BỘ
TÀI CHÍNH
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
44-TC/KBNN
|
Hà
Nội ngày 31 tháng 7 năm 1996
|
THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 44 TC/KBNN NGÀY 31 THÁNG 7 NĂM 1996 HƯỚNG
DẪN KIỂM SOÁT CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 861/TTG CỦA THỦ TƯỚNG
CHÍNH PHỦ
Thực hiện Quyết định số 861/TTg
ngày 30 tháng 12 năm 1995 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, biện pháp
quản lý và điều hành Ngân sách Nhà nước năm 1996; Để từng bước tăng cường quản
lý chi Ngân sách Nhà nước, tiến tới thực hiện theo Luật Ngân sách Nhà nước từ
năm Ngân sách 1997, Bộ Tài chính hướng dẫn kiểm soát một số khoản chi lớn từ
Ngân sách Nhà nước như sau:
I. QUY ĐỊNH
CHUNG:
1. Việc cấp phát, thanh toán các
khoản chi thuộc dự toán Ngân sách Nhà nước năm 1996 được thực hiện theo cơ chế
quản lý tài chính hiện hành. Đối với một số khoản chi lớn của Ngân sách Nhà nước
phải được kiểm tra, kiểm soát theo hướng dẫn cụ thể tại thông tư này.
2. Cơ quan tài chính, Kho bạc
Nhà nước các cấp phối hợp chặt chẽ, bố trí nguồn vốn Ngân sách, tiền mặt để bảo
đảm cấp phát, thanh toán kịp thời, đúng chế độ quy định.
3. Các đơn vị sử dụng Ngân sách
Nhà nước có trách nhiệm sử dụng vốn đúng mục đích, đúng đối tượng, theo định mức
và chế độ chi tiêu tài chính Nhà nước đồng thời phải chịu sự kiểm tra, kiểm
soát của các cơ quan tài chính, Kho bạc Nhà nước trong quá trình lập kế hoạch,
phân bổ, sử dụng kinh phí, hạch toán kế toán và quyết toán Ngân sách Nhà nước.
II. QUY ĐỊNH
CỤ THỂ VỀ VIỆC KIỂM SOÁT MỘT SỐ KHOẢN CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC:
1. Chi lương và các khoản có
tính chất lương (không kể chi lương hưu và trợ cấp xã hội):
Việc kiểm soát, cấp phát, thanh
toán chi lương và các khoản có tính chất lương thuộc khu vực Ngân sách Nhà nước
cấp được thực hiện theo Thông tư Liên bộ Tài chính - Ban Tổ chức cán bộ Chính
phủ số 31TT/LB ngày 06/02/1995, cụ thể như sau:
1.1. Căn cứ chỉ tiêu số lượng
công chức, viên chức được cấp có thẩm quyền duyệt và quỹ tiền lương trong kế hoạch
tài chính được thông báo, đơn vị lập kế hoạch quỹ tiền lương và các khoản có
tính chất lương hàng quý gửi cơ quan tài chính cùng cấp và Kho bạc Nhà nước nơi
đơn vị giao dịch.
1.2. Cơ quan tài chính kiểm tra,
cấp phát quỹ tiền lương cho đơn vị; việc kiểm tra, cấp phát quỹ tiền lương phải
bảo đảm nguyên tắc:
- Không cấp phát kinh phí cho
các trường hợp tăng quỹ tiền lương không hợp lệ như tuyển dụng công chức, viên
chức, tăng lương không đúng chế độ.
- Hạn mức kinh phí cấp phát cho
đơn vị nhất thiết phải ghi rõ theo mục lương, phụ cấp lương. Trường hợp hạn mức
kinh phí cấp cho mục lương và phụ cấp lương chưa sử dụng hết được chuyển sang
tháng sau để chi; đến 31/12 nếu hạn mức kinh phí lương và phụ cấp lương còn thừa
thì xoá bỏ hạn mức; Trường hợp thiếu, cơ quan tài chính cấp bổ sung hạn mức
nhưng không được vượt quá quỹ lương được cấp có thẩm quyền duyệt trong kế hoạch
tài chính.
1.3. Việc chi trả quỹ tiền lương
và các khoản có tính chất lương cho đơn vị do kho bạc Nhà nước thực hiện căn cứ
vào:
- Đăng ký danh sách biên chế, quỹ
tiền lương được cơ quan có thẩm quyền duyệt (kể cả đăng ký bổ sung, tăng giảm
biên chế quỹ tiền lương nếu có).
- Hạn mức kinh phí về tiền lương
và các khoản có tính chất lương được cơ quan tài chính cấp.
- Báo cáo thực hiện chi trả tiền
lương và các khoản có tính chất lương tháng trước của đơn vị.
Kho bạc Nhà nước kiểm tra, thanh
toán tiền lương và các khoản có tính chất lương cho đơn vị hàng tháng. ở những
nơi có đủ điều kiện, Kho bạc Nhà nước có thể chi trả tiền lương trực tiếp cho
công chức, viên chức Nhà nước qua tài khoản cá nhân mở tại Kho bạc Nhà nước.
Trường hợp có sự chênh lệch giữa số thực cấp phát với số thực chi của đơn vị,
Kho bạc Nhà nước sẽ cấp bổ sung (nếu thiếu) hoặc trừ tiếp vào số cấp phát tháng
sau (nếu thừa) trong phạm vi quỹ tiền lương được duyệt và hạn mức kinh phí Ngân
hàng Nhà nước cấp.
