ỦY BAN THƯỜNG VỤ
QUỐC HỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Nghị quyết số: 01/2021/UBTVQH15
|
Hà Nội, ngày 01
tháng 9 năm 2021
|
NGHỊ QUYẾT
QUY
ĐỊNH VỀ CÁC NGUYÊN TẮC, TIÊU CHÍ VÀ ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ DỰ TOÁN CHI THƯỜNG XUYÊN
NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2022
ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Căn cứ Hiến pháp
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Luật Ngân
sách nhà nước số 83/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14;
Căn cứ Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc
hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc
thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030;
QUYẾT NGHỊ:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này quy định các nguyên tắc, tiêu chí, định
mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước áp dụng cho năm ngân
sách 2022 và thời kỳ ổn định ngân sách mới theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Nghị quyết của Quốc
hội.
Đối với các năm trong thời kỳ ổn định ngân sách mới,
thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà
nước và các quy định áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách tại Nghị quyết
này.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ,
các cơ quan khác ở trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau
đây gọi là các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương).
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lập,
phân bổ, chấp hành dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước.
Chương II
NGUYÊN TẮC, TIÊU CHÍ, ĐỊNH
MỨC PHÂN BỔ DỰ TOÁN CHI THƯỜNG XUYÊN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2022
Điều 3. Nguyên tắc, tiêu chí
phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước
1. Việc xây dựng hệ thống định mức phân bổ chi thường
xuyên ngân sách nhà nước phải góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch
phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; ưu tiên bố trí kinh
phí cho những lĩnh vực quan trọng và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đặc
biệt khó khăn, khó khăn, biên giới, hải đảo.
2. Phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước
năm 2022, Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm giai đoạn 2022 - 2024,
Kế hoạch tài chính quốc gia 05 năm giai đoạn 2021 - 2025. Ưu tiên nguồn lực để
thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW
ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Ban chấp hành trung ương và Nghị quyết của Quốc hội.
Thúc đẩy từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, phấn đấu giảm
dần tỷ trọng chi thường xuyên, góp phần cơ cấu lại ngân sách nhà nước, sắp xếp
bộ máy quản lý hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, sắp xếp các đơn vị hành
chính cấp huyện, xã, tinh giản biên chế, thực hiện cải cách tiền lương và bảo
hiểm xã hội theo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, yêu cầu thực
hiện nhiệm vụ chính trị của từng Bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
3. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; cải cách
hành chính nâng cao chất lượng dịch vụ công, sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước;
góp phần đổi mới quản lý tài chính đối với khu vực sự nghiệp công để giảm mức hỗ
trợ trực tiếp cho đơn vị sự nghiệp công lập, tăng nguồn bảo đảm chính sách hỗ
trợ người nghèo, đối tượng chính sách tiếp cận các dịch vụ sự nghiệp công, khuyến
khích xã hội hoá, huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.
4. Tăng cường tính chủ động, gắn với chức năng, nhiệm
vụ, chế độ, chính sách chi ngân sách nhà nước.
5. Tiêu chí phân bổ ngân sách phải rõ ràng, đơn giản,
dễ hiểu, dễ thực hiện, kiểm tra và giám sát; bảo đảm công bằng, công khai và
minh bạch; từng bước phù hợp với thông lệ quốc tế.
6. Đưa tối đa các khoản chi thường xuyên vào định mức
chi quản lý hành chính của các Bộ, cơ quan trung ương với yêu cầu triệt để tiết
kiệm; giảm các khoản chi hội nghị, hội thảo, các đoàn đi công tác nước ngoài;
ưu tiên mức phân bổ kinh phí cho khối các cơ quan tư pháp, Kiểm toán Nhà nước,
Thanh tra Chính phủ.
7. Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên đối với
các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải tuân thủ thêm một số nguyên tắc,
tiêu chí sau đây:
a) Tiêu chí dân số là tiêu chí chính chia theo bốn
vùng; kết hợp các tiêu chí bổ sung phù hợp với thực tế và đặc thù từng địa
phương. Trong đó, nguyên tắc phân vùng dân số cụ thể như sau:
- Vùng đặc biệt khó khăn, gồm:
+ Toàn bộ dân số ở các xã, phường, thị trấn, thôn
thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn (xã, phường,
thị trấn khu vực III và thôn đặc biệt khó khăn thuộc khu vực I, II) và dân số ở
các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được xác định theo
quy định của cấp có thẩm quyền;
+ Toàn bộ dân số ở các xã, phường, thị trấn thuộc
khu vực III vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn, đơn vị
thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được xác định
theo quy định của cấp có thẩm quyền;
+ Toàn bộ dân số ở các xã, phường, thị trấn đặc biệt
khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được xác định theo quy định của cấp
có thẩm quyền;
- Vùng khó khăn, gồm: Dân số ở các xã, phường, thị
trấn thuộc khu vực II vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khó khăn
(không kể dân số các thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực I, II) và
dân số ở các xã thuộc vùng hải đảo (không kể dân số các xã hải đảo; phường, thị
trấn thuộc vùng hải đảo) theo quy định của cấp có thẩm quyền;
- Vùng đô thị: Bao gồm dân số ở các phường, thị trấn
còn lại (không kể dân số ở các phường, thị trấn thuộc vùng đặc biệt khó khăn,
vùng khó khăn);
- Vùng khác còn lại: Bao gồm dân số ở các xã thuộc
khu vực còn lại;
b) Định mức phân bổ của ngân sách địa phương được
xây dựng cho các lĩnh vực chi theo quy định của Luật
Ngân sách nhà nước, bảo đảm chi lương, phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế
độ và mức tiền lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng, hoạt động của cơ quan quản lý
hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và kinh phí thực hiện các chế độ,
chính sách được Nhà nước ban hành, có hiệu lực đến thời điểm Ủy ban Thường vụ
Quốc hội ban hành Nghị quyết này (chưa bao gồm kinh phí phát sinh tăng thêm để
thực hiện các chính sách theo tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 -
2025 và kinh phí thực hiện một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác,
nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa). Từ năm
ngân sách 2022, việc ban hành và thực hiện chế độ mới làm tăng chi ngân sách nhà
nước thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 9 của Luật Ngân
sách nhà nước; ngân sách trung ương hỗ trợ đối với các địa phương sau khi
đã sử dụng các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi và các nguồn tài chính hợp pháp
khác của địa phương theo quy định mà chưa cân đối đủ nguồn lực để thực hiện.
Trường hợp địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh hoặc sự cố nghiêm
trọng, địa phương phải chủ động sử dụng dự toán ngân sách địa phương, bao gồm cả
dự phòng, quỹ dự trữ tài chính và các nguồn tài chính hợp pháp theo quy định để
khắc phục; trường hợp vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương, ngân
sách trung ương sẽ hỗ trợ cho ngân sách địa phương;
c) Trường hợp dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản vốn
trong nước (không bao gồm chi đầu tư phát triển từ nguồn thu tiền sử dụng đất,
xổ số kiến thiết) và dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương tính theo
nguyên tắc, tiêu chí và định mức năm 2022 thấp hơn dự toán năm 2021 đã được Quốc
hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao trong phạm vi quy định tại điểm b khoản
này sẽ được hỗ trợ để không thấp hơn. Đối với số hỗ trợ cân đối chi ngân sách địa
phương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được chủ động bố trí cơ cấu chi ngân sách địa
phương năm 2022 theo nguyên tắc triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để tập
trung nguồn lực tăng chi đầu tư phát triển.
Điều 4. Tiêu chí, định mức phân
bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho các Bộ, Cơ quan trung ương
1. Đối với dự toán chi quản lý nhà nước, Đảng, đoàn
thể:
a) Khối các cơ quan Tòa án
nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Kiểm toán nhà nước,
Thanh tra Chính phủ; các Bộ, cơ quan Trung ương khác:
- Về tiêu chí: Căn cứ số biên chế được cơ quan có
thẩm quyền giao trên cơ sở vị trí việc làm và cơ cấu công chức phù hợp với chức
năng, nhiệm vụ và khối lượng công việc của từng Bộ, cơ quan trung ương. Ngoài dự
toán chi thường xuyên được phân bổ theo số biên chế, các Bộ, cơ quan trung ương
được phân bổ kinh phí để bảo đảm chi tiền lương, phụ cấp và các khoản đóng góp
theo lương theo quy định, kinh phí để bảo đảm nhiệm vụ đặc thù cụ thể của từng
Bộ, cơ quan trung ương;
- Định mức phân bổ theo tiêu chí biên chế:
+ Áp dụng định mức chung đối với khối các cơ quan
Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Kiểm toán
nhà nước, Thanh tra Chính phủ: Định mức phân bổ 72 triệu đồng/biên chế;
+ Áp dụng định mức theo phương pháp lũy thoái đối với
các Bộ, cơ quan trung ương còn lại (trừ các cơ quan Tòa án nhân dân tối cao, Viện
kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ
và các cơ quan quy định tại điểm b khoản 1 Điều này): số biên chế do cơ quan có
thẩm quyền giao cho từng Bộ, cơ quan trung ương được chia thành các bậc khác
nhau với quy mô biên chế của bậc đầu tiên là 100 biên chế trở xuống. Định mức
phân bổ ngân sách giảm dần theo các bậc biên chế, cụ thể như sau:
Từ 100 biên chế trở xuống: Định mức phân bổ 70 triệu
đồng/biên chế;
Từ biên chế thứ 101 đến 500: Định mức phân bổ 65
triệu đồng/biên chế;
Từ biên chế thứ 501 đến 1.000: Định mức phân bổ 61
triệu đồng/biên chế;
Từ biên chế thứ 1.001 trở lên: Định mức phân bổ 57
triệu đồng/biên chế.
