tây Ninh;
- Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Lưu: VT, Vụ HCSN.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Đỗ Hoàng Anh Tuấn
|