Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 126/2024/NĐ-CP quy định tổ chức hoạt động và quản lý hội

Số hiệu: 126/2024/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Nguyễn Hòa Bình
Ngày ban hành: 08/10/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Điều kiện thành lập hội từ ngày 26/11/2024

Ngày 08/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 126/2024/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.

Điều kiện thành lập hội từ ngày 26/11/2024

Theo đó, quy định về điều kiện thành lập hội như sau:

(1) Tên gọi của hội đảm bảo các điều kiện sau:

- Viết bằng tiếng Việt hoặc phiên âm theo tiếng Việt, nếu không phiên âm ra được tiếng Việt thì dùng tiếng nước ngoài; tên gọi riêng của hội có thể được phiên âm, dịch ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật;

- Phù hợp với tôn chỉ, mục đích, phạm vi, lĩnh vực hoạt động chính của hội;

- Không trùng lặp toàn bộ tên gọi hoặc gây nhầm lẫn, bao trùm tên gọi với các hội khác đã được thành lập hợp pháp trước đó;

- Không vi phạm đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa dân tộc.

(Quy định hiện hành tại Nghị định 45/2010/NĐ-CP thì tên gọi của hội chỉ cần đảm bảo không trùng lặp)
 
(2) Lĩnh vực hoạt động chính không trùng lặp với lĩnh vực hoạt động chính của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trong cùng phạm vi hoạt động.

(3) Có tôn chỉ, mục đích, lĩnh vực hoạt động phù hợp quy định pháp luật.

(4) Có điều lệ, trừ hội quy định tại khoản 5 Điều 21 Nghị định 126/2024/NĐ-CP .

(5)  Có trụ sở theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 126/2024/NĐ-CP .

(6) Có đủ số lượng tổ chức, công dân Việt Nam đăng ký tham gia thành lập hội, trừ trường hợp luật, pháp lệnh có quy định khác:

- Hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh có ít nhất 100 tổ chức, công dân tại hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội;

- Hội hoạt động trong phạm vi tỉnh có ít nhất 50 tổ chức, công dân tại hai đơn vị hành chính cấp huyện trở lên có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội;

- Hội hoạt động trong phạm vi huyện có ít nhất 20 tổ chức, công dân tại hai đơn vị hành chính cấp xã trở lên có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội;

- Hội hoạt động trong phạm vi xã có ít nhất 10 tổ chức, công dân tại đơn vị hành chính cấp xã có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội;

- Hiệp hội của các tổ chức kinh tế hoạt động trong phạm vi toàn quốc có hội viên là đại diện các tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân của Việt Nam, có ít nhất 11 đại diện pháp nhân ở nhiều tỉnh; hiệp hội hoạt động trong phạm vi tỉnh có ít nhất 05 đại diện pháp nhân trong tỉnh cùng ngành nghề hoặc cùng lĩnh vực hoạt động có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hiệp hội.

(7) Có tài sản để đảm bảo hoạt động của hội. (Điểm mới)

Xem chi tiết tại Nghị định 126/2024/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 26/11/2024 và thay thế Nghị định 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010, Nghị định 33/2012/NĐ-CP ngày 13/4/2012.

 

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 126/2024/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 08 tháng 10 năm 2024

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG VÀ QUẢN LÝ HỘI

Căn cứ Điều 25 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Quy định quyền lập hội ngày 20 tháng 5 năm 1957;

Căn cứ Bộ luật Dân sự ngày 24 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 20 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Kế toán ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật Viên chức ngày 15 tháng 10 năm 2010;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày 25 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Phòng chống tham nhũng ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước đối với hội được thành lập và hoạt động tại Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, công dân Việt Nam có liên quan đến thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước về hội. Trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về tổ chức, hoạt động của hội khác với Nghị định này thì áp dụng quy định của pháp luật chuyên ngành đó.

2. Nghị định này không áp dụng với các tổ chức:

a) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam;

b) Các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng;

c) Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định của Bộ luật Lao động.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hội là tổ chức tự nguyện của tổ chức, công dân Việt Nam cùng lĩnh vực, ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được tổ chức và hoạt động theo Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan;

2. Không vì mục tiêu lợi nhuận được hiểu là hội không có mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận, nếu có phát sinh lợi nhuận trong quá trình hoạt động của hội thì không được phân chia cho hội viên mà chỉ để dùng cho các hoạt động theo điều lệ của hội đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

3. Cơ sở dữ liệu về hội là tập hợp thông tin phục vụ chức năng quản lý nhà nước về hội và hoạt động của các hội nhằm lưu trữ và chia sẻ thông tin về các hội.

Điều 4. Phạm vi hoạt động

Phạm vi hoạt động của hội (theo địa giới hành chính) gồm:

1. Hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh.

2. Hội hoạt động trong phạm vi tỉnh.

3. Hội hoạt động trong phạm vi huyện.

4. Hội hoạt động trong phạm vi xã (đối với hội sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng được xác định tương đương hội hoạt động trong phạm vi xã).

Điều 5. Nguyên tắc tổ chức, hoạt động của hội

1. Tự nguyện, tự quản.

2. Dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch.

3. Tự bảo đảm kinh phí hoạt động.

4. Không vì mục tiêu lợi nhuận.

5. Tuân thủ Hiến pháp, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và điều lệ hội.

Điều 6. Tên gọi, biểu tượng, trụ sở, con dấu và tài khoản của hội

1. Hội có các tên gọi khác nhau: hội, hiệp hội, liên đoàn, liên minh, liên hiệp hội, tổng hội, câu lạc bộ và tên gọi khác theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là hội) và đảm bảo điều kiện tại khoản 1 Điều 10 Nghị định này.

2. Trụ sở của hội đặt tại Việt Nam trong phạm vi hoạt động của hội và có địa chỉ cụ thể, rõ ràng.

3. Hội có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản và có thể có biểu tượng (logo) riêng theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Chính sách của Nhà nước đối với hội

1. Khuyến khích, tạo điều kiện để các hội tham gia các hoạt động cung cấp dịch vụ, tham gia tư vấn, phản biện chính sách, chương trình, dự án, đề tài, đề án và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.

2. Hỗ trợ kinh phí theo quy định của pháp luật gắn với nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 8 Nghị định này giao.

3. Cung cấp thông tin, tuyên truyền phổ biến chủ trương đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Điều 8. Cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ cho hội

1. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và cấp có thẩm quyền ở Trung ương giao nhiệm vụ đối với hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh.

2. Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp có thẩm quyền ở tỉnh giao nhiệm vụ đối với hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, huyện.

3. Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp có thẩm quyền ở huyện giao nhiệm vụ đối với hội hoạt động trong phạm vi huyện, xã.

4. Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và cấp có thẩm quyền ở xã giao nhiệm vụ đối với hội hoạt động trong phạm vi xã.

Điều 9. Cơ sở dữ liệu về hội

1. Cơ sở dữ liệu về hội được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công của Bộ Nội vụ; cơ sở dữ liệu quốc gia khác, cơ sở dữ liệu của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Ủy ban nhân dân cấp huyện để hỗ trợ giải quyết các thủ tục về hội và quản lý hoạt động của các tổ chức hội theo phân cấp.

2. Thông tin trong cơ sở dữ liệu về hội:

a) Thông tin trong cơ sở dữ liệu về hội bao gồm:

Thông tin được xác lập khi ban vận động thành lập hội đề nghị thành lập hội;

Bản sao hoặc bản điện tử được ký số hợp lệ của hồ sơ đề nghị thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên, phê duyệt điều lệ hoặc sửa đổi, bổ sung điều lệ hội;

Một số thông tin về nhân sự ban chấp hành hội hoặc tên gọi khác (sau đây gọi chung là ban chấp hành hội), ban thường vụ hội hoặc tên gọi khác (sau đây gọi chung là ban thường vụ hội); chủ tịch, phó chủ tịch hội; cơ cấu tổ chức, trụ sở, số điện thoại, nhiệm kỳ của hội;

Các báo cáo định kỳ và đột xuất;

Thông tin về tài sản, tài chính của hội;

Các thông tin liên quan khác (nếu có);

b) Thông tin trong cơ sở dữ liệu về hội được xác lập từ các nguồn sau:

Thông tin được cập nhật trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công của Bộ Nội vụ;

Thông tin của các hội cung cấp trong hồ sơ đề nghị thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên, phê duyệt điều lệ hoặc sửa đổi, bổ sung điều lệ hội;

Thông tin do hội cập nhật lên cơ sở dữ liệu;

Thông tin do các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực hội hoạt động cung cấp;

Thông tin được số hóa, chuẩn hóa từ quyết định giải quyết các thủ tục hành chính về hội;

Thông tin được chia sẻ, chuyển đổi, chuẩn hóa từ các cơ sở dữ liệu được thiết lập trước đây.

3. Nguyên tắc xây dựng, cập nhật, quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về hội:

a) Không đưa các thông tin thuộc bí mật nhà nước liên quan đến tổ chức, hoạt động của hội theo quy định của pháp luật về bí mật nhà nước;

b) Phân cấp cập nhật, quản lý, khai thác, sử dụng và gắn việc xây dựng cơ sở dữ liệu hội với việc giải quyết thủ tục hành chính điện tử;

c) Thông tin trong cơ sở dữ liệu về hội được lưu trữ đầy đủ, chính xác; khai thác, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả theo quy định của pháp luật;

d) Cơ sở dữ liệu về hội được bảo vệ nghiêm ngặt, an toàn theo quy định của pháp luật; tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ thông tin; bảo đảm sự tương thích, an toàn, thông suốt trong toàn hệ thống các cơ sở dữ liệu;

đ) Tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thông tin mạng và quy định pháp luật khác có liên quan.

4. Quản lý, khai thác, cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu về hội:

a) Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu về hội; ban hành quy chế quản lý, khai thác, vận hành cơ sở dữ liệu về hội và hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến sau khi cơ sở dữ liệu về hội được xây dựng và vận hành; cấp mã số và các tài khoản định danh cho các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện và hội;

b) Các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và hội có trách nhiệm truy cập, khai thác cơ sở dữ liệu về hội theo quy định;

c) Bộ Nội vụ, các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và hội có trách nhiệm thường xuyên cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu về hội.

Chương II

THÀNH LẬP HỘI

Điều 10. Điều kiện thành lập hội

1. Tên gọi của hội đảm bảo các điều kiện sau:

a) Viết bằng tiếng Việt hoặc phiên âm theo tiếng Việt, nếu không phiên âm ra được tiếng Việt thì dùng tiếng nước ngoài; tên gọi riêng của hội có thể được phiên âm, dịch ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật;

b) Phù hợp với tôn chỉ, mục đích, phạm vi, lĩnh vực hoạt động chính của hội;

c) Không trùng lặp toàn bộ tên gọi hoặc gây nhầm lẫn, bao trùm tên gọi với các hội khác đã được thành lập hợp pháp trước đó;

d) Không vi phạm đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa dân tộc.

2. Lĩnh vực hoạt động chính không trùng lặp với lĩnh vực hoạt động chính của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trong cùng phạm vi hoạt động.

3. Có tôn chỉ, mục đích, lĩnh vực hoạt động phù hợp quy định pháp luật.

4. Có điều lệ, trừ hội quy định tại khoản 5 Điều 21 Nghị định này.

5. Có trụ sở theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định này.

6. Có đủ số lượng tổ chức, công dân Việt Nam đăng ký tham gia thành lập hội, trừ trường hợp luật, pháp lệnh có quy định khác:

a) Hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh có ít nhất 100 tổ chức, công dân tại hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội;

b) Hội hoạt động trong phạm vi tỉnh có ít nhất 50 tổ chức, công dân tại hai đơn vị hành chính cấp huyện trở lên có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội;

c) Hội hoạt động trong phạm vi huyện có ít nhất 20 tổ chức, công dân tại hai đơn vị hành chính cấp xã trở lên có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội;

d) Hội hoạt động trong phạm vi xã có ít nhất 10 tổ chức, công dân tại đơn vị hành chính cấp xã có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội;

đ) Hiệp hội của các tổ chức kinh tế hoạt động trong phạm vi toàn quốc có hội viên là đại diện các tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân của Việt Nam, có ít nhất 11 đại diện pháp nhân ở nhiều tỉnh; hiệp hội hoạt động trong phạm vi tỉnh có ít nhất 05 đại diện pháp nhân trong tỉnh cùng ngành nghề hoặc cùng lĩnh vực hoạt động có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hiệp hội.

7. Có tài sản để đảm bảo hoạt động của hội.

Điều 11. Ban vận động thành lập hội

1. Tổ chức, công dân Việt Nam có nhu cầu thành lập hội phải thành lập ban vận động thành lập hội (trong đó dự kiến trưởng ban, phó trưởng ban và các ủy viên) theo quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều này và đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định này công nhận ban vận động thành lập hội.

2. Thành viên ban vận động thành lập hội là tổ chức, công dân Việt Nam tâm huyết, trách nhiệm, hoạt động trong lĩnh vực hội dự kiến hoạt động hoặc có liên quan đến lĩnh vực hội dự kiến hoạt động. Các thành viên ban vận động thành lập hội phải đảm bảo các điều kiện sau:

a) Đối với tổ chức:

Được thành lập hợp pháp, có điều lệ hoặc văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ của tổ chức; có đơn tham gia ban vận động thành lập hội;

Có nghị quyết của tập thể lãnh đạo hoặc quyết định của người đứng đầu có thẩm quyền về việc tham gia ban vận động thành lập hội và cử người đại diện tham gia thành viên ban vận động thành lập hội. Người được cử làm đại diện là công dân Việt Nam, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, đảm bảo sức khỏe và không có án tích;

b) Đối với công dân: có đơn tham gia ban vận động thành lập hội, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, đảm bảo sức khỏe và không có án tích.

3. Thành viên ban vận động thành lập hội là cán bộ, công chức, viên chức phải được sự đồng ý cho tham gia ban vận động thành lập hội bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ.

4. Trưởng ban vận động thành lập hội là người có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có kinh nghiệm, có uy tín, am hiểu trong lĩnh vực hội dự kiến hoạt động và sống thường trú tại Việt Nam.

5. Số thành viên ban vận động thành lập hội được quy định như sau:

a) Hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh có ít nhất 10 thành viên đảm bảo tính đại diện cho các vùng, miền;

b) Hội hoạt động trong phạm vi tỉnh có ít nhất 05 thành viên tại hai đơn vị hành chính cấp huyện trở lên;

c) Hội hoạt động trong phạm vi huyện, xã có ít nhất 03 thành viên.

6. Ban vận động thành lập hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận khi đáp ứng được các điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 10 Nghị định này. Ban vận động thành lập hội, gồm: trưởng ban, phó trưởng ban và các ủy viên.

7. Ban vận động thành lập hội có trách nhiệm:

a) Vận động tổ chức, công dân Việt Nam đăng ký tham gia thành lập hội theo quy định tại khoản 6 Điều 10 Nghị định này;

b) Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày quyết định công nhận ban vận động thành lập hội có hiệu lực, ban vận động thành lập hội hoàn thiện 01 bộ hồ sơ thành lập hội theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định này gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này.

8. Ban vận động thành lập hội tự giải thể sau khi tổ chức đại hội thành lập bầu ra ban chấp hành hội.

Điều 12. Hồ sơ, thủ tục và thẩm quyền công nhận ban vận động thành lập hội

1. Hồ sơ đề nghị công nhận ban vận động thành lập hội được lập thành 01 bộ, gồm:

a) Đơn đề nghị công nhận ban vận động thành lập hội (bản gốc), trong đơn nêu rõ tên hội, sự cần thiết thành lập hội, tôn chỉ, mục đích của hội, lĩnh vực chính mà hội dự kiến hoạt động, phạm vi hoạt động, dự kiến thời gian chuẩn bị thành lập hội và nơi tạm thời làm địa điểm hội họp;

b) Danh sách trích ngang (bản gốc) của những người dự kiến trong ban vận động thành lập hội, gồm: họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; quê quán; trình độ văn hóa; trình độ chuyên môn; chức vụ, đơn vị công tác (nếu có); chức danh trong ban vận động thành lập hội; địa chỉ thường trú hoặc tạm trú; số điện thoại liên hệ và tài liệu liên quan (bản chính) theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 11 Nghị định này;

c) Sơ yếu lý lịch cá nhân (theo mẫu kèm theo Nghị định này) và phiếu lý lịch tư pháp số 1 (bản chính) của các thành viên ban vận động thành lập hội không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ; nếu thành viên ban vận động thành lập hội là cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền đồng ý cho tham gia ban vận động thành lập hội bằng văn bản theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ thì không phải nộp phiếu lý lịch tư pháp số 1;

d) Ý kiến đồng ý của cơ quan có thẩm quyền theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ đối với cán bộ, công chức, viên chức tham gia ban vận động thành lập hội (bản chính).

2. Thẩm quyền công nhận ban vận động thành lập hội:

a) Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực chính mà hội dự kiến hoạt động quyết định công nhận ban vận động thành lập hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định công nhận ban vận động thành lập hội hoạt động trong phạm vi tỉnh;

c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định công nhận ban vận động thành lập hội hoạt động trong phạm vi huyện, xã.

3. Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ, hợp pháp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này lấy ý kiến các cơ quan có liên quan đến hoạt động của hội, xem xét hồ sơ và quyết định công nhận ban vận động thành lập hội, trường hợp không đồng ý phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

4. Hết thời hạn quy định tại điểm b khoản 7 Điều 11 Nghị định này, ban vận động thành lập hội không hoàn thiện hồ sơ đầy đủ, hợp lệ theo quy định gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này thì quyết định công nhận ban vận động thành lập hội đương nhiên hết hiệu lực.

Điều 13. Hồ sơ, thủ tục thành lập hội

1. Hồ sơ đề nghị thành lập hội được lập thành 01 bộ, gồm:

a) Đơn đề nghị thành lập hội theo mẫu kèm theo Nghị định này (bản gốc);

b) Dự thảo điều lệ theo mẫu kèm theo Nghị định này;

c) Quyết định công nhận ban vận động thành lập hội kèm theo danh sách thành viên ban vận động thành lập hội (bản chính);

d) Danh sách và đơn đăng ký tham gia thành lập hội của tổ chức, công dân Việt Nam đăng ký tham gia thành lập hội (bản gốc);

đ) Sơ yếu lý lịch cá nhân theo mẫu kèm theo Nghị định này và phiếu lý lịch tư pháp số 1 (bản chính) của trưởng ban vận động thành lập hội không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ;

e) Ý kiến đồng ý của cơ quan có thẩm quyền theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ đối với cán bộ, công chức, viên chức tham gia làm trưởng ban vận động thành lập hội (bản chính);

g) Văn bản chứng minh quyền sử dụng hợp pháp nơi dự kiến đặt trụ sở của hội theo quy định của pháp luật (bản chính hoặc bản sao có chứng thực);

h) Bản kê khai tài sản thành lập hội (bản gốc) của ban vận động thành lập hội tự nguyện đóng góp (nếu có);

i) Bản cam kết đảm bảo kinh phí hoạt động trong nhiệm kỳ lần thứ nhất của hội nếu được thành lập (bản gốc).

2. Trong thời hạn 60 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ và hợp pháp theo quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này phối hợp với các cơ quan có liên quan đến hoạt động của hội quyết định cho phép thành lập hội; trường hợp không đồng ý phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Điều 14. Nội dung chính của điều lệ hội

1. Tên gọi của hội.

2. Tôn chỉ, mục đích, lĩnh vực và phạm vi hoạt động của hội.

3. Địa vị pháp lý, trụ sở chính của hội.

4. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hội.

5. Quyền và nghĩa vụ của hội.

6. Tiêu chuẩn hội viên.

7. Quyền, nghĩa vụ của hội viên; thủ tục đăng ký tham gia hội, thủ tục ra khỏi hội, thẩm quyền kết nạp, khai trừ hội viên.

8. Cơ cấu tổ chức, thể thức bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm; nhiệm vụ, quyền hạn của đại hội, ban chấp hành, ban thường vụ, ban kiểm tra hội; thành lập, quản lý tổ chức thuộc hội; nguyên tắc, hình thức biểu quyết; chính sách, chế độ đối với người làm việc tại hội.

9. Đại diện theo pháp luật của hội; nhiệm vụ, quyền hạn, thể thức bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, tạm đình chỉ công tác, cho phép công tác trở lại, tiêu chuẩn, điều kiện, độ tuổi, sức khỏe, nhiệm kỳ của chủ tịch, phó chủ tịch hội và các chức danh khác (nếu có).

10. Chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, đổi tên, đình chỉ hoạt động có thời hạn và giải thể hội.

11. Nguồn tài sản, tài chính và việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính của hội.

12. Khen thưởng, kỷ luật, xử lý vi phạm.

13. Giải quyết tranh chấp, phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến tổ chức và hoạt động của hội.

14. Các nội dung khác (nếu có) phù hợp với quy định của pháp luật.

15. Sửa đổi, bổ sung điều lệ.

16. Hiệu lực thi hành.

Điều 15. Thẩm quyền giải quyết các thủ tục về hội

1. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều lệ đối với hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc có đảng đoàn.

2. Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên, phê duyệt điều lệ; đình chỉ hoạt động có thời hạn, cho phép hoạt động trở lại đối với hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh, trừ trường hợp luật, pháp lệnh có quy định khác về thành lập, phê duyệt điều lệ hội.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền công nhận ban vận động thành lập hội; cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên, phê duyệt điều lệ; đình chỉ hoạt động có thời hạn, cho phép hoạt động trở lại đối với hội hoạt động trong phạm vi tỉnh.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền công nhận ban vận động thành lập hội; cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên, phê duyệt điều lệ; đình chỉ hoạt động có thời hạn, cho phép hoạt động trở lại đối với hội hoạt động trong phạm vi huyện, xã.

Điều 16. Thời gian đại hội thành lập

1. Trong thời hạn 60 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định cho phép thành lập hội, ban vận động thành lập hội tổ chức đại hội thành lập. Quá thời hạn 60 ngày làm việc mà ban vận động thành lập hội chưa chuẩn bị kịp để tiến hành tổ chức đại hội thành lập, thì trong thời gian 15 ngày làm việc tính từ ngày hết thời hạn 60 ngày làm việc, ban vận động thành lập hội chủ động có văn bản gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này đề nghị gia hạn.

2. Thời gian gia hạn không quá 30 ngày làm việc tính từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản cho phép gia hạn.

3. Quyết định cho phép thành lập hội hết hiệu lực trong trường hợp:

a) Hội không tổ chức đại hội theo thời gian quy định và không có văn bản đề nghị gia hạn theo quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Quá thời gian được gia hạn theo quy định tại khoản 2 Điều này mà ban vận động thành lập hội không tổ chức đại hội thành lập, trừ trường hợp có lý do bất khả kháng.

4. Khi quyết định cho phép thành lập hội hết hiệu lực theo quy định tại khoản 3 Điều này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này ra quyết định thu hồi quyết định cho phép thành lập hội. Hội bị thu hồi quyết định cho phép thành lập sẽ không được thành lập lại trong thời hạn 03 năm kể từ ngày bị thu hồi quyết định cho phép thành lập.

5. Quyết định thành lập ban vận động thành lập hội đương nhiên hết hiệu lực khi quyết định cho phép thành lập hội bị thu hồi theo quy định.

Điều 17. Hội viên

Hội viên của hội gồm hội viên chính thức, hội viên liên kết và hội viên danh dự do điều lệ hội quy định:

1. Hội viên chính thức:

a) Tổ chức, công dân Việt Nam tán thành điều lệ hội, tự nguyện đăng ký tham gia hội, đủ tiêu chuẩn hội viên theo quy định của điều lệ hội có thể trở thành hội viên chính thức của hội. Hội viên là tổ chức Việt Nam thì đại diện tổ chức tham gia hội phải là công dân Việt Nam;

b) Hội viên đăng ký tham gia thành lập hội đương nhiên là hội viên chính thức của hội.

2. Hội viên liên kết:

Tổ chức, công dân Việt Nam không có điều kiện hoặc không có đủ tiêu chuẩn trở thành hội viên chính thức của hội, tán thành điều lệ hội, tự nguyện đăng ký tham gia hội, có thể trở thành hội viên liên kết của hội.

3. Hội viên danh dự:

Tổ chức, công dân Việt Nam có uy tín, có nhiều đóng góp đối với hội được hội mời làm hội viên danh dự của hội.

4. Hội viên liên kết và hội viên danh dự được hưởng quyền và nghĩa vụ như hội viên chính thức của hội, trừ quyền biểu quyết các vấn đề của hội và không được tham gia bầu cử, ứng cử, đề cử vào ban chấp hành, ban kiểm tra hội.

5. Tiêu chuẩn, thủ tục kết nạp hội viên, cho hội viên ra khỏi hội, quyền, nghĩa vụ của hội viên chính thức, hội viên liên kết và hội viên danh dự được quy định trong điều lệ hội phù hợp với quy định của pháp luật.

Chương III

TỔ CHỨC CỦA HỘI

Điều 18. Cơ cấu tổ chức của hội

1. Đại hội.

2. Ban chấp hành hội.

3. Ban thường vụ hội.

4. Ban kiểm tra hội.

5. Các tổ chức thuộc hội theo quy định tại Điều 25 Nghị định này do hội tự quyết định căn cứ vào tính chất, phạm vi, quy mô tổ chức hoạt động của hội, phù hợp quy định của pháp luật và điều lệ hội.

Điều 19. Đại hội

1. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của hội là đại hội. Đại hội được tổ chức dưới hình thức đại hội toàn thể hoặc đại hội đại biểu.

2. Điều kiện tổ chức đại hội:

a) Đại hội thành lập được tổ chức khi có trên 1/2 số người đăng ký tham gia thành lập hội theo hồ sơ đề nghị thành lập hội có mặt;

b) Đại hội nhiệm kỳ hoặc đại hội bất thường được tổ chức khi có trên 1/2 số hội viên chính thức đối với đại hội toàn thể hoặc có trên 1/2 số đại biểu chính thức có mặt đối với đại hội đại biểu. Đại hội bất thường được triệu tập khi ít nhất có 2/3 tổng số thành viên ban chấp hành hoặc có trên 1/2 tổng số hội viên chính thức đề nghị;

c) Trường hợp không đủ số lượng đại biểu tham gia dự Đại hội theo quy định tại điểm a, điểm b khoản này thì ban vận động thành lập hội hoặc ban chấp hành hội đương nhiệm dừng tổ chức đại hội và có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo hội tổ chức đại hội đảm bảo theo quy định của Nghị định này;

d) Đại biểu chính thức tham dự của đại hội không được ủy quyền cho cá nhân khác dự thay, trừ trường hợp đại hội chấp nhận việc ủy quyền.

3. Đại hội có thể tổ chức trực tiếp hoặc qua nền tảng ứng dụng trực tuyến hoặc kết hợp cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến do ban vận động thành lập hội hoặc ban chấp hành đương nhiệm quyết định. Hội có trách nhiệm phải đảm bảo cơ sở vật chất, phương tiện, nhân lực để tổ chức đại hội theo đúng điều lệ, quy chế đại hội và quy định của pháp luật.

4. Nhiệm kỳ đại hội:

a) Nhiệm kỳ đại hội do điều lệ hội quy định nhưng không quá 05 năm kể từ ngày kết thúc đại hội nhiệm kỳ trước;

b) Trước khi hết nhiệm kỳ 30 ngày làm việc, hội chưa tổ chức được đại hội thì hội phải báo cáo lý do với cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này xem xét cho phép gia hạn thời gian tổ chức đại hội. Thời gian gia hạn không quá 12 tháng;

c) Hết thời gian gia hạn hội không tổ chức đại hội thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này xử lý vi phạm theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 30 Nghị định này; trừ trường hợp bất khả kháng.

5. Cách tính thời hạn tổ chức đại hội nhiệm kỳ:

a) Nhiệm kỳ đại hội của hội thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều này. Trường hợp hội kéo dài nhiệm kỳ đại hội thì thời hạn tổ chức đại hội nhiệm kỳ tiếp theo được tính kể từ ngày hội tổ chức đại hội nhiệm kỳ;

b) Trường hợp hội tổ chức đại hội bất thường để thông qua việc đổi tên thì được tính thời hạn tổ chức đại hội nhiệm kỳ tiếp theo kể từ ngày hội tổ chức đại hội bất thường;

c) Hội thành lập mới do chia, tách; sáp nhập; hợp nhất hội được tính thời hạn tổ chức đại hội nhiệm kỳ tiếp theo kể từ ngày hội tổ chức đại hội thành lập mới.

6. Nguyên tắc biểu quyết tại đại hội:

a) Đại hội có thể biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Hình thức biểu quyết do đại hội quyết định hoặc theo quy định của điều lệ hội đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

b) Việc biểu quyết thông qua các quyết định của đại hội phải đảm bảo trên 1/2 số đại biểu chính thức được triệu tập tán thành hoặc theo quy định của điều lệ hội đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

7. Trước khi tổ chức đại hội 45 ngày làm việc (đối với đại hội nhiệm kỳ, đại hội bất thường) hoặc 15 ngày làm việc (đối với đại hội thành lập), ban chấp hành hội hoặc ban vận động thành lập hội gửi 01 bộ hồ sơ báo cáo theo quy định tại khoản 8, khoản 9, khoản 10 Điều này đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này và cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực chính hội hoạt động.

8. Hồ sơ báo cáo tổ chức đại hội thành lập:

a) Văn bản của hội báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này về việc tổ chức đại hội thành lập (bản gốc);

b) Đề án nhân sự (bản gốc), trong đó nêu rõ tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng, dự kiến danh sách thành viên ban chấp hành, ban thường vụ, ban kiểm tra, các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch hội và chức danh khác (nếu có);

c) Ý kiến đồng ý của cơ quan có thẩm quyền theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ đối với nhân sự là cán bộ, công chức, viên chức dự kiến tham gia ban chấp hành, ban thường vụ hoặc giữ các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch hội (bản chính).

Trường hợp dự kiến chủ tịch hội không phải là trưởng ban vận động thành lập hội thì phải bổ sung sơ yếu lý lịch cá nhân và phiếu lý lịch tư pháp số 1 (bản chính) không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ; nếu chủ tịch hội dự kiến nêu trên là cán bộ, công chức, viên chức hoặc là cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu được cơ quan có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ thì không phải nộp phiếu lý lịch tư pháp số 1;

d) Dự kiến thời gian, địa điểm tổ chức đại hội, số lượng đại biểu mời, đại biểu chính thức tham dự đại hội, dự kiến chương trình đại hội (bản gốc).

9. Hồ sơ báo cáo tổ chức đại hội nhiệm kỳ (bản chính);

a) Văn bản của hội báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này về việc tổ chức đại hội nhiệm kỳ; nếu trong đại hội nhiệm kỳ có nội dung về đổi tên hội thì kèm theo đơn đề nghị đổi tên hội, trong đó nêu rõ lý do, sự cần thiết phải đổi tên hội;

b) Nghị quyết của ban chấp hành hội về việc tổ chức đại hội nhiệm kỳ và việc đổi tên hội (nếu có);

c) Dự thảo báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ mới của hội; báo cáo kiểm điểm của ban chấp hành, ban kiểm tra và báo cáo tài chính của hội; báo cáo số lượng hội viên, trong đó nêu rõ số hội viên chính thức của hội;

d) Dự thảo điều lệ (sửa đổi, bổ sung) hoặc dự thảo điều lệ theo tên mới (nếu có);

đ) Đề án nhân sự, trong đó nêu rõ tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng, dự kiến danh sách thành viên ban chấp hành, ban thường vụ, ban kiểm tra, các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch hội và chức danh khác (nếu có);

e) Sơ yếu lý lịch cá nhân và phiếu lý lịch tư pháp số 1 không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ của nhân sự dự kiến là chủ tịch hội; nếu nhân sự dự kiến chủ tịch hội là cán bộ, công chức, viên chức hoặc là cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu được cơ quan có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ hoặc đang là chủ tịch hội nhiệm kỳ hiện tại của hội thì không phải nộp phiếu lý lịch tư pháp số 1;

g) Dự kiến thời gian, địa điểm tổ chức đại hội, số lượng đại biểu mời, đại biểu chính thức tham dự đại hội, dự kiến chương trình đại hội;

h) Ý kiến đồng ý của cơ quan có thẩm quyền theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ đối với nhân sự là cán bộ, công chức, viên chức dự kiến tham gia ban chấp hành, ban thường vụ hoặc giữ các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch hội;

i) Các nội dung khác thuộc thẩm quyền của đại hội theo quy định của điều lệ hội và quy định của pháp luật (nếu có).

10. Hồ sơ báo cáo tổ chức đại hội bất thường (bản chính):

a) Văn bản của hội báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này về việc tổ chức đại hội bất thường. Nếu trong đại hội bất thường có nội dung về đổi tên hội thì kèm theo đơn đề nghị đổi tên hội, trong đó nêu rõ lý do, sự cần thiết phải đổi tên hội;

b) Nghị quyết của ban chấp hành hội về việc tổ chức đại hội bất thường trong đó nêu rõ nội dung thảo luận và quyết định tại đại hội;

c) Dự thảo những nội dung thảo luận và quyết định tại đại hội;

d) Dự kiến thời gian, địa điểm tổ chức đại hội, số lượng đại biểu mời, đại biểu chính thức tham dự đại hội, dự kiến chương trình đại hội.

11. Sau khi nhận hồ sơ báo cáo đầy đủ, hợp pháp theo quy định tại khoản 9, khoản 10 Điều này và ý kiến đồng thuận của các cơ quan có liên quan đến ngành, lĩnh vực chính mà hội hoạt động, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này có ý kiến bằng văn bản về việc tổ chức đại hội.

12. Hội tổ chức đại hội sau khi có ý kiến cho phép tổ chức đại hội bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này.

Điều 20. Nội dung chủ yếu, nguyên tắc biểu quyết tại đại hội

1. Nội dung chủ yếu của đại hội thành lập:

a) Công bố, trao quyết định cho phép thành lập hội;

b) Báo cáo số lượng đại biểu tham dự đại hội và báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu tham dự đại hội;

c) Thông qua chương trình đại hội, quy chế đại hội, quy chế bầu cử;

d) Báo cáo kết quả quá trình vận động thành lập hội;

đ) Thảo luận điều lệ đã được cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này xem xét khi cho phép thành lập hội và biểu quyết điều lệ;

e) Thông qua đề án nhân sự đại hội; biểu quyết số lượng thành viên ban chấp hành, ban kiểm tra cho cả nhiệm kỳ của hội; đề cử, ứng cử vào danh sách thành viên ban chấp hành, ban kiểm tra hội;

g) Bầu ban chấp hành hội, ban kiểm tra hội;

h) Thông qua chương trình hoạt động nhiệm kỳ của hội;

i) Các vấn đề khác (nếu có);

k) Thông qua nghị quyết đại hội.

