Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 65/2023/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Trần Lưu Quang
Ngày ban hành: 23/08/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Hướng dẫn tách đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

Ngày 23/08/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 65/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ, trong đó có hướng dẫn việc tách đơn đăng ký sở hữu công nghiệp.

Hướng dẫn tách đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

Theo đó, việc tách đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được thực hiện như sau:

- Trước khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định từ chối chấp nhận đơn, quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ, người nộp đơn có thể tách đơn (tách một hoặc một số giải pháp kỹ thuật trong đơn đăng ký sáng chế, một hoặc một số kiểu dáng công nghiệp trong đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, một phần danh mục hàng hóa, dịch vụ trong đơn đăng ký nhãn hiệu sang một hoặc nhiều đơn mới, gọi là đơn tách);

- Đơn tách mang số đơn mới và được lấy ngày nộp đơn của đơn ban đầu hoặc (các) ngày ưu tiên của đơn ban đầu (nếu có).

 Đối với mỗi đơn tách, người nộp đơn phải nộp lệ phí nộp đơn và mọi khoản phí, lệ phí cho các thủ tục được thực hiện độc lập với đơn ban đầu (ngoài các thủ tục đã được thực hiện ở đơn ban đầu mà không cần phải thực hiện lại ở đơn tách).

Người nộp đơn không phải nộp phí thẩm định yêu cầu hưởng quyền ưu tiên (trừ trường hợp tách đơn kiểu dáng công nghiệp do không bảo đảm tính thống nhất).

Đơn tách được thẩm định về hình thức và tiếp tục được xử lý theo các thủ tục chưa được hoàn tất đối với đơn ban đầu.

Đơn tách phải được công bố theo quy định;

- Người nộp đơn phải nộp bản thuyết minh về đối tượng yêu cầu bảo hộ và nội dung thay đổi so với đơn ban đầu khi nộp đơn tách;

- Đơn ban đầu (sau khi bị tách) tiếp tục được xử lý theo thủ tục xử lý đơn hoặc theo thủ tục sửa đổi đơn.

Nghị định 65/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 23/08/2023

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 65/2023/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 23 tháng 8 năm 2023

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ VỀ SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP, BẢO VỆ QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP, QUYỀN ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29 tháng 11 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 19 tháng 6 năm 2009; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ ngày 14 tháng 6 năm 2019 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 16 tháng 6 năm 2022;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.

Phần thứ nhất

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết và biện pháp thi hành các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ về:

1. Việc xác lập, chủ thể, nội dung, giới hạn quyền sở hữu công nghiệp, chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp, đại diện sở hữu công nghiệp và các biện pháp thúc đẩy hoạt động sở hữu công nghiệp.

2. Việc xác định hành vi xâm phạm, tính chất và mức độ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, xác định thiệt hại, yêu cầu và giải quyết yêu cầu xử lý xâm phạm, xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, giám định sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài đáp ứng các điều kiện hưởng sự bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

2. Tổ chức, cá nhân có quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng được bảo hộ hoặc có hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.

3. Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Tổ chức, cá nhân Việt Nam” là cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác của pháp luật về dân sự.

2. “Người nộp đơn” là tổ chức, cá nhân nộp đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp hoặc tổ chức, cá nhân nộp đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng.

3. “Công ước Paris” là Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp năm 1883, được sửa đổi năm 1967 và năm 1979.

4. “Hiệp ước PCT” là Hiệp ước hợp tác bằng sáng chế năm 1970, được sửa đổi năm 1984 và năm 2001.

5. “Thỏa ước Madrid” là Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu năm 1891, được sửa đổi năm 1979.

6. “Nghị định thư Madrid” là Nghị định thư liên quan đến Thỏa ước Madrid năm 1989, được sửa đổi năm 2006 và năm 2007.

7. “Thỏa ước La Hay” là Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp, Văn kiện năm 1999.

8. “Đơn PCT” là đơn đăng ký sáng chế nộp theo Hiệp ước PCT.

9. “Đơn PCT có chỉ định hoặc chọn Việt Nam” là Đơn PCT được nộp tại bất kỳ thành viên nào của Hiệp ước PCT, kể cả Việt Nam, trong đó Việt Nam là nước được chỉ định hoặc lựa chọn.

10. “Đơn PCT vào giai đoạn quốc gia” là Đơn PCT có chỉ định hoặc có chọn Việt Nam được nộp vào cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.

11. “Đơn PCT có nguồn gốc Việt Nam” là Đơn PCT được nộp từ Việt Nam, trong đó có yêu cầu bảo hộ tại bất kỳ thành viên nào của Hiệp ước PCT, kể cả Việt Nam.

12. “Đơn Madrid” là đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu nộp theo Thỏa ước Madrid hoặc theo Nghị định thư Madrid.

13. “Đơn Madrid có nguồn gốc Việt Nam” là Đơn Madrid yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu tại các thành viên khác của Thỏa ước Madrid hoặc Nghị định thư Madrid nộp từ Việt Nam.

14. “Đơn Madrid có chỉ định Việt Nam” là Đơn Madrid yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam, có nguồn gốc từ các thành viên khác của Thỏa ước Madrid hoặc Nghị định thư Madrid.

15. “Đơn La Hay” là đơn đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp nộp theo Thỏa ước La Hay.

16. “Đơn La Hay có chỉ định Việt Nam” là Đơn La Hay yêu cầu bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam, có nguồn gốc từ bất kỳ thành viên nào của Thỏa ước La Hay, kể cả Việt Nam.

17. “Đơn La Hay có nguồn gốc Việt Nam” là Đơn La Hay được nộp từ Việt Nam, trong đó có yêu cầu bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại bất kỳ thành viên nào của Thỏa ước La Hay, kể cả Việt Nam.

18. “Văn phòng quốc tế” là Văn phòng quốc tế của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới.

19. “Hành vi xâm phạm” là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng.

20. “Xử lý hành vi xâm phạm” là xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng.

21. “Người xâm phạm” là tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng.

22. “Yếu tố xâm phạm” là yếu tố được tạo ra từ hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng.

23. “Hành vi bị xem xét” là hành vi bị nghi ngờ và bị xem xét nhằm đưa ra kết luận có phải là hành vi xâm phạm hay không.

24. “Đối tượng bị xem xét” là đối tượng bị nghi ngờ và bị xem xét nhằm đưa ra kết luận đó có phải là đối tượng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng hay không.

25. “Đơn yêu cầu xử lý xâm phạm” dùng để chỉ đơn yêu cầu áp dụng các biện pháp để xử lý hành vi xâm phạm.

26. “Luật Sở hữu trí tuệ” là Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29 tháng 11 năm 2005, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 19 tháng 6 năm 2009, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ ngày 14 tháng 6 năm 2019 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 16 tháng 6 năm 2022.

Phần thứ hai

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Điều 4. Nguyên tắc thống nhất quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ

Việc tổ chức thực hiện hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 10, Điều 11 của Luật Sở hữu trí tuệ dựa trên nguyên tắc thống nhất về mục tiêu, nội dung và biện pháp dưới sự chỉ đạo chung của Chính phủ, có sự phân công trách nhiệm rõ ràng và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp.

Điều 5. Trách nhiệm chủ trì, phối hợp trong quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ

1. Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan liên quan thực hiện các hoạt động chung sau đây để bảo đảm thống nhất quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ:

a) Xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, văn bản pháp luật chung về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ;

b) Theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ chung về sở hữu trí tuệ do Quốc hội, Chính phủ giao cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp theo quy định tại Điều 10, Điều 11 của Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị định này;

c) Tổng hợp, đánh giá, báo cáo Chính phủ tình hình hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đề xuất các chính sách, biện pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả của hệ thống sở hữu trí tuệ và bảo đảm thống nhất quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ;

d) Xây dựng và chỉ đạo tổ chức thực hiện các chương trình, đề án chung về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, các biện pháp phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ;

đ) Đàm phán, ký kết gia nhập và tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế chung về sở hữu trí tuệ; đề xuất xử lý các vấn đề tranh chấp quốc gia liên quan đến sở hữu trí tuệ trong quan hệ quốc tế;

e) Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, thiết lập mạng thông tin quốc gia về quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều này; bảo đảm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quyền tác giả và quyền liên quan, bảo đảm chính sách, chiến lược, văn bản pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan thống nhất với chính sách, chiến lược, văn bản pháp luật chung về sở hữu trí tuệ; định kỳ hoặc đột xuất cung cấp thông tin cho Bộ Khoa học và Công nghệ về hoạt động quản lý nhà nước và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều này; bảo đảm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng, bảo đảm chính sách, chiến lược, văn bản pháp luật về bảo hộ quyền đối với giống cây trồng thống nhất với chính sách, chiến lược, văn bản pháp luật chung về sở hữu trí tuệ; định kỳ hoặc đột xuất cung cấp thông tin cho Bộ Khoa học và Công nghệ về hoạt động quản lý nhà nước và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 6. Trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ về sở hữu công nghiệp

Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm sau đây trong quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp:

1. Xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.

2. Ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về sở hữu công nghiệp.

3. Tổ chức hệ thống cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp.

4. Hướng dẫn nghiệp vụ, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về sở hữu công nghiệp.

5. Tổ chức thực hiện xác lập quyền sở hữu công nghiệp, đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp và thực hiện các thủ tục khác liên quan đến văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.

6. Thực hiện quyền bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo quy định tại Điều 147 của Luật Sở hữu trí tuệ.

7. Chủ trì hoặc phối hợp thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Nhà nước và xã hội về sở hữu công nghiệp.

8. Quản lý hoạt động giám định sở hữu công nghiệp; cấp thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp.

9. Kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về sở hữu công nghiệp; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về sở hữu công nghiệp.

10. Tổ chức hoạt động thông tin, thống kê về sở hữu công nghiệp; quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động liên quan đến cơ sở dữ liệu quốc gia về sở hữu công nghiệp.

11. Tổ chức thực hiện giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chính sách, pháp luật về sở hữu công nghiệp.

12. Quản lý hoạt động đại diện sở hữu công nghiệp; cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.

13. Hợp tác quốc tế về sở hữu công nghiệp; đề xuất xử lý các vấn đề tranh chấp giữa Việt Nam và các quốc gia khác về sở hữu công nghiệp.

14. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chính phủ giao.

Điều 7. Cơ chế phối hợp trong quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ

1. Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan trong bảo vệ, kiểm tra, thanh tra, xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ có trách nhiệm trả lời đầy đủ và kịp thời các yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

3. Cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ có trách nhiệm tham gia đoàn thanh tra hoặc đoàn kiểm tra khi được yêu cầu để phục vụ công tác thanh tra và kiểm tra.

Điều 8. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về sở hữu trí tuệ

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các nhiệm vụ cụ thể sau đây:

1. Thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều 5 của Nghị định này và trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ cụ thể do Chính phủ giao.

2. Bảo đảm thực hiện chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ tại địa phương phù hợp và tuân thủ quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ.

3. Định kỳ hoặc đột xuất cung cấp thông tin cho Bộ Khoa học và Công nghệ về hoạt động quản lý nhà nước và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 9. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về sở hữu công nghiệp

1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm sau đây trong quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp tại địa phương:

a) Tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về sở hữu công nghiệp;

b) Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện quy định của địa phương về sở hữu công nghiệp;

c) Tổ chức hệ thống quản lý hoạt động sở hữu công nghiệp tại địa phương và thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường hiệu quả của hệ thống đó;

d) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chính sách, pháp luật về sở hữu công nghiệp, thực hiện các biện pháp đẩy mạnh hoạt động sở hữu công nghiệp;

đ) Hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tiến hành các thủ tục về sở hữu công nghiệp;

e) Phối hợp với các cơ quan liên quan trong hoạt động bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp và xử lý vi phạm pháp luật về sở hữu công nghiệp;

g) Kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về sở hữu công nghiệp, giải quyết khiếu nại, tố cáo về sở hữu công nghiệp tại địa phương;

h) Quản lý chỉ dẫn địa lý thuộc địa phương, kể cả địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương;

i) Hợp tác quốc tế về sở hữu công nghiệp tại địa phương.

2. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo việc thực hiện pháp luật về sở hữu công nghiệp và quản lý các đối tượng sở hữu công nghiệp do cơ quan mình quản lý.

Phần thứ ba

QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

Chương I

XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

Mục 1. CÁC QUY ĐỊNH CHUNG VỀ XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

Điều 10. Căn cứ, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp

1. Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, thiết kế bố trí, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp cấp văn bằng bảo hộ cho người nộp đơn đăng ký các đối tượng đó theo quy định tại Chương VII, Chương VIIIChương IX của Luật Sở hữu trí tuệ và Phụ lục I của Nghị định này.

Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu đăng ký quốc tế theo Thỏa ước MadridNghị định thư Madrid được xác lập trên cơ sở chấp nhận bảo hộ của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp đối với đăng ký quốc tế đó.

Quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp đăng ký quốc tế theo Thỏa ước La Hay được xác lập trên cơ sở chấp nhận bảo hộ của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp đối với đăng ký quốc tế đó.

2. Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở thực tiễn sử dụng rộng rãi nhãn hiệu đó theo quy định tại Điều 75 của Luật Sở hữu trí tuệ mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký. Khi sử dụng quyền và giải quyết tranh chấp quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng, chủ sở hữu nhãn hiệu đó phải chứng minh quyền của mình bằng các chứng cứ theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 91 của Nghị định này.

3. Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở thực tiễn sử dụng hợp pháp tên thương mại đó tương ứng với khu vực (lãnh thổ) và lĩnh vực kinh doanh mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký. Khi sử dụng quyền và giải quyết tranh chấp quyền đối với tên thương mại, chủ thể có tên thương mại phải chứng minh quyền của mình bằng các chứng cứ theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 91 của Nghị định này.

4. Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở đầu tư tài chính, trí tuệ hay bất kỳ cách thức hợp pháp nào để tìm ra, tạo ra hoặc đạt được thông tin và bảo mật thông tin tạo thành bí mật kinh doanh đó mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký. Khi sử dụng quyền và giải quyết tranh chấp quyền đối với bí mật kinh doanh, chủ thể có bí mật kinh doanh phải chứng minh quyền của mình bằng các chứng cứ theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 91 của Nghị định này.

5. Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh được xác lập trên cơ sở thực tiễn của hoạt động cạnh tranh mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp. Khi sử dụng quyền chống cạnh tranh không lành mạnh, chủ thể phải chứng minh quyền của mình bằng các chứng cứ thể hiện đối tượng, lĩnh vực, lãnh thổ, thời gian kinh doanh liên quan đến hoạt động cạnh tranh.

Điều 11. Quyền sở hữu công nghiệp theo điều ước quốc tế

1. Trong trường hợp điều ước quốc tế liên quan đến sở hữu công nghiệp mà Việt Nam là thành viên có quy định về thừa nhận, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của tổ chức, cá nhân của các thành viên theo quy định tại Điều 6 của Luật Sở hữu trí tuệ thì quyền sở hữu công nghiệp của tổ chức, cá nhân của các thành viên khác được thừa nhận, bảo hộ tại Việt Nam.

Quyền sở hữu công nghiệp được bảo hộ trong phạm vi, thời hạn phù hợp với quy định của điều ước quốc tế và không phải thực hiện thủ tục đăng ký theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.

2. Bộ Khoa học và Công nghệ công bố mọi thông tin cần thiết liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp được thừa nhận, bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế.

Điều 12. Quyền ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu

Quyền ưu tiên đối với đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu quy định tại Điều 91 của Luật Sở hữu trí tuệ được áp dụng như sau:

1. Trong trường hợp người nộp đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu muốn hưởng quyền ưu tiên theo quy định của Công ước Paris, yêu cầu hưởng quyền ưu tiên của người nộp đơn sẽ được chấp nhận nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Người nộp đơn là công dân Việt Nam hoặc công dân của nước thành viên Công ước Paris hoặc công dân của nước khác cư trú hoặc có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam hoặc tại nước thành viên Công ước Paris;

b) Đơn đầu tiên đã được nộp tại Việt Nam hoặc tại nước thành viên của Công ước Paris và đơn đó có chứa phần tương ứng với yêu cầu hưởng quyền ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu;

c) Đơn đăng ký được nộp trong thời hạn sau đây kể từ ngày nộp đơn đầu tiên: 06 tháng đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp hoặc đơn đăng ký nhãn hiệu, 12 tháng đối với đơn đăng ký sáng chế;

d) Trong đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, người nộp đơn có nêu rõ yêu cầu hưởng quyền ưu tiên và có nộp bản sao đơn đầu tiên nêu tại điểm b khoản này trong trường hợp nộp tại nước ngoài, trong đó có xác nhận của Cơ quan nhận đơn đầu tiên. Bản sao đơn đầu tiên có thể được nộp trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày nộp đơn;

đ) Nộp đủ phí yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.

2. Đơn đầu tiên đã được nộp tại Việt Nam hoặc tại nước thành viên của Công ước Paris theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này là đơn đủ điều kiện để xác nhận ngày đơn đó được nộp tại nước thành viên liên quan, không phụ thuộc vào kết quả xử lý đơn đó.

3. Trong trường hợp người nộp đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu muốn hưởng quyền ưu tiên theo điều ước quốc tế khác, yêu cầu hưởng quyền ưu tiên sẽ được chấp nhận nếu đáp ứng các điều kiện về quyền ưu tiên quy định trong điều ước quốc tế đó.

Điều 13. Quyền đăng ký sở hữu công nghiệp theo các điều ước quốc tế

1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài đáp ứng các điều kiện để được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam quy định tại Điều 2 của Nghị định này có thể nộp đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tại Việt Nam theo các điều ước quốc tế về hoặc liên quan đến thủ tục nộp đơn quốc tế.

2. Tổ chức, cá nhân Việt Nam có thể nộp đơn đăng ký quốc tế sở hữu công nghiệp để yêu cầu bảo hộ quyền của mình tại Việt Nam nếu điều ước quốc tế có quy định.

Điều 14. Thủ tục kiểm soát an ninh đối với sáng chế

1. Đối với sáng chế thuộc lĩnh vực kỹ thuật có tác động đến an ninh, quốc phòng được liệt kê tại Phụ lục VII của Nghị định này, được tạo ra tại Việt Nam và thuộc quyền đăng ký của cá nhân là công dân Việt Nam và thường trú tại Việt Nam hoặc của tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam, để đáp ứng điều kiện nộp đơn đăng ký sáng chế ra nước ngoài theo quy định tại khoản 1 Điều 89a của Luật Sở hữu trí tuệ, thủ tục kiểm soát an ninh phải được thực hiện trước khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp công bố đơn đăng ký sáng chế đó.

2. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ định cơ quan tiếp nhận và xử lý đề nghị xác định sáng chế trong đơn đăng ký sáng chế thuộc các lĩnh vực kỹ thuật có tác động đến quốc phòng, an ninh theo quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được thông báo bằng văn bản của người nộp đơn đăng ký sáng chế theo thể thức quốc gia về việc dự kiến nộp đơn đăng ký ra nước ngoài để thực hiện việc kiểm soát an ninh sáng chế theo quy định tại khoản 1 Điều này hoặc ngày Đơn PCT có nguồn gốc Việt Nam được nộp thông qua cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp, nếu có cơ sở để nghi ngờ rằng sáng chế trong đơn đó thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp tạm dừng quy trình thẩm định đơn và gửi văn bản đề nghị xác định sáng chế thuộc các lĩnh vực kỹ thuật có tác động đến quốc phòng, an ninh cho cơ quan được chỉ định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Cơ quan được chỉ định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an ban hành văn bản xác định sáng chế nêu trong đơn có phải là sáng chế thuộc các lĩnh vực kỹ thuật có tác động đến quốc phòng, an ninh hay không trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp gửi văn bản đề nghị.

4. Đối với đơn đăng ký sáng chế quy định tại khoản 3 Điều này, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thông báo cho người nộp đơn về việc tạm dừng quy trình thẩm định đơn để thực hiện quy trình kiểm soát an ninh theo quy định tại Điều 89a của Luật Sở hữu trí tuệ trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày văn bản đề nghị được gửi cho cơ quan được chỉ định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

5. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan được chỉ định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về việc đối tượng trong đơn đăng ký sáng chế thuộc các lĩnh vực kỹ thuật có tác động đến quốc phòng, an ninh theo quy định tại khoản 3 Điều này, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thông báo cho người nộp đơn thông tin nêu trên, đồng thời yêu cầu người nộp đơn đăng ký sáng chế theo thủ tục phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày thông báo và thực hiện các thủ tục sau đây:

a) Đối với đơn đăng ký sáng chế nộp theo thể thức quốc gia: Trường hợp người nộp đơn nộp đơn đăng ký sáng chế theo thủ tục phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, đơn được tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp người nộp đơn không đăng ký sáng chế theo thủ tục phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước trong thời hạn ấn định, đơn coi như bị rút bỏ và được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp tiêu hủy theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, trừ trường hợp người nộp đơn có căn cứ chứng minh sáng chế không phải là bí mật nhà nước.

b) Đối với Đơn PCT có nguồn gốc Việt Nam được nộp thông qua cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp: Tiêu hủy đơn theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và thực hiện quy định tại điểm e khoản 1 Điều 20 của Nghị định này, trừ trường hợp người nộp đơn có căn cứ chứng minh sáng chế không phải là bí mật nhà nước.

6. Cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp tiếp tục quy trình thẩm định đơn theo quy định trong các trường hợp sau đây:

a) Kết thúc thời hạn 03 tháng quy định tại khoản 3 của Điều này mà cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp không nhận được thông báo của cơ quan được chỉ định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

b) Cơ quan được chỉ định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thông báo sáng chế trong đơn không phải là sáng chế thuộc các lĩnh vực kỹ thuật có tác động đến quốc phòng, an ninh.

Cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thông báo cho người nộp đơn về việc tiếp tục xử lý đơn trong thời hạn 01 tháng tính từ thời điểm nêu tại điểm a khoản này hoặc từ ngày nhận được thông báo nêu tại điểm b khoản này.

7. Đối với đơn thuộc trường hợp quy định tại khoản 6 của Điều này, người nộp đơn có quyền nộp đơn đăng ký sáng chế đó ở nước ngoài.

Điều 15. Cách tính thời hạn

1. Cách tính thời hạn trong hoạt động sở hữu công nghiệp được thực hiện theo quy định về thời hạn của Bộ luật dân sự.

2. Thời hạn dành cho người nộp đơn và bên liên quan tiến hành việc nộp, sửa đổi, bổ sung tài liệu hoặc có ý kiến có thể được gia hạn một lần bằng đúng thời hạn đã được ấn định trong thông báo của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp, với điều kiện người yêu cầu gia hạn phải nộp văn bản yêu cầu gia hạn trước ngày kết thúc thời hạn ấn định và nộp lệ phí yêu cầu gia hạn theo quy định.

3. Không tính vào thời hạn khoảng thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ của mình trong phạm vi thời hạn nếu tổ chức, cá nhân đó có yêu cầu và có chứng cứ xác đáng chứng minh tình trạng đó. Trường hợp yêu cầu được chấp nhận, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định, thông báo thu hồi quyết định, thông báo đã ban hành với lý do tổ chức, cá nhân không thực hiện quyền và nghĩa vụ đúng thời hạn và khôi phục quá trình xử lý đơn trở về tình trạng như chưa kết thúc thời hạn.

4. Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được (ví dụ thiên tai, địch họa v.v...) và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động (ví dụ: ốm đau, đi công tác, học tập ở nơi xa v.v...) làm cho người có quyền, nghĩa vụ không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ của mình.

Điều 16. Sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

1. Trước khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định từ chối chấp nhận đơn, quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ, người nộp đơn có thể:

a) Sửa đổi, bổ sung các tài liệu trong đơn với điều kiện việc sửa đổi, bổ sung không được mở rộng phạm vi (khối lượng) bảo hộ đã bộc lộ trong bản mô tả đối với đơn đăng ký sáng chế, bộ ảnh chụp, bản vẽ và bản mô tả kiểu dáng công nghiệp được thể hiện trong bộ ảnh chụp, bản vẽ đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, trong mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hóa, dịch vụ đối với đơn đăng ký nhãn hiệu và không được làm thay đổi bản chất của đối tượng nêu trong đơn;

b) Sửa đổi về tên, địa chỉ, mã nước của người nộp đơn, tên, quốc tịch, địa chỉ của tác giả sáng chế, thiết kế bố trí, kiểu dáng công nghiệp; sửa đổi đại diện sở hữu công nghiệp.

2. Việc sửa đổi, bổ sung đơn được thực hiện như sau:

a) Trường hợp sửa đổi, bổ sung đơn do người nộp đơn chủ động thực hiện sau khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp chấp nhận đơn hợp lệ, kể cả thay đổi về đại diện hợp pháp tại Việt Nam, đơn yêu cầu sửa đổi, bổ sung phải được làm theo Mẫu số 04 tại Phụ lục II của Nghị định này;

b) Trường hợp sửa đổi, bổ sung đơn trước khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp chấp nhận hoặc từ chối chấp nhận đơn hợp lệ hoặc sửa đổi, bổ sung đơn trên cơ sở thông báo của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp liên quan đến đơn đó, yêu cầu sửa đổi, bổ sung phải được thể hiện bằng văn bản trong đó nêu rõ nội dung yêu cầu sửa đổi, bổ sung;

c) Người nộp đơn có thể yêu cầu sửa đổi, bổ sung với cùng một nội dung liên quan đến nhiều đơn có cùng loại đối tượng quyền sở hữu công nghiệp trong một Tờ khai hoặc một văn bản yêu cầu sửa đổi, bổ sung;

d) Người yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn phải nộp các loại phí sau đây:

d1) Phí thẩm định yêu cầu sửa đổi, bổ sung cho mỗi nội dung sửa đổi theo quy định và bản sao chứng từ nộp phí (trường hợp nộp phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp);

d2) Phí công bố thông tin sửa đổi, bổ sung đơn theo quy định nếu nội dung sửa đổi, bổ sung phải được công bố theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều này. Trường hợp việc sửa đổi, bổ sung phải thực hiện để khắc phục những sai sót do lỗi của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp, người nộp đơn không phải nộp phí công bố;

đ) Đối với yêu cầu sửa đổi, bổ sung các tài liệu sau đây, người nộp đơn phải nộp tài liệu tương ứng đã được sửa đổi, bổ sung:

đ1) Một phần hoặc toàn bộ bản mô tả, bản tóm tắt sáng chế đối với đơn đăng ký sáng chế;

đ2) 04 bộ ảnh chụp hoặc bộ bản vẽ, bản mô tả mạch tích hợp sản xuất theo thiết kế bố trí đối với đơn đăng ký thiết kế bố trí;

đ3) 04 bộ bản vẽ hoặc 04 bộ ảnh chụp, bản mô tả đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp;

đ4) 05 mẫu nhãn hiệu, danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu đối với đơn đăng ký nhãn hiệu;

đ5) Bản mô tả tính chất đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, bản đồ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý đối với đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Tài liệu sửa đổi, bổ sung đơn phải đáp ứng quy định về các tài liệu đó tại Phụ lục I của Nghị định này. Đối với yêu cầu sửa đổi, bổ sung tại điểm đ1, đ2 và đ3 khoản này, người nộp đơn phải nộp kèm theo bản thuyết minh chi tiết nội dung sửa đổi, bổ sung so với tài liệu ban đầu đã nộp.

e) Đối với trường hợp sửa đổi tên, địa chỉ, mã nước của người nộp đơn, tên, quốc tịch của tác giả, người nộp đơn phải nộp tài liệu xác nhận (bản gốc hoặc bản sao có chứng thực) hoặc tài liệu pháp lý (bản sao có chứng thực) chứng minh việc thay đổi (quyết định đổi tên, địa chỉ; giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có ghi nhận việc thay đổi tên, địa chỉ v.v…). Đối với trường hợp sửa đổi đại diện sở hữu công nghiệp, người nộp đơn phải nộp tuyên bố thay đổi đại diện sở hữu công nghiệp.

3. Cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp xử lý yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn như sau:

a) Công bố các nội dung sửa đổi, bổ sung trong trường hợp yêu cầu sửa đổi, bổ sung thông tin liên quan đến đơn hợp lệ về mặt hình thức ghi trong quyết định chấp nhận đơn hợp lệ; tên, quốc tịch của tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí; bản tóm tắt sáng chế kèm theo hình vẽ (nếu có); bộ ảnh chụp hoặc bản vẽ kiểu dáng công nghiệp; mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hóa, dịch vụ kèm theo; bản mô tả tính chất đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và tên sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý;

b) Trường hợp người nộp đơn yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này, nội dung sửa đổi, bổ sung được thẩm định theo quy định tại Điều 109 của Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định pháp luật liên quan;

c) Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn được nộp sau khi có thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ thuộc các trường hợp dưới đây thì đơn phải được thẩm định lại và người nộp đơn phải nộp phí theo quy định:

c1) Sửa đổi thông tin liên quan đến bản chất của đối tượng nêu trong đơn: bản mô tả sáng chế; bản mô tả, bộ ảnh chụp, bản vẽ kiểu dáng công nghiệp; mẫu nhãn hiệu, danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu, quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; bản mô tả tính chất đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý;

c2) Thay đổi người nộp đơn nhãn hiệu;

d) Thông báo chấp nhận hoặc từ chối chấp nhận yêu cầu sửa đổi, bổ sung trong thời hạn quy định tại khoản 4 Điều 119 của Luật Sở hữu trí tuệ;

đ) Thông báo chấp nhận hoặc từ chối chấp nhận yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn tại các văn bản gửi cho người nộp đơn trong quá trình xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp liên quan đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

Điều 17. Tách đơn, rút đơn đăng ký sở hữu công nghiệp; yêu cầu thẩm định nội dung, chuyển đổi đơn đăng ký sáng chế

1. Việc tách đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được thực hiện như sau:

a) Trước khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định từ chối chấp nhận đơn, quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ, người nộp đơn có thể tách đơn (tách một hoặc một số giải pháp kỹ thuật trong đơn đăng ký sáng chế, một hoặc một số kiểu dáng công nghiệp trong đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, một phần danh mục hàng hóa, dịch vụ trong đơn đăng ký nhãn hiệu sang một hoặc nhiều đơn mới, gọi là đơn tách);

b) Đơn tách mang số đơn mới và được lấy ngày nộp đơn của đơn ban đầu hoặc (các) ngày ưu tiên của đơn ban đầu (nếu có). Đối với mỗi đơn tách, người nộp đơn phải nộp lệ phí nộp đơn và mọi khoản phí, lệ phí cho các thủ tục được thực hiện độc lập với đơn ban đầu (ngoài các thủ tục đã được thực hiện ở đơn ban đầu mà không cần phải thực hiện lại ở đơn tách), nhưng không phải nộp phí thẩm định yêu cầu hưởng quyền ưu tiên (trừ trường hợp tách đơn kiểu dáng công nghiệp do không bảo đảm tính thống nhất). Đơn tách được thẩm định về hình thức và tiếp tục được xử lý theo các thủ tục chưa được hoàn tất đối với đơn ban đầu. Đơn tách phải được công bố theo quy định;

c) Người nộp đơn phải nộp bản thuyết minh về đối tượng yêu cầu bảo hộ và nội dung thay đổi so với đơn ban đầu khi nộp đơn tách;

d) Đơn ban đầu (sau khi bị tách) tiếp tục được xử lý theo thủ tục xử lý đơn hoặc theo thủ tục sửa đổi đơn.

2. Việc rút đơn đăng ký sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điều 116 của Luật Sở hữu trí tuệ được thực hiện như sau:

a) Việc rút đơn phải do chính người nộp đơn hoặc do người đại diện được người nộp đơn ủy quyền thực hiện thông qua tuyên bố bằng văn bản. Đối với đơn nộp qua đại diện, trong văn bản ủy quyền phải nêu rõ việc ủy quyền rút đơn hoặc phải kèm theo thư lệnh chỉ rõ số đơn cần rút;

b) Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp:

b1) Ra thông báo chấp nhận rút đơn trong trường hợp yêu cầu rút đơn đáp ứng quy định tại điểm a khoản này và chấm dứt việc xử lý đơn, ghi nhận việc rút đơn trong hồ sơ đơn. Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp đã rút không thể được khôi phục mà chỉ có thể dùng làm căn cứ để yêu cầu hưởng quyền ưu tiên theo quy định tại khoản 3 Điều 116 của Luật Sở hữu trí tuệ;

b2) Ra thông báo dự định từ chối chấp nhận rút đơn trong trường hợp yêu cầu rút đơn không đáp ứng quy định tại điểm a khoản này và ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra thông báo để người nộp đơn khắc phục thiếu sót;

b3) Ra thông báo từ chối chấp nhận rút đơn nếu người nộp đơn không khắc phục thiếu sót trong thời hạn quy định tại điểm b2 khoản này hoặc khắc phục thiếu sót nhưng không đạt yêu cầu.

3. Việc chuyển đổi đơn đăng ký sáng chế theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 115 của Luật Sở hữu trí tuệ được thực hiện như sau:

a) Trước khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định từ chối chấp nhận đơn, quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ, người nộp đơn đăng ký sáng chế có thể chuyển đổi yêu cầu cấp Bằng độc quyền sáng chế thành yêu cầu cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích hoặc ngược lại đối với toàn bộ hoặc một phần của đơn, với điều kiện người nộp đơn phải nộp lệ phí nộp đơn đối với đơn chuyển đổi theo quy định. Đối với trường hợp chuyển đổi một phần của đơn, người nộp đơn phải thực hiện thủ tục tách đơn trước khi yêu cầu chuyển đổi;

b) Sau khi nhận được yêu cầu chuyển đổi đơn hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp tiếp tục tiến hành thủ tục xử lý đơn chuyển đổi theo quy định tương ứng, nhưng không thực hiện lại các thủ tục đã tiến hành đối với đơn trước khi có yêu cầu chuyển đổi.

4. Người thứ ba yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp tiến hành thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế theo quy định tại Điều 113 của Luật Sở hữu trí tuệ theo quy định như sau:

a) Yêu cầu thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế phải làm theo Mẫu số 05 tại Phụ lục I của Nghị định này;

b) Thời hạn nộp yêu cầu thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế theo quy định tại khoản 1 và 2 Điều 113 của Luật Sở hữu trí tuệ;

c) Người yêu cầu thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế phải nộp phí tra cứu và phí thẩm định nội dung theo quy định;

d) Yêu cầu thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế được thông báo cho người nộp đơn đăng ký sáng chế đó trong vòng 03 tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu;

đ) Trường hợp yêu cầu thẩm định nội dung không hợp lệ, trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩm định nội dung, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thông báo và ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra thông báo để người yêu cầu thẩm định nội dung sửa chữa thiếu sót. Trường hợp người yêu cầu thẩm định nội dung không sửa chữa thiếu sót trong thời hạn ấn định hoặc sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thông báo từ chối thẩm định nội dung đơn;

e) Trường hợp yêu cầu thẩm định nội dung hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp tiến hành thẩm định nội dung đơn theo quy định tại Điều 114 của Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định pháp luật có liên quan và thông báo kết quả thẩm định nội dung đơn cho người có yêu cầu.

Điều 18. Ghi nhận thay đổi người nộp đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

1. Trước khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định từ chối chấp nhận đơn, quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ, người nộp đơn có thể yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ghi nhận việc thay đổi người nộp đơn trên cơ sở chuyển nhượng, thừa kế, kế thừa hoặc theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

2. Việc ghi nhận thay đổi người nộp đơn do chuyển nhượng đơn được thực hiện như sau:

a) Hồ sơ yêu cầu ghi nhận thay đổi do chuyển nhượng đơn bao gồm:

a1) Yêu cầu ghi nhận việc chuyển nhượng đơn làm theo Mẫu số 05 tại Phụ lục II của Nghị định này;

a2) Tài liệu chuyển nhượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp (bản gốc hoặc bản sao có chứng thực) phải có các nội dung chủ yếu gồm tên, địa chỉ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng; số đơn được chuyển nhượng hoặc thông tin đủ để xác định đơn đó;

a3) Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí theo quy định (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp);

b) Yêu cầu ghi nhận thay đổi do chuyển nhượng nhiều đơn của cùng một người nộp đơn có thể được thực hiện trong cùng một tờ khai, với điều kiện phải nộp phí thẩm định theo quy định tương ứng với số lượng đơn được yêu cầu ghi nhận chuyển nhượng;

c) Yêu cầu ghi nhận thay đổi do chuyển nhượng đơn được xử lý như yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn theo quy định tại Điều 16 của Nghị định này. Trường hợp yêu cầu ghi nhận thay đổi do chuyển nhượng đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp sau khi có thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ, đơn đăng ký nhãn hiệu phải được thẩm định lại và công bố nội dung chuyển nhượng. Người yêu cầu phải nộp phí thẩm định đơn và phí công bố theo quy định.

3. Việc ghi nhận thay đổi người nộp đơn do thừa kế, kế thừa hoặc theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền được thực hiện theo yêu cầu trên cơ sở thừa kế, kế thừa tài sản khi hợp nhất, sáp nhập, chia, tách pháp nhân, liên doanh, liên kết, thành lập pháp nhân mới của cùng chủ sở hữu, chuyển đổi hình thức kinh doanh hoặc theo quyết định của Tòa án hoặc của cơ quan có thẩm quyền khác. Thủ tục yêu cầu ghi nhận thay đổi người nộp đơn trong các trường hợp này được thực hiện như thủ tục sửa đổi, bổ sung đơn theo quy định tại Điều 16 của Nghị định này.

Mục 2. ĐƠN VÀ XỬ LÝ ĐƠN PCT

Điều 19. Đơn PCT

1. Đơn PCT bao gồm Đơn PCT có nguồn gốc Việt Nam và Đơn PCT vào giai đoạn quốc gia.

2. Đối với Đơn PCT có nguồn gốc Việt Nam, người nộp đơn có thể nộp đơn thông qua cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp hoặc trực tiếp cho Văn phòng quốc tế. Đơn nộp trực tiếp cho Văn phòng quốc tế phải được làm bằng ngôn ngữ theo quy định tại Hiệp ước PCT và phải đáp ứng các yêu cầu về hình thức và nội dung quy định tại Hiệp ước PCT. Đơn nộp thông qua cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp phải được làm bằng tiếng Anh, mỗi đơn được làm thành 01 bản và phải đáp ứng các yêu cầu về hình thức và nội dung quy định tại Hiệp ước PCT và người nộp đơn phải nộp phí kiểm tra sơ bộ hình thức, các khoản phí, lệ phí theo quy định của Quy chế thi hành Hiệp ước PCT và pháp luật về phí, lệ phí của các nước thành viên được chỉ định trong Đơn PCT.

3. Đối với Đơn PCT có chỉ định hoặc chọn Việt Nam, để được vào giai đoạn quốc gia, người nộp đơn phải nộp cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp trong thời hạn 31 tháng kể từ ngày ưu tiên (nếu đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên) hoặc kể từ ngày nộp đơn quốc tế các tài liệu sau đây:

a) Tờ khai đăng ký sáng chế, làm theo Mẫu số 01 tại Phụ lục I của Nghị định này;

b) Bản sao đơn quốc tế (trường hợp người nộp đơn yêu cầu vào giai đoạn quốc gia trước ngày công bố quốc tế);

c) Bản dịch ra tiếng Việt của bản mô tả và bản tóm tắt trong đơn quốc tế (bản công bố hoặc bản gốc nộp ban đầu nếu đơn chưa được công bố và bản sửa đổi và bản giải thích phần sửa đổi, nếu đơn quốc tế có sửa đổi theo Điều 19 và/hoặc Điều 34.2(b) của Hiệp ước PCT);

d) Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp);

đ) Văn bản ủy quyền (trường hợp yêu cầu được nộp thông qua đại diện).

Điều 20. Xử lý đơn PCT có nguồn gốc Việt Nam nộp thông qua cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp

1. Sau khi nhận Đơn PCT có nguồn gốc Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp có trách nhiệm thực hiện các thủ tục sau đây:

a) Thu phí kiểm tra sơ bộ hình thức đơn;

b) Xác định đối tượng yêu cầu bảo hộ của đơn có phải là bí mật nhà nước không;

c) Thông báo các khoản phí theo quy định để người nộp đơn chuyển cho Văn phòng quốc tế và cơ quan tra cứu quốc tế theo quy định của Hiệp ước PCT;

d) Kiểm tra và xử lý đơn theo quy định của Hiệp ước PCT;

đ) Chuyển đơn cho Văn phòng quốc tế và cơ quan tra cứu quốc tế đối với trường hợp đơn đáp ứng yêu cầu sơ bộ về hình thức, phí theo pháp luật quốc gia được nộp đủ và đúng thời hạn và đối tượng yêu cầu bảo hộ trong đơn không phải là bí mật nhà nước;

e) Không tiến hành các công việc tiếp theo đối với trường hợp đối tượng yêu cầu bảo hộ trong đơn là bí mật nhà nước.

2. Sau khi Đơn PCT có nguồn gốc Việt Nam đã được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp chuyển cho Văn phòng quốc tế, mọi giao dịch liên quan đến đơn được người nộp đơn thực hiện trực tiếp với Văn phòng quốc tế hoặc cơ quan có thẩm quyền của các nước thành viên của Hiệp ước PCT được chỉ định trong đơn theo quy định của Hiệp ước PCT.

Điều 21. Xử lý Đơn PCT vào giai đoạn quốc gia

Đơn PCT vào giai đoạn quốc gia được xử lý như sau:

1. Yêu cầu hưởng quyền ưu tiên trong Đơn PCT vào giai đoạn quốc gia được xử lý phù hợp với Hiệp ước PCT và Quy chế thi hành Hiệp ước PCT. Để được hưởng quyền ưu tiên, người nộp đơn phải:

a) Khẳng định lại yêu cầu hưởng quyền ưu tiên trong tờ khai;

b) Nộp phí thẩm định yêu cầu hưởng quyền ưu tiên;

c) Nộp bản dịch ra tiếng Việt của các tài liệu đã nộp cho Văn phòng quốc tế theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp và các tài liệu cần thiết theo Quy tắc 17.1(a) của Quy chế thi hành Hiệp ước PCT.

2. Người nộp đơn có thể sửa đổi, bổ sung tài liệu trong đơn. Việc sửa đổi, bổ sung tài liệu trong đơn phải phù hợp với quy định sau đây:

a) Điều 28 và 41 của Hiệp ước PCT, Quy tắc 52.1(b) và 78.1(b) của Quy chế thi hành Hiệp ước PCT và quy định của Điều 115 Luật Sở hữu trí tuệ;

b) Văn bản ủy quyền, văn bản chuyển nhượng quyền nộp đơn trong giai đoạn quốc tế (nếu có) phải được nộp trong thời hạn 34 tháng kể từ ngày ưu tiên (nếu đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên) hoặc kể từ ngày nộp đơn quốc tế;

c) Các tài liệu sửa đổi, bổ sung do người nộp đơn nộp cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp phải được làm bằng tiếng Việt.

3. Thời điểm bắt đầu xử lý Đơn PCT ở giai đoạn quốc gia là ngày đầu tiên của tháng thứ ba mươi hai kể từ ngày ưu tiên (nếu đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên) hoặc kể từ ngày nộp đơn quốc tế. Nếu người nộp đơn có văn bản yêu cầu xử lý sớm Đơn PCT ở giai đoạn quốc gia, Đơn PCT sẽ được xử lý trước thời hạn quy định tại khoản này phù hợp với quy định tại Điều 23.2 của Hiệp ước PCT.

4. Đơn PCT vào giai đoạn quốc gia được thẩm định hình thức và thẩm định nội dung theo thủ tục quy định đối với đơn đăng ký sáng chế nộp theo thể thức quốc gia và được công bố trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ.

Mục 3. ĐƠN VÀ XỬ LÝ ĐƠN LA HAY

Điều 22. Đơn La Hay

1. Đơn La Hay bao gồm Đơn La Hay có chỉ định Việt Nam và Đơn La Hay có nguồn gốc Việt Nam.

2. Đối với Đơn La Hay có nguồn gốc Việt Nam, người nộp đơn có thể nộp đơn thông qua cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp hoặc nộp trực tiếp cho Văn phòng quốc tế. Đơn nộp cho Văn phòng quốc tế phải được làm bằng ngôn ngữ theo quy định tại Thỏa ước La Hay và phải đáp ứng các yêu cầu về hình thức và nội dung quy định tại Thỏa ước La Hay.

3. Đơn La Hay được nộp thông qua cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp phải được làm bằng tiếng Anh, mỗi đơn được làm thành 02 bản và phải đáp ứng các yêu cầu về hình thức và nội dung quy định tại Thỏa ước La Hay và người nộp đơn phải nộp phí chuyển đơn quốc tế, phí, lệ phí theo quy định của Thỏa ước La Hay và pháp luật về phí, lệ phí của các nước thành viên được chỉ định.

Điều 23. Xử lý Đơn La Hay có nguồn gốc Việt Nam được nộp thông qua cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp

1. Trường hợp Đơn La Hay có nguồn gốc Việt Nam được nộp thông qua cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp có trách nhiệm thực hiện các thủ tục sau đây:

a) Thu phí chuyển đơn quốc tế;

b) Thông báo khoản phí mà người nộp đơn cần nộp trực tiếp cho Văn phòng quốc tế theo quy định của Thỏa ước La Hay trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đơn;

c) Kiểm tra sơ bộ hình thức đơn trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đơn;

d) Trường hợp đơn có thiếu sót, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thông báo cho người nộp đơn về các thiếu sót của đơn và ấn định thời hạn 12 ngày kể từ ngày ra thông báo để người nộp đơn khắc phục;

đ) Chuyển Đơn La Hay có nguồn gốc Việt Nam cho Văn phòng quốc tế trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận đơn.

2. Ngày cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp nhận được đơn La Hay có nguồn gốc Việt Nam sẽ được coi là ngày nộp đơn đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp trong trường hợp Văn phòng quốc tế nhận được đơn đó trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày ghi trên dấu nhận đơn của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.

3. Sau khi đơn La Hay có nguồn gốc Việt Nam đã được nộp cho Văn phòng quốc tế, mọi giao dịch liên quan đến đơn được người nộp đơn thực hiện trực tiếp với Văn phòng quốc tế hoặc cơ quan có thẩm quyền của các nước thành viên của Thỏa ước La Hay được chỉ định trong đơn theo quy định của Thỏa ước La Hay.

Điều 24. Xử lý Đơn La Hay có chỉ định Việt Nam

Sau khi nhận được thông báo của Văn phòng quốc tế, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp xử lý Đơn La Hay có chỉ định Việt Nam theo quy định như sau:

1. Cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp tiến hành thẩm định nội dung đơn như với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được nộp theo thể thức quốc gia trừ các trường hợp quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 9 Điều này. Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày Văn phòng quốc tế ra thông báo, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp kết luận về khả năng bảo hộ của kiểu dáng công nghiệp trong đơn.

2. Trường hợp kiểu dáng công nghiệp trong đơn đáp ứng điều kiện bảo hộ theo quy định của pháp luật Việt Nam và đơn không có thiếu sót, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thực hiện các thủ tục sau đây:

a) Trước khi kết thúc thời hạn 06 tháng nêu tại khoản 1 Điều này, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định chấp nhận bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đăng ký quốc tế trong đơn, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp (Phần Kiểu dáng công nghiệp đăng ký quốc tế) và gửi cho Văn phòng quốc tế tuyên bố chấp nhận bảo hộ cho kiểu dáng công nghiệp đăng ký quốc tế theo mẫu của Văn phòng quốc tế;

b) Công bố quyết định trên Công báo Sở hữu công nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra quyết định.

3. Trường hợp kiểu dáng công nghiệp không đáp ứng điều kiện bảo hộ hoặc đơn còn có thiếu sót (thiếu ảnh chụp/bản vẽ khiến bộ ảnh chụp/bản vẽ không bộc lộ đầy đủ các đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng công nghiệp hoặc đăng ký quốc tế không đáp ứng các tuyên bố của Việt Nam hoặc có thông tin cần phải xác minh v.v…), trước khi kết thúc thời hạn 06 tháng nêu tại khoản 1 Điều này, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra thông báo từ chối theo mẫu của Văn phòng quốc tế, trong đó nêu rõ nội dung và lý do từ chối và gửi thông báo đó cho Văn phòng quốc tế.

4. Đối với trường hợp một số kiểu dáng công nghiệp đăng ký không đáp ứng điều kiện bảo hộ hoặc đơn còn có thiếu sót đối với một số kiểu dáng công nghiệp (thiếu ảnh chụp/bản vẽ khiến bộ ảnh chụp/bản vẽ không bộc lộ đầy đủ các đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng công nghiệp hoặc đăng ký quốc tế không đáp ứng các tuyên bố của Việt Nam hoặc có thông tin cần phải xác minh v.v…), trước khi kết thúc thời hạn 06 tháng nêu tại khoản 1 Điều này, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thực hiện các thủ tục sau đây:

a) Ra thông báo từ chối đối với kiểu dáng công nghiệp không đáp ứng điều kiện bảo hộ hoặc còn thiếu sót theo mẫu của Văn phòng quốc tế, trong đó nêu rõ nội dung và lý do từ chối và gửi thông báo đó cho Văn phòng quốc tế;

b) Ra quyết định chấp nhận bảo hộ đối với các kiểu dáng công nghiệp đáp ứng điều kiện bảo hộ và không có thiếu sót, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp (Phần Kiểu dáng công nghiệp đăng ký quốc tế) và gửi cho Văn phòng quốc tế Tuyên bố chấp nhận bảo hộ cho kiểu dáng công nghiệp đăng ký quốc tế theo mẫu của Văn phòng quốc tế, trong đó chỉ rõ kiểu dáng công nghiệp được chấp nhận bảo hộ;

c) Công bố quyết định trên Công báo Sở hữu công nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra quyết định.

5. Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra thông báo từ chối theo quy định tại khoản 3 và 4 Điều này, người nộp đơn có quyền sửa chữa thiếu sót hoặc phản đối ý kiến từ chối của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp. Việc sửa chữa thiếu sót hoặc phản đối ý kiến từ chối nêu trong thông báo được thực hiện theo thủ tục như đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được nộp theo thể thức quốc gia, kể cả quy định về cách thức nộp đơn.

Trường hợp Đơn La Hay bị dự định từ chối do không đáp ứng yêu cầu về tính thống nhất của đơn theo quy định tại Điều 101 của Luật Sở hữu trí tuệ, người nộp đơn có thể khắc phục thiếu sót nêu trên bằng cách yêu cầu tách một hoặc một số kiểu dáng công nghiệp trong đăng ký quốc tế nêu trên thành một hoặc nhiều đơn mới. Cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thực hiện việc tách đơn và ra các quyết định và thông báo của đơn mới một cách độc lập với đơn ban đầu.

6. Trường hợp người nộp đơn sửa chữa thiếu sót đạt yêu cầu và/hoặc có ý kiến phản đối xác đáng trong thời hạn 03 tháng quy định tại khoản 5 Điều này, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thực hiện các thủ tục sau đây:

a) Ra quyết định chấp nhận bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đăng ký quốc tế đối với các kiểu dáng công nghiệp đáp ứng điều kiện bảo hộ, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp (Phần Kiểu dáng công nghiệp đăng ký quốc tế) và gửi cho Văn phòng quốc tế tuyên bố chấp nhận bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đăng ký quốc tế sau từ chối theo mẫu của Văn phòng quốc tế, trong đó chỉ rõ kiểu dáng công nghiệp được chấp nhận bảo hộ;

b) Công bố quyết định trên Công báo Sở hữu công nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra quyết định.

7. Trường hợp kết thúc thời hạn 03 tháng nêu tại khoản 5 Điều này mà người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc có ý kiến phản đối nhưng không xác đáng đối với các kiểu dáng công nghiệp bị thông báo từ chối, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định từ chối bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đăng ký quốc tế đối với các kiểu dáng công nghiệp đó.

8. Trường hợp kết thúc thời hạn 03 tháng kể từ ngày Văn phòng quốc tế thông báo về Đơn La Hay có chỉ định Việt Nam mà người nộp đơn không nộp tài liệu chứng minh quyền ưu tiên hoặc có nộp tài liệu chứng minh quyền ưu tiên nhưng không được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp chấp thuận thì đơn được coi là không có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.

9. Thủ tục khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với các quyết định nêu tại các khoản 2, 3, 4, 6 và 7 Điều này được thực hiện như đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được nộp theo thể thức quốc gia. Trường hợp sau khi có kết quả giải quyết khiếu nại mà một số hoặc tất cả kiểu dáng công nghiệp bị từ chối trong các quyết định từ chối được chấp nhận bảo hộ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp gửi cho Văn phòng quốc tế tuyên bố chấp nhận bảo hộ sau từ chối theo mẫu của Văn phòng quốc tế, trong đó chỉ rõ kiểu dáng công nghiệp được chấp nhận bảo hộ.

10. Trường hợp người thứ ba có ý kiến đối với Đơn La Hay có chỉ định Việt Nam trước ngày ra quyết định chấp nhận bảo hộ, ý kiến của người thứ ba được coi là một nguồn thông tin tham khảo cho quá trình xử lý Đơn La Hay có chỉ định Việt Nam.

Mục 4. ĐƠN VÀ XỬ LÝ ĐƠN MADRID

Điều 25. Đơn Madrid

1. Đơn Madrid bao gồm Đơn Madrid có nguồn gốc Việt Nam và Đơn Madrid có chỉ định Việt Nam.

2. Đối với Đơn Madrid có nguồn gốc Việt Nam, người nộp đơn phải nộp thông qua cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.

3. Đơn Madrid có nguồn gốc Việt Nam bao gồm các tài liệu sau đây:

a) Tờ khai yêu cầu đăng ký quốc tế nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam theo Mẫu số 01 bằng tiếng Việt tại Phụ lục II của Nghị định này;

b) 02 tờ khai MM2 theo mẫu của Văn phòng quốc tế bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp;

c) 02 mẫu nhãn hiệu đúng như nhãn hiệu trong đơn đăng ký đã được nộp tại Việt Nam (đơn cơ sở) hoặc giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (đăng ký cơ sở);

d) 02 tờ khai MM18 bằng tiếng Anh (nếu đơn có chỉ định Hoa Kỳ);

đ) Văn bản ủy quyền bằng tiếng Việt (trường hợp đơn được nộp thông qua đại diện);

e) Chứng từ nộp phí thực hiện thủ tục đăng ký quốc tế nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam;

g) Các tài liệu khác có liên quan (nếu cần).

4. Đơn Madrid có nguồn gốc Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu về hình thức và nội dung theo quy định. Người nộp đơn phải điền đầy đủ, chính xác, đúng quy định các thông tin trong tờ khai, thống nhất với các thông tin ghi trong đơn cơ sở hoặc đăng ký cơ sở.

Điều 26. Xử lý Đơn Madrid có nguồn gốc Việt Nam và các yêu cầu liên quan

1. Sau khi tiếp nhận Đơn Madrid có nguồn gốc Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp có trách nhiệm thẩm định để xác định đơn có đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại khoản 3 và 4 Điều 25 Nghị định này hay không và thực hiện các thủ tục sau đây:

a) Trường hợp đơn có thiếu sót, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thông báo để người nộp đơn sửa chữa thiếu sót. Trường hợp người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra thông báo, đơn coi như bị rút bỏ;

b) Trường hợp đơn không có thiếu sót hoặc có thiếu sót nhưng người nộp đơn đã sửa chữa thiếu sót đạt yêu cầu, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra thông báo các khoản phí, lệ phí người nộp đơn cần phải nộp trực tiếp cho Văn phòng quốc tế, ký xác nhận đơn và chuyển đơn cho Văn phòng quốc tế trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra thông báo về phí, lệ phí;

c) Ngày cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp nhận được Đơn Madrid có nguồn gốc Việt Nam sẽ được coi là ngày đăng ký quốc tế của đơn đó trong trường hợp Văn phòng quốc tế nhận được đơn trong vòng 02 tháng kể từ ngày ghi trên dấu nhận đơn của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp. Trường hợp đơn không được hoàn thiện để gửi đến Văn phòng quốc tế trong thời hạn nói trên thì ngày nhận được đơn tại Văn phòng quốc tế sẽ được coi là ngày đăng ký quốc tế.

2. Sau khi Đơn Madrid có nguồn gốc Việt Nam được nộp cho Văn phòng quốc tế, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thông báo để người nộp đơn biết và tiếp tục xử lý (phối hợp với người nộp đơn nếu cần thiết) các thông báo, yêu cầu từ Văn phòng quốc tế hoặc các việc khác liên quan đến đơn (nếu có).

3. Các yêu cầu thực hiện sau khi Đơn Madrid có nguồn gốc Việt Nam được cấp số đăng ký quốc tế như chỉ định sau (mở rộng lãnh thổ bảo hộ), sửa đổi tên, địa chỉ chủ sở hữu đăng ký quốc tế, giới hạn danh mục hàng hóa, dịch vụ, gia hạn hiệu lực đăng ký quốc tế, chỉ định đại diện, thay đổi đại diện, ghi nhận chuyển nhượng đăng ký quốc tế v.v… có thể thực hiện trực tiếp với Văn phòng quốc tế hoặc thông qua cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp. Trường hợp nộp thông qua cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp, người nộp đơn cần nộp các tài liệu sau đây:

a) Tờ khai yêu cầu theo Mẫu số 02 bằng tiếng Việt tại Phụ lục II của Nghị định này;

b) 02 tờ khai tương ứng theo mẫu của Văn phòng quốc tế;

c) Văn bản ủy quyền bằng tiếng Việt (trường hợp yêu cầu được nộp thông qua đại diện);

d) Chứng từ nộp phí thẩm định sửa đổi, chuyển nhượng, gia hạn, mở rộng lãnh thổ, giới hạn danh mục hàng hóa, dịch vụ, chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu đăng ký quốc tế có nguồn gốc Việt Nam v.v…;

đ) Các tài liệu khác có liên quan (nếu cần).

