Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 338/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 19/02/2013 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 338/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 19 tháng 02 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT “CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN LÝ LỊCH TƯ PHÁP ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN 2030”

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật lý lịch tư pháp ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn 2030” kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện Quyết định này.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
 - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, PL (3b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

CHIẾN LƯỢC

PHÁT TRIỂN LÝ LỊCH TƯ PHÁP ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 19 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ)

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH CHIẾN LƯỢC

1. Bối cảnh

Lý lịch tư pháp có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống dân sự của công dân, trong quản lý nhân sự và hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự, đáp ứng yêu cầu chứng minh về nhân thân tư pháp của cá nhân cũng như tạo điều kiện cho người bị kết án trong việc xóa án tích, tái hòa nhập cộng đồng.

Ở hầu hết các nước, hệ thống quản lý lý lịch tư pháp đã được thiết lập, phát triển từ hàng chục đến hàng trăm năm nay, có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm tính minh bạch, bảo đảm thực hiện các quyền dân chủ của công dân; là phương tiện để thực hiện xóa án tích trong trường hợp người bị kết án đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích. Lý lịch tư pháp cũng chính là công cụ hỗ trợ các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc xác định các tình tiết tái phạm hay tái phạm nguy hiểm khi giải quyết các vụ việc cụ thể.

Chế định lý lịch tư pháp ở Việt Nam đã có lịch sử hơn 100 năm nay, nhưng trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Nhà nước ta vẫn duy trì chế độ lý lịch tư pháp do Bộ Tư pháp và Tòa án đảm nhiệm. Ngày 02 tháng 11 năm 1955, Bộ Tư pháp và Bộ Công an đã ban hành Thông tư liên bộ số 1909-VHC về việc theo dõi lý lịch tư pháp và căn cước của bị can và những người bị tình nghi. Theo đó, nhiệm vụ quản lý lý lịch tư pháp được chuyển giao, tập trung vào một đầu mối do Bộ Công an đảm nhiệm.

Bước vào thời kỳ đổi mới, bắt đầu từ Nghị định số 38/CP ngày 04 tháng 6 năm 1993 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp cho đến nay, Chính phủ đã giao nhiệm vụ quản lý lý lịch tư pháp cho Bộ Tư pháp.

Luật lý lịch tư pháp được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2009 và có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2010 đã đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế về lý lịch tư pháp tại Việt Nam. Sự ra đời của Luật lý lịch tư pháp và tiếp sau là các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này đã tạo hành lang pháp lý quan trọng, đầy đủ để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp từng bước vững chắc theo đúng nguyên tắc của hoạt động lý lịch tư pháp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trước mắt và lâu dài; gắn việc quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp với cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành cải cách tư pháp mạnh mẽ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

2. Cơ sở chính trị, pháp lý

Ngày 02 tháng 6 năm 2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó, đặt ra một trong những định hướng quan trọng là “tổ chức các cơ quan tư pháp và các chế định bổ trợ tư pháp hợp lý, khoa học và hiện đại”. Để thể chế hóa nội dung của Nghị quyết này, tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật lý lịch tư pháp.

Một trong những phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp theo tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW là “hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự và dân sự phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Luật lý lịch tư pháp đã khẳng định: lý lịch tư pháp là lý lịch về án tích của người bị kết án và về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản. Mục đích quản lý lý lịch tư pháp không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu cần chứng minh cá nhân có hay không có án tích, có bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản; ghi nhận việc xóa án tích, tạo điều kiện cho người đã bị kết án tái hòa nhập cộng đồng mà còn hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự và thống kê tư pháp hình sự; hỗ trợ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã. Nhằm thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp theo phương hướng coi trọng việc hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, hoạt động lý lịch tư pháp cần phát triển theo hướng là công cụ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động tư pháp hình sự.

Ngày 08 tháng 11 năm 2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30c/NQ-CP ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, trong đó trọng tâm là “... nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công”. Điều này đòi hỏi cần thiết phải phát triển lý lịch tư pháp để bảo đảm công tác quản lý lý lịch tư pháp được thông suốt, chuyên nghiệp, hoạt động ngày càng hiệu quả, từng bước hiện đại hóa, cải cách, thủ tục giải quyết yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo hướng minh bạch, đơn giản, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức, bảo đảm tôn trọng quyền dân chủ, bảo đảm bí mật đời tư của công dân.

3. Thực trạng công tác lý lịch tư pháp trong thời gian qua

a) Những kết quả đạt được

Luật lý lịch tư pháp đặt ra những nhiệm vụ hoàn toàn mới, phức tạp và khó khăn, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị chu đáo về tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất kỹ thuật, đội ngũ chuyên gia cùng với sự phối hợp giữa các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, Công an, Quốc phòng, các cơ quan, tổ chức khác có liên quan với Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp trong việc tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, phục vụ công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Trong thời gian hơn 02 năm thực hiện Luật lý lịch tư pháp, công tác lý lịch tư pháp đã đạt được những kết quả quan trọng, cụ thể như sau:

Thứ nhất, trên cơ sở Luật lý lịch tư pháp và Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23 tháng 11 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật lý lịch tư pháp, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia thuộc Bộ Tư pháp và kiện toàn tổ chức thuộc Sở Tư pháp để xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tương xứng với vị trí, nhiệm vụ của công tác lý lịch tư pháp trong tình hình mới. Hiện nay, 05 Phòng Lý lịch tư pháp thuộc Sở Tư pháp 05 thành phố trực thuộc Trung ương đã được thành lập. Tại các tỉnh, đa phần các Sở Tư pháp đã kiện toàn bộ phận lý lịch tư pháp tại Phòng Hành chính tư pháp để thực hiện nhiệm vụ quản lý lý lịch tư pháp;

Thứ hai, Luật lý lịch tư pháp đã tạo cơ sở pháp lý để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp riêng theo đúng nguyên tắc của hoạt động này, theo hướng chuyên nghiệp và từng bước hiện đại, gắn việc xây dựng cơ sở dữ liệu với cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Trước khi Luật lý lịch tư pháp được ban hành, do chưa có cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp riêng, nên trong những năm vừa qua, các Sở Tư pháp phải tra cứu thông tin từ hệ thống tàng thư căn cước can phạm của cơ quan Công an và từ hồ sơ án lưu của Tòa án để làm căn cứ cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho công dân. Hiện nay, thực hiện quy định của Luật lý lịch tư pháp, cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp đang từng bước được xây dựng tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và các Sở Tư pháp trên toàn quốc;

Thứ ba, công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức đang từng bước được cải cách thủ tục, đơn giản hóa và thuận tiện hơn. Công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp có ý nghĩa là một hoạt động phục vụ của Nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu chứng minh về nhân thân tư pháp của cá nhân khi tham gia các quan hệ pháp lý ở trong nước và nước ngoài. Theo số liệu thống kê, tính từ ngày 01 tháng 10 năm 2010 đến ngày 30 tháng 9 năm 2012, các Sở Tư pháp và Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã cấp 261.416 Phiếu lý lịch tư pháp theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Nhận thức của xã hội về ý nghĩa, giá trị của Phiếu lý lịch tư pháp ngày càng được nâng lên. Sự phát triển của nền kinh tế thị trường làm cho các quan hệ xã hội cũng ngày càng phong phú và đa dạng. Phiếu lý lịch tư pháp được coi là giấy tờ pháp lý quan trọng chứng minh cá nhân có hay không có án tích khi tham gia vào các quan hệ pháp lý, đặc biệt là trong tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế. Vì vậy, hiện nay có nhiều văn bản của Nhà nước ta quy định về việc phải có Phiếu lý lịch tư pháp khi tham gia vào các quan hệ pháp lý, theo đó Phiếu lý lịch tư pháp trở thành một trong những giấy tờ bắt buộc phải có của cá nhân. Bên cạnh đó, Luật lý lịch tư pháp đã hình thành cơ chế cập nhật và xử lý thông tin về đương nhiên được xóa án tích của người bị kết án. Theo đó, thông qua việc cập nhật, xử lý thông tin lý lịch tư pháp, nếu thấy người bị kết án đã có đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích theo quy định của Bộ luật hình sự, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp sẽ cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức và ghi là “không có án tích”.

b) Những hạn chế, bất cập

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lý lịch tư pháp vẫn còn những hạn chế, bất cập, cụ thể như sau:

Một là, công tác xây dựng cơ sở dữ liệu vẫn gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng, từ mặt lý luận cho tới kinh nghiệm thực tiễn; từ định hướng, khái quát về quy mô, cấu trúc cơ sở dữ liệu cho tới việc tổ chức thực hiện; từ công nghệ, kỹ thuật cho tới quy trình, thủ tục và các tác nghiệp cụ thể... Để xây dựng và vận hành thành công cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp đáp ứng các yêu cầu của Luật lý lịch tư pháp thì việc triển khai tổ chức thực hiện phải được bắt đầu từ những định hướng mang tính chiến lược;

Hai là, công tác phối hợp giữa các cơ quan chưa đi vào nền nếp, lượng thông tin do các cơ quan đầu mối cung cấp cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp chưa đầy đủ, kịp thời thông tin lý lịch tư pháp phát sinh trên thực tế. Theo số liệu thống kê năm 2011, Tòa án các cấp đã thụ lý 326.268 vụ án các loại, trong đó có 76.894 là án hình sự. Do vậy, hằng năm số lượng thông tin lý lịch tư pháp do các cơ quan Tòa án cung cấp phải lên tới con số vài trăm nghìn thông tin. Ngoài ra, còn hàng trăm nghìn thông tin lý lịch tư pháp liên quan đến tình trạng thi hành bản án do các cơ quan khác (Viện kiểm sát, Công an, Thi hành án dân sự...) cung cấp. Tuy nhiên, trên thực tế, qua hơn hai năm thực hiện Luật lý lịch tư pháp, các Sở Tư pháp trên toàn quốc mới chỉ nhận được hơn 300.000 thông tin lý lịch tư pháp. Bên cạnh đó, đối với thông tin về việc cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp; hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì hầu như các Tòa án chưa chủ động cung cấp cho Sở Tư pháp theo quy định của Luật lý lịch tư pháp;