- Định mức phân bổ theo tiêu chí biên chế quy định
tại Điều này đã bao gồm:
+ Các khoản chi thường xuyên phục vụ hoạt động bộ
máy các cơ quan: Khen thưởng theo chế độ, phúc lợi tập thể; thông tin, tuyên
truyền, liên lạc; công tác phí, hội nghị, tổng kết; đoàn ra, đoàn vào; vật tư
văn phòng, thanh toán dịch vụ công cộng; vận hành trụ sở cơ quan; chi hỗ trợ hoạt
động cho công tác Đảng, đoàn thể trong cơ quan;
+ Các khoản chi nghiệp vụ mang tính thường xuyên
phát sinh hằng năm: Chi nghiệp vụ chuyên môn quản lý ngành, lĩnh vực; chi xây dựng,
rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tập huấn, tuyên truyền,
phổ biến văn bản quy phạm pháp luật; chi hoạt động kiểm tra, giám sát;
+ Chi tiền lương, tiền công lao động và chi hoạt động
cho các đối tượng hợp đồng lao động làm công việc thừa hành, phục vụ theo quy định;
+ Kinh phí bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa thường
xuyên các công trình cơ sở hạ tầng, tài sản phục vụ công tác chuyên môn; kinh
phí mua sắm, thay thế trang thiết bị, phương tiện làm việc của cán bộ, công chức
theo quy định.
- Ngoài ra, bố trí kinh phí cho một số nhiệm vụ
không thường xuyên, nhiệm vụ đặc thù của các ngành, lĩnh vực theo quy định, gồm:
+ Các khoản chi đặc thù mang tính chất chung cho
các cơ quan trung ương, gồm: Đóng niên liễm; kinh phí đối ứng của các dự án;
chi thuê trụ sở; chi tổ chức Đại hội toàn quốc, Hội nghị quốc tế được cơ quan
có thẩm quyền quyết định; chi hoạt động của các Ban chỉ đạo, Ban điều phối, tổ
công tác liên ngành, các Ủy ban, các Hội đồng được Thủ tướng Chính phủ quyết định
thành lập hoặc giao các Bộ quyết định thành lập; kinh phí hỗ trợ xây dựng các dự
án luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc
hội; chi mua ô tô, sửa chữa lớn trụ sở;
+ Các khoản chi đặc thù mang tính chất riêng biệt của
một số Bộ, cơ quan trung ương: Chi cho cơ quan Việt Nam ở nước ngoài; kinh phí
bảo đảm hoạt động hệ thống phòng xét xử của ngành Tòa án và một số nhiệm vụ đặc
thù của các cơ quan tư pháp theo quy định của pháp luật; kinh phí bảo đảm hoạt
động cho số xe ô tô phục vụ lễ tân nhà nước; kinh phí chi mua quà và tặng phẩm
của lãnh đạo cấp cao khi đi công tác ngoài nước; kinh phí hỗ trợ các tổ chức
tôn giáo, chức sắc, chức việc tôn giáo hoạt động tại Việt Nam; kinh phí bảo đảm
kết nối thông tin liên lạc giữa các cơ quan của Đảng, Nhà nước; kinh phí đoàn
ra, đoàn vào bố trí tăng thêm đáp ứng nhiệm vụ đặc thù của Bộ Ngoại giao, Bộ
Công Thương; chi công tác phí cho các đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ,
các đoàn kiểm toán của Kiểm toán nhà nước; chi thuê kiểm định, giám định chất
lượng phục vụ hoạt động kiểm toán, thanh tra chuyên ngành theo quy định; chi
giám sát, phản biện xã hội, tổ chức các hoạt động phong trào của các tổ chức
chính trị - xã hội; kinh phí thực hiện các cuộc tổng điều tra thống kê, các cuộc
điều tra theo chu kỳ 02 năm, 05 năm, các cuộc điều tra đột xuất theo quyết định
của cấp có thẩm quyền; kinh phí thực hiện các cuộc điều tra theo chu kỳ tháng,
quý, năm ngoài các khoản chi thường xuyên do cán bộ, công chức ngành thống kê
thực hiện; chi hoạt động của Hội đồng thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm
pháp luật; Hội đồng thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Bộ
Tư pháp thực hiện theo Luật Ban hành văn bản quy
phạm pháp luật; chi trang phục theo quy định; kinh phí sản xuất hiện vật
thi đua khen thưởng;
+ Các nhiệm vụ đặc thù phát sinh không thường xuyên
khác được cơ quan có thẩm quyền quyết định.
