TÒA ÁN NHÂN
DÂN TỐI CAO
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 140/2021/QĐ-TANDTC
|
Hà Nội, ngày
19 tháng 5 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG XE Ô TÔ PHỤC VỤ CHỨC DANH,
XE Ô TÔ PHỤC VỤ CÔNG TÁC CHUNG, XE Ô TÔ CHUYÊN DÙNG TRONG HỆ THỐNG TÒA ÁN NHÂN
DÂN.
CHÁNH ÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân
dân ngày 24/11/2014;
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản
công năm 2017 ngày 21/6/2017;
Căn cứ Nghị định số 151/2017/NĐ-CP
ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử
dụng tài sản công;
Căn cứ Nghị định số 04/2019/NĐ-CP
ngày 11/01/2019 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô;
Căn cứ Công văn số 1845/TTg-KTTH
ngày 29/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đối tượng, tiêu chuẩn,
định mức xe ô tô chuyên dùng phục vụ nhiệm vụ đặc thù của hệ thống Tòa án nhân
dân;
Căn cứ Công văn số 13557/BTC-QLCS
ngày 11/11/2019, Công văn số 3091/BTC-QLCS ngày 18/3/2020; Công văn số
13449/BTC-QLCS ngày 02/11/2020 của Bộ Tài chính về tiêu chuẩn, định mức trang bị
xe ô tô chuyên dùng của hệ thống Tòa án nhân dân;
Căn cứ Quyết định số 06/QĐ-TANDTC
ngày 06/01/2021 của Chánh án Tòa án nhân dân tối
cao về việc phê duyệt đối tượng, tiêu chuẩn, định mức xe ô
tô của hệ thống Tòa án nhân dân;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Kế
hoạch - Tài chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết
định này Quy chế quản lý, sử dụng xe ô tô phục vụ chức danh, xe ô tô phục vụ
công tác chung, xe ô tô chuyên dùng trong hệ thống Tòa án nhân dân.
Điều 2. Quyết định này có hiệu
lực thi hành kể từ ngày ký, thay thế Quyết định số 692/2016/QĐ-TANDTC ngày 05/10/2016
của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng
xe ô tô phục vụ chức danh, xe ô tô phục vụ công tác, xe ô tô chuyên dùng trong
hệ thống Tòa án nhân dân.
Điều 3. Cục trưởng Cục Kế hoạch
- Tài chính, Thủ trưởng các đơn vị dự toán trực thuộc Tòa án nhân dân tối cao,
Chánh án các Tòa án nhân dân được trang bị xe ô tô và cá nhân có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Chánh án TAND tối cao (để b/c);
- Các Phó CA TANDTC (phối hợp chỉ đạo);
- Bộ Tài chính (Cục QLCS, thay b/c);
- Lưu: VT; Cục KHTC.
|
KT. CHÁNH ÁN
PHÓ CHÁNH ÁN
Nguyễn Văn Du
|
QUY CHẾ
QUẢN LÝ, SỬ DỤNG XE Ô TÔ PHỤC VỤ CHỨC DANH, XE Ô TÔ PHỤC VỤ CÔNG TÁC CHUNG,
XE Ô TÔ CHUYÊN DÙNG TRONG HỆ THỐNG TÒA ÁN NHÂN DÂN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 140/2021/QĐ-TANDTC ngày 19
tháng 5 năm 2021 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục
đích của Quy chế
Quy chế quản lý, sử dụng xe ô tô phục
vụ chức danh, xe ô tô phục vụ công tác chung, xe ô tô chuyên dùng, nhằm quản
lý, sử dụng xe ô tô đúng quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và hướng
dẫn của Tòa án nhân dân tối cao; phát huy tinh thần trách nhiệm của các đơn vị,
cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong hệ thống Tòa án nhân dân
khi sử dụng xe ô tô phục vụ công tác, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ được
giao, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, chống lãng phí.
Điều 2. Phạm vi
điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định việc quản lý,
sử dụng xe ô tô phục vụ chức danh, xe ô tô phục vụ công tác chung, xe ô tô
chuyên dùng của các đơn vị trong hệ thống Tòa án nhân dân.
2. Quy chế này áp dụng cho cán bộ,
công chức và các đơn vị thuộc hệ thống Tòa án nhân dân khi quản lý, sử dụng xe
ô tô phục vụ chức danh, xe ô tô phục vụ công tác chung, xe ô tô chuyên dùng (gọi
tắt là xe ô tô).
Điều 3. Chủng
loại xe ô tô
1. Xe ô tô phục vụ chức danh
Loại xe ô tô 05 chỗ và 07 chỗ ngồi
2. Xe ô tô phục vụ công tác chung
Loại xe 07 chỗ ngồi
đến 45 chỗ ngồi; Loại xe có từ 01 cầu
đến 02 cầu chủ lực.
3. Xe ô tô chuyên dùng
“Xe ô tô chuyên dùng” trong Quy chế
này được hiểu là loại xe ô tô có 01 cầu chủ lực 07 chỗ ngồi; loại xe có 02 cầu
chủ lực 07 chỗ ngồi; loại xe ô tô có 01 cầu chủ lực 16 chỗ ngồi, 30 chỗ ngồi;
45 chỗ ngồi;
Đối với chủng loại xe, nhãn hiệu xe,
màu sơn của xe, căn cứ vào tình hình thực tế của nhà sản
xuất cung ứng ra thị trường tại thời điểm trang bị, do Chánh án Tòa án nhân dân
tối cao quyết định. Các xe này sau khi mua từ nhà sản xuất đưa vào lưu hành thì
gắn biểu tượng (Logo) của Tòa án nhân dân hai bên cửa trước xe với đường kính của
Logo là 20 cm đối với xe ô tô 7 chỗ ngồi; 25 cm đối với xe 16 chỗ ngồi;
Xe ô tô chuyên dùng để phục vụ cho hoạt
động của các đơn vị và thực hiện chức năng, nhiệm vụ chính trị của hệ thống Tòa
án nhân dân theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Nguyên tắc
quản lý, sử dụng xe ô tô
1. Xe ô tô phải được sử dụng đúng mục
đích, công năng, tiêu chuẩn, định mức và đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả,
tiết kiệm đúng theo quy định của pháp luật.
2. Quy định cụ thể trách nhiệm cá nhân khi được giao quản lý, sử dụng xe ô tô phục vụ chức
danh, xe ô tô phục vụ công tác chung, xe ô tô chuyên dùng đi đôi với việc phát
huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong công
tác quản lý, sử dụng tài sản của đơn vị.
3. Trường hợp một cán bộ giữ nhiều chức
danh có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô thì được áp dụng tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô
theo chức danh cao nhất. Khi người tiền nhiệm nghỉ hưu hoặc chuyển công tác
khác mà xe ô tô đã trang bị chưa đủ điều kiện thay thế theo quy định thì người
mới được bổ nhiệm tiếp tục sử dụng, không trang bị xe mới.
4. Giá mua xe ô tô mới phục vụ công
tác chung, xe ô tô chuyên dùng, xe ô tô phục vụ chức danh thực hiện theo quy định
của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính tại thời điểm thực hiện.
5. Xe ô tô phải được theo dõi, quản
lý về hồ sơ, hiện vật và hạch toán trong sổ sách kế toán, phần mềm quản lý tài
sản và thực hiện chế độ báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công theo
quy định.
6. Xe ô tô phải được bảo dưỡng, sửa chữa
và bảo quản theo chế độ quy định. Định mức xăng, dầu, lịch trình
hoạt động của xe phải có hệ thống sổ sách theo dõi quản lý theo quy định của
Tòa án nhân dân tối cao và pháp luật hiện hành.
