UỶ
BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
2-L/CTN
|
Hà
Nội, ngày 26 tháng 2 năm 1998
|
PHÁP LỆNH
CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI SỐ 2-L/CTN NGÀY 26 THÁNG 02
NĂM 1998 VỀ VIỆC THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ
Tiết kiệm là quốc sách. Để quản
lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
trong sản xuất và tiêu dùng, nhằm phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công
nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước;
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 2 về Chương trình xây
dựng luật, pháp lệnh năm 1998;
Pháp lệnh này quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc quản
lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, vốn, tài sản nhà nước và động viên
nhân dân tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng.
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1
Tổ chức,
cá nhân quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, vốn và tài sản nhà nước,
đất đai, trụ sở làm việc, nhà công vụ, tài nguyên thiên nhiên, vốn đầu tư xây dựng,
vốn và tài sản tại doanh nghiệp nhà nước phải thực hành tiết kiệm, chống lãng
phí theo quy định của Pháp lệnh này.
Mọi công dân có nghĩa vụ thực
hành tiết kiệm trong sản xuất, tiêu dùng để dành vốn cho đầu tư phát triển, thực
hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Điều 2
Trong Pháp
lệnh này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau :
1. Tiết kiệm là sử dụng nguồn lực
tài chính, lao động và các nguồn lực khác ở mức thấp hơn định mức, tiêu chuẩn,
chế độ quy định nhưng vẫn đạt được mục tiêu đã xác định hoặc sử dụng đúng định
mức, tiêu chuẩn, chế độ quy định nhưng đạt hiệu quả cao hơn mục tiêu đã xác định.
2. Lãng phí là sử dụng nguồn lực
tài chính, lao động và các nguồn lực khác vượt quá định mức, tiêu chuẩn, chế độ
do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định hoặc sử dụng đúng định mức, tiêu chuẩn,
chế độ, nhưng chất lượng đạt thấp hơn hoặc không đúng mục tiêu đã xác định.
3. Kinh phí ngân sách nhà nước
là số tiền từ ngân sách nhà nước được sử dụng cho các nhiệm vụ, mục tiêu xác định
trong dự toán ngân sách nhà nước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền duyệt.
4. Vốn và tài sản nhà nước bao gồm
vốn, kinh phí ngân sách nhà nước cấp; vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước;
tài sản hình thành từ nguồn vốn của ngân sách nhà nước; vốn tín dụng nhà nước;
các khoản viện trợ nước ngoài; nguồn lực đóng góp của nhân dân; đất đai; nhà,
các công trình kiến trúc khác thuộc sở hữu nhà nước; tài nguyên thiên nhiên;
các khoản tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước.
5. Quỹ trái phép là quỹ được lập
không đúng quy định của Nhà nước, nhằm sử dụng vào mục đích riêng của tổ chức
hoặc một số cá nhân, trốn tránh sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có
thẩm quyền.
6. Tổ chức bao gồm cơ quan nhà
nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức
chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp
nhà nước và các tổ chức kinh tế khác.
Điều 3
Việc phân
bổ, sử dụng vốn và tài sản nhà nước phải được thực hiện theo quy chế xét duyệt,
cấp phát và quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm
quyền ban hành, bảo đảm tiết kiệm, công bằng và công khai theo quy định của
pháp luật.
Người đứng đầu tổ chức được giao
quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước phải có các biện pháp để thực hành tiết
kiệm, chống lãng phí và chịu trách nhiệm về những hành vi gây lãng phí trong phạm
vi chức năng quản lý của mình.
Điều 4
Cán bộ,
công chức gây lãng phí vốn và tài sản nhà nước thì tuỳ theo tính chất, mức độ
vi phạm mà phải chịu trách nhiệm vật chất, bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu
trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của
pháp luật.
Cá nhân gây lãng phí vốn và tài
sản nhà nước thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc
bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy
định của pháp luật.
Điều 5
Tổ chức,
cá nhân có trách nhiệm phát hiện và báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về
những hành vi gây lãng phí trong việc sử dụng vốn và tài sản nhà nước.
Điều 6
1. Chính
phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, chính quyền địa phương xây dựng quy chế về tổ chức lễ
hội, đám cưới, đám tang và các quy chế khác, bảo đảm giữ gìn thuần phong mỹ tục
Việt Nam, tiết kiệm tiền của, thời gian của nhân dân, chống việc lợi dụng tín
ngưỡng, tôn giáo, phong tục tập quán để thu lợi bất chính.
