Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 65/2020/NĐ-CP tổ chức quản lý người lưu trú tại cơ sở lưu trú trong thời gian chờ xuất cảnh

Số hiệu: 65/2020/ND-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
Ngày ban hành: 10/06/2020 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 65/2020/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 10 tháng 6 năm 2020

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC QUẢN LÝ VÀ CÁC CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI NGƯỜI LƯU TRÚ TẠI CƠ SỞ LƯU TRÚ TRONG THỜI GIAN CHỜ XUẤT CẢNH

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Thi hành án hình sự ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2019;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về tổ chức quản lý và các chế độ đối với người lưu trú tại cơ sở lưu trú trong thời gian chờ xuất cảnh.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết về tổ chức quản lý và các chế độ (bao gồm chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, liên lạc, thăm gặp, nhận quà, khám bệnh, chữa bệnh, chi phí mai táng) đối với người chấp hành án phạt trục xuất, người nước ngoài bị áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính là trục xuất và người nước ngoài đã chấp hành xong án phạt tù lưu trú tại cơ sở lưu trú của Bộ Công an trong thời gian chờ làm thủ tục xuất cảnh (gọi chung là người lưu trú).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với người lưu trú; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc tổ chức quản lý, bảo đảm các chế độ đối với người lưu trú. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế đó.

Điều 3. Kinh phí thực hiện

Kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang bị, phương tiện và thực hiện các chế độ đối với người lưu trú do ngân sách nhà nước bảo đảm và bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm của Bộ Công an.

Chương II

TỔ CHỨC QUẢN LÝ VÀ CÁC CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI NGƯỜI LƯU TRÚ

Điều 4. Tổ chức quản lý người lưu trú

1. Người lưu trú phải ở tập trung tại cơ sở lưu trú và chịu sự quản lý, giám sát của cơ sở lưu trú, được phổ biến Nội quy cơ sở lưu trú và các quy định của pháp luật về quản lý và thực hiện các chế độ đối với người lưu trú. Cơ sở lưu trú tổ chức tiếp nhận, quản lý người có quyết định đưa vào cơ sở lưu trú và bàn giao người lưu trú ra khỏi cơ sở lưu trú theo đúng quy định của pháp luật và của Bộ Công an.

Cơ sở lưu trú thực hiện các quy định về canh gác, dẫn giải, quản lý chặt chẽ người lưu trú trong thời gian lưu trú; xây dựng phương án và tổ chức các biện pháp bảo vệ an toàn cơ sở lưu trú; phối hợp truy tìm người lưu trú bỏ trốn khỏi cơ sở lưu trú; kiểm tra thư, bưu phẩm, tiền mặt, giấy tờ có giá, đồ vật của người lưu trú nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý đồ vật cấm mang vào cơ sở lưu trú; tiếp nhận, trả lời đơn thư, đề nghị cung cấp thông tin liên quan đến cơ sở lưu trú, người lưu trú và quản lý hồ sơ, cơ sở dữ liệu của người lưu trú theo quy định của pháp luật.

2. Bộ Công an quy định cụ thể nội quy cơ sở lưu trú và trình tự, thủ tục tiếp nhận, quản lý người có quyết định đưa vào cơ sở lưu trú và bàn giao người lưu trú ra khỏi cơ sở lưu trú.

Điều 5. Xử lý người lưu trú vi phạm Nội quy cơ sở lưu trú

1. Trường hợp người lưu trú vi phạm Nội quy cơ sở lưu trú, chống đối, không chấp hành sự hướng dẫn của cán bộ cơ sở lưu trú thì phải lập biên bản, có người chứng kiến và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cán bộ cơ sở lưu trú giải thích các quy định của pháp luật về việc quản lý và thực hiện chế độ, chính sách đối với người lưu trú, yêu cầu họ chấp hành Nội quy cơ sở lưu trú và mệnh lệnh của cán bộ cơ sở lưu trú; trường hợp cần thiết, cán bộ cơ sở lưu trú tiến hành sử dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để khống chế, cách ly người lưu trú sang phòng riêng, vô hiệu hóa hành vi chống đối của người lưu trú, phòng ngừa, ngăn chặn người lưu trú bỏ trốn, có hành vi gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của bản thân, người lưu trú khác hoặc cán bộ cơ sở lưu trú; hủy hoại tài sản của cơ sở lưu trú. Thời gian quản lý tại phòng riêng do Trưởng cơ sở lưu trú quyết định.

Cơ sở lưu trú phải báo ngay cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú để thông báo cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ thi hành án, Tòa án đã ra quyết định thi hành án (đối với trường hợp người lưu trú là người chấp hành án phạt trục xuất) hoặc Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ đề nghị trục xuất (đối với người nước ngoài bị áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính là trục xuất) để phối hợp, giải quyết và thông báo cho Bộ Ngoại giao để thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người đó mang quốc tịch hoặc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam nơi người đó làm việc; đồng thời, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú thông báo cho thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người lưu trú đang ở Việt Nam (nếu có) biết, phối hợp động viên, giáo dục, quản lý người lưu trú.

2. Trường hợp hành vi vi phạm của người lưu trú có dấu hiệu tội phạm thì cơ sở lưu trú phải báo ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền để khởi tố, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Trong thời gian chờ các quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền, cơ sở lưu trú phải quản lý chặt chẽ, không để người lưu trú bỏ trốn, tự sát hoặc vi phạm Nội quy cơ sở lưu trú. Đồng thời, thông báo cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú để thông báo cho các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều này biết, phối hợp giải quyết.

Điều 6. Chế độ ở đối với người lưu trú

1. Người lưu trú được bố trí ở buồng tập thể theo giới tính (nam, nữ); diện tích chỗ nằm tối thiểu là 03 m2/người (người lưu trú có con nhỏ ở cùng thì được bố trí chỗ nằm tối thiểu là 04 m2), có bệ gạch men hoặc giường, có phòng vệ sinh, có chiếu, chăn và màn. Người lưu trú là người đồng tính, người chuyển đổi giới tính, người chưa xác định rõ giới tính có thể được bố trí ở riêng.

2. Người lưu trú mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A và một số bệnh truyền nhiễm nhóm B theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm hoặc người mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình phải được bố trí ở riêng trong phòng cách ly.

Điều 7. Chế độ ăn, mặc đối với người lưu trú

1. Chế độ ăn của người lưu trú được Nhà nước bảo đảm, tiêu chuẩn định lượng mỗi tháng gồm: 17 kg gạo tẻ; 15 kg rau xanh; 01 kg thịt; 01 kg cá; 0,5 kg đường; 0,75 lít nước mắm; 0,2 lít dầu ăn; 0,1 kg bột ngọt; 0,5 kg muối; gia vị khác: tương đương 0,5 kg gạo tẻ; chất đốt: tương đương 17 kg củi hoặc 15 kg than; lương thực, thực phẩm, chất đốt bảo đảm chất lượng và có mức giá trung bình theo thời giá thị trường tại địa phương. Chế độ ăn trong ngày lễ, tết theo quy định của pháp luật Việt Nam và 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc, 01 ngày Quốc khánh của nước mà người lưu trú mang quốc tịch, người lưu trú được ăn thêm nhưng mức ăn không quá 05 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường. Cơ sở lưu trú có thể quyết định hoán đổi định lượng ăn cho phù hợp với thực tế để người lưu trú có thể ăn hết tiêu chuẩn.

2. Ngoài tiêu chuẩn ăn quy định tại khoản 1 Điều này, người lưu trú được sử dụng quà, tiền của mình để ăn thêm theo quy định của cơ sở lưu trú.

3. Người lưu trú được bảo đảm ăn, uống vệ sinh, an toàn thực phẩm. Cơ sở lưu trú được tổ chức bếp ăn tập thể, định mức dụng cụ cấp dưỡng của một bếp tập thể gồm: Bếp nấu; các loại nồi nấu cơm, nước, thức ăn; chảo, tủ đựng thức ăn, bình đựng nước uống; rổ, rá, bát, đũa, bàn, ghế và các dụng cụ, đồ dùng cần thiết khác phục vụ cho việc nấu ăn, bảo quản thức ăn, đun nước uống và chia đồ ăn cho người lưu trú theo khẩu phần tiêu chuẩn.

4. Chế độ ăn của người lưu trú bị ốm, bị bệnh do Trưởng cơ sở lưu trú quyết định theo chỉ định của cán bộ y tế. Người lưu trú là nữ trong thời gian mang thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì định lượng ăn được tăng thêm 02 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường so với định lượng quy định tại khoản 1 Điều này và được hoán đổi theo chỉ định của y sĩ hoặc bác sĩ.

5. Người lưu trú được mang vào cơ sở lưu trú đồ dùng cá nhân thiết yếu để sử dụng theo quy định của Bộ Công an. Trường hợp người lưu trú thiếu quần, áo thì tùy theo thời gian lưu trú, khí hậu theo mùa, được cấp từ một đến hai bộ quần áo bằng vải thường.

