THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
******
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 04/2007/CT-TTg
|
Hà Nội, ngày 22
tháng 02 năm 2007
|
CHỈ
THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG BẢO HỘ QUYỀN TÁC
GIẢ ĐỐI VỚI
CHƯƠNG TRÌNH MÁY TÍNH
Trong những năm qua, hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đã có
những tiến bộ đáng kể. Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về
quyền tác giả, quyền liên quan. Các quy định pháp luật Việt Nam được xây dựng,
hoàn thiện từ thực tiễn hoạt động quản lý, điều hành hoạt động đối với quyền
tác giả, tiếp thu những chuẩn mực quốc tế, đáp ứng các yêu cầu thúc đẩy bảo hộ
có hiệu quả và hội nhập quốc tế. Về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, Việt Nam đã ký kết nhiều Điều ước quốc tế song phương và đa phương có liên quan đến quyền tác
giả, quyền liên quan. Theo đó, Nhà nước Việt Nam có nghĩa vụ bảo hộ quyền tác
giả, quyền liên quan, trong đó có quyền tác giả đối với chương trình máy tính
của các tổ chức, cá nhân thuộc các nước thành viên tại Việt Nam, đồng thời
chương trình máy tính của các tổ chức, cá nhân Việt Nam cũng được bảo hộ tại
các nước thành viên các điều ước quốc tế này.
Trong thời gian qua đã có nhiều hoạt động tự bảo vệ quyền của
các doanh nghiệp đầu tư thiết kế chương trình máy tính, hoạt động thanh tra,
kiểm tra, xử lý đã được tăng cường nhưng kết quả chưa cao. Tình trạng sử dụng
chương trình máy tính không có bản quyền hợp pháp còn diễn ra phổ biến, xâm hại
tới quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, ảnh hưởng đến hoạt
động sáng tạo, sự phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội của đất nước và tiến
trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới.
Để bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh các quy định pháp luật Việt
Nam, các cam kết quốc tế về bảo hộ chương trình máy tính, Thủ tướng Chính phủ
yêu cầu:
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan
thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương chỉ đạo và có các biện pháp cụ thể để bảo hộ quyền tác giả đối với chương
trình máy tính; dự toán ngân sách hàng năm về việc mua bản quyền chương trình
máy tính cho các đơn vị trực thuộc; có kế hoạch từng bước xử lý các chương
trình máy tính không có bản quyền hợp pháp tại các cơ quan, đơn vị, ngành, địa
phương thuộc thẩm quyền quản lý của mình.
Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan
thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền tác giả đối với chương trình máy
tính tại các cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý của mình theo đúng quy định
của pháp luật.
2. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí dự toán ngân
sách nhà nước và hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương xây dựng dự toán ngân sách
thực hiệu việc mua bản quyền chương trình máy tính hợp pháp, theo quy định của
Luật Ngân sách nhà nước
Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan xử lý nghiêm các tổ
chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu chương trình máy tính vi phạm quyền tác giả
theo quy định pháp luật.
3. Bộ Văn hoá - Thông tin có trách nhiệm:
a) Xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành
theo thẩm quyền để hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quyền tác giả
đối với chương trình máy tính
b) Hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện pháp luật Việt Nam,
cam kết quốc tế về bảo hộ chương trình máy tính; hỗ trợ kỹ thuật về giao dịch
bản quyền đối với chương trình máy tính; cung cấp thông tin về hàng hoá vi phạm
quyền tác giả đối với chương trình máy tính;
c) Chỉ đạo việc xuất bản sách, tạp chí chuyên ngành về quyền
tác giả, quyền liên quan trong đó có chương trình máy tính để thông tin, tuyên
truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, hiểu biết của công chúng.
4. Bộ thương mại có trách nhiệm chỉ đạo công tác thanh tra,
kiểm tra, xử lý các tồ chức, cá nhân có hàng hoá lưu thông trên thị trường vi
phạm quyền tác giả đối với chương trình máy tính theo các quy định pháp luật
Việt Nam, các cam kết quốc tế.
5. Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo công tác đấu tranh phòng
chống vi phạm pháp luật về quyền tác giả đối với chương trình máy tính; ngăn
chặn các vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu,
tàng trữ, lưu thông hàng hoá và dịch vụ về quyền tác giả đối với chương trình
máy tính.
6. Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ đội biên phòng kiểm soát và xử lý
mọi hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng hoá vi phạm quyền tác giả đối với chương
trình máy tính theo quy định của pháp luật.
7. Bộ Ngoại giao chỉ đạo và hướng dẫn các Cơ quan đại diện
ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài thu thập thông tin về bảo hộ quyền tác giả
đối với chương trình máy tính, để hỗ trợ và tư vấn cho các tổ chức, cá nhân
Việt Nam thực hiện các giao dịch liên quan đến quyền tác giả đối với chương
trình máy tính; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân Việt Nam bảo vệ quyền và lợi ích
hợp pháp của mình về quyền tác giả đối với chương trình máy tính được khai thác
sử dụng ở nước ngoài.
8. Bộ tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan rà
soát để kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quyền tác
giả đối với chương trình máy tính trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành
để bảo hộ kịp thời, có hiệu quả quyền và lợi ích của các tổ chức, cá nhân.
9. Bộ Bưu chính, Viễn thông xác định rõ quyền và nghĩa vụ của
các tổ chức, cá nhân tham gia ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin phải
tuân thủ các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ; phối hợp với Bộ Văn hoá -
Thông tin trong hoạt động bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính.
10. Các Đài phát thanh và truyền hình và các cơ quan báo chí
khác ở Trung ương và địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục
pháp luật; mở chuyên mục giới thiệu pháp luật, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về
quyền tác giả đối với chương trình máy tính.
Bộ Văn hóa - Thông tin chịu trách nhiệm theo dõi và đôn đốc
thực hiện Chỉ thị này, định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tiến độ,
kết quả và những vướng mắc trong quá trình thực hiện, kiến nghị biện pháp xử
lý./.
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng