ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1591/QĐ-UBND
|
Quảng Trị, ngày
17 tháng 06 năm 2022
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CHỈ DẪN ĐỊA LÝ “CHÈ VẰNG
QUẢNG TRỊ”
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ
chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ
ngày 29/11/2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày
19/6/2009;
Căn cứ Nghị định số
103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi
hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp;
Căn cứ Nghị định số
122/2010/NĐ-CP ngày 31/12/2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của
Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và
hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 19/TTr-SKHCN ngày 15/6/2022.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý và sử
dụng chỉ dẫn địa lý “Chè vằng Quảng Trị”.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám
đốc các Sở: Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công
Thương, Tài chính, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông; Chủ
tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố
trong khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý và các tổ chức, cá nhân liên
quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Cục Sở hữu trí tuệ , Bộ KH&CN;
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KGVX.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Đức Tiến
|
QUY CHẾ
QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CHỈ DẪN ĐỊA LÝ “CHÈ VẰNG QUẢNG TRỊ”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1591/QĐ-UBND ngày 17/06/2022 của Ủy
ban nhân tỉnh Quảng Trị)
Chương 1
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định việc quản
lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Chè vằng Quảng Trị” dùng cho các sản phẩm chè vằng
của tỉnh Quảng Trị, cụ thể gồm:
- Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý
và các đặc tính của sản phẩm;
- Phương pháp đánh giá các đặc
tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý;
- Khu vực địa lý sản xuất sản
phẩm mang chỉ dẫn địa lý;
- Điều kiện sử dụng chỉ dẫn địa
lý;
- Hồ sơ và thủ tục đăng ký sử dụng
chỉ dẫn địa lý;
- Trình tự cấp, thu hồi quyền sử
dụng chỉ dẫn địa lý;
- Sử dụng chỉ dẫn địa lý;
- Quản lý chỉ dẫn địa lý;
- Kiểm soát chất lượng sản phẩm
mang chỉ dẫn địa lý;
- Quyền lợi và trách nhiệm của
các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;
- Các vi phạm và xử lý vi phạm.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
- Tổ chức được ủy quyền quản
lý chỉ dẫn địa lý “Chè vằng Quảng Trị”;
- Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã, thành phố trong khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý;
- Các tổ chức phối hợp kiểm
soát chỉ dẫn địa lý;
- Tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng
chỉ dẫn địa lý;
- Tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ
dẫn địa lý.
Điều 3. Giải
thích từ ngữ
1. Chỉ dẫn địa lý “Chè vằng
Quảng Trị” là chỉ dẫn địa lý được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận
đăng ký chỉ dẫn địa lý.
2. Chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý
“Chè vằng Quảng Trị” là Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị.
3. Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa
lý “Chè vằng Quảng Trị” là Sở Khoa học và Công nghệ được Ủy ban nhân dân tỉnh
Quảng Trị ủy quyền đứng tên đăng ký chỉ dẫn địa lý và thực hiện quyền quản lý
chỉ dẫn địa lý.
4. Đối tượng sử dụng chỉ dẫn
địa lý “Chè vằng Quảng Trị” là các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh
các sản phẩm chè vằng đáp ứng các điều kiện được quy định tại Quy chế này.
5. Giấy chứng nhận quyền sử
dụng chỉ dẫn địa lý “Chè vằng Quảng Trị” là văn bản do Sở Khoa học và Công
nghệ cấp cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chè vằng
đáp ứng các điều kiện quy định tại Quy chế này (sau đây gọi tắt là Giấy chứng
nhận).
6. Quyền sử dụng chỉ dẫn địa
lý “Chè vằng Quảng Trị” là quyền của tổ chức, cá nhân được sử dụng chỉ dẫn
địa lý để gắn (in, dán hoặc các hình thức khác) trên sản phẩm, bao bì sản phẩm,
phương tiện kinh doanh sản phẩm, giấy tờ giao dịch nhằm mua, bán, quảng bá và
giới thiệu sản phẩm đó sau khi được chủ sở hữu trao quyền sử dụng.