Điều 8. Chế độ hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của người lưu trú

Người lưu trú được hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, đọc sách, báo, nghe đài, xem truyền hình phù hợp với điều kiện của cơ sở lưu trú. Cơ sở lưu trú được trang bị một hệ thống truyền thanh nội bộ; mỗi phòng ở được trang bị 01 ti vi và người lưu trú được mượn sách, báo của cơ sở lưu trú. Thời gian hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, đọc sách, báo, nghe đài, xem truyền hình của người lưu trú được thực hiện theo Nội quy cơ sở lưu trú.

Điều 9. Chế độ thông tin liên lạc của người lưu trú

1. Người lưu trú được liên lạc bằng điện thoại, nhận, gửi thư cho thân nhân, người đại diện hợp pháp của mình, cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự theo quy định của cơ sở lưu trú; cước phí điện thoại, gửi thư do người lưu trú tự chi trả.

2. Việc liên lạc của người lưu trú được quy định cụ thể như sau:

a) Người lưu trú được gửi mỗi tháng 04 lá thư. Người lưu trú đang bị xác minh, điều tra, xử lý về hành vi phạm tội hoặc có liên quan đến những vụ án khác mà cơ quan thụ lý vụ án có văn bản đề nghị kiểm duyệt chặt chẽ người lưu trú nhận, gửi thư để ngăn chặn người lưu trú trao đổi thông tin với những đối tượng khác các nội dung làm ảnh hưởng đến hoạt động điều tra, xác minh thì Trưởng cơ sở lưu trú trước khi cho người lưu trú nhận, gửi thư phải trao đổi nội dung cho cơ quan thụ lý biết, thống nhất có cho hay không cho người lưu trú nhận, gửi thư. Trường hợp không cho người lưu trú nhận, gửi thư thì Trưởng cơ sở lưu trú phải lập biên bản, ghi rõ lý do và có trách nhiệm thông báo cho người lưu trú và thân nhân biết.

b) Cơ sở lưu trú phối hợp với cơ quan bưu chính viễn thông địa phương lắp đặt máy điện thoại cố định có dây hoặc không dây và tổ chức cho người lưu trú liên lạc điện thoại trong nước, mỗi tháng 04 lần, mỗi lần không quá 10 phút. Trường hợp cấp bách, căn cứ nội dung đơn trình bày của người lưu trú, Trưởng cơ sở lưu trú xem xét, giải quyết cho người lưu trú được liên lạc điện thoại nhưng không quá 10 phút. Khi liên lạc điện thoại, người lưu trú phải liên lạc đúng số điện thoại và nội dung đã đăng ký. Trưởng cơ sở lưu trú cử cán bộ giám sát chặt chẽ nội dung trao đổi khi người lưu trú liên lạc điện thoại, nếu phát hiện nội dung trao đổi không đúng với đăng ký thì dừng ngay cuộc gọi và giải thích rõ cho người lưu trú biết, trường hợp xét thấy cần thiết phải lập biên bản. Cước phí điện thoại được tính theo giá của cơ quan bưu chính viễn thông và do người lưu trú chi trả từ tiền lưu ký theo hình thức ký sổ hoặc nguồn tài trợ khác nhưng phải được sự đồng ý của Trưởng cơ sở lưu trú.

Người lưu trú đang bị xác minh, điều tra, xử lý về hành vi phạm tội hoặc có liên quan đến những vụ án khác mà cơ quan thụ lý vụ án có văn bản đề nghị kiểm duyệt chặt chẽ người lưu trú liên lạc điện thoại để ngăn chặn người lưu trú thông tin, liên lạc với những đối tượng khác các nội dung làm ảnh hưởng đến hoạt động điều tra, xác minh thì Trưởng cơ sở lưu trú trước khi cho người lưu trú liên lạc điện thoại phải trao đổi, đề nghị cơ quan thụ lý vụ án phối hợp, kiểm soát chặt chẽ người lưu trú liên lạc điện thoại. Nếu xét thấy người lưu trú trao đổi những nội dung có thể ảnh hưởng đến hoạt động điều tra, xác minh thì Trưởng cơ sở lưu trú thống nhất với cơ quan thụ lý vụ án dừng ngay cuộc liên lạc, lập biên bản, ghi rõ lý do và có trách nhiệm thông báo cho người lưu trú và thân nhân biết.

Điều 10. Chế độ thăm gặp, nhận quà đối với người lưu trú

1. Người lưu trú được gặp thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của mình tại phòng thăm gặp của cơ sở lưu trú. Mỗi tuần được gặp 01 lần, mỗi lần gặp không quá 02 giờ. Trường hợp đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác của Việt Nam đề nghị được gặp người lưu trú thì Trưởng cơ sở lưu trú xem xét, quyết định, nếu xét thấy phù hợp với lợi ích hợp pháp của người lưu trú cũng như yêu cầu quản lý người lưu trú và đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Người lưu trú chấp hành tốt Nội quy cơ sở lưu trú có thể được gặp vợ hoặc chồng tại phòng riêng của cơ sở lưu trú mỗi tháng 01 lần, mỗi lần không quá 24 giờ. Người lưu trú vi phạm Nội quy cơ sở lưu trú thì 01 tháng được gặp thân nhân 01 lần, mỗi lần không quá 01 giờ.

Người lưu trú đang bị điều tra, xử lý về hành vi phạm tội khác hoặc có liên quan đến những vụ án khác mà cơ quan thụ lý vụ án có văn bản đề nghị không cho người lưu trú gặp hoặc yêu cầu phối hợp với cơ sở lưu trú để giám sát chế độ thăm gặp của người lưu trú thì Trưởng cơ sở lưu trú xem xét, phối hợp thực hiện và giải thích rõ cho người đến thăm gặp người lưu trú biết.

2. Thân nhân được gặp người lưu trú gồm: Ông, bà nội; ông, bà ngoại; bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ (hoặc chồng); bố, mẹ nuôi hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi hợp pháp; anh, chị, em ruột, dâu, rể; anh, chị em vợ (hoặc chồng); cô, dì, chú, bác, cậu, cháu ruột. Mỗi lần đến gặp người lưu trú tối đa không quá 03 người, trường hợp đặc biệt do yêu cầu quản lý, giáo dục người lưu trú, Trưởng cơ sở lưu trú có thể quyết định tăng số lượng thân nhân được gặp người lưu trú nhưng không quá 05 người và phải bảo đảm không làm ảnh hưởng đến an ninh, an toàn cơ sở lưu trú.

3. Thủ tục thăm gặp:

a) Thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người lưu trú đến thăm gặp phải có đơn xin gặp viết bằng tiếng Việt hoặc được dịch ra tiếng Việt theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ tùy thân khác để cơ sở lưu trú kiểm tra, tổ chức cho thăm gặp đúng đối tượng.

b) Người lưu trú được gặp vợ (hoặc chồng) ở phòng riêng theo quy định tại khoản 1 Điều này thì vợ (hoặc chồng) người lưu trú phải có đủ thủ tục thăm gặp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này và các giấy tờ, tài liệu chứng minh là vợ (hoặc chồng) của người lưu trú, có xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự của nước mà người đó mang quốc tịch hoặc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam nơi người đó làm việc hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú (đối với trường hợp vợ hoặc chồng người lưu trú là người Việt Nam); người lưu trú và vợ (hoặc chồng) đều phải có đơn xin thăm gặp ở phòng riêng theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này gửi Trưởng cơ sở lưu trú xem xét, quyết định.

c) Việc giải quyết cho người lưu trú gặp thân nhân do Trưởng cơ sở lưu trú quyết định tùy theo điều kiện và giờ làm việc của cơ sở lưu trú, thời gian thăm gặp theo quy định tại khoản 1 Điều này.

4. Thủ tục thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự:

a) Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài có yêu cầu thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự đối với người lưu trú mang quốc tịch nước mình tại cơ sở lưu trú phải gửi văn bản đề nghị đến Bộ Ngoại giao. Nội dung văn bản đề nghị bao gồm: Tên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự gửi văn bản; họ, tên, quốc tịch người lưu trú cần thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự; cơ sở lưu trú nơi người lưu trú đang lưu trú; họ, tên, chức vụ, chứng minh thư ngoại giao hoặc công vụ của những người đến thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự; họ, tên, chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân của người phiên dịch (nếu có); thời gian dự kiến đề nghị được gặp, tiếp xúc lãnh sự.

b) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm thông báo cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú phải trả lời bằng văn bản cho Bộ Ngoại giao để thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài đã đề nghị để liên hệ cấp giấy giới thiệu thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự.

5. Khi thăm gặp, người lưu trú được nhận thư, tiền, đồ vật, trừ đồ vật thuộc danh mục cấm theo quy định của Nội quy cơ sở lưu trú; cơ sở lưu trú có trách nhiệm kiểm tra đồ vật trước khi đưa vào cơ sở lưu trú. Việc quản lý, sử dụng tiền, đồ vật của người lưu trú được thực hiện theo quy định tại Điều 11 Nghị định này.

6. Người đến thăm gặp phải chấp hành nghiêm pháp luật Việt Nam, Nội quy nhà thăm gặp và sự hướng dẫn của cán bộ cơ sở lưu trú.

