ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
17/2010/CT-UBND
|
Vinh,
ngày 10 tháng 9 năm 2010
|
CHỈ THỊ
VỀ
VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 41/2010/NĐ-CP NGÀY 12/4/2010 CỦA CHÍNH PHỦ
VỀ CHÍNH SÁCH TÍN DỤNG PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN
Chính phủ đã ban hành Nghị định số
41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông
thôn (thay thế Quyết định số 67/QĐ-TTg ngày 30/3/1999 của Thủ tướng Chính phủ),
nhằm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của BCH T.Ư Đảng khóa X về nông
nghiệp, nông thôn; góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; xóa đói giảm
nghèo và nâng cao đời sống của nhân dân.
Để triển khai thực hiện tốt Nghị
định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, các tổ
chức chính trị - xã hội, UBND các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh tập trung
thực hiện tốt một số nội dung sau:
1. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh
tỉnh Nghệ An:
a) Phối hợp với các Sở, ngành và
các đơn vị có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho vay đối với
lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo đúng quy định tại Nghị định số
41/2010/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 14/2010/TT-NHNN ngày 14/6/2010 của
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về chính sách tín dụng phục vụ phát triển
nông nghiệp, nông thôn.
b) Tăng cường công tác kiểm tra,
giám sát đối với các khoản cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đảm
bảo an toàn, hiệu quả.
c) Tham mưu UBND tỉnh trình cấp có
thẩm quyền xử lý rủi ro do nguyên nhân khách quan phát sinh trên diện rộng.
d) Thường xuyên theo dõi, phản ánh
kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và tham mưu, đề
xuất các biện pháp giải quyết. Định kỳ 6 tháng và 1 năm báo cáo UBND tỉnh về
tình hình, kết quả thực hiện chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn.
2. Tổ chức tín dụng trên địa bàn
(bao gồm các Ngân hàng Thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát
triển, Chi nhánh Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương và các Quỹ tín dụng nhân dân
cơ sở):
a) Tư vấn và hướng dẫn các tổ
chức, cá nhân thủ tục vay vốn đơn giản, phù hợp với từng đối tượng khách hàng,
đảm bảo an toàn, hiệu quả. Thực hiện tốt chính sách miễn giảm lãi suất đối với khách
hàng có mua bảo hiểm rủi ro trong nông nghiệp.
b) Chủ động phối hợp với các
ngành, các cấp, các tổ chức chính trị xã hội để tuyên truyền chính sách, cho
vay, thu hồi nợ vay và giám sát quá trình sử dụng vốn vay của khách hàng, đồng
thời thực hiện cho vay tín chấp, thỏa thuận ủy quyền...
c) Xây dựng kế hoạch mở rộng mạng
lưới hoạt động để đảm bảo việc huy động và cung ứng các dịch vụ ngân hàng trên
địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
d) Thực hiện tốt chính sách điều
hành lãi suất theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ.
Đẩy mạnh công tác huy động vốn, tập trung vốn cho đầu tư phát triển kinh tế địa
phương, hạn chế tối đa việc chuyển vốn ra ngoài địa bàn tỉnh.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
a) Chỉ đạo thực hiện tốt công tác
khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; hướng dẫn các hộ gia đình, hợp tác xã, chủ
trang trại và các đối tượng khác xây dựng và thực hiện các dự án, phương án sản
xuất kinh doanh và chế biến sản phẩm sau thu hoạch có hiệu quả, làm cơ sở cho
các tổ chức tín dụng cho vay;
b) Phối hợp chặt chẽ với các Sở,
ngành có liên quan và UBND địa phương trong việc hoàn thiện các thủ tục pháp
lý, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà
ở, giấy chứng nhận đối với chủ trang trại... để các hộ gia đình, cá nhân, chủ
trang trại đủ điều kiện vay vốn tại các Tổ chức tín dụng theo quy định.
c) Phối hợp với Sở Y tế thông báo
kịp thời, cụ thể về thiên tai, dịch bệnh gây thiệt hại trên diện rộng đối với người,
cây trồng, vật nuôi để các đơn vị có liên quan biết, đồng thời triển khai các
biện pháp ngăn chặn, dập tắt dịch bệnh và làm cơ sở xác định thiệt hại mà cư
dân trên địa bàn tỉnh phải gánh chịu, trong đó có thiệt hại từ nguồn vốn vay
các tổ chức tín dụng ngân hàng để các đơn vị có liên quan thực hiện các biện
pháp hỗ trợ.