7. Khu vực địa lý tương ứng
với chỉ dẫn địa lý là khu vực sản xuất các sản phẩm chè vằng của tỉnh Quảng
Trị (sau đây gọi tắt là khu vực địa lý) , bao gồm:
(1) Huyện Vĩnh Linh gồm các xã,
thị trấn sau: Vĩnh Chấp, Vĩnh Long, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà, Vĩnh Thủy, Vĩnh Sơn và
thị trấn Bến Quan;
(2) Huyện Gio Linh gồm các xã
sau: Gio An, Linh Trường, Hải Thái, Linh Hải, Gio Sơn, Phong Bình, Trung Sơn và
Gio Châu;
(3) Huyện Hải Lăng gồm các xã:
Hải Phú, Hải Lâm, Hải Sơn, Hải Chánh và Hải Trường.
(4) Huyện Cam Lộ gồm các xã
sau: Cam Nghĩa, xã Cam Tuyền, xã Cam Chính, Cam Thành, Cam Hiếu và Cam Thủy;
(5) Thành phố Đông Hà: Phường
3.
Chương 2
SẢN PHẨM MANG CHỈ DẪN ĐỊA
LÝ VÀ CÁC ĐẶC TÍNH
Điều 4. Sản
phẩm mang chỉ dẫn địa lý “Chè vằng Quảng Trị”
Các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn
địa lý “Chè vằng Quảng Trị” bao gồm:
1) Chè vằng khô
2) Chè vằng hòa tan
3) Cao chè vằng
Những sản phẩm trên phải được
trồng, sơ chế, chế biến tại khu vực địa lý và tuân thủ đầy đủ Quy định kỹ thuật
sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.
Điều 5. Các
đặc tính của sản phẩm
Các sản phẩm mang chỉ dẫn địa
lý “Chè vằng Quảng Trị” phải đảm bảo đầy đủ các đặc tính cảm quan và lý hóa
theo Bản mô tả danh tiếng, tính chất, chất lượng đặc thù của chỉ dẫn địa lý
“chè vằng Quảng Trị” được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Cục Sở hữu Trí tuệ.
Điều 6.
Phương pháp đánh giá các đặc tính sản phẩm
1) Mẫu sản phẩm để đánh giá các
đặc tính phải được lấy ngẫu nhiên trong lô hàng mang chỉ dẫn địa lý, do tổ chức
quản lý chỉ dẫn địa lý và tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý thực hiện.
2) Các đặc tính của sản phẩm “
Chè vằng Quảng Trị” phải được đánh giá theo phương pháp được quy định trong
Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN),
3) Trường hợp phương pháp thử
không có trong TCVN, phương pháp đánh giá sẽ do tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý
và tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý cùng xác định.
4) Việc đánh giá các đặc tính của
sản phẩm phải được thực hiện tại các Phòng thử nghiệm có đủ năng lực theo quy định
của pháp luật.
Chương 3
QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CHỈ DẪN
ĐỊA LÝ
Điều 7. Điều
kiện sử dụng chỉ dẫn địa lý
Mọi tổ chức, cá nhân sản xuất,
kinh doanh các sản phẩm chè vằng đều có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Chè vằng
Quảng Trị” cho sản phẩm do mình sản xuất, kinh doanh nếu đáp ứng đầy đủ các điều
kiện sau:
1) Nguyên liệu chè vằng phải được
trồng, khai thác tại khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý “Chè vằng Quảng
Trị”;
2) Cơ sở sản xuất, kinh doanh
chè vằng phải thuộc địa giới hành chính của tỉnh Quảng Trị và phải đáp ứng được
các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường theo quy định hiện hành;
3) Sản phẩm chè vằng phải đáp ứng
được các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm và các đặc tính của sản phẩm được
quy định tại Điều 5 của Quy chế này;
4) Tuân thủ đầy đủ Quy trình kỹ
thuật sản xuất “Chè vằng Quảng Trị”.
Điều 8. Hồ
sơ đăng ký sử dụng chỉ dẫn địa lý
1) Đơn xin cấp phép sử dụng chỉ
dẫn địa lý (02 bản) do người đại diện của tổ chức, cá nhân viết;
2) Bản kê khai hiện trạng sản
xuất, kinh doanh và chất lượng sản phẩm chè vằng của tổ chức, cá nhân (02 bản);
3) Biên bản kết quả thẩm định
điều kiện sản xuất, kinh doanh và chất lượng sản phẩm chè vằng của tổ chức, cá
nhân do tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý xác nhận (01 bản);
4) Lệ phí sử dụng chỉ dẫn địa
lý (có quy định riêng)
Điều 9.
