BỘ TÀI CHÍNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 24/2018/TT-BTC
|
Hà Nội, ngày 12
tháng 3 năm 2018
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ
KINH PHÍ ĐÀO TẠO CHO LƯU HỌC SINH LÀO VÀ CAMPUCHIA (DIỆN HIỆP ĐỊNH) HỌC TẬP TẠI
VIỆT NAM
Căn
cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 6
năm 2015;
Căn
cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng
12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn
cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7
năm 2017 của Chính phủ qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức
của Bộ Tài chính;
Thực
hiện phương án Điều chỉnh định mức chi đào tạo lưu học sinh Lào và Campuchia học
tập tại Việt Nam (diện Hiệp định) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản
số 11649/VPCP-QHQT ngày 01 tháng 11 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ.
Xét
đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại;
Bộ
trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý kinh phí đào tạo cho
lưu học sinh Lào, Campuchia (diện Hiệp định) học tập tại Việt Nam như sau:
Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1.
Phạm vi Điều chỉnh
Thông
tư này quy định định mức chi đào tạo và cấp kinh phí từ nguồn viện trợ không
hoàn lại của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho Chính phủ
Lào và Chính phủ Campuchia để đào tạo lưu học sinh Lào, lưu học sinh Campuchia
được cử sang học tập tại Việt Nam theo các hiệp định hợp tác giữa Chính phủ Việt
Nam với Chính phủ Lào và Chính phủ Campuchia.
2.
Đối tượng áp dụng: Thông tư này áp dụng đối với cơ sở đào tạo tại Việt Nam; lưu
học sinh Lào, Campuchia và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong
Thông tư này, các từ sau đây được hiểu như sau:
1.
Hiệp định: là Hiệp định, Biên bản kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ được ký kết giữa
Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Lào, Chính phủ Campuchia.
2.
Lưu học sinh: là cán bộ, học sinh, sinh viên Lào, Campuchia vào Việt Nam học tập
theo Hiệp định.
3.
Đào tạo dài hạn: gồm các hệ đào tạo trung học, đại học và sau đại học theo quy
định, có thời gian đào tạo từ 12 tháng trở lên.
4.
Đào tạo ngắn hạn: là các khoá đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn
có thời gian đào tạo dưới 12 tháng.
Điều 3. Nguyên tắc quản lý và chi đào tạo
1.
Kinh phí đào tạo, hỗ trợ ban đầu và sinh hoạt phí cấp qua cơ sở đào tạo được cấp
có thẩm quyền giao nhiệm vụ đào tạo cho lưu học sinh Lào, Campuchia.
2.
Các cơ sở đào tạo có trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí đúng Mục đích, có hiệu
quả, công khai, minh bạch, đúng chế độ.
3.
Việc lập dự toán, thanh quyết toán theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, các quy định liên
quan và Thông tư này.
4.
Đối với lưu học sinh học không tập trung, mức chi đào tạo tính theo tháng và số
ngày thực tế (trường hợp không đủ 01 tháng) sinh viên có mặt học tập tại Việt
Nam.
Điều 4. Kinh
phí đào tạo
1.
Nội dung chi
a)
Chi thường xuyên bao gồm các Khoản chi cho công tác giảng dạy và học tập, bao gồm
cả chi phí biên dịch, phiên dịch tài liệu (nếu có), chi đi học tập, khảo sát thực
tế cho các lớp bồi dưỡng ngắn hạn (nếu có), chi hỗ trợ tiền ở cho lưu học sinh.
b)
Các Khoản chi một lần cho cả khoá học: chi hỗ trợ trang thiết bị phục vụ cho giảng
dạy, thực hành và trang thiết bị phục vụ sinh hoạt của lưu học sinh ở tại kí
túc xá, chi tham quan, chi làm hồ sơ thủ tục nhập học, chi tổng kết, kết thúc
khoá học và bảo vệ luận văn tốt nghiệp, chi tặng phẩm, chi đón và tiễn lưu học
sinh đi và về tại sân bay quốc tế Việt Nam.
c)
Chi phí khác
-
Chi khám bệnh tổng thể đầu khóa học, chi khám bệnh tổng thể định kỳ hàng năm;
-
Chi nhân ngày Quốc khánh Việt Nam và Quốc khánh nước bạn, Tết cổ truyền Việt
Nam và Tết cổ truyền nước bạn
2.
