BỘ
NGOẠI GIAO
*******
Số
: 71/2004/LPQT
|
Hà
Nội, ngày 02 tháng 8 năm 2004
|
Hiệp định hợp tác về nuôi con
nuôi gữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Italia có hiệu lực từ
ngày 21 tháng 4 năm 2004./.
|
TL.
BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG
Nguyễn Hoàng Anh
|
HIỆP ĐỊNH
HỢP TÁC VỀ NUÔI CON NUÔI GIỮA CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT
NAM VÀ CỘNG HÒA ITALIA
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam và Cộng hòa Italia (sau đây gọi là các Nước ký kết);
Thừa nhận rằng, để phát triển
hài hòa nhân cách của mình, trẻ em cần được trưởng thành trong môi trường yêu
thương, hạnh phúc và cảm thông của gia đình;
Thừa nhận rằng, mỗi Nước ký kết
cần áp dụng các biện pháp thích hợp bảo đảm cho trẻ em được chăm sóc trong môi
trường gia đình, những trẻ em không có gia đình được chăm sóc trong môi trường
thay thế gia đình;
Thừa nhận rằng, nuôi con nuôi quốc
tế là biện pháp phù hợp nhằm đem lại một môi trường gia đình ổn định cho trẻ em
trong trường hợp không tìm được gia đình thích hợp cho trẻ em đó ngay tại nước
gốc của mình;
Thừa nhận rằng, trẻ em được nhận
làm con nuôi theo Hiệp định này được hưởng trên lãnh thổ của mỗi Nước ký kết đầy
đủ những quyền và lợi ích mà trẻ em là công dân hoặc thường trú trên lãnh thổ của
Nước ký kết đó được hưởng;
Đã quyết định ký kết Hiệp định
này với các điều khoản dưới đây:
Chương 1
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi áp dụng
1. Hiệp định này được áp dụng đối
với trường hợp trẻ em ở độ tuổi được cho làm con nuôi là công dân của Nước ký kết
này và thường trú trên lãnh thổ Nước ký kết đó, được một người hoặc một cặp vợ
chồng thường trú trên lãnh thổ của Nước ký kết kia nhận làm con nuôi (sau đây gọi
là Người nhận con nuôi).
Hiệp định này cũng được áp dụng
đối với trường hợp trẻ em không quốc tịch thường trú trên lãnh thổ của Nước ký
kết này được một người hoặc một cặp vợ chồng thường trú trên lãnh thổ của Nước
ký kết kia nhận làm con nuôi.
2. Việc nuôi con nuôi quy định tại
khoản 1 Điều này phải là việc nuôi con nuôi làm phát sinh quan hệ cha mẹ và con
giữa Người nhận con nuôi và trẻ em được nhận làm con nuôi.
Điều 2. Nguyên
tắc nuôi con nuôi
Các Nước ký kết cam kết thực hiện
những biện pháp hợp tác nhằm bảo đảm việc những người thường trú trên lãnh thổ
của Nước ký kết này (sau đây gọi là Nước tiếp nhận) xin nhận trẻ em thường trú
trên lãnh thổ của Nước ký kết kia làm con nuôi (sau đây gọi là Nước gốc) được
tiến hành một cách tự nguyện trên tinh thần nhân đạo, phù hợp với pháp luật của
mỗi Nước ký kết, tôn trọng Công ước của Liên hợp quốc ngày 20/11/1989 về quyền
trẻ em, nhằm bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em.
Điều 3. Bảo
vệ trẻ em
1. Các Nước ký kết áp dụng mọi
biện pháp phù hợp với pháp luật nước mình để phòng ngừa và xử lý các hành vi lợi
dụng việc nuôi con nuôi nhằm mục đích bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục
trẻ em; bắt cóc, đánh tráo, mua bán trẻ em để cho làm con nuôi; các hành vi nhằm
thu lợi bất hợp pháp từ việc nuôi con nuôi; các hành vi khác xâm phạm quyền và
lợi ích của trẻ em.
2. Trên tinh thần nhân đạo và vì
mục đích bảo vệ trẻ em, các Nước ký kết tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích
việc nhận trẻ em mồ côi, bị tàn tật làm con nuôi.
Điều 4. Miễn
hợp pháp hóa giấy tờ
Các giấy tờ, tài liệu do cơ quan
có thẩm quyền của Nước ký kết này cấp, công chứng, chứng thực để sử dụng trong
quá trình giải quyết việc nuôi con nuôi ở Nước ký kết kia theo quy định của Hiệp
định này được miễn hợp pháp hóa lãnh sự.
