QUY CHẾ PHỐI HỢP
THỰC
HIỆN CÔNG TÁC VẬN ĐỘNG, TIẾP NHẬN, PHÂN PHỐI VÀ SỬ DỤNG CÁC NGUỒN ĐÓNG GÓP TỰ
NGUYỆN HỖ TRỢ KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN DO THIÊN TAI, DỊCH BỆNH, SỰ CỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
NINH BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật
Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
ngày 09/6/2015; Luật hoạt động Chữ thập đỏ ngày 03/6/2008;
Căn cứ Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày
27/10/2021 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn
đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ
trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo;
Căn cứ Hướng dẫn số 95/HD-MTTW-BTT ngày
04/01/2023 của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam về thực hiện một số nội
dung Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 của Chính phủ về vận động, tiếp
nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó
khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo;
Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, Ủy ban MTTQ Việt
Nam tỉnh Ninh Bình, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình thống nhất ban hành Quy chế
phối hợp thực hiện công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn
đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố
trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về phối hợp trong công tác vận
động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức,
cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh,
sự cố trên địa bàn tỉnh Ninh Bình theo quy định tại Nghị định số 93/2021/NĐ-CP
ngày 27/10/2021 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các
nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự
cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo (sau đây gọi là Nghị định số
93/2021/NĐ-CP).
Những nội dung khác không đề cập trong Quy chế được
thực hiện theo quy định tại Nghị định số 93/2021/NĐ-CP .
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Các tổ chức, cá nhân vận động, tiếp nhận, phân
phối nguồn đóng góp tự nguyện.
a. UBND tỉnh, UBND cấp huyện vận động nguồn đóng
góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố.
b. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh kêu gọi, vận động; Ban
Vận động tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện (là tổ chức do Ban Thường
trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp thành lập - sau đây gọi là Ban Vận động) tiếp
nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch
bệnh, sự cố.
c. Hội Chữ thập đỏ tỉnh vận động, tiếp nhận, phân
phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố.
d. Các quỹ từ thiện quy định tại Nghị định số
93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội,
quỹ từ thiện (sau đây gọi là quỹ từ thiện) vận động, tiếp nhận, phân phối.
e. Các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có
tư cách pháp nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối.
g. Cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự tham gia vận
động, tiếp nhận, phân phối.
2. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên
quan thực hiện công tác phối hợp.
Điều 3. Nguyên tắc phối hợp
1. Đảm bảo kịp thời, hiệu quả, công bằng, công
khai, đúng mục đích, đối tượng; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan,
đơn vị có liên quan.
2. Xác định rõ cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân chủ
trì, phối hợp.
Điều 4. Hình thức phối hợp
1. Văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, trao đổi ý kiến,
cung cấp thông tin.
2. Tổ chức hội nghị, sơ kết, tổng kết.
3. Thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát liên
ngành.
4. Các hình thức khác trên cơ sở thống nhất giữa
các đơn vị.
Chương II
NỘI DUNG PHỐI HỢP
Mục 1. QUY ĐỊNH CÁC TỔ CHỨC
THAM GIA VẬN ĐỘNG, TIẾP NHẬN, PHÂN PHỐI VÀ SỬ DỤNG NGUỒN ĐÓNG GÓP TỰ NGUYỆN
Điều 5. Kêu gọi, vận động nguồn
đóng góp tự nguyện
Khi thiên tai, dịch bệnh, sự cố xảy ra gây thiệt hại
về người, tài sản hoặc ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân, tùy theo mức độ, phạm
vi thiệt hại và cấp độ rủi ro thiên tai, việc kêu gọi, vận động đóng góp tự
nguyện được thực hiện theo các phương thức như sau:
1. UBND tỉnh, UBND cấp huyện kêu gọi, vận động các
tổ chức, cá nhân đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh,
sự cố.
2. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh ra lời kêu gọi
khi: Thiên tai, dịch bệnh, sự cố xảy ra trên phạm vi địa bàn tỉnh Ninh Bình và
có mức độ thiệt hại thấp hơn các mức quy định đối với trường hợp Đoàn Chủ tịch Ủy
ban Trung ương MTTQ Việt Nam ra lời kêu gọi (được quy định tại khoản 1 mục
II Hướng dẫn số 95/HD-MTTW-BTT ngày 04/01/2023 của Ban thường trực Ủy ban Trung
ương MTTQ Việt Nam).