Ba là, tổ chức bộ máy, biên chế nhân sự phục vụ công tác lý lịch tư pháp chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Tại các Sở Tư pháp, tính đến ngày 30 tháng 9 năm 2012, chỉ có 97 biên chế làm công tác lý lịch tư pháp, trong đó có 13/63 Sở Tư pháp được bố trí đủ số biên chế chuyên trách tối thiểu, có 30/63 Sở Tư pháp vẫn chưa được bổ sung đủ số biên chế chuyên trách tối thiểu; 20/63 Sở Tư pháp còn lại chưa được bổ sung biên chế chuyên trách làm công tác lý lịch tư pháp. Việc thực hiện nhiệm vụ về lý lịch tư pháp tại 20 Sở Tư pháp này do cán bộ làm công tác hành chính tư pháp của Sở Tư pháp kiêm nhiệm và sử dụng thêm lao động hợp đồng. Như vậy, số lượng biên chế làm công tác lý lịch tư pháp hiện nay còn quá ít, chưa được 1/2 so với số lượng biên chế tối thiểu theo Quyết định số 2369/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và kiện toàn tổ chức thuộc Sở Tư pháp để xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp”.

Bên cạnh đó, chất lượng của đội ngũ công chức, viên chức làm công tác lý lịch tư pháp tại các địa phương chưa có được trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu do nhiều người chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn nghiệp vụ lý lịch tư pháp. Công tác đào tạo nghiệp vụ lý lịch tư pháp thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, chương trình, nội dung đào tạo chưa bài bản, chuyên nghiệp; đội ngũ giảng viên cũng chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn về công tác này, đặc biệt là về nghiệp vụ, kỹ năng xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Một số địa phương chưa được bố trí biên chế chuyên trách làm công tác này, do vậy, việc cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo nghiệp vụ lý lịch tư pháp rất khó khăn. Trong khi đó, thực tế có địa phương sau khi cử người tham gia khóa đào tạo về nghiệp vụ lý lịch tư pháp, khi trở lại địa phương công tác thì không được bố trí làm công tác lý lịch tư pháp mà lại điều chuyển sang làm công việc khác do yêu cầu của thực tiễn công tác tư pháp tại địa phương;

Bốn là, mô hình cơ sở dữ liệu hai cấp tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia thuộc Bộ Tư pháp và tại 63 Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã bắt đầu bộc lộ hạn chế, bất cập. Mô hình cơ sở dữ liệu hai cấp là khả thi trong giai đoạn đầu khi Luật lý lịch tư pháp mới có hiệu lực pháp luật. Mô hình này tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan ở địa phương trong việc phối hợp cung cấp, tiếp nhận thông tin; giảm sức ép về khối lượng thông tin phải tiếp nhận, xử lý. Tuy nhiên, trong điều kiện phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, việc xây dựng cơ sở dữ liệu theo mô hình hai cấp sẽ sớm không còn phù hợp do mô hình này dẫn đến nhiều khó khăn, bất cập cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu vì thông tin thường xuyên phải trao đổi qua lại giữa các cơ quan ở Trung ương và địa phương, mất nhiều chi phí và thời gian. Mặt khác, mô hình cơ sở dữ liệu hai cấp cũng khó bảo đảm yêu cầu về an toàn, tính chính xác và đồng bộ của dữ liệu do có quá nhiều đầu mối tiếp nhận, xử lý, cập nhật thông tin. Hiện nay, số cơ quan có nhiệm vụ tiếp nhận, cập nhật, xử lý thông tin lý lịch tư pháp để xây dựng cơ sở dữ liệu lý tịch tư pháp là 64 đầu mối (bao gồm Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và 63 Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương). Mỗi cơ quan, đơn vị đầu mối có nhiệm vụ tiếp nhận nhiều loại thông tin lý lịch tư pháp khác nhau do các cơ quan có thẩm quyền cung cấp. Theo đó, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia có nhiệm vụ tiếp nhận, cập nhật, xử lý thông tin lý lịch tư pháp từ khoảng 200 đầu mối (gồm các trại giam, trại tạm giam, Tòa án quân sự Trung ương, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cục theo dõi thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Phòng theo dõi thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an cấp tỉnh và 63 Sở Tư pháp). Mỗi Sở Tư pháp có nhiệm vụ tiếp nhận, cập nhật, xử lý thông tin lý lịch tư pháp của hơn 100 đầu mối (gồm Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, 62 Sở Tư pháp khác trong cả nước, cơ quan Tòa án, cơ quan Thi hành án dân sự, Công an cấp huyện và các cơ quan, tổ chức khác trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương). Bên cạnh việc tiếp nhận, cập nhật, xử lý thông tin lý lịch tư pháp, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và các Sở Tư pháp còn có nhiệm vụ tiếp nhận, cập nhật, xử lý các thông tin về thay đổi, cải chính hộ tịch và thông tin về chứng từ do cơ quan đăng ký hộ tịch cung cấp để rà soát, đối chiếu, cập nhật vào cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp;

Năm là, quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật về lý lịch tư pháp hiện hành thiếu tính đồng bộ, chưa phù hợp với thực tiễn, chưa phù hợp với các văn bản pháp luật có liên quan, đặc biệt là mối quan hệ giữa Luật Lý lịch tư pháp với pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, thi hành án hình sự. Hiện nay, các quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, thi hành án hình sự mặc dù có khá nhiều quy định liên quan đến án tích và xóa án tích, tái phạm, tái phạm nguy hiểm, nhưng lại chưa có quy định về lý lịch tư pháp. Nhiều quy định trong pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, thi hành án hình sự chưa có sự thống nhất, đồng bộ với pháp luật về lý lịch tư pháp. Trong khi đó, kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, lý lịch tư pháp là hoạt động bổ trợ cho giai đoạn tố tụng, đặc biệt là với công tác xét xử. Phiếu lý lịch tư pháp là căn cứ quan trọng để Tòa án xem xét nhân thân của bị cáo, là nguồn thông tin chính thức để Tòa án xem xét các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ đối với bị cáo trong quá trình giải quyết các vụ án cụ thể.

c) Nguyên nhân của hạn chế, bất cập

Sở dĩ công tác lý lịch tư pháp còn tồn tại những hạn chế, bất cập nêu trên là do một số nguyên nhân cơ bản sau đây:

- Nguyên nhân chủ quan:

+ Nhận thức của một bộ phận lãnh đạo, cán bộ, công chức, kể cả những người làm công tác tư pháp về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác lý lịch tư pháp còn hạn chế, chưa hiểu đầy đủ và đánh giá đúng mức vai trò, ý nghĩa của lý lịch tư pháp trong quản lý nhà nước, trong đời sống xã hội và trong hoạt động tố tụng hình sự;

+ Công tác phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong công tác lý lịch tư pháp chưa đi vào nề nếp, chưa thực hiện đầy đủ, đúng quy định của Luật lý lịch tư pháp và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật;

+ Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ kỹ năng của đội ngũ công chức, viên chức làm công tác lý lịch tư pháp hiện nay chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ;

+ Cơ sở vật chất bảo đảm cho công tác lý lịch tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Mức độ ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xây dựng, quản lý, lưu trữ, sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp còn hạn chế, chậm và chưa đồng đều giữa các cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.

- Nguyên nhân khách quan:

+ Hoạt động xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp là nhiệm vụ hoàn toàn mới đối với ngành Tư pháp, đồng thời là nghiệp vụ rất chuyên sâu, phức tạp, có liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức;

+ Những nội dung cải cách tư pháp liên quan đến hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, cải cách mô hình tổ chức hệ thống tòa án đang trong quá trình hoàn thiện, đã ảnh hưởng đến tổ chức cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, ảnh hưởng đến công tác xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp;

+ Thể chế về tổ chức, hoạt động lý lịch tư pháp vẫn còn tồn tại một số bất cập, hạn chế như: Mô hình tổ chức của Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia theo quy định của Luật lý lịch tư pháp và Nghị định số 111/2010/NĐ-CP đã bộc lộ những bất cập, ảnh hưởng đến tổ chức và hoạt động của công tác lý lịch tư pháp. Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia mới chỉ được xác định là đơn vị sự nghiệp. Trong khi đó, công tác xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp là một trong các nội dung chính yếu và không thể tách rời của công tác quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp.

4. Xu hướng phát triển lý lịch tư pháp tại Việt Nam

Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, đặc biệt trước yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp, phát huy dân chủ và thực hiện công bằng xã hội, tổ chức và hoạt động lý lịch tư pháp ở nước ta có nhiều thời cơ, vận hội với những bước phát triển mới.

Tại Việt Nam, để xây dựng hệ thống dữ liệu lý lịch tư pháp từng bước vững chắc theo đúng nguyên tắc của hoạt động này, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài, cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cần được xây dựng theo mô hình tập trung, thống nhất (mô hình cơ sở dữ liệu một cấp). Việc xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp theo mô hình một cấp sẽ khắc phục được những hạn chế, bất cập của mô hình cơ sở dữ liệu hai cấp, bảo đảm tiết kiệm về chi phí, thời gian, đồng thời cũng hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển chung của hầu hết các nước trên thế giới về tổ chức cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.