7. Nghiêm cấm việc sử dụng xe ô tô
vào việc riêng, bán, trao đổi, tặng, cho mượn, cho thuê hoặc điều chuyển cho bất
cứ tổ chức, cá nhân nào nếu không được phép của cấp có thẩm quyền.
Chương II
CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ,
SỬ DỤNG XE Ô TÔ PHỤC VỤ CHỨC DANH, XE Ô TÔ PHỤC VỤ CÔNG TÁC CHUNG, XE Ô TÔ
CHUYÊN DÙNG
Điều 5. Chế độ quản
lý, đăng ký xe ô tô
1. Xe ô tô tại các đơn vị trong hệ thống
Tòa án nhân dân được đăng ký lưu hành và quản lý theo đúng quy định của pháp luật
và của Tòa án nhân dân tối cao về quản lý, sử dụng tài sản công; phải lập hồ
sơ, quản lý, lưu trữ hồ sơ tài sản, đăng ký kê khai theo chế độ kế toán và chế
độ quản lý tài sản công, thực hiện chế độ báo cáo tình hình quản lý, sử dụng
tài sản công, thực hiện thanh lý, điều chuyển tài sản khi có đủ điều kiện theo
quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và hướng dẫn của Tòa án nhân
dân tối cao.
2. Thực hiện chế độ báo cáo tình hình
quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản
công và hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao.
3. Việc thu hồi, điều chuyển, bán,
thanh lý xe ô tô được thực hiện theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và quy
định của Tòa án nhân dân tối cao về việc phân cấp quản lý và sử dụng tài sản
Nhà nước thuộc hệ thống Tòa án nhân dân và các văn bản khác có liên quan.
Điều 6. Chế độ sử
dụng xe ô tô phục vụ công tác đối với các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe
1. Xe ô tô phục vụ Chánh án Tòa án
nhân dân tối cao, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán Tòa án nhân
dân tối cao và các chức vụ có hệ số phụ cấp lãnh đạo từ 1,25 trở lên được Nhà
nước bố trí, trang bị sử dụng xe ô tô theo nhu cầu công tác.
2. Cán bộ, lãnh đạo có hệ số phụ cấp lãnh
đạo từ 0,7 đến dưới 1,25 và các đối tượng khác khi có nhu cầu sử dụng xe ô tô
phục vụ công tác chung, xe ô tô chuyên dùng thì Thủ trưởng các đơn vị căn cứ
vào số lượng xe ô tô hiện có trong từng thời điểm quyết định bố trí xe ô tô phục
vụ công tác cho các đối tượng này đảm bảo đúng quy định và hiệu quả.
Điều 7. Quy định
về sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung, xe ô tô chuyên dùng
1. Việc điều xe ô tô để phục vụ công
tác phải do Thủ trưởng đơn vị quyết định. Khi có kế hoạch đi công tác bằng xe ô
tô, thì cá nhân, đơn vị, bộ phận phải có phiếu đề xuất về lịch trình chi tiết,
cụ thể số lượng người đi công tác, thời gian dự kiến... gửi Thủ trưởng đơn vị
được giao quản lý, sử dụng xe ô tô hoặc người được ủy quyền phê duyệt về lịch
trình sau đó chuyển bộ phận trực tiếp quản lý điều hành xe để bố trí điều động
xe ô tô phục vụ công tác. Trong trường hợp Thủ trưởng đơn vị đi vắng thì người
được ủy quyền phê duyệt về lịch trình, nhưng sau đó phải báo cáo Thủ trưởng đơn
vị biết.
2. Người đứng đầu bộ phận được Thủ trưởng
đơn vị giao thẩm quyền về quản lý, điều hành xe ô tô căn cứ vào đề xuất, lịch
trình công tác đã được người có thẩm quyền phê duyệt để bố trí xe phục vụ đoàn
công tác đảm bảo phù hợp vị trí địa lý, nhu cầu công việc đảm bảo hợp lý và hiệu
quả, tránh lãng phí.
