Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 06/2002/TT-BTC hướng dẫn thi hành chủ trương, biện pháp điều hành dự toán ngân sách nhà nước năm 2002

Số hiệu: 06/2002/TT-BTC Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Tài chính Người ký: Phạm Văn Trọng
Ngày ban hành: 18/01/2002 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 06/2002/TT-BTC

Hà Nội, ngày 18 tháng 1 năm 2002

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 06/2002/TT-BTC NGÀY 18 THÁNG 1 NĂM 2002 HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỂM VỀ CHỦ TRƯƠNG, BIỆN PHÁP ĐIỀU HÀNH DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2002

Căn cứ Nghị quyết số 50/2001/QH10 ngày 27/12/2001 của Quốc hội Khóa X, Kỳ họp thứ 10 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2002;
Căn cứ Quyết định số 196/2001/QĐ-TTg ngày 27/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2002;
Bộ Tài chính hướng dẫn một số điểm về chủ trương và biện pháp điều hành ngân sách nhà nước năm 2002 như sau:

I. PHÂN BỔ VÀ GIAO DỰ TOÁN THU, CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

- Căn cứ dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2002 Thủ tướng Chính phủ giao, các Bộ, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tổng cục Hải quan cần khẩn trương triển khai công tác giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho các đơn vị trực thuộc và cấp dưới; chậm nhất phải hoàn thành trong tháng 1/2002. Trường hợp Hội đồng nhân dân tỉnh chưa thông qua dự toán ngân sách, Uỷ ban nhân dân tỉnh cần có phương án tạm giao dự toán Ngân sách để các đơn vị triển khai thực hiện.

- Để tăng quyền chủ động cho chính quyền cấp dưới, năm 2002 Trung ương chỉ giao một số chỉ tiêu thu, chi Ngân sách chủ yếu gồm:

+ Tổng thu Ngân sách Nhà nước trên địa bàn, trong đó chi tiết các khoản thu liên quan thưởng vượt thu Ngân sách;

+ Tổng chi Ngân sách địa phương, trong đó chi tiết một số nhiệm vụ: chi đầu tư xây dựng cơ bản tập trung (vốn trong nước và ngoài nước), chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề, chi sự nghiệp khoa học công nghệ và môi trường, dự phòng ngân sách địa phương;

+ Số bổ sung từ ngân sách Trung ương để cân đối ngân sách địa phương;

+ Chi thực hiện mục tiêu quốc gia; chi thực hiện dự án 5 triệu ha rừng và chi thực hiện một số mục tiêu nhiệm vụ khác.

Các chỉ tiêu còn lại và việc phân bổ cụ thể các nhiệm vụ chi (kể cả chương trình mục tiêu quốc gia) do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Đồng thời có hướng dẫn và có cơ chế kiểm tra, kiểm soát nhằm đảm bảo phân bổ ngân sách của cấp dưới phù hợp với định hướng, mục tiêu đã được Hội đồng nhân dân cấp trên quyết định.

1. Về thu ngân sách nhà nước

Dự toán thu Thủ tướng Chính phủ giao là mức tối thiểu; các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cần giao chỉ tiêu phấn đấu cho cấp dưới và đơn vị không thấp hơn thực hiện năm 2001và tăng ít nhất 3% so với mức Chính phủ giao.

Năm 2002 thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ nghèo (theo chuẩn hộ nghèo tại Quyết định số 1143/2000/QĐ-LĐTBXH ngày 1/11/2000 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), hộ có diện tích đất sản xuất nông nghiệp tại các xã thuộc chương trình 135 của Chính phủ; Đối với các hộ còn lại được giảm 50% số thuế sử dụng đất nông nghiệp phải nộp trong năm sau khi đã trừ số thuế được miễn giảm theo chính sách (nếu có).

Việc miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp theo các quy định trên chỉ thực hiện đối với diện tích đất sản xuất nông nghiệp trong hạn mức (hạn mức đất theo quy định của Luật Đất đai), diện tích đất vượt hạn mức của các hộ sản xuất nông nghiệp vẫn phải nộp thuế theo quy định hiện hành. Riêng đối với hộ sản xuất nông nghiệp được xác định là hộ nghèo (theo chuẩn hộ nghèo tại Quyết định số 1143/2000/QĐ-LĐTBXH ngày 1/11/2000 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) thì được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trên toàn bộ diện tích đất sử dụng.

Không thu sử dụng vốn tại doanh nghiệp nhà nước; các doanh nghiệp phải sử dụng nguồn vốn này để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

2. Về chi ngân sách nhà nước

- Căn cứ nguồn thu, nhiệm vụ chi được giao, trên cơ sở khai thác nguồn thu, chống thất thu, các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện sắp xếp hợp lý các nhiệm vụ chi, trong đó ưu tiên bố trí vốn cho đầu tư phát triển, đảm bảo vốn đối ứng các dự án ODA, vốn chuẩn bị đầu tư, các dự án phòng chống thiên tai và khắc phục hậu quả thiên tai; chi sự nghiệp kinh tế, trong đó tập trung cho các dự án giống, công tác khuyến nông - lâm - ngư - diêm; công tác quy hoạch, lập bản đồ sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; các nhiệm vụ về phát triển du lịch, xúc tiến thương mại, khuyến khích phát triển thị trường tài chính tiền tệ, thị trường bất động sản; chi giáo dục - đào tạo - dạy nghề, khoa học công nghệ; đầu tư cho các vùng có nhiều khó khăn;...

- Bố trí đủ nguồn để trả các khoản nợ đến hạn (nợ xây dựng cơ sở hạ tầng, nợ vay thực hiện nhiệm vụ kiên cố hóa kênh mương,...); đồng thời có biện pháp chấn chỉnh, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vay và sử dụng tiền vay ở các đơn vị, cấp dưới, đảm bảo các khoản vay đều được sử dụng đúng mục đích và trả nợ đúng hạn.

3. Về cân đối ngân sách địa phương

3.1. Về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi:

Năm 2002 tiếp tục thực hiện ổn định các nguồn thu, tỷ lệ điều tiết và nhiệm vụ chi giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương như năm 2001. Riêng đối với chi chương trình đầu tư hạ tầng thể dục thể thao, chương trình phát triển cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản năm 2001 đã cân đối trong ngân sách địa phương, năm 2002 bố trí ở ngân sách Trung ương và thực hiện bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương.

3.2. Năm 2002 tiếp tục thực hiện cơ chế đầu tư trở lại cho địa phương một số nguồn thu (thuế sử dụng đất nông nghiệp, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, xổ số kiến thiết,...) để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn như năm 2001.

Việc phân cấp, quản lý và báo cáo tình hình sử dụng các nguồn thu trên được thực hiện theo quy định tại điểm 3 Phần I Thông tư số 06/2000/TT-BTC ngày 18/01/2000 của Bộ Tài chính.

3.3. Nguồn thu ngân sách của các cấp chính quyền địa phương năm 2002 được xác định trên cơ sở:

- Tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các nguồn thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương được ổn định theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã giao năm 2000 và 2001.

- Số bổ sung từ ngân sách Trung ương để cân đối ngân sách địa phương (nếu có) được tính tăng 3% so với mức bổ sung cân đối năm 2001 (sau khi loại trừ toàn bộ hoặc một phần số bổ sung cho một số mục tiêu, nhiệm vụ nhất định).

3.4. Ngoài ra, năm 2002 Trung ương còn bổ sung hỗ trợ cho địa phương thực hiện một số nhiệm vụ, chế độ, chính sách. Cụ thể như sau:

a) Hỗ trợ vốn sự nghiệp:

- Hỗ trợ thực hiện một số nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh miền núi, Tây Nguyên theo các Quyết định số 168/2001/QĐ-TTg ngày 30/10/2001 và Quyết định số 186/2001/QĐ-TTg ngày 7/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ.

- Hỗ trợ thực hiện chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 35/2001/NĐ-CP ngày 9/7/2001 của Chính phủ.

- Hỗ trợ thực hiện chế độ phụ cấp khu vực các vùng khó khăn và phụ cấp đặc biệt theo Thông tư liên tịch số 03/2001/TTLT-BLĐTBXH-BTC-UBDTMN ngày 18/1/2001 của Liên Bộ Lao động Thưương binh và Xã hội - Bộ Tài chính - Uỷ ban Dân tộc và Miền núi và Thông tư liên tịch số 04/2001/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 18/1/2001 của Liên Bộ Lao động Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính.

- Hỗ trợ thực hiện các dự án giống nhằm chuyển đổi nhanh cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông thôn.

