Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 60/2011/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận Người ký: Trần Xuân Hoà
Ngày ban hành: 03/11/2011 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 60/2011/QĐ-UBND

 Ninh Thuận, ngày 03 tháng 11 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH VỀ CUNG CẤP, TIẾP NHẬN, XỬ LÝ THÔNG TIN LÝ LỊCH TƯ PHÁP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Lý lịch tư pháp ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật Thi hành án hình sự ngày 29 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Quyết định số 1532/QĐ-TTg ngày 23 tháng 9 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Luật Lý lịch tư pháp;

 Căn cứ Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23 tháng 11 năm 2010 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp;

Căn cứ Thông tư số 13/2011/TT-BTP ngày 27 tháng 6 năm 2011 của Bộ Tư pháp về việc ban hành và hướng dẫn sử dụng biểu mẫu và mẫu sổ lý lịch tư pháp;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 1180/TTr-STP ngày 19 tháng 10 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp liên ngành về cung cấp, tiếp nhận, xử lý thông tin lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; gồm 05 chương và 21 điều.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, ban ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Xuân Hoà

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH VỀ CUNG CẤP, TIẾP NHẬN, XỬ LÝ THÔNG TIN LÝ LỊCH TƯ PHÁP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 60/2011/QĐ-UBND ngày 03 tháng 11 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng

Quy chế này quy định mối quan hệ phối hợp công tác giữa Sở Tư pháp, cơ quan Công an, Toà án nhân dân, cơ quan Thi hành án dân sự, Viện Kiểm sát nhân dân trên địa bàn tỉnh và cơ quan, tổ chức có liên quan (gọi tắt là các cơ quan) trong việc cung cấp, trao đổi, tiếp nhận, xử lý thông tin lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Điều 2. Lý lịch tư pháp và thông tin lý lịch tư pháp

1. Lý lịch tư pháp là lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, tình trạng thi hành án và về việc cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Toà án tuyên bố phá sản.

2. Thông tin lý lịch tư pháp bao gồm thông tin lý lịch tư pháp về án tích và thông tin lý lịch tư pháp về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã được quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 2 của Luật Lý lịch tư pháp.

3. Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp bao gồm Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp.

Điều 3. Nguyên tắc phối hợp

Việc phối hợp công tác giữa Sở Tư pháp với các cơ quan được thực hiện theo các nguyên tắc sau:

1. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan theo quy định của pháp luật, không làm cản trở đến hoạt động của từng cơ quan;

2. Chủ động phối hợp đồng bộ, thống nhất và chặt chẽ, tạo điều kiện hỗ trợ nhau thực hiện tốt nhiệm vụ;

3. Bảo đảm chế độ thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, đúng trình tự và thủ tục theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Hình thức cung cấp thông tin lý lịch tư pháp về án tích

1. Thông tin lý lịch tư pháp được gửi trực tiếp, qua bưu điện hoặc mạng internet, mạng máy tính.

2. Việc tiếp nhận thông tin lý lịch tư pháp về án tích tại Sở Tư pháp phải được ghi vào sổ tiếp nhận theo mẫu quy định.

Chương II

NHIỆM VỤ CỦA CÁC CƠ QUAN TRONG VIỆC CUNG CẤP, TIẾP NHẬN, XỬ LÝ THÔNG TIN LÝ LỊCH TƯ PHÁP

Mục 1. CUNG CẤP, TIẾP NHẬN, XỬ LÝ THÔNG TIN LÝ LỊCH TƯ PHÁP CÓ TRƯỚC NGÀY 01 THÁNG 7 NĂM 2010

Điều 5. Nhiệm vụ của Sở Tư pháp trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp về án tích trước ngày 01 tháng 7 năm 2010

1. Sở Tư pháp có nhiệm vụ lập lý lịch tư pháp đối với hai trường hợp sau:

a) Người bị Toà án Việt Nam kết án trước ngày 01 tháng 7 năm 2010 nhưng từ ngày 01 tháng 7 năm 2010, Sở Tư pháp nhận được thông tin lý lịch tư pháp của người đó do các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp.