3. Trong trường hợp cần sử dụng xe ô
tô khẩn cấp, đột xuất thì phải có ý kiến của người có thẩm quyền quy định tại
khoản 1, 2 của Điều này điều hành trực tiếp lái xe đồng thời lái xe phải báo
cáo lãnh đạo phụ trách điều hành xe (bằng điện thoại hoặc trực tiếp).
4. Cán bộ, công chức, viên chức và
người lao động trong các đơn vị thuộc hệ thống Tòa án nhân dân có trách nhiệm
chấp hành và thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý, sử dụng xe ô tô.
Điều 8. Trách nhiệm
của Thủ trưởng đơn vị được giao quản lý, sử dụng xe ô tô
1. Là người chịu trách nhiệm chính
trong việc đề ra các biện pháp quản lý, sử dụng xe đúng mục đích và hiệu quả,
tiết kiệm; có trách nhiệm bố trí xe đúng đối tượng, phục vụ hoạt động của đơn vị.
2. Xây dựng, ban hành quy chế quản
lý, sử dụng xe ô tô phục vụ chức danh, xe ô tô phục vụ công tác chung, xe ô tô
chuyên dùng phù hợp với từng điều kiện tại địa phương, đơn vị và chức năng nhiệm
vụ, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao đảm bảo hiệu quả cao và
tiết kiệm nhưng không trái với chế độ quản lý, sử dụng tài sản công và hướng dẫn
của Tòa án nhân dân tối cao.
3. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện quản
lý, sử dụng xe ô tô tại đơn vị tiết kiệm, hiệu quả và đúng quy định đồng thời
chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên về việc quản lý điều hành, sử dụng
tài sản công thuộc phạm vi quản lý.
Đối với xe ô tô chuyên dùng trang bị
cho Tòa án nhân dân cấp huyện, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm
kiểm tra, hướng dẫn Tòa án nhân dân cấp huyện trong việc chấp hành chế độ quản
lý, sử dụng xe ô tô chuyên dùng, theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản
công và các văn bản hiện hành của Nhà nước, của Tòa án nhân dân tối cao đồng thời
chấp hành chế độ báo cáo định kỳ hàng năm và đột xuất theo quy định.
Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện chịu
trách nhiệm trước Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân tối
cao về quản lý, sử dụng xe ô tô chuyên dùng, đúng mục đích, an toàn và hiệu quả
theo quy định của pháp luật và quy chế này.
Điều 9. Trách nhiệm
của đơn vị, bộ phận được giao nhiệm vụ về quản lý và điều hành xe ô tô
1. Có trách nhiệm bố trí xe ô tô để
phục vụ tốt nhiệm vụ của cơ quan theo lệnh điều xe của Thủ trưởng đơn vị.
2. Điều động, quản lý xe, lái xe và cấp
phát xăng dầu phục vụ công tác đúng đối tượng, đúng thời gian, lịch trình đảm bảo
an toàn, hiệu quả, tiết kiệm.
3. Xác nhận, đề nghị thanh, quyết
toán xăng, dầu, phí cầu đường, phí cầu phà... nếu có, cho lái xe theo quy định
về chế độ tài chính.
4. Kiểm tra, quản lý và lập kế hoạch
bảo trì, bảo dưỡng sửa chữa xe ô tô theo quy định.
Điều 10. Phân
công lái xe ô tô
1. Việc phân công lái xe ô tô có quyết
định cụ thể cho từng lái xe, chủng loại xe phù hợp với giấy phép của lái xe.
2. Trong trường hợp số xe hiện có của
đơn vị nhiều hơn lái xe, thì sẽ giao cho một lái xe của đơn vị quản lý đồng thời
02 xe theo hình thức luân phiên, thời hạn là 01 năm. Hết thời
hạn 01 năm, 02 lái xe bàn giao xe cho nhau theo sự chỉ đạo của người có thẩm
quyền, Biên bản giao nhận với thành phần bao gồm: Lãnh đạo đơn vị trực tiếp phụ
trách lái xe, lái xe, kế toán đơn vị.
