HIỆP ĐỊNH
GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
VÀCHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XLÔ-VA-KI-AVỀ NHẬN TRỞ LẠI CÔNG DÂN CỦA HAI NƯỚC
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam và Chính phủ Cộng hòa X-lô-va-ki-a, (Sau đây gọi là các Bên ký kết),
Mong muốn phát triển quan hệ hữu
nghị giữa hai nước,
Mong muốn hợp tác, trên cơ sở có
đi có lại để giải quyết các vấn đề liên quan đến việc nhận trở lại những công
dân cư trú bất hợp pháp trên lãnh thổ quốc gia của Bên ký kết kia,
Cố gắng ngăn ngừa tình trạng di
cư bất hợp pháp,
Đã thỏa thuận như sau:
Điều 1
Phù hợp với các quy định của
Hiệp định này, theo yêu cầu của một Bên ký kết, Bên ký kết kia nhận trở lại
công dân của mình nếu người này không hoặc không còn đáp ứng các quy định pháp
luật về nhập cảnh hoặc cư trú trên lãnh thổ của nước Bên ký kết yêu cầu (sau
đây gọi là "người trở về").
Điều 2
1. Phù hợp
với các quy định tại Điều 1, mỗi Bên ký kết sẽ nhận trở lại, sau khi xác minh
người trở về đáp ứng các điều kiện sau:
(a) Có quốc tịch của nước Bên ký
kết được yêu cầu, không đồng thời có quốc tịch của nước Bên ký kết yêu cầu hoặc
quốc tịch của bất kỳ nước nào khác;
(b) Trước đây đã có nơi thường
trú hợp pháp trên lãnh thổ nước Bên ký kết được yêu cầu và không có nơi thường
trú ở nước thứ ba;
(c) Là đối tượng của lệnh trục
xuất có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền của Quốc gia Bên ký kết
yêu cầu, phù hợp với pháp luật nước đó.
2. Đối với người đáp ứng các điều
kiện nêu tại mục (a) và (c) khoản 1 Điều này, và đã có nơi thường trú ở một nước
thứ ba trước khi đến lãnh thổ Quốc gia Bên ký kết yêu cầu thì Bên ký kết yêu cầu
sẽ tạo điều kiện để người này được quay trở lại nước thứ ba đó hoặc bất kỳ nước
nào khác cho phép họ cư trú theo nguyện vọng của họ.
3. Bên ký kết yêu cầu nhận trở lại
ngay, không chậm trễ và không cần bất kỳ thủ tục nào nếu các cơ quan có thẩm
quyền xác minh người trở về không có quốc tịch của nước Bên ký kết được yêu cầu
hoặc không đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều này của Hiệp định này tại thời
điểm trao trả.
Điều 3
1. Việc
trao trả và tiếp nhận người trở về phải được thực hiện phù hợp với pháp luật của
các Bên ký kết, luật pháp quốc tế, bảo đảm các nguyên tắc trật tự, an toàn, tôn
trọng nhân phẩm, có tính đến khía cạnh nhân đạo, tính thống nhất gia đình của
người trở về.
2. Cơ quan có thẩm quyền của Quốc
gia mỗi Bên ký kết phải tạo điều kiện để người trở về giải quyết các vấn đề cá
nhân của người này trong vòng 45 ngày kể từ ngày nhận được trả lời của Bên ký kết
kia đồng ý nhận trở lại.
3. Phù hợp với pháp luật của Bên
ký kết yêu cầu, người trở về được phép mang theo hoặc chuyển về lãnh thổ của nước
Bên ký kết được yêu cầu toàn bộ tài sản, kể cả mọi phương tiện thanh toán có được
một cách hợp pháp trong thời gian cư trú trên lãnh thổ nước Bên ký kết yêu cầu.
Điều 4
1. Sau khi
xác định người trở về đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 2 Hiệp định
này, Cơ quan có thẩm quyền của Quốc gia Bên ký kết yêu cầu gửi đến cơ quan có
thẩm quyền của Quốc gia Bên ký kết được yêu cầu hồ sơ yêu cầu nhận trở lại, bao
gồm: công hàm yêu cầu nhận trở lại, danh sách những người dự định được đưa trở
về, tờ khai chi tiết nhân thân của đương sự, bản sao lệnh trục xuất và các tài
liệu khác liên quan đến nhân thân, quốc tịch người trở về. Bản sao lệnh trục xuất
và các bản sao khác phải được dịch ra tiếng Anh và được xác nhận bởi cơ quan có
thẩm quyền nêu tại Điều 8 Hiệp định này.
