CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 61/2017/NĐ-CP
|
Hà Nội, ngày 16
tháng 5 năm 2017
|
NGHỊ ĐỊNH
QUY
ĐỊNH CHI TIẾT VIỆC THẨM ĐỊNH GIÁ KHỞI ĐIỂM CỦA KHOẢN NỢ XẤU, TÀI SẢN BẢO ĐẢM CỦA
KHOẢN NỢ XẤU VÀ VIỆC THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG ĐẤU GIÁ NỢ XẤU, TÀI SẢN BẢO ĐẢM CỦA KHOẢN
NỢ XẤU ĐỐI VỚI KHOẢN NỢ XẤU, TÀI SẢN BẢO ĐẢM CỦA KHOẢN NỢ XẤU CÓ GIÁ TRỊ LỚN
Căn cứ Luật tổ chức
Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật đấu
giá tài sản ngày 17 tháng 11 năm 2016;
Theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết
việc thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu
và việc thành lập Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đối
với khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có giá trị lớn.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết khoản
4 Điều 65 Luật đấu giá tài sản, bao gồm:
1. Việc thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu,
tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu trong trường hợp tổ chức mà Nhà nước sở hữu
100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng tự
đấu giá và thuê tổ chức đấu giá thực hiện đấu giá tài sản.
2. Việc thành lập Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản
bảo đảm của khoản nợ xấu đối với khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu
có giá trị lớn trong trường hợp tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do
Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng tự đấu giá.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với:
1. Tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do
Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng.
2. Doanh nghiệp thẩm định giá.
3. Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản
nợ xấu.
4. Tổ chức tín dụng có nợ xấu bán cho tổ chức mà
Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ
chức tín dụng.
5. Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc
đấu giá tài sản là nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do
Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng là Công ty Quản lý tài
sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam theo quy định tại Nghị định số
53/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và
hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam và các
văn bản sửa đổi, bổ sung (sau đây gọi là Công ty Quản lý tài sản).
2. Khoản nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản là khoản
nợ xấu được Công ty Quản lý tài sản mua của tổ chức tín dụng Việt Nam theo quy
định tại Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về
thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản và các văn bản sửa
đổi, bổ sung.
Chương II
THẨM ĐỊNH GIÁ KHỞI ĐIỂM
CỦA KHOẢN NỢ XẤU, TÀI SẢN BẢO ĐẢM CỦA KHOẢN NỢ XẤU
Điều 4. Những trường hợp phải
thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu
1. Khoản nợ xấu được Công ty Quản lý tài sản mua
theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt mà khi xác định giá khởi điểm để đấu
giá, Công ty Quản lý tài sản không thỏa thuận được với tổ chức tín dụng bán nợ
về giá khởi điểm.
2. Khoản nợ xấu được Công ty Quản lý tài sản mua
theo giá trị thị trường.
3. Tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà khi xác định
giá khởi điểm để đấu giá, Công ty Quản lý tài sản không thỏa thuận được với bên
bảo đảm về giá khởi điểm.
Điều 5. Lựa chọn doanh nghiệp
thẩm định giá thực hiện thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm
của khoản nợ xấu
1. Lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá trong trường
hợp quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này:
a) Trong thời hạn 07 ngày làm việc, Công ty Quản lý
tài sản thỏa thuận với tổ chức tín dụng bán nợ về việc lựa chọn doanh nghiệp thẩm
định giá;
b) Trường hợp không thỏa thuận được với tổ chức tín
dụng bán nợ về việc lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá, Công ty Quản lý tài sản
thông báo công khai về việc thuê doanh nghiệp thẩm định giá ít nhất 07 ngày làm
việc trên Cổng thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Trang thông
tin điện tử của Công ty Quản lý tài sản để các doanh nghiệp thẩm định giá đăng
ký tham gia. Công ty Quản lý tài sản quyết định lựa chọn doanh nghiệp thẩm định
giá theo các nguyên tắc quy định tại khoản 4 Điều này.
2. Lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá trong trường
hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định này:
Công ty Quản lý tài sản thông báo công khai về việc
thuê doanh nghiệp thẩm định giá ít nhất 07 ngày làm việc trên Cổng thông tin điện
tử của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Trang thông tin điện tử của Công ty Quản lý
tài sản để các doanh nghiệp thẩm định giá đăng ký tham gia. Công ty Quản lý tài
sản quyết định lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá theo các nguyên tắc quy định
tại khoản 4 Điều này.
3. Lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá trong trường
hợp quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này:
a) Trong thời hạn 07 ngày làm việc, Công ty Quản lý
tài sản thỏa thuận với bên bảo đảm về việc lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá;
b) Trường hợp không thỏa thuận được với bên bảo đảm
về việc lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá, Công ty Quản lý tài sản thông báo
công khai về việc thuê doanh nghiệp thẩm định giá ít nhất 07 ngày làm việc trên
Cổng thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Trang thông tin điện tử
của Công ty Quản lý tài sản để các doanh nghiệp thẩm định giá đăng ký tham gia.
