ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 256/KH-UBND
|
Hà Nội, ngày 16 tháng 11 năm 2021
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC TRONG KINH DOANH, MUA BÁN, SẢN
XUẤT, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG TRANG THIẾT BỊ, VẬT TƯ, PHƯƠNG TIỆN, THUỐC, VẮCXIN,
SINH PHẨM XÉT NGHIỆM, ĐẶC BIỆT LÀ CÁC LOẠI XÉT NGHIỆM CHUẨN ĐOÁN NHANH VÀ XÉT
NGHIỆM SINH HỌC PHÂN TỬ RT-PCR...TRONG PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19
Thực hiện Thông báo số 241/TP-VPCP
ngày 12/9/2021 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại
cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có nội dung
đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi dụng việc triển khai mua sắm để
phục vụ lợi ích nhóm, vụ lợi cá nhân, nhất là trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm xét nghiệm, thuốc, vắc xin...
phòng, chống dịch Covid-19; Nghị quyết số 127/NQ-CP ngày 08/10/2021 của Chính
phủ phiên họp thường kỳ tháng 9 về tình hình kinh tế xã hội tháng 9 và 9 tháng
năm 2021; văn bản số 8345/BYT-TTrB ngày 04/10/2021 của Bộ Y tế “về việc tăng cường kiểm tra việc nhập khẩu,
kinh doanh, mua sắm các loại Test Kit xét nghiệm nhanh và xét nghiệm
RT-PCR”; văn bản số 1889/TTCP-KHTH ngày 26/10/2021 của
Thanh tra Chính phủ về việc hướng dẫn xây dựng Kế hoạch thanh tra năm 2022;
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xây
dựng Kế hoạch thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong kinh doanh, mua
bán, sản xuất, quản lý và sử dụng trang thiết bị, vật tư, phương tiện, thuốc, vắcxin,
sinh phẩm xét nghiệm, đặc biệt là các loại xét nghiệm chuẩn
đoán nhanh và xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR...trong phòng, chống dịch
Covid-19 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Nâng cao nhận thức, ý thức, vai
trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền Thành phố, người đứng đầu cơ quan, tổ
chức, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân Thủ đô trong công tác
phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực trong việc kinh doanh, mua bán, sản xuất,
quản lý và sử dụng trang thiết bị, vật tư, phương tiện, thuốc, vacxin, sinh phẩm
xét nghiệm, đặc biệt là các loại xét nghiệm chuẩn đoán nhanh và xét nghiệm sinh
học phân tử RT-PCR...trong phòng, chống dịch Covid-19.
2. Qua kiểm tra, giám sát nhằm tăng
cường việc triển khai thực hiện hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp
phòng, chống dịch Covid 19, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc,
hóa chất, sinh phẩm, kít xét nghiệm, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công
tác phòng, chống dịch theo quy định; đồng thời thực hiện việc kinh doanh, mua bán,
sản xuất, quản lý và sử dụng trang thiết bị, vật tư, phương tiện, thuốc, vắcxin,
sinh phẩm xét nghiêm, đặc biệt là các loại xét nghiệm chuẩn đoán nhanh và xét
nghiệm sinh học phân tử RT- PCR...trong phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo hiệu
quả, không xảy ra vi phạm, thất thoát, lãng phí, tiêu cực.
3. Thường xuyên giám sát, kiểm tra, kịp
thời phát hiện và xử lý nghiêm minh đối với các vi phạm, tiêu cực, lợi dụng để
phục vụ lợi ích nhóm, vụ lợi cá nhân trong việc kinh doanh, mua
bán, sản xuất, quản lý và sử dụng trang thiết bị, vật tư, phương tiện, thuốc, vắcxin,
sinh phẩm xét nghiệm, đặc biệt là các loại xét nghiệm chuẩn đoán nhanh và xét
nghiệm sinh học phân tử RT-PCR...trong phòng, chống dịch
Covid-19.
II. NỘI DUNG
1. Tăng cường công tác tuyên truyền với
mọi hình thức tới người dân, doanh nghiệp cung ứng vật tư, trang thiết bị y tế
phòng dịch, cán bộ, công chức, viên chức đặc biệt là những người đang công tác
trong lĩnh vực y tế để nâng cao đạo đức, nhận thức, chung sức, đồng lòng, tự
giác thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; thành lập số điện
thoại đường dây nóng để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phản ánh về các
tiêu cực trong việc kinh doanh, mua bán, sản xuất, quản lý và sử dụng trang thiết
bị, vật tư, phương tiện, thuốc, vắcxin, sinh phẩm xét nghiệm,
đặc biệt là các loại xét nghiệm chuẩn đoán nhanh và xét nghiệm sinh học phân tử
RT-PCR... trong phòng, chống dịch Covid-19.