b) Phân bổ dự toán chi quản lý nhà nước, Đảng, đoàn
thể cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức đặc thù ở trung ương:
- Đối với khối các Văn phòng: Không áp dụng định mức
phân bổ chi thường xuyên theo biên chế; dự toán chi ngân sách nhà nước hằng năm
được xác định trên cơ sở các tiêu chuẩn, chế độ chi tiêu và các nhiệm vụ đặc
thù của các Cơ quan này;
- Đối với các cơ quan, đơn vị quản lý hành chính
nhà nước đang áp dụng cơ chế chính sách khoán chi theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 của Luật Ngân sách nhà nước hoặc đang áp
dụng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù theo phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền:
Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về thực
hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW
ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, các cơ quan,
đơn vị này phải áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất; bãi bỏ
các cơ chế, chính sách về tiền lương, thu nhập đặc thù. Nguồn kinh phí tiếp tục
thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 của Luật Ngân
sách nhà nước và các quy định của pháp luật có liên quan;
- Các hội đặc thù, tổ chức chính trị xã hội - nghề
nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được ngân sách nhà nước hỗ
trợ theo quy định của pháp luật.
c) Trên cơ sở biên chế được cơ quan có thẩm quyền
giao và mức chi thường xuyên theo định mức phân bổ, khuyến khích các Bộ, cơ
quan trung ương tinh giản biên chế, tiết kiệm chi tiêu để tăng thu nhập cho cán
bộ, công chức và tăng chi cho các nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan, đơn vị.
d) Dự toán chi quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể các
năm tiếp theo trong thời kỳ ổn định ngân sách được xác định theo biên chế được
cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và định mức phân bổ chi quản lý nhà nước, Đảng,
đoàn thể điều chỉnh tăng, giảm theo khả năng ngân sách nhà nước do Chính phủ
trình Quốc hội quyết định trong phương án phân bổ ngân sách trung ương hằng
năm.
2. Phân bổ dự toán chi các lĩnh vực sự nghiệp:
a) Thực hiện phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà
nước năm 2022 cho các lĩnh vực sự nghiệp căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao,
định hướng đổi mới khu vực sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp
hành Trung ương khóa XII, các quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự
nghiệp công lập và các quy định của pháp luật về việc giao nhiệm vụ, đặt hàng,
đấu thầu cung cấp sản phẩm dịch vụ sự nghiệp công. Trong đó:
- Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường
xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên:
Ngân sách nhà nước không hỗ trợ chi thường xuyên. Đơn vị thực hiện báo cáo đầy
đủ nguồn thu, nhiệm vụ chi năm hiện hành và dự kiến năm kế hoạch; gửi cơ quan
quản lý cấp trên tổng hợp, gửi Bộ Tài chính cùng thời điểm xây dựng dự toán
ngân sách nhà nước hằng năm;
- Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi
thường xuyên: ngân sách nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên sau khi đơn vị đã sử dụng
nguồn thu sự nghiệp và nguồn thu phí được để lại chi để thực hiện nhiệm vụ,
cung ứng dịch vụ sự nghiệp công chưa tính đủ chi phí. Thực hiện khoán chi ngân
sách hỗ trợ giai đoạn 2022 - 2025 và yêu cầu giảm tối thiểu 15% so với giai đoạn
2017 - 2021. Đồng thời, yêu cầu dành nguồn thu sự nghiệp của các đơn vị để thực
hiện cải cách tiền lương, ngân sách chỉ hỗ trợ kinh phí thực hiện cải cách tiền
lương tối đa theo tỷ lệ ngân sách hỗ trợ chi thường xuyên;
- Đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi
thường xuyên: Được vận dụng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ như đối với
lĩnh vực chi quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể. Tiếp tục giảm bình quân 10% chi
trực tiếp từ ngân sách nhà nước so với giai đoạn 2016-2020 trừ các dịch vụ công
cơ bản, thiết yếu do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định tại Nghị quyết số
19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban
Chấp hành Trung ương khóa Xll về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý,
nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; đồng
thời, thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên nguồn ngân sách tăng thêm hằng
năm và sắp xếp từ nguồn dự toán ngân sách nhà nước được giao để thực hiện cải
cách chính sách tiền lương.
b) Ngân sách nhà nước giảm cấp chi thường xuyên cho
các đơn vị sự nghiệp công lập đối với các khoản chi đã được kết cấu vào giá dịch
vụ theo lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ của từng lĩnh vực sự nghiệp công; dành
kinh phí để tăng nguồn bảo đảm chính sách hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính
sách tiếp cận các dịch vụ sự nghiệp công, tạo nguồn thực hiện cải cách tiền
lương, tăng chi mua sắm sửa chữa và tăng chi đầu tư phát triển, trên cơ sở đó
cơ cấu lại các lĩnh vực chi thường xuyên và từng bước cơ cấu lại chi ngân sách
nhà nước.
c) Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện đầy đủ các
quy định về hạch toán, kế toán và quản lý tài chính, có trách nhiệm lập báo cáo
tài chính hằng năm và báo cáo quyết toán hằng năm đối với từng nguồn kinh phí
theo quy định; gửi cơ quan quản lý cấp trên hoặc cơ quan tài chính cùng cấp tổng
hợp, gửi Bộ Tài chính theo quy định của pháp luật về kế toán và ngân sách nhà
nước.