Điều 5. Ngôn
ngữ và chi phí liên hệ
Để thực hiện Hiệp định này, Cơ
quan Trung ương của các Nước ký kết liên hệ với nhau bằng ngôn ngữ của Nước gốc;
chi phí liên hệ phát sinh trên lãnh thổ Nước ký kết nào thì Nước ký kết đó chịu.
Chương 2
CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN VÀ TỔ CHỨC ĐƯỢC CẤP PHÉP
Điều 6. Cơ
quan Trung ương
Cơ quan Trung ương của các Nước
ký kết được chỉ định để thi hành Hiệp định này: về phía Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam là Cơ quan con nuôi quốc tế thuộc Bộ Tư Pháp, về phía Cộng hòa
Italia là Ủy ban con nuôi quốc tế đặt tại Văn phòng Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Điều 7. Yêu
cầu giúp đỡ nhằm thực hiện Hiệp định.
Để thực hiện Hiệp định này, Cơ
quan Trung ương của các Nước ký kết có thể yêu cầu sự giúp đỡ của các Cơ quan
nhà nước có thẩm quyền, cũng như các tổ chức con nuôi được phép hoạt động theo
pháp luật của Nước mình (sau đây gọi là Tổ chức được cấp phép).
Điều 8. Tổ
chức được cấp phép
1. Tổ chức được cấp phép hoạt động
theo pháp luật của Nước tiếp nhận, sau khi được cơ quan có thẩm quyền của Nước
gốc cấp giấy phép, thì được hoạt động nhân đạo, phi lợi nhuận trên lãnh thổ của
Nước gốc nhằm giúp đỡ những người thường trú trên lãnh thổ của Nước tiếp nhận
xin nhận trẻ em thường trú tại Nước gốc làm con nuôi theo quy định của Hiệp định
này.
2. Khi xin phép hoạt động tại Nước
gốc, Tổ chức được cấp phép phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện do pháp luật Nước
gốc quy định; có chương trình, kế hoạch, dự án hoạt động phi lợi nhuận trong
lĩnh vực nuôi con nuôi, bao gồm cả việc giúp đỡ tài chính nhân đạo cho cơ sở
nuôi dưỡng trẻ em tại Nước gốc.
3. Theo thỏa thuận của các Nước
ký kết và trên cơ sở ủy quyền bằng văn bản của Cơ quan Trung ương của Nước tiếp
nhận, Tổ chức được cấp phép được tham gia thực hiện một số hoạt động quy định tại
Điều 16, Điều 17 (khoản 2), Điều 18, Điều 20, Điều 22 và Điều 24 của Hiệp định
này.
Tổ chức được cấp phép hoạt động
dưới sự giám sát của Cơ quan Trung ương Nước gốc và Nước tiếp nhận.
4. Quyền và nghĩa vụ cụ thể của
Tổ chức được cấp phép tại Nước gốc do pháp luật của Nước gốc quy định.
Chương 3
LUẬT ÁP DỤNG VÀ THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT VIỆC NUÔI CON
NUÔI
Điều 9. Điều
kiện đối với trẻ em làm con nuôi
Điều kiện đối với trẻ em được nhận
làm con nuôi do pháp luật của Nước gốc quy định.
Việc xác định cá nhân hoặc tổ chức
có quyền đồng ý cho trẻ em làm con nuôi, cũng như hình thức của sự đồng ý đó,
phải tuân theo pháp luật của Nước gốc.
Điều 10.
Điều kiện đối với Người nhận con nuôi
Người nhận con nuôi phải tuân
theo các điều kiện do pháp luật của Nước tiếp nhận quy định đối với cha mẹ
nuôi, đồng thời còn phải tuân theo các điều kiện về con nuôi do pháp luật của
Nước gốc quy định.
Điều 11.
Thẩm quyền quyết định việc cho nhận con nuôi.
Việc cho nhận trẻ em làm con
nuôi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Nước gốc quyết định.
Điều 12.
Công nhận việc nuôi con nuôi
Quyết định của Cơ quan nhà nước
có thẩm quyền của Nước gốc cho nhận trẻ em làm con nuôi phù hợp với quy định của
pháp luật Nước gốc và Hiệp định này thì đương nhiên được công nhận tại Nước tiếp
nhận.
