BỘ TÀI CHÍNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2813/QĐ-BTC
|
Hà Nội, ngày 20
tháng 12 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY CHẾ BẢO VỆ DỮ LIỆU CÁ NHÂN TẠI BỘ TÀI CHÍNH
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ Nghị định số 13/2023/NĐ-CP
ngày 17 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân;
Căn cứ Nghị định số 85/2016/NĐ-CP
ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin
theo cấp độ;
Căn cứ Nghị định số 14/2023/NĐ-CP
ngày 20 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 538/QĐ-BTC ngày 24 tháng 3 năm 2017 của Bộ Tài
chính quy định về phân cấp quản lý công chức, viên chức tại các đơn vị thuộc và
trực thuộc Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 1013/QĐ-BTC ngày 19 tháng 5 năm 2023 của Bộ Tài
chính ban hành Quy chế An toàn thông tin mạng và An ninh mạng Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tin học và Thống
kê tài chính.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết
định này Quy chế Bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Bộ Tài chính.
Điều 2. Quyết định này có
hiệu lực từ ngày ký.
Điều 3. Cục trưởng Cục Tin
học và Thống kê tài chính, Thủ trưởng các tổ chức hành chính, sự nghiệp thuộc cơ
cấu tổ chức của Bộ Tài chính; các đơn vị và cá nhân thuộc Bộ Tài chính có liên
quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Công an;
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, THTK.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Đức Chi
|
QUY CHẾ
BẢO
VỆ DỮ LIỆU CÁ NHÂN TẠI BỘ TÀI CHÍNH
(Kèm theo Quyết định số 2813/QĐ-BTC ngày 20 tháng 12 năm 2023 của Bộ Tài
chính)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối
tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định về công tác bảo vệ dữ liệu
cá nhân của Bộ Tài chính.
2. Quy chế này áp dụng với các đơn vị thuộc Bộ Tài
chính; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (sau đây gọi chung là công
chức, viên chức) của các đơn vị thuộc Bộ.
Điều 2. Giải thích từ ngữ sử
dụng trong Quy chế
1. Hệ thống thông tin xử lý dữ liệu cá nhân:
là hệ thống thông tin có chức năng quản lý dữ liệu cá nhân (hệ thống Quản lý
cán bộ, hệ thống Định danh và xác thực điện tử) hoặc tiếp nhận, xử lý dữ liệu
cá nhân để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến.
2. Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính: các tổ chức
hành chính, sự nghiệp thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính quy định tại Nghị định
số 14/2023/NĐ-CP ngày 20/4/2023 của Chính
phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài
chính.
3. Tổng cục: bao gồm Tổng cục Thuế, Tổng cục
Hải quan, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Điều 3. Nguyên tắc bảo vệ dữ
liệu cá nhân tại Bộ Tài chính
1. Việc xử lý dữ liệu cá nhân tại các đơn vị thuộc
Bộ Tài chính phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, an
toàn thông tin mạng, an ninh mạng; quy định của pháp luật chuyên ngành và các
quy định tại Quy chế này.
2. Phân cấp trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân phù
hợp với tổ chức bộ máy và quy chế làm việc của Bộ Tài chính.
3. Mỗi công chức, viên chức của các đơn vị thuộc Bộ
Tài chính nêu cao tinh thần chủ động, tự giác trong việc áp dụng các biện pháp
bảo vệ dữ liệu cá nhân, góp phần ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm liên quan đến
dữ liệu cá nhân theo quy định của pháp luật.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Phân loại dữ liệu cá
nhân được xử lý tại Bộ Tài chính
1. Dữ liệu cá nhân được xử lý tại Bộ Tài chính bao
gồm:
a) Dữ liệu cá nhân phát sinh trong quá trình thực
hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Tài chính và của pháp luật
khác có quy định cụ thể về trách nhiệm, nhiệm vụ của Bộ Tài chính;
b) Dữ liệu cá nhân của công chức, viên chức làm việc
tại Bộ Tài chính theo quy định của pháp luật về công chức, viên chức, thi đua,
khen thưởng và pháp luật khác có liên quan;
c) Thông tin về tài khoản số của cá nhân và dữ liệu
cá nhân phản ánh hoạt động, lịch sử hoạt động trên các hệ thống thông tin do Bộ
Tài chính, đơn vị thuộc Bộ Tài chính làm chủ quản theo quy định của pháp luật về
giao dịch điện tử, an toàn thông tin mạng và an ninh mạng;
d) Dữ liệu cá nhân khác phát sinh trong hoạt động
quản lý, thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính không thuộc quy định
tại điểm a, b, c khoản này.
