HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 09/2023/NQ-HĐND
|
Nam Định, ngày 24
tháng 4 năm 2023
|
NGHỊ QUYẾT
BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỨC HỖ TRỢ KINH PHÍ SỰ NGHIỆP TỪ NGUỒN NGÂN SÁCH
TRUNG ƯƠNG THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI
ĐOẠN 2021-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NAM ĐỊNH.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH
KHÓA XIX, KỲ HỌP THỨ 10
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19
tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ
và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày
22 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn
bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 6 năm
2015;
Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm
2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia
xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025;
Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14
tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi
hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày
31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định
số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi
tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Căn cứ Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm
2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây
dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025;
Căn cứ Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19
tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện
các chương trình mục tiêu quốc gia;
Căn cứ Thông tư số 53/2022/TT-BTC ngày 12 tháng 8 năm
2022 của Bộ Tài chính về quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ
nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng
nông thôn mới giai đoạn 2021-2025;
Xét Tờ trình số 25/TTr-UBND ngày 10 tháng 4 năm 2023
của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ kinh
phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu
quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Nam Định;
Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến
thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị
quyết này Quy
định mức hỗ trợ kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương
trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn
tỉnh Nam Định.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân
tỉnh tổ chức thực hiện nghị quyết.
Điều 3. Thường trực Hội đồng
nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và các
đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện nghị quyết.
Nghị quyết
này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định Khóa XIX, Kỳ họp thứ 10 thông qua
ngày 24 tháng 4 năm 2023 và có hiệu lực từ ngày 04 tháng 5 năm 2023./.
QUY ĐỊNH
MỨC HỖ TRỢ KINH PHÍ SỰ NGHIỆP TỪ NGUỒN NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG THỰC HIỆN
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2021-2025 TRÊN
ĐỊA BÀN TỈNH NAM ĐỊNH.
(Kèm theo Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND
ngày 24 tháng 4 năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định
này quy định mức hỗ trợ kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách Trung ương thực
hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025
trên địa bàn tỉnh Nam Định.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Các cơ
quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý, sử dụng, quyết toán
và thụ hưởng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương
trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn
tỉnh Nam Định.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông
tin và truyền thông cơ sở
Chi mua
sắm, thay thế thiết bị hư hỏng của đài truyền thanh xã để đảm bảo yêu cầu của
công tác thông tin, tuyên truyền theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền
thông theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt: Mức hỗ trợ tối đa 50% kinh
phí và không quá 200 triệu đồng/dự án.
Điều 4.
Chi hỗ trợ xây dựng và phát triển hiệu quả các vùng nguyên liệu tập trung,
chuyển đổi cơ cấu sản xuất, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp
1. Hỗ trợ
tối đa 100% chi phí tư vấn, giám sát và gắn mã vùng trồng cho các cá nhân tổ
chức. Ưu tiên cấp mã vùng trồng cho vùng sản xuất đã được đánh giá chứng nhận
vùng trồng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và nông nghiệp hữu cơ. Mức
hỗ trợ tối đa không quá 15 triệu đồng/vùng trồng chưa được cấp mã số.
2. Hỗ trợ
truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã, huyện, tỉnh. Mức hỗ trợ không
quá 15 triệu đồng/sản phẩm.
Điều 5. Chi hỗ trợ các dự án liên kết, kế hoạch liên
kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp
1. Hỗ trợ
không quá 50% tổng chi phí thực hiện một (01) dự án, kế hoạch liên kết chuỗi
giá trị sản phẩm nông nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Nội
dung và mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước cụ thể như sau:
a) Hỗ trợ
tối đa 100% chi phí tư vấn để xây dựng dự án, kế hoạch liên kết. Mức hỗ trợ tối
đa không quá 300 triệu đồng.
b) Hỗ trợ
100% chi phí đào tạo kỹ thuật sản xuất; tập huấn nghiệp vụ quản lý, năng lực
quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường. Mức hỗ trợ tối đa
không quá 120 triệu đồng.
c) Hỗ trợ
tối đa 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình
kỹ thuật trong sản xuất và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi. Mức hỗ trợ
tối đa không quá 300 triệu đồng.
d) Hỗ trợ
tối đa 50% chi phí vật tư, trang thiết bị phục vụ sản xuất, cung ứng dịch vụ,
giống cây trồng, vật nuôi,… Mức hỗ trợ tối đa không quá 200 triệu đồng.
đ) Hỗ trợ
tối đa 50% chi phí các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm
hàng hóa, dịch vụ. Mức hỗ trợ tối đa không quá 200 triệu đồng.
