BỘ TÀI CHÍNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3164/QĐ-BTC
|
Hà Nội, ngày 31
tháng 12 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ DỰ TOÁN CHI NGUỒN NGÂN
SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2025 ĐỐI VỚI CÁC ĐƠN VỊ DỰ TOÁN THUỘC BỘ TÀI CHÍNH
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ Nghị định số
14/2023/NĐ-CP ngày 20/4/2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số
30/2021/QĐ-TTg ngày 10/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành các
nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà
nước năm 2022;
Theo đề nghị của Cục
trưởng Cục Kế hoạch - Tài chính.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều
1. Ban hành kèm theo Quyết định này định mức
phân bổ dự toán chi nguồn ngân sách nhà nước năm 2025 đối với các đơn vị dự
toán thuộc Bộ Tài chính.
Điều
2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể
từ ngày ký và thay thế Quyết định số 2525/QĐ-BTC ngày 29/12/2021 của Bộ Tài
chính về việc ban hành định mức phân bổ dự toán chi nguồn ngân sách nhà nước
năm 2022 và các năm trong thời kỳ ổn định ngân sách mới.
Điều
3. Cục trưởng Cục Kế hoạch - Tài chính, Thủ
trưởng các đơn vị dự toán thuộc Bộ Tài chính, Chánh Văn phòng Bộ và Thủ trưởng
các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Lãnh đạo Bộ (để báo cáo);
- Bộ Tài chính (các Vụ: NSNN, HCSN);
- Lưu: VT, KHTC.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Đức Chi
|
ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ DỰ TOÁN CHI NGUỒN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
NĂM 2025 ĐỐI VỚI CÁC ĐƠN VỊ DỰ TOÁN THUỘC BỘ TÀI CHÍNH
(Kèm theo Quyết định số 3164/QĐ-BTC ngày 31/12/2024 của Bộ
Tài chính)
Điều
1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Định mức này áp dụng cho
năm 2025 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định áp dụng cho
thời kỳ ổn định ngân sách.
2. Đối tượng áp dụng
Các đơn vị dự toán và các
đơn vị sự nghiệp công lập (gọi chung là các đơn vị dự toán) thuộc Bộ Tài chính.
Điều
2. Đối với các cơ quan hành chính thuộc Bộ Tài chính
1. Đối với Văn phòng Bộ
a) Dự toán chi lương và
các khoản có tính chất tiền lương: Phân bổ dự toán đầy đủ theo biên chế được
duyệt và chế độ tiền lương, phụ cấp và các khoản đóng góp theo lương theo quy định.
b) Dự toán chi quản lý
hành chính theo định mức: Phân bổ dự toán đảm bảo đáp ứng nhiệm vụ chuyên môn của
Bộ và của các đơn vị thuộc Bộ.
c) Dự toán các nội dung
chi ngoài định mức:
- Dự toán các khoản chi đặc
thù của đơn vị (đóng niên liễm, trang phục, hoạt động của các Ban chỉ đạo, Ban
điều phối, Tổ công tác liên ngành, kinh phí hỗ trợ xây dựng các dự án luật, nghị
quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội...):
Phân bổ đảm bảo theo đúng nội dung, mức chi quy định.
- Dự toán các khoản chi sửa
chữa lớn trụ sở, chi bảo đảm kết nối thông tin liên lạc giữa các cơ quan của Đảng,
Nhà nước, nhiệm vụ đặc thù và các nhiệm vụ khác phát sinh không thường xuyên được
cơ quan có thẩm quyền phê duyệt: Phân bổ dự toán đảm bảo đáp ứng nhiệm vụ
chuyên môn của Bộ, của các đơn vị có trụ sở tại cơ quan Bộ và trên cơ sở dự
toán chi nguồn ngân sách nhà nước hàng năm được Nhà nước giao.
