UỶ
BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
4352/QĐ-UBND
|
Bình
Dương, ngày 30 tháng 12 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỊNH HƯỚNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ TỈNH BÌNH DƯƠNG NĂM 2016
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng
nhân dân - Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Khoa học và Công
nghệ ngày 18/6/2013;
Căn cứ Nghị định số 08/2014/NĐ-CP
ngày 27/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khoa học
và Công nghệ;
Căn cứ Quyết định số 418/QĐ-TTg
ngày 11/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển
khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020;
Căn cứ Quyết định số 893/QĐ-TTg
ngày 11/06/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể
phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến
năm 2025;
Theo đề nghị của Sở Khoa học và
Công nghệ tại Tờ trình số 58/TTr-SKHCN ngày 17/12/2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt định hướng nghiên cứu khoa học và phát
triển công nghệ tỉnh Bình Dương năm 2016 với các nội dung cụ thể:
1. Lĩnh vực khoa học xã hội và
nhân văn
- Nghiên cứu cung cấp các luận cứ
khoa học và thực tiễn cho việc hoạch định chính sách, định hướng, biện pháp
phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại
hóa, đô thị hóa của tỉnh.
- Nghiên cứu những vấn đề về văn
hóa, xã hội phát sinh trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa
của tỉnh; đề xuất các chính sách, biện pháp giải quyết.
- Nghiên cứu, sưu tầm và bảo tồn
các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh.
2. Lĩnh vực y tế
- Nghiên cứu ứng dụng thành tựu,
tiến bộ khoa học và công nghệ tiên tiến để chẩn đoán sớm một số bệnh, nâng cao
hiệu quả điều trị bệnh, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
- Nghiên cứu ứng
dụng các kỹ thuật ít xâm lấn trong chẩn đoán và điều trị bệnh.
- Nghiên cứu dịch tể, giải pháp dự
phòng và phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng.
- Nghiên cứu kết hợp y dược cổ
truyền và y dược hiện đại trong khám, chữa bệnh.
- Nghiên cứu sản xuất các loại dược
phẩm từ các bài thuốc cổ truyền đã được chứng minh có hiệu quả điều trị bệnh
trong thực tiễn.
- Nghiên cứu sản xuất nguyên liệu (dược
liệu và tá dược) phục vụ công nghiệp bào chế thuốc, tăng dần tỷ lệ nguyên
liệu trong nước.
- Nghiên cứu ứng
dụng kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để sản xuất một số thuốc hóa dược đảm bảo
chất lượng tương đương với thuốc nhập khẩu cùng loại có chất lượng cao.
- Nghiên cứu ứng
dụng kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để sản xuất thuốc từ dược liệu đạt tiêu
chuẩn các nước tiên tiến.
3. Lĩnh vực công nghệ, công nghiệp
- Nghiên cứu
thiết kế, chế tạo các sản phẩm có tính năng mới, kiểu dáng mới, tiết kiệm năng
lượng.
- Hỗ trợ nghiên cứu, cải tiến công
nghệ, dây chuyền sản xuất hiện có nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất, chất lượng
sản phẩm.
- Nghiên cứu
chế tạo máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất công nghiệp thay thế hàng ngoại nhập,
phù hợp với điều kiện sản xuất trong nước.
Yêu cầu:
+ Các nghiên cứu,
ứng dụng cần tập trung phục vụ các ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát
triển trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, định hướng đến 2025 của tỉnh gồm: cơ
khí (chế tạo và chính xác); điện tử; hóa chất; công nghiệp hỗ trợ; chế
biến nông sản, thực phẩm; sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp và sản phẩm công
nghiệp chủ lực (sản phẩm điện - điện tử; sản phẩm cơ khí chính xác; sản phẩm
hóa dược).
+ Tập trung hỗ
trợ các doanh nghiệp thiết kế, chế tạo máy móc và thiết bị.
- Nghiên cứu sử
dụng các dạng năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất, đời sống mang lại hiệu quả
kinh tế.
- Ứng dụng
công nghệ mới hiện đại hóa các ngành nghề truyền thống (sản xuất vật liệu
xây dựng, gốm sứ, sơn mài, điêu khắc gỗ…).
- Nghiên cứu
chế tạo thiết bị, công nghệ sản xuất vật liệu không nung; nghiên cứu thiết kế,
chế tạo, cải tiến các thiết bị, máy móc phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp (ưu
tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp chế tạo thiết bị).
- Ứng dụng kỹ
thuật tiên tiến (kèm theo giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường, mang lại
hiệu quả kinh tế - xã hội) nhằm phát triển các làng nghề truyền thống.
