ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
55/2024/QĐ-UBND
|
Bình Dương, ngày
20 tháng 11 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY
ĐỊNH NỘI DUNG CHI VÀ MỨC CHI QUỸ PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI TỈNH BÌNH DƯƠNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm
2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng
6 năm 2013;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng
3 năm 2017 của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai
và tìm kiếm cứu nạn;
Căn cứ Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng
7 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng,
chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống
thiên tai và Luật Đê điều;
Căn cứ Nghị định số 78/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng
8 năm 2021 của Chính phủ quy định về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống
thiên tai;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn tại Tờ trình số 3442/TTr-SNN ngày 11 tháng 10 năm 2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này Quy định nội dung chi và mức chi Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh
Bình Dương.
Điều 2. Quyết định này có
hiệu lực kể từ ngày 02 tháng 12 năm 2024.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy
ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh,
Trưởng Ban Kiểm soát Quỹ phòng, chông thiên tai tỉnh, Giám đốc Cơ quan quản lý
Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Giám đốc
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Tài
chính, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ
tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên
quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Bộ NN và PTNT;
- Cục Kiểm tra VBQPPL-Bộ Tư pháp;
- VPĐD Cục QL Đê điều-PCTT k/v miền Nam;
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh;
- UBMTTQ VN tỉnh, các đoàn thể tỉnh;
- Các Sở, ngành: Bộ CHQS, NN&PTNT, XD, TC;
- Kho bạc Nhà nước tỉnh;
- CSDLQG về PL (Sở Tư pháp);
- Như Điều 3;
- Chi cục Thủy lợi;
- Công báo, Website tỉnh;
- LĐVP, Thi TH;
- Lưu: VT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Võ Văn Minh
|
QUY ĐỊNH
NỘI
DUNG CHI VÀ MỨC CHI QUỸ PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI TỈNH BÌNH DƯƠNG
(Kèm theo Quyết định số 55/2024/QĐ-UBND ngày 20 tháng 11 năm 2024 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Bình Dương)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về nội dung chi và mức chi của
Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh Bình Dương (sau đây viết tắt là Quỹ).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá
nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài đang sinh sống, hoạt động hoặc tham
gia phòng, chống thiên tai tại Bình Dương.
Điều 3. Nguyên tắc chi hỗ trợ
1. Hỗ trợ các hoạt động phòng, chống thiên tai mà ngân
sách nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng yêu cầu.
2. Đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích, kịp thời,
công khai, minh bạch, công bằng và hiệu quả.
3. Trong trường hợp cùng một nội dung có nhiều cơ
chế, chính sách hỗ trợ thì áp dụng mức chi hỗ trợ cao nhất.
Chương II
QUY ĐỊNH CHI TIẾT
Điều 4. Nội dung chi và định mức
chi
1. Chi hỗ trợ các hoạt động ứng phó thiên tai
a) Hỗ trợ sơ tán dân khỏi nơi nguy hiểm; chăm sóc y
tế, thực phẩm, nước uống cho người dân nơi sơ tán: Căn cứ tình hình thiên tai xảy
ra trên địa bàn, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp
thống kê chi phí thực tế, báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp xem xét quyết định;
b) Hỗ trợ cho lực lượng tuần tra, kiểm tra phát hiện
khu vực có nguy cơ xảy ra rủi ro thiên tai, sự cố công trình phòng, chống thiên
tai; hỗ trợ cho lực lượng được huy động tham gia ứng phó thiên tai; hỗ trợ cho
lực lượng thường trực trực ban, chỉ huy, chỉ đạo ứng phó thiên tai:
Đối với người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước:
Hỗ trợ 360.000 đồng/người/ngày; nếu làm nhiệm vụ từ 22 giờ ngày hôm trước đến
06 giờ sáng ngày hôm sau được tính gấp đôi. Khi làm nhiệm vụ cách xa nơi cư
trú, không có điều kiện đi, về hàng ngày thì được bố trí nơi ăn, nghỉ, hỗ trợ
phương tiện, chi phí đi lại hoặc thanh toán tiền tàu xe một lần đi và về như
cán bộ, công chức cấp xã; được hỗ trợ tiền ăn 84.000 đồng/người/ngày.