3. Đối với Văn phòng Thường
trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi
tắt là Văn phòng 389 quốc gia)
Phân bổ dự toán từ nguồn
kinh phí ngoài định mức chi thường xuyên của Bộ Tài chính (đơn vị dự toán cấp
I) đối với Văn phòng 389 quốc gia đảm bảo theo đúng nội dung, mức chi quy định,
trên cơ sở đáp ứng nhiệm vụ chuyên môn và dự toán chi nguồn ngân sách nhà nước
hàng năm được Nhà nước giao, bao gồm:
- Dự toán các khoản chi
hành chính phục vụ hoạt động thường xuyên bộ máy cơ quan.
- Dự toán các khoản chi
nghiệp vụ mang tính thường xuyên phát sinh hàng năm (chi xây dựng, hoàn thiện,
rà soát văn bản quy phạm pháp luật, thanh tra...).
- Dự toán các khoản chi đặc
thù của đơn vị (hoạt động của các Ban chỉ đạo, Ban điều phối, Tổ công tác liên
ngành...).
- Dự toán các khoản chi sửa
chữa lớn trụ sở, chi bảo đảm kết nối thông tin liên lạc giữa các cơ quan của Đảng,
Nhà nước, các nhiệm vụ đặc thù và các nhiệm vụ khác phát sinh không thường
xuyên được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
3. Đối với Cục Quản lý
giá, Cục Quản lý công sản, Cục Tài chính doanh nghiệp, Cục Tin học và Thống kê
tài chính, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại.
a) Dự toán chi lương và
các khoản có tính chất lương: Phân bổ dự toán đầy đủ theo biên chế được duyệt
và chế độ tiền lương, phụ cấp và các khoản đóng góp theo lương theo quy định.
b) Dự toán chi quản lý
hành chính theo định mức:
- Dự toán các khoản chi
hành chính phục vụ hoạt động thường xuyên bộ máy cơ quan: Phân bổ theo mức 18
triệu đồng/biên chế được duyệt.
- Dự toán chi làm đêm,
thêm giờ, tiền lương, tiền công cho các đối tượng hợp đồng lao động làm công việc
thừa hành, phục vụ, dự toán các khoản chi nghiệp vụ mang tính thường xuyên phát
sinh hàng năm (chi xây dựng, hoàn thiện, rà soát văn bản quy phạm pháp luật,
thanh tra...): Phân bổ trên cơ sở đảm bảo đáp ứng nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị
và dự toán chi nguồn ngân sách nhà nước của Bộ Tài chính được giao năm 2025.
c) Dự toán các nội dung
chi ngoài định mức:
- Dự toán các khoản chi đặc
thù của đơn vị (đóng niên liễm, trang phục, hoạt động của các Ban chỉ đạo, Ban
điều phối, Tổ công tác liên ngành, kinh phí hỗ trợ xây dựng các dự án luật, nghị
quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội,...):
Phân bổ đảm bảo theo đúng nội dung, mức chi quy định.
- Dự toán các khoản chi sửa
chữa lớn trụ sở, chi bảo đảm kết nối thông tin liên lạc giữa các cơ quan của Đảng,
Nhà nước, nhiệm vụ đặc thù và các nhiệm vụ khác phát sinh không thường xuyên được
cơ quan có thẩm quyền phê duyệt: Phân bổ dự toán đảm bảo đáp ứng nhiệm vụ
chuyên môn của đơn vị và trên cơ sở dự toán chi nguồn ngân sách nhà nước của Bộ
Tài chính được giao năm 2025.
4. Đối với Tổng cục Dự trữ
Nhà nước
a) Dự toán chi lương và
các khoản có tính chất tiền lương: Phân bổ dự toán đầy đủ theo biên chế được duyệt
và chế độ tiền lương theo quy định của Nhà nước.
b) Dự toán chi quản lý
hành chính theo định mức: Phân bổ theo mức 50 triệu đồng/biên chế được duyệt/năm.
c) Dự toán các nội dung
chi ngoài định mức (sửa chữa lớn trụ sở, trang phục, chi bảo đảm kết nối thông
tin liên lạc giữa các cơ quan của Đảng, Nhà nước,...): Phân bổ dự toán đảm bảo
theo đúng nội dung, mức chi quy định, đáp ứng nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị và
trên cơ sở dự toán chi nguồn ngân sách nhà nước hàng năm được Nhà nước giao.