3. Trong từng chuyến công tác căn cứ
vào nhu cầu đi công tác, số lượng người đi công tác cùng đoàn, vị trí địa lý,
nhu cầu công việc thì người được giao thẩm quyền quản lý, điều hành lái xe căn
cứ tình hình thực tế và số lượng xe ô tô hiện có của đơn vị để điều xe cho phù
hợp và phục vụ tốt nhiệm vụ được giao tránh lãng phí, không hiệu quả.
Điều 11. Trách
nhiệm của lái xe khi quản lý và vận hành xe
1. Quản lý xe ô tô và các loại giấy tờ
có liên quan đến xe như đăng ký, giấy chứng nhận bảo hiểm, giấy phép lưu
hành... và tuyệt đối không giao xe và giấy tờ liên quan đến
xe cho người khác quản lý, điều khiển khi chưa có quyết định của Thủ trưởng đơn
vị, chịu trách nhiệm giải quyết thủ tục như bảo hiểm, giấy ưu tiên (nếu có)...
2. Giữ gìn bảo quản sạch sẽ, quản lý
và sử dụng xe theo đúng quy trình, phải kiểm tra tình trạng kỹ thuật của xe trước
khi tham gia giao thông, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản.
3. Lập và quản lý sổ theo dõi lịch
trình, hành trình và tình trạng kỹ thuật của xe để phục vụ cho công tác quản
lý, chi phí sử dụng xe, chủ động lập kế hoạch đề xuất bảo trì, bảo dưỡng định kỳ,
sửa chữa xe để trình người có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện.
4. Chỉ được đưa xe ra khỏi đơn vị khi
có Lệnh điều xe của Thủ trưởng đơn vị hoặc người được giao quyền quản lý và điều
động xe, trường hợp đột xuất người được ủy quyền trực tiếp điều động nhưng sau
đó phải báo cáo Thủ trưởng đơn vị hoặc người được giao quyền quản lý và điều động
xe biết và hoàn tất thủ tục điều xe theo quy định.
5. Chấp hành đúng các quy định của
pháp luật về trật tự an toàn giao thông và quy chế của đơn vị. Lái xe có quyền
từ chối không chở số người vượt quá quy định và không được tự động giao xe cho
người khác lái, lái xe không được chở hàng hóa thuộc danh mục hàng cấm vận chuyển
và chở hàng hóa quá trọng tải quy định nếu vi phạm sẽ chịu hình thức kỷ luật
tùy theo mức độ vi phạm.
6. Tuyệt đối không sử dụng rượu, bia
và chất lỏng có nồng độ cồn và các chất kích thích khác trước và trong khi lái
xe tham gia giao thông.
7. Đưa đón cán bộ, công chức đi công
tác theo đúng lịch trình mà người sử dụng xe đã đăng ký và được Thủ trưởng đơn
vị hoặc người được giao quyền quản lý và điều động xe phê duyệt, không tự tiện
lái xe đi nơi khác nếu không có sự đồng ý của người được sử dụng xe; Ghi đầy đủ
thông tin về lộ trình, thời gian đi công tác, số km sử dụng trên phiếu ghi lộ
trình để cá nhân, đại diện cho đoàn công tác sử dụng xe ký xác nhận ngay sau
khi kết thúc chuyến đi công tác, làm cơ sở thanh toán chi phí xăng dầu hàng
tháng theo quy định.
Điều 12. Trách
nhiệm của cá nhân, bộ phận sử dụng xe ô tô
1. Sử dụng đúng mục đích, đi, đón
đúng giờ, đúng nơi xuất phát và lộ trình đã ghi trên phiếu đề xuất hoặc Lệnh điều
xe đã được người có thẩm quyền phê duyệt.
