HỘI NÔNG DÂN VIỆT
NAM
BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
******
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
05/2006/NQLT-HND-BNN
|
Hà Nội, ngày 03
tháng 08 năm 2006
|
NGHỊ QUYẾT LIÊN TỊCH
VỀ VIỆC HỖ TRỢ NÔNG DÂN PHÁT TRIỂN KINH TẾ NÔNG NGHIỆP VÀ
XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc
lần thứ X của Đảng và các Chương trình hành động của Chính phủ, của Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn và Hội Nông dân Việt Nam giai đoạn 2001 – 2010;
trên cơ sở những kinh nghiệm và kết quả phối hợp hoạt động giữa Trung ương Hội
Nông dân Việt Nam & Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2001 –
2005. Trung ương Hội Nông dân Việt Nam với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn (sau đây gọi tắt là 2 ngành) thống nhất ban hành Nghị quyết liên tịch về
việc: Hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông
thôn mới giai đoạn 2006 – 2010, với nội dung cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU:
1. Động viên, hỗ trợ, tư
vấn hội viên, nông dân thi đua phát triển sản xuất, đẩy mạnh tham gia ứng dụng
khoa học công nghệ, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, kinh tế
nông thôn; đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất; tạo việc
làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện
đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
2. Nâng cao nhận thức và
trình độ cho hội viên, nông dân và cán bộ Hội Nông dân các cấp về chủ trương,
chính sách, pháp luật, kiến thức văn hóa, khoa học, trình độ sản xuất và tay
nghề, giúp nông dân vươn lên làm giàu chính đáng; hạn chế tình trạng di dân tự
do; tăng cường khối đoàn kết, tập hợp nông dân xây dựng tổ chức Hội Nông dân
ngày càng vững mạnh.
3. Tạo môi trường bồi dưỡng,
đào tạo lớp nông dân để thích nghi với cơ chế thị trường, có kiến thức, tay nghề
sản xuất và năng lực quản lý, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp sản
xuất hàng hóa có chất lượng cao.
II. NỘI
DUNG
Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chỉ đạo các đơn vị có liên quan
trực thuộc hai bên tạo điều kiện thuận lợi phối hợp, hỗ trợ trong hoạt động nhằm
đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế
nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Trong giai đoạn 2006 – 2010 hai bên tập
trung vào một số lĩnh vực sau:
1. Đẩy mạnh
tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát
triển nông nghiệp, nông thôn.
- Phổ biến cho hội viên, nông
dân các chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn và
những chính sách đối với nông dân; định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn
giai đoạn 2006 – 2010 của Nhà nước và của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
- Các đơn vị chức năng của Bộ
Nông nghiệp và PTNT (Vụ Khoa học công nghệ, các cơ quan nghiên cứu về nông, lâm
nghiệp, Trung tâm Tin học và Thống kê, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục Trồng
trọt, Cục Chăn nuôi, Cục Lâm nghiệp, Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối…)
phối hợp với các Ban và Đơn vị trực thuộc Hội Nông dân Việt Nam cung cấp thông
tin thị trường, điển hình tiên tiến trong sản xuất, quản lý, kinh doanh, tiến bộ
khoa học công nghệ mới… cho hội viên nông dân.
- Định kỳ phối hợp tổ chức các
hoạt động: Nhà nông đua tài, hội thi nông dân sản xuất giỏi, câu lạc bộ trang
trại, câu lạc bộ khuyến nông, nhóm nông dân cùng sở thích…
- Phối hợp in ấn tài liệu để phổ
biến tiến bộ kỹ thuật và những chủ trương, chính sách, chỉ thị, quyết định có
liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân của hai bên.
2. Đẩy mạnh ứng
dụng và chuyển giao khoa học công nghệ mới vào sản xuất, thúc đẩy phong trào
xây dựng cánh đồng, trang trại, gia trại, hộ gia đình đạt hiệu quả kinh tế cao ở
nhiều vùng, nhiều địa phương trong cả nước.
2.1. Tăng cường tập
huấn kỹ thuật và chuyển giao khoa học công nghệ mới vào sản xuất, thúc đẩy
phong trào xây dựng cánh đồng, hộ gia đình, trang trại, gia trại đạt 50 triệu đồng/ha
ở nhiều vùng trong cả nước.
2.2. Xây dựng mô
hình chuyển giao khoa học công nghệ mới trong sản xuất nông – lâm nghiệp, kinh
tế hợp tác xã, phát triển ngành nghề, chế biến, bảo quản nông lâm sản và dịch vụ
nông thôn:
- Phối hợp,
hướng dẫn, vận động hội viên đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ứng dụng khoa
học công nghệ thông qua chương trình khuyến nông, tích cực tham gia phong trào
xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm, hộ thu nhập 50 triệu đồng/năm.
- Phối hợp
chỉ đạo triển khai câu lạc bộ khuyến nông, nhóm nông dân cùng sở thích, làm hạt
nhân trong việc xây dựng mô hình trình diễn, chuyển giao khoa học và vận động
nông dân phát triển, nhân rộng.