Điều 11. Quản lý tài sản của người lưu trú

Người lưu trú có ngoại tệ, giấy tờ có giá, vàng, bạc, đồng hồ, đồ trang sức quý, tư trang và những đồ vật có giá trị khác, cơ sở lưu trú phải lập biên bản và niêm phong, gửi vào lưu ký để quản lý, người lưu trú được nhận lại trước khi xuất cảnh. Trường hợp người lưu trú có đơn đề nghị được chuyển đồ, tư trang nêu trên cho thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của mình thì cơ sở lưu trú có trách nhiệm lập biên bản giao cho thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người lưu trú. Riêng đồng tiền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (tiền mặt) thì gửi lưu ký để người lưu trú sử dụng.

Điều 12. Chế độ khám bệnh, chữa bệnh đối với người lưu trú

1. Người lưu trú bị ốm, bị thương tích được khám bệnh, chữa bệnh và điều trị tại cơ sở y tế của cơ sở lưu trú. Trường hợp người lưu trú bị bệnh nặng hoặc thương tích vượt quá khả năng điều trị của y tế cơ sở lưu trú thì chuyển họ đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên là tuyến huyện hoặc tuyến tỉnh, bệnh viện cấp quân khu để điều trị. Chế độ ăn, cấp phát thuốc, bồi dưỡng cho người lưu trú do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ định theo bệnh lý và theo mức độ nặng, nhẹ của bệnh; tiền thuốc chữa bệnh thông thường cho người lưu trú được cấp tương đương 03 kg gạo tẻ loại trung bình/01 người/01 tháng. Trường hợp người lưu trú có yêu cầu đến cơ sở y tế khám bệnh, chữa bệnh theo nguyện vọng thì phải được Trưởng cơ sở lưu trú cho phép và tự chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

Cơ sở lưu trú phải thông báo việc người lưu trú điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú để thông báo cho các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này và thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người lưu trú đang ở Việt Nam (nếu có) để phối hợp chăm sóc, điều trị.

Kinh phí khám bệnh, chữa bệnh cho người lưu trú tại các cơ sở y tế do Nhà nước cấp. Nếu việc khám bệnh, chữa bệnh cho người lưu trú phải sử dụng kỹ thuật cao, chi phí lớn, vượt quá định mức thì người lưu trú phải tự thanh toán.

2. Người lưu trú là nữ trong thời gian mang thai được khám thai định kỳ hoặc đột xuất, được chăm sóc y tế trong trường hợp cần thiết; đến thời gian sinh con thì cơ sở lưu trú có trách nhiệm đưa người lưu trú đến cơ sở y tế Nhà nước gần nhất để sinh con và cấp các đồ dùng cần thiết cho việc chăm sóc trẻ sơ sinh tương đương chế độ ăn 01 tháng của trẻ em dưới 36 tháng tuổi theo quy định tại Điều 13 Nghị định này. Sau khi sinh con, nếu người lưu trú có yêu cầu, thì cơ sở lưu trú có trách nhiệm làm thủ tục đề nghị đăng ký khai sinh cho con của người lưu trú theo quy định của pháp luật Việt Nam. Kinh phí chăm sóc y tế cho người lưu trú là nữ trong thời gian mang thai, sinh con tại cơ sở y tế do Nhà nước cấp.

3. Cơ sở lưu trú có trách nhiệm phối hợp với cơ sở y tế, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú để quản lý người lưu trú trong thời gian khám bệnh, chữa bệnh hoặc sinh con.

Điều 13. Chế độ đối với con của người lưu trú ở cùng cha, mẹ tại cơ sở lưu trú

1. Trẻ em dưới 16 tuổi là con của người lưu trú ở cùng cha, mẹ tại cơ sở lưu trú được bố trí diện tích chỗ nằm cùng phòng với cha, mẹ tại cơ sở lưu trú phù hợp với điều kiện thực tế và đặc điểm lứa tuổi, giới tính. Các chế độ ăn, mặc, ở, khám bệnh, chữa bệnh và mai táng (nếu bị chết) được thực hiện như đối với người lưu trú, phù hợp với trẻ em theo quy định của pháp luật Việt Nam; ngày Quốc tế Thiếu nhi (ngày 01 tháng 6 dương lịch), tết Trung thu được hưởng chế độ ăn gấp 02 lần ngày thường. Riêng trẻ em dưới 36 tháng tuổi, mỗi tháng được cấp thêm sữa và đồ dùng sinh hoạt cần thiết trị giá tương đương 20 kg gạo tẻ loại trung bình/01 trẻ em. Căn cứ vào lứa tuổi của trẻ và điều kiện thực tế, cơ sở lưu trú hoán đổi định lượng chế độ ăn cho phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của trẻ hoặc quy đổi thành tiền và gửi lưu ký của cha, mẹ trẻ em sử dụng trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng.

2. Trẻ em từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi là con của người lưu trú ở cùng cha, mẹ tại cơ sở lưu trú nhưng khác giới tính với cha, mẹ thì con của người lưu trú và người lưu trú có thể được bố trí ở riêng.

Điều 14. Giải quyết trường hợp người lưu trú hoặc con của người lưu trú ở cùng cha, mẹ tại cơ sở lưu trú chết

1. Trường hợp người lưu trú hoặc con của người lưu trú chết tại cơ sở lưu trú thì cơ sở lưu trú phải báo ngay cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú để xác định nguyên nhân chết. Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú phải thông báo ngay bằng văn bản hoặc bằng fax cho các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này (trường hợp người lưu trú là người nước ngoài đã chấp hành xong án phạt tù thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú chỉ phải thông báo cho Bộ Ngoại giao) và thông báo cho thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người lưu trú đang ở Việt Nam (nếu có) biết để phối hợp, giải quyết. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú có trách nhiệm tổ chức mai táng; Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mai táng có nhiệm vụ phối hợp với cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh trong việc mai táng. Trường hợp thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của người chết đề nghị được nhận tử thi về an táng và tự chịu chi phí thì giải quyết theo quy định tại Điều 15 Nghị định này.

2. Trong thời hạn 48 giờ kể từ khi làm xong các thủ tục quy định tại khoản 1 Điều này, nếu không có đề nghị xin nhận tử thi thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú tổ chức mai táng tử thi, chi phí mai táng do ngân sách nhà nước cấp, gồm: Tiền mua 01 quan tài bằng gỗ thường, 01 bộ quần áo thường, 04 m2 vải liệm, hương, nến, cồn vệ sinh và các khoản tiền chi phí khác tương đương 100 kg gạo tẻ loại trung bình.

Cơ sở lưu trú có trách nhiệm làm thủ tục đề nghị khai tử cho người nước ngoài chết tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Giải quyết cho nhận tử thi, hài cốt, tro cốt người lưu trú hoặc con của người lưu trú

1. Trường hợp người lưu trú chết hoặc con của người lưu trú ở cùng cha, mẹ tại cơ sở lưu trú chết mà thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người đó đề nghị được nhận tử thi về an táng, thì trong thời hạn 48 giờ kể từ khi làm xong các thủ tục quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định này, phải có đơn đề nghị viết bằng tiếng Việt hoặc được dịch ra tiếng Việt theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này gửi đến cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ thi hành án, Tòa án đã ra quyết định thi hành án (đối với người lưu trú thi hành án phạt trục xuất) hoặc gửi đến cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú (đối với người lưu trú là người nước ngoài chấp hành xong án phạt tù đang chờ làm thủ tục xuất cảnh) hoặc gửi cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ đề nghị trục xuất (đối với người lưu trú là người bị áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính là trục xuất) để xem xét, quyết định.

2. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được đơn đề nghị, Thủ trưởng các cơ quan nêu tại khoản 1 Điều này phải quyết định việc cho hay không cho nhận tử thi và thông báo bằng văn bản cho người có đơn đề nghị, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú (đối với người lưu trú thi hành án phạt trục xuất, người lưu trú bị xử phạt vi phạm hành chính là trục xuất) và các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này về việc cho nhận tử thi hoặc không cho nhận tử thi khi có căn cứ cho rằng việc nhận tử thi ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường.

3. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi thông báo cho nhận tử thi, các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều này, cơ sở lưu trú và người có đơn đề nghị phải tiến hành việc giao, nhận tử thi, tiền, tài sản hợp pháp của người lưu trú (nếu có) và phải lập biên bản, có chữ ký của bên giao, nhận và người chứng kiến; hết thời hạn này mà người có đơn đề nghị không đến nhận tử thi thì các cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức mai táng tử thi theo quy định tại Điều 14 Nghị định này.

4. Việc giải quyết cho nhận hài cốt người chết chỉ được thực hiện sau 03 năm kể từ ngày mai táng. Trường hợp hỏa táng, thì có thể giải quyết cho nhận tro cốt kể từ khi hoàn tất việc hỏa táng. Người đề nghị nhận hài cốt, tro cốt phải có đơn theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này gửi đến cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi an táng người lưu trú để xem xét, quyết định.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ khi nhận được đơn đề nghị, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh phải quyết định việc cho nhận hài cốt, tro cốt và phải thông báo bằng văn bản cho người có đơn đề nghị, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ thi hành án và Tòa án đã ra quyết định thi hành án (đối với người lưu trú thi hành án phạt trục xuất), Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ đề nghị trục xuất (đối với người lưu trú là người bị áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính là trục xuất) và các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này về việc cho nhận hoặc không cho nhận hài cốt, tro cốt khi có căn cứ cho rằng việc nhận hài cốt, tro cốt ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường.