4. Sau khi tiếp nhận các yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều này, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thực hiện các thủ tục sau:

a) Trường hợp hồ sơ yêu cầu có thiếu sót, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thông báo để người nộp đơn sửa chữa thiếu sót. Trường hợp người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra thông báo, yêu cầu coi như bị rút bỏ.

b) Trường hợp hồ sơ yêu cầu không có thiếu sót hoặc có thiếu sót nhưng người nộp đơn đã sửa chữa thiếu sót đạt yêu cầu, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra thông báo các khoản phí để người nộp đơn nộp trực tiếp cho Văn phòng quốc tế, ký xác nhận yêu cầu và chuyển yêu cầu cho Văn phòng quốc tế trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra thông báo về phí.

5. Trường hợp yêu cầu gia hạn đăng ký quốc tế nộp thông qua cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp, người nộp đơn cần nộp không sớm hơn 06 tháng và không muộn hơn 01 tháng tính đến ngày đăng ký quốc tế đó hết hạn. Nếu yêu cầu gia hạn hiệu lực đăng ký quốc tế trong thời gian ân hạn thì hồ sơ yêu cầu cần được nộp cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp không muộn hơn 01 tháng tính đến ngày hết thời gian ân hạn.

Điều 27. Xử lý Đơn Madrid có chỉ định Việt Nam

1. Sau khi nhận được thông báo của Văn phòng quốc tế về Đơn Madrid có chỉ định Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp tiến hành thẩm định nội dung đơn như đối với đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo thể thức quốc gia, trừ trường hợp quy định tại các khoản 3 và 10 Điều này. Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Văn phòng quốc tế ra thông báo, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp kết luận về khả năng bảo hộ của nhãn hiệu.

2. Đối với nhãn hiệu đáp ứng các điều kiện bảo hộ theo quy định của pháp luật Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thực hiện các thủ tục sau đây:

a) Trước khi kết thúc thời hạn 12 tháng nêu tại khoản 1 Điều này, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu đăng ký quốc tế tại Việt Nam, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp (Phần Nhãn hiệu đăng ký quốc tế) và gửi cho Văn phòng quốc tế tuyên bố bảo hộ;

b) Công bố quyết định trên Công báo Sở hữu công nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra quyết định.

Phạm vi (khối lượng) bảo hộ được xác định theo nội dung yêu cầu trong đăng ký quốc tế nhãn hiệu đã được Văn phòng quốc tế ghi nhận và được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp chấp nhận.

3. Đối với nhãn hiệu có một phần hoặc toàn bộ hàng hóa, dịch vụ không đáp ứng điều kiện bảo hộ hoặc nhãn hiệu đáp ứng điều kiện bảo hộ nhưng đăng ký quốc tế còn có thiếu sót (thiếu quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, thiếu ảnh chụp hoặc hình vẽ thể hiện hình phối cảnh nhãn hiệu ba chiều v.v...), thì trước khi kết thúc thời hạn 12 tháng nêu tại khoản 1 Điều này, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra thông báo tạm thời từ chối, trong đó nêu rõ nội dung và lý do dự định từ chối và gửi thông báo đó cho Văn phòng quốc tế.

4. Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp gửi thông báo tạm thời từ chối đối với một phần hoặc toàn bộ hàng hóa, dịch vụ, người nộp đơn có quyền sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối dự định từ chối của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.

Việc sửa chữa thiếu sót hoặc phản đối dự định từ chối được thực hiện theo thủ tục như đối với đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo thể thức quốc gia, kể cả quy định về cách thức nộp đơn.

5. Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp dự định từ chối một phần hoặc toàn bộ danh mục hàng hóa, dịch vụ (nêu trong thông báo tạm thời từ chối), nếu trong thời hạn 03 tháng nêu tại khoản 4 Điều này, người nộp đơn sửa chữa thiếu sót đạt yêu cầu và/hoặc có ý kiến phản đối xác đáng đối với dự định từ chối một phần hoặc toàn bộ hàng hóa, dịch vụ đó thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thực hiện các thủ tục sau đây:

a) Ra quyết định chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu đăng ký quốc tế tại Việt Nam với phạm vi (khối lượng) bảo hộ tương ứng với hàng hóa, dịch vụ đáp ứng điều kiện bảo hộ; ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp (Phần Nhãn hiệu đăng ký quốc tế); và gửi cho Văn phòng quốc tế tuyên bố bảo hộ sau thông báo tạm thời từ chối;

b) Công bố quyết định trên Công báo Sở hữu công nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra quyết định.

6. Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp dự định từ chối một phần danh mục hàng hóa, dịch vụ (nêu trong thông báo tạm thời từ chối), nếu kết thúc thời hạn 03 tháng nêu tại khoản 4 Điều này mà người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc có ý kiến phản đối nhưng không xác đáng đối với dự định từ chối đó thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp áp dụng tương tự các thủ tục quy định tại khoản 5 Điều này chỉ riêng đối với hàng hóa, dịch vụ đáp ứng điều kiện bảo hộ (hàng hóa, dịch vụ không nêu trong thông báo tạm thời từ chối).

7. Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp dự định từ chối toàn bộ danh mục hàng hóa, dịch vụ (nêu trong thông báo tạm thời từ chối), nếu kết thúc thời hạn 03 tháng nêu tại khoản 4 Điều này mà người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc có ý kiến phản đối nhưng không xác đáng đối với dự định từ chối toàn bộ danh mục hàng hóa, dịch vụ đó thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định từ chối chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu đăng ký quốc tế tại Việt Nam và gửi cho Văn phòng quốc tế thông báo khẳng định từ chối toàn bộ.

8. Thủ tục khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với các quyết định nêu tại điểm a khoản 2, các khoản 5, 6 và 7 Điều này được thực hiện như đối với đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo thể thức quốc gia nếu có cơ sở cho rằng quyết định này được ban hành không phù hợp với các quy định pháp luật về nội dung và trình tự ban hành. Kết quả giải quyết khiếu nại được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thông báo cho người nộp đơn. Trường hợp sau khi có kết quả giải quyết khiếu nại mà một phần hoặc toàn bộ danh mục hàng hóa, dịch vụ bị từ chối trong các quyết định từ chối được chấp nhận bảo hộ hoặc có thay đổi về yếu tố loại trừ (không được bảo hộ riêng), cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp gửi cho Văn phòng quốc tế quyết định tiếp theo ảnh hưởng đến việc bảo hộ nhãn hiệu theo mẫu của Văn phòng quốc tế về các nội dung tương ứng.

9. Kể từ ngày đăng ký quốc tế nhãn hiệu được chấp nhận bảo hộ tại Việt Nam, theo yêu cầu của chủ sở hữu nhãn hiệu, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp cấp giấy xác nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam với điều kiện người yêu cầu nộp phí, lệ phí theo quy định.

10. Kể từ ngày Đơn Madrid được Văn phòng quốc tế công bố trên Công báo đến trước ngày ra quyết định chấp nhận bảo hộ, hoặc kết thúc 12 tháng kể từ ngày Văn phòng quốc tế thông báo về đơn có chỉ định Việt Nam, tùy thuộc thời điểm nào sớm hơn, nếu người thứ ba có ý kiến đối với Đơn Madrid có chỉ định Việt Nam thì ý kiến này được coi là nguồn thông tin tham khảo trong quá trình xử lý đơn.

Điều 28. Chuyển đổi đăng ký quốc tế nhãn hiệu thành đơn nộp theo thể thức quốc gia

1. Trường hợp đăng ký quốc tế nhãn hiệu tại Việt Nam của chủ sở hữu nhãn hiệu là cá nhân, tổ chức thuộc thành viên của Nghị định thư Madrid bị mất hiệu lực theo quy định tại Điều 6 của Nghị định thư Madrid, người đó có quyền nộp đơn chuyển đổi cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp để đăng ký bảo hộ cho chính nhãn hiệu đó đối với một phần hoặc toàn bộ hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ đã được ghi nhận trong đăng ký quốc tế nhãn hiệu nhưng bị mất hiệu lực theo quy định tại Điều 9quinquies của Nghị định thư Madrid. Đơn đăng ký nhãn hiệu chuyển đổi được chấp nhận hợp lệ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Đơn được nộp trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày ghi nhận vào Sổ đăng bạ quốc tế về việc đăng ký quốc tế tương ứng bị mất hiệu lực;

b) Đăng ký quốc tế chưa từng là đối tượng của việc từ chối, chấm dứt hoặc hủy bỏ toàn bộ tại Việt Nam;

c) Đơn được làm theo Mẫu số 03 tại Phụ lục II của Nghị định này (trong đó danh mục hàng hóa, dịch vụ bằng tiếng Việt trong đơn chuyển đổi phải nhỏ hơn hoặc bằng với danh mục hàng hóa, dịch vụ bị mất hiệu lực trong đăng ký quốc tế tương ứng);

d) Đơn đáp ứng tất cả các yêu cầu khác về hình thức đối với đơn đăng ký nhãn hiệu theo quy định của pháp luật Việt Nam;

đ) Người nộp đơn nộp đầy đủ các khoản phí, lệ phí theo quy định như đối với đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo thể thức quốc gia, trừ trường hợp được quy định tại điểm b khoản 2 của Điều này.

Đơn đăng ký nhãn hiệu chuyển đổi được ghi nhận ngày nộp đơn là ngày đăng ký quốc tế hoặc ngày chỉ định sau (trong trường hợp chỉ định sau vào Việt Nam). Trường hợp đăng ký quốc tế được hưởng quyền ưu tiên theo điều ước quốc tế, đơn đăng ký nhãn hiệu chuyển đổi được ghi nhận quyền ưu tiên tương ứng, trừ trường hợp có căn cứ để bác bỏ.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu chuyển đổi theo quy định về điều kiện chuyển đổi nêu tại khoản 1 Điều này và theo nguyên tắc như sau:

a) Đối với những yếu tố về hình thức đã được Văn phòng quốc tế chấp nhận trong đăng ký quốc tế tương ứng, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp không thẩm định lại, trừ trường hợp đơn có thiếu sót (thiếu quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, thiếu ảnh chụp hoặc hình vẽ thể hiện hình phối cảnh nhãn hiệu ba chiều v.v...). Cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định từ chối chấp nhận đơn trong trường hợp đơn không đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này.

b) Đối với đơn đăng ký nhãn hiệu chuyển đổi từ đăng ký quốc tế đã được chấp nhận bảo hộ tại Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp không tiến hành thẩm định lại nội dung. Trường hợp đơn đáp ứng các điều kiện chuyển đổi quy định tại khoản 1 Điều này thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thực hiện các thủ tục thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ, quyết định cấp văn bằng bảo hộ, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp, công bố quyết định trên Công báo Sở hữu công nghiệp như đối với đơn nộp theo thể thức quốc gia.

c) Đối với đơn đăng ký nhãn hiệu chuyển đổi hợp lệ không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thực hiện các thủ tục chấp nhận đơn hợp lệ, công bố đơn, thẩm định nội dung và các thủ tục tiếp theo như đối với đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo thể thức quốc gia.

Mục 5. VĂN BẰNG BẢO HỘ

Điều 29. Sửa đổi thông tin trên văn bằng bảo hộ, thay đổi thông tin trong Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp

1. Văn bằng bảo hộ ghi nhận các thông tin theo quy định tại khoản 1 Điều 92 của Luật Sở hữu trí tuệ và theo mẫu được quy định tại Phụ lục II Nghị định này. Văn bằng bảo hộ được cấp dưới dạng bản điện tử và bản giấy (trong trường hợp người nộp đơn đề nghị cấp bản giấy). Chủ văn bằng bảo hộ, tổ chức, cá nhân được Nhà nước cho phép thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ghi nhận các thay đổi thông tin trên văn bằng bảo hộ trong các trường hợp sau đây:

a) Thay đổi về tên, địa chỉ của chủ văn bằng bảo hộ; tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý; tên, quốc tịch của tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí;

b) Thay đổi chủ văn bằng bảo hộ (chuyển dịch quyền sở hữu do thừa kế, kế thừa, sáp nhập, chia, tách, hợp nhất, liên doanh, liên kết, thành lập pháp nhân mới của cùng chủ sở hữu, chuyển đổi hình thức kinh doanh hoặc theo quyết định của Tòa án hoặc của cơ quan có thẩm quyền khác);

c) Sửa đổi bản mô tả tính chất đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý, quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.

Người yêu cầu ghi nhận thay đổi thông tin trên văn bằng bảo hộ phải nộp phí thẩm định yêu cầu sửa đổi văn bằng bảo hộ, phí đăng bạ và phí công bố quyết định ghi nhận sửa đổi văn bằng bảo hộ.

2. Chủ văn bằng bảo hộ, tổ chức, cá nhân được Nhà nước cho phép thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ghi nhận thay đổi về tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp của chủ văn bằng bảo hộ trong Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp. Người yêu cầu ghi nhận thay đổi tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp phải nộp văn bản ủy quyền của chủ văn bằng bảo hộ và phí thẩm định yêu cầu ghi nhận, phí đăng bạ và phí công bố quyết định ghi nhận thay đổi thông tin đại diện sở hữu công nghiệp theo quy định.

3. Chủ văn bằng bảo hộ có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thu hẹp phạm vi bảo hộ theo quy định tại khoản 3 Điều 97 của Luật Sở hữu trí tuệ trong các trường hợp sau đây:

a) Yêu cầu giảm bớt một hoặc một số hàng hóa, dịch vụ hoặc nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hoặc loại bỏ các chi tiết nhỏ là yếu tố bị loại trừ (không bảo hộ riêng) nhưng không làm thay đổi khả năng phân biệt của nhãn hiệu ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu;

b) Yêu cầu giảm bớt một hoặc một số điểm độc lập hoặc phụ thuộc thuộc phạm vi (yêu cầu) bảo hộ ghi trong Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích;

c) Yêu cầu loại bỏ một hoặc một số phương án kiểu dáng công nghiệp, một hoặc một số sản phẩm trong bộ sản phẩm trong Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp.

Người yêu cầu thu hẹp phạm vi bảo hộ phải nộp phí thẩm định yêu cầu thu hẹp phạm vi bảo hộ, phí đăng bạ và phí công bố quyết định sửa đổi văn bằng bảo hộ.

4. Tùy theo nội dung cần sửa đổi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 của Điều này, hồ sơ yêu cầu sửa đổi bao gồm 01 bộ tài liệu sau đây:

a) Tờ khai yêu cầu sửa đổi làm theo Mẫu số 06 tại Phụ lục II của Nghị định này, trong đó nêu rõ yêu cầu ghi nhận thay đổi. Một tờ khai yêu cầu sửa đổi có thể yêu cầu sửa đổi nhiều văn bằng bảo hộ nếu có cùng nội dung sửa đổi, với điều kiện người yêu cầu phải nộp phí theo quy định đối với từng văn bằng bảo hộ;

b) Bản gốc văn bằng bảo hộ trong trường hợp văn bằng bảo hộ được cấp dưới dạng giấy;

c) Tài liệu xác nhận việc thay đổi tên, địa chỉ (bản gốc hoặc bản sao có chứng thực); quyết định đổi tên, địa chỉ; giấy phép đăng ký kinh doanh có ghi nhận việc thay đổi tên, địa chỉ; các tài liệu pháp lý khác chứng minh việc thay đổi tên, địa chỉ (bản gốc hoặc bản sao có chứng thực) nếu nội dung yêu cầu sửa đổi là tên, địa chỉ;

d) Tài liệu chứng minh việc chuyển dịch quyền sở hữu theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này (tài liệu chứng minh việc thừa kế, kế thừa, sáp nhập, chia, tách, hợp nhất, liên doanh, liên kết, thành lập pháp nhân mới của cùng chủ sở hữu, chuyển đổi hình thức kinh doanh hoặc theo quyết định của Tòa án hoặc của cơ quan có thẩm quyền khác), nếu yêu cầu thay đổi chủ văn bằng bảo hộ;

đ) Tài liệu thuyết minh chi tiết nội dung sửa đổi;

e) 05 bộ ảnh chụp hoặc bản vẽ kiểu dáng công nghiệp đã sửa đổi (nếu yêu cầu sửa đổi kiểu dáng công nghiệp); 02 bản mô tả tính chất đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, bản đồ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý đã sửa đổi (nếu yêu cầu sửa đổi chỉ dẫn địa lý); 02 bản quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, 02 bản quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận đã sửa đổi (nếu yêu cầu sửa đổi nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận); 05 mẫu nhãn hiệu (nếu yêu cầu sửa đổi mẫu nhãn hiệu theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều này);

g) Văn bản ủy quyền (trường hợp yêu cầu được nộp thông qua đại diện);

h) Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp).

5. Yêu cầu sửa đổi văn bằng bảo hộ, ghi nhận thay đổi tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp trong Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp được xử lý như sau:

a) Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày nhận yêu cầu, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp phải xem xét yêu cầu sửa đổi văn bằng bảo hộ theo quy định tại các điểm a và b khoản 1 Điều này. Nếu xét thấy yêu cầu hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định sửa đổi văn bằng bảo hộ, ghi nhận vào văn bằng bảo hộ, đăng bạ và công bố quyết định sửa đổi văn bằng bảo hộ trên Công báo Sở hữu công nghiệp trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ra quyết định. Trường hợp yêu cầu sửa đổi văn bằng bảo hộ có thiếu sót hoặc không hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra thông báo dự định từ chối yêu cầu sửa đổi, có nêu rõ lý do và ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra thông báo để người yêu cầu sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối. Nếu kết thúc thời hạn đã ấn định mà người yêu cầu không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc có ý kiến phản đối nhưng không xác đáng, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định từ chối yêu cầu sửa đổi văn bằng bảo hộ;

b) Đối với các yêu cầu sửa đổi văn bằng bảo hộ theo quy định tại điểm c khoản 1 và khoản 3 Điều này, thủ tục thẩm định lại đơn tương ứng được tiến hành theo quy định tại Điều 114 của Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định pháp luật khác có liên quan. Thời hạn thẩm định lại không tính vào thời hạn xử lý yêu cầu sửa đổi văn bằng bảo hộ;

c) Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày nhận yêu cầu, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp xem xét yêu cầu ghi nhận thay đổi tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp trong Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều này. Nếu xét thấy hồ sơ yêu cầu hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định ghi nhận thay đổi tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp trong Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp, đăng bạ và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ra quyết định. Trường hợp yêu cầu ghi nhận thay đổi tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp có thiếu sót hoặc không hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra thông báo dự định từ chối yêu cầu ghi nhận, có nêu rõ lý do và ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra thông báo để người yêu cầu sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối. Nếu kết thúc thời hạn đã ấn định mà người yêu cầu không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc có ý kiến phản đối nhưng không xác đáng, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định từ chối ghi nhận thay đổi tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp.

6. Trường hợp phát hiện có thiếu sót trong văn bằng bảo hộ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp tự mình hoặc theo yêu cầu của người phát hiện ra thiếu sót tiến hành thu hồi văn bằng bảo hộ có thiếu sót và cấp lại văn bằng bảo hộ với thông tin đã được sửa đổi. Chủ văn bằng bảo hộ phải nộp phí thẩm định yêu cầu sửa đổi văn bằng bảo hộ theo quy định tại khoản 1 Điều 97 của Luật Sở hữu trí tuệ và phí công bố thông tin sửa đổi đối với trường hợp văn bằng bảo hộ có thiếu sót đã được công bố nếu thiếu sót đó do lỗi của chủ văn bằng bảo hộ. Nếu thiếu sót đó do lỗi của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thì chủ văn bằng bảo hộ không phải nộp khoản phí đó.

7. Cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp cấp phó bản văn bằng bảo hộ và cấp lại văn bằng bảo hộ/phó bản văn bằng bảo hộ trong các trường hợp sau đây:

a) Trường hợp quyền sở hữu công nghiệp thuộc sở hữu chung, văn bằng bảo hộ sẽ chỉ được cấp cho người đầu tiên trong danh sách những người nộp đơn chung. Các đồng chủ sở hữu khác có thể yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp cấp phó bản văn bằng bảo hộ, với điều kiện phải nộp phí cấp phó bản;

b) Trường hợp văn bằng bảo hộ/phó bản văn bằng bảo hộ bị mất hoặc bị hỏng, rách, bẩn, phai mờ đến mức không sử dụng được, bị tháo rời không giữ được dấu niêm phong, chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp đã được cấp văn bằng bảo hộ/phó bản văn bằng bảo hộ có thể yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp cấp lại văn bằng bảo hộ/phó bản văn bằng bảo hộ, với điều kiện phải nộp phí tương ứng;

c) Yêu cầu cấp phó bản văn bằng bảo hộ, cấp lại văn bằng bảo hộ/phó bản văn bằng bảo hộ phải được lập thành văn bản, trừ trường hợp đã được thể hiện trong tờ khai đăng ký đối tượng sở hữu công nghiệp. Hồ sơ yêu cầu bao gồm 01 bộ tài liệu sau đây:

c1) Tờ khai yêu cầu cấp phó bản văn bằng bảo hộ, cấp lại văn bằng bảo hộ/phó bản văn bằng bảo hộ được làm theo Mẫu số 09 tại Phụ lục II của Nghị định này;

c2) 02 mẫu nhãn hiệu, 02 bộ ảnh chụp hoặc 02 bộ bản vẽ kiểu dáng công nghiệp trùng với mẫu nhãn hiệu, bộ ảnh chụp hoặc bản vẽ kiểu dáng công nghiệp trong văn bằng bảo hộ gốc;

c3) Văn bản ủy quyền (trường hợp yêu cầu được nộp thông qua đại diện);

c4) Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp);

d) Xử lý yêu cầu cấp phó bản văn bằng bảo hộ, cấp lại văn bằng bảo hộ/phó bản văn bằng bảo hộ:

d1) Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận yêu cầu, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp phải xem xét yêu cầu cấp phó bản văn bằng bảo hộ, cấp lại văn bằng bảo hộ/phó bản văn bằng bảo hộ. Trường hợp yêu cầu cấp phó bản văn bằng bảo hộ, cấp lại văn bằng bảo hộ/phó bản văn bằng bảo hộ đáp ứng các quy định tại điểm a, b và c khoản này, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định cấp phó bản văn bằng bảo hộ, quyết định cấp lại văn bằng bảo hộ/phó bản văn bằng bảo hộ và ghi nhận vào mục đăng bạ của văn bằng bảo hộ tương ứng trong Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp;

d2) Nội dung phó bản văn bằng bảo hộ thể hiện đầy đủ các thông tin của văn bằng bảo hộ tương ứng và phải kèm theo chỉ dẫn “Phó bản”. Nội dung bản cấp lại của văn bằng bảo hộ/phó bản văn bằng bảo hộ thể hiện đầy đủ các thông tin của văn bằng bảo hộ/phó bản văn bằng bảo hộ cấp lần đầu và phải kèm theo chỉ dẫn “Bản cấp lại”. Cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp công bố việc cấp lại văn bằng bảo hộ/phó bản văn bằng bảo hộ trên Công báo Sở hữu công nghiệp trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ra quyết định;

d3) Trường hợp yêu cầu cấp phó bản văn bằng bảo hộ, cấp lại văn bằng bảo hộ/phó bản văn bằng bảo hộ không đáp ứng quy định tại điểm c khoản này, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra thông báo và ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra thông báo để người yêu cầu sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối. Nếu kết thúc thời hạn nêu trên, người yêu cầu không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc có ý kiến phản đối nhưng không xác đáng, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định từ chối cấp phó bản văn bằng bảo hộ, quyết định từ chối cấp lại văn bằng bảo hộ/phó bản văn bằng bảo hộ, có nêu rõ lý do.

8. Thủ tục cấp phó bản/cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp được áp dụng tương tự như thủ tục nêu tại khoản 7 Điều này.

Điều 30. Duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ sáng chế/giải pháp hữu ích

1. Hồ sơ yêu cầu duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ sáng chế/giải pháp hữu ích bao gồm các tài liệu sau đây:

a) Tờ khai theo Mẫu số 07 tại Phụ lục II của Nghị định này;

b) Văn bản ủy quyền (trường hợp yêu cầu được nộp thông qua đại diện);

c) Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp).

2. Yêu cầu duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ và phí thẩm định yêu cầu duy trì hiệu lực, lệ phí duy trì hiệu lực và phí sử dụng văn bằng bảo hộ, phí đăng bạ và phí công bố phải được nộp cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp muộn nhất là 06 tháng trước ngày kết thúc kỳ hạn hiệu lực. Yêu cầu này có thể được nộp sau thời hạn quy định trên đây, nhưng không được quá 06 tháng kể từ ngày kết thúc kỳ hạn hiệu lực trước và chủ văn bằng bảo hộ phải nộp lệ phí cho mỗi tháng bị muộn theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.

3. Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ yêu cầu duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ và các khoản phí, lệ phí quy định tại khoản 1 và 2 Điều này, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp xem xét hồ sơ yêu cầu và thực hiện các thủ tục sau đây:

a) Trường hợp hồ sơ yêu cầu hợp lệ, ra thông báo về việc duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ra thông báo;

b) Trường hợp hồ sơ có thiếu sót hoặc không hợp lệ, ra thông báo dự định từ chối duy trì, có nêu rõ lý do và ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra thông báo để người yêu cầu sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối. Nếu kết thúc thời hạn đã ấn định mà người yêu cầu không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc có ý kiến phản đối nhưng không xác đáng, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định từ chối duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ.

Điều 31. Gia hạn hiệu lực Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

1. Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp được gia hạn nhiều nhất 02 lần liên tiếp, mỗi lần 05 năm. Trường hợp kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ có nhiều phương án thì Bằng độc quyền có thể được gia hạn đối với tất cả hoặc một số phương án, trong đó phải có phương án cơ bản. Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có thể được gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần 10 năm đối với toàn bộ hoặc một phần danh mục hàng hóa, dịch vụ.

2. Hồ sơ yêu cầu gia hạn hiệu lực Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bao gồm các tài liệu sau đây:

a) Tờ khai yêu cầu gia hạn hiệu lực làm theo Mẫu số 07 tại Phụ lục II của Nghị định này;

b) Bản gốc Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (trường hợp văn bằng bảo hộ được cấp dưới dạng giấy và có yêu cầu ghi nhận việc gia hạn vào văn bằng bảo hộ);

c) Văn bản ủy quyền (trường hợp yêu cầu được nộp thông qua đại diện);

d) Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp).

Trong một hồ sơ có thể yêu cầu gia hạn hiệu lực cho một hoặc nhiều văn bằng bảo hộ nếu có cùng loại đối tượng và cùng chủ sở hữu.

3. Hồ sơ yêu cầu gia hạn và phí thẩm định yêu cầu gia hạn, lệ phí gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ, phí sử dụng văn bằng bảo hộ, phí đăng bạ và phí công bố quyết định gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ phải được chủ Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu nộp cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp trong vòng 06 tháng tính đến ngày Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hết hiệu lực. Yêu cầu gia hạn có thể nộp sau thời hạn quy định nêu trên nhưng không được quá 06 tháng kể từ ngày văn bằng bảo hộ hết hiệu lực và chủ văn bằng bảo hộ phải nộp lệ phí cho mỗi tháng bị muộn theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.

4. Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ yêu cầu gia hạn, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp xem xét hồ sơ và thực hiện các thủ tục sau đây:

a) Trường hợp hồ sơ hợp lệ, ra quyết định gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ, ghi nhận vào văn bằng bảo hộ (nếu có yêu cầu), đăng bạ và công bố quyết định gia hạn hiệu lực Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu trên Công báo Sở hữu công nghiệp trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ra quyết định;

b) Ra thông báo dự định từ chối gia hạn, có nêu rõ lý do và ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra thông báo để người yêu cầu sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

b1) Hồ sơ yêu cầu gia hạn không hợp lệ hoặc được nộp không đúng thủ tục quy định;

b2) Người yêu cầu gia hạn không phải là chủ Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tương ứng.

Nếu kết thúc thời hạn đã ấn định mà người yêu cầu không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc có ý kiến phản đối nhưng không xác đáng thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định từ chối gia hạn hiệu lực Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

c) Sau khi thủ tục gia hạn đã hoàn tất, trường hợp chủ Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ghi nhận quyết định gia hạn hiệu lực vào văn bằng bảo hộ, chủ văn bằng bảo hộ phải thực hiện thủ tục sửa đổi văn bằng bảo hộ và nộp phí, lệ phí theo quy định.

Điều 32. Chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ

1. Tổ chức, cá nhân yêu cầu chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ theo quy định tại khoản 4 Điều 95, khoản 4 Điều 96 của Luật Sở hữu trí tuệ phải nộp lệ phí yêu cầu, phí thẩm định yêu cầu chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ, phí đăng bạ và phí công bố quyết định chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ.

2. Đơn yêu cầu chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ phải phù hợp với quy định sau đây:

a) Trong một đơn có thể yêu cầu chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực một hoặc nhiều văn bằng bảo hộ nếu có cùng một lý lẽ, với điều kiện người yêu cầu phải nộp phí, lệ phí theo quy định đối với từng văn bằng bảo hộ;

b) Đơn yêu cầu chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ gồm 01 bộ tài liệu sau đây:

b1) Tờ khai yêu cầu chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ theo Mẫu số 08 tại Phụ lục II của Nghị định này;

b2) Chứng cứ (nếu có);

b3) Văn bản ủy quyền (trường hợp yêu cầu được nộp thông qua đại diện);

b4) Bản giải trình lý do yêu cầu (nêu rõ số văn bằng, lý do, căn cứ pháp luật, nội dung đề nghị chấm dứt, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ hiệu lực văn bằng bảo hộ) và các tài liệu liên quan;

b5) Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp).

3. Đơn yêu cầu chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ được xử lý như sau:

a) Đơn yêu cầu chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ được xử lý theo quy định tại Điều 95, Điều 96, khoản 3 Điều 220 của Luật Sở hữu trí tuệ và theo quy định tại Điều này. Đối với yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp tiến hành thẩm định lại nội dung đơn tương ứng theo quy định tại Điều 114 của Luật Sở hữu trí tuệ và quy định pháp luật có liên quan;

b) Trường hợp người thứ ba yêu cầu chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ, trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thông báo bằng văn bản về ý kiến của người thứ ba cho chủ văn bằng bảo hộ trong đó ấn định thời hạn là 02 tháng kể từ ngày ra thông báo để chủ văn bằng bảo hộ có ý kiến. Cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp có thể tổ chức trao đổi ý kiến trực tiếp giữa người thứ ba và chủ văn bằng bảo hộ liên quan;

c) Trên cơ sở xem xét ý kiến của các bên, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định chấm dứt/hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ hiệu lực văn bằng bảo hộ hoặc thông báo từ chối chấm dứt/hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ hiệu lực văn bằng bảo hộ theo quy định tại khoản 5 Điều 95 và khoản 5 Điều 96 của Luật Sở hữu trí tuệ;

Thời hạn ra quyết định và thông báo nêu tại điểm này là 03 tháng kể từ ngày kết thúc thời hạn 02 tháng nêu tại điểm b khoản này hoặc kết thúc thời hạn 03 tháng quy định tại điểm a khoản 4, điểm a khoản 5 Điều này mà chủ văn bằng bảo hộ không có ý kiến hoặc kể từ ngày nhận được ý kiến của chủ văn bằng bảo hộ. Thời hạn này có thể kéo dài thêm tối đa 03 tháng nếu chủ văn bằng bảo hộ có ý kiến khác với người yêu cầu chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ.

Trong trường hợp chủ văn bằng bảo hộ tuyên bố từ bỏ quyền sở hữu công nghiệp theo quy định tại khoản 3 Điều 95 của Luật Sở hữu trí tuệ, thời hạn nêu trên là 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu.

Thời gian thực hiện các thủ tục liên quan khác cần thiết để giải quyết yêu cầu chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ không tính vào thời hạn nêu trên.

d) Nếu không đồng ý với nội dung quyết định, thông báo xử lý yêu cầu chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp nêu tại điểm c khoản này, người yêu cầu hoặc tổ chức, cá nhân quy định tại điểm b khoản này có quyền khiếu nại quyết định hoặc thông báo đó theo quy định của pháp luật về khiếu nại liên quan đến các thủ tục về sở hữu công nghiệp;

đ) Quyết định chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ được ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ra quyết định.

4. Đơn yêu cầu chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực đăng ký quốc tế nhãn hiệu được xử lý như sau:

a) Đối với đơn yêu cầu chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo Thỏa ước Madrid hoặc Nghị định thư Madrid do người thứ ba nộp, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thông báo nội dung yêu cầu chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực đăng ký quốc tế nhãn hiệu cho chủ sở hữu nhãn hiệu thông qua Văn phòng quốc tế, trong đó ấn định thời hạn 03 tháng kể từ ngày ra thông báo để chủ sở hữu nhãn hiệu có ý kiến;

b) Đăng ký quốc tế nhãn hiệu có thể bị chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực đối với một phần hoặc toàn bộ danh mục hàng hóa, dịch vụ;

c) Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực đăng ký quốc tế nhãn hiệu đối với một phần hoặc toàn bộ danh mục hàng hóa, dịch vụ và quyết định này không còn là đối tượng của khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra thông báo chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo mẫu của Văn phòng quốc tế, trong đó chỉ rõ danh mục hàng hóa, dịch vụ bị chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực và gửi thông báo này cho Văn phòng quốc tế;

d) Các quy định liên quan khác về xử lý yêu cầu chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu trên cơ sở đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo thể thức quốc gia được áp dụng đối với việc xử lý yêu cầu chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực đăng ký quốc tế nhãn hiệu.

5. Đơn yêu cầu chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp được xử lý như sau:

a) Đối với đơn yêu cầu chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp theo Thỏa ước La Hay do người thứ ba nộp, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thông báo nội dung yêu cầu chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp cho chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp thông qua Văn phòng quốc tế, trong đó ấn định thời hạn 03 tháng kể từ ngày ra thông báo để chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp có ý kiến;

b) Đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp có thể bị hủy bỏ hiệu lực đối với một số hoặc tất cả kiểu dáng công nghiệp trong đăng ký đó;

c) Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định hủy bỏ hiệu lực đăng ký quốc tế đối với một số hoặc tất cả kiểu dáng công nghiệp và quyết định này không còn là đối tượng của khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra thông báo hủy bỏ hiệu lực đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp theo mẫu của Văn phòng quốc tế, trong đó chỉ rõ các kiểu dáng công nghiệp bị hủy bỏ hiệu lực và gửi thông báo này cho Văn phòng quốc tế;

d) Các quy định liên quan khác về xử lý yêu cầu chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp được cấp trên cơ sở đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được nộp theo thể thức quốc gia được áp dụng đối với yêu cầu chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp.

Chương II

CHỦ THỂ, NỘI DUNG, GIỚI HẠN QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

Điều 33. Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp

1. Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp bao gồm tổ chức, cá nhân sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp quy định tại Điều 121 của Luật Sở hữu trí tuệ hoặc tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp.

2. Trong trường hợp văn bằng bảo hộ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu được cấp chung cho nhiều tổ chức, cá nhân theo quy định tại khoản 2 Điều 86, khoản 5 Điều 87khoản 3 Điều 90 của Luật Sở hữu trí tuệ thì quyền sở hữu công nghiệp thuộc sở hữu chung của các tổ chức, cá nhân đó. Các chủ sở hữu chung thực hiện quyền sở hữu theo quy định của pháp luật dân sự.

Điều 34. Phạm vi quyền sở hữu công nghiệp

1. Phạm vi quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được xác định theo phạm vi bảo hộ được ghi nhận trong Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp, Đăng bạ quốc tế về nhãn hiệu và Đăng bạ quốc tế về kiểu dáng công nghiệp hoặc trong văn bằng bảo hộ, giấy xác nhận đăng ký quốc tế nhãn hiệu, quyết định chấp nhận bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đăng ký quốc tế.

2. Phạm vi quyền đối với tên thương mại được xác định theo phạm vi bảo hộ tên thương mại, gồm tên thương mại, lĩnh vực kinh doanh và lãnh thổ kinh doanh trong đó tên thương mại được chủ thể mang tên thương mại sử dụng một cách hợp pháp. Việc đăng ký tên gọi của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong thủ tục kinh doanh không được coi là sử dụng tên gọi đó mà chỉ là một điều kiện để việc sử dụng tên gọi đó được coi là hợp pháp.

3. Phạm vi quyền đối với bí mật kinh doanh được xác định theo phạm vi bảo hộ bí mật kinh doanh, gồm tập hợp các thông tin tạo thành bí mật kinh doanh, được sắp xếp theo một trật tự chính xác và đầy đủ đến mức có thể khai thác được.

4. Các chủ thể quyền sở hữu công nghiệp được hưởng các quyền và thực hiện các nghĩa vụ theo phạm vi bảo hộ với các điều kiện quy định tại các Điều 132, 133, 133a, 134, 135, 136, 136a, 137 của Luật Sở hữu trí tuệ.

Điều 35. Quyền của tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí

1. Quyền nhân thân của tác giả quy định tại khoản 2 Điều 122 của Luật Sở hữu trí tuệ được bảo hộ vô thời hạn.

2. Quyền nhận thù lao của tác giả quy định tại khoản 3 Điều 122 của Luật Sở hữu trí tuệ được bảo hộ trong suốt thời hạn bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.

3. Nếu giữa chủ sở hữu và tác giả không có thỏa thuận khác, việc thanh toán tiền thù lao phải được thực hiện không muộn hơn 30 ngày, kể từ ngày chủ sở hữu nhận được tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng hoặc không muộn hơn 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính nếu thù lao trả cho tác giả được tính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 135 của Luật Sở hữu trí tuệ.

Điều 36. Trách nhiệm quản lý nhà nước đối với dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý

1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương xác định các loại đặc sản, các đặc tính của sản phẩm, quy trình sản xuất các đặc sản mang chỉ dẫn địa lý thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương trên cơ sở quy hoạch của địa phương.

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho phép sử dụng địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương để đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận; trực tiếp hoặc phân cấp, ủy quyền cho Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nộp đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý dùng cho các đặc sản của địa phương.

3. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn tiêu chí xác định địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của sản phẩm.

Điều 37. Thực hiện quyền sở hữu đối với chỉ dẫn địa lý

1. Đối với chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, cơ quan, tổ chức có quyền quản lý chỉ dẫn địa lý (sau đây gọi là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý) quy định tại khoản 4 Điều 121 của Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm:

a) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý trong trường hợp chỉ dẫn địa lý thuộc một địa phương;

b) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là đại diện theo ủy quyền của các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác nơi có khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý trong trường hợp chỉ dẫn địa lý thuộc nhiều địa phương;

c) Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phân cấp, ủy quyền quản lý chỉ dẫn địa lý;

d) Cơ quan, tổ chức được Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý với điều kiện cơ quan, tổ chức đó đại diện cho quyền lợi của tất cả các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý theo quy định tại khoản 4 Điều 121 của Luật Sở hữu trí tuệ.

2. Cơ quan, tổ chức có quyền quản lý chỉ dẫn địa lý theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều này được phép thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với chỉ dẫn địa lý quy định tại khoản 2 Điều 123 và Điều 198 của Luật Sở hữu trí tuệ.

3. Đối với chỉ dẫn địa lý của nước ngoài, chủ sở hữu, tổ chức được phép thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với chỉ dẫn địa lý và tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý được xác định theo quy định pháp luật của nước xuất xứ của chỉ dẫn địa lý đó.

Điều 38. Thực hiện quyền quản lý chỉ dẫn địa lý của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý

1. Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý quy định tại khoản 1 Điều 37 Nghị định này có trách nhiệm:

a) Xây dựng và ban hành quy chế quản lý chỉ dẫn địa lý;

b) Quản lý chỉ dẫn địa lý theo quy chế do mình ban hành;

c) Lập và công khai danh sách tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý trên cơ sở thông báo của các tổ chức, cá nhân đó. Danh sách tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý phải được cập nhật khi có bất kỳ sự thay đổi nào;

d) Tổ chức thực hiện các biện pháp để quản lý việc sử dụng chỉ dẫn địa lý của các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý nhằm bảo đảm sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn về tính chất, chất lượng đặc thù, danh tiếng phù hợp với bản mô tả tính chất đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý;

đ) Theo dõi, thực hiện các biện pháp để phòng ngừa và ngăn cấm các hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý; yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật;

e) Báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp về tình hình quản lý chỉ dẫn địa lý theo định kỳ hai năm một lần.

2. Quy chế quản lý chỉ dẫn địa lý theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này phải đáp ứng các điều kiện dưới đây:

a) Quy chế quản lý chỉ dẫn địa lý bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

a1) Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý: tên sản phẩm, mô tả về sản phẩm (tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm, quy trình sản xuất, khu vực sản xuất v.v…) tương ứng với nội dung trong bản mô tả tính chất đặc thù của sản phẩm;

a2) Việc ghi nhận tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý: hồ sơ yêu cầu ghi nhận tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý bao gồm yêu cầu ghi nhận, tài liệu chứng minh tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý tại khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý và các tài liệu khác, nếu cần; việc xem xét hồ sơ, kiểm tra và đánh giá tính xác thực của tài liệu, bao gồm cả việc tuân thủ bản mô tả tính chất đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý (nếu cần thiết) và ghi nhận các thông tin của tổ chức, cá nhân vào danh sách tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý;

a3) Cơ chế kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng chỉ dẫn địa lý: nội dung kiểm tra, kiểm soát (nguồn gốc địa lý, tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm, quy trình sản xuất v.v…); kế hoạch kiểm tra, kiểm soát; công cụ, phương pháp kiểm tra, kiểm soát; cơ quan, tổ chức thực hiện kiểm tra, kiểm soát v.v...;

a4) Quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý: bảo đảm duy trì tính chất, chất lượng đặc thù, danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý; thông báo cho tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý để được ghi nhận vào danh sách tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý trước khi sử dụng chỉ dẫn địa lý; báo cáo tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý về tình hình sử dụng chỉ dẫn địa lý theo định kỳ hằng năm v.v...;

a5) Quyền và trách nhiệm của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý trong việc quản lý chỉ dẫn địa lý;

a6) Kinh phí cho hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý;

a7) Biện pháp xử lý trong trường hợp vi phạm Quy chế.

b) Quy chế quản lý chỉ dẫn địa lý phải được lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý trước khi được ban hành.

c) Quy chế quản lý chỉ dẫn địa lý không bao gồm các nội dung hạn chế một cách bất hợp lý quyền sử dụng hợp pháp chỉ dẫn địa lý của các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.

Điều 39. Bảo mật dữ liệu thử nghiệm nông hóa phẩm

1. Nông hóa phẩm là các sản phẩm hóa học sử dụng trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

2. Dữ liệu thử nghiệm nông hóa phẩm được bảo mật nếu dữ liệu đó đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 128 của Luật Sở hữu trí tuệ và được người nộp đơn yêu cầu bảo mật khi nộp đơn xin cấp phép lưu hành nông hóa phẩm.

3. Cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành nông hóa phẩm thực hiện việc bảo mật đối với dữ liệu thử nghiệm nêu tại khoản 2 Điều này.

Điều 40. Sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp

1. Hành vi lưu thông sản phẩm quy định tại điểm d khoản 1, điểm b khoản 2 và điểm b khoản 7 Điều 124 của Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm cả hành vi bán, trưng bày để bán, vận chuyển sản phẩm.

2. Việc sử dụng mẫu nhãn hiệu trên thực tế khác biệt với mẫu nhãn hiệu được bảo hộ do chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép thực hiện cũng được coi là sử dụng nhãn hiệu theo quy định tại khoản 5 Điều 124 của Luật Sở hữu trí tuệ nếu sự khác biệt này là không đáng kể, không làm thay đổi khả năng phân biệt của nhãn hiệu.

Điều 41. Sử dụng sáng chế nhân danh Nhà nước

1. Việc sử dụng sáng chế nhân danh Nhà nước nhằm phục vụ lợi ích công cộng, phi thương mại, phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân hoặc đáp ứng các nhu cầu cấp thiết khác của xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều 133 của Luật Sở hữu trí tuệ do các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện hoặc chỉ định tổ chức, cá nhân khác thực hiện trên cơ sở ban hành quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế quy định tại điểm a khoản 1 Điều 145 và đoạn 2 khoản 1 Điều 147 của Luật Sở hữu trí tuệ. Trong trường hợp sản phẩm nhập khẩu, sản phẩm do bên nhận chuyển quyền sử dụng sáng chế theo hợp đồng sản xuất đã đáp ứng các nhu cầu quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân hoặc các nhu cầu cấp thiết khác của xã hội thì người nắm độc quyền sử dụng sáng chế được xem là đã thực hiện nghĩa vụ sử dụng theo quy định tại Điều 136 của Luật Sở hữu trí tuệ.

2. Thủ tục ban hành quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế trong trường hợp sử dụng sáng chế nhân danh Nhà nước thực hiện theo quy định tại các Điều 55 và 56 của Nghị định này.

Điều 42. Đền bù cho chủ sở hữu sáng chế vì sự chậm trễ trong việc cấp phép lưu hành dược phẩm

1. Trong trường hợp thủ tục đăng ký lưu hành dược phẩm lần đầu bị chậm theo quy định tại Điều 131a của Luật Sở hữu trí tuệ, sau khi dược phẩm được cấp phép lưu hành, trong thời hạn 02 tháng kể từ khi người nộp đơn có yêu cầu bằng văn bản theo Mẫu số 02 tại Phụ lục I Nghị định này, cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành dược phẩm cấp xác nhận về việc thủ tục đăng ký lưu hành dược phẩm bị chậm, trong đó nêu rõ thời gian bị chậm.

2. Trong trường hợp chủ Bằng độc quyền sáng chế có yêu cầu bằng văn bản theo Mẫu số 03 tại Phụ lục I Nghị định này kèm theo tài liệu xác nhận của cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành dược phẩm về việc thủ tục đăng ký lưu hành dược phẩm được sản xuất theo Bằng độc quyền sáng chế đó bị chậm theo quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thông báo cho chủ Bằng độc quyền sáng chế về phương án đền bù và thực hiện các thủ tục sau:

a) Không thu phí sử dụng Bằng độc quyền sáng chế cho khoảng thời gian thủ tục đăng ký lưu hành dược phẩm được sản xuất theo Bằng độc quyền sáng chế đó bị chậm trong quá trình xử lý yêu cầu duy trì hiệu lực;

b) Trong trường hợp phí sử dụng Bằng độc quyền sáng chế cho khoảng thời gian đó đã được nộp, khấu trừ số phí đã được nộp trong quá trình xử lý yêu cầu duy trì hiệu lực ở kỳ tiếp theo;

c) Trong trường hợp chủ Bằng độc quyền sáng chế không tiếp tục duy trì hiệu lực hoặc Bằng độc quyền sáng chế hết hiệu lực, hoàn trả phí sử dụng cho chủ Bằng độc quyền sáng chế trong vòng 03 tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ yêu cầu theo quy định.

3. Đối với dược phẩm được sản xuất theo nhiều Bằng độc quyền sáng chế khác nhau thì được miễn phí sử dụng của tất cả các Bằng độc quyền sáng chế liên quan.

Chương III

SÁNG CHẾ, KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP, THIẾT KẾ BỐ TRÍ LÀ KẾT QUẢ CỦA NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ SỬ DỤNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Điều 43. Quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước

1. Giao một cách tự động quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước quy định tại khoản 1, 2 Điều 86a của Luật Sở hữu trí tuệ là việc tổ chức chủ trì có quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí khi các đối tượng này được tạo ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ mà không cần thông qua thủ tục giao quyền đăng ký của đại diện chủ sở hữu nhà nước.

2. Quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ được đầu tư bởi nhiều nguồn vốn, trong đó có một phần ngân sách nhà nước quy định tại khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 86a của Luật Sở hữu trí tuệ được xác định như sau:

a) Tổ chức chủ trì nhiệm vụ có phần quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí tương ứng với phần ngân sách nhà nước đầu tư. Trường hợp sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia, phần quyền đăng ký thuộc về Nhà nước và do đại diện chủ sở hữu nhà nước theo quy định tại khoản 3 Điều này thực hiện đăng ký;

b) Tổ chức, cá nhân khác có phần quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí tương ứng với phần góp vốn đầu tư.

3. Đại diện chủ sở hữu nhà nước quy định tại điểm c khoản 3 Điều 86a của Luật Sở hữu trí tuệ là:

a) Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, trừ nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia quy định tại điểm b khoản này;

b) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với: nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia được giao quản lý; nhiệm vụ khoa học và công nghệ do mình phê duyệt;

c) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ do mình phê duyệt.

Điều 44. Nghĩa vụ thông báo, đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước

1. Ngày sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra theo quy định tại khoản 1 Điều 136a của Luật Sở hữu trí tuệ là ngày tổ chức chủ trì nhận được báo cáo bằng văn bản của tác giả hoặc biết được về việc sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí đó được tạo ra từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ, tùy thuộc ngày nào sớm hơn.

2. Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra theo quy định tại khoản 1 Điều này, tổ chức chủ trì thông báo bằng văn bản cho đại diện chủ sở hữu nhà nước, trong đó nêu rõ thông tin về sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhu cầu thực hiện đăng ký và các quốc gia dự định nộp đơn đăng ký (nếu có). Trường hợp không thực hiện thủ tục đăng ký xác lập quyền đối với các đối tượng nêu trên thì tổ chức chủ trì có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho đại diện chủ sở hữu nhà nước trong vòng 10 ngày trước khi kết thúc thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 136a của Luật Sở hữu trí tuệ.

3. Tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí và tổ chức chủ trì có nghĩa vụ bảo mật thông tin về sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí cho đến khi đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được nộp hoặc đại diện chủ sở hữu nhà nước công bố công khai nội dung sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí theo quy định tại khoản 2 Điều 133a của Luật Sở hữu trí tuệ.

4. Đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam, cá nhân là công dân Việt Nam và thường trú tại Việt Nam. Tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí phải thực hiện các nghĩa vụ tương ứng của tổ chức chủ trì theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị định này.

5. Trong quá trình thực hiện thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, tổ chức chủ trì có nghĩa vụ sau đây:

a) Thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ về kết quả xử lý đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ban hành quyết định, thông báo về kết quả xử lý đơn đó;

b) Trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 113 của Luật Sở hữu trí tuệ, thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ về việc đơn đăng ký sáng chế bị coi là đã rút theo quy định tại khoản 3 Điều 113 của Luật Sở hữu trí tuệ và nêu rõ lý do.

c) Thông báo cho cơ quan quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ để thực hiện thủ tục giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức, cá nhân khác theo quy định tại Điều 45 của Nghị định này trong các trường hợp sau đây:

c1) Đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí bị từ chối chấp nhận đơn hợp lệ, trừ trường hợp đơn bị từ chối chấp nhận hợp lệ vì lý do đối tượng nêu trong đơn là đối tượng không được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí theo quy định của Điều 59, 64 và 69 của Luật Sở hữu trí tuệ;

c2) Đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí bị rút trước khi đơn được công bố theo quy định.

Điều 45. Giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức, cá nhân khác

1. Đại diện chủ sở hữu nhà nước giao cho cơ quan quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ thông báo công khai trên trang tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử để các tổ chức, cá nhân có nhu cầu nộp hồ sơ đề nghị giao quyền đăng ký sáng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 133a của Luật Sở hữu trí tuệ và các trường hợp nêu tại điểm c khoản 5 Điều 44 của Nghị định này.

2. Các thông tin được công khai theo quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm tên, lĩnh vực kỹ thuật của sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ; phương thức giao; cách tiếp cận thông tin.

3. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu nêu tại khoản 1 Điều này có thể tiếp cận thông tin chi tiết về sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo quy định tại khoản 2 Điều này nếu có đề nghị bằng văn bản gửi cơ quan quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ và cam kết bảo mật, không sử dụng thông tin cho mục đích thương mại.

4. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu theo quy định tại khoản 1 Điều này nộp đơn đề nghị giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí làm theo Mẫu số 01 tại Phụ lục III tới cơ quan quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

5. Cơ quan quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ có trách nhiệm xử lý đề nghị giao quyền đăng ký theo các quy định sau đây:

a) Kiểm tra tính hợp lệ của đơn đề nghị. Trường hợp đơn đề nghị không hợp lệ thì trong thời hạn chậm nhất 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, cơ quan quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân và ấn định thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra thông báo để tổ chức, cá nhân sửa chữa thiếu sót;

b) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn thông báo công khai theo quy định tại khoản 1 Điều 133a của Luật Sở hữu trí tuệ, cơ quan quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ báo cáo đại diện chủ sở hữu nhà nước ban hành quyết định giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí cho tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện được giao;

c) Trường hợp có nhiều tổ chức, cá nhân đề nghị giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí đều có đơn hợp lệ thì đại diện chủ sở hữu nhà nước thông báo dự định giao cho các tổ chức, cá nhân đó cùng thực hiện quyền đăng ký, cùng đứng tên là người nộp đơn đối với đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí và ấn định thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày ra thông báo để các tổ chức, cá nhân có ý kiến về nội dung thông báo. Nếu kết thúc thời hạn nêu trên mà tổ chức, cá nhân nộp đơn đề nghị giao quyền có văn bản phản hồi không đồng ý cùng đứng tên người nộp đơn hoặc không có văn bản phản hồi thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn nêu trên, đại diện chủ sở hữu nhà nước ban hành quyết định giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí cho tổ chức, cá nhân có văn bản đồng ý về thông báo dự định giao.

6. Tổ chức, cá nhân nhận giao quyền đăng ký có nghĩa vụ nộp đơn đăng ký xác lập quyền sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày nhận được quyết định giao quy định tại khoản 5 Điều này và thực hiện nghĩa vụ tương ứng khác của tổ chức chủ trì theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị định này.

7. Kết thúc thời hạn 90 ngày kể từ ngày đăng thông báo theo khoản 1 Điều này mà không giao được quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu, đại diện chủ sở hữu nhà nước giao cơ quan quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ công khai trên Trang thông tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử nội dung sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ để tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật.

Điều 46. Thực hiện quyền sở hữu công nghiệp và biện pháp bảo vệ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước

1. Nhằm đảm bảo việc thực hiện quyền sở hữu công nghiệp, khai thác có hiệu quả các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, tổ chức chủ trì được cấp văn bằng bảo hộ cho các đối tượng này có trách nhiệm:

a) Áp dụng các biện pháp phù hợp để bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với các đối tượng đó, bao gồm việc thực hiện các thủ tục cần thiết để duy trì, gia hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ các đối tượng đó;

b) Xác định và thực hiện các biện pháp khai thác thương mại phù hợp.

2. Định kỳ hằng năm, tổ chức chủ trì được cấp văn bằng bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước có nghĩa vụ nộp báo cáo cho cơ quan quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ với các nội dung sau:

a) Tình hình khai thác thương mại, đánh giá hiệu quả của việc khai thác sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí;

b) Tổng số tiền, lợi nhuận mà tổ chức chủ trì đã nhận được từ việc sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng quyền, góp vốn bằng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí và việc trả thù lao cho tác giả, phân chia lợi nhuận, kèm theo báo cáo tài chính của tổ chức chủ trì được kiểm toán độc lập;

c) Các biện pháp bảo vệ quyền đang thực hiện.

Điều 47. Thủ tục cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước

1. Thời gian hợp lý theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 133a của Luật Sở hữu trí tuệ được xác định là kết thúc 04 năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc kết thúc 03 năm kể từ ngày cấp Bằng độc quyền sáng chế; kết thúc 03 năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí hoặc kết thúc 02 năm kể từ ngày cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, tùy theo thời hạn nào kết thúc muộn hơn.

2. Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo quy định pháp luật về khoa học và công nghệ chủ động hoặc theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân khác ban hành quyết định cho phép sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước khi xảy ra các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 133a của Luật Sở hữu trí tuệ trên cơ sở tham khảo ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ.

3. Quyết định tại khoản 2 Điều này phải nêu rõ phạm vi và các điều kiện tổ chức, cá nhân khác được sử dụng bao gồm:

a) Quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí thuộc dạng độc quyền hoặc không độc quyền;

b) Quyền sử dụng chỉ được thực hiện giới hạn trong phạm vi và thời hạn đủ để đáp ứng mục tiêu của việc cho phép sử dụng;

c) Tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cho phép sử dụng không được chuyển nhượng quyền đó cho người khác.

Quyết định cho phép sử dụng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ gửi cho người được phép sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, người nắm độc quyền sử dụng và cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.

4. Tổ chức, cá nhân yêu cầu cho phép sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 2 Điều này nộp hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ bao gồm các tài liệu sau đây:

a) Đơn yêu cầu cho phép sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, làm theo Mẫu số 02 tại Phụ lục III của Nghị định này;

b) Tài liệu chứng minh yêu cầu cho phép sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước là có căn cứ xác đáng.

5. Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ có trách nhiệm xử lý hồ sơ theo các quy định sau đây:

a) Kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ: Trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì trong thời hạn chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân và ấn định thời hạn 20 ngày kể từ ngày ra thông báo để tổ chức, cá nhân sửa chữa thiếu sót.

b) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ thông báo về yêu cầu cho phép sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí cho người nắm độc quyền sử dụng và ấn định thời hạn tối đa là 01 tháng kể từ ngày ra thông báo để người nắm độc quyền sử dụng trả lời bằng văn bản trừ yêu cầu thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều 133a của Luật Sở hữu trí tuệ, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ không phải thông báo cho người nắm độc quyền sử dụng.

c) Sau thời hạn nói trên, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ xử lý yêu cầu cho phép sử dụng và ý kiến của người nắm độc quyền sử dụng trên cơ sở hồ sơ, ý kiến do các bên cung cấp. Trường hợp yêu cầu cho phép sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí không có căn cứ xác đáng theo quy định tại khoản 3 Điều 133a của Luật Sở hữu trí tuệ, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ ra quyết định từ chối và nêu rõ lý do từ chối. Trường hợp xét thấy yêu cầu cho phép sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là có căn cứ xác đáng, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ ban hành quyết định cho phép sử dụng.

6. Người nắm độc quyền sử dụng có quyền yêu cầu chấm dứt việc cho phép sử dụng khi căn cứ cho phép sử dụng quy định tại khoản 3 Điều 133a của Luật Sở hữu trí tuệ không còn tồn tại và không có khả năng tái xuất hiện. Yêu cầu chấm dứt việc cho phép sử dụng phải được lập thành văn bản và gửi tới cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ kèm theo tài liệu chứng minh.

Chương IV

SÁNG CHẾ MẬT

Điều 48. Đơn đăng ký sáng chế mật

1. Đơn đăng ký sáng chế mật phải được nộp ở dạng giấy cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp phù hợp với quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 89 của Luật Sở hữu trí tuệ.

2. Đơn đăng ký sáng chế mật bao gồm các tài liệu sau đây:

a) Các tài liệu theo quy định tại Điều 100 của Luật Sở hữu trí tuệ được đóng dấu mật theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước (trừ chứng từ nộp phí, lệ phí);

b) Văn bản xác nhận đối tượng đăng ký trong đơn là bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

3. Đơn đăng ký sáng chế mật được tiếp nhận nếu có các thông tin và tài liệu tối thiểu theo quy định tại khoản 1 Điều 108 của Luật Sở hữu trí tuệ và tài liệu quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

Điều 49. Các thủ tục liên quan đến sáng chế mật

1. Thủ tục xử lý đơn đăng ký sáng chế mật và cấp văn bằng bảo hộ sáng chế mật, duy trì, sửa đổi, chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ sáng chế mật được thực hiện theo các quy định tương ứng của Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với đơn đăng ký sáng chế trừ các trường hợp quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này.

2. Đơn đăng ký sáng chế mật được thẩm định nội dung trong thời hạn không quá 18 tháng kể từ ngày đơn được chấp nhận hợp lệ nếu yêu cầu thẩm định nội dung được nộp trước ngày đơn được chấp nhận hợp lệ hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩm định nội dung nếu yêu cầu đó được nộp sau ngày đơn được chấp nhận hợp lệ.

3. Văn bản nêu ý kiến của người thứ ba hoặc ý kiến phản đối được coi là một nguồn thông tin cho quá trình xử lý đơn đăng ký sáng chế mật. Trường hợp không xác định được thông tin hoặc việc bộc lộ thông tin trong các văn bản theo quy định tại khoản này có phù hợp với các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước hay không, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp phối hợp với Bộ Công an để xác định sự phù hợp của việc bộc lộ thông tin trong các văn bản theo quy định tại khoản này với quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

4. Thủ tục khiếu nại theo quy định tại Điều 119a của Luật Sở hữu trí tuệ không áp dụng đối với các quyết định, thông báo về đơn đăng ký sáng chế mật và các loại đơn khác liên quan đến sáng chế mật.

5. Đơn đăng ký sáng chế mật và văn bằng bảo hộ sáng chế mật không được công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp.

Điều 50. Xử lý đơn đăng ký sáng chế mật và văn bằng bảo hộ sáng chế mật được giải mật

1. Đơn đăng ký sáng chế mật, văn bằng bảo hộ sáng chế mật được giải mật theo quy định tại Điều 22 của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.

2. Trường hợp có căn cứ rõ ràng để cho rằng sáng chế trong đơn đăng ký sáng chế mật, sáng chế được bảo hộ theo văn bằng bảo hộ sáng chế mật không phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra thông báo đề nghị người nộp đơn xác định lại sáng chế có phải là bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước hay không và ấn định thời hạn 03 tháng kể từ ngày ra thông báo để người nộp đơn phản hồi về việc này.

3. Đối với các trường hợp giải mật theo quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải mật theo quy định của pháp luật bảo vệ bí mật nhà nước thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp và người nộp đơn, chủ văn bằng bảo hộ sáng chế về việc giải mật.

4. Đơn đăng ký sáng chế được giải mật theo quy định tại khoản 1 Điều này hoặc được người nộp đơn xác định không phải là bí mật nhà nước theo quy định tại khoản 2 Điều này có ngày nộp đơn là ngày nộp đơn đăng ký sáng chế mật và được tiếp tục xử lý theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ đối với đơn đăng ký sáng chế.

5. Văn bằng bảo hộ sáng chế được giải mật theo quy định tại khoản 1 Điều này hoặc được người nộp đơn xác định không phải là bí mật nhà nước theo quy định tại khoản 2 Điều này có ngày cấp là ngày cấp văn bằng bảo hộ sáng chế mật và các thủ tục liên quan được thực hiện theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ đối với văn bằng bảo hộ sáng chế.

6. Trường hợp được giải mật, đơn đăng ký sáng chế mật và Bằng độc quyền sáng chế mật/Bằng độc quyền giải pháp hữu ích mật đã được giải mật được công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày được giải mật.

Điều 51. Đăng ký sáng chế mật ở nước ngoài

Việc nộp đơn đăng ký sáng chế mật ở nước ngoài được thực hiện phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Điều 52. Quản lý việc sử dụng sáng chế mật

Việc sử dụng sáng chế mật được bảo hộ theo quy định tại Điều 123 của Luật Sở hữu trí tuệ phải phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Chương V

CHUYỂN GIAO QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

Điều 53. Tiền đền bù đối với quyền sử dụng sáng chế bị chuyển giao theo quyết định bắt buộc

1. Tiền đền bù đối với quyền sử dụng sáng chế bị chuyển giao theo quyết định bắt buộc quy định tại điểm d khoản 1 Điều 146 của Luật Sở hữu trí tuệ được xác định theo giá trị kinh tế của quyền sử dụng được chuyển giao, trên cơ sở xem xét các yếu tố sau đây:

a) Giá chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo hợp đồng;

b) Kinh phí đầu tư để tạo ra sáng chế, trong đó phải xem xét đến phần kinh phí được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (nếu có);

c) Lợi nhuận thu được do sử dụng sáng chế;

d) Thời gian hiệu lực còn lại của văn bằng bảo hộ;

đ) Mức độ cần thiết của việc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế;

e) Phạm vi và thời hạn chuyển giao;

g) Các yếu tố khác trực tiếp quyết định giá trị kinh tế của quyền sử dụng được chuyển giao.

2. Tiền đền bù đối với quyền sử dụng sáng chế bị chuyển giao theo quyết định bắt buộc trong trường hợp người được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế và người nắm độc quyền sử dụng sáng chế không thỏa thuận được không vượt quá 5% giá bán tịnh của sản phẩm được sản xuất theo sáng chế, với điều kiện bảo đảm nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Nếu xét thấy cần thiết, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế có thể thành lập hội đồng để xác định tiền đền bù theo quy định của pháp luật.

Điều 54. Quyền yêu cầu ra quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế

Tổ chức, cá nhân có khả năng, có nhiệm vụ hoặc có nhu cầu sử dụng sáng chế quy định tại các điểm a, b, cđ hoặc bị cản trở cạnh tranh quy định tại điểm d khoản 1 Điều 145 của Luật Sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 147 của Luật Sở hữu trí tuệ ra quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cho mình theo quy định cụ thể tại các Điều 55 và 56 của Nghị định này.

Điều 55. Hồ sơ yêu cầu ra quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế

1. Hồ sơ yêu cầu ra quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế bao gồm các tài liệu sau đây:

a) Tờ khai yêu cầu bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, làm theo Mẫu số 04 tại Phụ lục I của Nghị định này;

b) Tài liệu chứng minh yêu cầu ra quyết định buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế là có căn cứ xác đáng theo quy định của pháp luật được quy định cụ thể tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này;

c) Văn bản ủy quyền (trường hợp yêu cầu được nộp thông qua đại diện);

d) Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục này).

2. Trường hợp yêu cầu ra quyết định buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế trên cơ sở quy định tại điểm a khoản 1 Điều 145 của Luật Sở hữu trí tuệ, hồ sơ phải có tài liệu chứng minh tại thời điểm nộp đơn, thực tế đang có nhu cầu sử dụng sáng chế nhằm mục đích công cộng, phi thương mại, phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân hoặc nhằm đáp ứng các nhu cầu cấp thiết khác của xã hội, nhưng người nắm giữ độc quyền sáng chế đã không sử dụng sáng chế và việc không sử dụng sáng chế sẽ ảnh hưởng đến việc đạt được các mục đích đó.

3. Trường hợp yêu cầu ra quyết định buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế trên cơ sở quy định tại điểm b khoản 1 Điều 145 của Luật Sở hữu trí tuệ, hồ sơ phải có tài liệu chứng minh người nắm giữ độc quyền sáng chế đã không thực hiện nghĩa vụ sử dụng sáng chế quy định tại khoản 1 Điều 136 và khoản 5 Điều 142 của Luật Sở hữu trí tuệ và tại thời điểm nộp hồ sơ đã kết thúc thời hạn 04 năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký sáng chế và kết thúc thời hạn 03 năm kể từ ngày sáng chế được cấp bằng độc quyền.

4. Trường hợp yêu cầu ra quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế trên cơ sở quy định tại điểm c khoản 1 Điều 145 của Luật Sở hữu trí tuệ, hồ sơ phải có tài liệu chứng minh rằng người có nhu cầu sử dụng sáng chế không đạt được thỏa thuận với người nắm độc quyền sử dụng sáng chế về việc ký kết hợp đồng sử dụng sáng chế mặc dù trong một thời gian hợp lý đã cố gắng thương lượng với mức giá và các điều kiện thương mại thỏa đáng, trong đó, phải nêu rõ nhu cầu sử dụng sáng chế, thời gian đã tiến hành thương lượng, mức giá và các điều kiện thương mại cụ thể mà người có nhu cầu sử dụng sáng chế đã đề xuất.

5. Trường hợp yêu cầu ra quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế trên cơ sở quy định tại điểm d khoản 1 Điều 145 của Luật Sở hữu trí tuệ, hồ sơ phải có tài liệu chứng minh rằng người nắm độc quyền sử dụng sáng chế đã thực hiện hành vi bị coi là hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.

6. Trường hợp yêu cầu ra quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn trên cơ sở quy định tại điểm a và d khoản 1 Điều 145 và điểm b khoản 1 Điều 146 của Luật Sở hữu trí tuệ thì trong hồ sơ phải có tài liệu chứng minh việc sử dụng sáng chế đó chỉ nhằm mục đích công cộng, phi thương mại hoặc xuất trình tài liệu chứng minh người nắm độc quyền sử dụng sáng chế đã thực hiện hành vi bị coi là hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.

7. Trường hợp yêu cầu ra quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế trên cơ sở quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 145 của Luật Sở hữu trí tuệ, hồ sơ phải có tài liệu chứng minh rằng việc sử dụng sáng chế nhằm đáp ứng nhu cầu về dược phẩm để phòng, chữa bệnh của quốc gia khác có đủ điều kiện nhập khẩu theo quy định của Điều 31bis Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ.

Điều 56. Thủ tục xử lý hồ sơ yêu cầu ra quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế

1. Hồ sơ yêu cầu ra quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế được nộp theo quy định sau đây:

a) Hồ sơ thuộc trường hợp quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 145 của Luật Sở hữu trí tuệ được nộp cho Bộ Khoa học và Công nghệ;

b) Hồ sơ thuộc trường hợp quy định tại điểm ađ khoản 1 Điều 145 của Luật Sở hữu trí tuệ được nộp cho các bộ, cơ quan ngang bộ quản lý lĩnh vực sáng chế;

c) Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, cơ quan ngang bộ chỉ định một cơ quan tiếp nhận và thẩm định hồ sơ thuộc trường hợp quy định tại khoản này (sau đây gọi là “cơ quan thẩm định hồ sơ”).

2. Hồ sơ yêu cầu ra quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế được thẩm định như sau:

Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan thẩm định hồ sơ xem xét hồ sơ theo quy định sau đây:

a) Trường hợp hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan thẩm định hồ sơ phải ra thông báo về yêu cầu chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo quyết định bắt buộc cho người nắm giữ độc quyền sử dụng sáng chế và yêu cầu người đó có ý kiến bằng văn bản trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày ra thông báo; yêu cầu các bên liên quan thương lượng lại nhằm khắc phục các bất đồng để ký kết hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, nếu xét thấy cần thiết; trong trường hợp không đạt được sự thỏa thuận giữa các bên và nếu xét thấy việc không chấp nhận ký kết hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng sáng chế của bên nắm giữ quyền là không hợp lý thì báo cáo kết quả xem xét hồ sơ và đề nghị Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ra quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế.

Nếu yêu cầu thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 145 của Luật Sở hữu trí tuệ và việc sử dụng sáng chế nhằm mục đích công cộng, phi thương mại thì các bộ, cơ quan ngang bộ có quyền ra quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế mà không cần yêu cầu người nắm giữ độc quyền sử dụng sáng chế có ý kiến và không cần yêu cầu các bên thương lượng.

b) Trường hợp yêu cầu ra quyết định chuyển giao quyền sử dụng sáng chế không có căn cứ xác đáng theo quy định tại Điều 145 của Luật Sở hữu trí tuệ, cơ quan thẩm định hồ sơ báo cáo kết quả xem xét hồ sơ và đề nghị Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ra thông báo dự định từ chối, có nêu rõ lý do từ chối và ấn định thời hạn 01 tháng kể từ ngày ra thông báo để người nộp hồ sơ có ý kiến về dự định từ chối.

Thời gian dành cho người nộp hồ sơ sửa chữa thiếu sót của hồ sơ hoặc có ý kiến phản đối không tính vào thời hạn xem xét hồ sơ.

c) Đối với hồ sơ thuộc trường hợp quy định tại điểm ađ khoản 1 Điều 145 của Luật Sở hữu trí tuệ, cơ quan thẩm định hồ sơ của các bộ, cơ quan ngang bộ sao gửi hồ sơ để lấy ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ (thông qua cơ quan thẩm định hồ sơ của Bộ Khoa học và Công nghệ) trước khi trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định theo quy định tại các điểm a và b khoản này. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan thẩm định hồ sơ của Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét hồ sơ, báo cáo để Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ gửi ý kiến bằng văn bản đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ra quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế hoặc ra thông báo từ chối.

3. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả xem xét hồ sơ của cơ quan thẩm định hồ sơ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét và ra quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, hoặc gửi cho người nộp hồ sơ thông báo từ chối buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, trong đó nêu rõ lý do từ chối.

Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ xem xét và ra quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, hoặc gửi cho người nộp hồ sơ thông báo từ chối buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, trong đó nêu rõ lý do từ chối.

Trong trường hợp không đồng ý với đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thông báo bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do.

4. Quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ gửi cho người được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, người nắm độc quyền sử dụng sáng chế và cơ quan thẩm định hồ sơ của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Cơ quan thẩm định hồ sơ của Bộ Khoa học và Công nghệ phải ghi nhận quyết định vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp trong thời hạn 01 tháng và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra quyết định.

Điều 57. Yêu cầu chấm dứt quyền sử dụng sáng chế theo quyết định bắt buộc

1. Việc chấm dứt quyền sử dụng sáng chế theo quyết định bắt buộc phải được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, người đã ra quyết định bắt buộc chuyển giao, quyết định.

2. Yêu cầu chấm dứt quyền sử dụng sáng chế theo quyết định bắt buộc gồm các tài liệu sau đây:

a) Văn bản yêu cầu chấm dứt quyền sử dụng sáng chế theo quyết định bắt buộc;

b) Tài liệu chứng minh căn cứ dẫn đến việc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo quyết định bắt buộc không còn tồn tại và không có khả năng tái xuất hiện, đồng thời việc chấm dứt sử dụng sáng chế không gây thiệt hại cho người được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo quyết định bắt buộc;

c) Văn bản ủy quyền (trường hợp yêu cầu được nộp thông qua đại diện);

d) Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan thẩm định hồ sơ của Bộ Khoa học và Công nghệ).

3. Thủ tục tiếp nhận, xử lý yêu cầu chấm dứt quyền sử dụng sáng chế theo quy định bắt buộc và ra quyết định chấm dứt được thực hiện như đối với thủ tục tiếp nhận, xử lý hồ sơ yêu cầu chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo quyết định bắt buộc quy định tại Điều 55 của Nghị định này.

Điều 58. Hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp

1. Hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp gồm 01 bộ tài liệu sau đây:

a) Tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp, làm theo Mẫu số 01 tại Phụ lục IV của Nghị định này;

b) 01 bản hợp đồng (bản gốc hoặc bản sao được chứng thực theo quy định); nếu hợp đồng làm bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt thì phải kèm theo bản dịch hợp đồng ra tiếng Việt; hợp đồng có nhiều trang thì từng trang phải có chữ ký xác nhận của các bên hoặc đóng dấu giáp lai;

c) Bản gốc văn bằng bảo hộ trong trường hợp văn bằng bảo hộ được cấp dưới dạng giấy;

d) Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu về việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp, nếu quyền sở hữu công nghiệp tương ứng thuộc sở hữu chung;

đ) Văn bản ủy quyền (trường hợp yêu cầu được nộp thông qua đại diện);

e) Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp);

g) Đối với hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, ngoài các tài liệu nêu trên, cần có thêm các tài liệu sau đây:

g1) Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận của Bên nhận chuyển nhượng theo quy định tại Điều 105 của Luật Sở hữu trí tuệ;

g2) Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn của bên nhận chuyển nhượng đối với nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 87 của Luật Sở hữu trí tuệ.

Trong trường hợp này, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thẩm định lại về quyền nộp đơn và quy chế sử dụng nhãn hiệu. Người nộp đơn phải nộp phí thẩm định đơn ngoài các khoản phí, lệ phí đối với hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp theo quy định.

2. Hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp phải gồm các tài liệu sau đây:

a) Tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, làm theo Mẫu số 02 tại Phụ lục IV của Nghị định này;

b) 02 bản hợp đồng (bản gốc hoặc bản sao kèm theo bản gốc để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực theo quy định); nếu hợp đồng làm bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt thì phải kèm theo bản dịch hợp đồng ra tiếng Việt; nếu hợp đồng có nhiều trang thì từng trang phải có chữ ký xác nhận của các bên hoặc đóng dấu giáp lai;

c) Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu về việc chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, nếu quyền sở hữu công nghiệp tương ứng thuộc sở hữu chung;

d) Văn bản ủy quyền (trường hợp yêu cầu được nộp thông qua đại diện);

đ) Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp).

3. Mỗi hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp chỉ được ghi nhận cho một bước chuyển giao. Trường hợp đối tượng sở hữu công nghiệp được chuyển giao nhiều bước thì mỗi bước chuyển giao phải nộp một hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp riêng.

Điều 59. Thủ tục xử lý hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp

1. Trong trường hợp hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp không có các thiếu sót nêu tại khoản 3 Điều này, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thực hiện các công việc sau đây:

a) Ra quyết định ghi nhận chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp (đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp) và quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp (đối với hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp);

b) Đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp: Ghi nhận vào văn bằng bảo hộ chủ sở hữu mới; trong trường hợp chuyển nhượng một phần danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ thì cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho bên nhận và xác định giới hạn danh mục hàng hóa, dịch vụ trong văn bằng bảo hộ gốc đối với phần chuyển nhượng đó;

c) Đối với hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp: Cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp cho người nộp hồ sơ; đóng dấu đăng ký vào 02 bản hợp đồng và trao người nộp hồ sơ 01 bản, lưu 01 bản;

d) Ghi nhận việc chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp;

đ) Công bố quyết định ghi nhận chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp và quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp trên Công báo Sở hữu công nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra quyết định.

2. Trong trường hợp hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp có thiếu sót theo quy định tại khoản 3 Điều này, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thực hiện các thủ tục sau đây:

a) Ra thông báo dự định từ chối đăng ký hợp đồng, trong đó nêu rõ các thiếu sót của hồ sơ, ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ký thông báo để người nộp hồ sơ sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối về dự định từ chối đăng ký hợp đồng;

b) Ra quyết định từ chối đăng ký hợp đồng nếu người nộp hồ sơ không sửa chữa thiếu sót hoặc có sửa chữa thiếu sót nhưng không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc có ý kiến phản đối nhưng không xác đáng về dự định từ chối đăng ký hợp đồng trong thời hạn đã được ấn định.

3. Hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp bị coi là có thiếu sót nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Tờ khai không hợp lệ;

b) Thiếu một trong các tài liệu trong danh mục tài liệu phải có;

c) Văn bản ủy quyền không hợp lệ;

d) Bản sao hợp đồng không được xác nhận hợp lệ;

đ) Tên, địa chỉ của bên chuyển giao trong hợp đồng không phù hợp với các thông tin tương ứng trong văn bằng bảo hộ hoặc trong hợp đồng là căn cứ phát sinh quyền chuyển giao, văn bản ủy quyền, tờ khai; tên, địa chỉ của bên được chuyển giao trong hợp đồng không phù hợp với tên, địa chỉ ghi trong văn bản ủy quyền, tờ khai;

e) Hợp đồng không có đủ chữ ký (và con dấu, nếu có) của bên chuyển giao và bên được chuyển giao;

g) Bên chuyển nhượng không phải là chủ văn bằng bảo hộ;

h) Đối tượng sở hữu công nghiệp liên quan không còn trong thời hạn hiệu lực bảo hộ hoặc đang có tranh chấp;

i) Hợp đồng chuyển giao thiếu các nội dung phải có theo quy định tương ứng tại Điều 140 hoặc khoản 1 Điều 144 của Luật Sở hữu trí tuệ;

k) Hợp đồng có nội dung không phù hợp với quy định về các điều kiện hạn chế việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp tại Điều 139 của Luật Sở hữu trí tuệ hoặc có các điều khoản hạn chế bất hợp lý quyền của bên được chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 144 của Luật Sở hữu trí tuệ;

l) Có căn cứ để khẳng định rằng việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của bên thứ ba.

4. Thời hạn xử lý hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp là 02 tháng. Thời gian dành cho người nộp hồ sơ sửa chữa thiếu sót không được tính vào thời gian xử lý hồ sơ.

5. Sau khi hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp được nộp cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp, các bên có tranh chấp liên quan đến hợp đồng thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp tạm dừng xem xét hồ sơ cho đến khi các bên giải quyết được tranh chấp và nộp tài liệu chứng minh đã giải quyết được tranh chấp thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp tiếp tục xem xét hồ sơ theo quy định.

6. Trước khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định ghi nhận hoặc từ chối ghi nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp, một trong các bên muốn rút hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp thì phải có ý kiến đồng thuận của cả hai bên về việc rút hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp đã nộp, trừ trường hợp rút đơn do không thể khắc phục được các thiếu sót theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.

Điều 60. Điều kiện hạn chế việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu

1. Việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu theo quy định tại khoản 4 Điều 139 của Luật Sở hữu trí tuệ được coi là gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu trong các trường hợp sau đây:

a) Nhãn hiệu được chuyển nhượng trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu khác đang được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hoặc đăng ký quốc tế nhãn hiệu thuộc quyền sở hữu của bên chuyển nhượng;

b) Một phần hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu được chuyển nhượng tương tự với phần hàng hóa, dịch vụ còn lại thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc quyền sở hữu của bên chuyển nhượng và việc sử dụng nhãn hiệu cùng với phần hàng hóa, dịch vụ đó của bên nhận chuyển nhượng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc thương mại của hàng hóa, dịch vụ (đối với trường hợp phạm vi chuyển nhượng là một phần danh mục hàng hóa, dịch vụ);

c) Nhãn hiệu được chuyển nhượng có chứa yếu tố là dấu hiệu làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn hoặc hiểu sai lệch về xuất xứ, chất lượng, giá trị, v.v… của hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi chuyển nhượng.

2. Quyền đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức đáp ứng các điều kiện đối với tổ chức có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận đó.

Điều 61. Ghi nhận việc sửa đổi nội dung, gia hạn, chấm dứt trước thời hạn hiệu lực hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp

1. Việc sửa đổi nội dung, gia hạn, chấm dứt trước thời hạn hiệu lực của hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đã đăng ký đều phải được ghi nhận tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điều này.

2. Hồ sơ yêu cầu ghi nhận sửa đổi nội dung, gia hạn, chấm dứt trước thời hạn hiệu lực hợp đồng được thực hiện như sau:

a) Hồ sơ yêu cầu ghi nhận việc sửa đổi nội dung, gia hạn, chấm dứt trước thời hạn hiệu lực của hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp phải làm thành văn bản gồm các tài liệu sau đây:

a1) Tờ khai yêu cầu ghi nhận việc sửa đổi nội dung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực trước thời hạn của hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, làm theo Mẫu số 03 tại Phụ lục IV của Nghị định này;

a2) Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp (trường hợp đăng ký sửa đổi nội dung, gia hạn hiệu lực của hợp đồng);

a3) Tài liệu chứng minh việc sửa đổi tên, địa chỉ của các bên trong hợp đồng;

a4) Thỏa thuận, tài liệu ghi nhận về những điều khoản cụ thể cần sửa đổi, bổ sung trong hợp đồng, kể cả việc gia hạn hoặc chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trước thời hạn;

a5) Văn bản ủy quyền (trường hợp yêu cầu được nộp thông qua đại diện);

a6) Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp).

b) Hồ sơ yêu cầu gia hạn hợp đồng phải được nộp trong vòng 01 tháng tính đến ngày kết thúc thời hạn hợp đồng ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp.

3. Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận hồ sơ yêu cầu ghi nhận việc sửa đổi nội dung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực trước thời hạn hợp đồng, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp có trách nhiệm xem xét hồ sơ theo quy định sau đây:

a) Trong trường hợp hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định ghi nhận sửa đổi nội dung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực trước thời hạn của hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp; ghi nhận các nội dung sửa đổi, gia hạn hiệu lực hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp vào Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp; ghi nhận các nội dung sửa đổi, gia hạn, chấm dứt hiệu lực trước thời hạn hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp; công bố các quyết định ghi nhận sửa đổi nội dung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực trước thời hạn hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp trên Công báo Sở hữu công nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra quyết định;

b) Trong trường hợp hồ sơ có thiếu sót, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra thông báo dự định từ chối ghi nhận việc sửa đổi nội dung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực trước thời hạn hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, trong đó nêu rõ các thiếu sót của hồ sơ và ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra thông báo dự định từ chối để người nộp hồ sơ sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối về dự định từ chối đăng ký hợp đồng.

Nếu người nộp hồ sơ không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc có ý kiến phản đối nhưng không xác đáng trong thời hạn đã được ấn định, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định từ chối ghi nhận việc sửa đổi nội dung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực trước thời hạn hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp.

Chương VI

ĐẠI DIỆN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

Điều 62. Chương trình đào tạo pháp luật về sở hữu công nghiệp

1. Chương trình đào tạo pháp luật về sở hữu công nghiệp phải đảm bảo cung cấp cho người học các kiến thức, kỹ năng vận dụng pháp luật sở hữu công nghiệp cần thiết để giải quyết các vấn đề cụ thể liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp với thời lượng tối thiểu là 20 đơn vị học trình hoặc 18 tín chỉ (trong đó, có ít nhất 40% thời lượng đào tạo thực hành, thực tập nghề nghiệp hoặc thực tập tốt nghiệp).

2. Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng chương trình khung đào tạo pháp luật về sở hữu công nghiệp theo các tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Khóa đào tạo pháp luật về sở hữu công nghiệp quy định tại điểm d khoản 2khoản 2a Điều 155 của Luật Sở hữu trí tuệ được giảng dạy theo chương trình khung quy định tại khoản 2 Điều này thì được Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận.

4. Cá nhân được coi là đã tốt nghiệp khóa đào tạo pháp luật về sở hữu công nghiệp quy định tại điểm d khoản 2khoản 2a Điều 155 của Luật Sở hữu trí tuệ nếu tốt nghiệp khóa đào tạo về sở hữu công nghiệp đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều này và được Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận theo khoản 3 Điều này.

Điều 63. Kiểm tra nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp

1. Việc kiểm tra nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp được tiến hành nhằm đánh giá khả năng vận dụng pháp luật sở hữu công nghiệp để giải quyết các vấn đề cụ thể liên quan đến xác lập và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp tổ chức kỳ kiểm tra nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp định kỳ 02 năm/lần. Kế hoạch tổ chức kỳ kiểm tra nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp phải được công bố trên cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.

3. Kết quả kiểm tra được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thông báo cho người dự kiểm tra. Người dự kiểm tra có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp phúc tra kết quả kiểm tra.

4. Kết quả kiểm tra của cá nhân đáp ứng quy định tại điểm e khoản 2 Điều 155 của Luật Sở hữu trí tuệ có giá trị trong thời hạn 05 năm (kể từ ngày ra thông báo kết quả kiểm tra) cho việc đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.

5. Hội đồng kiểm tra nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp do cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thành lập, có nhiệm vụ tổ chức kỳ kiểm tra nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp theo Quy chế kiểm tra nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp do cơ quan đó ban hành.

6. Cá nhân đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại các điểm từ a đến đ khoản 2 Điều 155 của Luật Sở hữu trí tuệ được đăng ký dự kiểm tra nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp theo quy định tại khoản 7 Điều này.

7. Hồ sơ đăng ký dự kiểm tra được nộp cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp gồm 01 bộ tài liệu sau đây:

a) Tờ khai đăng ký dự kiểm tra, làm theo Mẫu số 01 tại Phụ lục V của Nghị định này;

b) Bản sao bằng cử nhân hoặc văn bằng trình đ tương đương quy định tại điểm c khoản 2 Điều 155 của Luật Sở hữu trí tuệ (xuất trình bản chính đ đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực);

c) Bản sao giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo pháp luật về sở hữu công nghiệp được Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận quy định tại Điều 62 Nghị định này (xuất trình bản chính đ đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực); hoặc bản sao quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động và tài liệu khác (có xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi công tác) chứng minh thời gian ít nhất 05 năm trực tiếp làm công tác thẩm định đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tại cơ quan quốc gia hoặc quốc tế về sở hữu công nghiệp hoặc công tác pháp luật về sở hữu công nghiệp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 155 của Luật Sở hữu trí tuệ, bao gồm công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm sát, xét xử, pháp chế, tư vấn pháp luật, quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp; nghiên cứu khoa học (có chức danh nghiên cứu viên) và giảng dạy về sở hữu công nghiệp (xuất trình bản chính đ đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực);

d) 02 ảnh 3 x 4 (cm);

đ) Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp).

8. Hồ sơ đăng ký dự kiểm tra được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp xử lý trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ theo trình tự như sau:

a) Trường hợp hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thông báo cho người nộp hồ sơ về việc đủ điều kiện tham dự kỳ kiểm tra, đồng thời thông báo về dự kiến thời gian, địa điểm, lịch kiểm tra;

b) Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thông báo các thiếu sót của hồ sơ và ấn định thời hạn 01 tháng kể từ ngày ra thông báo để người nộp hồ sơ sửa chữa thiếu sót;

c) Trường hợp người nộp hồ sơ không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định từ chối chấp nhận đơn đăng ký dự kiểm tra, trong đó nêu rõ lý do từ chối.

Điều 64. Cấp, cấp lại, thu hồi Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp

1. Việc cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp được thực hiện như sau:

a) Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp cấp cho cá nhân đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 22a Điều 155 của Luật Sở hữu trí tuệ nếu có yêu cầu và nộp phí, lệ phí theo quy định của pháp luật;

b) Hồ sơ yêu cầu cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp gồm 01 bộ tài liệu như sau:

b1) Tờ khai yêu cầu cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, làm theo Mẫu số 02 tại Phụ lục V của Nghị định này;

b2) Bản sao giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo pháp luật về sở hữu công nghiệp và bản sao Thẻ luật sư đối với trường hợp đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định tại khoản 2a Điều 155 của Luật Sở hữu trí tuệ (xuất trình bản chính để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực);

b3) 02 ảnh 3 x 4 (cm);

b4) Bản sao Chứng minh nhân dân (xuất trình bản chính đ đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực), trừ trường hợp Tờ khai yêu cầu cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp đã có thông tin về số Căn cước công dân;

b5) Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp).

c) Hồ sơ yêu cầu cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp xử lý trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận hồ sơ theo trình tự sau đây:

c1) Trường hợp hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp quyết định cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, trong đó ghi rõ họ tên, ngày sinh, địa chỉ thường trú, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, số Chứng chỉ và lĩnh vực hành nghề của người được cấp chứng chỉ; ghi nhận việc cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp vào Sổ đăng ký quốc gia về đại diện sở hữu công nghiệp và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp, Cổng thông tin điện tử của cơ quan đó trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra quyết định;

c2) Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thông báo các thiếu sót của hồ sơ và ấn định thời hạn 01 tháng kể từ ngày ra thông báo để người nộp hồ sơ sửa chữa thiếu sót;

c3) Trường hợp người nộp hồ sơ không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định từ chối cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, trong đó nêu rõ lý do từ chối;

d) Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp được làm theo Mẫu số 03 tại Phụ lục V của Nghị định này.

2. Việc cấp lại Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp được thực hiện như sau:

a) Trong các trường hợp sau đây, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp cấp lại Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp nếu người đại diện sở hữu công nghiệp yêu cầu và nộp phí, lệ phí theo quy định:

a1) Thông tin trong Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp quy định tại điểm c1 khoản 1 Điều này đã có sự thay đổi;

a2) Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp bị mất, bị lỗi hoặc bị hỏng (rách, bẩn, phai mờ, v.v...) đến mức không sử dụng được;

a3) Đã khôi phục đủ điều kiện được cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp trong trường hợp bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề do không còn đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 22a Điều 155 của Luật Sở hữu trí tuệ.

b) Hồ sơ yêu cầu cấp lại Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp được nộp cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp bao gồm 01 bộ tài liệu như sau:

b1) Tờ khai yêu cầu cấp lại Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, làm theo Mẫu số 04 tại Phụ lục V của Nghị định này;

b2) 02 ảnh 3 x 4 (cm);

b3) Bản sao Chứng minh nhân dân (xuất trình bản chính để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực), trừ trường hợp Tờ khai yêu cầu cấp lại Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp đã có thông tin về số Căn cước công dân, đối với trường hợp quy định tại điểm a1 khoản này;

b4) Tài liệu chứng minh đã khôi phục đủ điều kiện được cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp đối với trường hợp quy định tại điểm a3 khoản này;

b5) Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp).

c) Hồ sơ yêu cầu cấp lại Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp xử lý trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ theo trình tự như thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.

d) Trong trường hợp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp bị lỗi do cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp gây ra thì cơ quan này có trách nhiệm cấp lại Chứng chỉ hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của người được cấp Chứng chỉ, không thu phí khi cấp lại Chứng chỉ.

3. Việc thu hồi chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp được thực hiện như sau:

a) Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp bị cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thu hồi trong các trường hợp sau đây:

a1) Người được cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp không còn đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 22a Điều 155 của Luật Sở hữu trí tuệ;

a2) Người được cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại khoản 4 Điều 156 của Luật Sở hữu trí tuệ;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp chủ động hoặc theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân thu hồi Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp nếu có căn cứ khẳng định người được cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a khoản này;

c) Tổ chức, cá nhân yêu cầu thu hồi Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp phải nộp 01 bộ tài liệu như sau:

c1) Đơn yêu cầu thu hồi Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp;

c2) Tài liệu chứng minh căn cứ thu hồi Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.

d) Trình tự thu hồi Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp được thực hiện như sau:

d1) Trường hợp tổ chức, cá nhân có yêu cầu thu hồi Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp theo quy định tại điểm c khoản này, trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thông báo bằng văn bản về yêu cầu này cho người được cấp Chứng chỉ hành nghề và ấn định thời hạn là 01 tháng kể từ ngày ra thông báo để người đó có ý kiến. Trên cơ sở xem xét ý kiến của các bên, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định thu hồi Chứng chỉ hành nghề hoặc quyết định từ chối thu hồi Chứng chỉ hành nghề và gửi cho các bên;

d2) Trường hợp có căn cứ khẳng định người được cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp không còn đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 22a Điều 155 của Luật Sở hữu trí tuệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thông báo bằng văn bản về dự định thu hồi Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp cho người được cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp và ấn định thời hạn 01 tháng kể từ ngày ra thông báo để người đó có ý kiến. Trên cơ sở xem xét ý kiến của người được cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định thu hồi Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp hoặc thông báo không thu hồi Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp cho người được cấp;

d3) Trường hợp có quyết định thu hồi Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được quyết định nói trên, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định thu hồi Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp;

d4) Quyết định thu hồi Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về đại diện sở hữu công nghiệp và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra quyết định.

Điều 65. Ghi nhận và xóa tên đại diện sở hữu công nghiệp

1. Việc ghi nhận tổ chức đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp được thực hiện như sau:

a) Tổ chức có đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 154 của Luật Sở hữu trí tuệ được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ghi nhận là tổ chức kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp trong Sổ đăng ký quốc gia về đại diện sở hữu công nghiệp và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp nếu có yêu cầu và nộp phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.

Chi nhánh và các đơn vị phụ thuộc khác của các tổ chức có đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 154 của Luật Sở hữu trí tuệ chỉ được kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp dưới danh nghĩa của tổ chức mà mình phụ thuộc.

b) Hồ sơ yêu cầu ghi nhận tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp vào Sổ đăng ký quốc gia về đại diện sở hữu công nghiệp nộp cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp do tổ chức đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 154 của Luật Sở hữu trí tuệ đứng tên, gồm 01 bộ tài liệu như sau:

b1) Tờ khai yêu cầu ghi nhận tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, làm theo Mẫu số 05 tại Phụ lục V của Nghị định này, trong đó điền đầy đủ thông tin về tổ chức và thông tin về người đại diện sở hữu công nghiệp được ủy quyền của tổ chức;

b2) Bản sao quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động của tổ chức đối với người có Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp (xuất trình bản chính để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực);

b3) Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp).

c) Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ yêu cầu ghi nhận tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp xem xét hồ sơ theo trình tự như đối với thủ tục cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 64 của Nghị định này.

2. Việc ghi nhận người đại diện sở hữu công nghiệp được thực hiện như sau:

a) Cá nhân đủ điều kiện hành nghề dịch vụ đại diện ở hữu công nghiệp có thể yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ghi nhận là người đại diện sở hữu công nghiệp trong Sổ đăng ký quốc gia về đại diện sở hữu công nghiệp và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 156 của Luật Sở hữu trí tuệ, quy định tại khoản này và phải nộp phí, lệ phí theo quy định.

b) Hồ sơ yêu cầu ghi nhận người đại diện sở hữu công nghiệp vào Sổ đăng ký quốc gia về đại diện sở hữu công nghiệp nộp cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp do cá nhân đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 155 của Luật Sở hữu trí tuệ đứng tên, gồm 01 bộ tài liệu như sau:

b1) Tờ khai yêu cầu ghi nhận người đại diện sở hữu công nghiệp, làm theo Mẫu số 06 tại Phụ lục V của Nghị định này, trong đó điền đầy đủ thông tin về cá nhân và tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp nơi cá nhân hành nghề;

b2) Bản sao quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động của tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp đối với cá nhân (xuất trình bản chính để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực);

b3) Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp).

c) Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ yêu cầu ghi nhận người đại diện sở hữu công nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp xem xét hồ sơ theo trình tự như đối với thủ tục cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 64 của Nghị định này.

3. Việc ghi nhận thay đổi thông tin của tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp được thực hiện như sau:

a) Tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp có thể yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ghi nhận các thay đổi liên quan đến thông tin đã được ghi nhận trong Sổ đăng ký quốc gia về đại diện sở hữu công nghiệp (bao gồm tên đầy đ, tên giao dịch, tên viết tắt, địa chỉ của tổ chức, lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, họ tên và số Chứng chỉ của người đại diện sở hữu công nghiệp hành nghề trong tổ chức) theo quy định tại điểm này và phải nộp phí, lệ phí theo quy định.

b) Hồ sơ yêu cầu ghi nhận thay đổi thông tin của tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp nộp cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp gồm các tài liệu sau đây:

b1) Tờ khai yêu cầu ghi nhận thay đổi thông tin của tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp làm theo Mẫu số 07 tại Phụ lục V của Nghị định này;

b2) Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đã được sửa đổi của tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp trong trường hợp thay đổi tên, địa chỉ (xuất trình bản chính để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực), trừ trường hợp Mã số doanh nghiệp đã được khai trong Tờ khai yêu cầu ghi nhận thay đổi về tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp;

b3) Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp).

c) Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ yêu cầu ghi nhận thay đổi thông tin của tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp xem xét hồ sơ theo trình tự như đối với thủ tục cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 64 Nghị định này.

4. Việc xóa tên tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp được thực hiện như sau:

a) Tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp phải làm thủ tục xóa tên trong Sổ đăng ký quốc gia về đại diện sở hữu công nghiệp tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp trong các trường hợp sau đây:

a1) Tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp từ bỏ, chấm dứt kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp;

a2) Tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp không còn đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 154 của Luật Sở hữu trí tuệ;

b) Hồ sơ yêu cầu xóa tên tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp nộp cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp gồm các tài liệu sau đây:

b1) Tờ khai yêu cầu xóa tên tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp làm theo Mẫu số 08 tại Phụ lục V của Nghị định này;

b2) Tài liệu chứng minh tổ chức không còn đ điều kiện kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp;

b3) Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp).

c) Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ yêu cầu xóa tên tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp xem xét hồ sơ theo trình tự như đối với thủ tục cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 64 Nghị định này.

5. Việc xóa tên người đại diện sở hữu công nghiệp được thực hiện như sau:

a) Người đại diện sở hữu công nghiệp phải làm thủ tục xóa tên trong Sổ đăng ký quốc gia về đại diện sở hữu công nghiệp tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp khi không còn đáp ứng điều kiện hành nghề theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 155 của Luật Sở hữu trí tuệ.

b) Hồ sơ yêu cầu xóa tên người đại diện sở hữu công nghiệp nộp cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp gồm các tài liệu sau đây:

b1) Tờ khai yêu cầu xóa tên người đại diện sở hữu công nghiệp làm theo Mẫu số 09 tại Phụ lục V của Nghị định này;

b2) Tài liệu chứng minh người được cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp không đáp ứng điều kiện hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 155 của Luật Sở hữu trí tuệ (quyết định chấm dứt hợp đồng lao động hoặc các tài liệu khác);

b3) Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp);

c) Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ yêu cầu xóa tên người đại diện sở hữu công nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp xem xét hồ sơ theo trình tự như đối với thủ tục cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 64 Nghị định này.

Chương VII

CÁC BIỆN PHÁP THÚC ĐẨY HOẠT ĐỘNG SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

Điều 66. Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho hoạt động sở hữu công nghiệp

1. Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết về nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng về sở hữu công nghiệp.

2. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức việc bồi dưỡng về sở hữu công nghiệp cho những người làm công tác quản lý nhà nước, thẩm định, giám định, xử lý vi phạm, xâm phạm về sở hữu công nghiệp.

Điều 67. Bảo đảm thông tin sở hữu công nghiệp

1. Hệ thống thông tin sở hữu công nghiệp bao gồm tập hợp các thông tin liên quan đến tất cả các đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ tại Việt Nam, các thông tin chọn lọc theo mục đích hoặc theo chủ đ về các đối tượng sở hữu công nghiệp của nước ngoài, được phân loại, sắp xếp phù hợp và thuận tiện cho việc tìm kiếm (tra cứu), phân phối và sử dụng.

2. Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm tổ chức xây dựng, quản lý các kho thông tin sở hữu công nghiệp, xây dựng các công cụ phân loại, tra cứu, hướng dẫn cách tra cứu và sử dụng thông tin sở hữu công nghiệp trong và ngoài nước; tổ chức việc cung ứng thông tin đầy đ, kịp thời, chính xác, bảo đảm khả năng tiếp cận các kho thông tin cho các đối tượng có nhu cầu dùng tin phục vụ các hoạt động xác lập và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, nghiên cứu, phát triển và kinh doanh; quản lý và tổ chức thực hiện việc chia sẻ, kết nối, khai thác, hợp tác quốc tế và các hoạt động khác liên quan đến cơ sở dữ liệu quốc gia về sở hữu công nghiệp.

Điều 68. Mở rộng phạm vi sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí của Nhà nước

1. Đối với những sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí do Nhà nước sở hữu và trong trường hợp khả năng sử dụng của chủ văn bằng bảo hộ không đáp ứng được nhu cầu của xã hội thì các tổ chức khác của Nhà nước có quyền yêu cầu chủ văn bằng bảo hộ chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí đó với các điều kiện sau đây:

a) Quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được chuyển giao thuộc dạng không độc quyền và không được chuyển giao quyền đó cho người khác;

b) Phạm vi sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí của bên nhận chuyển giao không ảnh hưởng đến việc sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí cho đến hết khả năng của chủ văn bằng bảo hộ;

c) Trong trường hợp sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí sử dụng không nhằm mục đích thương mại, giá chuyển giao quyền sử dụng mà bên nhận quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí phải trả cho chủ văn bằng bảo hộ bằng 50% mức mà bên nhận không phải là tổ chức nhà nước phải trả đ nhận quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí đó với điều kiện khác tương đương.

2. Việc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí của Nhà nước cho các tổ chức nhà nước quy định tại khoản 1 Điều này không ảnh hưởng đến quyền của chủ văn bằng bảo hộ trong việc chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng đó cho các tổ chức khác không phải của Nhà nước.

Điều 69. Khuyến khích tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoạt động sở hữu công nghiệp

Các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp được tạo điều kiện đ thực hiện chức năng tư vấn, phản biện xã hội về sở hữu công nghiệp và thúc đẩy các hoạt động dịch vụ xã hội ngoài công lập nhằm phát huy đầy đ vai trò bổ trợ cho hoạt động của các cơ quan nhà nước và hỗ trợ cho các chủ thể quyền sở hữu công nghiệp.

Điều 70. Các biện pháp khác khuyến khích hoạt động sáng tạo

Nhà nước khuyến khích và bảo trợ các hoạt động sáng tạo công nghệ bằng các biện pháp sau đây:

1. Bảo trợ các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật.

2. Khen thưởng, phổ biến kinh nghiệm, phương pháp sáng tạo, điển hình tiên tiến về lao động sáng tạo.

3. Hỗ trợ hoạt động xác lập và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với các thành quả sáng tạo.

Phần thứ tư

BẢO VỆ QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP, QUYỀN ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG

Chương I

XÁC ĐỊNH HÀNH VI, TÍNH CHẤT VÀ MỨC ĐỘ XÂM PHẠM, XÁC ĐỊNH THIỆT HẠI

Mục 1. CĂN CỨ XÁC ĐỊNH HÀNH VI, TÍNH CHẤT VÀ MỨC ĐỘ XÂM PHẠM

Điều 71. Áp dụng các biện pháp dân sự, hành chính, hình sự để bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng

Tùy theo tính chất và mức độ, hành vi xâm phạm có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự theo quy định tại Phần thứ năm (Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ) của Luật Sở hữu trí tuệ và theo quy định sau đây:

1. Biện pháp dân sự được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng hoặc của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, kể cả khi hành vi đó đã hoặc đang bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc biện pháp hình sự.

Thủ tục yêu cầu áp dụng biện pháp dân sự, thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp dân sự tuân theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

2. Biện pháp hành chính được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 211 của Luật Sở hữu trí tuệ, theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, tổ chức, cá nhân phát hiện hành vi xâm phạm hoặc do cơ quan có thẩm quyền chủ động phát hiện.

Hình thức, mức phạt, thẩm quyền, thủ tục xử phạt hành vi xâm phạm và các biện pháp khắc phục hậu quả tuân theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng.

3. Biện pháp hình sự được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm trong trường hợp hành vi đó có đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp hình sự tuân theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

Điều 72. Xác định hành vi xâm phạm

Hành vi bị xem xét bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng quy định tại các Điều 126, 127, 129 và 188 của Luật Sở hữu trí tuệ, khi có đủ các căn cứ sau đây:

1. Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ;

2. Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét;

3. Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 125, Điều 133, khoản 3 Điều 133a, Điều 134, khoản 2 Điều 137, các Điều 145, 190 và 195 của Luật Sở hữu trí tuệ;

4. Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam. Hành vi cũng bị coi là xảy ra tại Việt Nam nếu hành vi đó xảy ra trên mạng Internet và được thực hiện trên trang thông tin điện tử dưới tên miền Việt Nam hoặc có ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt hoặc nhằm vào người tiêu dùng hoặc người dùng tin tại Việt Nam.

Điều 73. Căn cứ xác định đối tượng được bảo hộ

1. Việc xác định đối tượng được bảo hộ được thực hiện bằng cách xem xét các tài liệu, chứng cứ chứng minh căn cứ phát sinh, xác lập quyền theo quy định tại Điều 6 của Luật Sở hữu trí tuệ.

2. Đối với các loại quyền sở hữu công nghiệp đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền, đối tượng được bảo hộ được xác định theo giấy xác nhận đăng ký, văn bằng bảo hộ và các tài liệu kèm theo giấy xác nhận đăng ký, văn bằng bảo hộ đó.

3. Đối với tên thương mại, đối tượng được bảo hộ được xác định trên cơ sở quá trình sử dụng, lĩnh vực và lãnh thổ sử dụng tên thương mại đó.

4. Đối với bí mật kinh doanh, đối tượng được bảo hộ được xác định trên cơ sở các tài liệu thể hiện nội dung, bản chất của bí mật kinh doanh và thuyết minh, mô tả về biện pháp bảo mật tương ứng.

5. Đối với nhãn hiệu nổi tiếng, đối tượng được bảo hộ được xác định trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ về việc sử dụng rộng rãi để đạt được sự nổi tiếng của nhãn hiệu theo các tiêu chí quy định tại Điều 75 của Luật Sở hữu trí tuệ.

6. Đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ theo điều ước quốc tế, đối tượng bảo hộ được xác định theo điều ước quốc tế hoặc theo Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp.

7. Quyền đối với giống cây trồng được xác định theo Bằng bảo hộ giống cây trồng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Điều 74. Yếu tố xâm phạm quyền sở hữu đối với sáng chế

1. Yếu tố xâm phạm quyền đối với sáng chế có thể thuộc một trong các dạng sau đây:

a) Sản phẩm hoặc bộ phận (phần) sản phẩm trùng hoặc tương đương với sản phẩm hoặc bộ phận (phần) của sản phẩm thuộc phạm vi bảo hộ sáng chế;

b) Quy trình trùng hoặc tương đương với quy trình thuộc phạm vi bảo hộ sáng chế;

c) Sản phẩm hoặc bộ phận (phần) của sản phẩm được sản xuất theo quy trình trùng hoặc tương đương với quy trình thuộc phạm vi bảo hộ sáng chế.

2. Căn cứ để xác định yếu tố xâm phạm quyền đối với sáng chế là phạm vi bảo hộ sáng chế được xác định theo Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích hoặc bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp.

Điều 75. Yếu tố xâm phạm quyền đối với thiết kế bố trí

1. Yếu tố xâm phạm quyền đối với thiết kế bố trí có thể thuộc một trong các dạng sau đây:

a) Thiết kế bố trí được tạo ra do sao chép trái phép thiết kế bố trí được bảo hộ;

b) Mạch tích hợp bán dẫn được tạo ra một cách trái phép theo thiết kế bố trí được bảo hộ;

c) Sản phẩm hoặc bộ phận (phần) sản phẩm gắn mạch tích hợp bán dẫn quy định tại điểm b khoản này.

2. Căn cứ xác định yếu tố xâm phạm quyền đối với thiết kế bố trí là phạm vi bảo hộ quyền đối với thiết kế bố trí được xác định theo Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn hoặc bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp.

Điều 76. Yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp

1. Yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp là sản phẩm hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp mà hình dáng bên ngoài không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ.

2. Căn cứ để xác định yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp là phạm vi bảo hộ kiểu dáng công nghiệp được xác định theo Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, quyết định chấp nhận bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đăng ký quốc tế hoặc bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp.

3. Sản phẩm, bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp có hình dáng bên ngoài bị coi là không khác biệt đáng kể đối với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Sản phẩm hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp bị xem xét, kể cả trường hợp đã được cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, có hình dáng bên ngoài là tập hợp các đặc điểm tạo dáng hợp thành một tổng thể là bản sao hoặc về bản chất là bản sao (gần như không thể phân biệt được sự khác biệt) của kiểu dáng công nghiệp của người khác đã được bảo hộ;

b) Sản phẩm hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp bị xem xét có hình dáng bên ngoài là tập hợp các đặc điểm tạo dáng hợp thành một tổng thể là bản sao hoặc về bản chất là bản sao của kiểu dáng công nghiệp của ít nhất một sản phẩm trong bộ sản phẩm được bảo hộ của người khác.

Điều 77. Yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu

1. Yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu là dấu hiệu gắn với hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch, biển hiệu, phương tiện quảng cáo và các phương tiện kinh doanh khác, trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ.

2. Căn cứ để xem xét yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu là phạm vi bảo hộ nhãn hiệu, gồm mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hóa, dịch vụ được xác định tại Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hoặc Giấy xác nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam hoặc bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp hoặc thông qua việc đánh giá chứng cứ chứng minh nhãn hiệu nổi tiếng theo quy định tại Điều 75 của Luật Sở hữu trí tuệ.

3. Để xác định một dấu hiệu bị nghi ngờ có phải là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu hay không, cần phải so sánh dấu hiệu đó với nhãn hiệu, đồng thời phải so sánh hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi bảo hộ. Chỉ có thể khẳng định có yếu tố xâm phạm khi đáp ứng cả hai điều kiện sau đây:

a) Dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ; trong đó một dấu hiệu bị coi là trùng với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có cùng cấu tạo và cách thức thể hiện; một dấu hiệu bị coi là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có một số thành phần hoàn toàn trùng nhau hoặc tương tự đến mức không dễ dàng phân biệt với nhau về cấu tạo, cách phát âm, phiên âm, ý nghĩa, cách trình bày, màu sắc đối với dấu hiệu nhìn thấy được, nhạc điệu, âm điệu đối với dấu hiệu âm thanh và việc sử dụng dấu hiệu có khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu;

b) Hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự về bản chất hoặc về chức năng, công dụng và có cùng kênh tiêu thụ với hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi bảo hộ; hoặc có mối liên quan với nhau về bản chất hoặc chức năng hoặc phương thức thực hiện.

4. Đối với nhãn hiệu nổi tiếng, dấu hiệu bị nghi ngờ bị coi là yếu tố xâm phạm nếu:

a) Dấu hiệu bị nghi ngờ đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a khoản 3 Điều này;

b) Hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu bị nghi ngờ đáp ứng điều kiện quy định tại điểm b khoản 3 Điều này hoặc hàng hóa, dịch vụ không trùng, không tương tự, không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng nhưng có khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.

Điều 78. Yếu tố xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý

1. Yếu tố xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý được thể hiện dưới dạng dấu hiệu gắn trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch, biển hiệu, phương tiện quảng cáo và các phương tiện kinh doanh khác, trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ.

2. Căn cứ để xem xét yếu tố xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý là phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý được xác định tại Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý hoặc điều ước quốc tế có nội dung công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý hoặc bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp.

3. Để xác định một dấu hiệu bị nghi ngờ có phải là yếu tố xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ hay không, cần phải so sánh dấu hiệu đó với chỉ dẫn địa lý và so sánh sản phẩm mang dấu hiệu bị nghi ngờ với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ dựa trên các căn cứ sau đây:

a) Dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với chỉ dẫn địa lý, trong đó một dấu hiệu bị coi là trùng với chỉ dẫn địa lý nếu giống với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ về cấu tạo từ ngữ, kể cả cách phát âm, phiên âm đối với chữ cái, ý nghĩa hoặc về hình ảnh, biểu tượng thuộc phạm vi bảo hộ của chỉ dẫn địa lý; một dấu hiệu bị coi là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với chỉ dẫn địa lý nếu tương tự đến mức gây nhầm lẫn với chỉ dẫn địa lý đó về cấu tạo từ ngữ, kể cả cách phát âm, phiên âm đối với chữ cái, ý nghĩa hoặc về hình ảnh, biểu tượng thuộc phạm vi bảo hộ của chỉ dẫn địa lý và làm cho người tiêu dùng hiểu sai rằng sản phẩm mang dấu hiệu đó có nguồn gốc từ khu vực địa lý được bảo hộ;

b) Sản phẩm mang dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, trong đó sản phẩm bị coi là trùng hoặc tương tự nếu giống nhau hoặc tương tự nhau về bản chất, chức năng, công dụng và kênh tiêu thụ;

c) Đối với rượu vang, rượu mạnh, ngoài quy định tại điểm a, điểm b khoản này, dấu hiệu trùng với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, kể cả thể hiện dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm hoặc kèm theo các từ loại, kiểu, dạng, phỏng theo hoặc những từ tương tự như vậy được sử dụng cho sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cũng bị coi là yếu tố xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý.