2. Kiểm tra, rà soát về nhu cầu và việc
quản lý sử dụng trang thiết bị, vật tư, phương tiện, thuốc, vắcxin, sinh phẩm
xét nghiệm, đặc biệt là các loại xét nghiệm chuẩn đoán nhanh và xét nghiệm sinh
học phân tử RT-PCR... phục vụ phòng, chống dịch Covid 19 tại các đơn vị trực
thuộc, đảm bảo việc sử dụng phải phù hợp với nhiệm vụ được giao, đúng mục đích,
hiệu quả, không để xảy ra vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
3. Sở Y tế và các đơn vị y tế, đơn vị
thực hiện việc mua sắm, quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế, vật tư y tế
phòng, chống dịch Covid-19 chủ động thống kê danh mục, đối tượng được giao mua
sắm, quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế, vật tư y tế. Thực hiện kiểm tra, rà
soát về nhu cầu, dự toán việc mua sắm, tiếp nhận, quản lý, sử dụng trang thiết
bị, vật tư, sinh phẩm xét nghiệm, thuốc, vắc xin... theo các phương án phòng,
chống dịch đảm bảo minh bạch, hiệu quả, đúng quy định.
4. Yêu cầu các cơ sở y tế trên địa
bàn Thành phố thực hiện dịch vụ xét nghiệm Covid-19 phải công khai giá dịch vụ
xét nghiệm Covid-19; trường hợp các cơ sở y tế vi phạm quy
định về giá dịch vụ xét nghiệm phải được phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định.
Tiếp tục thực hiện Chiến lược tiêm chủng cho toàn dân đồng thời khi phân bổ lượng
vắc xin phải đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch, đúng nguyên tắc,
đúng quy định, an toàn, hiệu quả. Xử lý nghiêm đối với các tiêu cực trong tiêm
phòng vắc xin như: cơ chế xin cho, quà tặng, bồi dưỡng... để được tiêm nhanh hoặc
lựa chọn vắc xin theo nhu cầu gây bức xúc cho nhân dân.
5. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện
công khai, minh bạch giá các trang thiết bị, sinh phẩm, vật
tư y tế, giá các dịch vụ xét nghiệm, Test, Kit xét nghiệm... kịp thời, cập nhật
liên tục tránh tình trạng nâng giá của các đơn vị, cá
nhân, đảm bảo đúng quy định.
6. Nâng cao hiệu quả công tác thanh
tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện mua sắm phục vụ phòng, chống dịch
Covid-19 theo Nghị quyết số 79/NQ-CP ngày 22/7/2021 của Chính phủ “về mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị,
phương tiện phục vụ phòng, chống dịch Covid-19”;
thực hiện thanh tra trong việc kinh doanh, mua bán, sản xuất, quản
lý và sử dụng trang thiết bị, vật tư, phương tiện, thuốc, vắcxin, sinh phẩm xét
nghiệm, đặc biệt là các loại xét nghiệm chuẩn đoán nhanh và xét nghiệm sinh học
phân tử RT-PCR...trong phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo kịp thời xử lý vi phạm
đúng quy định.
7. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa
các cơ quan, đơn vị trong công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát xử lý nghiêm
các trường hợp vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong việc kinh
doanh, mua bán, sản xuất, quản lý và sử dụng trang thiết bị, vật tư, phương tiện,
thuốc, vắcxin, sinh phẩm xét nghiệm, đặc biệt là các loại
xét nghiệm chuẩn đoán nhanh và xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR...trong
phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo đúng quy định.
8. Phòng ngừa, đấu tranh và xử lý
nghiêm đối với hành vi buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm, gian lận
thương mại, lợi dụng tình hình dịch bệnh để găm hàng, tăng giá.
III. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Sở Y tế có nhiệm
vụ:
- Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp Sở Kế
hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Cục Thuế, Sở Công thương, Thanh tra Thành phố,
Công an Thành phố và đơn vị liên quan thành lập Đoàn kiểm
tra đột xuất, thực hiện rà soát về quy trình, thủ tục, điều kiện kinh doanh,
mua bán, sản xuất, quản lý và sử dụng trang thiết bị, vật tư, phương tiện, thuốc,
vắcxin, sinh phẩm xét nghiệm, đặc biệt là các loại xét nghiệm chuẩn đoán nhanh
và xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR, tập trung vào giá xét nghiệm và giá dịch
vụ xét nghiệm đang thực hiện tại các công ty cung ứng, các cơ sở sử dụng các loại
xét nghiệm... Trên cơ sở báo cáo của các cơ quan, đơn vị, tổng hợp kết quả thực
hiện mua sắm, quản lý sử dụng trang thiết bị, vật tư, phương tiện, thuốc, vắcxin,
sinh phẩm xét nghiệm, đặc biệt là các loại xét nghiệm chuẩn đoán nhanh và xét
nghiệm sinh học phân tử RT-PCR...trong phòng, chống dịch
Covid-19, tổng hợp kết quả thực hiện chung trên địa bàn Thành phố.
