Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 106/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 19/01/2012 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 106/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 19 tháng 01 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “ĐỊNH HƯỚNG THU HÚT, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN VỐN ODA VÀ CÁC KHOẢN VỐN VAY ƯU ĐÃI KHÁC CỦA CÁC NHÀ TÀI TRỢ THỜI KỲ 2011 - 2015”

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ thời kỳ 2011 - 2015” (kèm theo Quyết định này).

Điều 2. Kinh phí để thực hiện Đề án được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTN, KTTH, KGVX, PL, ĐP, TCCB, TCCV, TKBT, Công báo;
- Lưu: Văn thư, QHQT (5).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

ĐỀ ÁN

ĐỊNH HƯỚNG THU HÚT, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN VỐN ODA VÀ CÁC KHOẢN VỐN VAY ƯU ĐÃI KHÁC CỦA CÁC NHÀ TÀI TRỢ THỜI KỲ 2011 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 106/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ)

LỜI NÓI ĐẦU

Công cuộc đổi mới và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng: (i) Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới lâm vào tình trạng trì trệ và khủng hoảng, song tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2006 - 2010 của Việt Nam vẫn đạt ở mức khá và ổn định, bình quân 7%/năm; (ii) Hoàn thành phần lớn các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs), trong đó đạt được mục tiêu “giảm một nửa tỷ lệ hộ nghèo” ngay từ năm 2002 và một số chỉ tiêu khác đã đạt và vượt vào năm 2008; (iii) Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); (iv) Vị thế trên trường quốc tế tiếp tục được củng cố và tăng cường.

Những thành tựu phát triển mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua là nhờ có chủ trương và chính sách phát triển kinh tế - xã hội đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam, sự nỗ lực của toàn dân, các ngành và các cấp, cũng như sự đồng tình và hỗ trợ của bạn bè quốc tế.

Hiện nay có trên 50 đối tác phát triển song phương và đa phương đã và đang nỗ lực hỗ trợ Việt Nam đổi mới và cải cách trong quá trình chuyển tiếp sang nền kinh tế thị trường và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững.

Đại hội lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020 với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Tại kỳ họp thứ 2, Khóa XIII Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015.

Để thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, bên cạnh việc phát huy nội lực là chủ yếu, Việt Nam tiếp tục chủ trương huy động ở mức cao nhất có thể mọi nguồn vốn ở trong và ngoài nước, trong đó nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ có vị trí quan trọng và cam kết sử dụng có hiệu quả nhất nguồn vốn này.

Đề án “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ thời kỳ 2011 - 2015” của Chính phủ thể hiện chính sách của Việt Nam về thu hút, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA và các nguồn vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ trong bối cảnh mới khi Việt Nam trở thành quốc gia đang phát triển có mức thu nhập trung bình thấp.

Đề án “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ thời kỳ 2011 - 2015” được xây dựng dựa trên các cơ sở:

1. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020.

2. Chiến lược quản lý nợ công thời kỳ 2011 - 2020.

3. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015.

4. Đề án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2011 - 2020.

5. Kết quả và những kinh nghiệm rút ra trong việc thực hiện Đề án “Định hướng thu hút và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức thời kỳ 2006 - 2010”, các nguyên tắc nâng cao hiệu quả viện trợ đề ra trong Tuyên bố Pa-ri (2005), Cam kết Hà Nội về hiệu quả viện trợ (2005) và các cam kết tại Diễn đàn cấp cao lần thứ 4 về Hiệu quả viện trợ tổ chức tại Busan (2011).

6. Ý kiến của các cơ quan quản lý, thực hiện và thụ hưởng nguồn vốn tài trợ phát triển chính thức, khu vực tư nhân, các tổ chức, đoàn thể và hiệp hội ngành nghề Việt Nam, các đối tác phát triển, một số tổ chức phi chính phủ nước ngoài đóng góp trong quá trình xây dựng Đề án.

Phần 1.

SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH VÀ PHẠM VI CỦA ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT CỦA ĐỀ ÁN

Đề án “Định hướng thu hút và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức thời kỳ 2006 - 2010” đã đóng góp tích cực và có hiệu quả vào việc thực hiện các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010. Tuy nhiên, trong thời kỳ 2011 - 2015, công tác thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA cần có những thay đổi về chính sách, thể chế cho phù hợp với tình hình phát triển mới, nhất là khi Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình thấp.

Chính vì vậy, để huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của các nhà tài trợ nhằm hỗ trợ thực hiện các mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, cần thiết phải xây dựng Đề án “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ thời kỳ 2011 - 2015” (sau đây gọi tắt là Đề án 2011 - 2015) để định hướng chính sách và đề ra những giải pháp đảm bảo huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn này.

II. MỤC ĐÍCH CỦA ĐỀ ÁN

Đề án “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ thời kỳ 2011 - 2015” là văn bản thể hiện chính sách của Chính phủ nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong việc thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ (sau đây gọi tắt là vốn ODA và vốn vay ưu đãi) trong bối cảnh mới khi Việt Nam trở thành quốc gia đang phát triển có mức thu nhập trung bình thấp.

Đề án 2011 - 2015 bao gồm các định hướng chính sách cho việc hoàn thiện môi trường thể chế, tổ chức, quản lý và thực hiện các hoạt động liên quan đến thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi đối với các cơ quan quản lý các cấp và các đơn vị thụ hưởng Việt Nam nhằm thu hút tối đa và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn này để hỗ trợ thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015.

Đề án này làm căn cứ để các nhà tài trợ sử dụng trong quá trình hoạch định chính sách hợp tác phát triển; xây dựng các chiến lược, chương trình cung cấp vốn ODA và vốn vay ưu đãi cho Việt Nam, đồng thời là cơ sở để minh bạch hóa chính sách của Chính phủ Việt Nam trong việc thu hút, quản lý và sử dụng các nguồn vốn này đối với dư luận rộng rãi trong nước và quốc tế.

III. PHẠM VI CỦA ĐỀ ÁN

Phạm vi của Đề án 2011 - 2015 bao quát các hoạt động liên quan đến công tác thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi[1] do Chính phủ nước ngoài, các tổ chức tài trợ song phương và các tổ chức liên quốc gia hoặc liên chính phủ tài trợ cho Nhà nước hoặc Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

IV. NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN

Nội dung của Đề án 2011 - 2015 gồm 3 phần:

- Phần I: Sự cần thiết, mục đích và phạm vi của Đề án.

- Phần II: Đánh giá tình hình thực hiện những nội dung của “Đề án định hướng thu hút và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức thời kỳ 2006 - 2010”.

- Phần III: Thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ thời kỳ 2011 - 2015.

Kế hoạch hành động thực hiện “Đề án định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ thời kỳ 2011 - 2015” là bộ phận cấu thành của Đề án này.

Phần 2.

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHỮNG NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN “ĐỊNH HƯỚNG THU HÚT VÀ SỬ DỤNG NGUỒN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN CHÍNH THỨC THỜI KỲ 2006 - 2010”

I. NHỮNG KẾT QUẢ CHỦ YẾU

Đề án “Định hướng thu hút và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức thời kỳ 2006 - 2010” (sau đây gọi tắt là Đề án ODA 2006 - 2010) được ban hành theo Quyết định số 290/2006/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ đã được tổ chức thực hiện thành công, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010, cũng như Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001 - 2010.

Kết quả thực hiện những nội dung của Đề án ODA 2006 - 2010 gồm:

1. Quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và cộng đồng các nhà tài trợ tiếp tục được tăng cường và phát triển, thể hiện trên các mặt sau đây:

a) Tình hình cam kết, ký kết và giải ngân vốn ODA trong thời kỳ 2006 - 2010 đã có bước chuyển biến tích cực

- Cam kết vốn ODA

Thông qua 05 Hội nghị thường niên Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (Hội nghị CG), tổng vốn ODA cam kết của các nhà tài trợ thời kỳ 2006 - 2010 đạt trên 31,76 tỷ USD, cao hơn 15% so với chỉ tiêu đề ra trong Đề án ODA 2006 - 2010. Mức cam kết ODA cao này, đặc biệt trong bối cảnh một số nhà tài trợ cũng đang gặp khó khăn về kinh tế và nhu cầu về nguồn vốn này đang tăng lên mạnh mẽ trên thế giới, đã thể hiện sự đồng tình và sự ủng hộ chính trị mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế với công cuộc đổi mới và chính sách phát triển đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng và Nhà nước ta, sự tin tưởng của các nhà tài trợ vào hiệu quả tiếp nhận và sử dụng vốn ODA của Việt Nam.

- Ký kết các điều ước quốc tế cụ thể về ODA.

Để hợp thức hóa cam kết vốn ODA bằng các văn kiện pháp lý quốc tế, Chính phủ và các nhà tài trợ đã ký kết các điều ước quốc tế cụ thể về ODA trên cơ sở các chương trình và dự án được các bên thông qua. Trong thời kỳ 2006 - 2010, vốn ODA đã ký kết trong các Điều ước quốc tế cụ thể đạt 20,61 tỷ USD, cao hơn 12,7% so với chỉ tiêu đề ra trong Đề án ODA 2006 - 2010. Đây là sự nỗ lực chung của các cơ quan Việt Nam và các nhà tài trợ trong việc chuẩn bị các chương trình, dự án và tiến hành các thủ tục đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế cụ thể về ODA.

- Giải ngân vốn ODA

Với nhận thức rằng cam kết vốn ODA mới chỉ là sự ủng hộ về chính trị, việc thực hiện nguồn vốn này mới thúc đẩy việc tạo ra các công trình, sản phẩm kinh tế - xã hội cụ thể để đóng góp vào quá trình phát triển chung của đất nước và của các Bộ, ngành, địa phương. Do vậy, các ngành, các cấp đã có nhiều cố gắng trong việc thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn ODA.

Trong thời kỳ 2006 - 2010 tổng vốn ODA giải ngân đạt 13,86 tỷ USD, bằng 67,25% vốn ký kết và cao hơn 11% so với chỉ tiêu đề ra trong Đề án ODA 2006 - 2010. Tuy mức giải ngân vốn ODA đã có những cải thiện nhất định trong những năm gần đây, song đối với một số nhà tài trợ thì vẫn còn thấp hơn so với mức bình quân trong khu vực và quốc tế.

Bảng 1 dưới đây thể hiện tình hình cam kết, ký kết và giải ngân vốn ODA thời kỳ 2006 - 2010:

Bảng 1: Cam kết, ký kết và giải ngân vốn ODA thời kỳ 2006 - 2010

Đơn vị: Triệu USD

b) Cơ cấu nguồn vốn ODA được ký kết về cơ bản phù hợp với định hướng ưu tiên của Chính phủ trong thời kỳ 2006 - 2010

Bảng 2 dưới đây cho thấy những lĩnh vực như năng lượng và công nghiệp, phát triển giao thông, thông tin liên lạc và cấp thoát nước đô thị đạt mức cao hơn về giá trị tương đối và đạt xấp xỉ về giá trị tuyệt đối so với chỉ tiêu dự kiến nêu trong Đề án ODA 2006 - 2010. Riêng các lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế, giáo dục,… đạt thấp hơn dự kiến từ 3 - 5%.

Bảng 2: Cơ cấu ODA ký kết theo ngành và lĩnh vực thời kỳ 2006 - 2010

Ngành, lĩnh vực

Dự kiến ODA ký kết 2006 - 2010 theo Đề án

ODA ký kết 2006 - 2010

Dự kiến cơ cấu ODA

Tổng ODA (Tỷ USD)

Cơ cấu ODA

Tổng ODA (Tỷ USD)

1. Nông nghiệp, thủy lợi, lâm nghiệp và thủy sản kết hợp phát triển nông nghiệp và nông thôn, xóa đói, giảm nghèo

21%

4,27 - 4,98

16,21%

3,34

2. Năng lượng và công nghiệp

15%

3,05 - 3,56

18,97%

3,91

3. Giao thông, bưu chính viễn thông, cấp thoát nước và đô thị

33%

6,72 - 7,84

36,78%

7,58

4. Y tế, giáo dục và đào tạo, môi trường, khoa học công nghệ và các ngành khác (bao gồm xây dựng thể chế, tăng cường năng lực…)

31%

6,31 - 7,37

28,04%

5,78

Tổng

100%

20,35 - 23,75

100%

20,61

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2010

2. Nguồn vốn ODA đóng góp quan trọng cho cân đối tài chính quốc gia, nhất là trong những năm cuối của thời kỳ 2006 - 2010 khi kinh tế Việt Nam chịu tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Mặc dù sự đóng góp của ODA cho GDP của Việt Nam ở mức độ khiêm tốn, khoảng 3 - 4% trong 5 năm 2006 - 2010, song nguồn vốn này góp phần đảm bảo cân đối tài chính vĩ mô và đóng góp khoảng 15 - 17% vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước dành cho đầu tư phát triển còn hạn hẹp, đây là nguồn vốn quý báu để đầu tư phát triển các lĩnh vực công ích nhằm cung cấp cho người dân, nhất là người nghèo ở vùng nông thôn và thành thị các dịch vụ công thiết yếu (y tế, giáo dục, cấp nước sinh hoạt, cải thiện điều kiện giao thông,…) với số lượng nhiều hơn, chất lượng tốt hơn và giá cả cạnh tranh hơn.

3. ODA đã góp phần quan trọng trong việc phát triển hệ thống chính sách, luật pháp, xây dựng thể chế phục vụ công cuộc đổi mới và cải cách của Việt Nam trong quá trình chuyển tiếp sang nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế

Nguồn vốn ODA thực hiện trong thời kỳ 2006 - 2010, chủ yếu viện trợ không hoàn lại, được sử dụng để cung cấp các dịch vụ tư vấn về phát triển chính sách trên nhiều lĩnh vực như kinh tế vĩ mô, cải cách hệ thống tài chính, ngân hàng, cải cách doanh nghiệp nhà nước, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng các luật và các văn bản dưới luật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau (như quản lý đất đai, phát triển thương mại, đấu thầu, xây dựng, quản lý nợ công,…).

Nguồn vốn ODA đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng của hệ thống pháp luật Việt Nam. Việc lồng ghép và thực hiện thí điểm một số nội dung chính sách, thể chế trong khuôn khổ các chương trình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng đầu tư bằng nguồn vốn ODA đã đóng góp phát triển bền vững ngành này theo định hướng thị trường.