Điều 6. Chi hỗ trợ cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ
cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại
1. Nội
dung hỗ trợ: Hỗ trợ cơ sở, tổ chức (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác),
cá nhân đầu tư ứng dụng thiết bị bay không người lái sử dụng trong sản xuất
nông nghiệp; hệ thống sấy nông sản để phục vụ bảo quản và chế biến.
2. Mức hỗ
trợ: 50% tổng kinh phí hỗ trợ cho 01 cơ sở, tổ chức, cá nhân theo dự án được
cấp có thẩm quyền phê duyệt và tối đa không quá 150 triệu đồng/dự án.
Điều 7. Chi bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền
thống ở nông thôn
1. Hỗ trợ
100% chi phí điều tra, rà soát thống kê, phân loại danh mục các nghề truyền
thống, làng nghề truyền thống.
2. Phát
triển làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới: Mức hỗ trợ 50% kinh
phí cho các dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng không quá 300 triệu
đồng/dự án.
Điều 8. Chi hỗ trợ phát triển các mô hình xử lý nước
thải sinh hoạt quy mô cấp thôn/xóm
Chi hỗ trợ
phát triển các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt quy mô cấp thôn theo dự án
được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mức hỗ trợ: tối đa 50% kinh phí, nhưng không
quá 300 triệu đồng/mô hình.
Điều 9. Nâng cao chất lượng môi trường; xây dựng cảnh
quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn; giữ gìn và khôi phục cảnh
quan truyền thống nông thôn
1. Chi thí
điểm và hỗ trợ nhân rộng các mô hình phân loại chất thải tại nguồn phát sinh và
xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện mô hình phân loại rác tại nguồn phát sinh
quy mô cấp xã. Mức hỗ trợ: tối đa 50% kinh phí thực hiện được phê duyệt, nhưng
không quá 150 triệu đồng/mô hình.
2. Chi hỗ
trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình thôn, xóm sáng, xanh, sạch, đẹp, an
toàn,... Mức hỗ trợ: tối đa 50% kinh phí thực hiện mô hình được cấp có thẩm
quyền phê duyệt và không quá 100 triệu đồng/mô hình.
3. Chi hỗ
trợ thực hiện Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm trong
xây dựng nông thôn mới.
a) Xây
dựng và nhân rộng các mô hình xử lý chất thải chăn nuôi và phụ phẩm nông nghiệp
theo hướng tuần hoàn chất thải cho mục đích sản xuất nông nghiệp và các mục
đích khác. Mức hỗ trợ: tối đa 50% kinh phí và không quá 100 triệu đồng/mô hình.
b) Hỗ trợ
xây dựng và nhân rộng các mô hình cải tạo cảnh quan theo hướng đa chức năng;
tăng cường trồng cây xanh tại các khu vực công cộng, tuyến đường giao thông;
gắn xây dựng cảnh quan với phát triển du lịch nông thôn và xây dựng đời sống văn
hóa cơ sở. Mức hỗ trợ: tối đa 50% kinh phí thực hiện được phê duyệt và không
quá 150 triệu đồng/mô hình.
c) Hỗ trợ
xây dựng các mô hình chợ an toàn thực phẩm quy mô cấp huyện, liên huyện đảm bảo
các yêu cầu về vệ sinh và an toàn thực phẩm. Mức hỗ trợ: tối đa 50% kinh phí
thực hiện được phê duyệt và không quá 300 triệu đồng/mô hình.
Điều 10. Chi hỗ trợ thực hiện Chương trình chuyển đổi
số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh
Xây dựng
thí điểm các mô hình: xã/thôn nông thôn mới thông minh gắn với lĩnh vực nổi
trội ở các địa phương (sản xuất, y tế, giáo dục, văn hóa, an ninh trật tự,
du lịch nông thôn, môi trường,…). Mức hỗ trợ: tối đa 50% kinh phí thực hiện
được phê duyệt và không quá 500 triệu đồng/mô hình.
Điều 11. Chi thực hiện Chương trình phát triển du
lịch nông thôn trong xây dựng Nông thôn mới
Chi hỗ trợ
phát triển điểm du lịch nông thôn và sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng
vùng, miền theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mức hỗ trợ: tối đa 50%
kinh phí thực hiện được phê duyệt và không quá 300 triệu đồng/điểm du lịch nông
thôn hoặc sản phẩm du lịch nông thôn.
Điều 12. Chi nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống
thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở
Chi mua
sắm các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tại
các thiết chế văn hóa, thể thao các cấp phù hợp với tình hình hoạt động thực tế
của địa phương. Mức hỗ trợ theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và tối
đa:
a) Trung
tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã: 80 triệu đồng/thiết chế;
b) Nhà văn
hóa - Khu thể thao thôn/xóm: 50 triệu đồng/thiết chế.