Trong trường hợp khả năng huy động nguồn lực tại địa
phương không đảm bảo, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh gửi lời kêu gọi các tỉnh,
thành phố, các tổ chức, cá nhân ngoài tỉnh; hoặc có văn bản đề nghị Đoàn Chủ tịch
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ra lời kêu gọi.
Ngay sau khi Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ
Việt Nam ra lời kêu gọi, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh có hình thức phù hợp để hưởng
ứng thực hiện lời kêu gọi.
3. Hội Chữ thập đỏ tỉnh kêu gọi, vận động cán bộ, hội
viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ trên địa bàn tỉnh; các tổ
chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong nước, ngoài nước tự nguyện ủng hộ
theo Luật hoạt động Chữ thập đỏ và các quy định pháp luật có liên quan.
4. Các quỹ từ thiện kêu gọi, vận động các tổ chức,
cá nhân đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố xảy
ra trên địa bàn thuộc phạm vi hoạt động.
5. Các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có tư
cách pháp nhân kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp tự nguyện khắc
phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố. Khi thực hiện vận động nguồn đóng
góp tự nguyện, các tổ chức có thông báo trên trang thông tin điện tử hoặc các
phương tiện thông tin truyền thông cam kết về mục đích, phạm vi, phương thức,
hình thức vận động, đối tượng hỗ trợ, thời gian thực hiện hỗ trợ và gửi bằng
văn bản đến UBND cấp xã nơi đặt trụ sở chính theo mẫu Thông báo ban hành kèm
theo Nghị định 93/2021/NĐ-CP. UBND cấp xã có trách nhiệm lưu trữ để theo dõi và
cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ
và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm
tra, giám sát, xử lý vi phạm.
6. Các cơ quan thông tin đại chúng hưởng ứng lời
kêu gọi của UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vận động các tổ chức, cá nhân
đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố
theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Tiếp nhận, quản lý nguồn
đóng góp tự nguyện
1. Tiếp nhận, quản lý tiền đóng góp tự nguyện
- Các tổ chức, cơ quan, đơn vị tại điểm b, c, d Khoản
1, Điều 2 Quy chế này mở 01 tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước hoặc Ngân hàng
thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp
tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong thời gian tiếp nhận. Trường hợp Ban Vận
động cấp tỉnh trở lên không quyết định kéo dài thời gian tiếp nhận thì các tổ
chức, cơ quan, đơn vị không được tiếp nhận thêm tiền đóng góp tự nguyện. Sau
khi kết thúc thời gian tiếp nhận, có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản
(Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại) về việc dừng tiếp nhận các khoản
đóng góp tự nguyện.
- Đối với huyện, thành phố không bị thiên tai, dịch
bệnh, sự cố: Ban Vận động cấp xã chuyển tiền vào tài khoản của Ban Vận động cấp
huyện hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Ban Vận động cấp tỉnh; Ban Vận động
cấp huyện chuyển tiền vào tài khoản của Ban Vận động cấp tỉnh.
- Đối với huyện, thành phố bị thiên tai, dịch bệnh,
sự cố: Ban Vận động cấp xã, cấp huyện báo cáo Ban Vận động cấp tỉnh về kết quả
tiếp nhận, kế hoạch phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện và chuyển tiền
vào tài khoản của Ban Vận động cấp tỉnh hoặc giữ lại để phân phối, sử dụng trực
tiếp hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố ngay trên địa bàn theo quy định tại khoản
4 Điều 10 Nghị định 93/2021/NĐ-CP , như sau: Ban Vận động các cấp ở địa phương bị
thiên tai, dịch bệnh, sự cố căn cứ hướng dẫn của Ban Vận động cấp trên, chủ
trì, phối hợp với đại diện UBND cùng cấp và các cơ quan có liên quan quyết định
nội dung hỗ trợ, mức hỗ trợ, hình thức hỗ trợ và đối tượng hỗ trợ theo chức
năng, nhiệm vụ được giao và phương thức vận động, đảm bảo phù hợp tình hình thực
tế trên địa bàn, đúng mục đích, hiệu quả, công khai, minh bạch và phân bổ, sử dụng
hỗ trợ Nhân dân gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố. Các nội dung chi hỗ
trợ từ nguồn đóng góp tự nguyện được thực hiện theo quy định tại Điều 11 Nghị định
93/2021/NĐ-CP .