b) Người bị Toà án Việt Nam kết án trước ngày 01 tháng 7 năm 2010 nhưng từ ngày 01 tháng 7 năm 2010, Sở Tư pháp được cơ quan Công an, Toà án, cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin về tình trạng án tích của người đó để cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

2. Trong trường hợp cần có thêm thông tin lý lịch tư pháp có trước ngày 01 tháng 7 năm 2010 để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp đối với hai trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, Sở Tư pháp gửi văn bản đề nghị Toà án đã xét xử sơ thẩm vụ án cung cấp bản sao bản án đối với người bị kết án, người bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ quan có thẩm quyền thuộc Công an tỉnh, cơ quan Thi hành án dân sự, cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin về việc chấp hành xong hình phạt, đặc xá, đại xá, thi hành hình phạt tiền, tịch thu tài sản và các quyết định dân sự trong bản án hình sự đối với người bị kết án.

Điều 6. Nhiệm vụ của Toà án nhân dân

Toà án đã xét xử sơ thẩm vụ án có trách nhiệm cung cấp thông tin lý lịch tư pháp theo yêu cầu của Sở Tư pháp được quy định tại khoản 2 Điều 5 Quy chế này để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Thời hạn gửi thông tin là 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Sở Tư pháp.

Điều 7. Nhiệm vụ của cơ quan Công an, cơ quan Thi hành án dân sự và các cơ quan, tổ chức khác

Cơ quan Công an, cơ quan Thi hành án dân sự và các cơ quan, tổ chức khác có trách nhiệm cung cấp thông tin lý lịch tư pháp theo yêu cầu của Sở Tư pháp được quy định tại khoản 2 Điều 5 Quy chế này để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Thời hạn gửi thông tin là 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Sở Tư pháp.

Mục 2. CUNG CẤP, TIẾP NHẬN, XỬ LÝ THÔNG TIN LÝ LỊCH TƯ PHÁP CÓ TỪ NGÀY 01 THÁNG 7 NĂM 2010

Điều 8. Nhiệm vụ của Sở Tư pháp trong việc tiếp nhận, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp về án tích

1. Sở Tư pháp có nhiệm vụ tiếp nhận đầy đủ, kịp thời thông tin lý lịch tư pháp về án tích và thông tin lý lịch tư pháp về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã do các cơ quan, tổ chức cung cấp theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp, các văn bản có liên quan; và tiến hành lập lý lịch tư pháp.

Trường hợp người bị kết án, người bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã thường trú ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác, Sở Tư pháp có nhiệm vụ gửi thông tin lý lịch tư pháp của người đó cho Sở Tư pháp nơi người đó thường trú trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông tin; trường hợp không xác định được nơi thường trú của người bị kết án thì gửi thông tin lý lịch tư pháp cho Sở Tư pháp nơi người đó tạm trú; trường hợp không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú của người bị kết án thì Sở Tư pháp gửi thông tin lý lịch tư pháp cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia.

2. Trường hợp thông tin lý lịch tư pháp do Toà án nhân dân, cơ quan Thi hành án dân sự và các cơ quan, tổ chức khác cung cấp chưa đầy đủ, có sai sót, Sở Tư pháp đề nghị các cơ quan, tổ chức đó cung cấp thông tin bổ sung, đính chính thông tin.

3. Căn cứ vào kết quả xác minh về điều kiện đương nhiên xoá án tích, Sở Tư pháp sẽ cập nhật thông tin vào Lý lịch tư pháp của người bị kết án đã được lập theo đúng quy định. Đồng thời gửi kết quả xác minh cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành việc xác minh theo quy định.

Điều 9. Nhiệm vụ của Toà án trong việc cung cấp, tiếp nhận thông tin lý lịch tư pháp

1. Toà án đã xét xử sơ thẩm vụ án có nhiệm vụ gửi cho Sở Tư pháp các văn bản sau:

a) Trích lục bản án hình sự sơ thẩm có hiệu lực pháp luật, trích lục bản án hình sự phúc thẩm;

b) Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm về hình sự;

c) Quyết định ân giảm hình phạt tử hình;

d) Quyết định thi hành án hình sự;

đ) Quyết định hoãn chấp hành hình phạt tù;

e) Quyết định xoá án tích;

g) Giấy chứng nhận đương nhiên xoá án tích.