2. Các Bộ,
cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân
các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong phạm vi chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn và vận động
nhân dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất và tiêu dùng, trong
các hoạt động văn hoá, lễ hội, đám cưới, đám tang và các hoạt động khác.
3. Cơ quan thông tin, báo chí có
trách nhiệm tuyên truyền gương người tốt, việc tốt trong việc thực hành tiết kiệm,
chống lãng phí; đấu tranh, phê phán các hành vi lãng phí trong sản xuất và tiêu
dùng theo quy định của pháp luật.
Chương 2:
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ
THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ
Mục 1: THỰC
HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ TRONG VIỆC SỬ DỤNG CÁC KHOẢN CHI THƯỜNG XUYÊN CỦA
NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Điều 7
Việc thành
lập mới, sáp nhập, chia, tách tổ chức, việc điều chỉnh địa giới các đơn vị hành
chính phải gắn với nhu cầu thực tế, bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc
phòng, an ninh và thực hiện triệt để tiết kiệm, chống lãng phí.
Điều 8
1. Việc
giao biên chế, quỹ lương phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của tổ
chức. Các tổ chức phải thực hiện đúng những quy định của Nhà nước về biên chế
và tiền lương.
Nghiêm cấm việc tuyển dụng lao động
vượt quá biên chế, chi trả tiền lương vượt quá quỹ tiền lương do cơ quan nhà nước
có thẩm quyền giao.
2. Việc tuyển dụng lao động theo
hợp đồng dài hạn của các tổ chức phải theo đúng quy định của cơ quan nhà nước
có thẩm quyền và không làm vượt tổng quỹ tiền lương được giao.
3. Quyết định
tuyển dụng lao động, nâng bậc, chuyển ngạch, nâng ngạch hoặc chi trả tiền lương
sai quy định phải bị huỷ bỏ; nếu gây thiệt hại thì người ra quyết định đó phải
bồi thường.
Điều 9
1. Các tổ
chức có sử dụng lao động phải bố trí, sắp xếp lao động hợp lý. Người lao động
phải thực hiện đúng thời gian lao động và kỷ luật lao động theo quy định của Bộ
luật lao động, Pháp lệnh cán bộ, công chức.
2. Người đứng đầu tổ chức có
trách nhiệm trả lương, trả công cho người lao động theo quy định của pháp luật.
Cá nhân vi phạm quy định về thời gian lao động và kỷ luật lao động bị xử lý
theo quy định của Bộ luật lao động, Pháp lệnh cán bộ, công chức.
Điều 10
1. Thiết
bị, phương tiện và các tài sản khác được trang bị trong các tổ chức phải theo
đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
Việc mua thiết bị, phương tiện và các tài sản khác mà phải đấu thầu thì phải được
thực hiện theo quy định về đấu thầu.
2. Thiết bị, phương tiện và các
tài sản khác được mua bằng kinh phí ngân sách nhà nước phải là hàng sản xuất
trong nước, trừ trường hợp hàng sản xuất trong nước có cùng chất lượng với hàng
sản xuất ở nước ngoài nhưng giá cao hơn hoặc có cùng mức giá nhưng chất lượng
thấp hơn.
3. Người quyết
định mua thiết bị, phương tiện và các tài sản khác không thực hiện theo đúng
các quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì bị xử lý theo quy định của
pháp luật.
Điều 11
Việc mua,
sử dụng phương tiện đi lại phục vụ công tác phải thực hiện đúng định mức, tiêu
chuẩn, chế độ, chủng loại và giới hạn mức giá trần tối đa theo quy định của
Chính phủ.
Chính phủ quy
định cụ thể việc xử lý những trường hợp sử dụng phương tiện đi lại vượt quá định
mức, không đúng tiêu chuẩn, chế độ, chủng loại quy định đối với những phương tiện
đi lại được mua trước ngày Pháp lệnh này có hiệu lực.
Điều 12
1. Việc lắp
đặt, sử dụng phương tiện thông tin liên lạc tại công sở và tại nhà riêng của
cán bộ, công chức phải theo đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước
có thẩm quyền quy định và dự toán đã được duyệt.