Trình tự đăng ký sử dụng chỉ dẫn địa lý
1) Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ
đăng ký sử dụng chỉ dẫn địa lý tại Sở Khoa học và Công nghệ;
2) Trong vòng 07 ngày kể từ
ngày nhận hồ sơ, Sở Khoa học và Công nghệ phải tiến hành thẩm định hồ sơ và kiểm
tra thực tế điều kiện sản xuất, kinh doanh và chất lượng sản phẩm của tổ chức,
cá nhân đăng ký. Trường hợp nghi vấn, cần lấy mẫu sản phẩm và gửi tới các phòng
kiểm nghiệm để đánh giá.
3) Trong thời hạn 15 ngày kể từ
ngày nhận hồ sơ Sở Khoa học và Công nghệ phải ra Quyết định cấp hoặc không cấp
phép sử dụng chỉ dẫn địa lý cho tổ chức, cá nhân đăng ký. Trường hợp hồ sơ bị từ
chối, phải có trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Điều 10.
Trình tự cấp phép sử dụng chỉ dẫn địa lý
1) Tiếp nhận hồ sơ: Sở Khoa học
và Công nghệ tiếp nhận hồ sơ đăng ký sử dụng chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá
nhân.
2) Thẩm định hồ sơ: Sở Khoa học
và Công nghệ kiểm tra tính hợp lệ của các tài liệu trong hồ sơ đăng ký sử dụng
chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân.
3) Thẩm định điều kiện sản xuất
kinh doanh và chất lượng sản phẩm: Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra thực tế
các điều kiện sản xuất kinh doanh và sản phẩm của tổ chức, cá nhân; đối chiếu
và so sánh với các điều kiện sử dụng chỉ dẫn địa lý.
4) Cấp phép sử dụng chỉ dẫn địa
lý: Người đại diện pháp lý của Sở Khoa học và Công nghệ căn cứ vào tờ trình và
danh sách đăng ký kèm theo để ra Quyết định cấp phép.
5) Thời gian cấp phép hoặc từ
chối cấp phép sử dụng chỉ dẫn địa lý không quá 15 ngày tính từ ngày nộp hồ sơ.
Điều 11.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý
1) Nội dung của Giấy chứng nhận
bao gồm:
- Tên và địa chỉ của tổ chức,
cá nhân được cấp phép;
- Điện thoại, Fax, Email (nếu
có);
- Danh mục sản phẩm được cấp;
- Thời hạn sử dụng chỉ dẫn địa
lý;
- Quyền lợi và nghĩa vụ của tổ
chức, cá nhân được cấp phép;
- Họ tên và chữ ký của người đại
diện có thẩm quyền, dấu của tổ chức quản lý được chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý ủy
quyền;
- Họ tên, chữ ký của chủ tổ chức,
cá nhân đăng ký sử dụng chỉ dẫn địa lý.
2) Hiệu lực của Giấy chứng nhận
- Giấy chứng nhận có giá trị
trong thời gian 05 năm kể từ ngày ký.
- Giấy chứng nhận được gia hạn
khi hết hiệu lực nếu tổ chức, cá nhân có yêu cầu và trong quá trình sử dụng
không có các vi phạm đến mức phải thu hồi.
3) In ấn và lưu trữ Giấy chứng
nhận
- Giấy chứng nhận được in thành
02 bản chính để lưu và trao cho tổ chức, cá nhân, được cập nhật theo số thứ tự
liên tục vào sổ quản lý của tổ chức quản lý được Chủ sở hữu ủy quyền.
- Trường hợp có yêu cầu cấp
thêm thì tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý sẽ cấp nhưng tối đa không quá 05 bản và
trên bản sao phải có chữ “BẢN SAO” để phân biệt.
4) Cấp lại Giấy chứng nhận: Các
tổ chức, cá nhân bị thu hồi giấy chứng nhận trong quá trình sử dụng chỉ dẫn địa
lý do có các vi phạm nghiêm trọng chỉ được tiến hành cấp lại sau 01 năm kể từ
ngày thu hồi và thủ tục cấp lại sẽ tiến hành như cấp lần đầu.
Điều 12. Sử
dụng chỉ dẫn địa lý
1) Các tổ chức, cá nhân được cấp
phép có thể sử dụng chỉ dẫn địa lý trên bao bì sản phẩm, phương tiện kinh
doanh, thư từ giao dịch, phương tiện quảng cáo…
2) Phải sử dụng đúng và chính
xác các dấu hiệu của chỉ dẫn địa lý gồm cả tên chỉ dẫn địa lý và hình ảnh logo.
