BỘ
CÔNG NGHIỆP
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------
|
Số:
05/1998/CT-BCN
|
Hà
Nội, ngày 26 tháng 3 năm 1998
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC THỰC HÀNH TIẾT KIỆM TRONG CÁC LĨNH VỰC HOẠT ĐỘNG SẢN
XUẤT KINH DOANH, XÂY DỰNG CƠ BẢN VÀ HÀNH CHÍNH SỰ NGHIỆP Ở CÁC ĐƠN VỊ THUỘC BỘ
CÔNG NGHIỆP
Trong những năm qua nhờ thực hiện
chủ trương của Đảng và Chính phủ về công tác tiết kiệm, các đơn vị trong ngành
công nghiệp đã đạt được những kết quả nhất định. Nhịp độ sản xuất kinh doanh
tăng trưởng khá, nộp ngân sách Nhà nước ngày càng tăng, tạo được nguồn vốn để đầu
tư chiều sâu mở rộng sản xuất đồng thời tăng thu nhập cho người lao động. Tuy vậy,
ở không ít doanh nghiệp tình trạng lãng phí vẫn còn lớn, nhất là trong chi phí
quản lý và trong xây dựng cơ bản làm ảnh hưởng xấu đến hiệu quả kinh doanh.
Để tiếp tục thực hiện nghiêm túc
kế hoạch của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ yêu
cầu trong năm 1998, các đơn vị tiếp tục đưa công tác tiết kiệm phát triển cả về
bề rộng và chiều sâu với những mục tiêu thiết thực và bằng những biện pháp
thích hợp. Bộ lưu ý một số biện pháp, một số lĩnh vực và một số khâu cần đặc biệt
quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác tiết kiệm, chống lãng phí ở các đơn vị như
sau.
Trước hết công tác thực hành tiết
kiệm, chống lãng phí phải được quán triệt trong bộ máy lãnh đạo của đơn vị, phải
đưa công tác tiết kiệm vào Nghị quyết, chương trình công tác của các cấp ủy Đảng,
của tổ chức công đoàn và của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Phải thực hiện
công tác tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khâu lập kế hoạch và trong quá trình
điều hành các hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị và hàng quý công tác tiết
kiệm, chống lãng phí phải được tổng kết, đúc rút kinh nghiệm kịp thời, trong đó
phải nêu lên những kết quả đã đạt được cũng như những thiếu sót cần khắc phục.
Qua đó cần có sự động viên, khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân
có thành tích và những biện pháp uốn nắn, kỷ luật thích đáng đối với những hành
vi lãng phí, vi phạm của công. Phải làm cho công tác tiết kiệm, chống lãng phí
trở thành ý thức thường xuyên, nếp làm quen thuộc của từng người lao động trong
đơn vị.
Trong sản xuất-kinh
doanh:
Các doanh nghiệp cần có biện
pháp tích cực khai thác thị trường, mở rộng sản xuất, đầu tư chiều sâu, đổi mới
và hiện đại hóa công nghệ, tăng cường các mặt quản lý kinh tế kỹ thuật, nâng
cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ, không để công nợ dây dưa, tăng vòng
quay vốn lưu động để giảm chi phí trên một đơn vị sản phẩm.
Cần quan tâm đến việc quản lý
tài sản cố định, tiến hành tốt việc bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ nhằm tăng tuổi
thọ của máy móc thiết bị, tăng công suất thiết bị làm giảm chi phí khấu hao tài
sản cố định trên đơn vị sản phẩm.
Phải có biện pháp tăng cường quản
lý các khâu mua bán, giao nhận, vận chuyển, bảo quản nguyên liệu, vật tư, khuyến
khích giảm định mức tiêu hao vật tư, nhất là những vật tư, nguyên liệu quan trọng,
có giá trị cao, tích cực tổ chức thu hồi phế liệu để giảm giá thành sản phẩm.