2. Phương tiện thông tin liên lạc
tại công sở chỉ được sử dụng vào mục đích công vụ, nếu sử dụng vào việc riêng
thì người sử dụng phải trả tiền. Người sử dụng phương tiện thông tin liên lạc của
tổ chức tại nhà riêng vượt quá định mức, tiêu chuẩn, chế độ quy định thì phải
trả khoản tiền vượt quá định mức.
Điều 13
Việc chi
thường xuyên phải thực hiện theo đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan
nhà nước có thẩm quyền quy định và không vượt quá mức dự toán đã được duyệt.
Người quyết định việc chi thường
xuyên không đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ, vượt quá dự toán đã được duyệt
thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 14
1. Việc cử
cán bộ, công chức đi công tác phải có kế hoạch và phải thực hiện theo yêu cầu của
công việc, đúng mục đích, bảo đảm hiệu quả.
2. Việc chi
công tác phí phải theo đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có
thẩm quyền quy định và dự toán đã được duyệt.
Điều 15
1. Việc tổ
chức hội nghị phải theo đúng kế hoạch, bảo đảm tiết kiệm thời gian và kinh phí
của Nhà nước.
2. Việc chi
tổ chức hội nghị phải theo đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước
có thẩm quyền quy định và dự toán đã được duyệt.
3. Kinh phí hội nghị trong dự
toán hàng năm của tổ chức thụ hưởng ngân sách nhà nước sử dụng không hết do thực
hiện các biện pháp tiết kiệm có hiệu quả được chuyển chi cho các công việc khác
theo quy định của Chính phủ.
Điều 16
1. Các khoản
chi tiếp khách, khánh tiết phải thực hiện theo chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm
quyền quy định và dự toán đã được duyệt.
2. Việc tổ
chức lễ kỷ niệm, lễ hội của tổ chức hoặc của địa phương phải theo đúng định mức,
tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
3. Việc sử
dụng công quỹ để tặng, thưởng cho tổ chức, cá nhân phải thực hiện theo đúng quy
định của Chính phủ; nếu chi vượt quá định mức, tiêu chuẩn, chế độ thì người quyết
định chi phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân
sử dụng công quỹ để chi ngoài chế độ quy định.
Điều 17
Tổ chức,
cá nhân không được sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước để chi cho việc tổ chức
lễ động thổ, lễ khởi công, lễ khánh thành các công trình, trừ trường hợp đặc biệt
do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Điều 18
Nghiêm cấm
việc lập quỹ trái phép.
Mọi quỹ trái phép đều bị thu hồi
và phải nộp vào ngân sách nhà nước; người quyết định lập quỹ trái phép, người sử
dụng quỹ trái phép bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 19
Các khoản
chi hỗ trợ từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới, các khoản chi hỗ trợ
cho các doanh nghiệp phải được phân phối, sử dụng theo đúng quy định về phân cấp
quản lý ngân sách và các định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm
quyền quy định.
Điều 20
Chính phủ
quy định thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với các khoản chi đặc biệt về
quốc phòng, an ninh.
Mục 2: THỰC
HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ TRONG ĐẦU TƯ XÂY DỰNG
Điều 21
Việc duyệt
quy hoạch, kế hoạch đầu tư và bố trí vốn đầu tư phải bảo đảm hiệu quả kinh tế -
xã hội và phù hợp với khả năng của nền kinh tế.
Các dự án đầu tư được duyệt phải
nằm trong quy hoạch do cấp có thẩm quyền phê chuẩn.
Quyết định đầu tư phải trên cơ sở
dự án đã được xây dựng theo đúng quy định về quản lý đầu tư xây dựng, phù hợp với
khả năng tài chính trong từng giai đoạn.
Mọi quyết định đầu tư không nằm
trong quy hoạch được duyệt, không đúng quy trình lập, thẩm định dự án phải bị
đình chỉ. Người quyết định đầu tư sai thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 22
Việc lập,
thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật các dự án đầu tư phải thực hiện theo các
định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; người
có thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật dự án đầu tư nếu gây
lãng phí thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 23
1. Việc thẩm
định, phê duyệt tổng dự toán công trình phải căn cứ vào các định mức, tiêu chuẩn
kinh tế - kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và phải phù hợp với
thiết kế kỹ thuật được duyệt.
2. Việc đấu
thầu xây dựng công trình phải tuân theo quy chế đấu thầu.