1.4. Hàng quý, các đơn vị báo
cáo tình hình thực hiện chi tiêu tiền lương và các khoản có tính chất lương gửi
cơ quan tài chính và cơ quan quản lý cấp trên có xác nhận của Kho bạc Nhà nước
nơi đơn vị mở tài khoản.
- Kho bạc Nhà nước tổng hợp việc
chi trả quỹ tiền lương gửi cơ quan tài chính đồng cấp.
2. Các khoản mua sắm tài sản, sửa
chữa và xây dựng nhỏ:
2.1. Căn cứ vào dự toán chi Ngân
sách Nhà nước được cấp có thẩm quyền duyệt, các đơn vị lập dự toán chi tiết mua
sắm tài sản, sửa chữa và xây dựng gửi cơ quan tài chính cùng cấp và Kho bạc Nhà
nước nơi đơn vị mở tài khoản.
2.2. Trên cơ sở dự toán Ngân
sách Nhà nước được duyệt, kế hoạch chi chi tiết của đơn vị và khả năng nguồn vốn
Ngân sách Nhà nước, cơ quan tài chính cấp phát kinh phí cho đơn vị theo tiến độ
công việc; hạn mức kinh phí của cơ quan tài chính được ghi rõ mục mua sắm, sửa
chữa và xây dựng nhỏ.
2.3. - Kho bạc Nhà nước tiến
hành kiểm tra, kiểm soát và thực hiện thanh toán chi trả trực tiếp cho các đơn
vị cung cấp hàng hoá dịch vụ hoặc cấp qua đơn vị sử dụng Ngân sách Nhà nước theo
yêu cầu của đơn vị sử dụng Ngân sách Nhà nước, căn cứ vào:
+ Dự toán mua sắm, sửa chữa và
xây dựng được cơ quan có thẩm quyền duyệt.
+ Hạn mức kinh phí được cơ quan
tài chính cấp.
+ Các hồ sơ, tài liệu khác có
liên quan như: hợp đồng, biên bản đấu thầu, báo giá...
- Việc thanh toán, chi trả phải
bảo đảm nguyên tắc:
+ Không thanh toán các khoản chi
mua sắm, sửa chữa và xây dựng không có trong dự toán được cấp có thẩm quyền duyệt
hoặc có trong dự toán nhưng không được cơ quan tài chính cấp phát kinh phí.
+ Chỉ thanh toán chi mua sắm xe
ô tô con cho các đơn vị khi có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, được
ghi trong dự toán Ngân sách Nhà nước được duyệt và được cơ quan tài chính cấp
phát kinh phí.
+ Đối với các khoản chi mua sắm,
sửa chữa, xây dựng có giá trị hoặc tổng giá trị từ 100 triệu đồng trở lên phải
có hồ sơ đấu thầu theo quy định tại Quyết định số 20TC/KBNN ngày 17-1-1996 của
Bộ trưởng Bộ Tài chính.
3. Đối với các khoản chi sự nghiệp
kinh tế, chi cho các chương trình, mục tiêu:
3.1. Đối với các khoản chi cho
chương trình, mục tiêu do cơ quan tài chính cấp phát (kể cả các chương trình, mục
tiêu thuộc Ngân sách Trung ương uỷ quyền qua Sở tài chính - vật giá), cơ quan
tài chính các cấp có trách nhiệm kiểm tra, cấp phát trực tiếp cho đối tượng thụ
hưởng theo dự toán được cấp có thẩm quyền duyệt và định mức tiêu chuẩn chi tiêu
quy định.
Căn cứ vào quyết định cấp phát của
cơ quan tài chính, Kho bạc Nhà nước thực hiện thanh toán cho các đối tượng thụ
hưởng.
Các cơ quan, đơn vị thụ hưởng có
trách nhiệm sử dụng kinh phí đúng mục đích, đúng đối tượng theo tiêu chuẩn chi
tiêu quy định, thực hiện báo cáo, quyết toán với cơ quan tài chính theo chế độ
quy định.
3.2. Đối với các khoản chi sự
nghiệp giao thông, địa chất, chương trình 327, 773, định canh định cư... do Kho
bạc Nhà nước quản lý và cấp phát thanh toán trực tiếp được thực hiện theo chế độ
quy định hiện hành.
Căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch được
cấp có thẩm quyền duyệt, cơ quan tài chính thực hiện chuyển vốn sang Kho bạc
Nhà nước; Kho bạc Nhà nước tổ chức kiểm tra, thẩm định, cấp phát, thanh toán
theo đúng chế độ quy định bảo đảm đúng mục đích, đúng đối tượng theo dự toán được
cấp có thẩm quyền duyệt.
4. Đối với các khoản chi đầu tư
xây dựng cơ bản:
Các khoản chi đầu tư xây dựng cơ
bản được quản lý, cấp phát, thanh toán theo quy định hiện hành về quản lý đầu
tư và xây dựng cơ bản.
- Căn cứ vào kế hoạch vốn đầu tư
xây dựng cơ bản được cấp có thẩm quyền duyệt, cơ quan tài chính thực hiện chuyển
vốn cho cơ quan đầu tư phát triển để cấp phát, thanh toán.
- Cơ quan đầu tư phát triển trực
tiếp kiểm tra, thẩm định cấp phát, thanh toán khối lượng xây dựng cơ bản hoàn
thành theo đúng chế độ quy định.
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN:
1. Thông tư này có hiệu lực thi
hành trong năm Ngân sách 1996.
2. Các Bộ, ngành, UBND các cấp,
các đơn vị sử dụng Ngân sách Nhà nước, các đơn vị thuộc hệ thống tài chính, Kho
bạc Nhà nước có trách nhiệm thực hiện Thông tư này.