2. Nội dung chủ yếu tại đại hội nhiệm kỳ:

a) Báo cáo số lượng đại biểu tham dự đại hội và báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu tham dự đại hội;

b) Thông qua chương trình đại hội, quy chế đại hội, quy chế bầu cử;

c) Thảo luận, thông qua báo cáo tổng kết nhiệm kỳ và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ tiếp theo của hội; báo cáo kiểm điểm của ban chấp hành, ban kiểm tra; báo cáo tài chính của hội;

d) Thảo luận đổi tên hội (nếu có); thông qua việc sửa đổi, bổ sung điều lệ hoặc tiếp tục sử dụng điều lệ hiện hành;

đ) Chia, tách; sáp nhập, hợp nhất (nếu có);

e) Thông qua đề án nhân sự đại hội; biểu quyết số lượng thành viên ban chấp hành, ban kiểm tra cho cả nhiệm kỳ của hội; đề cử, ứng cử vào danh sách ban chấp hành, ban kiểm tra hội;

g) Bầu ban chấp hành; bầu ban kiểm tra hội, trừ hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ;

h) Các vấn đề khác theo quy định của điều lệ hội (nếu có);

i) Thông qua nghị quyết đại hội.

3. Nội dung chủ yếu tại đại hội bất thường:

a) Báo cáo số lượng đại biểu tham dự đại hội và báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu tham dự đại hội;

b) Thông qua những nội dung thảo luận và quyết định tại đại hội;

c) Thông qua nghị quyết đại hội.

Điều 21. Báo cáo kết quả đại hội, phê duyệt điều lệ hội

1. Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc đại hội, ban chấp hành hội gửi 01 bộ hồ sơ (bản chính) đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 15 Nghị định này, gồm:

a) Văn bản báo cáo kết quả đại hội, trong đó có đề nghị phê duyệt điều lệ hội, đổi tên hội (nếu có). Trường hợp đại hội quyết định không sửa đổi, bổ sung điều lệ thì hội báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 15 Nghị định này về việc tiếp tục thực hiện điều lệ hiện hành;

b) Dự thảo điều lệ hoặc dự thảo Điều lệ sửa đổi, bổ sung (nếu có);

c) Biên bản đại hội; biên bản bầu ban thường vụ, ban kiểm tra và các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch hội (có danh sách kèm theo);

d) Trường hợp chủ tịch hội không phải là nhân sự dự kiến đã báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì hội bổ sung sơ yếu lý lịch cá nhân và phiếu lý lịch tư pháp số 1 không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ. Chủ tịch hội là cán bộ, công chức, viên chức hoặc là cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu được cơ quan có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ thì không phải nộp phiếu lý lịch tư pháp số 1;

đ) Chương trình hoạt động của hội;

e) Nghị quyết đại hội.

2. Trong thời hạn 60 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp pháp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 15 Nghị định này quyết định phê duyệt điều lệ hội với điều kiện hội hoàn thiện dự thảo điều lệ phù hợp với quy định của pháp luật theo ý kiến của các cơ quan liên quan đến lĩnh vực hội hoạt động. Trường hợp nội dung điều lệ hội trái với quy định của pháp luật thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ chối phê duyệt và yêu cầu, hướng dẫn hội hoàn thiện điều lệ hội đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật.

3. Trường hợp điều lệ hội thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, hội báo cáo kết quả đại hội, trong đó có đề nghị phê duyệt điều lệ hội gửi về Bộ Nội vụ để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.

4. Hiệu lực thi hành của điều lệ hội:

a) Điều lệ hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc có đảng đoàn có hiệu lực thi hành kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt;

b) Điều lệ hội không thuộc điểm a khoản này có hiệu lực thi hành kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này quyết định phê duyệt.

5. Nếu nghị quyết đại hội của hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, huyện, xã có cùng tên gọi, lĩnh vực hoạt động chính và là hội viên tổ chức của hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc, thống nhất thừa nhận điều lệ của hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc thì không cần xây dựng điều lệ riêng.

6. Sau khi hội báo cáo kết quả đại hội đầy đủ, hợp pháp theo quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này ra văn bản thông báo việc tổ chức đại hội của hội đã đảm bảo theo quy định của pháp luật và điều lệ hội.

Điều 22. Ban chấp hành, ban thường vụ, chủ tịch và phó chủ tịch hội

1. Ban chấp hành, ban thường vụ:

a) Ban chấp hành do đại hội bầu là cơ quan lãnh đạo giữa 02 kỳ đại hội. Ban thường vụ do ban chấp hành bầu là cơ quan lãnh đạo giữa 02 kỳ họp ban chấp hành;

b) Số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, độ tuổi, sức khỏe, nhiệm kỳ, nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc hoạt động của ban chấp hành, ban thường vụ hội do hội quy định phù hợp với quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và điều lệ hội.

2. Chủ tịch và phó chủ tịch hội do ban chấp hành bầu trong số thành viên ban thường vụ.

3. Việc bầu cử, miễn nhiệm, bãi nhiệm, tạm đình chỉ công tác và cho phép công tác trở lại đối với chủ tịch, phó chủ tịch hội, thành viên ban chấp hành, ban thường vụ hội do điều lệ của hội quy định phù hợp với quy định của pháp luật. Đối với hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ phải báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến trước khi thực hiện.

4. Khi miễn nhiệm, bãi nhiệm chủ tịch hội phải đồng thời bầu chủ tịch khác để thay thế theo quy định của pháp luật và điều lệ hội hoặc phân công người điều hành hoạt động của hội trong thời gian chưa bầu được chủ tịch hội. Chủ tịch hội bị tạm đình chỉ công tác thì phó chủ tịch thường trực điều hành hoạt động của hội trong thời gian chủ tịch hội bị tạm đình chỉ công tác; trường hợp, hội không có phó chủ tịch thường trực thì phân công một phó chủ tịch điều hành hoạt động của hội.

5. Hội quy định cụ thể các trường hợp miễn nhiệm, bãi nhiệm, tạm đình chỉ công tác, cho phép công tác trở lại đối với chủ tịch, phó chủ tịch hội, thành viên ban chấp hành, ban thường vụ hội.

6. Sau miễn nhiệm, bãi nhiệm chủ tịch, phó chủ tịch hội, thành viên ban chấp hành, ban thường vụ hội, hội có văn bản báo cáo gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Văn bản báo cáo nêu rõ họ tên, lý do miễn nhiệm, bãi nhiệm; đính kèm biên bản họp miễn nhiệm, bãi nhiệm; biên bản họp bầu chủ tịch, phó chủ tịch hội, thành viên ban chấp hành, ban thường vụ hội; sơ yếu lý lịch cá nhân và phiếu lý lịch tư pháp số 1 không quá 06 tháng tính đến ngày nộp báo cáo của người được bầu chủ tịch hội. Nếu nhân sự chủ tịch hội là cán bộ, công chức, viên chức hoặc là cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu được cơ quan có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ thì không phải nộp phiếu lý lịch tư pháp số 1.

7. Chủ tịch hội là đại diện theo pháp luật của hội, chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của hội:

a) Tiêu chuẩn:

Chấp hành và thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước;

Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt;

Có uy tín và hiểu biết về lĩnh vực hội hoạt động;

Có quốc tịch Việt Nam;

Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không có án tích.

b) Điều kiện:

Không giữ chức danh chủ tịch quá 02 hội;

Không phải là cán bộ, công chức trong các cơ quan, tổ chức đang trực tiếp quản lý hoặc tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực hoạt động chính của hội; trừ trường hợp được cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ;

Nhân sự dự kiến chủ tịch hội là cán bộ, công chức, viên chức hoặc là cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu phải được cấp có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ;

c) Ngoài những tiêu chuẩn, điều kiện chung quy định tại điểm a, điểm b khoản này, hội quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện, độ tuổi, sức khỏe, nhiệm kỳ của chủ tịch hội phù hợp với quy định của pháp luật và điều lệ hội;

d) Trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch hội do điều lệ hội quy định phù hợp với quy định của pháp luật.

8. Tiêu chuẩn, điều kiện, số lượng, độ tuổi, sức khỏe, nhiệm kỳ, trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của phó chủ tịch hội, tổng thư ký, thành viên ban chấp hành, ban thường vụ, ban kiểm tra do điều lệ hội quy định phù hợp với quy định của pháp luật.

Chương IV

HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI

Điều 23. Quyền của hội

1. Tổ chức, hoạt động theo điều lệ hội đã được phê duyệt.

2. Tuyên truyền tôn chỉ, mục đích hoạt động của hội. Được cung cấp thông tin, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

3. Đại diện cho hội viên trong mối quan hệ đối nội, đối ngoại có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của hội.

4. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên và cộng đồng phù hợp với tôn chỉ, mục đích của hội.

5. Tổ chức, phối hợp hoạt động giữa các hội viên vì lợi ích chung của hội.

6. Phổ biến, bồi dưỡng kiến thức cho hội viên; cung cấp thông tin cần thiết cho hội viên theo quy định của pháp luật.

7. Tham gia các chương trình, dự án, đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, các hoạt động tư vấn, phản biện chính sách theo đề nghị của cơ quan nhà nước; tham gia cung cấp dịch vụ công, tổ chức dạy nghề, truyền nghề theo quy định của pháp luật.

8. Hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh được đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác với nơi đặt trụ sở của hội theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Nghị định này và có thể đặt văn phòng đại diện tại nước ngoài.

9. Thành lập và quản lý chặt chẽ tổ chức thuộc hội theo quy định của pháp luật và điều lệ hội phù hợp với tôn chỉ, mục đích và lĩnh vực hoạt động của hội.

10. Được tham gia ý kiến trong xây dựng cơ chế, chính sách liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và lĩnh vực hoạt động của hội. Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các vấn đề liên quan tới sự phát triển hội và lĩnh vực hội hoạt động. Được tham gia tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức các hoạt động dịch vụ khác theo quy định của pháp luật và được cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực, chứng chỉ khác liên quan đến lĩnh vực hoạt động của hội khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

11. Phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan để thực hiện nhiệm vụ của hội.

12. Thu hội phí của hội viên và hoạt động tạo nguồn thu từ kinh doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật để tự trang trải về kinh phí hoạt động.

13. Được tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn tài trợ, viện trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật, gắn với tôn chỉ, mục đích hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của hội.

14. Được Nhà nước hỗ trợ kinh phí đối với những hoạt động gắn với nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước giao (nếu có).

15. Hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh được gia nhập các tổ chức quốc tế tương ứng và ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế theo quy định của pháp luật sau khi có ý kiến thống nhất của cấp có thẩm quyền và các cơ quan quản lý nhà nước khác có liên quan về việc gia nhập tổ chức quốc tế tương ứng, ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế.

16. Khen thưởng, kỷ luật theo quy định của pháp luật và điều lệ hội.

17. Hòa giải tranh chấp, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến hội.

18. Quyền khác theo quy định của pháp luật.

Điều 24. Nghĩa vụ, trách nhiệm của hội

1. Chấp hành quy định của cơ quan có thẩm quyền và quy định của pháp luật có liên quan đến tổ chức, hoạt động của hội và điều lệ hội.

2. Không được lợi dụng hoạt động của hội để làm phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội, đạo đức, thuần phong mỹ tục, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để thực hiện các hoạt động mê tín, dị đoan; hoạt động tài chính, kinh doanh trái phép làm rối loạn thị trường trong nước.

3. Không công nhận, vinh danh, suy tôn, phong tặng các danh hiệu trái quy định của pháp luật.

4. Hội hoạt động thuộc lĩnh vực nào phải chịu sự quản lý nhà nước của cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực đó và các cơ quan có liên quan trong quá trình tổ chức và hoạt động theo quy định tại Điều 43, Điều 44, Điều 45, Điều 46, Điều 47, Điều 48, Điều 49 và Điều 50 Nghị định này.

5. Tập hợp, phát triển hội viên; tổ chức, phối hợp hoạt động giữa các hội viên vì lợi ích chung của hội và thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích hoạt động của hội.

6. Tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực hội hoạt động, điều lệ, quy chế, quy định của hội và bồi dưỡng, cập nhật kiến thức tới hội viên.

7. Đề xuất sửa đổi, bổ sung điều lệ; quản lý chặt chẽ hoạt động của tổ chức thuộc hội theo quy định của pháp luật và điều lệ; xây dựng, hoàn thiện các quy chế, quy định của hội để làm cơ sở cho hội tổ chức, hoạt động phù hợp với quy định của pháp luật và điều lệ hội.

8. Tuân thủ các quy định về tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ nước ngoài và các quy định pháp luật khác có liên quan; quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài trợ, viện trợ và chịu trách nhiệm là chủ khoản viện trợ theo quy định của pháp luật.

9. Báo cáo hồ sơ tổ chức đại hội theo quy định tại khoản 7 Điều 19 Nghị định này.

10. Sau khi miễn nhiệm, bãi nhiệm, thay đổi chức vụ chủ tịch, phó chủ tịch, tổng thư ký, thành viên ban chấp hành, ban thường vụ, ban kiểm tra, thay đổi trụ sở, sửa đổi, bổ sung điều lệ, hội phải báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này và cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực chính mà hội hoạt động tương ứng với phạm vi hoạt động của hội.

11. Báo cáo việc thành lập các tổ chức thuộc hội với cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này, cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực chính mà hội hoạt động tương ứng với phạm vi hoạt động của hội và chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý trực tiếp, toàn diện tổ chức, hoạt động của các tổ chức này theo quy định của pháp luật và điều lệ hội.

12. Hàng năm, hội phải báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động của hội với cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này, cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực chính mà hội hoạt động tương ứng với phạm vi hoạt động của hội và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi hội có phạm vi hoạt động toàn quốc hoặc liên tỉnh đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện trước ngày 31 tháng 12. Báo cáo định kỳ hàng năm được thực hiện theo Mẫu số 16 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

13. Báo cáo kết quả giải quyết tranh chấp, đơn, thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến hội với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

14. Chấp hành sự hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc tuân thủ pháp luật và điều lệ hội.

15. Lập và lưu giữ tại trụ sở hội danh sách hội viên, tổ chức thuộc hội, so sách, chứng từ về tài sản, tài chính của hội, biên bản các cuộc họp ban chấp hành, ban thường vụ, ban kiểm tra hội.

16. Kinh phí thu được theo quy định tại khoản 12, khoản 13, khoản 14 Điều 23 Nghị định này phải dành cho hoạt động hội theo quy định của điều lệ hội, không được chia cho hội viên.

17. Việc sử dụng kinh phí của hội phải chấp hành quy định của pháp luật và điều lệ hội đảm bảo công khai, minh bạch; nộp thuế, phí, lệ phí và thực hiện chế độ kế toán, kiểm toán, thống kê theo quy định của pháp luật; phải đăng ký mã số thuế và kê khai thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Hàng năm, hội báo cáo quyết toán tài chính theo quy định của Nhà nước gửi cơ quan tài chính cùng cấp, cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực chính mà hội hoạt động và cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này tương ứng với phạm vi hoạt động của hội. Chịu sự thanh tra, kiểm tra về việc thu, chi, quản lý và sử dụng tài chính, tài sản của cơ quan tài chính cùng cấp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập hội hoặc cơ quan tài chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập hội.

18. Ban hành các quy chế về hoạt động của ban chấp hành, ban thường vụ, ban kiểm tra hội; quản lý, sử dụng tài sản, tài chính của hội; khen thưởng, kỷ luật; quản lý hội viên; giải quyết kiến nghị, phản ánh, tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến hội; quản lý và sử dụng con dấu của hội và các quy định khác phù hợp với quy định của pháp luật và điều lệ hội.

19. Xây dựng và ban hành quy tắc đạo đức trong hoạt động của hội.

20. Cập nhật tình hình tổ chức, hoạt động của hội vào cơ sở dữ liệu về hội và phối hợp xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu về hội.

21. Thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng, phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.

22. Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 25. Các tổ chức thuộc hội

1. Chi nhánh, văn phòng đại diện:

a) Hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh được thành lập chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác với nơi đặt trụ sở của hội;

b) Khi có nhu cầu đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện, hội phải có hồ sơ gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi dự kiến đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện. Hồ sơ gồm:

Đơn đề nghị đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện của hội (bản chính), trong đó ghi rõ: tên hội và địa chỉ trụ sở của hội; mục đích, lĩnh vực hoạt động chính, phạm vi hoạt động của hội; sự cần thiết đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện; dự kiến tên, địa chỉ đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện; nội dung, phạm vi hoạt động của chi nhánh hoặc văn phòng đại diện và một số thông tin cơ bản của người dự kiến đứng đầu chi nhánh hoặc văn phòng đại diện của hội (gồm: họ, tên, nơi thường trú, số căn cước hoặc số căn cước công dân hoặc số giấy chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu);

Văn bản chứng minh quyền sử dụng hợp pháp nơi dự kiến đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện của hội theo quy định của pháp luật (bản chính hoặc bản sao có chức thực hoặc bản sao, xuất trình bản chính để đối chiếu);

Quyết định thành lập hội và điều lệ hội (bản chính hoặc bản sao có chức thực hoặc bản sao, xuất trình bản chính để đối chiếu).

c) Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ, hợp pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, quyết định cho phép hội đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện; trường hợp không đồng ý phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;

d) Hội báo cáo Bộ Nội vụ và bộ, cơ quan ngang bộ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực mà hội hoạt động theo quy định sau khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đồng ý bằng văn bản về việc cho phép đặt chi nhánh, văn phòng đại diện;

đ) Chi nhánh, văn phòng đại diện hoạt động theo quy định của pháp luật và điều lệ hội. Chịu sự quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi hội đặt chi nhánh, văn phòng đại diện.

2. Văn phòng, các phòng, ban chuyên môn và các tổ chức có tên gọi khác do hội thành lập để tham mưu giúp ban chấp hành, ban thường vụ hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và điều lệ hội.

3. Liên chi hội, chi hội, phân hội, tổ hội hoặc tên gọi khác (sau đây gọi chung là chi hội) là các tổ chức không có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng được thành lập theo quy định của điều lệ hội. Địa điểm sinh hoạt thường xuyên của chi hội phải được ghi rõ trong quyết định thành lập, khi chi hội tổ chức sinh hoạt thì báo cáo chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật về hội họp.

4. Tổ chức có tư cách pháp nhân được thành lập theo quy định của pháp luật để thực hiện nhiệm vụ của hội, phù hợp với tôn chỉ, mục đích, lĩnh vực hoạt động theo quy định tại điều lệ hội:

a) Hội chịu trách nhiệm quản lý chặt chẽ, toàn diện các tổ chức này, đảm bảo nguyên tắc không vì mục tiêu lợi nhuận trong quá trình tổ chức và hoạt động;

b) Điều kiện, thủ tục, hồ sơ thành lập thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành và pháp luật khác có liên quan. Trước khi gửi hồ sơ thành lập đến cơ quan có thẩm quyền, hội có trách nhiệm lấy ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này tương ứng với phạm vi hoạt động của hội;

c) Trong thời gian 30 ngày làm việc kể từ ngày có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hoặc giấy phép hoạt động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, hội báo cáo việc thành lập tổ chức có tư cách pháp nhân với cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này tương ứng với phạm vi hoạt động của hội để theo dõi. Hồ sơ gồm:

Quyết định thành lập tổ chức có tư cách pháp nhân (bản chính);

Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hoặc giấy phép hoạt động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp (bản chính hoặc bản sao có chức thực hoặc bản sao, xuất trình bản chính để đối chiếu);

Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu (bản chính hoặc bản sao có chức thực hoặc bản sao, xuất trình bản chính để đối chiếu);

Quyết định bổ nhiệm người đại diện theo pháp luật (bản chính).

d) Trường hợp tổ chức có tư cách pháp nhân hoạt động vi phạm pháp luật, không phù hợp với lĩnh vực hoạt động của hội thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này có quyền yêu cầu hội ra quyết định giải thể và đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hoặc giấy phép hoạt động và thu hồi con dấu của tổ chức này.

5. Việc thành lập, tổ chức lại, sắp xếp, chấm dứt hoạt động của các tổ chức quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều này theo quy định của điều lệ hội phù hợp với quy định của pháp luật.

6. Khi hội có quyết định giải thể của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này thì các tổ chức quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này đương nhiên chấm dứt hoạt động, thực hiện giải thể theo quy định của pháp luật và điều lệ hội.

Điều 26. Tài chính, tài sản của hội

1. Tài chính của hội:

a) Nguồn thu của hội:

Phí gia nhập hội, hội phí hàng năm của hội viên;

Thu từ các hoạt động của hội theo quy định của pháp luật;

Tiền viện trợ, tài trợ, ủng hộ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật;

Ngân sách nhà nước hỗ trợ (nếu có) cho các nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật;

Các khoản thu hợp pháp khác.

b) Các khoản chi của hội:

Chi hoạt động thực hiện nhiệm vụ của hội;

Chi thực hiện nhiệm vụ được giao (nếu có);

Chi thuê trụ sở, mua sắm phương tiện làm việc;

Chi thực hiện chế độ, chính sách đối với những người làm việc tại hội theo quy định của hội phù hợp với quy định của pháp luật;

Chi khen thưởng và các khoản chi khác theo quy định của hội.

2. Tài sản của hội bao gồm trụ sở và các tài sản hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

3. Việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của hội thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự, pháp luật về tài chính, kế toán, kiểm toán, thống kê và điều lệ của hội, đảm bảo nguyên tắc không vì mục tiêu lợi nhuận. Đối với tài sản công thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

4. Tài chính, tài sản của hội khi chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; đình chỉ hoạt động có thời hạn và giải thể được giải quyết theo quy định tại Điều 36 Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 27. Quy trình hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước đối với nhiệm vụ được giao

1. Đối với nhiệm vụ do cấp có thẩm quyền ở trung ương và địa phương giao

a) Căn cứ chủ trương giao nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền cho hội, hội xây dựng đề án hoặc kế hoạch triển khai (trong đó phải nêu chi tiết số lượng, khối lượng nhiệm vụ phần ngân sách nhà nước hỗ trợ):

Đối với hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh: hội lấy ý kiến cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực chính hội hoạt động, Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan đến nhiệm vụ được giao ở Trung ương; lấy ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với đề nghị hỗ trợ kinh phí chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương để thực hiện nhiệm vụ đầu tư công (thời hạn trả lời của các cơ quan được lấy ý kiến không quá 15 ngày làm việc);

Đối với hội ở địa phương: hội lấy ý kiến cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, cơ quan tài chính, cơ quan kế hoạch và đầu tư, các cơ quan liên quan cùng cấp ở địa phương (thời hạn trả lời của các cơ quan được lấy ý kiến không quá 15 ngày làm việc).

b) Sau khi nhận được ý kiến của các cơ quan được lấy ý kiến, hội hoàn chỉnh đề án hoặc kế hoạch triển khai (kèm theo ý kiến của cơ quan được lấy ý kiến):

Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành quyết định giao nhiệm vụ đối với hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh;

Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp xem xét, ban hành quyết định giao nhiệm vụ đối với hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, huyện, xã theo phân cấp.

c) Căn cứ quyết định giao nhiệm vụ tại điểm b khoản này:

Hội lập dự toán kinh phí gửi cơ quan tài chính cùng cấp đối với hỗ trợ từ chi thường xuyên nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Hội lập kế hoạch đầu tư gửi cơ quan kế hoạch và đầu tư cùng cấp đối với hỗ trợ chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

2. Đối với nhiệm vụ được bố trí từ kinh phí thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện theo cơ chế tài chính của Chương trình mục tiêu quốc gia đó.

3. Đối với nhiệm vụ do các bộ, ngành ở trung ương giao cho hội thì nguồn kinh phí hỗ trợ lấy từ nguồn kinh phí của cơ quan giao nhiệm vụ.

4. Việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước giao thực hiện theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan.

5. Đối với các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 39 Nghị định này.

Điều 28. Khen thưởng

1. Hội hoạt động có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

2. Tổ chức, cá nhân, hội viên, người làm việc tại hội có nhiều thành tích thì được hội khen thưởng theo quy định của hội hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

Điều 29. Kỷ luật và giải quyết phản ánh, kiến nghị, tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến hội

1. Hội viên, tổ chức thuộc hội và người làm việc tại hội vi phạm điều lệ, quy chế, quy định của hội do hội xem xét, kỷ luật theo quy định của hội. Trường hợp gây thiệt hại về vật chất thì phải bồi thường và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

2. Việc giải quyết đơn, phản ánh, kiến nghị, tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến hội do ban kiểm tra hội tham mưu, giải quyết theo quy định của điều lệ và quy chế của hội; trường hợp hội không giải quyết được thì chuyển Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Điều 30. Xử lý vi phạm

1. Hội bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này xem xét đình chỉ hoạt động có thời hạn khi phát hiện hội vi phạm một trong những quy định sau:

a) Vi phạm nguyên tắc không vì mục đích lợi nhuận;

b) Trong quá trình tổ chức, hoạt động có vấn đề phức tạp liên quan đến an ninh, trật tự an toàn xã hội;

c) Vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý tài sản, tài chính; về tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ, viện trợ;

d) Không báo cáo kết quả đại hội theo quy định tại Điều 21 Nghị định này hoặc không thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo về tình hình tổ chức, hoạt động, báo cáo tài chính hàng năm và đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này có văn bản đôn đốc nhưng quá thời hạn 30 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản đôn đốc hội vẫn không khắc phục;

đ) Quá 60 ngày làm việc kể từ ngày hội được cấp phép lập văn phòng đại diện, chi nhánh hoặc có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hoặc giấy phép hoạt động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đối với tổ chức có tư cách pháp nhân tại khoản 4 Điều 25 Nghị định này hoặc khi miễn nhiệm, bãi nhiệm, thay đổi chức danh chủ tịch, phó chủ tịch hội, tổng thư ký, thành viên ban chấp hành, ban thường vụ, ban kiểm tra hoặc thay đổi trụ sở, văn phòng đại diện, chi nhánh của hội mà hội không báo cáo theo quy định;

e) Quá 60 ngày làm việc mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 có văn bản yêu cầu hội thực hiện một trong những nghĩa vụ, trách nhiệm quy định tại khoản 3, khoản 13, khoản 14, khoản 15, khoản 18, khoản 19, khoản 20, khoản 21 Điều 24 Nghị định này mà hội không thực hiện;

g) Quá thời hạn 90 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền yêu cầu hội giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp liên quan đến hội nhưng hội không giải quyết và không báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

h) Báo cáo không đầy đủ, sai lệch thông tin có hệ thống liên quan tình hình hoạt động của hội (bao gồm các tổ chức có tư cách pháp nhân thuộc hội).

2. Hội bị giải thể theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này khi vi phạm một trong các trường hợp:

a) Vi phạm khoản 2 Điều 24 Nghị định này;

b) Tự tổ chức đại hội khi chưa có ý kiến cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này;

c) Quá thời gian gia hạn quy định tại điểm c khoản 4 Điều 19 Nghị định này mà hội không tổ chức đại hội, trừ trường hợp có lý do bất khả kháng;

d) Không báo cáo về tổ chức, hoạt động và tài chính theo quy định hoặc không công khai báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán và kết luận của kiểm toán (nếu có) trong 02 năm liên tục;

đ) Quá thời hạn hội bị đình chỉ hoạt động có thời hạn mà không khắc phục được vi phạm theo quy định tại khoản 6 Điều 33 Nghị định này;

e) Hết 180 ngày kể từ ngày có yêu cầu của trên 1/2 tổng số hội viên chính thức đề nghị giải thể hội nhưng ban chấp hành hội không tiến hành thủ tục tự giải thể hội;

g) Hội không đủ số lượng hội viên theo quy định tại khoản 6 Điều 10 Nghị định này đến thời điểm báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc tổ chức Đại hội nhiệm kỳ.

3. Người nào vi phạm quyền lập hội, lợi dụng danh nghĩa hội để hoạt động trái pháp luật, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cho phép thành lập hội trái với quy định của Nghị định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; trường hợp gây thiệt hại về vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương V

ĐỔI TÊN, CHIA, TÁCH, SÁP NHẬP, HỢP NHẤT, ĐÌNH CHỈ CÓ THỜI HẠN VÀ GIẢI THỂ HỘI

Điều 31. Đổi tên hội

1. Việc đổi tên hội do đại hội của hội xem xét, thông qua trừ trường hợp tên hội mới do chia, tách, sáp nhập, hợp nhất.

2. Tên mới của hội phải đảm bảo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định này, không được gây nhầm lẫn và làm thay đổi lĩnh vực hoạt động chính của hội hoặc gây nhầm lẫn với lĩnh vực hoạt động của các hội đã được thành lập hợp pháp.

3. Hội phải sửa đổi điều lệ hội theo tên mới. Việc đổi tên của hội có hiệu lực sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 15 Nghị định này ban hành quyết định cho phép đổi tên và phê duyệt điều lệ hội.

Điều 32. Chia, tách, sáp nhập, hợp nhất hội

1. Tùy theo yêu cầu và khả năng hoạt động của hội, ban chấp hành hội đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này cho phép chia, tách, sáp nhập, hợp nhất. Việc chia, tách, sáp nhập, hợp nhất hội được thực hiện theo quy định tại Nghị định này, pháp luật có liên quan và đảm bảo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định này.

2. Hồ sơ chia, tách, sáp nhập, hợp nhất hội, gồm:

a) Đơn đề nghị chia, tách, sáp nhập, hợp nhất hội (bản chính); trong đó nêu rõ lý do, sự cần thiết và phù hợp quy định của pháp luật;

b) Đề án chia, tách, sáp nhập, hợp nhất hội đã được ban chấp hành hội thông qua (bản chính), trong đề án gồm có: phương án giải quyết tài sản, tài chính, lao động, hội viên; phân định chức năng, quyền hạn, lĩnh vực hoạt động; trách nhiệm, nghĩa vụ phải thực hiện; danh sách ban chấp hành và ban kiểm tra của hội mới;

c) Nghị quyết của ban chấp hành hội về việc chia, tách, sáp nhập, hợp nhất hội (bản chính);

d) Dự thảo điều lệ hội khi chia, tách, sáp nhập, hợp nhất hội (bản chính);

đ) Sơ yếu lý lịch cá nhân, phiếu lý lịch tư pháp số 1 (bản chính) không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ của nhân sự dự kiến là chủ tịch của hội mới; nhân sự tham gia ban chấp hành của hội mới nếu thuộc diện quản lý theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ hoặc là cán bộ, công chức, viên chức thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền (trong trường hợp này nhân sự dự kiến là chủ tịch của hội mới không phải cung cấp phiếu lý lịch tư pháp số 1);

e) Văn bản chứng minh quyền sử dụng hợp pháp nơi dự kiến đặt trụ sở chính của hội mới do chia, tách, sáp nhập, hợp nhất hội (bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình bản chính để đối chiếu).

3. Thủ tục chia, tách, sáp nhập, hợp nhất hội:

a) Hội thực hiện việc chia, tách, sáp nhập, hợp nhất gửi 01 bộ hồ sơ theo khoản 2 Điều này đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này và cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực chính hội hoạt động;

b) Trong thời hạn 60 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ, hợp pháp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này xem xét, quyết định cho phép việc chia, tách, sáp nhập, hợp nhất hội;

c) Các hội được chia, được sáp nhập, hợp nhất (trừ trường hợp tách hội) chấm dứt tồn tại sau khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này cho phép chia, sáp nhập, hợp nhất hội. Các quyền và nghĩa vụ của hội chia, sáp nhập, hợp nhất được chuyển giao cho các hội mới. Đối với trường hợp tách hội, thì hội tách và hội mới do tách hội phải cùng nhau chịu trách nhiệm về quyền và nghĩa vụ của hội trước khi tách.

4. Chia, tách, sáp nhập, hợp nhất và giải thể hội khi thay đổi địa giới hành chính:

a) Hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, huyện, xã khi có sự thay đổi về địa giới hành chính do chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, ban chấp hành hội xem xét, quyết định việc chia, tách, sáp nhập, hợp nhất và giải thể cho phù hợp với đơn vị hành chính mới, gửi hồ sơ về cơ quan nhà nước có thẩm quyền của đơn vị hành chính mới theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này. Hồ sơ thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này; tên của các hội do chia, tách, sách nhập, hợp nhất gắn với tên đơn vị hành chính mới;

b) Trong thời hạn 60 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ, hợp pháp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền của đơn vị hành chính mới theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này xem xét, quyết định cho phép việc chia, tách, sáp nhập, hợp nhất và giải thể hội.

5. Tổ chức đại hội, phê duyệt điều lệ hội mới do chia, tách, sáp nhập, hợp nhất hội:

a) Trong thời hạn 60 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này cho phép chia, tách, sáp nhập, hợp nhất hội, các hội mới phải tổ chức đại hội để thông qua các nội dung được quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định này;

b) Hội báo cáo kết quả đại hội theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định này đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này để đề nghị phê duyệt điều lệ hội theo thẩm quyền.

Điều 33. Đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với hội

1. Hội bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này xem xét đình chỉ hoạt động có thời hạn tối đa 180 ngày khi phát hiện hội vi phạm một trong những quy định tại khoản 1 Điều 30 Nghị định này.

2. Sau khi có kết luận hội vi phạm tại khoản 1 Điều này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này xem xét, quyết định đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với hội.

3. Trong thời gian bị đình chỉ hoạt động có thời hạn, hội chỉ được phép tiến hành các hoạt động để khắc phục hậu quả các vi phạm đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận.

4. Trong thời hạn đình chỉ hoạt động có thời hạn nếu hội khắc phục được sai phạm, hội lập 01 hồ sơ đề nghị được hoạt động trở lại gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này xem xét, quyết định; hồ sơ (bản chính) gồm:

a) Đơn đề nghị được hoạt động trở lại của hội;

b) Báo cáo của ban chấp hành hội và các tài liệu chứng minh hội đã khắc phục sai phạm.

5. Sau khi nhận đủ hồ sơ đầy đủ, hợp pháp theo quy định tại khoản 4 Điều này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này cho phép hội hoạt động trở lại, trường hợp không đồng ý phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

6. Hết thời hạn đình chỉ mà hội không khắc phục được vi phạm thì thời hạn đình chỉ được tự động kéo dài thêm 30 ngày làm việc. Quá thời hạn kéo dài thêm mà hội vẫn không khắc phục được sai phạm, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này xem xét quyết định gia hạn thêm. Thời gian gia hạn thêm không quá 60 ngày làm việc. Quá thời hạn 60 ngày này mà hội không khắc phục được sai phạm, thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giải thể hội.

7. Việc đình chỉ hoạt động có thời hạn, cho phép hoạt động trở lại đối với hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này có trách nhiệm báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến trước khi xem xét quyết định đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc cho phép hoạt động trở lại đối với hội theo quy định tại Nghị định này.

Điều 34. Hội tự giải thể

1. Hội tự giải thể trong các trường hợp sau:

a) Mục đích đã hoàn thành;

b) Không còn tài sản, điều kiện đảm bảo cho các hoạt động của hội;

c) Theo đề nghị của trên 1/2 tổng số hội viên chính thức hoặc nghị quyết của ban chấp hành hội.

2. Hội lập 01 bộ hồ sơ giải thể, gồm:

a) Đơn đề nghị giải thể hội;

b) Biên bản có chữ ký của trên 1/2 tổng số hội viên chính thức hoặc nghị quyết của ban chấp hành hội về việc giải thể hội;

c) Bản kê tài sản, tài chính;

d) Dự kiến phương thức xử lý tài sản, tài chính và thời hạn thanh toán các khoản nợ.

3. Hội gửi hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này và thông báo thời hạn thanh toán nợ (nếu có) cho các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật tại trụ sở của hội, văn phòng đại diện (nếu có) trong thời gian 30 ngày làm việc đối với hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh; tại trụ sở hội trong thời gian 15 ngày làm việc đối với hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, huyện, xã.

4. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này quyết định giải thể hội sau 15 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc thời hạn thanh toán nợ và thanh lý tài sản, tài chính ghi trong thông báo của hội khi xin giải thể mà không có đơn khiếu nại.

5. Hội chấm dứt hoạt động kể từ ngày quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải thể hội có hiệu lực. Hội tự giải thể không được phép thành lập lại trong thời hạn 05 năm kể từ ngày quyết định giải thể hội có hiệu lực thi hành.

Điều 35. Hội bị giải thể

1. Hội bị giải thể theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này khi vi phạm một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 30 Nghị định này.

2. Sau khi có kết luận hội vi phạm một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 30 Nghị định này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này có trách nhiệm:

a) Yêu cầu hội thực hiện kiểm kê tài sản, tài chính; dự kiến phương thức xử lý tài sản, tài chính và thời hạn thanh toán các khoản nợ theo quy định của pháp luật và điều lệ hội;

b) Lấy ý kiến các cơ quan liên quan đến hoạt động của hội về việc giải thể hội;

c) Thông báo về việc chuẩn bị giải thể và thời hạn thanh toán nợ, thanh lý tài sản, tài chính của hội liên tiếp trên 03 số báo viết hoặc báo điện tử ở trung ương đối với hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh, báo viết hoặc báo điện tử ở địa phương đối với hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, huyện, xã.

3. Sau khi hội hoàn thành việc thanh toán nợ và thanh lý tài sản, tài chính ghi trong thông báo, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này quyết định giải thể hội.

4. Trường hợp hội bị giải thể mà không đồng ý với quyết định giải thể, thì hội có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật. Trong thời gian chờ giải quyết khiếu nại, hội không được hoạt động.

5. Hội chấm dứt hoạt động kể từ ngày quyết định giải thể hội có hiệu lực.

6. Hội bị giải thể không được phép thành lập lại trong thời hạn 05 năm kể từ ngày quyết định giải thể hội có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

7. Khi thực hiện giải thể hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này có trách nhiệm báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến trước khi xem xét, quyết định giải thể hội theo quy định tại Điều này.

Điều 36. Giải quyết tài sản, tài chính khi hội chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, đình chỉ hoạt động có thời hạn, giải thể và thu hồi con dấu của hội

1. Giải quyết tài sản, tài chính của hội khi chia, tách:

a) Sau khi chia hội, hội bị chia chấm dứt hoạt động, quyền, nghĩa vụ về tài sản, tài chính được chuyển giao cho hội mới theo quyết định chia hội;

b) Sau khi tách, các hội thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản, tài chính của mình phù hợp với mục đích hoạt động của hội đó.

2. Giải quyết tài sản, tài chính của hội khi sáp nhập:

a) Hội được sáp nhập vào hội khác, thì tài sản, tài chính của hội được sáp nhập chuyển giao cho hội sáp nhập;

b) Hội sáp nhập được hưởng các quyền, lợi ích hợp pháp về tài sản, tài chính hiện có, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán về tài sản, tài chính và các hợp đồng dịch vụ đang thực hiện của hội được sáp nhập.

3. Giải quyết tài sản, tài chính của hội khi hội hợp nhất:

a) Sau khi hợp nhất hội thành hội mới, các hội hợp nhất chấm dứt tồn tại, hội mới được hưởng các quyền, lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, các hợp đồng dịch vụ mà các hội hợp nhất đang thực hiện;

b) Tài sản, tài chính của các hội hợp nhất không được phân chia, chuyển dịch mà được chuyển giao toàn bộ cho hội mới.

4. Giải quyết tài sản, tài chính của hội khi hội bị đình chỉ hoạt động có thời hạn:

Trong thời gian bị đình chỉ hoạt động có thời hạn, hội chỉ được chi các khoản có tính chất thường xuyên cho bộ phận thường trực giúp việc hội hoạt động đến khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

5. Giải quyết tài sản, tài chính khi hội giải thể:

a) Không được phân chia tài sản của hội. Việc bán, thanh lý tài sản của hội thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan;

b) Toàn bộ số tiền hiện có của hội và tiền thu được do bán, thanh lý tài sản của hội được thanh toán theo thứ tự sau:

Chi phí giải thể hội;

Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết;

Nợ thuế và các khoản phải trả khác.

c) Đối với tài sản, tài chính tự có của hội và tài sản, tài chính của tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước tài trợ, viện trợ còn lại của hội do cơ quan thuộc cấp nào cho phép thành lập thì được nộp vào ngân sách cấp đó. Đối với tài sản do ngân sách nhà nước cấp hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước (nếu có) hội thực hiện chuyển giao cho cơ quan tài chính cùng cấp tương ứng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này để thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

6. Khi hội chia tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể thì hội kiểm kê, phân loại tài sản để xác định việc xử lý tài sản:

a) Đối với tài sản của hội là tài sản công thì việc quản lý, sử dụng, xử lý thực hiện theo quy định của pháp luật về tài sản công;

b) Đối với tài sản của hội được hình thành từ nguồn tự có của hội thì việc quản lý, sử dụng và xử lý được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự, pháp luật có liên quan và điều lệ của hội.

7. Việc thu hồi con dấu của hội:

Việc thu hồi con dấu đối với hội đổi tên, hội bị chia, sáp nhập, hợp nhất, bị đình chỉ hoạt động có thời hạn, giải thể được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng con dấu và các quy định của pháp luật có liên quan.

Chương VI

MỘT SỐ QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI CÁC HỘI DO ĐẢNG, NHÀ NƯỚC GIAO NHIỆM VỤ

Điều 37. Hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ

1. Hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ hoạt động trong phạm vi toàn quốc được xác định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ hoạt động trong phạm vi tỉnh, huyện, xã do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định sau khi có ý kiến của cấp có thẩm quyền ở tỉnh trên cơ sở các hội đã được giao biên chế, cấp hoặc hỗ trợ về kinh phí, điều kiện hoạt động, được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ thường xuyên, phù hợp với quy định của Đảng và điều kiện, yêu cầu nhiệm vụ cụ thể của địa phương.

3. Hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ thực hiện các quy định chung tại Nghị định này và quy định riêng tại Chương VI này.

Điều 38. Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của hội

1. Quyền của hội:

a) Được cung cấp thông tin, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;

b) Được tham gia ý kiến trong xây dựng cơ chế, chính sách liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và lĩnh vực hoạt động của hội;

c) Được giao thực hiện một số hoạt động chuyên môn, dịch vụ công phù hợp với lĩnh vực hoạt động của hội theo quy định;

d) Tham gia tư vấn, phản biện chính sách, chương trình, đề tài, dự án theo đề nghị của cơ quan nhà nước. Chủ trì hoặc tham gia đề tài, đề án liên quan đến lĩnh vực hoạt động của hội;

đ) Được Nhà nước hỗ trợ kinh phí thực hiện nhiệm vụ được giao;

e) Được tổ chức một số hoạt động kinh tế; tiếp nhận nguồn lực hợp pháp trong nước và ngoài nước gắn với tôn chỉ, mục đích hoạt động, chức năng, nhiệm vụ được giao; quan hệ hợp tác với tổ chức, cá nhân; tham gia hoạt động đối ngoại nhân dân và một số cơ chế hợp tác theo quy định của pháp luật.

2. Nghĩa vụ, trách nhiệm của hội:

a) Phổ biến, tuyên truyền, vận động hội viên, các tầng lớp Nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ trương, quyết định liên quan đến tổ chức, hoạt động của hội; tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước; thực hiện nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước giao, tăng cường đồng thuận xã hội;

b) Tổ chức hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của hội; chỉ đạo, quản lý chặt chẽ hoạt động của các pháp nhân trực thuộc hội; quản lý, sử dụng kinh phí, tài sản được giao, các loại quỹ theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và điều lệ hội; chấp hành hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán của các cơ quan chức năng;

c) Phát triển, tập hợp, đoàn kết hội viên trong các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; đại diện, bảo vệ, phản ánh, kiến nghị, phối hợp giải quyết quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, các tầng lớp Nhân dân;

d) Định kỳ 06 tháng, 01 năm và khi có yêu cầu gửi báo cáo tình hình tổ chức và hoạt động đến các cấp có thẩm quyền theo quy định, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp (nếu hội là tổ chức thành viên), cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này và cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực chính hội hoạt động;

đ) Xin ý kiến cấp có thẩm quyền theo quy định về chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm và đại hội nhiệm kỳ, đại hội bất thường; mời đại diện cấp có thẩm quyền theo quy định dự họp đảng đoàn (đối với hội có đảng đoàn), dự họp ban thường vụ (đối với hội không có đảng đoàn);

e) Việc đổi tên, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, đình chỉ có thời hạn và giải thể hội theo như quy định tại Chương V Nghị định này phải được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền;

g) Việc thay đổi trụ sở, mở văn phòng đại diện, thành lập tổ chức có tư cách pháp nhân thuộc hội phải bảo đảm đúng quy định pháp luật và thông báo bằng văn bản đến cấp có thẩm quyền theo quy định, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này và cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực chính mà hội hoạt động tương ứng với phạm vi hoạt động của hội;

h) Xây dựng chương trình, kế hoạch hằng năm, trong đó phải xác định rõ chi tiết số lượng, khối lượng nhiệm vụ phần ngân sách nhà nước hỗ trợ xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền được phân công theo dõi, chỉ đạo hội trước ngày 30 tháng 6.

Điều 39. Chính sách của Nhà nước đối với hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ

1. Ngân sách trung ương hỗ trợ đối với hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở trung ương, bao gồm:

a) Chi lương, phụ cấp và chế độ, chính sách khác theo quy định đối với người trong độ tuổi lao động được phân công, điều động đến làm việc tại hội theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền và người được tuyển dụng trong chỉ tiêu biên chế của hội;

b) Chế độ thù lao cho những người đã nghỉ hưu giữ chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch chuyên trách của hội;

c) Chi thực hiện hoạt động thường xuyên tính theo định mức phân bổ chi quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể như cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương theo số biên chế được giao;

d) Kinh phí thực hiện nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền tại Điều 8 Nghị định này giao;

đ) Cơ sở vật chất và phương tiện hoạt động theo quy định pháp luật về đất đai, pháp luật về tài sản công, pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan;

e) Hội lập dự toán kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ theo điểm a, điểm b, điểm c, điểm đ khoản này theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước gửi Bộ Tài chính.

2. Quy trình giao nhiệm vụ và hỗ trợ kinh phí đối với hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở trung ương:

a) Đối với nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch hoạt động hằng năm của hội đã có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền được phân công theo dõi, chỉ đạo hội trong đó xác định rõ nhiệm vụ được ngân sách nhà nước hỗ trợ (chi tiết số lượng, khối lượng nhiệm vụ), hội lập dự toán gửi Bộ Tài chính theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan;

b) Đối với nhiệm vụ do cấp có thẩm quyền giao cho hội nhưng chưa có trong chương trình, kế hoạch hoạt động hằng năm, trường hợp cấp có thẩm quyền đã giao chi tiết số lượng, khối lượng nhiệm vụ phần ngân sách nhà nước hỗ trợ, hội lập dự toán kinh phí gửi Bộ Tài chính theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan. Trường hợp nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao chưa chi tiết số lượng, khối lượng nhiệm vụ phần ngân sách nhà nước hỗ trợ; hội xây dựng đề án hoặc kế hoạch triển khai (trong đó nêu chi tiết số lượng, khối lượng nhiệm vụ phần ngân sách nhà nước hỗ trợ), gửi lấy ý kiến cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực hoạt động chính, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan đến nhiệm vụ được giao (thời hạn trả lời không quá 15 ngày làm việc). Sau khi có ý kiến của các cơ quan, hội tiếp thu, hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ quyết định.

Căn cứ ý kiến của cấp có thẩm quyền, hội lập dự toán gửi Bộ Tài chính theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan;

c) Đối với nhiệm vụ theo điểm a, điểm b khoản này được hỗ trợ, sử dụng vốn đầu tư công thì hội thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công;

d) Đối với nhiệm vụ do các bộ, ngành ở trung ương giao cho hội thì nguồn kinh phí hỗ trợ lấy từ nguồn kinh phí của cơ quan giao nhiệm vụ;

đ) Đối với nhiệm vụ được bố trí từ kinh phí thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện theo cơ chế tài chính của Chương trình mục tiêu quốc gia đó.

3. Đối với các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở địa phương thì căn cứ nội dung hỗ trợ kinh phí tại khoản 1, khoản 2 Điều này, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật.

4. Việc hỗ trợ cơ sở vật chất và phương tiện hoạt động đối với các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ được căn cứ khả năng cân đối của ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương đối với các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ hoạt động trong phạm vi toàn quốc; ngân sách địa phương đối với các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ hoạt động trong phạm vi tỉnh, huyện, xã) và khả năng huy động các nguồn lực tài chính của các hội.

Điều 40. Chính sách, chế độ đối với người làm việc tại hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ

1. Người làm việc thường xuyên tại hội gồm: chủ tịch, phó chủ tịch chuyên trách; người làm việc tại đơn vị tham mưu, giúp việc trong biên chế được giao; người làm việc theo hợp đồng.

2. Chế độ tuyển dụng, sử dụng và quản lý đối với người làm việc thường xuyên tại hội:

a) Người trong độ tuổi lao động được cấp có thẩm quyền phân công, điều động đến làm việc tại hội theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền và người được tuyển dụng trong chỉ tiêu biên chế của hội theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức;

b) Người làm việc tại hội là người đã nghỉ hưu và người làm việc tại hội trong độ tuổi lao động không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thực hiện ký kết hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

3. Chế độ tiền lương, phụ cấp, chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, chế độ thù lao, khen thưởng, đào tạo, bồi dưỡng và chế độ, chính sách khác:

a) Người trong độ tuổi lao động có quyết định của cơ quan có thẩm quyền phân công, điều động đến làm việc tại hội và người được tuyển dụng trong chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền giao cho hội thì được hưởng chế độ chính sách theo quy định đối với cán bộ, công chức và thực hiện chế độ nghỉ hưu theo quy định của pháp luật;

b) Người làm việc tại hội không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản này và khoản 4 Điều này, được hưởng tiền công và chế độ, chính sách khác do hội quyết định phù hợp với yêu cầu công việc và nguồn tài chính hợp pháp của hội, bảo đảm tương quan hợp lý trong nội bộ hội và theo quy định của pháp luật về lao động.

4. Đối với người đã nghỉ hưu giữ chức danh chủ tịch, phó chủ tịch chuyên trách hội được hưởng chế độ thù lao theo quy định của pháp luật.

5. Kinh phí chi trả thù lao cho các đối tượng quy định tại khoản 4 Điều này được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ hàng năm cho hội.

Điều 41. Các cơ quan lãnh đạo hội

1. Đại hội toàn quốc:

a) Đại hội toàn quốc là cơ quan lãnh đạo cao nhất của hội, được tổ chức theo nhiệm kỳ 05 năm một lần hoặc bất thường trong trường hợp cần thiết. Ban chấp hành đương nhiệm triệu tập đại hội sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án tổ chức đại hội, văn kiện và nhân sự trình đại hội. Đại hội chỉ được tiến hành khi có trên 2/3 đại biểu triệu tập có mặt. Đại hội bất thường được tiến hành khi có kiến nghị của trên 2/3 thành viên ban chấp hành hội đương nhiệm và được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền. Số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện đối với đại biểu tham dự đại hội do ban chấp hành triệu tập quyết định; việc công nhận, không công nhận tư cách đại biểu do đại hội quyết định;

b) Nhiệm vụ của đại hội:

Đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của nhiệm kỳ qua, quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ tới;

Thảo luận đổi tên hội (nếu có); thông qua việc sửa đổi, bổ sung điều lệ hoặc tiếp tục sử dụng điều lệ hiện hành;

Thông qua đề án nhân sự đại hội do ban chấp hành đương nhiệm trình;

Bầu ban chấp hành nhiệm kỳ mới;

Các vấn đề khác theo quy định của điều lệ hội;

Thông qua nghị quyết đại hội.

2. Ban chấp hành, ban thường vụ hội:

a) Ban chấp hành hội là cơ quan lãnh đạo giữa 02 kỳ đại hội. Ban thường vụ là cơ quan lãnh đạo giữa 02 kỳ họp ban chấp hành;

b) Nhiệm vụ của ban chấp hành hội:

Xây dựng đề án nhân sự đại hội, dự kiến cụ thể số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện ban chấp hành, ban thường vụ, thường trực hội và ban kiểm tra nhiệm kỳ mới;

Bầu ban thường vụ, chủ tịch, phó chủ tịch, ban kiểm tra và trưởng ban kiểm tra;

Các nhiệm vụ khác theo quy định của điều lệ hội phù hợp với quy định của pháp luật.

3. Thường trực hội gồm chủ tịch, phó chủ tịch chuyên trách là cơ quan điều hành công việc hàng ngày của hội.

Điều 42. Chủ tịch, phó chủ tịch và quy trình nhân sự ban chấp hành, ban thường vụ, ban kiểm tra, chủ tịch, phó chủ tịch hội

1. Chủ tịch hội phải đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của khoản 7 Điều 22 Nghị định này và quy định của cấp có thẩm quyền về sức khỏe, độ tuổi, nhiệm kỳ.

2. Căn cứ tiêu chuẩn, điều kiện đối với chủ tịch hội, hội quy định tiêu chuẩn, điều kiện đối với phó chủ tịch hội và đảm bảo độ tuổi, sức khỏe, nhiệm kỳ theo quy định của cấp có thẩm quyền.

3. Quy trình nhân sự ban chấp hành, ban thường vụ, ban kiểm tra, chủ tịch, phó chủ tịch hội thực hiện theo quy định của cấp có thẩm quyền.

4. Số lượng phó chủ tịch hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc được quy định như sau:

a) Hội có đảng đoàn bầu không quá 03 phó chủ tịch chuyên trách;

b) Hội không có đảng đoàn được bầu không quá 02 phó chủ tịch chuyên trách;

c) Theo yêu cầu hoạt động, có thể bố trí một số phó chủ tịch không chuyên trách, số lượng do hội trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

5. Số lượng phó chủ tịch hội chuyên trách tại hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ hoạt động trong phạm vi tỉnh không quá 02 người, trong phạm vi huyện không quá 01 người.

Chương VII

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HỘI

Điều 43. Trách nhiệm của Bộ Nội vụ

1. Xây dựng trình hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về hội.

2. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương, hội và tổ chức, công dân thi hành pháp luật về hội.

3. Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt điều lệ đối với hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc có đảng đoàn. Thực hiện thẩm quyền theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định này. Lấy ý kiến bằng văn bản các bộ, ngành có liên quan đến hoạt động của hội khi giải quyết các thủ tục về hội thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

4. Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện quản lý nhà nước về tổ chức, hoạt động của hội.

5. Tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về hội.

6. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hội và kiểm tra việc thực hiện điều lệ hội theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nội vụ; trừ các nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ và hoạt động của tổ chức có tư cách pháp nhân thuộc hội.

7. Khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng đối với hội, tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động của hội theo quy định của pháp luật.

8. Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm liên quan đến quyết định hành chính của bộ và hoạt động công vụ của cán bộ, công chức ở các tổ chức thuộc bộ theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

9. Giúp Chính phủ quản lý biên chế của các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở trung ương theo quy định của pháp luật và cơ quan có thẩm quyền.

10. Phê duyệt các khoản viện trợ, kiểm tra, giám sát tình hình tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ của hội do Bộ Nội vụ quyết định cho phép thành lập, phê duyệt Điều lệ hội theo quy định của pháp luật.

11. Tổng hợp tình hình tổ chức, hoạt động và quản lý hội báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

12. Xây dựng, vận hành, quản lý cơ sở dữ liệu về hội; cập nhật cơ sở dữ liệu hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh.

13. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 44. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ

1. Chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hội trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ theo quy định của pháp luật. Tổ chức lấy ý kiến của hội để hoàn thiện các quy định quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực chính mà hội dự kiến hoạt động lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan đến hoạt động của hội trước khi xem xét, quyết định công nhận ban vận động thành lập hội.

3. Tham gia ý kiến bằng văn bản về các nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi giải quyết các thủ tục về hội tại khoản 2 Điều 15 Nghị định này; hướng dẫn, tạo điều kiện để hội tổ chức đại hội thành lập, đại hội nhiệm kỳ, đại hội bất thường.

4. Hướng dẫn, tạo điều kiện cho hội tham gia các hoạt động trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, ngành; hướng dẫn hội tham gia chương trình dự án, đề tài nghiên cứu, tư vấn, cung cấp dịch vụ công, đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực, chứng chỉ khác thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của pháp luật; cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hoặc giấy phép hoạt động cho các tổ chức có tư cách pháp nhân (nếu có) tại khoản 4 Điều 25 Nghị định này và quản lý chặt chẽ các tổ chức này theo quy định của pháp luật.

5. Lấy ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định này trước khi cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hoặc giấy phép hoạt động cho tổ chức có tư cách pháp nhân thuộc hội tại khoản 4 Điều 25 Nghị định này.

6. Khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng đối với hội, tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động của hội liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ theo quy định của pháp luật.

7. Thanh tra, kiểm tra hoạt động của hội thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước, trong đó bao gồm các tổ chức có tư cách pháp nhân thuộc hội do bộ, ngành cấp phép; xử lý, đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hoặc giấy phép hoạt động cho tổ chức có tư cách pháp nhân thuộc hội hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.

8. Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm có liên quan đến quyết định hành chính của bộ, cơ quan ngang bộ và hoạt động công vụ của cán bộ, công chức của đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ liên quan đến hội theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

9. Phối hợp với hội và các cơ quan có liên quan đề xuất cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ cho hội phù hợp với lĩnh vực hoạt động của hội và phù hợp với chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực hội hoạt động.

10. Thông báo bằng văn bản với Bộ Nội vụ khi có quyết định giao cho hội tham gia các hoạt động thuộc ngành, lĩnh vực quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ và khi hỗ trợ kinh phí đối với hội do Bộ Nội vụ cho phép thành lập, phê duyệt Điều lệ hội.

11. Hàng năm, tổng hợp, báo cáo Bộ Nội vụ về tình hình hoạt động của hội thuộc sự quản lý chuyên ngành về lĩnh vực hoạt động chính của hội.

12. Phối hợp trong xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu về hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh.

13. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 45. Trách nhiệm của Bộ Tài chính

1. Tổng hợp trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí chi thường xuyên hỗ trợ các hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

2. Chủ trì và phối hợp với Bộ Nội vụ, các cơ quan liên quan trong việc kiểm tra tài chính, tài sản hội từ nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ đối với hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh.

Điều 46. Trách nhiệm của Bộ Công an

Chịu trách nhiệm phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động vi phạm pháp luật của hội và thực hiện quản lý nhà nước về an ninh, trật tự đối với hoạt động của hội; hướng dẫn thủ tục đăng ký mẫu con dấu của hội.

Điều 47. Trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông

Chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về báo chí đối với các cơ quan báo, tạp chí thuộc hội được thành lập theo quy định của pháp luật về báo chí; có ý kiến bằng văn bản về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí thuộc hội theo quy định của Đảng và Nhà nước.

Điều 48. Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao

Chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao theo quy định của pháp luật.

Điều 49. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Quản lý, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hội và điều lệ hội, tổ chức, hoạt động của hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, huyện, xã ở địa phương và kiến nghị xử lý vi phạm (nếu có) đối với chi nhánh, văn phòng đại diện của hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh đặt tại địa phương.

2. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã, các hội và tổ chức, công dân tại địa phương thi hành pháp luật về hội.

3. Chỉ đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trong việc quản lý hội.

4. Tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về hội ở địa phương.

5. Khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng đối với hội, tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động của hội ở địa phương theo quy định của pháp luật.

6. Quy định, hướng dẫn, tạo điều kiện hỗ trợ hoạt động của hội ở địa phương; ban hành cơ chế chính sách để hội tham gia thực hiện một số dịch vụ công, cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực, chứng chỉ khác trong phạm vi chức năng quản lý nhà nước theo thẩm quyền.

7. Xem xét và cho phép hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, huyện, xã nhận viện trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; kiểm tra, giám sát tình hình tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ, viện trợ của các hội ở địa phương theo quy định của pháp luật.

8. Quản lý biên chế của các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ hoạt động trong phạm vi tỉnh, huyện, xã theo quy định của pháp luật và cơ quan có thẩm quyền.

9. Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm có liên quan đến quyết định hành chính của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và hoạt động công vụ của cán bộ, công chức của đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liên quan đến hội theo quy định của pháp luật.

10. Hàng năm, tổng hợp, báo cáo Bộ Nội vụ về tình hình tổ chức, hoạt động và quản lý hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, huyện, xã, trong đó có hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện của hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh đặt tại địa phương.

11. Xem xét, quyết định giao nhiệm vụ cho hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, huyện phù hợp với lĩnh vực hoạt động của hội.

12. Quản lý các hoạt động đối ngoại, hội nghị, hội thảo quốc tế do hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, huyện, xã tổ chức ở địa phương.

13. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về kế toán; kiểm tra hoạt động tài chính, tài sản, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý các vi phạm về tài sản, tài chính, kế toán đối với hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, huyện, xã.

14. Cập nhật cơ sở dữ liệu hội theo phân cấp quản lý; phối hợp trong xây dựng, vận hành và quản lý cơ sở dữ liệu về hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, huyện, xã.

15. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định này.

16. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 50. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện

1. Quản lý, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hội và điều lệ hội hoạt động trong phạm vi huyện, xã.

2. Kiểm tra hoạt động tài chính, tài sản, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý các vi phạm về tài sản, tài chính, kế toán đối với hội hoạt động trong phạm vi huyện, xã.

3. Khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng hội, tổ chức, cá nhân có thành tích theo quy định của pháp luật.

4. Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm liên quan đến quyết định hành chính và hoạt động công vụ của cán bộ, công chức ở các tổ chức thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã theo quy định của pháp luật.

5. Xem xét, quyết định giao nhiệm vụ cho hội hoạt động trong phạm vi huyện, xã phù hợp với lĩnh vực hoạt động của hội.

6. Hàng năm, tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về tình hình tổ chức, hoạt động và quản lý hội hoạt động trong phạm vi huyện, xã.

7. Cập nhật cơ sở dữ liệu hội theo phân cấp quản lý và phối hợp trong xây dựng, vận hành, quản lý cơ sở dữ liệu về hội hoạt động phạm vi huyện, xã.

8. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện thẩm quyền theo quy định tại khoản 4 Điều 15 Nghị định này.

9. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Chương VIII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 51. Quy định mẫu trình bày văn bản

1. Danh mục các mẫu trình bày văn bản áp dụng cho các hội và tổ chức, công dân Việt Nam (Phụ lục II).

2. Danh mục các mẫu trình bày văn bản áp dụng cho cơ quan quản lý nhà nước về hội (Phụ lục III).

Điều 52. Điều khoản chuyển tiếp

1. Hồ sơ về giải quyết các thủ tục về hội trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2. Hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ đã bầu số lượng phó chủ tịch chuyên trách vượt quá số lượng theo quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 42 Nghị định này trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục hoạt động cho đến hết nhiệm kỳ hiện tại của hội, khi khuyết số lượng phó chủ tịch chuyên trách thì không bầu bổ sung để đảm bảo phù hợp với số lượng phó chủ tịch chuyên trách theo quy định của Nghị định này.

3. Điều lệ của các hội đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì hội tiếp tục sử dụng điều lệ này đến hết nhiệm kỳ. Sau đó sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định tại Nghị định này.

4. Các đơn vị sự nghiệp thuộc hội đang được ngân sách nhà nước hỗ trợ chi hoạt động thì tiếp tục hỗ trợ đến hết năm 2026. Từ năm 2027 các tổ chức này thực hiện theo nguyên tắc tự chủ, tự đảm bảo kinh phí hoạt động.

Điều 53. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26 tháng 11 năm 2024 và thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP.

2. Bãi bỏ Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định hội có tính chất đặc thù và Quyết định số 71/2011/QĐ-TTg ngày 20 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước đối với các hội có tính chất đặc thù.

3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, TCCV (2b). VT

TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Hòa Bình

PHỤ LỤC I

DANH SÁCH HỘI DO ĐẢNG, NHÀ NƯỚC GIAO NHIỆM VỤ
(Kèm theo Nghị định số 126/2024/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2024 của Chính phủ)

1. Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam

2. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

3. Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam

4. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

5. Hội Nhà văn Việt Nam

6. Hội Nhà báo Việt Nam

7. Hội Luật gia Việt Nam

8. Liên minh Hợp tác xã Việt Nam

9. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam

10. Liên đoàn Luật sư Việt Nam

11. Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam

12. Hội Nhạc sĩ Việt Nam

13. Hội Điện ảnh Việt Nam

14. Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam

15. Hội Kiến trúc sư Việt Nam

16. Hội Mỹ thuật Việt Nam

17. Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam

18. Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam

19. Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam

20. Hội Người cao tuổi Việt Nam

21. Hội Người mù Việt Nam

22. Hội Đông y Việt Nam

23. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam

24. Tổng hội Y học Việt Nam

25. Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam

26. Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam

27. Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam

28. Hội Khuyến học Việt Nam

29. Hội Khoa học lịch sử Việt Nam

30. Hội Xuất bản Việt Nam

PHỤ LỤC II

DANH MỤC CÁC MẪU TRÌNH BÀY VĂN BẢN ÁP DỤNG CHO HỘI VÀ TỔ CHỨC, CÔNG DÂN VIỆT NAM
(Kèm theo Nghị định số 126/2024/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2024 của Chính phủ)

Mẫu số 01

Đơn công dân Việt Nam đăng ký tham gia hội

Mẫu số 02

Đơn tổ chức Việt Nam đăng ký tham gia hội

Mẫu số 03

Đơn đề nghị công nhận ban vận động thành lập hội

Mẫu số 04

Đơn đề nghị thành lập hội

Mẫu số 05

Công văn báo cáo kết quả đại hội

Mẫu số 06

Công văn báo cáo đặt chi nhánh, văn phòng đại diện

Mẫu số 07

Công văn báo cáo thay đổi địa chỉ nơi đặt trụ sở của hội

Mẫu số 08

Công văn báo cáo thay đổi chức danh lãnh đạo hội

Mẫu số 09

Điều lệ hội

Mẫu số 10

Đơn đề nghị tách hội

Mẫu số 11

Đơn đề nghị chia hội

Mẫu số 12

Đơn đề nghị sáp nhập hội

Mẫu số 13

Đơn đề nghị hợp nhất hội

Mẫu số 14

Đơn đề nghị giải thể hội

Mẫu số 15

Đơn đề nghị đặt chi nhánh, văn phòng đại diện

Mẫu số 16

Báo cáo hoạt động hội

Mẫu số 17

Sơ yếu lý lịch cá nhân

Mẫu số 01. Đơn công dân Việt Nam đăng ký tham gia hội

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

ĐƠN ĐĂNG KÝ

Tham gia Hội …(1)…

Kính gửi: ...(2)....

Sau khi nghiên cứu tôn chỉ, mục đích, lĩnh vực dự kiến hoạt động, phạm vi hoạt động của Hội ...(1)…, tôi tán thành và tự nguyện làm đơn này để đăng ký tham gia làm hội viên...(3)... của Hội.

1. Họ và tên: ………………………………………………………………………………………

2. Sinh ngày: ……………………; nghề nghiệp:

3. Địa chỉ thường trú: …………………………………………………………………………….

4. Số căn cước công dân: ……………………………………………………………………….

5. Điện thoại: ………………………………………………………………………………………

6. Địa chỉ liên hệ: …………………………………………………………………………………

Trân trọng đề nghị ...(2).... xem xét, đồng ý để tôi tham gia Hội.

..., ngày... tháng... năm ...
NGƯỜI VIẾT ĐƠN
(Chữ ký)



Họ và tên

Ghi chú:

(1) Tên hội dự kiến thành lập hoặc tên hội đã được thành lập hợp pháp.

(2) Tên ban vận động thành lập hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận hoặc tên hội đã được thành lập hợp pháp.

(3) Ghi rõ là hội viên chính thức, hội viên liên kết hoặc hội viên danh dự.

Mẫu số 02. Đơn tổ chức Việt Nam đăng ký tham gia hội

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

ĐƠN ĐĂNG KÝ

Tham gia Hội …(1)…

Kính gửi: ...(2)....

Sau khi nghiên cứu tôn chỉ, mục đích, lĩnh vực dự kiến hoạt động, phạm vi hoạt động của Hội ...(1)..., chúng tôi tán thành và tự nguyện làm đơn này đăng ký tham gia làm hội viên ...(3).... của Hội.

1. Thông tin cơ bản về tổ chức

a) Tên: ………………………………………………………………………………………….

b) Địa chỉ: ………………………………………………………………………………………

c) Số Giấy phép hoạt động (điều lệ): ………………………… do…………… cấp ngày ... tháng ... năm …..

d) Người đại diện theo pháp luật: …………………………………………………………..

2. Người đại diện tổ chức tham gia Hội

a) Họ và tên: ………………………………………; Chức vụ: …………………………….

b) Địa chỉ: ……………………………………………………………………………………..

c) Số điện thoại: ………………………………………………………………………………

Trân trọng đề nghị ...(2)... xem xét, đồng ý để chúng tôi tham gia Hội.


