ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2460/KH-UBND
|
Quảng Bình, ngày
29 tháng 11 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
THỰC
HIỆN CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC ĐÁNH GIÁ PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Căn cứ kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác phòng chống
tham nhũng những năm qua, yêu cầu đặt ra trong thời gian tới, thực hiện nghiêm
túc các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Ban thường vụ
Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh về công tác phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực, nâng cao chất lượng và hiệu quả các chỉ số đánh giá
PCTN năm 2023 và các năm tiếp theo, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện các
giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đánh giá PCTN với các nội dung sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện các
tiêu chí chấm điểm thông qua kết quả chấm điểm của Thanh tra Chính phủ hàng năm
và kết quả tự chấm điểm của tỉnh để đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng,
hiệu quả công tác PCTN của tỉnh năm 2023 và các năm tiếp theo.
2. Yêu cầu
- Việc đánh giá phải khách quan, chỉ rõ điểm mạnh,
điểm yếu trong việc thực hiện công tác PCTN thời gian qua, thông qua các tiêu
chí chấm điểm theo bộ chỉ số của Thanh tra Chính phủ.
- Đưa ra các giải pháp khắc phục cụ thể, rõ ràng và
phù hợp với thực tiễn; phân công rõ trách nhiệm thực hiện của các cá nhân, cơ
quan, đơn vị, địa phương.
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Đánh giá việc triển khai thực
hiện công tác PCTN theo các tiêu chí chấm điểm
Đánh giá công tác PCTN đã được quy định tại Luật
Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và được hướng dẫn cụ thể tại Chương III Nghị định
số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và
biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng.
2. Mục tiêu, nhiệm vụ
- Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đánh
giá PCTN trên địa bàn tỉnh năm 2023 và các năm tiếp theo.
- Nâng cao điểm số đánh giá công tác PCTN của tỉnh
năm 2023, nhất là các chỉ số có điểm số chiếm tỷ trọng cao và ảnh hưởng lớn đến
tổng điểm.
- Cải thiện các chỉ số thấp điểm và không có điểm,
tập trung chủ yếu tại một số tiêu chí cụ thể sau:
+ Công tác phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ
chức, đơn vị khu vực Nhà nước;
+ Công tác phòng ngừa tham nhũng trong doanh nghiệp,
tổ chức, khu vực ngoài Nhà nước;
+ Việc phát hiện hành vi tham nhũng, nhất là qua hoạt
động thanh tra, kiểm tra và giám sát của Nhân dân;
+ Việc xử lý tham nhũng;
+ Kết quả xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về
PCTN;
+ Kết quả thu hồi tiền, tài sản tham nhũng qua công
tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, giải quyết đơn tố cáo, phản ánh;
+ Kết quả thu hồi tiền, tài sản tham nhũng qua công
tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
+ Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan,
đơn vị để xảy ra tình trạng tham nhũng, tiêu cực.
3. Nôi dung thực hiện
3.1. Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh,
UBND cấp huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh
trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật về PCTN.
Hàng năm, xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện
và báo cáo đầy đủ các nội dung sau:
- Việc xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật
về PCTN.
- Việc kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL
về PCTN.
- Việc thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL về
PCTN.
- Công tác kiểm tra, theo dõi thi hành văn bản QPPL
về PCTN.
3.2. Tiếp công dân của người
đứng đầu.
Thực hiện nghiêm quy định về tiếp công dân của người
đứng đầu tại các cơ quan, đơn vị, địa phương theo quy định của Luật Tiếp công
dân năm 2013 (Chủ tịch UBND các cấp, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các cơ quan,
đơn vị phải trực tiếp chủ trì tiếp công dân định kỳ và đột xuất theo đúng quy định
của pháp luật).
3.3. Thực hiện công khai,
minh bạch theo quy định tại Điều 10 của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018
Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải công khai,
minh bạch trong hoạt động về các nội dung công việc liên quan đến:
- Việc thực hiện chính sách, pháp luật có nội dung
liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức, người
lao động.
- Việc bố trí, quản lý, sử dụng tài chính công, tài
sản công hoặc kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác.
- Công tác tổ chức cán bộ của cơ quan, đơn vị; quy
tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn.
- Việc thực hiện chính sách, pháp luật có nội dung
không thuộc trường hợp quy định nêu trên mà theo quy định của pháp luật phải
công khai, minh bạch.
