UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 32/2014/QĐ-UBND
|
Quảng Nam, ngày 20 tháng 10 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA
TỈNH QUẢNG NAM
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và
UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11
ngày 29/6/2005 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XI về ưu đãi người có công
cách mạng; Pháp lệnh số 02/2012/UBTVQH13 ngày 16/7/2012 của Ủy ban Thường vụ
Quốc hội khóa XIII về sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người
có công với cách mạng;
Căn cứ Nghị định số
45/2006/NĐ-CP ngày 28/4/2006 của Chính phủ về việc ban hành Điều lệ quản lý và
sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa;
Xét đề nghị của Sở Lao động
– Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 189/TTr-LĐTBXH ngày 13/10/2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ Đền
ơn đáp nghĩa tỉnh Quảng Nam.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành và
thay thế Quyết định số 22/2000/QĐ-UBND ngày 24/5/2000 của UBND tỉnh.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội, Sở Tài chính, Ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh, Thủ trưởng các cơ
quan, đơn vị liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ quyết định
thi hành./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TVTU, TT HĐND, UBND,
UBMTTQVN tỉnh;
- Các Ban của HĐND tỉnh;
- CPVP;
- Lưu: VT, NC, TH, KTN, KTTH, VX.
D:\Dropbox\Nguyen\2014\Quyết định\Ban hanh quy che DODN.doc
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Lê Phước Thanh
|
QUY CHẾ
QUẢN LÝ VÀ SỬ
DỤNG QUỸ ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA TỈNH QUẢNG NAM
(Kèm theo Quyết định số 32 /2014/QĐ-UBND ngày 20 /10/ 2014 của UBND tỉnh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được thành
lập trên cơ sở vận động sự đóng góp tự nguyện và ủng hộ của các tổ chức, cá
nhân để cùng nhà nước chăm lo ngày càng tốt hơn về vật chất và tinh thần đối
với người có công với cách mạng (đối tượng theo Pháp lệnh ưu đãi người có công).
Điều 2. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa các cấp
Quỹ Đền ơn đáp nghĩa (sau đây
gọi tắt là Quỹ) tại địa phương được thành lập ở các cấp như sau:
1. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh
2. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa huyện,
thành phố (gọi chung là cấp huyện)
3. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa xã,
phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã).
Điều 3. Quản
lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa
1. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp
huyện có con dấu riêng; Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp xã sử dụng con dấu của Uỷ ban
nhân dân xã.
2. Quỹ đền ơn đáp nghĩa được mở
tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để giao dịch và theo dõi toàn bộ các khoản thu,
chi Quỹ. Quỹ không được dùng cho vay sinh lời; kết dư của Quỹ được chuyển sang
năm tiếp theo.
3. Quỹ đền ơn đáp nghĩa thực hiện chế độ kế toán đơn vị hành
chính sự nghiệp và báo cáo theo quy định của pháp luật về kế toán.
Điều 4. Ban quản lý Quỹ đền ơn đáp nghĩa các cấp
Quỹ đền ơn đáp nghĩa ở mỗi cấp có Ban Quản lý riêng do chủ
tịch UBND cùng cấp quyết định thành lập. Trưởng Ban Quản lý chịu trách nhiệm
trước UBND cùng cấp và trước pháp luật về tổ chức, quản lý và sử dụng Quỹ Đền
ơn đáp nghĩa.
Điều 5. Thời điểm vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa
Việc vận
động đóng góp xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được thực hiện mỗi năm một lần vào
dịp kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7). Các tổ chức, cá nhân có thể đóng
góp một lần hoặc nhiều lần trong năm.
Chương
II
ĐỐI TƯỢNG VẬN ĐỘNG, NỘI DUNG
SỬ DỤNG QUỸ ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA
Điều 6. Các đối tượng được vận động đóng góp Quỹ Đền ơn đáp
nghĩa
Đối tượng
vận động ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa ở từng cấp thực hiện theo quy định tại
Điều 8, Chương II, Điều lệ Quản lý và sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa ban hành kèm
theo Nghị định số 45/2006/NĐ-CP ngày 28/4/2006 của Chính phủ.
Ban Quản lý
Quỹ Đền ơn đáp nghĩa ở mỗi cấp được vận động đối với bà con người Quảng Nam và
các tập thể, cơ quan, đơn vị, tổ chức kinh tế - xã hội có lòng hảo tâm trong và
ngoài nước.