Nơi nhận:
- Như trên;
- …;
- Lưu: VT, …

…, ngày ... tháng ... năm ...
QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký, dấu)




Họ và tên

Ghi chú:

(1) Tên hội dự kiến thành lập.

(2) Tên ban vận động thành lập hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận hoặc tên hội đã được thành lập hợp pháp.

(3) Ghi rõ là hội viên chính thức, hội viên liên kết hoặc hội viên danh dự.

Mẫu số 03. Đơn đề nghị công nhận ban vận động thành lập hội

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Công nhận Ban Vận động thành lập Hội ...(1)...

Kính gửi: ...(2)....

Tôi là ... đại diện những người sáng lập (Ban Sáng lập) Hội ...(1)... trân trọng đề nghị ...(2)... xem xét, quyết định công nhận Ban Vận động thành lập Hội ...(1)... như sau:

I. Sự cần thiết và cơ sở công nhận

1. Sự cần thiết

……………………………………………………………. (3) …………………………………..

2. Cơ sở

……………………………………………………………. (4) …………………………………..

II. Tên, tôn chỉ, mục đích

1. Tên Hội:

……………………………………………………………. (5) …………………………………..

2. Tôn chỉ, mục đích của Hội

……………………………………………………………. (6) …………………………………..

III. Phạm vi, lĩnh vực hoạt động chính

……………………………………………………………. (7) …………………………………..

IV. Dự kiến thời gian chuẩn bị thành lập hội và nơi tạm thời làm địa điểm hội họp

………………………………………………………………….…………………………………..

V. Hồ sơ gồm:

……………………………………………………………. (8) …………………………………..

Thông tin khi cần liên hệ:

Họ và tên: …………………………………………………………………………………………

Địa chỉ: ………………..…………………………………………………………………………..

Số điện thoại: …………………………………………………………………………………….

Ban Sáng lập Hội đề nghị ...(2)... xem xét, quyết định công nhận Ban Vận động thành lập Hội ...(1)....


Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu: Ban Sáng lập Hội.

..., ngày ... tháng ... năm ...
TM. BAN SÁNG LẬP HỘI
(Chữ ký)




Họ và tên

Ghi chú:

(1) Tên hội dự kiến thành lập.

(2) Tên cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận ban vận động thành lập hội.

(3) Khái quát thực trạng lĩnh vực hội dự kiến hoạt động và sự cần thiết thành lập hội.

(4) Nêu rõ việc đề nghị công nhận ban vận động thành lập hội phù hợp quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan (nếu có).

(5) Tên gọi bằng tiếng Việt, tiếng nước ngoài (nếu có), tên viết tắt (nếu có) phù hợp với lĩnh vực hội dự kiến hoạt động và quy định của pháp luật.

(6) Xác định cụ thể tôn chỉ, mục đích phù hợp tên gọi và quy định của pháp luật.

(7) Xác định cụ thể phạm vi, lĩnh vực hoạt động chính, cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực hội dự kiến hoạt động phù hợp tên gọi, quy định của pháp luật.

(8) Hồ sơ theo quy định tại Nghị định này và các tài liệu có liên quan (nếu có).

Mẫu số 04. Đơn đề nghị thành lập hội

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Thành lập Hội …(1)…

Kính gửi: ...(2)...

Ban vận động thành lập Hội ...(1)... trân trọng đề nghị ...(2)... xem xét, cho phép thành lập Hội ...(1)... như sau:

I. Sự cần thiết và cơ sở thành lập

1. Sự cần thiết

……………………………………………………………. (3) …………………………………..

2. Cơ sở

……………………………………………………………. (4) …………………………………..

II. Tên hội, tôn chỉ, mục đích

1. Tên Hội:

……………………………………………………………. (5) …………………………………..

2. Tôn chỉ, mục đích của Hội

……………………………………………………………. (6) …………………………………..

III. Phạm vi, lĩnh vực hoạt động và nhiệm vụ, quyền hạn

1. Phạm vi, lĩnh vực hoạt động

……………………………………………………………. (7) …………………………………..

2. Nhiệm vụ, quyền hạn

……………………………………………………………. (8) …………………………………..

IV. Tài sản, tài chính và trụ sở ban đầu:

1. Tài sản, tài chính đóng góp: …………………………………………………………………

2. Nơi dự kiến đặt trụ sở của Hội: ……………………………………………………………..

V. Hồ sơ, gồm:

……………………………………………………………. (9) …………………………………..

Thông tin khi cần liên hệ của đại diện Ban vận động thành lập hội:

Họ và tên: …………………………………………………………………………………………

Địa chỉ: …………………………………………………………………………………………….

Số điện thoại: ……………………………………………………………………………………..

Ban Vận động thành lập Hội đề nghị ...(2)... xem xét, quyết định cho phép thành lập Hội …(1)…


Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu: ...

…, ngày ... tháng ... năm ...
TM. BAN VẬN ĐỘNG
TRƯỞNG BAN
(Chữ ký)




Họ và tên

Ghi chú:

(1) Tên hội dự kiến thành lập.

(2) Tên cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập hội.

(3) Khái quát thực trạng lĩnh vực hội dự kiến hoạt động và sự cần thiết thành lập hội.

(4) Bảo đảm theo quy định tại Nghị định này và quy định pháp luật có liên quan (nếu có).

(5) Tên gọi bằng tiếng Việt, tiếng nước ngoài (nếu có), tên viết tắt (nếu có) phù hợp với lĩnh vực hội dự kiến hoạt động và quy định của pháp luật.

(6) Xác định cụ thể tôn chỉ, mục đích phù hợp tên gọi và quy định của pháp luật.

(7) Xác định cụ thể phạm vi, lĩnh vực hoạt động chính, cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực hội dự kiến hoạt động phù hợp tên gọi, quy định của pháp luật.

(8) Nêu các nhiệm vụ, quyền hạn của hội phù hợp tên gọi và quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan (nếu có).

(9) Theo quy định tại Nghị định này và tài liệu liên quan (nếu có).

Mẫu số 05. Công văn báo cáo kết quả đại hội

...(1)...
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ... /...(2)...
V/v báo cáo kết quả Đại hội

….., ngày ... tháng ... năm ...

Kính gửi: ...(3)...

Ngày ... tháng ... năm ..., Đại hội thành lập (Đại hội nhiệm kỳ ... hoặc Đại hội bất thường) Hội...(1)... đã được tổ chức tại..., Đại hội đã thảo luận và thông qua nội dung sau:

……………………………………………………………. (4) …………………………………..

Hồ sơ gửi kèm theo:

……………………………………………………………. (5) …………………………………..

Tài liệu khác có liên quan (nếu có)

Hội ...(1)... báo cáo kết quả Đại hội với ...(3)...và đề nghị xem xét, quyết định.


Nơi nhận:
- Như trên;
- ...;
- Lưu: ...

TM. BAN CHẤP HÀNH
CHỦ TỊCH
(Chữ ký, dấu)




Họ và tên

Ghi chú:

(1) Tên hội.

(2) Viết tắt tên hội.

(3) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập hội.

(4) Những nội dung đã được Đại hội thảo luận, thông qua.

(5) Liệt kê thành phần hồ sơ theo quy định tại Nghị định này.

Mẫu số 06. Công văn báo cáo đặt chi nhánh, văn phòng đại diện

...(1)...
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ... /...(2)...
V/v đặt đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện của Hội

….., ngày... tháng ... năm ...

Kính gửi: ...(3)...

Ủy ban nhân dân ...(4)... đã có Quyết định số ... ngày... tháng ... năm ... cho phép Hội ...(1)... đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện.

Địa chỉ: …………………………………………………………………………………………….

Số điện thoại: ……………………………………………………………………………………..

Trưởng Chi nhánh hoặc văn phòng đại diện (nếu có): ……………………………………….

Thực hiện quy định của pháp luật về hội, Hội ...(1)... trân trọng báo cáo với ...(3)... về việc Hội đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện của Hội tại ...(4)... (có bản sao Quyết định kèm theo).


Nơi nhận:
- Như trên;
- …;
- Lưu ...

TM. BAN THƯỜNG VỤ
CHỦ TỊCH
(Chữ ký, dấu)




Họ và tên

Ghi chú:

(1) Tên hội.

(2) Viết tắt tên hội.

(3) Cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập hội.

(4) Tên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã cho phép hội đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện.

Mẫu số 07. Công văn báo cáo thay đổi địa chỉ nơi đặt trụ sở của hội

...(1)...
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ... /...(2)...
V/v thay đổi địa chỉ nơi đặt trụ sở của Hội

…, ngày... tháng ... năm ...

Kính gửi: ...(3)...

Hội ...(1)... thay đổi địa chỉ nơi đặt trụ của Hội như sau:

Địa chỉ nơi đặt trụ sở mới: ……………………………………….(4) …………………….

Điện thoại, fax (nếu có): ……………………………………………………………………

Thực hiện quy định của pháp luật về hội, Hội ...(1)... trân trọng báo cáo với ...(3)... về việc Hội đã thay đổi địa chỉ nơi đặt trụ sở của Hội.


Nơi nhận:
- Như trên;
- ...;
- Lưu: ...

TM. BAN THƯỜNG VỤ
CHỦ TỊCH
(Chữ ký, dấu)




Họ và tên

Ghi chú:

(1) Tên hội.

(2) Viết tắt tên hội.

(3) Cơ quan nhà nước quy định tại Nghị định này.

(4) Ghi chi tiết, cụ thể nơi đặt trụ sở mới của hội.

Mẫu số 08. Công văn báo cáo thay đổi chức danh lãnh đạo hội

…(1)…
---------------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: .../...(2)...
V/v thay đổi chức danh lãnh đạo

…., ngày... tháng ... năm ...

Kính gửi: ...(3)...

Hội đã thay đổi các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch, tổng thư ký, thành viên ban chấp hành, ban thường vụ, ban kiểm tra của Hội như sau (4):

1. Ông (bà):…………………………………………………; chức vụ: ……………………….

2. Ông (bà):…………………………………………………; chức vụ: ……………………….

3. Ông (bà):…………………………………………………; chức vụ: ……………………….

Tài liệu gửi kèm theo quy định tại khoản 6 Điều 22 Nghị định này.

Thực hiện quy định pháp luật về hội, Hội trân trọng báo cáo với ...(3)... về việc thay đổi chức danh lãnh đạo của Hội.


Nơi nhận:
- Như trên;
- ...;
- Lưu: ...

TM. BAN THƯỜNG VỤ
CHỦ TỊCH
(Chữ ký, dấu)




Họ và tên

Ghi chú:

(1) Tên hội.

(2) Tên viết tắt của hội.

(3) Cơ quan nhà nước quy định tại Nghị định này.

(4) Ghi cụ thể các trường hợp thay đổi Chủ tịch, Phó Chủ tịch theo quy định của điều lệ hội.

Mẫu số 09. Điều lệ hội (*)

...(1)...
-----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

ĐIỀU LỆ HỘI ...(2)...

(Kèm theo Quyết định số ... /QĐ-… ngày... tháng... năm ... của...)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Tên gọi, biểu tượng

1. Tên tiếng Việt: ……………………………………………………………………………….

2. Tên tiếng nước ngoài (nếu có): ……………………………………………………………

3. Tên viết tắt (nếu có): ………………………………………………………………………..

4. Biểu tượng (nếu có): ……………………………………………………………………….

Điều 2. Tôn chỉ, mục đích

Hội ...(2)... (sau đây gọi tắt là Hội) là tổ chức ...(3)... của ...(4)..., tự nguyện thành lập, nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Điều 3. Tư cách pháp lý, trụ sở

1. Hội có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng; hoạt động theo quy định pháp luật Việt Nam và Điều lệ Hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Trụ sở của Hội đặt tại ……………………………………………………………………….

Điều 4. Phạm vi, lĩnh vực hoạt động

1. Hội hoạt động trong phạm vi ...(5)…, về lĩnh vực...(6)...

2. Hội chịu sự quản lý nhà nước của ...(7)..., sự quản lý của ...(8)... và các bộ, ngành khác có liên quan về lĩnh vực Hội hoạt động theo quy định pháp luật.

Điều 5. Nguyên tắc tổ chức, hoạt động

1. Tự nguyện, tự quản.

2. Dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch.

3. Tự bảo đảm kinh phí hoạt động (9).

4. Không vì mục đích lợi nhuận.

5. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ Hội.

Chương II

QUYỀN, NGHĨA VỤ, TRÁCH NHIỆM CỦA HỘI

Điều 6. Quyền của Hội

Căn cứ quy định tại Điều 23 Nghị định này để quy định cụ thể.

Hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ căn cứ các quy định chung tại Điều 23 Nghị định này và quy định riêng tại khoản 1 Điều 38 Nghị định này để quy định cụ thể.

Điều 7. Nghĩa vụ, trách nhiệm của Hội

Căn cứ quy định tại Điều 24 Nghị định này để quy định cụ thể.

Hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ căn cứ các quy định chung tại Điều 24 Nghị định này và quy định riêng tại khoản 2 Điều 38 Nghị định này để quy định cụ thể.

Chương III

HỘI VIÊN

Điều 8. Hội viên, tiêu chuẩn hội viên

1. Hội viên của Hội gồm hội viên chính thức, hội viên liên kết và hội viên danh dự:

a) Hội viên chính thức: tổ chức, công dân Việt Nam có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 Điều này, tán thành Điều lệ Hội, tự nguyện gia nhập Hội, có thể trở thành hội viên chính thức của Hội.

b) Hội viên liên kết (nếu có) ………………………… (10)…………………………

c) Hội viên danh dự (nếu có) …………………………(11).……………………….

2. Tiêu chuẩn hội viên chính thức: ………………… (12).…………………………

Điều 9. Quyền của hội viên

1. Được Hội bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật.

2. Được Hội cung cấp thông tin liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hội, được tham gia các hoạt động do Hội tổ chức.

3. Được tham gia thảo luận, quyết định các chủ trương công tác của Hội theo quy định của Hội; được kiến nghị, đề xuất ý kiến với cơ quan có thẩm quyền về những vấn đề có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hội.

4. Được dự Đại hội, ứng cử, đề cử, bầu cử các cơ quan, các chức danh lãnh đạo và Ban Kiểm tra Hội theo quy định của Hội.

5. Được giới thiệu hội viên mới.

6. Được khen thưởng theo quy định của Hội.

7. Được cấp thẻ hội viên (nếu có).

8. Được ra khỏi Hội khi xét thấy không thể tiếp tục là hội viên.

9. Hội viên liên kết, hội viên danh dự được hưởng quyền và nghĩa vụ như hội viên chính thức, trừ quyền biểu quyết các vấn đề của Hội và quyền ứng cử, đề cử, bầu cử Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra Hội.

10………………………………………………………………………………………….

Điều 10. Nghĩa vụ của hội viên

1. Nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chấp hành Điều lệ, quy định của Hội.

2. Tham gia các hoạt động và sinh hoạt của Hội; đoàn kết, hợp tác với các hội viên khác để xây dựng Hội phát triển vững mạnh.

3. Bảo vệ uy tín của Hội, không được nhân danh Hội trong các quan hệ giao dịch, trừ khi được lãnh đạo Hội phân công bằng văn bản.

4. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định của Hội.

5. Đóng hội phí đầy đủ và đúng hạn theo quy định của Hội.

6……………………………………………………………………………………………

Điều 11. Thủ tục, thẩm quyền kết nạp hội viên; thủ tục ra khỏi Hội

………………………… …………………………(13) ………………………………….

Ban Chấp hành ban hành Quy chế quy định cụ thể về kết nạp hội viên, cho hội viên ra khỏi Hội phù hợp quy định của pháp luật và Điều lệ Hội.

Chương IV

TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG

Điều 12. Cơ cấu tổ chức của Hội

1. Đại hội.

2. Ban Chấp hành (hoặc tên gọi khác).

3. Ban Thường vụ (hoặc tên gọi khác).

4. Ban Kiểm tra.

5. Các tổ chức thuộc Hội (14).

Điều 13. Đại hội

1. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội là Đại hội nhiệm kỳ hoặc Đại hội bất thường. Đại hội nhiệm kỳ được tổ chức ...(15)... một lần. Đại hội bất thường được triệu tập khi ít nhất có 2/3 (hai phần ba) tổng số ủy viên Ban Chấp hành hoặc có ít nhất 1/2 (một phần hai) tổng số hội viên chính thức đề nghị.

2. Đại hội nhiệm kỳ hoặc Đại hội bất thường được tổ chức dưới hình thức Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu. Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu được tổ chức khi có trên 1/2 (một phần hai) số hội viên chính thức hoặc có trên 1/2 (một phần hai) số đại biểu chính thức được triệu tập có mặt.

3. Nhiệm vụ của Đại hội:

a) Báo cáo số lượng đại biểu tham dự đại hội và báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu tham dự đại hội;

b) Thông qua chương trình đại hội, quy chế đại hội, quy chế bầu cử;

c) Thảo luận, thông qua báo cáo tổng kết nhiệm kỳ và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ tiếp theo của Hội; báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra; báo cáo tài chính của Hội;

d) Thông qua điều lệ Hội hoặc thảo luận đổi tên Hội (nếu có) thông qua việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ hoặc tiếp tục sử dụng Điều lệ hiện hành;

đ) Chia, tách; sáp nhập, hợp nhất (nếu có);

e) Thông qua đề án nhân sự đại hội; biểu quyết số lượng thành viên Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra cho cả nhiệm kỳ của hội; đề cử, ứng cử vào danh sách Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra Hội;

g) Bầu Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra Hội (16);

h) Các vấn đề khác theo quy định của Điều lệ Hội (nếu có);

i) Thông qua nghị quyết Đại hội.

4. Nguyên tắc biểu quyết tại Đại hội:

a) Đại hội có thể biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Việc quy định hình thức biểu quyết do Đại hội quyết định;

b) Việc biểu quyết thông qua các quyết định của Đại hội phải được quá 1/2 tổng số đại biểu chính thức được triệu tập tán thành.

Điều 14. Ban Chấp hành Hội (hoặc tên gọi khác)

1. Ban Chấp hành Hội là cơ quan lãnh đạo giữa 02 kỳ Đại hội do Đại hội bầu trong số các hội viên chính thức của Hội. Số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, sức khỏe, độ tuổi của ủy viên Ban Chấp hành do Đại hội quyết định. Nhiệm kỳ của Ban Chấp hành trùng với nhiệm kỳ Đại hội.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Chấp hành:

a) Tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội, Điều lệ Hội, lãnh đạo mọi hoạt động của Hội giữa hai kỳ Đại hội;

b) Chuẩn bị và quyết định triệu tập Đại hội;

c) Quyết định chương trình, kế hoạch công tác hàng năm của Hội;

d) Quyết định cơ cấu tổ chức bộ máy của Hội. Ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Kiểm tra; Quy chế quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của Hội; Quy chế quản lý, sử dụng con dấu của Hội; Quy chế khen thưởng, kỷ luật; Quy chế giải quyết kiến nghị, phản ánh, tranh chấp, khiếu nại, tố cáo; Quy chế quản lý hội viên; Quy tắc đạo đức trong hoạt động của hội, các quy chế khác và quy định trong nội bộ Hội phù hợp với quy định của Điều lệ Hội và quy định của pháp luật;

đ) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, tạm đình chỉ công tác và cho phép công tác trở lại đối với Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, ủy viên Ban Thường vụ, ủy viên Ban Chấp hành, Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban, ủy viên Ban Kiểm tra (17); bầu bổ sung ủy viên Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra. Số ủy viên Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra bầu bổ sung không được quá... số lượng thành viên Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra (18) đã được Đại hội quyết định. Tổng số thành viên Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra (kể cả ủy viên Ban Chấp hành, Ban kiểm tra được bổ sung) không vượt quá số lượng thành viên Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra (19) đã được Đại hội biểu quyết thông qua;

e) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Điều lệ Hội.

3. Nguyên tắc hoạt động của Ban Chấp hành:

a) Ban Chấp hành hoạt động theo Quy chế của Ban Chấp hành, tuân thủ quy định của pháp luật và Điều lệ Hội;

b) Ban Chấp hành mỗi năm họp... lần, có thể họp bất thường khi có yêu cầu của Ban Thường vụ hoặc trên... tổng số thành viên Ban Chấp hành. Ban Chấp hành có thể tổ chức họp trực tiếp hoặc qua nền tảng ứng dụng trực tuyến hoặc kết hợp cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến do Ban Chấp hành quyết định;

c) Các cuộc họp của Ban Chấp hành là hợp lệ khi có... thành viên Ban Chấp hành tham gia dự họp. Ban Chấp hành có thể biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Việc quy định hình thức biểu quyết do Ban Chấp hành quyết định;

d) Các nghị quyết, quyết định của Ban Chấp hành được thông qua khi có trên... tổng số thành viên Ban Chấp hành biểu quyết tán thành. Trong trường hợp số ý kiến tán thành và không tán thành ngang nhau thì quyết định thuộc về bên có ý kiến của Chủ tịch Hội;

đ) Giữa hai kỳ họp, Ban Chấp hành có thể biểu quyết hoặc quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành thông qua việc lấy ý kiến Ban Chấp hành bằng văn bản.

Điều 15. Ban Thường vụ Hội (hoặc tên gọi khác)

1. Ban Thường vụ Hội do Ban Chấp hành bầu trong số các ủy viên Ban Chấp hành; Ban Thường vụ Hội gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các ủy viên. Số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn thành viên Ban Thường vụ do Ban Chấp hành quyết định. Nhiệm kỳ của Ban Thường vụ trùng với nhiệm kỳ Đại hội.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Thường vụ:

a) Giúp Ban Chấp hành triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội, Điều lệ Hội; tổ chức thực hiện nghị quyết, quyết định của Ban Chấp hành; lãnh đạo hoạt động của Hội giữa hai kỳ họp Ban Chấp hành;

b) Chuẩn bị nội dung và quyết định triệu tập họp Ban Chấp hành;

c) Quyết định thành lập các tổ chức thuộc Hội theo nghị quyết của Ban Chấp hành; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm lãnh đạo các tổ chức thuộc Hội;

d) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Điều lệ Hội.

3. Nguyên tắc hoạt động của Ban Thường vụ:

a) Ban Thường vụ hoạt động theo Quy chế do Ban Chấp hành ban hành, tuân thủ quy định của pháp luật và Điều lệ Hội;

b) Ban Thường vụ mỗi năm họp... lần, có thể họp bất thường khi có yêu cầu của Chủ tịch Hội hoặc trên... tổng số thành viên Ban Thường vụ. Ban Thường vụ có thể tổ chức họp trực tiếp hoặc qua nền tảng ứng dụng trực tuyến hoặc kết hợp cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến do Ban Thường vụ quyết định;

c) Các cuộc họp của Ban Thường vụ là hợp lệ khi có... thành viên Ban Thường vụ tham gia dự họp. Ban Thường vụ có thể biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Việc quy định hình thức biểu quyết do Ban Thường vụ quyết định;

d) Các nghị quyết, quyết định của Ban Thường vụ được thông qua khi có trên... tổng số thành viên Ban Thường vụ biểu quyết tán thành. Trong trường hợp số ý kiến tán thành và không tán thành ngang nhau thì quyết định thuộc về bên có ý kiến của Chủ tịch Hội;

đ) Giữa hai kỳ họp, Ban Thường vụ có thể biểu quyết hoặc quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của Ban Thường vụ thông qua việc lấy ý kiến Ban Thường vụ bằng văn bản.

Điều 16. Ban Kiểm tra Hội

1. Ban Kiểm tra Hội do Đại hội bầu (20). Ban Kiểm tra gồm Trưởng ban, Phó trưởng ban (nếu có) và một số ủy viên. Số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn ủy viên Ban Kiểm tra do Đại hội quyết định. Nhiệm kỳ của Ban Kiểm tra trùng với nhiệm kỳ Đại hội.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Kiểm tra:

a) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện Điều lệ Hội, nghị quyết Đại hội; nghị quyết, quyết định của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, các quy chế của Hội trong hoạt động của các tổ chức thuộc Hội, hội viên;

b) Xem xét, xử lý đơn, thư, phản ánh, kiến nghị, tranh chấp, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, hội viên và công dân liên quan tới tổ chức Hội, hội viên, các tổ chức thuộc Hội đã được quy định trong Quy chế giải quyết phản ánh, kiến nghị, tranh chấp, khiếu nại tố cáo của Hội theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hội. Tổng hợp, đề nghị Ban Thường vụ, Ban Chấp hành xem xét, giải quyết đơn phản ánh, kiến nghị, tranh chấp, khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành. Trường hợp không giải quyết được thì chuyển Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

c) .……………………………………………………………………………………………

3. Nguyên tắc hoạt động của Ban Kiểm tra:

Ban Kiểm tra hoạt động theo quy chế do Ban Chấp hành ban hành, tuân thủ quy định của pháp luật và Điều lệ Hội. Giữa hai kỳ họp, Ban Kiểm tra có thể biểu quyết hoặc quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của Ban Kiểm tra thông qua việc lấy ý kiến thành viên bằng văn bản.

Điều 17. ………………………………………(21)………………………………………

Điều 18. Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội (hoặc tên gọi khác)

1. Chủ tịch Hội là đại diện của Hội trước pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của Hội. Chủ tịch Hội do Ban Chấp hành bầu trong số các ủy viên Ban Thường vụ Hội.

2. Tiêu chuẩn, điều kiện Chủ tịch Hội:

a) Tiêu chuẩn:

- Chấp hành và thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước;

- Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt;

- Có uy tín và hiểu biết về lĩnh vực hội hoạt động;

- Có quốc tịch Việt Nam;

- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không có án tích;

- ………………………………………(22)………………………………………

b) Điều kiện:

- Không giữ chức danh chủ tịch quá 02 hội;

- Không phải là cán bộ, công chức trong các cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý hoặc tham mưu quản lý về lĩnh vực hoạt động chính của hội; trừ trường hợp được cấp có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ;

- Nhân sự dự kiến chủ tịch hội là cán bộ, công chức, viên chức hoặc là cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu phải được cấp có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ;

- ………………………………………(23)………………………………………

3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội:

a) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội;

b) Chịu trách nhiệm toàn diện trước cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập Hội, cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực hoạt động chính của Hội, trước Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội về mọi hoạt động của Hội. Chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của Hội theo quy định Điều lệ Hội; nghị quyết Đại hội; nghị quyết, quyết định của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội;

c) Chủ trì các phiên họp của Ban Chấp hành; chỉ đạo chuẩn bị, triệu tập và chủ trì các cuộc họp của Ban Thường vụ;

d) Thay mặt Ban Chấp hành, Ban Thường vụ ký các văn bản của Hội;

đ) Khi Chủ tịch Hội vắng mặt, việc chỉ đạo, điều hành giải quyết công việc của Hội được ủy quyền bằng văn bản cho một Phó Chủ tịch Hội;

e) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Điều lệ Hội.

4. Số lượng Phó Chủ tịch hội ……………………(24)……………………………

5. Phó Chủ tịch Hội do Ban Chấp hành bầu trong số các ủy viên Ban Thường vụ Hội. Tiêu chuẩn Phó Chủ tịch Hội do Ban Chấp hành Hội quy định

Phó Chủ tịch giúp Chủ tịch Hội chỉ đạo, điều hành công tác của Hội theo sự phân công của Chủ tịch Hội; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội và trước pháp luật về lĩnh vực công việc được Chủ tịch Hội phân công hoặc ủy quyền. Phó Chủ tịch Hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội phù hợp với Điều lệ Hội và quy định của pháp luật.

6. Miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội:

a) Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội được miễn nhiệm trong các trường hợp: không đủ sức khỏe; không đủ năng lực và uy tín để hoàn thành nhiệm vụ; theo yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan có thẩm quyền; nhân sự có đơn xin từ chức vì lý do cá nhân;

b) Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội bị bãi nhiệm khi có kết luận của cấp có thẩm quyền về việc Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội vi phạm pháp luật, Điều lệ Hội làm ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động của Hội hoặc bị Toà án kết án có tội;

c) Khi miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội phải đồng thời bầu Chủ tịch khác để thay thế theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hội hoặc phân công người điều hành hoạt động của Hội trong thời gian chưa bầu được Chủ tịch Hội.

7. Đình chỉ công tác và cho phép công tác trở lại đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch:

a) Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội bị đình chỉ trong các trường hợp: bị tạm giam, tạm giữ để điều tra xét xử theo quy định của pháp luật; vi phạm nghiêm trọng Điều lệ, quy chế, quy định của Hội;

b) Ban Chấp hành Hội quy định cụ thể hành vi vi phạm, thẩm quyền, trình tự, thủ tục đình chỉ công tác, cho phép công tác trở lại đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội.

Điều 19 ………………………………………(25)………………………………………

Chương V

ĐỔI TÊN, CHIA, TÁCH, SÁP NHẬP, HỢP NHẤT VÀ GIẢI THỂ HỘI

Điều 20. Đổi tên, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất và giải thể Hội

Việc đổi tên, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất và giải thể Hội thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự, quy định của pháp luật về hội, nghị quyết Ban Chấp hành Hội và các quy định pháp luật có liên quan.

Điều 21. Thu hồi con dấu của Hội

Việc thu hồi con dấu đối với Hội đổi tên, Hội bị chia, sáp nhập, hợp nhất, bị đình chỉ hoạt động có thời hạn, giải thể được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng con dấu và các quy định của pháp luật có liên quan.

Chương VI

TÀI CHÍNH VÀ TÀI SẢN

Điều 22. Tài chính, tài sản của Hội

1. Tài chính của Hội:

a) Nguồn thu của Hội:

- Phí gia nhập Hội, hội phí hàng năm của hội viên;

- Thu từ các hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật;

- Tiền tài trợ, ủng hộ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật;

- Ngân sách nhà nước hỗ trợ (nếu có) cho các nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao theo quy định của pháp luật;

- Các khoản thu hợp pháp khác;

b) Các khoản chi của Hội:

- Chi hoạt động thực hiện nhiệm vụ của Hội;

- Chi thực hiện nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao (nếu có);

- Chi thuê trụ sở, mua sắm phương tiện làm việc;

- Chi thực hiện chế độ, chính sách đối với những người làm việc tại Hội theo quy định của Ban Chấp hành Hội phù hợp với quy định của pháp luật;

- Chi khen thưởng và các khoản chi khác theo quy định của Ban Chấp hành.

2. Tài sản của Hội:

a) Tài sản của Hội bao gồm trụ sở, trang thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động của Hội và các tài sản hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Tài sản của Hội được hình thành từ nguồn kinh phí của Hội do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hiến, tặng theo quy định của pháp luật;

b) Việc quản lý, sử dụng tài sản của Hội thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự, pháp luật về tài sản, tài chính, kế toán và Điều lệ của Hội. Đối với tài sản công thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công;

c) Khi hội chia tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể thì hội kiểm kê, phân loại tài sản để xác định việc xử lý tài sản:

- Đối với tài sản của Hội là tài sản công thì việc quản lý, sử dụng, xử lý thực hiện theo quy định của pháp luật về tài sản công;

- Đối với tài sản của Hội được hình thành từ nguồn tự có của Hội thì việc quản lý, sử dụng và xử lý được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự, pháp luật có liên quan và Điều lệ của Hội.

Điều 23. Quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của Hội

1. Quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của Hội:

a) Tài chính, tài sản của Hội chỉ được sử dụng cho các hoạt động của Hội;

b) Tài chính, tài sản của Hội khi chia, tách; sáp nhập; hợp nhất, đình chỉ hoạt động có thời hạn và giải thể được giải quyết theo quy định của pháp luật về hội và pháp luật có liên quan.

c) Ban Chấp hành Hội ban hành quy chế quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của Hội đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, tiết kiệm phù hợp với quy định của pháp luật về tài chính, kế toán, về quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

2. Thực hiện công tác kế toán, kiểm toán, thống kê:

a) Hội phải tổ chức công tác kế toán, thống kê theo đúng quy định của Luật Kế toán, Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn thực hiện, cụ thể:

- Chấp hành các quy định về chứng từ kế toán; hạch toán kế toán và các nghiệp vụ kinh tế, tài chính, tài sản có liên quan đến Hội;

- Mở sổ kế toán ghi chép và lưu trữ các nghiệp vụ kinh tế, tài chính, tài sản có liên quan đến Hội (phản ánh, theo dõi chi tiết số thu, chi tiền, hiện vật do các tổ chức, cá nhân đóng góp, viện trợ, tài trợ và các khoản thu, chi khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hội);

- Lập đầy đủ, đúng hạn các báo cáo tài chính, quyết toán năm gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập Hội và cơ quan tài chính cùng cấp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập Hội hoặc cơ quan tài chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập Hội;

- Lập đầy đủ hồ sơ tài liệu chứng từ khác có liên quan theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.

b) Chịu sự thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về việc thu, chi, quản lý và sử dụng tài chính, tài sản của cơ quan tài chính cùng cấp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập hội hoặc cơ quan tài chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập hội và cơ quan kiểm toán có thẩm quyền;

c) Cung cấp các thông tin cần thiết gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật.

Điều 24. Giải quyết tài sản, tài chính khi Hội chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, đình chỉ hoạt động có thời hạn và giải thể Hội

Căn cứ quy định tại Điều 36 Nghị định này để quy định cụ thể.

Chương VII

KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT

Điều 25. Khen thưởng

1. Tổ chức thuộc Hội, hội viên có thành tích xuất sắc được Hội khen thưởng hoặc được Hội đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khen thưởng theo quy định của pháp luật.

2. Ban Chấp hành Hội quy định cụ thể hình thức, thẩm quyền, thủ tục khen thưởng trong nội bộ Hội theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hội.

Điều 26. Kỷ luật

1. Tổ chức thuộc Hội, hội viên vi phạm pháp luật; vi phạm Điều lệ, quy định, quy chế hoạt động của Hội thì bị xem xét, thi hành kỷ luật bằng các hình thức:………………(26)…………………..

Trường hợp gây thiệt hại về vật chất thì phải bồi thường và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

2. Ban Chấp hành Hội quy định cụ thể thẩm quyền, quy trình xem xét kỷ luật trong Hội theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hội.

Chương VIII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 27. Sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội

1. Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội được Đại hội thông qua khi có trên…. tổng số đại biểu chính thức tán thành.

2. Điều lệ phải được Hội hoàn thiện đảm bảo phù hợp theo quy định của pháp luật và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập Hội phê duyệt.

Điều 28. Hiệu lực thi hành

1. Điều lệ Hội ...(2)... gồm... Chương... Điều đã được Đại hội...(27)... Hội...(2)... thông qua ngày... tháng... năm... tại... và có hiệu lực thi hành theo Quyết định phê duyệt của... (28)...

