UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ****** |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** |
Số: 1819/HD-SGD&ĐT |
Hà Nội, ngày 27 tháng 09 năm 2005 |
HƯỚNG DẪN
HOẠT ĐỘNG SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC NĂM HỌC 2005- 2006
Căn cứ chỉ thị số 22/2005/CT-BGD&ĐT ngày 29/7/2005 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2005- 2006; căn cứ hướng dẫn nhiệm vụ năm học của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội; Sở hướng dẫn các đơn vị thực hiện hoạt động sáng kiến kinh nghiệm giáo dục tiên tiến và hoạt động nghiên cứu khoa học trong năm học 2005- 2006 như sau:
I- HOẠT ĐỘNG SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM GIÁO DỤC TIÊN TIẾN
Sáng kiến kinh nghiệm giáo dục tiên tiến (SKKN) là kết quả lao động sáng tạo của cán bộ, giáo viên. SKKN có tác dụng thúc đẩy tiến bộ khoa học giáo dục và mang lại hiệu quả cao trong quản lý, giảng dạy, đào tạo; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và thực hiện các mục tiêu đổi mới của ngành.
Trong giai đoạn đổi mới và không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục hiện nay, các đơn vị cần hết sức coi trọng chất lượng SKKN, coi trọng phổ biến áp dụng SKKN, tránh tình trạng đơn thuần chạy theo số lượng.
1- Nội dung đúc rút, tổng kết SKKN giáo dục tiên tiến trong năm học 2005- 2006
Trong năm học 2005- 2006, nhằm phục vụ cho hoạt động đổi mới giáo dục của toàn ngành;nội dung nghiên cứu SKKN giáo dục tiên tiến nên tập trung vào những lĩnh vực đổi mới như: đổi mới hoạt động quản lý giáo dục, đổi mới phương pháp giáo dục,phát triển và bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, thực hiện xã hội hoá giáo dục và thực hiện đổi mới nội dung, chương trình và sách giáo khoa. Định hướng nghiên cứu các đề tài SKKN cụ thể như sau:
-SKKN về công tác quản lý, chỉ đạo, triển khai các mặt hoạt động trong nhà trường.
-SKKN về hoạt động tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên ở đơn vị.
-SKKN trong thực hiện tổ chức hoạt động các phòng học bộ môn, phòng thiết bị và đồ dùng dạy học, phòng thí nghiệm; xây dựng cơ sở vật chất và tổ chức hoạt động thư viện, cơ sở thực hành, thực tập.
-SKKN trong việc triển khai, bồi dưỡng giáo viên thực hiện giảng dạy theo chương trình và sách giáo khoa mới.
-SKKN trong tổ chức học 2 buổi/ngày; tổ chức bán trú trong nhà trường.
-SKKN về nội dung, phương pháp tổ chức, cách thức quản lý các hoạt động tập thể trong và ngoài giờ lên lớp.
-SKKN về cải tiến về nội dung bài giảng, phương pháp giảng dạy bộ môn, phương phápkiểm tra, đánh giá cho điểm học sinh phù hợp yêu cầu đổi mới của ngành và đáp ứngvới yêu cầu xã hội.
-SKKN trong công tác chủ nhiệm lớp và hoạt động đoàn thể.
-SKKN trong việc ứng dụng thành tựu khoa học tiên tiến, nhất là lĩnh vực công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng mọi lĩnh vực hoạt động trong các đơn vị; kinh nghiệm xây dựng các phần mềm tin học, giáo án điện tử,nhất là phương pháp sử dụng hiệu quả các đồ dùng dạy học và thiết bị dạy học hiện đại vào giảng dạy.
-Đồ dùng dạy học tự làm được đánh giá như một SKKN.
2- Qui định về thời gian nộp SKKN lên Sở Giáo dục và Đào tạo, thời gian gửi kết quả chấm và xét duyệt SKKN cho các đơn vị
-Các phòng GD& ĐT, các trường THPT, THCN, Trung tâm Giáo dục Kỹ thuật tổng hợp và các đơn vị trực thuộc khác gửi các bản SKKN đã được Hội đồng khoa học của đơn vị xét duyệt xếp loại A lên Sở Giáo dục và Đào tạo (Phòng Khoa học- Công nghệ TT). Thời hạn nộp trong tuần 4 tháng 5 năm 2006, kết thúc vào 31 tháng 5 năm 2006.