2. Toà án đã ra quyết định có nhiệm vụ gửi cho Sở Tư pháp các quyết định sau:

a) Quyết định miễn chấp hành hình phạt;

b) Quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt;

c) Quyết định tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù;

d) Quyết định miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách Nhà nước;

đ) Quyết định tiếp nhận chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù quy định tại khoản 17 Điều 15 Luật Lý lịch tư pháp;

e) Trích lục quyết định tuyên bố phá sản trong đó có nội dung cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

3. Thời hạn gửi trích lục bản án, quyết định, giấy chứng nhận quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này là 10 ngày, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định hoặc kể từ ngày cấp giấy chứng nhận.

4. Nội dung trích lục bản án quy định tại điểm a khoản 1 Điều này bao gồm:

a) Họ, tên, giới tính, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nơi thường trú hoặc tạm trú, họ, tên cha, mẹ, vợ, chồng của người bị kết án;

b) Ngày, tháng, năm tuyên án, số bản án, Toà án đã tuyên bản án, tội danh, điều khoản luật được áp dụng, hình phạt chính, hình phạt bổ sung, nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự, án phí.

5. Nội dung trích lục quyết định tuyên bố phá sản quy định tại điểm e khoản 2 Điều này bao gồm:

a) Họ, tên, giới tính, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nơi thường trú hoặc tạm trú của người bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã;

b) Chức vụ bị cấm đảm nhiệm, thời hạn không được thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

6. Toà án sau khi nhận được văn bản đề nghị của Sở Tư pháp quy định tại khoản 2 Điều 8 của Quy chế này có nhiệm vụ cung cấp bổ sung, đính chính thông tin trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Sở Tư pháp.

Điều 10. Nhiệm vụ của cơ quan Thi hành án dân sự trong việc cung cấp, tiếp nhận thông tin lý lịch tư pháp

1. Cơ quan Thi hành án dân sự có nhiệm vụ gửi cho Sở Tư pháp quyết định về thi hành hình phạt tiền, tịch thu tài sản, án phí và các nghĩa vụ dân sự khác của người bị kết án trong bản án hình sự; Quyết định đình chỉ thi hành án (phần dân sự trong bản án hình sự); Giấy xác nhận kết quả thi hành án (phần dân sự trong bản án hình sự); Thông báo bằng văn bản về việc người bị kết án đã chấp hành xong nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định, cấp giấy xác nhận hoặc kể từ ngày người bị kết án đã thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án.

2. Cơ quan Thi hành án dân sự sau khi nhận được văn bản đề nghị của Sở Tư pháp quy định tại khoản 2 Điều 8 của Quy chế này có nhiệm vụ cung cấp bổ sung, đính chính thông tin trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Sở Tư pháp.

Điều 11. Nhiệm vụ của cơ quan Công an trong việc cung cấp thông tin lý lịch tư pháp về án tích

Giám thị trại giam, giám thị trại tạm giam có nhiệm vụ gửi giấy chứng nhận đã chấp hành xong hình phạt tù, giấy chứng nhận đặc xá, đại xá cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày cấp giấy chứng nhận.

Điều 12. Nhiệm vụ của Viện Kiểm sát nhân dân trong việc cung cấp thông tin Lý lịch tư pháp

Trong trường hợp Viện trưởng Viện Kiểm sát quyết định tạm đình chỉ thi hành án phạt tù thì phải gửi quyết định đó cho Sở Tư pháp trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định.