2. Căn cứ quy định pháp luật về hội và Điều lệ Hội, Ban Chấp hành Hội ...(2)... có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện Điều lệ này.

Ghi chú:

(*) Mẫu này hướng dẫn nội dung chính của điều lệ hội; nếu sửa đổi, bổ sung thì ghi: Điều lệ (sửa đổi, bổ sung). Căn cứ quy định của pháp luật về hội và pháp luật có liên quan; căn cứ tính chất, phạm vi, lĩnh vực hoạt động, tổ chức của hội, hội có thể bổ sung quy định cho phù hợp.

(1) Tên cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt điều lệ.

(2) Tên hội.

(3) Ghi rõ hội là tổ chức chính trị - xã hội hoặc chính trị - xã hội - nghề nghiệp hoặc xã hội - nghề nghiệp hoặc xã hội....

(4) Ghi rõ đối tượng tập hợp của hội.

(5) Ghi rõ phạm vi hoạt động của hội: toàn quốc hoặc liên tỉnh, trong tỉnh, trong huyện, trong xã,....

(6) Ghi rõ lĩnh vực hoạt động chính của hội.

(7) Cơ quan nhà nước cho phép thành lập hội.

(8) Cơ quan nhà nước quản lý lĩnh vực hoạt động chính của hội.

(9) Trừ các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ (được hỗ trợ kinh phí thực hiện nhiệm vụ được giao).

(10) (11) Quy định cụ thể hội viên liên kết, hội viên danh dự (nếu có) phù hợp với quy định tại Nghị định này.

(12) Quy định cụ thể tiêu chuẩn hội viên chính thức của hội.

(13) Quy định cụ thể thủ tục, thẩm quyền kết nạp hội viên; thủ tục ra hội đối với hội viên.

(14) Căn cứ tình hình thực tế, hội quy định cụ thể các tổ chức thuộc hội theo quy định tại Điều 25 Nghị định này.

(15) Quy định cụ thể nhiệm kỳ đại hội của hội nhưng không quá 05 năm.

(16), (18), (19), (20) Nếu là hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ thì Ban kiểm tra do Ban chấp hành bầu. Bầu Ban kiểm tra thực hiện theo quy định của Nghị định này.

(17) Nếu là hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ thì bổ sung: “Việc bầu cử, miễn nhiệm, bãi nhiệm, tạm đình chỉ công tác, cho phép công tác trở lại đối với chủ tịch và phó chủ tịch hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ phải báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến trước khi thực hiện”.

(21) Các tổ chức thuộc hội căn cứ Điều 25 Nghị định này để quy định cụ thể.

(22), (23) Hội quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện, độ tuổi, sức khỏe, nhiệm kỳ của chủ tịch hội.

(24) Hội quy định: (i) Hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh bầu không quá 03 phó chủ tịch chuyên trách. Số lượng phó chủ tịch không chuyên trách do hội tự quyết định nhưng không quá 03 lần số lượng phó chủ tịch chuyên trách; (ii) Hội hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh được bầu không quá 02 phó chủ tịch chuyên trách. Số lượng phó chủ tịch không chuyên trách do hội tự quyết định nhưng không quá 03 lần số lượng phó chủ tịch chuyên trách; (iii) Hội hoạt động trong phạm vi cấp huyện được bầu 01 phó chủ tịch chuyên trách. Số lượng phó chủ tịch không chuyên trách do hội tự quyết định nhưng không quá 03 lần số lượng phó chủ tịch chuyên trách; (iv) Hội hoạt động trong phạm vi cấp xã được bầu 01 phó chủ tịch chuyên trách. Số lượng phó chủ tịch không chuyên trách do hội tự quyết định nhưng không quá 02 lần số lượng phó chủ tịch chuyên trách; trừ hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.

(25) Các chức danh khác: Tổng thư ký,... (nếu có).

(26) Ghi rõ các hình thức kỷ luật: Khiển trách, cảnh cáo, khai trừ....

(27) Đại hội thành lập hoặc đại hội toàn thể hoặc đại hội đại biểu lần thứ... hoặc đại hội bất thường.

(28) Thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập hội phê duyệt Điều lệ: Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Chủ tịch UBND cấp huyện theo phân cấp.

Mẫu số 10. Đơn đề nghị tách hội

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Tách Hội …(1)… thành Hội... (1)... và Hội ...(2)...

Kính gửi: ...(3)...

Theo quy định của Nghị định số.../…./NĐ-CP ngày…tháng…năm……. của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội; Hội ...(1)... thông qua việc tách Hội ...(1)... thành Hội ...(1)... và Hội ...(2)... như sau:

1. Lý do tách hội

………………………………………..(4)………………………………………………….

2. Hồ sơ gồm:

………………………………………..(5)………………………………………………….

Các tài liệu có liên quan (nếu có).

Thông tin liên hệ:

Họ và tên: …………………………………………………………………………………

Địa chỉ: ……………………………………………………………………………………

Số điện thoại: …………………………………………………………………………….

Hội ...(1)... đề nghị ...(3)… xem xét, quyết định cho phép tách Hội ...(1)... thành Hội ...(1)... và Hội ...(2)....


Nơi nhận:
- Như trên;
- ...;
- Lưu: ...

..., ngày... tháng... năm...
TM. BAN CHẤP HÀNH
CHỦ TỊCH
(Chữ ký, dấu)




Họ và tên

Ghi chú:

(1) Tên hội bị tách.

(2) Tên hội được thành lập mới do tách hội.

(3) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tách hội.

(4) Nêu rõ lý do, sự cần thiết phải tách hội và việc tách phù hợp quy định của pháp luật.

(5) Theo Nghị định này.

Mẫu số 11. Đơn đề nghị chia hội

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Chia Hội ...(1)... thành Hội ....(2)... và Hội ...(3)...

Kính gửi: ...(4)...

Theo quy định của Nghị định số.../…/NĐ-CP ngày…tháng…năm…… của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội; Hội ...(1)... thông qua việc chia Hội thành Hội ...(2)... và Hội ...(3)... như sau:

1. Lý do chia hội

………………………………………..(5)………………………………………………….

2. Hồ sơ gồm:

………………………………………..(6)………………………………………………….

Các tài liệu có liên quan (nếu có).

Thông tin liên hệ: ………………………………………………………………………….

Họ và tên: ………………………………………………………………………………….

Địa chỉ: …………………………………………………………………………………….

Số điện thoại: ……………………………………………………………………………..

Hội ...(1)... đề nghị ...(4)... xem xét, quyết định cho phép chia Hội ...(1)... thành Hội ...(2)... và Hội ...(3)....


Nơi nhận:
- Như trên;
- ...;
- Lưu: ...

..., ngày... tháng... năm...
TM. BAN CHẤP HÀNH
CHỦ TỊCH
(Chữ ký, dấu)




Họ và tên

Ghi chú:

(1) Tên hội bị chia.

(2) (3) Tên hội được thành lập mới do chia.

(4) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chia hội.

(5) Nêu rõ lý do, sự cần thiết phải chia hội và việc chia hội phù hợp quy định của pháp luật.

(6) Theo Nghị định này.

Mẫu số 12. Đơn đề nghị sáp nhập hội

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Sáp nhập Hội …(1)… vào Hội ...(2)...

Kính gửi: ...(3)...

Theo quy định của Nghị định số…/…/NĐ-CP ngày….tháng….năm…… của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội; Hội ...(1)... và Hội ...(2)... đã thông qua việc sáp nhập Hội ...(1)... vào Hội ...(2)... như sau:

1. Lý do sáp nhập hội

………………………………………..(4)………………………………………………….

2. Hồ sơ gồm:

………………………………………..(5)………………………………………………….

Các tài liệu có liên quan (nếu có)

Thông tin liên hệ:

Họ và tên: …………………………………………………………………………………

Địa chỉ: …………………………………………………………………………………….

Số điện thoại: ……………………………………………………………………………..

Đề nghị ...(3)... xem xét, quyết định cho phép sáp nhập Hội ...(1)... vào Hội...(2)....

..., ngày... tháng... năm ...


Nơi nhận:
- Như trên;
- …;
- Lưu: ...

TM. BAN CHẤP HÀNH
HỘI ...(1)...
CHỦ TỊCH
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

TM. BAN CHẤP HÀNH
HỘI ...(2)...
CHỦ TỊCH
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

Ghi chú:

(1) Tên hội bị sáp nhập.

(2) Tên hội được sáp nhập.

(3) Cơ quan có thẩm quyền cho phép sáp nhập hội.

(4) Nêu rõ lý do, sự cần thiết sáp nhập hội và việc sáp nhập phù hợp quy định của pháp luật.

(5) Theo Nghị định này.

Mẫu số 13. Đơn đề nghị hợp nhất hội

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Hợp nhất Hội …(1)… và Hội ...(2)... thành Hội ...(3)...

Kính gửi: ...(4)...

Theo quy định của Nghị định số.../…/NĐ-CP ngày….tháng….năm….. của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội; Hội ...(1)... và Hội ...(2)... đã thông qua việc hợp nhất Hội ...(1)... và Hội ...(2)... thành Hội ...(3)... như sau:

1. Lý do sáp nhập hội

…………………………………………….(5)………………………………………….

2. Hồ sơ gồm:

…………………………………………….(6)………………………………………….

- Các tài liệu có liên quan (nếu có).

Thông tin liên hệ:

Họ và tên: ………………………………………………………………………………

Địa chỉ: ………………………………………………………………………………….

Số điện thoại: …………………………………………………………………………..

Đề nghị ...(4)... xem xét, quyết định cho phép hợp nhất Hội ...(1)... và Hội ...(2)... thành Hội ...(3)....

..., ngày... tháng... năm ...


Nơi nhận:
- Như trên;
- …;
- Lưu: ...

TM. BAN CHẤP HÀNH
HỘI ...(1)...
CHỦ TỊCH
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

TM. BAN CHẤP HÀNH
HỘI ...(2)...
CHỦ TỊCH
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

Ghi chú:

(1) (2) Tên hội bị hợp nhất.

(3) Tên hội thành lập mới do hợp nhất.

(4) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hợp nhất hội.

(5) Nêu rõ lý do, sự cần thiết hợp nhất hội và việc hợp nhất phù hợp quy định của pháp luật.

(6) Theo Nghị định này.

Mẫu số 14. Đơn đề nghị giải thể hội

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Giải thể Hội …(1)...

Kính gửi: ...(2)...

Theo quy định của Nghị định số.../…/NĐ-CP ngày…tháng…năm…. của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội; Hội ...(1)... đã thông qua việc giải thể như sau:

1. Lý do giải thể hội

……………………………………..(3)……………………………………………………

2. Hồ sơ gồm:

……………………………………..(4)……………………………………………………

- Các tài liệu có liên quan (nếu có).

Thông tin liên hệ:

Họ và tên: ……………..………………………………………………………………….

Địa chỉ: ……………………………………………………………………………………

Số điện thoại: …………………………………………………………………………….

Hội …(1)… đề nghị ...(2)... xem xét, quyết định giải thể Hội.


Nơi nhận:
- Như trên;
- ...;
- Lưu: ...

..., ngày... tháng... năm...
TM. BAN CHẤP HÀNH
CHỦ TỊCH
(Chữ ký, đóng dấu)




Họ và tên

Ghi chú:

(1) Tên hội đề nghị giải thể.

(2) Tên cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải thể hội.

(3) Nêu rõ lý do giải thể hội và việc giải thể phù hợp quy định của pháp luật.

(4) Theo Nghị định này.

Mẫu số 15. Đơn đề nghị đặt chi nhánh, văn phòng đại diện

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

ĐƠN XIN PHÉP

Đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện

Kính gửi: Ủy ban nhân dân ...(1)...

Hội ...(2)... báo cáo Ủy ban nhân dân ...(1)... xem xét, cho phép Hội đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện của Hội tại ...(1)... như sau:

1. Sự cần thiết đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện

………………………………....(3).....................................................................

2. Hồ sơ gồm:

………………………………....(4).....................................................................

Thông tin liên hệ:

Họ và tên: ……………………………………………………………………………

Địa chỉ: ……………………………………………………………………………….

Số điện thoại: ………………………………………………………………………..

Hội ...(2)... đề nghị Ủy ban nhân dân ....(1)... xem xét, cho phép Hội đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện.


Nơi nhận:
- Như trên;
- ...;
- Lưu: ...

..., ngày... tháng... năm ...
TM. BAN THƯỜNG VỤ
CHỦ TỊCH
(Chữ ký, dấu)




Họ và tên

Ghi chú:

(1) Tên tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương.

(2) Tên hội đề nghị đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện.

(3) Nêu rõ sự cần thiết đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện và địa chỉ dự kiến nơi đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện.

(4) Hồ sơ theo quy định tại Nghị định này.

Mẫu số 16. Báo cáo hoạt động hội

...(1)...
--------------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ... /BC-...(2)...

…, ngày ... tháng ... năm ...

BÁO CÁO HOẠT ĐỘNG

NĂM ...

Thực hiện quy định của pháp luật, Hội ...(1)... báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động của Hội năm... như sau:

1. Về tổ chức của Hội

a) Về hội viên:

Tổng số hội viên: …………………………………………………………………………………

Trong đó:

Hội viên tổ chức: …………………………………………………………………………………

Hội viên cá nhân: …………………………………………………………………………………

Số hội viên mới kết nạp trong năm: ……………………………………………………………

Trong đó:

Hội viên tổ chức: …………………………………………………………………………………

Hội viên cá nhân: ………………………………………………………………………………..

b) Những người làm việc chuyên trách tại Hội: ………………………………………

Trong đó: Số biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao (nếu có): ……………..

c) Số lượng các tổ chức thuộc Hội (trong đó làm rõ số thành lập mới trong năm báo cáo)

- Tổ chức có tư cách pháp nhân: ……………………………………………………

- Phòng, ban, đơn vị thuộc: …………………………………………………………..

- Tổ chức cơ sở thuộc Hội: …………………………………………………………..

- Văn phòng đại diện: …………………………………………………………………

d) Việc kiện toàn tổ chức Hội (tổ chức Đại hội, hội nghị thường niên; họp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ theo quy định của Điều lệ Hội, kiện toàn ban lãnh đạo, các chức danh chủ chốt...)

……………………………………………………………………………………………

đ) Khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến Hội (nếu có)

……………………………………………………………………………………………

2. Kết quả hoạt động

a) Kết quả những hoạt động của Hội:

……………………………………………………………………………………………

Trường hợp Hội (bao gồm tổ chức có tư cách pháp nhân thuộc Hội) nhận nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền về mục đích, kế hoạch sử dụng trước khi thực hiện và kết quả thực hiện, trong đó nêu rõ các thông tin về hoạt động, kết quả thực hiện các khoản viện trợ nước ngoài (được cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt), hợp đồng dịch vụ hoặc thỏa thuận hợp tác với nước ngoài (không thực hiện phê duyệt); thông tin về nhà tài trợ; thông tin đối tác trực tiếp tiếp nhận, thực hiện tài trợ.

b) Việc thực hiện nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền giao:

……………………………………………………………………………………………

3. Tài chính của Hội

a) Tổng nguồn thu của Hội: …………………………………………………………..

Trong đó:

- Ngân sách nhà nước hỗ trợ: ……………………………………………………….

- Kinh phí do tổ chức nước ngoài tài trợ: …………………………………………..

Nêu rõ giá trị nguồn kinh phí, tài chính do nước ngoài tài trợ (được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt) hoặc tài trợ theo hợp đồng dịch vụ hoặc thỏa thuận hợp tác (không thực hiện phê duyệt) kèm theo kết quả thực hiện nghĩa vụ thuế và quy định pháp luật liên quan hợp đồng dịch vụ hoặc thỏa thuận hợp tác của Hội.

- Hội tự huy động từ các nguồn khác: ………………………………………………

b) Tổng chi của Hội: …………………………………………………………………..

4. Tài sản của Hội

a) Tài sản hình thành từ ngân sách nhà nước hoặc được Nhà nước giao

b) Tài sản từ nguồn viện trợ và tài sản từ các nguồn hợp pháp khác của Hội

5. Dự kiến phương hướng, nhiệm vụ năm...

……………………………………………………………………………………………

6. Đề xuất, kiến nghị

……………………………………………………………………………………………

Trên đây là nội dung báo cáo về tổ chức, hoạt động năm ..., Hội...(1)... báo cáo ...(3)....


Nơi nhận:
- Như trên;
- ...;
- Lưu: ...

TM. BAN CHẤP HÀNH
CHỦ TỊCH
(Chữ ký, dấu)




Họ và tên

Ghi chú:

(1) Tên hội.

(2) Tên viết tắt của hội.

(3) Tên cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập hội.

Mẫu số 17. Sơ yếu lý lịch cá nhân

ảnh màu
(4 X 6 cm)

SƠ YẾU LÝ LỊCH CÁ NHÂN

1) Họ và tên khai sinh (viết chữ in hoa): ………………………………………

2) Tên gọi khác: ………………………………………………………………….

3) Sinh ngày: ……… tháng…..năm………, Giới tính (nam, nữ):.…………..

4) Nơi sinh: Xã………………, Huyện………………, Tỉnh………………………….

5) Quê quán: Xã………………, Huyện………………, Tỉnh………………………..

6) Dân tộc: ………………………………, 7) Tôn giáo: …………………………………………

8) Nơi thường trú: .…………………………………………………………………………………

(Số nhà, đường phố, thành phố; xóm, thôn, xã, huyện, tỉnh)

9) Nơi ở hiện nay: …………………………………………………………………………………

(Số nhà, đường phố, thành phố; xóm, thôn, xã, huyện, tỉnh)

10) Nghề nghiệp công tác: ………………………………………………………………………

11) Ngày tuyển dụng: …./…./….., Cơ quan tuyển dụng: …………………………………….

12) Chức vụ (chức danh) hiện tại: ……………… Ngày tháng năm bổ nhiệm: …………….

(về chính quyền hoặc Đảng, đoàn thể, kể cả chức vụ kiêm nhiệm)

13) Công việc chính được giao: …………………………………………………………………

14) Ngạch công chức (viên chức) nếu có:….Ngày tháng năm bổ nhiệm ngạch:…, Mã ngạch: …..

Bậc lương:…, Hệ số:….., Ngày hưởng: …/…/…., Phụ cấp chức vụ:…, Phụ cấp khác: …………

15.1-Trình độ giáo dục phổ thông (đã tốt nghiệp lớp mấy/thuộc hệ nào): ………………….

15.2-Trình độ chuyên môn cao nhất: ……………………………………………………………

(TSKH, TS, Ths, cử nhân, kỹ sư, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp; chuyên ngành)

15.3- Lý luận chính trị: …………………………………………………………………………….

(Cao cấp, trung cấp, sơ cấp và tương đương)

15.4-Quản lý nhà nước: ……………………………………………………………………………

(Chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, chuyên viên, cán sự,……..)

15.5-Ngoại ngữ: ……………………………………………………………………………………

(Tên ngoại ngữ + Trình độ A, B, C, D,…)

15.6-Tin học: ……………………………………………………………………………………….

(Trình độ A, B, C,...)

16) Ngày vào Đảng Cộng sản Việt Nam:…/…../……, Ngày chính thức:…./…../……….

17) Ngày tham gia tổ chức chính trị - xã hội: …………………………………………………..

(Ngày tham gia tổ chức: Đoàn, Hội…..và làm việc gì trong tổ chức đó)

18) Ngày nhập ngũ: …/…../……, Ngày xuất ngũ: …/…../……, Quân hàm cao nhất: ………

19) Danh hiệu được phong tặng cao nhất: …………..…………..…………..………………….

(Anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang; nhà giáo, thầy thuốc, nghệ sĩ nhân dân và ưu tú,....)

20) Sở trường công tác: …………..…………..…………..…………..…………..………………

21) Khen thưởng: …………..……

(Hình thức cao nhất, năm nào)

22) Kỷ luật: …………..…………..…………..……………..

(về đảng, chính quyền, đoàn thể hình thức cao nhất, năm nào)

23) Tình trạng sức khỏe: ………….., Chiều cao: ….., Cân nặng: …..kg, Nhóm máu: ……

24) Là thương binh hạng: .../...,

Là con gia đình chính sách: …………..…………..…………..

(Con thương binh, con liệt sĩ, người nhiễm chất độc da cam Dioxin)

25) Số CMND hoặc số Căn cước công dân hoặc số Căn cước: ………….. Ngày cấp:…. /…./……

26) Số sổ BHXH (nếu có): …………..

27) Đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học

Tên trường

Chuyên ngành đào tạo, bồi dưỡng

Từ tháng, năm- đến tháng, năm

Hình thức đào tạo

Văn bằng, chứng chỉ, trình độ gì

…………………….

…………………………….

..../…. - …./….

…………

………………..

…………………….

…………………………….

..../…. - …./….

…………

………………..

…………………….

…………………………….

..../…. - …./….

…………

………………..

…………………….

…………………………….

..../…. - …./….

…………

………………..

…………………….

…………………………….

..../…. - …./….

…………

………………..

…………………….

…………………………….

..../…. - …./….

…………

………………..

…………………….

…………………………….

..../…. - …./….

…………

………………..

…………………….

…………………………….

..../…. - …./….

…………

………………..

Ghi chú: Hình thức đào tạo: Chính quy, tại chức, chuyên tu, bồi dưỡng... Văn bằng: TSKH, TS, Ths, Cử nhân, Kỹ sư...

28) Tóm tắt quá trình công tác

Từ tháng, năm đến tháng, năm

Chức danh, chức vụ, đơn vị công tác (đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội), kể cả thời gian được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ,...

…………………

………………………………………………………………………………………..

…………………

………………………………………………………………………………………..

…………………

………………………………………………………………………………………..

…………………

………………………………………………………………………………………..

…………………

………………………………………………………………………………………..

…………………

………………………………………………………………………………………..

…………………

………………………………………………………………………………………..

…………………

………………………………………………………………………………………..

…………………

………………………………………………………………………………………..

…………………

………………………………………………………………………………………..

…………………

………………………………………………………………………………………..

…………………

………………………………………………………………………………………..

…………………

………………………………………………………………………………………..

…………………

………………………………………………………………………………………..

…………………

………………………………………………………………………………………..

…………………

………………………………………………………………………………………..

29) Đặc điểm lịch sử bản thân:

- Khai rõ: bị bắt, bị tù (từ ngày tháng năm nào đến ngày tháng năm nào, ở đâu), đã khai báo cho ai, những vấn đề gì ? Bản thân có làm việc trong chế độ cũ (cơ quan, đơn vị nào, địa điểm, chức danh, chức vụ, thời gian làm việc...)

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

- Tham gia hoặc có quan hệ với các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội nào ở trong nước (làm gì, tổ chức nào, đặt trụ sở ở đâu ... ?): ....

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

- Tham gia hoặc có quan hệ với các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội nào ở nước ngoài (làm gì, tổ chức nào, đặt trụ sở ở đâu ... ?): ....

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

- Có thân nhân (Cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh chị em ruột) ở nước ngoài (làm gì, địa chỉ... ) ?

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

30) Quan hệ gia đình

a) Về bản thân: Cha, Mẹ, Vợ (hoặc chồng), các con, anh chị em ruột

Mối quan hệ

Họ và tên

Năm sinh

Quê quán, nghề nghiệp, chức danh, chức vụ, đơn vị công tác, học tập, nơi ở (trong, ngoài nước); thành viên các tổ chức chính trị - xã hội ... ?

………..

…………………………….

……….

……………………………………………………….

………..

…………………………….

……….

……………………………………………………….

………..

…………………………….

……….

……………………………………………………….

………..

…………………………….

……….

……………………………………………………….

………..

…………………………….

……….

……………………………………………………….

………..

…………………………….

……….

……………………………………………………….

………..

…………………………….

……….

……………………………………………………….

………..

…………………………….

……….

……………………………………………………….

………..

…………………………….

……….

……………………………………………………….

………..

…………………………….

……….

……………………………………………………….

………..

…………………………….

……….

……………………………………………………….

………..

…………………………….

……….

……………………………………………………….

………..

…………………………….

……….

……………………………………………………….

………..

…………………………….

……….

……………………………………………………….

………..

…………………………….

……….

……………………………………………………….

………..

…………………………….

……….

……………………………………………………….

………..

…………………………….

……….

……………………………………………………….

………..

…………………………….

……….

……………………………………………………….

b) Về bên vợ (hoặc chồng): Cha, mẹ, anh chị em ruột

Mối quan hệ

Họ và tên

Năm sinh

Quê quán, nghề nghiệp, chức danh, chức vụ, đơn vị công tác, học tập, nơi ở (trong, ngoài nước); thành viên các tổ chức chính trị - xã hội ... ?

………..

…………………………….

……….

……………………………………………………….

………..

…………………………….

……….

……………………………………………………….

………..

…………………………….

……….

……………………………………………………….

………..

…………………………….

……….

……………………………………………………….

………..

…………………………….

……….

……………………………………………………….

………..

…………………………….

……….

……………………………………………………….

………..

…………………………….

……….

……………………………………………………….

………..

…………………………….

……….

……………………………………………………….

………..

…………………………….

……….

……………………………………………………….

………..

…………………………….

……….

……………………………………………………….

………..

…………………………….

……….

……………………………………………………….

………..

…………………………….

……….

……………………………………………………….

………..

…………………………….

……….

……………………………………………………….

………..

…………………………….

……….

……………………………………………………….

………..

…………………………….

……….

……………………………………………………….

………..

…………………………….

……….

……………………………………………………….

………..

…………………………….

……….

……………………………………………………….

………..

…………………………….

……….

……………………………………………………….

Ngày….tháng…năm …….
Người khai
Tôi xin cam đoan những lời khai trên đây là đúng sự thật, nếu có điều gì không đúng tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật về lời khai của mình
(Ký tên, ghi rõ họ tên)

PHỤ LỤC III

DANH MỤC CÁC MẪU TRÌNH BÀY VĂN BẢN ÁP DỤNG CHO CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HỘI
(Kèm theo Nghị định số 126/2024/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2024 của Chính phủ)

Mẫu số 01

Quyết định công nhận ban vận động thành lập hội

Mẫu số 02

Quyết định cho phép thành lập hội

Mẫu số 03

Quyết định phê duyệt điều lệ hội

Mẫu số 04

Quyết định cho phép đổi tên hội và phê duyệt điều lệ (sửa đổi, bổ sung) hội

Mẫu số 05

Quyết định cho phép tách hội

Mẫu số 06

Quyết định cho phép chia hội

Mẫu số 07

Quyết định cho phép sáp nhập hội

Mẫu số 08

Quyết định cho phép hợp nhất hội

Mẫu số 09

Quyết định cho phép hội đặt chi nhánh, văn phòng đại diện

Mẫu số 10

Quyết định đình chỉ hoạt động có thời hạn hội

Mẫu số 11

Quyết định cho phép hội hoạt động trở lại

Mẫu số 12

Quyết định giải thể hội

Mẫu số 13

Báo cáo công tác quản lý nhà nước về hội thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ

Mẫu số 14

Báo cáo hoạt động hội áp dụng cho địa phương

Mẫu số 15

Thông báo ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc hội đã tổ chức đại hội đảm bảo theo quy định của pháp luật và điều lệ hội

Mẫu số 01. Quyết định công nhận ban vận động thành lập Hội

…(1)…
-----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ... /QĐ-...

...., ngày ... tháng ... năm ...

QUYẾT ĐỊNH

Về việc công nhận Ban Vận động thành lập Hội ...(2)...

THẨM QUYỀN BAN HÀNH ...(3)...

Căn cứ ……………………………….(4)……………………………………………;

Căn cứ Nghị định số..../..../NĐ-CP ngày….tháng…..năm……. của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội;

Căn cứ ……………………………….(5)……………………………………………;

Theo đề nghị của Ban Sáng lập Hội ...(2)... và ...(6)....

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Công nhận Ban Vận động thành lập Hội ...(2)... gồm các ông (bà) có tên trong danh sách kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Ban Vận động thành lập Hội ...(2)... có nhiệm vụ vận động tổ chức, công dân đăng ký tham gia Hội và hoàn chỉnh hồ sơ xin phép thành lập Hội gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập Hội theo quy định của pháp luật.

Ban Vận động thành lập Hội ...(2)... tự giải thể sau khi Đại hội thành lập Hội bầu ra Ban Chấp hành của Hội.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Trưởng Ban Vận động thành lập Hội ...(2)..., ...(6)..., Chánh Văn phòng ...(1)... và các ông (bà) có tên tại Điều 1 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- …………….;
- Lưu: ………

CẤP ĐƯỢC GIAO THẨM QUYỀN KÝ
(Chữ ký, dấu)




Họ và tên

Ghi chú:

(1) Tên cơ quan nhà nước ban hành quyết định.

(2) Tên hội dự kiến thành lập.

(3) Cấp được giao thẩm quyền ban hành.

(4) Căn cứ trực tiếp để ban hành quyết định (văn bản thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức).

(5) Căn cứ khác liên quan đến thẩm quyền ban hành quyết định (nếu có).

(6) Thủ trưởng đơn vị đề nghị ban hành quyết định.

Mẫu số 02. Quyết định cho phép thành lập hội

...(1)...
-----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ... /QĐ-...

…, ngày ... tháng ... năm ...

QUYẾT ĐỊNH

Về việc cho phép thành lập Hội ...(2)...

THẨM QUYỀN BAN HÀNH ...(3)...

Căn cứ ……………………………….(4)……………………………………………;

Căn cứ Nghị định số..../..../NĐ-CP ngày…tháng….năm…. của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội;

Căn cứ ……………………………….(5)……………………………………………;

Theo đề nghị của Trưởng Ban Vận động thành lập Hội ...(2)... và ...(6)...

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Cho phép thành lập Hội ...(2)...

Điều 2. Hội ...(2)... là tổ chức ...(7)..., tổ chức và hoạt động theo Điều lệ được ...(3)... phê duyệt, tuân thủ quy định của pháp luật, chịu sự quản lý nhà nước của ...(8)... và các bộ (sở...), ngành có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hội.

Hội ...(2)... có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng, tự bảo đảm kinh phí, trụ sở và phương tiện hoạt động.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Trưởng Ban Vận động thành lập Hội, Chủ tịch Hội ...(2)..., ...(6)... và Chánh Văn phòng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- …………….;
- Lưu: ………

CẤP ĐƯỢC GIAO THẨM QUYỀN KÝ
(Chữ ký, dấu)




Họ và tên

Ghi chú:

(1) Tên cơ quan nhà nước ban hành quyết định.

(2) Tên hội

(3) Cấp được giao thẩm quyền ban hành.

(4) Căn cứ trực tiếp để ban hành quyết định (văn bản thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức).

(5) Căn cứ khác liên quan đến thẩm quyền ban hành quyết định (nếu có).

(6) Thủ trưởng đơn vị đề nghị ban hành quyết định.

(7) Xác định rõ hội là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế; tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp ....

(8) Tên cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực hoạt động chính của hội.

Mẫu số 03. Quyết định phê duyệt điều lệ hội (*)

...(1)...
------------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: …/QĐ-...

...., ngày ... tháng ... năm ...

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt Điều lệ (*) Hội ...(2)...

THẨM QUYỀN BAN HÀNH …(3)...

Căn cứ ……………………………….(4)……………………………………………;

Căn cứ Nghị định số..../..../NĐ-CP ngày….tháng.....năm….. của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội;

Căn cứ ……………………………….(5)……………………………………………;

Theo đề nghị của Chủ tịch Hội ...(2)... và ...(6)...

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Điều lệ (*) Hội ...(2)... đã được Đại hội ...(7)... của Hội thông qua ngày ... tháng... năm ...

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chủ tịch Hội ...(2)..., ...(6)... và Chánh Văn phòng ...(1)... chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- …………….;
- Lưu: ………

CẤP ĐƯỢC GIAO THẨM QUYỀN KÝ
(Chữ ký, dấu)




Họ và tên

Ghi chú:

(*) Nếu là điều lệ sửa đổi, bổ sung thì ghi: Điều lệ (sửa đổi, bổ sung).

(1) Tên cơ quan nhà nước ban hành quyết định.

(2) Tên hội.

(3) Cấp được giao thẩm quyền ban hành.

(4) Căn cứ trực tiếp để ban hành quyết định (văn bản thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức.

(5) Căn cứ khác liên quan đến thẩm quyền ban hành quyết định (nếu có).

(6) Thủ trưởng đơn vị đề nghị ban hành quyết định.

(7) Đại hội thành lập, Đại hội nhiệm kỳ lần thứ .... hoặc Đại hội bất thường.

Mẫu số 04. Quyết định cho phép đổi tên và phê duyệt điều lệ của hội

...(1)...
-----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ... /QĐ-...

...., ngày ... tháng ... năm ...

QUYẾT ĐỊNH

Về việc cho phép đổi tên Hội ...(2)... thành Hội ...(3)... và phê duyệt Điều lệ Hội ...(3)...

THẨM QUYỀN BAN HÀNH ...(4)...

Căn cứ ……………………………….(5)……………………………………………;

Căn cứ Nghị định số..../..../NĐ-CP ngày….tháng….năm….của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội;

Căn cứ ……………………………….(6)……………………………………………;

Theo đề nghị của Chủ tịch Hội ...(2)... và ...(7)...

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Cho phép đổi tên Hội ...(2)... thành Hội ...(3)... và phê duyệt Điều lệ Hội…(3)…

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chủ tịch Hội ...(3)..., ...(7)... và Chánh Văn phòng ...(1)... chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- …………….;
- Lưu: ………

CẤP ĐƯỢC GIAO THẨM QUYỀN KÝ
(Chữ ký, dấu)




Họ và tên

Ghi chú:

(1) Tên cơ quan nhà nước ban hành quyết định.

(2) Tên hội đề nghị đổi tên.

(3) Tên hội sau khi đổi tên.

(4) Cấp được giao thẩm quyền ban hành.

(5) Căn cứ trực tiếp để ban hành quyết định (văn bản thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức).

(6) Căn cứ khác liên quan đến thẩm quyền ban hành quyết định (nếu có).

(7) Thủ trưởng đơn vị đề nghị ban hành quyết định.

Mẫu số 05. Quyết định cho phép tách hội

...(1)...
-----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ... /QĐ-...

…, ngày ... tháng ... năm ...

QUYẾT ĐỊNH

Về việc cho phép tách hội ...(2)... thành hội ...(2)... và hội ...(3)... và phê duyệt Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) hội ...(2)...

THẨM QUYỀN BAN HÀNH ....(4)...

Căn cứ ……………………………….(5)……………………………………………;

Căn cứ Nghị định số..../..../NĐ-CP ngày…tháng….năm…. của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội;

Căn cứ ……………………………….(6)……………………………………………;

Theo đề nghị của Chủ tịch Hội ...(2)... và ...(7)...

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Cho phép tách Hội ...(2)... thành Hội ...(2)... và Hội ...(3)...

Điều 2. Phê duyệt Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hội ...(2)... ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 3. Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực, Hội ...(2)... có trách nhiệm chuyển giao một phần tài sản, tài chính, tổ chức, nhân sự, quyền và nghĩa vụ cho Hội ...(3)...

Điều 4. Hội ...(3)... là tổ chức ...(8)..., tổ chức và hoạt động theo Điều lệ được ...(4)... phê duyệt, tuân thủ quy định của pháp luật, chịu sự quản lý nhà nước của ...(9)... và các bộ (sở..., ...), ngành có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hội.

Hội ...(3)... có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng, tự bảo đảm kinh phí, trụ sở và phương tiện hoạt động.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 6. Chủ tịch Hội ...(2)..., Chủ tịch Hội ...(3)..., ...(7)... và Chánh Văn phòng ...(1)... chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.


Nơi nhận:
- Như Điều 6;
- …………….;
- Lưu: ………

CẤP ĐƯỢC GIAO THẨM QUYỀN KÝ
(Chữ ký, dấu)




Họ và tên

Ghi chú:

(1) Tên cơ quan nhà nước ban hành quyết định.

(2) Tên hội đề nghị tách.

(3) Tên hội mới do tách.

(4) Cấp được giao thẩm quyền ban hành.

(5) Căn cứ trực tiếp để ban hành quyết định (văn bản thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức).

(6) Căn cứ khác có liên quan đến thẩm quyền ban hành quyết định (nếu có).

(7) Thủ trưởng đơn vị đề nghị ban hành quyết định.

(8) Xác định rõ hội là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế - xã hội....

(9) Tên cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực hội hoạt động chính.

Mẫu số 06. Quyết định cho phép chia hội

…(1)...
-----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ... /QĐ-...

...., ngày ... tháng ... năm ...

QUYẾT ĐỊNH

Về việc cho phép chia hội ...(2)... thành hội ...(3)... và hội ...(4)...

THẨM QUYỀN BAN HÀNH ...(5)...

Căn cứ ……………………………….(6)……………………………………………;

Căn cứ Nghị định số..../..../NĐ-CP ngày… tháng… năm….. của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội;

Căn cứ ……………………………….(7)……………………………………………;

Theo đề nghị của Chủ tịch Hội ...(2)... và ...(8)...

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Cho phép chia Hội ...(2)... thành Hội ...(3)... và Hội ...(4)...

Điều 2. Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực, Hội ...(2)... có trách nhiệm chuyển giao toàn bộ tài sản, tài chính, tổ chức, nhân sự, các quyền và nghĩa vụ cho Hội ...(3)... và Hội ...(4)... đồng thời chấm dứt tồn tại, hoạt động và nộp lại con dấu cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Hội ...(3)... là tổ chức ...(9)..., tổ chức và hoạt động theo Điều lệ được ...(5)... phê duyệt, tuân thủ quy định của pháp luật, chịu sự quản lý nhà nước của ...(10)... và các bộ (sở..., ...), ngành có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hội.

Hội ...(3)... có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng, tự đảm bảo kinh phí, trụ sở và phương tiện hoạt động.

Điều 4. Hội ...(4)... là tổ chức ...(9)..., tổ chức và hoạt động theo Điều lệ được ...(5)... phê duyệt, tuân thủ quy định của pháp luật, chịu sự quản lý nhà nước của ...(10)... và các bộ (sở ..., ...), ngành có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hội.

Hội ...(4)... có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng, tự đảm bảo kinh phí, trụ sở và phương tiện hoạt động.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 6. Chủ tịch Hội...(2)..., Chủ tịch Hội ...(3)..., Hội ...(4)..., ...(8)... và Chánh Văn phòng ...(1)... chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.


Nơi nhận:
- Như Điều 6;
- …………….;
- Lưu: ………

CẤP ĐƯỢC GIAO THẨM QUYỀN KÝ
(Chữ ký, dấu)




Họ và tên

Ghi chú:

(1) Tên cơ quan nhà nước ban hành quyết định.

(2) Tên hội đề nghị chia.

(3) (4) Tên hội mới do chia.

(5) Cấp được giao thẩm quyền ban hành.

(6) Căn cứ trực tiếp để ban hành quyết định (văn bản thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức).

(7) Căn cứ khác liên quan đến thẩm quyền ban hành quyết định (nếu có).

(8) Thủ trưởng đơn vị đề nghị ban hành quyết định.

(9) Xác định rõ hội là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế - xã hội ....

(10) Tên cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực hoạt động chính của hội.

Mẫu số 07 - Quyết định cho phép sáp nhập hội

...(1)...
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ... /QĐ-...

...., ngày ... tháng ... năm ...

QUYẾT ĐỊNH

Về việc cho phép sáp nhập hội ...(2)... vào hội ...(3)... và phê duyệt Điều lệ (sửa Đổi, bổ sung) hội ...(3)...

THẨM QUYỀN BAN HÀNH ...(4)...

Căn cứ ……………………………….(5)……………………………………………;

Căn cứ Nghị định số..../..../NĐ-CP ngày…tháng….năm…. của Chính phủ quy định vế tổ chức, hoạt động và quản lý hội;

Căn cứ ……………………………….(6)……………………………………………;

Theo đề nghị của Chủ tịch Hội ...(2)..., Chủ tịch Hội ...(3)... và ...(7)...

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Cho phép sáp nhập Hội ...(2)... vào Hội ...(3)...

Điều 2. Phê duyệt Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hội ...(3)... ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 3. Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực, Hội ...(2)... có trách nhiệm chuyển giao toàn bộ tài sản, tài chính, tổ chức, nhân sự, các quyền và nghĩa vụ cho Hội ...(3)…; đồng thời chấm dứt tồn tại, hoạt động và nộp lại con dấu cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 5. Chủ tịch Hội ...(2)..., Chủ tịch Hội ...(3)..., ...(7)... và Chánh Văn phòng ...(1)... chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.


Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- …………….;
- Lưu: ………

CẤP ĐƯỢC GIAO THẨM QUYỀN KÝ
(Chữ ký, dấu)




Họ và tên

Ghi chú:

(1) Tên cơ quan nhà nước ban hành quyết định.

(2) Tên hội bị sáp nhập.

(3) Tên hội được sáp nhập.

(4) Cấp được giao thẩm quyền ban hành.

(5) Căn cứ trực tiếp để ban hành quyết định (văn bản thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức).

(6) Căn cứ khác liên quan đến thẩm quyền ban hành quyết định (nếu có).

(7) Thủ trưởng đơn vị đề nghị ban hành quyết định.

Mẫu số 08. Quyết định cho phép hợp nhất hội

...(1)...
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: .../QĐ-...

…., ngày ... tháng ... năm ...

QUYẾT ĐỊNH

Về việc cho phép hợp nhất hội ...(2)... và hội ...(3)... thành hội ...(4)...

THẨM QUYỀN BAN HÀNH ...(5)...

Căn cứ ……………………………….(6)……………………………………………;

Căn cứ Nghị định số..../..../NĐ-CP ngày…tháng….năm….. của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội;

Căn cứ ……………………………….(7)……………………………………………;

Theo đề nghị của Chủ tịch Hội ...(2)..., Chủ tịch Hội ...(3)... và ...(8)....

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Cho phép hợp nhất Hội ...(2)... và Hội ...(3)... thành Hội ...(4)...

Điều 2. Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực, Hội ...(2)... và Hội ...(3)... có trách nhiệm chuyển giao toàn bộ tài sản, tài chính, tổ chức, nhân sự, các quyền và nghĩa vụ cho Hội ...(4)...; đồng thời chấm dứt tồn tại, hoạt động và nộp lại con dấu cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Hội ...(4)... là tổ chức ...(9)..., tổ chức và hoạt động theo Điều lệ được ...(5)... phê duyệt, tuân thủ quy định của pháp luật, chịu sự quản lý nhà nước của ...(10)... và các bộ (sở..., ...), ngành khác có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hội.

Hội ...(4)... có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng, tự đảm bảo kinh phí, trụ sở và phương tiện hoạt động.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 5. Chủ tịch Hội ...(2)..., Chủ tịch Hội ...(3)..., Chủ tịch Hội ...(4)..., ...(8)...và Chánh Văn phòng ...(1)... chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.


Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- …………….;
- Lưu: ………

CẤP ĐƯỢC GIAO THẨM QUYỀN KÝ
(Chữ ký, dấu)




Họ và tên

Ghi chú:

(1) Tên cơ quan nhà nước ban hành quyết định.

(2) (3) Tên hội đề nghị hợp nhất.

(4) Tên hội mới do hợp nhất.

(5) Cấp được giao thẩm quyền ban hành.

(6) Căn cứ trực tiếp để ban hành quyết định (văn bản thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức).

(7) Căn cứ khác liên quan đến thẩm quyền ban hành quyết định (nếu có).

(8) Thủ trưởng đơn vị đề nghị ban hành quyết định.

(9) Xác định rõ hội là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế - xã hội ....

(10) Cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực hoạt động chính của hội.

Mẫu số 09. Quyết định cho phép hội đặt chi nhánh, văn phòng đại diện

ỦY BAN NHÂN DÂN
...(1)...
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ... /QĐ-...

…, ngày ... tháng ... năm ...

QUYẾT ĐỊNH

Về việc cho phép hội ...(2)... đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện

ỦY BAN NHÂN DÂN ...(1)...

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương;

Căn cứ Nghị định số..../..../NĐ-CP ngày….tháng….năm…… của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội;

Theo đề nghị của Chủ tịch Hội ...(2)... và Giám đốc Sở Nội vụ.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Cho phép Hội ...(2)... đặt Chi nhánh hoặc Văn phòng đại diện tại: ...(3)...

Điều 2. Chi nhánh hoặc Văn phòng đại diện Hội...(2)... tổ chức và hoạt động theo quy định của Hội ...(2)... và quy định pháp luật.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Chủ tịch Hội ...(2)..., Giám đốc Sở Nội vụ và Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân ...(1)... chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- …………….;
- Lưu: ………

CẤP ĐƯỢC GIAO THẨM QUYỀN KÝ
(Chữ ký, dấu)




Họ và tên

Ghi chú:

(1) Tên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

(2) Tên hội đặt chi nhánh hoặc Văn phòng đại diện.

(3) Địa chỉ đặt chi nhánh hoặc Văn phòng đại diện.

Mẫu số 10. Quyết định đình chỉ hoạt động có thời hạn hội

...(1)...
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ... /QĐ-...

…, ngày ... tháng ... năm ...

QUYẾT ĐỊNH

Về việc đình chỉ hoạt động có thời hạn Hội...(2)...

THẨM QUYỀN BAN HÀNH ...(3)...

Căn cứ ……………………………….(4)……………………………………………;

Căn cứ Nghị định số..../..../NĐ-CP ngày….tháng….năm….. của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội;

Căn cứ ……………………………….(5)……………………………………………;

Theo đề nghị của ...(6)... và ...(7)...

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Đình chỉ hoạt động có thời hạn Hội...(2)... trong thời hạn 06 tháng (từ ngày….tháng…..năm…. đến hết ngày.... tháng.... năm……).

Điều 2. Trong thời gian bị đình chỉ hoạt động Hội ...(2)... chỉ được phép tiến hành các hoạt động để khắc phục hậu quả các vi phạm.

Điều 3. Hội....(2)…. có trách nhiệm bàn giao con dấu cho cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 5. Chủ tịch Hội ...(2)..., ...(7)... và Chánh Văn phòng ...(1)... chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.


Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- …………….;
- Lưu: ………

CẤP ĐƯỢC GIAO THẨM QUYỀN KÝ
(Chữ ký, dấu)




Họ và tên

Ghi chú:

(1) Tên cơ quan nhà nước ban hành quyết định.

(2) Tên hội bị đình chỉ hoạt động có thời hạn.

(3) Cấp được giao thẩm quyền ban hành.

(4) Căn cứ trực tiếp để ban hành quyết định (văn bản thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức).

(5) Căn cứ khác liên quan trực tiếp đến thẩm quyền ban hành quyết định (nếu có).

(6) Cấp được giao thẩm quyền ký kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận Hội vi phạm pháp luật.

(7) Thủ trưởng đơn vị đề nghị ban hành quyết định.

Mẫu số 11. Quyết định cho phép hội hoạt động trở lại sau khi bị đình chỉ hoạt động có thời hạn

…(1)…
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ... /QĐ-...

...., ngày ... tháng ... năm ...

QUYẾT ĐỊNH

Về việc cho phép Hội ...(2)... hoạt động trở lại

THẨM QUYỀN BAN HÀNH ...(3)...

Căn cứ ……………………………….(4)……………………………………………;

Căn cứ Nghị định số..../..../NĐ-CP ngày….tháng…..năm…… của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội;

Căn cứ ……………………………….(5)……………………………………………;

Theo đề nghị của Chủ tịch Hội ...(2)... và ...(6)...

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Cho phép Hội ...(2)... được hoạt động trở lại kể từ ngày.... tháng.... năm …..

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chủ tịch Hội ...(2)..., ...(6)... và Chánh Văn phòng ...(1)... chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- …………….;
- Lưu: ………

CẤP ĐƯỢC GIAO THẨM QUYỀN KÝ
(Chữ ký, dấu)




Họ và tên

Ghi chú:

(1) Tên cơ quan nhà nước ban hành quyết định.

(2) Tên hội đề nghị được hoạt động trở lại.

(3) Cấp được giao thẩm quyền ban hành.

(4) Căn cứ trực tiếp để ban hành quyết định (văn bản thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức).

(5) Căn cứ khác liên quan đến thẩm quyền ban hành quyết định (nếu có).

(6) Thủ trưởng đơn vị đề nghị ban hành quyết định.

Mẫu số 12. Quyết định giải thể hội

…(1)…
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ... /QĐ-...

...., ngày ... tháng ... năm ...

QUYẾT ĐỊNH

Về việc giải thể hội...(2)...

THẨM QUYỀN BAN HÀNH ...(3)...

Căn cứ ……………………………….(4)……………………………………………;

Căn cứ Nghị định số..../..../NĐ-CP ngày….tháng….năm…… của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội;

Căn cứ ……………………………….(5)……………………………………………;

Theo đề nghị của ...(6)... và ...(7)...

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Giải thể Hội ...(2)...

Điều 2. Hội ...(2)... có trách nhiệm nộp lại con dấu cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và chấm dứt tồn tại, hoạt động kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Chủ tịch Hội ...(2)..., ...(7)... và Chánh Văn phòng ...(1)... chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- …………….;
- Lưu: ………

CẤP ĐƯỢC GIAO THẨM QUYỀN KÝ
(Chữ ký, dấu)




Họ và tên

Ghi chú:

(1) Tên cơ quan nhà nước ban hành quyết định.

(2) Tên hội giải thể.

(3) Cấp được giao thẩm quyền ban hành.

(4) Căn cứ trực tiếp để ban hành quyết định (văn bản thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức).

(5) Căn cứ khác liên quan trực tiếp đến thẩm quyền ban hành quyết định (nếu có).

(6) Trường hợp hội tự giải thể thì ghi xét đề nghị của Chủ tịch Hội; trường hợp Hội bị giải thể thì ghi theo đề nghị của cấp có thẩm quyền ký kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận Hội vi phạm pháp luật.

(7) Thủ trưởng đơn vị đề nghị ban hành quyết định.

Mẫu số 13. Báo cáo công tác quản lý nhà nước về hội thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ*

…(1)…
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ... /BC-...

...., ngày ... tháng ... năm ...

BÁO CÁO HOẠT ĐỘNG HỘI

NĂM ...(2)...

Thực hiện quy định tại Nghị định số..../..../NĐ-CP ngày…tháng…..năm…… của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, báo cáo về tình hình tổ chức, hoạt động và quản lý hội thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ năm ...(2)... như sau:

I. THỰC TRẠNG TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI

1. Về tổ chức

a) Tổng số hội hoạt động trong phạm vi quản lý nhà nước của thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ: …………………………………………………………………..

b) Tổng số Ban Vận động thành lập mới trong năm: ………………………..

(Ghi rõ tên ban vận động thành lập hội)

2. Về hoạt động

(Đánh giá các hoạt động nhằm thực hiện quyền và nghĩa vụ của hội được quy định tại Nghị định này và quy định pháp luật có liên quan).

3. Về kinh phí

a) Kinh phí hỗ trợ của bộ, cơ quan ngang bộ cho các hội: ………………………..

b) Các hội được hỗ trợ kinh phí (chi tiết tên hội và số kinh phí hỗ trợ gắn với nhiệm vụ được giao):

………………………..………………………..………………………..………………………..

II. CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HỘI

(Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ, báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ được quy định tại Nghị định này và quy định pháp luật có liên quan).

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG; ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

1. Những kết quả đạt được

………………………..………………………..………………………..………………………..

2. Những tồn tại, hạn chế

………………………..………………………..………………………..………………………..

3. Đề xuất, kiến nghị

………………………..………………………..………………………..………………………..


Nơi nhận:
- …………….;
- …………….;
- Lưu: ………

CẤP ĐƯỢC GIAO THẨM QUYỀN KÝ
(Chữ ký, dấu)




Họ và tên

Ghi chú:

(*) Áp dụng cho các bộ, cơ quan ngang bộ.

(1) Tên cơ quan báo cáo.

(2) Năm báo cáo.

Mẫu số 14. Báo cáo hoạt động hội áp dụng cho địa phương*

…(1)…
-----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ... /BC-...

...., ngày ... tháng ... năm ...

BÁO CÁO HOẠT ĐỘNG HỘI

NĂM ...(2)...

Thực hiện quy định tại Nghị định số..../..../NĐ-CP ngày….tháng….năm….. của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, báo cáo về tình hình tổ chức, hoạt động và quản lý hội ở địa phương năm ...(2)... như sau:

I. THỰC TRẠNG TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI

1. Về tổ chức

a) Tổng số hội trên địa bàn: ………………………………………………………………….

- Hội hoạt động trong phạm vi tỉnh: …………………; trong đó số lượng hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ: ………………………………………………………………………………………

- Hội hoạt động trong phạm vi huyện: …………………; trong đó số lượng hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ: …………………………………………………………………………………

- Hội hoạt động trong phạm vi xã: …………………; trong đó số lượng hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ: ………………………………………………………………………………………

b) Số lượng hội thành lập mới trong năm: …………………; trong đó số lượng hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ: …………………………………………………………………………

- Hội hoạt động trong phạm vi tỉnh: …………………; trong đó số lượng hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ: ……………………………………………………………………………………...

- Hội hoạt động trong phạm vi huyện: …………………; trong đó số lượng hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ: ………………………………………………………………………………..

- Hội hoạt động trong phạm vi xã: …………………; trong đó số lượng hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ: ………………………………………………………………………………………

c) Số hội giải thể trong năm: …………………; trong đó số lượng hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ: ………………………………………………………………………………….

- Hội hoạt động trong phạm vi tỉnh: ………………… trong đó số lượng hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ:... ……………………………………………………………………………….

- Hội hoạt động trong phạm vi huyện: ………………… trong đó số lượng hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ: ……………………………………………………………………………

- Hội hoạt động trong phạm vi xã: ………………… trong đó số lượng hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ: …………………………………………………………………………………

d) Tổng số hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh có chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại địa phương: …………………………………………………………………….

đ) Tổng số tổ chức có tư cách pháp nhân thuộc hội:

Trong đó số thành lập mới trong năm: …………………………………………………

e) Tổng số hội viên: ………………………………………………………………………

Trong đó số hội viên kết nạp mới trong năm: …………………………………………

2. Tổng số người làm việc chuyên trách tại hội: ………………………………………

Trong đó:

a) Số biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao: ……………………………………

- Hội hoạt động trong phạm vi tỉnh: ………………………………………………………

- Hội hoạt động trong phạm vi huyện: ……………………………………………………

- Hội hoạt động trong phạm vi xã: ………………………………………………………..

b) Số người làm việc tại hội do hội tự hợp đồng: ………………………………………

- Hội hoạt động trong phạm vi tỉnh: ………………………………………………………

- Hội hoạt động trong phạm vi huyện: ……………………………………………………

- Hội hoạt động trong phạm vi xã: ………………………………………………………..

3. Về hoạt động

(Đánh giá các hoạt động nhằm thực hiện quyền và nghĩa vụ của hội được quy định tại Nghị định này và quy định pháp luật có liên quan).

4. Về kinh phí

a) Kinh phí hỗ trợ của địa phương cho các hội

- Kinh phí hỗ trợ của địa phương cho hội hoạt động trong phạm vi tỉnh:

………………………………………………………………………………………………………

- Kinh phí hỗ trợ của địa phương cho hội hoạt động trong phạm vi huyện:

………………………………………………………………………………………………………

- Kinh phí hỗ trợ của địa phương cho hội hoạt động trong phạm vi xã:

b) Kinh phí của hội: ……………………………………………………………………………….

- Kinh phí tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài: ………………………………………….

- Thu từ các nguồn khác: …………………………………………………………………………

c) Tài sản của Hội

- Tài sản hình thành từ ngân sách nhà nước hoặc được Nhà nước giao

- Tài sản từ nguồn viện trợ và tài sản từ các nguồn hợp pháp khác của Hội

II. CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HỘI

(Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị; báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ được quy định tại Nghị định này và quy định pháp luật có liên quan).

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG; ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

1. Những kết quả đạt được

……………………………………………………………………………………………

2. Những tồn tại, hạn chế

……………………………………………………………………………………………

3. Đề xuất, kiến nghị

……………………………………………………………………………………………


Nơi nhận:
- …………….;
- …………….;
- Lưu: ………

CẤP ĐƯỢC GIAO THẨM QUYỀN KÝ
(Chữ ký, dấu)




Họ và tên

Ghi chú:

(*) Áp dụng cho UBND các cấp, Sở Nội vụ và Phòng Nội vụ, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của từng cấp để xác định nội dung báo cáo cho phù hợp.

(1) Tên cơ quan báo cáo.

(2) Năm báo cáo.

Mẫu số 15. Thông báo ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc hội đã tổ chức đại hội đảm bảo theo quy định của pháp luật và điều lệ hội

…(1)…
-----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: .../...(2)...
V/v về kết quả Đại hội Hội...(3)...

...., ngày ... tháng ... năm ...

Kính gửi: ...(3)...

...(1)... nhận được văn bản và hồ sơ báo cáo kết quả Đại hội của Hội...(3)... (sau đây gọi tắt là Hội). Căn cứ hồ sơ báo cáo kết quả Đại hội, quy định pháp luật và điều lệ hội...(3).., ... (1)... có ý kiến như sau:

1. Thống nhất với hồ sơ báo cáo kết quả Đại hội của Hội …(3)....

2. Đại hội đã biểu quyết số lượng Ban chấp hành gồm…… thành viên; ban thường vụ gồm…. thành viên; Ban Kiểm tra gồm…… thành viên.

3. Chủ tịch Hội: ông (bà) ……………………………………………………………………

4. Hội đã tổ chức Đại hội theo đúng quy định của pháp luật và Điều lệ Hội đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

…..(1)……. thông báo để Hội biết.


Nơi nhận:
- …………….;
- …………….;
- Lưu: ………

CẤP ĐƯỢC GIAO THẨM QUYỀN KÝ
(Chữ ký, dấu)




Họ và tên

Ghi chú:

(1) Tên cơ quan nhà nước ban hành văn bản.

(2) Viết tắt tên cơ quan nhà nước ban hành văn bản.

(3) Tên Hội báo cáo kết quả Đại hội.

THE GOVERNMENT OF VIETNAM
----------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence-Freedom-Happiness
-----------------

No. 126/2024/ND-CP

Hanoi, October 08, 2024

DECREE

PRESCRIBING ORGANIZATION, OPERATION AND MANAGEMENT OF ASSOCIATIONS

Pursuant to Article 25 of the Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;

Pursuant to the Law on Government Organization dated June 19, 2015; the Law on Amendments to the Law on Government Organization and the Law on Local Government Organization dated November 22, 2019;

Pursuant to the Law prescribing rights to establish associations dated May 20, 1957;

Pursuant to the Civil Code dated November 24, 2015;

Pursuant to the Labour Code dated November 20, 2019;

Pursuant to the Law on State Budget dated June 25, 2015;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Pursuant to the Law on Officials dated November 13, 2008;

Pursuant to the Law on Public Employees dated October 15, 2010;

Pursuant to the Law on amendments to the Law on Officials and the Law on Public Employees dated November 25, 2019;

Pursuant to the Law on Anti-corruption dated November 20, 2018;

At the request of the Minister of Home Affairs of Vietnam;

The Government promulgates a Decree prescribing the organization, operation and management of associations.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 2. Regulated entities

1. This Decree applies to Vietnamese organizations and citizens involved in the establishment, organization, operation and state management of associations. If provisions on organization and operation of associations in a specialized law are different from those of this Decree, the former shall apply.

2. This Decree does not apply to:

a) Vietnamese Fatherland Front, Vietnam General Confederation of Labor, Vietnam Farmer’s Union, Communist Youth Union of Ho Chi Minh City, Vietnam Women's Union, and Vietnam Veterans Association;

b) Religious organizations and folk religious establishments;

c) Internal employee organizations in enterprises as prescribed in the Labor Code.

Article 3. Definitions

For the purpose of this Decree, the terms below are construed as follows:

1. “association” means a voluntary organization which is established by Vietnamese organizations and/or citizens that operate in the same industry or area, have the same hobby or gender, and gather or unify members to pursue common objectives or goals, operates on a regular and not-for-profit basis to protect its legitimate rights and benefits as well as those of its members and communities, and assist its members to operate efficiently, and thus make contribution to socio-economic development, and Fatherland building and protection, and is organized and operates in accordance with provisions of this Decree and other relevant legislative documents;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. “association database” means a collection of information serving the state management of associations and operation of associations. The association database is used for storing and sharing information on associations.

Article 4. Scope of operation

The scope of operation of associations (sorted by administrative divisions) includes:

1. Association operating nationwide or in more than a province.

2. Association operating within a province.

3. Association operating within a district.

4. Association operating within a commune (student association at a university or college shall be considered as an association operating within a commune).

Article 5. Principles of organization and operation of associations

1. Voluntariness and autonomy.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. Self-financing.

4. Not-for-profit basis.

5. Compliance with the Constitution, guidelines of the Communist Party of Vietnam (CPV), the State policies and laws, and the association’s charter.

Article 6. Names, logos, headquarters, seals and accounts of associations

1. Associations may be called by different names such as associations, societies, federations, alliances, unions, general associations, clubs and other names as prescribed by law (hereinafter referred to as “associations”). Name of an association must meet the conditions set out in clause 1 Article 10 hereof.

2. Headquarters of an association must be located in Vietnam within its scope of operation and at a specific address.

3. Each association shall have the status of juridical person, and its own seal and account, and may have logo as prescribed by law.

Article 7. State policies towards associations

1. Encourage and provide favorable conditions for associations to provide services, participate in consultancy and comment on policies, programs, projects, schemes, plans and other activities as prescribed by law.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. Provide information on, and disseminate the State guidelines, policies and laws.

Article 8. Authorities competent to assign tasks to associations

1. The Government, the Prime Minister, Ministers, heads of ministerial agencies and central-level competent authorities shall have the power to assign tasks to associations operating nationwide or in more than a province.

2. Provincial People's Committees, Chairpersons of Provincial People's Committees and provincial-level competent authorities shall have the power to assign tasks to associations operating within a province or district.

3. District-level People's Committees, Chairpersons of District-level People's Committees and district-level competent authorities shall have the power to assign tasks to associations operating within a district or commune.

4. Commune-level People's Committees, Chairpersons of Commune-level People's Committees and commune-level competent authorities shall have the power to assign tasks to associations operating within a commune.

Article 9. Association database

1. The association database is connected with the National public service portal, the public service portal of the Ministry of Home Affairs of Vietnam, other national databases, databases of Ministries, ministerial agencies, Governmental agencies, provincial People’s Committees and District-level People’s Committees in order to assist the handling of associations-related procedures and management of associations in accordance with applicable regulations on decentralized management.

2. Information included in the association database:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Information obtained when an association’s founding committee applies for establishment of association;

Copies or electronic copies bearing digital signatures of documents included in an application for establishment, split-off, split-up, acquisition, consolidation, dissolution, or renaming of association, or approval of the charter of an association or revisions thereto;

Certain information on members of the executive committee or other of an association (hereinafter referred to as “executive committee”), standing committee or other (hereinafter referred to as “standing committee”); president and deputy president(s); organizational structure, headquarters, telephone number and term of the association;

Periodical and ad-hoc reports;

Information on assets and finance of an association;

Other relevant information (if any);

b) Information included in the association database is obtained from the following sources:

Information available on the National public service portal and the Public service portal of the Ministry of Home Affairs of Vietnam;

Information declared by associations in their applications for establishment, split-off, split-up, acquisition, consolidation, dissolution, or renaming of association, or approval of the charter of an association or revisions thereto;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Information provided by regulatory authorities in charge of managing associations;

Information obtained from digitalization and standardization of decisions on handling of associations-related procedures;

Information shared, converted or standardized from former databases.

3. Rules for building, updating, management, operation and use of association database:

a) Information on organization and operation of associations classified as state secrets shall not be entered into the association database as prescribed by regulations of law on state secrets;

b) The association database shall be updated, managed, operated and used according to regulations on decentralized management; building of the association database is associated with online handling of administrative procedures;

c) Information shall be stored on the association database in an adequate and accurate manner, and be efficiently and properly used for the purposes prescribed by laws;

d) The association database shall be protected in a strict and safe manner in accordance with regulations of law; comply with technical regulations and standards on information technology; and ensure compatibility, safety and interconnection throughout the whole system of databases;

dd) Compliance with regulations of law on cyberinformation security and other relevant laws must be ensured.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



A) The Ministry of Home Affairs of Vietnam shall take charge of building and operating the association database; promulgate regulations on management, operation and use of the association database and provide guidelines on online administrative procedures after the association database is built and put into official operation; issue user ID and accounts to regulatory authorities, provincial People’s Committees, District-level People’s Committees and associations;

b) Regulatory authorities, provincial People’s Committees, District-level People’s Committees and associations shall access and use information in the association database as prescribed;

c) The Ministry of Home Affairs of Vietnam, regulatory authorities, provincial People’s Committees, District-level People’s Committees and associations shall regularly enter information into the association database.

Chapter II

ESTABLISHMENT OF ASSOCIATIONS

Article 10. Establishment requirements

1. Name of an association must meet the following conditions:

a) The name of an association must be in Vietnamese or transcribed into Vietnamese or in a foreign language if it cannot be transcribed into Vietnamese; the association’s proper name may be transcribed or translated into minority language and/or foreign language in accordance with regulations of law;

b) It must be suitable for the guidelines, objectives, scope and area of operation of the association;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) It must not infringe upon social and ethical traditions, fine customs and practices, and cultural values of Vietnam.

2. The main areas of operation of an association must not be similar to those of another association which has been lawfully established and has the same scope of operation as the former.

3. Guidelines, objectives and areas of operation of an association must comply with regulations of law.

4. The association's charter must be available, except provisions of Clause 5 Article 21 of this Decree.

5. The association’s headquarters complies with the provisions of Clause 2 Article 6 of this Decree.

6. The required number of Vietnamese organizations and citizens applying for admission to the association is adequate, unless otherwise prescribed by laws or ordinances. To be specific:

a) An association operating nationwide or in more than a province must have at least 100 organizations and citizens in at least two provincial-level administrative divisions that meet eligibility requirements and voluntarily submit application for admission to the association;

b) An association operating within a province must have at least 50 organizations and citizens in at least two district-level administrative divisions that meet eligibility requirements and voluntarily submit application for admission to the association;

c) An association operating within a district must have at least 20 organizations and citizens in at least two commune-level administrative divisions that meet eligibility requirements and voluntarily submit application for admission to the association;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



dd) An association of economic organizations whose members are representatives of economic organizations that are juridical persons of Vietnam shall have at least 11 representatives that are juridical persons in more than a province, if it operates nationwide, or at least 05 representatives that are juridical persons in the province, operate in the same industry or have the same area of operation, if it operates within a province, and meet eligibility requirements and voluntarily submit application for admission to the association.

7. There are adequate assets for ensuring operation of the association.

Article 11. Founding committee

1. Any Vietnamese organization or citizen that wishes to establish an association shall establish a founding committee in charge of establishing the association (which will be composed of a head, deputy head(s) and other members) as prescribed in clauses 2, 3, 4 and 5 of this Article, and apply to a competent authority as prescribed in clause 2 Article 12 of this Decree to recognize the founding committee.

2. Members of the founding committee are Vietnamese organizations and citizens that are dedicated and responsible, and operate in the same area as the association or in the area relevant to the association's area of operation. Eligibility requirements to be satisfied by members of the founding committee:

a) For an organization:

It must be lawfully established and have charter or document prescribing its functions and tasks; have submitted an application for participation in the founding committee;

There is a resolution issued by its management or a decision issued by its competent head approving the participation in the founding committee and appointing its representative to participate in the founding committee. The organization’s representative who is appointed to participate in the founding committee must be a Vietnamese citizen, have full capacity for civil acts, be fit and have no criminal record;

b) For an individual: he/she must have submitted an application for participation in the founding committee, have full capacity for civil acts, be fit and have no criminal record.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. The head of the founding committee must be a person who has good moral characters and political credentials, and is experienced, reputable and expert in the association's area of operation, and permanently resides in Vietnam.

5. Required number of members of the founding committee:

a) The founding committee of an association operating nationwide or in more than a province must have at least 10 members that are representative of different regions;

b) The founding committee of an association operating within a province must have at least 05 members in at least two district-level administrative divisions;

c) The founding committee of an association operating within a district must have at least 03 members.

6. The founding committee shall be recognized by a competent authority when it meets the requirements laid down in clauses 1, 2, 3 Article 10 of this Decree. A founding committee is composed of a head, deputy head(s) and members.

7. The founding committee shall discharge the following responsibilities:

a) Mobilize Vietnamese organizations and citizens to apply for admission to the association as prescribed in clause 6 Article 10 of this Decree;

b) Within 12 months from the day on which the decision to recognize the founding committee comes into force, the founding committee shall prepare a complete application for establishment of the association as prescribed in clause 1 Article 13 of this Decree and send it to a competent authority as prescribed in clauses 2, 3, 4 Article 15 of this Decree.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 12. Application, procedures and authority competent to recognize founding committee

1. An application for recognition of an association’s founding committee shall include:

a) The original of the application form for recognition of founding committee which must clearly indicate the association’s name, necessity of the association’s establishment, guidelines, objectives and planned main area of operation, scope of operation, planned date of commencement of operation, and temporary venue of meetings;

b) The original list of persons to be members of the founding committee which indicates full name, date of birth, native land, level of education, professional level, position and workplace (if any), position to be undertaken in the founding committee, permanent or temporary address, telephone number and includes relevant documents (original) of each person as prescribed in clauses 1, 2 Article 11 of this Decree;

c) CVs (using the form enclosed with this Decree) and criminal records No. 1 (original), issued no more than 06 months prior to the date of application submission, of members of the founding committee; in the case of a member of the founding committee who is an official or public employee and is given a written consent to participate in the founding committee by a competent authority under regulations of law on decentralized management of officials, the criminal record No. 1 is not required;

d) The original consent given to the official or public employee participating in the founding committee by a competent authority under regulations of law on decentralized management of officials.