5. Việc bảo quản, vận chuyển tử thi, tro cốt, hài cốt người chết do người có đơn đề nghị hoặc cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người đó là công dân, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế nơi người đó làm việc chịu trách nhiệm và phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về xử lý y tế; vệ sinh môi trường; phòng, chống bệnh truyền nhiễm và kiểm dịch y tế qua biên giới và các quy định khác của pháp luật Việt Nam.

Điều 16. Giải quyết trường hợp người lưu trú bỏ trốn

1. Trường hợp người lưu trú là người chấp hành án phạt trục xuất bỏ trốn thì thực hiện theo quy định tại Điều 122 Luật Thi hành án hình sự.

2. Trường hợp người lưu trú là người nước ngoài đã chấp hành xong án phạt tù đang trong thời gian lưu trú tại cơ sở lưu trú chờ làm thủ tục xuất cảnh bỏ trốn thì cơ sở lưu trú phải lập biên bản và báo ngay cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú để thông báo cho Bộ Ngoại giao thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nêu tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này và tổ chức truy tìm.

3. Trường hợp người lưu trú bị xử phạt vi phạm hành chính là trục xuất bỏ trốn thì cơ sở lưu trú phải lập biên bản và báo ngay cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú để thông báo cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ đề nghị trục xuất phối hợp, tổ chức truy tìm và giải quyết theo thẩm quyền.

Điều 17. Giải quyết trường hợp đề nghị thay đổi nơi lưu trú đối với người lưu trú

1. Người lưu trú có nguyện vọng và thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp có nơi cư trú hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam có đề nghị cho người lưu trú được lưu trú tại đó, thì người lưu trú viết đơn theo Mẫu số 04 và thân nhân (hoặc người đại diện hợp pháp của người lưu trú) phải có đơn đề nghị theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; đơn phải viết bằng tiếng Việt hoặc được dịch ra tiếng Việt gửi cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ thi hành án và Tòa án đã ra quyết định thi hành án (đối với người lưu trú thi hành án phạt trục xuất) hoặc gửi đến cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú (đối với người lưu trú là người nước ngoài chấp hành xong án phạt tù đang chờ làm thủ tục xuất cảnh) hoặc gửi cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ đề nghị trục xuất (đối với người lưu trú là người bị áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính là trục xuất) để xem xét, quyết định.

2. Không xem xét giải quyết các trường hợp người lưu trú thuộc điểm a, d, đ, e khoản 3 Điều 30 Nghị định số 112/2013/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất; điểm b, d, đ, e khoản 2 Điều 121 Luật Thi hành án hình sự hoặc người lưu trú vi phạm pháp luật, bị các cơ quan chức năng Việt Nam hoặc nước ngoài đang điều tra, truy nã hoặc có văn bản đề nghị chưa cho ra khỏi cơ sở lưu trú.

3. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được đơn đề nghị, Thủ trưởng các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều này phải quyết định việc cho hay không cho người lưu trú thay đổi nơi lưu trú và phải thông báo bằng văn bản cho người có đơn đề nghị; trường hợp đồng ý cho người lưu trú thay đổi nơi lưu trú phải thông báo bằng văn bản cho cơ sở lưu trú, Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi người lưu trú đến lưu trú và các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này. Trong quá trình lưu trú, có căn cứ cho rằng người lưu trú buộc phải lưu trú tại cơ sở lưu trú của Bộ Công an thì Thủ trưởng các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều này phải quyết định thay đổi nơi lưu trú, buộc người lưu trú quay lại lưu trú tại cơ sở lưu trú.

Sau khi cho phép người lưu trú thay đổi nơi lưu trú thì thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp phải có tránh nhiệm đưa người lưu trú đến Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã báo cáo việc người lưu trú đến lưu trú trong thời gian chờ xuất cảnh.

4. Trường hợp người lưu trú là người nước ngoài chấp hành xong án phạt tù còn phải thực hiện bồi thường dân sự, nộp các khoản tiền, tài sản theo quyết định của Tòa án thì người lưu trú ngoài đơn đề nghị phải có đơn cam kết thực hiện việc bồi thường các khoản tiền, tài sản nêu trên; đồng thời, thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của họ ngoài đơn đề nghị phải làm thủ tục bảo lãnh đối với người lưu trú về việc thực hiện nghĩa vụ bồi thường dân sự, nộp các khoản tiền, tài sản thay cho người người lưu trú theo quy định của pháp luật dân sự nếu người lưu trú không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ bồi thường dân sự, nộp các khoản tiền, tài sản theo cam kết hoặc bỏ trốn.

Điều 18. Giải quyết các vấn đề người lưu trú không có khả năng bồi thường, nộp các khoản tiền, tài sản theo quyết định của Tòa án

Đối với trường hợp người lưu trú không có khả năng bồi thường, nộp các khoản tiền, tài sản theo quyết định của Tòa án thì sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 19. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 6 năm 2020. Điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, các điều khoản và quy định sau đây:

1. Thay thế Nghị định số 09/2012/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ quy định về tổ chức quản lý và các chế độ đối với người lưu trú trong thời gian chờ xuất cảnh theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.

2. Bãi bỏ Điều 31 Nghị định số 112/2013/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất.

3. Điều 32 và khoản 1 Điều 33 Nghị định số 112/2013/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất không điều chỉnh đối tượng người nước ngoài bị áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính là trục xuất lưu trú tại cơ sở lưu trú của Bộ Công an.

Điều 20. Điều khoản chuyển tiếp

1. Việc tổ chức quản lý và các chế độ đối với người lưu trú tại cơ sở lưu trú trong thời gian chờ xuất cảnh trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 09/2012/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ quy định về tổ chức quản lý và các chế độ đối với người lưu trú trong thời gian chờ xuất cảnh theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và Nghị định số 112/2013/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất.

2. Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, các trường hợp đang được giải quyết theo quy định tại Nghị định số 09/2012/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ quy định về tổ chức quản lý và các chế độ đối với người lưu trú trong thời gian chờ xuất cảnh theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và Nghị định số 112/2013/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất thì áp dụng quy định của Nghị định này để giải quyết.

Điều 21. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng Bộ Công an chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị định này. Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tổ chức quản lý và thực hiện các chế độ đối với người lưu trú tại cơ sở lưu trú; bàn giao người lưu trú khi có yêu cầu; đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan đảm bảo việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người lưu trú.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.//


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, NC(3b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

PHỤ LỤC

(Kèm theo Nghị định số: 65/2020/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ)

Mẫu số 01

Đơn xin thăm gặp người lưu trú

Mẫu số 02

Đơn xin gặp thân nhân tại phòng riêng

Mẫu số 03

Đơn xin nhận tử thi, hài cốt, tro cốt

Mẫu số 04

Đơn xin thay đổi nơi lưu trú

Mẫu số 05

Đơn đề nghị cho người lưu trú được thay đổi nơi lưu trú

Mẫu số 01

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

ĐƠN XIN THĂM GẶP NGƯỜI LƯU TRÚ

Kính gửi: (1) …………………………

Tên tôi là: .................................................................... ; nam/nữ: ......................................

Sinh ngày: .................................................................. ; quốc tịch: ...................................

Hộ chiếu/CMND/Thẻ CCCD số: .......................................................................................... ;
cấp ngày: ………………………………………..; nơi cấp: .......................................................

Nơi ĐKTT: .........................................................................................................................

Chỗ ở hiện nay: .................................................................................................................

Nghề nghiệp/nơi làm việc: .................................................................................................

Xin thăm gặp người lưu trú có lai lịch như sau:

Họ và tên: …………………………; nam/nữ: ……………………; sinh ngày: ……………………..

Họ tên khác: ............................................................... ; quốc tịch: ...................................

Hộ chiếu/CMND/Thẻ CCCD số: .......................................................................................... ;
cấp ngày: …………………………………………; nơi cấp: ......................................................

Nơi ĐKTT: .........................................................................................................................

Ngày vào cơ sở lưu trú: …………………………..; theo Quyết định số: .................................. ;
ngày: …………… của ……………..; lý do đưa vào cơ sở lưu trú: ………………………………...

Quan hệ với người lưu trú: .................................................................................................

Lý do thăm gặp: ................................................................................................................

Những người cùng đi thăm gặp người lưu trú (ghi rõ họ tên; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; thông tin hộ chiếu/CMND/Thẻ CCCD; nơi ĐKTT; mối quan hệ với người lưu trú):

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

Tôi cam đoan chấp hành các quy định của pháp luật, Nội quy cơ sở lưu trú, Nội quy nhà thăm gặp và tuân thủ hướng của cán bộ cơ sở lưu trú./.