3. Phân bổ dự toán chi quốc phòng, an ninh:
Căn cứ nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, nhu cầu
kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ đối với con người và nhiệm vụ đặc thù
để ưu tiên bố trí chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm.
Điều 5. Tiêu chí, định mức phân
bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho các tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương
1. Tiêu chí, định mức phân bổ chi sự nghiệp giáo dục:
a) Định mức phân bổ theo tiêu
chí dân số trong độ tuổi đến trường (từ 1 - 18 tuổi):
Đơn vị: đồng/người
dân/năm
Vùng
|
Định mức phân bổ
|
Vùng đặc biệt khó khăn
|
7.076.200
|
Vùng khó khăn
|
4.953.300
|
Đô thị
|
3.007.400
|
Vùng khác còn lại
|
3.538.100
|
Định mức phân bổ tại khoản này đã bao gồm: Tính đủ
cho các cấp giáo dục, các loại hình giáo dục; chế độ học bổng cho học sinh dân
tộc nội trú; chính sách ưu tiên đối với lĩnh vực giáo dục đã ban hành.
Trên cơ sở định mức quy định tại khoản này, trường
hợp tỷ lệ chi thường xuyên cho hoạt động giảng dạy và học tập nhỏ hơn 19% so với
tổng chi sự nghiệp giáo dục, sẽ được bổ sung để bảo đảm tỷ lệ chi tiền lương,
phụ cấp, các khoản có tính chất lương (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm
thất nghiệp, kinh phí công đoàn, học bổng cho học sinh dân tộc nội trú) tối đa
81% (chưa kể chi từ nguồn thu học phí). Đối với các địa phương có tỷ lệ dân số
thuộc vùng đặc biệt khó khăn và vùng khó khăn cao hơn mức bình quân chung của cả
nước, chi thường xuyên cho hoạt động giảng dạy và học tập bảo đảm tỷ lệ tối thiểu
20%.
Đối với các năm trong thời kỳ ổn định ngân sách, Hội
đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện ưu tiên bố trí ngân sách địa
phương cho hoạt động giảng dạy và học tập.
b) Phân bổ theo tiêu chí bổ sung bảo đảm các chế độ,
chính sách: Chính sách phát triển giáo dục mầm non; hỗ trợ học bổng, chi phí học
tập cho học sinh khuyết tật; hỗ trợ học sinh phổ thông trung học vùng đặc biệt
khó khăn; hỗ trợ miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập.
2. Tiêu chí, định mức phân bổ chi sự nghiệp đào tạo
và dạy nghề:
Định mức phân bổ theo tiêu chí dân số (không kể dân
số từ 1-18 tuổi)
Đơn vị: đồng/người
dân/năm
Vùng
|
Định mức phân bổ
|
Vùng đặc biệt khó khăn
|
287.000
|
Vùng khó khăn
|
200.900
|
Đô thị
|
129.200
|
Vùng khác còn lại
|
143.500
|
3. Tiêu chí, định mức phân bổ chi sự nghiệp y tế,
dân số và gia đình:
a) Định mức phân bổ theo tiêu chí dân số:
Đơn vị: đồng/người
dân/năm
Vùng
|
Định mức phân bổ
|
Vùng đặc biệt khó khăn
|
469.100
|
Vùng khó khăn
|
333.300
|
Đô thị
|
182.700
|
Vùng khác còn lại
|
246.900
|
Căn cứ khả năng ngân sách địa phương, Hội đồng nhân
dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phân bổ cho y tế dự phòng đạt tối thiểu
30% ngân sách y tế, ưu tiên cho y tế cơ sở, bệnh viện ở vùng khó khăn, biên giới,
hải đảo, các lĩnh vực phong, lao, tâm thần và các lĩnh vực khác theo Nghị quyết
số 20-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban
Chấp hành Trung ương khóa Xll về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng
cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
b) Phân bổ theo tiêu chí bổ sung: Dự toán chi sự
nghiệp y tế, dân số và gia đình được xác định bao gồm kinh phí ngân sách nhà nước
đóng hoặc hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng năm 2021 theo quy định của
Luật Bảo hiểm y tế.