- Trường hợp các tổ chức, cá nhân ủng hộ bằng ngoại
tệ, Ban Vận động bán số ngoại tệ cho Ngân hàng thương mại và nộp tiền thu được
vào tài khoản của Ban Vận động cùng cấp.
2. Tiếp nhận, quản lý hiện vật đóng góp tự nguyện
- Ban Vận động các cấp phối hợp với các cơ quan,
đơn vị cùng cấp hướng dẫn thành lập các điểm tiếp nhận hiện vật đóng góp tự
nguyện. Toàn bộ hiện vật đóng góp tự nguyện phải được giao, nhận đầy đủ về số
lượng, chủng loại; bảo quản, lưu trữ theo đúng tiêu chuẩn quy định tại các điểm
tiếp nhận hoặc kho tiếp nhận theo chỉ định của Ban Vận động. Căn cứ tình hình thực
tế, các đơn vị tiếp nhận hiện vật đóng góp tự nguyện có thể sử dụng tạm thời
kho chứa hàng hóa, trụ sở của cơ quan mình hoặc thuê kho tàng bến bãi làm nơi tập
kết.
- Trường hợp cần phải hỗ trợ khẩn cấp, giải phóng
nhanh hiện vật đóng góp tự nguyện tại điểm tiếp nhận, Ban Vận động quyết định
phân phối ngay nhu yếu phẩm (quần áo, lương thực, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm
khác) cho các đối tượng được hỗ trợ.
- Trường hợp hiện vật đóng góp tự nguyện bằng vàng,
bạc, kim khí quý, đá quý thì Ban Vận động tổ chức bán đấu giá theo quy định về
đấu giá tài sản và nộp tiền thu được vào tài khoản của Ban Vận động cùng cấp;
trường hợp Ban Vận động cấp xã tiếp nhận hiện vật và tổ chức bán đấu giá thì nộp
tiền thu được vào tài khoản của Ban Vận động cấp huyện.
3. Những khoản tiếp nhận có điều kiện, địa chỉ cụ
thể thì Ban vận động có trách nhiệm thực hiện theo đúng cam kết.
4. Các quỹ từ thiện: Trường hợp hưởng ứng lời kêu gọi
của Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh và kêu gọi, vận động để hỗ trợ ngoài phạm vi
hoạt động, các quỹ từ thiện tiếp nhận, sau đó chuyển giao cho Ban Vận động cùng
cấp để hỗ trợ Nhân dân và địa phương bị thiên tai, dịch bệnh, sự cố.
5. Các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có
tư cách pháp nhân mở 01 tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước hoặc Ngân hàng
thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp
tự nguyện vận động được theo nội dung đã cam kết, quy định tại Nghị định
93/2021/NĐ-CP và quy định của pháp luật có liên quan; có biên nhận các khoản
đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân
đóng góp yêu cầu. Các tổ chức không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự
nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết và có trách nhiệm thông
báo đến nơi mở tài khoản (Kho bạc Nhà nước hoặc Ngân hàng thương mại) về việc dừng
tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện.
6. Ngoài các hình thức đóng góp bằng tiền, hiện vật,
các tổ chức, cá nhân có thể đóng góp bằng hình thức cung cấp dịch vụ như miễn
phí hoặc giảm giá một số dịch vụ để hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch
bệnh, sự cố. Ban Vận động các cấp thông báo việc cung cấp dịch vụ tới các tổ chức,
cá nhân gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố.
Điều 7. Phân phối, sử dụng nguồn
đóng góp tự nguyện
1. Căn cứ phân phối nguồn đóng góp tự nguyện (theo
Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 93/2021/NĐ-CP).
2. Ban Vận động các cấp căn cứ hướng dẫn của Ban Vận
động cấp trên, chủ trì, phối hợp với đại diện UBND cùng cấp và các cơ quan có
liên quan quyết định nội dung hỗ trợ, mức hỗ trợ, hình thức hỗ trợ và đối tượng
hỗ trợ theo chức năng, nhiệm vụ được giao và phương thức vận động, đảm bảo phù
hợp tình hình thực tế trên địa bàn, đúng mục đích, hiệu quả, công khai, minh bạch
và phân bố, sử dụng hỗ trợ Nhân dân gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố.
Các nội dung chi hỗ trợ từ nguồn đóng góp tự nguyện được thực hiện theo quy định
tại Điều 11 Nghị định 93/2021/NĐ-CP .