Tại nhiều nước trên thế giới (Pháp, Đức, Bỉ, Thụy Điển, Tây Ban Nha...), cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp được xây dựng, phát triển theo mô hình một cấp. Lý lịch tư pháp là thiết chế hỗ trợ đắc lực cho hoạt động tố tụng hình sự, quản lý nhà nước và đáp ứng yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Trước yêu cầu đẩy mạnh cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, hoạt động lý lịch tư pháp ở nước ta cần được phát triển theo hướng phát huy vai trò là công cụ pháp lý quan trọng hỗ trợ cho hoạt động tố tụng hình sự, nhằm bảo đảm tốt hơn nữa quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

Mặt khác, trong đời sống xã hội dân sự, Phiếu lý lịch tư pháp ngày càng trở nên quan trọng và cần thiết đối với mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức. Phiếu lý lịch tư pháp được coi là một trong những giấy tờ chứng minh cá nhân có hay không có án tích khi tham gia vào các quan hệ pháp lý. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trước yêu cầu, đòi hỏi của xã hội và xu hướng hội nhập khu vực và quốc tế, đã có hơn 60 văn bản quy định về việc cá nhân phải có Phiếu lý lịch tư pháp khi tham gia vào các quan hệ xã hội như xin thôi, nhập quốc tịch Việt Nam; xin con nuôi; hành nghề luật sư, v.v...

Cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước, đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện, dân trí ngày càng được nâng cao, ý thức pháp luật của người dân sẽ chuyển biến sâu sắc, trong đó có việc nhận thức rõ hơn về vai trò của Phiếu lý lịch tư pháp trong việc chứng minh về nhân thân tư pháp của cá nhân cũng như tạo điều kiện cho người bị kết án trong việc xóa án tích, tái hòa nhập cộng đồng. Có thể thấy, nhu cầu của người dân, cơ quan, tổ chức về việc sử dụng Phiếu lý lịch tư pháp trong tương lai, đặc biệt là trong hoạt động tố tụng hình sự được dự báo ngày càng tăng và có ý nghĩa thật sự quan trọng trong quản lý xã hội, trong hoạt động của các cơ quan tư pháp, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Từ những lý do như đã phân tích ở trên, việc xây dựng và ban hành “Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn 2030” là rất cần thiết.

II. QUAN ĐIỂM ĐỊNH HƯỚNG, MỤC TIÊU

1. Quan điểm định hướng phát triển lý lịch tư pháp

a) Phát triển lý lịch tư pháp theo từng cấp độ, bảo đảm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật và định hướng phát triển ngành Tư pháp và bắt kịp sự phát triển của thế giới; có sự gắn kết với tiến độ thực hiện cải cách hệ thống cơ quan tiến hành tố tụng; góp phần bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền công dân; nâng cao chất lượng thực thi công vụ và trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

b) Phát triển lý lịch tư pháp phải gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức làm công tác lý lịch tư pháp, hướng tới xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp quốc gia tập trung, thống nhất, đáp ứng tốt nhất yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả hướng tới một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ nhân dân.

c) Công tác quản lý lý lịch tư pháp phải có sự gắn kết với hệ thống cơ sở dữ liệu của cơ quan Tòa án, Kiểm sát, Công an, Quốc phòng và các hệ thống quản lý dân cư khác; đồng thời phải tạo ra các tiền đề để khai thác các lợi ích của quản lý lý lịch tư pháp phục vụ cho các lĩnh vực quản lý nhà nước liên quan trực tiếp đến cá nhân.

d) Bảo đảm công tác quản lý lý lịch tư pháp phải chặt chẽ, nhưng thủ tục giải quyết yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức phải minh bạch, đơn giản, thuận tiện, tôn trọng bí mật đời tư của cá nhân.

2. Mục tiêu phát triển lý lịch tư pháp

a) Mục tiêu tổng quát

Phát triển lý lịch tư pháp theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, bám sát yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới, trên cơ sở thiết lập, tăng cường cơ chế phối hợp đồng bộ, toàn diện, hiệu quả giữa cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và các cơ quan có liên quan trong việc trao đổi, cung cấp thông tin, hướng tới xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp quốc gia tập trung, thống nhất. Tổ chức, quản lý cơ quan quản lý lý lịch tư pháp hợp lý, khoa học, hiện đại; gắn việc xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp với cấp Phiếu lý lịch tư pháp, đáp ứng tốt nhất yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Đồng thời, phát huy vị trí, vai trò của lý lịch tư pháp theo hướng là công cụ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động tố tụng hình sự.

b) Mục tiêu cụ thể

- Giai đoạn 2013 - 2015:

+ Thiết lập cơ chế phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa cơ quan Tòa án, Kiểm sát, Công an, Quốc phòng, Thi hành án dân sự, các cơ quan, tổ chức khác và cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trong tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin, phục vụ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp;

+ Xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp theo quy định của Luật lý lịch tư pháp và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành (mô hình hai cấp). Đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp để phục vụ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức;

+ Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, bảo đảm mối liên hệ thông suốt giữa Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp trong việc xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; phát huy vai trò chủ động của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trong cập nhật thông tin về đương nhiên xóa án tích của người bị kết án, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ tích cực quá trình tái hòa nhập cộng đồng của người đã chấp hành xong bản án;

+ Triển khai xây dựng và đưa cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử đi vào hoạt động; năm 2013 bảo đảm trên 30% thông tin lý lịch tư pháp chính thức trao đổi giữa Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp được thực hiện dưới dạng điện tử. Từ năm 2014-2015 bảo đảm trên 50% thông tin lý lịch tư pháp chính thức trao đổi giữa Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp được thực hiện dưới dạng điện tử;

+ Nghiên cứu thiết lập cơ chế cung cấp thông tin lý lịch tư pháp dưới dạng điện tử giữa cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và các cơ quan Tòa án, kiểm sát, Công an, Quốc phòng, Thi hành án dân sự qua hệ thống mạng;

+ Năm 2013, bảo đảm bố trí đủ biên chế làm công tác lý lịch tư pháp tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, 50 - 60% Sở Tư pháp được bố trí đủ biên chế theo Quyết định số 2369/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; bảo đảm từ năm 2014 - 2015, 100% địa phương được bố trí đủ biên chế làm công tác lý lịch tư pháp theo Quyết định số 2369/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở xác định vị trí việc làm và cơ cấu công chức, viên chức. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất bổ sung biên chế làm công tác lý lịch tư pháp tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và các Sở Tư pháp, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế;

+ Nâng cao chất lượng của đội ngũ công chức, viên chức làm công tác lý lịch tư pháp; bảo đảm đến năm 2015, trên 80% công chức, viên chức làm công tác lý lịch tư pháp được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ lý lịch tư pháp; nâng cao chất lượng đội ngũ công chức làm công tác tra cứu, xác minh, trao đổi; cung cấp thông tin lý lịch tư pháp tại các cơ quan có liên quan. Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ tư pháp cấp xã trong công tác phối hợp tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp;

+ Bảo đảm thuận lợi cho cá nhân, cơ quan, tổ chức khi có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp; triển khai thí điểm việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua bưu điện, qua mạng - cấp độ 3 của dịch vụ hành chính công trực tuyến (gửi yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua mạng).

- Giai đoạn 2016 - 2020:

+ Tiếp tục tăng cường mối quan hệ phối hợp chặt chẽ, cơ chế phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa cơ quan Tòa án, Kiểm sát, Công an, Quốc phòng, Thi hành án dân sự, các cơ quan, tổ chức khác và cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trong tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin, phục vụ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp;

+ Nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng, quản lý, sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, đặc biệt là dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử. Đến năm 2016, bảo đảm 90 - 95% thông tin lý lịch tư pháp chính thức trao đổi giữa Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp được thực hiện dưới dạng điện tử;

+ Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tập trung, thống nhất tại Bộ Tư pháp (mô hình cơ sở dữ liệu một cấp). Từ năm 2018, trên cơ sở sửa đổi, bổ sung Luật lý lịch tư pháp, xây dựng lộ trình chuyển đổi mô hình cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp từ 02 cấp sang mô hình 01 cấp. Năm 2020, triển khai từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp quốc gia tập trung, thống nhất tại Bộ Tư pháp;

+ Triển khai thực hiện cung cấp, trao đổi thông tin lý lịch tư pháp dưới dạng điện tử giữa cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và các cơ quan Tòa án, Kiểm sát, Công an, Thi hành án dân sự qua hệ thống mạng trên cơ sở điều kiện về trang thiết bị, phương tiện làm việc và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan;

+ Thiết lập kết nối, chia sẻ thông tin giữa cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp với các cơ sở dữ liệu khác như hộ tịch, dân cư, hộ khẩu, chứng minh nhân dân trên cơ sở có sự phối hợp, liên kết chặt chẽ và bảo đảm tương thích, phù hợp với điều kiện về trang thiết bị, phương tiện làm việc và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan quản lý các cơ sở dữ liệu này;

+ Xây dựng đội ngũ công chức, viên chức làm công tác lý lịch tư pháp chuyên nghiệp theo hướng có chức danh cụ thể, bảo đảm 90 - 95% công chức, viên chức làm công tác lý lịch tư pháp được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ lý lịch tư pháp. Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức làm công tác tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp tại các cơ quan có liên quan;

+ Triển khai hình thức cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua mạng - cấp độ 4 của dịch vụ hành chính công trực tuyến (nhận và trả kết quả qua mạng).