Điều 79. Yếu tố xâm phạm quyền đối với tên thương mại

1. Yếu tố xâm phạm quyền đối với tên thương mại được thể hiện dưới dạng chỉ dẫn thương mại gắn trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch, biển hiệu, phương tiện quảng cáo và các phương tiện kinh doanh khác, trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với tên thương mại được bảo hộ.

2. Căn cứ để xem xét yếu tố xâm phạm quyền đối với tên thương mại là phạm vi bảo hộ tên thương mại được xác định trên cơ sở các chứng cứ thể hiện việc sử dụng tên thương mại đó một cách hợp pháp do chủ sở hữu tên thương mại cung cấp, trong đó xác định cụ thể về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh, lĩnh vực kinh doanh và khu vực kinh doanh và quá trình sử dụng tên thương mại.

3. Để xác định một dấu hiệu bị nghi ngờ có phải là yếu tố xâm phạm quyền đối với tên thương mại hay không, cần phải so sánh dấu hiệu đó với tên thương mại được bảo hộ, so sánh chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh liên quan đến dấu hiệu bị nghi ngờ, so sánh hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ của tên thương mại được bảo hộ, dựa trên các căn cứ sau đây:

a) Dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại được bảo hộ; trong đó một dấu hiệu bị coi là trùng với tên thương mại được bảo hộ nếu giống với tên thương mại về cấu tạo từ ngữ, kể cả cách phát âm, phiên âm đối với tên thương mại; một dấu hiệu bị coi là tương tự với tên thương mại được bảo hộ nếu tương tự về cấu tạo, cách phát âm, phiên âm đối với tên thương mại, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại được bảo hộ;

b) Hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu bị nghi ngờ bị coi là trùng hoặc tương tự với hàng hóa, dịch vụ mang tên thương mại được bảo hộ nếu trùng hoặc tương tự nhau về bản chất hoặc chức năng, công dụng và có cùng kênh tiêu thụ; hoặc có mối liên quan với nhau về bản chất hoặc chức năng hoặc phương thức thực hiện.

Điều 80. Yếu tố xâm phạm quyền đối với giống cây trồng

1. Yếu tố xâm phạm quyền đối với giống cây trồng được xem là cấu thành hành vi xâm phạm thể hiện như sau:

a) Vật liệu nhân giống, cây giống nguyên vẹn, sản phẩm thu hoạch hoặc vật liệu bất kỳ có khả năng sinh trưởng thành cây giống hoàn chỉnh của giống cây trồng đã được bảo hộ;

b) Tên giống cây trồng hoặc các ký tự tương tự đến mức gây nhầm lẫn thể hiện trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch, biển hiệu, phương tiện quảng cáo và các phương tiện kinh doanh khác, trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với tên giống cây trồng đã được bảo hộ;

c) Phương tiện máy móc, trang thiết bị, kho bãi lưu giữ, bảo quản, phương tiện vận chuyển hoặc các trang thiết bị khác phục vụ mục đích chế biến, lưu giữ giống, vật liệu nhân giống, vật liệu thu hoạch để làm giống của giống cây trồng.

2. Căn cứ xác định yếu tố xâm phạm quyền đối với giống cây trồng là phạm vi Bằng bảo hộ giống cây trồng còn hiệu lực.

Điều 81. Căn cứ xác định tính chất và mức độ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng

1. Tính chất xâm phạm quy định tại khoản 1 Điều 199 của Luật Sở hữu trí tuệ được xác định dựa trên các căn cứ sau đây:

a) Hoàn cảnh, động cơ xâm phạm: xâm phạm do vô ý, xâm phạm cố ý, xâm phạm do bị khống chế hoặc bị lệ thuộc, xâm phạm lần đầu, tái phạm;

b) Cách thức thực hiện hành vi xâm phạm: xâm phạm riêng lẻ, xâm phạm có tổ chức, tự thực hiện hành vi xâm phạm, mua chuộc, lừa dối, cưỡng ép người khác thực hiện hành vi xâm phạm.

2. Mức độ xâm phạm quy định tại khoản 1 Điều 199 của Luật Sở hữu trí tuệ được xác định dựa trên các căn cứ sau đây:

a) Phạm vi lãnh thổ, thời gian, khối lượng, quy mô thực hiện hành vi xâm phạm;

b) Ảnh hưởng, hậu quả của hành vi xâm phạm.

Mục 2. XÁC ĐỊNH THIỆT HẠI

Điều 82. Nguyên tắc xác định thiệt hại quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng

1. Thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng quy định tại Điều 204 của Luật Sở hữu trí tuệ là sự tổn thất thực tế về vật chất và tinh thần do hành vi xâm phạm trực tiếp gây ra cho chủ thể quyền.

2. Được coi là có tổn thất thực tế nếu có đủ các căn cứ sau đây:

a) Lợi ích vật chất hoặc tinh thần là có thực và thuộc về người bị thiệt hại;

b) Người bị thiệt hại có khả năng đạt được lợi ích quy định tại điểm a khoản này;

c) Có sự giảm sút hoặc mất lợi ích của người bị thiệt hại sau khi hành vi xâm phạm xảy ra so với khả năng đạt được lợi ích đó khi không có hành vi xâm phạm và hành vi xâm phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự giảm sút, mất lợi ích đó.

3. Mức độ thiệt hại được xác định phù hợp với yếu tố xâm phạm quyền đối với đối tượng quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng. Việc xác định mức độ thiệt hại dựa trên chứng cứ về thiệt hại do các bên cung cấp, kể cả kết quả yêu cầu giám định và bản kê khai thiệt hại, trong đó làm rõ các căn cứ để xác định và tính toán mức thiệt hại.

Điều 83. Tổn thất về tài sản

1. Tổn thất về tài sản được xác định theo mức độ giảm sút hoặc bị mất về giá trị tính được thành tiền của đối tượng quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng được bảo hộ.

2. Giá trị tính được thành tiền của đối tượng quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng quy định tại khoản 1 Điều này được xác định theo một hoặc các căn cứ sau đây:

a) Giá chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc giá chuyển giao quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng;

b) Giá trị góp vốn kinh doanh bằng quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng;

c) Giá trị quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng trong tổng số tài sản của doanh nghiệp;

d) Giá trị đầu tư cho việc tạo ra và phát triển đối tượng quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, bao gồm các chi phí tiếp thị, nghiên cứu, quảng cáo, lao động, thuế và các chi phí khác.

Điều 84. Tổn thất về tinh thần

Tổn thất về danh dự, nhân phẩm, uy tín, danh tiếng và những tổn thất khác về tinh thần gây ra cho tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí; tác giả giống cây trồng theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ phát sinh do quyền nhân thân của các chủ thể này bị xâm phạm dẫn đến tác giả bị tổn hại về danh dự, nhân phẩm, bị giảm sút hoặc mất đi sự tín nhiệm (uy tín), danh tiếng, lòng tin vì bị hiểu nhầm.

Điều 85. Giảm sút về thu nhập, lợi nhuận

1. Thu nhập, lợi nhuận quy định tại điểm a khoản 1 Điều 204 của Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm:

a) Thu nhập, lợi nhuận thu được do sử dụng, khai thác trực tiếp đối tượng quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng;

b) Thu nhập, lợi nhuận thu được do cho thuê đối tượng quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng;

c) Thu nhập, lợi nhuận thu được do chuyển giao quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng.

2. Mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận được xác định theo một hoặc các căn cứ sau đây:

a) So sánh trực tiếp mức thu nhập, lợi nhuận thực tế trước và sau khi xảy ra hành vi xâm phạm, tương ứng với từng loại thu nhập quy định tại khoản 1 Điều này;

b) So sánh sản lượng, số lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thực tế tiêu thụ hoặc cung ứng trước và sau khi xảy ra hành vi xâm phạm;

c) So sánh giá bán thực tế trên thị trường của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trước và sau khi xảy ra hành vi xâm phạm.

Điều 86. Tổn thất về cơ hội kinh doanh

1. Cơ hội kinh doanh quy định tại điểm a khoản 1 Điều 204 của Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm:

a) Khả năng thực tế sử dụng, khai thác trực tiếp đối tượng quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng trong kinh doanh;

b) Khả năng thực tế cho người khác thuê đối tượng quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng;

c) Khả năng thực tế chuyển giao quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, chuyển nhượng đối tượng quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng cho người khác;

d) Cơ hội kinh doanh khác bị mất do hành vi xâm phạm trực tiếp gây ra.

2. Tổn thất về cơ hội kinh doanh là thiệt hại về giá trị tính được thành tiền của khoản thu nhập đáng lẽ người bị thiệt hại có thể có được khi thực hiện các khả năng quy định tại khoản 1 Điều này nhưng thực tế không có được khoản thu nhập đó do hành vi xâm phạm gây ra.

Điều 87. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại

Chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại quy định tại điểm a khoản 1 Điều 204 của Luật Sở hữu trí tuệ gồm chi phí cho việc tạm giữ, bảo quản, lưu kho, lưu bãi đối với hàng hóa xâm phạm, chi phí thực hiện các biện pháp khẩn cấp tạm thời, chi phí hợp lý để thuê luật sư, dịch vụ giám định, ngăn chặn, khắc phục hành vi xâm phạm và chi phí cho việc thông báo, cải chính trên phương tiện thông tin đại chúng liên quan đến hành vi xâm phạm.

Chương II

YÊU CẦU VÀ GIẢI QUYẾT YÊU CẦU XỬ LÝ HÀNH VI XÂM PHẠM

Điều 88. Thực hiện quyền tự bảo vệ

1. Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền tự bảo vệ theo quy định tại Điều 198 của Luật Sở hữu trí tuệ và theo quy định chi tiết tại Điều này.

2. Các biện pháp công nghệ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 198 của Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm:

a) Đưa các thông tin chỉ dẫn về căn cứ phát sinh, văn bằng bảo hộ, chủ sở hữu, phạm vi, thời hạn bảo hộ và các thông tin khác về quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng lên sản phẩm, phương tiện dịch vụ (sau đây trong Điều này gọi chung là sản phẩm) nhằm thông báo rằng sản phẩm là đối tượng thuộc quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng đang được bảo hộ và khuyến cáo người khác không được xâm phạm;

b) Sử dụng phương tiện hoặc biện pháp kỹ thuật nhằm đánh dấu, nhận biết, phân biệt, bảo vệ sản phẩm được bảo hộ.

3. Việc yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 198 của Luật Sở hữu trí tuệ do chủ thể quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng thực hiện bằng cách thông báo bằng văn bản cho người xâm phạm. Trong văn bản thông báo phải có các thông tin chỉ dẫn về căn cứ phát sinh, văn bằng bảo hộ, phạm vi, thời hạn bảo hộ và phải ấn định một thời hạn hợp lý để người xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm.

4. Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều 198 của Luật Sở hữu trí tuệ phải được thực hiện tuân theo quy định tại các Điều 89, 90, 91, 92, 93 và 94 của Nghị định này.

Điều 89. Đơn yêu cầu xử lý xâm phạm

1. Đơn yêu cầu xử lý xâm phạm phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Ngày, tháng, năm làm đơn yêu cầu;

b) Tên, địa chỉ của người yêu cầu xử lý xâm phạm; họ tên người đại diện, nếu yêu cầu được thực hiện thông qua người đại diện;

c) Tên cơ quan nhận đơn yêu cầu;

d) Tên, địa chỉ của người xâm phạm; tên, địa chỉ của người bị nghi ngờ là người xâm phạm trong trường hợp yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bị nghi ngờ xâm phạm;

đ) Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích liên quan (nếu có);

e) Tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);

g) Thông tin tóm tắt về quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng bị xâm phạm: loại quyền, căn cứ phát sinh quyền, tóm tắt về đối tượng quyền;

h) Thông tin tóm tắt về hành vi xâm phạm: ngày, tháng, năm và nơi xảy ra xâm phạm, mô tả vắn tắt về sản phẩm xâm phạm, hành vi xâm phạm và các thông tin khác (nếu có);

i) Nội dung yêu cầu áp dụng biện pháp xử lý xâm phạm;

k) Danh mục các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn;

l) Chữ ký của người làm đơn và đóng dấu (nếu có).

2. Đơn yêu cầu xử lý xâm phạm phải có các tài liệu, chứng cứ kèm theo nhằm chứng minh yêu cầu đó. Tài liệu, chứng cứ chứng minh phải phù hợp với quy định tại Điều 90 của Nghị định này.

Điều 90. Tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn yêu cầu xử lý xâm phạm

1. Người yêu cầu xử lý xâm phạm phải gửi kèm theo đơn yêu cầu xử lý xâm phạm các tài liệu, chứng cứ sau đây để chứng minh yêu cầu của mình:

a) Chứng cứ chứng minh là chủ thể quyền nếu người yêu cầu là chủ sở hữu hoặc người được chuyển giao, được thừa kế, kế thừa quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng;

b) Chứng cứ chứng minh hành vi xâm phạm đã xảy ra; chứng cứ nghi ngờ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng đối với đơn đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan;

c) Các tài liệu, chứng cứ khác để chứng minh yêu cầu của mình.

2. Trong trường hợp yêu cầu xử lý xâm phạm được thực hiện thông qua người đại diện theo ủy quyền thì phải kèm theo văn bản ủy quyền có công chứng hoặc chứng thực; nếu thông qua người đại diện theo pháp luật thì phải kèm theo giấy tờ chứng minh tư cách của người đại diện theo pháp luật.

Điều 91. Chứng cứ chứng minh chủ thể quyền

1. Đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, giống cây trồng, chứng cứ chứng minh chủ thể quyền là một trong các loại tài liệu sau đây:

a) Bản sao Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, Bằng bảo hộ giống cây trồng nộp kèm theo bản gốc để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực theo quy định;

b) Bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp; Bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về giống cây trồng được bảo hộ do cơ quan có thẩm quyền đăng ký các đối tượng đó cấp.

2. Đối với nhãn hiệu đăng ký quốc tế theo Thỏa ước MadridNghị định thư Madrid có chỉ định Việt Nam, chứng cứ chứng minh chủ thể quyền là giấy xác nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam do cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp cấp hoặc bản sao đã được chứng thực theo quy định hoặc bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp (Phần Nhãn hiệu đăng ký quốc tế).

3. Đối với kiểu dáng công nghiệp được đăng ký quốc tế theo Thỏa ước La Hay có chỉ định Việt Nam, chứng cứ chứng minh chủ thể quyền là bản sao quyết định chấp nhận bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đăng ký quốc tế của cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp cấp, nộp kèm theo bản gốc để đối chiếu hoặc bản sao đã được chứng thực theo quy định hoặc bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp (Phần Kiểu dáng công nghiệp đăng ký quốc tế).

4. Đối với chỉ dẫn địa lý, chứng cứ chứng minh chủ thể quyền là một trong các tài liệu sau đây:

a) Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý hoặc Bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp;

b) Danh sách tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 38 của Nghị định này; hoặc tài liệu khác chứng minh chủ thể quyền theo quy định pháp luật của nước xuất xứ trong trường hợp chỉ dẫn địa lý của nước ngoài được bảo hộ tại Việt Nam.

5. Đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp khác, chứng cứ chứng minh tư cách chủ thể quyền là các tài liệu, hiện vật, thông tin về căn cứ xác lập quyền tương ứng theo quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 3 Điều 6 của Luật Sở hữu trí tuệ và được quy định cụ thể như sau:

a) Đối với bí mật kinh doanh: bản mô tả nội dung, hình thức lưu giữ, cách thức bảo vệ và phương thức có được bí mật kinh doanh;

b) Đối với tên thương mại: tài liệu chứng minh việc sử dụng hợp pháp tên thương mại, lĩnh vực kinh doanh và khu vực kinh doanh sử dụng tên thương mại và quá trình sử dụng tên thương mại;

c) Đối với nhãn hiệu nổi tiếng: tài liệu thể hiện các tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng theo quy định tại Điều 75 của Luật Sở hữu trí tuệ và giải trình về quá trình sử dụng để nhãn hiệu trở thành nổi tiếng;

d) Đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ theo điều ước quốc tế: các tài liệu, thông tin trong điều ước quốc tế có nội dung về công nhận, bảo hộ chỉ dẫn địa lý hoặc bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp;

đ) Đối với giống cây trồng: Bằng bảo hộ giống cây trồng còn hiệu lực, Quyết định cấp hoặc cấp lại Bằng bảo hộ giống cây trồng; hoặc bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về giống cây trồng được bảo hộ và chứng cứ thu thập từ các nguồn theo quy định tại Điều 94 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

6. Trong trường hợp người yêu cầu xử lý xâm phạm là người được chuyển nhượng quyền sở hữu đối tượng quyền sở hữu công nghiệp, giống cây trồng, chuyển quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu công nghiệp, giống cây trồng, được thừa kế hoặc kế thừa đối tượng quyền sở hữu công nghiệp, giống cây trồng thì ngoài tài liệu quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, còn phải xuất trình bản gốc hoặc bản sao hợp pháp hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu đối tượng quyền sở hữu công nghiệp, giống cây trồng, hợp đồng sử dụng đối tượng quyền sở hữu công nghiệp, giống cây trồng hoặc văn bản xác nhận quyền thừa kế, quyền kế thừa đối tượng quyền sở hữu công nghiệp, giống cây trồng. Trong trường hợp việc chuyển giao đã được ghi nhận trong văn bằng bảo hộ hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu đối tượng quyền sở hữu công nghiệp, giống cây trồng, Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng sử dụng đối tượng quyền sở hữu công nghiệp, giống cây trồng thì các tài liệu trên cũng được coi là chứng cứ chứng minh tư cách chủ thể quyền.

Điều 92. Chứng cứ chứng minh xâm phạm

1. Các tài liệu, hiện vật sau đây được coi là chứng cứ chứng minh xâm phạm:

a) Bản gốc hoặc bản sao hợp pháp tài liệu mô tả, vật mẫu, hiện vật có liên quan thể hiện đối tượng được bảo hộ;

b) Vật mẫu, hiện vật có liên quan, ảnh chụp, bản ghi hình sản phẩm bị xem xét;

c) Bản giải trình, so sánh giữa sản phẩm bị xem xét với đối tượng được bảo hộ;

d) Biên bản, lời khai, tài liệu khác nhằm chứng minh xâm phạm.

2. Tài liệu, hiện vật quy định tại khoản 1 Điều này phải lập thành danh mục, có chữ ký xác nhận của người yêu cầu xử lý xâm phạm.

Điều 93. Trách nhiệm của người yêu cầu xử lý xâm phạm

Người yêu cầu xử lý xâm phạm phải bảo đảm và chịu trách nhiệm về sự trung thực của các thông tin, tài liệu, chứng cứ mà mình cung cấp.

Điều 94. Nộp đơn và giải quyết đơn yêu cầu xử lý xâm phạm

1. Đơn yêu cầu xử lý xâm phạm được nộp cho cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm quy định tại Điều 200 của Luật Sở hữu trí tuệ (sau đây gọi là cơ quan xử lý xâm phạm).

2. Khi nhận được đơn yêu cầu xử lý xâm phạm, nếu thấy yêu cầu xử lý xâm phạm thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan khác, thì cơ quan nhận đơn hướng dẫn để người nộp đơn thực hiện việc nộp đơn tại cơ quan có thẩm quyền hoặc chuyển đơn cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đơn.

3. Trong trường hợp đơn yêu cầu xử lý xâm phạm chưa đủ tài liệu, chứng cứ, hiện vật cần thiết, thì cơ quan xử lý xâm phạm yêu cầu người nộp đơn bổ sung tài liệu, chứng cứ và ấn định thời hạn hợp lý nhưng không quá ba mươi ngày để người yêu cầu xử lý xâm phạm bổ sung tài liệu, chứng cứ cần thiết.

4. Trong các trường hợp sau đây, cơ quan xử lý xâm phạm từ chối yêu cầu xử lý xâm phạm, có nêu rõ lý do từ chối:

a) Hết thời hạn ấn định quy định tại khoản 3 Điều này mà người yêu cầu xử lý xâm phạm không đáp ứng yêu cầu của cơ quan xử lý xâm phạm về việc bổ sung tài liệu, chứng cứ, hiện vật có liên quan;

b) Hết thời hiệu xử lý xâm phạm theo quy định pháp luật;

c) Kết quả xác minh của cơ quan xử lý xâm phạm cho thấy không có xâm phạm như mô tả trong đơn yêu cầu xử lý xâm phạm;

d) Có văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc không đủ căn cứ xử lý xâm phạm.

5. Trong trường hợp có tranh chấp, khiếu nại về chủ thể quyền, khả năng bảo hộ, phạm vi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, cơ quan đã nhận đơn yêu cầu xử lý xâm phạm hướng dẫn người nộp đơn tiến hành thủ tục yêu cầu giải quyết tranh chấp, khiếu nại tại cơ quan có thẩm quyền trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày phát sinh tranh chấp.

Chương III

XỬ LÝ HÀNG HÓA XÂM PHẠM QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP, QUYỀN ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG

Điều 95. Xác định giá trị hàng hóa xâm phạm

1. Hàng hóa xâm phạm được quy định như sau:

a) Hàng hóa xâm phạm là bộ phận, chi tiết (sau đây gọi là phần) của sản phẩm có chứa yếu tố xâm phạm và có thể lưu hành như một sản phẩm độc lập;

b) Trường hợp không thể tách rời yếu tố xâm phạm thành một phần của sản phẩm có thể lưu hành độc lập theo quy định tại điểm a khoản này thì hàng hóa xâm phạm là toàn bộ sản phẩm chứa yếu tố xâm phạm.

2. Giá trị hàng hóa xâm phạm do cơ quan xử lý xâm phạm xác định tại thời điểm xảy ra hành vi xâm phạm và dựa trên các căn cứ theo thứ tự ưu tiên sau đây:

a) Giá niêm yết của hàng hóa xâm phạm;

b) Giá thực bán của hàng hóa xâm phạm;

c) Giá thành của hàng hóa xâm phạm, nếu chưa được lưu thông;

d) Giá mua của hàng hóa xâm phạm.

3. Giá trị hàng hóa xâm phạm được tính theo phần (bộ phận, chi tiết) sản phẩm xâm phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này hoặc tính theo giá trị của toàn bộ sản phẩm xâm phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

4. Trường hợp việc áp dụng các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều này không phù hợp hoặc giữa cơ quan xử lý xâm phạm và cơ quan tài chính cùng cấp không thống nhất về việc xác định giá trị hàng hóa xâm phạm thì việc định giá do hội đồng xác định giá trị hàng hóa xâm phạm quyết định.

Việc thành lập, thành phần, nguyên tắc làm việc của hội đồng xác định giá trị hàng hóa xâm phạm thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và dân sự.

Điều 96. Xử lý hàng hóa xâm phạm

1. Đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa đó, cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm áp dụng một trong các biện pháp sau đây:

a) Phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại theo quy định tại Điều 97 của Nghị định này;

b) Tiêu hủy theo quy định tại Điều 98 của Nghị định này;

c) Buộc chủ hàng, người vận chuyển, người tàng trữ loại bỏ các yếu tố xâm phạm và đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với hàng hóa quá cảnh là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, tái xuất đối với hàng hóa nhập khẩu là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; nếu không loại bỏ được yếu tố xâm phạm khỏi hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa đó thì áp dụng biện pháp thích hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

Đối với hàng hóa nhập khẩu, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý thì tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan xử lý xâm phạm áp dụng biện pháp buộc loại bỏ yếu tố xâm phạm và biện pháp thích hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

2. Đối với hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng mà không phải là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa đó, cơ quan xử lý xâm phạm áp dụng các biện pháp buộc chủ hàng, người vận chuyển, người tàng trữ hàng hóa loại bỏ yếu tố xâm phạm khỏi hàng hóa và áp dụng các biện pháp thích hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

Đối với hàng hóa nhập khẩu là hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng mà không phải là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa đó, cơ quan xử lý xâm phạm áp dụng biện pháp thích hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.

3. Nguyên liệu, vật liệu, phương tiện có chức năng duy nhất nhằm tạo ra, khai thác thương mại hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng hoặc thực tế chỉ được sử dụng duy nhất cho mục đích đó thì bị coi là nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng.

4. Tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan xử lý xâm phạm quyết định áp dụng các biện pháp quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này hoặc khi có yêu cầu của chủ thể quyền, buộc tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa xâm phạm triệu hồi hàng hóa xâm phạm đã được đưa vào kênh phân phối của tổ chức, cá nhân đó để áp dụng các biện pháp quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này hoặc biện pháp khác, nếu xét thấy thích hợp. Trong quá trình ra quyết định xử lý xâm phạm, cơ quan xử lý có thể xem xét đề nghị của các bên liên quan về việc xử lý xâm phạm.

Điều 97. Buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại

1. Việc buộc phân phối hoặc buộc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Hàng hóa có giá trị sử dụng, không gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, không phải văn hóa phẩm có nội dung độc hại;

b) Yếu tố xâm phạm đã được loại bỏ khỏi hàng hóa;

c) Việc phân phối, sử dụng không nhằm thu lợi nhuận và không ảnh hưởng một cách bất hợp lý tới việc khai thác bình thường quyền của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng trong đó ưu tiên mục đích nhân đạo, từ thiện hoặc phục vụ lợi ích xã hội;

d) Người được phân phối, tiếp nhận để sử dụng không phải là khách hàng tiềm năng của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng.

2. Quy định tại khoản 1 Điều này cũng áp dụng đối với nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng.

Điều 98. Buộc tiêu hủy

Biện pháp buộc tiêu hủy hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa đó được áp dụng trong trường hợp không hội đủ các điều kiện để áp dụng biện pháp buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại quy định tại Điều 97 của Nghị định này.

Chương IV

KIỂM SOÁT HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU LIÊN QUAN ĐẾN QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP, QUYỀN ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG

Điều 99. Quyền yêu cầu kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng

Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng có quyền trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp nộp đơn đề nghị kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng hoặc nộp đơn yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng.

Điều 100. Thẩm quyền tiếp nhận đơn

Cơ quan hải quan có thẩm quyền tiếp nhận đơn đề nghị kiểm tra, giám sát hoặc đơn yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan theo quy định tại khoản 1 Điều 75 của Luật Hải quan.

Điều 101. Thủ tục xử lý đơn

1. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày tiếp nhận đủ bộ hồ sơ đề nghị kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu hoặc trong thời hạn 02 giờ làm việc, kể từ thời điểm tiếp nhận đủ bộ hồ sơ yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan, cơ quan hải quan có trách nhiệm xem xét, ra thông báo chấp nhận đơn, nếu người nộp đơn đã thực hiện nghĩa vụ quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 và khoản 2 Điều 217 của Luật Sở hữu trí tuệ. Trong trường hợp từ chối, cơ quan hải quan phải trả lời bằng văn bản cho người nộp đơn yêu cầu và nêu rõ lý do.

2. Sau khi chấp nhận đơn đề nghị kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, Tổng cục Hải quan thông báo việc chấp nhận đơn tới các Cục Hải quan tỉnh, thành phố, cơ quan được chỉ định của Tổng cục Hải quan để triển khai việc kiểm tra, giám sát. Trên cơ sở thông báo của Tổng cục Hải quan nêu tại khoản này, Cục Hải quan tỉnh, thành phố, cơ quan được chỉ định của Tổng cục Hải quan tra cứu dữ liệu trên hệ thống để tổ chức triển khai thực hiện trong phạm vi địa bàn quản lý.

3. Chi cục Hải quan có trách nhiệm kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm hoặc ra quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan trên cơ sở đơn yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan.

Điều 102. Trình tự, thủ tục xử lý hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm

1. Trong trường hợp phát hiện hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm, theo đề nghị của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng hoặc để thực hiện thẩm quyền xử phạt hành chính, cơ quan hải quan ra quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan, thông báo cho chủ thể quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và chủ lô hàng về việc tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với lô hàng, trong đó nêu rõ tên, địa chỉ, số fax, điện thoại liên lạc của các bên, lý do và thời hạn tạm dừng làm thủ tục hải quan.

2. Cơ quan hải quan tiếp tục làm thủ tục hải quan cho lô hàng bị tạm dừng làm thủ tục hải quan theo quy định tại khoản 3 Điều 218 của Luật Sở hữu trí tuệ và trong các trường hợp sau đây:

a) Quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan bị đình chỉ hoặc thu hồi theo quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo;

b) Người nộp đơn đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan rút đơn.

Điều 103. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục chủ động tạm dừng làm thủ tục hải quan

1. Trong quá trình thực hiện kiểm tra, giám sát và kiểm soát, nếu phát hiện căn cứ rõ ràng để nghi ngờ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu, hàng hoá giả mạo chỉ dẫn địa lý, Chi cục Hải quan chủ động ra quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa đó.

2. Chi cục Hải quan phải thông báo ngay cho chủ thể quyền đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý nếu có thông tin liên hệ và cho người nhập khẩu hoặc người xuất khẩu về việc tạm dừng này.

3. Thời hạn tạm dừng làm thủ tục hải quan là 10 ngày kể từ ngày Chi cục Hải quan thông báo cho chủ thể quyền theo quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Trong thời gian tạm dừng làm thủ tục hải quan, Chi cục Hải quan quyết định tạm dừng có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:

a) Yêu cầu người nhập khẩu hoặc người xuất khẩu hoặc chủ thể quyền đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý (nếu có thông tin liên hệ) cung cấp tài liệu có liên quan đến hàng hóa (catalog, kết luận giám định, tài liệu từ nước ngoài, kết quả xử lý các vụ việc tương tự v.v...);

b) Lấy mẫu hoặc cho phép tổ chức, cá nhân có liên quan lấy mẫu để giám định hoặc giám định bổ sung, giám định lại tại tổ chức chuyên môn nghiệp vụ hải quan hoặc các tổ chức giám định khác theo quy định (nếu cần thiết);

c) Phối hợp, trao đổi với các cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp khi có phát sinh tranh chấp, khiếu nại về chủ thể quyền, khả năng bảo hộ, phạm vi bảo hộ quyền sở hữu đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý, thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm;

d) Báo cáo Cục Hải quan tỉnh, thành phố và Tổng cục Hải quan để chỉ đạo giải quyết kịp thời đối với những vụ việc phức tạp.

5. Kết thúc thời hạn tạm dừng làm thủ tục hải quan:

a) Trường hợp cơ quan hải quan xác định hàng hoá bị tạm dừng là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu, hàng hoá giả mạo chỉ dẫn địa lý và hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử lý của cơ quan hải quan, cơ quan hải quan thực hiện xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp xác định hành vi vi phạm không thuộc thẩm quyền xử lý của cơ quan hải quan, cơ quan hải quan bàn giao vụ việc để các cơ quan bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ khác xử lý;

b) Trường hợp người nộp đơn khởi kiện dân sự, cơ quan hải quan thực hiện theo ý kiến của Tòa án;

c) Trường hợp nhận được văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thông báo về việc tranh chấp, khiếu nại về chủ thể quyền, khả năng bảo hộ, phạm vi bảo hộ quyền sở hữu đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý, cơ quan hải quan tiếp tục làm thủ tục hải quan cho lô hàng, trừ trường hợp cơ quan hải quan đã có quyết định thụ lý vụ việc theo thủ tục xử lý vi phạm hành chính;

d) Trường hợp xác định hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm theo quy định tại Bộ luật Hình sự, cơ quan hải quan chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền để tiến hành điều tra, khởi tố theo quy định của pháp luật;

đ) Trường hợp cơ quan hải quan quyết định hàng hóa bị tạm dừng không phải là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu, hàng hoá giả mạo chỉ dẫn địa lý, cơ quan hải quan tiếp tục làm thủ tục hải quan cho lô hàng và thông báo cho các bên liên quan biết.

6. Trường hợp chủ động tạm dừng làm thủ tục hải quan không đúng, gây thiệt hại cho chủ hàng, Chi cục hải quan phải bồi thường thiệt hại cho chủ hàng và thanh toán các chi phí phát sinh theo quy định.

Điều 104. Thủ tục kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng

Thủ tục kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng tuân theo quy định tại Nghị định này và các quy định có liên quan của pháp luật về hải quan.

Chương V

GIÁM ĐỊNH SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP, QUYỀN ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG

Mục 1. GIÁM ĐỊNH VIÊN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP, QUYỀN ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG, TỔ CHỨC GIÁM ĐỊNH SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP, QUYỀN ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG

Điều 105. Hình thức hoạt động giám định của giám định viên sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng

1. Giám định viên sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng có thể hoạt động trong một tổ chức giám định sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng dưới danh nghĩa của tổ chức đó hoặc hoạt động độc lập.

2. Hình thức hoạt động của giám định viên được ghi nhận vào Danh sách giám định viên sở hữu công nghiệp và Danh sách giám định viên quyền đối với giống cây trồng quy định tại các Điều 109 và 112 của Nghị định này.

3. Trường hợp giám định viên hoạt động dưới danh nghĩa của tổ chức giám định sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng thì thông tin về giám định viên phải được ghi nhận vào Danh sách giám định viên thuộc tổ chức theo thủ tục cấp Giấy chứng nhận tổ chức giám định.

Điều 106. Quyền và nghĩa vụ của giám định viên sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng

1. Giám định viên sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng có các quyền sau đây:

a) Từ chối giám định trong trường hợp tài liệu liên quan không đủ hoặc không có giá trị để đưa ra kết luận giám định hoặc không thuộc chuyên ngành giám định được ghi trong Thẻ giám định viên;

b) Từ chối nhận mẫu vật giám định trong trường hợp có nguy cơ gây hại sức khỏe hoặc mẫu vật quá cồng kềnh, không đủ cơ sở hạ tầng để lưu trữ;

c) Sử dụng kết quả thẩm định hoặc kết luận chuyên môn, ý kiến chuyên gia phục vụ việc giám định;

d) Giám định viên sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng hoạt động độc lập có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp các thông tin, tài liệu có liên quan đến đối tượng giám định để thực hiện việc giám định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Giám định viên sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng có các nghĩa vụ sau đây:

a) Hoạt động theo đúng chuyên ngành giám định được ghi trong Thẻ giám định viên;

b) Thực hiện việc giám định theo nguyên tắc quy định tại khoản 4 Điều 201 của Luật Sở hữu trí tuệ;

c) Lập hồ sơ giám định; giải thích kết luận giám định khi có yêu cầu của người yêu cầu giám định, tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích liên quan hoặc cơ quan có thẩm quyền;

d) Bảo quản, lưu trữ các tài liệu, mẫu vật liên quan đến vụ việc giám định theo quy định của pháp luật;

đ) Độc lập đưa ra kết luận giám định và chịu trách nhiệm về kết luận giám định của mình; nếu cố ý đưa ra kết luận giám định sai, gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức có liên quan thì phải bồi thường thiệt hại;

e) Từ chối giám định trong trường hợp giám định viên có quyền, lợi ích liên quan đến đối tượng giám định, vụ việc cần giám định hoặc có lý do khác ảnh hưởng đến tính khách quan của kết luận giám định hoặc trong trường hợp pháp luật khác có quy định bắt buộc phải từ chối giám định;

g) Giữ bí mật các thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định và phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp tiết lộ bí mật thông tin gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;

h) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc lợi dụng tư cách giám định và hoạt động giám định để trục lợi hoặc cố ý đưa ra kết luận giám định sai sự thật;

i) Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo tình hình hoạt động giám định theo định kỳ 6 tháng và hằng năm bằng văn bản gửi về cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng;

k) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 107. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức giám định sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng

1. Tổ chức giám định sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng có các quyền sau đây:

a) Thuê giám định viên sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng thực hiện giám định theo các vụ việc;

b) Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp các thông tin, tài liệu có liên quan đến đối tượng giám định để thực hiện việc giám định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

c) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức giám định sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng có các nghĩa vụ sau đây:

a) Hoạt động theo đúng lĩnh vực giám định ghi trong Giấy chứng nhận tổ chức giám định;

b) Thực hiện việc giám định theo nguyên tắc quy định tại khoản 4 Điều 201 của Luật Sở hữu trí tuệ;

c) Bảo quản, lưu trữ các tài liệu, mẫu vật liên quan đến vụ việc giám định theo quy định của pháp luật;

d) Giữ bí mật các thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định và phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp tiết lộ bí mật thông tin gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;

đ) Từ chối giám định trong trường hợp pháp luật khác có quy định bắt buộc phải từ chối giám định;

e) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc lợi dụng tư cách giám định và hoạt động giám định để trục lợi hoặc cố ý đưa ra kết luận giám định sai sự thật;

g) Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo tình hình hoạt động giám định theo định kỳ 06 tháng và hằng năm bằng văn bản gửi về cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng;

h) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Mục 2. NỘI DUNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ GIÁM ĐỊNH SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

Điều 108. Kiểm tra nghiệp vụ giám định sở hữu công nghiệp

1. Việc kiểm tra nghiệp vụ giám định sở hữu công nghiệp được tiến hành nhằm đánh giá khả năng sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp.

2. Việc tổ chức kiểm tra nghiệp vụ giám định sở hữu công nghiệp được thực hiện như sau:

a) Cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp là cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm tra nghiệp vụ giám định sở hữu công nghiệp;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thông báo trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan, trong đó nêu rõ điều kiện tham dự kiểm tra, thủ tục nộp hồ sơ, nội dung kiểm tra và dự kiến thời gian, địa điểm kiểm tra;

c) Kỳ kiểm tra phải được tổ chức trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày có ít nhất 05 người đăng ký dự kiểm tra có hồ sơ đăng ký được chấp nhận theo quy định tại khoản 4 Điều này;

d) Kết quả kiểm tra được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thông báo cho người dự kiểm tra. Người dự kiểm tra có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp phúc tra kết quả này;

đ) Kết quả kiểm tra có giá trị trong thời hạn 05 năm cho việc đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp cấp Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp.

3. Hội đồng kiểm tra nghiệp vụ giám định sở hữu công nghiệp do cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thành lập, có nhiệm vụ tổ chức kỳ kiểm tra nghiệp vụ giám định sở hữu công nghiệp theo Quy chế kiểm tra nghiệp vụ giám định sở hữu công nghiệp do cơ quan đó ban hành.

4. Việc đăng ký dự kiểm tra nghiệp vụ giám định sở hữu công nghiệp được thực hiện như sau:

a) Cá nhân đáp ứng đủ các điều kiện sau đây thì được đăng ký dự kiểm tra theo quy định tại Điều này:

a1) Là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

a2) Thường trú tại Việt Nam;

a3) Có phẩm chất đạo đức tốt;

a4) Có trình độ đại học trở lên về chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực đăng ký dự kiểm tra;

a5) Đã qua thực tế hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực đăng ký dự kiểm tra từ 05 năm trở lên.

b) Hồ sơ đăng ký dự kiểm tra nghiệp vụ giám định sở hữu công nghiệp được nộp cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp gồm 01 bộ tài liệu sau đây:

b1) Tờ khai đăng ký dự kiểm tra nghiệp vụ giám định sở hữu công nghiệp, làm theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục VI của Nghị định này;

b2) Bản sao văn bằng tốt nghiệp trình độ đại học hoặc sau đại học (xuất trình bản chính để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực);

b3) Bản sao Quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động và tài liệu khác chứng minh thực tế hoạt động chuyên môn (xuất trình bản chính để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực);

b4) 02 ảnh 3 x 4 (cm);

b5) Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp).

c) Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp có trách nhiệm xử lý hồ sơ theo quy định sau đây:

c1) Trường hợp hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra thông báo chấp nhận hồ sơ, trong đó nêu rõ kế hoạch kiểm tra đã được ấn định hoặc chưa được ấn định vì chưa đủ số người đăng ký tham dự kiểm tra theo quy định tại khoản 2 Điều này;

c2) Trường hợp hồ sơ có thiếu sót, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra thông báo dự định từ chối chấp nhận hồ sơ, trong đó nêu rõ lý do và ấn định thời hạn 01 tháng kể từ ngày ra thông báo để người đăng ký dự kiểm tra sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối. Khi hết thời hạn đã ấn định mà người đăng ký dự kiểm tra không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc có ý kiến phản đối nhưng không xác đáng thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định từ chối chấp nhận hồ sơ, trong đó nêu rõ lý do từ chối.

Điều 109. Cấp, cấp lại, thu hồi Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp

1. Cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp có thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp, lập và công bố Danh sách giám định viên sở hữu công nghiệp theo thủ tục quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này.

2. Việc cấp Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp được thực hiện như sau:

a) Người đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 3 Điều 201 của Luật Sở hữu trí tuệ thì được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp cấp Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp nếu có yêu cầu và nộp phí, lệ phí theo quy định. Các điều kiện để được cấp Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp quy định tại khoản 3 Điều 201 của Luật Sở hữu trí tuệ được hiểu như sau:

a1) Điều kiện “Thường trú tại Việt Nam” được hiểu là có nơi thường trú tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về cư trú;

a2) Điều kiện “Có phẩm chất đạo đức tốt” được hiểu là không bị xử lý vi phạm hành chính do vi phạm pháp luật về sở hữu công nghiệp hoặc về hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp và không thuộc diện bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xoá án tích;

a3) Điều kiện “Có trình độ đại học trở lên về chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực đề nghị cấp Thẻ giám định viên” được hiểu là có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học các ngành khoa học tự nhiên hoặc khoa học kỹ thuật đối với chuyên ngành giám định sáng chế và thiết kế bố trí; có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học ngành bất kỳ đối với các chuyên ngành giám định khác;

a4) Điều kiện “Đã qua thực tế hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực đề nghị cấp Thẻ giám định viên từ 05 năm trở lên” được hiểu là đã trực tiếp làm công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại, thanh tra, kiểm tra, pháp chế, tư vấn pháp luật về sở hữu công nghiệp, nghiên cứu khoa học có chức danh nghiên cứu viên, giảng dạy về sở hữu công nghiệp có chức danh giảng viên từ 05 năm trở lên, hoặc những người đã trực tiếp làm công tác giải thích, hướng dẫn thi hành các quy định pháp luật, xây dựng quy chế, trực tiếp thực hiện hoặc xét duyệt kết quả thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế (gồm cả giải pháp hữu ích), hoặc đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, hoặc đơn đăng ký nhãn hiệu hoặc đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý (gồm cả tên gọi xuất xứ hàng hoá) tại các cơ quan sở hữu công nghiệp quốc gia hoặc quốc tế từ 05 năm trở lên, hoặc những người đã hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp từ 05 năm trở lên.

b) Hồ sơ yêu cầu cấp Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp được nộp cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp gồm 01 bộ tài liệu sau đây:

b1) Tờ khai yêu cầu cấp Thẻ giám định viên, làm theo Mẫu số 02 tại Phụ lục VI của Nghị định này;

b2) Bản sao Chứng minh nhân dân (xuất trình bản chính để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực), trừ trường hợp Tờ khai yêu cầu cấp Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp đã có thông tin về số Căn cước công dân;

b3) 02 ảnh 3 x 4 (cm);

b4) Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp).

c) Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp xem xét hồ sơ theo quy định sau đây:

c1) Trường hợp hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định cấp Thẻ giám định viên, trong đó ghi rõ họ tên, ngày sinh, địa chỉ thường trú, số Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân, số Thẻ giám định và chuyên ngành giám định của người được cấp Thẻ; ghi nhận việc cấp Thẻ vào Sổ đăng ký quốc gia về giám định sở hữu công nghiệp và công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp, Cổng thông tin điện tử của cơ quan đó trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra quyết định;

c2) Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra thông báo dự định từ chối chấp nhận hồ sơ, trong đó nêu rõ lý do và ấn định thời hạn 01 tháng kể từ ngày ra thông báo để người yêu cầu cấp Thẻ giám định viên sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối. Khi hết thời hạn đã ấn định mà người yêu cầu cấp Thẻ giám định viên không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc có ý kiến phản đối nhưng không xác đáng thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định từ chối cấp Thẻ giám định viên, trong đó nêu rõ lý do từ chối;

c3) Thẻ giám định viên được làm theo Mẫu số 04 tại Phụ lục VI của Nghị định này.

3. Việc cấp lại Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp được thực hiện như sau:

a) Trong các trường hợp sau đây, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định cấp lại Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp nếu giám định viên có yêu cầu và nộp phí, lệ phí theo quy định:

a1) Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp bị mất, bị lỗi, bị hỏng (rách, bẩn, phai mờ, v.v...) đến mức không sử dụng được;

a2) Thông tin được ghi nhận trong Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp theo quy định tại điểm c1 khoản 2 Điều này có sự thay đổi.

b) Giám định viên có nghĩa vụ yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp cấp lại Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp để ghi nhận lại các thay đổi nêu tại điểm a2 khoản này;

c) Hồ sơ yêu cầu cấp lại Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp được nộp cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp gồm 01 bộ tài liệu sau đây:

c1) Tờ khai yêu cầu cấp lại Thẻ giám định viên, làm theo Mẫu số 03 tại Phụ lục VI của Nghị định này;

c2) Bản sao Chứng minh nhân dân (xuất trình bản chính để đối chiếu trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực), trừ trường hợp Tờ khai yêu cầu cấp lại Thẻ giám định viên đã có thông tin về số căn cước công dân đối với trường hợp quy định tại điểm a2 khoản này;

c3) 02 ảnh 3 x 4 (cm);

c4) Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp).

d) Việc xử lý hồ sơ yêu cầu cấp lại Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp được thực hiện như sau:

d1) Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ yêu cầu cấp lại Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp xem xét hồ sơ theo trình tự như đối với thủ tục cấp Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều này.

d2) Trong trường hợp Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp bị lỗi do cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp gây ra, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp có trách nhiệm cấp lại Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của người được cấp Thẻ, không thu phí khi cấp lại Thẻ.

4. Việc thu hồi Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp được thực hiện như sau:

a) Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:

a1) Có chứng cứ khẳng định rằng Thẻ giám định viên được cấp trái với quy định pháp luật;

a2) Người được cấp Thẻ giám định viên không còn đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 201 của Luật Sở hữu trí tuệ;

a3) Người được cấp Thẻ giám định viên từ bỏ hoạt động giám định;

a4) Người được cấp Thẻ giám định viên bị xử phạt bằng hình thức thu hồi Thẻ giám định viên theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

b) Cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp chủ động hoặc theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân thu hồi nếu có căn cứ khẳng định người được cấp Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a khoản này.

c) Hồ sơ yêu cầu thu hồi Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp được nộp cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp gồm 01 bộ tài liệu sau:

c1) Đơn yêu cầu thu hồi Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp;

c2) Chứng cứ chứng minh căn cứ đề nghị thu hồi Thẻ giám định sở hữu công nghiệp.

d) Trình tự thu hồi Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp được thực hiện như sau:

d1) Trường hợp tổ chức, cá nhân có yêu cầu thu hồi Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp theo quy định tại điểm c khoản này, trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thông báo bằng văn bản về yêu cầu này cho người được cấp Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp ấn định thời hạn là 01 tháng kể từ ngày ra thông báo để người đó có ý kiến. Trên cơ sở xem xét ý kiến của các bên, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định thu hồi Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp hoặc quyết định từ chối thu hồi Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp cho các bên;

d2) Trường hợp có căn cứ khẳng định người được cấp Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp không còn đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 201 của Luật Sở hữu trí tuệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thông báo bằng văn bản về dự định thu hồi Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp cho người được cấp Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp và ấn định thời hạn là 01 tháng kể từ ngày ra thông báo để người đó có ý kiến. Trên cơ sở xem xét ý kiến của người được cấp Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định thu hồi Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp hoặc thông báo không thu hồi Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp cho người được cấp;

d3) Trường hợp có quyết định thu hồi Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được quyết định nói trên, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định thu hồi Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp;

d4) Quyết định thu hồi Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về giám định sở hữu công nghiệp và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp, Cổng thông tin điện tử của cơ quan đó trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra quyết định.

5. Việc lập và đăng tải Danh sách giám định viên sở hữu công nghiệp được thực hiện như sau:

a) Cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp lập Danh sách giám định viên sở hữu công nghiệp gồm các thông tin được ghi nhận theo các quyết định cấp, cấp lại, thu hồi Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp và đăng tải, cập nhật trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp hằng năm;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp tại địa phương thông tin về các thay đổi liên quan đến Thẻ giám định viên của những giám định viên hoạt động cho tổ chức giám định sở hữu công nghiệp của địa phương tương ứng để phục vụ công tác cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định tại địa phương trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra quyết định.

Điều 110. Cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định sở hữu công nghiệp

1. Thẩm quyền cấp, cấp lại và thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định sở hữu công nghiệp như sau:

a) Cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp có thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định sở hữu công nghiệp theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này cho các đơn vị sự nghiệp là tổ chức khoa học và công nghệ đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ tại Bộ Khoa học và Công nghệ;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp tại địa phương có thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này cho các tổ chức quy định tại khoản 2 Điều 201 của Luật Sở hữu trí tuệ đăng ký kinh doanh, đăng ký hoạt động tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của địa phương.

2. Việc cấp Giấy chứng nhận tổ chức giám định sở hữu công nghiệp được thực hiện như sau:

a) Tổ chức đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 201 của Luật Sở hữu trí tuệ thì được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp tại địa phương cấp Giấy chứng nhận tổ chức giám định sở hữu công nghiệp nếu có yêu cầu và nộp phí, lệ phí theo quy định;

b) Hồ sơ yêu cầu cấp Giấy chứng nhận tổ chức giám định sở hữu công nghiệp được nộp cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp tại địa phương gồm 01 bộ tài liệu sau:

b1) Tờ khai yêu cầu cấp Giấy chứng nhận tổ chức giám định sở hữu công nghiệp, làm theo Mẫu số 05 tại Phụ lục VI của Nghị định này;

b2) Bản sao Quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động giữa tổ chức và giám định viên sở hữu công nghiệp hoạt động cho tổ chức (xuất trình bản chính để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực);

b3) Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục này).

c) Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp tại địa phương xem xét hồ sơ theo quy định sau đây:

c1) Trường hợp hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp tại địa phương ra quyết định cấp Giấy chứng nhận tổ chức giám định, trong đó ghi rõ tên đầy đủ, tên giao dịch, địa chỉ, mã số của tổ chức và chuyên ngành giám định của tổ chức tương ứng với chuyên ngành giám định của các giám định viên thuộc tổ chức, danh sách giám định viên sở hữu công nghiệp là thành viên của tổ chức; ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về giám định sở hữu công nghiệp và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp, Cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra quyết định;

c2) Trường hợp hồ sơ có thiếu sót, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp tại địa phương ra thông báo dự định từ chối chấp nhận hồ sơ, trong đó nêu rõ lý do và ấn định thời hạn 01 tháng kể từ ngày ra thông báo để tổ chức nộp hồ sơ sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối. Khi hết thời hạn đã ấn định mà tổ chức nộp hồ sơ không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc có ý kiến phản đối nhưng không xác đáng thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp tại địa phương ra quyết định từ chối cấp Giấy chứng nhận tổ chức giám định sở hữu công nghiệp, trong đó nêu rõ lý do từ chối;

c3) Giấy chứng nhận tổ chức giám định sở hữu công nghiệp được làm theo Mẫu số 07 tại Phụ lục VI của Nghị định này.

3. Việc cấp lại Giấy chứng nhận tổ chức giám định sở hữu công nghiệp được thực hiện như sau:

a) Trong các trường hợp sau đây, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp tại địa phương ra quyết định cấp lại Giấy chứng nhận tổ chức giám định sở hữu công nghiệp nếu tổ chức giám định sở hữu công nghiệp có yêu cầu và nộp phí, lệ phí theo quy định:

a1) Giấy chứng nhận tổ chức giám định sở hữu công nghiệp bị mất, bị lỗi, bị hỏng (rách, bẩn, phai mờ v.v…) đến mức không sử dụng được;

a2) Có sự thay đổi liên quan đến các thông tin đã được ghi nhận trong Giấy chứng nhận tổ chức giám định sở hữu công nghiệp theo quy định tại điểm c1 khoản 2 Điều này.

b) Tổ chức giám định sở hữu công nghiệp có nghĩa vụ làm thủ tục yêu cầu cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận tổ chức giám định sở hữu công nghiệp cấp lại Giấy chứng nhận để ghi nhận các thay đổi nêu tại điểm c1 khoản 2 Điều này;

c) Hồ sơ yêu cầu cấp lại Giấy chứng nhận tổ chức giám định sở hữu công nghiệp được nộp cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp tại địa phương gồm 01 bộ tài liệu sau đây:

c1) Tờ khai yêu cầu cấp lại Giấy chứng nhận tổ chức giám định sở hữu công nghiệp, làm theo Mẫu số 06 tại Phụ lục VI của Nghị định này;

c2) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đã được sửa đổi của tổ chức giám định sở hữu công nghiệp trong trường hợp có sự thay đổi thông tin của tổ chức (xuất trình bản chính để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực), trừ trường hợp trong Tờ khai yêu cầu cấp lại Giấy chứng nhận tổ chức giám định sở hữu công nghiệp đã có thông tin về Mã số doanh nghiệp;

c3) Bản sao Quyết định tuyển dụng, hợp đồng lao động hoặc quyết định chấm dứt hợp đồng lao động giữa tổ chức và giám định viên sở hữu công nghiệp hoạt động cho tổ chức trong trường hợp có sự thay đổi về giám định viên sở hữu công nghiệp (xuất trình bản chính đ đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực);

c4) Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục này).

d) Việc xử lý hồ sơ yêu cầu cấp lại Giấy chứng nhận tổ chức giám định sở hữu công nghiệp được thực hiện như sau:

d1) Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ yêu cầu cấp lại Giấy chứng nhận tổ chức giám định sở hữu công nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp tại địa phương xem xét hồ sơ theo trình tự như đối với thủ tục cấp Giấy chứng nhận tổ chức giám định sở hữu công nghiệp quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;

d2) Trong trường hợp Giấy chứng nhận tổ chức giám định sở hữu công nghiệp bị lỗi do cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp tại địa phương đã cấp Giấy chứng nhận gây ra, thì cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận có trách nhiệm cấp lại Giấy chứng nhận trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của tổ chức giám định sở hữu công nghiệp, không thu phí cấp lại Giấy chứng nhận.

4. Việc thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định sở hữu công nghiệp được thực hiện như sau:

a) Giấy chứng nhận tổ chức giám định sở hữu công nghiệp bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:

a1) Có chứng cứ khẳng định rằng Giấy chứng nhận tổ chức giám định sở hữu công nghiệp được cấp trái với quy định của pháp luật;

a2) Tổ chức không còn đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 201 của Luật Sở hữu trí tuệ;

a3) Tổ chức giám định sở hữu công nghiệp chấm dứt hoạt động giám định;

a4) Tổ chức giám định sở hữu công nghiệp vi phạm quy định pháp luật bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đ nghị xử lý bằng hình thức thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định sở hữu công nghiệp.

b) Cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp tại địa phương chủ động hoặc theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định sở hữu công nghiệp nếu có căn cứ khẳng định tổ chức giám định sở hữu công nghiệp thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a khoản này;

c) Hồ sơ yêu cầu thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định sở hữu công nghiệp được nộp cho cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận tổ chức giám định sở hữu công nghiệp đó gồm 01 bộ tài liệu sau:

c1) Đơn yêu cầu thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định sở hữu công nghiệp;

c2) Chứng cứ chứng minh căn cứ đ nghị thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định sở hữu công nghiệp;

d) Trình tự thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định sở hữu công nghiệp được thực hiện như sau:

d1) Trường hợp tổ chức, cá nhân có yêu cầu thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định sở hữu công nghiệp theo quy định tại điểm c khoản này, trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu, cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận đó thông báo bằng văn bản về yêu cầu này cho tổ chức được cấp Giấy chứng nhận ấn định thời hạn là 01 tháng kể từ ngày ra thông báo để tổ chức đó có ý kiến. Trên cơ sở xem xét ý kiến của các bên, cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận đó ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định sở hữu công nghiệp hoặc quyết định từ chối thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định sở hữu công nghiệp và gửi cho các bên;

d2) Trường hợp có căn cứ khẳng định tổ chức được cấp Giấy chứng nhận tổ chức giám định sở hữu công nghiệp không còn đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 201 của Luật Sở hữu trí tuệ, cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận đó thông báo bằng văn bản về dự định thu hồi Giấy chứng nhận cho tổ chức được cấp Giấy chứng nhận và ấn định thời hạn 01 tháng kể từ ngày ra thông báo để tổ chức đó có ý kiến. Trên cơ sở xem xét ý kiến của tổ chức được cấp Giấy chứng nhận, cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận đó ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận hoặc thông báo không thu hồi Giấy chứng nhận cho tổ chức được cấp;

d3) Trường hợp có quyết định thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định sở hữu công nghiệp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được quyết định nói trên, cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận đó ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận;

d4) Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định sở hữu công nghiệp được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về giám định sở hữu công nghiệp và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp, Cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra quyết định.

5. Việc lập và đăng tải Danh sách tổ chức giám định sở hữu công nghiệp được thực hiện như sau:

a) Cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp lập Danh sách tổ chức giám định sở hữu công nghiệp gồm các thông tin được ghi nhận theo quyết định cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định sở hữu công nghiệp và đăng tải, cập nhật trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp hằng năm;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp tại địa phương thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp mọi thông tin về việc cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định sở hữu công nghiệp trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày ra quyết định để phục vụ việc lập Danh sách tổ chức giám định sở hữu công nghiệp tại khoản này.

Mục 3. NỘI DUNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ GIÁM ĐỊNH QUYỀN ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG

Điều 111. Kiểm tra nghiệp vụ giám định quyền đối với giống cây trồng

1. Việc kiểm tra nghiệp vụ giám định quyền đối với giống cây trồng được tiến hành nhằm đánh giá khả năng sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến quyền đối với giống cây trồng.