Ngoài ra, những đơn vị sau đây do Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh
vận động:
1. Doanh nghiệp nhà nước kể cả những doanh nghiệp đã cổ
phần hóa có cổ đông Nhà nước;
2. Các doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp Điện Nam - Điện
Ngọc, khu Công nghiệp Đông Quế Sơn, khu Công nghiệp Thuận Yên, khu Công nghiệp
Bắc Chu Lai, khu Công nghiệp Nam Chu Lai, khu Công nghiệp Tam Hiệp, khu Công
nghiệp Trường Hải - Chu Lai;
3. Các trường trung học phổ thông, Trung tâm Giáo dục
thường xuyên tỉnh.
Điều 7. Đối tượng không thuộc diện vận động đóng góp Quỹ
Đền ơn đáp nghĩa
Đối tượng không thuộc diện vận động đóng góp Quỹ Đền ơn đáp
nghĩa quy định tại khoản 2, Điều 7, Chương II của Điều lệ Quản lý và sử dụng
Quỹ đền ơn đáp nghĩa ban hành kèm theo Nghị định số 45/2006/NĐ-CP ngày
28/4/2006 của Chính phủ.
Quỹ Đền ơn đáp nghĩa hoan nghênh và tiếp nhận trên tinh
thần tự nguyện ủng hộ của các đối tượng quy định tại điều này và tất cả các tổ
chức, cá nhân trong và ngoài nước tự nguyện ủng hộ .
Điều 8. Tổ chức vận động ủng
hộ Quỹ
1. Hàng năm, Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Tài chính thông báo mức ủng hộ tối thiểu,
số hiệu tài khoản Quỹ đến từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc cấp tỉnh vận động để chủ sử dụng lao động huy động cán bộ, công
chức, viên chức, người lao động tham gia ủng hộ Quỹ.
2. Kho bạc Nhà nước cùng cấp
nơi Ban Quản lý Quỹ mở tài khoản có trách nhiệm thu và định kỳ tổng hợp tình
hình ủng hộ của các tổ chức, cá nhân thông báo kịp thời cho Ban quản lý Quỹ.
3. Ban Quản lý Quỹ mỗi cấp tổng
hợp tình hình đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp mình và cấp dưới, báo cáo với
UBND, cơ quan tài chính cùng cấp và Ban quản lý Quỹ cấp trên.
Điều 9. Nội dung sử dụng Quỹ
Đền ơn đáp nghĩa
Nội dung sử
dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa thực hiện theo quy định tại Điều 9, Chương III Điều
lệ Quản lý và sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa ban hành kèm theo Nghị định số
45/2006/NĐ-CP ngày 28/4/2006 của Chính phủ, cụ thể:
1. Hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở đối với người có công
với cách mạng hoặc thân nhân của họ.
2. Tu bổ nghĩa trang liệt sĩ, xây dựng nhà bia ghi tên liệt
sĩ và các công trình ghi công liệt sỹ.
3. Giúp đỡ người có công với cách mạng hoặc thân nhân của
họ khi gặp khó khăn trong cuộc sống.
4. Thăm hỏi, hỗ trợ người có công với cách mạng hoặc thân
nhân của họ khi ốm đau, khám, chữa bệnh và khi qua đời mà gia đình gặp khó khăn.
5. Hỗ trợ cho các địa phương cấp huyện, xã, phường, thị
trấn có nhiều đối tượng thuộc diện chính sách ưu đãi người có công với cách
mạng mà nguồn vận động ủng hộ thấp .
6. Chi cho các hoạt động phục vụ công tác quản lý Quỹ Đền
ơn đáp nghĩa (tập huấn nghiệp vụ, văn phòng phẩm, tài liệu, công tác. . . ) và
các hoạt động tuyên truyền, khen thưởng, chỉ đạo, vận động xây dựng Quỹ Đền ơn
đáp nghĩa. Các khoản chi này không được vượt quá 5% tổng số thu hàng
năm của Quỹ Đền ơn đáp nghĩa ở từng cấp.
Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp nào thì
thuộc quyền quản lý và sử dụng của cấp đó. Trưởng Ban quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa
từng cấp là chủ tài khoản và chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ các
khoản thu chi và quản lý Quỹ.
Chương III
TỔ CHỨC QUẢN LÝ VÀ ĐIỀU HÀNH QUỸ ĐỀN ƠN ĐÁP
NGHĨA
Điều 10. Quỹ Đền ơn đáp
nghĩa ở mỗi cấp được thành lập Ban quản lý Quỹ như sau:
1. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh do
Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập gồm các thành viên sau: Phó Chủ tịch
UBND tỉnh phụ trách khối xã làm Trưởng Ban, Giám đốc (hoặc Phó giám đốc phụ
trách chính sách Người có công) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm Phó Ban
trực, Phó Chủ tịch UBMTTVN tỉnh làm Phó Ban,
đại diện lãnh đạo Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Hội Cựu chiến binh, Hội
Liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn Lao động tỉnh làm thành viên. Văn phòng Ban Quản lý
Quỹ đặt tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Trưởng Ban Quản lý Quỹ Đền ơn
đáp nghĩa tỉnh quyết định thành lập Văn phòng Ban Quản Quỹ gồm một số chuyên
viên của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính.... để giúp việc cho
Ban Quản lý Quỹ.
2. Ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp
nghĩa cấp huyện do Chủ tịch UBND huyện, thành phố quyết định thành lập gồm các
thành viên sau: Phó Chủ tịch UBND huyện, thành phố phụ trách khối Văn xã hội
làm Trưởng ban, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, thành phố
làm Phó ban trực, đại diện lãnh đạo UBMTTQVN huyện, thành phố làm Phó ban, đại
diện lãnh đạo phòng Tài chính – Kế hoạch, Kho bạc Nhà nước huyện, Hội Cựu chiến
binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn Lao động huyện làm thành viên. Văn phòng Ban
Quản lý Quỹ đặt tại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.
Trưởng Ban Quản lý Quỹ Đền ơn
đáp nghĩa huyện quyết định thành lập Văn phòng Ban Quản lý Quỹ gồm một số
chuyên viên của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Tài chính - Kế
hoạch ... giúp việc cho Ban Quản lý Quỹ.
3. Ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp
nghĩa cấp xã do Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn quyết định thành lập gồm các
thành viên sau: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn phụ trách
khối Văn xã làm Trưởng Ban, cán bộ làm công tác Lao động - Thương binh và Xã
hội làm Phó Ban trực, đại diện lãnh đạo UBMTTQVN xã làm Phó Ban, đại diện Hội
Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ làm thành viên. Kế toán, thủ quỹ Quỹ đền
ơn đáp nghĩa xã do Kế toán, thủ quỹ xã kiêm nhiệm và thực hiện thu, chi hạch
toán theo chế độ kế toán hiện hành.
Điều 11. Nhiệm vụ của Ban
Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa
1. Chỉ đạo việc vận động xây dựng, quản lý và sử dụng Quỹ
Đền ơn đáp nghĩa; kiểm tra các hoạt động của Quỹ Đền ơn đáp nghĩa thuộc cấp
mình quản lý; bảo đảm thu, chi đúng quy định, chấp hành đúng chế độ kế toán tài
chính hiện hành.
2. Hướng
dẫn việc xây dựng, quản lý Quỹ ở cấp dưới đúng nguyên tắc, chế độ kế toán hiện
hành.
3. Hàng năm lập dự toán và quyết toán thu, chi Quỹ Đền ơn
đáp nghĩa gửi Ban Quản lý Quỹ cấp trên, Ủy ban nhân dân và cơ quan tài chính
cùng cấp; cơ quan tài chính cùng cấp có trách nhiệm kiểm tra, phê duyệt quyết
toán thu, chi Quỹ theo đúng quy định hiện hành.
4. Tổ chức kế toán và báo cáo quyết toán thu, chi Quỹ đúng
chế độ kế toán, tài chính hiện hành.
5. Đề nghị khen thưởng các đơn vị và cá nhân có thành tích;
kiến nghị xử lý những trường hợp vi phạm;
Điều 12. Hoạt động của Ban quản lý Quỹ đền ơn đáp nghĩa các cấp
Ban Quản lý Quỹ cấp tỉnh, cấp
huyện, thành phố thực hiện việc điều hành thường xuyên công tác xây dựng và
quản lý, sử dụng Quỹ qua cơ quan thường trực và Văn phòng Quỹ đền ơn đáp nghĩa;
các quan hệ giao dịch của Ban Quản lý được sử dụng con dấu riêng. Định kỳ 6
tháng họp Ban Quản lý một lần để nghe báo cáo tình hình thu và sử dụng Quỹ trên
địa bàn; đồng thời thống nhất phương án huy động, quản lý và sử dụng Quỹ cho kỳ
tiếp theo.