5. Đối với Tổng cục Thuế,
Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán nhà nước
a) Dự toán chi lương và
các khoản có tính chất tiền lương: Phân bổ dự toán đầy đủ theo biên chế được
duyệt và chế độ tiền lương theo quy định của Nhà nước.
b) Dự toán chi quản lý hành
chính theo định mức: Phân bổ tối đa không vượt mức 57 triệu đồng/biên chế được
duyệt/năm. Mức phân bổ cụ thể từng thời điểm trong năm do Bộ Tài chính quyết định.
c) Dự toán các nội dung
chi ngoài định mức (sửa chữa lớn trụ sở, trang phục, chi bảo đảm kết nối thông
tin liên lạc giữa các cơ quan của Đảng, Nhà nước,... ): Phân bổ dự toán đảm bảo
theo đúng nội dung, mức chi quy định, đáp ứng nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị và
trên cơ sở dự toán chi nguồn ngân sách nhà nước hàng năm được Nhà nước giao.
6. Đối với Ban Quản lý
các chương trình, dự án sử dụng nguồn tài trợ và vốn vay nước ngoài cơ quan Bộ
Tài chính
Phân bổ dự toán vốn đối ứng
cho các dự án ODA thuộc phạm vi quản lý của Ban Quản lý các chương trình, dự án
sử dụng nguồn tài trợ và vốn vay nước ngoài cơ quan Bộ Tài chính đảm bảo dự
toán bố trí lũy kế cho từng dự án đến năm được giao dự toán không vượt dự toán
vốn đối ứng tại Văn kiện Dự án.
Điều
3. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tài chính
1. Dự toán chi thường
xuyên giao tự chủ (đối với các đơn vị được ngân sách nhà nước bảo đảm một phần
chi thường xuyên và các đơn vị được ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi thường
xuyên): Phân bổ dự toán trên cơ sở phương án tự chủ tài chính của đơn vị được cấp
có thẩm quyền phê duyệt, Thông tư số 49/2024/TT-BTC ngày 16/7/2024 của Bộ trưởng
Bộ Tài chính hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 và kế hoạch
tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2025-2027 và các quy định khác có liên
quan.
2. Dự toán chi thường
xuyên không giao tự chủ: Phân bổ dự toán trên cơ sở cân đối giữa dự toán chi
nguồn ngân sách nhà nước hàng năm được Nhà nước giao, số thu sự nghiệp dự kiến
hàng năm của đơn vị, các nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền phê duyệt giao đơn vị
thực hiện và nhu cầu của đơn vị.
Điều
4. Trách nhiệm của các đơn vị
1. Cục Kế hoạch - Tài
chính
a) Chủ trì, phối hợp với
các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện phân bổ dự toán năm 2025 đảm bảo khớp
đúng về tổng mức dự toán của Bộ Tài chính (đơn vị dự toán cấp I), báo cáo Bộ
phê duyệt, giao dự toán cho các đơn vị dự toán thuộc Bộ và công khai dự toán
theo quy định.
b) Kịp thời cập nhật các
văn bản ban hành mới hoặc điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi của Nhà nước trong công
tác lập, phân bổ, giao dự toán: Báo cáo Bộ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung định mức
phân bổ dự toán chi nguồn ngân sách nhà nước năm 2025 đối với các đơn vị dự
toán thuộc Bộ Tài chính cho phù hợp.
2. Các đơn vị dự toán thuộc
Bộ
a) Xây dựng, ban hành định
mức phân bổ dự toán năm 2025 đối với các đơn vị dự toán trực thuộc làm căn cứ tổ
chức thực hiện và công khai dự toán; đồng thời báo cáo Bộ (qua Cục Kế hoạch -
Tài chính) để quản lý, giám sát theo quy định.
b) Chủ trì, phối hợp với
các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện phân bổ, giao dự toán năm 2025 cho
các đơn vị dự toán trực thuộc và công khai dự toán theo quy định.
Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vấn đề
vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ (qua Cục Kế hoạch - Tài chính) để
nghiên cứu, xem xét giải quyết./.