ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
16/2011/QĐ-UBND
|
Điện
Biên, ngày 30 tháng 5 năm 2011
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH CHÍNH SÁCH TẠM THỜI VỀ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN CÂY CAO SU
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN, GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và
UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày
03/12/2004; Căn cứ Luật Đất đai ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày 03/12/2004;
Căn cứ Quyết định số: 100/2007/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng
Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số: 661/QĐ-TTg
ngày 29 tháng 7 năm
1998 về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện dự án trồng mới 5
triệu ha rừng;
Căn cứ Quyết định số: 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về
một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007 - 2015;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở
Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Tài chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này Quy định chính sách tạm thời hỗ trợ phát triển cây cao su trên địa
bàn tỉnh Điện Biên, giai đoạn đến năm 2020.
Điều 2. Quyết định này có
hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số:
25/2008/QĐ-UBND ngày 30/12/2008 của UBND tỉnh về việc ban hành chính sách hỗ trợ
phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Điện Biên, giai đoạn đến năm 2020.
Điều 3. Chánh Văn phòng
UBND tỉnh, Thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển cây cao su của tỉnh,
Giám đốc các Sở, ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành
phố, lãnh đạo các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Hoàng Văn Nhân
|
QUY ĐỊNH
CHÍNH SÁCH TẠM THỜI VỀ HỖ TRỢ, PHÁT TRIỂN CÂY CAO SU TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số:16/2011/QĐ-UBND ngày 30/5/2011 của UBND tỉnh)
Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng:
1. Phạm vi áp
dụng:
a) Quy định
này quy định cụ thể hóa một số nội dung về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất
sang trồng cây cao su; góp vốn trồng cây cao su bằng giá trị quyền sử dụng đất;
cho thuê đất để trồng cao su; chính sách hỗ trợ phát triển cao su đại điền
trong vùng quy hoạch phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
b) Ngoài các
quy định tại quyết định này, các tổ chức kinh tế và doanh nghiệp trong nước thực
hiện dự án đầu tư trồng cao su đại điền và chế biến cao su trên địa bàn tỉnh
còn được hưởng các chính sách khác theo quy định hiện hành của Nhà nước.
2. Đối tượng
áp dụng:
a) Các tổ chức
kinh tế, doanh nghiệp trong nước thực hiện các dự án trồng, khai thác và chế biến
cao su đại điền trên địa bàn tỉnh.
b) Các hộ gia
đình, cá nhân trong vùng quy hoạch trồng cây cao su tự nguyện di chuyển nhà ở,
chuyển đổi mục đích sử dụng đất để tham gia góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng
đất để phát triển cây cao su;
c) Các tổ chức,
cộng đồng dân cư thôn bản bị thu hồi đất để cho doanh nghiệp thuê đất trồng,
kinh doanh cây cao su.
d) Các xã, bản
thực hiện kế hoạch phát triển cây cao su.
e) Các cơ
quan, tổ chức, cá nhân được phân công tham gia thực hiện chỉ đạo, tuyên truyền,
vận động, thực hiện khuyến nông.
Điều 2. Quy định về sử dụng đất, chuyển đổi đất sang trồng
cao su; góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất và cho thuê đất để trồng cao su
đại điền và sử dụng lao động tại chỗ đối với phát triển cây cao su:
1. Quy định về
sử dụng đất trồng cao su đại điền:
a) Các tổ chức
kinh tế và doanh nghiệp trong nước được đầu tư trồng, kinh doanh cao su đại điền
trên địa bàn tỉnh:
- Được UBND tỉnh
giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, cho phép chuyển đổi mục đích sử
dụng đất để phát triển cao su đại điền phù hợp với quy hoạch phát triển cây cao
su đã được phê duyệt.