2. Việc tổ chức kiểm tra nghiệp vụ giám định quyền đối với giống cây trồng được thực hiện như sau:

a) Cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng là cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm tra nghiệp vụ giám định quyền đối với giống cây trồng;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng thông báo trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan đó, trong đó nêu rõ điều kiện tham dự kiểm tra, thủ tục nộp hồ sơ, nội dung kiểm tra và dự kiến thời gian, địa điểm kiểm tra;

c) Kỳ kiểm tra phải được tổ chức trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày có ít nhất 05 người đăng ký dự kiểm tra có hồ sơ đăng ký được chấp nhận theo quy định tại khoản 3 Điều này;

d) Kết quả kiểm tra được cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng thông báo cho người dự kiểm tra. Người dự kiểm tra có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng phúc tra kết quả này;

đ) Kết quả kiểm tra có giá trị trong thời hạn 05 năm cho việc đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp Thẻ giám định viên quyền đối với giống cây trồng.

3. Hội đồng kiểm tra nghiệp vụ giám định quyền đối với giống cây trồng do cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng thành lập, có nhiệm vụ tổ chức kỳ kiểm tra nghiệp vụ giám định quyền đối với giống cây trồng theo Quy chế kiểm tra nghiệp vụ giám định quyền đối với giống cây trồng do cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng ban hành.

Việc đăng ký dự kiểm tra nghiệp vụ giám định quyền đối với giống cây trồng được thực hiện như sau:

a) Cá nhân đáp ứng đủ các điều kiện sau đây thì được đăng ký dự kiểm tra theo quy định tại Điều này:

a1) Là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

a2) Thường trú tại Việt Nam;

a3) Có phẩm chất đạo đức tốt;

a4) Có trình độ đại học trở lên về chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực dự kiểm tra;

a5) Đã qua thực tế hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực đó từ 05 năm trở lên.

b) Hồ sơ đăng ký tham dự kiểm tra nghiệp vụ giám định quyền đối với giống cây trồng được nộp cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng gồm 01 bộ tài liệu sau đây:

b1) Tờ khai đăng ký dự kiểm tra nghiệp vụ giám định quyền đối với giống cây trồng theo Mẫu số 08 tại Phụ lục VI của Nghị định này;

b2) Bản sao có chứng thực văn bằng tốt nghiệp trình độ đại học hoặc sau đại học;

b3) Bản sao có chứng thực Quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động và tài liệu khác chứng minh thực tế hoạt động chuyên môn;

b4) 02 ảnh 3 x 4 (cm);

b5) Chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục này).

c) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng có trách nhiệm xử lý hồ sơ theo quy định sau đây:

c1) Trường hợp hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng ra thông báo chấp nhận hồ sơ, trong đó nêu rõ kế hoạch kiểm tra đã được ấn định hoặc chưa được ấn định vì chưa đủ số người đăng ký tham dự kiểm tra theo quy định tại khoản 2 Điều này;

c2) Trường hợp hồ sơ có thiếu sót, cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng ra thông báo dự định từ chối chấp nhận hồ sơ, trong đó nêu rõ lý do và ấn định thời hạn 01 tháng kể từ ngày ra thông báo để người đăng ký dự kiểm tra sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối. Khi hết thời hạn đã ấn định mà người đăng ký dự kiểm tra không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc có ý kiến phản đối nhưng không xác đáng thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng ra quyết định từ chối chấp nhận hồ sơ, trong đó nêu rõ lý do từ chối.

Điều 112. Cấp, cấp lại và thu hồi Thẻ giám định viên về quyền đối với giống cây trồng

1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Thẻ giám định viên quyền đối với giống cây trồng theo thủ tục quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.

2. Việc cấp Thẻ giám định viên quyền đối với giống cây trồng được thực hiện như sau:

a) Người đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 3 Điều 201 của Luật Sở hữu trí tuệ thì được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp Thẻ giám định viên quyền đối với giống cây trồng nếu có yêu cầu và nộp phí, lệ phí theo quy định. Các điều kiện để được cấp Thẻ giám định viên quyền đối với giống cây trồng quy định tại khoản 3 Điều 201 của Luật Sở hữu trí tuệ được hiểu như sau:

a1) Điều kiện “Thường trú tại Việt Nam” được hiểu là có nơi thường trú tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về cư trú;

a2) Điều kiện “Có phẩm chất đạo đức tốt” được hiểu là không bị xử lý vi phạm hành chính do vi phạm pháp luật về giống cây trồng hoặc về hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp và không thuộc diện bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xoá án tích;

a3) Điều kiện “Có trình độ đại học trở lên về chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực đề nghị cấp Thẻ giám định viên” được hiểu là có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học các ngành trồng trọt, nông học, khoa học cây trồng hoặc ngành có liên quan về giống cây trồng;

a4) Điều kiện “Đã qua thực tế hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực đề nghị cấp Thẻ giám định viên từ 05 năm trở lên” được hiểu là đã trực tiếp làm công tác soạn thảo và hướng dẫn thi hành văn bản quy phạm pháp luật về giống cây trồng, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, thanh tra về giống cây trồng tại các cơ quan quản lý nhà nước về bảo hộ giống cây trồng, nghiên cứu, giảng dạy về bảo hộ giống cây trồng tại tổ chức nghiên cứu, đào tạo được thành lập và hoạt động hợp pháp, hoặc tư vấn về pháp luật về bảo hộ giống cây trồng dưới danh nghĩa người đại diện quyền đối với giống cây trồng.

b) Hồ sơ yêu cầu cấp Thẻ giám định viên quyền đối với giống cây trồng gồm 01 bộ tài liệu sau đây:

b1) Tờ khai yêu cầu cấp Thẻ giám định viên theo Mẫu số 09 tại Phụ lục VI của Nghị định này;

b2) Bản gốc hoặc bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đạt yêu cầu kiểm tra nghiệp vụ về giám định quyền đối với giống cây trồng;

b3) Bản sao Bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành trồng trọt, nông học hoặc ngành có liên quan về giống cây trồng;

b4) Tài liệu có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc người nộp hồ sơ đã trực tiếp làm công tác chuyên môn lĩnh vực giống cây trồng từ 05 năm trở lên;

b5) 02 ảnh 3 x 4 (cm);

b6) Chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục này);

c) Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận hồ sơ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét hồ sơ theo quy định sau đây:

c1) Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ra quyết định cấp Thẻ giám định viên, trong đó ghi rõ họ tên, địa chỉ thường trú, số Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân và chuyên ngành giám định của người được cấp Thẻ;

c2) Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ra thông báo dự định từ chối chấp nhận hồ sơ, trong đó nêu rõ lý do và ấn định thời hạn 01 tháng kể từ ngày ra thông báo để người yêu cầu cấp Thẻ giám định viên sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối. Khi hết thời hạn đã ấn định mà người yêu cầu cấp Thẻ giám định viên không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc có ý kiến phản đối nhưng không xác đáng thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ra quyết định từ chối cấp Thẻ giám định viên, trong đó nêu rõ lý do từ chối;

c3) Thẻ giám định viên quyền đối với giống cây trồng được làm theo Mẫu số 10 tại Phụ lục VI của Nghị định này.

3. Việc cấp lại Thẻ giám định viên quyền đối với giống cây trồng được thực hiện như sau:

a) Trong các trường hợp sau đây, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ra quyết định cấp lại Thẻ giám định viên quyền đối với giống cây trồng nếu giám định viên có yêu cầu và nộp phí, lệ phí theo quy định:

a1) Thẻ giám định viên quyền đối với giống cây trồng bị mất, bị lỗi, bị hỏng (rách, bẩn, phai mờ v.v...) đến mức không sử dụng được;

a2) Thông tin được ghi nhận trong Thẻ giám định viên quyền đối với giống cây trồng theo quy định tại điểm c1 khoản 2 Điều này có sự thay đổi;

b) Giám định viên có nghĩa vụ yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp lại Thẻ giám định viên quyền đối với giống cây trồng để ghi nhận lại các thay đổi nêu tại điểm a2 khoản này.

c) Hồ sơ yêu cầu cấp lại Thẻ giám định viên quyền đối với giống cây trồng được nộp cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm 01 bộ tài liệu sau đây:

c1) Tờ khai yêu cầu cấp lại Thẻ giám định viên, làm theo Mẫu số 09 tại Phụ lục VI của Nghị định này;

c2) 02 ảnh 3 x 4 (cm);

c3) Chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục này).

d) Việc xử lý hồ sơ yêu cầu cấp lại Thẻ giám định viên về quyền đối với giống cây trồng được thực hiện như sau:

d1) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ yêu cầu cấp lại Thẻ giám định viên quyền đối với giống cây trồng, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét hồ sơ theo trình tự như đối với thủ tục cấp Thẻ giám định viên quyền đối với giống cây trồng theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;

d2) Trong trường hợp Thẻ giám định viên về quyền đối với giống cây trồng bị lỗi do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gây ra, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm cấp lại Thẻ giám định viên quyền đối với giống cây trồng trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của người được cấp Thẻ, không thu phí khi cấp lại Thẻ.

4. Việc thu hồi Thẻ giám định viên quyền đối với giống cây trồng được thực hiện như sau:

a) Thẻ giám định viên quyền đối với giống cây trồng bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:

a1) Có chứng cứ khẳng định rằng Thẻ giám định viên được cấp trái với quy định pháp luật;

a2) Người được cấp Thẻ giám định viên không còn đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 201 của Luật Sở hữu trí tuệ;

a3) Người được cấp Thẻ giám định viên từ bỏ hoạt động giám định;

a4) Người được cấp Thẻ giám định viên bị xử phạt bằng hình thức thu hồi Thẻ giám định viên theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

b) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động hoặc theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân thu hồi nếu có căn cứ khẳng định người được cấp Thẻ giám định viên quyền đối với giống cây trồng thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a khoản này.

c) Hồ sơ yêu cầu thu hồi Thẻ giám định viên quyền đối với giống cây trồng gồm 01 bộ tài liệu sau:

c1) Đơn yêu cầu thu hồi Thẻ giám định viên quyền đối với giống cây trồng;

c2) Chứng cứ chứng minh căn cứ đ nghị thu hồi Thẻ giám định viên quyền đối với giống cây trồng.

d) Trình tự thủ tục thu hồi Thẻ giám định viên quyền đối với giống cây trồng được thực hiện như sau:

d1) Trường hợp tổ chức, cá nhân có yêu cầu thu hồi Thẻ giám định viên quyền đối với giống cây trồng theo quy định tại điểm c khoản này, trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thông báo bằng văn bản về yêu cầu này cho người được cấp Thẻ giám định viên quyền đối với giống cây trồng và ấn định thời hạn là 01 tháng kể từ ngày ra thông báo để người đó có ý kiến. Trên cơ sở xem xét ý kiến của các bên, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ra quyết định thu hồi Thẻ giám định viên quyền đối với giống cây trồng hoặc quyết định từ chối thu hồi Thẻ giám định viên quyền đối với giống cây trồng cho các bên;

d2) Trường hợp có căn cứ khẳng định người được cấp Thẻ giám định viên quyền đối với giống cây trồng không còn đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 201 của Luật Sở hữu trí tuệ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thông báo bằng văn bản về dự định thu hồi Thẻ giám định viên quyền đối với giống cây trồng cho người được cấp Thẻ giám định viên quyền đối với giống cây trồng và ấn định thời hạn là 01 tháng kể từ ngày ra thông báo để người đó có ý kiến. Trên cơ sở xem xét ý kiến của người được cấp Thẻ giám định viên quyền đối với giống cây trồng, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ra quyết định thu hồi Thẻ giám định viên quyền đối với giống cây trồng hoặc thông báo không thu hồi Thẻ giám định viên quyền đối với giống cây trồng cho người được cấp;

d3) Trường hợp có quyết định thu hồi Thẻ giám định viên quyền đối với giống cây trồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được quyết định nói trên, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ra quyết định thu hồi Thẻ giám định viên quyền đối với giống cây trồng.

5. Việc lập và công bố Danh sách giám định viên quyền đối với giống cây trồng, thông báo thay đổi thông tin liên quan đến Thẻ giám định viên được thực hiện như sau:

a) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lập Danh sách giám định viên quyền đối với giống cây trồng theo các quyết định cấp, cấp lại Thẻ giám định viên quyền đối với giống cây trồng công bố trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra quyết định;

b) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng về Danh sách giám định viên và các thay đổi liên quan đến Thẻ giám định viên của những giám định viên hoạt động cho tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng của địa phương tương ứng để phục vụ công tác theo dõi cấp, cấp lại và thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định tại địa phương.

Điều 113. Cấp, cấp lại và thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng

1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng, lập và công bố Danh sách tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng theo quy định tại các các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này.

2. Việc cấp Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng được thực hiện như sau:

a) Tổ chức đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 201 của Luật Sở hữu trí tuệ thì được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng nếu có yêu cầu và nộp phí, lệ phí theo quy định;

b) Hồ sơ yêu cầu cấp Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng gồm 01 bộ tài liệu sau:

b1) Tờ khai yêu cầu cấp Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng, làm theo Mẫu số 11 tại Phụ lục VI của Nghị định này;

b2) Bản sao chứng thực Quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động giữa tổ chức và giám định viên về quyền đối với giống cây trồng hoạt động cho tổ chức;

b3) Chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục này).

c) Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận hồ sơ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét hồ sơ theo quy định sau đây:

c1) Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ra quyết định cấp Giấy chứng nhận tổ chức giám định, trong đó ghi rõ tên đầy đủ, tên giao dịch, địa chỉ của tổ chức, Danh sách giám định viên quyền đối với giống cây trồng là thành viên của tổ chức; ghi nhận vào Danh sách tổ chức giám định và công bố trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định;

c2) Trường hợp hồ sơ có thiếu sót, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ra thông báo dự định từ chối chấp nhận hồ sơ, trong đó nêu rõ lý do và ấn định thời hạn 01 tháng kể từ ngày ra thông báo để tổ chức nộp hồ sơ sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối. Khi hết thời hạn đã ấn định mà tổ chức nộp hồ sơ không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc có ý kiến phản đối nhưng không xác đáng thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ra quyết định từ chối cấp Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng, trong đó nêu rõ lý do từ chối;

c3) Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng được làm theo Mẫu số 12 tại Phụ lục VI của Nghị định này.

3. Việc cấp lại Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng được thực hiện như sau:

a) Trong các trường hợp sau đây, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ra quyết định cấp lại Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng nếu tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng có yêu cầu và nộp phí, lệ phí theo quy định:

a1) Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng bị mất, bị lỗi, bị hỏng (rách, bẩn, phai mờ v.v…) đến mức không sử dụng được;

a2) Có sự thay đổi liên quan đến các thông tin đã được ghi nhận trong Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng theo quy định tại điểm c1 khoản 2 Điều này.

b) Tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng có nghĩa vụ làm thủ tục yêu cầu cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng cấp lại Giấy chứng nhận nếu vẫn có nhu cầu tiếp tục hoạt động giám định;

c) Hồ sơ yêu cầu cấp lại Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng gồm 01 bộ tài liệu sau đây:

c1) Tờ khai yêu cầu cấp lại Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng, làm theo Mẫu số 11 tại Phụ lục VI của Nghị định này;

c2) Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đã được sửa đổi của tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng trong trường hợp có sự thay đổi thông tin của tổ chức, trừ trường hợp trong Tờ khai yêu cầu cấp lại Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng đã có thông tin về Mã số doanh nghiệp;

c3) Bản sao chứng thực Quyết định tuyển dụng, hợp đồng lao động hoặc quyết định chấm dứt hợp đồng lao động giữa tổ chức và giám định viên quyền đối với giống cây trồng hoạt động cho tổ chức trong trường hợp có sự thay đổi về giám định viên quyền đối với giống cây trồng;

c4) Chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục này).

d) Việc xử lý hồ sơ yêu cầu cấp lại Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng được thực hiện như sau:

d1) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ yêu cầu cấp lại Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét hồ sơ theo trình tự như thủ tục cấp Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng quy định tại điểm c khoản 2 Điều này.

d2) Trong trường hợp Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng bị lỗi do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã cấp Giấy chứng nhận gây ra, thì cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận có trách nhiệm cấp lại Giấy chứng nhận trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng, không thu phí khi cấp lại Giấy chứng nhận.

4. Việc thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng được thực hiện như sau:

a) Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:

a1) Có chứng cứ khẳng định rằng Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng được cấp trái với quy định của pháp luật;

a2) Tổ chức không còn đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 201 của Luật Sở hữu trí tuệ;

a3) Tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng chấm dứt hoạt động giám định;

a4) Tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng vi phạm quy định pháp luật bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đ nghị xử lý bằng hình thức thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng.

b) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động hoặc theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng nếu có căn cứ khẳng định tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a khoản này;

c) Hồ sơ yêu cầu thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng gồm 01 bộ tài liệu sau:

c1) Đơn yêu cầu thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng;

c2) Chứng cứ chứng minh căn cứ đ nghị thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng;

d) Trình tự thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng được thực hiện như sau:

d1) Trường hợp tổ chức, cá nhân có yêu cầu thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng theo quy định tại điểm c khoản này, trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu, cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận đó, thông báo bằng văn bản về yêu cầu này cho tổ chức được cấp Giấy chứng nhận ấn định thời hạn là 01 tháng kể từ ngày ra thông báo để tổ chức đó có ý kiến. Trên cơ sở xem xét ý kiến của các bên, cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận đó ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng hoặc quyết định từ chối thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng cho các bên;

d2) Trường hợp có căn cứ khẳng định tổ chức được cấp Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng không còn đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 201 của Luật Sở hữu trí tuệ, cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận đó thông báo bằng văn bản về dự định thu hồi Giấy chứng nhận cho tổ chức được cấp Giấy chứng nhận và ấn định thời hạn 01 tháng kể từ ngày ra thông báo để tổ chức đó có ý kiến. Trên cơ sở xem xét ý kiến của tổ chức được cấp Giấy chứng nhận, cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận đó ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận hoặc thông báo không thu hồi Giấy chứng nhận cho tổ chức được cấp;

d3) Trường hợp có quyết định thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được quyết định nói trên, cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận đó ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận;

d4) Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương công bố trên Cổng thông tin điện tử Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra quyết định.

5. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lập Danh sách tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng quy định tại Điều này theo các quyết định cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng. Danh sách tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cập nhật cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng về Danh sách tổ chức giám định quyền và các thay đổi liên quan đến tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng tại địa phương tương ứng để phục vụ công tác ghi nhận thông tin vào Sổ đăng ký Quốc gia về Danh sách tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng.

Mục 4. HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP, GIÁM ĐỊNH QUYỀN ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG

Điều 114. Nội dung và lĩnh vực giám định sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng

1. Giám định sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng bao gồm các nội dung sau đây:

a) Xác định phạm vi bảo hộ của đối tượng quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng;

b) Xác định đối tượng được xem xét có đáp ứng các điều kiện để bị coi là yếu tố xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng hay không theo quy định tại các điều từ Điều 74 đến Điều 80 của Nghị định này;

c) Xác định có hay không sự trùng, tương đương tương tự, gây nhầm lẫn, khó phân biệt hoặc sao chép giữa đối tượng được xem xét với đối tượng được bảo hộ;

d) Xác định giá trị quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng theo phương pháp định giá được quy định trong pháp luật về giá; xác định giá trị thiệt hại theo quy định tại Điều 204 và 205 của Luật Sở hữu trí tuệ.

2. Giám định sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng theo lĩnh vực quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm:

a) Lĩnh vực giám định sở hữu công nghiệp, gồm các chuyên ngành sau đây:

a1) Giám định sáng chế và thiết kế bố trí;

a2) Giám định kiểu dáng công nghiệp;

a3) Giám định nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý;

a4) Giám định các quyền sở hữu công nghiệp khác.

b) Lĩnh vực giám định về quyền đối với giống cây trồng.

Điều 115. Quyền và nghĩa vụ của người yêu cầu giám định sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng

1. Người yêu cầu giám định sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng có các quyền sau đây:

a) Yêu cầu tổ chức giám định, giám định viên trả lời kết luận giám định đúng nội dung và thời hạn yêu cầu;

b) Yêu cầu tổ chức giám định, giám định viên giải thích kết luận giám định;

c) Yêu cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại theo quy định tại Điều 120 của Nghị định này;

d) Thỏa thuận mức giá dịch vụ giám định.

2. Người yêu cầu giám định có các nghĩa vụ sau đây:

a) Cung cấp đầy đủ và trung thực các tài liệu, chứng cứ, thông tin liên quan đến đối tượng giám định theo yêu cầu của tổ chức giám định, giám định viên;

b) Trình bày rõ ràng, cụ thể những vấn đề thuộc nội dung cần yêu cầu giám định;

c) Thanh toán chi phí giám định theo thỏa thuận; tạm ứng chi phí giám định khi có yêu cầu của tổ chức giám định, giám định viên;

d) Nhận lại đối tượng giám định khi có yêu cầu của tổ chức giám định, giám định viên.

Điều 116. Yêu cầu giám định sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng

1. Tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu giám định sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng bao gồm:

a) Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng;

b) Tổ chức, cá nhân bị yêu cầu xử lý về hành vi xâm phạm hoặc bị khiếu nại, tố cáo về quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng;

c) Tổ chức, cá nhân khác có quyền, lợi ích liên quan đến vụ tranh chấp, xâm phạm, khiếu nại, tố cáo về quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng.

2. Tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này có quyền tự mình hoặc uỷ quyền cho tổ chức, cá nhân khác yêu cầu tổ chức giám định sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, giám định viên sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng thực hiện giám định.

3. Giám định viên hoạt động độc lập hoặc tổ chức giám định tiếp nhận hồ sơ yêu cầu giám định, tiến hành dự toán chi phí thực hiện giám định, thỏa thuận và thực hiện ký kết hợp đồng giám định với tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định, trừ trường hợp từ chối thực hiện giám định theo quy định.

4. Yêu cầu giám định phải lập thành hợp đồng dịch vụ giám định giữa người yêu cầu giám định với tổ chức giám định hoặc với giám định viên.

5. Hợp đồng dịch vụ giám định có thể có các nội dung sau đây:

a) Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định;

b) Tên, địa chỉ của tổ chức giám định hoặc giám định viên;

c) Nội dung yêu cầu giám định;

d) Các chứng cứ, tài liệu, hiện vật có liên quan;

đ) Thời hạn trả kết luận giám định;

e) Quyền và nghĩa vụ của các bên;

g) Địa điểm, thời gian thực hiện việc giám định;

h) Chi phí thực hiện giám định và phương thức thanh toán;

i) Nghiệm thu và thanh lý hợp đồng;

k) Trách nhiệm bồi thường thiệt hại; phương thức giải quyết tranh chấp.

Điều 117. Giao, nhận, trả lại đối tượng giám định sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng

Trong trường hợp việc yêu cầu giám định có kèm theo đối tượng giám định thì việc giao, nhận, trả lại đối tượng giám định phải lập thành biên bản và có các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Thời gian, địa điểm giao, nhận, trả lại đối tượng giám định.

2. Tên, địa chỉ của bên giao và bên nhận đối tượng giám định hoặc của người đại diện.

3. Tên đối tượng giám định; tài liệu hoặc đồ vật có liên quan.

4. Tình trạng và cách thức bảo quản đối tượng giám định khi giao, nhận, trả lại.

5. Chữ ký của bên giao và bên nhận đối tượng giám định hoặc người đại diện trong trường hợp ủy quyền cho bên thứ ba yêu cầu giám định.

Điều 118. Lấy mẫu giám định sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng

1. Tổ chức giám định, giám định viên có thể tự mình tiến hành lấy mẫu giám định (các hiện vật cụ thể là yếu tố xâm phạm và đối tượng sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng đang được bảo hộ) hoặc yêu cầu người yêu cầu giám định cung cấp mẫu giám định. Việc lấy mẫu giám định phải lập biên bản với sự chứng kiến và có chữ ký xác nhận của các bên liên quan.

2. Việc giao, nhận, trả lại mẫu giám định thực hiện tương tự như quy định tại Điều 117 của Nghị định này.

Điều 119. Thực hiện giám định sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng

1. Việc giám định sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng có thể do một hoặc một số giám định viên sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng thực hiện. Giám định cá nhân là giám định do một giám định viên thực hiện. Giám định tập thể là giám định do hai giám định viên trở lên thực hiện.

2. Trong trường hợp giám định cá nhân thì giám định viên thực hiện toàn bộ việc giám định và chịu trách nhiệm về kết luận giám định của mình. Trong trường hợp giám định tập thể về vấn đề thuộc cùng lĩnh vực chuyên môn thì các giám định viên cùng thực hiện việc giám định, ký tên vào văn bản kết luận giám định chung và cùng chịu trách nhiệm về kết luận giám định; nếu có ý kiến khác nhau thì mỗi giám định viên ghi riêng ý kiến kết luận của mình vào văn bản kết luận giám định chung và chịu trách nhiệm về ý kiến đó. Trong trường hợp giám định tập thể về vấn đề thuộc các lĩnh vực chuyên môn khác nhau thì mỗi giám định viên thực hiện phần việc của mình và chịu trách nhiệm về kết luận giám định của mình.

Điều 120. Giám định bổ sung, giám định lại sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng

1. Giám định bổ sung được thực hiện trong trường hợp kết luận giám định chưa đầy đủ, rõ ràng về các nội dung cần giám định hoặc có phát sinh tình tiết mới cần làm rõ. Yêu cầu giám định bổ sung và việc thực hiện giám định bổ sung phải tuân theo các quy định đối với giám định lần đầu.

2. Giám định lại được thực hiện trong trường hợp người yêu cầu giám định không đồng ý với kết quả giám định hoặc có mâu thuẫn giữa các kết luận giám định về cùng một vấn đề cần giám định. Việc giám định lại có thể do tổ chức giám định, giám định viên đã giám định trước đó hoặc do tổ chức giám định, giám định viên khác thực hiện theo yêu cầu của người yêu cầu giám định.

3. Trong trường hợp có sự khác nhau giữa các kết luận giám định hoặc giữa kết luận giám định với ý kiến chuyên môn của cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng về cùng một vấn đề cần giám định thì người yêu cầu giám định có thể tiếp tục yêu cầu tổ chức giám định, giám định viên khác thực hiện việc giám định lại.

4. Trong trường hợp cần thiết, khi thực hiện giám định quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, tổ chức giám định có thể thành lập Hội đồng tư vấn giám định quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng để lấy ý kiến chuyên môn về vấn đề cần giám định. Các vấn đề liên quan đến Hội đồng tư vấn giám định được thực hiện như sau:

a) Tổ chức giám định lựa chọn thành viên của Hội đồng liên quan đến chuyên ngành giám định và ra quyết định thành lập Hội đồng tư vấn giám định sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng. Hội đồng tư vấn giám định sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng gồm chủ tịch và các thành viên. Số lượng thành viên Hội đồng tư vấn giám định sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng phải là số lẻ và có từ 03 thành viên trở lên.

b) Hội đồng tư vấn giám định sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, biểu quyết công khai ý kiến về chuyên môn. Các thành viên của Hội đồng tư vấn giám định sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng thảo luận tập thể về chuyên môn, ý kiến của các thành viên phải được ghi trong biên bản cuộc họp của Hội đồng tư vấn giám định sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng.

c) Toàn bộ quá trình tư vấn giám định của Hội đồng tư vấn giám định sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng phải được thể hiện đầy đủ, trung thực thành biên bản làm việc. Biên bản phải có chữ ký của chủ tịch và các thành viên Hội đồng và được lưu trong hồ sơ giám định.

Điều 121. Văn bản kết luận giám định sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng

1. Kết luận giám định sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng quy định tại khoản 5 Điều 201 của Luật Sở hữu trí tuệ phải được thể hiện bằng văn bản.

2. Văn bản kết luận giám định sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng quy định tại khoản 1 Điều này phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, địa chỉ của tổ chức giám định, giám định viên;

b) Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định;

c) Đối tượng, nội dung, phạm vi giám định;

d) Phương pháp thực hiện giám định;

đ) Kết luận giám định;

e) Thời gian, địa điểm thực hiện, hoàn thành giám định.

3. Giám định viên hoạt động độc lập, tổ chức giám định phải gửi văn bản kết luận giám định cho tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định theo thời hạn thỏa thuận tại hợp đồng giám định. Trường hợp thực hiện giám định độc lập thì giám định viên thực hiện giám định phải ký vào văn bản kết luận giám định và chịu trách nhiệm về kết luận giám định đó. Trường hợp tổ chức thực hiện giám định thì giám định viên thực hiện giám định và người đại diện theo pháp luật của tổ chức giám định phải cùng ký tên, đóng dấu vào văn bản kết luận giám định và chịu trách nhiệm về kết luận giám định.

4. Trường hợp cần thiết phải có thêm thời gian để thực hiện giám định, giám định viên hoạt động độc lập, tổ chức giám định phải thông báo kịp thời bằng văn bản đến tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định.

Điều 122. Giá dịch vụ giám định sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng

Giá dịch vụ giám định sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng do các bên thỏa thuận.

Phần thứ năm

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 123. Điều khoản chuyển tiếp

1. Việc xử lý đơn đăng ký sáng chế mật được nộp trước ngày Nghị định này có hiệu lực mà chưa có quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 48 đến Điều 52 của Nghị định này.

2. Việc xử lý đơn La Hay có chỉ định Việt Nam và được Văn phòng quốc tế công bố trước ngày Nghị định này có hiệu lực nhưng chưa có quyết định chấp nhận hoặc từ chối chấp nhận bảo hộ được thực hiện theo quy định của Nghị định này và quy định của Thỏa ước La Hay.

3. Việc xử lý đơn La Hay có nguồn gốc Việt Nam nộp cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp trước ngày Nghị định này có hiệu lực nhưng chưa được gửi cho Văn phòng quốc tế được thực hiện theo quy định của Nghị định này và quy định của Thỏa ước La Hay.

Điều 124. Hiệu lực của Nghị định

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 23 tháng 8 năm 2023.

2. Nghị định này thay thế Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, thay thế các quy định về bảo vệ quyền trong lĩnh vực quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ tại Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, Nghị định số 119/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2010 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, Nghị định số 122/2010/NĐ-CP ngày 31 tháng 10 năm 2010 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệpĐiều 1 của Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2018 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành.

Điều 125. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KGVX (2).

TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trần Lưu Quang

GOVERNMENT OF VIETNAM
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom – Happiness
---------------

No. 65/2023/ND-CP

Hanoi, August 23, 2023

 

DECREE

ELABORATION ON SEVERAL ARTICLES AND IMPLEMENTATION MEASURES OF THE LAW ON INTELLECTUAL PROPERTY REGARDING INDUSTRIAL PROPERTY RIGHTS, PROTECTION OF INDUSTRIAL PROPERTY RIGHTS, RIGHTS TO PLANT VARIETIES, AND STATE MANAGEMENT OF INTELLECTUAL PROPERTY

Pursuant to the Law on Organization of the Government of Vietnam dated June 19, 2015; the Law on Amendments to the Law on Organization of the Government of Vietnam and the Law on Organization of the Local Government of Vietnam dated November 22, 2019;

Pursuant to the Law on Intellectual Property dated November 29, 2005; the Law on amendments to the Law on Intellectual Property dated June 19, 2009; the Law on amendments to the Law on Insurance Business and the Law on Intellectual Property dated June 14, 2019, and the Law on amendments to the Law on Intellectual Property dated June 16, 2022;

At the request of the Minister of Science and Technology of Vietnam;

The Government of Vietnam hereby promulgates the Decree elaborating on several articles and implementation measures of the Law on Intellectual Property regarding industrial property rights, protection of industrial property rights, rights to plant varieties, and state management of intellectual property.

Part one

GENERAL PROVISIONS

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



This Decree provides for the elaboration and implementation measures of regulations of the Law on Intellectual Property on:

1. Right establishment, right holders, contents, and limitations of industrial property rights, transfer of industrial property rights, industrial property representatives, and measures to promote industrial property.

2. Identification of acts of infringement, nature, and severity of industrial property right infringements, rights to plant varieties, identification of damage, request and settlement of infringement handling requests, handling of infringements upon industrial property rights and rights to plant varieties, control of imports and exports concerning industrial property rights and rights to plant varieties, assessment of industrial property rights and rights to plant varieties, and state management of intellectual property.

Article 2. Regulated entities

1. Vietnamese and foreign organizations and individuals meeting the requirements for grant of protection of industrial property rights in Vietnam according to international treaties to which Vietnam is a signatory.

2. Organizations and individuals that have granted protection of industrial property rights and/or rights to plant varieties or have acts of infringement on industrial property rights and/or rights to plant varieties as prescribed by the Law on Intellectual Property.

3. Other relevant organizations and individuals.

Article 3. Interpretation of terms

For the purpose of this Decree, the following terms shall be construed as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. “Applicants” are organizations and/or individuals applying for the establishment of industrial property rights or organizations and individuals applying for the handling of acts of infringement on industrial property rights and/or rights to plant varieties.

3. “Paris Convention” means the Paris Convention for the Protection of Industrial Property dated 1883, amended in 1967 and 1979.

4. “PCT Treaty” means the Patent Cooperation Treaty dated 1970, amended in 1984 and 2001.

5. “Madrid Agreement” means the Madrid Agreement Concerning the International Registration of Marks dated 1891, amended in 1979.

6. “Madrid Protocol” means the Madrid Protocol Concerning Madrid Treaty dated 1989, amended in 2006 and 2007.

7. “Hague Agreement” means the Hague Agreement Concerning the International Deposit of Industrial Designs and its Document dated 1999.

8. “PCT application” means an invention registration application submitted under the PCT Treaty.

9. “PCT application designating or selecting Vietnam” means a PCT application submitted at any member of the PCT Treaty, including Vietnam, specifying Vietnam is the designated or selected country.

10. “PCT national phase application” means a PCT application designating or selecting Vietnam submitted to an industrial property right authority.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



12. “Madrid application” means an application for the international registration of marks submitted under the Madrid Agreement or Madrid Protocol.

13. “Madrid application originating from Vietnam” means a Madrid application requesting a grant of protection to marks at other members of the Madrid Treaty or Madrid Protocol submitted from Vietnam.

14. “Madrid application designating Vietnam” means a Madrid application requesting a grant of protection to marks in Vietnam, originating from other members of the Madrid Treaty or Madrid Protocol.

15. “Hague application” means an application for the international registration of industrial designs submitted under the Hague Agreement.

16. “Hague application designating Vietnam” means a Hague application requesting a grant of protection to industrial designs in Vietnam, originating from any member of the Hague Agreement, including Vietnam.

17. “Hague application originating from Vietnam” means a Hague application submitted from Vietnam requesting a grant of protection of industrial designs at any member of the Hague Agreement, including Vietnam.

18. “International Office” means the International Office of the World Intellectual Property Organization (WIPO).

19. “Acts of infringement” are acts of infringement on industrial property rights and/or rights to plant varieties.

20. “Handling of infringements” means the handling of infringements on industrial property rights and/or rights to plant varieties.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



22. “Infringement factors” are factors created from infringements on industrial property rights and/or rights to plant varieties.

23. “Act subject to examination” means an act that is suspected and examined to determine whether it is an infringement or not.

24. “Subjects under examination” are subjects suspected and examined to determine whether they are violators of industrial property rights and/or rights to plant varieties or not.

25. “Application for infringement handling” means an application for the adoption of measures to handle acts of infringement.

26. “Law on Intellectual Property” means the Law on Intellectual Property dated November 29, 2005, amended by the Law on amendments to the Law on Intellectual Property dated June 19, 2009, the Law on amendments to the Law on Insurance Business and the Law on Intellectual Property dated June 14, 2019, and the Law on amendments to the Law on Intellectual Property dated June 16, 2022.

Part two

STATE MANAGEMENT OF INTELLECTUAL PROPERTY

Article 4. Uniform principle of state management of intellectual property

The organization of the state management of intellectual property prescribed in Article 10 and Article 11 of the Law on Intellectual Property shall be based on the uniform principles of objectives, contents, and measures under the general directive of the Government of Vietnam with specific assignment of responsibilities and strict cooperation between ministries, ministerial agencies, governmental agencies, and People's Committees of all levels.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The Ministry of Science and Technology of Vietnam shall take charge and cooperate with the Ministry of Culture, Sports and Tourism of Vietnam, the Ministry of Agriculture and Rural Development of Vietnam, ministerial agencies, governmental agencies, People’s Committees of all levels, and relevant agencies in performing the following activities to ensure the uniform state management of intellectual property:

a) Developing, promulgating, and organizing the implementation of general strategies, policies, and legal documents on the protection of intellectual property rights or presenting them to competent authorities for promulgation.

b) Monitoring, urging, and inspecting the implementation of general tasks of industrial property assigned to ministries, ministerial agencies, governmental agencies, and People’s Committees of all levels by the National Assembly of Vietnam or the Government of Vietnam as prescribed in Article 10 and Article 11 of the Law on Intellectual Property and this Decree;

c) Summarizing, assessing, and reporting on the performance of the protection of intellectual property rights to the Government of Vietnam, proposing specific policies and measures to improve the efficiency of the intellectual property system, and ensuring the uniform state management of intellectual property;

d) Developing and directing the implementation of general programs and schemes for the protection of intellectual property rights, measures to cooperate between intellectual property right protection authorities;

dd) Negotiating and concluding the participation in and implementation of general international treaties on intellectual property; proposing the settlement of national disputes concerning intellectual property in international relationships;

e) Developing the database system and establishing the national information network on state management of intellectual property and protection of intellectual property rights.

2. The Ministry of Culture, Sports and Tourism of Vietnam shall cooperate with the Ministry of Science and Technology of Vietnam in performing tasks prescribed in Clause 1 of this Article; ensure the implementation of state management of copyrights and related rights and ensure that policies, strategies, and legal documents on copyrights and related rights are in uniformity with general policies, strategies, and legal documents on intellectual property; periodically or irregularly provide information on state management and protection of intellectual property rights for the Ministry of Science and Technology of Vietnam for cooperation in handling arising issues and summarization for report to the Prime Minister of Vietnam.

3. The Ministry of Agriculture and Rural Development of Vietnam shall cooperate with the Ministry of Science and Technology in performing tasks prescribed in Clause 1 of this Article; ensure the implementation of state management of rights to plant varieties and ensure that policies, strategies, and legal documents on the protection of rights to plant varieties are in uniformity with general policies, strategies, and legal documents on intellectual property; periodically or irregularly provide information on state management and protection of intellectual property rights for the Ministry of Science and Technology of Vietnam for cooperation in handling arising issues and summarization for report to the Prime Minister of Vietnam.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The Ministry of Science and Technology of Vietnam shall:

1. Develop and organize the implementation of strategies and policies on the protection of industrial property rights.

2. Promulgate and organize the implementation of legal documents on industrial property or present them to competent authorities for promulgation.

3. Organize the system of agencies performing the state management of industrial property.

4. Provide professional guidance, training, and advanced training in industrial property.

5. Organize the establishment of industrial property rights, registration of contracts of transfer of industrial property rights, and performance of other procedures concerning protection titles of industrial property rights.

6. Exercise rights to compulsory transfer of invention licensing rights according to Article 147 of the Law on Intellectual Property.

7. Take charge or cooperate in implementing measures to protect legitimate rights and benefits of organizations, individuals, the State, and society regarding industrial property.

8. Manage the industrial property assessment and the issuance of industrial property assessor cards.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



10. Organize informative and statistical operations on industrial property; manage and organize operations concerning national databases on industrial property.

11. Organize the education, dissemination, and universalization of knowledge, policies, and laws on industrial property.

12. Manage the activities of industrial property representatives; issue practicing certificates of industrial property representative services.

13. Perform international cooperation in industrial property; propose the settlement of disputes between Vietnam and other countries over industrial property.

14. Perform other tasks assigned by the Government of Vietnam.

Article 7. Cooperation in state management of intellectual property

1. The Ministry of Science and Technology of Vietnam shall take charge and cooperate with the Ministry of Culture, Sports and Tourism of Vietnam, the Ministry of Agriculture and Rural Development of Vietnam, and relevant agencies in protecting, inspecting, and handling infringements on intellectual property rights.

2. Intellectual property authorities shall provide adequate and timely answers for requests from authorities of intellectual property right infringement handling.

3. Intellectual property authorities shall participate in inspectorates or inspection delegations upon requests to serve the inspection.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Ministries, ministerial agencies, governmental agencies, and People’s Committees of provinces and centrally affiliated cities shall, within their scope of functions and tasks, cooperate with the Ministry of Science and Technology of Vietnam, the Ministry of Culture, Sports and Tourism of Vietnam, and The Ministry of Agriculture and Rural Development of Vietnam in:

1. Performing tasks prescribed in Clause 1 Article 5 of this Decree and directly performing specific tasks assigned by the Government of Vietnam.

2. Ensuring the local implementation of policies and laws on intellectual property in conformity and compliance with the Law on Intellectual Property and its guiding documents.

3. Periodically or irregularly provide information on state management and protection of intellectual property rights for the Ministry of Science and Technology of Vietnam for cooperation in handling arising issues and summarization for report to the Prime Minister of Vietnam.

Article 9. Responsibilities of ministries, ministerial agencies, governmental agencies, and People’s Committees of provinces and centrally affiliated cities regarding industrial property

1. Regarding the state management of local industrial property, People’s Committees of the provinces and centrally affiliated cities shall:

a) Organize the implementation of policies and laws on industrial property;

b) Develop, issue, and organize the implementation of local regulations on industrial property;

c) Organize the management system of local industrial property and perform measures to improve the efficiency of such a system;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Guide and support organizations and individuals in performing industrial property procedures;

e) Cooperate with relevant agencies in protecting industrial property rights and handling violations against industrial property laws;

e) Inspecting compliance with industrial property laws and settling complaints and denunciations of local industrial property;

h) Manage local geographical indications, including location names and other signs indicating the geographical origin of local specialties;

i) Conduct international cooperation in local industrial property.

2. Ministries, ministerial agencies, and governmental agencies shall organize and direct the implementation of industrial property laws and manage the subject matters of industrial property under their management.

Part three

INDUSTRIAL PROPERTY RIGHTS

Chapter I

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Section 1. GENERAL REGULATIONS ON ESTABLISHMENT OF INDUSTRIAL PROPERTY RIGHTS

Article 10. Grounds and procedures for establishing industrial property rights

1. Industrial property rights to an invention, layout design, industrial design, mark, and geographical indication shall be established based on a protection grant decision of the industrial property right authority issued to the applicant for such subjects according to Chapter VII, Chapter VIII, and Chapter IX of the Law on Intellectual Property and Appendix I of this Decree.

Industrial property rights to an internationally registered mark under the Madrid Agreement and Madrid Protocol shall be established based on a decision to grant protection to such a mark issued by an industrial property right authority.

Industrial property rights to an internationally registered industrial design under the Hague Agreement shall be established based on a decision to grant protection to such an industrial design issued by an industrial property right authority.

2. Industrial property rights to a well-known mark shall be established based on the actual use practice of such a mark according to Article 75 of the Law on Intellectual Property without having to carry out registration procedures. When using the rights and handling a dispute over the rights to the well-known mark, the owner shall prove his/her rights with evidence prescribed in Point c Clause 5 Article 91 of this Decree.

3. Industrial property rights to a trade name shall be established based on the actual legal use of such a name corresponding to the area (territory) and business line without having to carry out registration procedures. When using the rights and handling a dispute over the rights to the trade name, the owner shall prove his/her rights via evidence prescribed in Point b Clause 5 Article 91 of this Decree.

4. Industrial property rights to a business secret shall be established based on the financial, intellectual investment, or other legal methods to find out, create, or achieve information and information security forming such a business secret without having to carry out registration procedures. When using the rights and handling a dispute over the right to the business secret, the owner shall prove his/her right via evidence prescribed in Point a Clause 5 Article 91 of this Decree.

5. Anti-unfair competition rights shall be established based on the actual anti-unfair competition activities without having to carry out registration procedures at industrial property right authorities. When using the anti-unfair competition rights, holders shall prove their rights via evidence specifying subjects, fields, territories, and business time concerning competition.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. If any international treaty concerning industrial property rights to which Vietnam is a signatory stipulates the recognition and protection of industrial property rights of organizations and/or individuals of members according to Article 6 of the Law on Intellectual Property, such industrial property rights shall be recognized and protected in Vietnam.

Industrial property rights shall be protected within a scope and period appropriate to international treaties. Registration procedures according to the Law on Intellectual Property are not required.

2. The Ministry of Science and Technology of Vietnam shall disclose every essential information concerning industrial property rights recognized and protected in Vietnam under international treaties.

Article 12. Priority rights of registration applications for inventions, industrial designs, or marks

Priority rights of registration applications for inventions, industrial designs, or marks prescribed in Article 91 of the Law on Intellectual Property shall be applied as follows:

1. If the applicant wishes to have priority rights according to the Paris Convention, his/her applicant shall be accepted if the following requirements are met:

a) The applicant is a Vietnamese citizen or a citizen of a member country of the Paris Convention or a member of another country residing or having a production or business facility in Vietnam or any member country of the Paris Convention;

b) The first application has been submitted in Vietnam or any member country of the Paris Convention, containing content corresponding to the request for priority rights of the registration application for inventions, industrial designs, or marks;

c) The registration application is submitted within the following period since the submission of the first application: 6 months for registration applications for industrial designs or marks and 12 months for registration applications for inventions;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) The applicant adequately pays fees for priority rights.

2. The first application submitted in Vietnam or any member country of the Paris Convention according to Point b Clause 1 of this Article is the application eligible for confirming its submission date at any concerned member country, regardless of its processing results.

3. If the applicant wishes to have priority rights under another international treaty, his/her request will be accepted if he/she meets the requirements for priority rights prescribed in such an international treaty.

Article 13. Rights to register industrial property under international treaties

1. Foreign organizations and individuals meeting the requirements for protection of industrial property rights in Vietnam according to Article 2 of this Decree may apply for industrial property in Vietnam under international treaties on or related to procedures for submitting international applications.

2. Vietnamese organizations and individuals may submit international registration applications for industrial property to request protection of their rights in Vietnam if prescribed by international treaties.

Article 14. Security control of inventions

1. Regarding technical inventions affecting national defense and security listed in Appendix VII of this Decree created in Vietnam and subject to registration rights of individuals who are Vietnamese citizens residing in Vietnam or organizations established under the law of Vietnam, the control procedure shall be performed before the industrial property right authority discloses such registration applications to meet the requirements for overseas submission of invention registration applications according to Clause 1 Article 89a of the Law on Intellectual Property.

2. The Ministry of National Defense of Vietnam and the Ministry of Public Security of Vietnam shall designate agencies receiving and processing requests for invention identification in invention registration applications in technical fields affecting national defense and security as prescribed in Clause 3 of this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Regarding the invention registration application prescribed in Clause 3 of this Article, the industrial property right authority shall notify the applicant of the suspension of the appraisal procedure of the application for the performance of the security control procedure under Article 89a of the Law on Intellectual Property within 7 working days after submitting the requesting document to the agency designated by the Ministry of National Defense of Vietnam and/or Ministry of Public Security of Vietnam.

5. Within 20 days from the date of receiving the notification of the agency designated by the Ministry of National Defense of Vietnam and/or Ministry of Public Security of Vietnam on the subject in the invention registration application is subject to technical fields affecting national defense and security according to Clause 3 of this Article, the industrial property right authority shall notify the applicant of such information while requesting the applicant to perform procedures for state secret protection according to laws within 1 month after receiving the notification and the following procedures:

a) Regarding an invention registration application submitted under the national format: if the applicant submits the mentioned application under procedures appropriate to state secret protection laws, the application shall be continued to be processed under laws. If the applicant fails to comply with state secret protection laws when submitting the mentioned application within a prescribed period, such application is considered to be withdrawn and shall be destroyed by the industrial property right authority under state secret protection laws, excluding cases where the applicant has evidence proving that the invention is not a state secret.

b) Regarding a PCT application originating from Vietnam submitted through the industrial property right authority: such application shall be destroyed according to state secret protection laws, and Point e Clause 1 Article 20 of this Decree shall be applied, excluding cases where the applicant has evidence proving that the invention is not a state secret.

6. The industrial property right authority shall continue the processing of the application in the following cases:

a) The industrial property right authority does not receive any notification from the agency designated by the Ministry of National Defense of Vietnam and/or Ministry of Public Security of Vietnam after the 3-month period prescribed in Clause 3 of this Article.

b) The agency designated by the Ministry of National Defense of Vietnam and/or Ministry of Public Security of Vietnam notifies that the invention in the application is not subject to technical fields affecting national defense and security.

The industrial property right authority shall notify the applicant of the continuation of the processing of the application within 1 month from the time prescribed in Point a of this Clause or the the date of receiving the notification prescribed in Point b of this Clause.

7. Regarding an application subject to cases prescribed in Clause 6 of this Article, the applicant may submit such registration application overseas.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The methods of calculating time limits in industrial property shall comply with regulations on time limits of the Civil Code.

2. The time limit for an applicant and related parties to submit, amend, and supplement documents or provide suggestions may be extended once equal to the time limit prescribed in the notification of the industrial property right authority, providing that the petitioner submits the document requesting the extension before the end date of the prescribed time limit and pays fees for the extension as per regulation.

3. The time limit does not include when there is any force majeure or objective obstacle making the organization or individual fail to perform their concerned tasks and rights within the scope of the time limit if such an organization or individual requests and has reasonable evidence proving such a state. If the request is accepted, the industrial property right authority shall issue a notification and/or notification revoking the issued decision and/or notification regarding the failure to promptly perform tasks and rights of the individual or organization and restore the processing of the application to its previous state.

4. Force majeure means an objective event that cannot be predicted (such as natural disasters, epidemics, etc.) and cannot be remedied despite applying necessary and permissible measures.

Objective obstacles mean obstacles caused by objective situations (such as sickness, work or study at a faraway location, etc.), making persons with rights and tasks unable to know their legitimate rights and benefits are infringed upon or fail to perform their tasks and rights.

Article 16. Amendments and supplements to industrial property registration applications

1. Before the industrial property right authority decides to refuse or accept the application or issue or refuse to issue the protection title, the applicant may:

a) Amend or supplement documents in the application, providing that such an amendment or supplement does not extend the scope (volume) of protection in the description of the invention registration application, set of photos, drawings, and descriptions of industrial designs displayed in the set of photos and drawings regarding an industrial design registration application or in the mark and list of goods and services regarding a mark registration application without changing the nature of the subjects specified in the application;

b) Change the name, address, country code of the applicant, name, nationality, address of the inventor, layout design, and/or industrial design; industrial property representative.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) In case the applicant proactively amends or supplements the application after the industrial property right authority approves the valid application, including changes to the legal representative in Vietnam, the application for such amendments or supplements shall be made following Form No. 04 in Appendix II of this Decree;

b) In case of amendments or supplements to the application before the industrial property right authority accepts or refuses the valid application or amendments or supplements based on a notification of the industrial property right authority concerning such an application, the request for amendments or supplements shall be made in writing, specifying the content of the amendments or supplements;

c) The applicant may request amendments or supplements to the same content related to many applications with the same subject matter of industrial property rights in one statement or document requesting such amendments or supplements;

d) Any petitioner for amendments or supplements to applications shall pay:

d1) Fees for appraisal of the request for amendments or supplements for each amendment content according to regulations and copies of receipts (in case of paying fees via postal services or directly to the account of the industrial property right authority);

d2) Fees for disclosure of information on amendments or supplements to the application according to regulations if the amendment or supplement content must be disclosed as prescribed in Point a Clause 3 of this Article. In case amendments or supplements must be done to remedy errors caused by the industrial property right authority, the applicant shall not pay the disclosure fees;

dd) Regarding requests for amendments or supplements to the following documents, the application shall submit the corresponding documents that have been amended or supplemented:

dd1) A part or a whole of the description and/or summary of the invention regarding an invention registration application;

dd2) 4 sets of photos or sets of drawings, descriptions of integrated circuits produced according to the layout design regarding a layout design registration application;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd4) 5 samples of marks and the list of goods and services with such marks regarding a mark registration application;

dd5) Description of the specific characteristics of the product with geographical indications, maps of the corresponding geographical area with geographical indications regarding a geographical indication registration application.

Documents amending or supplementing the application shall comply with regulations on such documents prescribed in Appendix I of this Decree. Regarding requests for amendments or supplements as prescribed in Points dd1, dd2, and dd3 of this Clause, the applicant shall submit a detailed presentation of the amendment or supplement content for comparison with the initially submitted documents.

e) Regarding cases of changing the name, address, country code of the applicant, name, and nationality of the author, the applicant shall submit a confirmation document (original or certified copy) or a legal document (certified copy) proving the changes (decision on changes to the name, address; enterprise registration certificate recording the changes to name, address, etc.). Regarding cases of changing the industrial property representative, the applicant shall submit a statement on changing the industrial property representative.

3. The industrial property right authority shall process requests for amendments and/or supplements top applications as follows:

a) Disclose amended or supplemented content in case the request for amendments or supplements to relevant information is formally valid as stated in the decision on valid application acceptance; name, nationality of the inventor, industrial design, layout design; summary of the invention enclosed with drawings (if any); set of photos or drawings of the industrial design; mark sample and list of goods and services enclosed; description of the specific characteristics and the name of the product with geographical indications;

b) Appraise the amendment or supplement content in compliance with Article 109 of the Law on Intellectual Property and relevant laws in case the applicant requests amendments or supplements to the application under Point a Clause 2 of this Article;

c) Regarding any request for amendments or supplements to the submitted application after the notification of the intended issuance of the protection title that falls into the following cases, the application shall be re-appraised, and the applicant shall pay fees as per regulation:

c1) Amendments to information related to the nature of the subject specified in the application: description of the invention; description, set of photos, drawings of the industrial design; mark sample, list of goods and services with the mark, regulation on the use of the collective mark, regulation on the use of the certification mark; description of the specific characteristics of the product with geographical indications, geographical area corresponding to the geographical indications;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Notify the acceptance or refusal of the request for amendments or supplements within the time limit prescribed in Clause 4 Article 119 of the Law on Intellectual Property;

dd) Notify the acceptance or refusal of the request for amendments or supplement to the application in the documents sent to the applicant during the processing of the concerned industrial property registration application regarding the case prescribed in Point b Clause 2 of this Article.

Article 17. Splitting, withdrawing industrial property registration applications; requesting appraisal of content, and converting invention registration applications

1. Splitting industrial property registration applications shall be performed as follows:

a) Before the industrial property right authority decides to accept the application or issue or refuse the issuance of the protection title, the applicant may split the application (splitting one or several technical solutions in the invention registration application, one or several industrial designs in the industrial design registration application, or a part of the list of goods and services in the mark registration application to one or more new applications, called split application);

b) A split application carries a new application number and is dated as the submission date of the initial application or the prioritized date(s) of the initial application (if any). For each split application, the applicant shall pay the application submission fees and every fee for procedures performed independently from the initial application (aside from the procedures performed at the initial application that are not required for re-performance at the split application) and be exempted from the fees for appraisal of request for priority rights (except for cases of splitting industrial design applications due to the inability to ensure uniformity). The split application shall be appraised regarding its format and continue to be processed under incomplete procedures for the initial application. The split application shall be disclosed as per regulation;

c) The application shall submit a presentation on the subject matter of protection request and the amended content compared to the initial application when submitting the split application;

d) The initial application (after the splitting) shall continue to be processed under procedures for processing applications or amending applications.

2. Withdrawing industrial property registration applications according to Article 116 of the Law on Intellectual Property shall be performed as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Within 2 months from the date of receiving the request, the industrial property right authority shall:

b1) Issue a notification of the acceptance of the application withdrawal in case it complies with Point a of this Clause, terminate the processing of the application, and record the withdrawal to the application record. A withdrawn industrial property registration application cannot be restored but can be used as the grounds for requesting priority rights according to Clause 3 Article 116 of the Law on Intellectual Property;

b2) Issue a notification of the intended refusal of the withdrawal in case the application withdrawal does not comply with Point a of this Clause and impose a 2-month time limit from the notification issuance date for the applicant to remedy his/her deficiencies;

b3) Issue a refusal notification of the application withdrawal if the applicant fails to remedy his/her deficiencies within the time limit prescribed in Point b2 of this Clause or fails to provide a qualified remedy.

3. Converting an invention registration application according to Point dd Clause 1 of Article 115 of the Law on Intellectual Property shall be performed as follows:

a) Before the industrial property right authority decides to refuse or accept the application, issue or refuse to issue the protection title, the applicant may convert the request for issuance of the invention patent into the request for the utility solution patent or vice versa for the whole or a port of the application, providing that the applicant pays the submission fees for the conversion application as per regulation. In case of converting a part of the application, the applicant shall split the application before requesting the conversion.

b) After receiving the valid conversion request, the industrial property right authority shall continue to perform procedures for processing the conversion application under relevant regulations and shall not re-perform the procedures done to the application before the conversion request.

4. Any third party requesting the industrial property right authority to appraise the content of the invention registration application under Article 113 of the Law on Intellectual Property shall comply with the following regulations:

a) The request for the appraisal of the content of the invention registration application shall be made following Form No. 05 Appendix I of this Decree;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Petitioner shall pay the fees for looking up and appraising the content as per regulation;

d) The request shall be notified to the applicant within 3 months after receiving the request;

dd) If the request is invalid, within 1 month after receiving the request, the industrial property right authority shall issue a notification and impose a 2-month time limit from the notification issuance date for the petitioner to remedy his/her deficiencies. If the petitioner fails to remedy his/her deficiencies within the imposed time limit or provides an unqualified remedy, the industrial property right authority shall issue a notification of declining to appraise the content of the application;

e) If the request is valid, the industrial property right authority shall appraise the content of the application under Article 114 of the Law on Intellectual Property and relevant laws and notify the petitioner of the results.