Điều 13. Nhiệm vụ của các cơ quan và tổ chức khác trong việc cung cấp thông tin lý lịch tư pháp

1. Thông tin lý lịch tư pháp về án tích do các cơ quan, tổ chức khác cung cấp cho Sở Tư pháp gồm giấy chứng nhận đã chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù cho hưởng án treo và các hình phạt bổ sung. Các hình phạt bổ sung bao gồm cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; cấm lưu trú, quản chế; tước một số quyền công dân; tịch thu tài sản; phạt tiền (khi không áp dụng là hình phạt chính). Việc thi hành hình phạt quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định do chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan tổ chức nơi thi hành án đảm nhiệm.

2. Cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo, người bị kết án cải tạo không giam giữ bao gồm:

a) Cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý người bị kết án; người được hưởng án treo nếu người đó là cán bộ, công chức, người đang học tập tại các cơ sở giáo dục, đào tạo;

b) Đơn vị quân đội từ cấp đại đội hoặc tương đương trở lên, nếu người bị kết án, người được hưởng án treo là quân nhân, công nhân quốc phòng;

c) Doanh nghiệp, hợp tác xã nếu người bị kết án là người lao động làm công ăn lương;

d) Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người bị kết án cư trú, nếu người đó không thuộc những đối tượng quy định tại điểm a, b, c khoản này.

3. Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong hình phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù cho hưởng án treo và hình phạt bổ sung có nhiệm vụ gửi cho Sở Tư pháp giấy chứng nhận đã chấp hành xong hình phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù cho hưởng án treo và các hình phạt bổ sung trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày cấp giấy chứng nhận.

4. Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền sau khi nhận được văn bản đề nghị của Sở Tư pháp có nhiệm vụ cung cấp bổ sung, đính chính thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 8 của Quy chế này trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Sở Tư pháp.

Chương III

PHỐI HỢP TRA CỨU THÔNG TIN LÝ LỊCH TƯ PHÁP VỀ ÁN TÍCH ĐỂ CẤP PHIẾU LÝ LỊCH TƯ PHÁP

Điều 14. Phối hợp tra cứu thông tin lý lịch tư pháp về án tích với cơ quan Công an

1. Việc tra cứu thông tin lý lịch tư pháp về án tích có trước ngày 01/7/2010 để cấp Phiếu lý lịch tư pháp được thực hiện tại cơ sở dữ liệu của ngành Công an, cụ thể như sau:

a) Trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp hợp lệ, Sở Tư pháp gửi Phiếu xác minh lý lịch tư pháp kèm theo 01 bộ hồ sơ cho cơ quan Công an cùng cấp;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Phiếu xác minh lý lịch tư pháp, cơ quan Công an cấp tỉnh thực hiện tra cứu thông tin về tình trạng án tích của đương sự và gửi cho Sở Tư pháp kết quả tra cứu; trường hợp phải tra cứu thông tin trong hệ thống hồ sơ, tàng thư của Bộ Công an, Công an tỉnh khác thì thời hạn không quá 09 ngày làm việc.

Trong trường hợp khẩn cấp theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, ngay sau khi nhận được yêu cầu, Sở Tư pháp phối hợp với cơ quan Công an thực hiện tra cứu thông tin lý lịch tư pháp của đương sự và cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong thời hạn 24 giờ, kể từ thời điểm nhận được yêu cầu.

2. Đối với những thông tin lý lịch tư pháp về án tích có từ ngày 01/7/2010 nhưng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp của Sở Tư pháp chưa đảm bảo đầy đủ để tra cứu thông tin được chính xác, Sở Tư pháp chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an trong việc tra cứu thông tin về án tích để phục vụ kịp thời yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Điều 15. Phối hợp tra cứu thông tin lý lịch tư pháp về án tích với Toà án nhân dân và các cơ quan, tổ chức khác để cấp Phiếu lý lịch tư pháp

Trường hợp kết quả tra cứu thông tin tại cơ sở dữ liệu của ngành Công an chưa có đủ căn cứ để kết luận về tình trạng án tích của người xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì Sở Tư pháp liên hệ với Toà án đã xét xử sơ thẩm vụ án hoặc tại các cơ quan, tổ chức khác liên quan đến đương sự để tra cứu hồ sơ. Thời hạn tra cứu hồ sơ tại Toà án và các cơ quan, tổ chức khác không quá 05 ngày làm việc.