4. Tiêu chí, định mức phân bổ chi quản lý hành
chính:
a) Định mức phân bổ chi quản lý hành chính theo
tiêu chí dân số (không bao gồm tiền lương, phụ cấp và các khoản đóng góp theo
lương):
Đơn vị: đồng/người
dân/năm
Vùng
|
Định mức phân bổ
|
Vùng đặc biệt khó khăn
|
121.900
|
Vùng khó khăn
|
100.200
|
Đô thị
|
73.800
|
Vùng khác còn lại
|
67.800
|
b) Định mức phân bổ theo sổ đơn vị hành chính cấp
huyện, cấp xã:
Các huyện đảo (bao gồm cả huyện đảo không có đơn vị
hành chính cấp xã) được phân bổ thêm 3.000 triệu đồng/huyện; đơn vị hành chính
cấp huyện còn lại được phân bổ thêm 2.500 triệu đồng/huyện; đơn vị hành chính cấp
xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo 1.200 triệu đồng/xã;
đơn vị hành chính cấp xã còn lại 700 triệu đồng/xã;
c) Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương có số đơn vị hành chính cấp huyện dưới 10 đơn vị được bổ sung thêm 10% định
mức phân bổ theo tiêu chí dân số tại điểm a khoản này;
d) Chi tiền lương, phụ cấp, các khoản đóng góp theo
lương (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn) tính theo quy định
hiện hành;
đ) Trường hợp dự toán chi quản lý hành chính tính
theo định mức (không bao gồm tiền lương, phụ cấp và các khoản đóng góp theo
lương) quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản này nhỏ hơn 25% so với tổng
chi quản lý hành chính, sẽ được bổ sung để bảo đảm tỷ lệ tối thiểu 25%, tỷ lệ
chi lương, phụ cấp và các khoản đóng góp theo lương tối đa 75%.
5. Tiêu chí, định mức phân bổ chi sự nghiệp văn hóa
- thông tin:
a) Định mức phân bổ theo tiêu chí dân số:
Đơn vị: đồng/người
dân/năm
Vùng
|
Định mức phân bổ
|
Vùng đặc biệt khó khăn
|
79.700
|
Vùng khó khăn
|
57.300
|
Đô thị
|
37.200
|
Vùng khác còn lại
|
40.900
|
b) Phân bổ theo tiêu chí bổ sung: Di sản văn hóa vật
thể Việt Nam được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO)
công nhận được bổ sung 15.000 triệu đồng/di sản. Các Ban Quản lý di sản được quản
lý, sử dụng nguồn thu phí và các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định hiện
hành về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
6. Định mức phân bổ theo tiêu chí dân số chi sự
nghiệp phát thanh, truyền hình, thông tấn:
Đơn vị: đồng/người
dân/năm
Vùng
|
Định mức phân bổ
|
Vùng đặc biệt khó khăn
|
47.900
|
Vùng khó khăn
|
34.400
|
Đô thị
|
22.100
|
Vùng khác còn lại
|
24.600
|
7. Định mức phân bổ theo tiêu chí dân số chi sự
nghiệp thể dục thể thao:
Đơn vị: đồng/người
dân/năm
Vùng
|
Định mức phân bổ
|
Vùng đặc biệt khó khăn
|
37.000
|
Vùng khó khăn
|
27.300
|
Đô thị
|
26.000
|
Vùng khác còn lại
|
19.500
|
8. Tiêu chí, định mức phân bổ chi bảo đảm xã hội:
a) Định mức phân bổ theo tiêu chí dân số:
Đơn vị: đồng/người
dân/năm
Vùng
|
Định mức phân bổ
|
Vùng đặc biệt khó khăn
|
80.200
|
Vùng khó khăn
|
66.100
|
Đô thị
|
43.400
|
Vùng khác còn lại
|
47.200
|
b) Định mức phân bổ theo tiêu chí bổ sung:
- Chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng cho các đối tượng
bảo trợ xã hội; hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội theo quy định
của pháp luật;
- Hỗ trợ các cơ sở bảo trợ công lập do địa phương
quản lý, mức phân bổ 1.500 triệu đồng/cơ sở.
9. Tiêu chí, định mức phân bổ chi quốc phòng:
a) Định mức phân bổ theo tiêu chí dân số:
Đơn vị: đồng/người
dân/năm
Vùng
|
Định mức phân bổ
|
Vùng đặc biệt khó khăn
|
139.900
|
Vùng khó khăn
|
97.900
|
Đô thị
|
70.000
|
Vùng khác còn lại
|
70.000
|
b) Định mức phân bổ theo tiêu chí bổ sung:
Các địa phương được bổ sung kinh phí theo mức 5.000
triệu đồng/huyện đảo (bao gồm cả huyện đảo không có đơn vị hành chính cấp xã);
1.500 triệu đồng/đơn vị hành chính cấp xã biên giới đất liền, 1.500 triệu đồng/xã
đảo, 500 triệu đồng/xã ven biển để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; đối với các tỉnh
tiếp giáp biên giới đất liền với 02 tỉnh nước bạn trở lên, mỗi đơn vị hành
chính cấp xã biên giới đất liền được phân bổ 2.000 triệu đồng/cấp xã.
