CHỈ THỊ
V/V TĂNG CƯỜNG
CÔNG TÁC THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC VÀ ĐẨY MẠNH THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ
Trong những năm qua kết quả thu ngân sách Nhà
nước của tỉnh ta đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận, số thu ngân sách
hàng năm đều vượt dự toán Trung ương và tỉnh giao, góp phần to lớn vào sự phát
triển kinh tế – xã hội chung của toàn tỉnh. Năm 2006 là năm đầu thực hiện kế
hoạch 5 năm 2006 – 2010, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, chúng ta còn phải đối
mặt với nhiều khó khăn, trở ngại, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, thị
trường không ổn định, giá cả biến động, dịch cúm gia cầm tái phát, tình hình
buôn lậu, gian lận thương mại, trốn lậu thuế vẫn thường xuyên xảy ra. Công tác
quản lý thu ngân sách chưa chặt chẽ, tình trạng thất thu về thuế, phí, lệ phí
vẫn còn là khá phổ biến, nhất là khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, đặc biệt
thời gian gần đây tình trạng nhiều cơ sở kinh doanh xe ô tô, xe hai bánh gắn
máy thường kê khai giá tính thuế hàng hoá nhập khẩu thấp hơn giá thực thanh toán,
giá bán trên hoá đơn thấp hơn giá bán thực tế, gây thất thu cho ngân sách nhà
nước, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, tạo ra sự không công bằng giữa các
cơ sở kinh doanh.
Nhằm tăng cường công tác quản lí chống thất thu
NSNN, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch thu ngân sách Nhà
nước năm 2006; tạo đà cho việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2006- 2010. Ngày
20/7/2006, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị số 16/2006/CT-UBND về tăng
cường công tác thu Ngân sách Nhà nước và đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống
lãng phí. Chỉ thị yêu cầu thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân
dân các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện
ngay một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
1. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến
chính sách, pháp luật của nhà nước về lĩnh vực thuế, Luật doanh nghiệp, Luật kế
toán, kiến thức về quản lý kinh doanh, về hội nhập kinh tế quốc tế.. nhằm nâng
cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và thực hiện nghĩa vụ của các doanh nghiệp
trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
2. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tăng cường
chỉ đạo công tác thu ngân sách, chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn lậu
thuế, kiểm tra và thu triệt để các khoản nợ đọng ngân sách, xử lý kiên quyết,
nghiêm minh các vi phạm pháp luật về thuế,
tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ kịp thời khó khăn
vướng mắc của doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh để đẩy mạnh sản
xuất kinh doanh và tăng thêm nguồn thu cho NSNN.
3. Cục Thuế tỉnh có trách nhiệm:
- Chỉ đạo các phòng, ban chức năng và cơ quan
thuế các huyện, thành phố tiến hành rà soát tất cả các nguồn thu, các lĩnh vực
thu, các đối tượng kinh doanh nộp thuế để đảm bảo thu đúng, thu đủ, không bỏ
sót nguồn thu; Xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án tăng cường quản lý thu đối
với các lĩnh vực còn thất thu như: Kinh doanh nhà hàng, khách sạn, kinh doanh
vàng bạc, vận tải, khai thác tài nguyên, các làng nghề; Tăng cường các biện
pháp quản lí thu thuế giá trị gia tăng
(GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế Tài nguyên và các khoản thu
khác; đánh giá, phân tích rõ nguyên nhân những khoản thu thấp, những đơn vị,
địa bàn thu thấp để có biện pháp chỉ đạo kịp thời.
- Triển khai thực hiện nghiêm túc Quyết định của
UBND tỉnh về việc quản lí chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh xe ô
tô, xe gắn máy; Thực hiện phân cấp quản lí thu thuế đối với các doanh nghiệp
dân doanh cho các huyện, thành phố theo qui định; Tiếp tục chỉ đạo thực hiện Đề
án ủy nhiệm thu một số khoản thuế, phí và lệ phí, đẩy mạnh việc phân cấp, ủy
nhiệm thu thêm một số khoản thuế và thu mới hợp lý cho UBND xã, phường, thị
trấn nhằm quản lý, khai thác tốt các nguồn thu, chống thất thu NSNN.