3. Các quỹ từ thiện, các doanh nghiệp, hợp tác xã
và tổ chức khác có tư cách pháp nhân phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện
theo quy định tại Khoản 5, khoản 6 Điều 10 Nghị định số 93/2021/NĐ-CP .
4. Nguồn đóng góp tự nguyện tiếp nhận được của Ban
Vận động các cấp chưa sử dụng hết được sử dụng cho các nhiệm vụ khắc phục khó
khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố của đợt sau. Trường hợp cuối năm tiền đóng
góp tự nguyện còn dư được chuyển sang năm sau để tiếp tục thực hiện.
Điều 8. Công tác tiếp nhận,
phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân nước ngoài
(Thực hiện theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 93/2021/NĐ-CP)
Điều 9. Công tác tiếp nhận,
phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện của Hội Chữ thập đỏ tỉnh
Việc tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự
nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố của Hội Chữ thập
đỏ tỉnh thực hiện theo quy định của Luật hoạt động Chữ thập đỏ và các quy định
pháp luật có liên quan.
Mục 2. QUY ĐỊNH CÁ NHÂN THAM
GIA VẬN ĐỘNG, TIẾP NHẬN, PHÂN PHỐI VÀ SỬ DỤNG NGUỒN ĐÓNG GÓP TỰ NGUYỆN
Thực hiện theo quy định tại Điều 17, Điều 18, Điều
19 Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 của Chính phủ.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Trách nhiệm của UBND
tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và các Cơ quan, đơn vị có
liên quan
1. Ủy ban nhân dân tỉnh
- Cung cấp, cập nhật các thông tin về diễn biến
thiên tai, dịch bệnh, sự cố; tình hình thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, sự cố
trên cổng thông tin điện tử của cơ quan để phục vụ công tác hỗ trợ.
- Giao các cơ quan chuyên môn và UBND các huyện,
thành phố phối hợp thực hiện các nhiệm vụ như sau:
+ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Chủ trì, phối
hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xác định nhu cầu và đề xuất phân bổ kinh
phí, hiện vật đế hỗ trợ cho các đối tượng, gia đình bị ảnh hưởng do thiên tai,
dịch bệnh, sự cố, thực hiện chính sách an sinh xã hội tại các địa phương, vùng
bị thiên tai, dịch bệnh, sự cố đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế; thanh
tra, kiểm tra, theo dõi các vấn đề liên quan đến việc tiếp nhận và sử dụng kinh
phí hỗ trợ thuộc thẩm quyền.
+ Sở Y tế: Chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị
liên quan xác định nhu cầu và đề xuất phân bổ kinh phí để hỗ trợ mua sắm trang
thiết bị, vật tư y tế, hàng hóa cần thiết phòng chống dịch bệnh; hỗ trợ tiền ăn
và chi phí phục vụ sinh hoạt cho các đối tượng phải áp dụng biện pháp cách ly y
tế trong thời gian cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung; người dân gặp khó
khăn do phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo yêu cầu của cơ quan
nhà nước có thẩm quyền; phòng chống bệnh truyền nhiễm ở khu vực bị tác động bởi
thiên tai, dịch bệnh, sự cố theo chức năng, thẩm quyền quy định; thanh tra, kiểm
tra, theo dõi các vấn đề liên quan đến việc tiếp nhận và sử dụng kinh phí hỗ trợ
thuộc thẩm quyền.
+ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì,
phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổng hợp nhu cầu và đề xuất phân bổ
kinh phí, hiện vật để hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, vật tư, trang
thiết bị, nhiên liệu thiết yếu; công cụ, phương tiện sản xuất bị mất, hư hỏng nặng
do thiên tai, sự cố gây ra để phục hồi sản xuất và hỗ trợ cải tạo diện tích đất
sản xuất nông nghiệp bị xói mòn, bồi lấp; sửa chữa, khôi phục công trình phòng,
chống thiên tai, giao thông, thông tin, thủy lợi, cấp nước sinh hoạt...và công
trình hạ tầng thiết yếu khác bị thiệt hại theo chức năng, thẩm quyền quy định;
thanh tra, kiểm tra, theo dõi các vấn đề liên quan đến việc tiếp nhận và sử dụng
kinh phí hỗ trợ thuộc thẩm quyền.
+ Sở Thông tin và Truyền thông: Chủ trì, phối hợp với
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình và các cơ
quan, đơn vị có liên quan thực hiện đưa tin chính xác, kịp thời trong quá trình
vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục
khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố trên địa bàn tỉnh.