Đối với các khoản hỗ trợ nêu trên, Trung ương không tổ chức xét duyệt từng đối tượng, từng nhiệm vụ cụ thể. Các địa phương căn cứ vào chế độ, chính sách, mức hỗ trợ của Trung ương và điều kiện của địa phương để quyết định cụ thể theo các nhiệm vụ. Riêng khoản hỗ trợ để thực hiện chương trình giống, địa phương phải xây dựng đề án, Trung ương chỉ cấp cho địa phương sau khi có đăng ký danh mục đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm đảm bảo đúng mục tiêu và thực hiện hiệu quả.

- Hỗ trợ nhiệm vụ phát triển và phủ sóng phát thanh, truyền hình vùng lõm.

- Hỗ trợ hộ dân tộc đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 138/2000/QĐ-TTg ngày 29/11/2000 của Thủ tướng Chính phủ.

- Hỗ trợ vùng sản xuất muối. Để đảm bảo thực hiện theo đúng mục tiêu và hiệu quả, Bộ Tài chính chỉ cấp phát sau khi các địa phương có đăng ký cụ thể danh mục đã được cấp có thẩm quyền duyệt.

b) Hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng cơ bản:

Ngoài các nhiệm vụ đã bổ sung như năm 2001 đã giao (đầu tư cho khu vực cửa khẩu, lòng hồ và một số nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định), năm 2002 còn bổ sung thêm để thực hiện một số mục tiêu, nhiệm vụ mới:

+ Đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch;

+ Đầu tư các cơ sở neo, đậu tầu thuyền tránh bão;

+ Đầu tư vùng phân lũ sông Đáy và chậm lũ;

+ Hỗ trợ phát triển sản xuất muối theo Quyết định số 153/1999/QĐ-TTg ngày 15/7/1999 của Thủ tướng Chính phủ;

+ Đầu tư xây dựng các cụm, tuyến dân cư vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định số 1548/QĐ-TTg ngày 5/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở nguồn kinh phí được Trung ương hỗ trợ cho các nhiệm vụ nêu trên, các địa phương chủ động sử dụng ngân sách địa phương tăng thêm kinh phí nhằm thực hiện các mục tiêu theo quy định, đảm bảo đúng mục đích và hiệu quả, không sử dụng cho các mục tiêu khác;

3.5. Về thưởng vượt dự toán thu cho ngân sách địa phương:

a) Đối với khoản thu được thưởng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước:

- Thuế tiêu thụ đặc biệt hàng sản xuất trong nước (không kể phần ngân sách địa phương đã được hưởng theo phân cấp): thưởng 100% số thu vượt dự toán giao.

- Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt hàng nhập khẩu: thực hiện thưởng cho các địa phương có số thu vượt dự toán sau khi trừ các khoản Trung ương đã cấp lại cho địa phương (như đầu tư cho khu vực cửa khẩu,...). Về mức thưởng, số thu vượt dự toán giao từ 20 tỷ đồng trở xuống thưởng 100%, số thu vượt trên 20 tỷ đồng thưởng thêm 50% số vượt thêm nhưng tổng số thưởng tối đa không quá 50 tỷ đồng.

b) Đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách các cấp chính quyền địa phương thực hiện thưởng ngân sách địa phương 20% số thực nộp vào ngân sách trung ương năm 2002 cao hơn thực hiện năm 2001 (không bao gồm thu sử dụng vốn ngân sách).

c) Riêng đối với thành phố Hà Nội, thưởng vượt thu được thực hiện theo Pháp lệnh thủ đô số 29/2000/PL-UBTVQH10 ngày 28/12/2000 của ủy ban Thường vụ Quốc hội và các văn bản hướng dẫn.

d) Để có cơ sở xét thưởng, các địa phương có trách nhiệm tổng hợp báo cáo kết quả thu nộp ngân sách gửi về Bộ Tài chính như quy định tại điểm 6.3 khoản 6 Phần IV Thông tư số 103/1998/TT-BTC ngày 18/07/1998 của Bộ Tài chính.

e) Các khoản tiền thưởng và cấp lại nêu trên được sử dụng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, đột xuất phát sinh ở địa phương, không được bổ sung chi quản lý Nhà nước, Đảng, Đoàn thể và được hạch toán, quyết toán vào niên độ ngân sách năm 2003.

II. CÔNG TÁC TỔ CHỨC QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

1. Tập trung chỉ đạo các biện pháp để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm:

- Triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích cầu của Chính phủ; đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; thúc đẩy phát triển sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm, nhất là các sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường, những mặt hàng trọng điểm.