Quá trình thực hiện kiểm tra, rà
soát, cần kịp thời chấn chỉnh và xử lý ngay các hành vi vi phạm hành chính,
thông tin kết quả xử lý trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định. Trường
hợp cần thiết, kịp thời báo cáo UBND Thành phố để chỉ đạo thanh tra, xử lý theo
đúng quy định pháp luật.
- Căn cứ các phương án ứng phó từng cấp
độ dịch bệnh, chủ động rà soát, thống kê danh mục, kinh phí, kết quả thực hiện
mua sắm, quản lý, sử dụng trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm xét nghiệm, thuốc...
cần mua; tổng hợp nhu cầu mua sắm, khẩn trương tham mưu thực hiện việc mua sắm
đáp ứng yêu cầu cấp bách trong phòng chống dịch. Phối hợp Sở Tài chính tham mưu
UBND Thành phố ban hành Quyết định bổ sung kinh phí mua sắm; tuyệt đối không để
xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, sinh phẩm, kít xét nghiệm, trang thiết
bị, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống dịch, đảm bảo kịp thời, hiệu quả
theo quy định.
- Chịu trách nhiệm trong việc phân bổ,
quản lý sử dụng thuốc, hóa chất, sinh phẩm, kít xét nghiệm, trang thiết bị,
phương tiện... phục vụ phòng chống dịch Covid 19 đảm bảo đúng mục đích, an toàn,
hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí, thất thoát, tiêu cực.
- Chủ động phối hợp với các đơn vị
liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện mua sắm phục vụ
công tác phòng chống dịch Covid 19; đồng thời phối hợp với đơn vị chức năng
tăng cường kiểm tra, giám sát các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng lậu,
hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đặc biệt là thuốc giả, thuốc
kém chất lượng, lợi dụng tình hình dịch bệnh nâng giá thuốc, thu giá dịch vụ trong phòng chống dịch trái quy định.
- Thực hiện kiểm tra, giám sát, có biện
pháp yêu cầu các đơn vị cung ứng trang thiết bị y tế, sinh phẩm vật tư y tế...
phục vụ công tác phòng, chống dịch phải công khai, minh bạch giá kịp thời và
liên tục lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, tránh
tình trạng vi phạm, nâng giá... trái quy định.
2. Sở Tài chính:
- Phối hợp Sở Y tế, Sở Kế hoạch và Đầu
tư, các đơn vị liên quan tham mưu triển khai thực hiện Nghị quyết số 79/NQ-CP
ngày 22/7/2021 của Chính phủ “về mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng chống
dịch Covid 19”.
- Hướng dẫn các đơn vị bảo đảm nguồn
kinh phí để thực hiện công tác mua sắm vắc xin, vật tư, trang thiết bị, hóa chất,
thuốc... phục vụ phòng, chống dịch.
3. Thanh tra
Thành phố:
- Phối hợp với các đơn vị có liên
quan tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện
và xử lý các trường hợp vi phạm, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền
thông trong việc tiếp nhận để thực hiện xử lý theo quy định đối với các thông tin,
phản ánh, tố giác của công dân, cơ quan, tổ chức trên địa bàn Thành phố liên
quan đến việc mua sắm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm xét nghiệm, thuốc, vắc
xin... phòng, chống dịch Covid 19.
4. Công an Thành
phố:
- Triển khai đồng bộ các biện pháp cấp
bách để chủ động phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tội
phạm có liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, trục lợi trong phòng, chống dịch bệnh.
Đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án có liên quan đến phòng, chống dịch bệnh, sớm
đề nghị truy tố, xét xử để tuyên truyền, cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa các sai
phạm. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tham nhũng,
tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm trang thiết bị, thuốc, hóa chất, sinh phẩm...hoặc lợi dụng các hoạt động phòng, chống dịch để
trục lợi.
- Phối hợp với các sở, ngành, đơn vị
liên quan kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm theo quy định; phát hiện những
sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước chuyên ngành, chính sách, pháp
luật, kịp thời tham mưu, kiến nghị, đề xuất các biện pháp chấn chỉnh khắc phục,
không để các đối tượng lợi dụng để hoạt động gây bức xúc dư luận xã hội.
- Phối hợp với Sở Thông tin Truyền
thông xử lý nghiêm các trường hợp thông tin sai sự thật, mang động cơ cá nhân
gây ảnh hưởng tới dư luận, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn Thành phố.