3) Chỉ sử dụng chỉ dẫn địa lý
cho những sản phẩm đã được tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý chấp thuận.
4) Được sử dụng chỉ dẫn địa lý
kèm với nhãn hiệu riêng của tổ chức, cá nhân.
5) Không được chuyển giao quyền
sử dụng chỉ dẫn địa lý dưới bất kỳ hình thức nào.
6) Nghiêm cấm mọi hành vi, hình
thức sử dụng làm sai lệch nhận thức hoặc gây ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của
chỉ dẫn địa lý.
7) Nghiêm cấm mọi hình thức đưa
thông tin sai về chỉ dẫn địa lý hoặc lạm dụng chỉ dẫn địa lý gây nhầm lẫn cho
người tiêu dùng.
8) Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa
lý có trách nhiệm phổ biến và cung cấp đầy đủ mọi thông tin cần thiết liên quan
đến chỉ dẫn địa lý cho các tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý.
Điều 13.
Quản lý chỉ dẫn địa lý
1) Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa
lý có quyền kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc sử dụng chỉ dẫn địa lý của tổ
chức, cá nhân được cấp phép nhằm duy trì và đảm bảo những đặc tính của sản phẩm
mang chỉ dẫn địa lý.
2) Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa
lý có quyền ra quyết định đình chỉ hoặc thu hồi việc sử dụng chỉ dẫn địa lý của
tổ chức, cá nhân trong các trường hợp sau:
a) Tổ chức, cá nhân không còn
đáp ứng được các điều kiện sử dụng chỉ dẫn địa lý được quy định tại điều 7 của
Quy chế này.
b) Tổ chức, cá nhân vi phạm các
quy định về sử dụng chỉ dẫn địa lý được quy định tại điều 12 của Quy chế này.
3) Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa
lý có trách nhiệm đề nghị các cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý
theo quy định của pháp luật khi phát hiện các hành vi xâm phạm quyền sở hữu chỉ
dẫn địa lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng chỉ dẫn địa
lý.
Điều 14.
Thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý
1) Những trường hợp bị thu hồi
Giấy chứng nhận:
- Giấy chứng nhận cấp sai đối
tượng, sai sản phẩm.
- Khi phát hiện hồ sơ đăng ký sử
dụng chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân kê khai không trung thực.
- Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy
chứng nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý sai mục đích, không đúng sản phẩm, chuyển nhượng
quyền sử dụng cho các tổ chức, cá nhân khác dưới bất kỳ hình thức nào.
- Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy
chứng nhận vi phạm Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý đã được nhắc nhở,
hoặc đã bị xử lý nhưng không khắc phục lỗi, hoặc khắc phục lỗi không đầy đủ
theo yêu cầu.
2) Trình tự thu hồi Giấy chứng
nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý.
- Trong thời gian 10 ngày làm
việc kể từ ngày tiếp nhận tài liệu: Văn bản, yêu cầu, khiếu nại, tố cáo, bằng
chứng vi phạm, Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý tiến hành kiểm tra, xác minh tính
xác thực của các tài liệu và ra Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận.
- Quyết định thu hồi Giấy chứng
nhận phải được thông báo bằng văn bản đến tổ chức, cá nhân bị thu hồi và các tổ
chức, cơ quan có liên quan.
Chương 4
QUYỀN, TRÁCH NHIỆM CỦA
CÁC TỔ CHỨC VÀ CÁ NHÂN
Điều 15.
Quyền và trách nhiệm của Sở Khoa học và Công nghệ
1) Quyền:
- Xây dựng, ban hành và sửa đổi
bổ sung các Quy định liên quan đến quản lý, sử dụng và phát triển chỉ dẫn địa
lý “Chè vằng Quảng Trị”;
- Cấp và thu hồi Giấy chứng nhận
quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý của các tổ chức, cá nhân;
- Kiểm tra, giám sát việc quản
lý chỉ dẫn địa lý của các tổ chức, cá nhân sản xuất và/hoặc kinh doanh chè vằng
để bảo đảm chất lượng, uy tín của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý;
- Xử lý hoặc phối hợp với các
cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm quyền sở hữu
công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý “Chè vằng Quảng Trị”;
- Xây dựng chương trình, kế hoạch
phát triển thương hiệu “Chè vằng Quảng Trị” trong phạm vi thẩm quyền;
- Bảo vệ quyền và lợi ích chính
đáng của tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý “Chè vằng Quảng Trị”.