2. Các trường hợp xử lý dữ liệu cá nhân không cần sự
đồng ý của chủ thể dữ liệu:
a) Xử lý dữ liệu cá nhân thuộc điểm a, b và c khoản
1 Điều này theo quy định tại khoản 5 Điều 17 Nghị định số 13/2023/NĐ-CP
ngày 17 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân;
b) Xử lý dữ liệu cá nhân ghi nhận từ camera giám
sát trụ sở làm việc của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 13/2023/NĐ-CP;
c) Các trường hợp khác theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 13/2023/NĐ-CP.
3. Việc xử lý dữ liệu cá nhân ngoài khoản 2 Điều
này phải được sự đồng ý của chủ thể dữ liệu theo quy định tại Điều
11, 12, 13, 15 và 16 Nghị định số 13/2023/NĐ-CP.
Điều 5. Xác định các vai trò
theo quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân
1. Bộ Tài chính là Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu
cá nhân đối với:
a) Dữ liệu cá nhân được quy định tại điểm
a và b khoản 1 Điều 4 của Quy chế này, trừ các dữ liệu cá nhân thuộc các
lĩnh vực được phân cấp quản lý cho các Tổng cục;
b) Thông tin về tài khoản số của cá nhân và dữ liệu
cá nhân phản ánh hoạt động, lịch sử hoạt động trên các hệ thống thông tin do Bộ
Tài chính làm chủ quản (không bao gồm hệ thống thông tin đã được ủy quyền thực
hiện trách nhiệm của chủ quản hệ thống thông tin).
2. Tổng cục là Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá
nhân đối với:
a) Dữ liệu cá nhân thuộc chức năng, nhiệm vụ của Tổng
cục, thuộc các lĩnh vực được phân cấp quản lý và của pháp luật khác có quy định
cụ thể về trách nhiệm, nhiệm vụ của Tổng cục;
b) Thông tin về tài khoản số của cá nhân và dữ liệu
cá nhân phản ánh hoạt động, lịch sử hoạt động trên các hệ thống thông tin do Tổng
cục làm chủ quản hoặc được Bộ Tài chính ủy quyền thực hiện trách nhiệm của chủ
quản hệ thống thông tin.
3. Đơn vị có hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân ngoài
khoản 1 và 2 Điều này chủ động xác định các vai trò “Bên Kiểm soát dữ liệu cá
nhân”, “Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân”, “Bên xử lý dữ liệu cá nhân” (nếu
có) để áp dụng các quy định tương ứng của Nghị định số 13/2023/NĐ-CP và quy định tại Quy chế này.
Điều 6. Bảo vệ dữ liệu cá nhân
trong quá trình xử lý dữ liệu cá nhân bên ngoài hệ thống thông tin xử lý dữ liệu
cá nhân
Việc xử lý dữ liệu cá nhân bên ngoài hệ thống thông
tin xử lý dữ liệu cá nhân phải tuân thủ các quy định sau:
1. Dữ liệu cá nhân phải được xử lý trong phạm vi
quy định của pháp luật. Cá nhân, đơn vị thực hiện xử lý dữ liệu cá nhân có
trách nhiệm:
a) Xác định căn cứ pháp luật cho việc xử lý dữ liệu
cá nhân (Điều, khoản của văn bản quy phạm pháp luật quy định mục đích và phạm
vi dữ liệu cá nhân được phép xử lý).
b) Trường hợp được yêu cầu tiếp nhận, xử lý dữ liệu
cá nhân nằm ngoài phạm vi quy định của pháp luật, cần làm rõ căn cứ thực hiện với
bên yêu cầu xử lý dữ liệu và có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu trước khi thực hiện.