2. Trong vòng 45 ngày kể từ ngày
nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cơ quan có thẩm quyền của Quốc gia Bên ký kết được yêu cầu
thông báo bằng văn bản cho Cơ quan có thẩm quyền của Quốc gia Bên ký kết yêu cầu
về việc đồng ý hoặc không đồng ý nhận trở lại đối với từng trường hợp được nêu
trong hồ sơ nói tại khoản 1 Điều này. Trong vòng 7 (bảy) ngày, Bên ký kết được
yêu cầu sẽ khẳng định việc tiếp nhận hồ sơ đối với Bên ký kết yêu cầu. Đối với
những trường hợp đồng ý nhận trở lại, Cơ quan có thẩm quyền của Quốc gia Bên ký
kết được yêu cầu sẽ cấp giấy tờ đi lại cho người đó và gửi văn bản thông báo việc
đồng ý nhận trở lại cho Cơ quan có thẩm quyền của Quốc gia Bên ký kết yêu cầu.
3. Ít nhất là 15 ngày trước chuyến
bay dự định đưa người trở về, Cơ quan có thẩm quyền của Quốc gia Bên ký kết yêu
cầu thông báo cho Cơ quan có thẩm quyền của Quốc gia Bên ký kết được yêu cầu về
cửa khẩu, số hiệu, thời gian chuếyn bay dự kiến nhập cảnh, danh sách những người
trở về và các chi tiết nhân thân của những viên chức đi kèm (họ tên, ngày sinh,
quốc tịch, số hộ chiếu, thời gian dự định lưu trú tại Bên ký kết được yêu cầu).
Sau khi nhận được các chi tiết nói trên, Bên ký kết được yêu cầu sẽ khẳng định
không chậm trễ thời gian tiếp nhận.
4. Khi trao trả người trở về tại
sân bay Quốc gia Bên ký kết được yêu cầu, viên chức đi kèm sẽ chuyển cho viên
chức có thẩm quyền của Quốc gia Bên ký kết được yêu cầu những tài liệu khác
liên quan đến việc trao trả (không phải là những tài liệu trong hồ sơ nhận trở
lại quy định tại khoản 1 Điều 1). Viên chức có thẩm quyền của các Quốc gia các
Bên ký kết phải ký biên bản về việc trao trả và tiếp nhận người trở về.
Điều 5
1. Bên ký
kết yêu cầu chịu mọi chi phí chuyên chở những người trở về đến sân bay quốc tế
của Quốc gia Bên ký kết được yêu cầu cũng như mọi chi phí nhận trở lại đối với
những trường hợp trao trả nhầm quy định tại khoản 3 Điều 2 Hiệp định này.
2. Các sân bay quốc tế là:
a) Sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội
Tel: + 84 4 8865230
Fax: + 84 4 8843462
Email: [email protected]
b) Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất,
thành phố Hồ Chí Minh
Tel: + 84 8 8440050
Fax: + 84 8 8488485
Email: [email protected]
Phía X-lô-va-ki-a:
a) Airport M.R. Stefanika –
Airport Bratislava, a.s.
Airport M.R. Stefanika – 823 11
Bratislava 21
Tel: + 421 2 48 57 33 53
Fax: + 421 2 48 57 33 32
Email: [email protected]
http://www.letiskobratislava.sk
b) Airport Kosice – Airport
Kosice, a.s.
Airport Kosice, 041 75 Kosice
Tel: + 421 55 68 32 123
Fax: + 421 55 68 32 202
Email: [email protected]
http://www.airportkosice.sk
Điều 6
1. Các
dữ liệu cá nhân cần thiết được cung cấp vì mục đích thực hiện Hiệp định này phải
được bảo mật phù hợp với các quy định pháp luật của các Bên ký kết.
2. Trong khi thực hiện Hiệp định
này, các Bên ký kết chỉ trao đổi những dữ liệu sau:
(a) Các dữ liệu về nhân thân của
người trở về và của thành viên gia đình người đó (họ tên, các tên sử dụng trước
đây, các tên khác, bí danh, ngày và nơi sinh, giới tính, quốc tịch hiện nay và
quốc tịch trước đây);
(b) Các dữ liệu liên quan đến hộ
chiếu, chứng minh thư, các giấy tờ nhân thân khác, giấy tờ đi lại hoặc giấy
thông hành (số, thời hạn giá trị, ngày cấp, cơ quan cấp, nơi cấp v.v…);
(c) Các dữ liệu khác cần thiết
cho việc xác minh nhân thân người trở về;
(d) Dữ liệu về chuyến bay chở
người trở về.
Điều 7
1. Quốc tịch Việt Nam của
người trở về được chứng minh bởi một trong những loại giấy tờ còn giá trị dưới
đây:
(a) Hộ chiếu Việt Nam;
(b) Giấy chứng minh nhân dân;
(c) Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam;
(d) Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam hoặc
cho trở lại quốc tịch Việt Nam.
2. Quốc tịch X-lô-va-ki-a của người trở về được
chứng minh bởi một trong những loại giấy tờ còn giá trị dưới đây:
(a) Giấy tờ đi lại của X-lô-va-ki-a;
(b) Chứng minh thư của Cộng hòa X-lô-va-ki-a;
(c) Chứng minh thư của Cộng hòa Tiệp Khắc, Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc, Cộng hòa liên bang Séc và X-lô-va-ki-a có ghi
rõ quốc tịch Cộng hòa X-lô-va-ki-a;
(d) Giấy chứng nhận có quốc tịch Cộng hòa
X-lô-va-ki-a.