- Phối hợp chặt chẽ với các sở Tài chính, Tài
nguyên- Môi trường thực hiện tốt chế độ thu tiền thuê đất, thuế nhà đất, quản
lí thu phí bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh; đánh giá tình
hình thu từ đất đai, rà soát lại toàn bộ diện tích tính thuế, bao gồm cả đất đã
ở ổn định và đất giãn dân mới cấp, phấn đấu đến năm 2007 lập bộ thuế nhà, đất
theo Luật đất đai năm 2003 và các văn bản pháp luật hiện hành.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát
hiện kịp thời và xử lý kiên quyết các hành vi gian lận thương mại, trốn lậu
thuế .
4. Sở Kế hoạch- Đầu tư đẩy mạnh cải cách thủ tục
hành chính, rà soát các chính sách về thu
hút, ưu đãi đầu tư, đảm bảo bình đẳng, công bằng giữa các doanh nghiệp, thành
phần kinh tế tham gia sản xuất kinh doanh, thưòng xuyên kiểm tra, hướng dẫn và
kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan như
: sở Xây dựng, Tài nguyên Môi trưòng, Tài chính, Ban quản lý các khu công
nghiệp, Cục thuế tỉnh…hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh
nghiệp thực hiện dự án đầu tư, chấp hành tốt các qui định về đất đai, qui hoạch,
môi trường, pháp luật về thuế.
Cung cấp kịp thời cho Cục Thuế tỉnh danh sách
các doanh nghiệp mới thành lập, các doanh nghiệp được ưu đãi đầu tư và tình
hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để
quản lí thu thuế.
5. Công an tỉnh, Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo
các phòng chức năng, công an các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với cơ quan
thuế các cấp trong việc quản lí thu thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải,
nhất là lĩnh vực vận tải tư nhân.
6. Hải quan, Kho bạc nhà nước và hệ thống các
ngân hàng trên địa bàn tỉnh phối hợp với cơ quan thuế xử lí kịp thời đối với
các tổ chức, cá nhân kinh doanh có các hành vi gian lận, trốn thuế và cố tình
dây dưa, chây ỳ thực hiện nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách nhà nước.
7. Các sở: Văn hoá Thông tin, Giáo dục và Đào
tạo, Y tế, Thể dục Thể thao, Phòng Giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố
phối hợp với cơ quan thuế quản lí thu thuế đối với các cơ sở, trung tâm giáo
dục thường xuyên, các đơn vị hành chính sự nghiệp, sự nghiệp có thu và các cá
nhân có hoạt động kinh doanh, dịch vụ chịu thuế như: hoạt động luyện thi, khám
chữa bệnh tư nhân, cho thuê bến bãi.
8. Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Hải
Dương, các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường thời lượng thông tin tuyên truyền
chính sách thuế, nghĩa vụ nộp thuế và các chế tài xử lí vi phạm về thuế đối với
các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh. Kịp thời động viên, tuyên dương
các tổ chức cá nhân có thành tích trong thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, phản ánh
kịp thời các hiện tượng, hành vi trốn, lậu thuế, gian lận thưong mại để ngăn
ngừa các hiện tưọng trên một cách có hiệu quả
9. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh phải nghiêm
chỉnh chấp hành các Luật, Pháp lệnh về thuế, phí và lệ phí; làm tròn nghĩa vụ
nộp thuế đối với NSNN.
10. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, Chủ tịch
UBND các huyện, thành phố phải tổ chức xây dựng và thực hiện một cách hiệu quả
kế hoạch thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của đơn vị mình. Thực hiện nghiêm các
qui định về chế độ họp, hội nghị, sử dụng xe công, quà tặng, chế độ công tác
phí, điện thoại theo đúng qui định của UBND tỉnh và chế độ quản lý tài chính
hiện hành, xây dựng qui chế chi tiêu nội bộ để tăng cường nguồn lực phục vụ
công tác quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh.
11. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ
quan liên quan hướng dẫn, quản lí chặt chẽ việc chi tiêu, mua sắm của các tổ
chức, đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước; trên cơ sở Kế hoạch thực hiện Luật
thực hành tiết kiệm chống lãng phí rà soát các qui định về tiết kiệm, chống
lãng phí, tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành kịp thời các qui định cụ thể về thực
hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn tỉnh.
Nhận được chỉ thị này, yêu cầu Thủ trưởng các
Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố nghiêm túc thực
hiện các nội dung của Chỉ thị và thường xuyên báo cáo kết qủa về UBND tỉnh (qua
Văn phòng UBND tỉnh để tổng hợp)./.