- Được nhận
góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân có đất sản
xuất trong vùng quy hoạch trồng cây cao su;
Việc thu hồi
đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ
và tái định cư; góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy
định của pháp luật về đất đai và các quy định hiện hành của UBND tỉnh.
b) Thời hạn sử
dụng đất khi được giao đất, cho thuê đất để trồng cao su đối với mỗi dự án
không quá 50 năm kể từ ngày bàn giao đất tại thực địa theo Quyết định giao đất
của UBND tỉnh hoặc từ ngày ký hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên và Môi trường;
Thời hạn tham
gia góp vốn bằng quyền sử dụng đất được xác định trên cơ sở thỏa thuận giữa bên
góp vốn (hộ gia đình, cá nhân) và bên nhận góp vốn (Các tổ chức kinh tế và
doanh nghiệp đầu tư trồng, kinh doanh cao su) nhưng không được vượt quá thời hạn
sử dụng đất đã được ghi trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu
nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân;
2. Các loại đất
được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang trồng cây cao su:
Đất nằm trong
vùng quy hoạch phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh, việc xác định tiêu chuẩn
đất trồng cao su do nhà đầu tư tự thực hiện; cụ thể:
a) Đất trồng
cây hàng năm: Đất đang sản xuất nương rẫy (trồng lúa nương, ngô, sắn, đậu các
loại, bông, lạc, y dĩ ...), đất nương luân canh;
b) Đất trồng
cây lâu năm: Đất trồng cây công nghiệp (chè, cà phê), đất trồng cây ăn quả hỗn
giao với cây lâm nghiệp kém hiệu quả;
c) Đất quy hoạch
là rừng sản xuất: Đất chưa có rừng (trạng thái Ia, Ib) và đất có cây gỗ tái
sinh (trạng thái Ic) đã áp dụng biện pháp khoanh nuôi tái sinh phục hồi rừng
nhưng không có khả năng phát triển thành rừng; rừng trồng mật độ còn 600 cây/ha
trở xuống. Trường hợp những lô rừng trồng, rừng tự nhiên với diện tích từ 3 ha
trở xuống, có trữ lượng lớn hơn trữ lượng quy định nhưng nằm xen kẽ trong những
vùng đất được chuyển sang trồng cao su, thì được phép chuyển mục đích sử dụng đất
để trồng cao su, đảm bảo liền vùng liền khoảnh.
3. Các loại đất
nằm trong vùng quy hoạch trồng cây cao su được góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng
đất với Doanh nghiệp để trồng cao su:
- Đất của các
hộ gia đình, cá nhân đã được giao đất có thu tiền sử dụng đất và cấp Giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
(sau đây viết tắt là Giấy CNQSDĐ) mà đất đó đang sử dụng đúng mục đích được
giao, được cấp.
- Đất của các
hộ gia đình, cá nhân chưa được cấp Giấy CNQSDĐ nhưng hiện tại hộ gia đình, cá
nhân đang sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp (đang canh tác hoặc đất
luân canh), không có tranh chấp, được cộng đồng dân cư thôn, bản công nhận và
được UBND cấp xã, phường, thị trấn nơi có đất xác nhận. Hộ gia đình, cá nhân phải
thực hiện việc kê khai đăng ký cấp Giấy CNQSDĐ trước hoặc ngay sau khi đã trồng
cao su, để hoàn thiện các thủ tục pháp lý khi tham gia góp vốn bằng giá trị quyền
sử dụng đất với doanh nghiệp trồng cao su.
- Đất của các
hộ gia đình, cá nhân được giao đất từ quĩ đất thu hồi để tham gia góp vốn bằng
giá trị quyền sử dụng đất với doanh nghiệp trồng cây cao su.
4. Các loại đất
thu hồi để giao, cho thuê trồng cao su:
a) Những trường
hợp Nhà nước thu hồi đất:
- Đất nằm
trong vùng quy hoạch trồng cao su nhưng chưa giao, chưa cho thuê và chưa cấp Giấy
CNQSDĐ cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; đất do UBND xã, phường, thị trấn
đang quản lý;
- Đất do các
Ban quản lý rừng phòng hộ đang quản lý, sử dụng nhưng nằm trong vùng quy hoạch
trồng cao su;
- Đất lâm
nghiệp đã giao và cấp Giấy CNQSDĐ cho cộng đồng dân cư thôn bản quản lý, sử dụng
nhưng nằm trong vùng quy hoạch trồng cao su;
- Đất đã giao
có thu tiền sử dụng đất hoặc đã được cấp Giấy CNQSDĐ cho các tổ chức, hộ gia
đình, cá nhân; nhưng vi phạm các quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8,
11, 12, Điều 38, Luật Đất đai năm 2003;
b) Quy định về
bồi thường đất đai, tài sản vật kiến trúc, cây trồng trên đất để chuyển sang trồng
cây cao su.
