PHỦ THỦ TƯỚNG ****** |
VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** |
Số: 103-TTg |
Hà Nội, ngày 13 tháng 10 năm 1962 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC MỞ RỘNG DIỆN THÍ ĐIỂM CẢI TIẾN CHẾ ĐỘ THU TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI KHU VỰC KINH TẾ QUỐC DOANH
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Kính gửi |
- Các bộ - Các cơ quan ngang bộ - Uỷ ban hành chính các khu, thành phố , tỉnh |
Sau khi làm thí điểm ở nhà máy Diêm Thống nhất, nhà máy Thuốc lá Thăng Long, nhà máy Dệt Nam-định, nhà máy Cơ khí Hà-nội, Bộ Tài chính đã đề nghị Hội đồng Chính phủ cho cải tiến chế độ thu tài chính đối với khu vực kinh tế quốc doanh.
Căn cứ đề nghị nói trên thì các xí nghiệp quốc doanh, sẽ nộp cho ngân sách Nhà nước khoản thu quốc doanh. Khoản thu quốc doanh là khoản tiền chênh lệch giữa giá điều động nội bộ (đối với những sản phẩm không tiêu thụ qua hệ thống thương nghiệp) hoặc giữa giá bán lẻ (trừ phí và lợi nhuận thương nghiệp) với gía bán buôn xí nghiệp (gồm giá thành sản xuất cộng với lợi nhuận kế hoạch của xí nghiệp công nghiệp).
Ngoài ra, các xí nghiệp quốc doanh còn trích nộp một phần lợi nhuận cho ngân sách Nhà nước.
Khoản lợi nhuận xí nghiệp, sau khi trích nộp lợi nhuận, sẽ để lại cho xí nghiệp dùng vào các việc sau đây:
- Lập quỹ xí nghiệp;
- Dùng làm kinh phí chuyên dùng;
- Đầu tư một phần vào việc kiến thiết cơ bản mở rộng của xí nghiệp;
- Bổ sung vốn lưu động;
Cải tiến chế độ thu tài chính như trên có ý nghĩa rất quan trọng: thu tài chính phản ảnh đúng hoạt động kinh tế của xí nghiệp; Nhà nước có điều kiện tăng cường giám đốc hoạt động kinh tế của xí nghiệp; kích thích xí nghiệp cải tiến và mở rộng sản xuất, đấu tranh tăng năng suất lao động, hạ giá thành và phí lưu thông, cải tiến công tác quản lý, và trên cơ sở đó củng cố chế độ hạch toán kinh tế. Kết quả việc thí điểm vừa qua đã chứng minh điều đó. Nhưng, vì cải tiến chế độ thu tài chính đối với khu vực kinh tế quốc doanh là một vấn đề lớn và phức tạp, diện thí điểm còn hẹp, việc thí điểm lãi làm chưa toàn diện, mới thí điểm chế độ thu quốc doanh, chưa thí điểm chế độ sử dụng lợi nhuận; vì vậy, Hội đồng Chính phủ, trong phiên họp Hội nghị thường vụ ngày 20-9-1962, đã quyết định mở rộng diện thí điểm cải tiến chế độ thu tài chính đối với khu vực kinh tế quốc doanh theo các chủ trương như sau:
1. Thí điểm chế độ thu quốc doanh cũng như chế độ sử dụng lợi nhuận;
2. Thí điểm ở nhiều loại xí nghiệp công nghiệp khác nhau; thí điểm cả ở khâu xí nghiệp sản xuất và ở khâu thương nghiệp;
3. Chưa làm thí điểm ở các tổ chức thu mua, ở các xí nghiệp công nghiệp địa phương và ở các xí nghiệp thuộc các ngành kiến trúc, giao thông vận tải.