2. Có trách nhiệm tham gia bảo vệ tài
sản, tạo điều kiện cho lái xe hoàn thành nhiệm vụ.
3. Nếu trong quá trình sử dụng xe, có
yêu cầu phát sinh ngoài lịch trình, thì phải thông báo bằng điện thoại cho Thủ
trưởng đơn vị và người quản lý lái xe và chịu trách nhiệm về lịch trình phát
sinh. Nếu không đúng phục vụ việc công thì phải bồi hoàn tiền xăng, dầu, các
chi phí khác liên quan đến việc phát sinh ngoài lịch trình.
4. Ngay sau khi kết thúc chuyến công
tác, đối tượng sử dụng xe phải ký xác nhận hành trình xe đi thực tế vào sổ theo
dõi lịch trình xe hoặc lệnh điều xe, có giải thích phát sinh ngoài lịch trình
ghi trong lệnh điều xe theo mẫu do Thủ trưởng đơn vị quy định, ban hành để làm
cơ sở cho lái xe thanh toán xăng, dầu.
Điều 13. Bảo dưỡng,
sửa chữa xe
1. Xe ô tô phải được kiểm tra bảo dưỡng,
sửa chữa theo đúng chế độ tiêu chuẩn định mức kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền
quy định.
2. Lái xe căn cứ vào tình trạng kỹ
thuật thực tế của xe cũng như quy định của nhà sản xuất, quy định của Bộ Giao thông
vận tải, chủ động kiểm tra và viết giấy đề xuất việc sửa chữa, bảo dưỡng, bảo
trì, sửa chữa trùng, đại tu, trình Thủ trưởng đơn vị. Nội dung giấy đề nghị cần
nêu rõ lý do cần bảo dưỡng, sửa chữa, dự kiến nội dung sửa chữa và dự trù kinh
phí bảo dưỡng, sửa chữa.
3. Căn cứ vào chế độ bảo dưỡng theo
quy định và điều kiện thực tế lưu hành tại các đơn vị cũng như tình trạng kỹ
thuật của xe ô tô, Thủ trưởng các đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng xe có trách
nhiệm kiểm tra, lập báo cáo, lập kế hoạch chi tiết nội dung kinh phí bảo dưỡng,
sửa chữa. Căn cứ biên bản kiểm tra tình trạng kỹ thuật xe của cơ quan chuyên
môn đơn vị quản lý sử dụng trực tiếp báo cáo đơn vị cấp trên trực tiếp để giải
quyết hoặc tổng hợp dự toán báo cáo Tòa án nhân dân tối cao làm cơ sở xác lập dự
toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa xe ô tô hàng năm theo hướng dẫn của Tòa án
nhân dân tối cao.
4. Căn cứ vào dự toán ngân sách Nhà
nước được giao, Thủ trưởng đơn vị quản lý, sử dụng xe ô tô tổ chức thực hiện việc
bảo dưỡng, sửa chữa xe theo đúng nội dung và phù hợp với nguồn kinh phí được
giao. Sau khi bảo dưỡng, sửa chữa phải tổ chức nghiệm thu, kiểm tra kỹ thuật, xác nhận tình trạng xe. Biên bản nghiệm thu, kiểm tra kỹ
thuật, xác nhận tình trạng xe với thành phần gồm Thủ
trưởng đơn vị, lái xe và đại diện đơn vị sửa chữa.
5. Lái xe phải thu hồi các phụ tùng
thay thế đưa về cơ quan để kiểm tra đối chiếu nghiệm thu, làm thủ tục nhập kho
hoặc thanh lý theo quy định của Nhà nước về quản lý tài sản công.
6. Trường hợp trên đường đi công tác
xe bị hỏng đột xuất lái xe không khắc phục sửa chữa được
mà phải đưa xe vào xưởng sửa chữa, thay thế phụ tùng thì
lái xe phải báo cáo bằng điện thoại với Thủ trưởng đơn vị hoặc người có thẩm quyền
để xin ý kiến chỉ đạo và cho hướng giải quyết kịp thời phục vụ công tác của đơn
vị.