- Nhà nước
thu hồi đất để trồng cây cao su đại điền theo quy hoạch phát triển cây cao su
được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì không được bồi thường về đất, nhưng được
xem xét hỗ trợ về đất theo Quy định này;
- Việc xử lý
tài sản, vật kiến trúc, cây trồng, vật nuôi trên đất đã thu hồi được thực hiện
theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
c) Cân đối quỹ
đất Nhà nước đã thu hồi trên địa bàn thôn, bản để tiếp tục giao đất, cấp GCNQSD
đất cho các hộ góp vốn trồng cao su:
- Trường hợp
hộ gia đình, cá nhân không có đất góp vốn hoặc có đất tham gia góp vốn nhưng diện
tích nhỏ hơn 01 ha thì UBND cấp huyện căn cứ quỹ đất đã thu hồi, nhu cầu sử dụng
đất của các hộ để xem xét giao đất bổ sung, cấp giấy CNQSDĐ cho các hộ để góp vốn
trồng cao su theo quy hoạch. Hạn mức đất giao cho từng hộ gia đình, cá nhân
không quá 3 ha/hộ.
- Diện tích đất
đã thu hồi còn lại: Các doanh nghiệp được giao, được thuê để đầu tư phát triển
cao su; diện tích đất được xác định cụ thể trên thực địa và bản đồ địa chính.
5. Thủ tục
chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang đất trồng cây cao su:
- Thực hiện lập
thủ tục chuyển đổi đất lâm nghiệp sang đất trồng cây cao su theo quy định tại
Thông tư số: 58/2009/TT-BNNPTNT ngày 09/9/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn hướng dẫn việc trồng cao su trên đất lâm nghiệp.
- Định mức
chi phí lập thủ tục chuyển đổi đất lâm nghiệp sang trồng cao su thực hiện theo
Quyết định số: 487/QĐ-BNN-TCCB ngày 26/02/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn về việc ban hành định mức lao động trong điều tra quy hoạch rừng.
Kinh phí lập thủ tục chuyển đổi đất lâm nghiệp sang trồng cao su do doanh nghiệp
trồng cây cao su chi trả.
- Đối với diện
tích trồng cây lâu năm, rừng trồng, rừng tự nhiên; diện tích khoanh nuôi tái
sinh phục hồi rừng đã được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước nhưng hiệu quả thấp,
nay chuyển đổi sang trồng cây cao su; phải làm thủ tục thanh lý rừng theo quy định
hiện hành, trước khi tổ chức khai hoang để trồng cao su.
6. Quy định về
góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất:
a) Điều kiện
về đất khi tham gia góp vốn: Đất khi tham gia góp vốn phải đảm bảo tính hợp
pháp theo quy định của pháp luật đất đai; nằm trong vùng quy hoạch trồng cây
cao su đã được phê duyệt; đáp ứng được các yêu cầu tiêu chuẩn đất trồng cây cao
su;
b) Mức hưởng
lợi của người góp vốn bằng quyền sử dụng đất: Khi vườn cao su được khai thác,
trên diện tích đất góp, người góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất được hưởng
6% (sáu phần trăm) tổng sản phẩm thu được sau mỗi lần khai thác. Doanh nghiệp
phát triển cao su có trách nhiệm bao tiêu sản phẩm và thanh toán ngay cho người
góp vốn theo giá thị trường.