- Định hướng đến năm 2030:

Xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp theo mô hình 01 cấp. Nâng cấp, hoàn thiện cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp quốc gia, bảo đảm thực hiện cung cấp, tiếp nhận, chia sẻ thông tin giữa cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và các cơ quan có liên quan qua hệ thống mạng trực tuyến. Phát huy vai trò của Phiếu lý lịch tư pháp là công cụ hỗ trợ quá trình điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng;

Nghiên cứu mở rộng phạm vi quản lý lý lịch tư pháp. Bảo đảm trên 50% văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và các cơ quan có liên quan được thực hiện dưới dạng điện tử;

Bảo đảm thuận lợi, đáp ứng tốt nhất yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo hướng cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể yêu cầu Cơ quan quản lý lý lịch tư pháp thuộc Bộ Tư pháp hoặc các Sở Tư pháp giải quyết thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp, không phụ thuộc vào nơi cư trú của người được cấp Phiếu;

Cơ quan quản lý lý lịch tư pháp thuộc Bộ Tư pháp và các Sở Tư pháp thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên cơ sở tra cứu thông tin từ cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp quốc gia qua hệ thống mạng trực tuyến. Bảo đảm thực hiện giải quyết yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua mạng trực tuyến.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Các giải pháp chung

a) Hoàn thiện hệ thống pháp luật về lý lịch tư pháp, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho tổ chức và hoạt động lý lịch tư pháp; hoàn thiện pháp luật có liên quan, đặc biệt là pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự nhằm phát huy vai trò của lý lịch tư pháp trong hoạt động tố tụng hình sự;

b) Thiết lập, tăng cường và hoàn thiện mối quan hệ phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp;

c) Kiện toàn tổ chức bộ máy; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức, nâng cao tính chuyên nghiệp của hoạt động lý lịch tư pháp;

d) Bảo đảm cơ sở vật chất, kỹ thuật để thực hiện nhiệm vụ quản lý lý lịch tư pháp. Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp;

đ) Tăng cường hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của cá nhân, cơ quan, tổ chức về lý lịch tư pháp;

e) Tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi, học tập kinh nghiệm về tổ chức, quản lý lý lịch tư pháp theo hướng tiếp thu, học hỏi có chọn lọc để phát triển phù hợp với các điều kiện hiện nay và trong tương lai ở Việt Nam.

2. Các giải pháp cụ thể

a) Giai đoạn 2013 -2015:

- Hoàn thiện thể chế bảo đảm thi hành Luật lý lịch tư pháp:

+ Khẩn trương ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết cho việc triển khai thi hành Luật lý lịch tư pháp;

+ Nghiên cứu, đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến lý lịch tư pháp trong Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự;

+ Hoàn thiện và trình Quốc hội ban hành Luật hộ tịch, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch, tạo tiền đề thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin với cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp;

+ Nghiên cứu xây dựng văn bản quy định về chế độ, chính sách cho đội ngũ công chức, viên chức làm công tác tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp.

- Triển khai cung cấp thông tin lý lịch tư pháp dưới dạng dữ liệu điện tử giữa Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và các Sở Tư pháp.

- Kiện toàn cơ cấu tổ chức Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Phòng Lý lịch tư pháp và bộ phận lý lịch tư pháp thuộc Phòng Hành chính tư pháp tại các Sở Tư pháp.

- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức làm công tác lý lịch tư pháp, chú trọng bồi dưỡng kỹ năng sử dụng phần mềm, quản trị mạng, v.v...; tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ công chức, viên chức làm công tác tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp tại các cơ quan có liên quan.

- Đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp để thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp bằng văn bản giấy và dữ liệu điện tử. Triển khai sử dụng chính thức phần mềm quản lý lý lịch tư pháp tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và tại các Sở Tư pháp. Đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các bộ, ngành có liên quan để thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới việc trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp dưới dạng điện tử cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.

- Tăng cường công tác tuyên truyền về lý lịch tư pháp. Xây dựng Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Luật lý lịch tư pháp và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức biên soạn tài liệu tuyên truyền như sách hỏi đáp pháp luật, cẩm nang nghiệp vụ để cán bộ làm công tác lý lịch tư pháp, người dân, cơ quan, tổ chức hiểu rõ hơn về lý lịch tư pháp. Tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ, công chức cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, Công an, Quốc phòng về nhiệm vụ của các cơ quan trong việc phối hợp với cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trong tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp.

- Tăng cường hợp tác, trao đổi, học tập kinh nghiệm về xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp với các nước trong khu vực và trên thế giới. Qua đó, đề xuất các chủ trương, chính sách phát triển hoạt động lý lịch tư pháp, bảo đảm phù hợp với thực tiễn Việt Nam làm cơ sở cho việc sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về lý lịch tư pháp.

b) Giai đoạn 2016 - 2020:

- Hoàn thiện thể chế về lý lịch tư pháp và các văn bản pháp luật có liên quan:

+ Nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn việc thi hành Luật lý lịch tư pháp và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật lý lịch tư pháp theo hướng khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động lý lịch tư pháp; phát huy vai trò, giá trị của Phiếu lý lịch tư pháp trong quản lý nhà nước, đời sống xã hội và trong hoạt động tố tụng; xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp theo mô hình một cấp; bảo đảm thuận lợi trong trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp giữa các cơ quan có liên quan và cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, đáp ứng tốt nhất yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức;

+ Nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về vai trò của hoạt động lý lịch tư pháp trong tiến trình cải cách tư pháp, đặc biệt là cải cách quy trình tố tụng. Từ đó, đưa ra kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự có liên quan đến hoạt động lý lịch tư pháp;

+ Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định về chức danh công chức, viên chức làm công tác lý lịch tư pháp. Nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách phù hợp cho đội ngũ công chức, viên chức làm công tác tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp thuộc Bộ Tư pháp và thuộc các cơ quan có liên quan.

- Tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp giữa cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và các cơ quan có liên quan dưới dạng điện tử.

- Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức làm công tác lý lịch tư pháp; thu hút nguồn lực tham gia công tác lý lịch tư pháp nhằm nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức, chính trị của công chức, viên chức làm công tác lý lịch tư pháp:

+ Nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo nghiệp vụ lý lịch tư pháp theo hướng tiếp cận chương trình đào tạo tiên tiến của các nước trong khu vực và trên thế giới; lựa chọn công chức đi đào tạo chuyên sâu ở nước ngoài để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế;

+ Tăng cường công tác bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ công chức, viên chức làm công tác tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của các cơ quan có liên quan và cán bộ làm công tác tiếp nhận, xử lý thông tin lý lịch tư pháp của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp nói riêng;

+ Có cơ chế, chính sách thu hút những người có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về công tác lý lịch tư pháp. Khuyến khích, ưu tiên công chức, viên chức làm công tác lý lịch tư pháp tại các Sở Tư pháp về làm việc tại các tổ chức thuộc Cơ quan quản lý lý lịch tư pháp thuộc Bộ Tư pháp. Thực hiện đa dạng hóa nguồn tuyển dụng để phù hợp với đặc thù xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.

- Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý lý lịch tư pháp; nâng cấp, hoàn thiện các phần mềm phục vụ hoạt động quản lý lý lịch tư pháp; đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp theo mô hình một cấp tại cơ quan quản lý lý lịch tư pháp thuộc Bộ Tư pháp. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các cơ quan có liên quan, hướng tới việc kết nối với cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trong việc tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp dưới dạng dữ liệu điện tử.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lý lịch tư pháp cho người dân, cơ quan, tổ chức.

- Tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế với các nước để chia sẻ kinh nghiệm, thu hút sự hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính cho hoạt động lý lịch tư pháp và đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ lý lịch tư pháp ở nước ngoài.

c) Định hướng đến năm 2030:

- Hoàn thiện thể chế về lý lịch tư pháp và các văn bản pháp luật có liên quan theo hướng bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và toàn diện của chế định lý lịch tư pháp trong hệ thống pháp luật và phát huy vị trí, vai trò của lý lịch tư pháp theo hướng là công cụ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động tư pháp hình sự.

- Tăng cường mối quan hệ phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua môi trường mạng; tăng cường công tác phối hợp chia sẻ thông tin qua mạng giữa cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp với một số cơ sở dữ liệu khác như hộ tịch, dân cư, hộ khẩu, chứng minh nhân dân.

- Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng tiếp nhận, xử lý, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp cho đội ngũ công chức, viên chức làm công tác lý lịch tư pháp gắn với các chức danh cán bộ làm công tác lý lịch tư pháp. Tiếp tục tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng cung cấp, trao đổi, xác minh thông tin lý lịch tư pháp cho đội ngũ cán bộ làm công tác cung cấp, trao đổi, xác minh thông tin lý lịch tư pháp thuộc các bộ, ngành và đội ngũ cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã.

- Tiếp tục triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý lý lịch tư pháp, bảo đảm thực hiện xây dựng, tổ chức cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp quốc gia và hệ thống cơ quan quản lý lý lịch tư pháp theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các cơ quan có liên quan, bảo đảm việc trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp được thực hiện dưới dạng điện tử.

- Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về lý lịch tư pháp dưới nhiều hình thức.

- Tiếp tục tăng cường hợp tác có hiệu quả về lý lịch tư pháp giữa Việt Nam và các nước trong khu vực và trên thế giới, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

IV. CÁC ĐỀ ÁN THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC

1. Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia lý lịch tư pháp.

- Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp.

- Cơ quan phối hợp: Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Thời gian thực hiện: năm 2013 - 2014.

2. Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua bưu điện, qua mạng - cấp độ 3 của dịch vụ hành chính công trực tuyến.

- Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp.

- Cơ quan phối hợp: Bộ Công an, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Thời gian thực hiện: năm 2013 - 2015.

3. Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án chuyển đổi mô hình cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp từ 02 cấp sang 01 cấp.

- Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp.

- Cơ quan phối hợp: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Thời gian thực hiện: năm 2018 - 2020.

4. Bộ Tư pháp xây dựng, ban hành các Đề án xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác lý lịch tư pháp.

- Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp.

- Cơ quan phối hợp: Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thời gian thực hiện: năm 2016 - 2020.

5. Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp giữa cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và các cơ quan có liên quan dưới dạng dữ liệu điện tử.

- Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp.

- Cơ quan phối hợp: Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Thời gian thực hiện: năm 2016 - 2020.

6. Xây dựng, ban hành Đề án kết nối, trao đổi thông tin giữa cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp với cơ sở dữ liệu hộ tịch, dân cư, hộ khẩu, chứng minh nhân dân.

- Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp.

- Cơ quan phối hợp: Bộ Công an, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Thời gian thực hiện: năm 2016 - 2020.

7. Xây dựng, ban hành Đề án thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua mạng trực tuyến - cấp độ 4 của dịch vụ hành chính công trực tuyến.

- Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp.

- Cơ quan phối hợp: Bộ Công an, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Thời gian thực hiện: năm 2016 - 2020.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC

1. Phân công trách nhiệm

a) Bộ Tư pháp có trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan,  Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng lộ trình và kế hoạch tổng thể triển khai Chiến lược; xây dựng Kế hoạch triển khai Chiến lược trong từng giai đoạn, huy động các nguồn lực về tài chính, nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật trong việc triển khai Chiến lược;

- Chủ trì xây dựng các Đề án thực hiện Chiến lược;

- Chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cơ quan, tổ chức khác trong việc hoàn thiện pháp luật về lý lịch tư pháp và pháp luật có liên quan;

- Chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong việc tăng cường công tác phối hợp tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp, phục vụ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp;

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu hoàn thiện văn bản pháp luật về tổ chức bộ máy làm công tác lý lịch tư pháp;

- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức làm công tác lý lịch tư pháp;

- Phối hợp với Bộ Nội vụ trong việc bảo đảm bố trí đủ biên chế làm công tác lý lịch tư pháp tại cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp thuộc Bộ Tư pháp và tại các Sở Tư pháp; xây dựng, ban hành văn bản pháp luật về chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cán bộ làm công tác lý lịch tư pháp;

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện Chiến lược.

b) Bộ Công an có trách nhiệm:

- Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Công an, Công an địa phương thực hiện cung cấp, trao đổi thông tin lý lịch tư pháp cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, phục vụ việc xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp;

- Phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc xây dựng các Đề án có liên quan để thực hiện Chiến lược;

- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về lý lịch tư pháp cho đội ngũ cán bộ làm công tác tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp.

c) Bộ Quốc phòng có trách nhiệm:

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan trong Quân đội nhân dân thực hiện cung cấp thông tin lý lịch tư pháp cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, phục vụ việc xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp;

- Phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc xây dựng các Đề án có liên quan để thực hiện Chiến lược;

- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về lý lịch tư pháp cho đội ngũ cán bộ làm công tác tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp.

d) Bộ Nội vụ có trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp bảo đảm bố trí phù hợp số lượng biên chế làm công tác lý lịch tư pháp;

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành có liên quan trong việc xây dựng, ban hành văn bản pháp luật về chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức làm công tác lý lịch tư pháp.

đ) Bộ Tài chính có trách nhiệm:

Bảo đảm ngân sách nhà nước cấp hàng năm trên cơ sở dự toán của cơ quan, đơn vị chủ trì hoạt động triển khai thực hiện Chiến lược theo quy định của pháp luật.

e) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm xây dựng, ban hành Kể hoạch triển khai thực hiện Chiến lược tại địa phương phù hợp quy hoạch chung và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;

- Bảo đảm biên chế làm công tác lý lịch tư pháp tại địa phương.

2. Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao:

- Phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện Chiến lược;

- Phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng các Đề án có liên quan để thực hiện Chiến lược.

3. Kinh phí thực hiện Chiến lược:

a) Kinh phí triển khai thực hiện Chiến lược bao gồm kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí huy động, tài trợ (nếu có);

b) Kinh phí triển khai thực hiện Chiến lược từ nguồn ngân sách nhà nước được bố trí theo dự toán ngân sách của các cơ quan, đơn vị chủ trì hoạt động triển khai Chiến lược. ...

c) Kinh phí xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược, tổ chức tuyên truyền về nội dung Chiến lược, tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết và các nhiệm vụ, giải pháp khác được cấp trong dự toán hàng năm của các Bộ, ngành, địa phương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước./.

THE PRIME MINISTER
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No. 338/QD-TTg

Hanoi, February 19, 2013

 

DECISION

APPROVING THE STRATEGY ON DEVELOPMENT OF JUDICIAL RECORD BY 2020, WITH A VISION TO 2030

THE PRIME MINISTER

Pursuant to the December 25, 2001 Law on Organization of the Government;

Pursuant to the Law on Judicial record dated June 17, 2009;

At the proposal of the Minister of Justice,

DECIDES:

Article 1. To approve the “Strategy for development of judicial record by 2020, with a vision to 2030 together with this Decision.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 3. The Ministry of Justice shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the ministries and sectors concerned to execute this Decision.

Ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of government-attached agencies, and Chairman of People’s Committees of centrally-affiliated provinces and cities are liable to execute this Decision.

 

 

PRIME MINISTER




Nguyen Tan Dung

 

STRATEGY FOR DEVELOPMENT

OF JUDICIAL RECORD BY 2020, WITH A VISION TO 2030
(Promulgated together with the Prime Minister's Decision No. 338/QD-TTg of February 19, 2013)

I. THE NECESSITY TO PROMULGATE THE STRATEGY

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Judicial record are of extremely important significance to the civil life of citizens, personnel management and criminal procedure activities, satisfying the requirements of proving personal judicial details as well as creating conditions for convicts in having their criminal records expunged and in re-integrating into the community.

In most countries, the judicial record management systems have been established and developed for tens or hundreds of years, playing an important role in assuring transparency and guaranteeing the exercise of citizens’ democratic rights, which serve as a means to expunge criminal records when convicts meet all conditions for automatic expungement of criminal records. Judicial record also serve as an instrument for the procedure-conducting agencies to identify circumstances of recidivism or dangerous recidivism when dealing with specific cases.

The institution on judicial record has existed in Vietnam for more than 100 years but undergone different periods. After the August 1945 Revolution, the Vietnamese State still maintained the regime on judicial record managed by the Ministry of Justice and courts. On November 2, 1955, the Ministry of Justice and the Ministry of Public Security issued the Joint Circular No. 1909-VHC on the monitoring of judicial record and personal identification papers of the accused and suspects. Accordingly, the management of judicial record was transferred to and performed only by the Ministry of Public Security.

Stepping into the period of renovation, starting from the Decree No. 38/CP of June 4, 1993, defining the functions, tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Justice, the Government has assigned the management of judicial record to the Ministry of Justice.

The Law on Judicial record, passed on June 17, 2009, by the XIIth National Assembly and taking effect on July 1, 2010, has marked a leap - and - bound development in the process of formulating and finalizing the institution on judicial record in Vietnam. The Law on Judicial record and guiding documents have created important complete legal framework for building incrementally strong databases on judicial record on the principles of judicial record activities, meeting both immediate and long-term practical requirements; linking the management of judicial record database to the issuance of Certificate of judicial record in the context where Vietnam is strongly carrying out judicial reforms, building a socialist state of jurisdiction and performing intensive international integration.

2. Political and legal grounds

On June 2, 2005, the Political Bureau promulgated Resolution No. 49-NQ/TW on the Judicial Reform Strategy by 2020, setting one of important orientations “to organize judicial agencies and judicial assistance institutions in a rational, scientific and modem manner”. To institutionalize the contents of this Resolution, the XIIth National Assembly passed the Law on Judicial record at its fifth session.

One of the orientations and tasks of the judicial reform in the spirit of Resolution No.49-NQ/TW is “to complete criminal and civil policies and laws in conformity with the socialist-oriented market economy”. The Law on Judicial record has asserted that judicial record are criminal records of convicts and of the ban on individuals from holding certain positions and forming and managing enterprises or cooperatives in case enterprises or cooperatives are declared bankrupt by the court. The purpose of management of judicial record not only meets the requirements on proving whether or not individuals have criminal records or are banned from holding certain positions, forming and managing enterprises or cooperatives in case enterprises or cooperatives are declared bankrupt by courts, and to recognize the expungement of criminal records, creating conditions for convicts to reintegrate themselves into the community; but also to support criminal procedure activities and criminal judicial statistics, and to support the personnel management and business registration and formation and management of enterprises and cooperatives. In order to perform the judicial reform tasks toward attaching importance to finalizing the criminal policies and law, judicial record activities should develop into an instrument in active support of criminal judicial activities.