2. Chi cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai
a) Cứu trợ khẩn cấp về lương thực: Thực hiện theo
khoản 1 Điều 12 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính
phủ Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội;
b) Cứu trợ khẩn cấp về nước uống, thuốc chữa bệnh
và các nhu cầu cấp thiết khác cho đối tượng bị thiệt hại do thiên tai: Căn cứ
tình hình thực tế, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp
thống kê chi phí thực tế, báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp xem xét quyết định;
c) Hỗ trợ sách vở, phương tiện học tập: Hỗ trợ cho
học sinh bị thiên tai làm hư hỏng, mất sách vở, phương tiện học tập, mức hỗ trợ
600.000 đồng/một học sinh;
d) Hỗ trợ tu sửa nhà ở như sau:
STT
|
Mức độ thiệt hại
nhà ở
|
Định mức hỗ trợ
(đồng/hộ)
|
1
|
Hộ gia đình có nhà bị đổ, sập, trôi, cháy hoàn
toàn do thiên tai
|
40.000.000
|
2
|
Hộ gia đình phải di dời nhà ở khẩn cấp theo quyết
định của cơ quan có thẩm quyền do nguy cơ thiên tai
|
30.000.000
|
3
|
Hộ gia đình có nhà bị hư hỏng nặng do thiên tai
mà không ở được
|
20.000.000
|
4
|
Hộ gia đình có nhà bị tốc mái do thiên tai
|
|
4.1
|
Nhà bị tốc mái dưới 20m2
|
1.000.000
|
4.2
|
Nhà bị tốc mái từ 20 ÷ 40m2
|
2.000.000
|
4.3
|
Nhà bị tốc mái từ trên 40 ÷ 60m2
|
3.000.000
|
4.4
|
Nhà bị tốc mái trên 60m2
|
4.000.000
|
5
|
Hộ gia đình có nhà bị hư hỏng nhẹ, nhà tạm, công
trình phụ (mái hiên, tường rào xung quanh nhà, cổng nhà), chuồng trại chăn
nuôi bị thiệt hại
|
Không quá 3.000.000
|
đ) Hỗ trợ tu sửa cơ sở y tế, trường học, tu sửa nhà
kết hợp làm địa điểm sơ tán phòng tránh thiên tai; hỗ trợ xử lý đảm bảo giao
thông thông suốt cho những đoạn tuyến giao thông đường bộ, đường sắt quan trọng
trên địa bàn bị sụt trượt, sạt lở; hỗ trợ kinh phí tu sửa, xử lý và xây dựng khẩn
cấp công trình phòng, chống thiên tai: Mức hỗ trợ không quá 03 tỷ đồng trong tổng
mức đầu tư 01 công trình và trong khả năng cân đối nguồn kinh phí của Quỹ;
trình tự, thủ tục quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện theo quy định tại Điều
130 Luật Xây dựng được sửa đổi, bổ sung tại khoản 48 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật Xây dựng, khoản 6 Điều 18, Điều 42 Luật Đầu tư công;
khoản 1, khoản 2 Điều 23 Luật Đấu thầu, Điều 58 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày
03 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý
dự án đầu tư xây dựng và quy định của pháp luật khác có liên quan;
e) Hỗ trợ tháo bỏ hạng mục, vật cản gây nguy cơ rủi
ro thiên tai; hỗ trợ xử lý vệ sinh môi trường vùng thiên tai: Mức hỗ trợ căn cứ
theo thực tế, dự toán được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và khả năng cân đối
của Quỹ;
g) Hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất
vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh: Mức chi hỗ trợ theo Quyết định số
12/2018/QĐ-UBND ngày 17 tháng 5 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy
định cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng
bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Bình Dương;
h) Hỗ trợ cho người bị thương nặng do thiên tai: Thực
hiện theo Điều 13 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính
phủ Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội;
i) Hỗ trợ chi phí mai táng cho hộ gia đình có người
chết, mất tích do thiên tai hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân tổ chức mai táng cho
người chết do thiên tai mà không có người nhận trách nhiệm tổ chức mai táng: Thực
hiện theo Điều 14 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính
phủ Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
3. Chi hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa
a) Hỗ trợ các hoạt động thông tin, truyền thông và
giáo dục về phòng, chống thiên tai; phổ biến, tuyên truyền, giáo dục, tổ chức tập
huấn, nâng cao nhận thức cho các lực lượng tham gia công tác phòng, chống thiên
tai các cấp ở địa phương và cộng đồng: Mức hỗ trợ căn cứ theo thực tế, dự toán
được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và khả năng cân đối của Quỹ;
b) Hỗ trợ lập, rà soát kế hoạch phòng, chống thiên
tai và phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai; hỗ trợ mua bảo
hiểm rủi ro thiên tai cho đối tượng tham gia lực lượng xung kích phòng, chống