c) Quản lý sử
dụng đất khi tham gia góp vốn:
- Việc góp vốn
bằng giá trị quyền sử dụng đất được thực hiện bằng hợp đồng dân sự giữa các
bên; không chuyển quyền sử dụng đất từ người tham gia góp vốn sang doanh nghiệp
cao su;
- Đất đang
tham gia góp vốn mà Nhà nước thu hồi theo các quy định của pháp luật đất đai
thì hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất bị chấm dứt và được xử lý theo quy
định của Luật Dân sự và Luật Đất đai;
- Đất đang
tham gia góp vốn mà người góp vốn thực hiện việc chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng,
cho, thừa kế giá trị góp vốn cho người khác thì phải được sự thỏa thuận của bên
nhận góp vốn và xử lý theo quy định của pháp luật về dân sự;
- Trong quá
trình thực hiện hợp đồng góp vốn, các bên có những hành vi vi phạm pháp luật đất
đai thì phải bồi thường thiệt hại cho bên bị thiệt hại theo quy định của pháp
luật về dân sự và bị xử lý theo quy định của pháp luật đất đai;
7. Sử dụng
lao động tại chỗ đối với phát triển cây cao su:
- Các doanh
nghiệp cao su có trách nhiệm cam kết tuyển dụng lao động trong độ tuổi lao động
của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất vào
làm công nhân, lao động ở các nông trường cao su trực thuộc doanh nghiệp. Trường
hợp hộ gia đình có lao động nhiều hơn so với diện tích đất góp vốn, thì doanh
nghiệp sẽ cân đối trên tổng diện tích chung để tuyển dụng lao động (đối với cá
nhân trong độ tuổi lao động); đồng thời, phải ưu tiên tuyển dụng hợp đồng lao động
với những người còn sức lao động tại địa bàn vào làm công nhân, lao động ở các
nông trường cao su trực thuộc doanh nghiệp.
- Việc tuyển
dụng lao động được thỏa thuận hợp đồng giữa 2 bên góp vốn và nhận góp vốn theo
diện tích đất góp vốn trồng cao su.
- Việc tuyển
dụng, sử dụng, quản lý lao động, tiền lương, chế độ bảo hiểm, chế độ độc hại, đặc
thù và chế độ chính sách được hưởng khác được thực hiện bằng văn bản theo quy định
của Luật Lao động và pháp luật khác có liên quan.
Điều 3. Chính sách hỗ trợ phát triển cây cao su:
1. Hỗ trợ
doanh nghiệp đầu tư phát triển cao su:
a) Về vay vốn:
các doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư phát triển cao su được vay vốn tín dụng
với lãi suất ưu đãi theo quy định hiện hành.
b) Hỗ trợ xây
dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào:
Tỉnh Điện
Biên có trách nhiệm bố trí vốn ngân sách của tỉnh và huy động các nguồn vốn
khác để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào:
- Hệ thống cấp
điện, cấp nước sinh hoạt, thoát nước tới các công trình: Nhà máy chế biến nhựa
cao su; vườn ươm cây giống; nhà làm việc của các đội sản xuất, các nông trường,
nhà làm việc của công ty cao su;
- Hệ thống
cung cấp điện, nước sinh hoạt, đường giao thông tới các cụm dân cư thôn, bản
trong vùng dự án phát triển cao su.
c) Khuyến
khích các doanh nghiệp phát triển cao su đầu tư xây dựng hệ thống đường giao
thông nội đồng để vận chuyển phân bón, cây giống phục vụ cho việc trồng, chăm
sóc, bảo vệ vườn, khai thác sản phẩm cao su; trường hợp tuyến đường giao thông
nội đồng trùng với tuyến đường liên thôn bản được đầu tư bằng nguồn ngân sách
Nhà nước thì việc thi công tuyến đường sẽ ưu tiên cho doanh nghiệp cao su thực
hiện.
d) Miễn thuế
đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất dùng để xây dựng các công trình kết cấu
hạ tầng kỹ thuật xã hội: bệnh xá, nhà trẻ, nhà mẫu giáo, nhà văn hóa, sân thể
thao do các doanh nghiệp đầu tư phát triển cao su xây dựng.
đ) Ngân sách
địa phương hỗ trợ 50% chênh lệch giữa giá giống cây cao su mới, phải nhập từ nước
ngoài có khả năng chịu rét, trồng được ở những vùng có điều kiện khí hậu khắc
nghiệt, sinh trưởng và phát triển phù hợp với địa hình của tỉnh Điện Biên, so với
giá giống cây cao su của Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam quy định để trồng
được 3.000 ha cao su. Hỗ trợ theo số lượng giống cây cao su thực tế nhập khẩu,
có đủ hồ sơ và đã được các cơ quan chức năng thẩm định, đảm bảo về chất lượng.