Cần tổ chức thu mua nguyên liệu,
vật tư trực tiếp với các đơn vị sản xuất hoặc nhập khẩu, hạn chế đến mức tối
thiểu mua qua các tổ chức, cá nhân trung gian. Khi mua với khối lượng lớn và ổn
định nhất thiết phải có hợp đồng kinh tế, phải có chứng từ hợp lệ, phải tổ chức
đấu giá để chọn hộ bán trước khi ký hợp đồng. Trường hợp mua ít, không ổn định
thì người mua phải kê rõ ràng, trung thực về số lượng, giá mua, địa chỉ người
bán và có xác nhận của thủ trưởng đơn vị. Về hóa đơn mua vật tư, nguyên liệu,
hàng hóa phải thực hiện theo quy định tại Thông tư số 73/TC/TCT ngày 20/10/1997
và Thông tư số 92/1997/TC/TT/BTC ngày 25/12/1997 của Bộ Tài chính. Giá mua
nguyên liệu, vật tư, hàng hóa về nguyen tắc phải sát giá thị trường, phải tìm mọi
biện pháp để ngăn chặn hiện tượng “gửi giá” khi mua vật tư nguyên liệu, hàng
hóa để tham ô tư lợi.
Các doanh nghiệp phải tiến hành
củng cố hệ thống kho tàng, chấn chỉnh các biện pháp quản lý xuất nhập vật tư, củng
cố công tác bảo vệ nhằm giảm đến mức thấp nhất số hao hụt, mất mát trong quá
trình thu mua, vận chuyển, bảo quản vật tư, hàng hóa.
Cần rà soát lại hệ thống định mức
tiêu hao vật tư theo hướng giảm định mức tiêu hao thực tế nhưng vẫn phải bảo đảm
chất lượng sản phẩm, khuyến khích mọi người lao động tích cực tham gia phong
trào nghiên cứu và áp dụng sáng kiến vào sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất
kinh doanh, nhất là trong việc áp dụng công nghệ mới và đưa nguyên vật liệu sản
xuất trong nước có đủ chất lượng thay thế hàng nhập ngoại với giá rẻ vào sản xuất
để hạ giá thành sản phẩm và tạo nguồn nguyên liệu trong nước ổn định.
Tất cả các đơn vị cần tiếp tục
nâng cao chất lượng và hiệu lực bộ máy quản lý, tinh giản bộ máy gián tiếp, sắp
xếp lại lao động, áp dụng hình thức trả lương tiên tiến để khuyến khích người
lao động tăng sản lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhằm giảm chi phí tiền
lương trên một đơn vị sản phẩm. Việc trả lương, trả thưởng phải theo đúng quy định
của Nhà nước và phải căn cứ vào kết quả lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Thực hiện công khai hóa việc trả lương, trả thưởng nhằm bảo đảm sự công bằng
nhưng cũng cần tránh hiện tượng cào bằng, bình quân chủ nghĩa làm giảm tác dụng
của đòn bẩy tiền lương.
Các đơn vị cần chú trọng tiết kiệm
chi phí ngoài sản xuất. Phải quản lý chặt chẽ việc bán hàng nhất là bán hàng
qua các đại lý và cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Việc bán hàng với khối lượng lớn,
nhất thiết phải có hợp đồng kinh tế, giá bán phải sát giá thị trường, bảo đảm
kinh doanh không bị lỗ và phải được điều chỉnh kịp thời khi giá thị trường thay
đổi. Trước khi điều chỉnh giá, phải tiến hành kiểm kê để xác định chênh lệch
giá nhằm bảo toàn vốn (kể cả hàng hóa ở các đại lý và ở các cửa hàng giới thiệu
sản phẩm). Nghiêm cấm việc lợi dụng việc thay đổi giá để kiếm lời bất chính. Cần
có phương thức thanh toán hợp lý cho từng đối tượng khách hàng để thu nhanh và
đầy đủ tiền bán hàng, hạn chế đến mức thấp nhất việc bị chiếm dụng vốn. Hạn chế
việc bán chịu cho cá nhân, tư thương để tránh rủi ro và gây thiệt hại cho công
quỹ.
Cần chú ý quản lý chặt chẽ chi
phí quản lý: các chi phí tiếp khách, giao dịch, hội nghị khách hàng, công tác
phí, quảng cáo, tiếp thị v.v... phải thực hiện theo chế độ tài chính hiện hành,
đối với các chi phí dịch vụ, hoa hồng môi giới, phải thực hiện theo hướng dẫn tại
Thông tư số 01/1998/TT/BTC ngày 03/01/1998 của Bộ Tài chính. Tăng cường quản lý
việc mua sắm và sử dụng xe ô tô con, hạn chế việc mua sắm mới, không mua những
loại xe đắt tiền. Việc sử dụng ô tô con đưa đón hàng ngày phải bảo đảm đúng đối
tượng, không sử dụng ô tô con vào việc riêng. Phải tiết kiệm triệt để chi phí
điện, nước, điện thoại, telex, fax... Việc mua sắm đồ dùng, phương tiện làm việc
phải được xem xét tính toán chặt chẽ sao cho thiết thực, có hiệu quả tránh phô
trương hình thức.