2) Trách nhiệm
- Hướng dẫn, tuyên truyền, phổ
biến cho các tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý thực hiện các quy định
liên quan đến quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý để đảm bảo đúng các đặc tính
của sản phẩm “Chè vằng Quảng Trị”;
- Tổ chức cấp, cấp lại, gia hạn
Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Chè vằng Quảng Trị” khi có yêu cầu;
- Xây dựng kế hoạch kiểm soát
chất lượng sản phẩm “ Chè vằng Quảng Trị” trên toàn khu vực địa lý.
Điều 16.
Quyền và trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong khu
vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý
1) Quyền của Ủy ban nhân dân
các huyện, thị xã, thành phố
- Tham gia quá trình xây dựng,
ban hành và sửa đổi bổ sung các Quy chế, Quy định liên quan đến quản lý, sử dụng
và phát triển chỉ dẫn địa lý “Chè vằng Quảng Trị”;
- Thanh tra, kiểm tra, giám sát
việc sử dụng chỉ dẫn địa lý của các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý;
- Đề xuất Chủ sở hữu hoặc các
cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm quyền sở hữu
công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý “Chè vằng Quảng Trị”;
- Xây dựng chương trình, kế hoạch
phát triển thương hiệu “Chè vằng Quảng Trị” trong phạm vi quản lý.
2) Trách nhiệm của Ủy ban nhân
dân các huyện, thị xã, thành phố
- Hướng dẫn, tuyên truyền, phổ
biến cho các tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý trong địa bàn quản lý thực
hiện các quy định liên quan đến quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý để đảm bảo
các đặc tính của sản phẩm “Chè vằng Quảng Trị”;
- Lập danh sách và trình tổ chức
quản lý được Chủ sở hữu ủy quyền cấp, cấp lại, gia hạn Giấy chứng nhận quyền sử
dụng chỉ dẫn địa lý “Chè vằng Quảng Trị” khi có yêu cầu;
- Phối hợp xây dựng kế hoạch kiểm
soát chất lượng sản phẩm “Chè vằng Quảng Trị” trên toàn khu vực địa lý và trên
địa bàn quản lý;
- Tổ chức thực hiện công tác quản
lý chỉ dẫn địa lý trên địa bàn.
Điều 17.
Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý
1) Quyền của các tổ chức, cá
nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý:
- Được bình đẳng về quyền, lợi
ích và nghĩa vụ có liên quan đến chỉ dẫn địa lý.
- Được sử dụng chỉ dẫn địa lý
trên bao bì sản phẩm, phương tiện kinh doanh, thư từ giao dịch, phương tiện quảng
cáo để lưu thông, chào bán, quảng bá sản phẩm sau khi được cấp Giấy chứng nhận
quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý.
- Được sử dụng nhãn hiệu riêng
của mình cùng với chỉ dẫn địa lý “Chè vằng Quảng Trị” trên bao bì sản phẩm,
phương tiện kinh doanh, thư từ giao dịch, phương tiện quảng cáo để lưu thông,
chào bán, quảng bá sản phẩm.
- Được tham gia vào quá trình
xây dựng, ban hành và sửa đổi bổ sung các Quy chế, Quy định liên quan đến quản
lý, sử dụng và phát triển chỉ dẫn địa lý “Chè vằng Quảng Trị”.
- Có quyền khiếu nại, tố cáo và
yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các khiếu nại, tố cáo khi phát hiện
các hành vi vi phạm quyền sở hữu và quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Chè vằng Quảng
Trị”.
2) Nghĩa vụ của tổ chức, cá
nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý:
- Chấp hành nghiêm chỉnh các
quy định của Quy chế này và các quy định khác của pháp luật liên quan đến quản
lý và sử dụng “Chè vằng Quảng Trị”.
- Tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật
sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và các đặc tính
của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý “Chè vằng Quảng Trị” được quy định tại Quy chế
này.
- Không được chuyển nhượng Giấy
chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho các tổ chức, cá nhân khác dưới bất
cứ hình thức nào.