Thời gian hỗ trợ đến hết năm 2015.
2. Hỗ trợ các
hộ gia đình, cá nhân tham gia góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất (sau đây gọi
là góp đất) để chuyển đất sang trồng cây cao su:
a) Hỗ trợ về
góp đất:
Các hộ gia
đình, cá nhân tham gia góp đất để trồng cây cao su (trừ diện tích được cấp bổ
sung), khi có đủ thủ tục, hồ sơ đối với diện tích góp đất và có xác nhận của
Doanh nghiệp cao su; được hưởng các chính sách sau:
- Đất trồng
cây lâu năm: mức hỗ trợ 7,0 triệu đồng/ha, được chi trả một lần trong năm đầu
góp đất.
- Đất trồng
cây hàng năm và đất luân canh: Mức hỗ trợ 4,5 triệu đồng/ha, được chi trả một lần
trong năm đầu góp đất.
- Đất có rừng
trồng bằng vốn tự có hoặc vốn vay: mức hỗ trợ 6 triệu đồng/ha, được chi trả một
lần trong năm đầu góp đất.
- Đối với diện
tích đất lâm nghiệp (trạng thái Ic) đã áp dụng biện pháp khoanh nuôi tái sinh
phục hồi rừng và đã cấp giấy CNQSDĐ, khi chuyển sang trồng cao su nhưng chưa được
hưởng chính sách khoán khoanh nuôi tái sinh rừng: mức hỗ trợ 200.000 đồng/ha/năm,
thời gian tối đa không quá 10 năm và được chi trả một lần trong năm đầu góp đất.
b) Hỗ trợ
phát triển sản xuất nông nghiệp và đào tạo chuyển đổi ngành nghề:
- Hỗ trợ trồng
xen trên diện tích trồng cây cao su: Hỗ trợ 100% giống lúa, giống cây họ đậu,
phân bón hóa học cho các hộ gia đình, cá nhân có đất góp vốn thực hiện trồng
xen trên diện tích trồng cao su trong thời gian 2 năm đầu; theo quy trình kỹ
thuật của Sở Nông nghiệp & PTNT và hướng dẫn kỹ thuật của Công ty cổ phần
cao su Điện Biên.
- Hỗ trợ kinh
phí đào tạo nghề cho công nhân và chuyển đổi ngành nghề cho nông dân: Ưu tiên
kinh phí đào tạo nghề thuộc ngân sách Nhà nước để đào tạo nghề cho công nhân và
chuyển đổi ngành nghề cho nông dân, thông qua các dự án đào tạo nghề nông thôn
tại các huyện thực hiện kế hoạch trồng cao su.
3. Hỗ trợ di
chuyển nhà ở, trong vùng phát triển cây cao su: Hộ gia đình, cá nhân có nhà ở
(không phải là lán trông coi nương rẫy, chuồng trại chăn thả gia súc gia cầm) tự
nguyện di chuyển nhà ở để tạo phần đất tham gia trồng cây cao su, được hỗ trợ
di chuyển nhà ở với mức 6 triệu đồng/hộ sau khi đã di chuyển được chính quyền
xã và Doanh nghiệp phát triển cao su xác nhận.
4. Hỗ trợ di
chuyển mộ: Trường hợp khi xây dựng vườn cao su hoặc xây dựng cơ sở hạ tầng
trong vùng phát triển cao su có mộ cần bắt buộc phải di chuyển thì được hỗ trợ
di chuyển mộ theo mức quy định trong đơn giá bồi thường thiệt hại về tài sản
trên đất khi Nhà nước thu hồi đất hiện hành của UBND tỉnh Điện Biên; đối với mộ
vô thừa nhận chủ đầu tư có trách nhiệm di chuyển hoặc thuê di chuyển, chi phí
di chuyển theo mức quy định hiện hành của UBND tỉnh.