XÁC NHẬN
(2)
(Ký, đóng dấu, ghi rõ họ tên)

….., ngày … tháng … năm ….
NGƯỜI LÀM ĐƠN
(Ký, ghi rõ họ tên)

Ghi chú:

1. Tên cơ sở lưu trú.

2. Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam nơi làm việc (đối với người đến thăm gặp là người nước ngoài);

- Cơ quan lập hồ sơ đưa người lưu trú vào cơ sở lưu trú (đối với người đến thăm gặp là người nước ngoài nhưng nước mà họ mang quốc tịch không có cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự tại Việt Nam);

- Công an hoặc UBND cấp xã nơi cư trú (đối với người đến thăm gặp là người Việt Nam).

Mẫu số 02

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

ĐƠN XIN GẶP THÂN NHÂN TẠI PHÒNG RIÊNG

Kính gửi: (1) ……………………….

Tên tôi là: (2) …………………; nam/nữ: ………………….; sinh ngày: .....................................

Họ tên khác: ......................................................... ; quốc tịch: .........................................

Hộ chiếu/CMND/Thẻ CCCD số: .......................................................................................... ;
cấp ngày: ……………………………………..; nơi cấp: ...........................................................

Nơi ĐKTT: .........................................................................................................................

(3) Ngày vào cơ sở lưu trú: …………………; theo Quyết định số: ……………………………….;
ngày: ………….. của ……………………………….; lý do đưa vào cơ sở lưu trú: ……………….

Xin được gặp tại phòng riêng của cơ sở lưu trú với vợ (hoặc chồng) là:

Họ và tên: …………………; sinh ngày: ……………….; quốc tịch: ………………………………..

Hộ chiếu/CMND/Thẻ CCCD số: .......................................................................................... ;
cấp ngày: ………………………………………; nơi cấp: .........................................................

Nơi ĐKTT: .........................................................................................................................

Tôi xin cam kết (4):

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................


Ý KIẾN CỦA TRƯỞNG CƠ SỞ LƯU TRÚ

….., ngày … tháng … năm ….
NGƯỜI LÀM ĐƠN
(Ký, ghi rõ họ tên)

Ghi chú:

1. Tên cơ sở lưu trú.

2. Người lưu trú hoặc vợ (hoặc chồng) người lưu trú.

3. Người viết đơn là người lưu trú phải viết nội dung này.

4. Nội dung cam kết: chấp hành các quy định của pháp luật, nội quy cơ sở lưu trú, nội quy nhà thăm gặp; thực hiện phòng, chống bệnh truyền nhiễm, các quy định của pháp luật về dân số, kế hoạch hóa gia đình; người lưu trú là nữ phải sử dụng biện pháp tránh thai và cam kết không mang thai.

Mẫu số 03

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

ĐƠN XIN NHẬN TỬ THI, HÀI CỐT, TRO CỐT

Kính gửi: (1) ………………………..

Tên tôi là: .............................................................. ; nam/nữ: ............................................

Sinh ngày: ............................................................ ; quốc tịch: .........................................

Hộ chiếu/CMND/Thẻ CCCD số: ……………………….; cấp ngày: ………………………………..;
nơi cấp: ............................................................................................................................

Nơi ĐKTT: .........................................................................................................................

Chỗ ở hiện nay: .................................................................................................................

Nghề nghiệp/nơi làm việc: .................................................................................................

Quan hệ (2): ……………………………… người lưu trú (hoặc con của người lưu trú ở cùng cha, mẹ tại cơ sở lưu trú) có lai lịch như sau:

Họ và tên: …………………….; nam/nữ: ……………………; sinh ngày: ………………………….

Họ tên khác: ………………………….; quốc tịch: ..................................................................

Hộ chiếu/CMND/Thẻ CCCD số: ……………………….; cấp ngày: ………………………………..;
nơi cấp: ............................................................................................................................

Nơi ĐKTT: .........................................................................................................................

Ngày vào cơ sở lưu trú: ………………………………..; theo Quyết định số: ……………………...; ngày:………….. của ……………; lý do đưa vào cơ sở lưu trú: ………………………………….. đã chết hồi .... giờ ... ngày...tháng...năm.... tại………………; nguyên nhân, lý do chết: ………………………

Tôi xin nhận tử thi (hài cốt, tro cốt) người lưu trú (hoặc con của người lưu trú ở cùng cha, mẹ chết tại cơ sở lưu trú): ………………………… về an táng tại: ..................................................................................

Tôi xin cam kết (3): ............................................................................................................

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

Đề nghị quý cơ quan quản lý xem xét, giải quyết./.


XÁC NHẬN (4)
(Ký, đóng dấu, ghi rõ họ tên)

….., ngày … tháng … năm ….
NGƯỜI LÀM ĐƠN
(Ký, ghi rõ họ tên)

Ý KIẾN CỦA UBND XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN (5)
(Ký, đóng dấu, ghi rõ họ tên)

Ghi chú:

1. Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ thi hành án, Tòa án đã ra quyết định thi hành án (đối với người lưu trú thi hành án phạt trục xuất).

- Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú (đối với người lưu trú là người nước ngoài chấp hành xong án phạt tù);

- Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ đề nghị trục xuất (đối với người lưu trú là người bị áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính là trục xuất);

- Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi an táng người lưu trú (trường hợp xin nhận hài cốt người lưu trú).

2. Ghi rõ mối quan hệ với người lưu trú (hoặc con của người lưu trú ở cùng cha, mẹ tại cơ sở lưu trú).

3. Nội dung cam kết: chấp hành các quy định của pháp luật, không kiến nghị, khiếu nại sau khi nhận tử thi (hài cốt, tro cốt), bảo đảm các yêu cầu về an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường và tự chịu mọi chi phí.

4. Cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam nơi làm việc (đối với người xin nhận tử thi/hài cốt/tro cốt là người nước ngoài; nếu không có các cơ quan trên thì không phải xác nhận).

Công an hoặc UBND cấp xã nơi cư trú (người xin nhận tử thi/hài cốt/tro cốt là người Việt Nam).

5. Ý kiến của UBND cấp xã nơi an táng (nếu an táng tử thi/hài cốt/tro cốt người lưu trú tại lãnh thổ Việt Nam).

Mẫu số 04

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

ĐƠN XIN THAY ĐỔI NƠI LƯU TRÚ

Kính gửi: (1) ……………………….

Tên tôi là: …………………………………….; nam/nữ:.............................................................

Sinh ngày: ……………………………………; quốc tịch: .........................................................

Hộ chiếu/CMND/Thẻ CCCD số: ………………………..; cấp ngày: ......................................... ;
nơi cấp: ...........................................................................................................

Nơi ĐKTT: .........................................................................................................................

Ngày vào cơ sở lưu trú: …………………………; theo Quyết định số: ……………………………; ngày:………………………..của ……………………………; lý do đưa vào cơ sở lưu trú:………………………………………………………………………………………

Căn cứ Luật Thi hành án hình sự; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Nghị định số ………./2020/NĐ-CP ngày ...tháng...năm... của Chính phủ quy định về tổ chức quản lý và các chế độ đối với người lưu trú tại cơ sở lưu trú trong thời gian chờ xuất cảnh; Nghị định số 112/2013/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất.

Tôi xin đề nghị được thay đổi nơi lưu trú, đến lưu trú tại: ...............................................
là nơi cư trú hợp pháp của ông (bà): ………………………..; sinh ngày: ………………….
quốc tịch: .........................................................................................................................

Hộ chiếu/CMND/Thẻ CCCD số: ..................................................................................... ;
cấp ngày: ……………………………………..; nơi cấp: .....................................................

Mối quan hệ với người cho lưu trú: ..................................................................................

Lý do xin thay đổi nơi lưu trú: ...........................................................................................

Cam kết khi được thay đổi nơi lưu trú (2): ........................................................................

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

Đề nghị quý cơ quan quản lý xem xét, giải quyết./.


XÁC NHẬN CỦA CƠ SỞ LƯU TRÚ
(Ký, đóng dấu, ghi rõ họ tên)

….., ngày … tháng … năm ….
NGƯỜI LÀM ĐƠN
(Ký, ghi rõ họ tên)

Ý KIẾN CỦA CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN (1)

Ghi chú:

1. Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ thi hành án, Tòa án đã ra quyết định thi hành án (đối với người lưu trú thi hành án phạt trục xuất).

- Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú (đối với người lưu trú là người nước ngoài chấp hành xong án phạt tù).

- Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ đề nghị trục xuất (đối với người lưu trú là người bị áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính là trục xuất).

2. Nội dung cam kết: Chấp hành các yêu cầu, quyết định của các cơ quan tại mục (1); tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, các quy định của chính quyền địa phương nơi đến cư trú; cam kết không tự thay đổi nơi lưu trú và thực hiện trách nhiệm bồi thường, nộp các khoản tiền, tài sản theo quyết định của Tòa án (nếu có).

Mẫu số 05

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

ĐƠN ĐỀ NGHỊ CHO NGƯỜI LƯU TRÚ ĐƯỢC THAY ĐỔI NƠI LƯU TRÚ

Kính gửi: (1) …………………………

Tên tôi là: …………………………………; nam/nữ: ................................................................

Sinh ngày: ………………………………..; quốc tịch: ..............................................................