thiên tai cấp xã; hỗ trợ duy trì hoạt động cho các đối tượng tham gia hộ đê, lực
lượng quản lý đê nhân dân; hỗ trợ xây dựng công cụ, phần mềm, quan trắc, thông
tin, dự báo, cảnh báo thiên tai tại cộng đồng: Mức hỗ trợ căn cứ theo thực tế,
dự toán được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và khả năng cân đối của Quỹ;
c) Hỗ trợ mua sắm, đầu tư phương tiện, trang thiết
bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai theo quy định: Ban Chỉ huy Phòng, chống
thiên tai các cấp căn cứ nhu cầu thực tế, kinh phí giữ lại của cấp mình; Quy định
tiêu chuẩn, định mức sử dụng vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng
phòng, chống thiên tai của các cơ quan, tổ chức trên địa bàn, tham mưu Ủy ban
nhân dân cùng cấp mua sắm theo Danh mục vật tư, phương tiện, trang thiết bị
chuyên dùng phòng, chống thiên tai được quy định tại Phụ lục kèm theo Quyết định
số 20/2021/QĐ-TTg ngày 03/06/2021 của Thủ tướng Chính phủ;
d) Hỗ trợ diễn tập phòng, chống thiên tai ở các cấp:
Căn cứ dự toán thực tế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và khả năng cân đối
của Quỹ;
đ) Hỗ trợ duy trì hoạt động cho lực lượng xung kích
phòng, chống thiên tai cấp xã, tình nguyện viên phòng, chống thiên tai: Người
không hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong thời gian được huy động tập huấn,
huấn luyện, diễn tập và làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai thì được hỗ trợ như
quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
e) Hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình phòng, chống
thiên tai; nạo vét, khai thông dòng chảy; gia cố bờ các tuyến kênh, mương,
sông, suối, rạch bị bồi lắng, sạt lở có nguy cơ xảy ra thiệt hại về người, tài
sản của tổ chức, cá nhân trong mùa mưa lũ, bão để phục vụ công tác phòng, chống
thiên tai: Trong trường hợp nguồn ngân sách nhà nước chưa cân đối, bố trí được,
mà cần thiết phải xử lý ngay trong năm, để tăng khả năng thoát nước, chống ngập
lụt, chống sạt lở, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản có thể xảy ra khi có
thiên tai; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp cân đối nguồn Quỹ, xem xét quyết định
hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí từ nguồn Quỹ phòng, chống thiên tai để xử
lý, khắc phục theo đề nghị của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu
nạn cùng cấp.
4. Phân bổ nguồn thu Quỹ phòng, chống thiên tai cho
Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã theo khoản 2 Điều 16 của Nghị định số
78/2021/NĐ-CP như sau:
a) Ủy ban nhân dân cấp xã được giữ lại 28% số thu
quỹ phòng, chống thiên tai trên địa bàn các xã, phường, thị trấn để hỗ trợ chi
thù lao cho lực lượng trực tiếp thu tại cấp xã là 5%; chi phí hành chính phát
sinh liên quan đến công tác thu quỹ phòng, chống thiên tai tại cấp xã là 3%;
chi thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai tại cấp xã là 20%; 72% số tiền
thu quỹ phòng, chống thiên tai tại cấp xã còn lại nộp vào tài khoản quỹ ở cấp
huyện do Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền;
b) Ủy ban nhân dân cấp huyện được giữ lại 23% số
thu quỹ phòng, chống thiên tai trên địa bàn cấp huyện (bao gồm 72% số tiền thu
quỹ phòng, chống thiên tai tại cấp xã) để chi thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống
thiên tai tại cấp huyện là 20% và chi phí hành chính phát sinh liên quan đến
công tác thu quỹ phòng, chống thiên tai tại cấp huyện là 3%; 77% số tiền thu quỹ
phòng, chống thiên tai còn lại nộp vào tài khoản của Quỹ phòng, chống thiên tai
tỉnh;
c) Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã đã sử dụng
hết ngân sách và nguồn Quỹ phòng, chống thiên tai được giữ lại của mình nhưng chưa
đáp ứng được nhu cầu, Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã lập hồ sơ kèm theo tờ trình
đề nghị gửi Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp trên để
tổng hợp, rà soát trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên quyết định;
d) Sau khi các cấp có báo cáo quyết toán kinh phí, Ủy
ban nhân dân tỉnh thực hiện thu hồi khoản phân bổ nếu không sử dụng hết hoặc
quyết định phân bổ khi nguồn kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống
thiên tai tại cấp huyện, xã đã sử dụng hết.