Định mức chi
a)
Lưu học sinh hệ đào tạo dài hạn: 2.576.000 đồng/người/tháng.
b)
Lưu học sinh hệ đào tạo ngắn hạn: 5.485.000 đồng/người/tháng.
c)
Các cơ sở đào tạo thuộc khối quốc phòng, an ninh, cơ yếu, thể dục thể thao, văn
hóa nghệ thuật được cấp tăng thêm 10% kinh phí đào tạo được cấp cho hệ đào tạo
tương ứng quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 2 Điều này.
d)
Đối với các mức chi cụ thể của các Mục chi nêu tại Khoản 1 Điều này: áp dụng
theo định mức của cơ sở đào tạo (nếu có) phù hợp với quy định của pháp luật;
trường hợp không có định mức cụ thể, các cơ sở đào tạo chủ động chi tiêu. Tổng
các Khoản chi không vượt quá định mức chi nêu tại Khoản 2 Điều này.
Điều 5. Chi sinh hoạt phí
1.
Nội dung chi: sinh hoạt phí cho lưu học sinh.
2.
Định mức chi
-
Lưu học sinh đào tạo dài hạn hệ trung học: 3.080.000 đồng/người/tháng.
-
Lưu học sinh đào tạo dài hạn hệ đại học: 3.630.000 đồng/người/tháng.
-
Lưu học sinh đào tạo dài hạn hệ sau đại học: 4.110.000 đồng/người/tháng.
-
Lưu học sinh đào tạo, tập huấn ngắn hạn: 4.820.000 đồng/người/tháng.
-
Lưu học sinh học tiếng Việt thi tuyển vào bậc Trung học, Đại học: 2.460.000 đồng/người/tháng.
-
Lưu học sinh học tiếng Việt thi tuyển vào bậc Sau đại học: 2.900.000 đồng/người/tháng.
3.
Nguyên tắc chi
a)
Đối với cơ sở đào tạo không tổ chức ăn tập trung, toàn bộ sinh hoạt phí được cấp
cho lưu học sinh.
b)
Đối với cơ sở đào tạo tổ chức ăn tập trung theo quy định thì suất ăn tập trung
cho lưu học sinh Lào, Campuchia theo định mức của cơ sở đào tạo không vượt quá
45% định mức chi quy định tại Khoản 2 Điều này; Phần còn lại được chi trực tiếp
cho lưu học sinh.
Điều 6. Hỗ trợ trang cấp ban đầu
1.
Nội dung chi
a)
Hỗ trợ trang cấp cá nhân cần thiết ban đầu được cơ sở đào tạo cấp một lần cho một
lưu học sinh để sử dụng trong cả khoá học bao gồm các vật dụng cần thiết như
chăn, màn, chậu rửa, quần áo...Trường hợp bị mất hoặc hư hỏng, lưu học sinh
không cấp lại.
b)
Lưu học sinh đã được hỗ trợ trang cấp cá nhân ban đầu khi sang học tiếng Việt để
thi tuyển vào các bậc học thì sẽ không được hỗ trợ trang cấp cá nhân ban đầu
khi vào bậc học chính thức.
2.
Định mức hỗ trợ
a)
Lưu học sinh hệ đào tạo dài hạn: 4.480.000 đồng/người.
b)
Lưu học sinh hệ đào tạo ngắn hạn: 3.580.000 đồng/người.
c)
Lưu học sinh khối quốc phòng, an ninh, cơ yếu, được cấp bổ sung chênh lệch quân
trang trị giá 55.000 đồng/người/tháng.
3.
Nguyên tắc chi
Kinh
phí hỗ trợ trang cấp ban đầu được cấp qua cơ sở đào tạo để hỗ trợ trực tiếp cho
lưu học sinh.
Điều 7. Chi phí đi lại
1.