Hộ chiếu/CMND/Thẻ CCCD số: ……………………….; cấp ngày: ....................................... ;
nơi cấp: ............................................................................................................................

Nơi ĐKTT: .........................................................................................................................

Chỗ ở hiện nay: .................................................................................................................

Nghề nghiệp/nơi làm việc: .................................................................................................

Mối quan hệ (2): ………………………………………………….người lưu trú có lai lịch như sau:

Họ và tên: ………………….; nam/nữ: ……………..; sinh ngày: …………………………………..

Họ tên khác: ………………………………………; quốc tịch: ...................................................

Hộ chiếu/CMND/Thẻ CCCD số: ……………………..; cấp ngày: ............................................ ;
nơi cấp: ............................................................................................................................

Nơi ĐKTT: .........................................................................................................................

Ngày vào cơ sở lưu trú: ………………………; theo Quyết định số: ....................................... ;
ngày: ………….. của …………….; lý do đưa vào cơ sở lưu trú: ...........................................

Căn cứ Luật Thi hành án hình sự; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Nghị định số ………/2020/NĐ-CP ngày ...tháng...năm... của Chính phủ quy định về tổ chức quản lý và các chế độ đối với người lưu trú tại cơ sở lưu trú trong thời gian chờ xuất cảnh; Nghị định số 112/2013/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất;

Tôi xin đề nghị cho người lưu trú ………………. được thay đổi nơi lưu trú, đến lưu trú tại nơi cư trú của tôi, tại địa chỉ: ………………………… lý do đề nghị: ………………………………………

Cam kết khi người lưu trú được thay đổi nơi lưu trú (3):.......................................................

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

Đề nghị quý cơ quan quản lý xem xét, giải quyết./.


XÁC NHẬN (4)
(Ký, đóng dấu, ghi rõ họ tên)

….., ngày … tháng … năm ….
NGƯỜI LÀM ĐƠN
(Ký, ghi rõ họ tên)

XÁC NHẬN CỦA CÔNG AN HOẶC UBND XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
NƠI NGƯỜI LƯU TRÚ ĐẾN LƯU TRÚ
(Ký, đóng dấu, ghi rõ họ tên)

Ý KIẾN CỦA CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN (1)

Ghi chú:

1. Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ thi hành án, Tòa án đã ra quyết định thi hành án (đối với người lưu trú thi hành án phạt trục xuất).

- Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú (đối với người lưu trú là người nước ngoài chấp hành xong án phạt tù);

- Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ đề nghị trục xuất (đối với người lưu trú là người bị áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính là trục xuất).

2. Ghi rõ mối quan hệ với người lưu trú.

3. Nội dung cam kết: Chấp hành các yêu cầu, quyết định của các cơ quan tại mục (1); tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, các quy định của chính quyền địa phương nơi cư trú; có trách nhiệm yêu cầu người lưu trú thực hiện các nội dung đã cam kết khi đề nghị thay đổi nơi lưu trú; đưa người lưu trú đến Công an hoặc UBND cấp xã báo cáo việc đến lưu trú trong thời gian chờ xuất cảnh; thực hiện việc bảo lãnh liên quan đến người lưu trú (nếu có).

4. Cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam nơi làm việc (trường hợp người nước ngoài);

- Cơ quan lập hồ sơ đưa người lưu trú vào cơ sở lưu trú (trường hợp người nước ngoài nhưng nước mà họ mang quốc tịch không có cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự tại Việt Nam);

- Công an hoặc UBND cấp xã nơi cư trú (trường hợp người người Việt Nam).

THE GOVERNMENT
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No. 65/2020/ND-CP

Hanoi, June 10, 2020

 

DECREE

ON MANAGEMENT AND REGIMES FOR PERSONS STAYING IN ACCOMMODATIONS PENDING THEIR EXIT

Pursuant to the Law on Organization of the Government dated June 19, 2015;

Pursuant to the Law on Execution of Criminal Judgments dated June 14, 2019;

Pursuant to the Law on Penalties for Administrative Violations dated June 20, 2012;

Pursuant to the Law on Entry, Exit, Transit, and Stay of Foreigners in Vietnam dated June 16, 2014;

Pursuant to the Law on amendments to the Law on Entry, Exit, Transit, and Stay of Foreigners in Vietnam dated November 25, 2019;

At the proposal of the Minister of Public Security,

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

This Decree provide guidelines for the management of and regimes (including meals, clothes, lodging, daily living, communication, visit, gift receipt, healthcare, burial cost) for persons who are subject to the expulsion sentence, foreigners who face administrative penalty of deportation, and foreigners who have completely served  imprisonment sentences at accommodation establishments of the Ministry of Public Security pending the completion of exit procedures (hereinafter referred to as persons in stay).

Article 2. Regulated entities

This Decree applies to persons in stay; agencies, organizations and individuals relating to the management of and assurance of regimes for persons in stay.  In a case where a treaty to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory otherwise provides for, such treaty prevails.

Article 3. Funding

Funds for investment in building facilities, equipment, and implementation of regimes for persons in stay shall be set aside and covered by the annual budget estimates of the Ministry of Public Security.

Chapter II

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 4. Management of persons in stay

1. Persons in stay shall dwell at accommodation establishments and submit to the management and supervision of these establishments, and be informed of the internal regulation of the accommodation establishment and regulations and laws on management and implementation of regimes for persons in stay. The accommodation establishment shall receive persons who are taken into the accommodation establishment and dispatch them out of the accommodation establishment as per the law and regulations of the Ministry of Public Security.

The accommodation establishment shall implement provisions on guard, escort, and supervision of persons in stay during their accommodation; plan and initiate protective measures in the accommodation establishment; cooperate in searching persons in stay escaping the accommodation establishment; check letters, parcels, cash, valuable papers, and belongings of persons in stay in order to discover, prevent and take actions against prohibited items brought into the accommodation establishment; receive and reply requests for provision of information about the accommodation establishment, persons in stay, and preserve documentation about the persons in stay as per the law.

2. The Ministry of Public Security shall further specify internal regulations of accommodation establishments and procedures for receiving persons who are taken into the accommodation establishment and dispatching them out of the accommodation establishment.

Article 5. Actions against persons in stay violating internal regulations of accommodation establishment

1. If a person in stay violates internal regulations of the accommodation establishment, protests or refuses to observe instructions of an accommodation establishment officer, a record on such violation must be taken with confirmation of a witness and the accommodation establishment officer shall, dependent on nature and severity of the violation, explain regulations and laws on management and regimes for persons in stay to the violator and require him/her to observe the internal regulations or instructions; where appropriate, the accommodation establishment officer shall use permitted measures by law to force and isolate the violator in a separate room, suppress the protest, prevent the violator from escaping, hurting himself/herself, other persons in stay or accommodation establishment officers, or doing deliberate damage to the assets of the accommodation establishment. The head of accommodation establishment shall decide the duration for which the violator has been kept in a separate room.

After that, the accommodation establishment shall promptly notify the criminal enforcement agency affiliated to the police department of province where the accommodation establishment is based in order for that criminal enforcement agency to notify the criminal enforcement agency of province which prepared the judgment execution dossier or the sentencing court (if the violator has been serving an expulsion sentence) or Immigration Department or Director of police department of province which filed a request for expulsion (if the violator has been facing an administrative penalty as deportation) for cooperation, handling and notice to the Ministry of Foreign Affairs so as to notify the diplomatic missions, consular offices of the country of which that violator is a national or representative office of an international organization in Vietnam where he or she works; and the criminal enforcement agency of province where the accommodation establishment is based shall notify the violator’s relatives and legal representatives who are living in Vietnam (if any) for cooperative encouragement, education and management of the violator.

2. If such violation of the person in stay shows any sign of crime, the accommodation establishment shall notify the competent investigation body as soon as possible for bringing a charge, investigating and taking further actions as per the law. Whilst awaiting further decisions of the competent presiding agencies, the accommodation establishment shall supervise the violator closely, prevent him/her from escaping, committing suicide or violating other internal regulations of the accommodation establishment. Furthermore, the accommodation establishment shall notify the criminal enforcement agency of province where it is based to inform the authorities in clause 1 for further actions.

Article 6. Lodging regime for persons in stay

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Persons who suffer infectious diseases group A and certain infectious diseases group B as specified in the law on prevention and control of infectious diseases and persons who suffer mental illness or another disease and unable to perceive or control their acts must be arranged in isolated rooms.

Article 7. Regimes on meals and clothes for persons in stay

1. The monthly food ration for a person in stay is calculated as follows: 17 kg of ordinary rice; 15 kg of vegetables; 1.0 kg of meat, 1.0 kg of fish, 0.5 kg of sugar; 0.75 liter of fish sauce; 0.2 liter of cooking oil; 0.1 kg of monosodium glutamate; 0.5 kg of salt; other spices: equivalent to 0.5 kg of ordinary rice; fuel: equivalent to 17 kg of firewood or 15 kg of coal; food and fuel must meet quality requirements and with prices of average market prices in the local areas. On public holidays as prescribed by the Vietnamese State and 1 day of lunar new year and 1 day of National Day of the country which the person in stay takes nationality, persons in stay may have more food but the total food ration must not exceed 5 times the daily food ration.  Accommodation establishments may change the above food norms in conformity of practical conditions to ensure that persons in stay eat up their rations.