3. Người có thẩm quyền phê duyệt
tổng dự toán hoặc kết quả đấu thầu mà vi phạm các quy định tại khoản 1 và khoản
2 Điều này thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 24
Việc đầu
tư, thi công công trình phải bảo đảm đúng thiết kế kỹ thuật, đúng tiến độ thi
công và dự toán hoặc giá trúng thầu công trình đã được phê duyệt.
Người thi công công trình nếu
kéo dài thời gian thi công, thi công sai thiết kế kỹ thuật, sử dụng nguyên liệu,
nhiên liệu, vật liệu không đúng tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật, làm giảm chất
lượng công trình, gây lãng phí thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 25
Việc cấp,
cho vay vốn phải thực hiện đúng tiến độ, dự toán công trình hoặc giá trúng thầu;
việc kiểm tra, giám sát và quyết toán công trình phải thực hiện theo các quy định
về quản lý vốn đầu tư xây dựng.
Người có thẩm quyền mà cấp vốn,
cho vay vốn vượt quá dự toán, giá trúng thầu thì bị xử lý theo quy định của
pháp luật, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định.
Mục 3: THỰC
HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ TRONG VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI, TRỤ SỞ LÀM
VIỆC, NHÀ CÔNG VỤ VÀ TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN
Điều 26
Việc lập
quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quyết định giao đất, cho thuê đất đối với tổ
chức, cá nhân phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đất đai.
Đất được giao hoặc cho thuê
không đúng thẩm quyền, sai mục đích sử dụng, vượt quá định mức, tiêu chuẩn, chế
độ thì bị thu hồi; người vi phạm các quy định về giao đất, cho thuê đất bị xử
lý theo quy định của pháp luật.
Điều 27
Tổ chức,
cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất phải sử dụng đất tiết kiệm và đúng
mục đích ghi trong quyết định giao đất, cho thuê đất, giấy chứng nhận quyền sử
dụng đất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Trong mọi trường hợp, đất được
giao hoặc cho thuê mà không được sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích theo
quy định của pháp luật đều bị thu hồi.
Điều 28
Trụ sở
làm việc, nhà công vụ và các công trình kiến trúc khác phải được sử dụng theo
đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; nếu
vượt quá thì phải được sắp xếp, điều chỉnh lại cho hợp lý. Trụ sở làm việc, nhà
công vụ không được đưa vào sử dụng thì bị thu hồi.
Việc giao trụ sở làm việc, nhà
công vụ và các công trình kiến trúc khác cho các tổ chức, cá nhân sử dụng phải
theo đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
Điều 29
Việc quản
lý, khai thác khoáng sản và các tài nguyên thiên nhiên khác phải thực hiện theo
quy định của pháp luật và quy trình công nghệ, quy phạm kỹ thuật, tiêu chuẩn, định
mức kinh tế - kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
Mọi trường hợp vi phạm các quy định
về thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên gây lãng phí, làm tổn thất
tài nguyên thiên nhiên, phá huỷ môi trường đều bị xử lý theo quy định của pháp
luật.
Mục 4: THỰC
HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ TRONG QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VỐN VÀ TÀI SẢN TẠI DOANH
NGHIỆP NHÀ NƯỚC
Điều 30
1. Doanh
nghiệp nhà nước có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định về quản lý tài chính
của Chính phủ.
2. Căn cứ vào các quy định về quản
lý tài chính của Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước ban hành định mức, quy chế
chi hành chính, chi tiếp khách, hội họp, giao dịch theo quy mô tổ chức và yêu cầu
sản xuất, kinh doanh của mình. Doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện chi quản lý
theo đúng định mức, quy chế đã ban hành và không được vượt quá mức khống chế của
Chính phủ; người quyết định chi vượt quá mức quy định thì bị xử lý theo quy định
của pháp luật.
Điều 31
Doanh
nghiệp nhà nước phải thực hiện đúng các các quy định về chế độ tiền lương và định
mức khống chế tiền lương do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Nghiêm cấm
việc sử dụng quỹ tiền lương để chi cho các mục đích khác.
Người có thẩm quyền duyệt, thực
hiện chi sai chế độ tiền lương thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 32
Việc lập
và sử dụng các quỹ của doanh nghiệp nhà nước, việc sử dụng các khoản kinh phí
được cấp từ ngân sách nhà nước phải thực hiện theo quy định của cơ quan nhà nước
có thẩm quyền.