Các doanh nghiệp phải tăng cường
công tác kiểm toán nội bộ, phân tích hoạt động kinh tế định kỳ và công khai tài
chính.
Trong khu vực
hành chính sự nghiệp:
- Đối với các khỏan chi cho công
tác đào tạo: các đơn vị phải rà sóat lại số học sinh và định mức do Nhà nước
ban hành để đảm bảo chi đúng cho người được hưởng, đúng chế độ và có hiệu quả.
- Chi cho công tác nghiên cứu
khoa học: Phải có đề tài, dự toán chi hàng quý, và kết thúc năm phải có quyết
toán báo cáo cấp có thẩm quyền để phê duyệt. Đối với những đề tài phải mua sắm
vật tư, thiết bị để phục vụ cho công tác nghiên cứu thì phải hết sức tiết kiệm.
Việc mua vật tư, thiết bị phải có hóa đơn, chứng từ hợp lệ, nếu có sản phẩm thu
hồi cần có biện pháp tiêu thụ để thu hồi kinh phí cho Nhà nước.
- Chi cho y tế: Trên cơ sở chỉ
tiêu giường bệnh và kinh phí Nhà nước cấp, các đơn vị phải tìm nhiều biện pháp
để khai thác có hiệu quả nhằm làm tốt việc khám, chữa bệnh cho cán bộ công nhân
viên.
- Đối với các khoản chi phí quản
lý trong các đơn vị hành chính sự nghiệp: Phải thực hiện đúng tinh thần Quyết định
1179/1997/QĐ-TTg ngày 30/12/1997 của Thủ tướng Chính phủ: “Hạn chế tối đa việc
sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để xây dựng trụ sở làm việc, mua mới xe ô tô
con, mua sắm mới trang thiết bị đắt tiền trong cơ quan hành chính sự nghiệp...”.
Đối với chi tiếp khách phải chi đúng đối tượng, đúng quy định. Tuyệt đối không
dùng kinh phí Nhà nước để tổ chức chiêu đãi, biếu xén quà cáp... Việc sử dụng
điện, nước, điện thoại, điện tín phải hết sức tiết kiệm, không dùng kinh phí
Nhà nước để thanh toán tiền điện cho cán bộ công nhân viên, không dùng điện thoại,
telex, fax cho việc riêng. Việc mua sắm đồ dùng, phương tiện làm việc phải bảo
đảm thiết thực, không vượt kế hoạch được duyệt. Khi mua sắm tài sản, vật tư với
giá trị lớn phải thực hiện đấu thầu theo quy định tại Thông tư số 20 TC/KBNN
ngày 17/01/1996 của Bộ Tài chính.
Các đơn vị hành chính sự nghiệp
thuộc Bộ phải lập và gửi về Bộ (Vụ Tài chính Kế toán) trước 10/4/1998 bản kế hoạch
và mức tiết kiệm chi của từng khoản kinh phí trong năm 1998 để Bộ tổng hợp báo
cáo Bộ tài chính theo yêu cầu của Bộ Tài chính tại Thông tư số 17/1998/TT/BTC
ngày 11/02/1998.