5. Chính sách
hỗ trợ đối với các xã, bản thực hiện Chương trình phát triển cây cao su của tỉnh:
a) Chính sách
hỗ trợ đối với cấp xã: Các xã thực hiện kế hoạch trồng cao su hàng năm được
giao, đúng quy hoạch và có tổng diện tích trồng cao su từ 100 ha trở lên được
thưởng trực tiếp cho xã theo diện tích trồng, như sau:
- Diện tích
trồng cao su từ 100 ha đến dưới 200 ha: mức thưởng 50 triệu đồng/xã.
- Diện tích
trồng cao su từ 200 ha đến dưới 300 ha: mức thưởng 100 triệu đồng/xã.
- Diện tích
trồng cao su từ 300 ha đến dưới 400 ha: mức thưởng 150 triệu đồng/xã.
- Diện tích
trồng cao su từ 400 ha trở lên: mức thưởng 200 triệu đồng/ xã.
Nguồn tiền
thưởng dùng để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế và xã hội, do
UBND xã quyết định đầu tư. Việc quản lý, sử dụng phải đảm bảo theo quy định của
Luật Ngân sách Nhà nước và các quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng.
b) Chính sách
hỗ trợ đối với cấp bản: Các bản thực hiện kế hoạch trồng cao su hàng năm được
giao, đúng quy hoạch và có tổng diện tích trồng cao su từ 30 ha trở lên được
thưởng trực tiếp cho bản theo diện tích thực trồng:
- Diện tích
trồng cao su đạt 30 ha: mức thưởng 20 triệu đồng/ bản.
- Diện tích
trồng cao su từ 31 ha đến 60 ha; cứ mỗi ha tăng thêm thưởng 500.000 đồng.
- Diện tích trồng
cao su từ 61 ha đến 90 ha; cứ mỗi ha tăng thêm thưởng 800.000 đồng.
- Diện tích
trồng cao su trên 90 ha; cứ mỗi ha tăng thêm thưởng 1.000.000 đồng.
Trường hợp
các bản có diện tích trồng cao su dưới 30 ha, nhưng các hộ đã góp hết đất để trồng
cao su theo quy hoạch và kế hoạch thì được thưởng như các bản có diện tích trồng
được 30 ha cây cao su.
Nguồn tiền
thưởng cho các bản dùng để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ sinh
hoạt cộng đồng của bản; công trình cụ thể do bản đề nghị, UBND xã quyết định đầu
tư. Việc quản lý, sử dụng phải đảm bảo theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước
và các quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng.
6. Hỗ trợ chi
phí chỉ đạo và tổ chức thực hiện chính sách:
- Kinh phí chỉ
đạo, tuyên truyền, vận động: mức chi 100.000 đồng/ha theo diện tích cao su trồng
được hàng năm; trong đó chi cho: cán bộ xã 50%, cán bộ bản 50%.
- Kinh phí tổ
chức thực hiện quy trình chuyển đổi các loại đất sang trồng cao su, lập các
phương án hỗ trợ; mức chi không quá 3% tổng kinh phí hỗ trợ được UBND huyện phê
duyệt.
- Kinh phí đo
đạc xác định diện tích trồng xen cây nông nghiệp trên đất trồng cao su: mức chi
200.000 đồng/ha theo diện tích thực tế trồng xen hàng năm.
- Ưu tiên bổ
sung biên chế hành chính và sự nghiệp cho các Sở: Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, Tài nguyên - Môi trường, Tài chính và các huyện trong vùng quy hoạch
trồng cây cao su.
Điều 4. Tổ chức thực hiện:
1. Xử lý chuyển
tiếp
- Qui định
này thực hiện từ ngày 01/01/2011; trường hợp các hộ gia đình, cá nhân tham gia
góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất đã được tạm ứng kinh phí hỗ trợ về góp đất
theo Quyết định số: 25/2008/QĐ-UBND ngày 30/12/2008 của UBND tỉnh, thì được hỗ
trợ thêm bằng mức qui định này.
- UBND cấp
huyện có trách nhiệm xây dựng, phê duyệt phương án, tổng hợp kinh phí hỗ trợ bổ
sung, trình UBND tỉnh xem xét bố trí kinh phí chi trả.