On November 8, 2011, the Government issued the Resolution No. 30c/NQ-CP, promulgating the overall state administrative reform program during 2011-2020, focusing on “…raising the quality of administrative services and the quality of public services”. This requires the development of judicial record in order to ensure the smooth, professional and ever effective management of judicial record, the incremental modernization and reform of procedures for settlement of the requests for issuance of Certificate of judicial record toward transparency and simplicity, best satisfying the requirements of individuals, agencies and organizations, respecting the democratic rights and guaranteeing the privacy of citizens.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a/ Achievements

The Law on Judicial record has set completely new, complicated and difficult tasks, requiring the careful preparation of the organizational apparatus, material and technical facilities, a pool of experts as well as the coordination between the Court, the Procuracy, the public security agencies, the national defense agencies and other agencies and organizations related to the Ministry of Justice and Service of Justice in the lookup, verification, exchange and provision of judicial record information for the establishment of judicial record databases to serve the issuance of Certificate of judicial record. Over more than two years of implementing the Law on Judicial record, important results have been obtained in judicial record activities, specifically as follows:

Firstly, on the basis of the Law on Judicial record and the Government’s Decree No. 111/2010/ND-CP of November 23, 2010, detailing and guiding a number of articles of the Law on Judicial record, the Prime Minister decided to form the National Judicial record Center under the Ministry of Justice and consolidate organizations under Service of Justice for the establishment and management of judicial record databases commensurate to the position and tasks of judicial record activities in the new situation. So far, five judicial record divisions under the Service of Justice of the five centrally-affiliated cities have been formed. The Service of Justice in most provinces have consolidated the judicial record sections at the Judicial Administrative Division to manage judicial record;

Secondly, the Law on Judicial record has created legal grounds for the establishment of separate judicial record databases strictly according to the principles applicable to such activities toward professionalism and incremental modernization, associating the establishment of judicial record databases with the issuance of Certificate of judicial record. Before the Law on Judicial record was promulgated, the Service of Justice, due to the absence of judicial record databases, had to look up information of the public security offices’ archives on offenders’ personal identities and case files kept by courts as grounds for issuing Judicial record Certificate to citizens. At present, in compliance with the Law on Judicial record, the judicial record databases have been incrementally established at the National Judicial record Center and Services of Justice nationwide;

Thirdly, the procedures for issuing Judicial record Certificate at the request of individuals, agencies and organizations have been step by step reformed, simplified and more convenient. The issuance of Judicial record Certificate is a service provided by the State, aiming to satisfy the requirement of proving personal judicial details when participating in legal relations at home and abroad. According to statistics, from October 1, 2010 to September 30, 2012, the Service of Justice and the National Judicial record Center issued 261,416 Judicial record Certificate at the request of individuals, agencies and organizations. The society’s awareness of the significance and value of Judicial record Certificate has been constantly raised. The development of the market economy has increasingly enriched and diversified social relations. The Judicial record Certificate is considered an important legal paper proving whether or not an individual has criminal records when participating in legal relations, especially in the course of regional and international integration. Therefore, the State has promulgated many documents on the requirement of Judicial record Certificate upon participation in legal relations; hence, the Judicial record Certificate has become one of compulsory papers of individuals. In addition, the Law on Judicial record has provided a mechanism of updating and processing information on automatic expungement of criminal records of convicts. Through updating and processing information on judicial record, if realizing that a convict is fully qualified for automatic expungement of criminal records under the Penal Code, the judicial record database-managing agency shall grant a Judicial record Certificate upon request of individuals, agencies and organizations, written with the words “having no criminal record”.

b/ Limitations and weaknesses

Besides the achievements, the judicial record activities have seen limitations and weaknesses, specifically:

Firstly, the building of databases has faced numerous difficulties and problems in theory as well as practical experience, in the direction, size and structure of databases as well as implementation organization, in technology and techniques as well as operational process, procedures and specific operations. In order to build and successfully operate judicial record databases as required by the Law on Judicial record, the building of databases must start from strategic orientations;

Secondly, the coordination among agencies has not been properly organized, the information on judicial record, which has arisen in reality and been provided by focal - point agencies to the National Judicial record Center and Service of Justice, remains incomplete and untimely. According to 2011’s statistics, courts at different levels processed 326,268 cases, including 76,894 criminal cases. Therefore, the judicial record information to be provided annually by courts must amount to hundreds of thousands of pieces, not to mention hundreds of thousands of pieces of judicial record information relating to judgment enforcement to be provided by other agencies (the Procuracy, Public Security, Civil Judgment Enforcement agencies, etc.). Yet, in reality, after more than two years of implementing the Law on Judicial record, Service of Justice nationwide only received over 300,000 pieces of judicial record information. In addition, the information on bans from holding positions, establishing and managing enterprises or cooperatives under courts’ bankruptcy declaration rulings has not been actively provided by courts to Service of Justice as prescribed by the Law on Judicial record;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Moreover, the quality of local judicial record civil servants and public employees is not up to the professional requirements as many of them have not been officially trained in judicial record operations. The judicial record operations training has faced many difficulties in the past time, with unofficial and non-professional training programs and contents and trainers lacking practical experience in judicial record activities, especially in judicial record database building skills. In the localities where full-time judicial record officers have not yet been arranged, it is very difficult to appoint officers to attend judicial record operations training courses. Meanwhile, there are local officers, after attending these training courses, who have been assigned to perform tasks not related to judicial record due to practical requirements of judicial work at their localities;

Fourthly, the two-tier database model at the National Judicial record Center under the Ministry of Justice and 63 Services of Justice has revealed limitations. This model was feasible in the initial stage after the Law on Judicial record took effect. It has created favorable conditions for local agencies in coordinating with one another in the provision and receipt of information and reducing the amount of received and processed information. However, under the conditions of fast development of information technology, the two-tier database model will be early no longer suitable as it causes not a few difficulties and problems to the database- managing agencies due to frequent exchange of information between central and local agencies, which is a costly and time-consuming process. Moreover, it can hardly satisfy the requirements of data safety, accuracy and synchrony due to the involvement of too many focal points in receiving, processing and updating information. At present, 64 focal points (including the National Judicial record Center and 63 Services of Justice) are tasked to receive, update and process judicial record information for the establishment of judicial record databases. Each of them is in charge of receiving different types of judicial record information provided by competent agencies. Accordingly, the National Judicial record Center is tasked to receive, update and process judicial record information from about 200 sources (including prisons, temporary detention camps, the Central Military Court, the Supreme People’s Procuracy, the Criminal Judgment Enforcement Monitoring and Judicial Assistance Department, the Criminal Judgment Enforcement Monitoring and Judicial Assistance Sections of provincial- level Departments of Public Security and 63 Services of Justice). Each Service of Justice is assigned to receive, update and process judicial record information from more than 100 sources (including the National Judicial record Center, 62 other Services of Justice nationwide, district-level courts, civil judgment enforcement bodies, public security offices as well as other agencies and organizations within the province or centrally run city). In addition to the receipt, update and processing of judicial record information, the National Judicial record Center and Service of Justice also receive, update and process information on civil status changes and corrections as well as information on death certification provided by civil status registrars for scrutiny, comparison and update into the judicial record databases;

Fifthly, current legal provisions on judicial record remain incomplete, impractical and inconsistent with relevant regulations, especially the relations between the Law on Judicial record and the criminal law, criminal procedure law and criminal judgment execution law. At present, the criminal, criminal procedure and criminal judgment enforcement laws make no mention of criminal records though they contain many provisions on criminal records, criminal record expungement, recidivism and dangerous recidivism. Many provisions of these laws remain inconsistent and asynchronous with the law on judicial record. Meanwhile, experiences of many countries show that judicial record are helpful in the procedural stage, especially to the trial. The Judicial record Certificate serve as an important basis for the court to examine the defenders’ personal details and as an official source of information for the court to take into account aggravating or extenuating circumstances for defenders in the course of handling specific cases.

c/ Causes of limitations and weaknesses

The above-mentioned limitations and weaknesses of judicial record activities are attributed to the following basic causes:

- Subjective causes:

+ The awareness of a segment of leaders, cadres and civil servants, including those involved in judicial activities, about the position, role and significance of judicial record activities remains limited, who fail to fully understand and properly assess the role and significance of judicial record in the state management, social life and criminal procedure activities;

+ The coordination among the agencies concerned in judicial record activities has not been properly organized, failing to strictly and fully comply with the Law on Judicial record and guiding documents;

+ The professional qualifications and skills of civil servants and public employees involved in judicial record activities fail to meet the task requirements;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Objective causes:

+ The establishment and management of judicial record databases constitute a completely new task of the judicial sector and concurrently a very professionalized and complicated operation involving many agencies and organizations;

+ The judicial reform contents related to the improvement of criminal policies and law and the reform of the organizational model of the court system remain incomplete, thus affecting the organization of judicial record database- managing agencies and the establishment and management of judicial record databases;

+ The institutions on judicial record organization and activities still see limitations such as: The organizational model of the National Judicial record Center as prescribed by the Law on Judicial record and Decree No. 111/2010/ND-CP has revealed some problems, affecting the judicial record organization and activities. The National Judicial record Center is determined to be only a non-business unit. Meanwhile, the establishment and management of judicial record databases constitute a main and inseparable content of the state management of judicial record.

4. Trend of judicial record development in Vietnam

In the period of accelerated industrialization and modernization as well as proactive international integration, especially in light of the requirements of judicial reform, democracy promotion and social justice achievement, the judicial record organization and activities in Vietnam see many opportunities with new steps of development.

In Vietnam, in order to have a system of incrementally steady judicial record databases strictly according to the principles of judicial record activities, meeting the immediate as well as long-term requirements, these databases should be built after the model of centralization and unification (one-tier database model). The establishment of the one-tier judicial record database model will address the limitations and weaknesses of the two-tier model, saving money and time and at the same time being in line with the general development trend of most countries in the world in the organization of judicial record database-managing agencies.

In many other countries (France, Germany, Belgium, Sweden, Spain, etc.), the judicial record databases have been built and developed after the one-tier model. Judicial record is an institution that actively supports criminal procedure activities, the state management and meets the requests of individuals, agencies and organizations for judicial record Certificate.

In face of the requirements of stepping up the judicial reform and building a socialist state of jurisdiction in the spirit of the Resolution of the XIth National Party Congress and Resolution No. 49-NQ/TW of the Political Bureau on the judicial reform strategy toward 2020, judicial record activities in Vietnam should develop toward promoting its role as an important legal tool in support of criminal procedure activities, aiming to better guarantee the legitimate rights and interests of citizens.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Together with the national economic development, the improvement of people’s material and spiritual lives, the higher intellectual level of people, the people’s sense of observance of law will be deeply improved, including clearer awareness of the role of Judicial record Certificate in proving the personal judicial details of individuals and creating conditions for convicts in the criminal record expungement and community integration. It can be predicted that the future demand of citizens, agencies and organizations for Judicial record Certificate, especially in criminal procedure activities, will increase and these cards will have a truly important significance in the social management and activities of judicial bodies, guaranteeing human rights and civic rights.