Công ty Quản lý tài sản quyết định lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá theo các
nguyên tắc quy định tại khoản 4 Điều này.
4. Việc lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá quy định
tại Điều này phải đảm các nguyên tắc sau:
a) Doanh nghiệp thẩm định giá được lựa chọn phải
thuộc Danh sách công khai doanh nghiệp thẩm định giá đủ điều kiện hoạt động thẩm
định giá của Bộ Tài chính;
b) Doanh nghiệp thẩm định giá được lựa chọn không
thuộc trường hợp không được thẩm định giá theo quy định của Luật giá và các văn bản hướng dẫn thi hành.
5. Doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện thẩm định
giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định
của Luật giá và các văn bản hướng dẫn thi
hành.
Điều 6. Quyền và nghĩa vụ của
Công ty Quản lý tài sản trong trường hợp phải thẩm định giá khởi điểm của khoản
nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu
1. Lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá theo quy định
tại Điều 5 Nghị định này.
2. Ký kết hợp đồng thẩm định giá với doanh nghiệp
thẩm định giá.
3. Cung cấp hồ sơ, tài liệu, số liệu có liên quan đến
khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu phải thẩm định giá cho doanh
nghiệp thẩm định giá.
4. Được ủy quyền cho tổ chức tín dụng bán nợ thực
hiện các hoạt động quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này trong trường hợp khoản nợ
xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được mua theo giá trị ghi sổ bằng trái
phiếu đặc biệt.
5. Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định pháp luật.
Điều 7. Sử dụng kết quả thẩm định
giá để xác định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu
1. Trường hợp phải thẩm định giá khởi điểm của khoản
nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định tại Điều
4 Nghị định này, Công ty Quản lý tài sản quyết định giá khởi điểm của khoản
nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi bán đấu giá lần đầu theo nguyên tắc
giá khởi điểm không thấp hơn giá khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu
theo kết quả thẩm định giá.
2. Trường hợp bán đấu giá khoản nợ xấu, tài sản bảo
đảm của khoản nợ xấu quy định tại khoản 1 Điều này không thành:
a) Đối với bán đấu giá khoản nợ xấu được Công ty Quản
lý tài sản mua theo giá trị thị trường, Công ty Quản lý tài sản quyết định giá
khởi điểm của khoản nợ xấu. Trường hợp Công ty Quản lý tài sản quyết định giảm
giá khởi điểm, mỗi lần giảm giá không quá 10% giá khởi điểm của lần đấu giá
không thành liền trước đó;
b) Đối với bán đấu giá khoản nợ xấu được Công ty Quản
lý tài sản mua theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt, trong trường hợp
tiếp tục bán đấu giá, Công ty Quản lý tài sản thỏa thuận lại với tổ chức tín dụng
bán nợ về giá khởi điểm của khoản nợ xấu. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ
ngày quyết định tiếp tục bán đấu giá mà không thỏa thuận được với tổ chức tín dụng
bán nợ, Công ty Quản lý tài sản quyết định giá khởi điểm của khoản nợ xấu. Trường
hợp Công ty Quản lý tài sản quyết định giảm giá khởi điểm, mỗi lần giảm giá
không quá 10% giá khởi điểm của lần đấu giá không thành liền trước đó;
c) Đối với bán đấu giá tài sản bảo đảm của khoản nợ
xấu, trong trường hợp tiếp tục bán đấu giá, Công ty Quản lý tài sản thỏa thuận
lại với bên bảo đảm về giá khởi điểm của tài sản bảo đảm. Trong thời hạn 07
ngày làm việc kể từ ngày quyết định tiếp tục bán đấu giá mà không thỏa thuận được
với bên bảo đảm, Công ty Quản lý tài sản quyết định giá khởi điểm của tài sản bảo
đảm. Trường hợp Công ty Quản lý tài sản quyết định giảm giá khởi điểm, mỗi lần
giảm giá không quá 10% giá khởi điểm của lần đấu giá không thành liền trước đó.
Chương III
HỘI ĐỒNG ĐẤU GIÁ NỢ XẤU,
TÀI SẢN BẢO ĐẢM CỦA KHOẢN NỢ XẤU
Điều 8. Khoản nợ xấu, tài sản bảo
đảm của khoản nợ xấu có giá trị lớn
1. Khoản nợ xấu hoặc tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu
có giá trị lớn là khoản nợ xấu hoặc tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của Công
ty Quản lý tài sản có giá khởi điểm từ 100 tỷ đồng trở lên.
2. Giá khởi điểm quy định tại khoản 1 Điều này:
a) Đối với khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản
nợ xấu quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 4 Nghị định này, giá
khởi điểm được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định
này;
b) Đối với khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản
nợ xấu ngoài các trường hợp quy định tại điểm a khoản này, giá khởi điểm được
xác định theo các quy định của pháp luật có liên quan.