- Tiếp tục thực hiện và mở rộng chế độ thưởng theo kim ngạch xuất khẩu vào tất cả các thị trường và cho tất cả thương nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đối với các mặt hàng sau: gạo, cà phê, chè, lạc nhân, thịt gia súc, gia cầm các loại, rau quả hộp, rau quả tươi, rau quả khô và sơ chế, hạt tiêu, hạt điều, gốm, sứ, đồ gỗ mỹ nghệ, mây tre lá (không kể số hàng hoá được xuất khẩu theo Hiệp định Chính phủ và xuất khẩu trả nợ) theo Chỉ thị số 31/2001/CT-TTg ngày 13/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ.

- Thực hiện nghiêm chỉnh các chính sách miễn, giảm thuế của Nhà nước để khuyến khích sản xuất và góp phần ổn định đời sống nhân dân, nhất là miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ nghèo, hộ ở địa bàn xã đặc biệt khó khăn, miễn giảm do thiên tai, lũ lụt.

- Các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chỉ đạo các doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn tích tụ được do thực hiện không thu tiền sử dụng vốn ngân sách đối với các doanh nghiệp nhà nước để phát triển sản xuất kinh doanh. Trên cơ sở hướng dẫn của cơ quan tài chính, các doanh nghiệp có trách nhiệm sử dụng nguồn vốn này đúng quy định, có hiệu quả; nghiêm cấm sử dụng sai mục đích, thất thoát, lãng phí.

2. Tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu:

- Tăng cường công tác quản lý, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong tổ chức, chỉ đạo thu, chống thất thu, trốn thuế, lậu thuế, buôn lậu, gian lận thương mại. Rà soát, nắm lại các đối tượng thu, tình hình sản xuất kinh doanh để đảm bảo thu đúng, thu đủ các khoản thu theo quy định của Pháp luật, nhất là đối với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, cần xác định mức thu hợp lý, điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh của các đối tượng ở khu vực này.

- Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế. Trường hợp số đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng lớn, cần thiết phải có sự kiểm tra xác minh chặt chẽ trước khi hoàn cho đối tượng; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan thu và cơ quan chức năng chống gian dối, lợi dụng để chiếm đoạt tiền vốn và tài sản của Nhà nước.

- Đối với phí và lệ phí thực hiện theo đúng các qui định của Pháp lệnh phí và lệ phí, trong khi chờ các văn bản hướng dẫn cần triển khai thực hiện các nội dung theo công văn số 12628/TC-CSTC ngày 26/12/2001 của Bộ Tài chính.

3. Về quản lý, điều hành ngân sách:

- Phát huy tính chủ động của các cấp và đơn vị trong quản lý điều hành ngân sách. Đảm bảo chi trong dự toán, đúng mục tiêu được duyệt.

Đối với ngân sách địa phương, trong quá trình thực hiện, nếu tăng thu được bố trí tăng chi cho các nhiệm vụ quan trọng, không tăng chi hành chính; trường hợp giảm thu phải sắp xếp, giảm chi tương ứng, tập trung cắt giảm hoặc giãn, hoãn những nhiệm vụ chưa thực sự cấp thiết,...

Chủ động cân đối ngân sách để giải quyết các nhiệm vụ chi đột xuất phát sinh, cấp trên không giải quyết các nhu cầu chi ngoài dự toán cho cấp dưới, trừ các trường hợp bất khả kháng như thiên tai xảy ra trên phạm vi rộng, mức độ thiệt hại lớn. Một số chế độ, chính sách mới do Trung ương ban hành làm giảm thu (nếu có) hoặc tăng chi, ngân sách địa phương cũng phải chủ động sắp xếp giải quyết, ngân sách Trung ương chỉ hỗ trợ một phần.

- Dự phòng ngân sách các cấp chính quyền địa phương chỉ được sử dụng để giải quyết các nhiệm vụ chi đột xuất phát sinh, nhất là khắc phục hậu quả thiên tai, cứu đói, sự nghiệp kinh tế, xử lý nợ; không giải quyết cho các nhu cầu chi hành chính.

- Ngân sách Trung ương đã hỗ trợ trong dự toán ngân sách địa phương năm 2002 một phần số giảm thu sử dụng vốn ngân sách tại doanh nghiệp và toàn bộ số giảm thu khi thực hiện miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho nông dân để địa phương đảm bảo nhiệm vụ đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn; địa phương có trách nhiệm bố trí, quản lý, sử dụng nguồn vốn này đúng mục đích, hiệu quả. ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các huyện, xã, cơ quan thuế và tài chính ở địa phương thực hiện tốt chủ trương trên, đảm bảo chính sách đến được với người dân, đảm bảo công khai, công bằng.