5. Chi phí quản lý, điều hành hoạt động của Quỹ cấp
tỉnh không vượt quá 3% tổng số thu của Quỹ cấp tỉnh, bao gồm:
a) Các khoản chi thanh toán cho cá nhân: Tiền
lương, tiền công, phụ cấp lương, các khoản đóng góp theo lương, tiền thưởng,
phúc lợi tập thể và các khoản thanh toán khác cho cá nhân theo quy định;
b) Chi thanh toán dịch vụ công cộng, chi phí thuê
mướn, chi vật tư văn phòng, thông tin, tuyên truyền, liên lạc;
c) Chi hội nghị, hội thảo, tập huấn, họp, công tác
phí;
d) Chi mua sắm, nâng cấp, sửa chữa tài sản, phương
tiện làm việc; chi đầu tư phần mềm, các công nghệ khác để hỗ trợ quản lý và điều
hành Quỹ;
đ) Chi khen thưởng;
e) Chi phí liên quan đến kiểm toán;
g) Các khoản chi khác nhằm phục vụ công tác chỉ đạo
điều hành và quản lý Quỹ: Thành phần hồ sơ, hóa đơn, chứng từ thanh toán phải đảm
bảo đầy đủ tính hợp lý, hợp pháp và thực hiện trong phạm vi nguồn kinh phí được
phân bổ.
Điều 5. Báo cáo, phê duyệt quyết
toán
1. Báo cáo, phê duyệt quyết toán thực hiện theo quy
định tại Điều 18, Nghị định số 78/2021/NĐ-CP.
2. Các danh mục công việc đã hoàn thành phải thực
hiện quyết toán ngay trong năm được cấp kinh phí. Các công việc chưa kịp hoàn
thành trong năm, các cơ quan, đơn vị được hỗ trợ kinh phí phải thuyết minh cụ
thể nguyên nhân chậm trễ (nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan) và tổng
hợp hồ sơ đề nghị Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp
tham mưu Ủy ban nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định việc chuyển kinh phí sang
năm sau để tiếp tục thực hiện.
3. Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm lập hồ
sơ quyết toán kết quả thu, chi quỹ trên địa bàn, gửi báo cáo về Ủy ban nhân dân
cấp huyện trước ngày 31 tháng 01 năm sau để thẩm định theo quy định.
4. Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện xét duyệt
quyết toán kết quả thu, chi quỹ trên địa bàn cấp xã; tổng hợp và lập báo cáo
quyết toán kết quả thu, chi quỹ trên địa bàn cấp huyện (bao gồm số liệu thu,
chi quỹ của cấp xã) gửi về Cơ quan quản lý Quỹ trước ngày 28 tháng 02 năm sau để
tổng hợp theo quy định; báo cáo kết quả thu, chi quỹ với cơ quan quản lý Quỹ cấp
tỉnh trước ngày 20 hàng tháng.
5. Các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh được hỗ trợ kinh
phí từ Quỹ cấp tỉnh chịu trách nhiệm lập hồ sơ quyết toán gửi về Cơ quan quản
lý Quỹ tỉnh.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 6. Trách nhiệm của các Sở,
ngành, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan
Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình
Dương)
a) Phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn
triển khai thực hiện Quy định này; hàng năm, tổng hợp kết quả thực hiện Quỹ báo
cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên
tai;
b) Tổng hợp thiệt hại và nhu cầu hỗ trợ của Ủy ban
nhân dân cấp huyện và các cơ quan, tổ chức liên quan; tổ chức kiểm tra, rà soát
và đề xuất trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định hỗ trợ từ nguồn Quỹ
phòng, chống thiên tai tỉnh cho các đối tượng theo Quy định này và quy định của
pháp luật có liên quan.