2. In addition to provided rations in clause 1, persons in stay may use their gifts and money to buy more food in accordance with regulations of accommodation establishments.

4. Regime on meals for sick persons in stay shall be decided by the head as directed by health workers. A female person in stay during their pregnancy, childbirth or raising kids under 36 months of age may receive food ration double the daily food ration prescribed in clause 1 and may be swapped as directed by a physician assistant or doctor.

5. Persons in stay may bring into accommodation establishments their essential personal articles for use under regulations of the Ministry of Public Security. A person in stay who lacks clothes may, depending on his/her stay duration and weather by season, be provided with one or two sets of clothes of ordinary fabric.

Article 8. Physical training, sports and cultural performance activities of persons in stay

Persons in stay may have healthy physical training, sports and cultural performance activities, reading books, newspaper, listening to radio, watching television depending on the conditions of the  accommodation establishment. The accommodation establishment shall be equipped with an internal public address system; each room shall be equipped with 1 television set and persons in stay may borrow books and newspaper of the accommodation establishment. The timetable for physical training, sports and cultural performance activities, watching television and listening to the radio shall be stipulated in the internal regulations of the accommodation establishment.

Article 9. Regime of communications for persons in stay

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The communications of a person in stay is stipulated as follows:

a) The person in stay may send 4 letters every month. If a person in stay who has been investigated with respect to an offense or regarding other criminal cases is subject to a request for scrutiny of any letter which that person sends or receives made by the authority in charge of the case so as to prevent that person from exchanging information with other people which possibly prejudices the investigation process, the head of the accommodation establishment shall, before making a decision, seek consultation from the authority in charge of the case whether or not allow such person to receive or send any letter. If the head of accommodation establishment decides not to allow that person to receive or send a letter, he/she shall take a record and provide specific reasons, and then notify such person in stay and relatives thereof.

b) The accommodation establishment shall cooperate with local post and telecommunications authority to install a fixed telephone, wired or wireless, and allow the persons in stay to make domestic calls, 4 times a month, not exceeding 10 minutes for each call. In an urgent circumstance, according to a written explanation of the person in stay, the head of accommodation establishment may consider allowing that person to make a phone call not up to 10 minutes. When making a phone call, the person in stay must dial the number and exchange information as registered. The head of accommodation establishment shall assign a supervisor to supervise the information exchanged between the person in stay and recipient; the supervisor shall stop the call if any content exchanged goes beyond the registered content and then provide explanation for the person in stay; a record shall be taken if necessary. The phone call shall be charged as the same as the post and telecommunications authority and at the expense of the person in stay in form of delayed payment or other sponsorship with the consent of the head of accommodation establishment.

If a person in stay who has been investigated with respect to an offense or regarding other criminal cases is subject to a request for scrutiny of any phone call which that person makes or receives made by the authority in charge of the case so as to prevent that person from exchanging information with other people which possibly prejudices the investigation process, the head of the accommodation establishment shall, before allowing that person to make or receive such phone call, cooperate with the authority in charge of the case in supervising that person. When the person in stay exchanges any information deemed prejudicing the investigation process, the head of accommodation establishment shall, with the consent of the authority in charge of the case, stop the phone call, take a record, provide specific reasons, and then notify that person in stays and the visitor.

Article 10. Regime of visiting persons in stay

1. Persons in stay may meet their relatives or their lawful representatives at visiting rooms of accommodation establishments.  Once a week, each visit may last no more than 2 hours. If a representative of Vietnamese agency or Vietnamese individual requests to meet a person in stay, the head of accommodation establishment shall consider making a decision, taking account of legitimate interests of the person of stay, the management requirements and crime prevention and control.

Persons in stay who well observe regulations of accommodation establishments may meet their spouses in separate rooms of accommodation establishments once a week for no more than 24 (twenty-four) hours once. A person in stay who has committed internal regulations of the accommodation establishment may only meet relative once a month for no more than 1 hour.

If a person in stay who has been investigated with respect to an offense or regarding other criminal cases is subject to a request for refusal to any visit or strict supervision of any visit made by the authority in charge of the case, the head of accommodation establishment shall comply with that request and provide explanation for the visitor and the person in stay.

2. Relatives allowed to visit the person in stay: paternal grandparents; maternal grandparents; parents; parents-in-law; legal adoptive parents; spouse; daughters/sons, daughters/sons-in-law, legal adoptive daughters/sons; natural brothers/sisters; brothers/sisters-in-law; uncles, aunts, nephews/nieces. Only 3 relatives or fewer are allowed in a visit; more but up to 5 persons are only allowed in exceptional cases with the consent of the head of accommodation establishment and the peace and safety of the accommodation establishment must not be disturbed.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) When wishing to visit a person in stay, his/her relative or lawful representative shall file a written request for permission in Vietnamese or translated into Vietnamese using the Form No. 1 in Annex hereto appended and present a passport, ID card or another identity paper to ensure the proper visit.

b) With regard to the person in stay who may meet the spouse in a separate room in clause 1, he/she must both meet the requirements in point a clause 3 and have a document proving that the visitor is his/her spouse, which bears certification of the diplomatic mission or consular office of the country which that person takes nationality or the representative body of the international organization in Vietnam where he/she works, or the People’s Committee of commune where he/she resides (if the spouse is a Vietnamese); or the person in stay and his/her spouse must file a written request for permission of visit in separate room using Form No. 2 of Annex hereto appended to the head of accommodation establishment for consideration.

c) A visit mentioned above shall be subject to discretion of the head of accommodation establishment dependent on the conditions and working hours of the accommodation establishment, and limited number of visits in clause 1.

4. Procedures for consular visit and contact:

a) Where a diplomatic mission, consular office of a country wishes to take a consular visit and contact with a person in stay taking the nationality of that country in an accommodation establishment, it must send such a request to the Ministry of Foreign Affairs. Content of the above-said request: name of the diplomatic mission, consular office; full name and nationality of the person in stay receiving consular visit and contact; the accommodation establishment where that person stays; full name, position, diplomatic or consular identity card of the visitor; full name, ID card of the interpreter (if any); the proposed date and time for consular visit and contact.

b) 3 working days after receiving such a request, the Ministry of Foreign Affairs shall notify the criminal enforcement agency of province where the accommodation establishment is based. 5 working days after receiving such a notice, the criminal enforcement agency shall reply in writing to the Ministry of Foreign Affairs in order to notify the foreign diplomatic mission or consular office which made such a request for consular visit and contact.

5. When the visit and contact occurs, the person in stay may receive letters, cash, articles, except for the things prohibited in the internal regulations of the accommodation establishment; the accommodation establishment shall check all the things mentioned above before they are brought into the establishment. The management and use of cash and articles by persons in stay are complied with Article 11 of this Decree.

6. Visitors shall strictly observe the Vietnamese law and internal rules of visiting rooms and instructions of the accommodation establishment officers.

Article 11. Management of assets of persons in stay

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 12. Medical examination and treatment for persons in stay

1. A sick or injured person in stay may receive medical examination and treatment at the health facility of the accommodation establishment. A person in stay whose serious illness is beyond the medical treatment capacity of accommodation establishment may be referred to superior health facility, which is a hospital of district, province or military zone for treatment.  The meal, medicine dispensation, and nutrition regime for such person shall be prescribed by the health facility based on his/her pathological signs and severity of the illness; Monthly medicine expenses for each person in stay are equivalent to 3 kg of ordinary rice/1 person/1 month. In case an ill person in stay wishes to be referred to an establishment providing on-demand medical examination and treatment, he/she must be permitted by the accommodation establishment and bear all medical examination and treatment expenses by himself/herself.

The accommodation establishment must notify the criminal enforcement agency of province where it is based of the referral of the person in stay to the superior health facility in order to notify the authorities in clause 1 Article 5 and relatives and legal representatives in Vietnam of that person (if any).

The cost incurred in medical examination and treatment for the person in stay shall be covered by the state. If the medical treatment of the person in stay requires high techniques and expenses which exceed medical treatment expense norms prescribed for him/her, he/she must bear these expenses by himself/herself.

2. A pregnant person in stay may, during her pregnancy, receive regular or irregular prenatal check-ups and receive healthcare where necessary; when she is expected to give birth, the accommodation establishment shall take her to the state-run health facility to give birth and supply things necessary for newborn equivalent to the meal regime in 1 month of children under 36 months of age as prescribed in Article 13. After giving birth, if that person in stay wishes to make birth registration for her newborn, the accommodation establishment shall do so as per the law of Vietnam. The cost incurred in healthcare provided for that female during her pregnancy and childbirth at the health facility shall be covered by the state.

3. Accommodation establishments shall coordinate with hospitals and criminal judgment enforcement agencies of provincial-level police departments in localities where they are based in managing persons in stay during their medical treatment or childbirths at hospital.