Việc lập dự toán, quyết toán kinh phí
sửa chữa, bảo dưỡng xe ô tô thực hiện theo quy định của pháp luật.
Điều 14. Định mức
cấp phát nhiên liệu
1. Căn cứ vào từng loại xe, tình trạng
kỹ thuật xe, địa hình và vị trí địa lý khi xe hoạt động Thủ trưởng đơn vị được
giao quản lý, sử dụng xe ô tô xây dựng định mức cấp xăng, dầu cho từng xe đảm bảo
phù hợp, hiệu quả, tiết kiệm. Việc điều chỉnh định mức tiêu hao nhiên liệu được
xem xét vào từng thời điểm cho phù hợp.
Việc xác định về định mức căn cứ vào
công suất của xe và khảo sát thí điểm thực tế của từng loại xe trên địa bàn thực
tế tại đơn vị đảm bảo đúng, đủ cho xe hoạt động lưu thông phục vụ công tác.
2. Đơn vị được giao quản lý, sử dụng
xe liên hệ và ký hợp đồng mua xăng, dầu với một đơn vị
kinh doanh xăng, dầu có uy tín và có đủ chủng loại xăng, dầu đáp ứng cho xe ô
tô của đơn vị, có địa điểm kinh doanh thuận tiện đi lại và gần đơn vị nhất.
3. Khi nhận lệnh đi công tác, lái xe
đến nhận xăng, dầu tại cửa hàng bằng phiếu xăng, dầu do đơn vị đăng ký và ký hợp
đồng với cửa hàng cung cấp xăng, dầu cho cơ quan. Trường hợp số lượng xăng, dầu
dự kiến trong đợt đi công tác vượt quá số nhiên liệu xe ô tô có thể chứa mang
đi thì lái xe có trách nhiệm làm thủ tục tạm ứng tiền mặt để mua xăng, dầu dọc
đường đi công tác và phải lấy hóa đơn theo quy định của Bộ Tài chính để thanh,
quyết toán theo quy định.
4. Đơn vị quản lý, sử dụng xe phải mở
sổ theo dõi, giao nhận, mẫu giấy cấp phát, đối chiếu, kiểm tra
quyết toán xăng, dầu cấp cho xe ô tô của đơn vị theo đúng quy định về quản lý
tài chính và chế độ kế toán hiện hành.
Điều 15. Hạch
toán, báo cáo kiểm kê tính hao mòn xe ô tô
1. Xe ô tô của các đơn vị trong hệ thống
Tòa án nhân dân được hạch toán tăng, giảm kịp thời, đầy đủ cả về hiện vật và
giá trị vào hệ thống sổ sách kế toán và phần mềm quản lý tài sản công của Bộ
Tài chính và của hệ thống Tòa án nhân dân theo quy định của Luật Kế toán, Luật
Quản lý, sử dụng tài công.
2. Xe ô tô phải được tính hao mòn
theo quy định của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản cố định.
Điều 16. Xử lý
vi phạm
1. Xử lý nghiêm những hành vi thiếu
tinh thần trách nhiệm hoặc cố ý vi phạm nguyên tắc quản lý làm hư hỏng đến tài
sản của cơ quan theo quy định hiện hành về quản lý, sử dụng tài sản công.