Để phát huy tác dụng tích cực của việc cải tiến chế độ thu tài chính đối với khu vực kinh tế quốc doanh, dưới đây là mấy vấn đề cần chú ý nghiên cứu giải quyết rút kinh nghiệm theo phương hướng sau đây trong khi làm thí điểm:
1. Cần ổn định giá thành sản xuất của các xí nghiệp quốc doanh:
Hiện nay, giá thành sản phẩm của các xí nghiệp không ổn định một phần là do giá tư liệu sản xuất không ổn định, do đó cần ổn định giá tư liệu sản xuất bán cho các xí nghiệp quốc doanh. Hội đồng Chính phủ đã có phương hướng giải quyết (xem Thông tư số 087-TTg ngày 08-9-1962 của Thủ tướng Chính phủ quy định những nguyên tắc xác định giá bán buôn tư liệu sản xuất). Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước cần phối hợp với các ngành liên quan sớm ban hành hệ thống giá bán buôn tư liệu sản xuất.
Mặt khác, để có thể dựa vào giá thành sản xuất kế hoạch mà tính và cố định mức thu quốc doanh trong một thời gian, cần hạch toán nguyên liệu riêng. Nếu giá nguyên liệu thay đổi do nguyên nhân khách quan, Nhà nước sẽ nghiên cứu biện pháp giải quyết riêng, không để vì giá nguyên liệu thay đổi mà giá thành sản phẩm thay đổi.
2. Cần cải tiến việc hạch toán khoản phí lưu thông ở khâu thương nghiệp.
Phí lưu thông của ngành thương nghiệp tính gộp cho từng ngành kinh doanh và cho từng cấp như hiện nay thiếu chính xác, chưa có tác dụng thúc đẩy cải tiến kinh doanh.
Hướng cải tiến là hạch toán theo từng hàng có giá trị tương đương, mức tích luỹ tương đương và phí vận chuyển, bảo quản tương đương, v.v…
3. Xác định đúng đắn khâu thu
Hiện nay, có hai hướng để giải quyết khâu thu:
- Hoặc chỉ thu quốc doanh một lần, thu ở khâu xí nghiệp sản xuất;
- Hoặc thu làm hai lần, một lần thu ở khâu xí nghiệp sản xuất, một lần thu ở khâu bán buôn thương nghiệp cấp I.
Chỉ thu quốc doanh một lần hoặc thu làm hai lần đều có chỗ lợi, mà cũng đều có chỗ không lợi. Vì vậy, cần nghiên cứu thêm để xác định khâu thu cho thích hợp nhằm đạt mấy yêu cầu sau đây:
- Làm cho thu tài chính phản ánh đúng hoạt động kinh tế của xí nghiệp;
- Tạo điều kiện để Nhà nước giám đốc được cả khâu sản xuất và khâu lưu thông;
- Thích hợp với trình độ tổ chức và cán bộ của ta hiện nay.
Do đó cần thí điểm cả hai phương pháp thu, phương pháp thu một lần ở khâu xí nghiệp sản xuất cũng như phương pháp thu hai lần ở khâu xí nghiệp sản xuất và khâu thương nghiệp bán buôn cấp I.
Để việc thi điểm đạt kết quả tốt, Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm cho các Bộ có liên quan (Bộ Tài chính, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Công nghiệp nhẹ, Ngân hàng Nhà nước trung ương, v.v….) cùng phối hợp phụ trách chỉ đạo việc mở rộng diện thí điểm cải tiến chế độ thu tài chính đối với khu vực kinh tế quốc doanh.
Bộ Tài chính có trách nhiệm nghiên cứu kế hoạch tiến hành thí điểm và thống nhất ý kiến với các Bộ có liên quan về kế hoạch tiến hành. Trong quá trình thí điểm, Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp với các Bộ giải quyết mọi vấn đề, cùng các Bộ thẩm tra kết quả tính toán và duyệt mức lợi nhuận, mức phí, mức thu, v.v… của các xí nghiệp.
Mỗi Bộ có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo các xí nghiệp thuộc Bộ mình làm thí điểm theo kế hoạch đã thống nhất.
Các Uỷ ban hành chính địa phương cần theo dõi việc làm thí điểm ở các xí nghiệp thuộc phạm vi địa phương và cùng các Bộ giải quyết mọi vấn đề có liên quan đến địa phương.
|
K.T THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÓ THỦ TƯỚNG
Phạm Hùng |