-Thời gian Sở GD& ĐT gửi danh sách kết quả chấm và xét duỵêt SKKN cho các đơn vị trên mạng nội bộ Sở trước ngày 30 tháng 8 hàng năm. Thời gian gửi giấy chứng nhận kết quả SKKN về các đơn vị vào trước ngày 10 tháng 10 hàng năm.
II- HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Sở Giáo dục và Đào tạo luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các đơn vị tiến hành nghiên cứu các đề tài khoa học giáo dục, khoa học nhân văn, khoa học công nghệ (nhất là công nghệ thông tin) nhằm giải quyết tốt những vấn đề nảy sinh trong quá trình đổi mới giáo dục và đào tạo của ngành và của đơn vị.
Các đơn vị xét nhu cầu đổi mới các hoạt động và khả năng nghiên cứu khoa học của cán bộ, giáo viên đơn vị mình để xây dựng kế hoạch nghiên cứu các đề tài khoa học cấp Thành phố, cấp ngành, cấp trường ngay từ đầu năm học. Các Phòng GD- ĐT đăng ký đề tài KH với UBND quận/ huyện; các đơn vị trường học trực thuộc Sở đăng ký đề tài KH với Sở GD& ĐT.Kinh phí đề tài KH cấp ngành trung bình là 20 triệu/đề tài được lấy từ 2 nguồn: Sở cấp 50% kinh phí và đơn vị thực hiện cấp 50% kinh phí. Kinh phí đề tài KH cấp Thành phố do UBND Thành phố phê duyệt, mức cấp kinh phí tuỳ theo từng đề tài.
Đối với đề tài cấp Thành phố cần nộp cho Hội đồng Khoa học Sở bản đăng ký nghiên cứu và đề cương đề tài trước ngày 15 tháng 8 năm 2006; đề tài cấp ngành cần nộp bản đăng ký và đề cương đề tài trước ngày 30 tháng 11 năm 2005 (gửi Phòng Khoa học- Công nghệ TT).
Nội dung nghiên cứu của đề tài phải phù hợp với chủ trương và yêu cầu đổi mới của Ngành Giáo dục và Đào tạo trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời phải đi sâu giải quyết những vấn đề của thực tiễn giáo dục tại đơn vị cơ sở. Các đề tài khoa học nên tập trung nghiên cứu giải quyết một số vấn đề sau:
-Nghiên cứu về hoạt động bồi dưỡng, quản lý, xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên.
-Nghiên cứu xây dựng nếp sống đô thị văn minh, thanh lịch cho học sinh, giáo dục truyền thống lịch sử Hà Nội hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Thực hiện cuộc vận động ”Xây dựng Nhà trường văn hoá- Nhà giáo mẫu mực- Học sinh thanh lịch”.
-Nghiên cứu các hoạt động đổi mới giáo dục như: đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, đổi mới cách kiểm tra đánh giá học sinh.
-Nghiên cứu nội dung, phương pháp giảng dạy theo chương trình và sách giáo khoa mới; nhất là việc sử dụng thiết bị và đồ dùng dạy học nhằm đảm bảo yêu cầu cao của đợt đổi mới chương trình và sách giáo khoa.
-Đổi mới phương thức đào tạo, giúp học sinh các trường trung học chuyên nghiệp sau khi tốt nghiệp có đủ kiến thức và trình độ nghề nghiệp làm việc trong các cơ sở sản xuất hoặc tự tạo việc làm.
-Đổi mới công tác quản lý trong nhà trường, nhất là quản lý chất lượng đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện xã hội hoá giáo dục.
-Nghiên cứu các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vựchoạt động của ngành, nhất là trong lĩnh vực quản lý và giảng dạy. Sử dụng các thiết bị dạy học hiện đại phục vụ đổi mới phương pháp giảng dạy ở các đơn vị trường học.