2. Authority competent to recognize the founding committee:

a) The Minister or head of ministerial agency in charge of performing state management of the industry or area which will be the main area of operation of the association shall consider issuing a decision to recognize the founding committee of an association operating nationwide or in more than a province;

b) The Chairperson of the Provincial People’s Committee shall consider issuing a decision to recognize the founding committee of an association operating within a province;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. Within 30 working days from its receipt of an adequate and valid application, the competent authority prescribed in clause 2 of this Article shall get opinions from agencies relevant to operation of the association, examine the received application and issue a decision to recognize the founding committee. If an application is refused, a written response indicating reasons for such refusal shall be given.

4. Upon the end of the time limit prescribed in point b clause 7 Article 11 of this Decree, if the founding committee fails to complete and submit an adequate and valid application to the competent authority prescribed in clauses 2, 3, 4 Article 15 of this Decree, the issued decision to recognize the founding committee will automatically cease to have effect.

Article 13. Application and procedures for establishment of association

1. An application for establishment of an association shall include:

a) The original of the application form for establishment of association which is made using the form enclosed herewith;

b) The draft charter which is made using the form enclosed herewith;

c) The original of the decision to recognize the founding committee which is accompanied with the list of members of the founding committee;

d) The originals of the list of Vietnamese organizations and citizens applying for admission to the association and their application forms;

dd) CV (using the form enclosed herewith) and criminal record No. 1 (original), issued no more than 06 months prior to the date of application submission, of the head of the founding committee;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



g) The original or certified true copy of the documentary evidence of the lawful right to use the premises where the association will be headquartered as prescribed by law;

h) The original list of assets voluntarily contributed to establishment of the association by the founding committee (if any);

i) The original of the written commitment on operating funding for the first term of the association if it is established.

2. Within 60 working days from its receipt of an adequate and valid application as prescribed in Clause 1 of this Article, the competent authority prescribed in clauses 2, 3, 4 Article 15 of this Decree shall cooperate with the agencies relevant to operation of the association in making a decision to grant permission for establishment of the association. If an application is refused, a written response indicating reasons for such refusal shall be given.

Article 14. Primary contents of an association’s charter

An association's charter shall, inter alia, include the following:
1. The association’s name.

2. The association’s guidelines, objectives, area and scope of operation.

3. The association’s legal status and headquarters.

4. Principles of organization and operation of the association.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



6. Standards of the association’s members.

7. Rights and obligations of the association’s members; procedures for joining and leaving the association, authority to admit or expel members of the association.

8. Organizational structure, procedures for election, dismissal and removal; tasks and powers of the congress, executive committee, standing committee, and inspection committee; establishment and management of the association’s affiliated units; voting rules and method; policies and benefits for persons working for the association.

9. The association's legal representative; tasks, powers, procedures for election, dismissal, removal, temporary suspension, permission to return to work, eligibility, age and health requirements and standards, and term of office of the president, deputy president(s) and other title holders (if any).

10. Split-off, split-up, acquisition, consolidation, renaming, suspension for fixed period and dissolution of the association.

11. Sources of assets, finance of the association and management and use thereof.

12. Commendation, reward, disciplines and actions against violations.

13. Resolution of disputes, complaints and denunciations against organization and operation of the association.

14. Any other contents as prescribed by law.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



16. The charter’s validity.

Article 15. Authority to handle association-related procedures

1. The Prime Minister shall consider approving the charter of an association operating nationwide and having CPV designated representation.

2. The Minister of Home Affairs of Vietnam shall consider permitting establishment, split-off, split-up, acquisition, consolidation, dissolution, renaming and approval of the charter; issuing decisions on suspension for fixed period and permission for operation resumption of an association operating nationwide or in more than a province, unless the establishment of the association and approval of its charter are otherwise prescribed in other laws and ordinances.

3. Chairperson of a Provincial People’s Committee is competent to recognize the founding committee; permitting establishment, split-off, split-up, acquisition, consolidation, dissolution, renaming and approval of the charter; issuing decisions on suspension for fixed period and permission for operation resumption of an association operating within a province.

4. Chairperson of a District-level People’s Committee is competent to recognize the founding committee; permitting establishment, split-off, split-up, acquisition, consolidation, dissolution, renaming and approval of the charter; issuing decisions on suspension for fixed period and permission for operation resumption of an association operating within a district or commune.

Article 16. Time limit for holding establishment congress

1. Within 60 working days from the day on which a decision to grant permission for establishment of the association is issued, the founding committee shall hold the establishment congress. When the 60-day time limit expires, if the founding committee is unable to make preparations for holding the establishment congress, within 15 days from the end of the 60-day time limit, the founding committee shall send a written request for extension of the time limit for holding the establishment congress to the competent authority prescribed in clauses 2, 3, 4 Article 15 of this Decree.

2. The time limit for holding the establishment congress shall be extended for a maximum period of 30 working days from the day on which a written approval of extension is given by a competent authority.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) The association neither holds the congress within the prescribed time limit nor submits a written request for extension of the time limit for holding the congress as prescribed in clause 1 of this Article;

b) Over the extension period granted as prescribed in clause 2 of this Article, the founding committee fails to hold the establishment congress, except force majeure events.

4. When the decision to grant permission for establishment of the association ceases to have effect as prescribed in clause 3 of this Article, the competent authority prescribed in clauses 2, 3, 4 Article 15 of this Decree shall issue a decision to revoke the decision to grant permission for establishment of the association. The association that has the decision to grant permission for establishment of the association revoked shall not be allowed to follow establishment procedures within 03 years from the day on which the decision to grant permission for establishment of the association is revoked.

5. Decision on establishment of the founding committee will automatically cease to have effect upon revocation of the decision to grant permission for establishment of the association.

Article 17. Members

Members of an association include official members, associate members and honorary members as prescribed in its charter.

1. Official members:

a) Any Vietnamese organization or citizen that votes for the association’s charter, voluntarily applies for admission to the association, and meets the qualification requirements for membership laid down in the association’s charter may become an official member of the association. If a member is a Vietnamese organization, it shall appoint a representative who is a Vietnamese citizen to join the association.

b) A member that applies for establishment of the association shall be implicitly considered an official member of the association.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Any Vietnamese organization or citizen that fails to meet the qualification requirements for an official member of the association, votes for the association’s charter, AND voluntarily applies for admission to the association may become an associate member of the association.

3. Honorary members:

Any Vietnamese organization or citizen that is reputable and makes significant contribution to the association may be invited to become an honorary member of the association.

4. Associate members and honorary members shall have the same rights and obligations as official members, except rights to vote on matters of the association and rights to elect or act as candidates or nominate candidates to the executive committee and inspection committee of the association.

5. Qualification for membership, admission procedures, termination of membership, rights and obligations of official members, associate members and honorary members are provided in the association’s charter in conformity with regulations of law.

Chapter III

ORGANIZATION OF ASSOCIATION

Article 18. Organizational structure

An association is composed of:
1. Congress.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. Standing committee.

4. Inspection committee.

5. The association’s affiliated units as prescribed in Article 25 of this Decree which are established according to decisions issued by the association on the basis of its nature, area and scope of operation and in conformity with regulations of law and the association’s charter.

Article 19. Congress

1. The congress is the supreme governing body of an association. The congress shall be held in the form of a plenary meeting or delegate meeting.

2. Conditions for holding the congress:

a) The establishment congress shall be held when more than half (1/2) of the members applying for establishment of the association, as defined in the application for establishment of the association, are present;

b) A term’s congress or extraordinary congress shall be held when more than half (1/2) of the official members (in case of plenary meeting) or more than half (1/2) of the official delegates (in case of delegate meeting) are present. An extraordinary congress shall be convened when it is requested by at least two thirds (2/3) of total members of the executive committee or more than half (1/2) of total official members of the association;

c) If the number of participants in the congress as prescribed in points a, b of this clause is not sufficient, the founding committee or the incumbent executive committee shall suspend the convening of the congress and play the leading role or direct the association to convene the congress according to provisions of this Decree;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. The congress may be on-site meeting, online meeting or hybrid meeting as decided by the founding committee or the incumbent executive committee. The association shall provide material facilities, means and personnel to hold the congress in accordance with its charter, the congress’s regulations and rules, and regulations of law.

4. Term of office of the congress:

a) The term of office of an association’s congress is prescribed in its charter but shall not exceed 05 years from the end of the previous-term’s congress;

b) At least 30 working days before the end of a term of office, if the association fails to hold the congress, it shall send a written request for extension of the time limit for holding the congress, in which explanations for such failure must be specified, to the competent authority prescribed in clauses 2, 3, 4 Article 15 of this Decree. Each extension period shall not exceed 12 months;

c) When the extension period expires, if the association still fails to hold the congress, the competent authority prescribed in clauses 2, 3, 4 Article 15 of this Decree shall consider taking actions against the violation as prescribed in point c clause 2 Article 30 of this Decree, except force majeure events.

5. Determination of the time limit for holding term’s congress:

a) The term of office of an association's congress shall comply with provisions of Point a Clause 4 of this Article. If the term of the congress is extended, the time limit for holding the next term’s congress shall be counted from the day on which the term’s congress is held;

b) If an extraordinary congress is held to ratify the renaming of the association, the next term’s congress may be counted from the day on which the extraordinary congress is held;

c) An association that is established from split-off, split-up, acquisition or consolidation of association(s), the time limit for holding the next term’s congress shall be counted from the day on which the establishment congress is held.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) The congress can vote by a show of hands or secret ballot. The voting method shall be decided by the congress or prescribed in the association's charter which has been approved by the competent authority;

b) A decision is considered to be ratified by the congress when it is voted for by more than half (1/2) of the official delegates participating in the congress or another ratio prescribed in the association's charter which has been approved by the competent authority.

7. At least 45 working days (in case of term’s congress or extraordinary congress) or 15 working days (in case of establishment congress) before the congress is held, the association’s executive committee or the founding committee shall send a reporting dossier as prescribed in clause 8, 9 or 10 of this Article to the competent authority prescribed in clauses 2, 3, 4 Article 15 of this Decree and the regulatory authority in charge of performing state management of the industry or area which is the main area of operation of the association.

8. Reporting dossier on establishment congress:

a) The association’s report submitted to the competent authority prescribed in clauses 2, 3, 4 Article 15 of this Decree on the holding of the establishment congress (original);

b) The original personnel scheme which clearly indicates qualification standards, structure, quantity and list of members of the executive committee, standing committee, and inspection committee, president, deputy president(s) and other title holders (if any);

c) The original consent given by a competent authority under regulations of law on decentralized management of officials to the official or public employee who acts as a member of the executive committee or standing committee, or president or deputy president of the association.

If the person to be elected as the association's president is not the head of the founding committee, his/her CV and criminal record No. 1 (original), issued no more than 06 months prior to the date of application submission shall be required. In case the person to be elected as the association's president is an on-duty or retired official or public employee who is given a written consent to act as the association's president by a competent authority under regulations of law on decentralized management of officials, the criminal record No. 1 shall not be required;

d) The statement of the planned time and venue of the congress, number of delegates invited to the congress, number of official delegates participating in the congress, and the congress agenda (original).

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) The association’s report submitted to the competent authority prescribed in clauses 2, 3, 4 Article 15 of this Decree on the holding of the term’s congress. If the term’s congress is held to consider renaming of the association, the application for renaming of the association which clearly indicates the reasons and necessity of such renaming must be submitted;

b) The resolution of the association's executive committee on holding of the term’s congress and renaming of the association (if any);

c) The draft final report on performance of tasks during the term and operating plan of the next term; report on review of performance of tasks by the executive committee and inspection committee, and financial statements of the association; report on number of the association’s members in which the number of official members must be clearly stated;

d) The draft charter (if revised) or the draft charter under the new name of the association (if any);

dd) The personnel scheme which clearly indicates qualification standards, structure, quantity and list of members of the executive committee, standing committee, and inspection committee, president, deputy president(s) and other title holders (if any);

e) CV and criminal record No. 1, issued no more than 06 months prior to the date of application submission of the person to be elected as the association's president. In case the person to be elected as the association's president is an on-duty or retired official or public employee who is given a written consent to act as the association's president by a competent authority under regulations of law on decentralized management of officials or is the association's president of the current term, the criminal record No. 1 shall not be required;

g) The statement of planned time and venue of the congress, number of delegates invited to the congress, number of official delegates participating in the congress, and the congress agenda;

h) The consent given by a competent authority under regulations of law on decentralized management of officials to the official or public employee who acts as a member of the executive committee or standing committee, or president or deputy president of the association;

i) Other contents falling within the jurisdiction of the congress as prescribed in the association’s charter and regulations of law (if any).

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) The association’s report submitted to the competent authority prescribed in clauses 2, 3, 4 Article 15 of this Decree on the holding of the extraordinary congress. If the extraordinary congress also considers the renaming of the association, the application for renaming of the association which clearly indicates the reasons and necessity of such renaming must be submitted;

b) The resolution of the association's executive committee on holding of the extraordinary congress in which the contents to be discussed and decided at the congress must be specified;

c) The drafts of the contents to be discussed and decided at the congress;

d) The statement of the planned time and venue of the congress, number of delegates invited to the congress, number of official delegates participating in the congress, and the congress agenda.

11. Upon its receipt of adequate and valid reporting dossier as prescribed in clauses 9, 10 of this Article and written contents from the agencies relevant to the industry or area which is the main area of operation of the association, the competent authority prescribed in clauses 2, 3, 4 Article 15 of this Decree shall give its written opinions about the holding of the congress.

12. The association shall hold the congress after obtaining written permission for holding of the congress from the competent authority prescribed in clauses 2, 3, 4 Article 15 of this Decree.

Article 20. Primary contents and rules of voting at congress

1. Primary contents of the establishment congress:

a) Announce and award decision to grant permission for establishment of the association;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) Ratify the congress agenda, the congress’s regulations and rules, election rules.

d) Present the report on mobilization for establishment of the association;

dd) Discuss the charter which has been considered by the competent authority prescribed in clauses 2, 3, 4 Article 15 of this Decree upon grant of permission for establishment of the association, and vote on the charter;

e) Ratify the personnel scheme; vote on the number of members of the association’s executive committee and inspection committee for the entire term; nominate or act as candidates for the association’s executive committee and inspection committee;

g) Elect members of the association’s executive committee and inspection committee;

h) Ratify the association’s operating program during the term;

i) Other issues (if any);

k) Ratify the congress resolution.

2. Primary contents of the term’s congress:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Ratify the congress agenda, the congress’s regulations and rules, election rules.

c) Discuss and ratify the final report on performance of tasks during the term and operating plan of the next term; report on review of performance of tasks by the executive committee and inspection committee; and financial statements of the association;

d) Discuss the association's renaming (if any); ratify revisions to the charter or continuation of the current charter;

dd) Split-off, split-up, acquisition or consolidation (if any);

e) Ratify the personnel scheme; vote on the number of members of the association’s executive committee and inspection committee for the entire term; nominate or act as candidates for the association’s executive committee and inspection committee;

g) Elect members of the executive committee; elect members of the inspection committee, except associations performing specific tasks assigned by the CPV or the State;

h) Other issues as prescribed in the association’s charter (if any);

i) Ratify the congress resolution.

3. Primary contents of an extraordinary congress:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Ratify the contents to be discussed and decided at the congress;

c) Ratify the congress resolution.

Article 21. Reporting on congress outcomes, approving association’s charter

1. Within 30 working days from the end of the congress, the association's executive committee shall submit a set of reporting documents (original) to the competent authority prescribed in Article 15 of this Decree, including:

a) The report on the congress outcomes which indicates the request for approval of the association’s charter and renaming (if any). If no revision is made to the charter, a report on continuation of the current charter shall be submitted to the competent authority prescribed in Article 15 of this Decree;

b) The draft charter or the draft of the revised charter (if any);

c) The congress minutes; record of election of members of the standing committee and inspection committee, president and deputy president(s) of the association (accompanied with the personnel list);

d) CV and criminal record No. 1, which is issued no more than 06 months prior to the date of application submission, of the association’s president who is not the one reported to the competent authority. In case the association's president is an on-duty or retired official or public employee who is given a written consent to act as the association's president by a competent authority under regulations of law on decentralized management of officials, the criminal record No. 1 shall not be required;

dd) The association’s operating program;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. Within 60 working days from its receipt of adequate and valid documents, the competent authority prescribed in Article 15 of this Decree shall consider approving the association’s charter, provided that the association's draft charter has been completed in conformity with regulations of law according to opinions given by the agencies relevant to the area of operation of the association. If the association's charter has any contents contrary to regulations of law, the competent authority shall refuse to give approval and request, instruct the association to modify its charter in conformity with regulations of law.

3. In case the association's charter is subject to approval of the Prime Minister, the association shall prepare a set of reporting documents, including its request for approval of the charter, and send it to the Ministry of Home Affairs of Vietnam for submission to the Prime Minister for approval as prescribed.

4. Validity of the association's charter:

a) The charter of an association operating nationwide and having CPV designated representation shall become effective from the day on which it is approved by the Prime Minister;

b) The charter of an association other than the one prescribed in point a of this clause shall become effective from the day on which it is approved by the competent authority prescribed in clauses 2, 3, 4 Article 15 of this Decree.

5. If an association operating within a province, district or commune that has the same name and area of operation as and is a member of an association operating nationwide recognizes the charter of the latter under its congress resolution, it shall not be required to formulate its own charter.

6. After the association has submitted adequate and valid reporting documents as prescribed in clause 1 of this Article, the competent authority prescribed in clauses 2, 3, 4 Article 15 of this Decree shall issue a notice that the association's congress has been held in accordance with regulations of law and the association’s charter.

Article 22. Executive committee, standing committee, president and deputy presidents of an association

1. Executive committee and standing committee:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Number of members, organizational structure, eligibility, age and health requirements and standards, term, tasks, powers, and operating rules of the executive committee and the standing committee shall be decided by the association in conformity with the CPV's guidelines, regulations of the State law and the association’s charter.

2. The association’s president and deputy president(s) are elected by the executive committee among the members of the standing committee.

3. Election, dismissal and removal, temporary suspension, and grant of permission to return to work to the president, deputy president(s) and members of the executive committee and the standing committee are prescribed in the association’s charter in conformity with regulations of law. An association performing specific tasks assigned by the CPV or the State shall be required to get opinions about these contents from a competent authority.

4. When an association's president is dismissed or removed from office, the association must concurrently elect a new president in accordance with regulations of law and its charter or assign a qualified person in charge of managing its operation until the association's new president is elected. If the association’s president is suspended from work, its standing deputy president shall take charge of managing the association’s operation. In case the standing deputy president is not available, a deputy president shall be assigned to manage the association’s operation.

5. The association shall stipulate specific cases in which its president, deputy president(s) and members of the executive committee and the standing committee are dismissed, removed from office, suspended from work and permitted to return to work.

6. Upon dismissal or removal from office of its president or deputy president or a member of its executive committee or standing committee, the association shall submit a report on such dismissal or removal to the competent authority. Such report shall clearly indicate the full name of the president, deputy president or member dismissed or removed from office, and reasons for dismissal or removal, and be accompanied with the minutes of the meeting on the dismissal or removal, the minutes of the meeting on election of the new president, deputy president or member of the executive committee or standing committee, CV and criminal record No. 1, issued no more than 06 months prior to the date of reporting, of the person elected as the new president of the association. In case the person elected as the association's new president is an on-duty or retired official or public employee who is given a written consent to act as the association's president by a competent authority under regulations of law on decentralized management of officials, the criminal record No. 1 shall not be required.

7. The president of an association is its legal representative and assumes legal responsibility for all activities of the association.

a) Standards of the association’s president:

He/she has strictly complied with and implemented the CPV’s guidelines and policies and the State laws;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



He/she is reputable and expert in the association's area of operation;

He/she holds the Vietnamese citizenship;

He/she has full capacity for civil acts and has no criminal record.

b) Requirements to be satisfied by the association’s president:

He/she shall not act as the president of more than 02 associations;

He/she must not be an official of the authority or organization directly taking charge of performing state management or providing advice on state management of the main area of the association, unless decided by a competent authority under regulations of law on decentralized management of officials;

In case the person to be elected as the association's president is an on-duty or retired official or public employee, he/she must be given a written consent to act as the association's president by a competent authority under regulations of law on decentralized management of officials;

c) In addition to the standards and requirements laid down in points a, b of this clause, the association shall adopt specific regulations on eligibility, age and health requirements and standards, and term of office of the association’s president in conformity with regulations of law and its charter;

d) Responsibilities, tasks and powers of the association's president are prescribed in the association's charter in conformity with regulations of law.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Chapter IV

OPERATIONS OF AN ASSOCIATION

Article 23. Association's rights

An association shall have the following rights:

1. Be organized and operate according to its approved charter.

2. Disseminate its guidelines and objectives. Be provided with information on, and access the CPV's guidelines and policies, and the State policies and laws.

3. Represent its members in internal and external relations regarding the association’s rights and obligations.

4. Protect legitimate rights and benefits of the association, its members and community in conformity with its guidelines and objectives.

5. Organize and cooperate with its members in performing activities for the common benefits of the association.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



7. Participate in science and technology programs, projects, and schemes, provide consultancy and make comments on policies at the request of regulatory authorities; provide public services and organize vocational training courses in accordance with regulations of law.

8. An association operating nationwide or in more than a province shall be allowed to establish branches or representative offices in provinces or central-affiliated cities other than the one where it is headquartered as prescribed in clause 1 Article 25 of this Decree and to set up its representative offices in foreign countries.

9. Establish and properly manage its affiliated units in accordance with regulations of law and its charter, and in line with its guidelines, objectives and areas of operation.

10. Give opinions on formulation of mechanisms and policies directly related to its functions, tasks, powers and area of operation; submit proposals to competent authorities for the matters concerning its development and area of operation; provide training, refresher training courses and other services in accordance with regulations of law, and issue practicing certificates, certificates of competency, and other certificates in connection with its area of operation when satisfying relevant conditions set out in law.

11. Cooperate with relevant authorities and organizations in performing its tasks.

12. Collect membership fees and revenues from business operations and service provision as prescribed by law for covering its operating expenses.

13. Receive, manage and use lawful sponsorships and aids granted by domestic and foreign organizations and individuals in accordance with regulations of law and in association with its guidelines, objectives, functions and tasks.

14. Have funding allocated by the State for performing tasks assigned by CPV or the State (if any).

15. An association operating nationwide or in more than a province shall be allowed to admit to corresponding international organizations, and sign and implement international agreements in accordance with regulations of law after obtaining the consent from competent authorities and other regulatory authorities in charge of managing such admission to international organizations, conclusion and implementation of international agreements.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



17. Mediate in disputes, consider and resolve feedbacks, complaints and denunciations regarding the association.

18. Exercise other rights as prescribed by law.

Article 24. Association’s obligations and responsibilities

An association shall discharge the following obligations and responsibilities:
1. Comply with regulations adopted by competent authorities and relevant laws on organization and operation of associations, and its charter.

2. Do not take advantage of the association's activities to infringe upon the national security, social order, fine traditions and customs, moral, traditional and cultural values, legitimate rights and benefits of other organizations and individuals; do not take advantage of religious beliefs to carry out superstitious activities or unlawful financial and business activities that disturb the domestic market.

3. Do not recognize, appreciate, honor or confer titles in contravention of regulations of law.

4. Bear the state management of the regulatory authority in charge of managing the industry or area which is the association’s main area of operation and relevant authorities during its organization and operation as prescribed in Articles 43 through 50 of this Decree.

5. Gather and develop its members; organize and cooperate with its members in performing activities for the common benefits of the association and comply with its guidelines and objectives.

6. Disseminate the CPV’s guidelines and policies, and the State laws and policies regarding the area of operation of the association, the association's charter, regulations and rules, and provide training for improving its members' knowledge.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



8. Comply with regulations on receipt, management and use of foreign aids and other relevant regulations of laws; effectively manage and use sponsorships and aids, and assume responsibility of the owner of aids as prescribed by laws.

9. Submit reporting dossier on organization of the congress as prescribed in Clause 7 Article 19 of this Decree.

10. Upon dismissal, removal or replacement of its president, deputy president, general secretary, or member of its executive committee, standing committee or inspection committee, relocation of its headquarters, or revision of its charter, submit a report thereon to the competent authority prescribed in clauses 2, 3, 4 Article 15 of this Decree and the regulatory authority in charge of performing state management of the industry or area which is the association’s area of operation.

11. Submit reports on establishment of its affiliated units to the competent authority prescribed in clauses 2, 3, 4 Article 15 of this Decree and the regulatory authority in charge of performing state management of the industry or area which is the association’s area of operation, and take charge of leading, directing, and directly and comprehensively managing operation of these units in accordance with regulations of law and its charter.

12. Submit annual report on its organization and operation to the competent authority prescribed in clauses 2, 3, 4 Article 15 of this Decree, the regulatory authority in charge of performing state management of the industry or area which is the association’s area of operation, and the People’s Committee of province or city where the association operating nationwide or in more than a province is headquartered, or its branch or representative office is located. Such report is made using Form No. 16 in Appendix II enclosed herewith and submitted by December 31.

13. Submit reports on resolution of disputes, petitions, claims, complaints and denunciations involving the association to regulatory authorities.

14. Comply with regulatory authorities’ instructions and inspections of compliance with regulations of law and the association's charter.

15. Prepare and keep at its headquarters the list of its members, the list of its affiliated units, records and documents on its assets and finance, minutes of meetings of its executive committee, standing committee and inspection committee.

16. Use funding from the sources prescribed in clauses 12, 13, and 14 Article 23 of this Decree for covering its operating expenses as prescribed in its charter; do not distribute such funding amounts to its members.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



18. Promulgate regulations on operation of its executive committee, standing committee and inspection committee; management and use of its finances and assets; commendation, reward and discipline; management of members; resolution of petitions, claims, disputes, complaints and denunciations involving the association; management and use of its seal, and other regulations in line with regulations of law and its charter.

19. Formulate and promulgate code of ethics tailored to its operation.

20. Update the association database with information on its organization and operation, and cooperate in building and operation of the association database.

21. Implement regulations of law on anti-corruption, anti-money laundering and counter-terrorism financing.

22. Fulfill other obligations as prescribed by law.

Article 25. Association's affiliated units

1. Branches and representative offices:

a) An association operating nationwide or in more than a province shall be allowed to establish branches or representative offices in provinces or central-affiliated cities other than that where it is headquartered;

b) The association that wishes to establish a branch or representative office shall submit an application to the People's Committee of province or city where its branch or representative office will be situated. Such an application includes:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Documentary evidence of the lawful right to use the premises where the branch or representative office will be situated as prescribed by law (original, certified true copy or copy presented together with its original for verification purpose);

Decision to grant permission for establishment of the association and the association's charter (originals, certified true copies or copies presented together with their originals for verification purpose).

c) Within 30 working days from its receipt of an adequate and valid application, the Chairperson of the provincial People’s Committee shall consider issuing a decision to grant permission for establishment of the branch or representative office. In case an application is refused, a written response indicating reasons for such refusal shall be given to the applicant;

d) After obtaining a written permission for its establishment of branch or representative office from the Chairperson of the provincial People’s Committee, the association shall submit reports thereon to the Ministry of Home Affairs of Vietnam and the Ministry or ministerial agency in charge of performing state management of the industry or area in which it engages;

dd) The association’s branch or representative office shall operate according to regulations of law and its charter; bear state management of the People’s Committee of province or city where the association's branch or representative office is situated.

2. The association may establish offices, specialized departments/boards and others to assist its executive committee and standing committee in performing their tasks and powers in accordance with regulations of law and its charter.

3. Inter-sub-associations, sub-associations, subordinate teams or groups of associations or others (hereinafter referred to as “sub-associations”) are organizations that do not have the status of juridical person, and their own seals and accounts, and are established in accordance with the association’s charter. The location for regular activities of a sub-association must be specified in its establishment decision. When organizing its activities, the sub-association shall submit a report on such activities to the local government in accordance with regulations of law on meetings.

4. An association may establish other organizations that have the status of juridical person in accordance with regulations of law to perform its tasks according to the guidelines, objectives and area of operation specified in its charter. To be specific:

a) The association shall assume responsibility for proper and comprehensive management of these organizations and ensure that they are organized and operate on a not-for-profit basis;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) Within 30 working days from the day on which a certificate of operation registration or operating license is issued by a competent authority, the association shall submit a report on its establishment of an organization having status of juridical person to the competent authorities prescribed in clauses 2, 3, 4 Article 15 of this Decree in corresponding to its area of operation for monitoring. Such report includes:

Decision to establish an organization having status of juridical person (original);

Certificate of operation registration or operating license issued by a competent authority (original or certified true copy or copy presented together with its original for verification purpose);

Certificate of registration of sample seal (original or certified true copy or copy presented together with its original for verification purpose);

Decision to appoint the legal representative (original).

d) In case the organization having status of juridical person is found to operate in contravention of regulations of law or in a manner which is inappropriate to the association's area of operation, the competent authorities prescribed in clauses 2, 3, 4 Article 15 of this Decree is entitled to request the association to make a dissolution decision and request the regulatory authority to revoke the issued certificate of operation registration or operating license and the seal of this organization.

5. Establishment, restructuring or re-arrangement, and shutdown or dissolution of the organizations prescribed in clauses 1 through 4 of this Article shall comply with the association’s charter and regulations of law.

6. When the association is issued with a dissolution decision by a competent authorities prescribed in clauses 2, 3, 4 Article 15 of this Decree, the organizations mentioned in clauses 1 through 4 of this Article shall obviously be shut down or also follow dissolution procedures as prescribed by law and the association’s charter.

Article 26. Association’s finances and assets

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) Association’s sources of revenues:

Admission fees and annual membership fees paid by its members;

Revenues earned from its activities as prescribed by laws;

Sponsorships, aids and donations given by domestic and foreign organizations and individuals as prescribed by law;

Funding derived from state budget (if any) for performing assigned tasks as prescribed by law;

Other lawfully earned revenues.

b) Association’s expenses:

Expenses on performing the association’s tasks;

Expenses on performing assigned tasks (if any);

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Expenses on implementing policies and benefits for persons working for the association in accordance with regulations of law;

Rewards and other expenses as prescribed in the association’s regulations.

2. An association’s assets include its headquarters and other lawful assets as prescribed by law.

3. Management and use of an association’s finances and assets shall comply with regulations of the civil code, laws on finance, accounting, auditing, statistics and the association’s charter, and ensure not-for-profit basis. Public property shall be managed and use in accordance with regulations of law on management and use of public property.

4. Upon its split-up, split-off, acquisition, consolidation, operational suspension or dissolution, the association’s finances and assets shall be settled according to provinces of Article 36 of this Decree and relevant laws.

Article 27. State budget-derived funding for performing assigned tasks

1. For tasks assigned by central- and local-government authorities

a) Based on the competent authority’s policies for assignment of tasks to the association, the association shall develop a scheme or plan for performing assigned tasks (which must clearly indicate the quantity or volume of tasks covered by funding derived from state budget):

An association operating nationwide or in more than a province shall get opinions from the regulatory authority in charge of managing the industry or area which is the association’s main area of operation, the Ministry of Finance of Vietnam, central-government authorities relevant to the assigned task, and the Ministry of Planning and Investment of Vietnam (if the association requests for allocation of central government budget-derived funding for development investment expenditures for performing public investment tasks). The requested authorities shall be required to give their opinions within a maximum duration of 15 working days;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) After obtaining opinions from relevant authorities, the association shall complete its scheme or plan for performing assigned tasks (which shall be accompanied with received opinions):

and submit it to the Prime Minister for considering and issuing a decision to assign tasks (for an association operating nationwide or in more than a province); or

submit it to the Chairperson of the People’s Committee of the relevant level for considering and issuing a decision to assign tasks (for an association operating within a province, district or commune).

c) Based on the decision to assign tasks as prescribed in point b of this clause:

The association shall prepare and submit the cost estimate to the finance authority of the same level (if costs for performing assigned tasks are to be covered with state budget-derived funding for recurrent expenditures as prescribed by the law on state budget).

The association shall prepare and submit the investment plan to the planning and investment authority of the same level (if costs for performing assigned tasks are to be covered with state budget-derived funding for development investment expenditures) for submission to competent authorities as prescribed by the law on public investment.

2. For tasks funded under a national target program, the financial mechanisms of such national target program shall apply.

3. For tasks assigned by a Ministry or central-government authority, costs of performing assigned tasks shall be covered by funding of that Ministry or authority.

4. Management, use and final statement of state budget-derived funding for performing assigned tasks shall comply with provisions of the law on state budget, the law on public investment and relevant laws.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 28. Commendation

1. An association that makes significant contribution to the socio-economic development shall be commended and rewarded in accordance with regulations of law on emulation and commendation.

2. Associations shall consider commending and rewarding organizations, individuals, members and persons working for them with outstanding achievements according to their internal regulations and rules or request competent authorities to do so in accordance with regulations of law on emulation and commendation.

Article 29. Discipline and resolution of petitions, disputes, complaints and denunciations regarding the association

1. Any member, affiliated unit or person working for the association who violates the association's charter, regulations and rules shall incur disciplinary penalties imposed by the association. In case of causing material damage, compensation must be paid in accordance with the law.

2. All petitions, disputes, complaints and denunciations regarding the association shall be resolved by or with the counseling of its inspection committee in accordance with its charter, regulations and rules; failure to reach an amicable agreement shall result in the case referred to a competent Court for hearing in accordance with regulations of law.