3. Với mục đích xác minh quốc tịch Việt Nam và
nơi thường trú của người trở về, Bên ký kết yêu cầu có thể cung cấp cho Bên ký
kết được yêu cầu những giấy tờ sau của Việt Nam:
(a) Hộ chiếu đã hết hạn;
(b) Giấy chứng minh bên giới;
(c) Giấy chứng minh quân nhân;
(d) Giấy thông hành có ảnh;
(e) Hộ chiếu thuyền viên;
(f) Giấy khai sinh;
(g) Sổ hộ khẩu;
(h) Thẻ cử tri mới nhất;
(i) Giấy phép lái xe.
4. Với mục đích xác minh quốc tịch X-lô-va-ki-a
và nơi thường trú của người trở về, Bên ký kết yêu cầu có thể cung cấp cho Bên
ký kết được yêu cầu những giấy tờ của X-lô-va-ki-a:
(a) Giấy tờ không còn giá trị nêu tại khoản 2 Điều
này;
(b) Sổ quân tịch hoặc các giấy tờ nhân thân khác
cấp cho thành viên các lực lượng vũ trang;
(c) Giấy khai sinh;
(d) Giấy phép lái xe;
(e) Bản chụp các giấy tờ nêu trên.
5. Các Bên ký kết trao đổi cho nhau qua đường
ngoại giao mẫu các giấy tờ nêu tại khoản 1 và 2 Điều này chậm nhất vào ngày Hiệp
định này có hiệu lực.
Điều 8
Các cơ
quan có thẩm quyền tiếp nhận và xử lý yêu cầu nhận trở lại nêu tại Điều 4 Hiệp
định này là:
1. Bên Việt Nam:
Bộ Công an
Cục Quản lý xuất nhập cảnh
Địa chỉ: 40 A Hàng Bài, Hà Nội
Điện thoại: + 84 4 825 7941
Fax: + 84 4 824 3288, 824 3287
Email: [email protected]
2. Bên X-lô-va-ki-a:
Bộ Nội vụ Cộng hòa X-lô-va-ki-a
Bộ tư lệnh Cảnh sát
Cục Biên phòng và Ngoại kiều
Địa chỉ: Vajnorská 25, 812 72
Bratislava, Cộng hòa X-lô-va-ki-a
Tel: + 421 09610 507 01, 09610
507 07
Fax: + 421 09610 590 74, 09610
590 79
3. Tiếng Anh là ngôn ngữ dùng để
liên hệ giữa các cơ quan có thẩm quyền.
Điều 9
1. Các quy
định của Hiệp định này không áp dụng đối với công dân của một Bên ký kết đã nhập
cảnh vào lãnh thổ Bên ký kết kia trước ngày Hiệp định có hiệu lực.
2. Hiệp định này không ảnh hưởng
đến nghĩa vụ của các Bên ký kết theo:
(a) Các điều ước quốc tế về nhận
trở lại hoặc chuyển giao công dân nước thứ ba;
(b) Công ước ngày 28 tháng 7 năm
1951 về Quy chế người tỵ nạn và Nghị định thư ngày 31 tháng 01 năm 1967 về Quy
chế người Tỵ nạn;
(c) Các điều ước quốc tế song
phương hoặc đa phương khác có hiệu lực với một Bên ký kết.
Điều 10
1. Hiệp định
này có hiệu lực không thời hạn.
2. Hiệp định sẽ có hiệu lực sau
mười lăm (15) ngày kể từ ngày nhận được công hàm sau cùng, theo đó hai Bên ký kết
sẽ thông qua đường ngoại giao, thông báo cho nhau về việc hoàn tất các thủ tục
cần thiết để Hiệp định có hiệu lực phù hợp với pháp luật của mỗi Bên ký kết.
3. Các Bên ký kết có thể sửa đổi,
bổ sung Hiệp định này thông qua trao đổi công hàm sau khi đã được cả hai Bên nhất
trí thỏa thuận.
4. Mỗi Bên ký kết có thể huỷ bỏ
Hiệp định này bằng cách thông báo bằng văn bản qua đường ngoại giao. Trong trường
hợp này, Hiệp định sẽ hết hiệu lực vào ngày thứ chín mươi (90), kể từ ngày chuyển
văn bản thông báo hủy bỏ Hiệp định cho Bên ký kết kia.
Làm tại Bratislava ngày 17 tháng
10 năm 2005 thanh hai bản gốc, mỗi bản bằng tiếng Việt, tiếng Xlô-vắc và tiếng
Anh, tất cả các văn bản có giá trị như nhau. Trường hợp có sự hiểu khác nhau
thì bản tiếng Anh sẽ được dùng để đối chiếu./.
THAY MẶT CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HÒA
X-LÔ-VA-KI-A
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
Vladimir Palko
|
THAY MẶT CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
THỨ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO
Nguyễn Phú Bình
|