2. Công chức, viên chức được phân công xử lý dữ liệu
cá nhân có trách nhiệm:
a) Không cung cấp, chia sẻ dữ liệu cá nhân đã thu
thập cho tổ chức, cá nhân không thuộc phạm vi phải cung cấp theo quy định của
pháp luật.
b) Sử dụng máy tính đáp ứng yêu cầu về an toàn an
ninh mạng: cài đặt phần mềm phòng, diệt mã độc; xử lý lỗ hổng bảo mật (nếu có)
và được kiểm tra an ninh mạng.
c) Áp dụng mã hóa tệp dữ liệu khi thực hiện trao đổi
dữ liệu cá nhân trên môi trường mạng hoặc mang dữ liệu cá nhân ra khỏi cơ quan
bằng thiết bị, phương tiện điện tử (trừ dữ liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước
thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước). Không sử dụng
mạng xã hội để trao đổi dữ liệu cá nhân, trừ trường hợp được sự đồng ý của chủ
thể dữ liệu.
d) Kiểm soát chặt các phiên bản bản điện tử, bản in
chứa dữ liệu cá nhân; giới hạn truy cập tới dữ liệu cá nhân trong phạm vi các
cá nhân có trách nhiệm tham gia kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân; xóa, hủy dữ
liệu cá nhân đã được lưu giữ khi đã hoàn thành mục đích sử dụng hoặc hết thời hạn
lưu trữ; xóa không thể khôi phục được hoặc hủy các thiết bị chứa dữ liệu cá
nhân khi không còn tiếp tục sử dụng.
Điều 7. Bảo vệ dữ liệu cá nhân
trong quá trình xử lý dữ liệu cá nhân trên hệ thống thông tin xử lý dữ liệu cá
nhân
1. Đơn vị tham gia sử dụng hệ thống thông tin xử lý
dữ liệu cá nhân có trách nhiệm xác định chính xác các cá nhân được phép truy cập
hệ thống thông tin để xử lý dữ liệu cá nhân; gửi đề nghị thay đổi, thu hồi tài
khoản truy cập hệ thống thông tin tới đơn vị vận hành hệ thống thông tin ngay
sau khi có sự thay đổi phân công về xử lý dữ liệu cá nhân tại đơn vị.
2. Cá nhân được cấp tài khoản truy cập hệ thống
thông tin để xử lý dữ liệu cá nhân trên hệ thống có trách nhiệm:
a) Giữ bí mật mật khẩu và bảo vệ các phương tiện
xác thực khác (nếu có) để truy cập hệ thống thông tin.
b) Không thực hiện các hoạt động xử lý hoặc khai
thác dữ liệu cá nhân trên hệ thống thông tin ngoài phạm vi trách nhiệm, nhiệm vụ
được phân công.
c) Khi không còn được phân công xử lý dữ liệu cá
nhân trên hệ thống thông tin, yêu cầu đơn vị quản lý thực hiện thay đổi, thu hồi
tài khoản; có trách nhiệm bàn giao tài khoản cho người tiếp nhận công việc này
theo phân công của đơn vị quản lý.
Điều 8. Bảo đảm an toàn hệ thống
thông tin xử lý dữ liệu cá nhân
1. Đối với các hệ thống thông tin xử lý dữ liệu cá
nhân (được xây dựng, nâng cấp sau thời điểm Quy chế này có hiệu lực), phải nêu
rõ căn cứ pháp luật của việc xử lý thông tin tại thuyết minh chủ trương đầu tư,
dự án, kế hoạch thuê dịch vụ.
2. Bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo quy định
của pháp luật về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ, bảo vệ an ninh
mạng; quy định tại Quy chế An toàn thông tin mạng và An ninh mạng Bộ Tài chính
(đối với hệ thống thông tin do Bộ Tài chính làm chủ quản); quy định/quy chế an
toàn an ninh mạng của Tổng cục (đối với hệ thống thông tin do Tổng cục làm chủ
quản hoặc được ủy quyền thực hiện trách nhiệm của chủ quản hệ thống thông tin).
3. Có tính năng ghi và lưu trữ nhật ký hệ thống quá
trình xử lý dữ liệu cá nhân; khuyến khích hiển thị trên giao diện người dùng
căn cứ pháp luật của việc xử lý dữ liệu cá nhân.
4. Áp dụng xác thực, mã hóa kênh kết nối truyền nhận
dữ liệu cá nhân giữa các hệ thống thông tin, giữa người dùng và hệ thống thông
tin.