10. Tiêu chí, định mức phân bổ chi an ninh, trật tự,
an toàn xã hội:
a) Định mức phân bổ theo tiêu chí dân số:
Đơn vị: đồng/người
dân/năm
Vùng
|
Định mức phân bổ
|
Vùng đặc biệt khó khăn
|
60.700
|
Vùng khó khăn
|
42.500
|
Đô thị
|
40.000
|
Vùng khác còn lại
|
30.400
|
b) Định mức phân bổ theo tiêu chí bổ sung:
Các địa phương được bổ sung kinh phí theo mức 5.000
triệu đồng/huyện đảo (bao gồm cả huyện đảo không có đơn vị hành chính cấp xã);
1.500 triệu đồng/đơn vị hành chính cấp xã biên giới đất liền, 1.500 triệu đồng/xã
đảo, 500 triệu đồng/xã ven biển, để thực hiện nhiệm vụ an ninh, trật tự và quan
hệ với các địa phương nước bạn (đối với xã biên giới); đối với các tỉnh tiếp
giáp biên giới đất liền với 02 tỉnh nước bạn trở lên, mỗi đơn vị hành chính cấp
xã biên giới đất liền được phân bổ 2.000 triệu đồng/cấp xã.
11. Định mức phân bổ chi sự nghiệp khoa học và công
nghệ: Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ, căn
cứ trên cơ sở nhu cầu của thực tiễn và kết quả sử dụng ngân sách đã được phân bổ,
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng phương án phân bổ dự toán ngân sách chi
khoa học và công nghệ của từng địa phương hằng năm, gửi Bộ Tài chính tổng hợp
trong phương án phân bổ ngân sách trung ương hàng năm trình Chính phủ trình Quốc
hội xem xét, quyết định.
12. Định mức phân bổ chi hoạt động kinh tế:
a) Định mức phân bổ theo tiêu chí dân số:
Đơn vị: đồng/người
dân/năm
Vùng
|
Định mức phân bổ
|
Vùng đặc biệt khó khăn
|
876.400
|
Vùng khó khăn
|
657.300
|
Đô thị
|
372.500
|
Vùng khác còn lại
|
438.200
|
b) Định mức phân bổ theo nhiệm vụ:
- Hỗ trợ kinh phí sử dụng giá dịch vụ, sản phẩm
công ích thủy lợi bằng 102% mức bình quân năm của kết quả thực hiện chi giai đoạn
2017 - 2020 và dự toán chi năm 2021 của ngân sách địa phương;
- Hỗ trợ kinh phí cho địa phương sản xuất lúa theo
chế độ quy định;
- Hỗ trợ kinh phí duy tu, sửa chữa đường tuần tra
biên giới địa phương quản lý với mức 30 triệu đồng/km;
- Phân bổ cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương có các đơn vị hành chính đô thị theo mức 140.000 triệu đồng/quận, thành phố
thuộc thành phố trực thuộc trung ương, đô thị loại 1 (thuộc tỉnh): 85.000 triệu
đồng/đô thị loại II; 24.000 triệu đồng/đô thị loại III; 17.000 triệu đồng/đô thị
loại IV; 8.500 triệu đồng/đô thị loại V;
- Đối với nhiệm vụ chi quản lý, bảo trì đường bộ từ
nguồn thu phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô, căn cứ dự toán
thu, Bộ Giao thông vận tải xây dựng tiêu chí, định mức phân bổ và phương án
phân bổ dự toán chi bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho từng địa
phương để gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét,
quyết định trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm;
- Đối với nguồn kinh phí được phân bổ từ Quỹ bảo vệ
và phát triển rừng để thực hiện chi trả cho cung ứng dịch vụ môi trường rừng,
thực hiện theo quy định của Luật Lâm nghiệp,
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp gửi Bộ Tài chính để báo cáo
Chính phủ trình Quốc hội theo quy định.
13. Tiêu chí, định mức phân bổ chi sự nghiệp bảo vệ
môi trường:
Phân bổ trên cơ sở tổng dự toán chi sự nghiệp môi
trường của ngân sách nhà nước, trong đó ngân sách trung ương 10%, ngân sách địa
phương 90%. Chi sự nghiệp môi trường của ngân sách địa phương được phân bổ theo
các tiêu chí sau đây:
a) Dành 40% phân bổ theo số dân số đô thị và mật độ
dân số, cụ thể:
- Đối với dân số đô thị đặc biệt hệ số 15; đối với
đô thị loại I hệ số 7; đối với dân số đô thị loại II đến loại IV hệ số 2; vùng
khác còn lại hệ số 1;
- Về hệ số theo mật độ dân số: trên 2.000 người/km2
hệ số 15; trên 1.000 - 2.000 người/km2 hệ số 6; trên 750 - 1.000 người/km2
hệ số 2,5; trên 500 - 750 người/km2 hệ số 1,8; từ 500 người/km2
trở xuống hệ số 1.