Article 18. Recording changes to applicants of industrial property registration applications

1. Before the industrial property right authority decides to refuse or accept the application, issue or refuse to issue the protection title, the applicant may request the industrial property right authority to record the changes to the applicant based on the transfer, inheritance, or decision of the competent authority.

2. Recording changes to the applicant due to applicant transfer shall be performed as follows:

a) An application for recording of changes due to application transfer includes:

a1) A request for the recording of the application transfer following Form No. 05 Appendix II of this Decree;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a3) Copies of payment invoices of fees and charges as per regulation (in cases of paying fees and charges via postal services or directly to the account of the industrial property right authority);

b) Request for the recording of changes due to the transfer of several applications of the same applicant may be carried out in the same statement, providing that the payment for appraisal fees under regulations corresponding to the number of applications requested for transfer recording is made;

c) Request for the recording of changes due to application transfer shall be processed similarly to the processing of a request for amendments or supplements to the application according to Article 16 of this Decree. If the request for the recording of changes due to the transfer of the mark registration application is submitted after the issuance of the notification of the intended issuance of the protection title, the mark registration application shall be re-appraised, and disclosure of the transfer content shall be made. The petitioner shall pay the application appraisal fees and disclosure fees as per regulation.

3. The recording of changes to the applicant due to the inheritance or decision of the competent authority shall be performed according to a request based on the asset inheritance during the merger, division, and splitting of juridical persons or joint venture, association, and establishment of new juridical persons of the same owner, trading form conversion, or decision of the Court or other competent authorities. Procedures for requesting the recording of changes to the applicant in the mentioned cases shall be performed similarly to the procedures for amending or supplementing applications prescribed in Article 16 of this Decree.

Section 2. PCT APPLICATION AND ITS PROCESSING

Article 19. PCT application

1. PCT applications include PCT applications originating from Vietnam and PCT national phase applications.

2. Regarding a PCT application originating from Vietnam, the applicant may submit the application through an industrial property right authority or directly to the International Office. Any application submitted directly to the International Office shall be made in a language prescribed in the PCT Convention and meet the requirements for the format and content prescribed in the PCT Convention. Any application submitted through the industrial property right authority shall be made in English, each application shall be made in 1 copy and meet the requirements for the format and content prescribed in the PCT Convention, and the applicant shall pay fees for the preliminary inspection of the format and fees and charges prescribed by the Implementation Regulation of the PCT Convention and fees and charges laws of any member country designated in the PCT application.

3. Regarding a PCT designating or selecting Vietnam, for it to be into the national phase, the applicant shall submit the following documents to the industrial property right authority within 31 months from the priority date (if the application requests priority rights) or the date of submission of the international application:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Copies of the international application (in case the applicant requests the national phase before the international disclosure date);

c) A Vietnamese translation of the description and summary in the international application (disclosed copy or initial copy if the application is yet to be disclosed, and amended copy and amendment explanation if the international application has been amended according to Article 19 and/or Article 34.2(b) of the PCT Convention);

d) Copies of payment invoices of fees and charges (in cases of paying fees and charges via postal services or directly to the account of the industrial property right authority);

dd) Authorizing documents (in case the request is submitted by a representative).

Article 20. Processing PCT applications originating from Vietnam submitted via industrial property right authorities

1. After receiving the PCT application originating from Vietnam, the industrial property right authority shall:

a) Collect fees for the preliminary inspection of the application format;

b) Identify if the subject matter of the protection request in the application is a state secret or not;

c) Provide notifications of fees as per regulation for the applicant to transfer to the International Office and the international search agency according to the PCT Convention;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Transfer the application to the International Office and the international search agency in case the application meets the preliminary requirements for the format, fees under national laws are paid fully and promptly, and the subject matter of the protection request in the application is not a state secret;

e) Cancel further work in case the subject matter of the protection request in the application is a state secret.

2. After the PCT application originating from Vietnam has been transferred to the International Office by the industrial property right authority, regarding transactions concerning such an application, the applicant shall carry it out directly with the International Office or the competent authority of the concerned member country of the PCT Convention designated in the application as prescribed by the PCT Convention.

Article 21. Processing of PCT national phase applications

A PCT national phase application shall be processed as follows:

1. Request for priority rights in the PCT national phase application shall be processed in compliance with the PCT Convention and its Implementation Regulation. To have priority rights, the applicant shall:

a) Reaffirm the request for priority rights in the statement;

b) Pay fees for the appraisal of the request for priority rights;

c) Submit the Vietnamese translation of documents submitted to the International Office according to requests from the industrial property right authority and necessary documents according to Rule 17.1(a) of the Implementation Regulation of the PCT Convention.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Article 28 and 41 of the PCT Convention, Rule 52.1(b) and Rule 78.1(b) of the Implementation Regulation of the PCT Convention, and Article 115 of the Law on Intellectual Property;

b) Authorizing documents, documents on transfer rights to the submit international phase application (if any) shall be submitted within 34 months from the priority date (if the application requests priority rights) or the date of submission of the international application;

c) Amendment or supplement documents submitted to the industrial property right authority by the applicant shall be made in Vietnamese.

3. The PCT national phase application shall be processed on the first day of the 32nd month from the priority date (if the application requests priority rights) or from the submission date of the international application. If the applicant has a document requesting early processing of the PCT national phase application, the application shall be processed before the time limit prescribed in this Clause in compliance with Article 23.2 of the PCT Convention.

4. The PCT national phase application shall be appraised regarding its format and content under prescribed procedures for invention registration applications submitted under the national format and disclosed within 2 months after the date of valid application acceptance.

Section 3. HAGUE APPLICATION AND ITS PROCESSING

Article 22. Hague application

1. Hague applications include Hague applications designating Vietnam and Hague applications originating from Vietnam.

2. Regarding a Hague application originating from Vietnam, the applicant may submit the application through an industrial property right authority or directly to the International Office. Any application submitted directly to the International Office shall be made in a language prescribed in the Hague Agreement and meet the requirements for the format and content prescribed in the Hague Agreement.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 23. Processing Hague applications originating from Vietnam submitted via industrial property right authorities

1. If the Hague application originating from Vietnam is submitted through the industrial property right authority, such an authority shall:

a) Collect the fees for international transfer of the application;

b) Notify the fees that the applicant has to pay directly to the International Office under the Hague Agreement within 20 days from the date of receiving the application;

c) Conduct a preliminary inspection of the application format within 15 days after receiving the application;

d) If the application has deficiencies, the industrial property right authority shall notify the applicant of such deficiencies and impose a 12-day time limit for the applicant to adopt remedial measures;

dd) Transfer the Hague application originating from Vietnam to the International Office within 1 month after receiving the application.

2. The date on which the industrial property right authority receives the Hague application will be considered the submission date of the international registration application for industrial designs if the International Office receives that application within 1 month after the date displayed on the receipt seal of the industrial property right authority.

3. After the Hague application originating from Vietnam has been transferred to the International Office, regarding transactions concerning such an application, the applicant shall carry it out directly with the International Office or the competent authority of the concerned member country of the Hague Agreement designated in the application as prescribed by the Hague Agreement.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



After receiving a notification of the International Office, the industrial property right authority shall process the Hague application designating Vietnam as follows:

1. The industrial property right authority shall appraise the content of the application similarly to the procedure applicable to the industrial design registration application submitted under the national format, except for cases prescribed in Clauses 2, 3, 4, 5, 6, 7, and 9 of this Clause. Within 6 months from the date of the notification issuance of the International Office, the industrial property right authority shall conclude the protective capacity of the industrial design specified in the application.

2. In case the industrial design specified in the application meets the requirements for protection according to the laws of Vietnam and the application does not have any deficiency, the industrial property right authority shall:

a) Before the 6-month time limit prescribed in Clause 1 of this Article ends, issue a decision to accept the protection of the internationally registered industrial design specified in the application, record the information to the National Industrial Design Register (the part for Internationally Registered Industrial Design) and send the statement on protection acceptance of the internationally registered industrial design to the International Office following the form of the International Office;

b) Disclose the decision on the Industrial Property Official Gazette within 2 months from the decision issuance date.

3. In case the industrial design does not meet the requirements for protection or the application has deficiencies (lack of photos/drawings, resulting in the inadequate description of the design characteristics of the industrial design or the international registration does not comply with statements of Vietnam or there is information to be verified, etc.), before the 6-month time limit prescribed in Clause 1 of this Article ends, the industrial property right authority shall issue a refusal notification following the form of the International Office, specifying the content and reason for the refusal and send such a notification to the International Office.

4. In case several industrial designs do not meet the requirements for protection or the application has deficiencies concerning several industrial designs (lack of photos/drawings, resulting in the inadequate description of the design characteristics of the industrial designs or the international registration does not comply with statements of Vietnam, or there is information to be verified, etc.), before the 6-month time limit prescribed in Clause 1 of this Article ends, the industrial property right authority shall:

a) Issue a refusal notification regarding any industrial design that fails to meet the requirements for protection or any deficiency following the form of the International Office, specifying the content and reason for the refusal and send such a notification to the International Office;

b) Issue a decision to accept the protection of any industrial design that meets the requirements for protection without any deficiency, record the information to the National Industrial Design Register (the part for Internationally Registered Industrial Design), and send the statement on protection acceptance of the internationally registered industrial design to the International Office following the form of the International Office, which specifies the industrial design accepted for protection;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Within 3 months from the date the industrial property right authority issues the refusal notification according to Clause 3 and Clause 4 of this Article, the applicant may amend his/her deficiencies or object to the refusal of the industrial property right authority. Any amendment to deficiencies or objection to the refusal prescribed in the notification shall be carried out similarly to the procedure applicable to the industrial design registration application submitted under the national format, including regulations on application submission methods.

In case the Hague application is expected to be refused due to failure to meet the uniformity requirements of applications as prescribed in Article 101 of the Law on Intellectual Property, the applicant may remedy such a deficiency by splitting one or several industrial designs in the application to one or many new applications. The industrial property right authority shall split the application and issue decisions and notifications of new applications independently from the initial application.

6. In case the applicant provides qualified amendments to deficiencies and/or reasonable objections, within 3 months as prescribed in Clause 5 of this Article, the industrial property right authority shall:

a) Issue a decision to accept the protection of internationally registered industrial design regarding any industrial design that meets the requirements for protection, record the information to the National Industrial Design Register (the part for Internationally Registered Industrial Design), and send the statement on protection acceptance of the internationally registered industrial design to the International Office after the refusal following the form of the International Office, which specifies the industrial design accepted for protection;

b) Disclose the decision on the Industrial Property Official Gazette within 2 months from the decision issuance date.

7. In case the applicant fails to amend deficiencies or provides inadequate amendments, does not have any objection or provides inadequate objections regarding the refused industrial designs after the 3-month time limit prescribed in Clause 5 of this Article, the industrial property right authority shall issue a decision to refuse the protection of internationally registered industrial design of such industrial designs.

8. After the 3-month time limit from the date the International Office issues a notification of the Hague application designating Vietnam but the applicant fails to submit any document proving priority rights or has such a document refused by the industrial property right authority, the application shall be considered not having any request for priority rights.

9. Procedures for complaining and settling complaints for decisions prescribed in Clauses 2, 3, 4, 6, and 7 of this Article shall be carried out similarly to procedures applicable to industrial design registration applications submitted under the national format. In case several or all of the previously refused industrial designs are accepted for protection as the result of the complaint settlement, the industrial property right authority shall send the statement on protection acceptance of the internationally registered industrial design to the International Office after the refusal following the form of the International Office, which specifies the industrial designs accepted for protection.

10. In case a third party has a suggestion on the Hague application designating Vietnam before the date of issuance of the protection acceptance decision, such a suggestion shall be considered as a reference for the processing of the Hague application designating Vietnam.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 25. Madrid application

1. Madrid applications include Madrid applications originating from Vietnam and Madrid applications designating Vietnam.

2. Regarding a Madrid application originating from Vietnam, the applicant shall submit the application through an industrial property right authority.

3. A Madrid application originating from Vietnam includes:

a) Statement on request for the international registration of marks originating from Vietnam, following Form No. 01 Appendix II of this Decree in Vietnamese;

b) 2 MM2 statements following the form of the International Office in English or French;

c) 2 samples of the mark identical to the mark in the registration application submitted in Vietnam (base application) or the certificate of mark registration (base registration);

d) 2 MM18 statements in English (if the application designates the USA);

dd) Authorizing documents in Vietnamese (in case the application is submitted by a representative);

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



g) Other relevant documents (if necessary).

4. The Madrid application originating from Vietnam shall meet the requirements for the format and content according to regulations. The applicant shall provide information for the statement with adequacy, accuracy, and compliance with regulations and in uniformity with the information specified in the base application or registration.

Article 26. Processing Madrid applications originating from Vietnam and relevant requests

1. After receiving the Madrid application originating from Vietnam, the industrial property right authority shall conduct the appraisal to determine if the application meets the requirements prescribed in Clause 3 and Clause 4 Article 25 of this Decree and perform the following procedures:

a) If the application has deficiencies, the industrial property right authority shall notify the applicant of such deficiencies for the applicant to provide amendments. If the applicant fails to amend the deficiencies within the 3-month time limit from the date the industrial property right authority issues the notification, the application shall be considered to be withdrawn;

b) If the application does not have deficiencies or the applicant has provided qualified amendments to deficiencies, the industrial property right authority shall issue a notification of fees and charges that the applicant has to pay directly to the International Office, provide an application confirmation signature and transfer the application to the International Office within 15 days after issuing the mentioned notification;

c) The date on which the industrial property right authority receives the Madrid application originating from Vietnam will be considered the international registration date of that application if the International Office receives that application within 2 months after the date displayed on the receipt seal of the industrial property right authority. If the application is not submitted to the International Office within the mentioned time limit, the date on which the International Office receives the application will be considered the international registration date.

2. After the Madrid application originating from Vietnam is submitted to the International Office, the industrial property right authority shall let the applicant know via a notification and continue to process (in cooperation with the applicant if necessary) notifications and requests from the International Office or carry out operations concerning the application (if any).

3. Requests arising after the Madrid application originating from Vietnam is issued with an international registration book, such as late designation (extension of protection territory), amendments to the name and/or address of the owner of the international registration, limitation of the list of goods and services, renewal of the international registration validity, designation of the representative, changes to the representative, recording of international registration transfer, etc., may be carried out directly with the International Office or through the industrial property right authority. Any request submitted through the industrial property right authority shall be enclosed with the following documents:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) 2 corresponding statements following the form of the International Office;

c) Authorizing documents in Vietnamese (in case the request is submitted by a representative);

d) Payment receipts of fees for appraisal of amendments, transfer, renewal, territorial extension, limitation of the list of goods and services, and termination or abrogation of the validity of marks internationally registered originating from Vietnam, etc.;

dd) Other relevant documents (if necessary).

4. After receiving requests prescribed in Clause 3 of this Article, the industrial property right authority shall perform the following procedures:

a) If the request application has deficiencies, the industrial property right authority shall notify the applicant of such deficiencies for the applicant to provide amendments. If the applicant fails to amend the deficiencies within the 3-month time limit from the date the industrial property right authority issues the notification, the request shall be considered to be withdrawn;

b) If the request application does not have deficiencies or the applicant has provided qualified amendments to deficiencies, the industrial property right authority shall issue a notification of fees and charges that the applicant has to pay directly to the International Office, provide a request confirmation signature and transfer the request to the International Office within 10 days after issuing the mentioned notification.

5. In case of an international registration renewal request submitted through the industrial property right authority, the applicant shall submit the request within 6 months before and/or within 1 month after the expiry date of the international registration. In case of requesting the international registration renewal during a grace period, the request application shall be submitted to the industrial property right authority within 1 month from the end date of the grace period.

Article 27. Processing Madrid applications designating Vietnam

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. In case the mark meets the requirements for protection according to the laws of Vietnam, the industrial property right authority shall:

a) Before the 12-month time limit prescribed in Clause 1 of this Article ends, issue a decision to accept the protection of the mark internationally registered in Vietnam, record the information to the National Industrial Design Register (the part for Internationally Registered Marks) and send the protection statement to the International Office;

b) Disclose the decision on the Industrial Property Official Gazette within 2 months from the decision issuance date.

The protection scope (volume) is determined based on the content of the request in the international registration of marks recognized by the International Office and accepted by the industrial property right authority.

3. If the mark has a part or all of the goods and services not meeting the requirements for protection or the mark meets the requirement for protection but its international registration has deficiencies (lack of regulations on the use of the collective mark, certification mark, photos or drawings describing the 3-dimensional illustration of the mark, etc.), before the 12-month time limit prescribed in Clause 1 of this Article ends, the industrial property right authority shall issue a temporary refusal notification, specifying the content and reason for the intended refusal and send that notification to the International Office.

4. Within 3 months from the date the industrial property right authority issues the notification of temporary refusal of a part or all of the goods and services, the applicant may amend deficiencies or object to the intended refusal of the industrial property right authority.

Amendments to deficiencies or objection to the intended refusal shall be carried out similarly to the procedure applicable to the mark registration application submitted under the national format, including regulations on application submission methods.

5. If the industrial property right authority intends to refuse a part or all of the list of goods and services specified in the temporary refusal notification, if the applicant provides qualified amendments to deficiencies and/or has reasonable objections to the intended refusal within the 3-month time limit prescribed in Clause 4 of this Article, the industrial property right authority shall:

a) Issue a decision to accept the protection of the mark internationally registered in Vietnam with the scope (volume) of protection corresponding to the goods and services meeting the requirements for the protection, record the information to the National Industrial Design Register (the park for Internationally Registered Marks), and send the protection statement after the temporary refusal notification to the International Office;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. In case the industrial property right authority intends to refuse a part of the list of goods and services specified in the temporary refusal notification, if the applicant fails to amend deficiencies or provides unqualified amendments or does not have any objection or has unreasonable objections to the intended refusal after the 3-month time limit prescribed in Clause 4 of this Article, the industrial property right authority shall apply the procedures prescribed in Clause 5 of this Article to goods and services meeting the requirements for protection (goods and services not specified in the temporary refusal notification).

7. In case the industrial property right authority intends to refuse all of the list of goods and services specified in the temporary refusal notification, if the applicant fails to amend deficiencies or provides unqualified amendments or does not have any objection or has unreasonable objections to the intended refusal after the 3-month time limit prescribed in Clause 4 of this Article, the industrial property right authority shall issue a decision to refuse the protection of marks internationally registered in Vietnam and send such a notification of complete refusal to the International Office.

8. Procedures for complaining and settling complaints for decisions prescribed in Point a Clause 2 and Clauses 5, 6, 7 of this Article shall be carried out similarly to procedures applicable to mark registration applications submitted under the national format if there are grounds proving that such decisions are issued contrary to laws on contents and issuance order. The applicant shall be notified of the results of the complaint settlement by the industrial property right authority. If a part or a whole of the list of goods and services refused in refusal decisions is accepted for protection, or there are changes to exclusion elements (not separately protected) as a result of the complaint settlement, the industrial property right authority shall send decisions concerning mark protection following the form of the International Office on corresponding contents to the International Office.

9. From the date the international registration of the mark is accepted for protection in Vietnam, according to the request of the owner of the mark, the industrial property right authority shall issue a confirmation certificate of marks internationally registered in Vietnam, providing that related fees and charges are paid under regulations.

10. From the date the Madrid application is disclosed by the International Office on the Official Gazette to before the issuance date of the protection acceptance decision, or after the 12-month time limit from the date the International Office notifies the application designating Vietnam, depending on any of the mentioned period, if a third party has suggestions on the Madrid application designating Vietnam, such suggestions shall be considered as reference during the processing of the application.

Article 28. Converting international registration of marks to applications submitted under the national format

1. In case an international registration of a mark in Vietnam of an owner that is an individual or an organization of a member of the Madrid Protocol expires according to Article 6 of the Madrid Protocol, that owner may submit a conversion application to the industrial property right authority to register protection for such a mark regarding a part or all of the goods and services of the list of goods and services recognized in the expired international registration of the mark as prescribed in Article 9quinquies of the Madrid Protocol. The mark conversion registration application shall be accepted as valid if it meets the following requirements:

a) The application is submitted within 3 months after the date of recording in the International Register on the corresponding expired international registration;

b) The international registration has never been subject to a complete refusal, termination, or cancellation in Vietnam;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) The application meets all of the other requirements for the format of the mark registration application according to the laws of Vietnam;

dd) The applicant adequately pays fees and charges according to regulations applicable to mark registration applications submitted under the national format, except for cases prescribed in Point b Clause 2 of this Article.

The submission date of the conversion mark registration application is the international registration date or the late designation date (in case of late designation of Vietnam). If the international registration is eligible for priority rights under international treaties, the conversion mark registration application shall be recorded with the corresponding priority rights, except for cases where there are grounds abrogating such rights.

2. The industrial property right authority shall appraise the conversion mark registration application according to regulations on requirements for conversion prescribed in Clause 1 of this Article and the following principles:

a) Regarding elements on the selected format accepted by the International Office in the corresponding international registration, the industrial property right authority shall not perform the re-appraisal, except for cases where the application has deficiencies (lack of regulations on the use of the collective mark, certification mark, photos or drawings describing the 3-dimensional illustration of the mark, etc.). The industrial property right authority shall issue a decision to refuse the application in case the application fails to meet the requirements prescribed in Clause 1 of this Article.

b) Regarding a mark registration application converted from an international registration accepted for protection in Vietnam, the industrial property right authority shall not perform the re-appraisal. If the application meets the requirements for conversion prescribed in Clause 1 of this Article, the industrial property right authority shall perform procedures for notifying the intended issuance of the protection title, issuing a decision on grant of the protection title, recording to the National Industrial Design Register, disclosing the decision on the Industrial Property Official Gazette as for applications submitted under the national format.

c) Regarding valid conversion mark registration application that does not fall into the case prescribed in Point b of this Clause, the industrial property right authority shall perform procedures for valid application acceptance, application disclosure, and content appraisal and carry out other procedures as for mark registration applications submitted under the national format.

Section 5. PROTECTION TITLE

Article 29. Amending information on protection titles, changing information in the National Industrial Property Register

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Changes to the name and address of the owner of the protection title; organization managing geographical indications; name and nationality of the author of the invention, industrial design, or layout design;

b) Changes to the owner of the protection title (transfer of ownership due to the merger, division, and splitting of juridical persons or joint venture, association, and establishment of new juridical persons of the same owner, trading form conversion, or decision of the Court or other competent authorities);

c) Amendments to the description of the specific characteristics of the product with geographical indications, geographical area corresponding to the geographical indications, regulations on the use of the collective mark, and regulation on the use of the certification mark.

Regarding requests for recording changes to information on the protection title, the petitioner shall pay the fees for the appraisal of the amendment request for the protection title, fees for registration, and fees for disclosure of the decision to record amendments to the protection title.

2. The owner of the protection title, organization, or individual permitted by the State to perform rights to geographical indication registration may request the industrial property right authority to record changes to the industrial property representative of the owner of the protection title in the National Industrial Property Register. Regarding requests for changes to the industrial property representative, the petitioner shall submit an authorizing document of the owner of the protection title and pay fees for the appraisal of the request, fees for registration, and fees for disclosure of decisions to record changes to the information on the industrial property representative under regulations.

3. The owner of the protection title may request the industrial property right authority to narrow the scope of protection according to Clause 3 Article 97 of the Law on Intellectual Property in the following cases:

a) Request for reduction of one or several goods and services from the list of goods and services specified in the Certificate of Mark Registration or elimination of small details that are exclusion elements (not separately protected) not affecting the distinctiveness of the mark specified in the Certificate of Mark Registration;

b) Request for reduction of one or several independent points depending on the scope (request) of protection specified in the invention patent or utility solution patent;

c) Request for elimination of one or several industrial design schemes, one or several products in the product set in the industrial design patent.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Depending on the content that needs to be amended according to Clauses 1, 2, and 3 of this Article, the request application shall include 1 set of the following documents:

a) Statement on request following Form No. 06 Appendix II of this Decree specifying in the request for recording changes. A statement requesting amendments may amend many protection titles if they have the same amendment content, providing that the petitioner pay the prescribed fees for each protection title;

b) Original protection title in case it is granted in paper form;

c) Documents confirming changes to the name and address (original or certified copy); decisions on changes to the name and address; business registration licenses specifying changes to the name and address; other legal documents proving changes to the name and address (original or certified copy) in case of requesting changes to name and address;

d) Documents proving the transfer of ownership according to Point b Clause 1 of this Article (documents proving the merger, division, and splitting of juridical persons or joint venture, association, and establishment of new juridical persons of the same owner, trading form conversion, or decision of the Court or other competent authorities) in case of requesting changes to the owner of the protection title;

dd) Documents on detailed presentation of the amendment content;

e) 5 sets of photos or drawings of the amended industrial design (in case of requesting amendments to the industrial design); 2 descriptions of the specific characteristics of the product with geographical indications, maps of the corresponding geographical area with geographical indications (in case of requesting amendments to geographical indications); 2 copies of the amended regulation on the use of the collective mark or certification mark (in case of requesting amendments to the collective or certification mark); 5 mark samples (in case of requesting amendments to the mark sample according to Point a Clause 3 of this Article);

g) Authorizing documents (in case the request is submitted by a representative);

h) Copies of payment invoices of fees and charges (in cases of paying fees and charges via postal services or directly to the account of the industrial property right authority).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Within 2 months after receiving the request, the industrial property right authority shall assess the request for amendments to the protection title according to Point a and Point b Clause 1 of this Article. If the request is considered valid, the industrial property right authority shall issue a decision on the amendment to the protection title, record the information to the protection title, and register and disclose the decision on the Industrial Property Official Gazette within 60 days after issuing the decision. If the request has deficiencies or is invalid, the industrial property right authority shall issue a notification of the intended refusal of the request, specifying the reason and imposing a 2-month time limit from the notification issuance date for the petitioner to amend the deficiencies or object to the refusal. After the imposed time limit, if the petitioner fails to amend deficiencies or provides inadequate amendments, does not have any objection or provides inadequate objections, the industrial property right authority shall issue a decision to refuse the amendment to the protection title;

b) Regarding requests for amendments to the protection title according to Point c Clause 1 and Clause 3 of this Article, procedures for the re-appraisal of the corresponding application shall be performed under Article 114 of the Law on Intellectual Property and relevant laws. The time for re-appraisal is not included in the time for the processing of requests for amendments to the protection title;

c) Within 2 months after receiving the request, the industrial property right authority shall assess the request for recording changes to the industrial property representative in the National Industrial Property Register according to Clause 2 of this Article. If the request application is considered valid, the industrial property right authority shall issue a decision to record changes to the industrial property representative to the National Industrial Property Register and register and disclose the decision on the Industrial Property Official Gazette within 60 days after issuing the decision. If the request has deficiencies or is invalid, the industrial property right authority shall issue a notification of the intended refusal of the request, specifying the reason and imposing a 2-month time limit from the notification issuance date for the petitioner to amend the deficiencies or object to the refusal. After the imposed time limit, if the petitioner fails to amend deficiencies or provides inadequate amendments, does not have any objection or provides inadequate objections, the industrial property right authority shall issue a decision to refuse to record the changes to the industrial property representative.

6. If any deficiency is detected in the protection title, the industrial property right authority shall revoke the protection title with deficiencies and re-issue it with amended information itself or based on the request of the person who detects the deficiency. The owner of the protection title shall pay the fees for the appraisal of the request for amendments to the protection title according to Clause 1 Article 97 of the Law on Intellectual Property and the fees for disclosure of amendment information in case the protection title has deficiencies that have been disclosed if the deficiencies are caused by the owner. If the deficiencies are caused by the industrial property right authority, the owner shall not pay the disclosure fees.

7. The industrial property right authority shall issue copies of the protection title and re-issue the protection title or its copies in the following cases:

a) In case the industrial property rights are jointly owned, the protection title shall only be issued to the first person in the list of applicants. Other co-owners may request the industrial property right authority to issue copies of the protection title, providing that they pay the issuance fees;

b) In case the protection title or the copy of the protection title is lost, damaged, torn, dirty, faded to the point of being unusable, or disassembled without the seal, the industrial property right owner may request the industrial property right authority to re-issue the protection title of the copy, providing that the corresponding fees are paid;

c) Request for issuance of copies of the protection title or re-issuance of the protection titles or its copies shall be made in writing, except for cases where the request has been specified in the statement on registration of subject matter of industrial property. A request application shall include 1 set of the following documents:

c1) Statement on request for the issuance of copies of the protection title or re-issuance of the protection title or its copies following Form No. 09 Appendix II of this Decree;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c3) Authorizing documents (in case the request is submitted by a representative);

c4) Copies of payment invoices of fees and charges (in cases of paying fees and charges via postal services or directly to the account of the industrial property right authority);

d) Processing of requests for issuance of copies of the protection title or re-issuance of the protection title or its copies:

d1) Within 1 month after receiving the request, the industrial property right authority shall assess the request for issuance of copies of the protection title or re-issuance of the protection title or its copies. In case the request for issuance of copies of the protection title or re-issuance of the protection title or its copies comply with Points a, b, and c of this Clause, the industrial property right authority shall issue a decision to issue copies of the protection title or re-issue the protection title or its copies and record the information to the registration session of the corresponding protection title in the National Industrial Property Register;

d2) Contents of copies of the protection title shall specify the information of the corresponding protection title and be labeled as “Copy”. Contents of the re-issued protection title or its copies shall specify the information of the initial protection title or its copies and be labeled as “Re-Issued Copy”. The industrial property right authority shall disclose the re-issuance of the protection title or its copies on the Industrial Property Official Gazette within 60 days after issuing the decision;

d3) If the request for issuance of copies of the protection title or re-issuance of the protection title or its copies fails to comply with Point c of this Clause, the industrial property right authority shall issue a notification and impose a 2-month time limit from the notification issuance date for the applicant to amend deficiencies or have objections. After the imposed time limit, if the petitioner fails to amend deficiencies or provides inadequate amendments, does not have any objection or provides inadequate objections, the industrial property right authority shall issue a decision to refuse the issuance of copies of the protection title or re-issuance of the protection title or its copies with specific explanations and reasons.

8. Procedures for issuing copies of the certificate of registration of transfer contract of subject matter of industrial property right or re-issuing such certificate shall be performed similarly to the procedures prescribed in Clause 7 of this Article.

Article 30. Maintaining the validity of invention patents and utility solution patents

1. A request application for maintenance of the validity of an invention patent/utility solution patent shall include the following documents:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Authorizing documents (in case the request is submitted by a representative);

c) Copies of payment invoices of fees and charges (in cases of paying fees and charges via postal services or directly to the account of the industrial property right authority).

2. Request for validity maintenance of the protection title and fees for appraisal of the request, fees for validity maintenance, fees for the use of the protection title, registration fees, and disclosure fees shall be paid to the industrial property right authority within 6 months before the end date of the validity of the protection title. This request may be submitted after the mentioned time limit, but shall not be later than 6 months from the end date of the previous validity period of the protection title and the owner of the protection title shall pay fees for each month late under fees and charges laws.

3. Within 1 month from the date of receipt of the request application for validity maintenance of the protection title and fees and charges prescribed in Clause 1 and Clause 2 of this Article, the industrial property right authority shall assess the request application and perform the following procedures:

a) If the request application is considered valid, issue a notification of the validity maintenance of the protection title, record the information to the National Industrial Property Register, and disclose it on the Industrial Property Official Gazette within 6o days after issuing the notification;

b) If the request application has deficiencies or is invalid, issue a notification of the intended refusal of maintenance, specifying the reason and imposing a 2-month time limit from the notification issuance date for the petitioner to amend the deficiencies or object to the refusal. After the imposed time limit, if the petitioner fails to amend deficiencies or provides inadequate amendments, does not have any objection or provides inadequate objections, the industrial property right authority shall issue a decision to refuse the validity maintenance of the protection title.

Article 31. Renewing the validity of industrial design patents and certificates of mark registration

1. An industrial design patent shall be renewed up to 2 consecutive times, 5 years each. If the protected industrial design has many schemes, the industrial design patent may be renewed for one or several schemes, which must contain the basic scheme. A certificate of mark registration may be renewed multiple times, 10 years each for a part or a whole of the list of goods and services.

2. A request application for renewal of the validity of an industrial design patent or certificate of mark registration shall include the following documents:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Original industrial design patent or certificate of mark registration (if the protection title is issued in paper form and the recording of the renewal into the protection title is requested);

c) Authorizing documents (in case the request is submitted by a representative);

d) Copies of payment invoices of fees and charges (in cases of paying fees and charges via postal services or directly to the account of the industrial property right authority).

The same application may be used to request the validity renewal for one or many protection titles if they have the same subject matter and owner.

3. The request application and fees for appraisal of the request, fees for validity renewal of the protection title, fees for the use of the protection title, fees for registration, and fees for disclosure of the decision on validity renewal of the protection title shall be paid by the owner of the industrial design patent or certificate of mark registration to the industrial property right authority within 6 months from the date the mentioned patent/certificate expires. This request may be submitted after the mentioned time limit, but shall not be later than 6 months from the end date of the previous validity period of the protection title and the owner of the protection title shall pay fees for each month late under fees and charges laws.

4. Within 1 month after receiving the request application, the industrial property right authority shall assess the application and perform the following procedures:

a) If the application is valid, issue a decision to renew the validity of the protection title, record the information to the protection title (if requested), and register and disclose the decision to renew the validity of the industrial design patent or certificate of mark registration on the Industrial Property Official Gazette within 60 days after issuing the decision;

b) Issue a notification of the intended refusal of the renewal, specifying the reason and imposing a 2-month time limit from the notification issuance date for the petitioner to amend the deficiencies or object to the refusal in one of the following cases:

b1) Request application for renewal is invalid or submitted contrary to the prescribed procedures;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



After the imposed time limit, if the petitioner fails to amend deficiencies or provides inadequate amendments, does not have any objection or provides inadequate objections, the industrial property right authority shall issue a decision to refuse to renew the validity of the industrial design patent or certificate of mark registration.

c) After the renewal procedure is completed, if the owner of the industrial design patent or certificate of mark registration requests the industrial property right authority to record the validity renewal decision into the protection title, the owner shall perform procedures for amendments to the protection title and pay fees and charges under regulations.

Article 32. Terminating or abrogating the validity of protection titles

1. Any organization or individual requesting the termination or abrogation of the validity of the protection title according to Clause 4 of Article 95, Clause 4 Article 96 of the Law on Intellectual Property shall pay the request fees, fees for appraisal of the request for termination or abrogation of the validity of the protection title, fees for registration, and fees for disclosure of the decision on the termination or abrogation of the validity of the protection title.

2. A request application for the termination or abrogation of the validity of the protection title shall comply with the following regulations:

a) One application may request the termination or abrogation of the validity of one or several protection titles if the specified reason is the same, providing that the petitioner pay fees and charges for each protection title;

b) A request application shall content 1 set of the following documents:

b1) Statement requesting the termination or abrogation of the validity of the protection title following Form No. 08 Appendix II of this Decree;

b2) Evidence (if any);

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b4) Explanation for the request (specifying certificates, reasons, legal grounds, the content of the request for the termination or abrogation of a part or a whole of the validity of the protection title), and relevant documents;

b5) Copies of payment invoices of fees and charges (in cases of paying fees and charges via postal services or directly to the account of the industrial property right authority).

3. A request application for the termination or abrogation of the validity of the protection title shall be processed as follows:

a) The request application for termination or abrogation of the validity of the protection title shall be processed under Article 95, Article 96, and Clause 3 Article 220 of the Law on Intellectual Property and this Article. Regarding the request for abrogation of the validity of the protection title, the industrial property right authority shall re-appraise the content of the corresponding application according to Article 114 of the Law on Intellectual Property and relevant laws;

b) In case a third party requests the termination or abrogation of the validity of the protection title, within 1 month after receiving the request, the industrial property right authority shall provide a written notification on the third party's suggestions for the owner of the protection title, imposing a 2-month time limit for the owner to provide any suggestion. The industrial property right authority may organize a direct exchange between the third party and the concerned owner;

c) The industrial property right authority shall, on the basis of assessing the suggestions of parties, issue a decision to terminate/abrogate a part or a whole of the validity of the protection title or a notification declining the termination/abrogation according to Clause 5 Article 95 and Clause 5 Article 96 of the Law on Intellectual Property;

The time limit for issuing the decision or notification mentioned in this Point is 3 months from the end date of the 2-month time limit prescribed in Point b of this Clause or after the end date of the 3-month time limit prescribed in Point a Clause 4 and Point a Clause 5 of this Article and the owner does not have any suggestion or from the date of receipt of the suggestion of the owner. This time limit may be extended for up to 3 months if the owner has a suggestion different from the party requesting the termination or abrogation of the validity of the protection title.

If the owner declares to renounce the industrial property rights according to Clause 3 Article 95 of the Law on Intellectual Property, the mentioned time limit shall be 15 days after receiving the request.

The time to implement other procedures necessary to process the request for termination or abrogation of the validity of the protection title shall not be included in the above time.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) The decision on termination or abrogation of the validity of the protection title shall be recorded to the National Industrial Property Register and disclosed on the Industrial Property Official Gazette within 60 days after its issuance date.

4. A request application for the termination or abrogation of the international registration of a mark shall be processed as follows:

a) Regarding a request application for termination or abrogation of the validity of the international registration of a mark under the Madrid Agreement or Madrid Protocol submitted by a third party, the industrial property right authority shall notify the owner of the mark of the request for termination or abrogation of the validity of the international registration of the mark through the International Office, imposing a 3-month time limit from the notification issuance date for the owner to have any suggestions;

b) The validity of the international registration of the mark may be terminated or abrogated partly or wholly regarding the list of goods and services;

c) If the industrial property right authority issues a decision to terminate or abrogate the validity of the international registration of the mark regarding a part or a whole of the list of goods and services and this decision no longer subject to a complaint or administrative lawsuit, the industrial property right authority shall issue a notification terminating or abrogating the validity or the international registration of the mark following the form of the International Office, specifying the list of goods and services whose validity is terminated or abrogated and send this notification to the International Office;

d) Other regulations concerning the processing of requests for termination or abrogation of the validity of mark protection titles based on the mark registration applications submitted under the national format shall apply to the processing of requests for termination or abrogation of the validity of the international registration of marks.

5. A request application for the termination or abrogation of the international registration of an industrial design shall be processed as follows:

a) Regarding a request application for termination or abrogation of the validity of the international registration of an industrial design under the Hague Agreement submitted by a third party, the industrial property right authority shall notify the owner of the industrial design of the request for termination or abrogation of the validity of the international registration of the industrial design through the International Office, imposing a 3-month time limit from the notification issuance date for the owner to have any suggestions;

b) The international registration of the industrial design may have its validity abrogated for one or all of the industrial designs in the registration;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Other regulations concerning the processing of requests for termination or abrogation of the validity of industrial design protection titles issued based on the industrial design registration applications submitted under the national format shall apply to the processing of requests for termination or abrogation of the validity of the international registration of industrial designs.

Chapter II

HOLDERS, CONTENTS, AND LIMITATIONS OF INDUSTRIAL PROPERTY RIGHTS

Article 33. Holders of industrial property rights

1. Holders of industrial property rights include organizations and individuals owning subject matters of industrial property prescribed in Article 121 of the Law on Intellectual Property or organizations and individuals authorized by industrial property owners.

2. In case a protection title of an invention, industrial design, layout design, or mark is issued to many organizations and individuals according to Clause 2 Article 86, Clause 5 Article 87, and Clause 3 Article 90 of the Law on Intellectual Property, the industrial property rights shall be jointly owned by such organizations and individuals. Co-owners shall exercise their ownership rights under civil laws.

Article 34. Scope of industrial property rights

1. The scope of the industrial property rights to an invention, industrial design, layout design, mark, or geographical indication is determined based on the scope of protection recorded in the National Industrial Design Register, International Register of Marks, and International Register of Industrial Designs or the protection title, certificate of international registration of the mark, or decision on the protection acceptance of the internationally registered industrial design.

2. The scope of rights to a trade name is determined based on the scope of protection of the trade name, including the trade name, business field, and business territory where the trade name is used by the holder legally. The registration of the name of a business organization or individual in business procedures is not considered as using such the name but a condition for its use to be legal.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Holders of industrial property rights shall receive rights and perform obligations under the protection scope with conditions prescribed in Articles 132, 133, 133a, 134, 135, 136, 136a, and 137 of the Law on Intellectual Property.

Article 35. Rights of authors of inventions, industrial designs, and layout designs

1. The moral rights of authors prescribed in Clause 2 Article 122 of the Law on Intellectual Property shall be protected indefinitely.

2. Rights to receive remuneration of authors prescribed in Clause 3 Article 122 of the Law on Intellectual Property shall be protected throughout the protection period of inventions, industrial designs, and layout designs.

3. If there is no other agreement between the owner and the author, the settlement of remuneration shall be performed within 30 days from the date the owner receives the payment of the transfer of use rights or within 90 days from the end date of the fiscal year if the remuneration of the author is determined according to Point a Clause 1 Article 135 of the Law on Intellectual Property.

Article 36. State management responsibilities for signs of geographical origins

1. People’s Committees of provinces and centrally affiliated cities shall take charge and cooperate with the Ministry of Agriculture and Rural Development of Vietnam and the Ministry of Industry and Trade of Vietnam in identifying types of specialties, characteristics of products, production processes of specialties with geographical indications under the management of ministries and central and local authorities based on the local planning.

2. People’s Committees of provinces and centrally affiliated cities shall permit the use of other location names and signs indicating the geographical origins of local specialties for the registration of collective marks and certification marks; submit the applications for registration of geographical indications used for local specialties or authorize People's Committees of districts, district-level towns, district-level cities, and centrally affiliated cities or professional agencies of People’s Committees of provinces and centrally affiliated cities to carry out the submission.

3. The Minister of Science and Technology of Vietnam shall provide guidelines on the criteria for identifying other location names and signs indicating the geographical origins of products.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Regarding geographical indications of Vietnam, agencies and organizations that may manage geographical indications (hereinafter referred to as "geographical indication management organizations") prescribed in Clause 4 Article 121 of the Law on Intellectual Property include:

a) The People’s Committee of a province or centrally affiliated city where there are geographical areas corresponding to the geographical indications in case the geographical indications belong to one province;

b) People’s Committees of provinces or centrally affiliated cities that are authorized representatives of other People’s Committees of provinces or centrally affiliated cities where there are geographical areas corresponding to the geographical indications in case the geographical indications belong to multiple provinces;

c) People’s Committees of districts, district-level town, district-level cities, or centrally affiliated cities or professional agencies of People's Committees of provinces or centrally affiliated cities authorized to manage the geographical indications by People's Committees of provinces or centrally affiliated cities;

d) Agencies or organizations granted rights to manage geographical indications by People's Committees of provinces or centrally affiliated cities, providing that such entities represent the benefits of all the organizations and individuals granted rights to use geographical indications according to Clause 4 Article 121 of the Law on Intellectual Property.

2. Geographical indication management organizations prescribed in Point d Clause 1 of this Article may exercise the rights of owners to geographical indications prescribed in Clause 2 Article 123 and Article 198 of the Law on Intellectual Property.

3. Regarding foreign geographical indications, owners and organizations may exercise the rights of owners to geographical indications. Geographical indication management organizations shall be identified under the laws of the country of origin of such geographical indications.

Article 38. Exercising rights to geographical indication management of geographical indication management organizations

1. Geographical indication management organizations prescribed in Clause 1 Article 37 of this Decree shall:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Manage geographical indications according to their issued regulations;

c) Prepare and disclose lists of organizations and individuals using geographical indications based on notifications of such organizations and individuals. The mentioned lists shall be updated upon any change;

d) Adopt measures to manage the use of geographical indications of organizations and individuals producing products with geographical indications to ensure that such products meet the standards of the nature, specific quality, and reputation in conformity with the descriptions of the specific natures of products with geographical indications;

dd) Monitor and perform measures to prevent and forbid acts of infringement on rights to geographical indications; request competent authorities to handle any violation under laws;

e) Report on the management of geographical indications to industrial property right authorities once every two years.

2. Geographical indication management regulations prescribed in Point a Clause 1 of this Article shall meet the following requirements:

a) Geographical indication management regulations include:

a1) Products with geographical indications: names, descriptions (characteristics, specific quality, production process, production area, etc.) corresponding to the content in the descriptions of specific characteristics of the products;

a2) Recognition of organizations and individuals using geographical indications: applications for recognition of organizations and individuals using geographical indications include recognition requests, documents proving that organizations and individuals engage in the production of products with geographical indications at the geographical areas corresponding to the geographical indications and other documents (if necessary); the assessment of applications, inspection and assessment of the authentication of documents, including compliance with descriptions of specific characteristics of products with geographical indications (if necessary) and recording of information of organizations and individuals into the list of organizations and individuals using geographical indications;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a4) Rights and responsibilities of organizations and individuals using geographical indications: organizations and individuals shall ensure the maintenance of the characteristics, specific quality, and reputation of the products with geographical indications; provide notifications for geographical indication management organizations to be recorded in the lists of organizations and individuals using geographical indications before using geographical indications; report on the use of geographical indications to geographical indication management organizations annually, etc.;

a5) Rights and responsibilities of geographical indication management organizations in the management of geographical indications;

a6) Funding for geographical indication management;

a7) Measure to handle violations of Regulations.

b) Suggestions or opinions on geographical indication management regulations of organizations and individuals engaging in the production of products with geographical indications shall be collected before the issuance.

c) Geographical indication management regulations shall not include unreasonable limitations of legal rights to use geographical indications of organizations and individuals engaging in the production of products with geographical indications.

Article 39. Protecting agrochemical product test data

1. Agrochemical products are chemical products used in agriculture and rural development.

2. Agrochemical product test data shall be protected if such data meets the conditions prescribed in Clause 1 Article 128 of the Law on Intellectual Property and is requested for protection by the applicant when applying for marketing authorization.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 40. Using subject matters of industrial property

1. Acts of circulating products are prescribed in Point d Clause 1, Point b Clause 2, and Point b Clause 7 of Article 124 of the Law on Intellectual Property, including selling, displaying for sale, and transporting products.

2. The use of mark samples practically different from the protected mark samples by the owners or persons authorized by the owners is considered as the use of marks according to Clause 5 Article 124 of the Law on Intellectual Property if the difference is insignificant and does not change the distinctiveness of marks.

Article 41. Using inventions on behalf of the State

1. The use of inventions on behalf of the State for public interests, non-commercial purposes, national defense and security, disease prevention and treatment, and nutrition for the people or the satisfaction of other essential needs of society according to Clause 1 Article 133 of the Law on Intellectual Property shall be performed by ministries, ministerial agencies, or designated organizations and individuals based on the issuance of decisions on compulsory transfer of rights to use inventions prescribed in Point a Clause 1 Article 145 and Paragraph 2 Clause 1 Article 147 of the Law on Intellectual Property. If the imported products or products with use rights transferred by the receiving party under a production contract meet the requirements for national defense and security, disease prevention and treatment, and nutrition for the people or other essential needs of society, the right holder shall be considered to have fulfilled the use obligations according to Article 136 of the Law on Intellectual Property.

2. Procedures for issuing decisions on compulsory transfer of rights to use inventions in case of using inventions on behalf of the State shall comply with Article 55 and Article 56 of this Decree.

Article 42. Compensating owners of inventions for late issuance of marketing authorization of pharmaceutical products

1. In case the procedure for first-time registration of marketing authorization of pharmaceutical products falls behind schedule according to Article 131a of the Law on Intellectual Property, after the marketing authorization is issued, within 2 months from the date the applicant submits the written request following Form No. 02 Appendix I of this Decree, authorities competent to issue marketing authorization of pharmaceutical products shall issue confirmation of the late issuance of marketing authorization, specifying the time delayed.

2. If the owner of the invention patent has a written document following Form No. 03 Appendix I of this Decree enclosed with confirming documents of the authority competent to issue marketing authorization of pharmaceutical products on the late issuance of marketing authorization as prescribed in Clause 1 of this Article, the industrial property right authority shall notify the owner of compensation schemes and shall:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Deduct the paid fees for the next processing of validity maintenance request if the fees for the use of the invention patent are paid during the delay;

c) Refund use fees to the owner of the invention patent within 3 months after receiving the valid application according to regulations in case the owner decides not to maintain the validity or the invention patent expires.

3. Regarding pharmaceutical products produced under many invention patents, the owner shall be exempted from the use fees of every concerned invention patent.

Chapter III

INVENTIONS, INDUSTRIAL DESIGNS, LAYOUT DESIGNS THAT ARE RESULTS OF TASKS OF SCIENCE AND TECHNOLOGY FUNDED BY STATE BUDGET

Article 43. Rights to register inventions, industrial designs, and layout designs that are the results of tasks of science and technology funded by the state budget

1. Automatic assignment of rights to register inventions, industrial designs, and layout designs that are results of the tasks of science and technology funded by the state budget prescribed in Clause 1 and Clause 2 Article 86a of the Law on Intellectual Property means the presiding organization has the rights to register any invention, industrial design, and layout design when they are created during the implementation of tasks of science and technology without having to carry out the procedure for assigning registration rights of the representative of state ownership.

2. The determination of rights to register inventions, industrial designs, and layout designs that are results of tasks of science and technology invested in by multiple sources, including the state budget prescribed in Clause 2 and Point b Clause 3 Article 86a of the Law on Intellectual Property is as follows:

a) The organization presiding over the tasks shall have part of the rights to register inventions, industrial designs, and layout designs corresponding to the state budget investment. If the inventions, industrial designs, and layout designs are the results of tasks of science and technology in national defense and security, part of the rights shall be long to the State and exercised by the representative of state ownership according to Clause 3 of this Article;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Representatives of state ownership prescribed in Point c Clause 3 Article 86a of the Law on Intellectual Property are:

a) The Minister of Science and Technology of Vietnam regarding national tasks of science and technology, except for ones prescribed in Point b of this Clause;

b) Ministers, heads of ministerial agencies, governmental agencies, and other central agencies, and Chairpersons of People's Committees of provinces regarding national tasks of science and technology assigned for management and tasks of science and technology approved by them;

c) Heads of agencies and organizations regarding tasks of science and technology approved by them.

Article 44. Obligations to notify and register inventions, industrial designs, and layout designs that are results of tasks of science and technology funded by state budget

1. The date of the invention, industrial design, or layout design created according to Clause 1 Article 136a of the Law on Intellectual Property is the date the presiding organization receives the written report of the author or acknowledges that the invention, industrial design, or layout design is created as the results of a task of science and technology, depending on which condition comes first.

2. Within 1 month from the date on which the invention, industrial design, or layout design is created according to Clause 1 of this Article, the presiding organization shall send a written notification to the representative of state ownership, specifying the information on such an invention, industrial design, or layout design, registration needs, and the nation to have the registration application submitted to (if any). In case of not carrying out the procedure for establishing rights to the above subjects, the presiding organization shall send a written notification to the representative of state ownership within 10 days before the end date of the time limit prescribed in Clause 2 Article 136a of the Law on Intellectual Property.

3. The author of the invention, industrial design, or layout design and the presiding organization shall ensure the confidentiality of the information on such a subject until the application for registration of the subject is submitted or the representative of state ownership discloses the content of the invention, industrial design, or layout design under Clause 2 Article 133a of the Law on Intellectual Property.

4. The application for registration of an invention, industrial design, and layout design created as a result of a task of science and technology funded by the state budget may only be transferred to an organization established under the law of Vietnam or a Vietnamese citizen residing in Vietnam. The receiving party shall perform the corresponding obligations of the presiding organization according to the Law on Intellectual Property and this Decree.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Send a written notification to the management authority of science and technology tasks of the results of the processing of the application for registration of the invention, industrial design, or layout design within 7 working days from the date the industrial property right authority issues a decision or notification of the processing result of the mentioned application;

b) Within 7 working days after the end date of the time limit prescribed in Clause 1 and Clause 2 Article 113 of the Law on Intellectual Property, send a written notification to the management authority of science and technology tasks of the invention application considered withdrawn according to Clause 3 Article 113 of the Law on Intellectual Property with specific explanations.

c) Send a notification to the management authority of science and technology tasks for the performance of the procedure for transferring rights to register the invention, industrial design, or layout design that is a result of a task of science and technology funded by the state for other organizations or individuals according to Article 45 of this Decree in the following cases:

c1) The application for registration of the invention, industrial design, or layout design is refused due to invalidity, except for the case where the refusal is due to the subject specified in the application is not subject to protection in the name of the invention, industrial design, or layout design according to Articles 59, 64, and 69 of the Law on Intellectual Property;

c2) The application for registration of the invention, industrial design, or layout design is withdrawn before its disclosure according to the regulations.

Article 45. Assigning rights to register inventions, industrial designs, and layout designs that are the results of tasks of science and technology funded by the state budget to other organizations and individuals

1. The representative of state ownership shall assign the management authority of science and technology to issue public disclosure on its website or web portal for organizations and individuals in need to submit applications requesting the assignment of rights to register inventions, industrial designs, and layout designs in cases prescribed in Clause 1 Article 133a of the Law on Intellectual Property and cases prescribed in Point Clause 5 Article 44 of this Decree.

2. Information disclosed under Clause 1 of this Article includes the name and technical field of the invention, industrial design, or layout design created as the result of a science and technology task, assignment method, and information access.

3. The organizations and individuals in need prescribed in Clause 1 of this Article may access the detailed information on inventions, industrial designs, or layout designs that are the results of tasks of science and technology under Clause 2 of this Article if they submit written requests to management authorities of science and technology tasks and commit to ensure the confidentiality and use the information for non-commercial purposes.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Management authorities of science and technology tasks shall process requests for the assignment of registration rights under the following regulations:

a) Inspection of the validity of the application. If the application is invalid, within 5 working days from the receipt date of the application, the management authority of science and technology tasks shall send a written notification to the organization or individual and impose a 10-day time limit from the notification issuance date for the organization or individual to remedy deficiencies;

b) Within 7 working days after the end date of the time limit for public notification according to Clause 1 Article 133a of the Law on Intellectual Property, the management authority of science and technology tasks shall report on the decision to assign rights to register the invention, industrial design, or layout design to the eligible organization or individual to the representative of state ownership;

c) In case many organizations and individuals requesting the assignment of rights to register an invention, industrial design, or layout design have valid applications, the representative of state ownership shall send written notifications of the intended assignment to such organizations and individuals for them to co-exercise the registration rights and be a joint applicant for such an invention, industrial design, or layout design and impose a 7-working-day time limit for organizations and individuals to propose any suggestion on the notification. After the above time limit, if concerned organizations and individuals disagree to become the joint applicant in writing or do not have any written response, within 5 working days after the end date of the above time limit, the representative of state ownership shall issue a decision to assign the rights to register the invention, industrial design, or layout design to the organizations and individuals that agree with the notification of the intended assignment in writing.

6. Organizations and individuals receiving the assignment of rights shall submit applications for establishing rights to the invention, industrial design, or layout design within 6 months after being assigned according to Clause 5 of this Article and perform other corresponding obligations of the presiding organization according to the Law on Intellectual Property and this Decree.

7. After 90 days from the date of notification issuance prescribed Clause 1 of this Article, if it is unable to assign registration rights to the organizations and individuals in need, the representative of state ownership shall assign the management authority of science and technology tasks to publicly disclose that the invention, industrial design, or layout design is the created as the result of a task of science and technology on its website or web portal for organizations and individuals to utilize and use according to laws.

Article 46. Exercising industrial property rights and adopting measures to protect inventions, industrial designs, and layout designs that are the results of tasks of science and technology funded by state budget

1. To ensure the exercise of industrial property rights and efficient utilization of inventions, industrial designs, and layout designs that are results of tasks of science and technology funded by the state budget, the presiding organization issuing protection titles to such subjects shall:

a) Apply appropriate measures to protect industrial property rights to the mentioned subjects, including the performance of necessary procedures for maintaining and renewing the validity of protection titles of the mentioned subjects;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Annually, the presiding organization issuing protection titles to inventions, industrial designs, and layout designs that are the results of tasks of science and technology funded by the state budget shall submit reports to the management authority of science and technology tasks, including the following contents:

a) Situation of the commercial utilization and assessment of the efficiency of the utilization of inventions, industrial designs, and layout designs;

b) The total profit that the presiding organization has received from the use and transfer of use rights, transfer of rights, investment in patents of inventions, industrial designs, and layout designs, the settlement of remuneration for authors, and profit distribution enclosed with the financial statement of the presiding organization independently audited;

c) Measures to protect rights currently in implementation.

Article 47. Procedures for permitting other organizations and individuals to use inventions, industrial designs, and layout designs that are the results of tasks of science and technology funded by state budget

1. The reasonable period of time according to Point a Clause 3 Article 133a of the Law on Intellectual Property is 4 years after the date of invention registration application submission or 3 years from the date of issuance of the invention patent; 3 years after the submission date of applications for registration of industrial designs or layout designs or 2 years after the date of issuance of the industrial design patent, certificate of registration of semiconductor integrated circuit layout design, depending on which time period ends later.

2. Authorities competent to approve science and technology tasks according to science and technology laws shall proactively, or upon requests of other organizations and individuals, issue decisions to permit the use of inventions, industrial designs, and layout designs that are the results of science and technology tasks funded by the state budget in cases prescribed in Clause 3 Article 133a of the Law on Intellectual Property based on consultation with the Ministry of Science and Technology of Vietnam.

3. Decisions prescribed in Clause 2 of this Article shall specify the scope and conditions that may be used by other organizations and individuals, including:

a) Rights to use inventions, industrial designs, or layout designs that are exclusive or non-exclusive;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Organizations and individuals permitted by competent authorities shall not transfer the rights to other entities.