For the above-mentioned reasons, the formulation and promulgation of the Strategy for judicial record development by 2020, with a vision to 2030, are extremely necessary.

II. GUIDING VIEWPOINTS AND OBJECTIVES

1. Guiding viewpoints on judicial record development

a/ The judicial record development must be carried out step by step in conformity with the national socio-economic development, the process of judicial reform, administrative reform, building and consolidation of the legal system and the mechanism for organization of law enforcement and the development orientations of the judicial sector, and keep pace with the development in the world; be associated with the progress of reforming the system of procedure-conducting agencies; contribute to the exercise of human rights and civic rights; raise the quality of public-duty performance and the people-serving responsibility of cadres, civil servants and public employees.

b/ The judicial record development must be linked with raising the quality of civil servants and public employees involved in judicial record activities, be directed to ward building a centralized and unified national judicial record database, meeting to the utmost the Judicial record Certificate demand of individuals, agencies and organizations; toward building a streamline and effective apparatus for a professional and modem administration serving people.

c/ The judicial record management must be connected with the system of the databases of courts, procuracies, public security offices and national defense agencies and other population management systems; and concurrently create prerequisites for the exploitation of the benefits of the judicial record management to serve the state management fields directly related to individuals.

d/ The judicial record management must be strict, but the procedures for handling the requests of individuals, agencies and organizations for the issuance of Judicial record Certificate must be transparent, simple and convenient, and respect personal privacy.

2. Objectives of judicial record development

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The judicial record development is directed toward professionalism and modernization, closely following the requirements of building a socialist Vietnamese state of jurisdiction, in conformity with the world’s general trend of development, based on the establishment and enhancement of the mechanism for synchronous, comprehensive and effective coordination between judicial record database- managing agencies and related agencies in the exchange and provision of information, and toward building a centralized and unified national judicial record database. To organize and manage judicial record management agencies in a rational, scientific and modem manner; to associate the building and management of judicial record databases with the issuance of judicial record Certificate, best satisfying the requests of individuals, agencies and organizations for the issuance of judicial record Certificate. To concurrently promote the position and role of judicial record as a tool in active support of criminal procedure activities.

b/ Specific objectives

- During 2013-2015:

+ To establish a mechanism for comprehensive. and effective coordination between courts, procuracies, public-security offices, national defense agencies, civil judgment enforcement agencies, other agencies and organizations and judicial record database-managing agencies in the lookup, verification, exchange and provision of information to serve the establishment of judicial record databases and the issuance of judicial record Certificate;

+ To build judicial record databases at the National Judicial record Center and Service of Justice according to the Law on judicial record and documents detailing and guiding its implementation (after the two-tier model). To step up the exploitation and use of judicial record databases to serve the issuance of Judicial record Certificate to individuals, agencies and organizations;

+ To raise the quality and efficiency of the operation of judicial record database-managing agencies, ensuring the smooth communication between the National Judicial record Center and Service of Justice in building and managing the judicial record databases; to promote the active role of judicial record database-managing agencies in updating information on the expungement of criminal records of convicts, creating favorable conditions for, and actively supporting the process of community integration of persons who have completely served their sentences;

+ To proceed with the building and operation of electronic judicial record databases, ensuring over 30% and over 50% of official judicial record information exchanges between the National Judicial record Center and Service of Justice will be carried out electronically by 2013 and 2014- 2015, respectively;

+ To study the establishment of a mechanism for providing online electronic judicial record information between judicial record database- managing agencies and courts, procuracies, public security offices, national defense agencies as well as civil judgment enforcement agencies;

+ In 2013, to ensure adequate judicial record staffs at the National Judicial record Center; 50-60% of Service of Justice will have adequate judicial record staffs as prescribed in the Prime Minister’s Decision No. 2369/QD-TTg; by 2014-2015, 100% of localities will have judicial record staffs as prescribed in the Prime Minister’s Decision No. 2369/QD-TTg, on the basis of identified working positions and structures of civil servants and public employees. To concurrently study the addition of judicial record staffs to the National Judicial record Center and Service of Justice as suitable to the practical situation;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

+ To ensure convenience for individuals, agencies and organizations requesting the issuance of Judicial record Certificate; to pilot the issuance of judicial record Certificate by post and online - level 3 of online public administrative services (sending requests for the issuance of Judicial record Certificate via the Internet).

- During 2016-2020:

+ To further enhance the close, comprehensive and effective coordination between courts, procuracies, public security offices, national defense agencies, civil judgment enforcement agencies and other agencies and organizations and the judicial record database-managing agencies in the lookup, verification, exchange and provision of information to serve the establishment of judicial record databases and the issuance of judicial record Certificate;

+ To raise the quality of establishment, management, use and exploitation of judicial record databases, especially electronic ones. To ensure that by 2016, 90-95% of official judicial record information will be exchanged electronically between the National Judicial record Center and Service of Justice;

+ To study the establishment of a centralized and unified judicial record database at the Ministry of Justice (one-tier database model). From 2018 on, to work out a roadmap for changing the judicial record database from two tiers to one tier based on the revised Law on Judicial record. By 2020, to proceed with the incremental establishment of the centralized and unified judicial record database at the Ministry of Justice;

+ To proceed with the provision and exchange of electronic judicial record information between judicial record database-managing agencies and courts, procuracies, public security offices and civil judgment enforcement agencies, based on the conditions of working equipment and facilities, and proceed with the application of information technology at related agencies;

+ To establish the information connection and sharing between the judicial record databases and other databases such as civil status, population, household registration and identity card databases, based on the close coordination and association as well as the compatibility and conformity with the conditions of working equipment and facilities, and proceed with the application of information technology at the agencies managing these databases;

+ To build a contingent of professional judicial record civil servants and public employees with specific titles, ensuring that 90- 95% of them will be professionally trained in judicial record operations. To raise the quality of civil servants engaged in the lookup, verification, exchange and provision of judicial record information at related agencies;

+ To proceed with the issuance of judicial record Certificate online - level 4 of online public administrative services (receipt and return of results online).

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

To establish and manage the judicial record databases after the one-tier model. To upgrade and improve the national judicial record database, ensuring the online information provision, receipt and sharing between the judicial record database-managing agencies and related agencies. To bring into play Judicial record Certificate as an instrument in support of the investigation, prosecution and trial by procedure-conducting agencies;

To study the expansion of judicial record management scope. To ensure that over 50% of .official documents will be exchanged electronically between the judicial record database-managing agencies and related agencies;

To facilitate and best satisfy the requests of individuals, agencies and organizations for the issuance of Judicial record Certificate in the direction that they may request the judicial record management agencies under the Ministry of Justice or Service of Justice to carry out procedures for granting Judicial record Certificate, regardless of place of residence of the certificate applicants;

The judicial record management agencies under the Ministry of Justice and Service of Justice will issue Judicial record Certificate on the basis of inquiring online into information from the national judicial record database. To ensure the online issuance of Judicial record Certificate.

III. IMPLEMENTATION SOLUTIONS

1. General solutions

a/ To complete the legal system on judicial record, creating adequate legal grounds for judicial record organization and activities; to complete relevant laws, especially criminal and criminal procedure laws, aiming to promote the role of judicial record in criminal procedure activities;

b/ To establish, enhance and perfect the relationship of coordination with related agencies in the lookup, verification, exchange and provision of judicial record information;

c/ To consolidate the organizational apparatus; to raise the quality of training and retraining of civil servants and public employees, increasing the professionalism of judicial record activities;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd/ To intensify propagation activities, aiming to raise the awareness of individuals, agencies and organizations about judicial record;

e/ To enhance international cooperation, exchange and learn experiences in judicial record organization and management in the direction of selective assimilation and learning for development in conformity with Vietnam’s conditions at present and in the future.

2. Specific solutions

a/ During 2013-2015:

- To finalize institutions to ensure the enforcement of the Law on Judicial record:

+ To expeditiously promulgate legal documents necessary for the enforcement of the Law on Judicial record;

+ To study and propose to the National Assembly revisions to judicial record-related provisions of the Penal Code and the Criminal Procedure Code;

+ To finalize and submit to the National Assembly for promulgation the draft Law on Civil Status, creating legal grounds for the establishment of civil status databases and prerequisites for connection and sharing of information with judicial record databases;

+ To study and elaborate legal documents on policies applicable to civil servants and public employees engaged in the lookup, verification, exchange and provision of judicial record information.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- To consolidate the organizational structures of the National Judicial record Center, the Judicial record Sections and the Judicial record Units of the Judicial Administrative Divisions of Services of Justice.

- To intensify professional training and retraining for judicial record civil servants and public employees, attaching importance to training in skills of using software applications and network administration, etc.; to organize training and retraining courses for civil servants and public employees involved in the lookup, verification, exchange and provision of judicial record information at related agencies.

- To invest in material and technical facilities for the National Judicial record Center and Service of Justice for the establishment and management of judicial record databases in printed and electronic forms. To proceed with the official use of the judicial record management software at the National Judicial record Center and Service of Justice. To invest in material and technical facilities for related ministries and sectors to apply information technology toward exchanging and providing judicial record information in electronic form for the judicial record database- managing agencies.

- To intensify public information on judicial record. To work out plans for public information on the Law on Judicial record and guiding documents in the mass media; to compile propagating documents such as law question- answer books and professional manuals so that judicial record officers, ordinary people, agencies and organizations will understand judicial record more clearly. To train cadres and civil servants of courts, procuracies, public security offices and national defense agencies in the task of these agencies to coordinate with the judicial record database-managing agencies in the lookup, verification, exchange and provision of judicial record information.