- Hỗ trợ ứng dụng
công nghệ sản xuất sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
- Chú trọng
nghiên cứu và ứng dụng công nghệ chế biến sau thu hoạch nhằm tăng chuỗi giá trị
hàng hóa, đặc biệt nông sản và cây công nghiệp.
- Nghiên cứu, ứng
dụng các loại vật liệu xanh giúp tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
- Triển khai ứng
dụng các loại vật liệu mặt đường mới, không gây ô nhiễm môi trường, tận dụng
nguồn vật liệu hiện có ở địa phương, có hiệu quả kinh tế.
4. Lĩnh vực nông nghiệp
- Nghiên cứu, ứng dụng các biện
pháp kỹ thuật mới, tiên tiến, phù hợp với điều kiện địa phương và ứng phó với
biến đổi khí hậu nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp (nông, lâm, thủy
sản) và chất lượng sản phẩm.
- Nghiên cứu, triển khai ứng dụng
các biện pháp sơ chế, bảo quản rau, quả, sản phẩm động vật đảm bảo vệ sinh an
toàn thực phẩm cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, phục vụ công nghiệp chế biến.
- Nghiên cứu sản xuất, sử dụng chế
phẩm mới, chế phẩm có nguồn gốc thảo dược, chế phẩm sinh học trong trồng trọt,
chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất
nông nghiệp.
- Xây dựng các mô hình trình diễn
chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, ưu tiên thực hiện ở các xã đang xây dựng
nông thôn mới.
- Xây dựng mô hình trình diễn phát
triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật công nghệ cao.
- Tổ chức sản xuất (chuyển giao
tiến bộ kỹ thuật sản xuất, chế biến; tổ chức quản lý sản xuất; xây dựng nhãn hiệu
hàng hóa) đến tiêu thụ sản phẩm; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Khảo nghiệm giống mới (cây trồng,
vật nuôi chủ lực), xác định giống có chất lượng và năng suất cao, kháng sâu
bệnh phù hợp với các vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh.
- Bảo tồn và khai thác các nguồn
gen các loài vật nuôi, cây trồng có giá trị, đặc biệt các giống đặc sản của tỉnh
Bình Dương.
5. Lĩnh vực công nghệ thông tin
và truyền thông
- Nghiên cứu, ứng dụng hệ thống
thông tin địa lý (GIS) phục vụ quản lý kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật.
- Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ
thông tin phục vụ trong các lĩnh vực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã
hội của tỉnh.
- Hỗ trợ doanh nghiệp: Nghiên cứu,
tiếp nhận chuyển giao công nghệ thiết kế, chế tạo mạch tích hợp, bộ nhớ dung lượng
cao; phát triển công nghệ an toàn và an ninh mạng; phát triển phần mềm, trí tuệ
nhân tạo, công nghệ đa phương tiện, đa truy nhập; xây dựng hệ điều hành cho máy
tính, máy tính bảng, thiết bị di động trên nền tảng phần mềm mã nguồn mở;
nghiên cứu và phát triển các hệ thống hỗ trợ tìm kiếm ngôn ngữ tiếng Việt, xử
lý văn bản tiếng Việt.
6. Lĩnh vực bảo vệ môi trường
và tài nguyên
- Nghiên cứu, ứng dụng, triển khai
công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường tiên tiến, hiệu quả đối với chất thải rắn,
chất lỏng, khí, chất thải nguy hại trong sản xuất công nghiệp.
- Đề xuất giải pháp công nghệ, quản
lý nhằm giảm thiểu tác động và thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Nghiên cứu đề xuất khai thác tài
nguyên thiên nhiên theo hướng hiệu quả, tiết kiệm, nâng cao hiệu suất sử dụng,
bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên.
- Xây dựng mô hình trình diễn
thành tựu khoa học kỹ thuật trong xử lý ô nhiễm môi trường nông nghiệp, công
nghiệp.
7. Lĩnh vực an ninh - quốc
phòng
Nghiên cứu các giải pháp khoa học và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng
quản lý, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
Điều 2. Giao Sở Khoa học
và Công nghệ hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc
và các Đoàn thể cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các trường
Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh và các tổ chức hoạt động khoa học và công
nghệ có liên quan để triển khai nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công
nghệ năm 2016 theo đúng định hướng nêu trên. Định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả,
tiến độ thực hiện; các vấn đề phát sinh, vướng mắc về Ủy ban nhân dân để được
chỉ đạo xử lý, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
Điều 3. Chánh Văn phòng
Ủy ban nhân dân tỉnh, Lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các Đoàn
thể cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng
các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ
ngày ký./.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Võ Văn Minh
|