2. Sở Xây dựng
a) Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương thực
hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng đối với công
trình khẩn cấp theo chức năng nhiệm vụ được giao quản lý nhà nước theo Quyết định
số 14/2023/QĐ-UBND ngày 19 tháng 5 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương
về việc ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của
Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương;
b) Đôn đốc, kiểm tra giám sát các đơn vị liên quan
thực hiện theo các quy định về đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng công trình
xây dựng được quy định tại điểm a khoản 4 Điều 109 Nghị định 15/2021/NĐ-CP ngày
03 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một sỏ nội dung về quản lý
dự án đầu tư xây dựng liên quan đến dự án khẩn cấp phòng, chống, khắc phục hậu
quả thiên tai.
3. Sở Tài chính
Thẩm định trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết toán
của Cơ quan quản lý Quỹ cấp tỉnh.
4. Kho bạc Nhà nước tỉnh
Tiếp nhận, đối chiếu nguồn đóng góp Quỹ từ các cơ
quan, tổ chức, cá nhân và địa phương chuyển vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước
và cấp phát khi có đề nghị của Cơ quan quản lý Quỹ.
5. Cơ quan quản lý Quỹ
a) Thực hiện báo cáo, quyết toán thu, chi Quỳ theo
quy định hiện hành và quản lý, lưu giữ hồ sơ, tài liệu theo quy định;
b) Đôn đốc các đơn vị, địa phương cung cấp hồ sơ quyết
toán thu, chi Quỹ đảm bảo thời gian theo quy định; Lập báo cáo quyết toán Quỹ,
gửi Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, đảm bảo
thời gian theo quyết định này và quy định của pháp luật có liên quan;
c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên
quan tổ chức kiểm tra thường xuyên và đột xuất việc chấp hành công tác xây dựng
kế hoạch thu và quản lý, sử dụng Quỹ tại các địa phương, đơn vị theo đúng quy định;
d) Công khai kết quả thu, chi theo quy định.
6. Các cơ quan, đơn vị sử dụng kinh phí từ Quỹ
a) Sử dụng kinh phí hỗ trợ đảm bảo có hiệu quả,
đúng mục đích, đúng đối tượng, không để thất thoát lãng phí và xảy ra tiêu cực;
b) Thực hiện quyết toán các nội dung dược hỗ trợ
theo quy định này và quản lý, lưu giữ hồ sơ, tài liệu theo quy định.
7. Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã
a) Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã chủ động bố trí
nguồn lực của địa phương để chi hỗ trợ các hoạt động phòng, chống thiên tai
trên địa bàn theo quy định tại Điều 9 Luật Phòng chống thiên tai số
33/2013/QH13, được sửa đổi bổ sung tại Khoản 6, Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một
số điều của Luật Phòng, chống thiên tai số 60/2020/QH14; trong trường hợp không
đủ khả năng đáp ứng nhu cầu thì đề nghị hỗ trợ từ Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh;
b) Thực hiện việc thống kê, kiểm kê, đánh giá chính
xác mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn theo Thông tư liên tịch số
43/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT ngày 23 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn thống
kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra; nhu cầu hỗ trợ và kết quả thực hiện
hỗ trợ. Báo cáo về Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp
trên kịp thời, đảm bảo thời gian theo quy định;
c) Sử dụng kinh phí hỗ trợ đảm bảo có hiệu quả,
đúng mục đích, đúng đối tượng, không để thất thoát, lãng phí và xảy ra tiêu cực;
d) Chế độ công khai các nguồn thu, chi: Thực hiện
theo Điều 20 Nghị định số 78/2021/NĐ-CP;
đ) Thực hiện quyết toán Quỹ trên địa bàn theo quy định
tại khoản 3, khoản 4 Điều 5 Quy định này.
Điều 7. Điều khoản thi hành
Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật dẫn chiếu
để áp dụng tại Quy định này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới
thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế. Trong quá trình
triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, Giám đốc Cơ quan quản lý Quỹ
báo cáo Hội đồng quản lý Quỹ và Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
trình Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.