- To intensify cooperation, exchange and learning of experiences in the establishment and management of judicial record databases with countries in the region and the world; thereby to propose policies on the development of judicial record activities suitable to Vietnamese reality, serving as a basis for revision and improvement of the law on judicial record.

b/ During 2016-2020:

- To complete the institutions on judicial record and relevant legal documents:

+ To theoretically study and review the practical implementation of the Law on Judicial record and propose amendments thereto along the line of affirming the significance and importance of judicial record activities; to promote the role and value of Judicial record Certificate in state management, social life and procedural activities; to establish judicial record databases after the one-tier model; to ensure convenience in the exchange and provision of judicial record information between related agencies and the judicial record database- managing agencies, best satisfying the requests of individuals, agencies and organizations for Judicial record Certificate;

+ To conduct theoretical studies and practical reviews on the role of judicial record activities in the process of judicial reform, especially the reform of procedural process; thereby, to propose amendments to penal, criminal procedure, criminal judgment execution and civil judgment enforcement laws related to judicial record activities;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- To intensify the exchange and provision of electronic judicial record information between the judicial record database-managing agencies and related agencies.

- To further raise the quality of judicial record civil servants and public employees; to attract resources for judicial record activities with a view to raising the capacity and moral and political qualities of judicial record civil servants and public employees:

+ To raise the capacity and quality of judicial record training toward approaching advanced training programs of countries in the region and the world; to select civil servants for overseas intensive training to meet the international integration requirements;

+ To intensify professional retraining for civil servants and public employees of related agencies who are involved in the lookup, verification, exchange and provision of judicial record information and officers of the judicial record database-managing agencies, who receive and process judicial record information;

+ To work out mechanisms and policies to attract professionally capable and qualified persons in judicial record activities. To encourage and give priority to judicial record civil servants and public employees at Service of Justice to work at different organizations of the Judicial record Management Agency of the Ministry of Justice. To diversify sources of recruitment to suit the peculiarities of the establishment and management of judicial record databases.

- To increase investment in material and technical facilities, strongly apply the information technology to judicial record management activities; to upgrade and improve software applications to serve judicial record management activities; to invest in technical infrastructure for and build the judicial record databases after the one-tier model at the Judicial record Management Agency of the Ministry of Justice. To increase investment in material and technical facilities for related agencies toward connection with the judicial record database-managing agencies in the lookup, verification, exchange and provision of judicial record information in electronic form.

- To intensity public work on the law on judicial record for people, agencies and organizations.

- To further enhance international cooperation with other countries for experience sharing and attraction of technical and financial assistance for judicial record activities and overseas intensive training in judicial record operations.

c/ Orientations to 2030:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- To enhance coordination with related agencies in die lookup, verification, exchange and provision of judicial record information via internet; to intensify coordination in information sharing via internet between judicial record databases and a number of other databases such as those on civil status, population, household registration and identity cards.

- To raise the quality of training and retraining in legal knowledge and skills of receiving, processing and providing judicial record information for judicial record civil servants and public employees in association with the titles of judicial record officers. To further intensify training in skills of providing, exchanging and verifying judicial record information for staffs of ministries and sectors who are involved in the provision, exchange and verification of judicial record information, and for commune- level judicial-civil status officers.

- To continue with vigorous application of information technology to judicial record management activities, ensuring the building and organization of the national judicial record database and the system of judicial record management agencies toward professionalism and modernization, best satisfying the requests of individuals, agencies and organizations. To continue investing in material and technical facilities for related agencies, ensuring that the exchange and provision of judicial record information will be carried out in electronic form.

- To further intensify public information on the law on judicial record in various forms.

- To further intensify the effective judicial record cooperation between Vietnam and other countries in the region and the world, facilitating the establishment and management of judicial record databases and the issuance of Judicial record Certificate.

IV. SCHEMES FOR IMPLEMENTATION OF THE STRATEGY

1. To formulate and submit to the Prime Minister for promulgation a scheme on establishment of the national judicial record database.

- Responsible agency: The Ministry of Justice

- Coordinating agencies: The Supreme People’s Court, the Supreme People’s Procuracy, the Ministry of Public Security, the Ministry of National Defense and People’s Committees of centrally-affiliated provinces and cities.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. To formulate and submit to the Prime Minister for promulgation a scheme on pilot issuance of Judicial record Certificate by post and online - level 3 of online public administrative services.

- Responsible agency: The Ministry of Justice.

- Coordinating agencies: The Ministry of Public Security and provincial-level People’s Committees.

- Implementation time: 2013-2015.

3. To formulate and submit to the Prime Minister for promulgation a scheme on the change of judicial record databases from two- tier model to one-tier model.

- Responsible agency: The Ministry of Justice.

- Coordinating agencies: Provincial-level People’s Committees.

- Implementation time: 2018-2020.

4. The Ministry of Justice shall formulate and promulgate schemes on building and developing the contingent of judicial record officers.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Coordinating agencies: The Supreme People’s Court, the Supreme People’s Procuracy, the Ministry of Public Security, the Ministry of National Defense, the Ministry of Home Affairs and People’s Committees of centrally-affiliated provinces and cities.

- Implementation time: 2016-2020.

5. To formulate and submit to the Prime Minister for promulgation a scheme on the exchange and provision of electronic judicial record information between the judicial record database-managing agencies and related agencies.

- Responsible agency: The Ministry of Justice.

- Coordinating agencies: The Supreme People’s Court, the Supreme People’s Procuracy, the Ministry of Public Security, the Ministry of National Defense and People’s Committees of centrally-affiliated provinces and cities.

- Implementation time: 2016-2020.

6. To formulate and promulgate a scheme on information connection and exchange between the judicial record databases and the civil status, population, household registration and identity card databases.

- Responsible agency: The Ministry of Justice.

- Coordinating agencies: The Ministry of Public Security and People’s Committees of centrally-affiliated provinces and cities.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

7. To formulate and promulgate a scheme on pilot issuance of Judicial record Certificate online - level 4 of online public administrative services.

- Responsible agency: The Ministry of Justice.

- Coordinating agencies: The Ministry of Public Security and People’s Committees of centrally-affiliated provinces and cities

- Implementation time: 2016-2020.

V. ORGANIZATION OF IMPLEMENTATION

1. Assignment of responsibilities

a/ The Ministry of Justice shall:

- Assume the prime responsibility for, and coordinate with related ministries and sectors and provincial-level People’s Committees in, formulating a roadmap and master plan for implementation of the Strategy; work out plans for implementation of the Strategy in each period, mobilize financial and human resources as well as material and technical foundations for the implementation of the Strategy;

- Assume the prime responsibility for formulating schemes for implementation of the strategy;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Assume the prime responsibility for, and coordinate with the Supreme People’s Court, the Supreme People’s Procuracy, the Ministry of Public Security and the Ministry of National Defense in, enhancing coordination in the lookup, verification, exchange and provision of judicial record information to serve the establishment of judicial record databases and the issuance of Judicial record Certificate;

- Assume the prime responsibility for, and coordinate with related ministries and sectors in, completing legal documents on the judicial record organizational apparatus;

- Organize professional training and retraining for judicial record civil servants and public employees;

- Coordinate with the Ministry of Home Affairs in ensuring adequate judicial record staffs at the judicial record database-managing agencies under the Ministry of Justice and Service of Justice; elaborate and promulgate legal documents on regimes and policies applicable to judicial record cadres, civil servants and public employees;

- Assume the prime responsibility for, and coordinate with other ministries, sectors and localities in, reporting to the Prime Minister on the implementation of the Strategy.

b/ The Ministry of Public Security shall:

- Further direct units under its management and local public security offices to exchange and provide judicial record information for judicial record database-managing agencies to serve the establishment of judicial record databases and the issuance of Judicial record Certificate;

- Coordinate with the Ministry of Justice in formulating relevant schemes for implementation of the Strategy.

- Organize training and retraining in legal knowledge on judicial record for staffs involved in the lookup, verification, exchange and provision of judicial record information.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Direct related agencies and units in the People’s Army to provide judicial record information for judicial record database- managing agencies to serve the establishment of judicial record databases and the issuance of Judicial record Certificate;

- Coordinate with the Ministry of Justice in formulating relevant schemes for implementation of the Strategy;

- Organize training and retraining in legal knowledge on judicial record for staffs involved in the lookup, verification, exchange and provision of judicial record information.

d/ The Ministry of Home Affairs shall:

- Assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Justice in, arranging appropriate staffs for judicial record activities;

- Assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Justice and related ministries and sectors in, elaborating and promulgating legal documents on regimes and policies applicable to judicial record cadres, civil servants and public employees.

dd/ The Ministry of Finance shall ensure annual state budget allocations based on the estimates of agencies and units responsible for implementing the Strategy as prescribed by law.

e/ People’s Committees of centrally-affiliated provinces and cities shall:

- Work out and promulgate their local plans on implementation of the Strategy in conformity with the local general plans and master plans for socio-economic development;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The Supreme People’s Court and the Supreme People’s Procuracy shall:

- Coordinate with the Ministry of Justice, other ministries, sectors and provincial-level People’s Committees in implementing the Strategy;

- Coordinate with the Ministry of Justice in formulating relevant schemes for implementation of the Strategy.

3. Funds for implementation of the Strategy:

a/ The funds for implementation of the Strategy comprise state budget funds and mobilized and donated funds (if any);

b/ State budget funds for implementation of the Strategy are allocated according to the estimates of agencies and units responsible for implementing the Strategy;

c/ Funds for formulation of plans for implementation of the Strategy, for public information of the Strategy’s contents, inspections, preliminary and final reviews and other tasks and solutions are included in the annual budget estimates of ministries, sectors and localities in accordance with the law on the state budget.-

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 338/QĐ-TTg ngày 19/02/2013 phê duyệt "Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn 2030" do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


7.981

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.59.167
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!