Authorities competent to approve science and technology tasks shall send decisions on use permission to persons permitted to use inventions, industrial designs, and layout designs, right holders, and industrial property right authorities.

4. Organizations and individuals requesting permission to use inventions, industrial designs, or layout designs that are the results of tasks of science and technology funded by the state budget prescribed in Clause 2 of this Article shall submit applications to authorities competent to approve science and technology tasks, including the following documents:

a) Applications for permission to use inventions, industrial designs, or layout designs that are the results of tasks of science and technology funded by the state budget following Form No. 02 Appendix III of this Decree;

b) Documents proving that requests for permission to use inventions, industrial designs, or layout designs that are the results of tasks of science and technology funded by the state budget have reasonable grounds.

5. Authorities competent to approve science and technology tasks shall process applications according to the following regulations:

a) Inspection of the validity of the application. If the application is invalid, within 5 working days from the receipt date of the application, the authority competent to approve science and technology tasks shall send a written notification to the organization or individual and impose a 20-day time limit from the notification issuance date for the organization or individual to remedy deficiencies;

b) Within 7 working days from the receipt date of the valid application, the authority competent to approve science and technology tasks shall notify the right holder of the request for permission to use the invention, industrial design, or layout design and impose a 1-month time limit from the notification issuance date for the right holder to provide written answers, except for requests subject to Point b Clause 3 Article 133a of the Law on Intellectual Property where the authority competent to approve science and technology tasks does not have to notify the right holder.

c) After the above time limit, the authority competent to approve science and technology tasks shall process the request for use permission and suggests of the right holder based on the applications and suggestions provided by concerned parties. If the request for permission to use the invention, industrial design, or layout design does not have reasonable grounds according to Clause 3 Article 133a of the Law on Intellectual Property, the authority competent to approve science and technology tasks shall issue a decision to refuse the request with specific explanations. If the request has reasonable grounds, the authority competent to approve science and technology tasks shall issue a decision to permit the use.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Chapter IV

SECRET INVENTION

Article 48. Applications for registration of secret inventions

1. The application for registration of a secret invention shall be submitted in paper form to the industrial property right authority in compliance with Clause 1 and Clause 2 Article 89 of the Law on Intellectual Property.

2. An application for registration of a secret invention shall include:

a) Documents prescribed in Article 100 of the Law on Intellectual Property bearing the seal of confidentiality according to state secret protection laws (except for invoices for fees and charges);

b) Documents proving that the registration subject in the application is a state secret according to state secret protection laws.

3. The application for secret invention registration shall be accepted if the mandatory information and documents prescribed in Clause 1 Article 108 of the Law on Intellectual Property and Point b Clause 2 of this Article are provided.

Article 49. Procedures concerning secret inventions

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. An application for secret invention registration shall have its content appraised within 18 months from the date the application is accepted as valid if the request for a content appraisal is submitted before the date the application is accepted as valid or from the date of receipt of the request for a content appraisal if such a request is submitted after the date the application is accepted as valid.

3. Any document specifying suggestions of a third party or objections shall be considered as a source of information serving the processing of the application for secret invention registration. If it is not possible to determine the information or whether the disclosure of information in documents according to this Clause is in compliance with state secret protection laws, the industrial property right authority shall cooperate with the Ministry of Public Security of Vietnam in determining the appropriateness of the disclosure of information in documents according to this Clause to state secret protection laws.

4. Complaint procedures prescribed in Article 119a of the Law on Intellectual Property shall not be applicable to decisions or notifications of secret invention registration applications and other applications concerning secret inventions.

5. Secret invention registration applications and secret invention protection titles shall not be disclosed on the Industrial Property Official Gazette.

Article 50. Processing declassified secret invention registration applications and secret invention protection titles

1. Secret invention registration applications and secret invention protection titles shall be declassified according to Article 22 of the Law on State Secret Protection.

2. In case of clear grounds indicating that the invention in the secret invention registration application or the invention protected under the protection title is not in compliance with Clause 1 Article 2 of the Law on State Secret Protection, the industrial property right authority shall issue a notification requesting the applicant to re-determine whether such an invention is a state secret according to state secret protection laws and impose a 3-month time limit from the notification issuance date for the applicant to reply.

3. Regarding cases of declassification prescribed in Clause 1 of this Article, authorities and organizations competent to conduct declassification according to state secret protection laws shall provide notifications for industrial property right authorities, applicants, and owners of invention protection titles of the declassification.

4. Any Invention registration application that is declassified according to Clause 1 of this Article or confirmed to not be state secrets by the applicant according to Clause 2 of this Article shall have a submission date similar to the submission date of the secret invention registration application and continue to be processed under the Law on Intellectual Property regarding invention registration applications.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. In case of permitted declassification, the declassified secret invention registration application and secret invention patent/secret utility solution patent shall be disclosed on the Industrial Property Official Gazette within 3 months from the date of declassification.

Article 51. Registering secret inventions abroad

Submission of secret invention registration applications abroad shall be performed in compliance with state secret protection laws.

Article 52. Managing the use of secret inventions

The use of secret inventions protected under Article 123 of the Law on Intellection Property shall be in compliance with state secret protection laws.

Chapter V

TRANSFER OF INDUSTRIAL PROPERTY RIGHTS

Article 53. Compensating for rights to use inventions transferred under compulsory decisions

1. Compensation for rights to use an invention under a compulsory decision according to Point d Clause 1 Article 146 of the Law on Intellectual Property shall be determined according to the economic value of the transferred rights with consideration for the following elements:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Investment in the creation of the invention, including consideration for the state budget funding (if any);

c) Profits from the use of the invention;

d) Remaining validity period of the protection title;

dd) Necessity level of the transfer of the rights to use the invention;

e) Transfer scope and time limit;

g) Other elements directly determining the economic value of the transferred use rights.

2. Compensation for rights to use transferred inventions under compulsory decisions in case of failed agreement between the receiving party and the right holder shall not exceed 5% of the net selling price of products produced according to the invention, providing that compliance with Clause 1 of this Article is ensured.

3. If necessary, the authority competent to issue decisions on the compulsory transfer of invention use rights may establish a council to determine the compensation according to laws.

Article 54. Rights to request decisions on compulsory transfer of invention use rights

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 55. Applications for decisions on compulsory transfer of invention use rights

1. An application for a decision on compulsory transfer of invention use rights includes the following documents:

a) Statement on request for compulsory transfer of invention use rights following Form No. 04 Appendix I of this Decree;

b) Documents proving that the request for the decision on compulsory transfer of invention use rights has reasonable grounds according to laws as prescribed in Clauses 2, 3, 4, 5, 6, and 7 of this Article;

c) Authorizing documents (in case the request is submitted by a representative);

d) Copies of payment invoices of fees and charges (in cases of paying fees and charges via postal services or directly to the account of the authority competent to settle this procedure).

2. If the request for the decision on compulsory transfer of invention use rights is based on Point a Clause 1 Article 145 of the Law on Intellectual Property, the application shall specify the practical needs to use the invention for public purposes, non-commercial purposes, national defense and security, disease prevention and treatment, or nutrition for the people or other essential needs of society and contain documents at the time of submission proving that the owner of the invention patent has not used the invention and such an act will affect the achievement of the listed purposes.

3. If the request for the decision on compulsory transfer of invention use rights is based on Point b Clause 1 Article 145 of the Law on Intellectual Property, the application shall contain documents proving that the owner of the invention patent has not fulfilled obligations of using the invention prescribed in Clause 1 Article 136 and Clause 5 Article 142 of the Law on Intellectual Property. The application submission time must be 4 years after the submission date of the registration application for the concerned invention and 3 years after the issuance date of the invention patent.

4. If the request for the decision on compulsory transfer of invention use rights is based on Point c Clause 1 Article 145 of the Law on Intellectual Property, the application shall contain documents proving that the person in need to use the invention fails to reach an agreement with the owner of the invention patent regarding the conclusion of invention use contract after a reasonable period of negotiation over the reasonable price and commercial conditions, specifying the need to use the invention, time spent on negotiating, price, and specific commercial conditions proposed by the person in need.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. If the request for the decision on compulsory transfer of invention use rights in the field of semiconductor technology is based on Point a and Point d Clause 1 Article 145 and Point b Clause 1 Article 146 of the Law on Intellectual Property, the application shall contain documents providing that the use of the concerned invention is only for public or non-commercial purposes or the owner of the invention patent has committed anti-competitive acts banned by competition laws.

7. If the request for the decision on compulsory transfer of invention use rights is based on Point dd Clause 1 Article 145 of the Law on Intellectual Property, the application shall contain documents proving the use of the invention is for the needs for foreign pharmaceutical products for disease prevention and treatment eligible for importation according to Article 31bis of the Agreement on Trade-Related Aspects of Intellectual Property Rights (TRIPS).

Article 56. Procedures for processing applications for decisions on compulsory transfer of invention use rights

1. Applications for decisions on compulsory transfer of invention use rights shall be submitted in compliance with the following regulations:

a) Applications subject to cases prescribed in Points b, c, and d Clause 1 Article 145 of the Law on Intellectual Property shall be submitted to the Ministry of Science and Technology of Vietnam;

b) Applications subject to cases prescribed in Points a and dd Clause 1 Article 145 of the Law on Intellectual Property shall be submitted to ministries and ministerial agencies concerning inventions;

c) The Ministry of Science and Technology of Vietnam, ministries, and ministerial agencies shall designate an authority to receive and appraise applications prescribed in this Clause (hereinafter referred to as "application appraisal authority").

2. An applications for a decision on compulsory transfer of invention use rights shall be appraised as follows:

Within 2 months from the date of receipt of the application, the application appraisal authority shall assess the application according to the following regulations:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



If the request is subject to cases prescribed in Point a Clause 1 Article 145 of the Law on Intellectual Property and the use of the invention for public and non-commercial purposes, the concerned Ministry or ministerial agency may issue a decision on compulsory transfer of invention use rights without having to request the owner of the invention patent to provide any suggestion or parties to negotiate.

b) If the request for the decision on transfer of invention use rights does not have any reasonable ground according to Article 145 of the Law on Intellectual Property, the application appraisal authority shall report the results of the application assessment to and request the Minister of Science and Technology of Vietnam or the concerned Minister or head of the concerned ministerial agency to issue a notification of intended refusal, specifying the reasons and imposing a 1-month time limit from the notification issuance date for the applicant to propose any suggestion on the intended refusal.

The time when the applicant remedies deficiencies of the application or has objections shall not be included in the time limit for application assessment.

c) Regarding applications subject to cases prescribed in Point a and Point dd Clause 1 Article 145 of the Law on Intellectual Property, application appraisal authorities of ministries and ministerial agencies shall send copies of such applications to the Ministry of Science and Technology of Vietnam for suggestions (through the application appraisal authority of the Ministry of Science and Technology of Vietnam) before presenting them to the Ministers and heads of ministerial agencies for decisions according to Points a and b of this Clause. Within 20 days from the application receipt date, the application appraisal authority of the Ministry of Science and Technology of Vietnam shall assess the applications and submit reports to the Minister of Science and Technology for written requests for the concerned Ministers or heads of concerned ministerial agencies to issue decisions on compulsory transfer of invention use rights or refusal notifications.

3. Within 20 days from the date of receipt of the report on the results of the application assessment of the application appraisal authority of the Ministry of Science and Technology of Vietnam, the Minister of Science and Technology of Vietnam shall consider issuing a decision on compulsory transfer of invention use rights or send notification of refusal of the request for compulsory transfer of invention use rights to the applicant, specifying the reasons.

Within 20 days from the date of receipt of the written request of the Minister of Science and Technology of Vietnam, the concerned Minister or head of the concerned ministerial agency shall consider issuing a decision on compulsory transfer of invention use rights or send notification of refusal of the request for compulsory transfer of invention use rights to the applicant, specifying the reasons.

In case of disagreement with the request of the Minister of Science and Technology of Vietnam, the concerned Minister or head of the concerned ministerial agency shall provide a written notification, specifying the reasons.

4. The concerned Minister or head of the concerned ministerial agency shall send the decision on the compulsory transfer of invention use rights to the receiving party, owner of the invention patent, and application appraisal authority of the Ministry of Science and Technology of Vietnam.

The application appraisal authority of the Ministry of Science and Technology of Vietnam shall record the decision to the National Industrial Property Register within 1 month and disclose it on the Industrial Property Official Gazette within 2 months from the date of decision issuance.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The termination of the invention use rights under a compulsory decision shall be imposed or decided by a Minister, head of a ministerial agency, or person issuing the decision.

2. A request for the termination of invention use rights under a compulsory decision shall include the following documents:

a) Document requesting the termination of invention use rights under a compulsory decision;

b) Documents proving that grounds leading to the transfer of invention use rights under a compulsory decision no longer exist and are unlikely to reappear and the termination of invention use rights does not cause any damage to the receiving party under a compulsory decision;

c) Authorizing documents (in case the request is submitted by a representative);

d) Copies of payment invoices of fees and charges (in cases of paying fees and charges via postal services or directly to the account of the application appraisal authority of the Ministry of Science and Technology of Vietnam).

3. Procedures for receiving and processing requests for termination of invention use rights under compulsory decisions and issuing termination decisions shall be carried out similarly to the procedures for receiving and processing requests for transfer of invention use rights under compulsory decisions prescribed in Article 55 of this Decree.

Article 58. Applications for registration of contracts of transfer of industrial property rights

1. An application for registration of a contract of transfer of industrial property rights shall include a set of the following documents:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) 1 copy of the contract (original or certified copy according to regulations). If the contract is in a language other than Vietnamese, it must be enclosed with a Vietnamese translation. If the contract has many pages, each page must bear the confirmation signatures of related parties or an affixed seal;

c) Original protection title in case it is granted in paper form;

d) Agreement documents of co-owners on the transfer of industrial property rights in case the corresponding industrial property rights are jointly owned;

dd) Authorizing documents (in case the request is submitted by a representative);

e) Copies of payment invoices of fees and charges (in cases of paying fees and charges via postal services or directly to the account of the industrial property right authority);

g) Regarding applications for registration of contracts of transfer of collective marks or certification marks, aside from the above documents, the following documents are also required:

g1) Regulations on the use of collective marks or certification marks of the receiving parties according to Article 105 of the Law on Intellectual Property;

g2) Documents proving the rights to submit applications of the receiving parties regarding the certification marks or collective marks according to Clause 3 and Clause 4 Article 87 of the Law on Intellectual Property.

In this case, the industrial property right authority shall re-appraise rights to submit applications and regulations on the use of marks. Applicants shall pay application appraisal fees aside from fees and charges for applications for registration of contracts of transfer of industrial property rights according to regulations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Statement on registration of the contract of transfer of the subject matter of industrial property following Form No. 02 Appendix IV of this Decree;

b) 2 copies of the contract (original or copy enclosed with the original for comparison, except for certified copy under regulations). If the contract is in a language other than Vietnamese, it must be enclosed with a Vietnamese translation. If the contract has many pages, each page must bear the confirmation signatures of related parties or an affixed seal;

c) Agreement documents of co-owners on the transfer of the subject matter of industrial property in case the corresponding industrial property rights are jointly owned;

d) Authorizing documents (in case the request is submitted by a representative);

dd) Copies of payment invoices of fees and charges (in cases of paying fees and charges via postal services or directly to the account of the industrial property right authority).

3. Each application for registration of the contract of transfer of industrial property rights shall be recorded once for every transfer step. In case the subject matter of industrial property is transferred through many steps, each step requires the submission of a separate application for registration of the contract of transfer of industrial property rights.

Article 59. Procedures for processing applications for registration of contracts of transfer of industrial property rights

1. In case the application for registration of the contract of transfer of industrial property rights does not have any deficiency prescribed in Clause 3 of this Article, the industrial property right authority shall:

a) Issue a decision to record the transfer of industrial property rights (regarding a contract of transfer of industrial property rights) and a decision to issue a certificate of registration of the contract of transfer of subject matter of industrial property (regarding a contract of transfer of rights to use subject matter of industrial property);

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Regarding a contract of transfer of rights to use subject matter of industrial property: issue a certificate of registration of the contract of transfer of rights to use subject matter of industrial property to the applicant; stamp the registration on 2 copies of the contract, send 1 to the applicant and archive the other;

d) Record the transfer of industrial property rights to the National Industrial Property Register;

dd) Issue a decision to record the transfer of industrial property rights and a decision to issue a certificate of registration of the contract of transfer of rights to use subject matter of industrial property on the Industrial Property Official Gazette within 2 months from the decision issuance date.

2. In case the application for registration of the contract of transfer of industrial property rights has the deficiencies prescribed in Clause 3 of this Article, the industrial property right authority shall:

a) Issue a notification of the intended refusal of the contract registration, specifying the deficiencies and imposing a 2-month time limit from the notification issuance date for the applicant to amend the deficiencies or object to the intended refusal;

b) Issue a decision on the refusal of the contract registration if the applicant fails to amend the deficiencies, provides inadequate amendments, does not have any objection, or provides inadequate objections after the imposed time limit.

3. An application for registration of the contract of transfer of industrial property rights shall be considered to have deficiencies in one of the following cases:

a) Invalid statement;

b) Lack of one of the mandatory documents;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Copies of the contract without any validity confirmation;

dd) Name or address of the transferring party in the contract is not consistent with the corresponding information in the protection title or the contract that is the ground for the transfer of rights, authorizing document, or statement; name or address of the receiving party in the contract is not consistent with the name and address in the authorizing document or statement;

e) The contract does not sufficiently have the signatures (and seals, if any) of the transferring party and the receiving party;

g) The transferring party is not the owner of the protection title;

h) The subject matter of industrial property is no longer protected under a protection title or subject to a dispute;

i) The transfer contract lacks the corresponding mandatory contents prescribed in Article 140 or Clause 1 Article 144 of the Law on Intellectual Property;

k) The contract has content not in compliance with regulations on conditions for restricting the transfer of industrial property rights prescribed in Article 139 of the Law on Intellectual Property or clauses restricting the rights of the receiving party of rights to use the subject matter of industrial property unreasonably as prescribed in Clause 2 Article 144 of the Law on Intellectual Property;

l) There are grounds confirming that the transfer of industrial property rights infringes upon the industrial property rights of a third party.

4. The time limit for processing the application for registration of the contract of transfer of industrial property rights is 2 months. The time limit for the applicant to amend deficiencies shall not be included in the processing time of the application.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. Before the industrial property right authorities issue any decision to record or refuse to record the registration of the contract of transfer of industrial property rights, if one of the concerned parties wishes to withdraw the application for registration of the contract of transfer of industrial property rights, there must be mutual consent from both parties to the withdrawal of the submitted application, except for cases of application withdrawal due to inability to remedy deficiencies requested by the industrial property right authority.

Article 60. Restrictions on transfer of rights to marks

1. The transfer of rights to a mark prescribed in Clause 4 Article 139 of the Law on Intellectual Property shall be considered to confuse the properties and origins of goods and services bearing such a mark in the following cases:

a) The transferred mark is identical or similar to the point of causing confusion over other marks under the protection of certificates of mark registration or international registration of marks owned by the transferring party;

b) A part of the goods and services bearing the transferred mark is similar to the part of the remaining goods and services of the list of goods and services owned by the transferring party, and the use of such a mark and part of goods and services of the receiving party may potentially cause confusion over the commercial origins of goods and services (in case of the scope of transfer is a part of the list of goods and services);

c) The transferred mark contains elements that are signs causing confusion or misunderstanding over the origins, quality, value, etc., of the goods and services within the transfer scope for users.

2. Rights to collective marks and certification marks shall only be transferred to organizations meeting the requirements regarding organizations entitled to the registration of such collective marks and certification marks.

Article 61. Recording content amendments, renewal, and premature termination of validity of contracts of transfer of rights to use subject matters of industrial property

1. Content amendments, renewal, and premature termination of the validity of a registered contract of transfer of rights to use the subject matter of industrial property shall be recorded at the industrial property right authority according to this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) An application for the recording of content amendments, renewal, or premature termination of the validity of the contract of transfer of rights to use the subject matter of industrial property shall be made in writing and include the following documents:

a1) Statement on the request for the recording of content amendments, renewal, or premature termination of the contract of transfer of rights to use the subject matter of industrial property following Form No. 03 Appendix IV of this Decree;

a2) Original certificate of registration of the contract of transfer of rights to use the subject matter of industrial property (in case of registration of content amendments or renewal of the validity of the contract);

a3) Documents proving the amendments to names and addresses of parties in the contract;

a4) Agreements and documents recording specific clauses that need to be amended in the contract, including the renewal or premature termination of the contract;

a5) Authorizing documents (in case the request is submitted by a representative);

a6) Copies of payment invoices of fees and charges (in cases of paying fees and charges via postal services or directly to the account of the industrial property right authority).

b) An application for contract renewal shall be submitted within 1 month from its end prescribed in the certificate of registration of the contract of transfer of rights to use the subject matter of industrial property.

3. Within 1 month from the receipt date of the application for the recording of content amendments, renewal, or premature termination of the contract, the industrial property right authority shall assess the application in compliance with the following regulations:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) If the application has deficiencies, the industrial property right authority shall issue a notification of the intended refusal of the recording of content amendments, renewal, or premature termination of the contract of transfer of rights to use the subject matter of industrial property, specifying the deficiencies of the application and imposing a 2-month time limit from the date of notification issuance for the applicant to amend such deficiencies or have objections to the intended refusal.

After the imposed time limit, if the applicant fails to amend deficiencies or provides inadequate amendments, does not have any object, or provides inadequate objections, the industrial property right authority shall issue a decision to refuse the recording of content amendments, renewal, or premature termination of the contract of transfer of rights to use the subject matter of industrial property.

Chapter VI

INDUSTRIAL PROPERTY REPRESENTATIVES

Article 62. Training program on industrial property laws

1. The training program on industrial property laws shall ensure the provision of necessary knowledge and skills in utilizing industrial property laws for learners to resolve matters concerning the protection of industrial property rights with a minimum duration of 20 studying units or 18 credits (including at least 40% of the training duration is for practice, professional internship, or graduation internship).

2. The Ministry of Science and Technology of Vietnam shall develop a framework training program on industrial property laws following the criteria prescribed in Clause 1 of this Article.

3. The training courses on industrial property laws prescribed in Point d Clause 2 and Clause 2a Article 155 of the Law on Intellectual Property taught under the framework program prescribed in Clause 2 of this Article shall be recognized by the Ministry of Science and Technology of Vietnam.

4. Individuals shall be considered to have graduated from the training courses on industrial property laws prescribed in Point d Clause 2 and Clause 2a Article 155 of the Law on Intellectual Property if they graduate from the training course on industrial property rights and meet the requirements prescribed in Clause 2 of this Article and are recognized by the Ministry of Science and Technology of Vietnam according to Clause 3 of this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The professional inspection of industrial property representatives shall be performed to assess the capacity of utilizing industrial property laws to resolve specific matters concerning the establishment and protection of industrial property rights.

2. The industrial property right authority shall periodically organize the professional inspection of industrial property representatives once every 2 years. The plan to organize the professional inspection of industrial property representatives shall be disclosed on the web portal of the industrial property right authority.

3. The results of the inspection shall be notified to the participants by the industrial property right authority. Participants may request the industrial property right authority to re-examine the results of the inspection.

4. The results of the inspection of individuals complying with Point e Clause 2 Article 155 of the Law on Intellectual Property shall have a validity of 5 years (from the date of notification of inspection results) for requesting the industrial property authority to issue the practicing certificate of industrial property representative services.

5. The council for professional inspection of industrial property representatives established by the industrial property right authority shall organize the professional inspection of industrial property representatives according to the regulation on professional inspection of industrial representatives issued by the industrial property right authority.

6. Individuals meeting the requirements prescribed in Points a through dd Clause 2 Article 155 of the Law on Intellectual Property may register for participation in the professional inspection of industrial property representatives according to Clause 7 of this Article.

7. An application for participation in the inspection, submitted to the industrial property right authority, shall include a set of the following documents:

a) Statement on inspection registration, following Form No. 01 Appendix V of this Decree;

b) Copies of the bachelor’s degree or equivalences prescribed in Point c Clause 2 Article 155 of the Law on Intellectual Property (the original shall be presented for comparison, excluding cases of certified copies);

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) 2 photos sized 3 x 4 (cm);

dd) Copies of payment invoices of fees and charges (in cases of paying fees and charges via postal services or directly to the account of the industrial property right authority).

8. The application for inspection registration shall be processed by the industrial property right authority within 20 days from the receipt date according to the following procedures:

a) If the application is valid, the industrial property right authority shall notify the applicant of the eligibility for participation in the inspection while notifying the expected time, location, and schedule;

b) If the application is invalid, the industrial property right authority shall issue a notification of the deficiencies of the application and impose a 1-month time limit from the notification issuance date for the applicant to amend such deficiencies;

c) If the applicant fails to amend the deficiencies or provides inadequate amendments, the industrial property right authority shall issue a decision to refuse the acceptance of the application for inspection registration, specifying the reasons.

Article 64. Issuing, reissuing, and revoking practicing certificates of industrial property representative services.

1. The issuance of practicing certificates of industrial property representative services shall be performed as follows:

a) Industrial property right authorities shall issue practicing certificates of industrial property representative services to individuals meeting the requirements prescribed in Clause 2 and Clause 2a Article 155 of the Law on Intellectual Property if they request the issuance and pay the fees prescribed by laws;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b1) Statement on request for the issuance of the practicing certificate of industrial property representative services following Form No. 02 Appendix V of this Decree;

b) Copies of the graduation certificate of the course on industrial property laws and copies of the lawyer card regarding cases of request for issuance of practicing certificates prescribed in Clause 2a Article 155 of the Law on Intellectual Property (the original shall be presented for comparison, excluding cases of certified copies);

b3) 2 photos sized 3 x 4 (cm);

b4) Copies of citizen ID (the original shall be presented for comparison, excluding cases of certified copies), except for the case where the statement on request for the issuance of the practicing certificate of industrial property representative services already has information on the citizen ID number;

b5) Copies of payment invoices of fees and charges (in cases of paying fees and charges via postal services or directly to the account of the industrial property right authority).

c) The application for issuance of the practicing certificate of industrial property representative services shall be processed by the industrial property right authority within 1 month from the receipt date under the following procedures:

c1) If the application is valid, the industrial property right authority shall issue a decision on the issuance of the practicing certificate of industrial property representative services, specifying the name, date of birth, permanent address, citizen ID number, certificate number, and practicing field of the certificate holder; record the issuance to the National Industrial Property Representative Register and disclose the information on the Industrial Property Official Gazette and its web portal within 2 months from the decision issuance date;

c2) If the application is invalid, the industrial property right authority shall issue a notification of the deficiencies of the application and impose a 1-month time limit from the notification issuance date for the applicant to amend such deficiencies;

c3) If the applicant fails to amend the deficiencies or provides inadequate amendments, the industrial property right authority shall issue a decision to refuse the issuance of the practicing certificate of industrial property representative services, specifying the reasons.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The re-issuance of practicing certificates of industrial property representative services shall be performed as follows:

a) In the following cases, the industrial property right authority shall re-issue practicing certificates of industrial property representative services if the industrial property representatives submit requests and pay the fees and charges according to regulations:

a1) The information in the practicing certificate of industrial property representative services prescribed in Point c1 Clause 1 of this Article has been changed;

a2) The practicing certificate of industrial property representative services is lost, defective, or damaged (torn, dirty, faded, etc.) to the point of being unusable;

a3) Eligibility for the practicing certificate of industrial property representative services is restored in case of revocation of the mentioned certificate due to inability to meet the requirements prescribed in Clause 2 and Clause 2a Article 155 of the Law on Intellectual Property.

b) An application for re-issuance of the practicing certificate of industrial property representative services, submitted to the industrial property right authority, shall include a set of the following documents:

b1) Statement on the request for the re-issuance of the practicing certificate of industrial property representative services following Form No. 04 Appendix V of this Decree;

b2) 2 photos sized 3 x 4 (cm);

b3) Copies of citizen ID (the original shall be presented for comparison, excluding cases of certified copies), except for the case where the statement on request for the re-issuance of the practicing certificate of industrial property representative services already has information on the citizen ID number, regarding the case prescribed in Point a1 of this Clause;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b5) Copies of payment invoices of fees and charges (in cases of paying fees and charges via postal services or directly to the account of the industrial property right authority).

c) The application for re-issuance of the practicing certificate of industrial property representative services shall be processed by the industrial property right authority within 20 days from the receipt date following procedures similar to the procedure for issuing the practicing certificate of industrial property representative services prescribed in Point c Clause 1 of this Article.

d) If the practicing certificate of industrial property representative services is defective due to an error of the industrial property right authority, the mentioned authority shall re-issue the practicing certificate of industrial property representative services within 5 working days from the date of receipt of the request of the certificate holder without charging any fee.

3. The revocation of practicing certificates of industrial property representative services shall be performed as follows:

a) A practicing certificate of industrial property representative services shall be revoked by the industrial property right authority in the following cases:

a1) The certificate holder no longer satisfies the requirements prescribed in Clause 2 and Clause 2a Article 155 of the Law on Intellectual Property;

a2) The certificate holder has his/her practicing certificate revoked under a decision of the industrial property right authority according to Clause 4 Article 156 of the Law on Intellectual Property;

b) The industrial property right authority proactively or upon a request of an organization or individual revokes the practicing certificate of industrial property representative services if there are grounds confirming that the certificate holder falls into one of the cases prescribed in Point a of this Clause;

c) Any organization or individual that requests the revocation of a practicing certificate of industrial property representative services shall submit a set of documents as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c2) Documents proving grounds for the revocation of the practicing certificate of industrial property representative services.

d) Procedures for the revocation of a practicing certificate of industrial property representative services:

d1) If an organization or individual requests the revocation of the practicing certificate of industrial property representative services according to Point c of this Clause, within 1 month from the date of receipt of the request, the industrial property right authority shall provide a written notification of such a request for the certificate holder and impose a 1-month time limit from the notification date for the certificate holder to provide any suggestion. The industrial property right authority shall, based on the suggestions of concerned parties, issue a decision to revoke the practicing certificate or refuse the revocation of the practicing certificate and send it to the concerned parties;

d2) If there are grounds confirming that the certificate holder no longer satisfies the requirements prescribed in Clause 2 and Clause 2a Article 155 of the Law on Intellectual Property, the industrial property right authority shall issue a written notification of the intended revocation of the practicing certificate of industrial property representative services to the certificate holder and impose a 1-month time limit from the notification date for the certificate holder to provide any suggestion. d2) If there are grounds confirming that the certificate holder no longer satisfies the requirements prescribed in Clause 2 and Clause 2a Article 155 of the Law on Intellectual Property, the industrial property right authority shall issue a written notification of the intended revocation of the practicing certificate of industrial property representative services to the certificate holder and impose a 1-month time limit from the notification date for the certificate holder to provide any suggestion.

d3) In case of a decision to revoke the practicing certificate of industrial property representative services of a competent authority, within 1 month from the receipt date of the mentioned decision, the industrial property right authority shall issue a decision to revoke the practicing certificate of industrial property representative services;

d4) The industrial property right authority shall record the decision on the revocation of the practicing certificate of industrial property representative services to the National Industrial Property Representative Register and disclose it on the Industrial Property Official Gazette within 2 months from the decision issuance date.

Article 65. Recording and removing names of industrial property representatives

1. The recording of organizations eligible for industrial property representative services shall be performed as follows:

a) Organizations satisfying the requirements prescribed in Article 154 of the Law on Intellectual Property shall be recorded as industrial property representative service providers in the National Industrial Property Representative Register and disclosed on the Industrial Property Official Gazette by the industrial property right authority if they submit requests and pay the fees prescribed by laws.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) An application for the recording of an industrial property representative service provider to the National Industrial Property Representative Register submitted to the industrial property right authority by an organization satisfying the requirements prescribed in Article 154 of the Law on Intellectual Property shall include a set of the following documents:

b1) Statement on the request for the recording of the industrial property representative provider following Form No. 05 Appendix V of this Decree, which adequately specifies the information on the organization and the information on the authorized industrial property representative;

b2) Copies of the recruitment decision or labor contract of the organization with the holder of the practicing certificate of industrial property representative services (the original shall be presented for comparison, excluding cases of certified copies);

b3) Copies of payment invoices of fees and charges (in cases of paying fees and charges via postal services or directly to the account of the industrial property right authority).

c) Within 20 days from the receipt date of the application for the recording of the industrial property representative service provider, the industrial property right authority shall assess the application following procedures similar to the procedure for issuing the certificate of industrial property representative services prescribed in Point c Clause 1 Article 64 of this Decree.

2. The recording of industrial property representatives shall be performed as follows:

a) Individuals eligible for practicing industrial property services may request the industrial property right authority to record them as the industrial property representatives in the National Industrial Property Representative Register and disclose the information on the Industrial Property Official Gazette according to Clause 1 Article 156 of the Law on Intellectual Property and this Clause, and pay the fees prescribed by regulations.

b) An application for the recording of an industrial property representative to the National Industrial Property Representative Register submitted to the industrial property right authority by an individual satisfying the requirements prescribed in Article 155 of the Law on Intellectual Property shall include a set of the following documents:

b1) Statement on the request for the recording of the industrial property representative following Form No. 06 Appendix V of this Decree, which adequately specifies the information on the individual and the information on the industrial property representative service provider where the individual works;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b3) Copies of payment invoices of fees and charges (in cases of paying fees and charges via postal services or directly to the account of the industrial property right authority).

c) Within 20 days from the receipt date of the application for the recording of the industrial property representative, the industrial property right authority shall assess the application following procedures similar to the procedure for issuing the certificate of industrial property representative services prescribed in Point c Clause 1 Article 64 of this Decree.

3. The recording of changes to the information of industrial property representative service providers shall be performed as follows:

a) The industrial property representative service provider may request the industrial property right authority to record the changes concerning the information recorded in the National Industrial Property Representative Register (including the full name, transaction name, abbreviated name, and address of the organization, business field of industrial property representative services, full name and certificate number of the industrial property representative in the organization) according to this Point and shall pay the fees prescribed by regulations.

b) An application for the recording of changes to the information of the industrial property representative service provider submitted to the industrial property right authority shall include the following documents:

b1) Statement on the request for the recording of changes to the information of the industrial property representative service provider following Form No. 07 Appendix V of this Decree;

b2) Copies of the amended certificate of business registration or amended certificate of operation registration in the case of changing the name and address (the original shall be presented for comparison, excluding cases of certified copies), excluding the case where the enterprise identification number is declared in the statement on request for the recording of changes to the industrial property representative service provider;

b3) Copies of payment invoices of fees and charges (in cases of paying fees and charges via postal services or directly to the account of the industrial property right authority).

c) Within 20 days from the receipt date of the application for the recording of changes to the information of the industrial property representative service provider, the industrial property right authority shall assess the application following procedures similar to the procedure for issuing the certificate of industrial property representative services prescribed in Point c Clause 1 Article 64 of this Decree.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) The industrial property representative service provider shall perform the procedure for removing its name from the National Industrial Property Representative Register at the industrial property right authority in the following cases:

a1) The industrial property representative service provider abandons or terminates the business of industrial property representative services;

a2) The industrial property representative service provider no longer satisfies the requirements prescribed in Article 154 of the Law on Intellectual Property;

b) An application for the removal of the name of the industrial property representative service provider submitted to the industrial property right authority shall include the following documents:

b1) State on request for the removal of the name of the industrial property representative service provider following Form No. 08 Appendix V of this Decree;

b2) Documents proving that the organization is no longer eligible for engaging in industrial property representative services;

b3) Copies of payment invoices of fees and charges (in cases of paying fees and charges via postal services or directly to the account of the industrial property right authority).

c) Within 20 days from the receipt date of the application for the removal of the name of the industrial property representative service provider, the industrial property right authority shall assess the application following procedures similar to the procedure for issuing the certificate of industrial property representative services prescribed in Point c Clause 1 Article 64 of this Decree.

5. The removal of the names of industrial property representatives shall be performed as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) An application for the removal of the name of the industrial property representative submitted to the industrial property right authority shall include the following documents:

b1) State on request for the removal of the name of the industrial property representative following Form No. 09 Appendix V of this Decree;

b2) Documents proving that the holder of the practicing certificate of industrial property representative services no longer satisfies the practicing requirements prescribed in Point b Clause 1 Article 155 of the Law on Intellectual Property (decision on termination of the labor contract or other documents);

b3) Copies of payment invoices of fees and charges (in cases of paying fees and charges via postal services or directly to the account of the industrial property right authority);

c) Within 20 days from the receipt date of the application for the removal of the name of the industrial property representative, the industrial property right authority shall assess the application following procedures similar to the procedure for issuing the certificate of industrial property representative services prescribed in Point c Clause 1 Article 64 of this Decree.

Chapter VII

MEASURES TO PROMOTE INDUSTRIAL PROPERTY

Article 66. Provision of training and advanced training for industrial property personnel

1. The Ministry of Science and Technology of Vietnam shall elaborate on the content, training program, and advanced training in industrial property.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 67. Ensuring industrial property information

1. The industrial property information system includes a collection of information concerning all of the subject matters of industrial property protected in Vietnam, information sorted for specific purposes or themes of foreign subject matters of industrial property categorized and arranged appropriately and conveniently for search (lookup), distribution, and use.

2. The Ministry of Science and Technology of Vietnam shall develop and manage industrial property information storages and develop tools to classify, search, guide the search, and use the domestic and foreign industrial property information; organize the supply of information adequately, promptly, and accurately to ensure the access to information storages for any subject that wishes to use such information for the establishment and protection of industrial property rights, research, development, and business; manage and carry out the sharing, connection, utilization, international cooperation, and other operations concerning the national database on industrial property.

Article 68. Extending the use scope of inventions, industrial designs, and layout designs of the State

1. Regarding inventions, industrial designs, and layout designs owned by the State, in case the capacity for using them of the owner of the protection title fails to meet the social demand, other organizations of the State may request the owner of the protection title to transfer the rights to use such inventions, industrial designs, or layout designs with the following requirements:

a) Rights to use inventions, industrial designs, or layout designs to be transferred are non-exclusive and forbidden from transferring to another person;

b) The use scope of inventions, industrial designs, or layout designs of the receiving party shall not affect the capacity for using such inventions, industrial designs, or layout designs to the fullest extent of the owner of the protection title;

c) In case the inventions, industrial designs, or layout designs are used for non-commercial purposes, the price for transferring the rights that the receiving party must pay the owner of the protection title shall be 50% of the amount that a non-state receiving party must pay for the receipt of rights to use such inventions, industrial designs, or layout designs with other equivalent conditions.

2. The transfer of rights to use inventions, industrial designs, or layout designs of the State to state organizations prescribed in Clause 1 of this Article shall not affect the rights of the owner of the protection title in the transfer of rights to use the mentioned subjects to non-state organizations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Social organizations and socio-vocational organizations operating in fields concerning industrial property shall be facilitated to perform social consulting and criticism functions on industrial property and intensified non-public social services to adequately promote the support for the operations of state authorities and holders of industrial property rights.

Article 70. Other measures to encourage creative activities

The State encourages and supports technological creative activities by:

1. Sponsoring technical creative competitions.

2. Commending and disseminating experience, creative measures, and advanced examples of creative labor.

3. Supporting the establishment and protection of industrial property rights regarding the results of creative activities.

Part four

PROTECTION OF INDUSTRIAL PROPERTY RIGHTS AND RIGHTS TO PLANT VARIETIES

Chapter I

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Section 1. GROUNDS TO DETERMINE ACTS, NATURE, AND LEVEL OF INFRINGEMENT

Article 71. Application of civil, administrative, and criminal measures to protect industrial property rights and rights to plant varieties

Acts of infringement may, based on the nature and level, be handled by civil, administrative, and criminal measures according to Part Five (Protection of Industrial Property Rights) of the Law on Intellectual Property and the following regulations:

1. Civil measures shall be applied to handle any act of infringement at the request of the holder of industrial property rights or rights to plant varieties or the organization or individual with damage caused by the infringement, even if such an act has been or is being handled by administrative or criminal measures.

The procedure for requesting the application of civil measures and the competence and procedure for applying civil measures shall comply with civil procedure laws.

2. Administrative measures shall be applied to handle any act of infringement that falls into one of the cases prescribed in Article 211 of the Law on Intellectual Property at the request of the holder of industrial property rights or rights to plant varieties, the organization or individual with damage caused by such acts, or a competent authority.

Forms, fines, competence, and procedure for fining acts of infringement and measures to remedy the consequences in compliance with the Law on Intellectual Property and administrative handling laws concerning industrial property rights and rights to plant varieties.

3. Criminal measures shall be applied to handle any act of infringement if such an act has sufficient elements to constitute a crime according to the Criminal Code.

The competence and procedure for applying criminal measures shall comply with criminal procedure laws.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Acts are considered infringements on industrial property rights and rights to plant varieties according to Articles 126, 127, 129, and 188 of the Law on Intellectual Property when the following grounds are found:

1. The subject in consideration falls into the scope of subjects under protection;

2. There are elements of infringement in the subject in consideration;

3. The person who commits the act that is in consideration is not the holder of industrial property rights or rights to plant varieties and is not a person permitted by laws or a competent authority according to Clause 2 and Clause 3 Article 125, Article 133, Clause 3 Article 133a, Article 134, Clause 2 Article 137, Article 145, Article 190, and Article 195 of the Law on Intellectual Property;

4. The act in consideration takes place in Vietnam. The act will also be considered to take place in Vietnam if it occurs on the Internet and is carried out on an information website under a Vietnamese domain name or with the display language of Vietnamese or aims at consumers or information users in Vietnam.

Article 73. Grounds to identify subjects of protection

1. The identification of subjects of protection shall be performed by assessing documents and evidence proving the arising grounds and establishment of rights according to Article 6 of the Law on Intellectual Property.

2. Regarding industrial property rights registered at competent authorities, the subjects of protection shall be identified according to the certificates of registration confirmation, protection titles, and documents enclosed with such certificates of registration confirmation and protection titles.

3. Regarding trade names, the subjects of protection shall be identified based on the use progress, fields, and territories using such trade names.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Regarding famous marks, the subjects of protection shall be identified based on documents and evidence that the marks are used widely to achieve their fame following the criteria prescribed in Article 75 of the Law on Intellectual Property.

6. Regarding geographical indications protected under international treaties, the subjects of protection shall be identified according to international treaties or the National Industrial Property Register.

7. Rights to plant varieties shall be determined according to plant variety protection titles issued by competent authorities.

Article 74. Elements of infringement on invention ownership

1. Elements of infringement on rights to inventions may be in one of the following forms:

a) A product or any part of the product is identical or similar to a product or any part of the product under the scope of invention protection;

b) A procedure is identical or similar to a procedure under the scope of invention protection;

c) A product or any part of the product is produced under a procedure identical or similar to a procedure under the scope of invention protection.

2. The ground to determine elements of infringement on rights to inventions is the scope of invention protection determined according to the invention patents, utility solution patents, or excerpts from the National Industrial Property Register.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Elements of infringement on rights to layout designs may be in one of the following forms:

a) A layout design is created from an illegal copy of a protected layout design;

b) A semiconductor integrated circuit is created illegally following a protected layout design;

c) A product or any part of the product with a semiconductor integrated circuit prescribed in Point b of this Clause.

2. The ground to determine elements of infringement on rights to layout designs is the scope of protection of rights to layout designs determined according to certificates of registration of semiconductor integrated circuit or excerpts from the National Industrial Property Register.

Article 76. Elements of infringement on rights to industrial designs

1. Elements of infringement on rights to industrial designs refer to when a product or any part for assembly into a complex product whose external appearance does not differ significantly from the protected industrial design.

2. The ground to determine elements of infringement on rights to industrial property is the scope of protection of industrial designs determined according to the industrial design patents, decisions on acceptance of the protection of industrial designs internationally registered, or excerpts from the National Industrial Property Register.

3. A product or any part for assembly into a complex product whose appearance is considered to not differ significantly from a protected industrial design if it falls into one of the following cases:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) The product or any part for assembly into the complex product is considered to have an external appearance that is a combination of design features that forms a whole that is a copy or essentially a copy of an industrial design of at least one product in the protected set of products of another person.

Article 77. Elements of infringement on rights to marks

1. Elements of infringement on rights to marks refer to signs attached to goods, goods packaging, means of services, transaction documents, signs, advertising means, and other means of businesses that are identical or similar to the point of confusion over the protected marks.

2. The ground to assess elements of infringement on rights to marks is the scope of protection of marks, including mark samples and lists of goods and services determined in the certificates of mark registration, confirmation certificates of internationally registered marks protected in Vietnam, or excerpts from the National Industrial Property Register or determined via the assessment of evidence proving the famous marks according to Article 75 of the Law on Intellectual Property.

3. In order to determine if a suspicious sign is an element of infringement on rights to a mark, it is necessary to compare such a sign to the related mark while comparing the goods and services bearing that sign to the goods and services under the protection scope. An element of infringement may only be confirmed when the following requirements are met:

a) The suspicious sign is identical or similar to the point of confusion over the mark under the scope of protection. Specifically, a sign is considered identical to a protected mark if it has the same structure and presentation or similar to the point of confusion over a mark under the protection scope if there are several components completely identical to or similar to the point that they cannot be easily distinguished from each other in terms of structure, pronunciation, transcription, meanings, presentation, or colors regarding a visible sign and melody or tone regarding a sound sign and the use of the sign can potentially cause confusion over the goods and services bearing the mark for consumers;

b) Goods and services that bear the suspicious sign are identical or similar to the goods and services under the protection scope if they are identical or similar in terms of nature or functions and uses and have the same consumption channel or have connections with each other in terms of nature, functions, or implementation methods.

4. Regarding famous marks, suspicious signs are considered elements of infringement if:

a) The suspicious signs meet the requirements prescribed in Point a Clause 3 of this Article;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 78. Elements of infringement on rights to geographical indications

1. Elements of infringement on rights to geographical indications displayed in the form of signs attached to goods, goods packaging, means of services, transaction documents, signs, advertising means, and other means of businesses that are identical or similar to the point of confusion with the protected geographical indications.

2. The ground to assess elements of infringement on rights to geographical indications is the scope of protection of geographical indications determined according to certificates of registration of geographical indications, international treaties that have contents of recognition and protection of geographical indications, or excerpts from the National Industrial Property Register.

3. In order to determine if a suspicious sign is an element of infringement on rights to a protected geographical indication, it is necessary to compare such a sign to the related geographical indication while comparing the product bearing that sign to the product with the protected geographical indication based on the following grounds:

a) The suspicious sign is identical or similar to the point of confusion over the protected geographical indication. Specifically, a sign is considered identical to a protected geographical indication if it has the same wording structure, including pronunciation and transcription of letters, meanings, or images and symbols under the scope of protection of the geographical indication. A sign is considered similar to the point of confusion over the protected geographical indication if it is similar in terms of wording structure, including pronunciation and transcription of letters, meanings, or images and symbols under the scope of protection of the geographical indication and misleads consumers that the product bearing the suspicious sign originates from a protected geographical area;

b) The product bearing the suspicious sign is identical or similar to the product bearing the protected geographical indication in terms of nature, functions, uses, and consumption channel;

c) Regarding wines and brandies, aside from the regulations prescribed in Point a and Point b of this Clause, signs that are identical with protected geographical indications, even if they are presented in the form of definition, transcription, or words indicating types, styles, forms, or equivalences used for products not originating from geographical areas with protected geographical indications are also considered elements of infringement on rights to geographical indications.

Article 79. Elements of infringement on rights to trade names

1. Elements of infringement on rights to trade names displayed in the form of commercial indications attached to goods, goods packaging, means of services, transaction documents, signs, advertising means, and other means of businesses that are identical or similar to the point of confusion with the protected trade names.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. In order to determine if a suspicious sign is an element of infringement on rights to a trade name, it is necessary to compare such a sign to the protected trade name, the subject of the business, the business facility, and the business operation related to the suspicious sign, and the goods and services bearing such a sign to the goods and services of the protected trade name based on the following grounds:

a) The suspicious sign is identical or similar to the point of confusion over the protected trade name. Specifically, a sign is considered identical to a protected trade name if they are identical in terms of wording structure, including pronunciation and transcription of the trade name. A sign is considered similar to a protected trade name if they are similar in terms of structure, pronunciation, and transcription of the trade name, confusing the consumers over the subject of business, business facility, and business operation under the protected trade name;

b) Goods and services that bear the suspicious sign are considered identical or similar to goods and services bearing the protected trade name if they are identical or similar in terms of nature or functions and uses and have the same consumption channel, or have connections with each other in terms of nature, functions, or implementation methods.

Article 80. Elements of infringement on rights to plant varieties

1. Elements of infringement on rights to plant varieties considered to constitute acts of infringement are as follows:

a) Plant propagation materials, intact seedlings, harvested products, or any material that can potentially grow into the complete seedlings of protected plant varieties;

b) Names of plants or characters that are similar to the point of confusion over the display on goods, goods packaging, means of services, transaction documents, signs, advertising means, and other means of businesses or the names of the protected plant varieties;

c) Machinery, equipment, storage, preservation, transport vehicles, or other equipment serving the processing and storage of seeds, plant propagation materials, and harvested materials for making seeds of protected plant varieties.

2. The ground to determine elements of infringement on rights to plant varieties is the scope of unexpired plant variety protection titles.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The nature of infringement prescribed in Clause 1 Article 199 of the Law on Intellectual Property is determined based on the following grounds:

a) Circumstances and motives for infringement: unintentional infringement, intentional infringement, infringement due to being controlled or dependent, first-time infringement, and repeated infringement;

b) Methods of infringement: independent infringement, organized infringement, self-perpetuated acts of infringement, and acts of bribing, deceiving, or forcing others to commit acts of infringement.

2. The level of infringement prescribed in Clause 1 Article 199 of the Law on Intellectual Property is determined based on the following grounds:

a) Territorial scope, time, volume, and scale of the infringement;

b) Impacts and consequences of the infringement.

Section 2. DAMAGE IDENTIFICATION

Article 82. Principles of identifying damage to industrial property rights and rights to plant varieties

1. Damage caused by infringement on industrial property rights and rights to plant varieties prescribed in Article 204 of the Law on Intellectual Property means the actual physical and spiritual loss caused by acts of infringement directly to the right holders.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Physical or spiritual benefits are real and belong to the aggrieved person;

b) The aggrieved person can potentially gain the benefits prescribed in Point a of this Clause;

c) There is a reduction or loss of benefits for the aggrieved person after the occurrence of the infringement compared to the potential gain of such benefits when the infringement does not occur, and such infringement is the main source that causes such reduction or loss.

3. The level of damage shall be determined in conformity with the elements of infringement on rights for subjects of industrial property rights and rights to plant varieties. The determination of damage levels shall be based on evidence of the damage provided by concerned parties, including the results of the request for damage identification and table of damage with elaboration on grounds to identify and calculate the damage.

Article 83. Loss of assets

1. Loss of assets shall be determined based on the level of deterioration or loss of value in money of the subject of industrial property rights or rights to plant varieties under protection.

2. The value in money of the subject of industrial property rights or rights to plant varieties prescribed in Clause 1 of this Article shall be determined by one or more of the following grounds:

a) Price for the transfer of the ownership or price for the transfer of rights to use the subject of industrial property rights or rights to plant varieties;

b) Value of business capital contribution by industrial property rights or rights to plant varieties;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Value of investment in the creation and development of the subject of industrial property rights or rights to plant varieties, including costs of marketing, research, advertising, labor, taxes, and other costs.

Article 84. Spiritual loss

Damage to the honor, dignity, reputation, fame, and other spiritual losses caused to the author of inventions, industrial designs, layout designs, and plant varieties according to the Law on Intellectual Property refers to when the moral rights of the mentioned subjects are infringed on, making the author receive damage to the honor and dignity or decrease or loss of credibility (prestige), reputation, and trust due to misunderstanding.

Article 85. Decrease of incomes and profits

1. Incomes and profits prescribed in Point a Clause 1 Article 204 of the Law on Intellectual Property include:

a) Incomes and profits from direct use or utilization of subjects of industrial property rights or rights to plant varieties;

b) Incomes and profits from leases on subjects of industrial property rights or rights to plant varieties;

c) Incomes and profits from the transfer of rights to use subjects of industrial property rights or rights to plant varieties.

2. Decrease of incomes and benefits shall be determined following one or more of the following grounds:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Comparison of the output, quantity of actual products, goods, and services consumed or the supply of the mentioned subjects before and after the occurrence of the violations;

c) Comparison of the actual market sale prices of the products, goods, or services before and after the occurrence of the violations.

Article 86. Loss of business opportunities

1. Business opportunities prescribed in Point a Clause 1 Article 204 of the Law on Intellectual Property include:

a) The actual capacity for directly using or utilizing subjects of industrial property rights or rights to plant varieties in business;

b) The actual capacity for leasing subjects of industrial property rights or rights to plant varieties;

c) The actual capacity for transferring rights to use subjects of industrial property rights or rights to plant varieties or transferring subjects of industrial property rights or rights to plant varieties;

d) Loss of other business opportunities caused by acts of direct infringement.

2. Loss of business opportunities means the damage to the value in money of the income that is supposed to belong to the aggrieved person when performing the capacities prescribed in Clause 1 of this Clause if the related act of infringement does not occur.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Reasonable expenses for damage prevention and remedy prescribed in Point a Clause 1 Article 204 of the Law on Intellectual Property include the expenses for temporary detention, preservation, and storage of infringing goods, expenses for the implementation of temporary emergency measures, reasonable expenses for hiring lawyers, assessment services, and preventing and remedying acts of infringement, and expenses for notification and rectification on mass media concerning acts of infringement.

Chapter II

REQUESTS AND PROCESSING OF REQUESTS OF ACTS OF INFRINGEMENT

Article 88. Exercising rights to self-protection

1. Organizations and individuals shall exercise rights to self-protection prescribed in Article 198 of the Law on Intellectual Property and this Article.

2. Technological measures prescribed in Point a Clause 1 Article 198 of the Law on Intellectual Property include:

a) Inclusion of the information on instructions on arising grounds, protection titles, owners, scope, protection period, and other information on industrial property rights and rights to plant varieties to the products and means of services (hereinafter referred to as "products" in this Article) for notifying that the products are subjects of industrial property rights or rights to plant varieties under protection and warning other people from conducting any act of infringement;

b) Use of technical equipment or measures to mark, recognize, distinguish, and protect any product under protection.

3. Requests for termination of acts of infringement prescribed in Point b Clause 1 Article 198 of the Law on Intellectual Property shall be carried out in the form of written notifications sent to the perpetrators by the holders of industrial property rights or rights to plant varieties. Written notifications shall include the information on instructions on arising grounds, protection titles, scope, and protection period and impose a reasonable time limit for the perpetrators to terminate their acts of infringement.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 89. Applications for handling of infringement

1. An application for the handling of infringement shall include:

a) Application preparation date;

b) Name and address of the petitioner or name of the representative in case the request is performed via the representative;

c) Name of the authority receiving the application;

d) Name and address of the perpetrator; name and address of the suspected perpetrator in case of requesting for suspension of customs procedures for imports and exports suspected to be infringed on;

dd) Name and address of the organization or individual with related rights and benefits (if any);

e) Name and address of the witness (if any);

g) Summarized information on the infringed industrial property rights or rights to plant varieties: type of rights, grounds of arising rights, and summary of the subject of the rights;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



i) Content of the request for the application of violation handling measures;

k) List of documents and evidence enclosed with the application;

l) Signature of the applicant and seal (if any).

2. The application for the infringement handling shall contain documents and evidence backing the request. The mentioned documents and evidence shall comply with Article 90 of this Decree.

Article 90. Documents and evidence enclosed with applications for infringement handling

1. The petitioner shall enclose the following documents and evidence with the application for infringement handling to back his/her request:

a) Evidence of right holder if the petitioner is the owner or the person who receives the transfer of or inherits industrial property rights or rights to plant varieties;

b) Evidence of occurred infringement or evidence to suspect that imports or exports infringe on industrial property rights or rights to plant varieties regarding an application for temporary suspension of customs procedures;

c) Other documents and evidence backing the petitioner’s request.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 91. Evidence of right holders

1. Regarding an invention, industrial design, layout design, mark, or plant variety, the evidence of the right holder is one of the following documents:

a) Copy of the invention patent, utility solution patent, industrial design patent, certificate of registration of semiconductor integrated circuit, certificate of mark registration, or plant variety protection title enclosed with the original for comparison, excluding the cases of copies certified under regulations;

b) Excerpt of the National Industrial Property Register or excerpt of the National Register of Protected Plant Varieties issued by the authority competent to register the concerned subjects.

2. Regarding a mark internationally registered under the Madrid Agreement and Madrid Protocol indicating Vietnam, the evidence of the right holder is the confirmation certificate of an internationally registered mark protected in Vietnam issued by the industrial property right authority or its certified copy or excerpt of the National Industrial Property Register (the part for Internationally Registered Marks).

3. Regarding an industrial design internationally registered under the Hague Agreement indicating Vietnam, the evidence of the right holder is the copy of the decision to accept the protection of the industrial design internationally registered issued by the industrial property right authority enclosed with the original for comparison or its certified copy or excerpt of the National Industrial Property Register (the part for Internationally Registered Industrial Designs).