Điều 13. Trách nhiệm, quyền hạn của các thành viên Ban Quản lý Quỹ
1. Trưởng
Ban
a) Chỉ đạo, điều hành chung các hoạt động của Ban quản lý;
b) Phê duyệt chương trình hoạt động năm của Ban Quản lý vào tháng 12
của năm trước;
c) Chủ trì, điều hành họp Ban Quản lý định kỳ 02 lần/01 năm, họp vào
tháng 6 và tháng 12 hàng năm;
d) Phân công các thành viên trong Ban Quản lý theo dõi hoạt động của
Quỹ phù hợp chức năng, nhiệm vụ và địa bàn hoạt động đảm bảo đạt hiệu quả cao.
e) Chủ tài khoản thứ nhất;
2. Phó
Trưởng Ban thường trực
a) Thay mặt Trưởng Ban giải quyết công việc của Ban Quản lý Quỹ Đền ơn
đáp nghĩa khi Trưởng Ban đi vắng và có trách nhiệm báo cáo Trưởng ban bằng văn
bản về các nội dung xử lý thay;
b) Giải quyết một số công việc được Trưởng Ban ủy quyền;
c) Chỉ đạo Văn phòng Quỹ xây dựng chương trình hoạt động hàng năm của
Ban Quản lý, Kế hoạch vận động thu, công tác quản lý, sử dụng và quyết toán Quỹ
thông qua Ban Quản lý;
Trên cơ sở kế hoạch vận động,
thu, sử dụng Quỹ được Ban Quản lý thông qua, Phó Ban thường trực điều hành hoạt
động của Quỹ và báo cáo Quyết toán nguồn Quỹ theo quy định chế độ kế toán tài
chính hiện hành;
d) Theo dõi, tổng hợp báo cáo kịp thời với Ban Quản lý, Ủy ban nhân
dân cùng cấp về kết quả thu, sử dụng Quỹ; Phó trưởng ban Thường trực Ban quản
lý Quỹ đền ơn đáp nghĩa tỉnh báo cáo kết quả thu, sử dụng Quỹ về Ban quản lý
Trung ương theo quy định.
e) Phụ trách và trực tiếp theo dõi chỉ đạo hoạt động của Văn phòng Ban
Quản lý Quỹ đền ơn đáp nghĩa (cấp tỉnh và cấp huyện).
f) Phó Trưởng Ban trực Ban Quản lý Quỹ cấp tỉnh và cấp huyện được ủy
quyền của Trưởng Ban quản lý Quỹ ký chủ tài khoản thứ 2;
g) Phó Trưởng Ban trực Ban Quản lý Quỹ cấp tỉnh được chi mức dưới 10
triệu đồng để hỗ trợ các gia đình chính sách người có công hoặc thân nhân của
họ đang có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do ốm đau, hỏa hoạn, thiên tai...;
h) Quản lý, sử dụng và điều hành kinh phí được trích theo tỷ lệ 5% trên tổng kinh phí huy động trong năm để
chi cho các hoạt động phục vụ công tác quản lý, điều
hành Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh.
3. Phó
Trưởng Ban
Xây dựng Kế hoạch tuyên truyền,
vận động các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân...tham gia đóng góp xây
dựng Quỹ.
4. Các
Thành viên Ban Quản lý
a) Thực hiện nhiệm vụ Trưởng Ban phân công;
b) Tham gia công tác vận động và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc ngành
mình thực hiện tốt công tác vận động, tuyên truyền xây dựng Quỹ Đền ơn đáp
nghĩa;
c) Tham gia công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện vận
động đóng góp Quỹ cũng như việc quản lý, sử dụng Quỹ theo đúng Quy chế này.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14.
Trách nhiệm của các cơ quan, ngành, đoàn thể
1. Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực, có trách nhiệm giúp Ban Quản lý
chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa theo
quy định của Quy chế này. Hướng dẫn UBND cấp huyện, cấp xã thành lập Ban Quản
lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa theo đúng Điều lệ quản lý và sử dụng Quỹ Đền ơn đáp
nghĩa ban hành kèm theo Nghị định số 45/NĐ-CP ngày 28/4/2006 của Chính phủ.
2. Sở Tài chính và Kho bạc Nhà nước tỉnh có trách
nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thu, chi Quỹ Đền ơn đáp nghĩa theo đúng
quy định của pháp luật về tài chính, kế toán, thống kê.
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các Hội, đoàn thể, các cơ
quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền sâu rộng mục đích, ý nghĩa, nội
dung cuộc vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa.
Đồng thời, tổ chức vận động cán bộ, công chức của cơ quan, đơn vị, thành viên
của tổ chức mình tham gia ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa.
Điều 15. Khen thưởng và xử
lý kỷ luật
1. Tổ chức và cá nhân có thành
tích trong việc đóng góp xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được xét khen thưởng
theo quy định của Nhà nước.
2. Các đơn vị, tổ chức, cá nhân
được giao nhiệm vụ vận động xây dựng, quản lý và sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa
nếu vi phạm thì tùy theo tính chất và mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu
trách nhiệm hình sự theo quy định của Pháp luật./.