Đối với lưu học sinh hệ dài hạn tập trung, hệ ngắn hạn: 01 vé máy bay khứ hồi hạng
phổ thông (vé sang Việt Nam khi nhập học và vé lượt về nước khi tốt nghiệp) và
lệ phí sân bay, cước hành lý thêm ngoài vé (20kg) theo thực tế theo tuyến đường
tiết kiệm chi phí nhất.
Trường
hợp học sinh tự lựa chọn phương tiện khác (không phải phương tiện máy bay) thì
được thanh toán giá vé theo thực tế ghi tại hoá đơn thu tiền của phương tiện đi
lại. Giá vé không cao hơn giá vé máy bay hạng phổ thông thấp nhất từ điểm đi đến
điểm đến.
2.
Đối với hệ cao học chính quy không tập trung: Mỗi kỳ học tập trung học sinh được
hỗ trợ một lượt vé đi hoặc một lượt vé về. Trường hợp cơ sở đào tạo tổ chức đưa
đón tập trung từ/đến cửa khẩu cho lưu học sinh và được lưu học sinh nhất trí
thì thanh toán chi phí đi lại từ/đến cửa khẩu theo thực chi, không quá 50% giá
vé máy bay hạng phổ thông thấp nhất từ điểm đi đến điểm đến.
Điều 8. Lập dự toán, giao dự toán, thanh
toán, quyết toán vốn viện trợ
1. Lập và giao dự toán
a) Căn cứ chỉ tiêu đào tạo mới, số lượng
lưu học sinh hiện đang học và suất chi đào tạo theo quy định tại Thông tư này,
các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương được cấp có thẩm quyền giao chỉ tiêu
đào tạo lưu học sinh Lào, Campuchia lập dự toán chi viện trợ cho đào tạo, gửi Bộ
Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp vào dự toán chi viện trợ, trình cấp
thẩm quyền xem xét, quyết định.
b) Trên cơ sở dự toán vốn viện trợ được
giao, các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương phân bổ dự toán vốn viện trợ
cho các cơ sở đào tạo trực thuộc.
2. Thanh toán vốn viện trợ
a) Các cơ sở đào tạo thực hiện rút dự
toán kinh phí viện trợ qua Kho bạc Nhà nước theo quy định.
b) Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm
soát chi và thanh toán vốn viện trợ theo quy định.
3. Quyết toán vốn viện trợ
a)
Việc quyết toán kinh phí theo thực chi, với đầy đủ hoá đơn, chứng từ chứng minh
việc chi tiêu theo quy định, trừ trường hợp các Khoản chi được khoán theo quy định
của pháp luật.
b)
Các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương lập báo cáo quyết toán kinh phí viện
trợ cho đào tạo, tổng hợp trong báo cáo quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước
của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương và gửi báo cáo quyết toán cho Bộ
Tài chính để thẩm định, tổng hợp quyết toán ngân sách nhà nước của các Bộ, cơ
quan trung ương và địa phương theo quy định.
Điều 9. Tổ chức thực hiện
1.
Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ
ngày 01 tháng 5 năm 2018 và thay thế các Thông tư của Bộ Tài chính: số 120/2012/TT-BTC ngày 24 tháng 7 năm 2012 quy định
suất chi đào tạo cho lưu học sinh Lào và Campuchia (diện Hiệp định) học tập tại
Việt Nam và Thông tư số 140/2014/TT-BTC ngày
24 tháng 9 năm 2014 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 120/2012/TT-BTC
ngày 24 tháng 7 năm 2012 nêu trên.
2. Điều Khoản chuyển tiếp
Trường hợp các Bộ, cơ quan trung ương
và địa phương đã được cấp thẩm quyền giao dự toán vốn viện trợ năm 2018 cho đào
tạo lưu học sinh Lào, Campuchia trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thì được
đề xuất giao dự toán bổ sung kinh phí viện trợ đối với Phần chênh lệch do thay
đổi suất chi đào tạo.
3. Trong quá trình thực
hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị kịp thời thông báo cho Bộ
Tài chính để phối hợp giải quyết./.
Nơi nhận:
-
Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương Đảng và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao;
- Toà án Nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Cổng thông tin điện tử của Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, Cục QLN (.....b)
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Xuân Hà
|