b) Dành 35% phân bổ cho yếu tố tác động môi trường
của sản xuất công nghiệp theo giá trị GDP ngành công nghiệp và xây dựng trên địa
bàn từng địa phương theo công thức:
Chi sự nghiệp môi
trường (tỉnh A)
|
=
|
Tổng chi sự nghiệp
môi trường ngân sách địa phương
|
x 35% x
|
Giá trị GDP ngành
công nghiệp và xây dựng trên địa bàn tỉnh A
|
Giá trị GDP ngành
công nghiệp và xây dựng toàn quốc
|
(Trong đó giá trị GDP ngành công nghiệp và xây dựng
của tỉnh A lây theo số liệu thực hiện năm 2020 do Tổng cục Thống kê cung cấp)
c) Dành 25% phân bổ cho yếu tố tác động từ rừng tự
nhiên bảo đảm môi trường thiên nhiên theo diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn
từng địa phương theo công thức:
Chi sự nghiệp môi
trường (tỉnh A)
|
=
|
Tổng chi sự nghiệp
môi trường ngân sách địa phương
|
x 25% x
|
Diện tích rừng tự
nhiên của địa phương (ha)
|
Tổng diện tích rừng
tự nhiên toàn quốc (ha)
|
(Trong đó diện tích rừng tự nhiên của tỉnh A lấy
theo số liệu thực hiện năm 2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung
cấp).
14. Mức phân bổ chi khác của ngân sách địa phương:
Phân bổ theo tỷ trọng (bằng 0,5%) tổng các khoản
chi thường xuyên đã tính được theo định mức phân bổ (từ khoản 1 đến khoản 13 của
Điều này).
15. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương khó khăn hoặc có dân số thấp, được phân bổ thêm theo tỷ lệ phần trăm (%) số
chi tính theo định mức dân số như sau: Các địa phương thuộc khu vực Đồng bằng
sông Cửu Long được phân bổ thêm 15%; các địa phương có dân số dưới 550 nghìn
dân được phân bổ thêm 20%; các địa phương có dân số từ 550 nghìn dân đến dưới
700 nghìn dân được phân bổ thêm 18%; các địa phương có dân số từ 700 - 1.000
nghìn dân được phân bổ thêm 16%. Trường hợp địa phương đáp ứng từ hai tiêu chí
trở lên, chỉ được phân bổ theo tiêu chí hỗ trợ cao nhất.
16. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương có cơ chế chính sách đặc thù hoặc có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung
ương, được phân bổ thêm theo tỷ lệ phần trăm (%) số chi tính theo định mức dân
số như sau:
- Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh được phân
bổ thêm 80%;
- Các thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ được
phân bổ thêm 70%;
- Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế được
phân bổ thêm 45%.
- Các tỉnh còn lại có tỷ lệ điều tiết về ngân sách
trung ương từ 40% trở lên được phân bổ thêm 60%; các tỉnh có tỷ lệ điều tiết về
ngân sách trung ương từ 15% đến dưới 40% được phân bổ thêm 50%; các tỉnh có tỷ
lệ điều tiết về ngân sách trung ương còn lại được phân bổ thêm 40%.
17. Dự phòng ngân sách địa phương:
Dự phòng ngân sách địa phương của từng địa phương
là 2% tổng chi ngân sách địa phương.
Trên cơ sở dự toán chi cân đối ngân sách địa
phương, căn cứ tình hình thực tế, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ
động bố trí dự phòng ngân sách địa phương bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
18. Đối với các năm trong thời kỳ ổn định ngân
sách, Chính phủ trình Quốc hội:
a) Căn cứ tốc độ tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá
tiêu dùng, khả năng thu của ngân sách nhà nước, tăng thêm số bổ sung cân đối từ
ngân sách trung ương cho các địa phương so với năm đầu thời kỳ ổn định ngân
sách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước;
b) Phương án xử lý trong trường hợp có phát sinh
nguồn thu từ dự án mới đi vào hoạt động làm ngân sách địa phương tăng thu lớn
(trên 30% dự toán số thu từ sản xuất kinh doanh thường xuyên trên địa bàn năm
2022).
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 6. Tổ chức thực hiện
1. Chính phủ:
a) Tổ chức và chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương và
các địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết này;
b) Báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết
này theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
c) Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trong
trường hợp bổ sung hoặc sửa đổi các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự
toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 ngoài các quy định tại Nghị
quyết này.
2. Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết định mức
phân bổ đối với từng tiêu chí, các mốc thời gian, cơ quan cung cấp số liệu làm
căn cứ xác định dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 và các năm
trong thời kỳ ổn định ngân sách mới, bắt đầu từ năm ngân sách 2022.
Điều 7. Hiệu lực thi hành
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ năm ngân
sách 2022 và thời kỳ ổn định ngân sách mới theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Nghị quyết của Quốc
hội.
Điều 8. Giám sát việc thực hiện
Nghị quyết
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính, Ngân
sách, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội,
đại biểu Quốc hội, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, giám sát việc
thực hiện Nghị quyết này./.
Epas:65235
|
TM.
ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
CHỦ TỊCH
Vương Đình Huệ
|