4. Nguồn vốn ODA đã hỗ trợ phát triển nhiều ngành và lĩnh vực cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội

a) Phát triển nông nghiệp và nông thôn kết hợp xóa đói, giảm nghèo

Trong thời kỳ 2006 - 2010, tổng vốn ODA ký kết trong lĩnh vực này đạt trên 3,34 tỷ USD, bằng 16,21% tổng giá trị ODA ký kết trong thời kỳ. Tuy nguồn vốn ODA được ký kết cho phát triển nông nghiệp và nông thôn có thấp hơn so với mục tiêu trong Đề án ODA 2006 - 2010, song nguồn vốn này đã được tập trung để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn quy mô nhỏ (phát triển lưới điện nông thôn, xây dựng giao thông nông thôn, trường học, các trạm y tế và bệnh viện, các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường,…) phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản kết hợp xóa đói giảm nghèo, khuyến nông và chuyển giao công nghệ trồng trọt và chăn nuôi, cung cấp tín dụng quy mô nhỏ, hỗ trợ tăng cường năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi, áp dụng các công nghệ sạch, nâng cao chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm.

Vốn ODA giải ngân cho lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn kết hợp xóa đói giảm nghèo đạt 2,65 tỷ USD, bằng 21,76% tổng giá trị vốn ODA giải ngân của cả nước và bằng 79,34% vốn ODA ký kết cho lĩnh vực này.

Nguồn vốn ODA góp phần xóa đói giảm nghèo đối với người dân ở các vùng nông thôn, đã góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam đối với mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc giảm 50% hộ đói nghèo vào năm 2015.

b) Năng lượng và công nghiệp

Trong thời kỳ 2006 - 2010, vốn ODA ký kết cho ngành năng lượng và công nghiệp đạt khoảng 3,91 tỷ USD, chiếm 18,97% tổng vốn ODA ký kết thời kỳ này, để tập trung hỗ trợ phát triển nguồn điện (xây dựng các nhà máy nhiệt điện, thủy điện); phát triển mạng lưới truyền tải và phân phối điện, đặc biệt ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh (điện mặt trời, điện gió) và sử dụng năng lượng tiết kiệm và có hiệu quả.

Vốn ODA giải ngân cho lĩnh vực năng lượng và công nghiệp đạt 2,12 tỷ USD, bằng 17,40% tổng giá trị vốn ODA giải ngân của cả nước và bằng 54,22% vốn ODA ký kết cho lĩnh vực này.

Nguồn vốn ODA đã góp phần tăng sản lượng và chất lượng cung cấp điện năng cho sản xuất và đời sống, xây dựng ngành điện theo định hướng thị trường và tăng cường năng lực quản lý ngành.

c) Giao thông vận tải, bưu chính viễn thông và cấp thoát nước đô thị

Trong thời kỳ 2006 - 2010 tổng số vốn ODA được ký kết để hỗ trợ phát triển ngành giao thông vận tải, bưu chính viễn thông và cấp thoát nước đô thị đạt 7,58 tỷ USD, chiếm tỷ trọng cao nhất (36,78%) trong cơ cấu nguồn vốn ODA thời kỳ này. Tổng vốn ODA giải ngân đạt 3,31 tỷ USD, bằng 27,19% tổng giá trị vốn ODA giải ngân của cả nước và bằng 43,66% vốn ODA ký kết cho lĩnh vực này.

Trong ngành giao thông vận tải, vốn ODA đã được tập trung đầu tư phát triển và nâng cấp hệ thống đường quốc lộ, xây dựng một số cảng biển, củng cố và tăng cường cơ sở hạ tầng ngành đường sắt, cảng hàng không quốc tế, xây dựng giao thông nội đô ở một số thành phố lớn và phát triển giao thông nông thôn. Ngoài ra, ODA đã hỗ trợ tăng cường công tác quy hoạch phát triển giao thông, tăng cường năng lực quản lý ngành cũng như nâng cao nhận thức, giáo dục pháp luật và an toàn giao thông trong xã hội.

Trong ngành bưu chính viễn thông, vốn ODA tập trung đầu tư, phát triển một số cơ sở hạ tầng kỹ thuật bưu chính viễn thông hiện đại có ý nghĩa quốc gia, phục vụ nhu cầu khai thác chung của mọi thành phần kinh tế, phát triển điện thoại nông thôn, phát triển Internet cộng đồng, áp dụng công nghệ thông tin góp phần thực hiện chương trình cải cách hành chính quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử.

Vốn ODA đã được sử dụng cho việc phát triển đô thị, cấp thoát nước và vệ sinh môi trường, cải thiện điều kiện môi trường sống cho những khu vực người nghèo ở nhiều thành phố, thị xã trên cả nước.

d) Y tế, giáo dục và đào tạo, môi trường, khoa học công nghệ và các ngành khác

Trong thời kỳ 2006 - 2010, vốn ODA ký kết trong các lĩnh vực này đạt 5,78 tỷ USD, chiếm 28,04% tổng giá trị ODA ký kết của cả nước; tổng vốn ODA giải ngân đạt 4,1 tỷ USD, bằng 33,65% tổng giá trị vốn ODA giải ngân của thời kỳ. Tỷ trọng ODA giải ngân so với ODA ký kết đạt 70,93%.

Trong ngành y tế, vốn ODA đã được sử dụng để tăng cường trang thiết bị y tế cho một số bệnh viện tuyến tỉnh và khu vực nhằm giảm tải cho tuyến Trung ương; phát triển mạng lưới y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân ở các vùng, nhất là các vùng nghèo ở nông thôn, miền núi có nhiều khó khăn; hỗ trợ thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs) trong lĩnh vực y tế như đẩy mạnh công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình, giảm tỷ lệ tử vong và suy dinh dưỡng trẻ em, phòng chống HIV/AIDS; hỗ trợ xây dựng chính sách và nâng cao năng lực quản lý ngành.

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, vốn ODA được sử dụng để hỗ trợ cải cách các cấp học từ giáo dục tiểu học tới giáo dục đại học nhằm nâng cao chất lượng và tiếp cận với nền giáo dục và đào tạo tiên tiến trên thế giới, cung cấp các học bổng đào tạo ở nước ngoài… Trong những năm cuối của thời kỳ 2006 - 2010 vốn vay ODA đã được huy động để đầu tư xây dựng một số trường đại học đạt chuẩn quốc tế nhằm phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao.

Trong lĩnh vực môi trường, nguồn vốn ODA đã được sử dụng cho công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên, quản lý rủi ro thiên tai, trồng rừng và quản lý nguồn nước, cải thiện môi trường ở các thành phố và các khu dân cư tập trung, các khu công nghiệp. Đặc biệt, đứng trước thách thức của biến đổi khí hậu toàn cầu, nguồn vốn ODA đã được huy động để hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án ODA, nhiều kinh nghiệm quản lý tiên tiến, các tiến bộ về khoa học công nghệ được chuyển giao, phổ biến và áp dụng rộng rãi, đặc biệt trong các ngành xây dựng, giao thông, thủy lợi, công nghiệp, năng lượng điện, phát triển công nghiệp và nông thôn, y tế, giáo dục, cải cách hành chính công, tăng cường năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế,…

Ngoài ra, nguồn vốn ODA cũng đã được sử dụng trực tiếp hoặc lồng ghép trong các chương trình, dự án để hỗ trợ giải quyết các vấn đề có tính chất xuyên suốt như bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, các chính sách an sinh xã hội,…

5. Nguồn vốn ODA hỗ trợ phát triển các địa phương

Các chương trình và dự án ODA đã hỗ trợ phát triển nhiều cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các tỉnh, thành phố trên các lĩnh vực như giao thông, cấp thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị, trường học, bệnh viện, phát triển nông nghiệp và nông thôn kết hợp với xóa đói, giảm nghèo, tăng cường năng lực cho chính quyền địa phương. Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, nguồn vốn ODA đã thực sự là nguồn bổ sung quan trọng cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển của các địa phương trong giai đoạn 2006 - 2010.

Vốn ODA thu hút vào các tỉnh nghèo, khó khăn về kinh tế, thường gánh chịu hậu quả của thiên tai đã được cải thiện đáng kể nhờ có việc tăng cường công tác điều phối viện trợ của Chính phủ cũng như sự nỗ lực của các Bộ, ngành và địa phương. So với thời kỳ 2001 - 2005 vốn ODA bình quân đầu người thời kỳ 2006 - 2010 đã có xu hướng tăng lên đáng kể ở hầu hết các vùng này[2]. Tuy nhiên việc thu hút vốn ODA vào các địa phương trong một vùng và giữa các vùng còn có sự khác biệt và không đồng đều, đặc biệt là đối với vùng Tây Nguyên không có bước cải thiện rõ rệt về chỉ số vốn ODA bình quân đầu người so với thời kỳ 2001 - 2005. Đồng thời còn những vùng và địa phương (một số tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ,…) có mức ODA bình quân đầu người thấp hơn mức trung bình của cả nước (xem Bảng 3. ODA ký kết phân theo vùng, lãnh thổ thời kỳ 2006 - 2010).

Bảng 3: ODA ký kết phân theo vùng, lãnh thổ thời kỳ 2006 - 2010.

Vùng

Tổng ODA (Triệu USD)

ODA bình quân đầu người (USD/người)

Tỷ lệ ODA so với cả nước (%)

Đồng bằng sông Hồng:

- Không bao gồm Hà Nội

- Bao gồm Hà Nội

 

2.365,78

4.541,83

 

130,50

233,62

 

11,47%

22,03%

Trung du và miền núi phía Bắc

624,57

56,60

3,03%

Bắc Trung bộ và duyên hải Miền Trung

1.922,23

102,24

9,33%

Tây Nguyên

110,05

21,85

0,53%

Đông Nam Bộ:

- Không bao gồm thành phố Hồ Chí Minh

- Bao gồm thành phố Hồ Chí Minh

 

505,22

1.542,52

 

41,39

112,70

 

2,45%

7,48%

Đồng bằng sông Cửu Long

1.003,08

58,58

4,87%

Liên vùng

11.503

Các địa phương thụ hưởng gián tiếp

55,81%

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2010

6. Nguồn vốn ODA góp phần phát triển và tăng cường năng lực con người

Thông qua các chương trình và dự án ODA, nhất là các dự án hỗ trợ kỹ thuật, đội ngũ cán bộ, công chức ở các ngành, các cấp trên nhiều lĩnh vực (quản lý kinh tế, quản lý đô thị, tài chính, ngân hàng, hải quan, môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn,…) đã được đào tạo và đào tạo lại để thích ứng với những yêu cầu của thời kỳ chuyển tiếp sang nền kinh tế thị trường. Thông qua việc tiếp nhận và thực hiện nguồn vốn ODA, Việt Nam đã hình thành một đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm về kinh tế đối ngoại, hiểu biết sâu sắc các thông lệ quốc tế tại các cơ quan quản lý nhà nước về ODA và các Bộ, tỉnh, thành phố lớn. Một đội ngũ đông đảo cán bộ ở nhiều ngành, địa phương, các đơn vị tư vấn, các đơn vị thụ hưởng đã được đào tạo, tích lũy kinh nghiệm và thông lệ quốc tế trong nhiều lĩnh vực như lĩnh vực quản lý dự án, đấu thầu, phát triển cộng đồng,…

7. Nguồn vốn ODA góp phần phát triển thương mại và đầu tư, tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia

Trong thời kỳ chuẩn bị gia nhập WTO, cũng như hậu WTO, ODA đã hỗ trợ các cơ quan hữu quan Việt Nam chuẩn bị và đàm phán với các đối tác về việc gia nhập tổ chức này, cũng như triển khai thực hiện các hoạt động hội nhập quốc tế sâu rộng trong bối cảnh là nước thành viên của WTO.

Những công trình hạ tầng kinh tế đầu tư bằng nguồn vốn ODA như các đường quốc lộ, cảng biển, cầu, sân bay,… đã có tác động lan tỏa, kéo theo sự phát triển các khu công nghiệp, gia tăng trao đổi thương mại giữa các vùng miền, nhờ vậy cơ cấu kinh tế của nhiều tỉnh và thành phố chuyển dịch theo hướng tiến bộ với tỷ trọng sản xuất công nghiệp và cung ứng dịch vụ gia tăng, tạo ra nhiều việc làm, tăng nguồn thu cho chính quyền địa phương, cũng như cải thiện thu nhập của dân cư, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

II. NHỮNG TỒN TẠI VÀ HẠN CHẾ TRONG VIỆC THU HÚT VÀ SỬ DỤNG ODA

Bên cạnh những kết quả nêu trên, việc thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA trong 5 năm qua còn tồn tại một số hạn chế và bất cập, đó là:

1. Thời gian chuẩn bị chương trình, dự án ODA kéo dài, bao gồm từ khâu đề xuất ý tưởng dự án cho đến khi ký kết điều ước quốc tế cụ thể về ODA thường mất khoảng từ 2 - 3 năm.

2. Chất lượng của một số văn kiện chương trình, dự án ODA chưa đáp ứng được yêu cầu và chưa phù hợp với những điều kiện cụ thể của Việt Nam, dẫn tới tình trạng nội dung dự án phải bổ sung và điều chỉnh nhiều lần, thậm chí có trường hợp phải hủy bỏ dự án.

3. Việc thực hiện chương trình, dự án ODA chậm làm cho tình hình giải ngân vốn ODA chậm được cải thiện. Tỷ lệ giải ngân vốn ODA của Việt Nam hiện nay thấp hơn tỷ lệ bình quân giải ngân nguồn vốn này trong khu vực và thế giới. Do giải ngân chậm nên hiệu quả và hiệu suất của nguồn vốn ODA đối với nhiều chương trình và dự án bị giảm sút, và trong một số trường hợp Chính phủ phải trả phí cam kết cho số vốn chưa giải ngân.