Article 30. Handling of violations

1. An association shall have its operation suspended for a fixed period by a competent authority prescribed in clauses 2, 3, 4 Article 15 of this Decree if it is found to commit any of the following violations:

a) It operates in breach of the not-for-profit rule;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) It violates regulations of law on management of assets and finances; receipt, management and use of sponsorships and aids;

d) It fails to submit report on congress outcomes as prescribed in Article 21 of this Decree or fails to submit sufficient reports on its organization and operation or annual financial statements and to remedy its violation within 30 working days after receiving a written reprimand from a competent authority prescribed in clauses 2, 3, 4 Article 15 of this Decree;

dd) It fails to submit reports within 60 working days from the day on which it is issued with permission for establishment of representative office or branch, or a competent authority grants a certificate of operation registration or operating license to its organization having status of juridical person as prescribed in clause 4 Article 25 of this Decree, or after its dismissal, removal from office, or replacement of its president, deputy president, general secretary, or a member of its executive committee, standing committee or inspection committee, or relocation of its headquarters, representative office or branch;

e) It fails to perform any of the obligations and responsibilities prescribed in clauses 3, 13, 14, 15, 18, 19, 20, and 21 Article 24 of this Decree within 60 working days from the day on which it receives a request to do so from a competent authority prescribed in clauses 2, 3, 4 Article 15 of this Decree;

g) It fails to resolve the conflict or dispute concerning its operation and submit a report thereon to the competent authority within 90 working days from the day on which it is requested in writing by the competent authority to do so;

h) It submits reports containing inadequate or false systematic information on its operation (including information on its affiliated organizations having status of juridical person).

2. An association shall be dissolved according to a decision of the competent authority prescribed in clauses 2, 3, 4 Article 15 of this Decree if it commits any of the following violations:

a) It violates provisions of clause 2 Article 24 of this Decree;

b) It deliberately holds a congress without obtaining written permission for holding of the congress from the competent authority prescribed in clauses 2, 3, 4 Article 15 of this Decree;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



d) It fails to submit report on its organization, operation and finances as prescribed or fails to publicly disclose its financial statements, finalization reports and auditor’s reports (if any) in 02 consecutive years;

dd) It fails to remedy the violation as prescribed in Clause 6 Article 33 of this Decree upon termination of the suspension period;

e) Its executive committee fails to follow procedures for dissolution of the association within 180 days from the day on which such dissolution is requested by more than half (1/2) of total official members;

g) It fails to have adequate number of members as prescribed in clause 6 Article 10 of this Decree by the time of submitting a report to the competent authority on holding of the term's congress.

3. Any person who infringes upon the rights to establish associations, misuses of the association's name to perform illegal activities, abuses his/her positions and power to grant permission for establishment of an association against provisions of this Decree shall, depending on nature and severity of the violation, incur disciplinary penalties, administrative penalties or criminal prosecution in accordance with law; in case of causing material damage, compensation must be paid in accordance with the law.

Chapter V

RENAMING, SPLIT-UP, SPLIT-OFF, ACQUISITION, CONSOLIDATION, FIXED-TERM SUSPENSION AND DISSOLUTION OF ASSOCIATIONS

Article 31. Renaming

1. Renaming of an association shall be subject to consideration and ratification of its congress, unless the association is renamed as a result of its split-up, split-off, acquisition or consolidation.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. The association must make revisions to its charter under its new name. The new name of the association shall be used after the competent authority prescribed in Article 15 of this Decree issues a decision on approval of its renaming and revised charter.

Article 32. Split-up, split-off, acquisition and consolidation of associations

1. Depending on operating demands and capacity of an association, its executive committee shall request the competent authority prescribed in clauses 2, 3, 4 Article 15 of this Decree to grant approval of its split-up, split-off, acquisition or consolidation. The association’s split-up, split-off, acquisition or consolidation shall comply with provisions of this Decree, relevant laws and meet the requirements laid down in clause 1 Article 10 of this Decree.

2. An application for approval of split-up, split-off, acquisition or consolidation of an association includes:

a) The original application form which must clearly indicate the reasons, necessity and compliance of the split-up, split-off, acquisition or consolidation with regulations of law;

b) The original scheme on split-up, split-off, acquisition or consolidation of the association which has been approved by its executive committee and must include the plans for handling of its assets, finances, employees and members; division or assignment of functions, powers and areas of operation; responsibilities and obligations to be discharged; lists of members of the executive committee and inspection committee of the new association;

c) The original resolution ratifying the association’s split-up, split-off, acquisition or consolidation given by its executive committee;

d) The original of the draft charter of the association upon its split-up, split-off, acquisition or consolidation;

dd) The originals of CVs and Criminal records No. 1, issued no more than 06 months prior to the date of application submission, of the persons to be elected as the president and members of the executive committee of the new association; If a person to be a member of the executive committee of the new association is subject to management of a competent authority under regulations of law on decentralized management of officials or is an official or public employee, a written consent to participate in the executive committee of the new association given by a competent authority is required (in this case, the criminal record No. 1 of the person to be elected as the president of the new association is not required);

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. Procedures for split-up, split-off, acquisition or consolidation of association:

a) The association that wishes to carry out split-up, split-off, acquisition or consolidation shall submit an application as prescribed in clause 2 of this Article to the competent authority prescribed in clauses 2, 3, 4 Article 15 of this Decree and the regulatory authority in charge of managing the area which is the association’s main area of operation;

b) Within 60 working days from its receipt of an adequate and valid application, the competent authority prescribed in clauses 2, 3, 4 Article 15 of this Decree shall consider issuing a decision to grant approval of the association’s split-up, split-off, acquisition or consolidation;

c) The parent association, acquired association(s) or consolidating associations (except the case of split-off) shall cease to exist after a decision to grant approval of the split-up, acquisition or consolidation is issued by the competent authority prescribed in clauses 2, 3, 4 Article 15 of this Decree. All rights and obligations of the parent association, acquired association(s) or consolidating associations shall be transferred to the new association(s). In case of split-off, the parent association and the new associations shall assume the joint responsibility for rights and obligations of the association before the split-off.

4. Split-up, split-off, acquisition, consolidation or dissolution of an association upon changes in an administrative division:

a) In case an association operating within a province, district or commune involves in a change in the administrative division due to split-up, split-off, acquisition or consolidation, its executive committee shall consider making decision on the split-up, split-off, acquisition, consolidation or dissolution in a manner that is appropriate to the new administrative division and submit an application to the competent authority of the new administrative division as prescribed in clauses 3 and 4 Article 15 of this Decree. The application is prepared according to clause 2 of this Article; names of the associations established from the split-up, split-off, acquisition or consolidation must be associated with the name of the new administrative division;

b) Within 60 working days from its receipt of an adequate and valid application, the competent authority of the new administrative division as prescribed in clauses 3, 4 Article 15 of this Decree shall consider issuing a decision to grant approval of the split-up, split-off, acquisition, consolidation or dissolution of the association.

5. Organizing the congress and approving the new charter of the association due to split-up, split-off, acquisition or consolidation:

a) Within 60 working days from the day on which the competent authority prescribed in clauses 2, 3, 4 Article 15 of this Decree issues a decision to grant approval of the split-up, split-off, acquisition or consolidation, new associations must organize their congresses to ratify the contents prescribed in clause 1 Article 20 of this Decree;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 33. Suspension of operation for fixed periods

1. An association shall have its operation suspended by the competent authority prescribed in clauses 2, 3, 4 Article 15 of this Decree for a maximum period of 180 days if it is found to commit any of the violations specified in clause 1 Article 30 of this Decree.

2. After the conclusion on the association’s violation as prescribed in clause 1 of this Article is drawn up, the competent authority prescribed in clauses 2, 3, 4 Article 15 of this Decree shall consider issuing a decision to suspend the association’s operation for a fixed period.

3. During the suspension period, the violating association shall only be allowed to implement measures for remedying the violation according to the conclusion given by the competent authority.

4. If the association has successfully remedied its violation during the suspension period, it may make and send an application for resumption of operation to the competent authority prescribed in clauses 2, 3, 4 Article 15 of this Decree for consideration and decision. Such an application includes the originals of the following documents:

a) An application form for resumption of operation;

b) The report on implementation of remedial measures against the violation made by the association’s executive committee and supporting documents.

5. Upon its receipt of an adequate and valid application as prescribed in Clause 4 of this Article, the competent authority prescribed in clauses 2, 3, 4 Article 15 of this Decree shall permit the association to resume its operation. If an application is refused, a written response indicating reasons for such refusal shall be given.

6. Upon the end of the suspension period, if the violating association fails to remedy its violation, this suspension period shall be automatically prolonged for another 30 working days. Upon the end of the prolonged suspension period, if the violating association still fails to remedy its violation, the competent authority prescribed in clauses 2, 3, 4 Article 15 of this Decree shall consider issuing a decision to extend the suspension period. The maximum extension period is 60 working days. Upon the end of the 60-day extension period, if the violating association still fails to remedy its violation, the competent authority shall issue a decision to dissolve the association.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 34. Voluntary dissolution

1. An association is voluntarily dissolved in the following cases:

a) Its objectives have been achieved;

b) It has no assets and conditions for operation;

c) The dissolution is requested by more than half (1/2) of its total official members or under a resolution of its executive committee.

2. The association shall prepare an application for dissolution which includes:

a) An application form for voluntary dissolution;

b) The record bearing signatures of more than half (1/2) of its total official members or the resolution of its executive committee ratifying the dissolution;

c) The list of assets and finances;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. The association to be dissolved shall submit the application to the competent authority prescribed in clauses 2, 3, 4 Article 15 of this Decree, and post up notice of the time limit for debt payment (if any) to relevant organizations and individuals as prescribed by law at its headquarters and its representative office(s) (if any) for a period of 30 working days (for an association operating nationwide or in more than a province) or at its headquarters for a period of 15 working days (for an association operating within a province, district or commune).

4. After 15 working days from the end of the time limit for debt payment and handling of assets and finances stated in the notice posted up by the association when applying for dissolution, if no complaint is received, the competent authority prescribed in clauses 2, 3, 4 Article 15 of this Decree shall issue a dissolution decision.

5. The association shall terminate its operation from the day on which the dissolution decision issued by the competent authority becomes effective. The re-establishment of an association that has been voluntarily dissolved within 05 years from the effective date of the dissolution decision shall not be allowed.

Article 35. Compulsory dissolution

1. An association shall be compulsorily dissolved according to a decision of the competent authority prescribed in clauses 2, 3, 4 Article 15 of this Decree if it commits any of the violations specified in clause 2 Article 30 of this Decree.

2. After a conclusion that the association commits any of the violations specified in clause 2 Article 30 of this Decree is drawn up, the competent authority prescribed in clauses 2, 3, 4 Article 15 of this Decree shall:

a) request the association to inventory its assets and finances; develop the plan for handling of assets and finances and time limit for debt payment as prescribed by law and the association's charter;

b) get opinions about the association’s dissolution from the authorities relevant to the association's operation; and

c) publish the preparation for dissolution and time limit for debt payment, and handling of assets and finances of the association in at least 03 issues of a central printed newspaper or electronic newspaper (for an association operating nationwide or in more than a province) or of a local printed newspaper or electronic newspaper (for an association operating within a province, district or commune).

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. c) If the subject association disagrees with the dissolution decision, it may lodge a complaint according to regulations of law. The association may not operate pending the settlement of its complaint.

5. The association shall terminate its operation from the day on which the dissolution decision becomes effective.

6. The re-establishment of an association that has been compulsorily dissolved within 05 years from the effective date of the dissolution decision shall not be allowed, unless otherwise considered and decided by competent authorities.

7. Before issuing a decision to dissolve an association that performs tasks assigned by CPV or the State as prescribed in this Article, the competent authority prescribed in clauses 2, 3, 4 Article 15 of this Decree shall be required to obtain opinions on such dissolution from competent authorities.

Article 36. Handling of assets and finances upon split-up, split-off, acquisition, consolidation, fixed-term suspension of operation, dissolution or revocation of seal of an association

1. Handling of assets and finances of an association upon its split-up or split-off:

a) Upon completion of split-up procedures, the parent association shall cease to operate and all rights and obligations regarding its assets and finances shall be transferred to the new associations under the split-up decision;

b) Upon completion of split-off procedures, each of the associations involving the split-off shall perform rights and obligations regarding its assets and finances in conformity with its objectives.

2. Handling of assets and finances of an association upon its acquisition:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) The acquiring association shall be entitled to all lawful rights and benefits regarding existing assets and finances, assume responsibility for assets and finances-related unpaid debts and ongoing service contracts of the acquired association.

3. Handling of assets and finances of an association upon its consolidation:

a) Upon completion of consolidation procedures, the consolidating associations shall cease to exist, and the new association shall be entitled to lawful rights and benefits, and assume responsibility for unpaid debts and ongoing service contracts of the consolidating associations;

b) Assets and finances of the consolidating associations shall not be distributed or sold but shall entirely be transferred to the new association.

4. Handling of assets and finances of an association whose operation is suspended for a fixed period:

During its operation suspension period, the suspended association shall only pay recurrent expenses incurred by its standing division pending a decision issued by a competent authority.

5. Handling of assets and finances of an association upon its dissolution:

a) Assets of the association to be dissolved shall not be distributed. The selling and liquidation of its assets shall comply with relevant laws;

b) The existing cash of the association and the proceeds from sale and liquidation of its assets shall entirely be used for making payments in the following order of priority:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Salaries, severance pays, social insurance and health insurance contributions and other benefits of its employees according to the collective bargaining agreement and signed employment contracts;

Tax debts and other amounts payable.

c) The remaining finances and assets self-earned by the association and those acquired from sponsorships and aids granted by domestic and foreign individuals and organizations shall be transferred to the budget of the competent authority that has permitted its establishment. Assets derived from or acquired with funding from state budget (if any) shall be transferred to the finance authority of the same level as the competent authority prescribed in clauses 2, 3, 4 Article 15 of this Decree for further handling in accordance with regulations of law on management and use of public property.

6. When following split-up, split-off, acquisition, consolidation or dissolution procedures, the subject association shall make an inventory and carry out classification of its assets for being further disposed of. To be specific:

a) Management, use and disposal of the association’s assets which are public property shall comply with regulations of law on public property;

b) Management, use and disposal of the association’s assets which are acquired from its own funding sources shall comply with regulations of the Civil Code, relevant laws and its charter.

7. Revocation of an association’s seal:

The seal of an association that is renamed or undergoing split-up, split-off, acquisition or consolidation or subject to fixed-term suspension or dissolution shall be revoked in accordance with regulations of law on management and use of seals and relevant laws.

Chapter VI

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 37. Associations performing specific tasks assigned by CPV or State

1. Associations performing specific tasks assigned by the CPV or the State and operating nationwide are determined in Appendix I enclosed herewith.

2. An association performing tasks assigned by CPV or the State and operating within a province, district or commune shall be considered and decided by the provincial People’s Committee after obtaining opinions from provincial-level competent authorities on the basis that it has been provided with personnel, and entirely or partially allocated funding and other conditions serving its operation and fulfillment of regular tasks assigned by competent authorities in conformity with CPV’s regulations and specific task-related requirements imposed by local governments.

3. Associations performing specific tasks assigned by the CPV or the State shall comply with general provisions of this Decree and specific provisions in this Chapter VI.

Article 38. Association’s rights, obligations and responsibilities

1. Association’s rights:

a) Be provided with information on, and access the CPV's guidelines and policies, and the State policies and laws;

b) Give opinions on formulation of mechanisms and policies directly related to its functions, tasks, powers and area of operation;

c) Be assigned to perform some specialized activities and/or public services which are suitable to its area of operation as prescribed;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



dd) Have funding allocated by the State for performing assigned tasks;

e) Be allowed to organize some economic activities; receive domestic and foreign resources in association with its guidelines, objectives, functions and assigned tasks; enter into cooperation with other organizations and individuals; participate in people-to-people diplomacy and some cooperation mechanisms as prescribed by law.

2. Association's obligations and responsibilities:

a) Disseminate and mobilize its members and people of all classes to comply with the CPV’s guidelines and policies, and the State laws and policies; policies and decisions regarding organization and operation of associations; actively participate in national economic, cultural and social development programs; fulfill tasks assigned by CPV or the State, and promote social consensus;

b) Be organized and operate according to its guidelines, objectives, functions and tasks; direct and properly manage operation of its affiliated units that are juridical persons; manage and use allocated funding and assets, and funds in accordance with the CPV’s regulations, the State law and its charter; comply with guidelines, inspection, supervision and audit of competent authorities;

c) Develop, gather and unify its members in patriotic emulation movements and campaigns; represent, protect, proposition, propose and cooperate in settling lawful and legitimate rights and benefits for its members and people of all classes;

d) On biannual, annual and ad hoc basis, submit reports on its organization and operation to regulatory authorities as prescribed, Vietnam Fatherland Front Committee of the same level (if the association is a member of this committee), the competent authority prescribed in clauses 2, 3 and 4 Article 15 of this Decree, and the regulatory authority in charge of managing the industry or area which is the association’s main area of operation;

dd) Obtain opinions from competent authorities, as prescribed, about its annual operating programs/plans and term’s congress, and extraordinary congress; invite representatives of competent authorities, as prescribed, to the meetings of the CPV designated representation (for an association having the CPV designated representation), or meetings of its standing committee (for an association that does not have the CPV designated representation);

e) Renaming, split-up, split-off, acquisition, consolidation, fixed-term suspension of operation and dissolution of the association as prescribed in Chapter V of this Decree requires the approval from a competent authority;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



h) Formulate annual program or plan which must clearly indicate the volume and quantity of tasks funded by state budget, and obtain opinions about the program or plan from the competent authority in charge of governing the association before June 30 each year.

Article 39. State policies applicable to associations performing tasks assigned by CPV or State

1. Funding derived from central government budget shall be allocated to an association performing tasks assigned by CPV or the State at central level to:

a) pay salaries, allowances and other benefits, as prescribed, to persons who meet legal working age requirements and are assigned or designated to work at the association under decisions of competent authorities, and those recruited according to its approved payroll;

b) pay remunerations to the retired person who holds the position of president or full-time deputy president of the association;

c) cover recurrent expenses determined according to the limits on expenditures on performing state management tasks and tasks assigned by CPV or mass organizations imposed on central-level administrative units, and the association’s approved payroll;

d) cover costs of performing tasks assigned by the competent authority prescribed in Article 8 of this Decree;

dd) cover costs of equipping material facilities and working means as prescribed by laws on land, public property and state budget, and relevant laws;

e) The association shall make estimate of costs covered by central government budget-derived funding as prescribed in points a, b, c and dd of this clause in accordance with regulations of law on state budget, and send it to the Ministry of Finance of Vietnam.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) For tasks included in the association’s annual operating program or plan which has been given opinions by the regulatory authority in charge of governing the association, and clearly indicates the tasks funded by state budget (including detailed volume or quantity of tasks), the association shall make and submit the cost estimate to the Ministry of Finance of Vietnam in accordance with regulations of law on state budget and relevant laws;

b) For tasks which are assigned by a competent authority but are not included in the association’s annual operating program or plan, the association shall make and submit the cost estimate to the Ministry of Finance of Vietnam in accordance with regulations of law on state budget and relevant laws if the competent authority has defined specific volume or quantity of tasks funded by state budget. If the specific volume or quantity of tasks funded by state budget is not yet defined by the competent authority, the association shall formulate a scheme or plan for task fulfillment (which clearly indicates the specific volume or quantity of tasks funded by state budget), and send it to the regulatory authority in charge of managing the industry or area which is the association’s main area of operation, the Ministry of Finance and agencies relevant to the assigned tasks (required opinions must be given within 15 working days). After obtaining opinions from relevant authorities, the association shall consider revising and submitting the task fulfillment scheme or plan to the competent authority assigning the tasks for its consideration and decision.

Based on opinions given by the competent authority, the association shall make and submit the cost estimate to the Ministry of Finance of Vietnam in accordance with regulations of law on state budget and relevant laws;

c) If the tasks prescribed in points a, b of this clause are funded by public investment funding, the association shall comply with in accordance with regulations of law on public investment;

d) For tasks assigned by a Ministry or central-government authority, costs of performing assigned tasks shall be covered by funding of that Ministry or authority;

dd) For tasks funded under a national target program, the financial mechanisms of such national target program shall apply.

3. With respect to an association performing tasks assigned by CPV or the State at local level, based on provisions on funding allocation of clauses 1, 2 of this Article, the relevant Provincial People's Committee shall consider allocating funding derived from local-government budget for performing tasks in accordance with regulations of law.

4. Assistance in acquiring material facilities and working means of associations performing tasks assigned by CPV or the State shall be given on the basis of the state budget’s balancing capacity (central government budget, for an association performing tasks assigned by CPV or the State and operating nationwide; or local government budget, for an association performing tasks assigned by CPV or the State and operating within a province, district or commune) and the association’s capacity for mobilizing financial resources.

Article 40. Policies and benefits for persons working for associations performing tasks assigned by CPV or State

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. Recruitment, use and management of persons regularly working for an association:

a) Persons who meet legal working age requirements shall be assigned or designated to work at the association under decisions of competent authorities, or recruited by the association according to its approved payroll in accordance with regulations of law on officials;

b) Persons working for the association who are retired persons and those who meet legal working age requirements but are not subject to the provisions of point a of this clause shall be required to enter into employment contracts in accordance with regulations of law on labour.

3. Salaries, allowances, health insurance and social insurance contributions, remunerations, rewards, training, and other policies and benefits:

a) Persons who meet legal working age requirements and assigned or designated to work at the association under decisions of competent authorities, and those recruited by the association according to its approved payroll shall be entitled to the same policies and benefits as officials and comply with retirement policies laid down in laws;

b) Persons working for the association other than those prescribed in point a of this clause and clause 4 of this Article shall receive wages and other policies/benefits according to the association’s decision which is made taking into account working requirements and the association's lawful financial sources, and on reasonable grounds, ensuring comparability with those of others working for the same association and compliance with regulations of law on labour.

4. A retired person who holds the position of the association’s president or full-time deputy president shall receive remunerations in accordance with regulations of law.

5. Remunerations to the persons mentioned in clause 4 of this Article are paid using the funding annually allocated from the state budget to the association.

Article 41. Association’s governing bodies

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) The nationwide congress is the supreme governing body of an association, and shall be held every 05 years or on ad hoc basis, where necessary. The incumbent executive committee shall convene the congress after the competent authority has given approval of the scheme on holding of the congress, instruments and list of personnel to be presented to the congress. The congress shall be held when it is attended by more than two thirds (2/3) of total invited delegates. An extraordinary congress shall be held when it is requested by more than two thirds (2/3) of total members of the association’s incumbent executive committee and approved by the competent authority. Number, structure, eligibility requirements and standards of delegates attending the congress shall be decided by the executive committee that convenes the congress; recognition of a delegate’s eligibility is subject to the congress's decision;

b) The congress shall fulfill the following tasks:

Evaluate the implementation of resolutions during the previous term, and make decisions on orientations, objectives, tasks and solutions of the next term;

Discuss the association's renaming (if any); ratify revisions to the charter or continuation of the current charter;

Ratify the scheme on the congress’s personnel submitted by the incumbent executive committee;

Elect members of the new term’s executive committee;

Consider other issues as prescribed in the association’s charter;

Ratify the congress resolution.

2. Executive committee and standing committee of the association:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) The association’s executive committee shall fulfill the following tasks:

Formulate the scheme on the congress’s personnel which clearly indicates the number, structure, eligibility requirements and standards of members of the executive committee, standing committee and inspection committee of the new term;

Elect members of the standing committee, president, deputy president(s), head and members of the inspection committee;

Perform other tasks as prescribed in the association's charter in conformity with regulations of law.

3. An association’s standing committee is comprised of the president and full-time deputy president(s) and takes charge of managing daily activities of the association.

Article 42. President, deputy president(s) and procedures for election of members of executive committee, standing committee, and inspection committee, president and deputy president(s)

1. An association’s president must meet the eligibility requirements and standards laid down in clause 7 Article 22 of this Decree and health, age and term holding requirements imposed by competent authorities.

2. Based on the eligibility requirements and standards to be satisfied by its president, the association shall impose specific eligibility requirements and standards to be satisfied by deputy presidents who must also meet other health, age and term holding requirements imposed by competent authorities.

3. Procedures for election of members of executive committee, standing committee, and inspection committee, and president and deputy president(s) of the association shall comply with regulations adopted by competent authorities.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) No more than 03 full-time deputy presidents, for an association having CPV designated representation;

b) No more than 02 full-time deputy presidents, for an association that does not have CPV designated representation;

c) The number of part-time deputy presidents who may be elected to meet the association’s operating requirements shall be considered and decided by the competent authority.

5. The maximum number of full-time deputy presidents of an association performing tasks assigned by CPV or the State is 02 persons, if it operates within a province, or 01 person, if it operates within a district.

Chapter VII

STATE MANAGEMENT OF ASSOCIATIONS

Article 43. Responsibilities of Ministry of Home Affairs

1. Formulate and propose the promulgation of legislative documents on associations or promulgate them under its authority.

2. Disseminate regulations of law on associations to ministries, central and local authorities, associations, and other organizations and citizens, and instruct them to implement such regulations.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. Take charge and cooperate with ministries and ministerial agencies in performing state management of organization and operation of associations.

5. Provide professional training and guidelines to officials and public employees performing state management of associations.

6. Examine and inspect the compliance with the law on associations and inspect the implementation of the association's charter according to its functions and tasks, except for contents under state management functions, tasks and authority of ministries and ministerial agencies, and operation of organizations having status of juridical persons affiliated to associations.

7. Commend and reward or suggest competent authorities to commend and reward associations, organizations and individuals with achievements in operation of associations according to regulations of law.

8. Handle complaints and denunciations and impose penalties for violations related to administrative decisions of the Ministry and official activities of officials and public employees at organizations affiliated to the Ministry in accordance with the law on complaints and denunciations.

9. Assist the Government in managing payrolls of associations performing tasks assigned by CPV or the State at central level in accordance with regulations of law and those adopted by competent authorities.

10. Approve aids, inspect and supervise the receipt, management and use of aids by associations that are established with permission given by and whose charter is approved by the Ministry of Home Affairs in accordance with the law.

11. Make and submit consolidated reports on organization, operation and management of associations to the Prime Minister.

12. Build, operate and manage the association database; update the association database with information on operations operating nationwide or in more than a province.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 44. Responsibilities of ministries and ministerial agencies

1. Take responsibility for state management of associations in areas under state management of ministries and ministerial agencies as prescribed by law. Collect opinions of associations to complete regulations on state management of industries and areas.

2. The regulatory authority in charge of managing the industry or area which will be the association’s main area of operation shall get opinions from agencies relevant to the association’s operation before issuing a decision to recognize the founding committee in charge of the association establishment.

3. Give written opinions on contents related to areas under state management of ministries and ministerial agencies to competent authorities upon settling association-related procedures as prescribed in clause 2 Article 15 of this Decree; instruct and enable associations to hold establishment congresses, term’s congresses and extraordinary congresses.

4. Instruct and enable associations to participate in activities in industries and areas under the state management of ministries and central authorities; instruct associations to participate in research programs, projects and schemes, provide consultancy and public services, organize vocational training courses and issue practicing certificates, certificates of competency and other certificates under their authority as prescribed by laws; grant certificates of registration of operation or operation licenses to juridical persons affiliated to associations (if any) as prescribed in clause 4 Article 25 of this Decree, and properly manage these organizations as per law.

5. Obtain opinions from the competent authorities prescribed in clause 2 Article 15 of this Decree before granting certificates of registration of operation or operation licenses to juridical persons affiliated to associations as prescribed in clause 4 Article 25 of this Decree.

6. Commend and reward or suggest competent authorities to commend and reward associations, organizations and individuals with achievements in operation of associations related to the areas under state management of ministries and ministerial agencies as prescribed by law.

7. Examine and inspect operation of associations in the areas under their state management, including juridical persons affiliated to associations licensed for operation by ministries and central authorities; handle, suspend and revoke certificates of registration of operation or operation licenses of juridical persons affiliated to associations or recommend competent authorities to impose penalties for violations (if any) as per law.

8. Handle complaints and denunciations, and impose penalties for violations related to administrative decisions of ministries and ministerial agencies and official activities of officials and public employees of units affiliated to ministries and ministerial agencies in relation to the associations in accordance with the law on complaints and denunciations.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



10. Notify in writing to the Ministry of Home Affairs of their decisions to assign associations to participate in activities in the industries and areas under their management, and provide funding support to for associations that are established with permission given by and whose charter is approved by the Ministry of Home Affairs.

11. Make and submit annual consolidated reports to the Ministry of Home Affairs on operation of associations under line management of their main areas of operation.

12. Cooperate in building and operating the association database in respect of the operations operating nationwide or in more than a province.

13. Perform other tasks as prescribed by law.

Article 45. Responsibilities of Ministry of Finance of Vietnam

1. Make and submit consolidated cost estimate to competent authorities for allocating state budget-derived funding for recurrent expenditures to associations operating nationwide or in more than a province in accordance with provisions of the Law on state budget.

2. Take charge and cooperate with the Ministry of Home Affairs and relevant agencies in inspecting finances and assets derived or acquired with funding from state budget of associations operating nationwide or in more than a province.

Article 46. Responsibilities of Ministry of Public Security of Vietnam

Assume responsibility to prevent and combat violations against law committed by associations, and perform state management of public order and security in respect of activities performed by associations; instruct associations to follow procedures for registration of their sample seals.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Assume responsibility to perform state management of press activities in respect of press agencies and magazines which are affiliated to associations and established in accordance with regulations of law on press; give written opinions about appointment, dismissal, commendation and imposition of disciplinary penalties on heads of press agencies affiliated to associations according to regulations adopted by CPV and the State of Vietnam.

Article 48. Responsibilities of Ministry of Foreign Affairs of Vietnam

Assume responsibility to perform state management of activities of associations under its state management as prescribed by law.

Article 49. Responsibilities of provincial People’s Committees

1. Manage, inspect and examine the observance of law on associations and association’s charters, organization and operation of associations operating in their provinces, districts and communes, and recommend imposition of penalties for violations (if any) committed by branches and representative offices of associations operating nationwide or in more than a province located within their provinces.

2. Disseminate regulations of law on associations to provincial-level departments, local authorities, People's Committees of districts and communes, associations, organizations and citizens in their provinces, and instruct them to implement such regulations.

3. Direct provincial-level departments, local authorities, People’s Committees of districts and communes to manage associations.

4. Provide professional training and guidelines to officials and public employees performing state management of associations in their provinces.

5. Commend and reward or suggest competent authorities to commend and reward associations, organizations and individuals with achievements in operation of associations in their provinces according to regulations of law.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



7. Consider and permit associations operating within a province, district or commune to receive aids from domestic and foreign organizations and individuals; inspect and supervise receipt, management and use of sponsorships and aids by associations in their provinces in accordance with regulations of law.

8. Manage payrolls of associations that perform tasks assigned by CPV or the State and operate within a province, district or commune in accordance with regulations of law and those adopted by competent authorities.

9. Handle complaints and denunciations, and impose penalties for violations related to administrative decisions of provincial People’s Committees and official activities of officials and public employees of units affiliated to provincial People’s Committees in relation to the associations in accordance with the law.

10. Make and submit annual consolidated reports to the Ministry of Home Affairs on organization, operation and management of associations operating within a province, district or commune, including operation of branches and representative offices of associations operating nationwide or in more than a province located within their provinces.

11. Consider deciding to assign tasks to associations operating within a province, district or commune in conformity with their areas of operation.

12. Manage external affairs, and international conventions and seminars organized by associations operating within a province, district or commune in their provinces.

13. Inspect and examine the compliance with regulations of law on accounting; inspect finance and asset-related activities, settle complaints and denunciations, and impose penalties for violations against regulations on assets, finance and accounting committed by associations operating within a province, district or commune.

14. Update the association database under decentralized management authority; cooperate in building, operating and managing the association database in respect of associations operating within a province, district or commune.

15. Chairpersons of provincial People’s Committees shall exercise its powers specified in clause 3 Article 15 of this Decree.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 50. Responsibilities of district-level People’s Committees

1. Manage, inspect and examine the observance of regulations of law on associations and association’s charters operating within a district or commune.

2. Inspect finance and asset-related activities, settle complaints and denunciations, and impose penalties for violations against regulations on assets, finance and accounting committed by associations operating within a district or commune.

3. Commend and reward or suggest competent authorities to commend and reward associations, organizations and individuals with achievements according to regulations of law.

4. Handle complaints and denunciations and impose penalties for violations related to administrative decisions and official activities of officials and public employees at organizations affiliated to People’s Committees of districts and communes in accordance with the law.

5. Consider deciding to assign tasks to associations operating within a district or commune in conformity with their areas of operation.

6. Make and submit annual consolidated reports to provincial People’s Committees on organization, operation and management of funds operating within a district or commune.

7. Update the association database under decentralized management authority and cooperate in building, operating and managing the association database in respect of associations operating within a district or commune.

8. Chairpersons of district-level People’s Committees shall exercise its powers specified in clause 4 Article 15 of this Decree.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Chapter VIII

IMPLEMENTATION

Article 51. Presentation of document forms

1. List of document forms applicable to relevant associations, and Vietnamese organizations and individuals (Appendix II).

2. List of document forms applicable to regulatory authorities in charge of managing associations (Appendix III).

Article 52. Transition

1. Applications for handling of association-related procedures submitted before the effective date of this Decree shall be processed according to provisions of the Government’s Decree No. 45/2010/ND-CP dated April 21, 2010 prescribing organization, operation and management of associations, and the Government’s Decree No. 33/2012/ND-CP dated April 13, 2012 providing amendments to the Decree No. 45/2010/ND-CP and legislative documents providing guidelines for implementation thereof.

2. An association that performs tasks assigned by CPV or the State and has the number of full-time deputy presidents elected before the effective date of this Decree exceeding that prescribed in clauses 4, 5 Article 42 of this Decree shall continue operating until expiry of its existing term, and, if a full-time deputy president falls vacant, shall not elect substitute full-time deputy president in order to ensure compliance with provisions on maximum number of full-time deputy presidents of this Decree.

3. An association’s charter which has been approved by a competent authority before the effective date of this Decree shall still remain valid until the expiry of the association's term. After that, it shall be revised in conformity with provisions of this Decree.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 53. Effect and responsibility for implementation

1. This Decree comes into force from November 26, 2024 and supersedes the Government’s Decree No. 45/2010/ND-CP dated April 21, 2010 prescribing organization, operation and management of associations, and the Government’s Decree No. 33/2012/ND-CP dated April 13, 2012 providing amendments to the Decree No. 45/2010/ND-CP .

2. The Decision No. 68/2010/QD-TTg dated November 01, 2010 of the Prime Minister prescribing associations with specific characteristics and the Decision No. 71/2011/QD-TTg dated December 20, 2011 of the Prime Minister prescribing allocation of state budget-derived funding to associations with specific characteristics.

3. Ministers, heads of ministerial agencies, heads of Governmental agencies, Chairpersons of Provincial People’s Committees, Chairpersons of district-level People’s Committees, and relevant organizations and individuals are responsible for the implementation of this Decree.

ON BEHALF OF THE GOVERNMENT
PP. THE PRIME MINISTER
DEPUTY PRIME MINISTER




Nguyen Hoa Binh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 126/2024/NĐ-CP ngày 08/10/2024 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


20.508

DMCA.com Protection Status
IP: 3.146.152.147
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!