Quỹ đã lập trái phép phải được
thu hồi và nộp vào ngân sách nhà nước. Người quyết định lập quỹ trái phép thì bị
xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 33
Việc mua
thiết bị, phương tiện và các tài sản khác phục vụ quản lý hành chính trong
doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện theo quy định của Chính phủ. Thiết bị,
phương tiện và các tài sản khác được trang bị trong doanh nghiệp nhà nước vượt
quá định mức, tiêu chuẩn, chế độ quy định thì bị xử lý theo quy định của Chính
phủ.
Điều 34
Doanh
nghiệp nhà nước có trách nhiệm sử dụng diện tích nhà, đất đúng mục đích được
ghi trong quyết định giao đất, cho thuê đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp; nếu sử dụng nhà, đất sai mục đích thì bị
xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 35
Doanh
nghiệp nhà nước có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định về hạch toán, kế
toán, thống kê; nghiêm cấm việc giả mạo chứng từ, để ngoài sổ sách kế toán tài
sản, vật tư, tiền vốn và kinh phí; người vi phạm thì bị xử lý theo quy định của
pháp luật.
Chương 3:
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA
CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
Điều 36
Uỷ ban
thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các uỷ ban của Quốc hội có trách nhiệm
giám sát các cơ quan, tổ chức trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Điều 37
Trong việc
thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chính phủ có những nhiệm vụ và quyền hạn
sau đây :
1. Chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang
Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định của Pháp lệnh này và
các quy định khác của pháp luật;
2. Xây dựng, ban hành, sửa đổi,
bổ sung các định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức, tiêu chuẩn, chế độ sử dụng
kinh phí ngân sách nhà nước, vốn và tài sản nhà nước phù hợp với điều kiện kinh
tế - xã hội trong từng thời kỳ;
3. Chỉ đạo, tổ chức công tác
thanh tra, kiểm tra việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Điều 38
Trong việc
thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cơ quan Thanh tra, Điều tra, Viện kiểm
sát, Toà án có trách nhiệm phối hợp với các tổ chức hữu quan để thanh tra, điều
tra, kiểm sát, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi gây lãng
phí vốn, tài sản nhà nước.
Điều 39
Trong việc
thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ Tài chính có những nhiệm vụ và quyền hạn
sau đây :
1. Xây dựng, ban hành, sửa đổi,
bổ sung hoặc trình Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung các định mức, tiêu chuẩn,
chế độ tài chính về quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, vốn và tài
sản nhà nước; ban hành quy chế, thủ tục kiểm soát chi; quy định về chế độ báo
cáo tài chính công khai và quy trình quản lý, sử dụng tài sản công;
2. Tổ chức thực hiện công tác
thanh tra, kiểm tra việc phân bổ và chi ngân sách nhà nước, việc quản lý, phân
phối, sử dụng tài sản công, cấp vốn cho đầu tư xây dựng, việc quản lý, sử dụng
vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp;
3. Xây dựng, trình Chính phủ ban
hành kế hoạch, chương trình tổ chức triển khai việc thực hành tiết kiệm, chống
lãng phí; thực hiện chế độ định kỳ báo cáo về tình hình thực hành tiết kiệm, chống
lãng phí trong quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, vốn và tài sản nhà
nước.
Điều 40
Trong việc
thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc
Chính phủ có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây :
1. Chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền
quản lý tổ chức triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;
2. Rà soát hệ thống định mức
kinh tế - kỹ thuật thuộc thẩm quyền quản lý; phối hợp với Bộ Tài chính trong việc
ban hành, sửa đổi, bổ sung hoặc trình Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung các
định mức, tiêu chuẩn, chế độ để áp dụng thống nhất trong cả nước;
3. Tổ chức thực hiện công tác
thanh tra, kiểm tra việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với các đơn vị
thuộc quyền quản lý.
Điều 41
Trong việc
thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Ban tổ chức - cán bộ Chính phủ có những
nhiệm vụ và quyền hạn sau đây :
1. Ban hành, sửa đổi, bổ sung
các quy định về chế độ trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc thực hành
tiết kiệm, chống lãng phí;
2. Phối hợp với Bộ Tài chính xây
dựng, trình Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung chế độ sử dụng phương tiện,
nhà công vụ đối với cán bộ, công chức;
3. Kiểm tra việc thực hiện biên
chế và quỹ lương của cán bộ, công chức do ngân sách nhà nước cấp.