2. Thực hiện
các nội dung về quản lý đất đai:
a) Trên cơ sở
quy hoạch phát triển cây cao su, dự án đầu tư của doanh nghiệp cao su đã được
phê duyệt và kế hoạch trồng cao su hàng năm; UBND tỉnh tiến hành thu hồi đất,
chuyển mục đích sử dụng đất sang trồng cao su. Sau khi thực hiện thanh lý tài sản
trên đất, UBND tỉnh thực hiện giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất,
cấp Giấy CNQSDĐ cho các doanh nghiệp cao su để thực hiện dự án theo quy định hiện
hành.
b) Đối với diện
tích đất tham gia góp vốn trồng cây cao su được thực hiện như sau:
- Đo đạc bản
đồ địa chính, quy chủ để xác định cụ thể vị trí, diện tích, loại đất và chủ sử
dụng đất làm căn cứ để hoàn tất các thủ tục cấp giấy CNQSDĐ, thực hiện góp vốn
bằng giá trị quyền sử dụng đất theo quy định trước khi khai hoang trồng cao su.
- UBND cấp
huyện chủ trì phối hợp với UBND cấp xã và doanh nghiệp cao su lập phương án
giao đất, cấp Giấy CNQSDĐ cho các trường hợp nêu trên. c) Kinh phí thực hiện:
- Kinh phí đo
đạc bản đồ, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy CNQSDĐ do ngân sách tỉnh chi trả.
- Miễn thu lệ
phí cấp Giấy CNQSDĐ, công chứng, chứng thực, hợp đồng góp vốn bằng giá trị quyền
sử dụng đất đối với các hộ gia đình, cá nhân tham gia góp vốn trồng cây cao su;
3. Trách nhiệm
của các cấp, các ngành:
a) Sở Nông
nghiệp và phát triển nông thôn:
- Chủ trì, phối
hợp với các ngành, đơn vị liên quan xây dựng hướng dẫn chi tiết để cấp huyện,
xã, bản và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện kịp thời sau khi Quyết định
này có hiệu lực thi hành.
- Phối hợp với
Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính và UBND các huyện trong việc chuyển đổi
mục đích sử dụng đất, thanh lý các loại rừng đã đầu tư bằng nguồn ngân sách của
Nhà nước để chuyển sang trồng cao su; tham gia thẩm định các dự án đầu tư và định
mức kinh tế kỹ thuật phát triển cao su.
- Chủ trì, phối
hợp với UBND các huyện và doanh nghiệp cao su xây dựng kế hoạch trồng cao su
hàng năm; theo dõi, giám sát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch và thực hiện
chính sách hỗ trợ phát triển cao su trên địa bàn toàn tỉnh, định kỳ 6 tháng một
lần báo cáo UBND tỉnh.
b) Sở Tài
chính:
- Chủ trì, phối
hợp với các ngành, các đơn vị liên quan tham mưu trình UBND tỉnh kế hoạch vốn
thực hiện chính sách trong quyết định giao dự toán thu, chi ngân sách địa
phương hàng năm cho các huyện, thành phố, các ngành liên quan để thực hiện
chính sách hỗ trợ theo quy định.
- Hướng dẫn về
trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, ứng vốn, thanh toán, quyết
toán vốn đầu tư hỗ trợ phát triển cây cao su.
- Phối hợp với
các ngành và UBND các huyện thực hiện các quy định về thanh lý rừng và tài sản
trên đất đầu tư bằng nguồn ngân sách Nhà nước trên đất chuyển sang trồng cây
cao su.
c) Sở Tài
nguyên - Môi trường:
- Chủ trì phối
hợp với các ngành, các đơn vị có liên quan tham mưu trình UBND tỉnh việc thu hồi
đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất cho các doanh nghiệp
đã có dự án đầu tư phát triển cao su được phê duyệt (hoặc kế hoạch trồng cao su
đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt).
- Chủ trì thực
hiện đo đạc bản đồ, lập hồ sơ địa chính, giao đất trong diện tích quy hoạch trồng
cao su và cấp giấy CNQSDĐ cho doanh nghiệp.