4. Thông tin về nguồn vốn ODA và cách tiếp cận đến nguồn vốn này chưa rõ ràng và khó khăn cho việc khai thác và sử dụng.

III. NGUYÊN NHÂN

1. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam về thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA còn thiếu đồng bộ, chưa nhất quán, thậm chí có nhiều điểm chồng chéo, mâu thuẫn, chưa phù hợp với các thông lệ quốc tế đã làm phát sinh những khó khăn và vướng mắc ảnh hưởng tới tiến độ chuẩn bị và thực hiện các chương trình, dự án ODA.

2. Tính làm chủ của các cơ quan chủ quản, chủ chương trình, dự án ODA chưa được phát huy đầy đủ trong quá trình chuẩn bị, thực hiện chương trình, dự án mà chủ yếu dựa vào nhà tài trợ.

3. Quy trình và thủ tục quản lý và sử dụng ODA của Chính phủ và nhà tài trợ chưa hài hòa. Còn tồn tại những sự khác biệt chậm được xử lý đã tác động đến tình hình thực hiện các chương trình và dự án ODA.

4. Hiệu lực của công tác điều phối viện trợ của các cơ quan quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế và khiếm khuyết. Nhiều trường hợp chưa chủ động phối hợp với nhà tài trợ và các bộ, ngành, địa phương trong việc lựa chọn và xây dựng các chương trình, dự án ODA; chưa quản lý tốt việc thực hiện nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và sử dụng ODA.

5. Các điều kiện và nguồn lực đối ứng chưa được chuẩn bị đầy đủ, kịp thời để chuẩn bị, thực hiện và đảm bảo tính bền vững của chương trình, dự án ODA sau khi kết thúc (vốn chuẩn bị dự án, vốn đối ứng, vốn duy tu bảo dưỡng chương trình, cán bộ có năng lực, cơ sở vật chất kỹ thuật…). Chưa huy động rộng rãi các tổ chức xã hội, các nhà chuyên môn, những người thụ hưởng hoặc bị ảnh hưởng từ dự án tham gia vào quá trình thực hiện, theo dõi đánh giá nhằm nâng cao hiệu quả và hiệu suất của các chương trình, dự án ODA.

6. Năng lực tổ chức và năng lực con người trong thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA của các đơn vị đầu mối về quản lý ODA tại một số Bộ, ngành, địa phương và của các đơn vị thực hiện dự án chưa đáp ứng được yêu cầu và thiếu tính chuyên nghiệp. Năng lực các nhà thầu, các nhà tư vấn trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng lẫn chất lượng để hỗ trợ việc thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA. Một số chuyên gia tư vấn nước ngoài thiếu kinh nghiệm và am hiểu tình hình thực tế Việt Nam, năng lực tuyển chọn và quản lý hợp đồng đối với các nhà thầu và tư vấn nước ngoài còn yếu.

7. Công tác theo dõi và đánh giá tình hình thực hiện các chương trình và dự án ODA, chế độ báo cáo từ cơ sở và phản hồi thông tin của các cơ quan quản lý nhà nước về ODA chưa thực hiện nghiêm túc theo các quy định của pháp luật hiện hành.

IV. NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM

Từ tình hình thực hiện Đề án ODA 2006 - 2010, có thể rút ra một số các bài học kinh nghiệm sau đây:

1. Kết quả thực hiện những nội dung của Đề án ODA 2006 - 2010 đã khẳng định phương châm nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam, đó là nguồn vốn bên ngoài có ý nghĩa quan trọng, song nguồn vốn trong nước có vai trò quyết định.

2. Các văn bản pháp quy chi phối trực tiếp hoặc gián tiếp về quản lý và sử dụng ODA phải nhất quán và phù hợp với thông lệ quốc tế để bảo đảm tính hiệu lực của các cơ quan Chính phủ trong điều phối viện trợ, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cơ quan chủ quản, chủ dự án, cũng như các đối tượng thụ hưởng. Điều này cũng thúc đẩy các nhà tài trợ tuân thủ các hệ thống quản lý của Việt Nam, nâng cao hiệu quả viện trợ và giảm chi phí giao dịch.

3. Tinh thần làm chủ ở cấp quốc gia cũng như ở cấp cơ sở trong việc thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA có vai trò quyết định sự thành bại của chương trình, dự án. Ở cấp quốc gia, vai trò làm chủ thể hiện ở năng lực điều phối nguồn vốn ODA để phục vụ các yêu cầu phát triển một cách thống nhất, có hiệu quả cao. Ở cấp cơ sở, vai trò làm chủ là trách nhiệm đề xuất ý tưởng, lựa chọn dự án, chủ động hợp tác với nhà tài trợ và bố trí các nguồn lực trong việc chuẩn bị, tổ chức thực hiện chương trình, dự án ODA để đạt được kết quả một cách bền vững, có hiệu quả kinh tế và xã hội.

4. Phân cấp quản lý và sử dụng ODA là đúng đắn và cần thiết. Phân cấp phải đi đôi với trao quyền và xác định rõ trách nhiệm, đặc biệt trách nhiệm của người đứng đầu. Đồng thời cần tăng cường vai trò của các bộ, cơ quan chuyên ngành đối với việc tiếp nhận và thực hiện các chương trình, dự án cụ thể. Tăng cường năng lực của các cơ quan quản lý và thực hiện chương trình, dự án ODA là chìa khóa để đảm bảo phân cấp thành công.

5. Chia sẻ thông tin, đối thoại thẳng thắn, cởi mở trên tinh thần xây dựng và trách nhiệm, phát triển quan hệ đối tác tin cậy là yếu tố đặc biệt quan trọng đối với hoạt động thu hút và sử dụng các nguồn vốn ODA.

Phần 3.

THU HÚT, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG VỐN ODA VÀ VỐN VAY ƯU ĐÃI KHÁC CỦA CÁC NHÀ TÀI TRỢ THỜI KỲ 2011 - 2015

I. BỐI CẢNH

1. Bối cảnh quốc tế

Kinh tế và thương mại thế giới hồi phục chậm chạp sau khủng hoảng và còn tiềm ẩn nhiều bất ổn, khó lường. Biến động giá năng lượng và các nguồn nguyên liệu đầu vào tiếp tục diễn biến phức tạp, gây ra nhiều khó khăn cho các nền kinh tế dựa nhiều vào nhập khẩu như Việt Nam.

Nguồn cung ODA thế giới có khả năng giảm sút do kinh tế một số nước thành viên OECD - DAC gặp khó khăn bởi tình trạng nợ công cao, trong khi nhu cầu vốn ODA cho các nước đang phát triển ngày càng gia tăng. Các nhà tài trợ có xu hướng ưu tiên nhiều hơn cho các nước kém phát triển và cho các nước có nhu cầu ổn định chính trị ở Trung Đông và Bắc Phi.

2. Bối cảnh trong nước

Nhờ những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và tiến bộ đạt được trong thời gian qua, Việt Nam đã ra khỏi nhóm nước kém phát triển thu nhập thấp, bước vào nhóm nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình, tạo ra những tiền đề quan trọng cho sự phát triển trong thời kỳ mới.

Diện mạo của đất nước có nhiều thay đổi. Chính trị, xã hội ổn định, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được củng cố và nâng cao. Bằng việc tiếp tục thực hiện cải cách, đổi mới thực chất và đối thoại thẳng thắn, xây dựng với tất cả các bên trong quá trình phát triển, Việt Nam đã tạo được sự tin cậy của cộng đồng các nhà tài trợ.

Tuy nhiên, trong 5 năm tới, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trên nhiều lĩnh vực như cơ sở hạ tầng yếu kém, thể chế kinh tế thị trường chưa đầy đủ và đồng bộ, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, còn tồn tại nhiều vấn đề bức xúc về đời sống, văn hóa và xã hội, xóa đói giảm nghèo chưa bền vững, ô nhiễm môi trường sinh thái và những tác động tiêu cực của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Trong lĩnh vực hợp tác phát triển, chính sách viện trợ của các đối tác phát triển cho Việt Nam sẽ có những thay đổi để phù hợp với bối cảnh Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình thấp, theo đó, tính chất, quy mô và các điều kiện cung cấp ODA cho Việt Nam sẽ có xu hướng như sau:

a) Một số nhà tài trợ song phương chuyển đổi hình thức quan hệ hợp tác phát triển chính thức với Việt Nam sang hỗ trợ trực tiếp để phát triển quan hệ hợp tác giữa các đối tác, như quan hệ trực tiếp giữa các trường đại học, các viện hoặc trung tâm nghiên cứu, hoặc giữa các tổ chức của hai bên… Một số nhà tài trợ khác có thể chấm dứt chương trình cung cấp viện trợ phát triển cho Việt Nam trong những năm tới.

b) Hầu hết các nhà tài trợ điều chỉnh và thay đổi chính sách viện trợ cho Việt Nam theo đó nguồn vốn ODA có xu hướng giảm, đồng thời vốn vay ưu đãi có chiều hướng tăng lên. Tình hình đó đòi hỏi Việt Nam phải có cách tiếp cận phù hợp để thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn này nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển, đồng thời phải đảm bảo khả năng trả nợ nước ngoài.

c) Các cách tiếp cận và mô hình viện trợ phát triển như tiếp cận chương trình, ngành (PBA), hỗ trợ ngân sách chung (GBS) và hỗ trợ ngân sách có mục tiêu (TBS) sẽ được áp dụng nhiều hơn; phân công lao động và bổ trợ lẫn nhau trên cơ sở lợi thế so sánh giữa các đối tác phát triển sẽ được đẩy mạnh.

d) Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt theo hình thức hợp tác công - tư (PPP); thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ vào quá trình phát triển,…

đ) Một số nhà tài trợ cung cấp ODA và vốn vay ưu đãi thông qua các chương trình toàn cầu (HIV/AIDS, biến đổi khí hậu và nước biển dâng,…), các hoạt động hợp tác khu vực trong khuôn khổ ASEAN, hợp tác tiểu vùng sông Mê-kông mở rộng (GMS),… Những xu thế này sẽ tiếp tục được tăng cường và mở rộng đối với Việt Nam trong những năm tới.

Bối cảnh quốc tế và trong nước trên đây cho thấy mặc dù việc thu hút và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong giai đoạn 2011 - 2015 có nhiều thuận lợi song cũng có nhiều thách thức. Thực tế này đòi hỏi Việt Nam phải có sự thay đổi trong nhận thức về nguồn vốn này, áp dụng nhiều cách tiếp cận mới và cải cách các quy trình và thủ tục, cũng như tăng cường công tác tổ chức, quản lý và thực hiện nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi để thu hút và sử dụng các nguồn vốn này một cách có hiệu quả, đồng thời bảo đảm an toàn nợ công.

II. NHU CẦU VỐN ODA VÀ VỐN VAY ƯU ĐÃI CỦA CÁC NHÀ TÀI TRỢ TRONG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2011 - 2015

Để bảo đảm thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ đã đề ra, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 đã dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn xã hội trong thời kỳ này theo giá thực tế khoảng 5.745 - 6.140 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 250 - 266 tỷ USD, trong đó nguồn vốn trong nước chiếm khoảng 75 - 80%, nguồn vốn ngoài nước chiếm khoảng 20 - 25%.

Nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ giai đoạn 2011 - 2015 được dự kiến vốn cam kết khoảng 32 - 34 tỷ USD, vốn giải ngân khoảng 14 - 16 tỷ USD (tương đương khoảng 6% tổng đầu tư xã hội), trong đó khoảng 50% vốn giải ngân từ các chương trình và dự án đã ký kết trong giai đoạn 2006 - 2010 chuyển sang.

Như vậy, bình quân hàng năm trong thời kỳ 2011 - 2015 vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân sẽ đạt khoảng 2,8 - 3,2 tỷ USD.

Việc thực hiện cam kết và giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi nêu trên có ý nghĩa quan trọng để hỗ trợ thực hiện Kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2015. Chính phủ Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với các nhà tài trợ và dành mọi nỗ lực để phấn đấu thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ này.

III. NHỮNG NGUYÊN TẮC CHỈ ĐẠO NHẰM HOÀN THIỆN MÔI TRƯỜNG THỂ CHẾ, PHÁP LÝ, TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ VIỆC THU HÚT, SỬ DỤNG VỐN ODA VÀ VỐN VAY ƯU ĐÃI CỦA CÁC NHÀ TÀI TRỢ GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

1. Vốn ODA và vốn vay ưu đãi là một trong những nguồn vốn đầu tư phát triển. Chính vì vậy, việc sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi phải tính đến lợi thế so sánh và tính bổ trợ lẫn nhau giữa các nguồn vốn này và với các nguồn vốn đầu tư phát triển khác nhằm đạt hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất và đảm bảo an toàn nợ công.

2. Hoàn thiện khung thể chế về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi để đảm bảo tính nhất quán và đồng bộ giữa các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong nước, hài hòa với các nhà tài trợ và tinh giản hóa quy trình, thủ tục; tiếp tục thực hiện phân cấp đi đôi với việc tăng cường năng lực thu hút, quản lý và sử dụng các nguồn vốn này. Tăng cường hệ thống quản lý trong các lĩnh vực như đầu tư công, mua sắm công, tài chính công,… theo hướng phù hợp với các chuẩn mực và tập quán quốc tế làm cơ sở để khuyến khích các nhà tài trợ sử dụng hệ thống của Chính phủ.

3. Thúc đẩy việc áp dụng các cách tiếp cận và mô hình tài trợ phát triển như tiếp cận chương trình, ngành (PBA), hỗ trợ ngân sách chung (GBS) và hỗ trợ ngân sách có mục tiêu (TBS) cho các chương trình và lĩnh vực phù hợp như hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đẩy mạnh phân công lao động và bổ trợ lẫn nhau trên cơ sở lợi thế so sánh giữa các đối tác phát triển.

4. Tăng cường tiếp cận và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi thông qua các chương trình toàn cầu (HIV/AIDS, biến đổi khí hậu và nước biển dâng,…), các hoạt động hợp tác khu vực trong khuôn khổ ASEAN, hợp tác tiểu vùng sông Mê-kông mở rộng (GMS),…

5. Hoàn thiện và nâng cao vai trò, tính hiệu lực công tác điều phối tài trợ của các cơ quan quản lý nhà nước về ODA. Trong bối cảnh phân cấp, cần tăng cường quyền hạn và trách nhiệm cho các Bộ, ngành và địa phương trên cơ sở bảo đảm tối đa nguyên tắc Chính phủ thống nhất quản lý nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Hệ thống thể chế, các chế tài cần được hoàn thiện để tăng cường hiệu lực công tác điều phối, giám sát, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước về ODA.