III- HOẠT ĐỘNG PHỔ BIẾN, ỨNG DỤNG KẾT QUẢ NCKH VÀ SKKN
Trong năm học 2005-2006, các đơn vị cần đặc biệt quan tâm đẩy mạnh việc tổ chức phổ biến, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và SKKN vào thực tiễn hoạt động của đơn vị mình. Sở đánh giá hoạt động phổ biến, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và SKKN là một trong những hoạt động trọng tâm trong năm học này và yêu cầu các đơn vị báo cáo kết quả cụ thể vào cuối năm học. Các đơn vị có thể áp dụng phối hợp các hình thức phổ biến ứng dụng sau:
-Tổ chức hội thảo theo các chuyên đề NCKH, SKKN;
-Tổ chức báo cáo, trao đổi thảo luận trong tổ, nhóm chuyên môn;
-Tổ chức thử nghiệm các hoạt động quản lý, giảng dạy mới;
-Các đơn vị chủ động lưu tại thư viện các đề tài NCKH, các SKKN trước khi nộp lên Phòng hoặc Sở;
-Thư viện tổ chức các hoạt động giới thiệu đề tài NCKH, SKKN của đơn vị và Thành phố.
Sở tổ chức biên tập các SKKN có chất lượng cao theo từng ngành học, môn học để phổ biến tới các đơn vị.
IV- QUI ĐỊNH VỀ KHEN THƯỞNG HOẠT ĐỘNG NCKH, SKKN
1- Đối với cá nhân
-Cá nhân có SKKN được Hội đồng xét duyệt SKKN Sở xếp loại A hoặc cá nhân là chủ nhiệm đề tài khoa học cấp ngành, cấp thành phố có kết quả nghiệm thu với số điểm từ 9,5 trở lên sẽ được Sở Giáo dục và Đào tạo khen thưởng và Liên đoàn Lao động Thành phố xét tặng Bằng lao động sáng tạo.
-Cá nhân có SKKN được Hội đồng xét duyệt SKKN Sở xếp loại B và C sẽ do đơn vị khen thưởng.
2- Đối với tập thể:
Trong năm học này chất lượng SKKN và phổ biến áp dụng SKKN, NCKH là 2 tiêu chí quan trọng các đơn vị cần phấn đấu. Hội đồng Khoa học Sở xét khen thưởng các đơn vị về hoạt động SKKN theo 3 tiêu chuẩn sau:
a.Tỉ lệ SKKN của đơn vị được Hội đồng chấm SKKN Sở GD- ĐT xếp loại A và B trên tổng số cán bộ giáo viên, nhân viên của đơn vị cao. (Tiêu chuẩn này vừa thể hiện phong trào viết SKKN của đơn vị, vừa thể hiện chất lượng SKKN).
b.Tổchức tốt các hoạt động phổ biến, áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học và SKKN giáo dục tiên tiến ở đơn vị (thể hiện ở số lượng buổi tổ chức, hình thức tổ chức, hiệu quả).
c.Thực hiện đúng và có chất lượng qui trình chấm, xét duyệt SKKN ở đơn vị. Thực hiện nộp SKKN cho Hội đồng khoa học Sở đúng thời hạn (thể hiện ở biên bản chấm và xét duyệt SKKN của đơn vị, thời gian nộp SKKN).
V- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Căn cứ vào văn bản “Hướng dẫn hoạt động SKKN và NCKH năm học 2005-2006”, yêu cầu lãnh đạo các phòng GD& ĐT chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện hoạt động NCKH và SKKN, triển khai quán triệt văn bản này tới các đơn vị trường học trực thuộc phòng; ban giám hiệu các đơn vị trường học quán triệt văn bản tới toàn thể cán bộ, giáo viên; tổ chức thực hiện tốt hoạt động NCKH và SKKNtrong đơn vị.
Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các đ/c lãnh đạo các đơn vị thường xuyên quan tâm chỉ đạo, triển khai tốt hoạt động sáng kiến kinh nghiệm và nghiên cứu khoa học để hoạt động này thực sự có hiệu quả, thiết thực góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô.
Nơi nhận: -Ban Giám đốc (để báo cáo) -Các phòng (ban) cơ quan Sở -Các phòng GD&ĐT -Các đơn vị trực thuộc -Lưu VT, KH- CNTT |
KT. GIÁM ĐỐC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HÀ NỘI PHÓ GIÁM ĐỐC
Nguyễn Hữu Độ |