Điều 9. Thành lập Hội đồng đấu
giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu
1. Công ty Quản lý tài sản quyết định thành lập và
ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản
nợ xấu đối với các khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có giá trị lớn
quy định tại Điều 8 Nghị định này.
2. Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản
nợ xấu gồm: Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Quản lý tài sản hoặc người được
Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Quản lý tài sản ủy quyền là Chủ tịch Hội đồng,
01 đấu giá viên, 01 đại diện tổ chức tín dụng bán nợ (trường hợp bán đấu giá khoản
nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được mua theo giá trị ghi sổ bằng trái
phiếu đặc biệt), đại diện các đơn vị có liên quan thuộc Công ty Quản lý tài sản
và các thành viên khác theo quyết định của Công ty Quản lý tài sản (nếu có).
3. Công ty Quản lý tài sản thành lập Hội đồng đấu
giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu để đấu giá đối với một khoản nợ xấu,
tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu hoặc nhiều khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản
nợ xấu.
Điều 10. Nguyên tắc hoạt động
của Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu
1. Cuộc đấu giá do Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản
bảo đảm của khoản nợ xấu thực hiện phải có ít nhất hai phần ba số thành viên Hội
đồng tham dự, trong đó phải có đấu giá viên, đại diện tổ chức tín dụng bán nợ
(trường hợp bán đấu giá khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được mua
theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt).
2. Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản
nợ xấu làm việc theo nguyên tắc tập trung, thảo luận tập thể và quyết định theo
đa số thông qua hình thức biểu quyết hoặc bỏ phiếu kín. Trường hợp kết quả biểu
quyết hoặc số phiếu bằng nhau thì Chủ tịch Hội đồng có quyền quyết định cuối
cùng.
Điều 11. Quyền và nghĩa vụ của
Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu
1. Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản
nợ xấu có các quyền sau đây:
a) Truất quyền tham gia cuộc đấu giá và lập biên bản
xử lý đối với cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá có hành vi gây rối trật tự cuộc
đấu giá, thông đồng, móc nối để dìm giá hoặc hành vi khác làm ảnh hưởng đến
tính khách quan, trung thực của cuộc đấu giá;
b) Dừng cuộc đấu giá và báo cáo người có thẩm quyền
quyết định thành lập Hội đồng để xử lý khi phát hiện có hành vi vi phạm trình tự,
thủ tục đấu giá hoặc khi phát hiện người điều hành cuộc đấu giá có hành vi
thông đồng, móc nối để dìm giá hoặc hành vi khác làm ảnh hưởng đến tính khách
quan, trung thực của cuộc đấu giá;
c) Lựa chọn hình thức đấu giá quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật đấu giá tài sản để đấu giá tài sản;
d) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản
nợ xấu có các nghĩa vụ sau đây:
a) Nghĩa vụ theo quy định tại điểm d
khoản 2 Điều 24 của Luật đấu giá tài sản;
b) Tổ chức và thực hiện đấu giá theo Quy chế hoạt động
của Hội đồng, Quy chế cuộc đấu giá và quy định của pháp luật có liên quan;
c) Chịu trách nhiệm về kết quả cuộc đấu giá trước
pháp luật và người có thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng;
d) Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quá trình đấu
giá; tiếp nhận, giải quyết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền
quyết định thành lập Hội đồng giải quyết khiếu nại phát sinh sau cuộc đấu giá;
bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;
đ) Báo cáo kết quả đấu giá tài sản và chuyển giao hồ
sơ cuộc đấu giá cho người có thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng sau khi kết
thúc cuộc đấu giá;
e) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 12. Nhiệm vụ và quyền hạn
của Chủ tịch, thành viên Hội đồng đấu giá xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu
1. Chủ tịch Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm
của khoản nợ xấu có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Tổ chức thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Hội
đồng theo quy định tại Điều 11 của Nghị định này;
b) Chủ trì cuộc họp của Hội đồng; phân công trách
nhiệm cho từng thành viên;
c) Nhiệm vụ, quyền hạn khác theo Quy chế hoạt động
của Hội đồng và quy định của pháp luật có liên quan.
2. Thành viên Hội đồng thực hiện các công việc theo
sự phân công của Chủ tịch Hội đồng và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng.
3. Thành viên của Hội đồng là đấu giá viên chịu
trách nhiệm trực tiếp điều hành cuộc đấu giá.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01
tháng 7 năm 2017.
2. Bãi bỏ khoản
1 Điều 27 Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18
tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty
Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam.
Điều 14. Trách nhiệm thi hành
1. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu trách
nhiệm hướng dẫn Nghị định này.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng
cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý tài sản
có trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KTTH (3b).KN 206
|
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
|