- Thủ tục hành chính liên quan đến giải quyết hồ
sơ, yêu cầu công việc của người dân, doanh nghiệp.
Việc công khai, minh bạch trong hoạt động về các nội
dung nêu trên được thực hiện bắt buộc bằng hình thức đăng tải trên Cổng thông
tin điện tử của UBND tỉnh và Trang/Cổng thông tin điện tử của các cơ quan, đơn
vị, địa phương và được biên tập, sắp xếp thành hệ thống chỉ tiêu, nhóm công việc,
giúp thuận tiện cho công tác tra cứu, kiểm tra, giám sát của người dân và cơ
quan chức năng.
3.4. Công tác thanh tra, kiểm
tra và tự kiểm tra việc thực hiện định mức, chế độ, tiêu chuẩn
- Các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên rà
soát để sửa đổi, ban hành mới theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm
quyền sửa đổi, ban hành các định mức, tiêu chuẩn, chế độ; công khai quy định về
định mức, tiêu chuẩn, chế độ; triển khai thực hiện và công khai kết quả thực hiện
quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ theo quy định. Hàng năm, tiến hành tự
kiểm tra trong nội bộ cơ quan, đơn vị để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm.
- Thanh tra tỉnh, Sở Tài chính tăng cường thanh
tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ nhằm phát
hiện các hành vi vi phạm; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà xử lý, kiến nghị
xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu
gây thiệt hại thì phải yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật.
3.5. Kiểm soát xung đột lợi
ích
Hàng năm, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải xây
dựng, ban hành Kế hoạch, tiến hành rà soát, kiểm soát, xử lý kịp thời theo quy
định tại Điều 23 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và quy định tại Mục 3
Chương IV Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi
tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng đối với các
trường hợp xung đột lợi ích xảy ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ công vụ.
3.6. Chuyển đổi vị trí công
tác của cán bộ, công chức, viên chức
Hàng năm, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải xây
dựng, ban hành Kế hoạch và công khai Kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác đối với
người có chức vụ, quyền hạn theo thẩm quyền quản lý cán bộ. Kế hoạch chuyển đổi
vị trí công tác phải nêu rõ mục đích, yêu cầu, trường hợp cụ thể phải chuyển đổi
vị trí công tác, thời gian thực hiện chuyển đổi, quyền, nghĩa vụ của người phải
chuyển đổi vị trí công tác và biện pháp tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả thực
hiện để phục vụ cho việc đánh giá công tác PCTN hàng năm.
3.7. Kiểm soát tài sản, thu
nhập
- Các cơ quan, đơn vị tiếp tục tổ chức triển khai
thực hiện đúng quy định của pháp luật về kê khai, công khai và kiểm soát bản kê
khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ phải kê khai; quản lý, cập nhật bản
kê khai tài sản, thu nhập theo quy định.
- Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp cơ quan liên
quan hàng năm xây dựng Kế hoạch, tiến hành xác minh tài sản, thu nhập của người
có nghĩa vụ kê khai theo quy định của pháp luật phòng, chống tham nhũng.
3.8. Thực hiện Chỉ thị số
10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ
- Các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục triển
khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số
10/CT-TTg ngày 22/4/2019 và Công điện số 724/CĐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng
Chính phủ. Hàng năm xây dựng Kế hoạch để triển khai, tổ chức thực hiện với nội
dung tập trung vào việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát trong thực thi
công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm ngăn chặn tình trạng
nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
- Tiếp tục duy trì các đường dây nóng để tiếp nhận,
xử lý các ý kiến phản ánh về tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu của cán bộ, công
chức, viên chức trong thực thi công vụ. Tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, xử
lý kịp thời những thông tin phản ánh của doanh nghiệp, nhà đầu tư về khó khăn,
vướng mắc trong quá trình thực hiện.
3.9. Phòng ngừa tham nhũng
trong doanh nghiệp, tổ chức, khu vực ngoài Nhà nước
- Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tư pháp và
Thanh tra tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quy định của Luật
Phòng, chống tham nhũng cho lãnh đạo và người lao động tại các doanh nghiệp, Hiệp
hội doanh nghiệp tỉnh.