+ Sở Tài chính: Phối hợp với các cơ quan, đơn vị
liên quan quản lý theo quy định hiện hành của pháp luật về ngân sách nhà nước
và các văn bản pháp luật có liên quan đối với trường hợp nguồn đóng góp tự nguyện
được chuyển vào ngân sách địa phương; thanh tra, kiểm tra, theo dõi các vấn đề
liên quan đến việc tiếp nhận và sử dụng kinh phí hỗ trợ thuộc thẩm quyền theo
quy định.
+ Các sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công
Thương, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo: Theo chức năng, nhiệm vụ được
giao có trách nhiệm tổng hợp nhu cầu và đề xuất phân bổ kinh phí, hiện vật hỗ
trợ các vấn đề về sửa chữa, xây dựng lại nhà ở, vệ sinh môi trường, cung cấp điện,
nước sinh hoạt, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu, công trình giao
thông, thông tin, trường học... do thiên tai, dịch bệnh, sự cố gây ra; thanh
tra, kiểm tra, theo dõi các vấn đề liên quan đến việc tiếp nhận và sử dụng kinh
phí hỗ trợ thuộc thẩm quyền theo quy định.
+ UBND các huyện, thành phố: Phối hợp với Ủy ban
MTTQ Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ cùng cấp để thực hiện công tác vận động, tiếp
nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó
khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố trên địa bàn đảm bảo theo quy định tại Nghị
định số 93/2021/NĐ-CP và theo Quy chế này. Đồng thời phối hợp với các sở, ngành
và chỉ đạo UBND cấp xã xác định nhu cầu và đề xuất hỗ trợ cho các đối tượng, hộ
gia đình bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh, sự cố trên địa bàn thuộc phạm vi
quản lý; thực hiện tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện theo
chế độ quy định; thanh tra, kiểm tra, theo dõi, giám sát việc tiếp nhận và sử dụng
kinh phí hỗ trợ theo quy định.
+ Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân khác có
liên quan: Theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm chủ động, phối hợp
thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 93/2021/NĐ-CP , Quy chế này và các
quy định của pháp luật liên quan.
2. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh
- Chủ trì, tổ chức phát động kêu gọi, vận động nguồn
đóng góp tự nguyện nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự
cố trên địa bàn.
- Chỉ đạo, hướng dẫn công tác vận động, tiếp nhận,
phân phối và sử dụng tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân và các địa
phương bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, sự cố trên địa bàn tỉnh đảm bảo
theo quy định tại Nghị định số 93/2021/NĐ-CP , Hướng dẫn số 95/HD-MTTW-BTT ngày
04/01/2023 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và theo Quy chế này.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên
quan xây dựng kế hoạch phân phối và sử dụng tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện hỗ
trợ Nhân dân và các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, sự cố đảm
bảo kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch.
- Quản lý, phân phối và sử dụng nguồn vận động đảm
bảo đúng nguyên tắc tài chính, đúng hướng dẫn của cấp trên và các nội dung quy
định tại Quy chế này.
- Công tác giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh
theo quy định tại Hướng dẫn số 95/HD-MTTW-BTT ngày 04/01/2023 của Ủy ban Trung
ương MTTQ Việt Nam
3. Hội Chữ thập đỏ tỉnh
Chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội thực hiện công tác vận
động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng tiền, hàng hóa, nhu yếu phẩm, hiện vật
đóng góp tự nguyện từ các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm đến các đối tượng bị
tổn thương tại các đơn vị, địa phương bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, sự
cố đảm bảo theo quy định của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và các quy định pháp luật
có liên quan.
Điều 11. Hiệu lực thi hành
Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc
phát sinh vấn đề cần sửa đổi, bổ sung, đề nghị cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá
nhân có liên quan kịp thời phản ánh, kiến nghị về UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt
Nam tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh để tổng hợp, tham mưu xem xét, điều chỉnh cho
phù hợp./.
HỘI CHỮ THẬP ĐỎ
CHỦ TỊCH
Bùi Trọng Kỳ
|
UBMTTQ VIỆT NAM
TỈNH
CHỦ TỊCH
Đỗ Việt Anh
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Tống Quang Thìn
|
Nơi nhận:
- Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam;
- Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Ủy ban nhân dân tỉnh;
- UB MTTQ VN tỉnh;
- Các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố;
- Hội Chữ thập đỏ tỉnh;
- UB MTTQ Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, VP5,6.
|
|