Điều 16. Tra cứu thông tin lý lịch tư pháp về án tích tại cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng

Trường hợp cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người đã từng là sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng thì Sở Tư pháp phối hợp với cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng để tra cứu thông tin.

Chương IV

PHỐI HỢP RÀ SOÁT, XÁC MINH, CUNG CẤP THÔNG TIN ĐỂ XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU LÝ LỊCH TƯ PHÁP

Điều 17. Phối hợp rà soát việc cung cấp thông tin lý lịch tư pháp giữa Sở Tư pháp và Toà án nhân dân

Định kỳ hằng quý, Sở Tư pháp liên hệ với Toà án nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh rà soát, đối chiếu các bản án hình sự, quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, trong đó có nội dung cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã do Toà án nhân dân tỉnh, Toà án nhân dân cấp huyện đã tuyên để bảo đảm việc cung cấp thông tin lý lịch tư pháp không bị bỏ sót hoặc chậm trễ.

Điều 18. Phối hợp xác minh, cung cấp thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp

1. Trong quá trình cập nhật thông tin lý lịch tư pháp, trường hợp các thông tin về nhân thân của người bị kết án, người bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã có điểm chưa rõ ràng, chính xác thì Sở Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về dân cư, hộ tịch, hộ khẩu, chứng minh nhân dân để xác minh, làm rõ.

2. Cơ quan đăng ký hộ tịch khi ban hành quyết định cho phép thay đổi, cải chính hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên (Ủy ban nhân dân cấp huyện); cấp giấy chứng tử (Ủy ban nhân dân cấp xã) có trách nhiệm gửi bản chính hoặc bản sao quyết định, giấy chứng tử đó cho Sở Tư pháp và Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia.

Điều 19. Phối hợp xác minh về điều kiện đương nhiên được xoá án tích

1. Trong trường hợp người bị kết án đã có đủ thời gian để đương nhiên được xoá án tích theo quy định của Bộ Luật hình sự, nhưng chưa nhận được Giấy chứng nhận xoá án tích của Toà án thì Sở Tư pháp tiến hành xác minh về việc người đó có bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử trong thời hạn đang có án tích hay không. Việc xác minh được thực hiện như sau:

a) Sở Tư pháp gửi văn bản yêu cầu xác minh hoặc trực tiếp xác minh tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã), cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án cư trú, làm việc sau khi chấp hành xong bản án;

b) Trong quá trình xác minh tại Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức, nếu thấy cần thiết, Sở Tư pháp thực hiện xác minh tại cơ quan tiến hành tố tụng có liên quan về việc người bị kết án có đang bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hay không.

2. Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp thông tin theo yêu cầu của Sở Tư pháp.

Cán bộ Tư pháp - Hộ tịch giúp Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện xác minh theo yêu cầu của Sở Tư pháp.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 20. Trách nhiệm thi hành

1. Thủ trưởng các cơ quan Công an tỉnh, Toà án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, cơ quan cấp dưới thuộc ngành mình quản lý tổ chức thực hiện việc phối hợp trong việc cung cấp, trao đổi thông tin lý lịch tư pháp và quản lý Nhà nước về lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

2. Trong thời gian chưa có Thông tư liên tịch giữa các Bộ, ngành hướng dẫn về việc trao đổi, cung cấp và tiếp nhận thông tin lý lịch tư pháp được ban hành, các cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của mình theo Quy chế này. Trong trường hợp có quy định mới về việc cung cấp, trao đổi, tiếp nhận thông tin lý lịch tư pháp thì sẽ được áp dụng theo quy định của pháp luật.

Điều 21. Giải quyết khó khăn, vướng mắc

Trong quá trình thực hiện Quy chế, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức liên quan có ý kiến bằng văn bản gửi về Sở Tư pháp để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 60/2011/QĐ-UBND ngày 03/11/2011 về Quy chế phối hợp liên ngành về cung cấp, tiếp nhận, xử lý thông tin lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.396

DMCA.com Protection Status
IP: 3.149.29.98
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!