6. Phát huy tối đa tính làm chủ, tính chủ động, sáng tạo của các cơ quan quản lý các cấp, các chủ dự án, các đơn vị thụ hưởng: Tính làm chủ phải là yếu tố quyết định trong tất cả các khâu thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi. Việc phát huy vai trò làm chủ ở các cấp sẽ đảm bảo rằng mỗi chương trình, dự án vốn ODA và vay ưu đãi thực sự giúp các Bộ, ngành và địa phương giải quyết có hiệu quả các nhu cầu cấp thiết của mình.

7. Đảm bảo đầy đủ và kịp thời các điều kiện đối ứng trong nước, bao gồm vốn đối ứng, năng lực con người cần thiết,… để chuẩn bị, thực hiện và đảm bảo tính bền vững của các chương trình và dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi sau khi kết thúc.

8. Tạo môi trường tin cậy, cởi mở và các điều kiện thuận lợi làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác giữa Chính phủ và các nhà tài trợ thông qua việc đổi mới chương trình nghị sự và nội dung của các diễn đàn đối thoại chính sách phát triển ở cấp quốc gia và cấp ngành, gắn hiệu quả viện trợ với hiệu quả phát triển.

9. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp tư nhân được sử dụng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi theo nhiều hình thức khác nhau như sử dụng hạn mức tín dụng, tham gia thực hiện dự án, đầu tư phát triển hạ tầng theo phương thức PPP,… trên cơ sở cùng chia sẻ lợi ích và rủi ro giữa nhà nước và tư nhân.

10. Đảm bảo tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong sử dụng và quản lý vốn ODA và vốn vay ưu đãi, hoàn thiện cơ chế giám sát của người dân và các tổ chức xã hội từ công tác lập quy hoạch, chuẩn bị dự án, bố trí các nguồn lực và thực hiện các chương trình, dự án tài trợ bằng các nguồn vốn này.

IV. CÁC ƯU TIÊN THU HÚT VÀ SỬ DỤNG NGUỒN VỐN ODA VÀ VỐN VAY ƯU ĐÃI CỦA CÁC NHÀ TÀI TRỢ THỜI KỲ 2011 - 2015

Nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi sẽ được ưu tiên sử dụng trên cơ sở các nguyên tắc sau:

- Hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, tập trung ưu tiên thực hiện 3 đột phá lớn được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020; hỗ trợ thực hiện Đề án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2011- 2020; hỗ trợ thực hiện các chương trình quốc gia giai đoạn 2012 - 2015.

- Ưu tiên sử dụng cho các chương trình, dự án đầu tư công quan trọng khó có khả năng thu hút đầu tư của khu vực tư nhân hoặc sử dụng các nguồn vốn vay thương mại.

- Sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi như nguồn vốn bổ trợ nhằm khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thông qua nhiều mô hình và phương thức khác nhau trong đó có hợp tác công - tư (PPP).

- Một phần vốn ODA và vốn vay ưu đãi có thể được sử dụng để đầu tư phát triển sản xuất nhằm thúc đẩy thương mại, góp phần tạo công ăn việc làm và tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các vùng, các địa phương.

Trên cơ sở các nguyên tắc trên, những ngành và lĩnh vực ưu tiên thu hút và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ trong thời kỳ 2011 - 2015 bao gồm:

1. Hỗ trợ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, quy mô lớn và hiện đại

a) Phát triển các tuyến đường cao tốc, ưu tiên phát triển hệ thống đường bộ ở những vùng có dung lượng hàng hóa lớn, các địa bàn thuộc các cực tăng trưởng, kết nối với các địa phương, vùng miền, với khu vực và quốc tế, tạo ra tác động lan tỏa mạnh, thúc đẩy tăng trưởng của cả nước;

b) Xây dựng mới, hiện đại hóa và nâng cao năng lực các dịch vụ tổng hợp của một số cảng biển nước sâu của quốc gia; hình thành các trung tâm kinh tế biển lớn;

c) Xây dựng một số sân bay quốc tế;

d) Nâng cấp và xây mới một số tuyến đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị, kể cả metro ở một số thành phố lớn;

đ) Nâng cấp, phát triển đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống hạ tầng ở các đô thị, nhất là các thành phố lớn;

e) Phát triển nhanh hệ thống nguồn điện, lưới điện truyền tải và phân phối đi đôi với sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, bảo đảm đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển của đất nước và đời sống nhân dân; phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời,…); hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;

g) Phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa hệ thống thủy lợi, các công trình phòng chống thiên tai và hiện đại hóa hệ thống thông tin, để đáp ứng yêu cầu phát triển và giảm nhẹ thiên tai.

Song song với phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, Chính phủ coi trọng phát triển chính sách và thể chế quản lý ngành cơ sở hạ tầng để ngành này phát triển bền vững trong nền kinh tế thị trường nhằm cung cấp cho xã hội các dịch vụ công có chất lượng với giá cả cạnh tranh.

2. Hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng xã hội

a) Hỗ trợ đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, trong đó, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt;

b) Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho công tác dạy và học, đào tạo giáo viên, quan tâm hỗ trợ giáo dục và đào tạo cho các tỉnh nghèo và vùng đồng bào dân tộc;

c) Tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật cho công tác khám và chữa bệnh, nhất là ở tuyến cơ sở;

d) Xây dựng và trang bị kỹ thuật y tế cho một số bệnh viện công ở Trung ương và tuyến tỉnh, khu vực và một số trung tâm y tế công nghệ cao;

đ) Hỗ trợ thực hiện các chương trình quốc gia trong lĩnh vực y tế;

e) Hỗ trợ thực hiện có hiệu quả Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững cho 62 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao;

g) Hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia: Giảm nghèo bền vững; văn hóa; đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng xa, biên giới và hải đảo; giáo dục và đào tạo; việc làm và dạy nghề; y tế; dân số kế hoạch hóa gia đình; phòng chống HIV/AIDS; vệ sinh an toàn thực phẩm; phòng chống ma túy; phòng chống tội phạm;

h) Hỗ trợ thực hiện các chương trình an sinh xã hội, chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh,…

3. Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế tri thức.

a) Hỗ trợ phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, đội ngũ chuyên gia và quản trị doanh nghiệp giỏi, lao động lành nghề và cán bộ khoa học, công nghệ đầu đàn;

b) Hỗ trợ thực hiện các chương trình, đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao đối với các ngành, lĩnh vực chủ yếu, mũi nhọn; chuyển giao công nghệ và chia sẻ kiến thức; phát triển lĩnh vực khoa học công nghệ cao, hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững, phát triển kinh tế tri thức tại Việt Nam.

4. Phát triển nông nghiệp và nông thôn

Hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với những hoạt động như quy hoạch xây dựng nông thôn mới; phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội (giao thông nông thôn, lưới điện nông thôn, phát triển y tế, giáo dục, xây dựng thủy lợi,…); chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế (nâng cao thu nhập thông qua phát triển sản xuất hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao; tăng cường công tác khuyến nông; đẩy nhanh nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, cơ giới hóa nông nghiệp, giảm tổn thất sau thu hoạch trong sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp; bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống theo phương châm “mỗi làng một sản phẩm”, phát triển ngành nghề theo thế mạnh của địa phương; đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thúc đẩy đưa công nghiệp vào nông thôn, giải quyết việc làm và chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động nông thôn). Ngoài ra, vốn ODA và vốn vay ưu đãi cũng ưu tiên để hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

5. Hỗ trợ xây dựng hệ thống pháp luật và thể chế đồng bộ của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

a) Hỗ trợ hoàn thiện hệ thống luật pháp và các cơ chế chính sách để các thị trường hàng hóa, dịch vụ, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, lao động, khoa học công nghệ được tạo lập đồng bộ và vận hành thông suốt. Tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế;

b) Hỗ trợ cải cách nền hành chính quốc gia trên tất cả các nội dung: Thể chế, tổ chức bộ máy và thủ tục hành chính.

6. Hỗ trợ bảo vệ môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh

Vốn ODA và vốn vay ưu đãi ưu tiên sử dụng để hỗ trợ thực hiện các chương trình, dự án bảo vệ môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên; ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường và xây dựng mô hình tăng trưởng xanh và hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu; khắc phục và cải thiện ô nhiễm môi trường.

7. Hỗ trợ thúc đẩy đầu tư, thương mại và một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh

Vốn ODA và vốn vay ưu đãi có thể được sử dụng để hỗ trợ cho việc thúc đẩy các hoạt động đầu tư, thương mại thông qua việc chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất và quản lý hiện đại, tăng cường năng lực cạnh tranh của một số loại sản phẩm và hàng hóa trên một số lĩnh vực mà Việt Nam có tiềm năng và lợi thế (chế biến nông, lâm, hải sản và các sản phẩm của công nghiệp phụ trợ và sản phẩm nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu,…), tạo cơ sở cho sự tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu và thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Thông qua hỗ trợ thúc đẩy thương mại, đầu tư các nguồn vốn này sẽ hỗ trợ tạo việc làm và tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững.

8. Hỗ trợ theo địa bàn lãnh thổ

Vốn ODA và vốn vay ưu đãi được sử dụng để hỗ trợ việc hiện thực hóa các định hướng phát triển các vùng lãnh thổ theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, trong đó tập trung ưu tiên cho các tỉnh nghèo, nhiều khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc trên các vùng: Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ, duyên hải Miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.

Các dự án, chương trình tập trung vào việc hỗ trợ cải thiện đời sống và sinh kế của người dân địa phương, hỗ trợ giải quyết các vấn đề bức xúc trong quá trình đô thị hóa nhanh ở các tỉnh (cấp thoát nước, xử lý rác thải, phát triển giao thông nội đô, giải quyết nhà ở cho người nghèo…).

V. HỆ THỐNG CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

Để bảo đảm thực hiện Đề án 2011 - 2015, Chính phủ sẽ thực hiện các chính sách và các nhóm giải pháp sau:

1. Hoàn thiện về chính sách và thể chế

a) Ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 131/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và các Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định theo hướng bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán, rõ ràng, minh bạch và phù hợp với những nội dung và nguyên tắc chỉ đạo về thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi đề ra trong Đề án 2011 - 2015.

b) Căn cứ Nghị định mới thay thế Nghị định số 131/2006/NĐ-CP của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định, các cơ quan liên quan tiến hành cải tiến các thủ tục hành chính phù hợp với các văn bản pháp quy này.

c) Ban hành hướng dẫn về phân bổ, quản lý, thực hiện và giám sát việc giải ngân vốn đối ứng cấp phát từ ngân sách cho các chương trình dự án ODA, vốn vay ưu đãi, trong đó có chính sách ưu tiên đối với từng ngành, lĩnh vực và địa bàn khó khăn.

2. Hoàn thiện công tác tổ chức quản lý

a) Hoàn thiện cơ cấu tổ chức của các cơ quan đầu mối ở các cấp theo hướng phát huy vai trò làm chủ và nâng cao tính chủ động của các Bộ, ngành và địa phương trong việc quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

b) Tăng cường hiệu lực và hiệu quả hoạt động Tổ công tác ODA của Chính phủ thông qua việc nâng cấp Tổ công tác ODA thành Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA do một lãnh đạo Chính phủ làm Trưởng ban.

3. Tăng cường quan hệ đối tác và nâng cao hiệu quả viện trợ

a) Nâng cao chất lượng đối thoại giữa Chính phủ và các nhà tài trợ thông qua việc đổi mới chương trình nghị sự và nội dung của các diễn đàn đối thoại chính sách phát triển ở cấp quốc gia và cấp ngành, gắn hiệu quả viện trợ với hiệu quả phát triển.

b) Tăng cường vai trò và nâng cao chất lượng hoạt động của Diễn đàn Hiệu quả viện trợ (AEF), tập trung vào việc triển khai thực hiện Tuyên bố Busan tại Việt Nam, thiết lập và vận hành kiến trúc viện trợ mới với sự tham gia của các Bộ ngành, địa phương, các nhóm quan hệ đối tác theo ngành, lĩnh vực,…

4. Tăng cường năng lực quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi

a) Xây dựng và thực hiện kế hoạch trung hạn về tăng cường năng lực quản lý và sử dụng ODA, vốn vay ưu đãi theo hướng chuyên nghiệp và bền vững.

b) Tổ chức đào tạo cơ bản về chính sách, thể chế, quy trình, thủ tục và nghiệp vụ quản lý và sử dụng ODA, vốn vay ưu đãi cho đội ngũ cán bộ quản lý dự án ở các cấp và các cán bộ của cơ quan tài trợ.

5. Cải thiện tình hình thực hiện các chương trình và dự án, thúc đẩy giải ngân

a) Các cơ quan quản lý nhà nước về ODA và vốn vay ưu đãi phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ quản, chủ dự án và nhà tài trợ tổ chức kiểm điểm định kỳ công tác chuẩn bị và thực hiện chương trình và dự án, đưa ra giải pháp đẩy nhanh tiến độ ký kết và nâng cao tỷ lệ giải ngân.

b) Các cơ quan chủ quản tăng cường công tác chỉ đạo và hỗ trợ các chủ dự án giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc của các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi.

c) Tiếp tục hài hòa các quy trình, thủ tục giữa Chính phủ Việt Nam và nhà tài trợ, bao gồm việc thể chế hóa việc thực hiện một số hành động tiến hành trước để rút ngắn thời gian khởi động và chuẩn bị thực hiện dự án ngay sau khi điều ước quốc tế cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi có hiệu lực, đơn giản hóa thủ tục bổ sung và sửa đổi các điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án,…

6. Tăng cường công tác theo dõi, giám sát và đánh giá

a) Tăng cường công tác theo dõi, giám sát và đánh giá thông qua việc hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý và dữ liệu về vốn ODA và vốn vay ưu đãi; xây dựng các chỉ số thống kê quốc gia về vốn vay ODA ký kết và giải ngân.

b) Nâng cao năng lực cán bộ, xây dựng và áp dụng các chế tài nhằm đảm bảo việc tuân thủ các quy định của pháp luật về theo dõi, giám sát và đánh giá việc quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

c) Tăng cường công tác theo dõi và giám sát cộng đồng thông qua việc hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, góp phần vào việc đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi, phòng chống thất thoát, lãng phí và tham nhũng.

7. Công khai, minh bạch thông tin

a) Phối hợp với nhà tài trợ trong việc công khai hóa chính sách, những lĩnh vực, địa bàn ưu tiên, điều kiện cung cấp nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ.

b) Hoàn thiện hệ thống thống kê về ODA và vốn vay ưu đãi.

c) Cung cấp thông tin cập nhật về ODA, vốn vay ưu đãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Các hành động, phân công nhiệm vụ và chỉ số theo dõi tình hình thực hiện các nhóm giải pháp được nêu trong Kế hoạch hành động thực hiện Đề án 2011 - 2015.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Tuyên truyền, quán triệt và thực hiện Đề án 2011 - 2015

a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai các hoạt động tuyên truyền về nội dung của Đề án 2011 - 2015 cho các cơ quan Việt Nam, các nhà tài trợ và hướng dẫn thực hiện Đề án.

b) Các Bộ, ngành và các địa phương quán triệt tinh thần, nguyên tắc chỉ đạo, những định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi để xây dựng chương trình, dự án cho thời kỳ này, lồng ghép với việc thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành và địa phương, đồng thời dựa vào Đề án này để tiến hành công tác thu hút, vận động vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

c) Các cơ quan trong phạm vi chức năng của mình thực hiện các nhiệm vụ được phân công trong Kế hoạch hành động thực hiện Đề án 2011 - 2015.

2. Theo dõi và đánh giá tình hình thực hiện Đề án 2011 - 2015

a) Các Bộ, ngành và địa phương báo cáo tình hình và kết quả thực hiện Đề án 2011 - 2015 trong các báo cáo 6 tháng và hàng năm về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vốn vay ưu đãi, bao gồm các đề xuất và khuyến nghị để có giải pháp kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện Đề án.

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình và kết quả thực hiện Đề án 2011 - 2015, lập và trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo đánh giá giữa kỳ và đánh giá kết thúc kết quả thực hiện Đề án 2011 - 2015./.

 

PHỤ LỤC

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “ĐỊNH HƯỚNG THU HÚT, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN VỐN ODA VÀ CÁC KHOẢN VỐN VAY ƯU ĐÃI KHÁC CỦA CÁC NHÀ TÀI TRỢ THỜI KỲ 2011 - 2015”
(Ban hành kèm theo Đề án thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ thời kỳ 2011 - 2015 tại Quyết định số 106/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ)

Nhóm giải pháp

Hành động

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Thời hạn

Chỉ số theo dõi

I. HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH VÀ THỂ CHẾ

1. Soạn thảo và trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định số 131/2006/NĐ-CP về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA.

Bộ KH&ĐT

Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ và các nhà tài trợ

Quý II/2012

Nghị định được ban hành

2. Ban hành theo thẩm quyền các văn bản và thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định mới thay thế Nghị định số 131/2006/NĐ-CP về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA.

Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính

Các cơ quan liên quan và các nhà tài trợ

Quý II/2012

Các văn bản và thông tư hướng dẫn được ban hành

3. Căn cứ Nghị định mới thay thế Nghị định số 131/2006/NĐ-CP của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định, các cơ quan liên quan tiến hành cải tiến các thủ tục hành chính phù hợp với các văn bản pháp quy này.

Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính

Các cơ quan liên quan

Quý III/2012

Thủ tục hành chính được tinh giản 30% so với thủ tục hành chính hiện hành.

4. Nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc ban hành hướng dẫn về phân bổ, quản lý, thực hiện và giám sát việc giải ngân vốn đối ứng cấp phát từ ngân sách cho các chương trình dự án ODA, vốn vay ưu đãi, trong đó có chính sách ưu tiên đối với từng ngành, lĩnh vực và địa bàn khó khăn.

Bộ KH&ĐT

Các cơ quan liên quan

Quý II/2012

Hướng dẫn được ban hành

II. HOÀN THIỆN CÔNG TÁC TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ

1. Hoàn thiện cơ cấu tổ chức của các cơ quan đầu mối ở các cấp về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

Bộ KH&ĐT

Các cơ quan liên quan

Quý IV/2012

Tổ chức của các cơ quan đầu mối ở các cấp về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi được tăng cường.

2. Tăng cường hiệu lực và hiệu quả hoạt động Tổ công tác ODA của Chính phủ thông qua việc nâng cấp Tổ công tác ODA thành Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA do một lãnh đạo Chính phủ làm Trưởng ban.

Bộ KH&ĐT và Văn phòng Chính phủ

Tổ công tác ODA của Chính phủ

Quý II/2012

Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA được thành lập và đi vào hoạt động.

III. TĂNG CƯỜNG QUAN HỆ ĐỐI TÁC VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ VIỆN TRỢ

1. Nâng cao chất lượng đối thoại giữa Chính phủ và các nhà tài trợ thông qua việc đổi mới chương trình nghị sự và nội dung của các diễn đàn đối thoại chính sách phát triển ở cấp quốc gia và cấp ngành, gắn hiệu quả viện trợ với hiệu quả phát triển.

Bộ KH&ĐT và các Bộ, ngành

Các cơ quan liên quan và các nhà tài trợ

2012 - 2015

Chất lượng đối thoại giữa Chính phủ và các nhà tài trợ được nâng cao.

2. Tăng cường vai trò và nâng cao chất lượng hoạt động của Diễn đàn Hiệu quả viện trợ (AEF) thông qua việc triển khai thực hiện Tuyên bố Busan tại Việt Nam và các hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả viện trợ.

Bộ KH&ĐT

Ban Điều hành Diễn đàn AEF, các cơ quan Việt Nam có liên quan và các nhà tài trợ

2012 - 2015

Chất lượng và hiệu quả viện trợ được nâng cao, gắn kết hiệu quả viện trợ với hiệu quả phát triển (Kế hoạch triển khai thực hiện Tuyên bố Busan tại Việt Nam được xây dựng và thông qua; kiến trúc viện trợ mới với sự tham gia tích cực của các Bộ, ngành, địa phương và các nhóm quan hệ đối tác theo ngành, lĩnh vực được thiết lập,…).

IV. TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG VỐN ODA VÀ VỐN VAY ƯU ĐÃI

1. Xây dựng và thực hiện kế hoạch trung hạn về tăng cường năng lực quản lý và sử dụng ODA vốn vay ưu đãi theo hướng chuyên nghiệp và bền vững.

Bộ KH&ĐT

Các cơ quan liên quan và nhà tài trợ

Quý II-III/2012

Kế hoạch được ban hành.

2. Tổ chức đào tạo cơ bản về chính sách, thể chế, quy trình, thủ tục và nghiệp vụ quản lý và sử dụng ODA vốn vay ưu đãi cho đội ngũ cán bộ quản lý dự án ở các cấp và các cán bộ của cơ quan tài trợ.

Bộ KH&ĐT

Các cơ quan liên quan và nhà tài trợ

2012 - 2015

Các cán bộ trực tiếp quản lý việc thực hiện vốn ODA và vốn vay ưu đãi và các cán bộ của cơ quan tài trợ được trang bị kiến thức và kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ.

V. CẢI THIỆN TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH VÀ DỰ ÁN, THÚC ĐẨY GIẢI NGÂN

1. Tổ chức kiểm điểm định kỳ công tác chuẩn bị và thực hiện chương trình và dự án, đưa ra giải pháp đẩy nhanh tiến độ ký kết và nâng cao tỷ lệ giải ngân.

Bộ KH&ĐT, các Bộ, ngành và địa phương

Các cơ quan quản lý nhà nước về ODA và vốn vay ưu đãi, chủ dự án và nhà tài trợ

2012 - 2015

Vốn ODA và vốn vay ưu đãi được ký kết và vốn giải ngân tăng hàng năm.

2. Hài hòa các quy trình, thủ tục giữa Chính phủ Việt Nam và nhà tài trợ.

Các cơ quan quản lý nhà nước về ODA và vốn vay ưu đãi và các cơ quan chủ quản

Các cơ quan liên quan và nhà tài trợ

2012 - 2015

Những sự khác biệt về quy trình, thủ tục giữa Chính phủ Việt Nam và nhà tài trợ được thu hẹp; một số hành động tiến hành trước được thể chế hóa; thủ tục bổ sung và sửa đổi các điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án được đơn giản hóa,…

VI. TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THEO DÕI, GIÁM SÁT VÀ ĐÁNH GIÁ

1. Tăng cường công tác theo dõi, giám sát và đánh giá.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê

Các Bộ, ngành địa phương và các nhà tài trợ

2012 - 2015

Hệ thống thông tin quản lý và dữ liệu về vốn ODA và vốn vay ưu đãi được hoàn thiện; các chỉ số thống kê quốc gia về vốn vay ODA ký kết và giải ngân được thiết lập.

2. Nâng cao năng lực cán bộ về theo dõi, giám sát và đánh giá việc quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, các Bộ, ngành và địa phương

Các cơ quan liên quan và nhà tài trợ

2012 - 2015

Các khóa đào tạo về thể chế và kỹ năng theo dõi, giám sát và đánh giá được tổ chức.

3. Xây dựng và áp dụng các chế tài nhằm đảm bảo việc tuân thủ các quy định của pháp luật về theo dõi, giám sát và đánh giá việc quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

Bộ KH&ĐT

Các cơ quan liên quan và nhà tài trợ

Quý II/2012

Các chế tài đảm bảo việc tuân thủ các quy định của pháp luật về theo dõi, giám sát và đánh giá được xây dựng và thực thi.

4. Tăng cường công tác theo dõi và giám sát cộng đồng.

Bộ KH&ĐT

Các cơ quan liên quan và nhà tài trợ

Thường xuyên

Thể chế và môi trường khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào việc theo dõi và giám sát hiệu quả sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi được tăng cường.

VII. CÔNG KHAI, MINH BẠCH THÔNG TIN

1. Phối hợp với nhà tài trợ trong việc công khai hóa chính sách, những lĩnh vực, địa bàn ưu tiên, điều kiện cung cấp nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ.

Bộ KH&ĐT

Các cơ quan liên quan và nhà tài trợ

2012 - 2015

Các chính sách, những lĩnh vực, địa bàn ưu tiên, điều kiện cung cấp nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ được công khai hóa.

2. Cung cấp thông tin cập nhật về tình hình thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, các Bộ, ngành và địa phương

Các cơ quan liên quan và nhà tài trợ

2012 - 2015

Các thông tin về tình hình thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi được cập nhật và cung cấp trên các phương tiện thông tin đại chúng.

VIII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Tuyên truyền, quán triệt và thực hiện Đề án.

Bộ KH&ĐT

Các cơ quan liên quan và nhà tài trợ

Quý II/2012

Các Bộ, ngành, địa phương và các nhà tài trợ được hướng dẫn và quán triệt tinh thần, nguyên tắc chỉ đạo và nội dung của Đề án; Kế hoạch hành động thực hiện Đề án được triển khai và thực hiện.

2. Theo dõi và đánh giá tình hình thực hiện Đề án

Bộ KH&ĐT, các Bộ, ngành và địa phương

Các cơ quan liên quan và nhà tài trợ

2011 - 2015

Báo cáo định kỳ 6 tháng và hàng năm về tình hình và kết quả thực hiện Đề án của các Bộ, ngành và địa phương gửi Bộ KH&ĐT; báo cáo định kỳ, báo cáo đánh giá giữa kỳ và đánh giá kết thúc kết quả thực hiện Đề án của Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ.

 



[1] Thuật ngữ “Vay ưu đãi” theo Luật quản lý nợ công là các khoản vay có điều kiện ưu đãi hơn so với vay thương mại, nhưng yếu tố không hoàn lại chưa đạt tiêu chuẩn của vốn vay ODA, tương đương với thuật ngữ “Vốn vay kém ưu đãi” mà nhà tài trợ thường sử dụng.

[2] Trung du và Miền núi phía Bắc tăng 1,6 lần; Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung tăng 2,9 lần; Đồng bằng sông Cửu Long tăng 5,2 lần.

THE PRIME MINISTER
-------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence– Freedom – Happiness
---------------

No. 106/QD-TTg

Hanoi, January 19, 2012

 

DECISION

APPROVING THE SCHEME ON ORIENTATIONS FOR ATTRACTION, MANAGEMENT AND USE OF OFFICIAL DEVELOPMENT ASSISTANCE AND OTHER PREFERENTIAL LOANS OF DONORS DURING 2011-2015

THE PRIME MINISTER

Pursuant to the December 25, 2001 Law on Organization of the Government;

Pursuant to the Government's Decree No. 131/2006/ND-CP of November 9. 2006, promulgating the Regulation on management and use of official development assistance;

At the proposal of the Minister of Planning and Investment,

DECIDES:

Article 1. To approve the scheme on orientations for attraction, management and use of official development assistance and other preferential loans of donors during 2011 -2015 (attached to this Decision).

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 3. This Decision takes effect on the date of its signing.

Article 4. Ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of government-attached agencies, and chairpersons of provincial-level People’s Committees shall implement this Decision.

 

 

PRIME MINISTER




Nguyen Tan Dung

 

SCHEME

ON ORIENTATIONS FOR ATTRACTION, MANAGEMENT AND USE OF OFFICIAL DEVELOPMENT ASSISTANCE AND OTHER PREFERENTIAL LOANS OF DONORS DURING 2011-2015
(Promulgated together with the Prime Minister's Decision No. 106/QD-TTg of January 19, 2012)

FOREWORD

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

These development achievements are attributable to the Party and State's judicious socio-economic development lines and policies, the great efforts of all the people, sectors and administrations at all levels, and the advocate and support of international friends.

At present, over 50 bilateral and multilateral development partners have been actively assisting Vietnam in carrying out the renewal and reform in the process of transition to a market economy, performing the socio-economic development tasks and realizing sustainable hunger eradication and poverty alleviation.

The XIth National Congress of the Communist Party of Vietnam adopted the 2011-2020 ten-year socio-economic development strategy, setting forth the objective of turning Vietnam into a modernity-oriented industrial country by 2020. At its 2th session, the XIIIth National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam approved the 2011-2015 five-year socio-economic development plan.