4. Regarding a geographical indication, the evidence of the right holder is one of the following documents:

a) Certificate of registration of the geographical indication or excerpt of the National Industrial Property Register;

b) List of organizations and individuals using the geographical indication according to Point c Clause 1 Article 38 of this Decree or other documents proving the right holder under the law of the country of origin in case of foreign geographical indication protected in Vietnam.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Regarding a business secret: descriptions of content, storage forms, protection methods, and measures to achieve the business secret;

b) Regarding a trade name: documents proving the legal use of the trade name, business field, and business location using the trade name, and the process of using the trade name;

c) Regarding a famous mark: documents specifying the criteria for assessment of the famous mark under Article 75 of the Law on Intellectual Property and presentation of the use process that makes the mark famous;

d) Regarding a geographical indication protected under an international treaty: documents and information in the international treaty containing the content of recognition and protection of the geographical indication or excerpt of the National Industrial Property Register;

dd) Regarding a plant variety: unexpired plant variety protection title, decision on issuance or re-issuance of the plant variety protection title, or excerpt of the National Register of Protected Plant Varieties and evidence collected from sources prescribed in Article 94 of the Civil Procedure Code.

6. If the petitioner for infringement handling is the person who receives the transfer of the rights to the subject of industrial property rights or rights to plant varieties, transfers the rights to use the subject of industrial property rights or rights to plant varieties, or inherits the subject of industrial property rights or rights to plant varieties, aside from the documents prescribed in Clauses 1, 2, and 3 of this Article, it is necessary to present the original or legal copy of the contract of the transfer of rights to the subject of industrial property rights or rights to plant varieties, contract of the use of the subject of industrial property rights or rights to plant varieties, or document confirming the rights to inherit the subject of industrial property rights or rights to plant varieties. In case the transfer has been recorded in the protection title, the certificate of contract registration of the transfer of rights to the subject of industrial property rights or rights to plant varieties, or certificate of contract registration of the use of the subject of industrial property rights or rights to plant varieties, the mentioned documents are also considered evidence of the status of the right holder.

Article 92. Evidence of infringement

1. The following documents and items shall be considered evidence of infringement:

a) Original or legal copy of the related description, sample, or item specifying the protected subject;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Explanation or comparison between the product in consideration with the protected subject;

d) Minutes, testimonies, and other documents proving the infringement.

2. Documents and items prescribed in Clause 1 of this Article shall be made into a list with a confirmation signature of the petitioner for infringement handling.

Article 93. Responsibilities of petitioners for infringement handling

Petitioners for infringement handling shall ensure and take responsibility for the honesty of their provision of information, documents, and evidence.

Article 94. Applying and settling applications for infringement handling

1. An application for infringement handling shall be submitted to any of the infringement handling authorities prescribed in Article 200 of the Law on Intellectual Property.

2. After receiving the application for infringement handling, if the request is within the jurisdiction of another authority, the receiving authority shall instruct the applicant to submit the application to the competent authority or transfer it to the competent authority for settlement within 10 days from the date of receiving the application.

3. If the application for infringement handling fails to ensure a sufficient number of necessary documents, evidence, and items, the infringement handling authority shall request the applicant to provide supplements and impose a reasonable time limit that does not exceed thirty days for the applicant to supplement the necessary documents and evidence.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) The applicant fails to satisfy the request of the infringement handling authority regarding the supplement to related documents, evidence, and items after the imposed time limit prescribed in Clause 3 of this Article;

b) The prescriptive period for infringement handling expires as prescribed by laws;

c) Verification results of the infringement handling authority deny the infringement described in the application for infringement handling;

d) A competent authority issues a document on insufficient grounds to handle the infringement.

5. In case of a dispute over or complaint about the subject of rights, protection capacity, or protection scope of industrial property rights or rights to plant varieties, the authority that receives the application for infringement handling shall instruct the applicant to perform the procedure for requesting the settlement of the dispute or complaint at a competent authority within 10 days from the date the dispute arises.

Chapter III

HANDLING OF GOODS INFRINGING ON INDUSTRIAL PROPERTY RIGHTS AND RIGHTS TO PLANT VARIETIES

Article 95. Evaluating infringing goods

1. Regulations on infringing goods:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) In case the element of infringement cannot be separated into a part of a marketable independent product according to Point a of this Clause, the infringing goods shall be the whole product that contains such an element of infringement.

2. Values of infringing goods shall be determined by the infringement handling authority at the time the infringement occurs based on the following orders of priority:

a) Listed prices of infringing goods;

b) Actual sale prices of infringing goods;

c) Aggregate costs of infringing goods, if not yet circulated;

d) Purchase prices of infringing goods.

3. Values of infringing goods are determined by parts of the infringing product prescribed in Point a Clause 1 of this Article or by the total value of the infringing product according to Point b Clause 1 of this Article.

4. In case the application of the grounds prescribed in Clause 2 of this Article is not viable or there is a disagreement between the infringement handling authority and the equivalent financial authority on evaluating the infringing goods, the pricing shall be decided by the council for infringing goods evaluation.

The establishment, composition, and working principle of the council for infringing goods evaluation shall comply with civil and administrative violation handling laws.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Regarding counterfeit goods in terms of marks, geographical indications, and ingredients, materials, and equipment used for the production and trading of such goods, the infringement handling authority may:

a) Distribute or put them into use for non-commercial purposes according to Article 97 of this Decree;

b) Destroy them according to Article 98 of this Decree;

c) Force the goods owner, carriers, or hoarders to eliminate elements of infringement and bring the goods out of the territory of the Socialist Republic of Vietnam regarding goods in transit that are counterfeit in terms of marks, re-export the goods regarding imported goods that are counterfeit in terms of marks and imported ingredients, materials, and equipment used for the production and trading of counterfeit goods in terms of marks. In case of failure to eliminate elements of infringement from goods, ingredients, materials, and equipment used for the production and trading of the mentioned goods, measures prescribed in Clause 4 of this Article shall be appropriately applied.

Regarding imported goods and imported ingredients, materials, and equipment used for the production and trading of counterfeit goods in terms of geographical indications, depending on each specific case, the infringement handling authority shall force the elimination of elements of infringement and apply appropriate measures prescribed in Clause 4 of this Article.

2. Regarding goods infringing on industrial property rights or rights to plant varieties that are not counterfeit foods in terms of marks, geographical indications, and ingredients, materials, and equipment used for the production and trading of such goods, the infringement handling authority shall force the goods owner, carrier, or hoarder to eliminate elements of infringement from the goods and apply appropriate measures prescribed in Clause 4 of this Article.

Regarding imports that are goods infringing on industrial property rights or rights to plant varieties that are not counterfeit foods in terms of marks, geographical indications, and ingredients, materials, and equipment used for the production and trading of such goods, the infringement handling authority shall apply appropriate measures prescribed in Point c Clause 1 of this Article.

3. Ingredients, materials, and equipment that have a sole function to create or commercially utilize counterfeit goods in terms of marks, geographical indications, and goods infringing on industrial property rights or rights to plant varieties or are solely used for the mentioned purposes shall be considered ingredients, materials, and equipment used for the production and trading of counterfeit goods in terms of marks and geographical indications and goods infringing on industrial property rights or rights to plant varieties.

4. Depending on each specific case, the infringement handling authority shall decide to apply the measures prescribed in Point a and Point b Clause 1 of this Article or force organizations or individuals producing infringing goods to recall such goods that have been put into their distribution channel upon the request of right holders to apply the measures prescribed in Point a and Point b Clause 1 of this Article or other necessary measures. While deciding on the infringement handling, the infringement handling authority may consider requests from concerned parties.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The forced distribution or use for non-commercial purposes for counterfeit goods in terms of marks and geographical indications and goods infringing on industrial property rights or rights to plant varieties shall meet the following requirements:

a) Goods have use values that cannot harm human health, animals, plants, and the environment and are not cultural products with toxic content;

b) Elements of infringement have been eliminated from the goods;

c) The distribution or use is not aimed toward profit and does not unreasonably affect the normal utilization of rights of holders of industrial property rights and rights to plant varieties, prioritizing humanitarian, charitable, or social benefit purposes;

d) Persons receiving the distribution or taking charge of the use are not the potential customers of the holders of industrial property rights or rights to plant varieties.

2. The regulations prescribed in Clause 1 of this Article shall also apply to ingredients, materials, and equipment used for the production and trading of counterfeit goods in terms of marks and geographical indications and goods infringing on industrial property rights and rights to plant varieties.

Article 98. Forcing destruction

Measures to force the destruction of counterfeit goods in terms of marks and geographical indications, goods infringing on industrial property rights and rights to plant varieties, and ingredients, materials, and equipment used for the production and trading of such goods shall be applied in case of ineligibility for applying the measure to force the distribution or use for non-commercial purposes prescribed in Article 97 of this Decree.

Chapter IV

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 99. Rights to request control of exports and imports concerning industrial property rights and rights to plant varieties

Holders of industrial property rights and rights to plant varieties may apply for inspection and supervision in person or via legal representatives to detect imports and exports that have signs of infringement on industrial property rights or rights to plant varieties or apply for temporary suspension of customs procedures for imports and exports suspected to infringe on industrial property rights or rights to plant varieties.

Article 100. Competence to receive applications

Customs authorities are competent to receive applications for inspection or supervision or applications for suspension of customs procedures according to Clause 1 Article 75 of the Customs Law.

Article 101. Procedure for processing applications

1. Within 20 days after receiving the valid set of applications for inspection or supervision of imports or exports or within 2 working days after receiving the set of applications for suspension of customs procedures, the customs authority shall consider issuing a notification of application acceptance if the applicant has fulfilled the obligations prescribed in Points a, b, c Clause 1 and Clause 2 Article 217 of the Law on Intellectual Property. In case of refusal, the customs authority shall provide written answers and explanations for the applicant.

2. After accepting the application for inspection or supervision of imports or exports, the General Department of Vietnam Customs shall send notifications of the acceptance to the Customs Departments of provinces, cities, and the designated authority of the General Department of Vietnam Customs to implement the inspection or supervision. The Customs Departments of provinces, cities, and the designated authority of the General Department of Vietnam Customs shall, based on the notifications of the General Department of Vietnam Customs, look up data on the system to organize the implementation within the areas under their management.

3. Sub-Departments of Customs shall conduct the inspection or supervision to detect goods with signs of infringement or decide to suspend the customs procedures based on the request for suspension of customs procedures.

Article 102. Procedure for processing goods suspected of infringement

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The customs authority shall continue to perform customs procedures for the shipment subject to suspension according to Clause 3 Article 218 of the Law on Intellectual Property in the following cases:

a) The decision to suspend the customs procedures is suspended or revoked according to a decision on the settlement of complaint or denunciation;

b) The applicant for the suspension of customs procedures withdraws the application.

Article 103. Competence and procedure for proactively suspending customs procedures

1. During the inspection, supervision, and control, if there are clear grounds to suspect imports or exports are counterfeit goods in terms of marks or geographical indications, the Sub-Department of Customs shall proactively issue a decision to suspend the customs procedures for such goods.

2. The Sub-Department of Customs shall immediately send a notification of the suspension to the holder of rights to marks or geographical indications if there is contact information and the importer or the exporter.

3. The time of suspension of customs procedures is 10 days from the date the Sub-Department of Customs notifies the right holder according to Clause 2 of this Article.

4. During the suspension of customs procedures, the Sub-Department of Customs that decides on the suspension shall:

a) Request the importer or exporter or the holder of rights to the marks or geographical indications (in case of having contact information) to provide documents related to the goods (catalogs, assessment conclusions, foreign documents, conclusions of the settlement of similar cases, etc.);

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Cooperate and consult with industrial property authorities upon disputes or denunciations of the right holder, protection capacity, protection scope of rights to marks or geographical indications, and competence to handle violations;

d) Submit reports to the Customs Department of the province or city and the General Department of Vietnam Customs for directives on the timely settlement of complicated cases.

5. After the suspension period of customs procedures:

a) In case the customs authority determines that the goods subject to the suspension are counterfeit goods in terms of marks or geographical indications and the violation is within its jurisdiction, the customs authority shall impose an administrative fine for the act of infringing on rights to marks or geographical indications and counterfeit goods in terms of marks or geographical indications as prescribed by laws. In case it is determined that the violation is not within the jurisdiction of the customs authority, it shall hand over the case to other intellectual property protection right authorities for handling;

b) If the applicant files a civil lawsuit, the customs authority shall comply with the suggestions of the court;

c) In case of receiving a document from the industrial property right authority notifying the dispute or complaint about the right holder, protection capacity, or scope of protection of rights to marks or geographical indications, the customs authority shall continue to carry out the customs procedures for the shipment, except for the case where the customs authority already has a decision to accept the case under procedures for administrative violation handling;

d) If it is determined that the violation has criminal signs according to the Criminal Code, the customs authority shall hand over the case to a competent authority for investigation and prosecution as prescribed by laws;

dd) If the customs authority decides that the goods subject to suspension are not counterfeit goods in terms of marks or geographical indications, it shall continue to carry out the customs procedures for the shipment and send notifications to concerned parties.

6. In case the proactive suspension of customs procedures is improper, causing damage to the owner of the goods, the Sub-Department of Customs shall compensate for the damage and pay every arising cost as per regulation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Procedures for controlling imports and exports concerning industrial property rights and rights to plant varieties shall comply with this Decree and relevant customs laws.

Chapter V

ASSESSMENT OF INDUSTRIAL PROPERTY RIGHTS AND RIGHTS TO PLANT VARIETIES

Section 1. ASSESSORS AND ASSESSMENT ORGANIZATIONS OF INDUSTRIAL PROPERTY RIGHTS AND RIGHTS TO PLANT VARIETIES

Article 105. Forms of assessment activities of assessors of industrial property rights and rights to plant varieties

1. An assessor of industrial property rights or rights to plant varieties may operate under an assessment organization of industrial property rights or rights to plant varieties or conduct independent operations.

2. Forms of activities of assessors shall be recorded to the list of assessors of industrial property rights and list of assessors of rights to plant varieties prescribed in Article 109 and Article 112 of this Decree.

3. If assessors operate on behalf of assessment organizations of industrial property rights or rights to plant varieties, the information on such assessors shall be recorded to the list of assessors under organizations following the procedure for issuing certificates of assessment organizations.

Article 106. Rights and obligations of assessors of industrial property rights and rights to plant varieties

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Refuse the assessment in case the relevant documents are insufficient, hold no value to draw an assessment conclusion, or are not subject to the assessment specialty prescribed in the assessor's card;

b) Refuse to receive the assessment sample in case there is a risk of harm to health or the sample is too bulky to be stored;

c) Use the assessment result, the professional conclusion, or suggestions from experts for the assessment;

d) Request agencies, organizations, or individuals to provide information and documents concerning the subject of assessment for the assessment unless otherwise provided by law (regarding assessors of industrial property rights or rights to plant varieties operating independently);

dd) Exercise other rights as prescribed by laws.

2. Assessors of industrial property rights and rights to plant varieties shall:

a) Operate in compliance with the assessment specialty prescribed in the assessor’s card;

b) Perform the assessment in compliance with Clause 4 Article 201 of the Law on Intellectual Property;

c) Prepare assessment documents and explain the assessment conclusion upon request from the petitioner for the assessment, organizations or individuals with related rights and benefits, or competent authorities;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Independently draw the assessment conclusion and take responsibility for such a conclusion. In case of intentionally drawing a false conclusion that damages the concerned organizations or individuals, compensate for the damage;

e) Refuse the assessment in case of having rights or benefits related to the subject of assessment, the assessment case, or other reasons affecting the objectivity of the assessment conclusion or in cases where the refusal is prescribed by other laws;

g) Ensure the confidentiality of information and documents at the request of authorities, organizations, or individuals requesting the assessment and compensate for damage in case of disclosure of confidential information causing damage to the concerned authorities, organizations, or individuals;

h) Take legal liability for acts of taking advantage of the role of assessor and the assessment for profiteering or intentionally drawing false assessment conclusions;

i) Inform and report on the assessment activities every 6 months and every year in writing to state management authorities of industrial property rights and rights to plant varieties;

k) Fulfill other obligations as prescribed by laws.

1. Assessment organizations of industrial property rights and rights to plant varieties may:

a) Hire assessors of industrial property rights or rights to plant varieties to assess by cases;

b) Request agencies, organizations, or individuals to provide information and documents concerning the subject of assessment for the assessment unless otherwise provided by law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Assessment organizations of industrial property rights and rights to plant varieties shall:

a) Operate in compliance with the assessment field prescribed in the certificate of assessment organization;

b) Perform the assessment in compliance with Clause 4 Article 201 of the Law on Intellectual Property;

c) Preserve and store documents and samples concerning the assessment case as prescribed by laws;

d) Ensure the confidentiality of information and documents at the request of authorities, organizations, or individuals requesting the assessment and compensate for damage in case of disclosure of confidential information causing damage to the concerned authorities, organizations, or individuals;

dd) Refuse the assessment in cases it is prescribed by other laws;

e) Take legal liability for acts of taking advantage of the role of assessor and the assessment for profiteering or intentionally drawing false assessment conclusions;

g) Inform and report on the assessment activities every 06 months and every year in writing to state management authorities of industrial property rights and rights to plant varieties;

h) Fulfill other obligations as prescribed by laws.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The organization of the professional inspection of industrial property assessment shall be performed as follows:

a) Industrial property right authority is the authority competent to organize the professional inspection of industrial property assessment;

b) The industrial property right authority shall disclose notifications on its web portal, specifying the conditions for participating in the inspection, application submission procedures, inspection content, and expected time and location of the inspection;

c) The inspection shall be organized within 3 months from the date when at least 5 participants have their applications approved according to Clause 4 of this Article;

d) The results of the inspection shall be notified to the participants by the industrial property right authority. Participants may request the industrial property right authority to re-examine the results of the inspection;

dd) The results of the inspection shall have a validity of 5 years for requesting the industrial property right authority to issue industrial property assessor’s cards.

3. The council for professional inspection of industrial property assessment established by the industrial property right authority shall organize the professional inspection of industrial property assessment according to the regulation on professional inspection of industrial property assessment issued by the industrial property right authority.

4. Registration for participation in the professional inspection of industrial property assessment shall be performed as follows:

a) Individuals meeting the following requirements shall be eligible for registering for participation in the inspection according to this Article:

a1) Being Vietnamese citizens with sufficient legal capacity;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a3) Having good moral qualities;

a4) Having at least bachelor's degrees with specialties suitable for the field registered for inspection;

a5) Having professionally worked in the field registered for inspection for at least 5 years.

b) An application for participation in the professional inspection of industrial property assessment submitted to the industrial property right authority shall include a set of the following documents:

b1) Statement on registration for participation in the professional inspection of industrial property assessment, following Form No. 01 Appendix VI of this Decree;

b2) Copies of the bachelor’s degree or post-university degree (the original shall be presented for comparison, excluding cases of certified copies);
b3) Copies of the recruitment decision, labor contract, or other documents proving the actual professional operations (the original shall be presented for comparison, excluding cases of certified copies);

b4) 2 photos sized 3 x 4 (cm);

b5) Copies of payment invoices of fees and charges (in cases of paying fees and charges via postal services or directly to the account of the industrial property right authority).

c) Within 20 days after receiving the application, the industrial property right authority shall process the application according to the following regulations:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c2) If the application has deficiencies, the industrial property right authority shall issue a notification of the intended refusal of the acceptance of the application, specifying the reasons and imposing a 1-month time limit from the notification date for the applicant to amend the deficiencies or object to the refusal. After the imposed time limit, if the applicant fails to amend deficiencies or provides inadequate amendments, does not have any objection or provides inadequate objections, the industrial property right authority shall issue a decision to refuse the acceptance of the application, specifying the reasons.

1. The industrial property right authority is competent to issue, re-issue, and revoke industrial property assessor's cards and establish and disclose the list of industrial property assessors according to the procedures prescribed in Clauses 2, 3, 4, and 5 of this Article.

2. The issuance of industrial property assessor’s cards shall be performed as follows:

a) The industrial property authority shall issue industrial property assessor’s cards to persons meeting the requirements prescribed in Clause 3 Article 201 of the Law on Intellectual Property if such persons apply for the issuance and pay the prescribed fees. Requirements for eligibility for issuance of industrial property assessor’s cards prescribed in Clause 3 Article 201 of the Law on Intellectual Property shall be understood as follows:

a1) “Residing in Vietnam” shall be understood as having a permanent residence in Vietnam according to residence laws;

a2) “Having good moral qualities” shall be understood as not being subject to any administrative fine for violations of industrial property laws, not committing acts of violating professional ethics, not being subject to criminal prosecution, or having unspent convictions;

a3) “Having at least bachelor's degrees with specialties suitable for the field requested for issuance of assessor’s cards” shall be understood as having bachelor’s degrees or post-university degrees in natural science or technical science regarding the specialty of assessment of inventions and layout designs; having any other bachelor’s degrees or post-university degrees regarding other assessment specialties;

a4) “Having professionally worked in the field requested for issuance of assessor’s cards for at least 5 years” shall be understood as having directly settled disputes or denunciations or engaged in the inspection, examination, legislation, or legal consulting regarding industrial property, or scientific research with the title of researcher, industrial property teaching with the title of lecturer for at least 5 years or having directly engaged in the explanation and guidance on laws, developed regulations, directly prepared or approved appraisal results of contents of applications for invention registration (including utility solutions) or applications for registration of industrial designs, marks, or geographical indications (including the names and origins of goods) at national or international industrial property authority for at least 5 years, or having engaged in the practice of industrial property representative services for at least 5 years.

b) An application for the issuance of an industrial property assessor’s card submitted to the industrial property right authority shall include a set of the following documents:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b2) Copies of citizen ID (the original shall be presented for comparison, excluding cases of certified copies), except for the case where the statement on request for the issuance of the industrial property assessor's card already has information on the citizen ID number;

b3) 2 photos sized 3 x 4 (cm);

b4) Copies of payment invoices of fees and charges (in cases of paying fees and charges via postal services or directly to the account of the industrial property right authority).

c) Within 1 month after receiving the application, the industrial property right authority shall assess the application according to the following regulations:

c1) If the application is valid, the industrial property right authority shall issue a decision on the issuance of the assessor's card, specifying the name, date of birth, permanent address, citizen ID number, assessor’s card number, and assessment specialty of the person with the issued card; record the issuance to the National Industrial Property Assessment Register and disclose the information on the Industrial Property Official Gazette and its web portal within 2 months from the decision issuance date;

c2) If the application is invalid, the industrial property right authority shall issue a notification of the intended refusal of the acceptance of the application, specifying the reasons and imposing a 1-month time limit from the notification date for the applicant to amend the deficiencies or object to the refusal. After the imposed time limit, if the applicant fails to amend deficiencies or provides inadequate amendments, does not have any objection or provides inadequate objections, the industrial property right authority shall issue a decision to refuse the issuance of the assessor's card, specifying the reasons.

c3) The assessor’s card shall be made following Form No. 04 Appendix VI of this Decree.

3. The re-issuance of industrial property assessor’s cards shall be performed as follows:

a) In the following cases, the industrial property right authority shall decide to re-issue industrial property assessor's cards if the assessors submit requests and pay the fees and charges according to regulations:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a2) The information in the industrial property assessor’s card prescribed in Point c1 Clause 2 of this Article has been changed.

b) The assessor shall request the industrial property right authority to re-issue the industrial property assessor’s card for the recording of changes prescribed in Point a2 of this Clause;

c) An application for the re-issuance of an industrial property assessor’s card submitted to the industrial property right authority shall include a set of the following documents:

c1) Statement on request for the re-issuance of the assessor's card, following Form No. 03 Appendix VI of this Decree;

c2) Copies of citizen ID (the original shall be presented for comparison, excluding cases of certified copies), except for the case where the statement on request for the re-issuance of the assessor’s card already has information on the citizen ID number, regarding the case prescribed in Point a2 of this Clause;

c3) 2 photos sized 3 x 4 (cm);

c4) Copies of payment invoices of fees and charges (in cases of paying fees and charges via postal services or directly to the account of the industrial property right authority).

d) The processing of the application for the re-issuance of the industrial property assessor’s card shall be performed as follows:

d1) Within 20 days from the receipt date of the application for the re-issuance of the industrial property assessor’s card, the industrial property right authority shall assess the application following the procedure similar to the procedure for issuing the industrial property assessor’s card prescribed in Point c Clause 2 of this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. The revocation of an industrial property assessor’s card shall be performed as follows:

a) An industrial property assessor’s card shall be revoked in the following cases:

a1) There is evidence confirming that the assessor's card has been issued contrary to laws;

a2) The person with the issued assessor’s card no longer meets the requirements prescribed in Clause 3 Article 201 of the Law on Intellectual Property;

a3) The person with the issued assessor's card no longer engages in the assessment operations;

a4) The person with the issued assessor’s card is subject to the disciplinary revocation of the assessor’s card under a decision of the competent authority.

b) The industrial property right authority proactively or upon a request of an organization or individual revokes the assessor’s card if there are grounds confirming that the person with the issued card falls into one of the cases prescribed in Point a of this Clause;

c) An application for the revocation of an industrial property assessor’s card submitted to the industrial property right authority shall include a set of the following documents:

a1) Application for the revocation of the industrial property assessor’s card;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) The procedure for revoking the industrial property assessor’s card shall be performed as follows:

d1) If an organization or individual requests the revocation of the industrial property assessor’s card according to Point c of this Clause, within 1 month from the date of receipt of the request, the industrial property right authority shall provide a written notification of such a request for the person with the issued assessor's card and impose a 1-month time limit from the notification date for him/her to provide any suggestion. The industrial property right authority shall, based on the suggestions of concerned parties, issue a decision to revoke the industrial property assessor’s card or refuse the revocation of the industrial property assessor’s card and send it to the concerned parties;

d2) If there are grounds confirming that the person with the issued industrial property assessor's card no longer satisfies the requirements prescribed in Clause 2 Article 201 of the Law on Intellectual Property, the industrial property right authority shall issue a written notification of the intended revocation of the industrial property assessor’s card to the person with the issued industrial property assessor's card and impose a 1-month time limit from the notification date for him/her to provide any suggestion. The industrial property right authority shall, based on the suggestions of the person with the issued industrial property assessor’s card, issue a decision to revoke the industrial property assessor’s card to him/her or provide a notification of not revoking the industrial property assessor’s card for him/her;

d3) In case of a decision to revoke the industrial property assessor’s card of a competent authority, within 1 month from the receipt date of the mentioned decision, the industrial property right authority shall issue a decision to revoke the industrial property assessor's card;

d4) The industrial property right authority shall record the decision on the revocation of the industrial property assessor's card to the National Industrial Property Assessment Register and disclose it on the Industrial Property Official Gazette and its web portal within 2 months from the decision issuance date.

5. The preparation and disclosure of the list of industrial property assessors shall be performed as follows:

a) The industrial property right authority shall prepare the list of industrial property assessors, including the information recorded according to decisions on issuance, re-issuance, and revocation of industrial property assessor's card and disclose or update it on its web portal annually;

b) The industrial property right authority shall notify the local industrial property right authority of information on changes concerning assessor's cards of assessors working for the corresponding local industrial property assessment organizations to serve the issuance, re-issuance, or revocation of certificates of local assessment organizations within 2 months from the decision issuance date.

1. Competence in issuing, re-issuing, and revoking certificates of industrial property assessment organizations is as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Local industrial property right authorities are competent to issue, re-issue, and revoke certificates of industrial property assessment organizations for organizations prescribed in Clause 2 Article 201 of the Law on Intellectual Property registering for business and operations at local competent authorities according to Clauses 2, 3, 4, and 5 of this Article.

2. The issuance of certificates of industrial property assessment organizations shall be performed as follows:

a) Local industrial property right authorities and industrial property right authorities shall issue certificates of industrial property assessment organizations to organizations meeting the requirements prescribed in Clause 2 Article 201 of the Law on Intellectual Property if such organizations apply for the issuance and pay the prescribed fees.

b) An application for the issuance of a certificate of industrial property assessment organization submitted to the industrial property right authority or the local industrial property right authority shall include a set of the following documents:

b1) Statement on the request for the issuance of the certificate of industrial property assessment organization following Form No. 05 Appendix VI of this Decree;

b2) Copies of the recruitment decision or labor contract between the organization and its industrial property assessor (the original shall be presented for comparison, excluding cases of certified copies);

b3) Copies of payment invoices of fees and charges (in cases of paying fees and charges via postal services or directly to the account of the authority competent to settle this procedure).

c) Within 1 month after receiving the application, the industrial property right authority or the local industrial property right authority shall assess the application according to the following regulations:

c1) If the application is valid, the industrial property right authority or the local industrial property right authority shall issue a decision on the issuance of the certificate of assessment organization, specifying the full name, business name, address, and code of the organization and its assessment specialty corresponding to the assessment specialty of its assessors and the list of industrial property assessors that are its members; record the issuance to the National Industrial Property Assessment Register and disclose the information on the Industrial Property Official Gazette and its web portal within 2 months from the decision issuance date;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c3) The certificate of industrial property assessment organization shall be made following Form No. 07 Appendix VI of this Decree.

3. The re-issuance of certificates of industrial property assessment organizations shall be performed as follows:

a) In the following cases, the industrial property right authority or the local industrial property right authority shall decide to re-issue certificates of industrial property assessment organizations if the organizations submit requests and pay the fees and charges according to regulations:

a1) The certificate of industrial property assessment organization is lost, defective, or damaged (torn, dirty, faded, etc.) to the point of being unusable;

a2) The information in the certificate of industrial property assessment organization prescribed in Point c1 Clause 2 of this Article has been changed.

b) The industrial property assessment organization shall perform the procedure for requesting the authority that has issued the certificate of industrial property assessment organization to re-issue the certificate for the recording of changes prescribed in Point c1 Clause 2 of this Article;

c) An application for the re-issuance of a certificate of industrial property assessment organization submitted to the industrial property right authority or the local industrial property right authority shall include a set of the following documents:

c1) Statement on the request for the re-issuance of the certificate of industrial property assessment organization following Form No. 06 Appendix VI of this Decree;

c2) Copies of the amended certificate of business registration or amended certificate of operation registration of the industrial property assessment organization in the case of changing the information on the organization (the original shall be presented for comparison, excluding cases of certified copies), excluding the case where the enterprise identification number is declared in the statement on request for the re-issuance of the certificate of industrial property assessment organization;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c4) Copies of payment invoices of fees and charges (in cases of paying fees and charges via postal services or directly to the account of the authority competent to settle this procedure).

d) The processing of the application for the re-issuance of the certificate of industrial property assessment organization shall be performed as follows:

d1) Within 20 days after receiving the application for the re-issuance of the certificate of industrial property assessment organization, the industrial property right authority or the local industrial property right authority shall assess the application following a procedure similar to the procedure for issuing the certificate of industrial property assessment organization prescribed in Point c Clause 2 of this Article;

d2) If the certificate industrial property assessment organization is defective due to an error of the industrial property right authority or the local industrial property right authority, the mentioned authority shall re-issue the certificate within 5 working days from the date of receipt of the request of the industrial property assessment organization without charging any fee.

4. The revocation of certificates of industrial property assessment organizations shall be performed as follows:

a) A certificate of industrial property assessment organization shall be revoked in the following cases:

a1) There is evidence confirming that the certificate of industrial property assessment organization has been issued contrary to laws;

a2) The organization no longer meets the requirements prescribed in Clause 2 Article 201 of the Law on Intellectual Property;

a3) The industrial property assessment organization terminates its assessment operations;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) The industrial property right authority or the local industrial property right authority shall proactively or upon a request of an organization or individual revoke the certificate of industrial property assessment organization if there are grounds confirming that the concerned industrial property assessment organization falls into one of the cases prescribed in Point a of this Clause;

c) An application for the revocation of a certificate of industrial property assessment organization submitted to the authority that issued such certificate shall include a set of the following documents:

c1) Application for the revocation of the certificate of industrial property assessment organization;

c2) Evidence backing up the grounds to request for the revocation of the certificate of industrial property assessment organization;

d) The procedure for revoking the certificate of industrial property assessment organization shall be performed as follows:

d1) If an organization or individual requests the revocation of the certificate of industrial property assessment organization according to Point c of this Clause, within 1 month from the date of receipt of the request, the certificate issuance authority shall provide a written notification of such a request for the organization with the issued certificate of industrial property assessment organization and impose a 1-month time limit from the notification date for the organization to provide any suggestion. The certificate issuance authority shall, based on the suggestions of concerned parties, issue a decision to revoke the certificate of industrial property assessment organization or refuse the revocation of the certificate of industrial property assessment organization and send it to the concerned parties;

d2) If there are grounds confirming that the organization with the issued certificate of industrial property assessment organization no longer satisfies the requirements prescribed in Clause 2 Article 201 of the Law on Intellectual Property, the certificate issuance authority shall issue a written notification of the intended revocation of the certificate of industrial property assessment organization to the mentioned organization and impose a 1-month time limit from the notification date for it to provide any suggestion. The certificate issuance authority shall, based on the suggestions of the organization with the issued certificate, issue a decision to revoke the certificate or a notification of not revoking the certificate to the organization;

d3) In case of a decision to revoke the certificate of industrial property assessment organization of a competent authority, within 1 month from the receipt date of the mentioned decision, the certificate issuance authority shall issue a decision to revoke the certificate;

d4) The industrial property right authority shall record the decision on the revocation of the certificate of industrial property assessment organization to the National Industrial Property Assessment Register and disclose it on the Industrial Property Official Gazette and its web portal within 2 months from the decision issuance date.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) The industrial property right authority shall prepare the list of industrial property assessment organizations, including the information recorded according to decisions on issuance, re-issuance, and revocation of certificates of industrial property assessment organizations and disclose or update it on its web portal annually;

b) The local industrial property right authority shall notify the industrial property right authority of information on the issuance, re-issuance, and revocation of certificates of industrial property assessment organizations within 1 month from the decision issuance date to serve the preparation of the list of industrial property assessment organizations prescribed in this Clause.

1. The professional inspection of the assessment of rights to plant varieties shall be performed to assess the capacity for using knowledge and specialty to assess and conclude matters concerning rights to plant varieties.

2. The organization of the professional inspection of the assessment of rights to plant varieties shall be performed as follows:

a) Plant variety right authority is the authority competent to organize the professional inspection of the assessment of rights to plant varieties;

b) The plant variety right authority shall disclose notifications on its information portal, specifying the conditions for participating in the inspection, application submission procedures, inspection content, and expected time and location of the inspection;

c) The inspection shall be organized within 3 months from the date when at least 5 participants have their applications approved according to Clause 3 of this Article;

d) The results of the inspection shall be notified to the participants by the plant variety right authority. Participants may request the plant variety right authority to re-examine the results of the inspection;

dd) The results of the inspection shall have a validity of 5 years for requesting the People’s Committee of the province or centrally affiliated city to issue plant variety right assessor’s cards.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Registration for participation in the professional inspection of assessment of rights to plant varieties shall be performed as follows:

a) Individuals meeting the following requirements shall be eligible for registering for participation in the inspection according to this Article:

a1) Being Vietnamese citizens with sufficient legal capacity;

a2) Residing in Vietnam;

a3) Having good moral qualities;

a4) Having at least bachelor's degrees with majors suitable for the field registered for inspection;

a5) Having professionally worked in the field registered for inspection for at least 5 years.

b) An application for participation in the professional inspection of assessment of rights to plant varieties submitted to the plant variety right authority shall include a set of the following documents:

b1) Statement on registration for participation in the professional inspection of assessment of rights to plant varieties, following Form No. 08 Appendix VI of this Decree;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b3) Certified copies of the recruitment decision, labor contract, or other documents proving the actual professional operations;

b4) 2 photos sized 3 x 4 (cm);

b5) Payment invoices of fees and charges (in cases of paying fees and charges via postal services or directly to the account of the authority competent to settle this procedure).

c) Within 15 days after receiving the application, the plant variety right authority shall process the application according to the following regulations:

c1) If the application is valid, the plant variety right authority shall issue a notification of application acceptance, stating whether the inspection plan has been set or has not been set due to an insufficient number of participants according to Clause 2 of this Article;

c2) If the application has deficiencies, the plant variety right authority shall issue a notification of the intended refusal of the acceptance of the application, specifying the reasons and imposing a 1-month time limit from the notification date for the applicant to amend the deficiencies or object to the refusal. After the imposed time limit, if the applicant fails to amend deficiencies or provides inadequate amendments, does not have any objection or provides inadequate objections, the plant variety right authority shall issue a decision to refuse the acceptance of the application, specifying the reasons.

1. People's Committees of provinces and centrally affiliated cities are competent to issue, re-issue, and revoke plant variety right assessor's cards according to the procedures prescribed in Clauses 2, 3, and 4 of this Article.

2. The issuance of plant variety right assessor’s cards shall be performed as follows:

a) People’s Committees of the provinces or centrally affiliated cities shall issue plant variety right assessor’s cards to persons meeting the requirements prescribed in Clause 3 Article 201 of the Law on Intellectual Property if such persons apply for the issuance and pay the prescribed fees. Requirements for eligibility for issuance of plant variety right assessor’s cards prescribed in Clause 3 Article 201 of the Law on Intellectual Property shall be understood as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a2) “Having good moral qualities” shall be understood as not being subject to any administrative fine for violations of plant variety right laws, not committing acts of violating professional ethics, not being subject to criminal prosecution, or having unspent convictions;

a3) “Having at least bachelor's degrees with specialties suitable for the field requested for issuance of assessor’s cards” shall be understood as having bachelor’s degrees or post-university degrees in horticulture, agronomy, plant science, or any major concerning plant varieties;

a4) “Having professionally worked in the field requested for issuance of assessor’s cards for at least 5 years” shall be understood as having directly engaged in the compilation of drafts and guidelines on the implementation of legislative documents on plant varieties, settlement of disputes, complaints, denunciations, and inspections of plant varieties at plant variety right authorities, plant variety study and teaching at research or training organizations established and operated legally, or counseling about plant variety protection laws on behalf of representatives of rights to plant varieties.

b) An application for the issuance of a plant variety right assessor's card shall include a set of the following documents:

b1) Statement on request for the issuance of the assessor's card, following Form No. 09 Appendix VI of this Decree;

b2) Original or certified copies of the qualification certificate of professional inspection of assessment of rights to plant varieties;

b3) Copies of the bachelor's degree or post-university degree in horticulture, agronomy, or any major concerning plant varieties;

b4) Documents proving that the applicant has directly engaged in the specialty concerning plant varieties for at least 5 years with confirmation of a competent authority;

b5) 2 photos sized 3 x 4 (cm);

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Within 1 month from the date of receipt of the application, the People’s Committee of the province or centrally affiliated city shall assess the application according to the following regulations:

c1) If the application is valid, the People’s Committee of the province or centrally affiliated city shall issue a decision to issue the assessor’s card, specifying the name, permanent address, citizen ID number, and assessment specialty of the person with the issued card;

c2) If the application is invalid, the People’s Committee of the province or centrally affiliated city shall issue a notification of the intended refusal of the acceptance of the application, specifying the reasons and imposing a 1-month time limit from the notification date for the applicant to amend the deficiencies or object to the refusal. After the imposed time limit, if the applicant fails to amend deficiencies or provides inadequate amendments, does not have any objection or provides inadequate objections, the People’s Committee of the province or centrally affiliated city shall issue a decision to refuse the issuance of the assessor's card, specifying the reasons.

c3) The plant variety right assessor’s card shall be made following Form No. 10 Appendix VI of this Decree.

3. The re-issuance of plant variety right assessor’s cards shall be performed as follows:

a) In the following cases, the People’s Committee of the province or centrally affiliated city shall issue a decision to re-issue the plant variety right assessor's card if the assessor applies for the re-issuance and pays the prescribed fees:

a1) The plant variety right assessor’s card is lost, defective, or damaged (torn, dirty, faded, etc.) to the point of being unusable;

a2) The information in the plant variety right assessor’s card prescribed in Point c1 Clause 2 of this Article has been changed.

b) The assessor shall request the People’s Committee of the province or centrally affiliated city to re-issue the plant variety right assessor's card for the recording of changes prescribed in Point a2 of this Clause.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c1) Statement on request for the re-issuance of the assessor's card, following Form No. 09 Appendix VI of this Decree;

c2) 2 photos sized 3 x 4 (cm);

c3) Payment invoices of fees and charges (in cases of paying fees and charges via postal services or directly to the account of the authority competent to settle this procedure).

d) The processing of the application for the re-issuance of the plant variety right assessor’s card shall be performed as follows:

d1) Within 15 days after receiving the application for the re-issuance of the plant variety assessor’s card, the People’s Committee of the province or centrally affiliated city shall assess the application following the procedure similar to the procedure for issuing the plant variety right assessor's card prescribed in Point c Clause 2 of this Article;

d2) If the plant variety right assessor's card is defective due to an error of the People’s Committee of the province or centrally affiliated city, the mentioned authority shall re-issue the plant variety right assessor’s card within 5 working days from the date of receipt of the request of the person with the issued card without charging any fee.

4. The revocation of plant variety right assessor’s cards shall be performed as follows:

a) A plant variety right assessor’s card shall be revoked in the following cases:

a1) There is evidence confirming that the assessor's card has been issued contrary to laws;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a3) The person with the issued assessor's card no longer engages in the assessment operations;

a4) The person with the issued assessor’s card is subject to the disciplinary revocation of the assessor’s card under a decision of the competent authority.

b) The People’s Committee of the province or centrally affiliated city proactively or upon a request of an organization or individual revokes the assessor’s card if there are grounds confirming that the person with the issued card falls into one of the cases prescribed in Point a of this Clause;

c) An application for the revocation of a plant variety right assessor's card shall include a set of the following documents:

c1) Application for the revocation of the plant variety right assessor’s card;

c2) Evidence backing up the grounds to request the revocation of the plant variety right assessor’s card.

d) The procedure for revoking the plant variety right assessor’s card is as follows:

d1) If an organization or individual requests the revocation of the plant variety right assessor’s card according to Point c of this Clause, within 1 month from the date of receipt of the request, the People’s Committee of the province or centrally affiliated city shall provide a written notification of such a request for the person with the issued assessor's card and impose a 1-month time limit from the notification date for the him/her to provide any suggestion. The People’s Committee of the province or centrally affiliated city shall, based on the suggestions of the concerned parties, issue a decision to revoke the plant variety right assessor's card or refuse the revocation of the plant variety assessor's card to the concerned parties;

d2) If there are grounds confirming that the person with the issued plant variety right assessor's card no longer satisfies the requirements prescribed in Clause 2 Article 201 of the Law on Intellectual Property, the People’s Committee of the province or centrally affiliated city shall issue a written notification of the intended revocation of the plant variety right assessor’s card to the person with the issued plant variety right assessor's card and impose a 1-month time limit from the notification date for him/her to provide any suggestion. The People’s Committee of the province or centrally affiliated city shall, based on the suggestions of the person with the issued plant variety assessor’s card, issue a decision to revoke the plant variety right assessor’s card or a notification of not revoking the plant variety assessor’s card to such a person;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. The preparation and disclosure of the list of plant variety right assessors and notification of changes to information concerning assessor’s cards shall be performed as follows:

a) The People’s Committee of the province or centrally affiliated city shall prepare a list of plant variety right assessors according to decisions on issuance, re-issuance, and revocation of plant variety right assessor’s cards and disclose the list on its web portal within 2 months from the decision issuance date;

b) The People’s Committee of the province or centrally affiliated city shall notify the plant variety right authority of the list of assessors and the information on changes concerning assessor’s cards of assessors working for the corresponding local plant variety right assessment organizations to serve the issuance, re-issuance, or revocation of certificates of local assessment organizations.

1. People's Committees of provinces and centrally affiliated cities are competent to issue, re-issue, and revoke certificates of plant variety assessment organizations and prepare and disclose the list of plant variety right assessment organizations according to Clauses 2, 3, 4, and 5 of this Article.

2. The issuance of certificates of plant variety right assessment organizations shall be performed as follows:

a) People’s Committees of the provinces or centrally affiliated cities shall issue certificates of plant variety right assessment organizations to organizations meeting the requirements prescribed in Clause 2 Article 201 of the Law on Intellectual Property if such organizations apply for the issuance and pay the prescribed fees;

b) An application for the issuance of a certificate of plant variety right assessment organization shall include a set of the following documents:

b1) Statement on the request for the issuance of the certificate of plant variety right assessment organization following Form No. 11 Appendix VI of this Decree;

b2) Certified copies of the recruitment decision or labor contract between the organization and its plant variety right assessor;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Within 1 month from the date of receipt of the application, the People’s Committee of the province or centrally affiliated city shall assess the application according to the following regulations:

c1) If the application is valid, the People’s Committee of the province or centrally affiliated city shall issue a decision on the issuance of the certificate of assessment organization, specifying the full name, business name, and address of the organization and the list of plant variety right assessors that are its members; record the information to the list of assessment organizations and disclose it on its web portal within 5 working days from the decision issuance date;

c2) If the application has deficiencies, the People’s Committee of the province or centrally affiliated city shall issue a notification of the intended refusal of the acceptance of the application, specifying the reasons and imposing a 1-month time limit from the notification date for the applicant to amend the deficiencies or object to the refusal. After the imposed time limit, if the applicant fails to amend deficiencies or provides inadequate amendments, does not have any objection or provides inadequate objections, the People’s Committee of the province or centrally affiliated city shall issue a decision to refuse the issuance of the certificate of plant variety right assessment organization, specifying the reasons.

c3) The certificate of plant variety right assessment organization shall be made following Form No. 12 Appendix VI of this Decree.

3. The re-issuance of certificates of plant variety right assessment organizations shall be performed as follows:

a) In the following cases, the People’s Committee of the province or centrally affiliated city shall issue a decision to re-issue the certificate of plant variety right assessment organization if the assessment organization applies for the re-issuance and pays the prescribed fees:

a1) The certificate of plant variety assessment organization is lost, defective, or damaged (torn, dirty, faded, etc.) to the point of being unusable;

a2) The information in the certificate of plant variety right assessment organization prescribed in Point c1 Clause 2 of this Article has been changed.

b) The plant variety right assessment organization shall perform the procedure for requesting the authority that has issued the certificate of plant variety right assessment organization to re-issue the certificate if it wishes to continue its assessment operations;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c1) Statement on the request for the re-issuance of the certificate of plant variety right assessment organization, following Form No. 11 Appendix VI of this Decree;

c2) Certified copies of the amended certificate of business registration or amended certificate of operation registration of the plant variety right assessment organization in the case of changing the information on the organization, excluding the case where the enterprise identification number is declared in the statement on request for the re-issuance of the certificate of plant variety right assessment organization;

c3) Certified copies of the recruitment decision, labor contract, or decision on the termination of the labor contract between the organization and its plant variety right assessor in case of changes to the plant variety right assessor;

c4) Payment invoices of fees and charges (in cases of paying fees and charges via postal services or directly to the account of the authority competent to settle this procedure).

d) The processing of the application for the re-issuance of the certificate of plant variety right assessment organization shall be performed as follows:

d1) Within 15 days after receiving the application for the re-issuance of the certificate of plant variety right assessment organization, the People’s Committee of the province or centrally affiliated city shall assess the application following the procedure similar to the procedure for issuing the certificate of plant variety right assessment organization prescribed in Point c Clause 2 of this Article;

d2) If the certificate of plant variety assessment organization is defective due to an error of the People’s Committee of the province or centrally affiliated city, the mentioned authority shall re-issue the certificate within 5 working days from the date of receipt of the request of plant variety right assessment organization without charging any fee.

4. The revocation of certificates of plant variety right assessment organizations shall be performed as follows:

a) A certificate of plant variety right assessment organization shall be revoked in the following cases:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a2) The organization no longer meets the requirements prescribed in Clause 2 Article 201 of the Law on Intellectual Property;

a3) The plant variety right assessment organization terminates its assessment operations;

a4) There is evidence confirming that the plant variety right assessment organization violates the laws and is subject to a revocation of the certificate of plant variety right assessment organization requested by the competent authority.

b) The People’s Committee of the province or centrally affiliated city proactively or upon a request of an organization or individual revokes the certificate of plant variety right assessment organization if there are grounds confirming that the plant variety right assessment organization falls into one of the cases prescribed in Point a of this Clause;

c) An application for the revocation of a certificate of plant variety right assessment organization shall include a set of the following documents:

c1) Application for the revocation of the certificate of plant variety right assessment organization;

c2) Evidence backing up the grounds to request the revocation of the certificate of plant variety right assessment organization;

d) The procedure for revoking the certificate of plant variety right assessment is as follows:

d1) If an organization or individual requests the revocation of the certificate of plant variety right assessment organization according to Point c of this Clause, within 1 month from the date of receipt of the request, the certificate issuance authority shall provide a written notification of such a request for the organization with the issued certificate plant variety right assessment organization and impose a 1-month time limit from the notification date for the organization to provide any suggestion. The certificate issuance authority shall, based on the suggestions of concerned parties, issue a decision to revoke the certificate of plant variety right assessment organization or refuse the revocation of the certificate of plant variety right assessment organization and send it to the concerned parties;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d3) In case of a decision to revoke the certificate of plant variety right assessment organization of a competent authority, within 1 month from the receipt date of the mentioned decision, the certificate issuance authority shall issue a decision to revoke the certificate;

d4) The People’s Committee of the province or centrally affiliated city shall disclose the decision to revoke the certificate of plant variety right assessment organization on its web portal within 2 months from the decision issuance date.

5. The People’s Committee of the province or centrally affiliated city shall prepare a list of plant variety right assessment organizations according to this Article following the decisions on issuance, re-issuance, and revocation of certificates of plant variety right assessment organizations. The list of plant variety right assessment organizations shall be disclosed on the web portal of the People’s Committee of the province or centrally affiliated city. The People’s Committee of the province or centrally affiliated city shall notify the plant variety right authority of the list of plant variety right assessment organizations and changes concerning the corresponding local plant variety right assessment organizations to serve the recording of information to the National Register of List of Plant Variety Right Assessment Organization.

a) Determining the scope of protection of subjects of industrial property rights and rights to plant varieties;

b) Determining if the assessment subject satisfies the requirements to be considered elements of infringement on industrial property rights or rights to plant varieties according to Article 74 through Article 80 of this Decree;

c) Determining if there is any identicalness or similarity that causes confusion or indistinguishability or copy between the assessment subject and the subject under protection;

d) Evaluating industrial property rights and rights to plant varieties following the pricing methods prescribed in prices laws; evaluating damage according to Article 204 and Article 205 of the Law on Intellectual Property.

2. Assessment of industrial property and rights to plant varieties by the fields prescribed in the Law on Intellectual Property includes:

a) The field of industrial property assessment includes the following specialties:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a2) Assessment of industrial designs;

a3) Assessment of marks and geographical indications;

a4) Assessment of other industrial property rights.

b) Field of assessment of rights to plant varieties.

a) Request the assessment organization or the assessor to provide answers for the assessment conclusion following his/her requested content and time limit;

b) Request the assessment organization or the assessor the explain the assessment conclusion;

c) Request additional assessment or re-assessment according to Article 120 of this Decree;

d) Negotiate the assessment service price.

2. A petitioner for assessment of industrial property or rights to plant varieties shall:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Clearly and specifically present issues or difficulties in content requiring assessment;

c) Pay the agreed assessment cost or advance the assessment cost upon request from the assessment organization or assessor;

d) Receive the assessment subject upon request of the assessment organization or assessor.

1. Organizations and individuals that may request the assessment of industrial property and rights to plant varieties include:

a) Holders of industrial property rights and rights to plant varieties;

b) Organizations and individuals that are requested for infringement handling or subject to complaints or denunciations of industrial property rights or rights to plant varieties;

c) Other organizations and individuals with benefits and rights concerning the dispute, infringement, complaint, or denunciation of industrial property rights or rights to plant varieties.

2. Organizations and individuals prescribed in Clause 1 of this Article may request the assessment organization or the assessor of industrial property or rights to plant varieties to perform the assessment or authorize other organizations or individuals to carry out such request.

3. Independent assessors or assessment organizations receiving applications for assessment shall estimate the assessment cost and negotiate and conclude assessment contracts with the requesting organizations or individuals, except for cases of refusing the assessment as per regulation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. An assessment service contract may include:

a) Name and address of the organization or individual requesting the assessment;

b) Name and address of the assessment organization or the assessor;

c) Content requested for assessment;

d) Relevant documents, evidence, and items;

dd) Time limit for returning the assessment conclusion;

e) Rights and tasks of parties;

g) Location and time of assessment;

h) Assessment cost and payment methods;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



k) Liability to compensate for damage and dispute settlement methods.

If the assessment request is enclosed with the assessment subject, the delivery, receipt, and return of such a subject shall be made into minutes with the following contents:

1. Time and location of the delivery, receipt, and return of the assessment subject.

2. Names and addresses of the delivering party and the receiving party or the representative.

3. Name of the assessment subject and relevant documents and items.

4. Condition and methods of preserving the assessment subject during the delivery, receipt, and return.

5. Signatures of the delivering and receiving parties or the representative in case of authorizing a third party to request the assessment.

1. The assessment organization or assessor may collect assessment samples (specific items that are elements of infringement and subjects of industrial property or rights to plant varieties under protection) or request the petitioner to provide assessment samples. The collection of assessment samples shall be made into minutes with the witness and signatures of concerned parties.

2. The delivery, receipt, and return of assessment samples shall be carried out according to Article 117 of this Decree.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. In the case of an individual assessment, the assessor shall perform the whole assessment and take responsibility for his/her assessment conclusion. In the case of a collective assessment concerning matters subject to the same professional field, assessors shall jointly perform the assessment, sign the document on the general assessment conclusion, and take responsibility for the conclusion. If there are different opinions, each assessor shall write his/her opinion on the conclusion to the minutes of the general assessment conclusion and take responsibility for such an opinion. In the case of a collective assessment concerning matters subject to different professional fields, each assessor shall perform his/her part of the work and take responsibility for his/her assessment conclusion.

1. An additional assessment shall be performed in case the assessment conclusion is incomplete or unclear about the content subject to assessment or in case of new details requiring clarification. Any request for additional assessment and the performance of such assessment shall comply with regulations on first-time assessment.

2. A re-assessment shall be performed in case the petitioner disagrees with the assessment result or in case of conflicts among assessment conclusions on the same matter subject to assessment. The re-assessment may be performed by the assessment organization or the assessor that performed the previous assessment or by another assessment organization or assessor following the request of the petitioner.

3. In case of differences among assessment conclusions or between the assessment conclusion with the professional suggestion of an industrial property right authority or plant variety right authority on the same matter subject to assessment, the petitioner may continue to request the assessment organization or the assessor to perform the re-assessment.

4. In case of necessity, during the assessment of industrial property rights or rights to plant varieties, the assessment organization may establish a counseling council for assessment of industrial property rights or rights to plant varieties to collect professional suggestions on matters subject to assessment. Matters related to the assessment counseling council shall be handled as follows:

a) The assessment organization shall select council members related to the assessment specialty and issue a decision to establish the counseling council for assessment of industrial property and rights to plant varieties. The council for assessment of industrial property and rights to plant varieties shall include the president and members. The number of its members shall be an odd number consisting of at least 3 members.

b) The counseling council for assessment of industrial property and rights to plant varieties shall operate under democratic principles and organize public voting on professional suggestions. Members shall jointly conduct professional discussions, and their suggestions shall be recorded in the minutes of meetings of the council.

c) The whole process of assessment counseling of the counseling council for assessment of industrial property and rights to plant varieties shall be adequately specified under the form of working minutes. The minutes shall bear the signatures of the president and the members of the council and be stored in the assessment application.

1. Conclusions of assessment of industrial property and rights to plant varieties prescribed in Clause 5 Article 201 of the Law on Intellectual Property shall be made in writing.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Name and address of the assessment organization or the assessor;

b) Name and address of the organization or individual requesting the assessment;

c) Subject, content, and scope of assessment;

d) Assessment method;

dd) Assessment conclusion;

e) Assessment time, location, and completion.

3. The independent assessor or assessment organization shall send a document on the assessment conclusion to the organization or individual requesting the assessment according to the agreed time limit prescribed in the assessment contract. In the case of an independent assessment, the assessor performing the assessment shall sign the document on the assessment conclusion and take responsibility for his/her assessment conclusion. In case the assessment is performed by an organization, the assessor in charge of the assessment and the legal representative of the assessment organization shall jointly sign and stamp the document on the assessment conclusion and take responsibility for such a conclusion.

4. In case the assessment needs more time, the independent assessor or the assessment organization shall promptly notify the organization or individual requesting the assessment of such matter in writing.

The price for the service of assessment of industrial property or rights to plant varieties shall be agreed on by the concerned parties.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The processing of Hague applications designating Vietnam disclosed by the International Office before the effective date of this Decree that have yet to have any decision to accept or refuse the protection shall comply with this Decree and the Hague Agreement.

3. The processing of Hague applications originating from Vietnam, submitted to industrial property right authorities before the effective date of this Decree, that have yet to be sent to the International Office shall comply with this Decree and the Hague Agreement.

1. This Decree comes into force as of August 23, 2023.

2. This Degree replaces Decree No. 103/2006/ND-CP dated September 22, 2006 dated September 22, 2006, regulations on the protection of rights concerning industrial property rights, rights to plant varieties, and state management of intellectual property prescribed in Decree No. 105/2006/ND-CP dated September 22, 2006, Decree No. 119/2010/ND-CP dated October 30, 2010, Decree No. 122/2010/ND-CP dated October 31, 2010, and Article 1 of Decree No. 154/2018/ND-CP dated November 9, 2018 and annuls several regulations on conditions for investment and trading in the field of state management of the Ministry of Science and Technology of Vietnam and several regulations on specialized inspection.

Article 125. Implementation responsibilities

Ministers, Directors of ministerial agencies, Directors of governmental agencies, and Chairpersons of the People’s Committees of provinces, and centrally affiliated cities shall implement this Decree.

 

 

ON BEHALF OF THE GOVERNMENT
PP. PRIME MINISTER
DEPUTY PRIME MINISTER




Tran Luu Quang

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 65/2023/NĐ-CP ngày 23/08/2023 hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


47.967

DMCA.com Protection Status
IP: 3.21.231.245
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!