Điều 42
Trong việc
thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Hội đồng nhân dân các cấp có những nhiệm vụ
và quyền hạn sau đây :
1. Quyết định dự toán và phân bổ
ngân sách địa phương theo định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có
thẩm quyền quy định, bảo đảm tiết kiệm, chống lãng phí;
2. Phê chuẩn quyết toán ngân
sách địa phương bảo đảm yêu cầu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;
3. Giám sát việc tổ chức thực hiện
các quy định của Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở địa phương;
4. Thực hiện công khai về phân bổ
ngân sách đối với đơn vị dự toán cấp dưới trực tiếp; giám sát việc thực hiện
công khai tài chính trong việc quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, vốn
và tài sản nhà nước ở địa phương;
5. Phối hợp với tổ chức chính trị,
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc giám sát thực
hành tiết kiệm, chống lãng phí và công khai tài chính ở địa phương.
Điều 43
Trong việc
thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Uỷ ban nhân dân các cấp có những nhiệm vụ
và quyền hạn sau đây :
1. Tổ chức triển khai thực hiện
Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở địa phương;
2. Tổ chức thực hiện các quy định
về quản lý ngân sách, quản lý đầu tư xây dựng, quản lý tài sản công; kiểm tra
việc sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp nhà nước theo quy định về phân cấp
quản lý;
3. Thực hiện công khai tài chính
trong việc quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, vốn và tài sản nhà nước
ở địa phương;
4. Thực hiện việc kiểm tra, đánh
giá và báo cáo định kỳ về tình hình thực hiện Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống
lãng phí ở địa phương.
Điều 44
Tổ chức,
cá nhân quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước có trách nhiệm :
1. Chấp hành các định mức, tiêu
chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định;
2. Chấp hành các quy định về quản
lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật;
3. Thực hiện công khai các khoản
chi;
4. Xây dựng kế hoạch và các biện
pháp tổ chức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kịp thời khắc phục và xử lý
các trường hợp gây lãng phí; định kỳ báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý cấp
trên.
Điều 45
Doanh
nghiệp nhà nước có trách nhiệm :
1. Chấp hành các định mức kinh tế
- kỹ thuật, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định;
2. Xây dựng và thực hiện các định
mức, tiêu chuẩn cụ thể về sử dụng vốn, tiết kiệm vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu,
vật liệu, chi quản lý trong doanh nghiệp;
3. Thực hiện chế độ báo cáo và
công khai tài chính doanh nghiệp, công khai hệ thống định mức, tiêu chuẩn, chế
độ chi hành chính, các khoản mua thiết bị văn phòng, ô tô của doanh nghiệp; tạo
thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và của
người lao động trong doanh nghiệp về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;
4. Xây dựng kế hoạch và biện
pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tổ chức kiểm tra việc thực hành tiết
kiệm, chống lãng phí trong các đơn vị thuộc doanh nghiệp; xử lý các trường hợp
gây lãng phí trong doanh nghiệp; định kỳ báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý cấp
trên.
Điều 46
Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệm :
1. Tổ chức tuyên truyền, vận động
và hướng dẫn nhân dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất và
tiêu dùng;
2. Giám sát việc thực hành tiết
kiệm, chống lãng phí tại các tổ chức sử dụng vốn và tài sản nhà nước; giám sát
việc xử lý các hành vi gây lãng phí;
3. Động viên mọi tổ chức, cá
nhân tích cực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Chương 4:
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI
PHẠM
Điều 47
Tổ chức,
cá nhân có thành tích trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì được
khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Điều 48
Nhà nước
khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Số tiền mang lại từ việc tiết kiệm
các khoản chi thường xuyên của tổ chức thụ hưởng ngân sách nhà nước được chuyển
chi cho các mục đích khác theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
Chính phủ quy định cụ thể việc
khoán chi và khuyến khích vật chất trong các trường hợp tiết kiệm kinh phí ngân
sách nhà nước.
Điều 49
Người nào
vi phạm quy định của Pháp lệnh này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị
xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu
gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Điều 50
Người bao
che, cản trở việc phát hiện, xử lý, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, xử
lý người có hành vi lãng phí, có hành vi trả thù, trù dập người tố cáo hành vi
lãng phí, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị
truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chương 5:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 51
Pháp lệnh
này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 5 năm 1998.
Các quy định trước đây trái với Pháp
lệnh này đều bãi bỏ.
Điều 52
Chính phủ
quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này.