To successfully realize the 2011-2020 ten-year socio-economic development strategy and the 2011-2015 five-year socio-economic development plan, while considering bringing into full play its internal strengths a main solution. Vietnam will continue to mobilize to the utmost all domestic and overseas capital sources, including official development assistance (ODA) and other preferential loans of donors as important sources, and commit to using these capital sources with the highest effectiveness.

The Government's scheme on orientations for attraction, use and management of ODA and other preferential loans of donors during 2011-2015 conveys Vietnam's policies on attraction, management and efficient use of ODA and other preferential loans of donors in a new context that Vietnam has become a lower middle income developing country.

The scheme on orientations for attraction, management and use of ODA and other preferential loans of donors during 2011-2015 has been elaborated on the following grounds:

1. The 2011-2020 ten-year socio-economic development strategy.

2. The 2011-2020 public debt management strategy.

3. The 2011-2015 five-year socio-economic development plan.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Results of and experience learned from the implementation of the scheme on orientations for attraction and use of ODA during 2006-2010, the principles for improving aid effectiveness set out in the 2005 Paris Declaration, the 2005 Hanoi Core Statement on Aid Effectiveness and commitments made at the 4"1 High Level Forum on Aid Effectiveness in Busan (the Republic of Korea) (2011).

6. Opinions contributed by agencies that manage, implement and benefit from ODA. the private sector, organizations, mass organizations and trade associations of Vietnam, development partners and some foreign non-governmental organizations in the course of elaboration of the scheme.

Part I

NECESSITY, OBJECTIVES AND SCOPE OF THE SCHEME

I. NECESSITY OF THE SCHEME

The scheme on orientations for attraction and use of ODA during 2006-2010 has actively and effectively contributed to the realization of (he objectives set forth in the 2006-2010 five-year socio-economic development plan. However, during 2011-2015, the attraction, management and use of ODA need some policy and institutional changes to make them suitable to the new context of development, especially when Vietnam has become a lower middle income country.

Therefore, to mobilize and effectively use capital sources of donors to support the realiza­tion of the objectives set forth in the 2011-2020 ten-year socio-economic development strategy and the 2011-2015 five-year socio-economic development plan, it is necessary to elaborate a scheme on orientations for attraction, manage­ment and use of ODA and other preferential loans of donors during 2011-2015 (below referred to as the 2011-2015 scheme) in order to orientate policies and adopt measures to assure the mobi-lization and effective use of these capital sources.

II. OBJECTIVES OF THE SCHEME

The 2011-2015 scheme is a document expressing the Government's policies to concretize the Party's and the Slate's under-takings and line for the attraction, management and use of ODA and preferential loans of donors (below referred to as ODA and preferential loans) in a new context that Vietnam has become a lower middle income developing country.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

This scheme serves as a basis for donors to make development cooperation policies; and formulate strategies and programs to provide ODA and preferential loans for Vietnam. It also publicizes the Vietnamese Government's policies on attraction, management and use of these capital sources to the public at home and abroad.

III. SCOPE OF THE SCHEME

The scope of the 2011-2015 scheme covers activities related to the attraction, management and use of ODA and preferential loans' provided by foreign governments, bilateral aid organiza­tions and transnational or intergovernmental organizations to the State or the Government of the Socialist Republic of Vietnam.

IV. CONTENTS OF THE SCHEME

The 2011-2015 scheme consists of three parts:

- Part I: Necessity, objectives and scope of the scheme.

- Part II: Evaluation of implementation of the contents of the scheme on orientations for attraction and use of official development assistance during 2006-2010.

- Part III: Attraction, management and use of ODA and other preferential loans of donors during 2011-2015.

The plan of action for implementation of the 2011 -2015 scheme constitutes part of the scheme.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

EVALUATION OF IMPLEMENTATION OF THE CONTENTS OF THE SCHEME ON ORIENTATIONS FOR ATTRACTION AND USE OF OFFICIAL DEVELOPMENT ASSISTANCE DURING 2006-2010

I. MAJOR RESULTS

The scheme on orientations for attraction and use of official development assistance during 2006-2010 (below referred to as the 2006-2010 ODA scheme) was promulgated under the Prime Minister's Decision No. 290/2006/QD-TTg of December 29, 2006, and has been successfully implemented, importantly contributing to the successful implementation of the 2006-2010 five-year socio-economic development plan as well as the 2001-2010 ten-year socio-economic development strategy.

Results of implementation of the contents of the 2006-2010 ODA scheme include:

1. The development cooperation relationship between Vietnam and the donor community has been further strengthened and developed, which can be seen in the following aspects:

a/ The ODA commitment, signing and disbursement during 2006-2010 saw positive progresses

- ODA commitment

Through five annual conferences of the donor consultative group for Vietnam (CG conferences), the total ODA capital committed by donors during 2006-2010 reached over USD 31.76 billion, 15% higher than the target set forth in the 2006-2010 ODA scheme. This high committed ODA level, especially in the context that some donors are also encountering economic difficulties and the demand for this capital source is strongly growing in the world, is an evidence of advocate and strong political support of the international community for the cause of renewal and judicious development policies of the Party and State of Vietnam as well as the donor trust in the effectiveness of ODA receipt and use by Vietnam.

- Conclusion of specific ODA international agreements

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

-ODA disbursement

Fully aware that committed ODA only demonstrates the political support and only the disbursement of this capital source can promote the creation of specific socio-economic works and products for the national development and the development of ministries, sectors and localities, all sectors and administration levels have exerted numerous efforts to speed up the ODA implementation and disbursement.

During 2006-2010, the total disbursed ODA capital reached USD 13.86 billion, equal lo 67.25% of the signed ODA and 11 % higher than the target set forth in the 2006-2010 ODA scheme. Though the ODA disbursement level has seen certain improvements in the recent years, to some donors it is still low compared to-the regional and international average.

Table 1 below shows the ODA commitment, signing and disbursement during 2006-2010:

Table 1: ODA capital commitment, signing and disbursement during 2006-2010

b/ The structure of signed ODA capital is basically suitable to the Government's priority orientations for the 2006-2010 period

Table 2 below shows that ODA for such sectors as energy and industry, transport development, communications and urban water supply and drainage reached higher levels in relative value and approximated the target set forth in the 2006-2010 ODA scheme in absolute value. Particularly, ODA for agriculture and rural development, health, education, etc was 3-5% lower than expected.

2. The ODA capital source has importantly contributed to the national financial balance, especially in the last years of the 2006-2010 period when Vietnam's economy was adversely impacted by the global economic recession.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Table 2: Structure of signed ODA by sector and field during 2006-2010

Sector and field

Expected ODA signed during 2006-2010 under the scheme

ODA signed during 2006-2010

Expected ODA structure

Total ODA (billion USD)

ODA structure

Total ODA (billion USD)

1. Agriculture, irrigation, forestry and fisheries combined with agricultural and rural development, hunger eradication and poverty alleviation

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4.27-4.98

16.21%

3.34%

2. Energy and industry

15%

3.05 - 3.56

18.97%

3.91%

3. Transport, post and telecommunications, urban water supply and drainage

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6.72 - 7.84

36.78%

7.58

4. Health, education and training, environment, science and technology, and other sectors (including institution and capacity building)

31%

6.31 -7.37

28.04%

5.78%

Total

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

20.35-23.75

100%

20.61

Source: Ministry of Planning and Investment, 2010 remain limited, this source is very precious for development investment in public-utility sectors to provide people, especially the poor in rural and urban areas, with more and more essential public services (health, education, daily-life water supply, improvement of transport conditions) of higher quality and at more competitive charge rates.

3. ODA has importantly contributed to the development of the system of policies and laws and the building of institutions to serve Vietnam's renewal and reforms in the transition to a market economy and international integration.

ODA capital implemented during 2006-2010, largely non-refundable aid, has been used for providing services of consultancy on development of policies in many areas, such as macro-economy, reform of the financial and banking systems and stale enterprises, development of small- and medium-sized enterprises, assistance for international economic integration, elaboration of laws and sub-law documents in different fields (land administration, commercial development, bidding, construction, public debt management).

ODA has importantly contributed to raising the quality of Vietnam's legal system. The integration and pilot implementation of a number of policies and institutions within the framework of ODA-funded infrastructure development programs and projects have contributed to the sustainable development of this sector under the market mechanism.

4. The ODA capital source has supported the development of many socio-economic infrastructure sectors and fields

a/ Agricultural and rural development combined with hunger eradication and poverty alleviation

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

ODA capital disbursed for agriculture and rural development combined with hunger eradication and poverty alleviation reached USD 2.65 billion, equal to 21.76% of the total ODA value disbursed for the whole country and equal to 79.34% of signed ODA for this sector.

ODA has contributed to the hunger eradication and poverty alleviation for rural people, thereby contributing to the realization of Vietnam's commitments on the United Nations' millennium development goal of reducing by 50% hungry and poor households by 2015.

b/ Energy and industry

During 2006-2010, signed ODA capital for energy and industry reached around USD 3.91 billion, accounting for 18.97% of the total ODA signed during this period, and was concentrated on supporting the development of electricity sources (building of thermal power and hydropower plants); power transmission and distribution networks, especially in rural, mountainous, deep-lying and remote areas and areas inhabited by ethnical minority people; renewable and green energies (solar power and wind power) and energy conservation and efficiency.

ODA disbursed for this sector reached USD 2.12 billion, equal to 17.4% of the total ODA value disbursed for the whole country and equal to 54.22% of signed ODA for this sector.

ODA has contributed to increasing the output and quality of electricity supplied for production and people's life, building a power sector operating under the market mechanism and enhancing the sector management capacity.

c/ Transport, post and telecommunications, and urban water supply and drainage

During 2006-2010, total signed ODA capital for the development of transport, post and telecommunications, and urban water supply and drainage reached USD 7.58 billion, accounting for the largest portion (36.78%) in the ODA structure in this period. The total disbursed ODA reached USD 3.31 billion, equal to 27.19% of the total ODA value disbursed for the whole country and equal to 43.66% of signed ODA for these sectors.

In the transport sector. ODA capital has been concentrated on the development and upgrading of the system of national highways, building of a number of seaports, consolidation and reinforcement of railway and international airport infrastructure facilities, building of urban traffic infrastructure in some major cities and development of rural transport. Besides, ODA has helped step up the planning of transport development, building of sector management capacity as well as improvement of awareness and education about laws and traffic safety in the entire society.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

ODA capital has been used for urban development, water supply and drainage, environmental sanitation and improvement of living conditions in poor areas in cities and towns throughout the country.

d/ Health, education and training, environ­ment, science and technology and other sectors

During 2006-2010, signed ODA for these sectors reached USD 5.78 billion, accounting for 28.04% of the total signed ODA value of the whole country; the total disbursed ODA capital reached USD 4.1 billion, equal to 33.657c of the total ODA capital disbursed during this period. The disbursed ODA was equal to 70.93% of the signed ODA.

In the health sector, ODA capital was used to supply more medical equipment and instruments to a number of provincial-level and regional hospitals in order to lessen the workload on central hospitals: develop the public health care network in all areas, especially poor rural and mountainous areas meeting with great difficu­lties; support the fulfillment of the millennium development goals in the health sector, such as promotion of population and family planning work, reduction of child mortality and malnutrition rates, HIV/AIDS prevention and control: and assist the formulation of policies and building of the sector management capacity.

In the education and training sector, ODA capital was used to support the reform of primary education to tertiary education, with a view to raising education quality and reaching advanced education and training standards in the world, and grant overseas training scholarships. In the last years of the 2006-2010 period, ODA loans were mobilized for building a number of international-standard universities to develop high-level human resources.

In the environment sector, ODA capital was used for the management of natural resources and natural disaster risks, afforestation and management of water sources, and improve-ment of the environment in cities, concentrated residential areas and industrial parks. Especially, to surmount the challenges of the global climate change, ODA has been mobilized to support the implementation of the national target program on response to climate change.

In the course of implementation of ODA programs and projects, many advanced manage­ment experiences and scientific and technological advances have been transferred, popularized and widely applied, especially in the sectors of con­struction, transport, irrigation, industry', electricity, agricultural and rural development, health, education, public administrative reform, raising of competitiveness and international integration.

In addition, ODA capital has been used directly or integrated into programs or projects on such long-term issues as gender equality and women advancement, social security policies, etc.

5. The ODA capital source has supported the development of localities

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

ODA attracted to poor provinces which meet economic difficulties and often suffer consequences of natural disasters has considerably increased thanks to the enhanced aid coordination of the Government as well as efforts of ministries, sectors and localities. Compared lo the 2001-2005 period, the per-capita ODA capital level in the 2006-2010 period markedly increased in most of these regions-. However, the results of ODA attraction still varied and remained uneven among different localities in the same region and among different regions. Particularly, the Central Highlands saw no remarkable increase in per-capita ODA capital level over that of the 2001-2005 period. At the same time, some regions and localities (some provinces in the Central Highlands and eastern South Vietnam) had a per-capita ODA level lower than the national average (see Table 3: signed ODA by region and territory in the 2006-2010 period).

Table 3: Signed ODA by region and territory in the 2006-2010 period

Region

Total ODA (million USD)

Per-capita ODA (USD/person)

Proportion to the whole country's ODA (%)

Red River delta:

- Excluding Hanoi

- Includinu Hanoi

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

130.50 233.62

1 1.47% 22.03%

Northern midland and mountainous regions

624.57

56.60

3.03%

Northern Central Vietnam and central coast

1.922.23

102.24

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Central Highlands

110.05

21.85

0.53%

Eastern South Vietnam:

- Excluding Ho Chi Minh City

- Including Ho Chi Minh City

505.22 1.542.52

41.39 112.70

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Mekong River delta

1,003.08

58.58

4.87%

Inter-regions

11,503

Localities being indirect beneficiaries

55.81%

Source: Ministry of Planning and Investment, 2010

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Under ODA programs and projects, especially technical assistance projects, cadres and civil servants at all levels and in many sectors and fields (economic management, urban management, finance, banking, customs, environment, agriculture and rural development, etc.) have been trained and retrained lo meet the requirements of the transition to a market economy. Through the receipt and use of ODA capital, Vietnam has built a contingent of officers experienced in external economy and proficient in international practices in ODA state management agencies and ministries, provinces and major cities. A large number of officers in many sectors, localities, consultancy units and beneficiary units have been trained and acquired experience and knowledge about international practices in many fields, such as project management, bidding, community development, etc.