2. Đối với việc mua sắm, trang bị,
thanh lý, điều chuyển, cho thuê, cho mượn xe ô tô không đúng thẩm quyền, vượt
tiêu chuẩn định mức của Nhà nước gây thiệt hại tài sản, kinh phí của Nhà nước
thì người ra quyết định và các cá nhân có liên quan phải bồi thường thiệt hại đồng
thời bị xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Đối với việc quản lý, sử dụng xe ô
tô không đúng quy định thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị và các cá nhân liên quan
phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng ô tô trái với quy định của Nhà nước; tùy
theo tính chất mức độ của hành vi vi phạm và mức độ thiệt hại mà phải bồi thường
thiệt hại đồng thời bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 17. Trách
nhiệm của Cục Kế hoạch - Tài chính
1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
đơn vị thường xuyên, đột xuất kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành các quy định về
định mức trang bị xe, việc quản lý, sử dụng xe ô tô tại các đơn vị thuộc hệ thống
Tòa án nhân dân.
2. Tham mưu cho Chánh án Tòa án nhân
dân tối cao thực hiện việc xây dựng định mức, trang bị, mua sắm, thay thế, thu
hồi, điều chuyển, bán, thanh lý xe ô tô trong hệ thống Tòa án nhân dân theo quy
định hiện hành.
3. Hướng dẫn các đơn vị quản lý, sử dụng
tài sản lập hồ sơ quản lý tài sản công; báo cáo tình hình quản lý tài sản công
theo quy định của pháp luật hiện hành và Quyết định phân cấp quản lý tài sản
công của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Điều 18. Trách
nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị dự toán được trang bị xe ô tô trong hệ thống
Tòa án nhân dân.
1. Thường xuyên tăng cường công tác
kiểm tra việc chấp hành chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô đối với các đơn vị được
trang bị xe thuộc phạm vi quản lý, lập và tổng hợp các loại báo cáo định kỳ
hàng năm và đột xuất theo quy định của Luật Quản lý tài sản công, Luật Ngân
sách và quy định của Tòa án nhân dân tối cao.
2. Có trách nhiệm bố trí xe ô tô để phục vụ tốt nhiệm vụ của cơ quan, quản lý xe, lái xe
và cấp phát xăng dầu phục vụ công tác đúng đối tượng, thời gian, lịch trình...
an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của Tòa
án nhân dân tối cao.
3. Chịu trách nhiệm trước Chánh án
Tòa án nhân dân tối cao về việc quản lý, điều hành xe của đơn vị mình và các
đơn vị thuộc phạm vi quản lý theo quy định.
Điều 19. Tổ chức
thực hiện
1. Thủ trưởng các đơn vị được giao quản
lý, sử dụng xe ô tô có trách nhiệm tổ chức thực hiện quy định này.
2. Cán bộ, công chức, viên chức và
người lao động thuộc hệ thống Tòa án nhân dân có trách nhiệm thực hiện Quy chế
này. Tập thể, cá nhân thực hiện tốt Quy chế này sẽ được biểu dương khen thưởng.
Tập thể, cá nhân vi phạm Quy chế này tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật,
hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
3. Việc thực hiện Quy chế này là một
căn cứ để bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm và đánh
giá nhận xét cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị.
4. Những nội dung khác không nằm
trong quy định này thì các đơn vị được giao quản lý, sử dụng xe ô tô tổ chức thực
hiện theo đúng quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, Nghị định
số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ, Nghị định số 04/2019/NĐ-CP
ngày 11/01/2019 của Chính phủ ... và các văn bản quy định pháp luật khác có
liên quan.
5. Các đơn vị thuộc hệ thống Tòa án
nhân dân được trang bị xe ô tô có trách nhiệm cụ thể hoá Quy chế quản lý, sử dụng
xe ô tô cho phù hợp với tình hình cụ thể của đơn vị mình đảm bảo đúng chế độ,
đúng nguyên tắc, phục vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Điều 20. Sửa đổi,
bổ sung Quy chế
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó
khăn, vướng mắc cần thiết việc sửa đổi, bổ sung Quy chế này, các đơn vị phản
ánh kịp thời về Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Phòng Quản lý Công sản và
Trang phục, Cục Kế hoạch - Tài chính) để tổng hợp báo cáo Chánh án Tòa án nhân
dân tối cao xem xét quyết định./.