Điều 13. Hệ
quả pháp lý của việc nuôi con nuôi
1. Những hệ quả pháp lý của việc
nuôi con nuôi theo quy định của Hiệp định này được xác định theo pháp luật của
Nước ký kết nơi hoàn tất thủ tục nuôi con nuôi.
2. Trong trường hợp pháp luật của
Nước tiếp nhận quy định trẻ em được nhận làm con nuôi tại Nước tiếp nhận có quốc
tịch của Nước tiếp nhận, thì Cơ quan Trung ương của Nước tiếp nhận thông báo
cho Cơ quan Trung ương của Nước gốc về ngày mà trẻ em đó có quốc tịch của Nước
tiếp nhận.
Các Nước ký kết cam kết tạo điều
kiện thuận lợi để trẻ em sau khi được nhận làm con nuôi và có quốc tịch của Nước
tiếp nhận, nhưng vẫn mang quốc tịch của Nước gốc theo pháp luật của Nước gốc,
thực hiện quyền lựa chọn quốc tịch khi trẻ em đó đạt đến độ tuổi mà pháp luật
quy định được quyền lựa chọn quốc tịch.
Chương 4
THỦ TỤC GIẢI QUYẾT VIỆC NUÔI CON NUÔI
Điều 14. Hồ
sơ xin nhận con nuôi
1. Hồ sơ của Người nhận con nuôi
phải lập theo đúng quy định pháp luật của Nước tiếp nhận và Nước gốc, được Cơ
quan Trung ương của Nước tiếp nhận xác nhận theo các nội dung quy định tại Điều
15 của Hiệp định này.
2. Hồ sơ của Người nhận con nuôi
phải được dịch ra ngôn ngữ của Nước gốc, bản dịch do Cơ quan đại diện Ngoại
giao hoặc Cơ quan lãnh sự của Nước gốc chứng thực; chi phí dịch và chứng thực bản
dịch hồ sơ do Người nhận con nuôi chịu.
Điều 15.
Trách nhiệm của Cơ quan Trung ương Nước tiếp nhận.
Cơ quan Trung ương của Nước tiếp
nhận có trách nhiệm bảo đảm rằng:
a) Người nhận con nuôi có đủ các
điều kiện cần thiết cho việc nuôi con nuôi theo quy định tại Điều 10 của Hiệp định
này;
b) Người nhận con nuôi đã có đủ
các thông tin cần thiết và đã được chuẩn bị cho việc nuôi con nuôi, đặc biệt là
các thông tin về môi trường gia đình và xã hội ở Nước gốc của trẻ em.
c) Trẻ em sẽ được phép nhập cảnh
và thường trú tại Nước tiếp nhận.
Điều 16. Thủ
tục gửi hồ sơ của Người nhận con nuôi.
Cơ quan Trung ương của Nước tiếp
nhận gửi hồ sơ của Người nhận con nuôi cho Cơ quan Trung ương của Nước gốc, kèm
theo công hàm trong đó nêu rõ các thông tin về Người nhận con nuôi như sau:
a) Họ và tên, ngày tháng năm
sinh, giới tính, số hộ chiếu hoặc số căn cước, nơi thường trú, nghề nghiệp, địa
chỉ liên hệ.
b) Tình trạng năng lực hành vi
dân sự.
c) Khả năng bảo đảm việc nuôi con
nuôi (điều kiện kinh tế, mức thu nhập hàng năm, hoàn cảnh nhân thân, gia đình,
tình trạng sức khỏe, môi trường xã hội).
d) Lý do xin nhận con nuôi.
e) Các đặc điểm về trẻ em mà Người
nhận con nuôi có khả năng nuôi dưỡng.
Điều 17.
Trách nhiệm của Cơ quan Trung ương Nước gốc.
1. Cơ quan Trung ương của Nước gốc
có trách nhiệm bảo đảm rằng:
a) Trẻ em được giới thiệu làm
con nuôi là trẻ em thuộc diện có đủ điều kiện làm con nuôi theo quy định của
pháp luật Nước gốc.
b) Sau khi xem xét về khả năng
chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em đó tại nước mình, thì thấy việc cho trẻ em làm con
nuôi người nước ngoài là biện pháp thích hợp nhất bảo đảm lợi ích cho trẻ em
đó.
c) Đã có sự tự nguyện đồng ý rõ
ràng bằng văn bản của những người có quyền đồng ý cho trẻ em làm con nuôi, kể cả
sự đồng ý bằng văn bản của bản thân trẻ em đó về việc làm con nuôi khi đã đạt đến
độ tuổi mà pháp luật Nước gốc quy định phải có sự đồng ý của trẻ em.