Article 13. Regimes for children of persons in stay living with their parents at accommodation establishments

1. Based on practical conditions, under-16 children of persons in stay who live with their parents at accommodation establishments may be provided with lying space in the same room with their parents according to characteristics of their age and gender.  Regimes on meals, clothes, lodging, healthcare and burial expenses (in case of death) for these children are the same as those applicable to persons in stay as per the law of Vietnam; on the International Children Day (June 1st), Mid-Autumn Festival, they may receive a double meal regime. A child under 36 months of age may further receive milk and necessary things equivalent to 20 kg of ordinary rice. According to the child’s age and practice circumstance, the accommodation establishment may adjust the food ration in conformity with the nutrition need of that child or convert to cash and keep it in the safe custody for the parents of that child.

2. A child who is 14 to under 16 years of age with gender different from their parent may be arranged in a room separate from their parent.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. In case a person in stay or his/her child who lives together with him/her at an accommodation establishment dies, the accommodation establishment must immediately notify such to the criminal enforcement agency, investigation agency and people's procuracy of province  where the accommodation establishment is based for identifying the cause of the death.  The criminal enforcement agency of province where it is located shall promptly notify, in writing or by fax, the authorities in clause 1 Article (that person in stay is a foreigner who has completely served the imprisonment sentence, the criminal enforcement agency of province is only required to notify the Ministry of Foreign Affairs) and notify the relative or lawful representative in Vietnam of such person (if any) for further actions. After obtaining consent of the competent authority, the criminal enforcement agency of province shall conduct a burial; the People’s Committee of commune where the burial takes place shall cooperate with the criminal enforcement agency in that burial. In case relatives or lawful representatives of the deceased petition in writing to receive the corpse for the burial, they shall bear the expenses as prescribed in Article 15.

2. Within 48 hours after completing the procedures specified in Clause 1, if no request for receiving the corpse is made, the criminal enforcement agency of province shall bury that corpse and burial cost shall be covered by the state budget, including: expenditures on 1 casket made of normal wood, 1 set of ordinary cloth, 4m2 shroud, incenses, candles, alcohol, and other costs equivalent to 100 kg of ordinary rice.

The accommodation establishment shall complete paperwork for death registration of foreigner in Vietnam as per the law.

Article 15. Settlement of petitions for receiving corpses, ashes and mortal remains of persons in stay or their children

1. If a person in stay dies or a child who resides with the person in stay dies and their relatives or legal representative make a petition for receiving the corpse for burial, within 48 hours since the completion of procedures in clause 1 Article 14, a petition in Vietnamese or translated into Vietnamese using Form No. 03 in the Annex hereto appended shall be sent to the criminal enforcement agency of province where the judgment execution dossier is prepared, the sentencing court (if the person in stay has served the expulsion sentence) or sent to the criminal enforcement agency of province where the accommodation establishment is based (if the person in stay is a foreigner who has completely served the imprisonment sentence pending the exit procedures) or sent to the Immigration Department or Director of Police of province where the request for deportation penalty was made (if the person in stay has faced a deportation as administrative penalty) for consideration.

2. Within 24 hours after receiving such a petition, the head of the authorities mentioned in clause 1 shall consider accepting it and notify in writing the petitioner, the criminal enforcement agency where the accommodation establishment is based (if the person in stay has served the expulsion sentence or the person in stay has faced a deportation as administrative penalty) and the authorities in clause 1 Article 5 whether or not the petition for receipt of the corpse is accepted with grounds for presuming that the receipt of the corpse possibly causes impact on the security, order and environment hygiene.

3. Within 24 hours after an approval for receipt of the corpse is notified, the authorities in clause 1, the accommodation establishment and the petitioner shall hand over the corpse and his/her cash and legal assets (if any) and make a record bearing the signature of the involved parties and witnesses; if the petitioner fails to receive the corpse within the time limit mentioned above, the relevant authorities shall be tasked to conduct a burial as prescribed in Article 14.

4. The receipt of mortal remains may only be permitted 3 years after the burial date. In case of incineration, the receipt of ash since the completion of incineration may be permitted. The person who requests to receive mortal remains or ashes must file a petition using form No. 03 of Annex hereto appended to the criminal enforcement agency of province where the burial takes place for consideration.

7 working days after receiving such a petition, the head of the criminal enforcement agency of province shall consider whether to accept it and notify in writing the criminal enforcement agency of province where the judgment execution dossier is prepared, the sentencing court (if the person in stay has served the expulsion sentence) or sent to the Immigration Department or Director of Police of province where the request for deportation penalty was made (if the person in stay has faced a deportation as administrative penalty) and the authorities in clause 1 Article 5 whether or not the petition for receipt of the corpse is accepted with grounds for presuming that the receipt of the corpse possibly causes impact on the security, order and environment hygiene.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 16. Settlement of cases in which persons in stay abscond

1. In case a person in stay who is subject to the expulsion sentence absconds, Article 122 of the Law on Execution of Criminal Judgments will be applied.

2. In case a foreigner who has completely served an imprisonment sentence and is staying at an accommodation establishment pending completion of exit procedures absconds, the accommodation establishment must immediately report such to the criminal enforcement agency of province where it is based for notification to the Ministry of Foreign Affairs for subsequent notification to the entities stated in Clause 1, Article 5 for search.

3. If the person in stay who has faced a deportation as administrative penalty absconds, the accommodation establishment shall take a record and promptly notify the enforcement agency of province where it is based for notification to the Immigration Department or Provincial Police which prepared a request for deportation for cooperative search and handling.

Article 17. Settlement of a request for change of accommodation associated with a person in stay

1. If a person in stay wishes to change his/her accommodation and his/her relative or legal representative has a legal residence in the territory of Vietnam and so requests to let the person in stay lives there, such person in stay shall file a request using form No. 04 and the relative (or legal representative) shall file a request using form No. 05 in Annex hereto appended; that request must be made in Vietnamese or translated into Vietnamese and filed to the criminal enforcement agency of province where the judgment execution dossier is prepared, the sentencing court (if the person in stay has served the expulsion sentence) or sent to the criminal enforcement agency of province where the accommodation establishment is based (if the person in stay is a foreigner who has completely served the imprisonment sentence pending the exit procedures) or sent to the Immigration Department or Director of Police of province where the request for deportation penalty was made (if the person in stay has faced a deportation as administrative penalty) for consideration.

2. Requests made by the persons in stay in points a, d, dd, e clause 3 Article 30 of Decree No. 112/2013/ND-CP dated October 2, 2013 and points b, d, dd, e clause 2 Article 121 of the Law on Criminal Judgment Enforcement or persons in stay who commit legal violations, are subject to investigation or wanted by Vietnamese or foreign authorities or requests for ban from leaving the accommodation establishments.

3. Within 15 working days after receiving such a request, the heads of the authorities in clause 1 shall consider accepting it and notify in writing the petitioner; in case of acceptance, a written notice shall be sent to the accommodation establishment, the People’s Committee or Police of commune where the person in stay comes to reside and the authorities in clause 1 Article 5. During accommodation period, where there are grounds for presuming that the person in stay is nevertheless required to live in the accommodation establishment of the Ministry of Public Security, the heads of the authorities in clause 1 shall decide to change the accommodation and force the person in stay to return to the original accommodation establishment.

After the request for change of accommodation is accepted, the relatives or legal representative shall take the person in stay to the People’s Committee or Police of commune to report his/her stay pending the exit.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 18. Settlement of issues when a person in stay unable to make restitution or make payments or submit property as required by the court

If a person in stay is unable to make restitution or make payments or submit property as required by the court, regulations of law on civil judgment enforcement shall apply.

Chapter III

IMPLEMENTATION

Article 19. Entry in force

This Decree comes into force as of June 15, 2020 and governs the following legislative documents and provisions:

1. Supersede Decree No. 09/2012/ND-CP dated February 17, 2012.

2. Repeal Article 31 of Decree No. 112/2013/ND-CP dated October 2, 2013.

3. Article 32 and clause 1 Article 33 of Decree No. 112/2013/ND-CP dated October 2, 2013 shall not regulate foreigners who have faced deportation as administrative penalty at the accommodation establishment of the Ministry of Public Security.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The management and regimes for persons in stay at accommodation establishments pending exit before the effective date of this Decree shall keep complying with Decree No. 09/2012/ND-CP dated February 17, 2012 and Decree No. 112/2013/ND-CP dated October 2, 2013.

2. The management and regimes for persons in stay at accommodation establishments pending exit under Decree No. 09/2012/ND-CP dated February 17, 2012 and Decree No. 112/2013/ND-CP dated October 2, 2013, since the effective date of this Decree, shall comply with this Decree.

Article 21. Responsibilities

1. The Minister of Public Security shall organize, guide, inspect and urge the implementation of this Decree. Direct police authorities of local governments to implement management and regimes for persons in stay at accommodation establishments; dispatch persons in stay upon request; and also cooperate with relevant agencies in ensuring the performance of rights and obligations of persons in stay.

2. Ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of Governmental agencies, and chairpersons of provincial-level People's Committees shall implement this Decree./.

 

 

ON BEHALF OF THE GOVERNMENT
PRIME MINISTER




Nguyen Xuan Phuc

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Decree No. 65/2020/ND-CP dated June 10, 2020 on management and regimes for persons staying in accommodations pending their exit

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.125

DMCA.com Protection Status
IP: 52.15.111.109
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!