Trong xây dựng
cơ bản:
Phải chấp hành nghiêm chỉnh tinh
thần chỉ đạo của Chính phủ tại Quyết định số 1179/1997 ngày 30/12/1997 “Hạn chế
tối đa việc khởi công mới các công trình thuộc dự án nhóm B, C. Việc bố trí vốn
nhóm C phải bảo đảm dành trên 70% cho các dự án chuyển tiếp và khởi công mới
hoàn thành trong năm. Đình hoãn các công trình chưa thật cấp bách; không bố trí
kế hoạch các dự án đầu tư không đủ thủ tục theo Nghị định 42/CP ngày 16/7/1996
và 92/CP ngày 23/8/1997 của Chính phủ về quản lý đầu tư và xây dựng”. Nếu có
yêu cầu đầu tư cấp bách Bộ lưu ý các đơn vị phải tính toán kỹ, căn cứ vào các
thông tin về thị trường, giá cả. vốn v.v... để lựa chọn phương án tối ưu, cần
chú ý nguồn vốn và khả năng trả nợ, không nên sử dụng vốn tín dụng ngắn hạn vào
đầu tư, không nên đầu tư ồ ạt khi chưa xác định được cụ thể nguồn vốn và khả
năng trả nợ. Chủ trương đầu tư phải được bàn bạc thống nhất trong ban lãnh đạo
doanh nghiệp. Tất cả các dự án đầu tư phải có luận chứng kinh tế kỹ thuật và phải
được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Khi triển khai thực hiện đầu tư
các chủ đầu tư phải thực hiện đúng kế hoạch đã được duyệt trong năm, nếu có
thay đổi phải báo cáo cấp có thẩm quyền duyệt bổ sung. Việc thiết kế phải được
tính toán kỹ cho phù hợp với yêu cầu và mục đích sử dụng, kiến trúc phải phù hợp
với quy trình công nghệ và cảnh quan chung quanh, phải lựa chọn chính xác nhiệm
vụ thiết kế tránh tình trạng thay đổi thiết kế nhiều lần gây lãng phí. Chọn lựa
thiết bị cho công trình phải phù hợp với trình độ tiên tiến của khu vực và thế
giới, không được mua sắm thiết bị, công nghệ lạc hậu gây thiệt hại lâu dài cho
sản xuất. Dự toán công trình phải được xây dựng và tính toán chặt chẽ trên cơ sở
thiết kế được duyệt và định mức, đơn giá của Nhà nước và địa phương quy định.
Công trình xây dựng phải thông qua đấu thầu để lựa chọn đơn vị thi công, việc đấu
thầu phải đúng quy chế. Không ký hợp đồng với các đơn vị không có tư cách pháp
nhân hoặc trong giấy phép hành nghề không ghi rõ công việc phù hợp với công
trình giao thầu. Các chủ đầu tư cần có biện pháp tập trung vốn để hoàn thành dứt
điểm từng công trình hoặc hạng mục công trình, để nhanh chóng đưa công trình vào
sử dụng, sớm phát huy hiệu quả kinh tế của công trình xây dựng.
Thực hành tiết kiệm, chống lãng
phí là chủ trương lớn và lâu dài của Đảng và Nhà nước. Làm tốt công tác tiết kiệm,
chống lãng phí không những là góp phần thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà
nước mà còn có tác dụng thiết thực đối với từng doanh nghiệp, từng đơn vị hành
chính sự nghiệp trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất-kinh doanh và sử dụng
kinh phí Nhà nước cấp, tăng tích lũy để đầu tư mở rộng sản xuất và cải thiện điều
kiện vật chất và văn hóa cho người lao động. Bộ yêu cầu các đồng chí Chủ tịch Hội
đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tổng Công ty, Tổng Giám đốc và Giám đốc các doanh
nghiệp, Thủ trưởng các đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc Bộ phải có biện pháp
và kế hoạch cụ thể để thực hiện tốt công tác tiết kiệm, chống lãng phí ở đơn vị
mình và phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với những sai phạm xảy ra tại
các đơn vị thuộc quyền quản lý. Định kỳ 6 tháng và khi kết thúc năm phải tổng hợp
báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm gửi về Bộ (Vụ Tài chính Kế tóan). Các đồng
chí Vụ trưởng các Vụ chức năng, đồng chí Chánh Thanh tra và đồng chí Chánh Văn
phòng Bộ có trách nhiệm đôn đốc theo dõi tình hình và kết quả thực hiện Chỉ thị
này, tổng hợp kết quả báo cáo Bộ để có sự uốn nắn những đơn vị chưa làm tốt và
khen thưởng kịp thời những đơn vị thực hiện tốt./.
Nơi nhận:
Các TCTy, CTy, các DN và
các đơn vị HCSN trực thuộc Bộ,
Văn phòng CP (để b/c Thủ tướng),
Bộ TC (để phối hợp),
Lưu VP, TCKT.
|
BỘ
TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP
Đặng Vũ Chư
|