- Về quản lý chi xây dựng cơ bản, chương trình mục tiêu, các Bộ, các ngành và Uỷ ban nhân dân các cấp cần thực hiện tốt các biện pháp nhằm khắc phục những mặt tồn tại:

+ Rà soát lại danh mục các dự án đầu tư, chỉ bố trí vốn cho những dự án có đầy đủ thủ tục, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án quan trọng, nhất là giao thông, thuỷ lợi,... Cơ quan tài chính các cấp cần ưu tiên tạm ứng cấp phát và thanh toán vốn ngay từ đầu năm cho các nhiệm vụ cần thiết, nhất là xây dựng tu bổ các công trình đê điều, thuỷ lợi, phòng chống thiên tai, khắc phục lũ lụt, cung cấp giống cây, con và các vật tư thiết yếu khác phục vụ sản xuất, đảm bảo kịp thời vụ.

+ Trong quá trình điều hành ngân sách cần theo sát tiến độ thực hiện để bố trí vốn. Những dự án không thực hiện theo đúng tiến độ cần điều chỉnh chuyển vốn cho những dự án có tiến độ triển khai nhanh, có khả năng hoàn thành nhưng chưa được bố trí đủ vốn nhằm sớm hoàn thành đưa công trình vào sử dụng, chấm dứt tình trạng kéo dài thời hạn thanh toán vốn. Không xử lý bổ sung vốn cho những dự án vượt dự toán và bổ sung các nhiệm vụ chi xây dựng cơ bản ngoài kế hoạch.

- Về cấp phát kinh phí:

+ Đối với kinh phí thực hiện các chương trình, mục tiêu:

. Cơ chế quản lý và phương thức cấp phát các chương trình mục tiêu Quốc gia và dự án trồng mới 5 triệu ha rừng tiếp tục thực hiện như năm 2001.

. Vốn dự bị động viên và chi trợ cước, trợ giá các mặt hàng chính sách, chi chương trình biển Đông hải đảo cấp bằng hình thức uỷ quyền cho các địa phương như năm 2001. Riêng chi trợ giá sách, báo tiếp tục thực hiện cấp qua Tổng công ty Phát hành sách như năm 2001.

+ Đối với các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp được ngân sách hỗ trợ kinh phí thực hiện cấp theo dự toán 1 lần/năm theo quy định tại Thông tư số 26/2001/TT-BTC ngày 19/4/2001 của Bộ Tài chính.

+ Đối với các đề tài, dự án khoa học thuộc các chương trình khoa học công nghệ và khoa học xã hội cấp Nhà nước, trên cơ sở dự toán ngân sách của các chương trình được Thủ tướng Chính phủ quyết định, Bộ Tài chính giao dự toán và cấp phát trực tiếp cho Ban Chủ nhiệm các chương trình để tổ chức thực hiện theo chế độ quy định (có thông tư hướng dẫn riêng).

+ Về cấp phát các khoản bổ sung từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương, Bộ Tài chính sẽ thực hiện cấp số bổ sung cân đối ngân sách cho các địa phương mỗi quý 2 lần như năm 2001.

4. Thực hiện chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và công khai tài chính, ngân sách nhà nước:

- Thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị số 29/2001/CT-TTg ngày 30/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản hướng dẫn. Trong đó, cần chú ý công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm quán triệt đến tất cả các ngành, các cấp, các đơn vị, đồng thời tiến hành rà soát ngay các biện pháp thực hành tiết kiệm đã thực hiện ở Bộ, ngành và địa phương ở tất cả các lĩnh vực, đặc biệt trong việc mua sắm, trang bị, sử dụng xe ô tô, xe máy công (áp dụng cho một số ngành đặc thù và dùng xe chuyên dụng), xây dựng trụ sở,... từ đó có biện pháp chấn chỉnh, kiên quyết thu hồi cho công quỹ các trường hợp thực hiện không đúng chế độ nhằm thực hiện Pháp lệnh thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm cá nhân về việc sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước đúng mục đích, đúng chế độ, hiệu quả và tiết kiệm. Kho bạc nhà nước cần tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát đối với việc chi tiêu của các đơn vị. Trường hợp Thủ trưởng đơn vị duyệt chi không đúng chính sách, chế độ quy định, Kho bạc nhà nước kiên quyết từ chối thanh toán và có thông báo trở lại cho đơn vị đồng gửi cơ quan chủ quản cấp trên của đơn vị.