- Phối hợp
tổ chức tổng kết, nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả, đặc biệt là những điển
hình làm kinh tế giỏi ở nông thôn.
- Tăng
cường phối hợp xây dựng mô hình phát triển nghề truyền thống, nghề mới, chế biến,
bảo quản nông – lâm sản và dịch vụ…
3. Phối hợp
xây dựng, triển khai định hướng về phát triển nông nghiệp và nông thôn; chương
trình, dự án do ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý và các dự án
có liên quan.
3.1. Phối hợp
nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách phát triển nông
nghiệp, nông thôn; xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn
2006 – 2010.
3.2. Phối hợp thực
hiện các chương trình, dự án mục tiêu quốc gia: Chương trình khuyến nông hướng
dẫn người nghèo cách làm ăn (thuộc chương trình xóa đói giảm nghèo); chương
trình trồng mới 5 triệu hecta rừng, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường;
phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.
3.3. Bộ Nông nghiệp
và PTNT tư vấn, thẩm định giúp Hội Nông dân Việt Nam xây dựng và thực hiện các
dự án phù hợp với Hội từ nguồn kinh phí của Chính phủ và Quốc tế.
4. Phối hợp
tổ chức các phong trào thi đua hành động cách mạng trong nông dân; tôn vinh,
khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong phát triển nông nghiệp,
nông thôn và công tác Hội.
4.1. Phối hợp chỉ
đạo và đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết
giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu, đưa phong trào phát triển mạnh mẽ, rộng
khắp, bền vững và đem lại hiệu quả thiết thực. Tăng cường tổ chức các hoạt động
hội thi: Nhà nông đua tài, nông dân sản xuất giỏi, câu lạc bộ khuyến nông hoặc
câu lạc bộ nông dân… nhằm đưa nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, giới thiệu
những kinh nghiệm giỏi, cách làm mới cho nông dân học tập và ứng dụng.
4.2. Kịp thời biểu
dương các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong sản xuất và công tác hội
trên các phương tiện thông tin đại chúng. Định kỳ tổ chức hội nghị gặp mặt nông
dân sản xuất giỏi, nông dân sáng tạo.
5. Cùng nhau phối
hợp xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, tiến bộ, hiện đại; nâng cao
trình độ cho nông dân và cán bộ Hội Nông dân Việt Nam.
6. Cùng nhau phối
hợp, tạo điều kiện để phát triển hội viên, mạng lưới kỹ thuật viên, xây dựng Hội
Nông dân là trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân; xây dựng các cơ
quan, đơn vị, trung tâm… của Ngành nông nghiệp ngày càng vững mạnh, gắn bó, phục
vụ tốt nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trách nhiệm chung
- Hai bên có trách nhiệm phối hợp
và hỗ trợ lẫn nhau để phổ biến, quán triệt, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết liên tịch
trong Ngành Nông nghiệp và PTNT và Hội Nông dân các cấp trên phạm vi cả nước.
- Thực hiện tốt công tác kiểm
tra, đánh giá, kịp thời chỉ đạo, đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ở cơ
sở, đảm bảo chế độ thông tin, báo cáo về cơ quan thường trực của hai bên.
- Hàng năm tiến hành tổ chức sơ
kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch, xây dựng kế hoạch
hoạt động cho năm tiếp theo.
2. Trách nhiệm Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc
Bộ, Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với tổ chức Hội
Nông dân các cấp thực hiện tốt các nội dung Nghị quyết liên tịch.
- Hàng năm, căn cứ vào đề xuất của
Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và PTNT giao cho các đơn vị liên quan trực
thuộc Bộ phối hợp với Hội Nông dân các cấp xây dựng và triển khai các nội dung
cụ thể, phù hợp theo lĩnh vực được phân công quản lý.
Giao Trung tâm Khuyến nông Quốc
gia thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT là đơn vị thường trực phối hợp thực hiện Nghị
quyết liên tịch.
3. Trách nhiệm của Trung ương
Hội Nông dân Việt Nam
- Triển khai quán triệt Nghị quyết
liên tịch đến các cấp Hội, tổ chức hình thức hoạt động phù hợp để triển khai có
hiệu quả các nội dung của Nghị quyết liên tịch.
- Đầu quý III hàng năm, Hội Nông
dân Việt Nam đề xuất kế hoạch phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Nông
nghiệp và PTNT đề xuất những chương trình, dự án, hoạt động cần thiết để Ngành
Nông nghiệp và PTNT chủ động phối hợp với Hội nông dân Việt Nam.
Giao Trung tâm Hỗ trợ nông dân,
nông thôn thuộc TƯ Hội Nông dân Việt Nam là đơn vị thường trực phối hợp thực hiện
Nghị quyết liên tịch.
Nghị quyết liên tịch đã được thống
nhất giữa 2 Ngành và có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng trên Công báo./.
BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG
THÔN
BỘ TRƯỞNG
Cao Đức Phát
|
TM. HỘI NÔNG DÂN
VIỆT NAM
CHỦ TỊCH
Vũ Ngọc Kỳ
|