Những người này đã được thông
tin đầy đủ về các hình thức nuôi con nuôi theo pháp luật của Nước tiếp nhận, đặc
biệt về những hệ quả pháp lý của các hình thức nuôi con nuôi đó.
2. Nếu xét thấy trẻ em có đủ điều
kiện cho làm con nuôi, Cơ quan Trung ương của Nước gốc chuyển hồ sơ của Người
nhận con nuôi đến Cơ quan có thẩm quyền của nước mình để giải quyết và thông
báo cho Cơ quan Trung ương của Nước tiếp nhận.
Điều 18. Thủ
tục giới thiệu trẻ em làm con nuôi
1. Cơ quan Trung ương của Nước gốc
gửi văn bản thông báo cho Cơ quan Trung ương của Nước tiếp nhận về trẻ em được
giới thiệu làm con nuôi theo các nội dung như sau:
a) Họ và tên, giới tính, ngày
tháng năm sinh, nơi cư trú,
b) Khả năng được cho làm con
nuôi,
c) Hoàn cảnh cá nhân, gia đình
và xã hội,
d) Tình trạng sức khỏe,
e) Các nhu cầu, sở thích đặc biệt
của trẻ em.
2. Cơ quan Trung ương của Nước
tiếp nhận, trong thời hạn sớm nhất, phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan
Trung ương của Nước gốc về ý kiến của Người nhận con nuôi về trẻ em được giới
thiệu.
Điều 19. Thủ
tục giao nhận con nuôi
1. Việc giao nhận con nuôi được
thực hiện theo pháp luật của Nước gốc.
2. Theo yêu cầu của Cơ quan
Trung ương Nước tiếp nhận, Cơ quan Trung ương của Nước gốc xác nhận việc giải
quyết cho trẻ em làm con nuôi đã được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật
Nước gốc và Hiệp định này.
3. Cơ quan Trung ương của hai Nước
ký kết bảo đảm tạo mọi điều kiện thuận lợi để trẻ em được nhận làm con nuôi xuất
cảnh Nước gốc, nhập cảnh và thường trú trên lãnh thổ của Nước tiếp nhận.
Điều 20.
Hoàn tất thủ tục nuôi con nuôi tại Nước tiếp nhận.
Sau khi hoàn tất các thủ tục về
nuôi con nuôi theo pháp luật nước mình, Cơ quan Trung ương Nước tiếp nhận thông
báo bằng văn bản cho Cơ quan Trung ương Nước gốc về việc đã hoàn tất thủ tục về
nuôi con nuôi.
Chương
NGHĨA VỤ HỢP TÁC
Điều 21. Hợp
tác nhằm bảo vệ trẻ em
1. Các Nước ký kết cam kết thực
hiện những biện pháp cần thiết để bảo vệ trẻ em được nhận làm con nuôi theo quy
định của Hiệp định này.
2. Các Nước ký kết bảo đảm rằng
trẻ em là công dân của Nước ký kết này được nhận làm con nuôi trên lãnh thổ của
Nước ký kết kia được bảo vệ và được hưởng đầy đủ những quyền và lợi ích mà Nước
ký kết đó dành cho trẻ em là công dân hoặc thường trú trên lãnh thổ của Nước
mình.
3. Trong trường hợp xét thấy việc
tiếp tục để trẻ em làm con nuôi trong gia đình cha mẹ nuôi không thể bảo đảm được
lợi ích tốt nhất của trẻ em, Cơ quan Trung ương của Nước tiếp nhận có trách nhiệm
áp dụng ngay lập tức mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ trẻ em đó. Cơ quan Trung
ương của Nước tiếp nhận có trách nhiệm thu xếp để trẻ em đó có một môi trường
khác bảo đảm cho sự phát triển ổn định của trẻ em và thông báo cho Cơ quan
Trung ương của Nước gốc.
4. Các Nước ký kết phải có những
biện pháp thích hợp để hồi hương trẻ em về Nước gốc, nếu đó là biện pháp cuối
cùng nhằm bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em đó.
Điều 22.
Trao đổi thông tin
1. Cơ quan Trung ương của các Nước
ký kết trao đổi cho nhau những văn bản quy phạm pháp luật về nuôi con nuôi, đặc
biệt là về các điều kiện đối với Người nhận con nuôi và đối với trẻ em được cho
làm con nuôi, số liệu thống kê và các thông tin cần thiết khác về lĩnh vực nuôi
con nuôi.