- Thực hiện nghiêm túc chế độ công khai ngân sách nhà nước ở tất cả các ngành, các cấp, các đơn vị ngay sau khi dự toán ngân sách năm 2002 được giao và quyết toán ngân sách năm 2001 được phê chuẩn theo quy định tại các Quyết định 225/1998/QĐ-TTg ngày 20/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.

5. Về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính, Ngân sách Nhà nước:

Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính, Ngân sách Nhà nước, trong đó tập trung vào:

- Nghiên cứu, cải tiến quy trình hoàn thuế, thoái thuế đảm bảo nhanh, gọn; tăng cường công tác kiểm tra sau khi hoàn thuế, chống các hành vi lợi dụng gây thất thu cho ngân sách nhà nước; thực hiện công khai các thủ tục và quy trình hoàn thuế và miễn, giảm thuế.

- Hoàn thiện quy trình và đổi mới cơ chế cấp phát kinh phí ngân sách nhà nước.

- Triển khai thực hiện mở rộng khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan hành chính nhà nước theo Quyết định số 192/2001/QĐ-TTg ngày 17/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ.

Thiết lập quy trình và phương pháp kiểm soát chi trong điều kiện khoán chi hành chính và cơ chế tài chính tự trang trải ở các đơn vị sự nghiệp có thu, cơ chế thuê mướn dịch vụ ở công sở.

- Cải tiến chế độ báo cáo, tổ chức lại hệ thống thông tin nhằm tăng cường trao đổi, phối hợp cung cấp thông tin.

6. Về quản lý, sử dụng nguồn vốn thanh toán lưới điện trung áp nông thôn:

Năm 2002 tiếp tục triển khai thanh toán nợ lưới điện trung áp nông thôn cho các địa phương. Trên cơ sở sở hướng dẫn của Liên Bộ Công nghiệp và Bộ Tài chính tại Thông tư liên tịch số 06/2001/TTLT/BCN-BTC ngày 23/8/2001, các địa phương chỉ đạo quản lý, sử dụng nguồn kinh phí được thanh toán theo đúng quy định.

7. Về tài chính, ngân sách xã:

Tăng cường công tác quản lý các hoạt động tài chính, ngân sách xã; các khoản huy động ở xã, đảm bảo sử dụng đúng mục đích, hiệu quả; phát huy dân chủ ở cơ sở.

Rà soát các nguồn thu tại xã, tăng cường phân cấp nguồn thu cho xã theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước để tăng nguồn lực tại chỗ cho xã. Thí điểm mở rộng ủy nhiệm thu cho xã đối với một số khoản thu ngoài quốc doanh như thu từ hoạt động xây dựng cơ bản, buôn bán hải sản tươi sống,...

Trên cơ sở rà soát các khoản nợ của ngân sách xã, các địa phương có kế hoạch xử lý dứt điểm, kiên quyết không để phát sinh nợ mới.

8. Về triển khai thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương, đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn, cơ sở hạ tầng sản xuất muối:

Năm 2002 Trung ương tiếp tục thực hiện cho ngân sách các tỉnh, thành phố vay vốn tín dụng ưu đãi (lãi suất 0%) để thực hiện đầu tư chương trình kiên cố hóa kênh mương, đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản, cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn theo Nghị quyết số 05/2001/NQ-CP ngày 24/5/2001 của Chính phủ; đồng thời bổ sung thêm mục tiêu hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất muối đối với các địa phương có nghề muối. Các địa phương cần tổng kết, đánh giá kết quả triển khai của các năm trước, xây dựng kế hoạch triển khai trong năm 2002 và các năm tiếp theo, chủ động bố trí ngân sách, huy động đóng góp của nhân dân để cùng với nguồn vốn Trung ương cho vay, thực hiện tốt những nhiệm vụ này và có kế hoạch trả nợ khi đến hạn.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2002. Các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào Thông tư này để tổ chức hướng dẫn các cơ quan, đơn vị và các cấp chính quyền địa phương thực hiện.

 

Phạm Văn Trọng

(Đã ký)

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 06/2002/TT-BTC hướng dẫn thi hành chủ trương, biện pháp điều hành dự toán Ngân sách nhà nước ngày 18/01/2002 do Bộ Tài chính ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


5.056

DMCA.com Protection Status
IP: 3.135.247.24
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!