5. Sở Thông tin
truyền thông:
- Tiếp tục tuyên truyền có hiệu quả
dưới nhiều hình thức để người dân, doanh nghiệp, cán bộ,
công chức, viên chức đặc biệt viên chức ngành Y tế nhận thức được vai trò, trách
nhiệm, nêu cao tinh thần gương mẫu trong phòng, chống dịch Covid-19. Thành lập
số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận 24/24h những phản ánh của người dân về
các vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong việc kinh doanh, mua bán, sản
xuất, quản lý và sử dụng trang thiết bị, vật tư, phương tiện, thuốc, vắcxin,
sinh phẩm xét nghiệm, đặc biệt là các loại xét nghiệm chuẩn đoán nhanh và xét
nghiệm sinh học phân tử RT-PCR...trong phòng, chống dịch Covid-19
- Phối hợp với Công an Thành phố, Công an các quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan xử
lý nghiêm các trường hợp thông tin sai sự thật gây hoang mang dư
luận, bảo vệ thành quả chống dịch.
6. Cục Hải quan
Thành phố và Cục Quản lý thị trường Thành phố có trách nhiệm:
- Phối hợp với Công an Thành phố đấu tranh, phòng ngừa đối với hành vi buôn lậu, sản xuất
buôn bán hàng giả, hàng cấm, gian lận thương mại, lợi dụng tình hình dịch bệnh
để găm hàng, tăng giá.
- Kịp thời phối hợp với các cơ quan, đơn
vị liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị, cá
nhân trong việc kinh doanh, mua bán, sản xuất, quản lý và sử dụng trang thiết bị,
vật tư, phương tiện, thuốc, vắcxin, sinh phẩm xét nghiệm...trong phòng, chống dịch
Covid-19.
7. UBND các quận,
huyện, thị xã, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, các Sở, ban, ngành Thành
phố:
- Triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp
thời Thông báo số 241/TP-VPCP ngày 12/9/2021 của Văn phòng Chính phủ; các văn bản
số 7952/BYT-TTrB ngày 23/9/202, số 8151/BYT-TTrB ngày 28/9/2021, số
8345/BYT-TTrB ngày 04/10/2021 của Bộ Y tế tại các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là
cấp xã, phường, thị trấn.
- Người đứng đầu các đơn vị có trách
nhiệm chủ động tự kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm về việc đề xuất nhu cầu,
mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế, vật tư y tế phòng dịch đảm bảo
tiết kiệm, hiệu quả, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát
lãng phí tại cơ quan, đơn vị do mình quản lý.
- Tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo,
chỉ đạo, tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch. Tăng cường kiểm tra, giám sát để phát hiện, kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu
kém, bất cập và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, lợi
ích nhóm trong mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị, thuốc, hóa chất, sinh phẩm...; đồng thời biểu dương, khen thưởng
đối với tập thể, cá nhân có mô hình hay, cách làm tốt
trong phòng, chống dịch.
- Đối với các trang thiết bị y tế,
sinh phẩm, vật tư y tế được mua sắm từ nguồn chi thường
xuyên, nguồn hỗ trợ khác của đơn vị: Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã chịu
trách nhiệm chỉ đạo tổng hợp, rà soát, kiểm tra đề xuất nhu cầu về danh mục, số
lượng, kinh phí mua sắm trong phạm vi quản lý, đảm bảo việc thực hiện mua sắm, quản lý và sử dụng các trang thiết bị y tế, sinh phẩm, vật tư y tế nêu trên đúng quy định pháp luật, tiết kiệm, hiệu quả.
UBND Thành phố yêu cầu các sở, ban,
ngành, UBND quận, huyện, thị xã, doanh nghiệp nhà nước, đơn vị trực thuộc Thành
phố và đơn vị liên quan có trách nhiệm nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch
này. Trường hợp khó khăn, vướng mắc hoặc phát sinh vấn đề đột xuất, kịp thời
báo cáo Ban Chỉ đạo, Sở chỉ huy các cấp, UBND Thành phố để kịp thời chỉ đạo giải
quyết theo quy định./.
Nơi nhận:
- Thanh tra Chính phủ; (để b/c)
- Thường trực: Thành ủy, HĐND
TP; (để b/c)
- Chủ tịch UBND TP;
- Các Phó Chủ tịch UBND TP;
- Văn phòng Thành ủy;
- Văn phòng HĐND TP;
- Các sở, ban, ngành, DNNN, đơn vị thuộc TP;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- VP UBND TP: CVP, các PCVP, các phòng CV;
- Lưu: VT, NC.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Chử Xuân Dũng
|