5. Không xử lý dữ liệu cá nhân trên hệ thống thông
tin thử nghiệm (sử dụng thông tin giả lập, mô phỏng dữ liệu cá nhân trên hệ thống
thông tin thử nghiệm nếu cần thiết).
6. Kiểm tra, đánh giá tuân thủ quy định của pháp luật
về bảo vệ dữ liệu cá nhân đồng thời với việc kiểm tra đánh giá an toàn an ninh
mạng đối với hệ thống thông tin.
7. Thực hiện xóa, hủy dữ liệu cá nhân trên hệ thống
thông tin khi kết thúc sử dụng hệ thống thông tin.
Điều 9. Bảo vệ dữ liệu cá nhân
trong hoạt động biên tập, công khai thông tin trên trang/cổng thông tin điện tử,
dịch vụ công trực tuyến
Đơn vị vận hành trang/cổng thông tin điện tử, dịch
vụ công trực tuyến có trách nhiệm áp dụng biện pháp kiểm soát việc hiển thị dữ
liệu cá nhân trên trang/Cổng Thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến; không
để lộ lọt, công khai dữ liệu cá nhân không đúng quy định của pháp luật từ trang/cổng
thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến và hoạt động biên tập trang/cổng
thông tin điện tử:
1. Bổ sung nhiệm vụ rà soát dữ liệu cá nhân tại các
bài viết, phim, ảnh, âm thanh gửi đăng trên trang/cổng thông tin vào quy trình
biên tập.
2. Rà soát, đảm bảo các trường thông tin được hiển
thị trên trang/cổng thông tin, dịch vụ công trực tuyến không vi phạm quy định của
pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
3. Khuyến khích hiển thị cảnh báo về rủi ro lộ, lọt
dữ liệu cá nhân tại các chuyên mục hỏi, đáp trên trang/cổng thông tin điện tử,
dịch vụ công trực tuyến (trường hợp câu hỏi của người dùng chứa dữ liệu cá
nhân); áp dụng công cụ kỹ thuật để kiểm soát nội dung chứa dữ liệu cá nhân hiển
thị trên trang/cổng thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến.
Điều 10. Đánh giá tác động xử
lý dữ liệu cá nhân
1. Trường hợp Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm
soát và xử lý dữ liệu cá nhân là Bộ Tài chính, Cục Tin học và Thống kê tài
chính có trách nhiệm:
a) Phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Hồ sơ
đánh giá tác động xử lý dữ liệu cá nhân, Hồ sơ đánh giá tác động chuyển dữ liệu
cá nhân ra nước ngoài (nếu có);
b) Trình Bộ ban hành quyết định phê duyệt hồ sơ
theo quy định tại Nghị định số 13/2023/NĐ-CP;
c) Thừa lệnh Bộ trưởng ký công văn gửi hồ sơ cho Bộ
Công an (Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao);
d) Lưu giữ 01 bản hồ sơ, sẵn sàng phục vụ hoạt động
kiểm tra, đánh giá của Bộ Công an;
đ) Phối hợp với các đơn vị liên quan cập nhật hồ sơ
trong vòng 10 ngày sau khi Bộ Công an có ý kiến yêu cầu hoàn thiện hồ sơ; trong
vòng 60 ngày khi có sự thay đổi về nội dung hồ sơ đã gửi Bộ Công an.
2. Trường hợp Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm
soát và xử lý dữ liệu cá nhân là đơn vị thuộc Bộ, đơn vị có trách nhiệm:
a) Tổ chức xây dựng, ban hành quyết định phê duyệt Hồ
sơ đánh giá tác động xử lý dữ liệu cá nhân, Hồ sơ đánh giá tác động chuyển dữ
liệu cá nhân ra nước ngoài (nếu có);
b) Gửi hồ sơ cho Bộ Công an (Cục An ninh mạng và
phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao), đồng thời gửi bản điện tử của hồ
sơ cho Cục Tin học và Thống kê Tài chính để phục vụ công tác quản lý về bảo vệ
dữ liệu cá nhân của Bộ Tài chính;
c) Lưu giữ 01 bản hồ sơ, sẵn sàng phục vụ hoạt động
kiểm tra, đánh giá của Bộ Công an và của Bộ Tài chính;
d) Cập nhật hồ sơ trong vòng 10 ngày sau khi Bộ
Công an có ý kiến yêu cầu hoàn thiện hồ sơ; trong vòng 60 ngày khi có sự thay đổi
về nội dung hồ sơ đã gửi Bộ Công an.