- Chấp hành nghiêm chỉnh Quy định
kiểm soát chất lượng sản phẩm “Chè vằng Quảng Trị” và giải trình cho các tổ chức
quản lý và kiểm soát chỉ dẫn địa lý hoặc các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
- Tuân thủ các quy định về logo
chỉ dẫn địa lý, hệ thống nhận diện thương hiệu.
Chương 5
HÀNH VI VI PHẠM VÀ XỬ LÝ
HÀNH VI VI PHẠM
Điều 18.
Hành vi vi phạm
Những hành vi sau đây được coi
là hành vi vi phạm Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Chè vằng Quảng Trị”:
1) Đối với tổ chức quản lý chỉ
dẫn địa lý:
- Cấp phép sử dụng chỉ dẫn địa
lý không đúng với điều kiện sử dụng chỉ dẫn địa lý.
- Vi phạm thời hạn cấp Giấy chứng
nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý được quy định tại Quy chế này.
- Làm sai lệch thủ tục và trình
tự cấp phép sử dụng chỉ dẫn địa lý vì mục đích trục lợi cá nhân.
2) Đối với tổ chức, cá nhân sử
dụng chỉ dẫn địa lý:
- Sử dụng chỉ dẫn địa lý “Chè vằng
Quảng Trị” khi chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý.
- Sử dụng chỉ dẫn địa lý “Chè vằng
Quảng Trị” cho những sản phẩm không đáp ứng được các đặc tính của sản phẩm mang
chỉ dẫn địa lý được quy định tại Quy chế này.
- Sử dụng chỉ dẫn địa lý không
đúng với mẫu logo “Chè vằng Quảng Trị”.
- Giới thiệu, quảng bá sai sự
thật về chỉ dẫn địa lý và sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý “Chè vằng Quảng Trị”.
- Chuyển nhượng quyền sử dụng
chỉ dẫn địa lý cho các tổ chức, cá nhân khác dưới bất cứ hình thức nào.
Điều 19. Xử
lý hành vi vi phạm
1) Tất cả các hành vi vi phạm
Quy chế này đều phải được xử lý kịp thời.
2) Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa
lý tự mình xử lý hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý.
3) Hình thức xử lý:
- Nhắc nhở.
- Cảnh cáo.
- Thu hồi Giấy chứng nhận quyền
sử dụng chỉ dẫn địa lý có thời hạn hoặc vô thời hạn.
- Đối với những người được giao
nhiệm vụ quản lý chỉ dẫn địa lý không hoàn thành nhiệm vụ hoặc vi phạm những
hành vi được quy định trong Quy chế này bị xử lý theo quy định pháp luật.
- Đối với người sử dụng chỉ dẫn
địa lý có vi phạm đã xử lý nhắc nhở, cảnh cáo mà không sửa chữa, khắc phục thì
tùy theo mức độ vi phạm xử lý theo quy định về xử lý hành chính trong lĩnh vực
sở hữu công nghiệp.
- Đối với các hành vi vi phạm
quyền sở hữu công nghiệp nằm ngoài sự kiểm soát và xử lý của Chủ sở hữu thì được
xử lý theo Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản khác có liên quan.
Điều 20.
Giải quyết khiếu nại, tố cáo
1) Sở Khoa học và Công nghệ có
trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết mọi khiếu nại, tố cáo liên quan đến Quy chế
quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Chè vằng Quảng Trị” của tổ chức, cá nhân.
2) Trình tự, thủ tục giải quyết
khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo quy định của Luật giải quyết khiếu nại, tố
cáo.
Chương 6
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 21. Tổ
chức thực hiện
1) Sở Khoa học và Công nghệ thực
hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý chỉ dẫn địa lý “Chè vằng Quảng Trị” theo Quy
chế này và quy định của pháp luật.
2) Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố trong khu vực sử dụng chỉ dẫn địa lý thực hiện chức năng, nhiệm
vụ theo Quy chế này tại địa phương.
Điều 22. Sửa
đổi, bổ sung
1) Quy chế này có thể sửa đổi,
bổ sung cho phù hợp với yêu cầu phát triển thực tiễn của sản xuất và thị trường.
2) Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế
này phải được Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định trên cơ sở đề xuất của Sở Khoa học
và Công nghệ và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong khu vực địa
lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý và các tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa
lý./.