7. The ODA capital source has contributed to the trade and investment promotion and national competitiveness improvement

In the period of preparation for WTO accession as well as the post-WTO accession period. ODA has supported concerned Vietnamese agencies in preparing for and negotiating with partners on the WTO accession and carrying out deep and broad international integration activities as a WTO member.

ODA-funded economic infrastructure works such as national highways, seaports, bridges, airports, etc., have exerted pervasive impacts, boosting the development of industrial parks and commercial exchange among regions and areas, facilitating the positive economic restructuring in many provinces and cities with higher proportions of industrial production and services, creating more jobs and higher incomes for people and more revenues for local administrations, contributing to the hunger eradication and poverty alleviation.

II. PROBLEMS AND CONSTRAINTS IN THE ATTRACTION AND USE OF ODA

Besides the above achievements, the attraction, management and use of ODA in the past five years still see the following constraints and shortcomings:

1. The duration of preparation for an ODA program or project, from the project initiative to the conclusion of a specific ODA international agreement, remains too long, usually 2-3 years.

2. A number of regulatory documents of ODA programs and projects are of unsatisfactory quality and unsuitable to Vietnam's practical conditions, leading to repeated supplementation and adjustment of project contents, or even to cancellation of some projects.

3. The implementation of ODA programs and projects is slow, thus delaying the ODA disbursement. At present, the rate of ODA disbursement in Vietnam is lower than the average disbursement rate of this capital source in the region and the world. The slow disbursement has been the reason for the low effectiveness and efficiency of ODA in many programs and projects, and in some cases the Government had to pay a commitment charge for undisturbed capital amounts.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

III. CAUSES

1. Vietnam's system of legal normative documents on ODA attraction, management and use remains incomplete and inconsistent and still contains many overlapping or contradictory provisions which are unconformable with international practices, causing difficulties and problems to the preparation for and implementation of ODA programs and projects.

The managing agencies and managers of ODA programs and projects have not yet taken the initiative in preparing and implementing programs and projects, and still heavily depend on the donors.

2. The ODA management and use process and procedures of the Government and donors are not yet harmonious. There still exist disparities which are slow to address, affecting the implementation of ODA programs and projects.

3. The aid coordination of state management agencies remains ineffective and weak. In many cases, these agencies failed to take the initiative in coordinating with donors and ministries, sectors and localities in selecting and formula­ting ODA programs and projects; and failed to properly manage the strict observance of legal documents on ODA management and use.

4. Domestic conditions and resources have not been adequately and promptly prepared for the preparation for, implementation and assurance of the sustainability of ODA programs and projects after their completion (project preparation capital, domestic capital, program maintenance capital, qualified officers, physical and technical foundations, etc). Social organizations, experts, beneficiaries and affected stakeholders have not been widely mobilized to participate in the implementation, monitoring and evaluation in order to improve the effectiveness and efficiency of ODA programs and projects.

6. The institutional and personal capacity for ODA attraction, management and use of focal ODA management units in a number of ministries, sectors and localities and project implementation units is not satisfactory and professional. The capacity of domestic contractors and consultants remains limited, failing to meet both quantitative and qualitative requirements in supporting the ODA attraction and use. Some foreign consultants lack experience and information about Vietnam's practical conditions and the capacity for selecting and managing contracts with foreign contractors and consultants is still limited.

7. The monitoring and evaluation of the implementation of ODA programs and projects and the regime of reporting from the grassroots and feedback of ODA stale management agencies have not been seriously implemented under current laws.

IV. LESSONS

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The results of implementation of the 2006-2010 ODA scheme reaffirm the consistent guideline of the Party and State of Vietnam that external capital sources are of important significance while domestic capital sources play the decisive role.

2. Legal documents directly or indirectly governing the ODA management and use must be consistent and conformable with international practices in order to assure the effectiveness of governmental agencies in aid coordination, and at the same time promote the proactiveness and creativity of project managing agencies and managers as well as beneficiaries. This will also promote donors' compliance with Vietnam's management systems, improve aid effectiveness and reduce transaction costs.

3. The spirit of ownership at the national as well as grassroots levels in the ODA attraction, management and use is decisive to the success of programs and projects. At the national level, ownership is demonstrated in the ODA coordination capacity to meet development requirements in a uniform and effective manner. At the grassroots level, ownership is the responsibility to initiate or select projects, take the initiative in cooperating with donors and arranging resources in the preparation for and implementation of ODA programs and projects in order to achieve sustainable results and economic and social benefits.

4. Decentralization of ODA management and use is judicious and necessary. Decentralization must go hand in hand with empowerment and clear definition of responsibility, especially responsibility of heads. At the same time, it is necessary to heighten the role of ministries and specialized agencies in receiving and implementing specific programs and projects. Building capacity for agencies managing and implementing ODA programs and projects is key to successful decentralization.

5. Information sharing, straight and open dialogs based on a constructive and responsive spirit and development of reliable partnerships constitute a particularly important factor for the attraction and use of ODA capital sources.

Part III

ATTRACTION, MANAGEMENT AND USE OF ODA AND OTHER PREFERENTIAL LOANS OF DONORS DURING 2011-2015

I. CONTEXT

1. Global context

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The global ODA supply sources are likely to decrease due to economic difficulties facing a number of OECD-DAC member states caused by their heavy public debts, while the demand for ODA in developing countries continues to rise. Donors lend to provide more ODA to underdeveloped countries and Middle East and North African countries in need of political stability.

2. Domestic context

Thanks to the socio-economic development achievements recorded in the recent past, Vietnam has escaped from the group of low-income underdeveloped countries and joined the group of middle-income developing countries, laying important foundations for its development in the new period.

The country's face has been uplifted. Its political and social situation is stable. Vietnam's position on the international arena has been strengthened and enhanced. By carrying on its substantive reform and renewal as well as straight and constructive dialogs with all partners in the development process. Vietnam has won the trust of the donor community.

However, for five years to come. Vietnam's economy will continue to face numerous difficulties and challenges in many fields, including poor infrastructure, insufficient and incomplete market economy institutions and limited human resource quality. Besides, there exist many pressing problems in the people's life, cultural and social affairs, unsustainable hunger eradication and poverty reduction, environmental pollution and adverse impacts of global climate change.

In the field of development cooperation, the aid policies of development partners toward Vietnam will change to suit the context that Vietnam has become a lower middle-income country. Correspondingly, the characteristics and size of and conditions for provision of ODA for Vietnam will see the following trends:

a/ A number of bilateral donors will shift from official development cooperation relationship with Vietnam to direct assistance for developing cooperation partnership, like direct relationship between universities, institutes or research centers or between organizations of two parties. Some other donors may terminate programs on development aid for Vietnam in the coming years;

b/ Most donors will adjust and change their aid policies for Vietnam through reducing ODA capital and increasing preferential loans. This reality requires Vietnam to adopt appropriate approaches to attract and improve the use effectiveness of these capital sources in order to meet development investment needs and guarantee the capacity to pay foreign debts;

c/ Development aid approaches and modalities such as program-based approaches (PBA), general budget supports (GBS) and targeted budget supports (TBS) will be applied more frequently; labor distribution and mutual assistance on the basis of the comparative edges of development partners will be promoted;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

e/ A number of donors will provide ODA and preferential loans through global programs (on HIV/AIDS, climate change and sea level rise, etc.), regional cooperation activities within the ASEAN framework and cooperation in the greater Mekong sub-region, etc. This trend will be consolidated and expanded in the coming years.

The foregoing global and domestic contexts show many advantages as well as challenges for the attraction and use of ODA and preferential loans in the 2011-2015 period. This reality requires Vietnam to change its perception of this capital source, apply many new approaches, reform relevant processes and procedures, and step up the attraction, management and implementation of ODA and preferential loans so as to attract and effectively use this capital source and concurrently assure public debt security.

II. THE DEMAND FOR ODA AND PREFERENTIAL LOANS OF DONORS IN THE 2011 -2015 FIVE-YEAR SOCIO­ECONOMIC DEVELOPMENT PLAN

To guarantee the fulfillment of the set objectives and tasks, the 2011-2015 five-year socio-economic development plan estimates the entire society's total investment capital demand of around VND 5,745-6,140 trillion, approximately USD 250-266 billion, for the period at actual prices, with domestic capital accounting for around 75-80% and foreign capital, 20-25%.

ODA and preferential loans of donors in the 2011-2015 period are estimated to include committed capital of around USD 32-34 billion and disbursed capital of USD 14-16 billion (equal to some 6% of total social investment), of which around 50% will be disbursed from programs and projects signed during 2006-2010.

As a result, ODA and preferential loans in the 2011-2015 period will reach an annual average of around USD 2.8-3.2 billion.

The realization of commitments and disbursement of ODA and preferential loans mentioned above are significantly important for supporting the implementation of the 2011-2015 five-year socio-economic development plan. The Vietnamese Government will closely cooperate with donors and spare no efforts to fulfill these objectives and tasks.

III. GUIDING PRINCIPLES FOR IMPROVING THE INSTITUTIONAL AND LEGAL ENVIRONMENT, ORGANIZING AND MANAGING THE ATTRACTION AND USE OF ODA AND PREFERENTIAL LOANS OF DONORS DURING 2011-2015

1. ODA and preferential loans constitute a source of development investment capital. Therefore, the use of ODA and preferential loans must take into consideration the comparative advantages and complemen-tariness of this source and other development investment capital sources in order to achieve the highest socio-economic effectiveness and assure public debt security.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. To step up the application of development aid approaches and modalities such as program-based approaches (PBA), general budget supports (GBS) and targeted budget supports (TBS) to suitable programs and fields like supports for implementation of national target programs. To promote labor distribution and mutual assistance on the basis of the comparative advantages of development partners.

4. To intensify the access to and use of ODA and preferential loans under global programs (on HIV/AIDS, climate change and sea level rise, etc.), regional cooperation activities within the ASEAN framework, cooperation in the greater Mekong sub-region (GMS), etc.

5. To improve and raise the role and effectiveness of aid coordination work of the ODA state management agencies. In the context of decentralization, it is necessary to vest more powers and assign more responsibilities to ministries, sectors and localities based on the principle that the Government uniformly manages ODA and preferential loans. The system of institutions and penalties should be improved to improve the effectiveness of the coordination, supervision and inspection of the ODA state management agencies.

6. To bring into full play the ownership, initiative and creativity of managing agencies at all levels, project managers and beneficiary units: Ownership must be the decisive factor in all stages of attraction, management and use of ODA and preferential loans. The promotion of ownership at all levels will assure that each program or project funded by ODA or preferential loans truly help ministries, sectors or localities effectively meet their urgent needs.

7. To assure sufficient and timely domestic conditions, including domestic capital, necessary human capacity, etc., for preparing for. implementing and guaranteeing the sustainability of programs and projects funded by ODA and preferential loans after they are completed.

8. To create a reliable and open environment and favorable conditions for deepening the partnership between the Government and donors through renewing the agendas and contents of forums for development policy dialogs at the national and sectoral levels, to associate aid effectiveness with development effectiveness.

9. To create conditions for private enterprises to use ODA and preferential loans in different forms such as use of credit limits, participation in project implementation, investment in infrastructure development in the PPP form, etc., on the basis of sharing benefits and risks between the State and private sector.

10. To assure the publicity, transparency and accountability for use and management of ODA and preferential loans, and perfect the mechanism for supervision by the people and social organizations of planning work, project preparation, arrangement of resources and implementation of programs and projects funded with this source.

IV. PRIORITIES IN THE ATTRACTION AND USE OF ODA AND PREFERENTIAL LOANS OF DONORS IN THE 2011-2015 PERIOD

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- To support the achievement of the development objectives of the 2011 -2015 five-year socio-economic development plan, prioritizing the realization of the three major breakthroughs set forth in the 2011 -2020 socio­economic development strategy; the implementation of the scheme on building of a complete infrastructure system for the national industrialization and modernization in the 2011 -2020 period; and the implementation of national programs in the 2012-2015 period.

- To prioritize important public investment programs and projects in which investment can hardly be attracted from the private sector or which are funded with commercial loans.

- To use ODA and preferential loans as a supplementary capital source to encourage the private sector to invest in infrastructure development in various forms and modes, including the public-private partnership (PPP).

- To use part of ODA and preferential loans to invest in production development in order to promote commerce, create jobs and restructure the economy in regions and localities.

Based on the above principles, the sectors and fields prioritized for attraction and use of ODA and preferential loans of donors in the 2011-2015 period include:

1. Building of a synchronous, large-scale and modern infrastructure system

a/ To develop expressways, prioritizing the development of the road system in regions with large goods flows and localities in the country's growth poles, linking different localities and areas, and linking to other countries in the region and the world, creating a strong pervasive impact and promoting the whole country's growth;

b/ To build new national deep-water seaports, modernize and raise capacity of general services of existing ones; to form large marine economy centers;

c/ To build a number of international airports;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

e/ To upgrade, synchronously develop and modernize the infrastructure system in urban centers, especially major cities;

f/ To quickly develop the electricity source system and electricity transmission and distribution networks in combination with the application of energy-saving technologies, assuring sufficient energy for the national development and people's life: to develop renewable energies (wind power, solar power); to support the implementation of the national target program on energy conservation and efficiency;

g/ To synchronously develop and step by step modernize the irrigation system, natural disaster prevention and control works and the information system, with a view to meeting development and natural disaster mitigation requirements.

In parallel with the development of technical infrastructure facilities, the Government attaches importance to the development of policies and institutions for management of the infrastructure sector so that this sector can sustainably develop in the market economy and provide to the society quality public services at competitive prices.

2. Development of social infrastructure

a/ To support the substantial and comprehensive renewal of education in the direction of standardization, modernization, socialization, democratization and international integration, with the renewal of the education administration mechanism, development of the contingent of teachers and administrators as the key factor;

b/ To develop infrastructure facilities for teaching and learning and teacher training, paying attention to providing education and training supports for poor provinces and ethnic minority areas;

c/ To consolidate physical and technical foundations for medical examination and treatment, especially at the grassroots level;

d/ To build and furnish medical technical equipment for a number of public hospitals at the central, regional and provincial levels and a number of hi-tech medical centers;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

f/To support the effective implementation of the Program on quick and sustainable poverty reduction in 62 districts with a high poor household percentage;

g/ To support the implementation of the national target programs on sustainable poverty reduction: culture; introduction of information to mountainous, remote and border areas and islands; education and training; employment and job training; health; population and family planning; HIV/AIDS prevention and control; food hygiene and safety; drug prevention and control; crime prevention and combat;

h/ To support the implementation of the social security programs, the national action program on settling the consequences of exploring remnant of wars, etc.