3. Đơn vị thuộc Bộ khi ký thỏa thuận, hợp đồng với
tổ chức, cá nhân về việc xử lý dữ liệu cá nhân có trách nhiệm yêu cầu Bên xử lý
dữ liệu cá nhân cung cấp cho Cục Tin học và Thống kê tài chính 01 bản điện tử Hồ
sơ đánh giá tác động xử lý dữ liệu cá nhân do Bên xử lý dữ liệu cá nhân thực hiện.
Cục Tin học và Thống kê tài chính sử dụng các hồ sơ này để giám sát chung về
công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Bộ Tài chính.
4. Việc lập, cập nhật, lưu giữ, gửi Bộ Công an Hồ
sơ đánh giá tác động xử lý dữ liệu cá nhân, Hồ sơ đánh giá tác động chuyển dữ
liệu cá nhân ra nước ngoài thực hiện theo quy định tại Điều 24
và 25 Nghị định số 13/2023/NĐ-CP.
Điều 11. Thông báo trường hợp
vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân
1. Trường hợp công chức, viên chức (sau đây gọi
chung là cá nhân) làm việc tại các đơn vị thuộc Bộ Tài chính có hành vi vi phạm
quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân:
a) Nếu cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ trưởng
Bộ Tài chính, đơn vị trực tiếp quản lý cá nhân có hành vi vi phạm phối hợp với
Cục Tin học và Thống kê tài chính đánh giá, xác định mức độ vi phạm và báo cáo
Bộ xem xét.
b) Nếu cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của Tổng cục
trưởng, đơn vị trực tiếp quản lý cá nhân có hành vi vi phạm báo cáo Tổng cục
xem xét.
c) Đối với các trường hợp không thuộc phạm vi quy định
tại điểm a, b khoản này, thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý cá nhân có trách
nhiệm xác định mức độ vi phạm và quyết định biện pháp xử lý phù hợp với quy định
của pháp luật.
d) Trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về bảo
vệ dữ liệu cá nhân, cấp có thẩm quyền quyết định về công tác nhân sự đối với cá
nhân vi phạm (theo quy định về phân cấp quản lý công chức, viên chức tại các
đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính) thông báo cho Bộ Công an.
2. Trường hợp hành vi vi phạm quy định của pháp luật
về bảo vệ dữ liệu cá nhân thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính do
các đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính thực hiện:
a) Nếu hành vi vi phạm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ
Tài chính và không phân cấp cho Tổng cục, đơn vị được giao thực hiện chức năng
tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước trong lĩnh vực đó phối hợp
với Cục Tin học và Thống kê tài chính đánh giá, xác định mức độ vi phạm. Cục
Tin học và Thống kê tài chính báo cáo Bộ phương án xử lý theo quy định của pháp
luật.
b) Nếu hành vi vi phạm thuộc các lĩnh vực thuộc phạm
vi quản lý của Tổng cục, Tổng cục hoặc giao các đơn vị trực thuộc Tổng cục đánh
giá, xác định mức độ vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Việc thông báo hành vi vi phạm quy định của pháp
luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân cho Bộ Công an thực hiện theo Điều
23 Nghị định số 13/2023/NĐ-CP.
Điều 12. Trách nhiệm bảo vệ dữ
liệu cá nhân
1. Cục Tin học và Thống kê tài chính có trách nhiệm:
a) Tham mưu giúp Bộ trưởng quản lý, triển khai công
tác bảo vệ dữ liệu cá nhân của Bộ Tài chính; Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc
thực hiện Quy chế này và các quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ Công an,
Bộ Thông tin và Truyền thông về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong phạm vi quản lý của
Bộ Tài chính; Báo cáo Bộ về việc sửa đổi, bổ sung Quy chế trong trường hợp cần
thiết để đảm bảo sự phù hợp của Quy chế với các quy định, tiêu chuẩn liên quan
và thực tế áp dụng tại Bộ Tài chính.
b) Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ thực hiện tuyên
truyền, nâng cao nhận thức của công chức, viên chức thuộc Bộ Tài chính và các đối
tượng quản lý của Bộ Tài chính về quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá
nhân.
c) Đảm bảo các hệ thống thông tin do Bộ Tài chính
làm chủ quản (không bao gồm các hệ thống thông tin đã được Bộ ủy quyền thực hiện
trách nhiệm của chủ quản hệ thống thông tin theo Quy chế An toàn thông tin mạng
và an ninh mạng Bộ Tài chính) đáp ứng quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
d) Tổng hợp kế hoạch, báo cáo về bảo vệ dữ liệu cá
nhân, trình Lãnh đạo Bộ Tài chính gửi các cơ quan quản lý về bảo vệ dữ liệu cá
nhân, an toàn an ninh mạng.