2. Cơ quan Trung ương của các Nước
ký kết thông tin cho nhau về tình hình thực hiện Hiệp định và tiến hành những
biện pháp cần thiết để giải quyết những khó khăn trong quá trình thực hiện Hiệp
định này.
3. Theo yêu cầu của Cơ quan
Trung ương Nước gốc và trên cơ sở phù hợp với pháp luật của nước mình, Cơ quan
Trung ương của Nước tiếp nhận cam kết cung cấp cho Cơ quan Trung ương của Nước
gốc các thông tin về một trường hợp nuôi con nuôi cụ thể. Cơ quan Trung ương của
Nước gốc cam kết giữ bí mật các thông tin đã được cung cấp theo quy định của
pháp luật nước mình, nhằm bảo vệ lợi ích tốt nhất cho trẻ em; chỉ sử dụng những
thông tin này vào mục đích đã nêu trong văn bản yêu cầu cung cấp thông tin.
Điều 23. Hỗ
trợ kỹ thuật nhằm thực hiện Hiệp định
Nhằm thực hiện tốt Hiệp định
này, các Nước ký kết cam kết hợp tác với nhau bằng hình thức hỗ trợ kỹ thuật,
đào tạo cán bộ, giúp đỡ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về nuôi con nuôi và các
cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, cũng như trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nuôi con
nuôi quốc tế.
Điều 24.
Nhóm công tác hỗn hợp
1. Nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm
chỉnh Hiệp định này, các Nước ký kết thành lập Nhóm Công tác hỗn hợp gồm đại diện
ngang nhau của Cơ quan Trung ương và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền
trong lĩnh vực nuôi con nuôi của mỗi Nước ký kết.
2. Nhóm Công tác hỗn hợp họp định
kỳ mỗi năm một lần, lần lượt ở các Nước ký kết. Các Nước ký kết có thể triệu tập
phiên họp bất thường của Nhóm Công tác hỗn hợp, nếu xét thấy cần thiết.
Theo thỏa thuận của các Nước ký
kết, trong trường hợp cần thiết, có thể cho phép đại diện của Tổ chức được cấp
phép tham dự các phiên họp của Nhóm Công tác hỗn hợp với tư cách quan sát viên.
3. Nhóm Công tác hỗn hợp có
trách nhiệm xem xét, đánh giá tình hình thực hiện Hiệp định, thỏa thuận về các
biện pháp hỗ trợ kỹ thuật quy định tại Điều 23, về khoản giúp đỡ tài chính nhân
đạo của Tổ chức được cấp phép cho cơ sở nuôi dưỡng trẻ em tại Nước gốc quy định
tại khoản 2 Điều 8 của Hiệp định này, bàn bạc về các biện pháp xử lý những vấn
đề phát sinh trong quá trình thi hành Hiệp định.
Chương 6
ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG
Điều 25. Hiệu
lực và thời hạn có hiệu lực
1. Hiệp định này phải được phê
chuẩn phù hợp với pháp luật của mỗi Nước ký kết và sẽ có hiệu lực sau 30 ngày,
kể từ ngày các Nước ký kết trao đổi văn kiện phê chuẩn.
2. Hiệp định này có giá trị
trong thời hạn 5 năm và được mặc nhiên gia hạn mỗi lần 5 năm, nếu sáu tháng trước
khi Hiệp định hết hiệu lực, không Nước ký kết nào nhận được thông báo bằng văn
bản của Nước ký kết kia về ý định chấm dứt hiệu lực của Hiệp định.
Điều 26. Sửa
đổi, bổ sung
Hiệp định này có thể được sửa đổi
bổ sung theo sự thỏa thuận bằng văn bản của các Nước ký kết. Mọi yêu cầu sửa đổi,
bổ sung phải được gửi qua đường ngoại giao.
Làm tại Hà Nội, ngày 13 tháng 6
năm 2003 thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Việt, tiếng Italia và tiếng Pháp, cả
ba văn bản đều có giá trị như nhau. Trong trường hợp có sự giải thích khác
nhau, thì lấy văn bản tiếng Pháp làm bằng.
Để làm bằng, Đại diện được ủy
quyền của các Nước ký kết đã ký và đóng dấu vào Hiệp định này./.
THAY
MẶT CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
Uông Chu Lưu
|
THAY
MẶT CỘNG HÒA ITALIA
ĐẠI SỨ ITALIA TẠI VIỆT NAM
Luigi Solari
|