THÔNG TƯ
HƯỚNG
DẪN XÂY DỰNG ĐỊNH MỨC KINH TẾ - KỸ THUẬT DỊCH VỤ KIỂM DỊCH Y TẾ, Y TẾ DỰ
PHÒNG TẠI CƠ SỞ Y TẾ CÔNG LẬP
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
Căn cứ Nghị định số 95/2022/NĐ-CP ngày 15 tháng
11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng
6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp
công lập;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng;
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư hướng dẫn
xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại
cơ sở y tế công lập.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối
tượng áp dụng
1. Thông tư này hướng dẫn xây dựng định mức kinh tế
- kỹ thuật dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập.
2. Thông tư này áp dụng đối với các đơn vị sự nghiệp
công lập thực hiện các dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng, các cơ quan, tổ
chức, cá nhân khác có liên quan.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở
y tế công lập là các dịch vụ trong lĩnh vực kiểm dịch y tế, y tế dự phòng do
đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp theo quy
định của pháp luật về giá.
2. Định mức vật tư trực tiếp là mức tiêu hao nguyên
liệu, vật liệu, công cụ, thuốc, hóa chất, dụng cụ, nhiên liệu, năng lượng và
các vật tư khác (sau đây gọi tắt là vật tư) sử dụng trực tiếp để thực hiện 01
(một) dịch vụ.
3. Định mức lao động trực tiếp là mức hao phí về số
lượng người lao động (bao gồm cá nhân công thuê ngoài), thời gian lao động cần
thiết được sử dụng trực tiếp để thực hiện 01 (một) dịch vụ.
Điều 3. Nguyên tắc xây dựng định
mức kinh tế - kỹ thuật
1. Định mức kinh tế - kỹ thuật được xây dựng trên
tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật (nếu có) được cơ quan nhà nước
có thẩm quyền quy định; bảo đảm tính đúng, tính đủ hao phí (bao gồm cả phần hao
hụt) cần thiết để thực hiện 01 (một) dịch vụ.
2. Đối với các loại vật tư được trực tiếp sử dụng
cho nhiều lượt dịch vụ mà có hướng dẫn của nhà sản xuất về số lượt sử dụng (sau
số lượt sử dụng nhất định có khuyến cáo phải thay thế) thì xác định tiêu hao
trên cơ sở hướng dẫn của nhà sản xuất.
Điều 4. Phương pháp xây dựng định
mức kinh tế - kỹ thuật
1. Phương pháp tiêu chuẩn: xây dựng định mức trên
cơ sở các tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật được cơ quan nhà
nước có thẩm quyền quy định.
2. Phương pháp thống kê, tổng hợp: xây dựng định mức
trên cơ sở phân tích các số liệu thu thập được ở các thời gian trước (trong 3
năm liền kề) về mức tiêu hao vật tư, lao động trực tiếp để thực hiện 01 (một) dịch
vụ.
3. Phương pháp phân tích, thực nghiệm: xây dựng định
mức dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn thông qua khảo sát tại đơn vị (chụp ảnh,
bấm giờ, kỹ thuật đo lường khác) khi xác định về mức tiêu hao vật tư, lao động
trực tiếp để thực hiện 01 (một) dịch vụ.
4. Phương pháp chuyên gia: sử dụng kinh nghiệm của
chuyên gia trong lĩnh vực để đánh giá các yêu cầu kỹ thuật, nội dung công việc
cần thực hiện để đưa ra mức tiêu hao vật tư, lao động trực tiếp để thực hiện 01
(một) dịch vụ.
5. Định mức kinh tế - kỹ thuật được xác định theo một
hoặc nhiều phương pháp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này. Trường hợp
cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành các tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật,
quy chuẩn kỹ thuật thì phải áp dụng phương pháp quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 5. Cách tính định mức
trong xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật
1. Định mức vật tư trực tiếp được xác định như sau:
a) Xác định danh mục, chủng loại vật tư cần thiết,
sử dụng trực tiếp để thực hiện 01 (một) dịch vụ;
b) Xác định mức tiêu hao của từng loại vật tư để thực
hiện 01 (một) dịch vụ theo phương pháp quy định tại Điều 4 Thông tư này;
c) Đối với vật tư trực tiếp mà 01 đơn vị số lượng
có thể sử dụng cho nhiều hơn 01 lượt dịch vụ thực hiện (ví dụ quần, áo, mũ của
nhân viên,...), định mức được tính theo công thức sau:
|
Định mức vật tư trực
tiếp
|
=
|
1
|
|
Số lượt dịch vụ thực
hiện
|
d) Xác định tỷ lệ (%) hao hụt (nếu có).
2. Định mức lao động trực tiếp được tính như sau:
a) Xác định thời gian lao động được tính bằng giờ của
từng vị trí làm việc. Mỗi vị trí làm việc được xác định theo chức danh nghề
nghiệp, ngạch, bậc hoặc chuyên môn (nếu có) của người lao động;
b) Xác định hao phí lao động của từng vị trí làm việc
để thực hiện 01 dịch vụ theo phương pháp quy định tại Điều 4 Thông tư này;
c) Cách xác định định mức lao động trực tiếp của mỗi
vị trí làm việc để thực hiện 01 dịch vụ trong trường hợp thực hiện đồng thời
hơn 01 dịch vụ tại một thời điểm.
|
Định mức lao động
trực tiếp của mỗi vị trí làm việc
|
=
|
Tổng thời gian lao
động trực tiếp của vị trí làm việc để thực hiện dịch vụ
|
|
Số lượt dịch vụ thực
hiện
|
Điều 6. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 13 tháng
01 năm 2025.
Điều 7. Tổ chức thực hiện
Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng,
Cục trưởng các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế,
các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư
này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc,
đề nghị cơ quan, đơn vị và cá nhân phản ánh bằng văn bản về Bộ Y tế (Cục Y tế dự
phòng) để được hướng dẫn hoặc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Nơi nhận:
- Ủy ban Xã hội của Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ (Vụ KGVX, Công báo, Cổng TTĐT Chính phủ);
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng Bộ Y tế;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra VBQPPL);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế;
- Y tế các Bộ, ngành;
- Sở Y tế, Trung tâm KSBT, Trung tâm KDYTQT các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ Y tế;
- Lưu: VT, DP, PC.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Thị Liên Hương
|