- Các doanh nghiệp, tổ chức, khu vực ngoài Nhà nước
xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm tra, kiểm soát nội bộ; quy định
về biện pháp công khai, minh bạch trong hoạt động; về kiểm soát xung đột lợi
ích và chế độ trách nhiệm của người đứng đầu (Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp
với các sở, ngành liên quan hướng dẫn cụ thể).
3.10. Phát hiện hành vi tham
nhũng qua kiểm tra, thanh tra, giám sát và giải quyết đơn phản ánh, tố cáo tham
nhũng; tiếp nhận thông tin về tham nhũng
- Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra
nhằm phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật nói chung, các hành vi
tham nhũng nói riêng.
- Phân loại, theo dõi riêng đối với đơn thư, phản
ánh có nội dung tố cáo liên quan đến tham nhũng ngay từ khâu tiếp nhận và quá
trình giải quyết làm cơ sở để đánh giá, chấm điểm.
- Quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát và giải
quyết tố cáo tham nhũng, nếu phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm,
tham nhũng thì phải chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra có thẩm quyền
để thụ lý, điều tra, xử lý theo quy định; không chờ đến khi kết thúc quá trình
thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết tố cáo,... mới chuyển hồ sơ vụ việc.
- Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về bảo vệ
người tố cáo, nhất là tố cáo về tham nhũng, tiêu cực.
3.11. Xử lý vi phạm đối với
tổ chức, cá nhân
- Quá trình thanh tra, kiểm tra, điều tra, nếu phát
hiện hành vi vi phạm hành chính về tham nhũng, các cơ quan thanh tra, kiểm tra,
điều tra, các sở, ngành và UBND các cấp thực hiện xử lý theo quy định hoặc chuyển
hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
- Sau khi có kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra
đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng; nếu không đủ yếu tố cấu thành tội phạm
thì các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra chuyển nội dung kết luận vi phạm
về tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức đến cơ quan có thẩm quyền quản
lý cán bộ, công chức, viên chức để xem xét, xử lý kỷ luật hành chính đối với
các cá nhân có sai phạm theo quy định. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch
UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và
pháp luật nếu kéo dài thời gian xem xét, xử lý, để hết thời hạn, thời hiệu xử
lý kỷ luật theo quy định.
3.12. Xử lý trách nhiệm người
đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng
Khi có kết quả xử lý, giải quyết các vụ việc, vụ án
tham nhũng của các cơ quan chức năng, các cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ
phải xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu
đã để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ
trách.
3.13. Thu hồi tiền, tài sản
tham nhũng
- Triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu
quả các giải pháp về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi
tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
- Kịp thời biện pháp hành chính để thu hồi ngay tiền,
tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc thất thoát do hành vi vi phạm
pháp luật về tham nhũng gây ra. Đồng thời, văn bản kết luận thanh tra, kiểm
tra, giám sát phải xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách
nhiệm của từng tập thể, cá nhân, làm cơ sở để xử lý thu hồi.
- Quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án
các vụ việc, vụ án tham nhũng, các cơ quan Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa
án nhân dân và Thi hành án dân sự cần tích cực áp dụng biện pháp thu hồi tiền,
tài sản tham nhũng trong từng khâu của quá trình xử lý, giải quyết vụ việc. Vận
động đương sự tự nguyện thực hiện nghĩa vụ trả lại tiền, tài sản; sử dụng các
biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài sản, cưỡng chế thi hành
án,... để đảm bảo thu hồi triệt để tiền, tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát
trong các vụ án tham nhũng.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, các
đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã,
thành phố chủ động xây dựng Kế hoạch chi tiết, đề ra các biện pháp cụ thể để
nâng cao điểm số đánh giá công tác PCTN; định kỳ báo cáo về Thanh tra tỉnh để tổng
hợp cùng với báo cáo công tác PCTN 6 tháng, báo cáo năm và chịu trách nhiệm trước
Chủ tịch UBND tỉnh nếu kết quả chấm điểm thuộc trách nhiệm cơ quan, đơn vị đạt
thấp, làm ảnh hưởng đến điểm số và vị trí xếp hạng của Tỉnh.
2. Giao Thanh tra tỉnh hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi
việc thực hiện Kế hoạch này, định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm
vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định./.
Nơi nhận:
- Thanh tra Chính phủ;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Ban Nội chính Tỉnh ủy;
- Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy;
- Đảng ủy Khối DN tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- VP: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH&HĐND, UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, NC.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Trần Thắng
|