HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH SÓC TRĂNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
11/2024/NQ-HĐND
|
Sóc Trăng, ngày
11 tháng 7 năm 2024
|
NGHỊ QUYẾT
QUY ĐỊNH NỘI DUNG,
NHIỆM VỤ CHI DUY TU, BẢO DƯỠNG VÀ XỬ LÝ CẤP BÁCH SỰ CỐ ĐÊ ĐIỀU HỆ THỐNG ĐÊ ĐIỀU
DO ĐỊA PHƯƠNG QUẢN LÝ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ 22
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính
phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6
năm 2015;
Căn cứ Luật Đê điều ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê
điều ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 113/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng
6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng thi hành một số điều của
Luật Đê điều;
Căn cứ Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06/7/2021
của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống
thiên tai và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai
và Luật Đê điều.
Căn cứ Thông tư số 68/2020/TT-BTC ngày 15 tháng
7 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và thanh quyết
toán kinh phí chi thường xuyên thực hiện duy tu, bảo dưỡng đê điều và xử lý cấp
bách sự cố đê điều;.
Xét Tờ trình số 87/TTr-UBND ngày 26 tháng 6 năm
2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng về việc quy định nội dung, nhiệm vụ chi
duy tu, bảo dưỡng và xử lý cấp bách sự cố đê điều hệ thống đê điều do địa phương
quản lý trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; Báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế - ngân
sách và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thống nhất thông qua quy định nội
dung, nhiệm vụ chi duy tu, bảo dưỡng và xử lý cấp bách sự cố đê điều hệ thống
đê điều do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, với những nội dung
cụ thể sau:
1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này quy định nội dung, nhiệm vụ chi duy
tu, bảo dưỡng và xử lý cấp bách sự cố đê điều hệ thống đê điều do địa phương
quản lý trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
2. Đối tượng áp dụng
Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan
đến việc quản lý, thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng và xử lý cấp bách sự cố
đê điều hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
3. Nội dung chi duy tu, bảo dưỡng đê điều
a) Sửa chữa, cải tạo, gia cố mặt đê.
b) Sửa chữa, gia cố đường gom, đường hành lang chân
đê, dốc lên xuống đê trong phạm vi bảo vệ đê điều.
c) Sửa chữa và trồng cỏ mái đê, cơ đê, chân đê, mái
kè.
d) Đắp đất, trồng cây chắn sóng.
đ) Khảo sát, phát hiện và xử lý mối và các ẩn họa
trong thân đê; khoan phụt vữa gia cố chất lượng thân đê.
e) Kiểm tra đánh giá chất lượng cống dưới đê; xử lý
các hư hỏng nhỏ; nạo vét thượng, hạ lưu của cống dưới đê.
g) Kiểm tra hiện trạng kè bảo vệ đê; chi tu sửa các
hư hỏng nhỏ của kè.
h) Bổ sung, sửa chữa các công trình phục vụ việc
quản lý, bảo vệ đê điều: cột mốc trên đê; cột chỉ giới, cột thủy chí; biển báo
đê; trạm và thiết bị quan trắc; kho, bãi chứa vật tư dự phòng bão, lũ.
i) Sửa chữa các công trình phục vụ việc quản lý,
bảo vệ đê điều: Công trình phân lũ, làm chậm lũ; công trình tràn sự cố; giếng
giảm áp; điểm canh đê.
k) Bổ sung, bảo dưỡng, thu gom vật tư dự trữ phòng,
chống lụt bão liên quan đến đê điều thuộc nhiệm vụ của tỉnh.
l) Khảo sát địa hình, địa chất, khảo sát mặt cắt cố
định ngang sông định kỳ, đo đạc sơ họa diễn biến lòng dẫn; đo đạc diễn biến bãi
biển trước đê; bổ sung cơ sở dữ liệu về đê điều phục vụ công tác quản lý đê
điều và phòng, chống lụt bão.
m) Các công việc khác có liên quan trực tiếp tới
công tác duy tu, bảo dưỡng đê điều theo quy định tại Luật Đê điều, pháp luật có
liên quan và được cấp có thẩm quyền phê duyệt (nếu có).
4. Nội dung chi xử lý cấp bách sự cố đê điều
Các sự cố đê điều cần phải xử lý cấp bách để đảm
bảo an toàn hệ thống đê là các sự cố phát sinh trước, trong và sau mùa lũ, bão
hàng năm, những sự cố này chưa được đưa vào kế hoạch và bố trí trong dự toán
duy tu, bảo dưỡng đê điều hàng năm, gồm:
a) Xử lý sạt trượt mái đê, mái kè.
b) Xử lý nứt đê.
c) Xử lý sập tổ mối trên đê.
d) Xử lý sụt, lún thân đê.
đ) Xử lý đoạn bờ sông bị sạt trượt có nguy cơ ảnh
hưởng đến an toàn đê điều.
e) Xử lý rò rỉ, thấm, tổ mối và các khuyết tật khác
trong thân đê.
g) Xử lý lỗ sủi, mạch sủi, bãi sủi, mạch đùn, bục
đất, giếng phụt.
h) Xử lý trường hợp nước lũ tràn qua đỉnh đê.
i) Xử lý các sự cố hư hỏng cống qua đê.
k) Hàn khẩu đê.
l) Xử lý giếng giảm áp làm việc không bình thường:
nước từ trong giếng, khu vực cát thấm lọc có hiện tượng nước đục và kéo theo
bùn cát thoát ra ngoài.
5. Nguồn kinh phí thực hiện
a) Kinh phí thực hiện duy tu, bảo dưỡng đê điều
(quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị quyết này) được bố trí từ nguồn chi thường
xuyên theo phân cấp hiện hành và các nguồn vốn hợp pháp khác.
b) Kinh phí xử lý cấp bách sự cố đê điều (quy định
tại khoản 4 Điều 1 Nghị quyết này) được bố trí từ nguồn dự phòng ngân sách; quỹ
phòng, chống thiên tai tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Điều 2.
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai
thực hiện Nghị quyết theo quy định pháp luật.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội
đồng nhân dân, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh theo chức năng,
nhiệm vụ, thường xuyên giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc
Trăng Khóa X, Kỳ họp thứ 22 thông qua ngày 11 tháng 7 năm 2024 và có hiệu lực
từ ngày 22 tháng 7 năm 2024./.
Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc Hội;
- Ban Công tác đại biểu;
- Văn phòng Quốc hội (bộ phận phía Nam);
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- TT. TU, TT. HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Sóc Trăng;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- TT. HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Công báo tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- HTĐT: [email protected];
- Lưu: VT.
|
CHỦ TỊCH
Hồ Thị Cẩm Đào
|