đ) Chỉ định bộ phận, nhân sự thuộc đơn vị phụ trách
bảo vệ dữ liệu cá nhân của Bộ Tài chính.
2. Các đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính có trách nhiệm:
a) Tổ chức triển khai và giám sát, Kiểm tra việc thực
hiện Quy chế này và các quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân tại
đơn vị và các đơn vị trực thuộc; Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của công chức,
viên chức thuộc đơn vị và các đối tượng thuộc lĩnh vực được giao quản lý về quy
định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
b) Báo cáo về bảo vệ dữ liệu cá nhân khi có yêu cầu
từ các cơ quan có thẩm quyền và gửi Cục Tin học và Thống kê tài chính tổng hợp,
báo cáo Bộ.
c) Tổng cục chỉ định bộ phận, nhân sự thuộc đơn vị
phụ trách bảo vệ dữ liệu cá nhân thuộc chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý của
đơn vị; bảo đảm các hệ thống thông tin do đơn vị làm chủ quản hoặc được ủy quyền
thực hiện trách nhiệm của chủ quản hệ thống thông tin đáp ứng quy định về bảo vệ
dữ liệu cá nhân.
d) Đơn vị đóng vai trò Bên Kiểm soát dữ liệu cá
nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân thực hiện các trách nhiệm tương ứng
quy định tại Nghị định số 13/2023/NĐ-CP và
quy định tại Quy chế này.
3. Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm
trước Lãnh đạo Bộ Tài chính về việc đảm bảo công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân tại
đơn vị thực hiện đúng quy định của pháp luật và Quy chế này.
4. Công chức, viên chức làm việc tại các đơn vị thuộc
Bộ Tài chính có trách nhiệm:
a) Tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu
cá nhân và quy định của Quy chế này;
b) Thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu đối
với dữ liệu cá nhân của bản thân theo quy định tại Điều 9 và 10 Nghị
định số 13/2023/NĐ-CP;
c) Thực hiện biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân; Khi
phát hiện dữ liệu cá nhân có rủi ro bị lộ hoặc không được bảo vệ theo quy định,
yêu cầu đơn vị quản lý, xử lý dữ liệu cá nhân có biện pháp bảo vệ dữ liệu phù hợp,
theo đúng quy định;
d) Thông báo các trường hợp vi phạm quy định về bảo
vệ dữ liệu cá nhân cho thủ trưởng đơn vị; chịu trách nhiệm trước pháp luật và Bộ
Tài chính về các vi phạm, thất thoát dữ liệu cá nhân do không tuân thủ Quy chế,
quy định của pháp luật.
5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định bảo vệ
dữ liệu cá nhân sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm theo quy định của pháp luật.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Tổ chức thực hiện
1. Thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm phổ biến,
quán triệt đến từng công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý các quy định của
pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân và Quy chế này; tổ chức rà soát công tác xử
lý dữ liệu cá nhân tại đơn vị theo quy định của Quy chế.
2. Cục Tin học và Thống kê tài chính, các Tổng cục
tổ chức xây dựng Hồ sơ đánh giá tác động xử lý dữ liệu cá nhân; rà soát các hệ
thống thông tin xử lý dữ liệu cá nhân và triển khai phương án nhằm đảm bảo các
hệ thống thông tin này đáp ứng quy định tại Quy chế; thực hiện kiểm tra an ninh
mạng đối với các máy tính xử lý dữ liệu cá nhân.
3. Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu phát
sinh khó khăn, vướng mắc, các đơn vị, cá nhân gửi ý kiến về Cục Tin học và Thống
kê tài chính để tổng hợp, báo cáo, đề xuất trình Bộ trưởng Bộ Tài chính xem
xét, quyết định./.