3. Development of human resources, especially high-quality human resources, science, technology and knowledge-based economy

a/ To support the development of leading and managing personnel, highly qualified experts and business administrators, skilled laborers and leading scientific and technological workers:

b/ To support the implementation of programs and schemes on training of high-quality human resources for major and key sectors and fields; technology transfer and knowledge sharing; development of sciences and high technologies, aiming at the goal of sustainable growth and development of a knowledge-based economy in Vietnam.

4. Agricultural and rural development

To support the implementation of the national target program on building of a new countryside covering such activities as planning and building of a new countryside; development of socio-economic infrastructure (rural roads, electricity grid, health, education and training, construction, irrigation, etc.); to restructure and develop the economy (increase of incomes through developing commodity production with high economic efficiency; promotion of agricultural extension; to step up research and application of scientific and technological advances to agriculture-forestry-fisheries, agricultural mechanization, reduction of post-harvest losses in agriculture-forestry-fisheries; to conserve and develop traditional craft villages under the guideline "each village one product," development of crafts and trades that are local advantages; to step up job training for rural laborers, promote industrial production in rural areas, create jobs and quickly restructure the rural labor. In addition, the use of ODA and preferential loans will be prioritized for supporting the implementation of the national target program on rural clean water and environmental sanitation.

5. Building of the legal system and synchronous institutions of the socialist-oriented market economy

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b/ To support the national administrative reform in all aspects: institutions, organizational apparatus and administrative procedures.

6. Protection of the environment and natural resources, response to climate change, and green growth

To prioritize the use of ODA and preferential loans for the implementation of environmental and natural resource protection programs and projects; lo apply environment-friendly technologies and build green-growth models and support the implementation of the national target program on response to climate change; to remedy environmental pollution and improve the environment.

7. Promotion of investment and trade and a number of production and business sectors

ODA and preferential loans may be used to support the promotion of investment and trade through the transfer of technologies, modem production and management techniques, raising the competitiveness of a number of products and goods in a number of sectors in which Vietnam has potential and advantages (processing of agricultural, forest and fishery products, products of support industries and products being input materials for export production, etc.), laying a foundation for Vietnam's participation in the global production chain and regional and international economic integration. By supporting the promotion of trade and investment, these sources will support the creation of jobs and increase of incomes and contribute to the sustainable hunger eradication and poverty reduction.

8. Support by geographical area and territory

ODA and preferential loans will be used to support the materialization of the territorial development orientations set forth in the 2011-2015 five-year socio-economic development plans, prioritizing poor, difficulty-hit, deep-lying and remote provinces and ethnic minority areas in the northern midland and mountainous regions, northern Central Vietnam and central coast, the Central Highlands and the Mekong River delta.

Programs and projects will focus on supporting the improvement of living conditions and livelihoods of local people, the settlement of pressing issues in the process of rapid urbanization in provinces (water supply and drainage, garbage treatment, inner city transport development and housing for the poor, etc.).

V. SYSTEM OF SOLUTIONS FOR THE SCHEME IMPLEMENTATION

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Perfecting policies and institutions

a/ To issue a new decree to replace the Government's Decree No. 131/2006/ND-CP on management and use of ODA, and circulars guiding the implementation of this Decree, aiming to assure their synchrony, consistency, explicitness. transparency and conformity with the contents and guiding principles for attraction, management and use of ODA and preferential loans of the 2011-2015 scheme.

b/ Based on such new decree replacing Decree No. 131/2006/ND-CP and the guiding circulars, related agencies shall revise administrative procedures.

c/ To issue guidelines on the allocation, management, implementation and supervision of disbursement of domestic capital from the state budget for programs and projects funded with ODA or preferential loans, including priority policies for each sector, field or difficulty-hit area.

2. Improving management and organization work

a/ To improve the organizational structure of focal agencies at all levels in the direction of promoting their autonomy and the initiative of ministries, sectors and localities in the management and use of ODA and preferential loans.

b/ To improve the effectiveness and efficiency of the operation of the Government's ODA working party by upgrading this working party into a national steering committee for ODA headed by a government leader.

3. Enhancing partnership relations and raising the aid effectiveness

a/ To raise the quality of dialogs between the Government and donors by renovating the agendas and contents of forums for development policy dialogs at the national and sectoral levels, combining aid effectiveness with development effectiveness.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Building capacity for management and use of ODA and preferential loans

a/ To work out and implement medium-term plans on building capacity for management and use of ODA and preferential loans toward professionalism and sustainability.

b/ To provide basic training in policies, institutions, processes, procedures and professional operations of management and use of ODA and preferential loans for project managers at all levels and staffs of aid agencies.

5. Improving the implementation of programs and projects and speeding up disbursement

a/ State management agencies responsible for ODA and preferential loans shall closely coordinate with managing agencies, project managers and donors in organizing periodical reviews of program and project preparation and implementation activities, and proposing solutions to speed up the signing process and increase the disbursement rate.

b/ Managing agencies shall enhance the work of directing and supporting project managers in promptly settling difficulties and problems of their programs and projects funded with ODA and preferential loans.

c/ To continue the harmonization of processes and procedures between the Vietnamese Government and donors, including institu­tionalization of a number of actions to be taken in advance to shorten the duration of project commencement and implementation preparation right after specific international agreements on ODA and preferential loans take effect, and simplify procedures for supplementing and amending these international agreements in the course of program and project implementation.

6. Enhancing the monitoring, supervision and evaluation

a/ To enhance the monitoring, supervision and evaluation by improving the system of management information and data on ODA and preferential loans; to elaborate national statistical indicators on signed and disbursed ODA.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c/ To increase the community-based monitoring and supervision by improving institutions, creating a favorable environment for and encourage the participation of the community, contributing to assuring the use effectiveness of ODA and preferential loans, preventing and combating losses, waste and corruption.

7. Assuring information publicity and transparency

a/ To coordinate with donors in publicizing policies, priority sectors and areas, and conditions for provision of ODA and preferential loans of donors.

b/ To improve the system of statistics on ODA and preferential loans.

c/ To update information on ODA and preferential loans in the mass media.

Actions, assigned tasks and indicators of monitoring the implementation of the groups of solutions are specified in the action plan for implementation of the 2011-2015 scheme.

VI. ORGANIZATION OF THE SCHEME IMPLEMENTATION

1. Dissemination, study and implementation of the 2011-2015 scheme

a/ The Ministry of Planning and Investment shall organize the dissemination of the contents of the 2011-2015 scheme among Vietnamese agencies and donors, and guide the implementation of the scheme.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c/ Agencies shall, within the ambit of their functions, perform the tasks assigned to them in the action plan for implementation of the 2011-2015 scheme.

2. Monitoring and evaluation of the implementation of the 2011-2015 scheme

a/ Ministries, sectors and localities shall report on the implementation of the 2011-2015 scheme and its results in their biannual and annual reports on management and use of ODA and preferential loans, including also proposals and recommendations to adopt timely solutions to problems arising in the course of implementation.

b/ The Ministry of Planning and Investment shall report on a biannual and annual basis to the Government on the implementation of the 2011 -2015 scheme and its results, and make and send to the Government a mid-term report and a final evaluation report on implementation results of the 2011-2015 scheme.-

APPENDIX

ACTION PLAN FOR IMPLEMENTATION OF THE SCHEME ON ORIENTATIONS FOR ATTRACTION, MANAGEMENT AND USE OF ODA AND OTHER PREFERENTIAL LOANS OF DONORS IN THE 2011-2015 PERIOD
(To the scheme on orientations for attraction, management and use of ODA and other preferential loans of donors in the 2011 -2015 period promulgated together with the Prime Minister's Decision No. 109/QD-TTg of January 19, 2012)

Group of solutions

Action

Responsible agency

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Deadline

Indicator for monitoring

I. IMPROVING POLICIES AND INSTITUTIONS

1. Elaboration and submission to the Prime Minister of a draft new decree to replace Decree No. 131/2006/ND-CP on ODA management and use

Ministry of Planning and Investment

Ministries of Finance, Foreign Affairs, and Justice. State Bank, Government Office and donors

Second quarter of 2012

A decree issued

2. Issuance according to competence of documents and circulars guiding the new decree replacing Decree No. 131/2006/ND-CP on ODA management and use

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Related agencies and donors

Second quarter of 2012

Guiding Documents and circulars issued

3. Based on the new decree replacing Decree No. 131/2006/ND-CP and circulars guiding this Decree, related agencies shall improve administrative procedures

Ministries of Planning and Investment, and Finance

Related agencies

Third quarter of 2012

Current administrative procedures reduced by 30%

4. Study and proposal to the Prime Minister for decision of the issuance of guidelines on allocation, management, implementation and supervision of disbursement of domestic capital allocated from the state budget for programs and projects funded with ODA or preferential loans, including priority policies for each . sector, field or difficulty-hit locality

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Related agencies

Second quarter of 2012

Guidelines issued

II. IMPROVING ORGANIZATION AND MANAGEMENT

1. Improvement of organizational structures of focal agencies at all levels in charge of management and use of ODA and preferential loans

Ministry of Planning and Investment

Related agencies

Fourth quarter of 2012

Organization of these focal agencies improved

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Ministry of Planning and Investment And Government Office

Government's ODA working party

Second quarter of 2012

National Steering committee for ODA Established and operating

III. ENHANCING PARTNERSHIP AND IMPROVING AID EFFECTIVENESS

I. Raising of quality of dialogs between the Government and donors by renovating agendas and contents of forums for development policy dialogs at national and sectoral levels, associating aid effectiveness with development effectiveness

Ministry of Planning and Investment And ministries and sectors

Related agencies and donors

2012-2015

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Enhancement of the role and raising of quality of operation of the Aid Effectiveness Forum by implementing the Busan Declaration in Vietnam and carrying out activities to improve aid effectivness

Ministry of Planning and Investment

AEF Executive Committee, related Vietnamese agencies and donors

2012-2015

Aid quality and effectiveness improved, associating aid effectiveness with development effectiveness (plan on implementation of the Busan Declaration in Vietnam elaborated and approved; a new aid architecture with participation of ministries, sectors and localities and groups of partnerships in sectors and fields set up)

IV. BUILDING CAPACITY FOR MANAGEMENT AND USE OF ODA AND PREFERENTIAL LOANS

1. Elaboration and implementation of medium-term plans on building capacity for management and use of ODA and preferential loans toward professionalism and sustainability

Ministry of Planning and Investment

Related agencies and donors

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Plans promulgated

2. Provision of basic training in policies, institutions, processes. procedures and operations of management and use of ODA and preferential loans for project managers at all levels and donors' officers

Ministry of Planning and Investment

Related agencies and donors

2012-2015

Officers directly managing the implementation of ODA and preferential loans and donors' officers provided with professional knowledge and skills

V. IMPROVING TIE IMPLEMENTATION OF PROGRAMS AND PROJECTS, SPEEDING UP DISBURSEMENT

1. Periodical review of program and project preparation and implementation, proposal of solutions to speed up the signing and increasing disbursement rate

Ministry of Planning and Investment, other Ministries, sectors and localities

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2012-2015

ODA and preferential loans signed and disbursement rate increasing year on year

2. Harmonization of processes and procedure between the Vietnamese Government and donors

Agencies in charge of state management of ODA and preferential loans and managing  agencies

Related agencies and donor

2012-2015

Differences in processes and procedures between the Vietnamese Government and donor narrowed a number of action to be taken in advance institutionalized; procedures for supplementing and amending international agreement on ODA and preferential loans in the course of implementation of program and project simplified

VI. ENHANCING THE MONITORING, SUPERVISION AND ASSESSMENT

1. Enhancement of monitoring, supervision and evaluation

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Ministries, sectors, localities and donors

2012-2015

System of management information and data on ODA and preferential loans improved: national statistics on signed and disbursed ODA loans formed

2. Building of personnel capacity for monitoring, supervision and evaluation of management and use of ODA and preferential loans

Ministries of Planning and Investment, and Finance, and ministries, sectors and localities

Related agencies and donors

2012-2015

Training courses in institutions and skills of monitoring, supervision and evaluation organized

3. Elaboration and application of penalties to assure compliance with regulations on monitoring, supervision and evaluation of management and use of ODA and preferential loans

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Related agencies and donors

Second quarter of 2012

Penalties to assure Compliance with regulations on monitoring, supervision and evaluation elaborated and applied

4. Enhancement of community-based monitoring and supervision

Ministry of Planning and Investment

Related agencies and donors

Regularly

Institutions and environment favorable for community participation in monitoring and supervision of effectiveness of ODA and preferential loans enhanced

VII. INFORMATION PUBLICITY AND TRANSPARENCY

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Ministry of Planning and Investment

Related agencies and donors

2012-2015

Policies, prioritized sectors and areas. conditions for provision of ODA and preferential loans of donors publicized

2. Updating of information on attraction, management and use of ODA and preferential loans in the mass media

Ministries of Planning and Investment, and Finance, ministries, sectors and localities

Related agencies and donors

2012-2015

Information on Attraction, management and use of ODA and preferential loans updated and provided in the mass media

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Dissemination, thorough grasp and implementation of the scheme

Ministry of Planning and Investment

Related agencies and donors

Second quarter of 2012

Ministries, sectors, localities and donors guided in and thoroughly grasping the spirit, guiding principles and contents of the scheme; the action plan for the scheme implementation implemented

2. Monitoring and evaluation of the scheme implementation

Ministry of Planning and Investment, ministries, sectors and localities

Related agencies and donors

2011-2015

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 106/QĐ-TTg ngày 19/01/2012 phê duyệt Đề án "Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và khoản vốn vay ưu đãi khác của nhà tài trợ thời kỳ 2011 - 2015" do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


7.683

DMCA.com Protection Status
IP: 18.224.56.127
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!