- Hướng dẫn
doanh nghiệp, UBND các huyện thực hiện các chính sách quản lý sử dụng đất đai,
góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, bảo vệ môi trường để phát triển cây cao
su.
d) Sở Kế hoạch
và Đầu tư:
- Chủ trì, phối
hợp với các ngành, các đơn vị liên quan bố trí nguồn vốn đầu tư lồng ghép các
chương trình, dự án đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng trong vùng
quy hoạch phát triển cây cao su.
- Chủ trì, phối
hợp với các ngành, các đơn vị thẩm định, cấp phép kinh doanh và giấy chứng nhận
đầu tư cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư phát triển cây cao su.
e) UBND các
huyện, thị xã, thành phố.
- Chủ trì, phối
hợp với các ngành, các đơn vị liên quan thực hiện tuyên truyền, phổ biến chính
sách đến các hộ gia đình, cá nhân trong vùng quy hoạch phát triển cây cao su.
- Phối hợp với
doanh nghiệp cao su xây dựng kế hoạch trồng cao su, kế hoạch kinh phí thực hiện
chính sách hỗ trợ phát triển cây cao su hàng năm; gửi Sở Nông nghiệp & PTNT
để tổng hợp xây dựng kế hoạch trình UBND tỉnh. Chỉ đạo hạt Kiểm lâm và UBND cấp
xã quản lý chặt chẽ việc phát triển cao su trên địa bàn.
- Chủ trì, phối
hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện giải phóng mặt bằng để giao cho doanh
nghiệp phát triển cao su theo kế hoạch đã được phê duyệt; phối hợp với doanh
nghiệp tổ chức bảo vệ vườn cây cao su. Thực hiện việc thanh lý rừng theo thẩm
quyền.
- Tổ chức triển
khai việc cấp Giấy CNQSDĐ cho các hộ gia đình, cá nhân có đất sản xuất trong
vùng quy hoạch trồng cây cao su để tham gia góp vốn trồng cao su.
- Theo dõi,
kiểm tra, đánh giá thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển cao su trên địa bàn;
định kỳ 6 tháng một lần báo cáo sở Nông nghiệp & PTNT để tổng hợp báo cáo
UBND tỉnh.
f) UBND cấp
xã, phường, thị trấn:
- Chủ tịch
UBND cấp xã có trách nhiệm giám sát việc thực hiện hợp đồng góp vốn, hợp đồng
lao động phát triển cây cao su trên địa bàn; công khai tại UBND xã danh sách
các hộ gia đình, cá nhân tham gia góp vốn trồng cây cao su.
- Tổ chức triển
khai, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển cao su
trên địa bàn xã; công khai các chính sách hỗ trợ phát triển cao su của xã, bản.
- Phối hợp với
ngành tài nguyên và doanh nghiệp cao su trong việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục
giao đất cho thuê đất, cấp giấy CNQSDĐ trồng cao su cho hộ gia đình, cá nhân.
- Tổ chức
tuyên truyền, vận động, phổ biến chính sách phát triển cây cao su tới hộ gia
đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn, bản trên địa bàn xã.
g) Doanh nghiệp
phát triển cao su:
- Có trách
nhiệm tổ chức thực hiện các quy định có liên quan ở trên; chủ trì phối hợp với
UBND cấp huyện, xã công bố công khai các chính sách của doanh nghiệp về trồng,
chăm sóc, bảo vệ, khai thác sản phẩm, phân chia lợi nhuận tới người dân tham
gia phát triển cao su.
- Ký kết và
thực hiện hợp đồng góp vốn, hợp đồng lao động và các nội dung có liên quan đến
hộ gia đình, cá nhân tham gia phát triển cao su theo đúng quy định của pháp luật
và quy định này.
Điều 5. Điều khoản thi hành.
1. Chính sách
này được quy định áp dụng cho các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp; hộ gia đình và
cá nhân tham gia phát triển cây cao su đại điền trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
2. Khi chính
sách của Nhà nước có liên quan đến Quyết định thay đổi hoặc do biến động của thị
trường ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách này thì UBND tỉnh xem xét, quyết
định điều chỉnh nội dung quy định này cho phù hợp với tình hình thực tế./.