ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 810/QĐ-UBND
|
Rạch Giá, ngày 11 tháng 5 năm 2007
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN
TÀI SẢN TRÍ TUỆ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG, GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
CHỦ TỊNH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN
GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân
ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29 tháng 11
năm 2005;
Căn cứ Nghị quyết 07-NQ/TW ngày 27 tháng 11 năm 2001 của Bộ
Chính trị về Hội nhập kinh tế quốc tế;
Căn cứ Quyết định 253/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2003 của
Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển Thương hiệu
Quốc gia đến năm 2010;
Căn cứ Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 04 tháng 04 năm 2005 của
Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản
trí tuệ của doanh nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 345/QĐ-UBND ngày 20 tháng 3 năm 2006
của UBND tỉnh Kiên Giang về việc chỉ định cơ quan quản lý dự án ở địa phương
(thuộc chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp);
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ
trình số 438/TTr-KHCN ngày 12/12/2006 về việc phê duyệt Đề án Phát triển tài
sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Kiên
Giang, giai đoạn 2006-2010 do Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng với các nội
dung chính sau:
1. Tên đề án: phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang,
giai đoạn 2006-2010.
2. Đơn vị thực hiện: Sở Khoa học và Công nghệ và các đơn vị hữu quan.
3. Mục tiêu:
3.1. Mục tiêu chung
Nâng cao nhận thức về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) để
chủ động xây dựng, khai thác, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ (TSTT) của
mình.
Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có khả năng tạo ra các tác phẩm
văn học - nghệ thuật có giá trị, đăng ký xin cấp giấy chứng nhận bản quyền tác
giả, khai thác, bảo vệ và phát triển TSTT; hỗ trợ xây dựng và xác lập quyền sở
hữu công nghiệp (SHCN), ưu tiên cho một số sản phẩm chủ lực, đặc thù nhằm
khuyến khích cạnh tranh lành mạnh và nâng cao giá trị của sản phẩm hàng hoá,
dịch vụ của tỉnh.
3.2. Mục tiêu cụ thể
- Phát triển tài sản trí tuệ trong lĩnh vực văn học - nghệ
thuật và các hoạt động liên quan.
- Phát triển tài sản trí tuệ trong lĩnh vực sở hữu công
nghiệp và góp phần xây dựng thương hiệu cho các đơn vị, doanh nghiệp.
4. Nguyên tắc hỗ trợ
Ngân sách địa phương sẽ hỗ trợ một phần chi phí trong một
giai đoạn nhất định nhằm giúp các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân bước đầu
xây dựng, đăng ký bảo hộ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ theo các mức
hỗ trợ được quy định trong Đề án Phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang,
giai đoạn 2006 – 2010.
5. Giải pháp thực hiện
- Tuyên truyền nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ và cung
cấp, tra cứu thông tin sở hữu trí tuệ, gồm:
+ Tuyên truyền nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ.
+ Cung cấp, tra cứu thông tin sở hữu trí tuệ.
- Phát huy
tiềm lực sáng tạo của xã hội và tổ chức các hội thi, cuộc thi sáng tạo kỹ
thuật, sáng tác văn học - nghệ thuật.
- Tăng cường công tác thực thi pháp luật sở hữu trí tuệ.
- Kinh phí thực hiện đề án được lấy từ hai nguồn: nguồn kinh
phí ngân sách sự nghiệp khoa học hàng năm tỉnh giao cho Sở Khoa học và Công
nghệ quản lý và từ nguồn đối ứng của các cá nhân, doanh nghiệp. Vào thời điểm
cuối niên độ của năm trước (tháng 12) mỗi ngành, địa phương, đơn vị xây dựng kế
hoạch kinh phí riêng đối với các nhiệm vụ thuộc đề án gửi về cơ quan thường
trực Ban Chỉ đạo đề án để tổng hợp, tiến hành kiểm tra, xét duyệt và Sở Khoa
học và Công nghệ có trách nhiệm lập kế hoạch phân bổ cho các ngành, địa phương,
đơn vị liên quan để thực hiện các công việc cần sự hỗ trợ của nhà nước trong
phạm vi đề án.
6. Tổ chức thực hiện
Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án gồm: 01 Trưởng ban là
Phó Chủ tịch UBND tỉnh; 02 Phó Ban thường trực, gồm: 01 Phó Ban thường trực là
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, phụ trách hoạt động phát triển tài sản trí
tuệ liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp; 01 Phó Ban thường trực là Giám đốc
Sở Văn hoá - Thông tin, phụ trách hoạt động phát triển TSTT liên quan đến quyền
tác giả và quyền liên quan; các thành viên còn lại là đại diện lãnh đạo một số
ngành hữu quan như các sở: Thương mại, Tài chính, Nông nghiệp và PTNT, Thủy
sản, Du lịch. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ lập kế hoạch và chỉ đạo thực hiện đề án
hàng năm.
Ngoài ra, các cơ quan liên quan chủ yếu như các sở: Khoa học
và Công nghệ, Văn hoá - Thông tin, Tài chính, Nông nghiệp và PTNT, Thủy sản được
giao nhiệm vụ cụ thể trong việc tham mưu và giúp UBND tỉnh thực hiện đề án theo
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tương ứng của mình.
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin
phối hợp cùng các sở ngành liên quan: Tài chính, Nông nghiệp và PTNT, Thủy sản,
UBND các địa phương trong tỉnh, các hội ngành nghề triển khai thực hiện đề án này.
Điều 3. Các Ông (bà) Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị:
Khoa học và Công nghệ, Văn hoá-Thông tin, Tài chính, Nông nghiệp và PTNT, Thủy
sản, Công nghiệp; các tổ chức, đoàn thể, Hiệp hội ngành nghề trong tỉnh và UBND
các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.