4. Sở Tài chính
a) Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước
Chi nhánh tỉnh Nghệ An và các Sở, ngành có liên quan thực hiện việc kiểm tra, giám
sát; đề xuất các biện pháp xử lý nợ và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát
sinh trong quá trình cho vay và xử lý nợ theo quy định.
b) Chủ trì, phối hợp với các Sở,
ngành có liên quan xây dựng cơ chế và mức chi ngân sách hàng năm để cho vay ủy
thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông
dân, nông thôn trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư: cung cấp
thông tin về đăng ký kinh doanh của các loại hình doanh nghiệp sản xuất, kinh
doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cho Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh
tỉnh; cung cấp thông tin, đàm phán, thu hút vốn nước ngoài tài trợ trong việc
phát triển nông nghiệp, nông thôn.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường
phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã đẩy nhanh việc
thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài
sản khác gắn liền với đất, tạo điều kiện cho các hộ gia đình, cá nhân, chủ
trang trại... có đủ điều kiện vay vốn tại các Tổ chức tín dụng để sản xuất kinh
doanh.
7. Sở Công thương chủ trì phối hợp
với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị có liên quan triển khai
thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân về thông tin thị trường và xúc tiến thương
mại đối với sản phẩm nông nghiệp theo quy định.
8. Sở Tư pháp phối hợp với Sở Tài
chính, Sở Tài nguyên môi trường và các đơn vị có liên quan thực hiện không thu
lệ phí đăng ký giao dịch đảm bảo đối với các cá nhân, hộ gia đình vay vốn tại
các tổ chức tín dụng để sản xuất, kinh doanh theo quy định.
9. UBND các huyện, thành phố, thị
xã
a) Thực hiện công tác quy hoạch
phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp và quy hoạch cơ sở hạ tầng nông
thôn trên địa bàn; đề xuất các chính sách hỗ trợ nông dân áp dụng tiến bộ khoa
học kỹ thuật, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; thông tin thị trường, chế
biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
b) Chỉ đạo các phòng, ban thuộc
UBND cấp huyện và UBND cấp xã trong việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng thẩm định,
cho vay, thu hồi nợ theo quy định của pháp luật.
c) Chỉ đạo UBND cấp xã xem xét,
xác nhận giấy đề nghị vay vốn tín chấp của các đối tượng khách hàng theo quy
định.
10. Các Sở, ban, ngành có liên
quan, UBND các cấp tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản
xuất, kinh doanh, xây dựng hạ tầng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đồng
thời có trách nhiệm phối hợp và hỗ trợ các tổ chức tín dụng trên địa bàn trong
việc thẩm định, cho vay, thu hồi nợ theo đúng quy định của pháp luật.
11. Đề nghị các Tổ chức chính trị
xã hội
a) Phối hợp với các tổ chức tín
dụng trên địa bàn thực hiện toàn bộ hoặc một số khâu trong quy trình nghiệp vụ
tín dụng, sau khi đã thỏa thuận với các tổ chức tín dụng cho vay; đẩy mạnh công
tác tuyên truyền, phổ biến chính sách và tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ,
hội viên của tổ chức mình.
b) Thực hiện tín chấp bảo lãnh để
đảm bảo cho một số khách hàng tại địa bàn nông nghiệp, nông thôn được vay vốn
tại các tổ chức tín dụng theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời theo dõi,
giám sát việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và trả nợ các tổ chức tín dụng đúng
hạn.
c) Hội Nông dân và Hội liên hiệp
Phụ nữ tỉnh phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh tổ chức thực hiện
Nghị quyết liên tịch số 02/NQLT, 03/NQTL đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ký
với Hội Nông dân Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ Nữ Việt Nam.
12. Báo Nghệ An, Đài Phát thanh và
Truyền hình tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền các chủ trương chính
sách của Đảng, Nhà nước và của ngành ngân hàng về tín dụng phục vụ phát triển
nông nghiệp nông thôn để nhân dân hiểu rõ và thực hiện.
Yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ
trưởng các ban, ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố,
thị xã và các đơn vị có liên quan tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc
Chỉ thị này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Thái Văn Hằng
|